Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 03/07/2020

Friday, July 3, 2020 6:41:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 03/07/2020

Tàu chiến Mỹ áp sát Hải Dương 4 ở Biển Đông, TQ phản ứng ngay

Hải quân Mỹ xác nhận tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords đã áp sát tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông. Truyền thông Bắc Kinh lập tức chỉ trích Washington gây hấn.
USS Gabrielle Giffords áp sát và theo dõi hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 4 trên Biển Đông
USS Gabrielle Giffords cũng là tàu đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ tống của nó khi các tàu này quấy rối tàu khoan dầu khí của Malaysia trên Biển Đông hồi tháng 5.
Thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ngày 2-7 cho biết cuộc chạm trán với tàu Hải Dương 4 xảy ra ngày 1-7, tại một vùng biển thuộc Biển Đông khi USS Gabrielle Giffords đang tiến hành các hoạt động diễn tập.
Một số thông tin trên báo quốc tế nói tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hải quân Mỹ sau đó cho biết tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords đã áp sát tàu khảo sát của Trung Quốc và so kè với nó.
“USS Gabrielle Giffords đang trong giai đoạn triển khai luân phiên tới khu vực. Con tàu sẽ hoạt động trong các vùng biển được phân công cho Hạm đội 7 trong nỗ lực tăng cường các tương tác với các đối tác và phục vụ như một lực lượng sẵn sàng phản ứng”, thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nêu.
USS Gabrielle Giffords thuộc lớp tàu Independence và là tàu chiến đấu ven bờ đầu tiên được trang bị tên lửa chống hạm. Khác với các tàu khu trục, thiết kế của các tàu thuộc lớp Independence cho phép chúng cơ động nhanh nhẹn tại các vùng nước nông trên Biển Đông.
USS Gabrielle Giffords đã liên tục xuất hiện trên Biển Đông kể từ khi được điều tới Singapore năm ngoái và tham gia vào phần lớn các hoạt động đối đầu, giám sát các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Sự “hăng hái” của USS Gabrielle Giffords với tàu Hải Dương 4 và các tàu khác của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh khó chịu.
Truyền thông nhà nước và các học giả Trung Quốc đã chỉ trích tàu chiến Mỹ gây hấn trên Biển Đông, cáo buộc Washington đang áp đặt tiêu chuẩn kép với Bắc Kinh.
Hu Bo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng hải thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), chỉ trích các động thái quân sự của Mỹ trên Biển Đông đang tạo ra “một cuộc cạnh tranh quyền lực” và điều này sẽ đẩy tình hình khu vực vào thế bí.
Trong khi đó, Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (Mỹ), hồi đầu tuần này đã cảnh báo trong một cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các tham vọng trên Biển Đông, nhấn mạnh Trung Quốc “xem Biển Đông như ao nhà của họ”.

Việt Nam và Philippines

chỉ trích Trung Cộng tập trận trên biển Đông

Tin Hà Nội, Việt Nam – Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và Philippines vào thứ Năm, 2 tháng 7, đã chỉ trích việc Trung Cộng tập trận trong khu vực tranh chấp tại biển Đông, nói rằng hành động này sẽ gây căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng đến quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana nói việc Trung Cộng tập trận gần quần đảo Hoàng Sa mang tính khiêu khích cao, trong khi Bộ Ngoại Giao cộng sản Việt Nam gọi đây là sự vi phạm chủ quyền có thể gây bất lợi cho quan hệ giữa Bắc Kinh với Hiệp hội các nước Đông Nam Á Asean.
Theo thông báo từ Cơ quan An toàn hàng hải Hải Nam của Trung Cộng, cuộc tập trận dài 5 ngày của Hải quân nước này bắt đầu từ thứ Tư, gần quần đảo Hoàng Sa, nơi được tuyên bố chủ quyền bởi Hà Nội và Bắc Kinh. Philippines và Việt Nam cho đến nay là những nước phản ứng mạnh mẽ nhất đối với các hoạt động lấn chiếm của Trung Cộng tại biển Đông.
Trong hội nghị Asean vào thứ Sáu trước, Manila và Hà Nội đã khuyến cáo về tình trạng bất ổn ngày căng tăng tại Đông Nam Á, đồng thời cáo buộc Trung Cộng đang lợi dụng đại dịch Covid-19 để gia tăng hoạt động Hải quân và củng cố tuyên bố chủ quyền của quốc gia này.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Lorenzana nói, dù Philippines không có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, nhưng việc Trung Cộng tập trận ở bên ngoài vùng lãnh hải nước này là không thể chấp nhận. Bộ Ngoại Giao cộng sản Việt Nam đã gởi thư ngoại giao đến Trung Cộng để phản đối cuộc tập trận, gọi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. (Ngô Bảo)

Bộ Quốc phòng Mỹ

lên án Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Minh Hòa
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/7 đưa ra tuyên bố chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho rằng diễn biến này sẽ khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Trong bản tuyên bố đăng trên website của mình, Lầu Năm Góc tuyên bố: “Bộ Quốc phòng lo ngại về quyết định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông từ ngày 1-5/7”.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: “Việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng đối với nỗ lực làm giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định. Các hành động của Trung Quốc sẽ làm mất ổn định hơn nữa tình hình ở Biển Đông”.
“Các cuộc tập trận như vậy cũng vi phạm các cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm tránh các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”
Tuyên bố cũng cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, không thực hiện các hoạt động quân sự có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp ở Biển Đông.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Các cuộc tập trận này là động thái mới nhất trong chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm đòi hỏi những yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Giới chuyên gia nhận định rằng cuộc tập trận hiện nay của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa bao gồm các bài tập “chiếm đảo” và đó là một thông điệp tới các bên tranh chấp ở Biển Đông rằng “Trung Quốc có thể đến và đuổi họ ra khỏi các hòn đảo của họ”.
Hải quân Hoa Kỳ đang kiềm chế những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua việc triển khai cùng lúc 3 nhóm tác chiến tàu sân Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đảo ngược chính sách mềm yếu của người tiền nhiệm Obama về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng rất khó để ông Trump đảo ngược tình hình khi Trung Quốc đã chiếm được phần lớn các hòn đảo quan trọng trong khu vực Biển Đông, triển khai các tiền đồn quân sự và trang bị vũ khí trên những hòn đảo này trong thời gian nhiệm kỳ của ông Obama.
“Khi những hòn đảo đó đã bị biến thành các căn cứ quân sự, còn làm gì được chúng nữa?”, theo Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của trường SOAS (SOAS China Institute) thuộc Đại học London.
Ngược lại, Tổng thống Trump thể hiện rõ quyết tâm đảo ngược chính sách của ông Obama trong nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Cuối tháng 5, chính quyền Trump công bố một bản chiến lược dài 16 trang, trong đó thể hiện rõ Washington coi Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù số 1. Lập trường chống Bắc Kinh của ông Trump dự kiến sẽ nhận được hỗ trợ từ Nghị viện Hoa Kỳ thông qua dự luật quốc phòng đang được xem xét, trong đó có nhiều điều khoản trực tiếp nhắm vào mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục cho Hải Dương Địa Chất 4

 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Tâm Tuệ
Một tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc lại xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, động thái này được cho là có thể gây thêm căng thẳng trên vùng Biển Đông khu vực đang tranh chấp.
Theo truyền thông quốc tế, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Shiyou) 4 của Trung Quốc sau vài ngày hoạt động gần Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên, hôm 1/7 đã di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu này vận hành với tốc độ 1,5 hải lý/giờ tại vị trí cách Đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 192 hải lý.
Trước đó, hãng tin Mỹ BenarNews cho biết hôm 17/6, theo các dữ liệu định vị, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ Chủ nhật 14/06/2020 và đến hôm qua, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý.
Hiện giờ chưa rõ tàu Hải Dương 4 được điều đến đây nhằm mục đích gì. Bắc Kinh chưa có thông báo.
Tháng 7/2019, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, với sự hộ tống của các tàu hải cảnh, vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Trong những tuần qua, quan hệ Việt – Trung lại nóng lên do tình hình Biển Đông. Vào tuần trước, Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc lắp đặt cáp ngầm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo các chuyên gia được BenarNews trích dẫn, hệ thống cáp được dùng vào mục đích quân sự.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.