Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Làm cách nào để quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ thời TT Biden vững như bàn thạch ?

Monday, February 1, 2021 // ,

RFI

(Ảnh minh họa) - Khu trục hạm Mỹ USS Barry (DDG 52) đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông ngày 21/11/2020. Ảnh US Navy.
(Ảnh minh họa) - Khu trục hạm Mỹ USS Barry (DDG 52) đi qua eo biển Đài Loan để tiến vào Biển Đông ngày 21/11/2020. Ảnh US Navy. © USS Barry (DDG 52) - Seaman Molly Crawford
Thùy Dương
13 phút

Sẽ không thể có chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan. Tân chính quyền Mỹ của Joe Biden đã muốn ghi dấu ấn riêng và thể hiện rõ quan điểm : kiên quyết ủng hộ Đài Bắc ; nói không với chủ nghĩa đơn phương gây bất ổn của Donald Trump

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nguyên : Đối phó với Trung Quốc của Tập Cận Bình, phải làm thế nào để vận mệnh chung của Đài Loan và Mỹ gắn kết lâu dài ? Chính quyền Đài Bắc có cần tiếc nuối Donald Trump hay không ? Sự thay đổi ở thượng tầng lãnh đạo Mỹ, với phe Dân Chủ của Joe Biden, liệu có thể dự báo Mỹ sẽ bớt chống Trung Quốc ?

Trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 27/01/2020, nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, đồng sáng lập tạp chí Monde Chinois Nouvelle Asie [Thế giới Trung Hoa-châu Á mới], cố gắng giải đáp những thắc mắc này trong bài viết « Vững chắc như bàn thạch : Tương lai nào cho quan hệ Đài Loan và Mỹ thời Biden ? ».

Quả thực mức độ ủng hộ dành cho Đài Loan mà chính quyền Trump thể hiện trong 4 năm qua vô cùng cao. Washington đã bán cho Đài Bắc nhiều loại vũ khí tinh vi như tên lửa Harpoon, xe tăng Abrams và chiến đấu cơ F-16. Các phương tiện pháp lý cũng được tăng cường : Đạo luật Du lịch Đài Loan, Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Đạo luật Đài Bắc, Đạo luật Không phân biệt đối xử với Đài Loan, Đạo luật Bảo đảm An ninh cho Đài Loan, Đạo luật Phòng thủ Đài Loan.

Các quan chức Hoa Kỳ đã thực hiện hoặc dự kiến nhiều chuyến công du đến Đài Bắc : chuyến thăm của thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, Keith Krach, hồi tháng 09/2020 ; chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Alex Azar vào tháng 10/2020. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Kelly Craft, dự kiến thăm Đài Loan hồi tháng 01/2021 nhưng chuyến đi sau đó bị hủy sau khi xẩy ra vụ tấn công Điện Capitol của những người ủng hộ Donald Trump. Đỉnh điểm là vào ngày 10/01, Washington thông báo hủy hỏ mọi biện pháp hạn chế quan chức Mỹ trong các cuộc tiếp xúc với đồng sự Đài Loan.

Mức độ ủng hộ đã cao đến mức mọi dấu hiệu giảm nhẹ hay lui bước đều bị cả Trung Quốc và Đài Loan coi đó là thái độ bỏ mặc, thậm chí là hèn nhát. Chính vì thế, ngày từ đầu, tân chính quyền Biden đã chọn cách tạo ấn tượng.

Lời mời đại diện Đài Loan đến lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Biden

Biểu hiện mang tính tượng trưng đầu tiên cho sự ủng hộ của tân chính quyền Mỹ đối với Đài Bắc chính là lời mời đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của Joe Biden. Đây là lần đầu tiên đại sứ trên thực tế của Đài Loan được mời đến lễ nhậm chức tổng thống Mỹ kể từ năm 1979. Emily Horne, tân phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng đã « thông ngôn » cho những ai có thể chưa hiểu thông điệp nói trên : « Cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan vững chắc như bàn thạch ».

Biểu hiện thứ hai cho thấy Washington sẽ ủng hộ Đài Bắc lâu dài qua những phát biểu của Antony Blinken trong phiên điều trần tại Thượng Viện vào ngày 20/01 để được xác nhận làm tân ngoại trưởng Mỹ. Chính quyền Biden thừa nhận và nói rõ sẽ tiếp tục đường lối của chính quyền Trump về Trung Quốc và Đài Loan. Tân ngoại trưởng Mỹ khẳng định Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ.

Antony Blinken cũng thể hiện mối quan tâm duy trì và củng cố sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, trước tiên là sự hiện diện của Đài Bắc trong các tổ chức quốc tế : Đối với các tổ chức không cần quy chế quốc gia thành viên thì « Đài Loan cần trở thành thành viên ». Còn đối với các tổ chức quốc tế còn lại thì sẽ « có các cách khác » để Đài Loan tham gia, và trong mọi trường hợp, « Đài Loan cần có vai trò lớn hơn trên thế giới ».

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ủng hộ quyết định của người tiền nhiệm Mike Pompeo giảm nhẹ các hạn chế về quan hệ chính thức với Đài Bắc. Ông Blinken muốn tân chính quyền Mỹ hành động phù hợp với mục đích của Đạo luật Bảo đảm An ninh cho Đài Loan. Cuối cùng, tân ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ Đài Loan : ông không chỉ tiếp bà Thái Anh Văn tại bộ Ngoại Giao khi bà là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan mà ông còn nói chuyện với bà nhiều lần sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống hồi năm 2016.

Tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông

Chủ nhật 24/01, một ngày sau khi 15 máy bay quân sự của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam Đài Loan (ADIZ), hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, được hai khu trục hạm và một tàu tuần dương hộ tống, đã tiến vào Biển Đông để thúc đẩy « các quyền tự do trên biển », cùng lúc một trinh sát cơ tàng hình U2 của Mỹ bay trên vùng biển này.

Trong một thông cáo bằng văn bản viết cụ thể về vụ xâm nhập này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ tái khẳng định quan điểm chính thức của Hoa Kỳ và tân chính quyền : « Chúng tôi liên tục kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế chống lại Đài Loan, thay vào đó hãy tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các đại diện Đài Loan được bầu lên một cách dân chủ. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các quốc gia bạn hữu và đồng minh để thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị chung trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - và điều đó bao gồm cả việc đưa mối quan hệ của chúng tôi với Đài Loan dân chủ trở nên sâu sắc hơn. […] Cam kết của chúng tôi đối với Đài Loan vững chắc như bàn thạch và góp phần vào việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan và trong khu vực. »

Tuy nhiên, mối quan hệ của nước Mỹ thời Joe Biden với Đài Loan của Thái Anh Văn không thể « sao y bản chính » mối quan hệ Mỹ - Đài Loan mà chính quyền Donald Trump khởi dựng.

Không còn một đồng minh gây khó xử

Trước tiên, trong quan hệ sắp tới sẽ không còn một nhân tố quan trọng : Donald Trump. Cho đến hết nhiệm kỳ, Donald Trump vẫn là một đồng minh gây khó xử. Trong khi các cộng sự của ông Trump quyết tâm gạt Trung Quốc ra bên lề cộng đồng quốc tế qua việc lên án, buộc Bắc Kinh phải “phòng thủ” trong các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, thì mối quan hệ cá nhân mà Trump từng muốn thiết lập với tổng thống Nga Putin, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, thậm chí ban đầu là với cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm lu mờ các thông điệp của Washington.

Vụ chiếm điện Capitol do những người ủng hộ ông Trump tiến hành hôm 06/01 cũng đã làm át đi những lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ các nhà hoạt động Hồng Kông bị trấn áp, dựa theo luật An ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt ở thành phố này. Về ý thức hệ, vụ chiếm Điện Capitol như một món hời trên trời rớt xuống cho Tập Cận Bình, cũng như các nhà tư tưởng của Trung Quốc và các nước khác, tạo cho họ cơ hội bình luận về « sự phá sản » của nền dân chủ Mỹ.

Chính quyền Trump đôi khi hành động quá đơn phương, không tham khảo ý kiến  ​​Đài Bắc đầy đủ về một số quyết định có thể làm đảo lộn sự cân bằng trong khu vực, trong khi việc tăng cường quan hệ phải mang tính tương hỗ, tuần tự từng bước và đa phương : Washington phải thuyết phục các đối tác tăng cường quan hệ với Đài Bắc để củng cố vị thế của chính nước Mỹ.

Trò chơi mơ hồ của Quốc Dân Đảng

« Trở ngại » cuối cùng được dỡ bỏ không phải là từ Washington hay Bắc Kinh mà là ở chính Đài Bắc, trong nội bộ đảng đối lập, Quốc Dân Đảng. Chiến lược của Quốc Dân Đảng hiện giờ vẫn rất mơ hồ. Liên tục chỉ trích là Đài Loan bị cô lập về ngoại giao trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Thái Anh Văn, nhưng Quốc Dân Đảng không chịu công nhận Đài Loan đã được quốc tế biết đến nhiều hơn nhờ tổng thống Thái Anh Văn và việc xử lý dịch Covid-19.

Đầu tháng 10/2020, Quốc Dân Đảng đề xuất lên Quốc Hội do Đảng Dân Tiến (DPP) chiếm đa số hai dự thảo nghị quyết : Thứ nhất là chính phủ nên nỗ lực thuyết phục chính quyền Hoa Kỳ dựa vào Đạo luật Quan hệ Đài Loan giúp Đài Bắc phòng thủ trước mối đe dọa từ Trung Quốc bằng các biện pháp ngoại giao, kinh tế hoặc an ninh, nếu Bắc Kinh rõ ràng gây nguy hiểm cho an ninh và các định chế xã hội - kinh tế của Đài Loan ; thứ hai là các nỗ lực ngoại giao của chính phủ với Hoa Kỳ cần có mục tiêu là hướng tới việc nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Washington.

Hai dự thảo nghị quyết nói trên khiến nhiều người ngạc nhiên và có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Quốc Dân Đảng muốn tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong việc tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ qua đó chứng tỏ là họ thay đổi ? Phải chăng Quốc Dân Đảng tìm cách đặt đảng Dân Tiến vào tình thế khó khăn là phải đối mặt với một giải pháp triệt để rồi sau này chỉ trích DPP mạnh hơn và trách cứ đảng Dân Tiến lẩn tránh trách nhiệm nếu giải pháp này bị phủ quyết (giải pháp này đã được chấp thuận) ? Hay Quốc Dân Đảng muốn Bắc Kinh gây áp lực với Đài Bắc nếu dự thảo nghị quyết được thông qua để rồi sau đó lại cho rằng Đài Loan không thể được bảo vệ và không thể dựa vào Hoa Kỳ để phòng thủ ?

Nên hiểu thế nào về chuyện trong hai ngày 21-22/01, Quốc Dân Đảng đề xuất phong tỏa một phần chi phí hoạt động của đại diện Đài Loan tại Mỹ (Hsiao Bi-khim) và tại CH Séc (Ke Liang-ruey) ? Chuyện này diễn ra một ngày sau khi Hsiao Bi-khim chính thức được mời dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Biden và nhiều tháng sau chuyến thăm Đài Bắc của phái đoàn chính thức của CH Séc do Miloš Vystrčil, chủ tịch Thượng Viện, dẫn đầu. Đây rõ ràng là hai thành công ngoại giao lớn nhất của Đài Loan trong nhiệm kỳ thứ hai của bà Thái Anh Văn cho tới nay. Phải chăng đảng Cộng Sản Trung Quốc cài người vào lũng đoạn Quốc Dân Đảng ? Đây là cuộc đấu đá giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng ? Quốc Dân Đảng tạo sự mơ hồ về chiến lược để tránh bị cuốn vào cuộc xung đột gần như không thể tránh khỏi giữa Bắc Kinh và Washington ? …

Sự phụ thuộc kép

Trong khu vực ASEAN, mong muốn duy trì « cân bằng chiến lược » trên thực tế thường có nghĩa là khuất phục chính trị trước trật tự khu vực theo ý Bắc Kinh, kèm theo đó là sự lệ thuộc kinh tế vào trật tự tài chính toàn cầu do Mỹ và Tổ Chức Tiền Tệ Quốc Tế ấn định. Tuy nhiên, sự phân chia không còn đơn giản như vậy nữa. « Con đường tơ lụa mới » muốn tăng cường khía cạnh thương mại (cho vay, đầu tư) và quân sự (căn cứ, tập trận chung) trong tiến trình chư hầu hóa chính trị trong khu vực của Bắc Kinh. Trong khi đó, chiến lược « Ấn Độ - Thái Bình Dương » có ý định gắn ý thức hệ (thế giới tự do chống lại các chế độ độc tài) với sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ.

Đối với Đài Bắc, tình hình hơi khác một chút : Đài Loan « lệ thuộc » Bắc Kinh về thương mại (40% xuất khẩu) nhưng lại « lệ thuộc » quân sự vào Washington. Quốc Dân Đảng, muốn tăng vế thứ nhất, giảm vế thứ hai, nên duy trì câu chuyện về bản sắc Trung Hoa của Đài Loan. Còn đảng Dân Tiến cầm quyền, để củng cố vế thứ hai, phải giảm vế thứ nhất và dựa vào việc củng cố bản sắc Đài Loan. (Theo một khảo sát hồi năm 2020, 67% dân Đài Loan coi mình là người Đài Loan, chỉ có 2,4% nhận mình người Hoa)

Đảng Dân Chủ của tổng thống Mỹ Biden và đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn có thời hạn đến năm 2023 để gắn kết vận mệnh chính trị chung của Đài Loan và Mỹ, đối chọi lại với quyết định luận về địa lý và văn hóa. Và điều này chắc chắn sẽ phải dựa vào chủ nghĩa đa phương cả về quân sự (thông qua bộ tứ QUAD) và kinh tế (thông qua việc mở rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).  

TIN TỔNG HỢP

Đăng ngày: 

Tin tổng hợp
Tin tổng hợp RFI/Tiếng Việt

(AFP) – Tập đoàn Trung Quốc Xiaomi muốn được rút khỏi danh sách đen của Mỹ. Hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc hôm qua 31/01/2021 thông báo kiện lên tòa án Washington để phản đối việc chính quyền Donald Trump cho Xiaomi vào danh sách đen, vì cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Xiaomi năm 2020 đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone thứ ba thế giới. Quyết định trừng phạt của tổng thống Trump được đưa ra chỉ sáu ngày trước khi mãn nhiệm, sau đó cổ phiếu của tập đoàn này bị sụt giá mạnh.

(SCMP) – Virus corona : Hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên thảo luận. Hai chuyên gia về bệnh truyền nhiễm là Anthony Fauci (Mỹ) và Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan, Trung Quốc) sẽ xuất hiện tại một sự kiện trực tuyến do Đại học Edinburgh tổ chức vào ngày 02/03, lần đầu tiên sẽ công khai thảo luận về đại dịch Covid. Hôm qua 31/01/2021 ông Chung cho biết như trên, và nói rằng tuần tới sẽ trao đổi với trường y tế Harvard về chủ đề này. Hoa Kỳ là nước bị thiệt hại nặng nề nhất vì con virus xuất phát từ Vũ Hán, với trên 26 triệu ca dương tính và 438.000 trường hợp tử vong, theo trường đại học Johns Hopkins.

(AFP) – Khẩu trang và phương thúc làm việc từ xa gây thiệt hại cho các cửa hàng mỹ phẩm tại Pháp. Chuỗi cửa hàng bán mỹ phẩm Nocibé, ngày 01/02/2021 thông báosẽ đóng cửa 62 cửa hàng trên toàn quốc, tức giảm 12 % các cơ sở hoạt động. 350 nhân viên bị đe dọa mất việc. Lý do là đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa liên tiếp khiến các dịch vụ mua bán được thực hiện nhiều qua internet. Đó là chưa kể do khách hàng làm việc từ xa và phải đeo khẩu trang nên giảm đáng kể việc sử dụng son phấn, xà phòng cạo râu …  Năm 2020, ngành mỹ phẩm thất thu đến 35 % so với một năm trước đó. 

(AFP) – Pháp kêu gọi Đức hủy dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 với Nga nhằm phản đối chính sách đàn áp nhà đối lập Navalny. Quốc vụ khanh Pháp đặc trách về hồ sơ châu Âu, Clément Beaune, ngày 01/02/2021 cho rằng Berlin nên khai thác lá bài này để gây sức ép với Kremlin vào lúc kẻ thủ chính trị của tổng thống Putin là Alexei Navalny có nguy cơ bị chuyển từ án treo sang án tù và chính quyền Matxcơva mạnh tay đàn áp, bắt giữ hàng ngàn người biểu tình đòi tự do và công lý cho ông Navalny. Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí đốt của Nga đến tận Đức. Mỹ và nhiều nước châu Âu không mặn mà với dự án trị giá 9 tỷ euro này. 

Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau khi bắt bà Aung San Suu Kyi

 BBC

Aung San Suu Kyi at a coronavirus vaccination clinic in January, Naypyitaw, Myanmar

Quân đội Myanmar đã nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo chính trị khác bị bắt sáng hôm 1/2.

Vài giờ sau vụ bắt giữ, đài truyền hình quân sự xác nhận tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trong vòng một năm.

Vụ bắt giữ xảy ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa chính quyền dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại xảy ra đảo chính.

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, do giới quân sự cầm quyền cho đến 2011. Bà Suu Kyi bị quản chế tại gia trong nhiều năm.

Hôm thứ Hai, quân đội nói họ đang giao quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.

Đường phố thủ đô Naypyitaw và thành phố chính Yangon hiện đang có nhiều binh lính.

Trong kỳ bầu cử tháng 11, đảng NLD giành đủ số ghế để thành lập chính phủ, nhưng quân đội nói có sự gian lận trong bầu cử.

Hạ viện mới được bầu lẽ ra đã nhóm họp lần đầu tiên hôm thứ Hai, nhưng quân đội đã yêu cầu hoãn họp.

Phóng viên Đông Nam Á của BBC, Jonathan Head, nói có vẻ đang có một cuộc đảo chính lớn, mặc dù quân đội, chỉ mới tuần trước, hứa sẽ tuân thủ hiến pháp mà họ đã soạn thảo hơn một thập niên trước.

Theo hiến pháp, quân đội có toàn quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng việc bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị như bà Suu Kyi là một động thái khiêu khích và đầy rủi ro, một hành động có thể bị phản đối mạnh mẽ, phóng viên của BBC nói.

Đã có những phản ứng gì?

Hoa Kỳ lên án cuộc đảo chính, nói rằng Washington "phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức chính phủ và lãnh đạo xã hội dân sự, đồng thời nói Mỹ "sát cánh với người dân Miến Điện trong khát vọng dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển. Quân đội phải đảo ngược những hành động này ngay lập tức. "

Tại Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nói "chúng tôi kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền, giải quyết các tranh chấp qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người đã bị giam giữ trái pháp luật."

Thủ tướng Anh, Boris Johnson cũng lên án cuộc đảo chính tại Mynamar.

Viết trên Twitter sáng ngày 01/02 giờ London, ông Johson nói: "Tôi lên án vụ đảo chính và cầm giữ phi pháp những cá nhân dân sự, gồm cả bà Aung San Suu Kyi. Lá phiếu của cử tri Myanmar phải được tôn trọng và các nhà lãnh đạo dân sự phải được thả tự do."

Min Aung Hlaing
Chụp lại hình ảnh,

Chỉ huy quân sự Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền

John Sifton thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: "Vấn đề là chính quyền quân sự cai trị Myanmar trong nhiều thập niên, chưa bao giờ thực sự rời bỏ quyền lực".

"Họ không bao giờ thực sự phục tùng chính quyền dân sự ngay từ đầu, vì vậy các sự kiện ngày nay theo một nghĩa nào đó chỉ đơn thuần là cho thấy rõ một thực tế chính trị vẫn tồn tại."

"Cánh cửa vừa mở ra một tương lai rất khác," Thant Myint-U, nhà sử học ở Yangon mô tả viễn cảnh: ''Tôi có cảm giác lạnh người là sẽ không ai thực sự có thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra tiếp theo."

"Và hãy nhớ Myanmar là một đất nước ngập tràn vũ khí, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các dòng tộc và tôn giáo, nơi hàng triệu người hầu như không thể tự kiếm ăn."

line

'Myanmar trên con đường đầy hiểm nguy'

Phân tích của Jonahan Head, BBC News

Vậy là đã chính thức. Các lực lượng vũ trang ở Myanmar xác nhận rằng họ đã thực hiện một cuộc đảo chính, cuộc đảo chính đầu tiên chống lại một chính phủ dân sự kể từ năm 1962, và rõ ràng vi phạm hiến pháp mà quân đội gần đây hứa sẽ tôn trọng, mới hôm thứ Bảy tuần trước.

Những bất bình gây căng thẳng giữa quân đội và chính phủ ai cũng đã rõ. Đảng được quân đội hậu thuẫn, USDP, đã có kết quả kém trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, trong khi đảng NLD thậm chí còn dành được nhiều phiếu ủng hộ hơn năm 2015.

Thời gian của cuộc đảo chính cũng có thể giải thích dễ dàng. Tuần này, kỳ họp đầu tiên của quốc hội kể từ khi cuộc bầu cử, sẽ bắt đầu, sẽ ghi nhận kết quả bầu cử bằng cách phê chuẩn chính phủ tiếp theo. Điều đó giờ không còn xảy ra nữa.

Nhưng kế hoạch dài hơn của quân đội khó ai có thể hiểu được. Họ sẽ làm gì trong năm mà họ dự định sẽ điều hành đất nước? Công chúng sẽ tức giận về một cuộc đảo chính xảy ra ngay sau cuộc bầu cử trong đó 70% cử tri bất chấp đại dịch Covid-19 để bỏ phiếu áp đảo cho bà Aung San Suu Kyi.

Nổi tiếng cứng đầu, khó có khả năng Aung San Suu Kyi sẽ hợp tác khi đang bị khẩu súng dí vào đầu. Đồng minh của bà, Tổng thống Win Myint, là người duy nhất được hiến pháp cho phép ban hành tình trạng khẩn cấp, đã bị bắt giữ cùng với bà.

Vào lúc này, hành động của quân đội có vẻ liều lĩnh và đẩy Myanmar vào con đường nguy hiểm.

line

Tình hình hiện giờ ra sao?

Kết nối dữ liệu internet di động và một số dịch vụ điện thoại đã bị gián đoạn ở các thành phố lớn, trong khi đài truyền hình MRTV của Myanmar nói đang bị trục trặc kỹ thuật và không phát sóng.

Liên lạc với Nay Pyi Taw đang bị gián đoạn và rất khó để đánh giá tình hình ở đó.

Tại thành phố lớn nhất của đất nước và thủ đô cũ là Yangon, đường dây điện thoại và internet dường như bị hạn chế, nhiều nhà cung cấp đã cắt dịch vụ.

Bỏ qua Twitter tin, 1

Cuối Twitter tin, 1

Presentational white space

Có tin người dân ở Yangon đang đổ xô đi lấy tiền từ các máy ATM trong bối cảnh kỳ vọng tiền mặt sẽ khan hiếm trong những ngày tới.

Một số máy ATM dường như không hoạt động và không rõ liệu các ngân hàng có mở cửa hay không.

Bỏ qua Twitter tin, 2

Cuối Twitter tin, 2

Presentational white space

Điều gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử?

NLD giành được 83% số ghế trong cuộc bầu cử ngày 8/11, mà nhiều người coi là cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ dân sự của bà Suu Kyi.

Đó chỉ là cuộc bầu cử thứ hai của Myanmar kể từ khi chế độ quân sự kết thúc vào năm 2011.

Nhưng quân đội phản đối kết quả, đệ đơn kiện tổng thống và chủ tịch ủy ban bầu cử lên Tối cao Pháp viện.

Lo ngại về một cuộc đảo chính đã dấy lên sau khi quân đội gần đây đe dọa sẽ có "hành động" với cáo buộc gian lận. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Aung San Suu Kyi là ai?

Aung San Suu Kyi là con gái của Tướng Aung San, người được cho là anh hùng mang đến độc lập cho Myanmar. Ông bị ám sát khi Suu Kyi mới hai tuổi, ngay trước khi Myanmar giành được độc lập khỏi sự thống trị của thực dân Anh năm 1948.

Bà Suu Kyi từng được xem là ngọn hải đăng cho nhân quyền - một nhà hoạt động có nguyên tắc, đã hy sinh tự do của mình để thách thức các tướng lĩnh quân đội tàn nhẫn cai trị Myanmar trong nhiều thập niên.

Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hòa bình, trong khi vẫn bị quản thúc tại gia, và được ca ngợi là "tấm gương xuất sắc về sức mạnh của kẻ bất lực".

Bà Suu Kyi bị giam giữ gần 15 năm từ 1989 đến 2010.

Vào tháng 11 năm 2015, bà lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử công khai đầu tiên của Myanmar trong vòng 25 năm.

Hiến pháp Myanmar cấm bà trở thành tổng thống vì bà có con là công dân nước ngoài. Nhưng bà Suu Kyi, hiện 75 tuổi, được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar.

Nhưng kể từ khi trở thành cố vấn nhà nước của Myanmar, sự lãnh đạo của bà được định hình bằng cách bà đối xử với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi của nước này.

Năm 2017, hàng trăm nghìn người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh vì cuộc đàn áp của quân đội, bùng lên bởi các cuộc tấn công chết người vào các đồn cảnh sát ở bang Rakhine trước đó.

Giới ủng hộ bà Suu Kyi trên thế giới cáo buộc bà đã không ngăn chặn việc người thiểu số Rohingya bị hãm hiếp, giết và khả năng bị diệt chủng, bằng cách từ chối lên án quân đội vẫn còn nắm nhiều quyền lực, hoặc thừa nhận đó là các hành vi tàn bạo.

Một số người ban đầu cho rằng bà làm thế vì là một chính trị gia thực dụng, đang tìm cách điều hành một quốc gia đa sắc tộc với một lịch sử phức tạp.

Nhưng việc Suu Kyi lên tiếng bào chữa cho các hành động của quân đội tại phiên điều trần Tòa án Công lý Quốc tế năm 2019 được coi là một bước ngoặt mới, làm mất đi những gì ít ỏi còn rớt lại về danh tiếng quốc tế của bà.

Tuy nhiên, ở quê nhà, bà Suu Kyi vẫn rất được đa số tín đồ Phật giáo, những người không mấy có thiện cảm với người Rohingya, ủng hộ. 

Quân đội Myanmar đảo chính, bắt bà Suu Kyi và tổng thống

 

Quân đội Myanmar đã nắm quyền sau khi bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các thành viên cao cấp trong đảng cầm quyền NLD.

Quân đội hiện diện dày đặc trên đường phố thủ đô Nay Pyi Taw và thành phố chính Yangon, chặn các con phố.

Tình trạng khẩn cấp quốc gia trong một năm đã được ban hành, theo thông cáo phát trên truyền hình quân đội.

Kênh truyền hình quốc gia ngưng phát sóng. Các dịch vụ điện thoại di động và kết nối internet, viễn thông đã bị gián đoạn tại hai thành phố trên vào đầu giờ sáng.

Tại thủ đô Nay Pyi Taw, vào cuối giờ chiều thứ Hai, mạng điện thoại di động MPT đã hoạt động trở lại, nhưng chỉ kết nối được cuộc gọi mà không kết nối được internet, phóng viên BBC từ thành phố cho biết.

Các ngân hàng nói họ đã bị buộc phải đóng cửa.

Một số người dân lo lắng trước những gì đang diễn ra, đã tới xếp hàng tại các máy rút tiền hoặc đi mua thực phẩm phòng thân.

Trong một lá thư viết để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bị bắt, bà Suu Kyi nói hành động của quân đội đẩy đất nước trở lại tình trạng độc tài.

Bà thúc giục các ủng hộ viên "không chấp nhận điều này" và "hãy biểu tình chống lại cuộc đảo chính".


Powered by Blogger.