Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 18/07/2020

Saturday, July 18, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 18/07/2020

Trung Quốc: Bên trong toàn trị, bên ngoài đế quốc – Anh Vũ

Chủ đề chính của các tuần báo Pháp ra tuần này khá đa dạng. Le Point quan tâm đến mối lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ, đang lấn lướt các đồng minh phương Tây để nổi lên như là một cường quốc khu vực. Bên cạnh đó các báo tuần không bỏ qua những sự kiện nóng liên quan đến Trung Quốc. Bài xã luận của Le Point mang tiêu đề “Trung Quốc: Luật của kẻ mạnh”.
Mở đầu bài xã luận, Le Point ghi nhận là trận đại dịch Covid-19 đã làm phát lộ và đẩy nhanh tốc độ chuyển biến của thế kỷ 21, làm tan rã trật tự thế giới hình thành sau 1945 và góp phần xóa đi vai trò thủ lĩnh thế giới của Hoa Kỳ, đang tê liệt bởi trận «Trân Châu Cảng y tế», kinh tế suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1930 cùng làn sóng thất nghiệp 48 triệu người.
Thế nhưng trong cơn hoạn nạn đó của thế giới, Trung Quốc lại nổi lên. Theo Le Point, «trận đại dịch mà trong đó Trung Quốc phải có trách nhiệm đã tạo cho ông Tập Cận Bình cơ hội kiểm soát hệ tư tưởng và giám sát người dân». Bên trong thì củng cố chế độ toàn trị, bên ngoài Bắc Kinh thực thi chiến lược ngoại giao «cực kỳ hung hăng» theo kiểu đế quốc.
Bài báo liệt kê ra một danh sách dài các hành động ỷ vào sức mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc: Ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, kéo theo một loạt vụ bắt bớ trấn áp; đòi Google, Facebook, WhatsApp hay Twitter phải cung cấp cho an ninh Trung Quốc thông tin người sử dụng ; gia tăng áp lực chính trị và quân sự với Đài Loan ; gây đụng độ với Ấn Độ ở vùng biên giới đang có tranh chấp Ladakh ; trả đũa Úc bằng cấm vận thương mại vì nước này yêu cầu mở điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch virus corona ; đẩy mạnh nắm quyền kiểm soát các công ty chiến lược và hạ tầng cơ sở trọng yếu bằng cách gán nợ cho các nước, trong đó có cả châu Âu; tấn công mạng, thao túng dư luận ở các nền dân chủ giữa đại dịch….
Tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình
Le Point nhận định : Hành vi như vậy nằm trong chiến lược dài hạn nhằm chiếm lĩnh vai trò thủ lĩnh thế giới như Tập Cận Bình đề ra từ đại hội đảng thứ 19.
« Tham vọng của Bắc Kinh được cổ vũ thêm bởi sự tan rã vai trò thủ lĩnh của Hoa Kỳ, chính quyền Trump là một quà đẹp chưa từng thấy cho chế độ toàn trị Trung Quốc ». Tuy nhiên theo Le Point, chính sách của Tập Cận Bình đang vấp phải ngày càng nhiều sự phản kháng. Từ châu Âu cho đến châu Á, các quốc gia ý thức được mối đe dọa, đã hành động để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.
Le Point chỉ thẳng : « Trung Quốc giờ đây là mối đe dọa hàng đầu về tự do và hòa bình thế giới » với tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình là « một thế giới, một chế độ ».
Bài xã luận kêu gọi, « đã đến lúc các nền dân chủ phải chống lại Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô sau Thế Chiến Thứ 2. Tờ báo đưa ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc theo 5 trục chính :
« Hình thành một liên minh các nền dân chủ bao gồm các quốc gia tự do châu Á, trong đó châu Âu phải tham gia. Phá thế bao vây nhờ chính sách cùng phát triển với các quốc gia đang trỗi dậy và đầu tư mạnh trở lại cho các định chế đa phương. Tái lập lại cân bằng kinh tế bằng việc quy hồi các hoạt động sản xuất chiến lược. Cần có qua có lại trong trao đổi buôn bán. Khôi phục mạnh hơn cạnh tranh công nghệ. Đấu tranh tư tưởng bằng việc khẳng định lại các giá trị phổ quát về tự do chính trị và nhân quyền ».
Hồng Kông: Hậu quả thấy ngay của luật an ninh quốc gia
Liên quan đến chính sách dùng vũ lực của Trung Quốc, tuần san L’Express trở lại Hồng Kông những ngày từ khi có luật an ninh quốc gia với bài phóng sự « Nỗi sợ hãi trong thành phố ».
Bài báo ghi nhận những ngày đầu tháng 7 này, nhịp sống ở Hồng Kông đang trở lại như thường thấy. Thế nhưng « dưới bóng các tòa nhà chọc trời, lan tỏa một nỗi sợ hãi, bất an nặng nề » từ khi Bắc Kinh áp đặt bộ luật an ninh quốc gia tại vùng đất bán tự trị này.  Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi luật có hiệu lực, cảnh sát đã tiến hành hàng loạt vụ bắt bớ. Một người đàn ông 24 tuổi đã bị buộc tội « lật đổ » chính quyền vì đã trương lá cờ « Hồng Kông tự do » và đang chờ tháng 10 ra tòa lĩnh án.
Một phụ nữ Hồng Kông 39 tuổi nói với phóng viên của L’Express : « Chúng tôi tôi đã bước vào thời kỳ mới, dưới sự kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng sản Trung Quốc ». Bà cho biết không còn dám đăng gì trên facebook nữa vì sợ bị bắt. Bà đang mong bán được cửa hàng của mình để đi định cư ở Canada.
Bài phóng sự cho biết, các hoạt động kiểm duyệt sách báo, tư tưởng của người dân diễn ra từng ngày từ các hiệu sách đến trường học. Hơn một chục các tổ chức chính trị, công đoàn dân chủ đã phải tự giải thể vì ý thức được mối đe dọa của luật mới, một số nhà hoạt động đã chọn đường ra nước ngoài tị nạn. Họ biết mình sẽ là mục tiêu của luật an ninh quốc gia và sẽ có nhiều nguy cơ ngồi tù suốt đời. Các tiếng nói phản kháng biến dần.
Với bộ luật mới, cảnh sát Hồng Kông được trang bị quyền lực chưa từng có. Họ có thể khám xét không cần lệnh, lục lọi điện thoại, máy tính và cấm các nội dung trên internet. Nhiều công ty được chỉ thị phải yêu cầu các nhân viên chấm dứt bình luận chính trị trên mạng.  TikTok, một ứng ụng chia sẻ vidéo, do một công ty Trung Quốc nắm giữ đã thông báo rút khỏi Hồng Kông để tránh rủi ro phạm vào bộ luật của Bắc Kinh. Google, Facebook, Twitter không biết có thể ở lại Hồng Kông hay không khi không chấp nhận cung cấp thông tin người sử dụng theo yêu cầu của chính quyền.
Giám sát dân bằng công nghệ di truyền
Vẫn liên quan đến chuyện giám sát dân chúng nhưng ở Hoa Lục. Courrier International đăng lại phóng sự điều tra của nhật báo Mỹ New York Times: « Tại Trung Quốc, sắp tới 700 triệu người được lập phiếu ADN ».
Bài phóng sự cho biết, Bắc Kinh đang triển khai lập danh mục ADN của nam giới nước này nhằm mục đích có thể giúp tìm nhưng đối tượng tội phạm. Cảnh sát Trung Quốc hiện đã bắt đầu lấy mẫu máu của tất cả đàn ông trong cả nước, từ vị thanh niên cũng như trưởng thành, để lập hệ thống dữ liệu ADN. Chương trình được thực hiện với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật mua của công ty Mỹ Thermo Fisher.
Theo Courrier Internationnal, « với dự án này, Trung Quốc đã vượt qua một bước lớn trong việc sử dụng dữ liệu di truyền để kiểm soát dân chúng ». Dù chính quyền nhấn mạnh việc chia sẻ dữ liệu ADN này dựa trên cơ sở tình nguyện. Nhưng một số quan chức tại Trung Quốc và hiệp hội bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài đã cảnh báo việc làm trên quy mô toàn quốc như vậy là hành động xâm phạm đời tư và tạo điều kiện cho chính quyền trừng phạt người thân của những nhà ly khai hay hoạt động tranh đấu.
Đây là công cụ bổ sung thêm vào mạng lưới giám sát tinh vi đang ngày càng được công an triển khai rộng rãi trong cả nước, như hệ thống nhận diện và trí thông minh nhân tạo. Công an Trung Quốc khẳng
định cần có cơ sở dữ liệu đó để ngăn chặn các đối tượng phạm pháp.  Việc chỉ lập phiếu ADN của năm giới được giải thích rất đơn giản : Đàn ông có xu hướng phạm tội nhiều hơn phụ nữ, theo các thống kê.
Thổ Nhĩ Kỳ : Đế chế Ottoman trở lại
Trở lại Le Point với hồ sơ chính mối đe dọa bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần báo chạy tựa lớn trang nhất : « Erdogan, chiến tranh đang ở cửa nhà chúng ta »
Gần đây báo chí đã tốn không ít giấy mực cho Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan đầy tham vọng. Le Point dành nhiều bài viết trong số ra tuần này để cho thấy một nước Thổ Nhĩ Kỹ của tổng thống Tayipp Erdogan đang muốn nổi lên thành cường quốc trong khu vực, trở lại thời hoàng kim của đế chế Ottoman.
Hàng loạt các hành động của chính quyền Erdogan tại Syria, Libya, Síp, Địa Trung Hải hay thái độ ngang ngược với các đồng minh Nato, bắt bí các nước Châu Âu … cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng từ quân sự, chính trị đến văn hóa lịch sử. Hành động gần đây nhất của Ankara là việc quyết định chuyển thành nhà thờ Hồi Giáo công trình thánh đường cổ của đạo Thiên Chúa Hagia Sophia (Sainte-Sophie), được xây dựng từ thế kỷ thứ IV, từ 1934 là bảo tàng quốc gia. Quyết định này của tổng thống Erdogan nhằm xóa đi những dấu vết lịch sử bất lợi cho việc khôi phục hình ảnh một Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh của thời đế chế Ottoman.
Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ không sợ phải đối đầu với các nước lớn,dù là phương Tây hay Nga, để giành ảnh hưởng tại Libya, trên Địa Trung Hải, như vụ đòi quyền khai thác các mỏ khí đốt mới phát hiện ngoài khơi đảo Síp. Để làm được điều đó Ankara sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đối đầu về chính trị cũng như quân sự với Pháp, một khi lợi ích của họ trong khu vực Trung Cận Đông bị cản trở, như sự cố trên Địa Trung Hải hồi tháng trước với tàu chiến Pháp Courbet, được tờ báo trích dẫn. Ankara cũng sẵn sàng lấy làn sóng người nhập cư để gây sức ép, bắt bí Liên Hiệp Châu Âu.
Ẩm thực : Trở lại vạch xuất phát
Về hồ sơ chính, « Ẩm thực, điểm xuất phát mới », Courrier International đề cập đến thực trạng lĩnh vực nhà hàng ăn uống tiêu điều vì khủng hoảng dịch Covid 19 nay đang cố gượng dậy.
Các nhà hàng ăn uống là một trong những nạn nhân đầu tiên của đại dịch virus corona. Ở Pháp cũng như các nơi khác, từ châu Mỹ sang châu Âu, hàng ngàn nhà hàng từ nổi tiếng cho đến bình dân trong các góc phố đã phải đóng cửa trong đợt phong tỏa giãn cách xã hội. Giờ đây khi đã được giải tỏa, rất đông các nhà hàng không thể mở cửa lại, số khác mở cửa trở lại nhưng phải thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh. Mô hình quán ăn đang thay đổi căn bản, có thể nói là gần như trở lại từ đầu.
Hồ sơ của Courrier International về chủ đề ẩm thực phác họa những nét chính của bức tranh ngành ẩm thực trên toàn thế giới sau phong tỏa vì khủng hoảng dịch Covid-19 cùng những nỗ lực sáng tạo cứu ngành kinh tế có doanh thu tới 900 tỷ đô la mỗi năm và sử dụng 15 triệu nhân công này của thế giới.

Tin tổng hợp
(CNN) – Chân dung hai cựu tổng thống Clinton và Bush bị gỡ khỏi sảnh chính Nhà Trắng –
Hai bức chân dung chính thức của hai người tiền nhiệm của ông Donald Trump là Bill Clinton và George W. Bush bị chuyển vào phòng khác. Các trợ lý Nhà Trắng ngày 17/07/2020  tiết lộ rằng hai bức chân dung này đã bị gỡ xuống vào tuần trước và được thay thế bằng chân dung của hai tổng thống Cộng Hoà từng tại nhiệm hơn một thế kỷ trước đây là William McKinley, tổng thống Mỹ thứ 25 bị ám sát năm 1901, và Theodore Roosevelt.
(AFP) – Cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe trở thành người được dân Pháp yêu mến nhất. 
Theo cuộc thăm dò dư luận BVA – Orange – RTL công bố ngày 17/07/2020, cựu thủ tướng Philippe đã soán ngội vị số một của ông Nicolas Hulot. Người kế nhiệm ông Philippe là tân thủ tướng Jean Castex cũng được 56% ý kiến ​​tốt.
(AFP) – Nga tổ chức tập trận đột xuất để đánh giả năng lực quân đội. 
Theo bộ Quốc Phòng Nga ngày 17/07/2020, tổng thống Putin đã ra lệnh tập trận và kiểm tra đột xuất nhắm vào khoảng 150.000 quân để đánh giá khả năng quân đội đảm bảo an ninh ở miền tây nam nước Nga. Ba binh chủng lục quân, không quân và hải quân, đặc biệt là hai hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương, đều đã tham gia vào 56 bài tập chiến thuật ở 35 căn cứ trên bộ và 17 căn cứ trên biển ở vùng Hắc Hải và Biển Caspi. Cuộc thao diễn còn nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận  Kafkaz–2020, dự kiến vào tháng 9.

Điểm tin thế giới sáng 18/7:

Với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’,

Trung Quốc tiếp tục xúc phạm Mỹ

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (18/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Với phong cách ngoại giao ‘chiến lang’, Trung Quốc tiếp tục xúc phạm Mỹ
Theo AFP, vào hôm 17/7, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh nói rằng, các quan chức Mỹ đã bị “mất trí và phát điên” trong cách hành xử với chính quyền Trung Quốc.
“Những người này, vì lợi ích cá nhân và lợi ích chính trị, đã không ngần ngại đánh lạc hướng dư luận trong nước, tới mức họ mất trí và phát điên”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
“Một con chim sẻ không thể hiểu nổi tham vọng của con thiên nga. Đây là đánh giá sai lầm nghiêm trọng và hiểu sai về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc”, bà Hoa khẳng định.
Tuyên bố của bà Hoa được cho là nhằm đáp trả Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Pelham Barr, khi ông Bộ trưởng một ngày trước đó nói rằng Bắc Kinh đang thực hiện “chiến tranh kinh tế chớp nhoáng” nhằm thay thế Washington thành cường quốc thế giới cũng như truyền bá tư tưởng chính trị khắp toàn cầu.
Trước đó, vào hôm 13/7, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu-cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc đã hỏi trên Twitter rằng, Hoa Kỳ có đang bị “tâm thần” hay không khi ra bản thông cáo bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Phong cách ngoại giao “chiến lang” được cho là phong cách mới mà các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây thường xuyên sử dụng. Những nhà ngoại giao nước này thường sẵn sàng đe dọa hay thậm chí là xúc phạm những quốc gia mà họ cho là có hành vi không tốt với Trung Quốc. Không chỉ các nhà ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cũng từng đưa ra những phát biểu mạnh bạo, như tờ Hoàn Cầu từng ví nước Úc giống “bã kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Quốc” và “phải chà vào đá mới gỡ được”, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch Covid-19.
Trinh sát cơ Mỹ lại quần thảo gần Trung Quốc
Theo SCMP, vào hôm 17/7, tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đăng trên Twitter cho biết trinh sát cơ E-8C Joint STARS của không quân Mỹ đã hoạt động tại khu vực phía nam đảo Đài Loan và tới vị trí cách bờ biển tỉnh Quảng Đông 72 hải lý (133 km).
SCSPI cho biết đây là lần thứ ba trong tuần máy bay Mỹ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc. Cùng ngày, một máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry của không quân Mỹ cũng hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Hoạt động của trinh sát cơ E-8C và máy bay cảnh báo sớm E-3C diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quanh Đài Loan khi hòn đảo tổ chức cuộc diễn tập bắn đạn thật Hán Quang. Trung Quốc được cho là đã cử hai tàu trinh sát tới khu vực phía đông đảo Đài Loan để “rình mò” theo dõi cuộc diễn tập, buộc lực lượng phòng vệ của Đài Loan phải cử tàu tuần tra ra ứng phó.
Dân Ấn Độ đòi đổi tên đường gần Đại sứ quán Trung Quốc thành ‘Đường Đạt Lai Lạt Ma’
Theo tờ Taiwan News, người dân Ấn Độ đang khởi động một chiến dịch trực tuyến kêu gọi đổi tên đường gần đại sứ quán Trung Quốc thành đường “Đại Lai Lạt Ma”. Tính đến sáng ngày 17/7, 979 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trên trang Change.org.
Giải thích về lý do đề nghị đổi tên đường, ông Om Prakash Mishra, cựu bộ trưởng Nhà ở cho biết tên đường Panchsheel Marg gần Đại sứ quán Trung Quốc là một hiệp ước được ký giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1954 để biểu thị sự tôn trọng lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ giữa hai bên. Theo ông, hiệp ước được hình thành trên cơ sở cả hai nước sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và sẽ cùng tồn tại hòa bình, nhưng những diễn biến gần đây đã khiến ông tin rằng Bắc Kinh không có ý định tôn trọng thỏa thuận song phương này.
Theo ông Mishra, việc đặt tên nhà lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma cho con đường sẽ không chỉ tôn vinh người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh về chủ
nghĩa bành trướng xâm lược của họ. Vị quan chức Ấn Độ nói đùa rằng sẽ rất vui khi thấy đại sứ Trung Quốc đi dọc theo đường Đạt Lai Lạt Ma mỗi ngày để làm việc.
Công chúa Anh bí mật kết hôn
Theo CNN, công chúa Anh Beatrice, con gái hoàng tử Andrew, đã tổ chức hôn lễ bí mật ở lâu đài Windsor với sự chứng kiến của Nữ hoàng Elizabeth II.
Điện Buckingham hôm 17/7 xác nhận công chúa Beatrice và hôn phu Edoardo Mapelli Mozzi đã tổ chức hôn lễ cùng ngày. Hai người đính hôn từ tháng 9 năm ngoái, song đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới lễ cưới của họ.
“Lễ cưới riêng của công chúa Beatrice và ngài Edoardo Mapelli Mozzi được cử hành lúc 11h ngày 17/7 tại nhà thờ hoàng gia All Saints ở Windsor”, Điện Buckingham ra tuyên bố.
Theo điện Buckingham, bữa tiệc nhỏ có sự tham gia của Nữ hoàng Anh, Hoàng thân Philip và gia đình. Hôn lễ cũng diễn ra theo các quy tắc liên quan của chính phủ Anh.

 Điểm tin thế giới tối 18/7:

COVID-19 có thể chuyển xấu

giống đại dịch cúm năm 1918

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (18/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
COVID-19 có thể chuyển xấu giống đại dịch cúm năm 1918
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, gần đây đã đề xuất rằng dịch COVID-19 có khả năng tiếp cận đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 về mức độ nghiêm trọng trong khi bày tỏ hy vọng sự can thiệp từ phía chính quyền sẽ ngăn chặn một kết quả như vậy, theo The Epoch Times.
TS Fauci đưa ra nhận xét này trong một hội thảo trực tuyến về Sáng kiến ​​Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown hôm thứ ba, trong thời gian đó, ông đã gọi dịch COVID-19 là “đại dịch có tầm vóc lịch sử”.
“Đây là một cái gì đó mà khi lịch sử nhìn lại, nó sẽ tương đương với những gì chúng ta từng thấy vào năm 1918”, ông nói thêm, đề cập đến đại dịch cúm mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) gọi là đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại”. Người ta ước tính rằng khoảng 500 triệu, hoặc khoảng một phần ba dân số thế giới tại thời điểm đó, đã bị lây nhiễm căn bệnh này, do vi-rút có nguồn gốc từ cúm gia cầm H1N1 gây ra.
Iran công bố số liệu chấn động: 25 triệu người nhiễm COVID-19
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay vừa tuyên bố quốc gia 80 triệu dân này có khoảng 25 triệu người đã nhiễm virus Vũ Hán, và 35 triệu người khác có nguy cơ nhiễm căn bệnh chết người này.
Reuters trích tuyên bố của ông Rouhani được phát sóng trên truyền hình: “Theo ước tính của chúng tôi, hiện có 25 triệu người Iran đã nhiễm virus này và khoảng 14.000 người đã mất đi sinh mạng”.
Ông Rouhani nói tiếp: “Có khả năng 30-35 triệu người khác sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm”. Ông cũng nói đã có hơn 200.000 người đã nhập viện”. (chi tiết)
Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo về phòng thí nghiệm Vũ Hán 2 năm trước đây
Hai đoạn điện báo của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2018 cảnh báo rằng một phòng thí nghiệm mới ở Vũ Hán không có đủ nhân viên được đào tạo để vận hành nó một cách an toàn trong quá trình nghiên cứu các chủng virus corona giống SARS được phân lập từ dơi, theo các đoạn điện báo được công bố hôm thứ Sáu nhờ Đạo luật Tự do Thông tin.
Một đoạn điện báo được gửi về từ Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hôm 19/1/2018, đã thông báo cho Washington biết Trung Quốc đã mở Viện Virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4) đầu tiên và rằng lãnh đạo phòng thí nghiệm này cho rằng họ đã sẵn sàng nghiên cứu mầm bệnh cấp độ bốn (P4) – những virus có độc lực cao nhất có nguy cơ lây nhiễm từ người sang người, theo Breitbart.
Tuy nhiên, đoạn điện báo cảnh báo rằng “có một sự thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo bài bản để vận hành an toàn phòng thí nghiệm này”. Nó cũng lưu ý “một sự thiếu minh bạch trong các chính sách và hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc”, và rằng Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc (NHFPC) chưa cấp phép phòng thí nghiệm triển khai nghiên cứu về mầm bệnh rất dễ lây lan.
Bất chấp có những hạn chế này, phòng thí nghiệm này vẫn tiến hành nghiên cứu về các chủng virus corona giống SARS, bức điện báo cho hay.
Máy bay do thám của Mỹ được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc
Một máy bay do thám của quân đội Mỹ đã được phát hiện ở gần bờ biển phía nam Trung Quốc tổng cộng 3 lần trong tuần này tính đến hôm thứ Sáu (17/6), tờ Bưu Điện Nam Hoa buổi sáng dẫn các nguồn tin Trung Quốc cho hay, trong bối cảnh Hải quân Mỹ báo cáo có hai nhóm tàu sân bay đang tiến hành các cuộc tập trận kép ở Biển Đông để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, theo sau việc Mỹ chính thức bác các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông hồi đầu tuần.
Máy bay E-8C của Không lực Hoa Kỳ, được trang bị hệ thống radar chuyên dụng, thông tin liên lạc, vận hành và điều khiển chuyên nghiệp, đã được nhìn thấy 72 hải lý ngoài khơi bờ biển tỉnh Quảng Đông, theo tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative – SCSPI), một viện chính sách có trụ sở tại Đại học Bắc Kinh.
Đây là vụ chứng kiến thứ ba trong tuần, Viện này cho biết. Các nhà phân tích cho biết chiếc máy bay này có thể đang theo dõi việc triển khai và di chuyển của quân đội của Trung Quốc dọc bờ biển.
Máy bay ném bom tàng hình B-1B đến Guam sau khi Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông
Không quân Mỹ hôm thứ Sáu đã triển khai hai máy bay ném bom B-1B tới đảo Guam khi Hải quân nước này tiếp tục các hoạt động tập trận của tàu sân bay kép ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông, theo Stars and Stripes.
Cả hai nhánh lực lượng quân đội đều mô tả các hoạt động là mang tính thường lệ, nhưng tuân theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai (13/7) chính thức chấp nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực tại Hague bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với một số rạn san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông.
Họ sẽ huấn luyện với các đồng minh, các nước đối tác và các lực lượng quân đội khác của Hoa Kỳ. Việc triển khai cũng hỗ trợ “các nhiệm vụ răn đe chiến lược nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực”, Không quân Mỹ cho biết.
Trung Quốc đẩy mạnh việc đóng tàu sân bay
Trung Quốc dự kiến ​​sẽ ra mắt một con tàu sân bay thế hệ kế tiếp trong vòng một năm tới và việc chế tạo một con tàu chị em của con tàu thế hệ mới này hiện đang được đẩy nhanh, hai nguồn tin thân cận với các dự án cho biết.
Tàu sân bay Type 002 – tàu sân bay thứ ba của đất nước và thứ hai được phát triển trong nước – đã bắt đầu quá trình lắp ráp cuối cùng, hai nguồn tin độc lập nói với tờ South China Morning Post.
“Việc lắp ráp con tàu sân bay mới đã bắt đầu và dự kiến ​​sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm tới, vì đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ”, theo nguồn đầu tiên, chia sẻ trong điều kiện giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề.
“Các công nhân của công ty cũng đang bắt đầu công việc khởi công cho chiếc tàu sân bay chị em của con tàu mới. Cả hai tàu đều được đóng bởi Nhà máy đóng tàu Giang Nam gần Thượng Hải”.

Tin Việt Nam – 18/07/2020

Tin Việt Nam – 18/07/2020

Vụ vợ bị đơn định nhảy lầu tại tòa: Đề nghị huỷ hai bản án – Hiểu Minh

TAND Cấp cao tại TP.HCM nêu các căn cứ phải xem xét lại trong vụ án tranh chấp 674 m2 đất ở Gò Vấp khiến vợ bị đơn định nhảy lầu tự tử.
Trong kháng nghị vừa ban hành, TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án tuyên ông Lê Văn Dư, 42 tuổi, và các đồng bị đơn thua kiện trong vụ tranh chấp 674m2 đất ở Gò Vấp với ông Phan Quý (67 tuổi, cựu cán bộ VKSND TP.HCM).
Bản án được tuyên hôm 1/7 khiến bị đơn bức xúc la hét phản đối, trong đó bà Hiệp (vợ ông Dư) – người có quyền, nghĩa vụ liên quan lao ra khỏi phòng xử định nhảy lầu nhưng được lực lượng bảo vệ tòa kịp thời ngăn cản.
Việc xây dựng không phép trên đất thuộc thẩm quyền của nhà nước, không liên quan đến ông Quý (nguyên đơn)
VnExpress đưa tin, kháng nghị chỉ ra 4 vấn đề phải xem xét lại trong vụ án. Về quan hệ tranh chấp, TAND Cấp cao cho rằng, các đương sự đều thừa nhận 674m2 đất đang tranh chấp nằm trong 3.500m2 đất trồng cây hàng năm tại phường 15, quận Gò Vấp, thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Quý. Năm 2002 và 2009, ông Quý lần lượt lập hợp đồng giấy tay bán cho ông Khâu Văn Sĩ, ông Dư và (Lê Sĩ Thắng, cháu ông Dư) 674m2 đất, đã nhận tiền đầy đủ. Ông Dư sau đó mua lại toàn bộ phần đất của người cháu và ông Sĩ, lập hợp đồng nhưng không công chứng.
Đến năm 2017, ông Quý cho rằng, các bị đơn vi phạm thỏa thuận xây dựng trái phép trên phần đất này nên khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch giấy tay trước đó chưa có hiệu lực pháp luật, buộc các bị đơn trả lại 674m2 đất (lúc này giá khu đất đã tăng gấp hơn 10 lần – khoảng hơn 10 tỷ đồng).
Ông Dư và các đồng bị đơn không đồng ý, phản tố, đề nghị tòa công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các đương sự. Do đó, quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
TAND quận Gò Vấp xử sơ thẩm xác định đúng quan hệ tranh chấp, nhưng TAND TP.HCM xử phúc thẩm xác định đây là tranh chấp quyền sử dụng đất. “Khi tuyên án toà lại không công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là mâu thuẫn, không phản ánh đúng bản chất”, kháng nghị nêu.
TAND Cấp cao cho rằng, lý do ông Quý khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là các bị đơn tự ý chuyển nhượng qua lại cho nhau và xây dựng trái phép trên đất, không được sự đồng ý của nguyên đơn. Tuy nhiên, các lý do nguyên đơn đưa ra không thuộc phạm vi thoả thuận giữa các bên khi xác lập giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bị đơn không vi phạm thỏa thuận. Việc xây dựng không phép trên đất thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính, không ảnh hưởng quyền lợi của nguyên đơn.
“Cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận một phần, hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không đúng pháp luật”
Trong khi đó, các bị đơn đã thanh toán tiền, nhận đất và sử dụng nhiều năm nhưng nguyên đơn không tranh chấp. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đang thực hiện, đáng lẽ các bên phải tiếp tục cho đến khi hoàn tất mọi thủ tục theo quy định pháp luật. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu tuyên bố vô hiệu là không phù hợp. “Cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận một phần, hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, đều không đúng pháp luật”, kháng nghị nêu.
Tòa Cấp cao cũng phân tích, ông Quý ký hợp đồng bán cho bị đơn Sỹ 500m2 vào thời điểm nguyên đơn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn hai hợp đồng chuyển nhượng với ông Dư và người cháu thì không đủ điều kiện tách thửa theo quy định. Các hợp đồng này chuyển nhượng bằng giấy tay, không công chứng, chứng thực, do đó tại thời điểm xác lập giao dịch đều vi phạm về các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm phát sinh tranh chấp, nguyên đơn (ông Quý) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên không được coi là vô hiệu. Hơn nữa toàn bộ 674m2 đã được các bên thống nhất chuyển nhượng cho ông Dư, đảm bảo điều kiện tách thửa theo Quyết định 190 của UBND TP.HCM (đất nông nghiệp phải từ 500m2 trở lên mới được tách thửa).
Hình thức và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên đương sự đã xác lập, đang thực hiện thì phát sinh tranh chấp. Do đó, cần áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết. Yêu cầu phản tố đề nghị công nhận hợp đồng của ông Dư là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần, còn tòa cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật nên cần phải được xem xét lại.
“Trong trường hợp không phát sinh thêm tài liệu chứng cứ nào khác phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo yêu cầu phản tố của ông Dư. Nếu có chứng cứ khác xác định hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì tòa phải giải quyết hợp đồng và hậu quả của hợp đồng vô hiệu mới đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên”, kháng nghị của TAND Cấp cao nêu.
Bên bán có lỗi
Trên báo Tuổi Trẻ, cùng đồng tình với các căn cứ trên của TAND Cấp cao, PGS.TS Lê Minh Hùng, việc tòa án tuyên các hợp đồng giữa ông Quý với các ông Sĩ, Thắng, Dư vô hiệu là chưa thuyết phục. Bởi đối với hợp đồng giữa ông Quý và ông Sĩ thì vào năm 2002 ông Quý đã bán 500m² đất cho ông Sĩ. Ông Sĩ đã nhận đất và trả đủ tiền. Vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không tuân thủ quy định của pháp luật về nội dung và hình thức đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hợp đồng này có điều kiện là bên bán sẽ hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sẽ ký kết hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực.
Do vậy, sau năm 2005, hợp đồng này còn trong quá trình thực hiện, bên bán chưa thực hiện đúng nghĩa vụ làm hợp đồng theo đúng hình thức luật định để hoàn tất việc chuyển nhượng.
Trên thực tế, các bên đã thực hiện xong nghĩa vụ giao đất, trả tiền. Vì vậy, hợp đồng này sau năm 2005 trở thành hợp đồng vi phạm về hình thức chứ không vi phạm điều kiện về nội dung và đã thực hiện xong từ 2/3 giá trị hợp đồng. Do đó, cần được công nhận hiệu lực để bảo đảm quyền lợi của bên nhận chuyển nhượng là ông Sĩ.
Theo ông Hùng, thời hiệu khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức là 2 năm tính từ thời điểm xác lập nên khi ông Quý khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện đã hết.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng nếu tòa xác định giao dịch này là vô hiệu thì cần xác định ông Quý là người có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu, bởi khi giao kết hợp đồng biết đất chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng vẫn cam kết lo thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Quý sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng, đăng ký sang tên cho bên mua đúng quy định. Mặc dù đất đã được giao, tiền đã nhận đủ, điều kiện trên đã xảy ra nhưng nguyên đơn đã không thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết.
Trước đó, sau phiên tòa, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Dư cho biết ông và ông Quý là họ hàng xa. Năm 1997, ông từ quê vào TP.HCM ở đợ cho nhà ông Quý. Sau khi ông lấy vợ và ra ở riêng, ông Quý bán cho ông 87m2 đất để ở tạm, nhân tiện trông coi vườn. Khi ở khu vực này có nhiều công trình xây dựng, ông Quý đòi lại đất.
“Tôi quỳ lạy ông bà để cho tôi ở, làm ăn nuôi con nhưng ông không chịu. Hai vợ chồng tôi làm dư được nhiều lắm trăm mấy, còn tất cả phải vay mượn. Nhà cửa ở quê đã cầm cố hết rồi. Đến giờ một tháng hai vợ chồng tôi vẫn phải gửi về hơn 18 triệu để trả nợ. Mẹ tôi năm nay gần 90 tuổi rồi, hàng xóm cứ sang hỏi, bà khóc miết thôi.
Tòa tuyên ông Quý trả tôi 830 triệu thì mua được cái gì nữa đây. Với bản án này, tôi chỉ có chết thôi chứ không làm gì được nữa” – ông Dư nói trong nước mắt.

Một người đàn ông Anh Quốc bị tai nạn

sau ngày chặn xe không cho người đi ngược chiều

Tin Vietnam.- Báo Dân trí ngày 16 tháng 7 năm 2020 loan tin, thấy nhiều người dân vi phạm luật giao thông đi ngược chiều trên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi  nên ông Stuart Surtess, 60 tuổi, quốc tịch Anh đã đứng chặn trước đầu xe để yêu cầu những người đi sai luật phải quay lại.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, tức là ngày 15 tháng 7 vừa qua, ông Stuart Surtess đã bị tai nạn, dẫn đến trấn thương sọ não, và chấn thương ở chân trái. Hiện ông Stuart Surtess đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Nguyên nhân của vụ tai nạn cũng như hình thức của vụ tai nạn là tai nạn giao thông hay tai nạn như thế nào không được báo Dân trí đề cập đến, tác giả bài báo chỉ đưa tin một cách mập mờ rằng sau khi chặn xe nhiều người đi ngược chiều thì ngày hôm sau ông Stuart Surtess gặp tai nạn ở gần nơi mà ông từng chặn xe không cho nhiều người đi sai đường. Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu đây có phải là một vụ trả thù ông Stuart Surtess hay chỉ là một vụ tai thông thường?
Theo báo Dân trí, ông Stuart Surtess từng là chuyên gia làm việc tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi về hưu, ông Stuart Surtess không về nước mà quyết định ở lại tỉnh này và đi dạy học từ thiện.
An Nhiên

Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam vẫn cao

bất kể luật định

Thanh Trúc
Phụ nữ Việt Nam nói chung cứ trong 3 người thì hết 2 bị hành hạ, nghĩa là chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra.
Đây là số liệu từ cuộc thăm dò toàn quốc lần thứ nhì, do Bộ Lao Động-Thương Binh- Xã Hội  cùng với Tổng Cục Thống Kê thực hiện năm 2019, có sự  hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc UNFPA cùng Phân Bang Quan Hệ Quốc Tế Và Mậu Dịch của Australia.
So với cuộc thăm dò toàn quốc lần thứ nhất về bạo lực gia đình năm 2010, kết quả khảo sát toàn quốc lần thứ nhì, được công bố hôm 14/7 vừa qua, cho thấy gần 63% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo hành.
Những con số trên biểu đồ mạng của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 16/7 liệt kê các hình thức bạo lực đối với phái nữ, qua đó 60,2% bị hành hạ về  thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế…và 62,9% là nạn nhân của bất kể loại hình bạo lực nào do bạn đời hay bạn tình gây ra.
Theo kết quả  đối chiếu giữa cuộc thăm dò toàn quốc lần đầu năm 2010 và  cuộc khảo sát lần hai năm 2019, thì con số phụ nữ bị chồng hay bạn tình đánh đập, hãm hại, giảm xuống mức 26,1% so với mức
31,5% hồi 2010.  Riêng năm 2019, cứ 100 phụ nữ thì có 32 người bị lạm dụng, bị bao lực gia đình bằng những loại hình như trên.
Nói một cách khác, tỷ lệ người nữ đứng ra tố cáo trước pháp  luật mình bị chồng hay bạn tình bạo hành đã tăng lên năm 2019.
Mặt khác, tỷ lệ 47% bị bạo lực cảm xúc bởi sự mắng nhiếc, sỉ nhục của người chồng, đã gây tổn thương tâm lý và tinh thần đáng kể cho người nữ, cũng là con số không hề nhỏ.
Tất nhiên tỷ lệ có giảm nhưng trong phạm trù bảng khảo sát nếu theo tiêu chí cũ thì có thể là giảm, nhưng mà theo thước đo mới thì tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn tiếp tục diễn biến, gia tăng một cách phức tạp – Đỗ Thị Trang
Bạo lực kinh tế còn khiến 1 trong 5 phụ nữ bị chồng hay bạn tình dùng quyền kiếm ra tiền và thói gia trưởng của mình để rẻ rúng, xúc phạm vợ. Ngoài ra, khống chế và áp đặt cũng là bạo lực kiểm soát hành vi mà trong 4 phụ nữ thì 1 phải chịu đựng.
Bà Đỗ Thị Trang, cán bộ giám sát, đào tạo và nâng cao năng lực trong Trung Tâm Phụ Nữ thuộc Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (CWE) ở Hà Nội, cho biết:
Nói rằng đã giảm là chưa chính xác bởi vì tình trạng bạo lực có thể chuyển biến dưới dạng này dạng khác. Tất nhiên tỷ lệ có giảm nhưng vẫn là số lượng chưa thực tế. Trong phạm trù bảng khảo sát nếu theo tiêu chí cũ thì có thể là giảm, nhưng mà theo thước đo mới thì tình trạng vẫn tiếp tục diễn biến, gia tăng một cách phức tạp, tỷ lệ không đạt được như  báo cáo. Nhưng tất nhiên báo cáo cũng sẽ tạo ra động lực để thấy những gì mình đã làm, đã tác động vào truyền thông, đã có luật để phụ nữ tự tin và dám nói ra chứ không lựa chọn cách chịu đựng”.
Từ năm 2007 Việt Nam đã thông qua  2 Đạo Luật quan trọng, Luật Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình và Luật Bình Đẳng Giới, nghiêm cấm mọi hành vi có tính cách bạo lực, bạo hành, kỳ thị và phân biệt đối xử, đặc biệt  với người nữ trong gia đình.
Bạo lực đối với phụ nữ, dù bất kỳ tình huống nào, phải được đưa ra ánh sáng luật pháp, là lời bà Đỗ Thị Trang của Trung Tâm Phụ Nữ thuộc Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (CWE), nơi có Nhà Bình Yên chuyên giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ bị chồng hay bạn tình xâm hại, đánh đập:
UNFPA công bố số liệu tương đối đầy đủ, Nhà Bình Yên ở Trung Tâm cũng đã tiếp nhận tương đối những trường hợp bị tình trạng bạo lực gia đình rất nghiêm trọng. Vấn đề chính là câu chuyện mà họ không dám đưa ra, nghĩ rằng chỉ là chuyện nội bộ nên họ không muốn người khác biết”.
“Những lần thổ lộ đầu tiên họ chỉ kể và không mong muốn sử dụng những căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi vì sợ tổn thương đến người chồng. Trừ trường hợp rất nghiêm trọng và đầy đủ can đảm nhưng những trường hợp ấy rất hiếm”
Bà Đỗ Thị Trang nói thêm rằng khi thấy không an toàn thì  người phụ nữ trong cuộc phải cảnh báo hoặc báo cáo với cơ quan để giảm thiểu nhiều nhất rủi ro có thể mang lại cho bản thân họ và con. Thứ hai, dựa trên căn cứ pháp lý để phân tích câu chuyện của bản thân. Nếu không để chính quyền can thiệp và hỗ trợ thì tình trạng bạo lực sẽ càng trầm trọng hơn và có thể đẩy đến cái chết. Trong thực tế rất nhiều trường hợp bị chết khi người chồng không kiểm soát được hành vi, vì vậy vừa phân tích vừa dẫn chứng bằng xác tín rằng Luật ghi rất rõ dù bản thân người phụ nữ có sai có kém cõi thế nào thì những hành vi bạo lực từ thế chất đến tinh thần hoặc tình dục đều là phạm luật, việc họ đang chịu đựng là rất vô lý.
Tại một buổi hội thảo trước đây ở TP.HCM, cán bộ Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bà Hà Thị Quỳnh Anh, cho biết 87% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục đã không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và trên 50% phụ nữ bị bạo lực gia đình thì đã không nói với bất kỳ ai.
Đó là tâm lý e ngại, nếp nghĩ “xấu chàng hổ ai”  nơi người phụ nữ, cán bộ Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc giải thích, trái với thói gia trưởng vô lối, thói trọng nam khinh nữ  ăn sâu trong tiềm thức đàn ông Á Đông.
Bà Thanh Thúy, thành viên Hội Quán Các Bà Mẹ ở thành phố Hồ Chí Minh, bổ sung nguyên nhân tiềm ẩn và hết sức tế nhị dẫn đến bao lực gia đình:
Rượu bia là một trong những tác nhân dẫn đến chuyện xâm hại, bạo hành, bạo lực gia đình. Bạo hành liên quan đến tình dục là vấn đề hết sức tế nhị, khá nhiều phụ nữ trung niên  gánh chịu cái nỗi đau đó . Người phụ nữ họ nhìn ra, họ nhận thấy, nhưng mà cái khó là nhiều người không có được sự chuẩn bị, kể cả phần tư vấn, tham vấn, trị liệu cho một tuổi già vui vẻ, hạnh phúc”.
Liên quan đến hình thức bạo hành tinh thần, càng trí thức thì cách bạo hành nó càng tinh vi. Nhìn bên ngoài thì không thấy, tức là họ giấu rất kỹ. Một số chị em khi thoát ra được rồi, những năm tháng sau thấy những đứa con đứa cháu hoặc người chung quanh bị giống như mình họ mới bắt đầu lên tiếng. Nhiều chị bây giờ là người tình nguyện trong Hội Quán của mình
Những 87% không tìm kiếm sự giúp đỡ và xử lý của cơ quan chức năng là điều đáng quan tâm. Theo cán bộ Hà Thị Quỳnh Anh của Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam, những dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình ở Việt Nam chưa thực sự mang lại hiệu quả, trong lúc phụ nữ bị bạo lực gia đình cần sự hỗ trợ tức thời của liên ngành y tế, công an, tòa án… Đáng tiếc, bà Quỳnh Anh nhấn mạnh, các dịch vụ dành cho những nạn nhân này lại rất lẻ tẻ, đơn điệu với nhiều tuyến và thủ tục rắc rối. Theo bà, cần thiết phải có những gói dịch vụ gọi là “một cửa” với sự kết hợp từ nhiều phía để hỗ trợ ngay tức khắc và mọi mặt cho người phụ nữ  bị bạo lực.
Chỉ có nội lực, năng lực và sự tự trọng của phụ nữ thì hy vọng đẫy lùi hoặc giảm cái tác hại của bạo lực gia – Bà Thanh Thuý
Bà Thanh Thúy của Hội Quán Các Bà Mẹ cũng đồng ý là:
Cái hành lang pháp lý của mình còn lỏng lẻo cho nên chuyện xử phạt cũng vậy luôn . Người ta chưa thấy sợ thành ra vẫn còn nhiều trường hợp đáng tiếc”.
Rốt lại chỉ giáo dục và ý thức mới là cách hay nhất để phụ nữ Việt Nam thoát bẫy bạo lực, bạo hành gia đình, vốn bị cho là đèn nhà ai nhà ấy sáng, bà Thanh Thúy chia sẻ tiếp:
Các chị em từng là nạn nhân của bạo lực bạo hành lại chính là những người giúp cho Hội Quán Các Bà Mẹ chúng tôi. Họ chính là những diễn giả, những người truyền cảm hứng cho sự chủ động, tức là một thế hệ mới các em gái sẽ học để biết cách ứng phó và hoàn toàn tự chủ, có quyền nói không, có quyền ly hôn tự giải thoát cho mình”.
Đa số chị em họ ý thức thì họ tham gia những chương trình như vậy. Chỉ có nội lực, năng lực và sự tự trọng của phụ nữ thì hy vọng đẫy lùi hoặc giảm cái tác hại của bạo lực gia đình”.
Trở lại vấn đề có 2 trong 3 phụ nữ Việt Nam chịu ít nhất một hình thức bạo lực theo báo cáo của UNFPA Việt Nam, người thường thụ lý bào chữa nhiều vụ án xâm hai, bạo hành phụ nữ và trẻ em, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, cho rằng cần coi lại tỷ lệ 2/3 này trong bối cảnh xã hội ngày nay:
Nếu có 2 trong 3 phụ nữ bị bạo hành là không đúng. Phụ nữ bây giờ có học thức, có điều kiện kinh tế tốt nên có nhận thức bảo vệ quyền lợi. Ở nông thôn thì có thể  xảy ra nhiều nhưng cũng không thế nói 3 phụ nữ mà 2 bị bạo hành”. ”
“Thói gia trưởng của người đàn ông Việt Nam là có nhưng nó từ từ bớt do cái nhận thức của người phụ nữ. Vài chục năm trước thì được nhưng trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển hiện nay đụng tới phụ nữ có đời sống tự lập và có học cũng không dể đâu. Quyền của người phụ nữ bây giờ ngang ngữa đàn ông chứ không đến nỗi”.
Nhận định về Luật Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình hiện hành, luật sư Hồng Liên cho rằng luật lệ và những qui định liên quan đã tạo hành lang pháp lý bảo vệ người phụ nữ:
Có luật này nọ thì người ta cũng sợ, tôi nghĩ những qui định xử phạt hành chính, xử lý hình sự thì từ từ, từng bước vấn đề bạo hành càng lúc càng ít lại”.
Tưởng cần nhắc năm 1980 Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia đầu tiên ký kết Công Ước Xóa Bỏ Mọi Hình Thức Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ, gọi tắt là CEDAW, mà Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1979.
Tiếp đó, phối hợp với UNDP Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc, Việt Nam khởi động chương trình chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Giai đoạn đầu kết thúc năm 2010, giai đoạn thừ nhì kéo dài đến 2020 này.
Theo nguồn của Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 16/7, sau gần 10 năm tính từ cuộc điều tra lần thứ nhất mà kết quả cho thấy những thay đổi tích cực, đến giờ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới thực hiện thành công cuộc điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ.

Ở Việt Nam, đại dịch COVID không làm ai tử vong

nhưng gia tăng bạo lực gia đình

Việt Nam đã làm được một sự khác biệt là trở thành một nước đông dân nhất không ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến COVID-19 dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất phát đại dịch virus corona hiện đang hoành hành toàn cầu. Tuy nhiên, thành công đó không giúp Việt Nam tránh khỏi những hậu quả khác của đại dịch, trong đó có sự gia tăng về bạo lực gia đình.
Ngôi nhà Bình yên, Ngôi nhà Ánh dương và CSAGA là 3 trong số những tổ chức nhận những cuộc gọi từ những người tìm kiếm sự giúp đỡ trong các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Trong những tháng gần đây, các cuộc gọi tìm kiếm sự giúp đỡ về bạo lực gia đình tới các trung tâm này tăng mạnh và các dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 là một phần nguyên nhân.
Ngôi nhà Bình yên – một mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dành cho phụ nữa và trẻ em nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại – và Ngôi nhà Ánh dương – nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNFPA), đã nhận được một số lượng các cuộc gọi tăng gấp đôi trong khi các cuộc gọi tương tự tới Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị Thành niên (CSAGA) tăng 20% so với bình thường.
Đây cũng là một xu hướng chung trên toàn cầu khi nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ tăng cao về bạo lực gia đình trong thời gian cách ly vì đại dịch virus corona.
Theo thống kê, tỷ lệ bạo lực gia đình tăng ít nhất 30% ở nhiều nước trên thế giới. Các báo cáo gần đây ở những nước có đại dịch COVID-19 cho thấy do cách ly xã hội và các biện pháp cách ly khác khiến những áp lực về xã hội và kinh tế hiện hữu dẫn đến bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.
“Bằng chứng cho thấy, bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng trong các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai”, theo Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie được truyền thông trích lời nói. “Trong đại dịch COVID-19, vấn đề mất việc làm và cách ly tại nhà đã khiến tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Ở Việt Nam, việc cách ly xã hội cũng đã buộc nhiều người phải ở trong nhà và đối mặt với nguy cơ tăng cao về bạo lực hay quấy rối tình dục tại nhà.
“Việc phải ở trong nhà hay tình trạng thất nghiệp đã gây ra sự bức xúc tăng cao để dẫn tới bạo lực nhiều hơn trong giai đoạn này”, giám đốc CSAGA, Nguyễn Vân Anh, nói và cho biết rằng tổ chức của bà, được sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, đã cung cấp dịch vụ đường dây tư vấn cho người cần sự giúp đỡ mà không cần đến văn phòng trong thời gian đại dịch.
Tình trạng bạo lực vốn đã tồn tại một mối quan hệ bất bình đẳng trước đó và “giai đoạn này có nhiều cơ hội để kịch phát hơn”, theo bà Vân Anh.
“Tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực với phụ nữ trước đây cũng đang là một vấn đề mà Việt Nam phải đương đầu”, giám đốc CSAGA cho biết.
Bất bình đẳng giới
Tình trạng bất bình đẳng giới, một nguyên nhân phổ biến toàn cầu, cũng chính là một lý do gây ra bạo lực gia đình và bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam. Theo bà Vân Anh, những quan điểm kỳ thị những người bị bạo lực, như chê trách hoặc đổ lỗi cho những người bị bạo lực là “chị phải làm sao thì mới bị đánh” hay tâm lý “việc trong nhà đóng cửa bảo nhau” hoặc “xấu chàng hổ ai” đã khiến nhiều người phụ nữ bị bạo lực gia đình không dám công khai hay báo cáo tình trạng của mình.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA tại Việt Nam thực hiện năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ đã lập gia đình hay từng lập gia đình bị ít nhất một trong ba loại hình bạo lực (bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tình dục hoặc bạo lực tinh thần vào một thời điểm nào đó trong đời). Khoảng 50% nạn nhân bị bạo lực đã không chia sẻ câu chuyện bạo lực mà họ phải chịu đựng với người khác và 87% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào từ các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
“Hệ thống trợ giúp sẵn có còn thiếu và đang còn yếu cho nên nếu người ta (muốn) kêu ca thì sẽ không biết làm thế nào để được xử lý thích đáng”, bà Vân Anh nói và cho biết ngay trong luật cũng còn một số vấn đề khiến tình trạng bạo lực gia đình không được giải quyết ở Việt Nam.
“Hình phạt bắt người đàn ông phải nộp tiền mà theo luật xử phạt hành chính khi chưa đến mức độ xử phạt hình sự”, bà Vân Anh nói. “Nhưng người đi nộp tiền thường là các bà vợ nên nó bất cập ở chỗ đấy. Cho nên ‘bây giờ mình tố cáo rồi ông chồng bị bắt thì cuối cùng mình cũng là người đi nộp tiền phạt và đưa cơm’”.
Sự thiếu thốn dịch vụ trợ giúp cho nam giới trong việc giải quyết xung đột gia đình là một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, theo bà Vân Anh. 12:00 “Họ lúng túng trong cách xử lý các mâu thuẫn gia đình nên cần có sự trợ giúp để họ biết cách nên làm như thế nào để đảm bảo giải quyết được mâu thuẫn mà không phải sử dụng bạo lực”.
Ngoài ra, truyền thông cũng đóng một vai trò trong việc truyền tải các định kiến khiến sự bất bình đẳng giới gia tăng dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình không thuyên giảm.
“Ngay trong truyền thông, người ta còn đang khẳng định một định kiến về khuôn mẫu giới đó là ‘phụ nữ thì phải chịu nhịn, phụ nữ thì phải mềm yếu, phụ nữ thì phải xinh đẹp, và những việc như thế còn tiếp tục gây ra sự bất bình đẳng giới rất nhiều”, bà Vân Anh nói.
Nạn nhân trẻ em
Không chỉ riêng phụ nữ, trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình gia tăng do ảnh hưởng của COVID-19.
Một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam tiến hành về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ 15 đến 30/4/2020). Kết quả từ 2.700 trẻ em dưới 18 tuổi và người chăm sóc trẻ trên toàn Việt Nam cho thấy trong thời kỳ này, 60% trẻ em gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập. Gần 50% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Trong khi đó, hơn 32% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này.
Để hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, chính phủ Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế và sự trợ giúp tài chính của chính phủ Úc, giữa tháng trước đã khởi động một dự án cho mục đích này. Dự án, trị giá 2,5 triệu đô la Úc, nhằm giúp các tổ chức xã hội ở Việt Nam tăng cường công tác phòng ngừa và ứng phó quốc gia nhằm đương đầu với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây là một phần trong gói ngân sách 10,5 triệu đô la Úc mà chính phủ Australia hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với COVID-19.
Theo bà Vân Anh của trung tâm CSAGA, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết bạo lực gia đình nhưng cần phải có những sự thay đổi trong luật pháp để giảm thiểu tình trạng này một cách hiệu quả hơn.

Phó Bí thư Hà Nội: Hôm nay là anh hùng

 nếu không rèn luyện mai có thể là tội đồ!


Ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, đưa ra nhận định vừa nêu khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hôm 16 tháng 7 năm 2020.
Theo ông Toàn, cán bộ đảng viên phải rèn luyện hàng ngày, nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về chính trị, tư tưởng… dẫn đến tham nhũng và phạm pháp.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 17 tháng 7 năm 2020, liên quan vấn đề này, nhận định:
“Tôi cho cách nói của ông Phó Bí thư này là không có trí tuệ, không đúng… Không thể một người hôm nay là anh hùng mà ngày mai thành tội đồ, người ấy có thể là anh hùng ở phe này, nhưng tội đồ ở phe kia, chứ không thể trong cùng một phe. Bản chất hắn hôm nay cũng tội đồ rồi, nhưng hôm nay người ta chưa biết, ngày mai mới biết. Tôi lấy thí dụ, như ông Đinh La Thăng, lúc đang là Ủy viên Bộ chính trị, đang là Bí thư Thành Ủy… thì không phải là anh hùng… người ta chỉ nhầm là anh hùng. Lúc đó hắn đã là tội đồ, nhưng chưa ai biết, chưa phát hiện. Hôm nay nó có thể trốn tránh được, che giấu được, lừa bịp được… mà người ta tưởng hắn là anh hùng, chứ bản chất không phải vậy.”
Không thể một người hôm nay là anh hùng mà ngày mai thành tội đồ, người ấy có thể là anh hùng ở phe này, nhưng tội đồ ở phe kia, chứ không thể trong cùng một phe.
-GS. Nguyễn Đình Cống
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đào Đức Toàn nói như vậy, có thể hiểu là do thời gian gần đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam vướng vòng lao lý, như trường hợp Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng. Ông Thăng đang là người nổi tiếng và được báo chí nhà nước tung hô là người luôn mạnh tay chống tham nhũng, thì đột nhiên bị truy tố và moi ra hàng loạt sai phạm.
Mới nhất là trường hợp các cựu cán bộ cấp cao thuộc Bộ Công thương cùng bị khởi tố do đã có hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”… trong vụ án hình sự về dự án xảy ra sai phạm pháp luật tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM. Đó là nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ. Riêng bà Hồ Thị Kim Thoa vì đã bỏ trốn nên vào ngày 13/7 Bộ Công an Việt Nam ra quyết định truy nã bị can đối với bà này.
Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, hôm 17 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, Nhà hoạt động Trần Bang, nói:
“Thể chế này tạo ra tình trạng, khoảng cách giữa người được ca tụng với tội phạm rất là mong manh. Bởi vì do không được minh bạch, thể chế độc đảng cái gì cũng bí mật, sức khỏe cán bộ cũng bí mật, tài sản cán bộ cũng bí mật, quá trình công tác cũng bí mật, dân chẳng biết để soi. Vì vậy người ta trượt dài trong bí mật ấy, chỉ khi nào trong đảng đấu đá đưa ra thì dân mới biết người đó có tội. Nếu trong đảng mà cùng phe thì họ cứ bốc thơm cho nhau, đưa nhau lên, thành ngọn cờ, thành những vị trí cao nhất ở đất nước. Nhưng mà nếu họ muốn đánh, họ giải mật ra thì đầy những ung nhọt, đầy tội lỗi, tội ác… thì người đó trở thành tội đồ. Nhưng nếu nói anh hùng thành tội đồ thì theo tôi không đúng, chẳng qua là tội đồ đã bị lộ và tội đồ chưa bị lộ, chứ không là anh hùng được.”
Theo báo cáo về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng – CPI 2019 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế – TI công bố hôm 23 tháng 1 năm 2020, Việt Nam dù tăng điểm CPI 2019 nhưng tham nhũng vẫn nghiêm trọng.
Cụ thể trong năm 2019,Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên theo TI, xét trên thang điểm từ 0-100 của CPI, năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50. Điều này cho thấy tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan nạn tham nhũng ở Việt Nam, nói:
“Khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước lủng đoạn thôi. Bởi vì có ai kiểm tra, kiểm soát được họ đâu. Bất cứ cái gì cũng ăn: ăn từ hài cốt liệt sỹ, ăn cho đến thức ăn của trẻ con, thuốc men của người bệnh tật…Ăn có từ cái gì đâu. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được.”
Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam công bố, năm 2019 cơ quan điều tra đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can tham nhũng; thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất… nhưng thu hồi được hơn 615 tỷ đồng và 11.867 m2 đất. Theo đó, Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử 240 vụ án tham nhũng, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng… Trong đó có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân…
Không ai là không đen hết, chẳng qua họ cùng ê kíp thì khoác cho nhau cái áo trắng vào để đưa nhau lên. Nhưng khi cần đánh nhau thì họ lột cái áo trắng đó ra thì đen ngòm.
-Trần Bang
Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng, đảng cộng sản đã là một loại tham nhũng quyền lực của nhân dân:
“Tại sao không cho các đảng khác được cạnh tranh chính trị để giành quyền lực nhà nước, để đưa đất nước đi lên, mà cứ mình nó chiếm vị trí độc tôn… đó là tham nhũng gốc rồi. Nói chống tham nhũng thì hài hước, chẳng qua là phe nhóm khui nhau ra thôi. Từ những năm 2000, tôi từng nghe một ông Phó bí thư thường trực họp ở Sài Gòn kể câu chuyện… ‘kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’… cán bộ cao cấp đấy. Từ năm 1990 đến 2000 đã có hiện tượng ấy, thế thì không ai là không đen hết, chẳng qua họ cùng ê kíp thì khoác cho nhau cái áo trắng vào để đưa nhau lên. Nhưng khi cần đánh nhau thì họ lột cái áo trắng đó ra thì đen ngòm.”
Theo ông Trần Bang, thật ra không có anh hùng mà chỉ là loại cán bộ chưa bị lộ hay đã bị lộ. Không thể đánh được tham nhũng khi tham nhũng gốc vẫn còn, tức là không cạnh tranh chính trị.
Còn theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, vấn nạn này nằm ở vấn đề thể chế:
“Bản chất của cán bộ đảng cộng sản của chế độ này, khó giữ liêm khiết lắm, vì cơ chế độc quyền, độc đảng, độc trị tất cả như thế. Cơ chế ấy dễ tạo ra bọn tham nhũng, bọn hối lộ, chẳng qua là nó lộ ra hay không lộ ra mà thôi. Nó có cùng phe cánh hay không cùng phe với bọn phát hiện ra mà thôi, phần lớn họ đều tham nhũng, phần lớn họ đề hạch sách nhân dân, nhưng chẳng qua là họ nằm ở phe cánh nào, và lộ ra hay chưa mà thôi.
Thực tế Việt Nam cho thấy, hầu hết những vị lãnh đạo khi chưa bị phát hiện vi phạm và bị kỷ luật, từng lên giọng giảng dạy đạo đức cho cấp dưới và thậm chí viết sách được Nhà nước phát hành, như trường hợp cựu Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông với sách ‘Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay’.

Việt Nam thiếu hụt hơn 40.000 trẻ sơ sinh gái mỗi năm

Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Thông tin vừa nêu được công bố vào ngày 17/7, tại Hà Nội.
Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Thế giới (UNFPA) thực hiện.
Báo cáo này ghi nhận nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ số giới tính tại nhiều quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam là do tâm lý thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh.
Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004. Từ năm 2005, tỷ số này được ghi nhận gia tăng nhanh chóng.
Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái. Trong khi, tỷ số tự nhiên là 105 bé trai so với 100 bé gái khi sinh.
Tỷ số mất cân đối giới tính tại Việt Nam được ước tính thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Theo chuyên gia Quốc gia về Bình đẳng giới và Lựa chọn Giới tính thiên lệch về giới, bà Khuất Thu Hồng chỉ ra 3 căn nguyên chính mà Việt Nam bị mất cân đối về tỷ lệ giới tính là do truyền thống tổ chức gia đình phụ hệ, trong đó đề cao vai trò của con trai; mô hình sinh sống bên nội, con gái lấy chồng ở nhà chồng; và tục lệ thờ cúng tổ tiên, con trai nối dõi gia đình.
Bà Khuất Thu Hồng còn nêu lên một nghiên cứu cho thấy có đến 60% nam giới Việt Nam đặt ra tiêu chí có con trai mới là người đàn ông thành đạt, đích thực.
Trong khi đó, Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 thì gần 63% phụ nữ bị bạo hành ít nhất một lần trong đời. Và trong vòng 1 năm qua, có 31,6% phụ nữ đang là nạn nhân bị bạo hành.
Báo cáo Thực trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA chỉ ra rằng có ít nhất 19 thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Những thực hành đó bị thế giới lên án là hành vi xâm hại và vi phạm quyền con người.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam

và truyền thông độc lập bị đàn áp!

Trang The Globe Post, một phần của Globe Post Media – tổ chức tin tức kỹ thuật số của Hoa Kỳ vào ngày 17/7 cho đăng bản tin của AFP với tựa tạm dịch ra tiếng Việt là ‘Việt Nam mở Bảo tàng báo chí trong khi truyền thông độc lập bị đặt ngoài vòng pháp luật’.
Bài báo nhận định rằng tất cả các tờ báo và truyền hình trong nước đều do chính quyền kiểm soát. Ngoài ra, Việt Nam, dù với thứ hạng ảm đạm về tự do truyền thông cũng như bị mang tiếng đối xử nghiệt ngã đối với các phóng viên độc lập không theo báo chí nhà nước, nhưng vẫn khánh thành một bảo tàng dành riêng cho báo chí.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội có giá khoảng 1 triệu đô la được chính thức khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 19/6.
Nhiều Ủy viên Bộ chính trị và Ủy viên trung ương đảng đã tham gia buổi lễ khánh thành bảo tàng như Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu các ban, bộ, ngành, và các nhà báo.
Bảo tàng chia nội dung trưng bày ra thành năm phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 – 1925; giai đoạn 1925 – 1945; giai đoạn 1945 – 1954; giai đoạn 1954 – 1975 và giai đoạn 1975 đến nay.
Trao đổi với RFA tối 17/7, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn đưa ra nhận định về việc mở bảo tàng báo chí tại Hà Nội vào tháng trước:
“Bảo tàng báo chí Việt Nam cũng như các bảo tàng khác phải thể hiện được tính lịch sử, ở đây là lịch sử ngành báo chí. Trong khi đó lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử báo chí Việt Nam nói riêng bị bóp méo, nhào nặn, phục vụ cho mục tiêu chính trị qua nhiều thời kỳ của đảng cộng sản Việt Nam nên tôi không tin sự chân thật của Bảo tàng báo chí Việt Nam. Bởi vì lịch sử là một dòng chảy mà dòng chảy của lịch sử báo chí Việt Nam như một ao tù, tách rời khỏi báo chí quốc tế quá lâu rồi.”
Vẫn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, bảo tàng là nơi lưu trữ, trưng bày cả một quá trình của báo chí Việt Nam để học tập, nghiên cứu, phục vụ cho dân trong ngành báo chí và phục vụ cho quảng đại quần chúng nếu ai cần thì có thể đến xem, nghiên cứu và học hỏi.
“Như vậy phải mang tính giáo dục mà giáo dục trong chế độ độc đảng toàn trị là một nền giáo dục phi triết lý thì tôi không trông mong gì tính giáo dục từ bảo tàng họ khai trương.”
Trao đổi với phóng viên Đài AFP của Pháp, Giám đốc bảo tàng Trần Thị Kim Hoa cho hay việc chính phủ Hà Nội xây dựng bảo tàng này là một ví dụ đáng tự hào cho thấy rằng đất nước Việt Nam có tự do báo chí.
Không đồng tình với phát biểu của người đứng đầu Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Nguyễn Ngọc Già bày tỏ:
“Nếu theo như bà Thoa nói như vậy tôi cho rằng đó là một lời ngụy biện không chấp nhận được. Tổ chức Phóng viên không biên giới mới nhất vào năm 2020 vẫn xếp hạng Việt Nam ở mức cuối bảng tức là hạng 175/180, chỉ đứng trước được Trung Quốc và Bắc Hàn, thậm chí còn thua cả Lào. Như vậy tự do báo chí thông qua bảo tàng thì tôi cho rằng là lời nói ngụy biện và không thuyết phục được ai.”
Từ Hà Nội, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cựu phóng viên Tạp chí Cộng sản cho rằng từ trước đến nay chính phủ Hà Nội luôn tuyên truyền rất nhiều để nói lên việc có tự do báo chí nên việc xây dựng bảo tàng báo chí hay phát ngôn vừa nêu của Giám đốc bảo tàng cũng là chuyện dễ hiểu:
“Bề ngoài hình thức để nói Việt Nam có tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng thực chất không như vậy, đâu phải vì những bảo tàng, số lượng của những đài phát thanh, tờ báo là nói lên tự do báo chí. Tự do báo chí nằm trong tiêu chí về việc đưa tin viết báo quan điểm nhà nước không phải là hình thức đó. Tại các nước cộng sản và Việt Nam luôn đưa ra những hình thức như thế để thay thế nội dung, chứng minh với thế giới như vậy nhưng không ai tin.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cũng cho rằng dù có những hạn chế nhất định trong ngành báo chí truyền thống, nhưng chinh phủ Hà Nội thời gian vừa qua cũng có một số cải thiện tiến bộ, dù chỉ trong thời gian ngắn:
“Nói đi cũng phải nói lại là tình hình báo chí rất khắt khe nhưng việc tự do ngôn luận qua mạng xã hội và qua hệ thống internet có phát triển hơn trước. Nhưng ra luật An ninh mạng để bắt bớ, giam cầm và đàn áp những người bất đồng chính kiến, có ý kiến về các vấn đề xã hội và đất nước.”
Thời gian gần đây, hàng loạt các nhà báo độc lập, những nhà hoạt động dân sự xã hội đưa ra những ý kiến phản biện đã bị bắt giữ và tạm giam.
Điển hình như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập vào ngày 21/11/2019 đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Đến ngày 21/5/2020 vừa qua, Nhà văn Phạm Chí Thành (hay còn gọi là Phạm Thành), chủ trang blog Bà Đầm Xòe và là tác giả của một số cuốn sách chỉ trích chế độ và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã bị Cơ quan An ninh điều tra, công an Hà Nội bắt giam với cùng tội danh theo Điều 117.
Chỉ 3 ngày sau đó, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an Việt Nam hôm 24/5 thông báo cho biết, ông Nguyễn Tường Thụy – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập bị bắt để mở rộng điều tra vụ án ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ do Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đứng đầu.
Một thành viên khác của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là anh Lê Hữu Minh Tuấn cũng bị cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh triệu tập làm việc và bắt đưa về Trại giam Chí Hòa vào ngày 12/6.
Mới đây nhất, bốn người dân Dương Nội thường lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm là bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và dân oan Nguyễn Thị Tâm cũng đã bị công an trong nước bắt giữ vào ngày 24/6.
Qua những vụ bắt giữ nêu trên, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng nếu chỉ vì xây dựng bảo tàng mà cho rằng Việt Nam có tự do báo chí là chuyện không thể chấp nhận:
“Tự do báo chí phải được thể hiện qua nhiều vấn đề là những người tù chính trị, những tù nhân lương tâm và qua nhiều tiêu chuẩn khác chứ không phải chỉ có cái bảo tàng mà làm nên được tự do báo chí.”
Ban Tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam được cho là tổng biên tập duy nhất của chừng 800 cơ quan truyền thông, báo chí trong nước.

Việt Nam – TQ trao đổi về hợp tác song phương,

COVID-19 và Biển Đông

Đại diện Việt Nam – Trung Quốc đã trao đổi về hợp tác song phương, phòng chống dịch COVID-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông.
Việt Nam–Trung Quốc trao đổi về hợp tác song phương và các vấn đề liên quan đến COVID-19, Biển Đông.
Ngày 16/7, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc phía Việt Nam có hội nghị trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam phía Trung Quốc La Chiếu Huy.
Hai Thứ trưởng, Tổng Thư ký trao đổi về các nội dung liên quan chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hai bên trao đổi một số nội dung về quan hệ hai nước, trong đó có công tác hợp tác phòng chống dịch COVID-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông.

Việt Nam nhập 21,700 tấn than đầu tiên từ Hoa Kỳ

Tin từ Việt Nam: Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đưa tin Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa tiếp nhận lô hàng 21,700 tấn than nhập cảng đầu tiên từ Hoa Kỳ trong nỗ lực chuẩn bị nguồn than phục vụ cho sản xuất điện trong nước.
Báo Nhân Dân điện tử cho biết TKV nhập cảng than trực tiếp từ đối tác tác IMI FUELS LLC của Hoa Kỳ. Tàu MV NORD YILAN xuất phát từ cảng Benicia, tiểu bang California chở số than trên đã cập cảng Cửa Ông (Quảng Ninh) trong tháng 7.  TKV cho biết thành công của chuyến tàu than nhập cảng đầu tiên này là nền tảng ban đầu quan trọng để thúc đẩy hợp tác mua than từ Hoa Kỳ về Việt Nam trong thời gian tới. Dự kiến trong tháng 9 tới đây, TKV sẽ tiếp nhận một chuyến hàng than nữa từ Hoa Kỳ.
Trong năm 2019, TKV đã làm việc với các chuyên gia của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và một số doanh nghiệp nhằm trao đổi, tìm hiểu về các nhà sản xuất, cung cấp than uy tín, phù hợp nhu cầu của TKV để nhập cảng than trực tiếp từ Hoa Kỳ về Việt Nam đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa TKV các doanh nghiệp Hoa Kỳ.  Việc nhập cảng than của TKV từ Hoa Kỳ sẽ giúp cho hai quốc gia giảm thâm hụt thương mại.
Hà Nội đang tìm cách nhập cảng thêm nhiều hàng hoá từ Hoa Kỳ, trong đó có than và khí hoá lỏng. Theo dữ kiện của Tổng cục Hải quan cộng sản Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng lên 24.46 tỷ Mỹ kim trong 6 tháng đầu năm nay so với 20.58 tỷ Mỹ kim cùng thời kỳ năm trước.
Quốc Tuấn

Điểm tin trong nước sáng 18/7:

Trung Quốc điều 8 chiến đấu cơ

đến Hoàng Sa nhằm thách thức Mỹ?

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (18/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Trung Quốc điều 8 chiến đấu cơ đến Hoàng Sa nhằm thách thức Mỹ?
Hôm 17/7, Trung Quốc vừa triển khai các chiến đấu cơ đến khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ở Biển Đông.
Động thái này của Bắc Kinh được nói là thực hiện 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo, vào hôm 13/7 tuyên bố về lập trường của Washington rằng “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó”.
Theo BenarNews, hình ảnh chụp từ vệ tinh vào hôm 17/7 cho thấy có ít nhất 4 chiến đấu cơ của Trung Quốc hiện diện tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa từ hôm 15/7. Các chiến đấu cơ này được cho là thuộc mẫu J-11B, phiên bản của tiêm kích Flanker do Trung Quốc chế tạo, có chức năng tương ứng với F-15 Eagle của không lực Mỹ. 4 chiếc còn lại có vẻ là một mẫu máy bay chiến đấu khác.
Một nguồn tin khác cho biết, những hình ảnh đầu tiên được đăng trên tài khoản twitter của Duan Deng vào hôm 15/7 có độ phân giải thấp. Hiện tại, hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao từ Airbus xác nhận thực trạng này.
Sự hiện diện của những chiếc máy bay cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục quân sự hóa các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, theo BenarNews.
Thời điểm Trung Quốc đưa các chiến đấu cơ đến vùng biển tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ, USS Ralph Johnson tiến hành hoạt động tự do hàng hải, tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và một tuần sau cuộc tập trận hải quân quốc tế, với sự tham gia của hai hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ. Điều này được nhiều giới chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có ý định gửi dấu hiệu, hay thậm chí chuẩn bị sẵn sàng nếu có xung đột quân sự xảy ra.
Ông Zack Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, nói với BenarNews rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc diễn tập quân sự và việc thay đổi chính sách của Hoa Kỳ như một cái cớ để họ có thể làm bất kỳ điều gì, kể cả việc triển khai chiến cơ hiện diện thường xuyên ở đảo Phú Lâm.
Việt Nam thêm ca nhiễm virus Vũ Hán thứ 382, là chuyên gia Nga mới đến Vũng Tàu
Bệnh nhân là nam giới 64 tuổi, nhập cảnh Việt Nam cùng đoàn chuyên gia 69 người là người Nga và cách đây 2 hôm, 8 người trong đoàn đã được phát hiện mắc COVID-19, bệnh nhân là người thứ 9 trong đoàn mắc bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết bệnh nhân nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 11/7 và được chuyển cách ly tại Bà Rịa-Vũng Tàu ngay sau đó. Hôm 13/7 bệnh nhân được lấy mãu xét nghiệm Covid-19, đến hôm 15/7 thì cho kết qủa dương tính với chủng virus này. Hiện bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện Lê Lợi, thành phố Vũng Tàu cách ly.
Việt Nam ủng hộ Trung Quốc 100.000 USD chống thiên tai
Việt Nam vừa quyết định ủng hộ Trung Quốc 100.000 USD để khắc phục hậu quả lũ lụt và động đất, theo thông cáo hôm 17/7 của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong thông cáo Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Xuất phát từ tình hữu nghị truyền thống và tinh thần tương trợ lẫn nhau giữa hai nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ Chính phủ và nhân dân Trung Quốc 100.000 USD nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt, động đất”.
Tại Trung Quốc, những trận mưa lớn liên tục đổ xuống nhiều khu vực của nước này kể từ tháng 6 đến nay đã làm thiệt mạng và mất tích ít nhất 141 người, gần 15 triệu người phải sơ tán chỉ trong tháng 7 này, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ đô la, theo thông tin từ chính phủ Trung Quốc.
Đầu tuần này, chính quyền Bắc Kinh cho biết, có 33 con sông đã đạt mức nước cao kỷ lục, 98 con sông trên toàn quốc đang ở mức báo động trong khi mưa lớn vẫn tiếp tục đổ vào những khu vực dọc theo sông Dương Tử.
25 năm thương mại Việt-Mỹ: Kim ngạch tăng từ 450 triệu USD lên gần 76 tỷ USD
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn thông cáo của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết, các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ – Việt Nam giúp hỗ trợ cho hàng chục nghìn việc làm ở Mỹ và đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Trong năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã vượt 77 tỷ đôla hàng hoá và dịch vụ, phản ánh ấn tượng quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng giữa hai nước trong hai thập kỷ qua”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trên Twitter.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, dữ liệu mới nhất cho biết xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã hỗ trợ khoảng 54 nghìn việc làm tại Hoa Kỳ trong năm 2015, trong đó 41 nghìn việc làm từ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và 13 nghìn việc làm từ các hoạt động xuất khẩu dịch vụ.
Được biết chính sách tạo việc làm cho người Mỹ là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo thống kê của tờ Vietnamfinance giá trị thương mại Việt-Mỹ đã tăng hơn 168 lần sau 25 năm, chỉ từ 450 triệu đôla vào năm 1995, lên đến trên 41 tỷ đôla vào năm 2015, và trên gần 76 tỷ đôla vào năm 2019.

Điểm tin trong nước tối 18/7:

Công ty nước ngoài chôn hơn 3 tấn rác thải nguy hại

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Bảy (18/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Cách ly 7 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép
Sáng 18/7, ông Đoàn Bình Lâm, Phó chủ tịch huyện An Phú (An Giang) cho biết, đã đưa 7 người quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi cách ly y tế.
Theo ông Lâm, tối 15/7, người dân ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng phát hiện 2 ôtô chở nhiều người lạ mặt nên báo công an. Khi lnhà chức trách đến nơi thì có 7 người quốc tịch Trung Quốc bỏ chạy ra ruộng lúa để trốn.
Những người này khai quê quán Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc. Họ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Những công dân Trung Quốc này có độ tuổi từ 20 đến 38.
Công ty nước ngoài chôn hơn 3 tấn rác thải nguy hại
Báo Tuổi trẻ thông tin, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang công nhân tại Công ty TNHH Shing Mark Vina đang có hành vi đưa hơn 3 tấn chất thải rắn công nghiệp, gồm: ni lông, giấy thải, gỗ vụn và giẻ lau thải đưa vào các buồng đốt.
Mở rộng điều tra, ngày 15/7, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện chất thải rắn công nghiệp (nghi là chất thải nguy hại) chưa qua xử lý tại khu vực cạnh bờ hồ tự thẩm số 2, trong khuôn viên của Công ty TNHH Shing Mark Vina. Qua công tác thu gom và cân, công an xác định có hơn 3 tấn chất thải rắn công nghiệp đã đổ ra môi trường.
Bước đầu, đại diện Công ty Shing Mark thừa nhận hành vi chôn lấp rác thải ra môi trường trái với quy định pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho rằng hành vi trên do một số công nhân tự ý thực hiện, lãnh đạo công ty hoàn toàn không biết.
Bộ NN-PTNT đề xuất giám sát cúm lợn ở lợn và người
Ngày 17/7, Bộ NN-PTNT cho biết, đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất một số giải pháp phòng, chống bệnh cúm trên động vật, trong đó có bệnh cúm lợn được các nhà khoa học nhận định có thể lây sang con người.

Bộ NN-PTNT dẫn thông tin giám sát dịch cúm lợn từ Trung Quốc cho biết, kết quả giám sát huyết thanh học từ công nhân, người chăn nuôi lợn, các nhà khoa học đã phát hiện được 35/338 người chăn nuôi lợn có kháng thể kháng vi rút cúm EA H1N1/G4, đặc biệt là những người có độ tuổi từ 18 – 35 có kết quả huyết thanh dương tính là 20,5% (9/44 người).
Điều này cho thấy, vi rút H1N1 G4 đã tăng sự thích nghi trên người, làm tăng mối lo ngại về khả năng tạo ra chủng vi rút mới có thể gây đại dịch. Nhưng theo các chuyên gia Trung Quốc, vi rút cúm lợn H1N1 G4 không phải là mới và không gây bệnh cho con người và động vật một cách dễ dàng. Một chủng tương tự như G4 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan ở Trung Quốc theo dõi, giám sát liên tục kể từ năm 2011.
Tại Việt Nam, trong các năm 2010-2018, Cục Thú y phối hợp với Viện Thú y Nhật Bản tổ chức thực hiện giám sát chủ động, lấy 14.600 mẫu dịch hầu họng và huyết thanh lợn tại 270 cơ sở chăn nuôi lợn và 10 cơ sở giết mổ lợn tại các tỉnh phía bắc và phía nam. Các nhà khoa học phát hiện 527 mẫu vi rút cúm bao gồm: 104 mẫu H1N1, 1 mẫu pdm/09 H1N1, 151 mẫu H1N2 và 272 mẫu H3N2. Qua phân tích di truyền HA, chuyên gia Nhật Bản phát hiện 1 mẫu vi rút cúm H1N1 thu thập cuối năm 2018 tại Bắc Ninh thuộc dòng EA, clade 1C.2.3. Tuy nhiên, để khẳng định chủng vi rút này có kiểu gien G4 hay không, các chuyên gia Nhật Bản đang tiếp tục phân tích và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Hà Nội: ‘Tập kích’ kho hàng lậu lớn gần trụ sở hải quan
Bao thanh Niên thông tin, ngày 16/7, Quản lý thị trường Hà Nội cùng Tổ công tác 368 về thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cơ sở kinh doanh này thuộc Công ty TNHH MTV
chuyển phát nhanh Thuận Phong – Chi nhánh Hà Nội, có trụ sở chính tại số 199 đường Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Người đứng đầu chi nhánh là ông Fang Hong Yuan, quốc tịch Trung Quốc có dấu hiệu nhập lậu.
Qua kiểm đếm 16-17/7, đã phát hiện các mặt hàng gồm: chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô đóng hộp, cao xoa bóp, kem đánh răng, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, dầu xả, sữa bột, máy tập thể lực, đồ gia dụng các loại…
Tổng số hàng hóa là trên 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm.Toàn bộ số hàng trên, doanh nghiệp chỉ cung cấp được 1 hóa đơn giá trị gia tăng số kèm tờ khai hải quan về 340 máy tập bụng. Nhưng đối chiếu với hàng hóa cụ thể thì không phù hợp về chủng loại, kích thước. Ngoài ra, không có hóa đơn chứng từ gì khác.
Powered by Blogger.