Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam liệu có “mất” vào tay TQ?

Thursday, January 17, 2019 // ,
Cách đây 45 năm, từ ngày 17/1 đến ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã huy động lực lượng hải quân kết hợp cả dân binh, sử dụng tàu chiến, tàu cá có vũ trang tiến đánh các đảo nằm ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam gồm đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng. Nhờ dựa vào ưu thế về lực lượng vượt trội hơn hẳn so với đối phương và lợi dụng được thời cơ bối cảnh khu vực lúc đó xuất hiện yếu tố Mỹ đã bỏ rơi chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa, Trung Quốc đã chiếm đóng được các đảo trên và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Kể từ đó cho đến nay, Việt Nam liên tục đưa ra các bằng chứng pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình trước nhân dân và cộng đồng quốc tế, kiên trì đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời đòi Trung Quốc phải trao trả quần đảo này cho Việt Nam. Mặc cho dã tâm của Trung Quốc muốn vĩnh viễn nuốt trôi quần đảo này và mưu đồ biến cả Biển Đông thành “ao nhà” của họ, rất nhiều người có tâm với đất nước đã trăn trở với vấn đề này, đã và đang tiếp tục tìm giải pháp hữu hiệu để đấu tranh buộc Trung Quốc phải trao trả chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam, nhưng cũng tránh để cho đất nước lại một lần nữa rơi vào cảnh binh đao khói lửa. Thiết nghĩ đó là con đường duy nhất đúng, nhưng cũng không thể một sớm một chiều có kết quả. Vì vậy, có một số người khác đã sớm nản chí mà thốt lên rằng: Thế là Việt Nam đã “mất” Hoàng Sa, đến bao giờ mới lấy lại được. Suy nghĩ trên có lẽ hơi vội vàng và thiển cận.
Bởi nên hiểu rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia, lãnh thổ tổ quốc và vấn đề tự quyết dân tộc bao giờ cũng là thiêng liêng và bao giờ cũng rất gai góc đối với tất cả các quốc gia, dân tộc chứ không chỉ có Việt Nam. Lịch sử dựng nước của các quốc gia trên thế giới cho thấy, có những quốc gia từ khi “khai cơ lập nghiệp” đã tự mình đời này qua đời khác, miệt mài “đào sông, lấn biển” cải tạo đất đai, mở rộng lãnh địa trên những vùng đất hoang vu vô chủ để hình thành nên chủ quyền quốc gia. Nhưng cũng có những quốc gia, ỷ vào thế mạnh người đông, lại mở mang lãnh địa của mình bằng các cuộc chiến tranh liên miên với các láng giềng lân bang để mở rộng bờ cõi, biến đất của người thành đất của mình, thậm chí đồng hóa cả những người chủ cũ trên mảnh đất đó và gọi đó là chủ quyền quốc gia. Tiêu biểu cho cái kiểu dựng nước ấy có Trung Quốc. Lịch sử Trung Hoa mấy nghìn năm cho thấy điều đó và người Trung Hoa cứ tưởng với cách ấy, một ngày nào đó, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của họ sẽ lên đến hết biên giới Mông Cổ về phía Bắc, sang tận bên kia dãy Himalaya của Ấn Độ về phía Tây và vươn tới tận gần Singapore về phía Nam.
Song, tư duy ấy chỉ phù hợp ở thời mông muội, thời cổ đại và trung cổ mà thôi. Còn ở thời hiện đại, nó không được loài người chấp nhận. Bằng chứng là cộng đồng quốc tế mà đại diện là Liên hợp quốc đã cho ra những bộ luật quy định đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa các nước trên thế giới; còn cho ra cả một bộ luật quy định về chủ quyền trên biển, ra đời năm 1982, có hiệu lực thi hành năm 1994, trong đó quy định rằng các quốc gia ven biển chỉ có chủ quyền đối với các đảo, quần đảo bằng sự chiếm hữu tự nhiên chứ không phải bằng vũ lực. Cũng chỉ có chủ quyền thực sự ở vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ đường cơ sở, còn có thêm quyền chủ quyền, quyền tài phán với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa 200 hải lý có thẻ kéo dài đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở mà thôi.
Thế cho nên, việc Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam không thể hợp thức hóa thành chủ quyền của họ được. Trung Quốc làm sao mà chứng minh được trước bàn dân thiên hạ rằng Hoàng Sa là do họ chiếm hữu tự nhiên, dù rằng họ đang lục tung cả thế giới để tìm tài liệu, bằng chứng cho cái lý ấy. Thậm chí còn tìm cách “cài” người vào trong giới thẩm phán và Hội đồng trọng tài của các tòa án của Liên hợp quốc để làm “tay trong” một khi bị các nước kiện ra các tòa án này. Trớ trêu cho họ, vụ việc Trung Quốc dùng vũ lực định nuốt không bãi cạn Scarborough của Philippines, bị nước này kiện ra Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về luật biển, đã không có trọng tài nào đứng về phía Trung Quốc, khiến họ chuốc lấy phần nhơ nhuốc về bộ mặt kẻ mạnh định ăn hiếp kẻ yếu. Chẳng lẽ người Trung Quốc không rút ra được bài học gì từ chuyện này hay sao. Cứ lẽ ấy, làm sao Hoàng Sa lại có thể “mất” vào tay Trung Quốc được?
Một điều nữa, những chủ nhân chân chính của các nước đâu dễ để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị tước đoạt. Có dân tộc nào, quốc gia nào chịu buông bỏ chủ quyền của mình khi nó hiển nhiên thuộc về họ?
Nhìn vào lịch sử Việt Nam, thời xa xưa, đất nước và dân tộc này đã phải chịu một nghìn năm Bắc thuộc, có nghĩa một nghìn năm tạm bị mất chủ quyền và tự do độc lập. Nhưng rồi cuối cùng, người Việt Nam vẫn là người Việt Nam, từ các triều Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… vẫn kiên cường đương đầu với các thế lực Hán, Nguyên, Minh, Thanh… tiến hành đấu tranh tự giải phóng để cuối cùng bước ra khỏi “đêm dài nô lệ”. Những kẻ tước đoạt chủ quyền và độc lập của Việt Nam vẫn bị đánh bại. Thời hiện đại, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời chưa đầy một tuổi mà một nửa đất nước đã bị Pháp rồi đến Mỹ chiếm đóng. Nhưng nửa đất nước ấy đâu có “mất”. Gần 30 năm chiến đấu bền bỉ, dẻo dai và vô cùng gian khổ, một nửa “thịt của thịt Việt Nam” bị tạm chiếm cuối cùng vẫn lại trở về với quốc gia, dân tộc sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Những kẻ muốn tước đoạt chủ quyền của Việt Nam đều phải cuốn gói. Với lẽ ấy, không người Việt Nam nào chịu “mất” Hoàng Sa được.
Với quyết tâm của chủ nhân đích thực và sự chính nghĩa, Hoàng Sa của Việt Nam sao lại bảo là “mất” được. Chỉ trừ khi vũ trụ xoay vần, con tạo biến đổi mà tự nhiên làm cho quần đảo này chìm xuống, mất hút dưới các làn sóng xanh biển cả, không trồi lên nữa thì mới có thể coi là mất. Khi đó, Việt Nam chẳng có gì mà đòi, Trung Quốc cũng chẳng còn gì để trả. Ấy mới gọi là mất. Còn hiện nay, phải nói chính xác rằng Trung Quốc mới chỉ tạm chiếm được quần đảo này mà thôi.
Quy luật của cuộc sống, quy luật của lịch sử, thậm chí cả kinh thánh nữa, đều chỉ ra rằng, những gì thuộc về chủ nhân đích thực thì sớm muộn cũng trở về với chủ nhân của nó, hay “của Caesar thì phải trả lại cho Caesar”. Tin rằng, mọi người dân đất Việt kiên trì, đoàn kết, dũng cảm, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thì một ngày nào đó, quần đảo Hoàng Sa và cả những đảo ở Trường Sa đang bị tạm chiếm cũng sẽ trở về thuộc chủ quyền thực sự của Việt Nam. Như những nhà lãnh đạo của Việt Nam từng nói: “Thế hệ chúng ta đang đòi lại, nhưng nếu không lấy lại được, thì thế hệ con cháu chúng ta nhất định phải đòi lại, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”. Đó mới là tư duy đúng.

45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên về sự biến Trung Quốc ngang ngược cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, nhiều chuyên gia cho rằng mưu đồ của Bắc Kinh quá rõ ràng.
Chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư VN): Hành động chiếm Hoàng Sa năm 1974 nằm trong chuỗi ý đồ của Trung Quốc từ lâu. Nước này muốn trở thành siêu cường, mà muốn trở thành siêu cường thì trước hết phải trở thành cường quốc biển. Chính vì vậy, Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông để biến vùng biển này thành cửa ngõ vươn ra thế giới. Năm 1956, nhân khi Pháp rút khỏi Đông Dương, lúc đó VN vừa bước ra khỏi cuộc chiến với Pháp và phải bước vào cuộc chiến mới, Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, VNCH đang rối loạn, Mỹ phải rút khỏi VN và Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đến gặp lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông tại TP.Thượng Hải. Dường như lúc đó các bên đã có những thỏa hiệp nhất định, nên Bắc Kinh thấy đây là thời cơ thuận lợi để ra tay chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau một trận hải chiến.
Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới1

Hiện nay, cùng với việc tiếp tục bồi lấp và quân sự hóa phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa sau khi cưỡng chiếm, Trung Quốc còn ngang nhiên tiến hành bồi lấp thành đảo nhân tạo và từng bước xây dựng các công trình trái phép phục vụ mục đích quân sự trên 7 thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của VN (gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Gaven, Xu Bi, Vành Khăn, Châu Viên, Tư Nghĩa). Khi Trung Quốc hoàn tất quân sự hóa tại các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp tại 2 quần đảo thì sẽ rất nguy hiểm đối với an ninh và hòa bình của khu vực cũng như trên thế giới.
 Bởi vì Trung Quốc không giấu giếm ý định muốn kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông. Trước đây, vào năm 2013, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Điều này đã gây căng thẳng và lo ngại cho rất nhiều quốc gia. Trung Quốc rất có thể sẽ tuyên bố một ADIZ trên khu vực Biển Đông tại các thực thể mà nước này đang kiểm soát. Điều này sẽ đe dọa tới tự do thương mại, tự do hải hành và tự do hàng không tại khu vực và sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ có điều kiện thuận lợi để đe dọa về mặt quân sự đối với nhiều hoạt động trên biển cũng như đe dọa về an toàn đối với các lực lượng đang đồn trú trên các thực thể địa lý khác tại Trường Sa, trong đó có VN.
Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới2
TS Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Theo tôi, ý đồ của Trung Quốc quá rõ và họ cũng không giấu giếm muốn độc chiếm Biển Đông. Chính sách biến khu vực Biển Đông thành “biển nhà” của họ khá nhất quán trong một thời gian dài, và họ lợi dụng bất kỳ cơ hội nào có được để từng bước hiện thực hóa tham vọng của mình.
Việc Trung Quốc xây dựng và triển khai quân sự trên các đảo ở Hoàng Sa sẽ khiến cán cân sức mạnh ở Biển Đông ngày càng nghiêng về nước này. Nói theo ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện thực thì hành động này sẽ làm mất an ninh khu vực và có khuynh hướng đẩy các quốc gia khác trong khu vực tăng cường nâng cấp sức mạnh quân sự của mình.
Ngoài ra, việc này cũng sẽ tạo ra khả năng đối đầu xung đột trong tương lai khi hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) ở khu vực Hoàng Sa, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.
Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới3
PGS-TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo VN): Cái mà Trung Quốc thèm muốn không chỉ là các đảo đá mà là toàn bộ Biển Đông. Mục đích chính của Trung Quốc khi chiếm các đảo đá trên Biển Đông là làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền và tạo bàn đạp để khống chế Biển Đông. Như ta đã biết, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách về đường lưỡi bò cực kỳ phi lý, tuyên bố các “quyền lịch sử” đối với khoảng 87% diện tích Biển Đông. Trung Quốc rất mập mờ về cái gọi là “quyền lịch sử”, nhưng khi hành xử, họ tự ý cấm các quốc gia xung quanh Biển Đông đánh cá, ngăn trở các quốc gia thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia bị đưa vào phạm vi đường lưỡi bò. Như vậy, Trung Quốc đã tự ý biến khu vực biển mà đường lưỡi bò “liếm trúng” như vùng đặc quyền kinh tế của mình, tức là vùng mà Bắc Kinh có chủ quyền đối với tài nguyên và quyền tài phán quốc gia. Khi cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” của Trung Quốc bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ, họ đã đổi cách tiếp cận, sử dụng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN, bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines làm căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông.
Đe dọa hòa bình khu vực và thế giới4
 Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược rượt đuổi tàu kiểm ngư VN trên Biển Đông
Ảnh: Mai Thanh Hải
Một mục tiêu mà Trung Quốc muốn đạt tới là biến Biển Đông thành “ao nhà”. Để làm vậy, họ thực hiện rất nhiều thủ đoạn để từng bước độc chiếm Biển Đông. Thứ nhất là họ tìm cách lôi kéo các nước Đông Nam Á để đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông, trái với các quy định trong luật pháp quốc tế. Thứ hai, họ tìm cách đạt được các thỏa thuận đa phương có tính chất nguyên tắc với các nước xung quanh Biển Đông (đại diện là ASEAN) nhưng khi đi vào các nội dung cụ thể thì họ lại tiếp cận tay đôi để dễ bề khống chế đối phương. Thứ ba là họ tìm cách quân sự hóa các đảo đá, đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng phi pháp để tạo cơ sở kiểm soát Biển Đông, thậm chí trong tương lai có khả năng họ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Thứ tư, họ tăng cường đơn phương kiểm soát các hoạt động trên Biển Đông, đề xuất “khai thác chung” tại các vùng biển trong phạm vi đường lưỡi bò để biến các vùng biển không có tranh chấp thành có tranh chấp.
Các hoạt động độc chiếm Biển Đông, đặc biệt quân sự hóa của Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm cho an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không. Ngoài nguy cơ gây chiến tranh, bộ máy quân sự của Trung Quốc với mục đích buộc những bên khác tuân thủ các quy định áp đặt của mình nhằm khẳng định chủ quyền sẽ đe dọa an ninh, an toàn và tự do của tất cả tàu thuyền, máy bay của các quốc gia hoạt động trên vùng biển và vùng trời khu vực.

Sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa: TQ đã, đang coi thường Hiến chương Liên hợp quốc

Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ tay Việt Nam. Điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định về quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia. Trước các hành động phi pháp, bất chấp đạo lý của Trung Quốc, Việt Nam đã, đang và sẽ làm tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tàu chiến của Việt Nam tham gia trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa
Việt Nam thực thi quản lý lâu dài, hòa bình và hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
 Việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Genève 20 tháng 7 năm 1954, buộc quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam tháng 4 năm 1956 và để khoảng trống bố phòng ở Biển Đông, khiến các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cho là cơ hội tốt để đưa lực lượng quân sự ra chiếm đóng trái phép một số đảo ở Hoàng Sa cũng như Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đánh chiếm nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan đánh chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa…
 Ngày 22/8/1956, song song với việc đưa lực lượng hải quân ra quần đảo Trường Sa để bảo vệ quần đảo này trước những hoạt động xâm lấn của các lực lượng nói trên, Việt Nam Cộng Hòa đã tổ chức một số hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa, như: Tổ chức đoàn nghiên cứu thủy văn do Saurin dẫn đầu; cho phép kỹ nghệ gia Lê Văn Cang tiến hành khai thác phốt phát ở Hoàng Sa. Từ năm 1957, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã cử một đại đội thủy quân lục chiến ra quản lý, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa thay thế cho quân của đại đội 42 thuộc tiểu đoàn 142. Ngày 20 tháng 10 năm 1956, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra sắc lệnh 143/VN về việc đổi tên các tỉnh miền Nam và đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Ngày 7 tháng 5 năm 1957, tàu vận tải Hàn Giang đã đến Nha Trang để chuyên chở một đại đội của tiểu đoàn thủy quân lục chiến ra đồn trú tại quần đảo Trường Sa. Tàu Hàn Giang rời Nha Trang đi Trường Sa ngày 9 tháng 5 năm 1957. Đến ngày 21 tháng 2 năm 1959, Trung Quốc cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa nhằm đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Song bị lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã phá tan được âm mưu này, 82 “ngư dân” và 5 thuyền đánh cá vũ trang đã bị bắt giữ và bị áp giải về giam tại Đà Nẵng, sau đó được trả cho Trung Quốc. Năm 1960, Việt Nam Cộng Hòa đã bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng I tại Tam Kỳ, Quảng Nam nhận chức vụ Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27 tháng 6 năm 1961 bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức vụ Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Việt Nam Cộng Hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam; tại Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 ngày 21 tháng 10 năm 1969 của Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, xã Định Hải được sáp nhập vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 11 tháng 4 năm 1967, Việt Nam Cộng Hòa ban hành Nghị định số 809-NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức Phái viên hành chính xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 13 tháng 7 năm 1971, tại Hội nghị ASPEC(Conseil de L’Asie et du Pacifique) tại Manila, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 6 tháng 9 năm 1973, tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa kí Nghị định số 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Đến ngày 24 tháng 9 năm 1973, Việt Nam Cộng Hòa thông báo dự định tiến hành khảo sát dầu lửa khu vực ngoài khơi bờ biển miền Trung, đối diện với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa
Ngày 15 tháng 1 năm 1974, sau khi tuyên bố lên án chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, “tất các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…, Bắc Kinh đã đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 16 tháng 01 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã đưa phái đoàn quân lực ra Hoàng Sa và phát hiện hai chiến hạm số 402 và 407 của Hải quân Trung Quốc đang ở gần đảo Hữu Nhật, xác nhận quân Trung Quốc đã chiếm đóng, cắm cờ trên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh… Lập tức Ngoại trưởng Vương Văn Bắc họp báo tố cáo Bắc Kinh đã huy động tàu chiến vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đưa binh lính đổ bộ xâm chiếm các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng thuộc nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa.
 Ngày 17 tháng 01 đến ngày 20 tháng 01 năm 1974, trận hải chiến giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng hải, lục, không quânTrung Quốc xảy ra trong tình thế chênh lệch lực lượng rất khó khăn cho lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và mặc dù đã chiến đấu quả cảm nhiều binh sĩ đã anh dũng hi sinh, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã không thể giữ được các đảo thuộc nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quan sát viên của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp quốc đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 01 năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó.
 Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ lập trường của mình: (i) Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. (ii) Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại. (iii) Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.
Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm trái phép một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Bất chấp luật pháp quốc tế, sau khi chiếm đóng Hoàng Sa, Trung Quốc lại một lần nữa dùng vũ lực xâm lược một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 01 năm 1988, Trung Quốc đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 năm 1988, nấp dưới luận điệu quen thuộc “phản công để tự vệ”.
 Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã sử dụng một liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu hộ vệ số 502, 509, 531 trang bị tên lửa và pháo 100mm, các tàu này đã tấn công, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn đang do Việt Nam quản lý.
 Trong lúc tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma bị tấn công dữ dội thì bên đảo Len Đao và Cô Lin, tàu HQ-605 và HQ-505 cũng đồng thời bị bắn. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ cho tàu lùi ra lấy đà và ủi lên đảo Cô Lin. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Thủy thủ tàu vừa dập lửa vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604.
 Trong cuộc xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực bãi đá ở Trường Sa, tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi.
 Năm 1988, Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập tỉnh Hải Nam).
 Một số nước Nam Á đã lên tiếng phản đối hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc
Nếu như Mỹ là đồng minh của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa thì Liên Xô lại phản đối. Ngày 27/1/1974, Báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có bài xã luận lên án gay gắt hành vi xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc và cảnh báo âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và Đông Nam Á. Bài xã luận khẳng định: “Hành động quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ là đe dọa cho các quốc gia châu Á. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đất đai, lãnh thổ là không thể nào tha thứ”.
Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền Việt Nam Cộng hòa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa. Theo giáo sư người Pháp Monique Chemillier Gendreau - trong cuốn sách nổi tiếng “Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” cho đến khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp vào năm 1884 , Việt Nam có chủ quyền liên tục không gián đoạn trong gần 2 thế kỷ đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thiết lập chủ quyền của Việt Nam phù hợp đối với luật pháp quốc tế và không có sự cạnh tranh hay phản kháng từ bất kỳ nước nào khác.
Mặc cho những sự phản đối này, Trung Quốc vẫn chiếm giữ trái phép toàn bộ Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên quần đảo cho đến nay. Theo một số nhà phân tích, cuộc hải chiến Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng vũ lực công khai vào thời điểm khó khăn, phức tạp nhất của Việt Nam để chiếm đoạt Hoàng Sa, điều mà từ thời nhà Mãn Thanh và Quốc Dân đảng chưa dám thực hiện. Giới nghiên cứu cho rằng, lúc bấy giờ Trung Quốc đã bước vào giai đoạn dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. Dù bị thế giới lên án, tại Biển Đông, Trung Quốc đã nhảy vào cưỡng chiếm Hoàng Sa, với rắp tâm biến vùng lãnh thổ của quốc gia khác thành “vùng tranh chấp”.
  Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế khi chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ mà Bắc Kinh là một trong những thành viên quan trọng.
Thực chất vào thời điểm năm 1974 và 1988, luật quốc tế đã cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việc sử dụng vũ lực chỉ được cho phép trong trường hợp ngoại lệ khi có sự cho phép của Liên hiệp quốc theo Điều 42 hoặc tự vệ khi bị xâm lược theo Điều 51 của Hiến chương. Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này. Trên thực tế, do thiếu vắng sự cho phép của LHQ và cơ sở pháp lý hợp pháp cho hành vi tự vệ, hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc vào năm 1974 và 1988 là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy phạm bắt buộc jus cogen của luật quốc tế.
Không những vậy, Trung Quốc còn vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế.Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại khoản 2 Điều 2 Hiến chương LHQ. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế mà nước mình đã tham gia ký kết. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế khác. Lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để bảo đảm công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”.
Điều 26 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế cũng nêu rõ “Mọi điều ước đã có hiệu lực ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế; Định ước Helsinki năm 1975 cũng có nêu rõ nguyên tắc này.

Powered by Blogger.