Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Iran cảnh báo phá hủy tàu chiến Mỹ nếu đe dọa tàu của Tehran

Friday, April 24, 2020 // ,
Iran cảnh báo phá hủy tàu chiến Mỹ nếu đe dọa tàu của Tehran

Một quan chức cấp cao của quân đội Iran cảnh báo rằng nước này sẽ phá hủy tàu chiến Mỹ nếu các khí tài này đe dọa tàu của Tehran.

Iran cảnh báo phá hủy tàu chiến Mỹ nếu đe dọa tàu của Tehran - 1

Tướng Hossein Salami (Ảnh: Twitter)
RT đưa tin, Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami ngày 23/4 tuyên bố rằng Tehran sẽ không ngần ngại đáp trả lại hải quân Mỹ nếu lực lượng này tấn công bất cứ tàu nào của Iran.
“Tôi đã ra lệnh cho lực lượng hải quân Iran phá hủy bất cứ lực lượng nào của Mỹ ở vịnh Ba Tư, nếu họ có hành động đe dọa tới an ninh của các tàu quân sự hoặc phi quân sự của Iran”, ông Salami cho hay.
Tuyên bố của ông Salami được xem là để đáp trả cho lời cảnh báo ngày 22/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội Mỹ sẽ “phá hủy bất cứ tàu nào của Iran có hành vi phá rối tàu Mỹ trên biển”.
Tuần trước, hải quân Mỹ cáo buộc 11 tàu của IRGC đã có “hành vi áp sát thiếu an toàn”, khi 6 tàu Hải quân Mỹ cùng máy bay trực thăng Lục quân Mỹ đang tiến hành “các hoạt động phối hợp hành động chung ủng hộ an ninh hàng hải” tại vùng biển quốc tế ở vịnh Ba Tư hôm 15/4.
Mỹ cáo buộc các tàu Iran di chuyển cắt mặt tàu chiến Mỹ, thậm chí có lúc áp sát tàu tuần duyên Mỹ ở khoảng cách chưa tới 10 mét. Iran đã bác bỏ những tuyên bố trên, cho biết các tàu của Tehran can thiệp và giám sát các tàu Mỹ vì các khí tài này đã vi phạm quy tắc hàng hải về đi lại trong khu vực.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang vào tháng 1 sau khi tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani bị máy bay không người lái của Mỹ ám sát ở sân bay Baghdad, Iraq. Washington cáo buộc ông Soleimani lên âm mưu tấn công khủng bố các cơ sở quân sự và ngoại giao của Mỹ.
Tehran đã đáp trả vụ không kích của Mỹ bằng một vụ tấn công tên lửa vào 2 cơ sở quân sự có quân nhân Mỹ đồn trú ở Iraq.
Các quan chức Mỹ và Iran thường xuyên phát đi những cảnh báo lẫn nhau, đe dọa sẽ đáp trả nếu phía bên kia có động thái tấn công. Hồi tháng 1, ông Trump tuyên bố Lầu Năm Góc đã chọn ra 52 mục tiêu trên đất Iran và có thể tấn công nếu Iran tấn công người Mỹ hay tài sản của Mỹ. Iran cũng cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ mối đe dọa nào do quân đội hoặc hải quân Mỹ gây ra.
Theo RT – 23/4/20

Virus viêm phổi Vũ Hán đột biến tốc độ nhanh, 11 bệnh nhân tại Chiết Giang chứa 33 chủng đột biến

Virus viêm phổi Vũ Hán đột biến tốc độ nhanh, 11 bệnh nhân tại Chiết Giang chứa 33 chủng đột biến

Virus viêm phổi Vũ Hán đột biến tốc độ nhanh, 11 bệnh nhân tại Chiết Giang chứa 33 chủng đột biến
Ảnh: Hình ảnh virus viêm phổi Vũ Hán (Ảnh: pixabay)
Một đoạn trọng báo cáo mới nhất của nhóm nghiên cứu Trung Quốc công bố: Sau khi tiến hành phân tách sâu trình tự gốc virus SARS-CoV-2 của 11 bệnh nhân tại Chiết Giang, phát hiện 33 chủng biến thể, trong đó 19 chủng lần đầu được phát hiện. Điều này có nghĩa là trước đây sự đa dạng của virus này đã bị đánh giá thấp, nếu không thể tra xét được hết tính biến thể của virus này thì khó có thể phát huy tác dụng thực tế của vaccine…
Trang web Khoa học của Trung Quốc đăng tải, trong thời gian từ ngày 22/01-04/02, nhóm nghiên cứu của Viện công trình Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu 11 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi chủng mới được tiếp nhận chữa trị tại bệnh viện chi nhánh của Đại học Chiết Giang. Những bệnh nhân này có độ tuổi đa dạng từ 04 tháng tuổi đến 71 tuổi, trong đó có 10 bệnh nhân từng tiếp xúc với người dân Vũ Hán.
Nhân viên nghiên cứu tiến hành phân tách sâu trình tự các chủng gen virus SARS-CoV-2 của 11 bệnh nhân này, sau đó so sánh với 1111 trình tự bộ gen trong kho dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chia sẻ Dữ liệu Cúm (GISAID). Họ phát hiện tổng cộng có 33 loại đột biến virus, trong đó có 19 loại lần đầu được phát hiện. Hơn nữa, phần lớn đột biến có liên quan tới tính thích ứng, chủ yếu tập trung trên bề mặt kết hợp giữa protein thể S của virus với thụ thể người ACE2. Điều này chứng minh tính đa dạng của chủng virus viêm phổi Vũ Hán đang thực sự bị “xem nhẹ quá mức”.
Theo báo cáo: Để đánh giá bệnh tính của các loại đột biến virus này, nhân viên nghiên cứu quyết định tiến hành thử nghiệm lây nhiễm virus trong phòng thí nghiệm. Họ chọn ra tế bào gốc có tên gọi là Vero-E6, loại tế bào gốc này rất giống với thụ thể ACE2 trong tế bào thân thể người. Cách một đoạn thời gian họ lại thu thập tế bào và đo tải lượng virus của tất cả các tế bào Vero-E6 khác nhau được lây nhiễm virus lấy từ 11 người bệnh
Trong 04 tiếng đầu thử nghiệm, tải lượng virus của những tế bào này đều duy trì ổn định, ít phát sinh sự sao chép virus. Sau 08 tiếng, tải lượng virus của virus SARS-CoV-2  gây bệnh cho bệnh nhân số 06, 07, 09, 10 tăng lên rõ rệt. Sau 24 tiếng, trừ bệnh nhân số 02 và 07, tải lượng virus của tất cả các bệnh nhân đều tăng lên rõ rệt, tế bào nhiễm virus của số 10 và 11 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều của những số khác. Nếu so sánh tốc độ sao chép virus giữa số 10 và số 02, là hai tế bào Vero-E6 có tốc độ sao chép virus mạnh nhất và yếu nhất, thì sự chênh lệch là gần 270 lần.
Nhân viên nghiên cứu cũng phát hiện rằng, tại thời điểm sau 48 giờ và 72 giờ, tải lượng virus càng cao hơn nữa, hiệu ứng biến đổi của tế bào và tỷ lệ tử vong của bệnh nhân cũng tăng cao.
Nghiên cứu còn phát hiện: Virus Vũ hán của bệnh nhân số 11 biến đổi 3 nucleotide, hơn nữa loại biến đổi này càng về sau càng biểu hiện mạnh mẽ làm  vận tốc sao chép và khả năng gây bệnh tăng rất mạnh. Báo cáo cho biết: “Bệnh nhân này đã được xác nhận dương tính tròn 45 ngày”.
Ngoài ra, khi phân tách trong phân và nước tiểu của 3 bệnh nhân thuộc nghiên cứu trên có xuất hiện chủng virus, nhân viên nghiên cứu từ đó có thể phục chế (sao chép) ra virus sống. Điều này cho thấy virus viêm phổi Vũ Hán hoàn toàn có khả năng sao chép trong phân và nước tiểu.
Theo NTDVN – 24/4/20

Đọc báo Pháp – 24/04/2020

Đọc báo Pháp – 24/04/2020

Cạnh tranh Trung – Mỹ bùng lên vì khủng hoảng Covid-19  -  Anh Vũ


Trong rất nhiều trang báo tập trung vào các giải pháp gỡ bỏ phong tỏa hay tác động của khủng hoảng dịch tễ đối với kinh tế, xã hội, chính trị, nhật báo Le Figaro (24/04/2020) tiếp tục chú ý tới Trung Quốc ở góc độ quan hệ với Mỹ trong thời Covid-19. Tờ báo chạy tựa : «  Cạnh tranh Trung – Mỹ  bị khơi dậy vì khủng hoảng Covid-19 ».

Le Figaro quan sát thấy, « đại dịch Covid-19 đã dẫn đến quan hệ Trung – Mỹ bị xuống cấp nhanh chóng. Căng thẳng giữa hai đại cường thế giới trong những tuần qua đã ở mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập ngoại giao năm 1979 ».

Theo tờ báo, năm 2020 đã được khởi đầu bằng những dấu hiệu hòa hoãn trong cuộc cạnh tranh thương mại với việc ký kết thỏa thuận sơ khởi hồi giữa tháng Giêng sau hơn hai năm ăn miếng trả miếng trong cuộc thương chiến căng thẳng. Cả tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tỏ hài lòng về thỏa thuận đã đạt được. « Thế nhưng, trận đại dịch virus corona đã phá tan bước khởi đầu bình thường hóa ».

Le Figaro điểm lại : Hồi đầu khủng hoảng dịch, ông Trump đã từng không ngớt lời ca ngợi phản ứng chống dịch của Tập Cận Bình, nhưng rất nhanh sau đó ông đã đổi giọng kể từ khi đại dịch lan sang hoành hành ở Mỹ. Đầu tiên là việc ông Trump không ngần ngại chỉ mặt đặt tên « virus Trung Quốc » , khiến Bắc Kinh tức giận. Kế đến không cần lý lẽ nhiều, ông Trump tỏ nghi ngờ về những con số chính thức của Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh đã che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch khiến cả thế giới phải trả giá đắt.

Chưa hết, tổng thống Mỹ còn quay sang tính sổ, cắt tài trợ cho Tổ Chức Y tế Thế Giới cũng chỉ vì cho rằng tổ chức này bị Trung Quốc thao túng. Hai nước đối đầu nhau trong lĩnh vực thông tin tìm cách gán trách nhiệm cho nhau về nguồn gốc phát sinh virus. Cao điểm của cuộc chiến truyền thông là việc Trung Quốc và Mỹ lần lượt trục xuất các nhà báo của nhau.

Thái độ dè chừng nhau đã vượt quá khuôn khổ giữa hai chính phủ. Theo một điều tra mới đây của viện Pew Research Center, 2/3 người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc và nhất là 90% số người được hỏi coi cường quốc Trung Hoa như là mối đe dọa. Theo các chuyên gia thì đây là một biến chuyển mới vì từ trước tới giờ chủ yếu giới chính trị mới có quan điểm chỉ trích Trung Quốc còn dư luận Mỹ không mấy có thái độ như vậy.

Bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc nhóm tư vấn Council of Foreign Relations nhận định đây là « thời điểm tồi tệ nhất của quan hệ Trung – Mỹ », quan hệ hai nước bị đẩy lên căng thẳng chưa từng thấy. « Trận đại dịch là một cú sốc lịch sử cho quan hệ Mỹ – Trung, vốn đã căng thẳng trước một thử thách khắc nghiệt. Nhưng đợt dịch bệnh này chỉ càng làm gia tăng, củng cố thêm xu hướng đã tồn tại từ lâu nay. Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng mạnh những năm qua, không phải chỉ do ông Trump. Hai đảng ở Mỹ nhất trí với nhau trên việc cạnh tranh với Trung Quốc là vấn đề lớn ».

Hồi tháng 7/2019, trước Quốc Hội, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley từng cảnh báo « Trung Quốc sẽ là thách thức cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong 50 đến 100 năm tới ».

Le Figaro bình luận : « Người Mỹ bị chi phối bởi tâm lý bị một kẻ cạnh tranh đuổi kịp,nhất là trong lĩnh vực thương mại và quân sự. Còn người Trung Quốc thì ngất ngây với hình ảnh cường quốc xưa tìm lại được cùng với mối thâm thù phương Tây. Đó là tâm lý đã được chế độ cộng sản rất chăm chút khơi dậy. Ông Trump chỉ đóng vai trò như một chất xúc tác. Hoa Kỳ thấy sức mạnh Trung Quốc nổi lên trên bình diện kinh tế, quân sự như là mối đe dọa của một đối thủ muốn hất cẳng mình. Trung Quốc về phần mình, nhận thấy các can thiệp từ bên ngoài của Mỹ hay sự hiện diện quân sự trong Thái Bình Dương hay sự ủng hộ Đài Loan là sự can dự không thể tha thứ. »

Chính sự vắng mặt của Mỹ trên trường quốc tế để tổ chức ứng phó chung như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2009, dịch Ebola 2014-2016, đã cho phép Bắc Kinh thực thi một chính sách ngoại giao hung hăng. Giáo sư Mira Rapp-Hooper giải thích « Bắc Kinh tìm cách lợi dụng các hoàn cảnh để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình… Trung Quốc huênh hoang đã thanh toán được dịch trong dân mình và lợi dụng khó khăn của Mỹ để chứng tỏ là một đại cường và là tấm gương mới để noi theo trên trường quốc tế… »

Để kết luận tờ báo dẫn nhận định của chuyên gia Rapp-Hooper : « Chắc chắn chúng ta đang bước vào một thời kỳ nguy hiểm, các căng thẳng do trận đại dịch này gây ra có thể mở ra sự biến đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế giống như nó thường xảy ra sau một cuộc xung đột lớn ».

« Dỡ phong tỏa »: Mối lo hàng đầu tại Pháp

Trở lại với trang nhất của các báo Pháp. Thời hạn gỡ bỏ phong tỏa vì Covid-19 ngày 11/05 đang là mục tiêu hướng tới của nước Pháp. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.

Từ « dỡ phong tỏa » xuất hiện khắp trang nhất các báo Pháp ra hôm nay.  Nhất là khi kế hoạch triển khai dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ đang hình thành dần dần từng bước sau cuộc họp qua truyền hình của tổng thống Emmanuel Macron với 22 thị trưởng các địa phương lớn của nước Pháp ngày 23/4. Vẫn còn quá nhiều vấn đề đặt ra để nước Pháp thoát ra khỏi vòng phong tỏa trong khi dịch virus corona chưa thể nói sẽ được thanh toán.

Các báo đều ghi nhận là việc triển khai dỡ bỏ phong tỏa bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ cũng như khởi động lại các hoạt động của chính phủ vẫn còn chưa rõ ràng.

Covid-19: Kinh tế Pháp trong trạng thái « hôn mê sâu »

Về kinh tế, tất cả các báo Pháp ra hôm nay đều có chung nhận định là  kinh tế Pháp đang trong « hôn mê toàn phần» hay kinh tế Pháp đang trong tình trạng « hồi sức tích cực ». Gỡ bỏ phong tỏa, nhưng kinh tế Pháp vẫn còn xa mới khởi động lại được. Trong tháng Tư này các chỉ số trong mọi lĩnh vực đều rơi tự do theo chiều thẳng đứng trên các biểu đồ vì phong tỏa.

Ngay cả khi ra khỏi phong tỏa, các điều kiện không chắc chắn về vệ sinh y tế cũng khiến cho các hoạt động khó có thể khởi động trở lại bình thường ngay. Trên cơ sở các số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Insee về kinh tế Pháp, Le Figaro nhận định : Thoát khỏi hôn mê, các doanh nghiệp Pháp dự báo sẽ còn đau đớn hơn nhiều so với nước khác và sẽ còn cần đến rất rất nhiều tiền để phục hồi chức năng.

« Miễn dịch »: Thực tế còn xa

Từ khi xuất hiện cách nay bốn tháng, virus SARS-CoV-2 đã làm hơn 180 nghìn người chết trên thế giới mà người ta vẫn chưa biết được gì nhiều về kẻ thù vô hình kinh sợ này. Le Monde chạy tựa lớn : « Miễn dịch, những câu trả lời đầu tiên từ các nhà nghiên cứu. »

Hôm 23/4, lần đầu tiên các nhà khoa học Viện Pasteur Pháp cho công bố hai nghiên cứu về miễn dịch, nhưng cũng chỉ nói thêm chút ít về bệnh dịch Covid-19. Nghiên cứu cho biết, kháng thể chống SARS-CoV-2 xuất hiện ngay ngày thứ 5 hoặc thứ 6 nhiễm virus, trước khi có biểu hiện bệnh. Những người đã nhiễm virus có kháng thể cũng chỉ được bảo vệ trong một thời gian ngắn từ 2 đến 3 năm. Khái niệm miễn dịch cộng đồng chỉ là trên lý thuyết khi mà tối thiểu có từ 60% đến 70% dân cư nhiễm virus. Con số này không thể có được ở Pháp.

Theo các nhà khoa học được le Monde trích dẫn thì có thể mùa hè này mức độ lây lan của dịch giảm xuống ở Pháp nhưng mọi người vẫn phải đeo khẩu trang cho tới tận mùa thu. Điều quan trọng nữa là theo các nhà khoa học, trong 7 chủng virus corona đã được biết đến, chưa có vác-xin nào hữu hiệu với chủng mới gây bệnh Covid-19 lần này và người ta cũng không hy vọng sớm có được thuốc phòng ngừa trong nay mai.

Vẫn là một nghiên cứu về virus corona,  nhật báo Les Echos đưa ra con số ấn tượng : Hơn 60 nghìn nhân mạng được cứu nhờ phong tỏa ở Pháp.

Theo một nghiên cứu dịch tễ học của Pháp do nhóm 3 nhà nghiên cứu của hệ thống các trường y tế cộng đồng bệnh viện được công bố hôm 23/4, những biện pháp hạn chế lưu thông đã giúp giảm được 83,5% số lượng tử vong ở bệnh viện trong khoảng từ 19/03 đến 19/04. Nhu cầu giường bệnh hồi sức tăng cường nếu không có lệnh phong tỏa có thể lên tới 100 nghìn giường, tức là gấp 20 lần so với khả năng ban đầu của cả nước Pháp và số người nhập viện sẽ phải là con số 590 nghìn. Như vậy có thể nói, những cố gắng của người Pháp tôn trọng phong tỏa hẳn là không vô ích chút nào.




Tin tổng hợp

(Reuters) – Cụm tầu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hoàn thành tập trận ở Biển Đông.

Ngày 23/04/2020, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết cụm tầu hiện đang đi về hướng eo biển Ba Sĩ (Bashi), giữa Đài Loan và Philippines. Trong khi đó, khu trục hạm USS Barry của Mỹ, vừa tham gia tập trận với Hải Quân Úc, ở vùng Biển Đông, khu vực tầu Trung Quốc và Malaysia đối đầu, đã đến eo biển Đài Loan ngày 24/04 trong khuôn kổ « chiến dịch thông thường bảo đảm an ninh và ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương », theo hình ảnh được Hạm Đội 7 đăng trên trang Facebook.

(Reuters) – Biển Đông: Trung Quốc và Mỹ cáo buộc lẫn nhau.

Trong cuộc họp báo ngày 24/04/2020 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là có một số chính trị gia Hoa Kỳ tìm cách can thiệp vào tình hình Biển Đông (Nam Hải theo cách gọi của Bắc Kinh). Những âm mưu này sẽ bị thất bại. Cảnh Sảng không nói rõ ai là chính trị gia mà Trung Quốc cáo buộc. Trong cuộc họp với các đồng nhiệm ASEAN hôm 23/04/2020, qua video, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo « Trung Quốc lợi dụng thế giới lo tập trung chống dịch để loan báo thành lập các quận huyện tại các quần đảo Biển Đông, đánh chìm tàu cá Việt Nam, đưa tàu chiến uy hiếp các nước trong khu vực. »

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ: 100.000 người nhiễm siêu vi corona.

Số bệnh nhân bị đại dịch Covid-19 lây nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt ngưỡng 100.000, theo tuyên bố của bộ trưởng Y Tế Fahrettin Koca ngày 23/04/2020. Dịch bệnh đã làm 2.491 người chết trong số 101.790 bị nhiễm siêu vi. Để chận dịch, Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh hạn chế đi lại trong bốn ngày, kể từ thứ Năm (23/4) cho đến hết Chủ Nhật (26/4) tại 31 thành phố lớn.

(AFP- France –Info) – Virus corona yếu đi vì nắng ấm ? 

Theo một nghiên cứu được Nhà Trắng công bố ngày 23/04/2020 « dường như ánh nắng mặt trời có thể tiêu diệt được virus corona bám trên các bề mặt và lơ lửng trong không khí ». Bill Bryan, một quan chức thuộc bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ, cho biết như trên và nói thêm « nắng ấm hay độ ẩm cũng có tác động tương tự, tức là không thuận lợi cho virus ». Phó tổng thống Mike Pence xem đây là một « nghiên cứu đáng khích lệ ». Tổng thống Trump thận trọng hơn với giả thuyết này, đồng thời gián tiếp đề xuất một hướng nghiên cứu khác khi ông đặt câu hỏi : « Tại sao không bơm thẳng thuốc khử trùng, khử vi khuẩn vào phổi các bệnh nhân để trị Covid-19 ? Đây là một hướng nghiên cứu hay cần tìm hiểu thêm ». Các cố vấn y tế của Nhà Trắng im lặng trước đề xuất này.

(Reuters) – Donald Trump : Báo cáo về tình trạng sức khỏe của lãnh tụ Bắc Triều Tiên « không đúng đắn ».

Vào lúc báo chí Bình Nhưỡng vẫn im lặng về những tin đồn cho rằng Kim Jong Un đang lâm bệnh nặng vừa trải qua một đợt phẫu thuật, tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc họp báo hôm 23/04/2020 tuyên bố những lời đồn đoán nói trên được căn cứ trên những « thông tin sai lệch của báo chí » và những « tài liệu cũ ».

(AFP) – Virus corona : Bệnh viện và nghĩa trang Brazil bị quá tải.

Theo thống kê chính thức, dịch Covid-19 làm hơn 3.000 người chết và lây nhiễm cho 40.000 bệnh nhân tại Brazil. Nhưng số người chết tăng nhanh tại thành phố Manaus, trong vùng Amazon, phía bắc quốc gia này. Nghĩa trang chính của thành phố đào những hố chôn tập thể. Thị trưởng Manaus nói đến cảnh tượng như trong « phim kinh dị ». Manaus với 1,7 triệu dân cư chỉ có 50 giường trong khoa hồi sức.

(AFP) – Venezuela : Biểu tình chống giá nhu yếu phẩm leo thang, một người thiệt mạng.

Quân đội Venezuela ngày 23/04/2024 cho biết trong hai ngày liên tiếp hàng chục người xuống đường tại Upata, bang Bolivar miền Nam Venezuela. Số này phản đối « vật giá leo thang ». Một thanh niên 28 tuổi trúng đạn và qua đời sau đó trong một vụ xô xát, hai người khác bị thương.

(AFP) – Sổ số tombola đặc biệt gây quỹ hỗ trợ nhân viên y tế Pháp chống dịch Covid-19.

Chiến dịch Stars solidaires được mở ra từ ngày 24/04/2020 cho đến này 08/05/2020 huy động những ngôi sao của Pháp trong mọi lĩnh vực. Với giá 10 euro một vé, những người tham gia trúng thưởng hy vọng có được một chiếc áo thun của Zidane – huấn luyện viên đội Real Madrid ; chiếc vợt tennis của Richard Gasquet, hay được một buổi học làm bếp với đầu bếp thượng thặng Thierry Marx – chủ nhà hàng trên tháp Eiffel. Tất cả khoản tiền thu được sẽ dành cho tập hợp #ProtegeTonSoignant.

(Reuters) – Thiên Vấn là tên chương trình thám hiểm sao Hỏa của Trung Quốc.

Ngày 24/04/2020 cơ quan không gian Trung Quốc tiết lộ chương trình thám hiểm Hỏa tinh đầu tiên được dự trù diễn ra trong năm nay. Chương trình mang tên Thiên Vấn 1 (Tianwen 1) được trích từ một bài thơ của thi sĩ Khuất Nguyên (Qu Yuan) thời Chiến Quốc.




Điểm tin thế giới sáng 24/4:

Mỹ viện trợ lớn cho Greenland;


Châu Phi lo sợ Covid-19 bùng phát


Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (24/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Mỹ viện trợ lớn cho Greenland

Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu đô la cho Greenland vào thứ Năm nhằm tăng cường mối quan hệ với hòn đảo này và thúc đẩy sự hiện diện quân sự lớn hơn của Hoa Kỳ ở Bắc Cực, theo Reuters.

Cùng ngày, chính quyền Greenland đã bày tỏ sự vui mừng đối với quyết định trên của Hoa Kỳ. Hòn đảo của Đan Mạch sẽ tiếp nhận gói viện trợ của Mỹ để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Reuters cho hay, Greenland mặc dù chỉ có 56.000 dân nhưng rất giàu tài nguyên, và đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với quân đội và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang không ngừng tìm cách gây ảnh hưởng thương mại và quân sự thông qua hòn đảo này tới Bắc Cực.

Châu Phi lo sợ Covid-19 bùng phát

Đặc phái viên của Liên minh châu Phi (AU) Tidjane Thiam hôm thứ Năm đánh giá rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán nếu bùng phát ở châu Phi thì sẽ là một thảm họa cho châu lục này, Reuters đưa tin.

Trong một cuộc hội thảo trực tuyến, ông Thiam cho biết, tính bình quân, châu Phi chỉ có 1,8 giường bệnh/1000 dân, vì thế trong trường hợp bị Covid-19 tấn công mạnh sẽ “không có khả năng” chống đỡ.

Theo cập nhật của Worldometers, tính tới sáng ngày 24/4 (giờ Việt Nam), châu Phi có 2.948 người nhiễm virus Vũ Hán (tăng 1,292), trong đó có 1.290 người tử vong (tăng 46 người), 8.450 người hồi phục, và 173 người ở tình trạng nguy kịch.

Mỹ có thể sẽ không khôi phục tài trợ cho WHO

Trên chương trình của Fox News hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần phải được cải tổ mạnh mẽ sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và cho biết Mỹ có thể sẽ không bao giờ khôi phục tài trợ cho tổ chức này.

Theo ông Pompeo, WHO phải “thay đổi cấu trúc” để khắc phục “các yếu kém” của tổ chức này. Khi được hỏi rằng việc cải tổ này có bao gồm sự thay đổi người lãnh đạo WHO hay không, Ngoại trưởng Mỹ trả lời rằng “thậm chí còn cần phải thực hiện hơn thế nữa”.

Tổng thống Trump và nhiều quan chức trong nội các của ông đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích WHO về sự yếu kém trong cách phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, ám chỉ rằng tổ chức này nhận tài trợ lớn của Mỹ nhưng lại thiên vị Trung Quốc.

Tháng ăn chay Ramadan vẫn diễn ra giữa đại dịch

Ả Rập Xê Út thông báo tháng ăn chay Ramadan sẽ được bắt đầu vào thứ Sáu (26/4) nhưng việc cầu nguyện sẽ không được tiến hành tại các nhà thờ như mọi khi để tránh lây lan virus Vũ Hán, theo AFP.

Theo truyền thống, trong tháng ăn chay, người Hồi giáo sẽ không ăn không uống vào ban ngày, và sẽ tụ họp các thành viên gia đình vào ban đêm. Vào thời gian này họ cũng thường tập trung số lượng lớn tại các nhà thờ, đặc biệt là vào buổi tối.

Nhưng do đại dịch, tại thời điểm này, hầu hết các quốc gia Hồi giáo đã đóng cửa nhà thờ và yêu cầu người dân cầu nguyện tại nhà, bên cạnh việc áp đặt lệnh giới nghiêm để hạn chế sự lây lan của loại virus chết người tới từ Trung Quốc.

Ả Rập Xê Út hiện là một trong những điểm nóng của đại dịch Covid-19 ở châu Á, với 13.930 người nhiễm bệnh, là ổ dịch lớn thứ 6 của châu lục này.

Nhà báo Nga chỉ trích tổng biên tập ủng hộ Putin

Các nhà báo tại tờ Vedomosti, một trong những hãng tin lớn nhất ở Nga, hôm thứ Năm, đã cáo buộc tổng biên tập của họ tuân theo sự kiểm duyệt ủng hộ quan điểm truyền thông của chính phủ Putin, và đề nghị ban giám đốc tòa soạn phải thay đổi người này, theo Reuters.

Trong một bài viết đăng trên trang web của tờ báo, các nhà báo phàn nàn rằng Tổng biên tập Andrei Shmarov đã không cho đăng tải kết quả cuộc thăm dò ý kiến người dân của một tổ chức nghiên cứu vì nó có thể gây khó chịu cho Kremlin.

Một ngày trước đó, nhà báo Kseniya Boletskaya của Vedomosti đã công khai chỉ trích ông Shmarov vì cấm đưa tin về kế hoạch thay đổi hiến pháp của Tổng thống Putin, kế hoạch mà nhiều người tin rằng nó có thể giúp ông Putin tiếp tục nắm quyền lực tới năm 2036.




Điểm tin thế giới chiều 24/4:

Ông Trump cho rằng


tin Kim Jong Un bị bệnh là không chính xác


Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (24/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau

Ông Trump cho rằng tin Kim Jong Un bị bệnh là không chính xác

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Năm (23/4) rằng, ông “nghĩ những báo cáo đó là không chính xác”, theo Reuters ngày 24/4.

“Chúng tôi có một mối quan hệ tốt với Triều Tiên, tôi có một mối quan hệ tốt với Kim Jong Un và tôi hy vọng cậu ấy ổn”, ông Trump nói.

Tờ Daily NK, trụ sở ở Seoul, hôm 20/4 dẫn nguồn tin giấu tên báo cáo rằng Kim Jong Un đã hồi phục sau khi trải qua một thủ thuật tim mạch vào ngày 12/4.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc tại hội nghị ASEAN

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23/4 nói với các đối tác Đông Nam Á là Trung Quốc lợi dụng việc thế giới đang bận rộn với đại dịch virus corona để đẩy mạnh những tham vọng lãnh thổ tại Biển Đông.

“Bắc Kinh đã lợi dụng việc các nước đang chú trọng đến đại dịch để đơn phương loan báo thành lập những quận mới tại các quần đảo và các khu vực trên biển, đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam trước đây trong tháng, và lập những “trạm nghiên cứu” trên Đá Chữ Thập và Đá Subi”, VOA Việt ngữ ngày 24/4 dẫn lời ông Pompeo.

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ đưa ra cáo buộc này trong một hội nghị qua video với các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên Hiệp hội Đông Nam Á.

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan lần hai trong một tháng

Một tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai trong một tháng, quân đội Đài Loan và Mỹ cho biết trong hôm thứ Sáu, theo Reuters ngày 23/4. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc gia tăng sau khi một tàu sân bay Trung Quốc mới đây đã đi gần hòn đảo.

Trung Quốc xây sân vận động bóng đá mới

Hãng tin AFP cho biết, đội bóng mạnh nhất Trung Quốc Guangzhou Evergrande (Quảng Châu Hằng Đại), đã khởi công xây dựng sân vận động mới của họ, với nguồn kinh phí lên tới 12 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD). Sân vận động với sức chứa 100.000 người. Việc xây dựng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa nới lỏng các biện pháp siết chặt xã hội từ đại dịch Covid-19.

Ấn Độ: Xu hướng tử vong vì Covid-19 giảm ‘bí ẩn’

Virus corona đã lây nhiễm cho hơn 2,7 triệu người trên toàn cầu, gần 190.000 ca tử vong. Nhưng trong những tuần gần đây, số ca tử vong vì Covid-19 có xu hướng tăng mạnh ở một số quốc gia, thì ở Ấn Độ dường như đang xảy ra điều ngược lại.

Thủ phủ Mumbai, nơi khoảng 12 triệu dân sinh sống, chứng kiến số ca tử vong giảm khoảng 21% trong tháng 3 so với cùng tháng trong năm 2019, theo dữ liệu của thành phố. Số người chết giảm mạnh 67% ở Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat. Một số doanh nghiệp tang lễ và nhà hỏa táng báo cáo doanh thu sụt giảm từ loại hình kinh doanh này, đặc biệt là vào tháng Tư.

“Điều đó khiến chúng tôi rất ngạc nhiên”, Reuters dẫn lời Shruthi Reddy, giám đốc điều hành công ty dịch vụ tang lễ Anthyesti Funeral cho biết.


Powered by Blogger.