Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 04/09/2019

Wednesday, September 4, 2019 // ,
Tin Việt Nam – 04/09/2019

VN: Con số hàng triệu đô tiền tham nhũng

đã đạt tầm quốc tế

Hồi năm 2014, cơ quan điều tra Trung Quốc cho biết họ tịch thu được khoản tiền tương đương 33 triệu USD trong nhà một quan chức.
Ông Nguỵ Bằng Viễn chỉ là phó giám đốc một đơn vị chuyên về than trong Cục Năng lượng Quốc gia.
Khi đếm khoản tiền hàng trăm triệu nhân dân tệ thu từ nhà riêng ông Ngụy, bốn trong số 16 máy đếm đã bị vỡ vì quá tải, báo Trung Quốc cho hay.
Đó là một ông quan chức họ Ngụy ở Trung Quốc, còn các quan chức họ Nguyễn và những họ khác tại Việt Nam cũng không chịu kém.
Tăng nhanh, tính bằng triệu đô
Cũng từ khoảng 2013 đến nay, các khoản tiền ‘lại quả’, thất thoát và bị quan chức chiếm đoạt làm của riêng ở Việt Nam đã tăng nhanh, tính bằng triệu USD.
Theo các báo Việt Nam, đây là những con số cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc cáo trạng tại tòa nêu ra:
Vụ Trịnh Xuân Thanh, trong vụ PCV: gây thiệt hại 119 tỷ VND, bằng 4,5 triệu USD, tham ô 4 tỷ VND (theo Viện Kiểm sát 01/2018)
Vụ tướng Phan Văn Vĩnh: bị cáo nhận đồng hồ Rolex 7000 USD 27 tỷ VND bằng khoảng trên 1 triệu USD khi đó; tướng Nguyễn Thanh Hóa nhận 22 tỷ VND, từ Nguyễn Văn Dương (2018) trong vụ đường dây đánh bạc.
Vụ Trần Bắc Hà: Nghi phạm (nay đã chết) bị cho là liên quan đến các vị Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm trong vụ gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng (300 triệu USD) tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Vụ Mobifone-AVG với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đẩy số tiền lên một kỷ lục của Việt Nam về khoản tiền bỏ túi cá nhân.
Hai cựu bộ trưởng khai đã nhận tổng cộng là 3,2 triệu đôla hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, theo truyền thông Việt Nam.
Con số ‘thất thoát’ tài sản nhà nước trong vụ việc được cho là ‘hàng nghìn tỷ VND, bằng hàng trăm triệu USD.
Vì giới chức Việt Nam chưa xác định rõ số tiền là bao nhiêu nên khó biết một vụ việc này đã ‘qua mặt’ các scandal tham nhũng trong vùng hay chưa.
Tham nhũng ở Đông Nam Á
Ở riêng Đông Nam Á, công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh ở mọi quốc gia, và ngày càng không kiêng nể các quan chức cao nhất.
Gần đây, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ra tòa một lần nữa vì cáo buộc lừa đảo liên quan đến một quỹ của chính phủ.
Công tố viên nói ông Najib đã nhận và che đậy việc chuyển nhượng bất hợp pháp ít nhất 550 triệu USD.
Tại Indonesia hồi 2017, chủ tịch Quốc hội Setya Novanto bỏ trốn vì bị điều tra trong vụ scandal với con số cũng rất khủng khiếp, 170 triệu USD.
Tuy thế, đây không phải là tiền ông bỏ túi mà là tiền gây thất thoát cho ngân quỹ trong dự án đặt hàng thẻ căn cước thông minh.
Đôi khi, để truy tìm tiền tham nhũng, người ta cần ra nước ngoài, nơi các quan chức lập quỹ đầu tư để chuyển ngân.
Hồi 2018, báo chí châu Á nói ông Vibol Kong, quan chức Cục Thuế Campuchia bị điều tra tại Úc vì quỹ đầu tư ông đồng sáng lập bị cáo buộc rửa tiền, 15 triệu USD.
Vụ việc trước đó bị lộ ra vì ông Kong kiện đối tác ‘dùng sai trái’ khoản 1 triệu USD ông chuyển cho.
Người ta đặt câu hỏi vì sao một quan chức lương tháng chỉ 1000 USD có thể chuyển ra nước ngoài hàng triệu USD?
3,6 nghìn tỷ trên toàn cầu
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (2018), hàng năm, số tiền tham nhũng trên thế giới ở dạng hối lộ, tiền đánh cắp từ công quỹ lên tới 3,6 nghìn tỷ USD.
Việt Nam đang ‘góp lửa’ vào danh sách này với mức tăng có vẻ đều đặn.
Hồi 2017, Việt Nam có mặt trong số 5 nước bị dư luận chính các nước đó cho là ‘tham nhũng nhất’ theo tổ chức Minh bạch Quốc tế:
1. Ấn Độ: tỷ lệ hối lộ 69%
2. Việt Nam: tỷ lệ hối lộ 65%
3. Thái Lan: 41%
4. Pakistan: 40%
5: Myanmar: 40%
Phần về Việt Nam trong báo cáo nói người dân nước này coi tham nhũng là đại dịch.
Trong số 16 quốc gia được phỏng vấn năm 2017 thì dân Việt Nam và Malaysia bi quan nhất về tình hình chống tham nhũng ở nước họ, với 60% cho rằng chính phủ không hiệu quả trong hoạt động này.
Kể từ đó đến nay, phong trào Đốt lò của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm lộ ra thêm nhiều vụ tham nhũng ở cấp cao.
Nhưng các con số khủng lồ lại khiến dư luận nghi ngờ khả năng giảm đi nạn tham nhũng trong về cơ chế độc quyền và quan chức o bế nhóm lợi ích.
Đầu năm 2019, Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công.
Năm nay, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu.
Xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.

Hối lộ 6,2 triệu đô,

Phạm Nhật Vũ được đề nghị “tình tiết giảm nhẹ”

Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị AVG, vừa được đề nghị áp dụng “chính sách đặc biệt” sau khi bị phát hiện hối lộ 6,2 triệu đôla cho các lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông và Mobifone.
Hôm 2/9, báo chí tiết lộ hai cựu bộ trưởng bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã khai nhận hơn ba triệu đôla từ ông Phạm Nhật Vũ để tiến hành thương vụ Mobifone mua AVG.
Chưa hết, ông Vũ còn hối lộ ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone 2,5 triệu đôla.
Thương vụ diễn ra vào cuối 2015-đầu 2016, khi Mobifone mua 95% cổ phần AVG với giá 8.890 tỷ, được xác định là gây thiệt hại khoảng 7000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Lý do cho việc áp dụng chính sách đặc biệt, là trong quá trình điều tra, ông Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.
“Bị can Vũ đã chủ động huỷ bỏ thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ số tiền đã nhận từ Mobifone tính cả lãi và chi phí dự án góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước. Gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, ngoài ra bị can Vũ cũng có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội chất độc da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội…
Hành vi của ông Vũ đã phạm vào tội “Đưa hối lộ” quy định tại Khoản 4, Điều 364 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Tức hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Ông Phạm Nhật Vũ là em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Công an CSVN giải thích nguyên nhân

trả 400 tội phạm cho Trung Cộng

Tin Vietnam.-  Báo Vietnamnet ngày 4 tháng 9 năm 2019 loan tin, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng bộ công an CSVN đã giải thích nguyên nhân của việc chuyển 384 người Trung Cộng về nước, sau khi nhóm người này bị phát hiện tổ chức đánh bạc qua mạng tại thành phố Hải Phòng.
Theo ông Vương, những người Trung Cộng này cai quản hơn 100 website, và 99 trang người chơi đánh bạc, xổ số cá cược thể thao với giao diện tiếng Trung Cộng. Các máy chủ được đặt tại Mỹ, Hong Kong, Đài Loan, và Trung Cộng. Nhưng những nghi can này thực hiện điều hành tại khu đô thị Our City ở Hải Phòng. Trong qúa trình điều tra sự việc, công an CSVN và công an Trung Cộng đã phối hợp với nhau.
Ông Vương cho rằng, những đối tượng này đều liên quan đến cả Việt Nam và Trung Cộng. Trong vụ án trên, chỉ có phía Trung Cộng thiệt hại, chứ Việt Nam không bị gì. Nguyên nhân việc công an Việt Nam phải giao lại các tội phạm trên cho Trung Cộng, là do giữa hai nhà cầm quyền cộng sản “anh em” đã ký thoả thuận về hợp tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, số lượng các đối tượng trong vụ án lên đến 395 người, khiến nhà cầm quyền không biết lấy đâu ra người phiên dịch để khai thác các nghi can.
Ông Vương còn tiết lộ thêm, nhiều năm trở lại đây, để điều tra các nghi can phạm tội về kinh tế, hình sự, ma tuý… công an cộng sản Việt Nam đều phải phối hợp với công an Trung Cộng.
Sự lệ thuộc của chế độ CSVN vào Trung Cộng từ lâu đã ở mức toàn diện, từ chính trị, kinh tế, tài chính, đến an ninh, tình báo, quốc phòng. Nhiều nhà hoạt động trong và ngoài nước đã nhận định: để có thể thoát Trung, phương án hữu hiệu nhất là phải giải thể chế độ độc tài toàn trị CSVN.
An Nhiên

Cựu chủ tịch Đà Nẵng tàng trữ 5 khẩu súng,

18 viên đạn trong nhà

Tin Vietnam.- Báo Tuổi Trẻ ngày 4 tháng 9 năm 2019 loan tin, trong quá trình điều tra vụ án chủ tịch Đà Nẵng bán đất công cho Vũ Nhôm, cơ quan công an đã phát hiện, thu giữ trong nhà ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố 5 khẩu súng và 18 viên đạn.
Vào ngày 18 tháng 4 năm 2018, trong lúc khám nhà ông Minh, số vũ khí trên đã được thu giữ cùng với 3 giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Thế nhưng, phía công an giải thích lập lờ, khó hiểu: có 3 khẩu súng và 18 viên đạn chỉ là “công cụ hỗ trợ”. Đối với 2 khẩu súng còn lại, công an giải thích rằng chúng chỉ là “đồ chơi”, nhưng mà nguy hiểm nên bị cấm (!?)
Đây là những nhóm từ được xem là khái niệm mới do CSVN đưa ra, tương tự như gọi  tàu Trung Cộng là “tàu lạ”, hay trạm “thu giá”. Và mặc dù chỉ là “đồ chơi”, và “công cụ hỗ trợ”, nhưng tất cả các vũ khí trên đều bị công an thu giữ, giải quyết theo luật pháp.
Trong vụ án Vũ nhôm, ông Minh được xác định là người chủ mưu, chỉ huy. Ngoài ông Minh thì còn có ông Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng là hai người tạo điều kiện cho Vũ Nhôm mua đất, gây thất thoát gần 20,000 tỷ đồng của nhà nước.
An Nhiên

Phát hiện 10 trường hợp

vi phạm kê khai tài sản từ đầu 2019

Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết chỉ phát hiện 10 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản từ đầu năm 2019 đến nay. Trong đó đã xử lý 8 trường hợp bằng hình thức kỷ luật và có 3 trường hợp nộp lại quà Tết được tặng trị giá 103 triệu đồng.
Đó là số liệu do ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ công bố tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhằm trình bày dự thảo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 tổ chức tại Hà Nội hôm 4/9. Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho biết năm nay, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trên cả nước là hơn 1,08 triệu người, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai.
Ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh Chính phủ đã chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định về tặng quà tết, nộp lại quà tặng; đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.
Ba trường hợp cán bộ nộp lại quà Tết gồm ở Trà Vinh một trường hợp được tặng 3 triệu đồng, ở Thái Bình hai trường hợp được tặng tổng cộng 100 triệu đồng.
Nghị định số 59/2019 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hôm 1/7 vừa qua được xem là một trong những biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
Theo nghị định này, những người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc cần giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý.
Trong trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ quan, tổ chức, đơn vị và nộp lại quà tặng trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi được nhận quà.

Hai cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

bị đề nghị truy tố vì liên quan Vũ ‘nhôm”

Tin từ trong nước cho biết Cơ Quan Cảnh sát Điều Tra, Bộ Công an Việt Nam vào ngày 4 tháng 9 cho biết vừa hoàn tất bản kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Việt Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ án ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí’ và ‘vi phạm các qui định về quản lý đất đai’ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tự ‘Vũ Nhôm’ xảy ra tại thành phố Đà Nẵng.
Số bị can trong vụ án vừa nêu bị cho có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở 21 bất động sản và công sản được Phan Văn Anh Vũ cấu kết để mua với giá rẻ và bảy dự án bất động sản với giá trị quyền sử dụng đất hằng chục ngàn tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra thì hai ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến trong cương vị chủ tịch UBND thành phố, được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn thành phố nhưng có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Cả hai ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đậ, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, và chuyển nhượng nhà đất, công sản cho Phan Văn Anh Vũ trài qui định của pháp luật; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, cho phép chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái qui định.
Kết luận điều tra khẳng định số tiền các bị can trong vụ án nói trên gây thất thoát của Nhà nước hơn 20.000 tỉ đồng. Mặc dù, bị can Phan Văn Anh Vũ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cơ quan điều tra có đủ căn cứ để cáo buộc.
Liên quan đến dự án Đa Phước tại Đà Nẵng, cũng trong cuộc họp ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết Thanh tra Chính phủ đã kết thúc điều tra và có kết luận về 181 ha đất trong dự án Đa Phước ở Đà Nẵng, chuẩn bị thời gian tới đưa ra xét xử.
Ông Vương cho biết điều này tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp khi Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Sơn đặt câu hỏi về dự án đa phước và Phan Văn Anh Vũ. Ông Sơn đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm giải quyết dự án Đa Phước để tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước nằm trong tổng thể Dự án “Vầng trăng khuyết” do Công ty Daewon thực hiện với tổng diện tích 210ha dưới hình thức lấn biển Đà Nẵng.
Trong đó, phần diện tích 29ha được Daewon giao lại cho TP Đà Nẵng thành lập Công ty liên doanh phát triển nhà Đa Phước để thực hiện theo dự án nhà ở và biệt thự biển Thanh Bình.
Phần diện tích còn lại là Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước rộng 181ha do Công ty TNHH Daewon Cantavil làm chủ đầu tư.
Từ năm 2007 đến năm 2011, Daewon Cantavil đã đầu tư gần 40 triệu USD để lấn biển giai đoạn 1 với diện tích hơn 110ha, trong đó giao cho thành phố 29ha và sau đó lại giao tiếp (miễn phí) 25ha theo yêu cầu của Đà Nẵng để làm Trung tâm Văn hóa thể thao.
Tuy nhiên, đến năm 2016, Daewon quyết định bỏ cuộc, chuyển nhượng dự án lại cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79 có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ.
Tháng 12/2017, tại TP Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, TP Đà Nẵng.
Cũng tin liên quan, trong quá trình điều tra vụ án bán đất công sản cho Vũ Nhôm gây thất thoát tài sản nhà nước, xảy ra tại Đà Nẵng, Cơ quan Công an cho biết thu giữ dược 5 khẩu sung khi khám xét nơi ở của cựu chủ tịch Trần Văn Minh.

Hơn 7.000 vụ tấn công mạng vào website của Việt Nam

Các websites của Việt Nam bị tấn công mạng hơn 7.000 lần kể từ đầu năm 2019 và Việt Nam nằm trong số các quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á bị phát tán trang web lừa đảo trong 6 tháng đầu năm.
Truyền thông trong nước, vào ngày 4 tháng 9 cho biết thông tin vừa nêu được công bố tại Chương trình diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin theo Vùng khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2019, diễn ra trong cùng ngày.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), đơn vị tổ chức chương trình này đưa ra số liệu thống kê cho thấy trong số hơn 7.000 vụ tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam, có hơn  4.200 vụ tấn công thay đổi giao diện (deface) và 2.500 vụ tấn công lừa đảo (phishing). VNCERT cho rằng tình trạng tấn công mạng tại Việt Nam đang có xu thế gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt liên quan tấn công về thay đổi giao diện và lừa đảo.
Theo ghi nhận của Kaspersky, 3 quốc gia bao gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia bị phát tán trang web lừa đảo đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm 2019 với tổng cộng hơn 11 triệu lượt tấn công. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nạn nhân thấp hơn trong khu vực do bị ảnh hưởng bởi tấn công giả mạo, chiếm 11,7%.
Tổng giám đốc Kaspersky, ông Yeo Siang Tiong cho biết các trang web lừa đảo được tin tặc khai thác thông tin của người dùng như mật khẩu ngân hàng, số thẻ tín dụng, lừa đảo giao dịch… Tổng giám đốc Kaspersky còn nhấn mạnh rằng phương thức tấn công của tin tặc đang hoạt động mạnh ở Đông Nam Á và không có dấu hiệu giảm.

Bộ Tài nguyên-Môi trường báo cáo Thủ tướng

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng về vụ cháy nổ tại Công ty Rạng Đông.
Tại cuộc họp vào ngày 4 tháng 9 với các bộ, ngành cùng các nhà khoa học về sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm và nguyên vật liệu hóa chất tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng từ vụ cháy có nguy cơ ở mức độ trung bình và các cơ quan chức năng của Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát được vấn đề này.
Tuy vậy, ông Trần Hồng Hà vẫn đề nghị Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cần cô lập những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối với môi trường và người dân xung quanh nhà máy; tro xỉ, vật liệu tàn dư từ đám cháy cần thu gom vào các container để các cơ quan có đủ năng lực xử lý theo đúng tiêu chuẩn.
Nhằm tránh có những thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận, Bộ trưởng Hà đề nghị UBND thành phố Hà Nội đưa ra những thông tin minh bạch, khoa học tới người dân.
Ngoài ra ông cũng đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mời các chuyên gia Nhật Bản, đánh giá và quản lý môi trường sau sự cố cháy nổ.
Để tránh những trường hợp được cho là đáng tiếc như vụ cháy công ty Rạng Đông, ông Hà đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát, đưa ra các quy định, chính sách quản lý các cơ sở công nghiệp có liên quan đến hóa chất trong các khu đô thị…
Vào ngày 28/8/2019, đã xảy ra sự cố cháy nổ tại kho chứa sản phẩm, nguyên liệu vật tư, hóa chất của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Dư luận lo ngại, các nguồn, chất gây ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact…

Giáo sư Vũ Tường: CSVN nên từ bỏ

chính sách “bốn không” để bảo vệ chủ quyền

Tin từ Oregon, ngày 04/9/2019: Theo giáo sư Vũ Tường từ Đại học Oregon (Hoa Kỳ), chế độ CSVN nên từ bỏ chính sách ngoại giao “bốn không” để có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông trước sự bành trướng của Trung Cộng.
Vị giáo sư về khoa học chính trị nói ngoài chính sách “ba không” mà Hà Nội thường nói là “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ
nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước” thì Việt Nam còn áp dụng chính sách “không kiện Trung Cộng ra toà án quốc tế.”
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông cho rằng việc Hà Nội thực hiện chính sách “bốn không” mâu thuẫn, và làm giảm hiệu lực của các biện pháp khác trong đối phó với sự xâm lấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chính sách này cũng cản trở việc thực hiện những cải cách kinh tế-chính trị sâu rộng để tạo sự phát triển bền vững cho Việt Nam.
Ông nói rằng việc từ bỏ các chính sách này sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng tự vệ thông qua liên minh quân sự, quan hệ mậu dịch, hay cải tổ chính trị. Dân chủ hoá sẽ tăng tính chính danh của chế độ đối với trong nước và thế giới, giúp Việt Nam thêm sức mạnh, bạn bè.
Nói về sự gây hấn của Trung Cộng ở Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7, ông cho rằng nó không mới và chỉ là tiếp diễn xu thế chính sách của Trung Quốc từ trước năm 2005 nhằm tăng cường các tuyên bố và biện pháp cưỡng chế thể hiện chủ quyền của mình ở Biển Đông của Việt nam.
Giáo sư Tường Vũ tin rằng căng thẳng ở biển Đông sẽ tiếp diễn và gia tăng, nhưng không dẫn đến chiến tranh cho đến khi Trung Cộng kiểm soát hoàn toàn. Chế độ cộng sảnViệt Nam không muốn có chiến tranh với Trung Cộng vì sợ mất quyền lực độc tôn của mình.
Ông cũng cho rằng chiến tranh Mỹ-Trung cũng khó xảy vì Trung Cộng có thể đạt được mục tiêu bá chủ phần lớn khu vực Biển Đông mà không chạm đến lợi ích cốt lõi về tự do hàng hải của Mỹ.
Ông kết luận rằng quan hệ gần gũi với Trung Quốc không mang lại lợi ích gì choViệt Nam, trong khi làm tăng nợ công, ô nhiễm môi trường, và tham nhũng. Vấn đề là Hà Nội thiếu lãnh đạo có tinh thần dân tộc, tầm nhìn xa, và khả năng tạo ra thay đổi bước ngoặc.
Quốc Tuấn

Thủ tướng Việt Nam lên tiếng

về ‘vi phạm chủ quyền’ trên Biển Đông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/9 nói Việt Nam đã “đấu tranh bằng mọi biện pháp” để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động “bất hợp pháp” trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra thông tin trên trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội hôm 4/9, theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam có phát ngôn liên quan đến tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói là vi phạm vùng biển của mình từ ngày 3/7.
Ông Phúc không nhắc tới Trung Quốc hay một sự việc cụ thể nào nhưng nói rằng: “Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta.”
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã 3 lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc “vi phạm” quyền chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vài lần phản bác những cáo buộc của Hà Nội và cho rằng tài Hải Dương 8 của họ luôn hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ Bãi Tư Chính khi Thủ tướng Phúc cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu lên “quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông” trong một cuộc họp báo chung sau khi gặp mặt nhau tại Hà Nội hôm 23/8.
Trước đó vài tuần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng” về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương 8 trong một cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok hôm 1/8.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chưa lần nào lên tiếng trước công chúng về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai tháng qua trên Biển Đông.
Tại cuộc họp hôm 4/9, Thủ tướng Phúc còn được truyền thông trong nước trích lời nói rằng: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mặc dù có những diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ.”
Vào thời điểm này, theo Giáo sư Carl Thayer nhận định với VOA hồi tuần trước, cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là “kháng cự âm thầm” trong khi “kiểm soát truyền thông” và Việt Nam đã “tận dụng tất cả các kênh từ Đảng, lãnh đạo và quân đội” để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc nhằm khiến Trung Quốc phải rút đi.
Các chuyên gia nước ngoài và người dân Việt Nam trong 2 tháng qua đã kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam về lâu dài như Philippines làm và đã thắng tại vụ kiện ở tòa La Haye cách đây hơn 3 năm.

Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế:

Vì sao Việt Nam do dự?

Tòa án quốc tế thiếu cơ chế thực thi phán quyết và phản ứng trả đũa mạnh mẽ của Trung Quốc là những lý do Việt Nam nên cân nhắc kỹ nếu muốn đưa hành động Trung Quốc xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra tòa quốc tế, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định với VOA.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông đã kéo dài gần hai tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong lúc ngày càng có nhiều lời kêu gọi Hà Nội nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội chiến thắng Trung Quốc ở tòa án nếu chiếu theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) cũng giống như Philippines đã làm hồi năm 2016 với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
‘Không thực thi được’
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer nhận định rằng nếu như Việt Nam cũng làm như Philippines là đưa vụ việc ra tòa trọng tài trong khuôn khổ Phụ lục 7 của UNCLOS thì Việt Nam ‘sẽ có chiến thắng vang dội’.
“Mỹ, Australia, Nhật toàn bộ sẽ ủng hộ phán quyết (cho Việt Nam thắng) nhưng Trung Quốc sẽ từ chối tuân thủ,” ông nói.
Theo ông phân tích, Việt Nam sẽ chiến thắng nếu làm như Philippines là yêu cầu tòa phân định đâu là quyền của Việt Nam trên Biển Đông, họ có được quyền khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình không, và trưng ra bằng chứng là Trung Quốc đã xâm phạm vào quyền này.
Ông nói những bằng chứng này cho thấy Trung Quốc đang ‘đứng trên luật pháp quốc tế’ và rõ ràng là Bắc Kinh tự diễn giải luật quốc tế theo ý mình
Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm của Philippines, ông Thayer nêu ra hạn chế của phán quyết của PCA là ‘không có cơ chế thực thi’.
“Nếu anh nhìn trên khắp khu vực, không có ai đề cập đến phán quyết này (kể cả Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte). Trong ASEAN, họ gọi đó là quá trình ngoại giao và pháp lý,” ông cho biết.
“Ngay cả tuyên bố chung của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây cũng nói rằng cần tôn trọng tiến trình pháp lý nhưng lại không đề cập trực tiếp đến tòa trọng tài sau ba năm họ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines,” ông nói thêm.
Mặc dù một chiến thắng pháp lý như vậy sẽ ‘làm tổn thương uy tín của Trung Quốc’ và khiến cho Mỹ và các nước khác như Anh, Pháp, Nhật, Australia mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, nhưng vào thời điểm này ‘không có dấu hiệu gì cho thấy ít nhất những quốc gia này sẽ hỗ trợ bằng cách gây áp lực đủ đối với Trung Quốc để họ chấp nhận phán quyết’, theo ông Thayer.
Ông chỉ ra là bản thân của Mỹ còn chưa ký vào UNCLOS nên họ không có tư cách pháp lý để được tham dự phiên xử ở The Hague, Hà Lan.
“Do đó cần phải có câu trả lời đạo lý và câu trả lời thực tiễn,” ông Thayer nói.
Trả lời câu hỏi Bắc Kinh sẽ trừng phạt Hà Nội như thế nào nếu Hà Nội kiện họ ra tòa, vị giáo sư này nói rằng ‘chắc chắn sẽ có hậu quả’.
“Việt Nam có thể giành chiến thắng về đạo lý nhưng Trung Quốc sẽ trừng phạt Việt Nam trong suốt khoảng thời gian diễn ra quy trình xét xử của tòa trọng tài,” ông nói.
“Liệu việc chiến thắng ở tòa có đáng để chịu cái giá mà Việt Nam phải trả hay không bởi gì sẽ không có gì thay đổi trên thực địa cả (do không có cơ chế thực thi)?” ông đặt vấn đề. “Cho nên (các lãnh đạo Việt Nam) cần phải tính toán lợi ích quốc gia: chúng ta sẽ được gì nếu có hành động pháp lý, chiến thắng đạo lý hay chiến thắng chính trị nhưng với cái giá như thế nào?”
Vào thời điểm này, ông Thayer cho biết cách xử lý của giới lãnh đạo Việt Nam là ‘kháng cự âm thầm’ trong khi ‘kiểm soát truyền thông’ và Việt Nam đã ‘tận dụng tất cả các kênh từ đảng, lãnh đạo và quân đội’ để nói chuyện với phía tương nhiệm Trung Quốc để khiến Trung Quốc phải rút đi.
Việt Nam có thể làm gì?
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Việt Nam đang có trong tay những lựa chọn nào để đối phó với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, ông Thayer cho rằng trước hết Việt Nam ‘phải tiếp tục phản đối Trung Quốc’ bởi vì nếu Việt Nam có đưa vụ việc ra tòa thì điều đầu tiên họ phải chứng minh với ban trọng tài là họ đã tìm mọi cách nói chuyện với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút đi trên thực địa nhưng tất cả đều không có tác dụng.
Hà Nội cũng phải tranh thủ các ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ vốn đang xem xét các dự luật trừng phạt các thực thể Trung Quốc vì hành động của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông nói thêm.
“Hiện dự luật này đang gặp khó khăn được thông qua trong phạm vị hẹp của ủy ban đối ngoại cho nên các nhà ngoại giao (của các nước bị ảnh hưởng trên Biển Đông) cần phải trình bày trước ủy ban về những gì đang xảy ra ở vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam,” ông giải thích.
“Và các phái đoàn của Việt Nam ở cấp đủ cao đến Mỹ cần phải gặp các thành viên của ủy ban đó để thông báo cho họ tình hình,” ông nói thêm và cho rằng chuyến thăm dự kiến vào tháng 10 của Tổng bí thư-Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ ‘là cơ hội tốt’.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tăng cường các cuộc diễn tập quân sự ‘với mục đích huấn luyện’ ở những vùng biển mà Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường hoạt động và tăng cường sự hiện diện, ông Thayer khuyến nghị.
Cuối cùng, Hà Nội nên tìm cách tận dụng truyền thông quốc tế để đưa tin về vụ việc Bãi Tư Chính như nước này đã từng làm trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014, ông nói thêm.
“Việt Nam có thể đưa các phóng viên quốc tế lên tàu cảnh sát biển, lên máy bay để họ ghi hình lại những gì Trung Quốc đang làm theo thời gian thực cho thế giới thấy,” ông nói. “Và những hoạt động này nên được duy trì liên tục để gây sức ép lên Trung Quốc.”
Ông cũng đề xuất là Việt Nam nên phối hợp với Malaysia vốn mới đây cũng bị Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò trong vùng biển của họ.
“Malaysia luôn xử lý mọi việc (với Trung Quốc) rất, rất âm thầm… Chúng ta sẽ chờ xem liệu việc hãng Petronas bị Trung Quốc thách thức ngoài khơi bờ biển Surawak có dẫn đến mặt trận chung giữa Malaysia và Việt Nam mà nếu có sẽ trở thành một nhóm vận động hùng mạnh hơn để lôi kéo cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc,” ông nói và nhắc đến chuyến công du Hà Nội mới đây của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Theo lời ông Thayer thì nếu Hà Nội quốc tế hóa vấn đề sẽ ‘đi ngược lại điều Trung Quốc muốn’.
“Trung Quốc muốn đẩy tất cả các nước bên ngoài ra để họ có thể tự mình đối phó với các nước đông nam Á,’ ông giải thích và cho rằng nếu Việt Nam có thể tập trận với các nước Mỹ, Nhật, Pháp, Úc hết lần này đến lần khác thì Trung Quốc ‘sẽ thấy rằng con đường mà họ đang đi có tác dụng ngược’.
“Mỹ hay Úc không có lợi ích gì để làm tất cả mọi thứ giúp Việt Nam. Việt Nam trước hết phải đề ra là họ sẽ cho phép sự hiện diện quân sự nước ngoài tạm thời như thế nào để diễn tập quân sự và để đánh đi tín hiệu rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền,” ông nói.
Ông Thayer cũng cho rằng chuyến thăm sắp tới của ông Trọng đến Mỹ là cơ hội đến hai nước ‘mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện’ để hướng đến nâng cấp lên thành ‘đối tác chiến lược’.
Ông nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam cho phép hàng không mẫu hạm hạt nhân của Mỹ cập cảng Việt Nam hàng năm và vấn đề này ‘đang được thảo luận’.
“Việt Nam rất cẩn trọng thăm dò xem Trung Quốc có thể phản ứng như thế nào,” ông nói.
Bên cạnh đó, theo Carl Thayer, uy tín của Việt Nam đối với Mỹ cũng tăng lên với việc Hà Nội phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân, thực thi các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai ở Hà Nội vào tháng 2 năm nay – tất cả những điều này đều quan trọng đối với Mỹ. Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là Việt Nam hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an và sắp đảm nhận ghế chủ tịch ASEAN vào năm sau. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, Việt Nam ‘vẫn còn dè dặt trong việc nâng cấp hợp tác quân sự với Mỹ’.

Đấu đá giữa viên chức cao cấp

của chế độ CSVN tiếp tục gia tăng

Tin từ Hà Nội, ngày 04/9/2019: Theo Facebooker Thuan Van Bui, cuộc đấu đá ngầm giữa các viên chức cao cấp của đảng cộng sản cầm quyền tiếp tục gia tăng trước đại hội toàn quốc lần thứ 13 dự kiến được tổ chức vào năm 2021.
Ông Thuận đưa tin rằng lan truyền một bản tố cáo ông Đặng Văn Thành của ông Trầm Bê, người từng là một đại gia giàu có. Ông Thành, nguyên chủ tịch ngân hàng Sacombank với số tài sản hàng chục triệu USD, là sân sau của thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc. Vụ tố cáo này là đòn đánh của các đối thủ nhằm vào ông Phúc, một ứng cử viên nặng ký cho chức tổng bí thư đảng trong kỳ đại hội tới.
Tập đoàn Hoa Lâm, được cho là sân sau của ông Phúc và bí thư Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân, cũng đang bị nhóm cựu quan chức địa phương Lê Hoàng Quân-Nguyễn Tất Cang-Lê Thanh Hải phanh phui nhiều sai phạm.
Bộ trưởng công an Tô Lâm, ứng cử viên cho một trong bốn vị trí cao cấp nhất của chế độ, cũng đang bị tấn công khi những đối thủ tung tài liệu mật tố cáo ông này nhận hối lộ khoảng 1,000 tỷ đồng trong vụ Công ty truyền thông MobiFone mua Công ty cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số AVG. Ông Lâm đã ký một văn bản yêu cầu giữ bí mật vụ mua bán này. Ông Thuận cho rằng ông Lâm không bị oan và có thể còn dính nhiều vụ bẩn thỉu khác nếu minh bạch thông tin.
Ông Lâm còn bị cho là đưa nhiều người từ quê Hưng Yên vào giữ vị trí cao trong Bộ Công an thay thế những người từ tỉnh Ninh Bình được bổ nhiệm bởi tiền nhiệm Trần Đại Quang.
Trưởng ban tổ chức trung ương đảng Phạm Minh Chính bị tố cáo có nhiều phi vụ làm ăn với Hà Văn Thắm thời ông này làm chủ tịch của Tập đoàn Đại Dương và Ngân hàng Đại Dương. Ông Thắm, người từng giàu có thứ 2 với tài sản trên 1 tỷ USD đã bị kết án tù chung thân vì nhiều sai phạm kinh tế. Còn chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đang được cho là điều khiển nhiều viên chức chóp bu nhờ khối tàn sản khổng lồ hàng tỷ USD. Có tin đồn ông này kết nghĩa với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, nên được bao che, dù bị tố cáo mua hàng loạt mảnh đất vàng ở nhiều nơi với giá rẻ một cách không bình thường.
Sau khi có tin đồn Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình được đề bạt vào vị trí thủ tướng, nhiều thông tin mật về sai phạm quản lý kinh tế của ông này cũng bị đưa lên mạng xã hội.
Dường như Phó thủ tướng Trương Hoà Bình không được đề cử vào vị trí cao trong đại hội tới, nên phe ông này và cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang tung nhiều thông tin về sai phạm của nhiều viên chức khác.
Quốc Tuấn

Powered by Blogger.