Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 17/01/2019

Thursday, January 17, 2019 3:23:00 PM // ,


Tin Biển Đông – 17/01/2019

TQ sử dụng vũ lực

xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc lợi dụng tình hình nội bộ Việt Nam chưa thống nhất, hai miền Nam Bắc vẫn bị chia cắt, đã điều động tàu chiến ra xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Âm mưu thâm độc cùng với hành động phi pháp của Trung Quốc khiến một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15045′ đến 17o15′ Bắc, kinh độ 111ođến 113o Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2.
Quần đảo Trường Sa nằm ở vĩ độ 6o50′ đến 12o vĩ Bắc, kinh độ 111o3′ đến 117o2′ Đông, gồm trên 100 đảo đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm nằm rải rác trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000km2, diện tích phần nổi thường xuyên khoảng 10km2, cách tỉnh Khánh Hoà 248 hải lý.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần thiêng liêng của Việt Nam
Những chứng cứ lịch sử pháp lý xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: (1) Thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” ta đã vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó ta gọi là “bãi cát vàng” và “Vạn lý Trường Sa”. (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tokyo Nhật Bản). (2) Thế kỷ thứ XVIII, trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là một trong những đảo của Việt Nam. (3) Lê Quý Đôn (1726-1786) trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, ông đã tả kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (4) Phan Huy Chú (1782-1840) trong sách “Lịch triều hiến dương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí”, ông còn mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (5) Trong giai đoạn Pháp thuộc, sau khi triều Nguyễn (6/1884) ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân, công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Từ đó, Pháp thực hiện chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1938, Phòng (Service) Khí tượng Đông Dương xây dựng một trạm khí tượng tại đảo Itu Aba hoạt động dưới quyền Pháp. Đây là trạm thời tiết rất quan trọng nên đã được mang ký hiệu quốc tế là 48919. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, trạm khí tượng này vẫn hoạt động. Hiện nay 4 người còn sống, đó là các cụ: Nguyễn Văn Như, Trần Huynh, Phạm Miễn, Võ Như Dân. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý. Hôm đó, Tướng Phan Văn Giáo lúc đó là Thủ hiến Trung Phần đã đích thân đến đảo Hoàng Sa để chủ tọa buổi lễ. Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxitco, ông Trần Văn Hữu – Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, trưởng phái đoàn của Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật đã trả lại tất cả lãnh thổ họ đã chiếm cứ trong chiến tranh thế giới thứ hai, 51 quốc gia tham dự, không hề có ý kiến phản đối. (6) Để quản lý về hành chính, ngày 29/2 năm Bảo Đại thứ 12 (30/3/1938), nhà vua đã ra Chỉ dụ số 10, sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên. (7) Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Ngày 22/10/1956, họ đã ra Sắc lệnh số 143/NV quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 3/7/1961, Ngô Đình Diệm – Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ký quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc Thừa Thiên – Huế, nay thuộc tỉnh Quảng Nam và gọi là xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ký Nghị định số 420/BNV-HCDB-26 sáp nhập Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. (8) Sau khi thống nhất đất nước, ngày 9/2/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước ta đã ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà).
Những tư liệu phương Tây về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa:Từ thế kỷ XVI đến nay, đã có rất nhiều tư liệu lịch sử (sách, bản đồ…) của phương Tây công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: (1) Trước hết là sự kiện chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonexia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1634. Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Paracel, sau đó cử 1 nhóm 12 người đi thuyền nhỏ vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa Nguyễn đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và đổi lấy 4 thùng bạc. (2) Năm 1701 một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”. (3) Jean Baptiste Chaigneau một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XVII – đầu XIX đã có một bản tường trình cho Bộ Ngoại giao Pháp về triều Nguyễn vào tháng 5 năm 1820, trong đó có đoạn viết: “Vua ngày nay (tức vua Gia Long) đã lên ngôi hoàng đế gồm Đàng Trong cũ (Cochinchina ), xứ Đàng Ngoài cũ (Tonkin), một phần vương quốc Campuchia, một số hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng”. (4) Năm 1837, giám mục Jean Louis Taberd có một bài viết về Việt Nam, trong đó có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau:“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông … Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông”. Ở đây J. L. Taberd nhắc đến sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ chứ ngay từ khi mới lên ngôi (1802). Một năm sau, giám mục Jean Louis Taberd công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vàng là tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel. (5) Vào năm 1849, Tiến sỹ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn một cuốn sách về Địa lý vùng đất phía nam của Việt Nam, có đoạn nói về Hoàng Sa như sau:“…Quần đảo Paracel (Kat Vang), ở ngoài khơi bờ bể An Nam, lan giữa 15 đến 17 độ vĩ Bắc và 111 đến 113 độ kinh Đông… Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh trào qua…Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc…”. (6) Giữa thế kỷ XIX, nhà địa lý học Italia nổi tiếng Adriano Balbi phát hành cuốn Địa lý đại cương, trong đó mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: “Thuộc Vương quốc này có quần đảo Paracels (Hoàng Sa), nhóm đảo Pirati (đảo Hải tặc) và nhóm đảo Poulo Condor (Côn Đảo)” . Trong khi đó, đoạn mô tả về địa lý Trung Hoa, mặc dù rất dài, tác giả không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Luật pháp quốc tế đương đại thừa nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 có thể thấy: Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc – một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa
Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève 1954, toàn bộ phần lãnh hải phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam do quân đội Pháp kiểm soát sẽ được chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa được thành lập dựa trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam thì quần đảo này thuộc sự kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. Trong thời gian chuyển giao giữa Pháp và Quốc gia Việt Nam, năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Trong thời gian 1964-1970, Trung Quốc liên tục điều quân tấn công quân đội Việt Nam cộng hòa trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ nhóm Nguyệt Thiềm. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngày 14/2/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Trước sự xâm lăng trắng trợn đó, đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp Quốc cũng đã yêu cầu đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, trong một công hàm ngoại giao gửi đến tất cả các bên ký kết của hiệp định Paris, chính quyền miền Nam đã yêu cầu một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quyền phủ quyết của mình trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực này của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, Ngày 02/7/1974, đại diện của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi mà luật pháp quốc tế thừa nhận thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Âm mưu của Trung Quốc Trung Quốc khi tìm mọi cách chiếm Hoàng Sa
Khi thành lập 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát rất ít trong số 4 quần đảo, bãi ngầm tại biển Đông, cũng như không kiểm soát được khu vực đảo Đài Loan. Trung Quốc lúc này đã phải đối đầu với các thách thức, chẳng hạn từ chính quyền Quốc Dân Đảng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, cũng như trên các đảo ngoài khơi khác tại khu vực biển Đông và biển Hoa Đông. Năm 1951, Trung Quốc đã chính thức đưa ra yêu sách về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bị nhiều quốc gia khác phản đối. Tuy nhiên, sau này, Trung Quốc đã quyết định dùng sức mạnh để chiếm đoạt hoàn toàn Hoàng Sa năm 1974.
Trung Quốc đã thực hiện việc sử dụng vũ lực vào một bối cảnh khiến vị trí của họ trong tranh chấp đã bị suy giảm khi: i) Quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tích cực mở rộng sự có mặt trên Hoàng Sa; ii) và các lợi ích ngày càng thấy rõ của biển khơi, đặc biệt là tài nguyên dầu mỏ, khi thế giới đang bước vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970.
Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính, nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) nằm ở phía Tây Nam quần đảo, nhóm An Vĩnh (Amphitrite) nằm ở phía Đông Bắc. Năm 1956 quân đội Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm (Woody) thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite). Trước đó, quân đội Pháp đã chiếm đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen), rồi đến năm 1956, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thay chân Pháp kiểm soát đảo này.
Trung Quốc, khi nhìn thấy những lợi ích của các vùng biển này, đã quyết định phải kiểm soát được tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa, vì trước đó, khoảng giữa những năm 1950, các đoàn tàu thương mại của Trung Quốc đã buộc phải đi qua vùng biển cạnh khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Crescen). Năm 1959, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đảo này, buộc các ngư dân Trung Quốc phải tránh xa  khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Crescen) này. Tuy Việt Nam Cộng hòa không tỏ ra có hành động đe dọa nào đối với Trung Quốc tại nhóm đảo An Vĩnh (Amphitrite), với ý định mỗi bên sẽ kiểm soát các khu vực biển thuộc xung quanh nhóm đảo mà họ đang kiểm soát, nhưng các hành động này của Việt Nam Cộng hòa đã làm suy giảm lợi thế của Trung Quốc. Và, vì thế, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh quân sự như một biện pháp để phục hồi lại vị thế lợi ích của mình tại đây.
Vào đầu những năm 1970, các lợi ích từ tài nguyên biển trên Bbiển Đông trở nên rất quan trọng, đặc biệt tại các khu vực mà các bên tranh chấp. Năm 1970, Philippines hoàn thành việc khảo sát địa chấn tại các vùng nước xung quanh Trường Sa, và năm 1971 bắt đầu tiến hành khoan thăm dò. Trong khi đó, Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu việc khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi, và tháng 7/1973 Sài Gòn đã ký kết 8 hợp đồng khoan thăm dò tại những nơi được cho là có nhiều dầu mỏ trên biển Đông. Tháng 1 và tháng 3/1973, Việt Nam Cộng hòa cũng đã cho tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực xung quanh nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Còn tháng 12/1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng công bố cho thấy triển vọng của các giếng dầu ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, phía Bắc của quần đảo Hoàng Sa. Với những giá trị kinh tế của các nhóm đảo ngoài khơi ngày càng gia tăng, các quốc gia khác cũng bắt đầu giành lấy những cấu trúc tại Hoàng Sa, Trường Sa, ở những nơi mà Trung Quốc hoàn toàn không có sự hiện diện nào. Để củng cố cho các yêu sách của mình, Philippines đã chiếm 5 đảo và đá tại Trường Sa trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 1971. Đây là lần đầu tiên Philippines có sự hiện diện tại vùng lãnh thổ tranh chấp này.
Tháng 9/1973, Việt Nam Cộng hòa tuyên bố sáp nhập quần đảo Trường Sa vào địa bàn tỉnh Phước Tuy. Các hành động của các quốc gia này chỉ trong chưa đầy 3 năm đã đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi trong tranh chấp này. Để đáp lại những hành động đó, Trung Quốc quyết định mở rộng sự hiện diện của mình trên những hòn đảo ngoài khơi biển Đông, nơi có ít sự trợ giúp của các lực lượng hải quân của các quốc gia khác. Đặc biệt, sau cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông với Nixon vào đầu năm 1972, và sự kiện Mỹ rút ra khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris đầu năm 1973, Bắc Kinh đã thấy trước một khả năng mới: Họ có thể loại trừ khả năng can thiệp của Hải quân Mỹ nếu cưỡng chiếm các hòn đảo thuộc do Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Trung Quốc đã sử dụng các ngư dân để gia tăng sự hiện diện của họ trên vùng biển nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) từ năm 1973. Ngày 9/1/1974, các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hữu Nhật (Robert) áp sát tới gần đảo Hoàng Sa (Pattle) – nơi mà Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên đó. Ngày 11/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc công khai thách thức Tuyên bố tháng 9/1973 của Việt Nam Cộng hòa. Giữa tháng 1/1974, các tình huống đối đầu trở nên căng thẳng hơn. Tiếp theo các tuyên bố của Bắc Kinh, Sài Gòn gửi thêm một số tàu chiến tới khu vực nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Crescen), trục xuất các ngư dân Trung Quốc ra khỏi khu vực này. Từ đó đã dẫn tới sự kiện ngày 19-20/1/1974, mà sau đó Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng sức mạnh quân sự của mình.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã huy động lực lượng tàu chiến xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa: Trung Quốc đã điều 4 chiếm hạm trực tiếp tham gia trận chiến là: 02 tàu chống ngầm hạng nhẹ lớp 6604 (nhái theo lớp Krondstadt của Liên Xô) mang số hiệu 274 và số 271, 02 tàu quét thủy lôi lớp Type 010 mang số hiệu 389 và số 396 (nhái theo tàu lớp T-43 của Liên Xô), 2 ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn có lực lượng thuộc Trung đoàn 10 Hải quân lục chiến, trinh sát (khoảng 500 binh sĩ). Sau khi trận chiến đã kết thúc, thì tàu chống ngầm số 282, tàu chống ngầm số 281 mới đến tăng viện. Tàu chống ngầm lớp Krondstadt (Kronshtadt class submarine chaser) của Trung Quốc có choán nước khoảng 320 tấn, trang bị 1 pháo 85mm và 2 pháo 37mm; 2 tàu rà mìn T-43 có choán nước 560 tấn, trang bị 2 pháo đôi 37mm, 2 pháo đôi 25mm.
Luật pháp quốc tế bị Trung Quốc coi thường
Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã đi ngược lại luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc của không thể thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực. Điều này được trình bày chi tiết và rõ ràng trong sách đã dẫn của giáo sư Monique Chemillier Gendreau, theo đó: “Sau cú sốc của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, Công ước của Liên đoàn các Quốc gia đã ra tuyên bố cấm chiến tranh xâm lược và vào ngày 26 tháng 8 năm 1928, Hiệp ước Kellogg – Briand đã cố gắng biến chiến tranh thành phạm pháp với sự cam kết tự nguyện của các quốc gia ký kết . Việc cấm sử dụng vũ lực đã trở thành giá trị và nguyên tắc pháp lý áp dụng đối với tất cả các nước tại điều 2, đoạn 4 của Hiến Chương Liên hợp quốc. Nguyên tắc xây dựng vào năm 1945 đã được phát triển và củng cố trong Nghị quyết 26/25 (1970) . “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với Hiến chương. Lãnh thổ của một nước không thể được thụ đắc bởi một quốc gia khác từ kết quả của việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất cứ sự thụ đắc lãnh thổ nào từ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đều được coi là phạm pháp”.
Cùng một văn bản cũng nói: “Mỗi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm biên giới đang tồn tại với một quốc gia khác hay để giải quyết cách tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp về lãnh thổ hay liên quan đến biên giới quốc gia. Như vậy, chính sách
ngoại giao pháo hạm không còn bất cứ hiệu lực pháp luật nào . Sử dụng vũ lực không thể là cơ sở của một luật pháp”. Nhận định này chỉ có thể càng có ý nghĩa nếu được áp dụng Trung Quốc, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và nước ký kết tất cả những hiến chương và điều lệ trên.
Mặt khác, không phải không tồn tại giải pháp hòa bình nào cho tranh chấp lãnh thổ. Một trong những giải pháp là đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế. Tuy nhiên Bắc Kinh đã hoàn toàn làm ngơ trước mọi đề xuất theo hướng này, ít nhất hai lần đối với Pháp vào năm 1937 và năm 1947. Nếu Trung Quốc không ngừng lặp đi lặp lại sức mạnh của bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, tại sao họ lại không đồng ý sự phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, tổ chức quốc tế thích hợp nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia? Đặc biệt là Trung Quốc có một thẩm phán trong tổ chức này.
Ngoài ra, luật pháp quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải đàm phán, như đã nêu trong Điều 33 của Hiến chương Liên hơp quốc: “Các bên trong một tranh chấp có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế, có trách nhiệm tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp thông qua đàm phán, điều tra, hòa giải, trọng tài, tòa án, hoặc nhờ vào các tổ chức, thỏa thuận khu vực hay bất cứ phương thức hòa bình nào có thể thống nhất được với nhau. Hội đồng Bảo an, nếu thấy cần thiết, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp như vậy”.
Điều nghịch lý là, Trung Quốc không những đã không tạo điều kiện thuận lợi, mà còn liên tục ngăn ngừa bất kỳ ý định nào ​​của Hội đồng bảo an theo hướng này. Minh chứng cụ thể là vào năm 1974, hoặc sau đó vào năm 1988 khi Việt Nam cố gắng đưa vấn đề ra Hội đồng bảo an.
Việc sử dụng và đe dọa vũ lực, từ chối đàm phán và giải quyết bởi tòa án quốc tế, rõ ràng không phải là những hành động đáng có của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Những việc này làm mất phẩm giá hình ảnh của nước Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, đất nước với khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” và “giấc mơ Trung Hoa”.

Âm mưu, thủ đoạn của TQ khi tìm cách ngăn cản

trái phép ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

Trong những năm gần đây, sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quôc đã sử dụng mọi chiêu bài để tìm cách thâu tóm nguồn hải sản ở Biển Đông, phục vụ âm mưu, ý đồ phát triển kinh tế, khẳng định yêu sách “chủ quyền” và nguồn cung thực phẩm cho 1,4 tỷ dân đói khát.
Bất chấp Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn bám biển, khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa
Âm mưu của Trung Quốc khi muốn kiểm soát Biển Đông
Biển Đông là khu vực có nguồn hải sản phong phú: Trải rộng từ vĩ độ 3 lên đến vĩ độ 26 Bắc và từ kinh độ 100 đến 121 Đông, Biển Đông là một biển nửa kín. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Tiềm năng của vùng biển này là nguồn sống phong phú của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Với vị trí, địa lý và khí hậu đặc biệt đã tạo cho vùng biển Đông sự đa dạng sinh học cao so với các nước trên thế giới, cả về cấu trúc thành phần loài, hệ sinh thái và nguồn gen. Khác biệt về điều kiện tự nhiên từ Bắc đến Nam như sự thay đổi nhiệt độ theo vĩ tuyến, mức độ trao đổi môi trường với các vùng xung quanh, hình thái thềm lục địa… đã tạo nên những nét đặc trưng của các hệ sinh thái giữa các vùng biển ở Việt Nam.
Cho đến nay, trong vùng biển này đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và 5 loài rùa biển. Nguồn tài nguyên sinh vật biển quan trọng đã mang đến những ưu thế cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh. Trữ lượng hải sản đánh bắt khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu hải sản rất phong phú, có giá trị kinh tế cao có thể khai thác được hàng năm. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Trung Quốc cần cá để ăn: Theo ước tính, thì năm 2012 Biển Đông chiếm khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá của thế giới, trị giá 21,8 tỷ USD. Nhưng với sự tham gia hoạt động đánh bắt cá ngày một nhiều của các nước trong khu vực. Thì sản lượng đánh bắt cá và nguồn trữ lượng cá năm 2015, đã giảm khoảng 70 – 90%, so với năm 1950. Riêng lượng cá chưa khai thác gần bờ có xu hướng giảm nhất, hiện nay giảm xuống chỉ còn từ 5 đến 30%. Vì nguồn lợi thủy sản chiếm vị trí quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế, đời sống và khẩu phần ăn của người dân nước này. Nên từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc phải tính tới việc ra lệnh cấm các nước đánh bắt cá đối với khu vực Biển Đông. Có thể nói, Trung Quốc vừa là nguồn cung, cũng vừa là thị trường lớn nhất vê tiêu thụ cá trên thế giới. Nước này có tới 9 triệu ngư dân (chiếm ¼ ngư dân của thế giới), nếu tính gộp tất cả các ngành nghề liên quan tới ngư nghiệp, đánh bắt thủy sản, thì mỗi năm đã đóng góp cho ngân sách nước này khoảng 330 tỷ USD, tương đương 3,5% GDP Trung Quốc.
Không những vậy, Trung Quốc còn là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Năm 1980, khi châu Á chiếm 43% sản lượng cá thế giới, Trung Quốc mới chỉ chiếm 7%. Đến năm 2013, châu Á chiếm 68% thì Trung Quốc đã chiếm 32%, mang lại cho nền kinh tế nước này 289 tỷ USD.
Khẳng định yêu sách chủ quyền phi pháp: Trước đây, Trung Quốc xác định vùng đánh bắt cá của ngư dân chủ yếu là bốn biển Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải (biển Hoa Đông) và Nam Hải (Biển Đông). Tuy nhiên, gần đây do biển Bột Hải và Hoàng Hải đã cạn kiệt cá, cần giảm việc đánh bắt để tái tạo nguồn cá, Trung Quốc đã đẩy mạnh đánh bắt cá tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Một báo cáo do tiến sĩ Rashid Sumaila và tiến sĩ William Cheung thuộc Đại học British Columbia, Canada công bố hồi năm ngoái cho thấy có đến 55% số tàu cá của toàn thế giới đang hoạt động ở Biển Đông, trong đó đội tàu cá của Trung Quốc và Đài Loan chiếm đa số. Đồng thời, Trung Quốc cũng điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách liên quan việc khai thác, đánh bắt hải sản. Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc về ngư nghiệp, Bắc Kinh đề ra mục tiêu cao đối với sản xuất cá. Từ năm 2016, đạt 73 triệu tấn vào năm 2020 và tiến đến đạt 77 triệu tấn vào năm 2024; tăng xuất khẩu lên 5,4 triệu tấn vào năm 2024. Theo tiến sĩ Euan Graham (Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore), hiện Trung Quốc đã cấp phép cho trên 500 tàu cá hoạt động tại vùng biển Trường Sa. Năm ngoái, nước này cũng đưa vào khai thác tàu chế biến hải sản trực tiếp trên biển với tải trọng 32.000 tấn có khả năng xử lý 2.000 tấn hải sản mỗi ngày và hoạt động liên tục 9 tháng.
Ngoài việc đánh bắt cá phục vụ các mục đích kinh tế, Chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư, viện trợ cho ngư dân ra đánh bắt cá tại các khu vực tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như ngư trường xung quanh quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa nhằm thực hiện âm mưu kiểm soát toàn bộ khu vực này. Tạp chí Science Advances cho biết, khoảng 54% ngành công nghiệp đánh bắt cá xa bờ sẽ không đạt lợi nhuận với quy mô như hiện nay nếu không có những khoản trợ cấp lớn của chính phủ. Theo thống kê, Trung Quốc trợ cấp 148 triệu USD cho các đội tàu đánh bắt xa bờ năm 2014, chiếm 10% toàn cầu. Khoản tiền này chủ yếu dùng để mua nhiên liệu cho tàu cá hoạt động ở vùng biển xa. Bắc Kinh cũng giúp ngư dân điều tra ngư trường Trường Sa và trợ cấp nguyên liệu cho ngư dân đánh bắt cá tại đây. Đáng chú ý, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Hải sản bị tận diệt chủ yếu là do phương thức đánh bắt của ngư dân Trung Quốc: Không chỉ đánh bắt cá, nhiều động vật quý hiếm đang đối diện nguy cơ bị tuyệt chủng do hoạt động phi pháp của Trung Quốc gây ra. Với sự khuyến khích ngang ngược, trái phép của chính quyền, trong một thời gian dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông. Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là “vàng trắng” hay “ngà voi biển.” Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, được bán với cao. Chính việc đánh bắt trai tai tượng, nạo vét và xây dựng đảo nhân tạo trong những năm gần đây đã hủy hại hơn 160 km2 rạn san hô, với tỷ lệ bình quân là 16%/thập kỷ, khiến cá mất đi chỗ đẻ trứng, các con non không còn nơi ẩn náu. Hậu quả là nhiều khu vực ở Biển Đông hiện nay đã gần như hết sạch cá.
Ngư dân Trung Quốc thường đi thành từng nhóm khoảng 20 – 100 tàu có công suất lớn, để khai thác, đánh bắt. Thời gian gần đây, một đội khoảng 30 -50 tàu cá Trung Quốc (cỡ 100 tấn trở lên) thường xuyên đánh bắt trái phép kéo dài ngày ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Những tàu trên đều được trang bị thiết bị định vị, phát hiện cá tinh vi; sử dụng các loại lưới đánh cá mắt nhỏ để khai thác, tận diệt hải sản. Không những vậy, dân Trung Quốc thường sử dụng phương thức đánh bắt tận diệt hải sản, theo đúng phương châm “đánh bằng hết, diệt bằng sạch”. Họ thường sử dụng lưới vét – một loại lưới đã bị Liên Hợp Quốc cấm sử dụng từ năm 1992 để đánh cá; hoặc sử dụng những biện pháp đánh bắt như dùng thuốc nổ, thuốc độc tại các rặng san hô, sử dụng tàu giã cào (thiết kế bánh xe nên đi cả trên bãi rạn), máy nén khí thổi tung đáy biển để bắt hải sản.
Thủ đoạn kiểm soát nguồn hải sản ở Biển Đông của Trung Quốc
Đầu tiên, Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có “quyền đánh cá truyền thống” và “vùng nước lịch sử”ở Biển Đông để hợp thức hóa âm mưu độc chiếm hải sản trong khu vực. Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục cho rằng “Bắc Kinh có quyền từ xưa và chủ quyền lịch sử đối với các bãi ngầm, bãi đá ở Biển Đông”, và rằng “Biển Đông là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc”, đồng thời phản bác lại các tuyên bố chủ quyền của các nước đối với vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng thuyết phục và các lập luận liên quan yêu sách “chủ quyền” trên, cố tình mập mờ trong việc giải thích cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất yêu sách chủ quyền của mình.
Thứ hai, ban hành trái phép “Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm”. Từ năm 1999 đến nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Dù biết vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc cố tình đưa ra lệnh cấm đánh cá nhằm: (1) Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. (2) Thông qua việc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. (3) Trung Quốc muốn thông qua lệnh cấm đánh bắ cá mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
Tuy nhiên, Lệnh cấm đánh bắt cá này là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1909, năm 1956 và năm 1974. Không những vậy, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá này xâm phạm các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines. Phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, với điều kiện địa lý của một vùng biển nửa kín, nơi các tài nguyên sinh vật có độ đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau lớn, việc tham vấn là một trong các nghĩa vụ bắt buộc để bảo tồn các loài có khả năng di cư cao và sinh sống trên vùng biển của nhiều quốc gia.  Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuỳ tiện áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong khoảng thời gian không phù hợp với thực tiễn đánh bắt cá ở Biển Đông và không tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan. Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp” đã được quy định trong DOC.
Thứ ba, sử dụng lực lượng chấp pháp đàn áp, bắt giữ trái phép tàu cá của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, chấp pháp, máy bay tuần tra bắt giữ tàu cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Liên quan các vụ việc tấn công ngư dân Việt Nam, riêng trong năm 2018, đã xảy ra nhiều vụ tàu của ngư dân Việt Nam đã bị các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xua đuổi, tấn công khi hoạt động đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoặc vào các đảo ở Hoàng Sa trú tránh bão. Năm 2015, các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Trong đó, có 207 lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà trong phạm vi từ 45 đến 50 hải lý. Từ khía cạnh thực tiễn và luật pháp quốc tế cho thấy, lực lượng chấp pháp Trung Quốc tiến hành đâm va, xua đuổi, thậm chí là cướp tài sản của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trong khu vực quần đảo Hoàng Sa không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại các Tuyên bố chung, nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước mà còn đe dọa an toàn, tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam.
Thứ tư, Trung Quốc còn tìm cách xua đuổi ngư dân vào tránh bão, nhằm “răn đe” ngư dân không được đi vào “vùng biển của Trung Quốc”. Trong năm 2018, Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin (18/6) cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đã trú tránh ở rìa Nam Tây Nam đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, không cho cập bờ tránh bão. Trong khi đó, một tàu cá với 6 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi (20/4/2018) đang hoạt động tại vị trí 16 độ 36 phút vĩ độ Bắc và 112 độ 50 phút kinh độ Đông, cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông-Đông Nam bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm. Trong năm 2016, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (12/8/2016) cho biết có 6 tàu cá tỉnh Qảng Nam cùng 259 ngư dân đang đánh bắt cá ở vùng biển có vị trí cách đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng hiện đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ và kiểm soát phi pháp) khoảng 40 hải lý thì gặp thời tiết xấu, sóng lớn kèm theo gió mạnh cấp 6 – 7. Các tàu trên có đề nghị vào tránh trú tại đảo Bông Bay, song cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo “khu vực đảo Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa không thích hợp để tránh trú, đề nghị 6 tàu Việt Nam quay trở về”. Trước đó, 18 tàu cá Đà Nẵng (29/6/2016) đang neo đậu tại phía Bắc Hoàng Sa để tránh bão thì bị “một tàu lạ” cập mạn tàu cá cướp đi 25 thùng phi dầu, 4 tấn mực khô và 10 thùng nước ngọt, rồi xua đuổi tàu cá Việt Nam. Trong năm 2013, Tàu Hải quân Trung Quốc (1/2013) ngăn chặn hai tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi bị nạn trên biển vào đảo Bom Bay để tránh bão và sửa chữa hư hỏng. Chỉ đến khi Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp với phía Trung Quốc thì các tàu trên mới được cập đảo Bom Bay. Hành động này của Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Thứ năm, thông qua cơ quan ngoại giao để bao biện cho các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (3/1/2019) cho rằng các quốc gia láng giềng trên thế giới có tranh chấp về nghề cá là việc “bình thường” và tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần xua đuổi, tấn công tàu cá của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa cũng là điều “bình thường”. Cái cớ mà Lục Khảng đưa ra để biện hộ cho hành xử ngang ngược của lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là thi hành “lệnh nghỉ đánh bắt cá” để nuôi dưỡng, phát triển nghề cá hải dương.
Hành động của Trung Quốc vi phạm cả luật quốc tế lẫn thỏa thuận song phương, đa phương
Đầu tiên, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (phi pháp) là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc áp dụng nhiều thủ đoạn, để hợp thức hóa “chủ quyền lịch sử” đối với khu vực này, như xây dựng các căn cứ quân sự kiên cố; ồ ạt đưa quân, dân ra quần đảo để tạo lập các đơn vị hành chính “thành phố Tam Sa”; công bố văn bản pháp lý quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng các vùng biển và thềm lục địa bao lấy toàn bộ quần đảo; thường xuyên ra các lệnh, quyết định hành chính, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là một ví dụ điển hình.
Thứ hai, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá vi phạm các quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam (12/11/1982) đã công bố Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, nên Việt Nam hoàn toàn có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Không những vậy, tại phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (7/2016), Toà đã khẳng định việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 tại một khu vực lớn tại Biển Đông, mà không loại trừ EEZ của Philippines và không giới hạn áp dụng với các tàu mang cờ Trung Quốc, là sự vi phạm Điều 56 UNCLOS về quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật biển trong EEZ của Philippines (đoạn 716, phán quyết 2016). Việc tiếp tục đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh đánh bắt cá trong phạm vi rộng tại Biển Đông vào năm 2017, năm 2018, sau khi phán quyết Tòa Trọng tài có hiệu lực, cho thấy sự thách thức của Trung Quốc đối với quy định của pháp luật quốc tế hiện hành. Ngoài ra, phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định vùng chồng lấn này. Theo quy định của UNCLOS và theo thực tiễn quốc tế, trong khi đàm phán phân định vùng chồng lấn, các bên liên quan không được phép đơn phương tiến hành bất kỳ một hoạt động nào. Việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở vùng chồng lấn là trái với quy định của UNCLOS, bất chấp thông lệ quốc tế và hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính trị của hai bên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm mục a, mục b, Khoản 1, Điều 98 của UNCLOS về Nghĩa vụ giúp đỡ. Điều 98 quy định “Mọi quốc gia đòi hỏi thuyền trưởng của một chiếc tàu mang cờ của nước mình, trong chừng mực có thể làm được mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con tàu, cho đoàn thủy thủ hay cho hành khách trên tàu, phải: a) Giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp nguy khốn trên biển; b) Hết sức nhanh chóng đến cứu những người đang bị nguy cấp nếu như được thông báo những người này cần được giúp đỡ, trong chừng mực mà người ta có thể chờ đợi một cách hợp lý là thuyền trưởng phải xử lý như thế; c) Trong trường hợp xảy ra tai nạn đâm va, giúp đỡ chiếc tàu kia, đoàn thủy thủ và hành khách của nó và, trong phạm vi có thể, cho chiếc tàu đó biết tên và cảng đăng ký của tàu mình, và cảng gần nhất mà tàu mình sẽ cập bến”.
Thứ tư, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm Điều 5 của DOC. Điều 5 quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng. Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng. Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra”.
Thứ năm, vi phạm các quy định, thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đã được ghi nhận và nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện song phương và khu vực. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết DOC. Các bên tái khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Các bên cũng cam kết “sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.” Tuyên bố DOC là một văn bản chính trị, không có giá trị ràng buộc, do đó không tạo ra bất kỳ giá trị pháp lý nào.
Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận này yêu cầu hai nước trong quá trình đàm phán phải “thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần” của Tuyên bố DOC. Nếu Thỏa thuận này được xem là một thỏa thuận có tính chất ràng buộc (một điều ước quốc tế) giữa hai nước thì bằng cách dẫn chiếu đến Tuyên bố DOC, hai nước đã trao giá trị ràng buộc cho Tuyên bố DOC.
Phản ứng của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lân tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp với các vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS; nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù
hợp với xu thế phát triển quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình ở khu vực.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhiều lần có công văn gửi các Bộ, ngành liên quan phản đối hành động đơn phương này từ phía Trung Quốc. Theo Hội Nghề cá Việt Nam, hành động đơn phương han hành Quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc bộ, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC; không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc. Quyết định trên của phía Trung Quốc là vô giá trị.
Việt Nam cũng thành lập lực lượng Cảnh sát Biển, Vùng II Hải quân… Hải quân, không quân thường xuyên được nâng cao năng lực phòng thủ và tăng cường hoạt động tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Các lực lượng tuần tra, kiểm soát của bộ đội biên phòng, cảnh sát biển thường xuyên triển khai các công việc để quản lý các hoạt động trên biển, xua đuổi, xử lý hành chính các vụ việc tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trong đó xây dựng lực lượng kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam cũng tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo như: Khai thác, chế biến dầu khí; hệ thống cảng và dịch vụ vận tải biển; khai thác, chế biến hải sản, du lịch… Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo. Hiện nay, các hoạt động về thăm dò, khai thác dầu khí của chúng ta đã và đang diễn ra bình thường, chúng ta đang tiếp tục duy trì hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, Mỹ, Canada, Australia, Ấn độ, Nhật, Hàn Quốc trên vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa… Các ngành chức năng và các địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên biển. Ngư dân ta tiếp tục đánh bắt hải sản ở khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sản lượng khai thác của khối tàu cá xa bờ chiếm 40% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước.

Philippines tố hải quân TQ “đội lốt” ngư dân

hoạt động tại Trường Sa

Một nhân vật trong Bộ Quốc phòng Philippines ngày 12-1 tiết lộ nhiều tàu cá Trung Quốc quanh nhóm đảo Kalayaan thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) đều do dân quân và binh sĩ cải trang thành ngư dân điều khiển.
Nhóm đảo Kalayaan là tên Philippines gọi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Chúng tôi biết một sự thật rằng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã gửi đi và tài trợ cho lực lượng dân quân hàng hải đang cải trang thành ngư dân trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực” – trích lời quan chức giấu tên.
Người này nói thêm rằng việc triển khai hàng chục tàu cá cải trang trong hoặc gần những vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á là cách để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện và thể hiện sức mạnh trong khu vực.
Theo Philippine Star, Trung Quốc bắt đầu chiếm đóng trái phép Đá Vành Khăn vào đầu những năm 1990 bằng cách xây dựng một túp lều bằng tre và khẳng định đây là nơi trú ẩn cho các ngư dân. Giờ đây, khu vực này đã trở thành một căn cứ quân sự phi pháp rất kiên cố mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, Bắc Kinh thông báo họ sẽ tiến hành cải tạo các khu vực bị thiệt hại ở biển Đông. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sự tăng cường hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực có phải là một phần trong nỗ lực cải tạo sai trái của nước này hay không.
“Hiện tại, chúng tôi chưa biết lý do vì sao số tàu cá Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh trong khu vực” – quan chức quốc phòng giấu tên nói.
Một quan chức quân đội cấp cao nói điều mà Philippines và các nước đang có tranh chấp trong quần đảo Trường Sa có thể làm là giám sát sự hiện diện của tàu Trung Quốc dù chúng có bề ngoài có vẻ như chỉ là tàu dân sự. Người này xác nhận những con tàu màu xám của Trung Quốc, có khả năng là tàu hải quân, rất thường xuyên xuất hiện.

Cộng đồng quốc tế lại lên tiếng cảnh báo

về hoạt động của lực lượng “dân quân biển” TQ

Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI, 9/1) vừa tiến hành một cuộc điều tra công phu, với kết quả ban đầu cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang hiện diện ngày càng đông đảo và là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.
Mối quan ngại mới về lực lượng dân quân biển Trung Quốc
Theo AMTI, các hoạt động của dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông có quy mô quan trọng hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện đông đảo của dân quân biển Trung Quốc, thường là các tàu cá vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia vào các hoạt động quân sự, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, làm tăng khả năng va chạm giữa các tàu thuyền và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng vũ trang các nước ven Biển Đông. Giám đốc AMTI Gregory Polling nhận định, ngày càng có nhiều tàu cá mang danh khai thác hải sản, nhưng chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động này và được sử dụng như một phương tiện của lực lượng dân quân biển chính thức của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các nước quan tâm thích đáng hơn đến vấn đề dân quân biển tại Biển Đông.
Trong khi đó, Nghị sĩ đối lập Philippines Gary Alejeno (11/1) dựa trên các kết quả nghiên cứu mới của AMTI, đã lên án việc ngư dân Trung Quốc gia tăng các hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Philippines, cho rằng đây là những hành động “trộm cướp”, đồng thời ông nhấn mạnh đến mối nguy dân quân biển Trung Quốc, một phương tiện mà Bắc Kinh sử dụng để thực thi chiến lược lấn chiếm từng bước một, để tiến đến khẳng định chủ quyền tại khu vực này. Các nhà lập pháp Philippines đã quy cho nguyên nhân xảy ra điều này bởi chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với Trung Quốc, đã im lặng trong những vụ quấy nhiễu ngư dân và với binh lính Philippines đóng quân tại khu vực. Ông Alejano nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối thừa nhận chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh thổ của người Philippines, mặc dù phán quyết trọng tài quốc tế tháng 7/2016 đã vô hiệu hóa yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông, một phần trong đó là biển Tây Philippine. Điều này đã khiến Trung Quốc bạo gan hơn tiếp tục các hành động phi pháp của họ trong khu vực, bao gồm săn trộm và cướp tài nguyên hàng hải của Philippines. Ông Alejano cũng cảnh báo rằng, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại Biển Tây Philippine không chỉ đơn thuần là tàu đánh cá mà là lực lượng bán quân sự, cho rằng đây là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thiết lập kiểm soát khu vực.
Dân quân biển Trung Quốc là ai
Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc là một trong số ít nước trên thế giới có dân quân biển. Lực lượng này gồm các tàu đánh cá thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau như cứu hộ các thuyền mắc cạn, vận chuyển lính đổ bộ lên các đảo hay thực hiện nhiều nhiệm vụ “ném đá giấu tay” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Về cơ cấu tổ chức: Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao, song có những địa phương cũng tuyển chọn cả cựu binh hải quân. Tuy không thuộc lực lượng vũ trang, song Dân quân biển Trung Quốc do Chính phủ xây dựng, quản lý, kiểm soát hoạt động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự địa phương. Về cơ bản, dân quân biển Trung Quốc là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ địa phương Trung Quốc do Cục dự bị động viên thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc soạn thảo, ban hành, dưới
sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương đảm bảo trực tiếp về lương, kinh phí huấn luyện hoặc kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 750.000 người và 140.000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không. Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.
Nhiệm vụ chính của dân quân biển Trung Quốc: Thứ nhất, đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông. Thứ hai, tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Quốc. Thứ ba, bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh. Thứ tư, hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra. Thứ năm, cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Quốc. Thứ sáu, vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.
Về ngân sách hoạt động: Chi phí cho các hoạt động hàng ngày của dân quân biển do ngân sách của thành phố hoặc huyện mà tàu này đăng ký chịu trách nhiệm, còn trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ có quy mô lớn hơn hoặc các chiến dịch đặc biệt thì chi phí đó được ngân sách của tỉnh chi trả. Chính quyền các cấp như đã nói ở trên cũng quy định cụ thể mức bù đắp các khoản chi phí cho dân quân biển khi tiến hành chiến dịch hoặc là bồi thường cho dân quân biển nếu các tàu của họ bị hư hại khi thực hiện nhiệm vụ. Để đảm bảo hoạt động cho lực lượng dân quân biển, Chính quyền Trung Quốc đã huy động nhiều bộ ngành tham gia, bao gồm Bộ Tư lệnh bảo vệ hải sản, Cục các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, Cục vận tải quân sự và các cơ quan khác của Hải quân… Theo giáo sư Andrew Erickson (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) Chính phủ Trung Quốc chi trả rất hậu cho lực lượng dân quân biển, thông thường một thuyền viên được chính phủ Trung Quốc trả 13.000 USD/năm, trong khi thuyền trưởng được trả 25.000 USD/năm. Tại các địa phương
đều có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy dân quân biển riêng, ví dụ như Chính quyền Hải Nam có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt thông qua hình thức trợ giá, hỗ trợ tài chính, trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu…
Về trang thiết bị trên tàu: Các tàu dân quân biển cỡ lớn được trang bị vũ khí hạng nhẹ; tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các mạn thành và thân tàu được gia cố nhằm tăng độ cứng và chống va chạm; trang bị hệ thống định vị vệ tinh và kênh liên lạc riêng. Hiện tàu lớn nhất của dân quân biển Trung Quốc có chiều dài khoảng 60m, chiều ngang 10m, tải trọng khoảng 750 tấn; các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn.
Về công tác huấn luyện, đào tạo: Lực lượng dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện theo nhiều chương trình khác nhau, từ kỹ năng phân biệt, nhận dạng các tàu đến sử dụng vũ khí và các hoạt động kinh tế-quân sự. Ngoài ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc cũng được đào tạo về chính trị và kiến thức an ninh quốc phòng nhằm tăng cường tinh thần dân tộc và tuyệt đối phục tùng các mệnh lệnh của quân đội Trung Quốc. Hãng tin Reuters hồi đầu tháng 5/2016 tiết lộ, Trung Quốc đã mở khóa huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam, biến họ thành “dân quân” rồi đưa xuống phía Nam Biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Những ngư dân tham dự khóa học kéo dài 4 tháng, khóa huấn luyện hoàn toàn miễn phí, gồm các nội dung huấn luyện quân sự cơ bản, tìm kiếm cứu hộ, xử lý thảm họa trên biển, thu thập thông tin về tàu nước ngoài và bảo vệ “chủ quyền” trên biển.
Dân quân biển Trung Quốc đã tham gia nhiều vụ quấy rối tàu, thuyền các nước đang hoạt động, đi lại hợp pháp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có khoảng 200.000 tàu cá các loại và có 14 triệu lao động hoạt động liên quan biển. Lực lượng khổng lồ này đã và đang phối hợp với Quân đội Trung Quốc trong việc theo đuổi những mục tiêu xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Andrew Erickson cho biết lực lượng này liên quan trực tiếp đến hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và dính líu vô số hành động hung bạo ở Biển Đông, trong đó có vụ đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam năm 2014. Lực lượng này cũng có các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, khiêu khích trắng trợn các nước như quấy rối nhiều tàu USNS Impaccable của Mỹ (3/2009) đang tiến hành khảo sát ở Biển Đông; bảo vệ hoạt động khảo sát phi pháp của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tại Nam Tri Tôn; do thám, tuần tra và bao vây bãi Cỏ Mây trong tháng 2/2014…
Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường phát triển và sử dụng lực lượng dân quân biển phục vụ mưu đồ xâm chiếm Biển Đông: Trung Quốc cố ý lợi dụng tình trạng mập mờ danh tính của lực lượng dân quân biển (không phải lực lượng vũ trang, song được đào tạo huấn luyện chuyên sâu) để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo các lợi ích quốc gia, yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang, ít bị các nước chỉ trích, tránh các quy định của luật quốc tế và không gây phương hại tới hình ảnh của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, việc sử dụng dân quân biển quấy rối, khiêu khích tàu chấp pháp, tàu quân sự các nước sẽ khiến các nước gặp khó khăn khi đưa ra phương án xử lý số tàu này. Giáo sư Alan Dupont (Đại học New South Wales, Australia) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác dưới sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hóa.
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đều nhận định đây là một trong những lực lượng nguy hiểm của Trung Quốc. Giáo sư James Kraska (Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) cho biết Trung Quốc gần đây đã công khai kế hoạch xây dựng mạng lưới tàu cá trở thành lực lượng dân quân biển với vai trò bán quân sự trong thời bình và cũng như trường hợp xảy ra xung đột. Kế hoạch trên sẽ cung cấp cho lực lượng hải quân Trung Quốc một lực lượng đông đảo, hợp pháp và mang yếu tố cạnh tranh chiến lược. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã xóa đi sự phân biệt giữa tàu chiến và tàu dân sự trong luật hải chiến (Điều luật quy định việc bảo vệ hoạt động của tàu cá trong giai đoạn xảy ra xung đột). Chính vì vậy, Giáo sư Andrew Erickson cho rằng Chính phủ Mỹ cần hành động ngay trước khi Mỹ cùng đồng minh và đối tác bị đặt vào tình thế bấp bênh khi phải đối đầu với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Theo ông Erickson, các quan chức Mỹ cần phải công khai rộng rãi trước dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế về bản chất và hành động thực tế của lực lượng này; đồng thời các nhà lập pháp Mỹ cần công nhận dân quân hàng hải của Trung Quốc là “một lực lượng quân sự” thường được trá hình và có quy định cụ thể về việc dân quân biển Trung Quốc không được hưởng quyền bảo hộ công dân trong trường hợp xung đột trên biển.

Ra khỏi EU, Anh hướng về Biển Đông?

Hải quân Anh trở lại Vành đai Thái Bình Dương bằng sự kiện tập luyện chung với Mỹ ngay tại Biển Đông.
Trang web Hải quân Hoàng gia Anh nói sự kiện tàu Anh HMS Argyll tham gia cùng tàu Mỹ McCampbell từ 11 đến 16/1 đánh dấu việc hải quân Anh quay lại Vành đai Thái Bình Dương trong bối cảnh Anh muốn mở rộng không gian sau khi rời khỏi EU (Brexit).
Hiện Washington đang muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh nhằm gây áp lực lên Trung Quốc, quốc gia vốn đã bồi đắp các đảo và tiến hành xây dựng các công trình, căn cứ có khả năng hoạt động quân sự tại vùng biển này.
Tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển của Mỹ, USS McCampbell, vốn đóng tại Nhật Bản, và tàu khu trục của hải quân Hoàng gia Anh, HMS Argyll, hiện đang có hành trình tới châu Á, đã tiến hành cuộc diễn tập thông tin liên lạc và các hoạt động khác trong thời gian từ thứ Sáu 11/1 tới thứ Tư 16/1, nhằm “nhắm tới các ưu tiên an ninh chung”, thông cáo báo chí của hải quân Mỹ nói.
“Hai bên trong thời gian gần đây chưa hề có hoạt động chung nào, đặc biệt là tại vùng Biển Đông,” phát ngôn viên của hải quân Mỹ nói.
Ông cho biết thêm là hai bên đã không các hoạt động chung kể từ 2010.
Hoa Kỳ vốn đã thường xuyên thực thi quyền tự do đi lại ở Biển Đông, nhưng Anh gần đây mới có hành động tương tự.
Hồi tháng Tám năm ngoái, chiến hạm của Anh, HMS Albion, 22 ngàn tấn, đã đi vào gần sát Quần đảo Hoàng Sa.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson trong cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay với tờ Sunday Telegraph nói về ý tưởng có một căn cứ quân sự mới của Anh đặt tại khu vực châu Á.
Trung Quốc trên thực tế đang kiểm soát quần đảo này.
Đây là lần đầu tiên Anh trực tiếp thách thức quyền kiểm soát ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với vùng biển chiến lược này.
Anh có động thái sau khi Hoa Kỳ nói muốn thấy có thêm các nước khác có hành động tại Biển Đông.
Bắc Kinh cáo buộc London có hành động “khiêu khích”.
Tàu McCampbell trong tháng này đã áp sát trong phạm vi 12 hải lý của Quần đảo Hoàng Sa để thực thi điều mà phía Mỹ nói là hoạt động tự do đi lại, nhằm “thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức trên biển”, điều khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn cáo buộc Mỹ là đã đi vào bất hợp pháp vùng lãnh hải của Trung Quốc, CNN tường thuật.
Cả Anh và Mỹ đều không tuyên bố chủ quyền ở vùng biển vốn đang là đối tượng tranh giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia, và Philippines.
Hồi năm ngoái, hình ảnh chụp các căn cứ mà Trung Quốc đặt trên một số đảo ở Biển Đông cho thấy có vẻ như các hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa tuần du chống hạm đặt trên đó.
Lực lượng không quân Trung Quốc cũng đã cho máy bay ném bom đáp xuống các đảo có tranh chấp trong một cuộc diễn tập gần đây ở Biển Đông.
Căng thẳng tại Biển Đông trong năm ngoái càng trở nên nghiêm trọng hơn sau một giai đoạn tạm lắng, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên nhậm chức hồi 1/2017.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.