Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 03/07/2020

Friday, July 3, 2020 //
Đọc báo Pháp – 03/07/2020

Bầu cử TT Mỹ: Tập Cận Bình «giơ cả hai tay» ủng hộ Donald Trump – Thùy Dương

Quan hệ Mỹ – Trung vẫn luôn thu hút sự quan tâm của báo Pháp. Đáng chú ý là bài viết của cây bút thời luận nổi tiếng Alain Frachon trên Le Monde: «Tập Cận Bình bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump». Ủng hộ phe Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã trở thành truyền thống của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Theo cây bút thời luận Alain Frachon, đó không chỉ là nhằm tôn vinh việc tổng thống Richard Nixon (1913-1994) bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung với Mao Trạch Đông, không chỉ là vì đảng Cộng Hòa thường ít «lên lớp» Trung Quốc về nhân quyền hơn so với phe Dân Chủ Mỹ, mà chủ yếu vì đảng Cộng Hòa nói chung thực tế hơn trong chính sách đối ngoại, nhất là về việc làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận.
Đối với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 cũng vậy. Theo Alain Frachon, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ «giơ cả hai tay» ủng hộ Donald Trump. Mặc dù ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc … nhưng điều đáng nói là cách hành động của Trump không mang lại gì đáng kể cho Mỹ. Bắc Kinh vẫn có thể «ăn miếng trả miếng». Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hồi tháng Giêng 2020, hai bên đã «tạm đình chiến».
Mặc dù phe của tổng thống Trump sau đó lại tiến hành «chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc», coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh: thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, tổng thống Trump có hai «phẩm chất» quan trọng: không nhất quán và thiếu năng lực.
Biết đánh vào «cái tôi» rất lớn của nguyên thủ Mỹ, khi đón tiếp tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, chủ tịch Trung Quốc đã hết lời tâng bốc ông Trump và giành được sự biết ơn của tổng thống Mỹ. Donald Trump gọi Tập Cận Bình là «chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc» và «nể nang», không đả động đến hồ sơ nhân quyền.
Nhưng Trump còn mang lại một lợi thế khác cho Bắc Kinh: ông Trump một mình tiến hành chính sách chống Trung Quốc, đối xử trịch thượng, coi thường hoặc chê bai các đồng minh châu Âu và châu Á. Nếu Joe Biden làm tổng thống, ông ấy sẽ làm điều ngược lại. Khi xác định và áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân Chủ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ. Một cựu thành viên của phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc gần đây nói với Bloomberg là việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Donald Trump thì phá hủy các liên minh.
Còn đối với công luận Trung Quốc, những phát biểu của ông Trump trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chiến lược hung hăng bài Trung Quốc càng cho thấy Bắc Kinh có lý khi nói là phương Tây thù hằn Trung Quốc. Trump còn phục vụ cho công tác tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc bằng cách làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Trong cuộc chiến của Trung Quốc nhằm hạ thấp nền dân chủ tự do và hợp pháp hóa chế độ chính trị chuyên chế, nước Mỹ dưới thời Donald Trump với hệ thống y tế suy yếu, xã hội tổn thương do phân biệt chủng tộc … như vậy đã mang lại một lợi thế lớn cho Bắc Kinh.
Hồng Kông : Lòng quyết tâm và nỗi sợ hãi
Được phát hành từ chiều hôm qua, Le Monde đặc biệt quan tâm đến hồ sơ Hồng Kông. Tờ báo chạy tựa «Hồng Kông: Những người biểu tình thách thức, bất chấp lệnh cấm».  Ở các trang trong, Le Monde giới thiệu 2 bài viết xoay quanh sự kiện Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông.
Trong bài viết «Lòng quyết tâm và nỗi sợ ở Hồng Kông», thông tín viên của báo Le Monde cho biết những người tham gia phong trào đấu tranh ở đặc khu hành chính vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến chống chính quyền Bắc Kinh, nhưng tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết, từ danh sách người liên lạc trên điện thoại di động, lịch sử tìm kiếm, ảnh lưu trữ, đến vứt bỏ những bộ trang phục đã mặc khi đi biểu tình … để tránh bị lực lượng an ninh truy tìm.
Một nhà tranh đấu, hiện giờ đang ở nước ngoài, nhấn mạnh luật mới thật đáng sợ, nhưng người dân Hồng Kông phải trung thành với các giá trị của mình và phải tìm ra các phương tiện mới để chống lại luật an ninh mới. Nhiều người trong ngày 01/07 vẫn đi làm bình thường, coi như không có gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm họ tìm cách ủng hộ phong trào tranh đấu. Đối với người dân Hồng Kông, giờ quan trọng nhất là tránh bị tống giam vào tù, tránh được càng lâu thì càng tốt và phải đặc biệt thận trọng. Còn về phản ứng của quốc tế, Le Monde nhận định, Anh và Mỹ là những nước có phản ứng gay gắt nhất.
Quyền năng tối thượng của đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Hồng Kông
«Không hẹn mà gặp», trên trang nhất Libération cũng đăng bức hình giống như báo Le Monde: Bị lực lượng an ninh vây quanh khống chế, một người biểu tình Hồng Kông nằm bẹp dưới đất, ngước đôi mắt với ánh nhìn lo lắng nhưng cũng đầy vẻ kiên cường. Trên nền bức ảnh khổ lớn chiếm trọng trang nhất là hàng tựa trang nhất súc tích: «Hồng Kông – Nỗi sợ».
Libération cũng dành 4 trang báo bên trong cho các bài viết xoay quanh hồ sơ Hồng Kông, với nhận định của nhiều chuyên gia. Libération lo ngại về tình cảnh «Hồng Kông bị kìm kẹp», có nguy cơ bị chế độ độc tài nhận chìm. Bắc Kinh đang tận dụng nỗi sợ hãi để quản lý Hồng Kông. Thông qua luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Tập Cận Bình áp đặt đối với đặc khu hành chính, đảng Cộng Sản Trung Quốc giờ có «quyền năng tối thượng» ở Hồng Kông. Về vị thế kinh tế, tài chính của Hồng Kông, theo Sebastian Veg, giáo sư danh dự của đại học Hồng Kông, sự lựa chọn lần này của Bắc Kinh cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ vai trò kinh tế tài chính của Hồng Kông sẽ bị suy giảm đáng kể. Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo ra tình huống nếu không theo Bắc Kinh thì sẽ bị coi là chống chế độ. Và từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, xâm chiếm Đài Loan sẽ là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới.
Trong bài viết «Chống Bắc Kinh, Luân Đôn tự đưa mình thành miền đất hứa», Libération lưu ý mặc dù chính phủ Anh muốn mở rộng quyền cư trú cho dân Hồng Kông, nhưng chính ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thừa nhận Luân Đôn có thể sẽ không thể làm được gì đáng kể cho người dân đặc khu nếu Bắc Kinh cản trở những người có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc rời Hồng Kông.
Hậu phong tỏa Covid-19 : Cuộc chiến chống gian lận trợ cấp thất nghiệp bán phần
Khác với Le Monde và Libération chú ý đến thời sự quốc tế, nhất là hồ sơ Hồng Kông, Le Figaro quan tâm đặc biệt đến tình hình thời sự nước Pháp, nhất là về kế hoạch cải tổ nội các, quan hệ giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kế hoạch tái khởi động đất nước trong bối cảnh tổng thống Macron chỉ còn khoảng 500 ngày là hết nhiệm kỳ. Le Figaro cũng dành hai trang bài để nói về chính trị địa phương sau kỳ bầu cử thị trưởng, xã trưởng … hôm Chủ Nhật 28/06.
Đáng chú ý còn có bài viết về cuộc chiến chống gian lận của bộ Lao Động Pháp thời hậu Covid-19 nhắm vào các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần hào phóng của chính phủ để trục lợi. Trong giai đoạn phong tỏa, có 13,6 triệu lao động của hơn 1 triệu doanh nghiệp Pháp xin trợ cấp thất nghiệp bán phần. Số tiền Nhà nước ban đầu dự kiến dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần là 8,5 tỉ euro, nay con số này đã tăng vọt lên thành 31 tỉ euro.
Trong bối cảnh này, bộ Lao Động đã huy động thêm 300 công chức tham gia vào công tác kiểm tra các doanh nghiệp có nhân viên được hưởng trợ cấp bán phần. Bộ trưởng Lao Động Pénicaud thông báo từ nay đến cuối mùa hè sẽ cho tiến hành 50.000 vụ kiểm tra, đặc biệt nhắm vào các lĩnh vực dễ có gian lận hoặc phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Nếu tỉ lệ gian lận cao thì công tác kiểm tra sẽ còn được duy trì. Từ ngày 22/05 đến nay, bộ Lao Động đã khởi động 12.000 cuộc kiểm tra, 400 vụ xuất phát từ đơn tố cáo từ chính các nghiệp đoàn lao động hoặc người làm công ăn lương.
Trong số 3.000 cuộc kiểm tra đã hoàn tất, có tới 600 hồ sơ trong đó các doanh nghiệp phải điều chỉnh khai báo, 850 hồ sơ bị nghi là có gian lận và sẽ được thanh tra kỹ hơn. 25% có thể bị xử phạt tài chính. Về nguyên tắc, ngoài việc bồi hoàn tiền ăn gian của Nhà nước, chủ doanh doanh nghiệp gian lận có thể bị phạt 30.000 euro, chịu 2 năm tù giam và không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong vòng 5 năm. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị kết tội lừa đảo, chủ doanh nghiệp phải lãnh án tù 7 năm, nộp phạt 750.000 euro, thậm chí bị truy tố về hình sự.
Bị 400 tập đoàn lớn tẩy chay, Facebook có lo ngại ?
Liên quan đến phong trào đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc Black Lives Matter xuất phát từ Mỹ sau cái chết của người da màu Georges Floyd rồi lan rộng ra thế giới, Les Echos nói đến việc  Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, từ một tuần nay bị nhắm đến do không có biện pháp đấu tranh chống các nội dung thù hận. Hơn 400 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm rút quảng cáo khỏi Facebook : Verizon, Unilever, Coca-Cola, Starbucks, Daimler, Volkswagen, Lego, The Body Shop …
Tuy nhiên, ông chủ Facebook, Marc Zuckerberg, vẫn có vẻ « bình chân như vại » và cho rằng các hãng lớn sẽ sớm trở lại trên mục quảng cáo của Facebook. Theo Les Echos, đúng là gần như toàn bộ thu nhập của Facebook là nhờ quảng cáo, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm số ít trong số 8 triệu nhà quảng cáo trên trang Facebook. Hoạt động quảng cáo của hơn 100 hãng lớn nhất chỉ mang lại 6 % trong tổng số 70 tỉ đô la thu nhập năm 2019 của Facebook. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là khách hàng chính của Facebook, mà những công ty này thì ít có khả năng dám tẩy chay Facebook vì sự thành công của họ phụ thuộc vào sự hiện diện trên các mạng xã hội, mà Facebook lại là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.

Tin tổng hợp
(TTCP) - 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là trường hợp đặc biệt được về nước. 
Theo quyết định được chính phủ ký ngày 30/06/2020, các trường hợp đặc biệt gồm trường hợp lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa… Chính phủ yêu cầu các bộ bảo đảm công khai, minh bạch điều kiện được về nước. Bộ Giao Thông Vận Tải được giao chỉ đạo tăng tần suất các chuyến bay có thu phí.
(Reuters) – Đức vượt ngưỡng 9.000 ca tử vong vì virus corona. 
Theo số liệu của Viện Robert Koch công bố ngày 03/07/2020, số ca nhiễm Covid-19 tại Đức là 195.674, tăng thêm 446 ca so với hôm trước. Đức là nước châu Âu kiểm soát tốt nhất dịch Covid-19 so với một số nước láng giềng, như Pháp, quốc gia có thêm 14 ca tử vong trong vòng một ngày, nâng tổng số ca tử vong từ đầu mùa dịch lên thành 29.875 người, tính đến hết ngày 02/07. Anh Quốc thông báo bỏ biện pháp cách ly đối với mọi hành khách nhập cảnh từ ngày 10/07. Danh sách chính chức chưa được công bố nhưng đây là một trong những biện pháp giảm nhẹ phong tỏa, như mở cửa trở lại hàng quán, rạp chiếu phim, tiệm cắt tóc… từ ngày 05/07.
(Nikkei Asian Review) – Nhật Bản tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Ấn Độ, Úc, Anh và Pháp.
Việc mở rộng phạm vi chia sẻ với ba quốc gia này được Tokyo đưa ra sau khi vào tháng 06/2020, Nhật Bản xem xét lại đạo luật chia sẻ thông tin được công bố vào năm 2014, chỉ gồm Hoa Kỳ. Nhật Bản đã ký lần lượt với bốn nước trên nhiều thỏa thuận bắt buộc hai bên giữ bí mật thông tin quốc phòng.
(AFP) – Nhật Bản nghiên cứu giảm phụ thuộc vào than đá từ nay đến năm 2030. 
Ngày 03/07/2020, bộ trưởng Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Nhật Bản thông báo đã yêu cầu các cơ quan liên quan đề xuất các giải giáp « ngừng các nhà máy nhiệt điện kém hiệu quả và biến năng lượng tái tạo thành nguồn điện lực chính ». Trước đó, theo truyền thông Nhật Bản, có khoảng 100 nhà máy nhiệt điện cũ sẽ bị đóng cửa.
(RFI) – Quân nhân Ả Rập Xê Út được huấn luyện trên lãnh thổ Pháp. 
Thông tin được Amnesty International công bố ngày 02/07/2020 sau một cuộc điều tra. Khu doanh trại huấn luyện được cho là nằm ở Commercy, tỉnh Meuse (phía đông Pháp). Pháp từng bị chỉ trích vì bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út trong khi quốc gia này bị lên án can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen.
(AFP) – Ủy Ban Châu Âu cho phép bán thuốc remdesivir ra thị trường, nhưng có điều kiện.
Quyết định được đưa ra ngày 03/07/2020, chỉ một tuần sau khi Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu khuyến nghị sử dụng thuốc này trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Ủy ban Châu Âu muốn remdesivir là « thuốc đầu tiên được cấp phép ở quy mô Liên Hiệp Châu Âu trong việc điều trị virus corona ».
(AFP) - Kim Jong Un hài lòng về công tác chống dịch Covid-19 của Bắc Triều Tiên. 
Theo tiết lộ của hãng tin KNCA ngày 02/07/2020 trong cuộc họp với đảng Lao Động Triều Tiên, chủ tịch Kim Jong Un đánh giá : Bắc Triều Tiên đã « thành công rực rỡ » trong việc giữ cho virus corona không thâm nhập được vào lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên cần tiếp tục đóng cửa biên giới và Bắc Triều Tiên phải được đặt trong tình trạng « báo động tối đa » vào lúc dịch tái phát tại các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên.
(AFP) - Hai cựu tổng thống Panama bị truy tố về tội rửa tiền. 
Ngày 02/07/2020 Tư pháp Panama chính thức truy tố các ông Ricardo Martinell (2009-2014) và Juan Carlos Varela (2014-2019). Cựu tổng thống Varela bị cáo buộc rửa tiền hối lộ nhận được từ tập đoàn dầu khí Brazil Odebechet.
(Reuters) - Sập mỏ ngọc bích tại miền bắc Miến Điện, 162 người chết. 
Chính quyền Miến Điện tối 02/07/2020 cho biết sau tai nạn sạt lở đất, các nhóm cứu hộ tìm thấy xác 162 nạn nhân tại mỏ ngọc thuộc hạt Hpakant, sát biên giới Trung Quốc. Thiệt hại về nhân mạng có thể còn nghiêm trọng hơn nữa. 54 thợ mỏ bị thương đã được nhập viện.

Điểm tin thế giới sáng 3/7:

Mỹ lên án Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (3/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ lên án Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hôm thứ Năm, đã chỉ trích việc Bắc Kinh cho tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, nói rằng động thái này sẽ làm mất ổn định hơn nữa tình hình ở vùng biển tranh chấp, theo Reuters.
“Tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng đối với những nỗ lực làm giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định”, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.
“Cuộc tập trận này là cuộc tập trận mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ viết.
Tuần trước chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch cho một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày ở Biển Đông. Theo đó, quân đội Trung Quốc bắt đầu các cuộc diễn tập từ ngày 1/7 tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.
Chuyên gia nói về sự nguy hiểm của Luật an ninh Hồng Kông
Luật an ninh mới của Trung Quốc sẽ được sử dụng để gây sức ép buộc tất cả các hoạt động phải tuân thủ những điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn có ở Hồng Kông, Gordon Chang, tác giả của cuốn sách “Cuộc chiến công nghệ lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, nói với Breitbart.
Luật mới được chính thức thông qua hôm thứ Ba sẽ “bao gồm tất cả những người ở Hồng Kông [và] cả những người khác trên thế giới”, ông Chang nói. “Ví dụ, nếu bạn ủng hộ những gì Bắc Kinh coi là hành động ly khai, thì bạn sẽ có tội. Nếu bạn ở Hồng Kông, hoặc nếu bạn ở một quốc gia có luật dẫn độ với Trung Quốc, họ có thể bắt và tống bạn vào tù đến hết đời”.
“Nó cho phép chính quyền Trung Quốc kiểm soát trực tiếp Hồng Kông. Họ đã làm điều đó, ở điều 48, có cái gọi là ‘Văn phòng Bảo vệ an ninh quốc gia’ được quy định không phải tuân theo luật Hồng Kông [và] không phải tuân theo hầu hết các điều luật ở Đại lục. Về cơ bản, nó có thể làm bất cứ việc gì mà người dân không thể đoán được. Chúng ta không biết những luật này sẽ được thực thi như thế nào, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Đài Loan trục xuất 2 phóng viên Trung Quốc
Đài Bắc sẽ trục xuất hai phóng viên truyền hình Trung Quốc đại lục đang hoạt động tại Đài Loan vì những người này sản xuất và phát sóng các chương trình thảo luận về chính trị, vi phạm các quy định của hòn đảo, SCMP đưa tin tối thứ Năm.
Các nhà báo của Đài truyền hình Đông Nam thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, phải rời khỏi Đài Loan vào sáng thứ Sáu (3/7), Hội đồng các vấn đề đại lục (MAC) của chính phủ Đài Loan cho biết.
“Họ đã vi phạm các quy định về những gì được phép làm ở Đài Loan”, phó chủ tịch MAC, Chiu Tsui-cheng, nói, đề cập đến việc hai phóng viên Trung Quốc làm sai các mô tả công việc mà họ đồng ý tuân thủ khi nộp đơn nhập cảnh vào Đài Loan.
Kim nói Triều Tiên đã chiến thắng trong cuộc chiến viêm phổi Vũ Hán
Hãng thông tấn Bắc Hàn, KCNA đưa tin hôm thứ Sáu, lãnh đạo Kim Jong Un tối cao của họ, tại một cuộc họp mở rộng của Bộ chính trị Đảng Lao Động, tuyên bố rằng Triều Tiên đã ngăn chặn thành công sự xâm nhập của virus Vũ Hán.
Mặc dù vậy ông Kim cảnh báo về “biểu hiện tự mãn hoặc buông lỏng” trên mặt trận phòng chống dịch và kêu gọi duy trì “cảnh báo tối đa” đối với công tác này, Reuters dẫn tin từ KCNA cho hay.
Tính tới thời điểm hiện tại, Triều Tiên là một trong số rất ít các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tuyên bố không phát hiện người nhiễm virus Vũ Hán, tuy nhiên truyền thông quốc tế đặt nghi vấn về tính trung thực của chính quyền Bắc Hàn khi lực lượng này phong tỏa gần như mọi đường ra của thông tin trong nước.
Ấn Độ muốn khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông
CNN cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, nói rằng chính phủ Ấn Độ bày tỏ mong muốn thực hiện các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.
Trong một diễn đàn trực tuyến hôm thứ Năm, ông Lorenzana nói rằng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông là mở đối với tất cả các nước.
“Chúng ta không ngăn cản các quốc gia khác đi qua hoặc làm điều gì đó ở Biển Đông. Người Anh đi qua Biển Đông. Người Pháp và tất cả các quốc gia khác cũng thế”, ông Lorenzana nói. Tuy nhiên người đứng đầu lực lượng quân đội Philippines lại cho rằng sự xuất hiện của tàu Ấn Độ ở Biển Đông có thể làm phức tạp thêm tình hình khu vực.
Mỹ có dự luật mới với nhiều khoản nhắm vào Trung Quốc
Một Ủy ban quyền lực của Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 741 tỷ USD vào cuối ngày thứ Tư (1/7), trong đó có nhiều điều khoản nhắm vào Trung Quốc.
Reuters đưa tin, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã phê chuẩn dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm (NDAA) vào trước nửa đêm thứ Tư, với toàn bộ 56 phiếu ủng hộ và không có phiếu phản đối.
Reuters cho biết, dự luật đặt ra khung chính sách cho Bộ Quốc phòng Mỹ về mọi thứ, từ việc đóng bao nhiêu con tàu để mang lại lợi ích cho quân đội, cho đến cách thức Hoa Kỳ chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc (Chi tiết).

Điểm tin chiều 3/7: Mỹ nhận định Huawei, ZTE

của Trung Quốc là mối đe doa an ninh quốc gia

Minh Hạnh
Mục Điểm tin kinh tế ngày 3/7 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin: Mỹ nhận định Huawei, ZTE của Trung Quốc là mối đe doa an ninh quốc gia; Các hãng Hàng không Việt mở nhiều đường bay mới…
Mỹ nhận định Huawei, ZTE của Trung Quốc là mối đe doa an ninh quốc gia
Theo tờ South China Morning Post đưa tin, hôm 30/6, căn cứ trên các bằng chứng xác thực được thu thập, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã đánh giá 2 công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE, cùng với các công ty con, công ty liên kết là mối đe dọa an ninh quốc gia cho hệ thống thông tin và mạng lưới 5G của Mỹ.
Chủ tịch FCC Ajit Pai cho rằng cả 2 công ty đều có quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc và bộ máy quân sự của Bắc Kinh, hai công ty đều phải hợp tác với lực lượng tình báo của Bắc Kinh theo luật Trung Quốc. Sau khi 2 công ty trên được xếp vào nhóm đe dọa an ninh, các công ty công nghệ Mỹ
không được phép sử dụng Quỹ dịch vụ toàn cầu của FCC để mua hay hỗ trợ bất cứ thiết bị, dịch vụ nào của Huawei và ZTE cung cấp.
Hiện tại, FCC đang nỗ lực hạn chế các thiết bị công nghệ 5G do các công ty Trung Quốc sản xuất, tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ. Ngoài động thái trên, FCC đang trong quá trình thu hồi giấy phép và từ chối cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Mỹ với 3 hãng viễn thông lớn của Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China Unicom.
Các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm đầu tháng 7
Theo trang Trí thức trẻ, trong ngày đầu tiên của tháng 7, một số ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất huy động, đây là lần giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây của các ngân hàng lớn tại Việt Nam. Cụ thể, tại Vietinbank và BIDV, lãi suất giảm từ 0,25 – 0,5 điểm, thấp nhất chỉ còn 3,7%/năm (kỳ hạn 1 tháng) và cao nhất là 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Vietcombank cũng điều chỉnh giảm, thấp nhất là 3,7%/năm và cao nhất là 6,1%/năm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tư nhân cũng có thay đổi trong biểu lãi suất, như tại Techcombank, từ 1/7, với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lãi suất cao nhất là 4,05%/năm, tuy nhiên sang 2/7, Techcombank thông báo thay đổi, lãi suất cao nhất với kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,95%/năm. Techcombank đã thay đổi bảng lãi suất huy động tới 5 lần trong 2 tháng gần đây.
Tại các ngân hàng khác, lãi suất cũng được điều chỉnh theo các ngân hàng lớn, với mức giảm phổ biến từ 0,2-0,3 điểm %, một số nơi giảm trên dưới 0,5 điểm%.
Theo các ngân hàng thương mại, dù Ngân hàng nhà nước không có yêu cầu bắt buộc giảm lãi suất nhưng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, do vậy việc giảm lãi suất huy động là một ưu tiên lựa chọn để tiết giảm chi phí của các ngân hàng.
Công ty Trung Quốc vay 2.8 tỷ USD thế chấp bằng vàng giả
Theo tin từ tờ Caixin đưa tin hôm 29/6, Kingold Jewelry, Inc là công ty tư nhân lớn nhất Hồ Bắc, Trung Quốc vướng phải vụ bê bối làm vàng giả để thế chấp cho các khoản vay lên tới 2.8 tỷ USD trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp này thành lập năm 2002, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vàng và trang sức. Cổ phiếu của Kingold  được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở New York  từ năm 2010.
Kingold đã vay tiền từ hơn 10 tổ chức tài chính của Trung Quốc với số tiền khoảng 2.8 tỷ USD, các khoản vay này được đảm bảo bằng 83 tấn vàng nguyên chất được sản xuất bởi chính công ty. Ngoài ra, các khoản vay của  Kingold còn được bảo hiểm lên tới 4.2 tỷ USD bằng các chính sách bảo hiểm tài sản.
Đến tháng 2/2020, Kingold tuyên bố không thể chi trả được khoản nợ cho Công ty TNHH ủy thác Đông Quan. Theo đó, Đông Quan thực hiện các thủ tục thanh lý tài sản thế chấp của Kingold và đã phát hiện các thỏi vàng thế chấp là hợp kim đồng mạ vàng với giá trị thấp.
Trong tháng 5/2020, một chủ nợ lớn khác của Kingold là Công ty TNHH Minsheng đã nhận được lệnh của tòa án để để kiểm tra tài sản thế chấp trước khi các khoản nợ của Kingold đáo hạn. Kết quả giám định vàng cho thấy các thỏi vàng niêm phong trong kho của Minsheng cũng là hợp kim đồng mạ vàng.
Câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà chức trách Trung Quốc là làm thế nào mà Kingold có thể lừa đảo được hơn 10 Tổ chức tài chính.
Theo hồ sơ công khai cho thấy, từ năm 2013 Kingold đã bắt đầu vay của Quỹ Chang An và sử dụng 1.000 kg vàng làm tài sản đảm bảo cho một dự án bất động sản ở Vũ Hán. Khoản vay này được thanh toán đúng hạn vào năm 2015 và giúp uy tín của công ty này ngày một tăng cao và các tổ chức tín dụng sẽ ít đề phòng rủi ro gian lận khi thẩm định các khoản vay của Kingold.
Cũng theo Caixin, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã thành lập một đội đặc nhiệm để giám sát vụ việc này và Bộ Công An đã mở một cuộc điều tra. Hôm 24/6, sàn giao dịch vàng Thượng Hải  đã hủy bỏ tư cách thành viên của Kingold.
Các hãng Hàng không Việt mở nhiều đường bay mới
Theo VnExpress, nhiều hãng hàng không Việt đã mở thêm nhiều đường bay mới nhằm kích cầu du lịch mùa cao điểm hè 2020.
Cụ thể, hãng Bamboo Airways mở thêm 4 đường bay mới gồm Thanh Hóa-Quy Nhơn với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần; Thanh Hóa-Phú Quốc với tần suất dự kiến 3 chuyến khứ hồi/tuần, giá vé từ 399.000 đồng; Vinh-Quy Nhơn với tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần, giá vé từ 199.000 đồng và đặc biệt trung tuần tháng 7 khai trương thêm đường bay Hà Nội-Côn Đảo. Việc mở thêm 4 đường bay này đã nâng tần suất khai thác lên đạt 70% so với thời điểm trước dịch xảy ra.
Trước đó, trong tháng 6, Vietnam Airlines cũng đưa vào khai thác các chặng bay mới từ Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn… nâng tổng số đường bay nội địa lên 52 chặng.
Vietjet Air cũng cho biết đã khai thác trở lại toàn bộ mạng bay nội địa như trước dịch với 53 đường bay, dự kiến sẽ tăng tải các chuyến bay Hà Nội-Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc trong tháng 7 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) cũng tăng thêm chặng bay TP.HCM-Côn Đảo từ 5 đến 10 chuyến.

Điểm tin thế giới tối 3/7:

Trong 30 ngày, Trung Quốc trải qua 59 trận động đất

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (3/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trong 30 ngày, Trung Quốc trải qua 59 trận động đất
Kể từ ngày 3/6 đến hôm nay (3/7), Trung Quốc đã trải qua liên tiếp 59 vụ động đất lớn nhỏ xảy ra trên các khu vực: Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quý Châu, Giang Tô, Nội Mông, Cam Túc, Tân Cương, Tích Xương, vùng biên giới Kazakhstan – Tân Cương, Kuchar thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương…, theo thống kê của Volcanodiscovery.
Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ tới căn cứ quân sự giáp biên giới Trung Quốc
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến thăm không báo trước tới một căn cứ quân sự ở Ladakh, khu vực giáp biên giới Trung Quốc, nơi binh sĩ hai nước đã đối mặt trong gần hai tháng qua.
Ông Modi cùng với lãnh đạo quân đội Ấn Độ ngồi trong một chiếc lều ngụy trang tại một căn cứ quân sự, bức ảnh chụp lại cảnh này được đăng trên tài khoản Instagram của ông Modi vào hôm nay. Hôm 1/7, ông Modi đã đóng tài khoản riêng trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc), xóa các bài viết và vài bức ảnh chụp ông với ông Tập Cận Bình.
Trung Quốc bổ nhiệm giám đốc phòng an ninh quốc gia ở Hồng Kông
Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Zheng Yanxiong, 57 tuổi, làm giám đốc phòng an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông, Tân Hoa Xã đưa tin hôm 3/7. Ông Zheng gần đây đã nắm chức bí thư đảng ủy tỉnh Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế mạnh giáp với Hồng Kông. Ông Zheng nổi lên sau khi có cách thức mạnh tay đàn áp các cuộc biểu tình ở Quảng Đông (Trung Quốc) trong năm 2011, theo Reuters.
Mỹ tính bắt giữ 4 tàu Iran chở dầu tới Venezuela
Các công tố viên liên bang Hoa Kỳ đang tìm cách bắt giữ 4 tàu chở dầu Iran tới Venezuela mang theo chất đốt, đây là nỗ lực mới nhất nhằm phá vỡ mối quan hệ thương mại ngày càng bị co hẹp giữa hai nước vốn đều chịu các chế tài trừng phạt của Mỹ, theo Aljazeera.
Một đơn khiếu nại tịch thu dân sự (civil-forfeiture) đã được đệ trình vào cuối ngày 2/7 lên Tòa án liên bang quận Columbia, cáo buộc hoạt động giao thương của 4 con tàu này được doanh nhân Mahmoud Madanipour dàn xếp, người này có mối quan hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, một tổ chức mà Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
Malaysia đình chỉ phi công Pakistan
Cơ quan quản lý hàng không Malaysia (CAAM) hôm 2/7 đã đình chỉ các phi công được các hãng hàng không nội địa thuê, những phi công này giữ bằng lái do Pakistan cấp. Quyết định đưa ra sau khi CAAM đánh giá tất cả các phi công nước ngoài ở Malaysia. CAAM nói với Reuters rằng chưa đến 20 phi công Pakistan làm việc ở Malaysia.
Hãng Hàng không quốc gia Malaysia, hãng Malindo Air liên doanh giữa Indonesia – Malaysia, và hãng AirAsia đều tuyên bố không có phi công Pakistan.
Doanh số của General Motors Trung Quốc giảm 5% trong quý II
Doanh số bán xe của General Motors (GM) tại Trung Quốc đã giảm 5,3% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, hiệu quả kém hơn so với mức trung bình ngành trong bối cảnh phục hồi sau khi đại dịch virus corona vốn tác động tới thị trường ô tô lớn nhất thế giới, theo Reuters ngày 7/3.
GM là nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn thứ hai ở Trung Quốc sau Volkswagen AG. Công ty đã giao 731.600 xe trong nước trong quý II, công ty cho biết sau khi báo cáo giảm 43% doanh số trong quý đầu. GM liên doanh với AIC Motor Corp có trụ sở ở Thượng Hải và sản xuất các loại xe Buick, Chevrolet, Cadillac.

Powered by Blogger.