Hôm thứ Ba 7 tháng 5, Nhật bản công bố họ đã thu hồi được một số mảnh vụn của chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-35 rớt hồi tháng 4.
Tuy nhiên, vẫn còn có thêm nhiều thứ khác nữa được thu hồi để có thể biết được điều gì đã khiến cho tai nạn xảy ra. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Takeshi Iwaya, nói rằng sau gần một tháng với những nỗ lực tìm kiếm, thi thể của viên phi công và thân của chiếc máy bay lâm nạn vẫn chưa được tìm thấy .
Các chuyên gia cho biết Nhật Bản và Mỹ rất muốn ngăn không cho Nga hay Trung cộng có được các mảnh vỡ từ chiếc máy bay này. Ông Iwaya thừa nhận tháng trước rằng trên chiếc F-35 đó có “một lượng bí mật đáng kể các bí mật cần được bảo vệ”.
Một số mảnh vỡ, bao gồm một phần của cái data recorder – hộp ghi dữ liệu chuyến bay, đã được thu hồi “vào hoặc sau ngày 3 tháng 5”, nhưng ông thêm “Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu các bộ phận này nhưng vào thời điểm này, bộ nhớ rất quan trọng (của máy ghi dữ liệu chuyến bay) chưa được thu hồi.”
Chiếc phản lực chiến đấu cơ và viên phi công xấu số bị mất tích vào ngày 9 tháng 4 khi đang bay ở cách căn cứ Misawa khoảng 135 cây số về hướng đông trong một phi vụ huấn luyện.
Sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Misawa cùng với ba máy bay khác được khoảng 30 phút, chiếc F-35 này mất liên lạc.
Theo Lực lượng Tự vệ không quân của Nhật Bản, đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo về một vụ tai nạn của F-35A.
Chiếc Lockheed Martin F-35A bị rơi này còn mới toanh, chưa đầy một năm tuổi, và mới có 280 giờ bay, là chiếc đầu tiên được Tập đoàn Kỹ nghệ nặng Mitsubishi lắp ráp tại Nhật Bản.
Nhật Bản đang tiến hành thay thế những máy bay chiến đấu F-4 (thời chiến tranh Việt nam gọi là những chiếc Phantom?) đã quá già bằng loại F35-A, mỗi chiếc có giá hơn 10 tỷ Yên (90 triệu Mỹ kim),.
Phi đội F35A là một phần quan trọng trong những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm nâng cao năng lực quân sự của quốc gia để đáp ứng với tình hình ở Đông Á, khi Tập Cận Bình đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội Trung cộng.
Không chỉ có Nhật Bản mới ra sức tìm kiếm chiếc F-35A bị rơi. Hoa kỳ cũng sốt sắng trong hoat động này. Họ đã thuê cả một chiếc tàu chuyện môn về hỗ trợ lặn cho các hoạt động sâu dưới đáy biển.
Nỗ lực này có lý do hiển nhiên. Bộ trưởng Iwaya nói với báo chí, “F-35A là một chiếc máy bay chứa một lượng bí mật đáng kể cần được bảo vệ.”
“Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò đi đầu trong việc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn”, ông nói.
Akira Kato, giáo sư chính trị quốc tế và an ninh khu vực tại Đại học JF Oberlin của Tokyo, cho biết các đối thủ – Trung Quốc và Nga, sẽ rất thích có được vài thứ liên quan đến loại máy bay tối tân này, “ngay cả một con ốc.”
Một chuyên gia quốc phòng, cũng là giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, ông Hideshi Takesada, nói sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Moscow và Bắc Kinh tiến hành các hoạt động bí mật để tìm kiếm một số mảnh vỡ.
Ông Takesada nói “Ngay cả khi Nhật Bản và Mỹ tìm được (chiếc máy bay), họ có thể không tiết lộ chi tiết, gồm cả vị trí chính xác nơi tìm được” do lo ngại rằng Trung Quốc và Nga có thể mò tới để xem có vớt vát được cái gì không.
Hôm 9 tháng 4, những mảnh nhỏ của đuôi máy bay là những thứ đầu tiên của chiếc máy bay lâm nạn đã được tìm thấy.
“Máy bay và phi công vẫn mất tích”, phát ngôn viên của không quân nói. Các nhà điều tra đã không thể làm sáng tỏ số phận của chiếc máy bay bị mất, ông nói thêm.
Các tàu tìm kiếm được trang bị thiết bị sóng siêu âm có thể dò quét đáy biển ở độ sâu đến 1.500m (4.922 ft), nơi chiếc F-35 có thể đang nằm.
Đệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ cho biết đội trục vớt của Hải quân Mỹ cũng đưa chiếc DSCV Van Gogh, một tàu dân sự chuyên sử dụng vào các công tác và công trình cần đến sự hỗ trợ của dụng cụ và thiết bị lặn. Khu vực diễn ra hoạt động tìm kiếm rộng khoảng 5.000 hải lý (17.150 km vuông) cho biết trong một bản phát hành.
Các tàu duyên phòng của Nhật đã ra lệnh cho tất cả mọi tàu bè khác tránh xa khu vực tìm kiếm, nằm trong vùng biển quốc tế.
Giữ cho kín bí mật quân sự của mình, và tìm kiếm bí mật quân sự của đối phương là chuyện ngàn đời nay. “Để làm gì?” là câu hỏi không khó trả lời. Mỗi phe tìm đủ mọi cách để biết được địch thủ đã tiến tới mức nào, hơn kém mình bao nhiêu, để chế tạo ra những vũ khí đối phó hoặc sẵn sàng áp dụng kỹ thuật phát minh của địch với nhiều cải tiến.
F-35 hiện đang được coi là chiếc chiến đấu cơ tối tân nhất thế giới với rất nhiều đặc tính và khả năng, như cất cánh trên phi đạo ngắn, gần như vô hình với radar, xoay chuyển nhanh và những thiết bị điện tử độc đáo. Để rơi vào tay địch coi như khỏi sản xuất tiếp, vì đối phương sẽ căn cứ vào các tính năng đó để tìm biện pháp vô hiệu hóa.
Có nhiều cách để có được các bí mật này. Với máy bay, có thể là bắn rơi trong chiến đấu, vớt được trong tai nạn trên biển, hoặc “bắt giữ” được như trường hợp Iran “chiếm quyền điều khiển” chiếc drone của Mỹ. Nhưng cũng có trường hợp trúng số, một phi công địch đào ngũ mang nguyên con một chiếc phi cơ quý báu về cho mình.
Những vụ đào ngũ này không hiếm. Theo Wikipiedia, chỉ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đã có đến gần 190 vụ đào ngũ mang theo máy bay sang một nước khác, phần lớn là nước phe đối nghịch ở khắp thế giới.
Phía Cộng sản, nước có nhiều phi công bay sang đất địch nhiều nhất là Trung cộng với 16 vụ, Nga và Ba Lan mỗi nước 6 vụ Bắc Hàn 5 vụ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng không thiếu, như Trung hoa Dân quốc sang Trung cộng 10 vụ, Nam Hàn sang Bắc Hàn 4 vụ và… Hoa Kỳ sang Cuba 3 vụ!
Vẫn theo Wikipedia, Việt Nam Cộng hòa đã có 4 vụ. Tuy nhiên, vụ đầu tiên – phi công Nguyễn Văn Cử (1962) không phải là đào ngũ sang phe địch. Ông Cử dùng máy bay A 1 Skyraider thả bom Dinh Độc lập (cùng với chiếc máy bay thứ hai của phi công Phạm Phú Quốc) rồi bay sang Cam bốt tỵ nạn. Ba vụ còn lại vào năm 73 với hai chiếc trực thăng UH 1A. Ngày 7 tháng 11 năm 1973, Hồ Duy Hùng, vốn là một Thiếu úy phi công trực thăng vũ trang của Việt Nam Cộng hòa bị sa thải, thực chất là một điệp viên được cài vào Không lực Việt Nam Cộng hòa, đã đánh cắp một chiếc máy bay trực thăng vũ trang UH-1A tại Đà Lạt và hạ cánh tại Dầu Tiếng, thuộc vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. và, nổi tiếng nhất là vụ Nguyễn Thành Trung xách một chiếc F 5A dội bom Dinh Độc lập rồi sang phía địch.
Trên mạng The Avionist (Theavionist.com), có một đoạn phim quay cảnh không chiến thực tập – mock dogfight, trong đó một chiếc F-5 mang huy hiệu …không quân Liên Xô quần thảo với một chiếc MiG-21 của Liên Xô. (www.facebook.com/RTDocumentary/videos/1433796313343640/)
Chiếc F 5 Freedom Fighter này, do công ty Northrop sản xuất, là cống phẩm của Cộng sản Việt Nam cho Nga, một trong số các máy bay mà quân đội Bắc Việt hốt được tại căn cứ không quân Biên Hòa năm 1975.
Đây là phiên bản F-5E, được Liên Xô đặc biệt quan tâm, vì Hoa Kỳ đang tích cực chào hàng kiểu máy bay chiến đấu mới này với các đồng minh.
Có tin rằng khả năng của chiếc F-5 trong cuộc thực tập chống lại MiG-21 đã gây nhiều ấn tượng cho các phi công Liên Xô ở Trung tâm Thí nghiệm Phi hành Chkalov của Nga. Trước đó, các kỹ sư Liên Xô đã từng cho rằng MiG-21 “tiên tiến” hơn, nhưng chiếc F-5 đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc giao chiến giả.
Dữ liệu từ các thí nghiệm với F-5 rõ ràng đã đóng góp cho sự phát triển của loại MiG-23 sau này.
Nhưng đổi lại với vụ Hoa Kỳ mất F-5, Mỹ ngay sau đó đã được tặng không một chiếc MiG 25 của Nga. Nói cho đúng, chiếc máy bay này được Nhật tặng cho Mỹ, sau khi Trung úy phi công Viktor Ivanovich Belenko của Lực lượng Phòng không Nga hạ cánh một chiếc MiG 25 xuống đất Nhật.
Vụ đào ngũ này xảy ra năm 1976, và có lẽ đó là lý do nhiều người Việt không biết. Ở trong nước, VC dại gì đưa tin Liên xô vĩ đại có phi công đào ngũ, ở nước ngoài, người Việt di tản còn chưa an cư nên cũng chẳng thèm chú ý (?)
Một kiểu chiến đấu cơ bí mật
Vào khoảng năm 1970, các vệ tinh do thám của Mỹ rình rập các phi trường Liên Xô đã chụp ảnh được một loại máy bay mới đang được bí mật thử nghiệm. Chúng trông giống như những chiếc máy bay chiến đấu khổng lồ và quân đội Tây phương để ý đến một tính năng đặc biệt; chúng có đôi cánh rất to.
Cho các chiến đấu cơ, diện tích cánh lớn rất hữu ích – nó giúp tạo ra lực nâng và cũng làm giảm trọng lượng phân bổ trên cánh, giúp nó nhanh nhẹn và dễ xoay trở hơn. Máy bay phản lực Liên Xô này dường như kết hợp khả năng này với một cặp động cơ khổng lồ. Chiếc máy bay mới này có thể bay nhanh đến mức nào? Liệu có loại máy bay nào của Không quân Hoa Kỳ hoặc một nước khác theo kịp nó?
Người ta cũng thoáng thấy nó ở Trung Đông. Vào tháng 3 năm 1971, Israel đã ghi nhận một chiếc máy bay mới có tốc độ lên đến Mach 3.2 – gấp ba lần tốc độ âm thanh – và lên cao đến 63.000ft (gần 20 km). Người Israel và các cố vấn tình báo Hoa Kỳ, chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy. Sau một cảnh tượng thứ hai vài ngày sau đó, các máy bay chiến đấu của Israel đã được tung lên để cố đánh chặn chiếc máy bay đó nhưng chỉ hoài công.
Đến tháng 11, Israel đã phục kích một trong những tên xâm nhập bí ẩn này, họ bắn phi đạn đón đầu nó ở độ cao 30.000ft. Nhưng vẫn không xong. Mục tiêu bí ẩn của các phi đạn đã vọt qua với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ âm thanh – nhanh đến mức vào thời điểm các phi đạn phát nổ, nó đã ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngũ giác đài suy luận rằng chiếc máy bay phản lực này là cùng một chiếc đã được nhìn thấy trong các không ảnh chụp từ vệ tinh ở các phi trường Nga và …bắt đầu lo lắng. Phe Tự do đang bất ngờ với triển vọng về một loại chiến đấu cơ của Liên Xô có thể bay nhanh hơn và xoay chuyển nhanh hơn tất cả những gì mà Không quân Hoa Kỳ đang có.
Cho đến ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Hôm đó, gần thành phố Hakodate trên hòn đảo phía bắc Hokkaido của Nhật bản, một chiếc máy bay xuất hiện từ trong mây. Chưa có người nào ở phương Tây đã từng thấy một chiếc máy bay như thế trước đây. Đó là một máy bay phản lực hai động cơ khổng lồ màu xám, thân và đuôi có sơn những ngôi sao đỏ của Liên Xô.
Chiếc phản lực cơ hạ cánh trên phi đạo của phi trường Hakodate, nhưng phi đạo không đủ dài, khiến cho nó cày thêm cả trăm mét trên đất ruộng trước khi ngừng lại được.
Viên phi công trèo ra khỏi buồng lái, rút súng lục bắn lên trời hai phát trong khi nhiều người lái xe trên con đường cạnh sân bay ngừng xe lại để chụp ảnh cảnh tượng kỳ lạ này. Vài phút sau, khi xe của phi trường đưa các giới chức sân bay đến chỗ anh ta, viên Trung úy phi công 29 tuổi Viktor Ivanovich Belenko tuyên bố rằng anh ta muốn đào thoát.
Bí mật MiG-25
Trong thập niên 1950, Liên Xô phần lớn đã bắt kịp với những tiến bộ nhảy vọt trong ngành hàng không. Họ có các máy bay ném bom có thể bay nhanh và cao gần bằng B-52 của Mỹ. Các máy bay chiến đấu của họ – một số lớn được chế tạo bởi đội ngũ thiết kế MiG – đã đủ sức cạnh tranh với các chiến đấu cơ của Mỹ, mặc dù hệ thống radar và các thiết bị điện tử khác chưa tinh vi bằng.
Nhưng bước nhảy vọt về kỹ thuật cần thiết để đưa tốc độ một chiếc máy bay từ Mach 2 lên Mach 3 là một thách thức to lớn. Và đây là những gì các nhà thiết kế Liên Xô sẽ phải làm, càng nhanh càng tốt.
Để bay nhanh như vậy, máy bay chiến đấu mới sẽ cần động cơ có lực đẩy khổng lồ. Tumansky, nhà thiết kế động cơ hàng đầu của Liên Xô, đã chế tạo một động cơ mà họ tin rằng có thể thực hiện công việc, R-15 turbojet, vốn được dành cho dự án phi đạn hành trình tầm cao. Loại MiG mới sẽ cần hai động cơ như thế, mỗi cái có thể tạo ra lực đẩy 11 tấn.
Bay quá nhanh cũng sẽ tạo ra lượng nhiệt ma sát khổng lồ. Loại SR-71 Blackbird của Mỹ dùng titanium, có thể chịu được sức nóng khủng khiếp. Nhưng titanium đắt tiền và khó uốn ép. MiG đã dùng thép và một phần lớn thân chiếc MiG-25 được hàn bằng tay.
MiG-25 là một phản lực cơ rất lớn, chiều dài 64ft (19,5m), nó chỉ ngắn hơn chiếc oanh tạc cơ Lancaster trong Thế chiến II. Khung máy bay cần phải lớn đến mức đó để chứa động cơ và lượng nhiên liệu khổng lồ cần thiết. MiG-25 có thể mang theo đến chừng 30.000lbs (13.600kg) nhiên liệu.
Và vì khung máy bay bằng thép nặng đó, MiG-25 phải có đôi cánh lớn như vậy – không phải để giúp nó chiến đấu với máy bay chiến đấu của Mỹ, mà chỉ đơn giản là để giữ nó trên không.
Các máy bay MiG được thiết kế để cất cánh và tăng tốc lên Mach 2.5, được các giàn radar lớn trên mặt đất hướng dẫn để tiếp cận các mục tiêu. Đến khoảng cách trong vòng 50 dặm (80km), hệ thống radar trên máy bay sẽ có thể thay chỗ và phóng đi các phi đạn mà nó mang theo, các phi đạn này cũng to kềnh, dài khoảng 20 feet dài (6m).
MiG 25 cũng có một phiên bản do thám, không được trang bị vũ khí, nhưng mang theo máy ảnh và các cảm biến khác. Không có trọng lượng của phi đạn và radar, phiên bản này nhẹ hơn – và có thể bay nhanh đến Mach 3.2. Đó chính là chiếc mà Israel phát giác năm 1971.
Vào đầu thập niên 1970, các cấp chỉ huy quốc phòng ở Mỹ không biết gì về những khả năng của MiG, mặc dù họ đã đặt cho nó mã hiệu là ‘Foxbat’. Họ chỉ biết nó từ những bức ảnh mờ được chụp từ không gian và từ những đốm sáng trên màn hình radar phía trên Địa Trung Hải. Và như thế, MiG sẽ vẫn là một mối đe dọa bí ẩn.
Viên phi công Liên Xô vỡ mộng Cộng sản chủ nghĩa
Viktor Belenko đã từng là một công dân Liên Xô kiểu mẫu. Ra đời ngay ở chân của dãy núi Kavkaz sau khi Thế chiến II kết thúc, anh ta đi “nghĩa vụ quân sự” và đủ điều kiện trở thành phi công chiến đấu – một vị trí có những đặc quyền nhất định so với các công dân “thường thường bậc trung” của Liên Xô.
Nhưng Belenko đã vỡ mộng. Có một đưa con, và đang đối mặt với một cuộc ly hôn, anh ta bắt đầu đặt câu hỏi về bản chất của xã hội Liên Xô, và thắc mắc không hiểu nước Mỹ có xấu xa như chế độ Cộng sản trình bày hay không.
Belenko nói với tạp chí Full Context vào năm 1996, “Tuyên truyền của Xô viết tại thời điểm đó miêu tả bạn là một xã hội hư hỏng đã tan rã. Nhưng trong đầu tôi đặt câu hỏi.”
Belenko nhận ra chiếc máy bay chiến đấu mới to lớn mà anh đang huấn luyện có thể là chìa khóa để trốn thoát. Lúc đó, anh đóng quân tại căn cứ không quân Chuguyevka ở Primorsky Krai, gần thành phố phía đông Vladivostok, nơi Nhật Bản chỉ cách có 400 dặm (644km). Loại MiG mới này có thể bay nhanh và có thể bay cao, nhưng hai động cơ uống nhiên liệu của nó khiến cho nó không thể bay xa lắm – chắc chắn không đủ để đến một căn cứ không quân Mỹ.
Hôm 6 tháng 9 năm 1976, Belenko có một phi vụ huấn luyện cùng một số phi công khác. Tất cả các chiếc MiG đều không được vũ trang. Anh ta đã vạch trong đầu một lộ trình khó khăn, và chiếc MiG của anh ta có một thùng nhiên liệu đầy.
Anh bỏ đội hình, và chỉ trong vài phút, anh ta đã vượt qua những con sóng, hướng về Nhật Bản.
Để trốn tránh radar quân sự của cả Liên Xô và Nhật Bản, Belenko phải bay rất thấp – khoảng 100ft (30m) trên mặt biển. Khi đủ xa vào không phận Nhật Bản, anh ta đã đưa chiếc MiG lên tới 20.000ft (6.000m) để radar của Nhật Bản có thể bắt được. Người Nhật ngạc nhiên đã cố gắng bắt liên lạc với chiếc máy bay không xác định này, nhưng radio của Belenko đã được điều chỉnh sai tần số. Máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã được tung lên chặn, nhưng sau đó, Belenko đã cho máy bay xuống thấp, dưới lớp mây dày một lần nữa và biến mất khỏi màn hình radar của Nhật Bản.
Tất cả thời gian này, viên phi công Liên Xô đã bay bằng phỏng đoán, bằng ký ức của các bản đồ mà anh ấy đã nghiên cứu trước khi cất cánh. Belenko đã có ý định lái máy bay của mình tới căn cứ không quân Chitose, nhưng vì hết nhiên liệu, anh đã phải đáp xuống sân bay gần nhất đến được: Phi trường Hakdodate.
Khi chiếc MiG bất ngờ hạ cánh xuống Hakdodate, người Nhật đột nhiên thấy mình có một phi công đào tẩu – và một máy bay chiến đấu đã mà các cơ quan tình báo phương Tây đang săn lùng. Sân bay Hakodate nhanh chóng tấp nập các hoạt động tình báo. CIA không thể ngờ họ hên tới mức đó.
Sau khi được đưa đến căn cứ không quân gần đó, chiếc MiG quý báu đã được xem xét từng chi tiết.
Cũng chẳng có gì to tát lắm
Stephen Trimble, chủ bút tạp chí Flightglobal của Mỹ nói rằng sau khi phân tách MiG-25 và kiểm tra từng mảnh một trong vài tuần lễ, người Mỹ có thể hiểu chính xác những gì các máy bay này có thể làm được, Trimble nói.
Roger Connor, người curator (giám tuyển?) hàng không của Viện Smithsonian nhận xét rằng MiG -25, loại siêu chiến đấu cơ mà Ngũ giác đài đã từng sợ hãi thật ra không đáng sợ. Ông Connor nói “đó là một chiếc máy bay đắt tiền, cồng kềnh, và đặc biệt thiếu hiệu quả trong chiến đấu.”
Khi được nhìn tận mắt, bắt tận tay, phương Tây thấy rằng chiếc MiG mà mình đã rất lo ngại hóa ra là một con cọp giấy. Hệ thống radar khổng lồ của nó đã lạc hậu so với radar Mỹ rất nhiều. Trong khi Mỹ dùng transitor, radar của MiG 25 còn xài các bóng đèn chân không (vacuum tube) cổ lỗ sĩ. Các động cơ khổng lồ đòi hỏi nhiều nhiên liệu đến mức tầm bay của MiG ngắn đến đáng ngạc nhiên. Nó có thể cất cánh nhanh chóng, và bay theo một đường thẳng rất nhanh để phóng phi đạn hoặc chụp ảnh. Chỉ có thế!
Chiếc MiG mà Liên Xô đã giấu kín trong nhiều năm sau đó đã được lắp lại một phần, và được chất lên một chiếc thuyền để trả lại cho Liên Xô. Lô hàng này được kèm theo một hóa đơn. Người Nhật đã tính tiền Liên Xô 40.000 đô la cho chi phí vận chuyển và thiệt hại mà Belenko đã gây ra tại sân bay Hakodate.
Belenko đã không về Liên Xô cùng với chiếc máy bay của mình. Anh ta được phép đến Hoa Kỳ – và được đích thân Tổng thống Jimmy Carter cho nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Tại Mỹ, Belenko trở thành kỹ sư hàng không và một cố vấn của Không quân Mỹ.
Căn cước quân nhân của Belenko và những ghi chú mà anh viết nguệch ngoạc trên một miếng lót đầu gối khi bay trên Biển Nhật Bản hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng CIA ở Washington DC.
Về sau này, người ta được biết thiết kế của MiG – 25 đã được sửa đổi rất nhiều để tạo ra MiG-31, một máy bay chiến đấu tốt hơn rất nhiều. MiG-31 được đưa vào sử dụng vài năm trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và hàng trăm chiếc hiện vẫn đang tuần tra biên giới rộng lớn của Nga. Các nhà quan sát phương Tây đã có rất nhiều cơ hội để thấy MiG-31 tại các cuộc trình diễn airshow, tuy phần lớn các chi tiết về loại máy bay này vẫn được bảo vệ kỹ.
Đến nay, chưa có thêm phi công Nga nào đào thoát và bay một chiếc MiG-31 sang một đất nước khác.
Đỗ Quân (sưu tầm & tổng hợp)