Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Formosa Hà Tĩnh: Sự phản bội không thể chối cãi của Đảng CSVN

Sunday, October 9, 2016 // , ,
Formosa Hà Tĩnh: Sự phản bội không thể chối cãi của Đảng CSVN

Chủ Nhật, 10/09/2016 – 03:07 — Kami

Ngày 8/10/2016, truyền thông nhà nước đưa tin Tòa án Thị xã Kỳ Anh tuyên bố trả lại hơn 500 đơn kiện Formosa của các giáo dân xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, với lý do thiếu chứng cứ về thiệt hại và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1880 về việc bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh Bắc Trung bộ.
Một lần nữa, thảm họa môi trường biển miền Trung lại phơi bầy toàn bộ những sự thật phũ phàng trong việc quản trị đất nước của Đảng CSVN, đó là tình trạng “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Vì lợi nhuận và lợi ích của một bộ phận lãnh đạo trong đảng, người ta đã bất chấp tất cả, kể cả cuộc sống của dân chúng và tương lai của dân tộc này.
Nhìn trở lại sẽ thấy, trong quá trình đầu tư của Formosa Hà Tĩnh, nhà đầu tư Formosa không chỉ đã nhận được những ưu đãi vô cùng lớn, vô cùng bất thường từ nhà nước Việt nam. Đó là thủ tục cấp giấy phép đầu tư nhanh nhất, với các chính sách hỗ trợ ở mức cao nhất, thậm chí vượt khung quy định, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ.
Việc Chính phủ Việt Nam khi chưa điều tra, thống kê đầy đủ các thiệt hại mà đã vội vã chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý nhận số tiền 500 triệu USD từ thủ phạm là một sự rất đáng ngờ. Điều đó chỉ có thể là do có sự cấu kết, thông đồng giữa đại diện Nhà nước Việt Nam ở các cấp, các ngành theo một chủ trương và chính sách nhằm phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư Formosa, với mục đích tư lợi về mọi mặt, kể cả chính trị. Nếu như biết rằng đứng đằng sau dự án Formosa Hà Tĩnh là Tập đoàn Công ty Luyện kim Trung Quốc MCC (Metallurgical Corporation of China Ltd) dưới lớp vỏ Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, một doanh nghiệp kinh doanh hàng đầu của nhà nước của Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo của Chính phủ chiều 30/6/2016, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng“…Hy vọng nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng, thể hiện sự cao thượng đối với Formosa.”. Hay trước đó là phát biểu của ông Chu Xuân Phàm rằng: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”. Việc Chủ tịch HĐQT của Formosa đã không ngần ngại tuyên bố: “Trong bất kỳ tình huống nào, công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu, nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam”. Qua đó thì sẽ thấy, Formosa đã nắm đầu các quan chức Hà tĩnh nói riêng và ban lãnh đạo đảng CSVN nói chung đến mức nào?
Chính vì thế, ngay từ đầu người ta đã thấy trước cái kết của vụ việc sẽ là, Formosa Hà Tĩnh chỉ cần bỏ ra 5000 triệu USD trả cho nhà nước Việt nam, thì mọi chuyện sẽ được xếp lại và coi như không có gì xảy ra. Và điều đó đã được chứng minh, khi Formosa Hà Tĩnh khẳng định rằng, việc người dân Quỳnh lưu, Nghệ An khởi kiện Formosa là chuyện nội bộ của phía Việt Nam và họ không liên quan.
Mức bồi thường của Formosa chỉ vẻn vẹn có 500 triệu USD là quá thấp so với thiệt hại thực tế mà thảm họa do Formosa gây ra cho kinh tế, xã hội, đời sống và môi trường trên một diện rộng. Theo số liệu tính toán của các nhà khoa học, thì tổng số mức bồi thường của Formosa Hà tĩnh để khắc phục toàn diện có thể lên tới 1.000 tỷ USD. Nghĩa là gấp tới 20 lần mức mà Formosa Hà Tĩnh chấp nhận bồi thường.
Điều này đã được chúng minh khi vừa qua chính quyền Việt Nam thông báo sẽ sử dụng 3.000 trong tổng số 11.000 tỷ đồng (500 triệu USD) của Formosa bồi thường để đền bù cho sự thiệt hại của người dân tại 4 tỉnh miền Trung trong 6 tháng, từ tháng 4 – tháng 9/2016. Điều đó cũng có nghĩa là mức đền bù của Formosa được phía Việt Nam chấp nhận chưa đủ để đền bù cho sự thiệt hại của người dân tại 4 tỉnh miền Trung trong vòng 24 tháng và hoàn toàn chưa đề cập đến việc khôi phục môi trường biển đã bị tàn phá. Trong lúc theo dự báo của các nhà khoa học cho biết, hậu quả của thảm họa do Formosa Hà Tĩnh gây ra có thể kéo dài từ 50 đến 70 năm.
Chính vì thế, dư luận xã hội đã đặt câu hỏi: Vì sao nhà nước Việt nam lại dành cho Formosa những ưu đãi đặc biệt, dễ dãi như vậy và nhằm mục đích gì?
Hậu quả do thảm họa môi trường do Formosa Hà tĩnh gây ra, là thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là cuộc sống của hàng triệu người dân 4 tỉnh Miền Trung. Đây là điều không cần phải bàn cãi và cái đó khó có thể lấy gì để bù đắp nổi. Cuộc sống của người dân ở đây bây giờ lâm vào tình cảnh không có việc làm, phải chạy ăn từng bữa và cái đói, cái nghèo đang rập rình trước cửa mỗi gia đình.
Do vậy, việc người dân bức xúc và tiến hành các hành động về pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho mình, cũng như biểu tình phản đối Formosa cũng như các cấp chính quyền vô trách nhiệm là điều cần thiết để bảo vệ cuộc sống của chính họ và con cháu họ. Mục đích cuối cùng của họ là, yêu cầu Formosa Hà tĩnh phải có trách nhiệm trong việc tái thiết, bồi thường, đền bù do đã phá hủy sinh thái, môi trường sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh, kể cả du lịch ở 4 tỉnh miền Trung và thậm chí là phải đóng cửa nhà máy của Formosa Hà tĩnh nếu không hoàn thành trách nhiệm trong việc đền bù.
Tuy vậy, cách hành xử của nhà nước Việt Nam thì khác hoàn toàn, thay vì đồng tình với người dân để buộc formosa Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm trong việc đền bù thỏa đáng, thì họ đã làm ngược lại. Họ đứng đối diện với quyền lợi của người dân để bảo vệ và che chắn cho quyền lợi của Formosa. Họ vu cáo cho việc người dân biểu tình phản đối Formosa là do bị VT xúi dục, hay nhận tiền từ VT.
Một số hình ảnh cho thấy, các nhân viên cảnh sát cơ động đứng quanh lưng vào bức tường Formosa để che chắn cho kẻ tội phạm, thậm chí có các nhân viên cảnh sát vung dùi cui đánh đập người biểu tình trước của Formosa Hà Tĩnh ngày 2/10/2016. Cũng như các thông tin đang loan truyền trên mạng xã hội ngày hôm qua (8/10/2016) cho biết “Trong một động thái khác, các lực lượng cảnh sát cơ động từ Trung ương đã được tăng cường quanh khu vực nhà máy Formosa. Các hình ảnh từ địa phương cũng ghi nhân hàng rào kẽm gai, tường thành xung quanh Formosa đã được gia cố chuẩn bị cho những đợt biểu tình tiếp theo của người dân.”, thậm chí là “…hàng trăm cảnh sát cơ động với những chú chó nghiệp vụ mõm bị bịt kín diễn tập chống phản động trước cổng Formosa.” v.v…
Trước đây, Đảng CSVN thường tự hào rằng, họ là lực lượng chính trị “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Song qua việc xử lý các vấn đề xung quanh vụ việc Formasa Hà Tĩnh đã cho thấy, ban lãnh đạo Đảng CSVN hôm nay, đã chọn chỗ đứng bên phía Formosa – là thủ phạm cũng như kẻ thù của nhân dân miền Trung, để bảo vệ quyền lợi cho chúng.
Giờ đây, Đảng CSVN không chỉ quên nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người dân mà họ còn chống lại nhân dân. Điều đó cho thấy, Đảng CSVN đến nay đã quá suy thoái, cực kỳ thoái hóa và biến chất. Họ bây giờ chỉ biết bảo vệ quyền lợi cho các nhà tư bản, những người có khả năng làm căng hầu bao và các trương mục tại ngân hàng nước ngoài của cá nhân và gia đình họ mà thôi.
Còn đối với nhân dân thì họ để “sống chết mặc bay”.
Ngày 10/10/2016
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Trung Quốc : Cựu bí thư tỉnh ủy Vân Nam lãnh án tử hình

Thụy My
Đăng ngày 09-10-2016 
media
Cựu bí thư tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi (Bai Enpei).网络 DR
Theo AP và Reuters, cựu bí thư tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi (Bai Enpei) hôm nay 09/10/2016 đã bị tuyên án tử hình vì tội tham nhũng, nhưng được hoãn thi hành án hai năm. Đây là quan chức cao cấp mới nhất bị rơi rụng trong chiến dịch « đả hổ, diệt ruồi » của ông Tập Cận Bình.
Ông Bạch Ân Bồi, 70 tuổi, bí thư tỉnh ủy Vân Nam cho đến năm 2011 và trước đó là bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để trục lợi trên 247 triệu nhân dân tệ (37 triệu đô la).
Theo tòa án thành phố An Dương (Anyang) tỉnh Hà Nam, thì « Số tiền mà Bạch Ân Bồi nhận hối lộ là khổng lồ, tội trạng của ông ta hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội ».
Thông cáo cho biết, tòa quyết định tuyên án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án hai năm – mà tại Trung Quốc thường được chuyển thành án chung thân – vì ông Bạch Ân Bồi đã nhận tội và bày tỏ lòng ăn năn hối hận, và các tài sản bất hợp pháp đã được thu hồi toàn bộ.
Trung Quốc đang trong cơn lốc chống tham nhũng từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền cách đây bốn năm, nhưng dư luận cho rằng mục đích chủ yếu là nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị. Rất nhiều quan chức cao cấp đã vào tù, trong đó có cựu bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.

Kiểm soát quyền lực theo kiểu ‘đèn cù’?

Kiểm soát quyền lực theo kiểu ‘đèn cù’?
Image captionTiến sỹ Từ Huy cho rằng lý luận và đề xuất phương cách quản lý quyền lực của cựu quan chức lãnh đạo ngành tuyên huấn Việt Nam có vấn đề về logic mà bà gọi là ‘Đèn cù’
Quốc Phương BBC Việt ngữ
51 phút trước
Kiểm soát quyền lực luôn là trọng tâm của mọi nền chính trị dân chủ, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, điều quan trọng hàng đầu đối với chính quyền và đảng cộng sản lại là ‘duy trì và củng cố quyền lực của đảng’, theo ý kiến của một nhà nghiên cứu chính trị và quan sát thời sự Việt Nam từ Pháp.
Gần đây, một cựu quan chức lãnh đạo trong ngành tuyên giáo của Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có loạt bài trên truyền thông chính thống của nhà nước đề cập hàng loạt vấn đề từ quyền lực, cho tới tha hóa, kiểm soát quyền lực.
Đặc biệt về biện pháp kiểm soát quyền lực đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Vũ Ngọc Hoàng đề nghị: «Tổ chức đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực».
Trao đổi với BBC hôm 09/10/2016 từ Paris về quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy nêu nhận xét:
«Để bình luận giải pháp này, có lẽ phải mượn cách diễn đạt của nhà văn Trần Đĩnh, đó là một giải pháp «đèn cù». Ông Vũ Ngọc Hoàng lập luận theo logic sau : 1/ đảng cầm quyền do không có cơ chế kiểm soát quyền lực nên lạm quyền, dẫn tới bị tha hoá, và có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ chính trị ; 2/để ngăn chặn nguy cơ này cần phải có sự kiểm soát quyền lực; 3/ nhưng tổ chức đảng lại phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực… Logic ‘đèn cù’ là như sau: đảng cần bị kiểm soát, nhưng bản thân đảng lại làm nòng cốt trong việc kiểm soát đảng» và nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: «Vậy có kiểm soát nổi không?
Mời quý vị theo dõi sau đây toàn văn cuộc phỏng vấn thực hiện qua bút đàm của BBC với Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy:

‘Duy trì quyền lực’

BBC: Thưa Tiến sỹ, có ý kiến cho rằng quyền lực và kiểm soát quyền lực hiện đang là chủ đề trọng tâm trong chính trị của Việt Nam hiện nay, bà có đồng ý với quan điểm này không? Bà có nhận xét thế nào về chủ đề này?TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Kiểm soát quyền lực là trọng tâm của mọi nền chính trị dân chủ.
Còn ở Việt Nam, kể từ khi hình thành quốc gia, từ 1945, dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản, chưa bao giờ vấn đề kiểm soát quyền lực được chú ý và coi trọng với mức độ cần thiết. Trái lại, điều quan trọng hàng đầu đối với chính quyền cộng sản ở Việt Nam là củng cố và duy trì quyền lực của đảng, chứ không phải là kiểm soát quyền lực.
Ông Vũ Ngọc HoàngImage copyrightOTHER
Image captionÔng Vũ Ngọc Hoàng đề xuất tổ chức đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực.
Đặc biệt, từ sau ngày chiến tranh kết thúc, vấn đề củng cố và duy trì độc quyền lãnh đạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc quyền lực không bị kiểm soát, việc bằng mọi giá phải duy trì và bảo vệ độc quyền lãnh đạo của đảng, đã để lại những hậu quả tai hại về mọi mặt, trong đó có tham nhũng, dối trá, sự tàn phá môi trường…, và rất có thể, nếu dựa vào những làn khói bốc lên từ đồn đại về hội nghị Thành Đô, trong số các hậu quả, có cả những ký kết có hại cho chủ quyền quốc gia, mà cho đến giờ này, người dân chưa có cách nào kiểm chứng, còn lãnh đạo cũng chưa có cách nào để làm sáng tỏ. Mọi việc chỉ được làm sáng tỏ khi mà các văn bản ký kết được công bố công khai.
Nói một cách ngắn gọn: bộ máy chính trị Việt Nam thiếu hoàn toàn cơ chế kiểm soát quyền lực. Và sự độc quyền lãnh đạo được đảm bảo bằng chính việc thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực này.
BBC: Gần đây, một cựu quan chức lãnh đạo ngành tuyên giáo, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng có bình luận và nêu quan điểm về chủ đề trên qua loạt bài của ông trên VietnamNet, bà có theo dõi loạt bài đó hay không, nếu có, bà tán đồng hay là không với quan điểm của cựu lãnh đạo này?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi có đọc loạt bài này. Theo tôi, ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy một phần hiện tượng : những người nắm quyền trong một cơ chế không có sự kiểm soát quyền lực tất yếu sẽ bị dẫn tới chỗ lạm dụng quyền lực và tha hoá về nhân cách. John Emerich Edward Dalberg-Acton từ lâu đã nói điều này một cách rõ ràng hơn nhiều: «Quyền lực tuyệt đối làm tha hoá tuyệt đối».
Nhưng ông Vũ Ngọc Hoàng đã không thấy rằng đảng của ông đã và đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối, và đã nắm giữ quyền lực tuyệt đối quá lâu rồi.
Tuy thế, ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy sự tha hoá của quyền lực đảng trị, tôi trích nguyên văn: «Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị». Trong bối cảnh hiện nay, cần có một cái nhìn như vậy của người trong hệ thống, cái nhìn cảnh báo sự sụp đổ của chế độ, trong khi mà hầu như toàn bộ hệ thống cầm quyền đang cố hết sức, dùng mọi biện pháp, thậm chí bất chấp hậu quả, để để tạo nên một ảo tưởng rằng chế độ sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Trong khi các nhà lý luận cao cấp của đảng cộng sản ru ngủ đảng bằng những viên thuốc ngủ bọc đường, kiểu như: «đảng sẽ trường tồn cùng dân tộc, chừng nào dân tộc còn thì đảng còn», thì ông Vũ Ngọc Hoàng muốn cảnh tỉnh đảng.

Giải pháp ‘đèn cù’

Image copyrightNHA XUAT BAN NGUOI VIET
Image captionTiến sỹ Từ Huy mượn tựa đề sách của nhà văn Trần Đĩnh, cuốn ‘Đèn cù’ để nhận xét về giải pháp kiểm soát quyền lực mà một cựu quan chức ngành tuyên giáo Việt Nam đề xuất.
Nhưng chúng ta thấy, trong toàn bộ các phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng, chứ không chỉ riêng hai bài này, ông Hoàng không muốn chế độ chính trị hiện hành sụp đổ, ông muốn cứu vãn nó. Và vì muốn cứu vãn nó nên ông đề nghị phải có kiểm soát quyền lực.
Ông Vũ Ngọc Hoàng nhìn thấy rằng đảng của ông nắm quyền trong điều kiện không có cơ chế kiểm soát quyền lực. Nhưng ông đã không nhìn thấy rằng chính vì việc không có cơ chế kiểm soát quyền lực mà đảng của ông mới có thể nắm quyền lâu đến như vậy, và nắm quyền tuyệt đối như vậy. Nghĩa là ông Hoàng không nhìn thấy rằng việc không có cơ chế kiểm soát quyền lực không phải là một thiếu sót, mà là tình trạng do đảng cầm quyền cố tình tạo ra nhằm duy trì quyền lực tuyệt đối của mình. Vì thế một số (tôi không nói là «tất cả») giải pháp về việc kiểm soát quyền lực do ông Vũ Ngọc Hoàng đưa ra là những giải pháp có hiệu quả bằng zero, nếu không muốn nói là sẽ còn làm tăng hơn quyền lực tuyệt đối của đảng. Tôi lấy một ví dụ về giải pháp, trích nguyên văn câu được viết ở trong bài: «Tổ chức đảng phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực».
Để bình luận giải pháp này, có lẽ phải mượn cách diễn đạt của nhà văn Trần Đĩnh, đó là một giải pháp « đèn cù». Ông Vũ Ngọc Hoàng lập luận theo logic sau: 1/đảng cầm quyền do không có cơ chế kiểm soát quyền lực nên lạm quyền, dẫn tới bị tha hoá, và có thể dẫn tới sự sụp đổ của chế độ chính trị; 2/để ngăn chặn nguy cơ này cần phải có sự kiểm soát quyền lực; 3/nhưng tổ chức đảng lại phải làm nòng cốt kiểm soát quyền lực.
Tóm lại, logic ‘đèn cù’ là như sau: đảng cần bị kiểm soát, nhưng bản thân đảng lại làm nòng cốt trong việc kiểm soát đảng. Vậy có kiểm soát nổi không?
Khoa học chính trị, triết học chính trị, luật học, khoa học xã hội, từ nhiều thế kỷ nay, đã chỉ ra rằng muốn kiểm soát quyền lực trong các xã hội người thì cần có một cơ chế đảm bảo sự độc lập của ba nhánh quyền lực : quyền lập pháp, quyền hành pháp, và quyền tư pháp. Không có tam quyền phân lập thì không có kiểm soát quyền lực.
Những người như ông Vũ Ngọc Hoàng, nếu đi tận cùng suy tư để đối diện với nửa còn thiếu của cái bánh mì chân lý, thì biết đâu có thể đẩy nhanh quá trình thay đổi nhận thức của bộ máy lãnh đạo. Trước ông Vũ Ngọc Hoàng, tướng Trần Độ, Bí thư Trung ương đảng Trần Xuân Bách, đã đi xa hơn rất nhiều, trong một bối cảnh mà các ông ấy vô cùng đơn độc. Giờ đây, xã hội đã tiến cả một quãng đường dài, xung quanh nền báo chí tự do đã vô cùng sôi động, nhưng suy tư của ông Vũ Ngọc Hoàng còn tỏ ra quá dè dặt. Chính sự dè dặt này là nguyên nhân tạo ra logic « đèn cù » trong lập luận của ông, và là nguyên nhân khiến cho phát ngôn của ông thiếu sức thuyết phục, đồng thời khiến cho giải pháp của ông chẳng những nửa vời mà còn có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Giải pháp ‘đạo đức’

Tượng Hồ Chí MinhImage copyrightGETTY
Image captionCố Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam đã từng sử dụng ‘đạo đức’ như một giải pháp để kiểm soát quyền lực, nhưng bất thành, theo nhà nghiên cứu.
BBC: Nhân tiện đây, qua các diễn biến từ vụ chính quyền Việt Nam truy tố ông Trịnh Xuân Thanh, cho tới cuộc biểu tình của hàng ngàn ngư dân và quần chúng địa phương ở Kỳ Anh phản đối Công ty Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh, bà có liên tưởng, bình luận gì về quyền lực của ĐCSVN và việc duy trì, kiểm soát quyền lực của Đảng và chính quyền?TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Như trên đã nói, hiện nay, cũng như trước đây, dưới chế độ cộng sản, Việt Nam không có cơ chế kiểm soát quyền lực, hiểu theo nghĩa là cơ chế ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực, và ngăn chặn việc quyền lực trở thành tuyệt đối trong tay một người hay một nhóm người.
Nghĩa là không có cơ chế tam quyền phân lập. Ông Hồ Chí Minh có vẻ như đã chọn « đạo đức », như một giải pháp để kiểm soát quyền lực.
Giải pháp đó đã thất bại ngay cả khi ông còn sống, bởi vì chính ông đã phải viết không biết bao nhiêu bài để kêu gọi chỉnh đốn đảng, và giải pháp «đạo đức» không giúp ông giữ được quyền lực, theo một số sử gia, cụ thể là theo Céline Marangé, bản thân ông đã đánh mất thực quyền từ đầu thập kỷ 1960.
Dù vậy, giải pháp này hiện đang được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là một tiến sĩ xây dựng đảng, sử dụng lại, nhằm đối phó với sự tha hoá đã đến mức cùng cực của các đảng viên cao cấp, mà Trịnh Xuân Thanh đang được đưa ra như một bằng chứng cho sự tha hoá này.
Tuy nhiên, đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của đạo đức cách mạng lại là: trung thành với cách mạng.
Đặc điểm này sẽ vô hiệu hoá các phương diện khác của đạo đức, nếu giả sử chúng có được lưu ý trong khái niệm.
Cũng như điều 4 Hiến pháp vô hiệu hoá toàn bộ các điều khoản trong Hiến pháp về quyền làm chủ của nhân dân và quyền con người.
Vì thế «đạo đức cách mạng» hay «đạo đức Hồ Chí Minh» chưa bao giờ là một giải pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả, bây giờ lại càng tệ, vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng dối trá trong xã hội.

Quyền lực nhân dân

Biểu tình phản đối FormosaImage copyrightCBS.COM.AU
Image captionHàng ngàn ngư dân và người dân địa phương đã biểu tình phản đối doanh nghiệp Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh hôm 02/10/2016.
Việc duy trì và củng cố quyền lực thì lại đang được thực hiện quyết liệt bằng nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp đó, ông Vũ Ngọc Hoàng đã chỉ ra, khi ông nói rằng: «Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ».
Không cần phải tinh ý cũng có thể nhận thấy rằng những năm gần đây quyền lực đang được tập trung vào trong tay các lực lượng vũ trang: an ninh và quân đội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một Bộ trưởng Bộ công an được đưa lên giữ vị trí chủ tịch nước. Sự hiện diện của an ninh khắp nơi và các ân huệ cho ngành công an được ban phát một cách công khai.
Cũng chưa bao giờ mà công an sử dụng quyền lực một cách tuỳ tiện đến như thế, đánh cả luật sư, đánh cả nhà báo, và thường dân vô tội chết trong đồn công an cũng đã trở thành hiện tượng xã hội.
Trong bối cảnh đó, phát biểu của ông Vũ Ngọc Hoàng bộc lộ một thái độ đáng được ghi nhận, nhất là khi ông ấy cho rằng lựa chọn giải pháp sử dụng lực lượng vũ trang để đàn áp nhằm củng cố quyền lực là một sai lầm ấu trĩ. Cuộc biểu tình của nhân dân Hà Tĩnh mà ông vừa nhắc tới trên đây chính là một bằng chứng sống động.
Khi xem hình ảnh trong các vidéo clip được phát trên mạng internet, chúng ta được chứng kiến vẻ đẹp và sức sống của những người dân đang đối diện với bao nhiêu khó khăn trong một tình thế tưởng như là tuyệt vọng.
Tôi chưa bao giờ cảm động đến như thế khi nghe giọng Hà tĩnh của các mẹ, các chị. Họ xuống đường, mang theo nón lá, mang theo tà áo dài, mang theo những câu kinh cầu nguyện, mang theo sức mạnh được kết tụ từ hàng ngàn năm nay của một dân tộc chưa bao giờ chịu gục ngã.
Họ mang trong họ quyền lực của những người không có quyền lực, mượn cách nói của Havel. Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng có thể dùng sức mạnh đàn áp của lực lượng an ninh để dập tắt sức sống của cả một dân tộc, trong mục đích củng cố quyền lực của một đảng độc quyền lãnh đạo.
Trên đây là ý kiến, quan điểm riêng của nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Thị Từ Huy, người có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án Tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.

Tin Hoa Kỳ – 9-10-2016

Ông Trump ‘không rút lui’ sau sự cố video

Image copyrightGETTY
Image captionÔng Trump bị phản ứng nặng nề sau khi đoạn băng video công bố những gì ông nói về phụ nữ
Ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông nói sẽ không làm người ủng hộ thất vọng.
Ông Trump đang bị áp lực sau khi một đoạn băng từ năm 2005 xuất hiện hôm thứ Sáu 7/10 cho thấy ông đã bình luận tục tĩu về việc sờ soạng và hôn phụ nữ.
Ông nói tờ Wall Street Journal là “không có khả năng nào là tôi sẽ ngừng lại” và ông đang có sự ủng hộ “không thể tin được”.
Những thành viên cao cấp của Đảng Cộng hòa đã lên án những tuyên bố của ông Trump trong đoạn video.
Từ khi đoạn băng xuất hiện, ít nhất 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nói họ sẽ không bầu cho ứng viên của Đảng trong kỳ bầu cử trong 30 ngày tới, hoặc kêu gọi ông Trump ngừng tham gia cuộc đua.
Người gần nhất tham gia vào nhóm ý kiến này là cựu ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa John McCain, người nói những bình luận của ông Trump “khiến cho việc tiếp tục ủng hộ hoặc ủng hộ có điều kiện với vị trí ứng viên của ông ta là bất khả thi”.
Và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói: “Đủ rồi! Donald Trump không nên là tổng thống. Ông ta nên rút lui.”
Đối thủ của ông Trump trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống, bà Hillary Clinton gọi những bình luận đó là “kinh khủng”.
Người cùng chạy đua vào nhà trắng với ông Trump, ứng viên phó tổng thống Mike Pence nói ông “bất mãn” với video của ông Trump, nhưng đã thấy dễ chịu hơn khi ông Trump bày tỏ sự hối hận và xin lỗi người Mỹ.
“Chúng ta cầu nguyện cho gia đình ông ấy,” ông Mike nói trong một thông cáo.

‘Xin lỗi’

Trong một nội dung đăng trên Twitter, ứng viên Đảng Cộng hòa nói “truyền thông và những tổ chức quá mong muốn tôi rời cuộc đua.”
Vợ ông Trump, bà Melania đăng một thông cáo hôm thứ Bảy nói: “Những lời chồng tôi từng nói là không chấp nhận được và làm tổn thương tôi.”
Image copyrightAP
Image captionỨng viên Donald Trump và vợ ông, bà Melania
Bà nói chồng bà có “trái tim và tinh thần của một nhà lãnh đạo”.
Trong một đoạn băng bình luận, ghi ngày vào năm 2005, ông Trump xuất hiện trong vai trò là khách mời trong một chương trình truyền hình, ông nói “bạn có thể làm bất cứ gì” với phụ nữ khi “bạn là một nôi sao” và đoạn băng có đoạn ông nói “sờ soạng vùng kín của họ”.
Ứng viên tổng thống đăng tải một đoạn video xin lỗi vì các bình luận đó.
Sau đó các nhà làm luật trong Đảng Cộng hòa nói ông Trump nên bỏ cuộc, vị tỷ phú nói với tờ Washington Post hôm cuối ngày thứ Bảy 8/10.
“Tôi sẽ không rút lui. Tôi chưa bao giờ rút lui trong đời mình.”
Những bình luận năm 2005 của ông Donald Trump, do tờ Washington Post đăng tải, đã che mờ sự xuất hiện đoạn nội dung về những bài phát biểu của bà Hillary Clinton ở các sự kiện tư nhân, do tổ chức Wikileaks công bố.
Ông Donald Trump cưới người vợ thứ ba Melania vài tháng trước khi nói trong đoạn video. Bà nói hôm thứ Bảy: “Tôi hi vọng mọi người chấp nhận lời xin lỗi của anh ấy, như tôi đã chấp nhận, và tập trung vào những vấn đề quan trọng của đất nước và thế giới.”
Hôm thứ Bảy 8/10, Thượng nghị sĩ bang New Hampshire Kelly Ayotte đứng vào danh sách những thành viên Đảng Cộng hòa trong Thượng Viện nói sẽ không bầu cho ông Trump.
Truyền thông Hoa Kỳ nói ông Pence không còn kế hoạch tham gia một sự kiện chiến dịch ở Wisconsin cùng với Người phát ngôn Nhà Trắng Paul Ryan nữa.
Trước đó ông Paul Ryan, thượng nghị sĩ cao cấp nhất của đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ – nói ông đã mời ông Trump tham dự sự kiện, nhưng sau đó hủy lời mời, và cho biết ông “phát bệnh” với những gì nghe được. Ông Pence sua đó định sẽ đi thay ông Trump. – BBC

Bộ Ngoại Giao Mỹ : Việt tân không nằm trong danh sách tổ chức khủng bố

media
USA department of state Trụ sở bộ Ngoại giao Mỹ (www.state.gov)
Ba ngày sau khi bộ Công An Việt Nam thông báo Việt tân là tổ chức đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố, bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 07/10/2016 đã cho biết là tổ chức này, có trụ sở tại California, không nằm trong danh sách các nhóm khủng bố, chiểu theo luật pháp Hoa Kỳ.
Theo Reuters, khi được báo giới hỏi về trường hợp Việt tân, bà Katina Adams, phát ngôn viên của vụ Đông Á, bộ Ngoại Giao Mỹ, nói : « Chúng tôi muốn các vị quay sang hỏi chính phủ Việt Nam để có thêm thông tin » về việc coi Việt tân là tổ chức khủng bố.
Truyền thông của chính quyền Việt Nam từ lâu nay vẫn gọi Việt tân là tổ chức « phản động », nhưng đây là lần đầu tiên, Việt tân chính thức bị coi là tổ chức khủng bố.
Ngày 04/10, cổng thông tin điện tử của bộ Công An Việt Nam đăng « thông báo về tổ chức khủng bố Việt tân », theo đó, « Việt tân tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin… ». Bộ Công An Việt Nam nhấn mạnh, những người nhận tài trợ của Việt tân, tham gia huấn luyện do Việt tân tổ chức… sẽ « đồng phạm tội khủng bố ».
Theo tổ chức Việt tân, bộ Công An Việt Nam đã « tuyên truyền vô căn cứ » và « Hà Nội lo sợ đối lập có tổ chức và tìm cách ngăn không cho người dân Việt Nam tham gia hoạt động cổ vũ chính trị hòa bình ». – RFI

Bầu cử Mỹ : Donald Trump trong bão táp, trước cuộc tranh luận thứ hai

media
Cảnh người nhiệt tình ủng hộ ứng viên Doanald Trump, trước nơi ông ở, tại Manhattan, New York. Ảnh ngày 08/10/2016Reuters
Tối nay 09/10/2016 sẽ diễn ra cuộc tranh luận truyền hình lần thứ hai giữa hai ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ tại tiểu bang Missouri, trong đó các cử tri chưa dứt khoát được mời tham gia đặt câu hỏi. Ông Donald Trump đang ở thế bất lợi trước bà Hillary Clinton, sau khi tỏ ra yếu thế cuộc tranh luận đầu tiên, và mới đây báo chí Mỹ tiết lộ những phát biểu khinh miệt phụ nữ của ông.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio gởi về bài tường trình :
« Một bên bị lên án vì những lời nói khinh thị phụ nữ, bên kia bị chê bai vì những bài diễn văn được trả thù lao hậu hĩ. Hai ứng cử viên ít được yêu mến trong cuộc bầu cử Mỹ lần này tối nay sẽ gặp nhau trong một không khí dị thường.
Hộp thư điện thử của bà Clinton bị xâm nhập, các trích đoạn diễn văn mà cựu ngoại trưởng muốn giữ bí mật đã bị WikiLeaks đưa ra công khai. Vụ này sẽ khiến ứng cử viên Dân Chủ gặp khó khăn, trong việc thuyết phục lớp cử tri trẻ tuổi mà bà cố thu hút từ khi ông Bernie Sanders bỏ cuộc.
Nhưng ông Donald Trump lại còn bị lâm vào tình trạng phức tạp hơn nhiều. Sau khi những lời nói mang tính miệt thị phụ nữ bị ghi âm hồi năm 2005 và mới đây được báo chí tiết lộ, những dân biểu, nghị sĩ của đảng bảo thủ đã lần lượt rút lui, không còn ủng hộ ông Trump.
Họ muốn tự cứu lấy mình, để khỏi bị nhấn chìm theo với ứng cử viên Cộng Hòa. Hai nhân vật Cộng Hòa cao cấp nhất ở Hạ viện đòi hỏi lời xin lỗi rõ ràng, và từ chối tham dự một cuộc mít tinh nhằm chứng tỏ sự đoàn kết trong đảng.
Tuy vậy hôm qua, ông Trump vẫn tuyên bố tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng, trong lúc những tin đồn về việc ông bỏ cuộc đã gây hoang mang trong chính giới Mỹ ».

Ông Trump, bà Clinton sắp tranh luận lần thứ hai

Ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sắp có cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai vào tối Chủ nhật, 9/10, giữa lúc chính Đảng Cộng hòa đang yêu cầu ông Trump rời khỏi cuộc đua sau khi một băng ghi âm hồi năm 2005 cho thấy ông đưa ra những bình phẩm dâm đãng về phụ nữ và ông khoe khoang đã sờ mó họ.
Hôm thứ Bảy, ông Trump nói “không có chuyện” ông sẽ từ bỏ cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc khi chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11, và ông đã xin lỗi về những bình phẩm của mình. Còn bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang tìm cách để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về những lời lẽ liên quan đến tình dục của ông Trump. Bà sẵn sàng đối đầu với ông tại cuộc tranh luận ở thành phố miền Trung Tây St. Louis, Missouri.
Trong khi đó, ông Trump, một đại gia bất động sản lần đầu tranh cử, nói vụ việc gây tranh cãi chỉ là “một chuyện gây phân tâm”, mặc dù các cuộc thăm do chính trị trên toàn quốc cho thấy sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm thậm chí trước khi người ta phát hiện ra cuốn băng hôm thứ Sáu. Bà Clinton đang có lợi thế dẫn trước 4% và đang giành thêm ủng hộ ở các bang chủ chốt phải tranh giành phiếu trong cuộc bầu cử.
Một số quan chức dân bầu thuộc Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Trump rời khỏi cuộc đua đến chức tổng thống thứ 45 của đất nước này, nhưng họ không có sự đồng thuận ngay lập tức về việc sẽ thay thế ông như thế nào trong cuộc bầu cử, nếu giả định ông đồng ý từ bỏ cuộc đua.
Trong khi đó, việc bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu sớm đã bắt đầu, với khoảng 400.000 lá phiếu đã được bỏ phiếu trong những ngày gần đây. Nhiều bang đã in phiếu bầu có tên ông Trump và ông Pence là ứng cử viên đảng Cộng hòa và các lá phiếu được gửi đến các nhân viên quân đội đóng ở nước ngoài.
Những người chủ chốt của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, Thống đốc bang Indiana Mike Pence, đã lên án những lời lẽ hồi năm 2005 của ông Trump.
Ông Pence nói: “Tôi không chấp nhận những lời lẽ của ông ấy và tôi không thể bảo vệ chúng”. Ông nói như vậy khi ông rời khỏi một hoạt động tranh cử hôm thứ Bảy ở Wisconsin. Ở đó, người ta đã trông đợi là ông sẽ được đề cử để thay thế ông Trump.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2008, Thượng nghị sĩ Arizona John McCain, đã rút lại sự ủng hộ của mình dành cho ông Trump, nhưng ông không kêu gọi ông Trump rời khỏi cuộc đua tổng thống. Người được Đảng Cộng hòa đề cử năm 2012, cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, đã lên án những lời lẽ về tình dục của ông Trump. Ông Romney cũng giống như ông McCain đã thua ông Obama. – VOA

Việc làm ở Mỹ tăng trưởng ổn định

Các công ty của Hoa Kỳ nhận thêm 156 ngàn lao động trong tháng 9, ghi dấu 72 tháng liên tiếp có tăng trưởng dương về việc làm.
Các công ty của Hoa Kỳ nhận thêm 156 ngàn lao động trong tháng 9, ghi dấu 72 tháng liên tiếp có tăng trưởng dương về việc làm.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm nhưng ổn định. Lương tiếp tục tăng trong tháng qua, nhiều người bắt đầu đánh bóng hồ sơ họ để tìm việc làm. Nhưng tốc độ tăng trưởng về việc làm và tiền lương vẫn không đồng đều đối với nhiều người.
Nhà kinh tế kỳ cựu Mark Hamrick thuộc Bankrate nói qua Skype với VOA rằng trong một nền kinh tế ổn định, phát triển đầy đủ, đến nay đã qua 7 năm phục hồi, sự tăng trưởng ổn định về việc làm hiện giành chiến thắng trong cuộc đua.
Ông nói: “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không bị hụt hơi vì chúng ta tiến quá nhanh. Nhưng chúng ta muốn sự phục hồi kinh tế này vẫn tiếp tục trong một thời gian, có lẽ thậm chí là lâu hơn chứ không chỉ một vài năm, và ngay bây giờ có vẻ như điều đó là hoàn toàn khả thi”.
Và với việc các công ty của Hoa Kỳ nhận thêm 156 ngàn lao động trong tháng 9, đó là một cột mốc kinh tế quan trọng, ghi dấu 72 tháng liên tiếp có tăng trưởng dương về việc làm. Một dấu hiệu tốt khác là tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát. Nhưng theo Elise Gould thuộc Viện Chính sách Kinh tế, có một mặt trái là mức tăng lương đã không đồng đều xét theo sắc tộc và giới tính.
Elise Gould nói: “Ví dụ, thu nhập hộ gia đình trung bình của người Mỹ gốc Phi bằng khoảng 59% thu nhập hộ gia đình trung bình của người da trắng. Đó là một khoảng cách rất lớn, và họ vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2000 là khoảng 11%. Vì vậy, tuy họ đang thấy có sự tăng lên, nhưng còn cần thêm rất nhiều để bù lại cho những gì đã mất”.
Còn có một dữ liệu quan trọng nữa: tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, đạt 5%. Các nhà kinh tế cho rằng đó là một điều tốt, vì nó có nghĩa là nhiều người Mỹ có đủ tự tin về nền kinh tế để bắt đầu tìm việc làm.
Mark Hamrick nói: “Trong trường hợp này, đó là hàng trăm ngàn người Mỹ làm việc hoặc đang tìm việc làm. Đó là một con đường tốt hơn đi tới tình trạng thất nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta muốn là vừa có nhiều người tìm kiếm công việc vừa có nhiều người làm việc, và chúng ta muốn thấy tỷ lệ thất nghiệp đi xuống, chứ không đi lên.”
Các xu hướng về việc làm thường trở nên quan trọng hơn so với bình thường vào lúc cuộc bầu cử tổng thống chỉ có khoảng một tháng nữa sẽ diễn ra. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng việc làm ổn định và không đáng kể, không đến mức thảm họa, điều đó dường như sẽ không ảnh hưởng đến các lá phiếu.
Powered by Blogger.