3 ngư dân TQ chết vì va chạm với Hàn Quốc
Ba ngư dân Trung Quốc đã chết vì cháy trên tàu sau khi cảnh sát biển Hàn Quốc đã lên tàu của họ.
Những người này bị nghi đánh cá trái phép.
Họ bị mắc kẹt trong lửa sau khi cảnh sát biển Hàn Quốc ném lựu đạn khói lên thuyền nơi họ đang trốn.
Một viên chức nói họ chết vì nghẹt khói và đang tiến hành giảo nghiệm.
14 người khác sống sót và đang bị giới chức thẩm vấn.
Vụ việc xảy ra khi một tàu tuần duyên trông thấy tàu đánh cá ở vùng biển Hàn Quốc và yêu cầu tàu dừng lại.
Một cảnh sát biển nói các ngư dân không nghe lệnh và tàu vẫn đi.
Phía Hàn Quốc ném lựu đạn khói lên và xảy ra đám cháy.
Lựu đạn khói không gây chết người, tạo ra tiếng nổ to cùng ánh sáng chói lóa để làm tê liệt việc nhìn và nghe.
Trung Quốc đã yêu cầu điều tra đầy đủ và Hàn Quốc cũng nói họ đang điều tra.
Tàu Trung Quốc được phép đánh cá trong vùng biển Hàn Quốc nếu có giấy phép.
Nhưng đánh cá phi pháp đã trở thành vấn đề căng thẳng giữa hai nước những năm gần đây.
Người Do Thái phê phán Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte so sánh chiến dịch chống ma túy của ông với cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã.
Ông tuyên bố sẽ giết người nghiện nhiều như Hitler giết người Do Thái.
“Hitler tàn sát ba triệu người Do Thái…Có ba triệu người nghiện ma túy. Tôi sẵn sàng tàn sát chúng.”
Ít nhất sáu triệu người Do Thái và nhiều người thiểu số đã bị Đức Quốc Xã giết.
Ông Duterte đang tiến hành cuộc chiến đẫm máu chống người nghiện và buôn ma túy từ khi nắm quyền tháng Sáu.
Con số chính thức nói hơn 3.000 người bị giết vì cảnh sát hoặc băng đảng.
Thi thể những người bị giết thường bị bỏ nơi công cộng, với biển ghi tội danh cáo buộc với họ.
Tổng thống đã công khai nói ông sẽ giết “100.000 tội phạm” để giảm tội ác ở Philippines.
Ông Duterte phát biểu tại Davao, nơi ông từng làm thị trưởng và tiến hành chính sách chống tội phạm cứng rắn, và cũng bị tố cáo cho phép các đội ám sát để giết tội phạm.
Ông nói với các phóng viên rằng ông từng “được mô tả như anh em họ của Hitler”.
Con số gần đây nhất tại Philippines, công bố tuần này, nói số người dùng ma túy ở nước này khoảng 1,8 triệu, chiếm 1.8% dân số, theo trang tin địa phương Rappler.
Bình luận của ông Duterte bị các nhóm Do Thái chỉ trích, theo Reuters.
“Ông Duterte nợ lời xin lỗi vì ngôn ngữ ghê tởm,” theo lời Giáo sĩ Do Thái Abraham Cooper, tại trung tâm Simon Wiesenthal ở Mỹ.
Nhóm Do Thái ở Mỹ, Anti-Defamation League, nói bình luận “không phù hợp và xúc phạm sâu sắc”.
Ông Duterte cũng dùng diễn văn để một lần nữa tố cáo phương Tây đạo đức giả khi chỉ trích chiến dịch của ông.
“Mỹ, EU. Quý vị có thể gọi tôi là bất kỳ thứ gì. Nhưng tôi chưa bao giờ đạo đức giả như quý vị.”
“Có người tị nạn trốn từ Trung Đông. Quý vị để họ thối rữa, và rồi lại lo ngại vì cái chết của 1.000, 2.000, 3.000 người?”
Bí thư Quảng Châu bị tù chung thân
Tòa án Trung Quốc kết án chung thân với cựu bí thư thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương vì tội tham nhũng.
Trong khi đó, cựu bí thư thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, cũng bị kết án 12 năm tù vì tội nhận hối lộ.
Cựu bí thư thành ủy Quảng Châu bị kết tội nhận 110 triệu nhân dân tệ trong 14 năm để giúp người đưa hối lộ được cất nhắc và phê chuẩn dự án.
Theo cáo trạng, ông nhận hối lộ từ 15 công ty và cá nhân từ 2000 đến 2014, ở trong các vị trí khác nhau tại tỉnh Quảng Đông.
Còn cựu bí thư thành phố Tế Nam Vương Minh bị kết án 12 năm tù vì nhận 18 triệu nhân dân tệ, trực tiếp hoặc qua người thân, cho dự án bất động sản hoặc cất nhắc vị trí.
Tòa nói cần thu hồi 2 triệu nhân dân tệ từ tài sản của ông này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở chiến dịch chống tham nhũng từ khi nắm quyền gần bốn năm trước.
Pháp ‘tham gia đánh IS’ ở Iraq
Pháp bắt đầu tiến hành hoạt động không quân tại Iraq từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, tin tức cho biết.
Nhiều máy bay Rafale đã cất cánh từ tàu sân bay đầu giờ sáng thứ Sáu, theo hãng tin AFP.
Charles de Gaulle, tàu sân bay duy nhất của Pháp, được gửi đến khu vực đầu tháng Chín.
Đây là sứ mạng thứ ba với liên quân do Mỹ dẫn đầu từ khi Pháp tăng cường quân sự sau các vụ tấn công Paris tháng Giêng 2015.
Quân Iraq đã có lợi thế trong trận chiến giành Mosul, bị IS chiếm từ tháng Sáu 2014, và dự kiến sẽ tấn công để sớm giành lại thành phố.
AFP dẫn lời một sĩ quan trên tàu nói rằng máy bay sẽ tham gia tấn công Mosul, cứ điểm của IS ở Iraq.
Nhưng một viên chức quốc phòng Pháp nới với AP rằng đây không phải là “bắt đầu” cho trận đánh giành Mosul.
Những phát ngôn mạnh miệng của ông Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nổi tiếng là người mạnh miệng nói ra những điều mà nhiều người coi là không thể nói ra.
Nhưng cách nói ồn ào và hồ sơ chống tội phạm của ông khiến ông được lòng nhiều người dân Philippines.
Dưới đây là một số tuyên bố gây tranh cãi của ông:
Ca ngợi Hitler
Với hầu hết các lãnh đạo chính trị, việc ca ngợi Adolf Hillter là điều khó tưởng. Nhưng với ông Duterte thì không. Ông đã so sánh chiến dịch chống ma túy tàn khốc của mình với việc diệt chủng người Do Thái, và nói ông sẽ giết những con nghiện ma túy với số lượng nhiều như Hitler đã giết người Do Thái.
Trong lời bình luận làm dấy lên sự tức giận trên toàn cầu, ông nói với các phóng viên rằng ông đã “được khắc họa thành người bà con với Hitler” bởi một số người chỉ trích ông.
“Hitler thảm sát ba triệu người Do Thái. Nay đang có ba triệu kẻ nghiện hút. Tôi lấy làm vui vẻ giết chết chúng,” ông nói.
“Ít nhất Đức còn có Hitler. Philippines thì không.”
Ông Duterte, người có số liệu sai, bởi thực ra Hitler đã thảm sát sáu triệu người Do Thái, nói rằng ông muốn “chấm dứt vấn nạn của đất nước và cứu thế hệ sau”.
Sỉ nhục Tổng thống Hoa Kỳ
Với việc Trung Quốc và Philippines có những tranh cãi trong vấn đề lãnh thổ, về mặt thông thường lẽ ra ông Duterte sẽ cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với đồng minh hùng mạnh nhất của ình là Hoa Kỳ.
Thế nhưng thay vào đó, trước khi có cuộc gặp mặt ở Lào, ông đã gọi ông Barack Obama là “con của con điếm” khi nghe tới những nhận xét theo đói nói vị tổng thông Hoa Kỳ có thể sẽ chất vấn ông về các vấn đề nhân quyền.
Ông về mặt nào đó thì ít nhất cũng đã tránh được việc phải đề cập tới chủ đề này. Ông Obama đã hủy cuộc gặp và nói ông muốn có “những cuộc thảo luận mang tính xây dựng, thiết thực hơn”.
Giơ tay ra dấu chửi EU
Khi EU cũng thúc giục chính phủ ông phải điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền, ông Duterte đã tức giận và giơ ngón tay giữa lên với Brussels.
“Tôi đã đọc lời cáo buộc của Liên hiệp Âu châu,” ông tổng thống nói với các doanh nhân tại Davao hôm 20/9, trước khi chửi thề.
Gọi EU là những kẻ đạo đức giả, ông Duterte nói các quốc gia thành viên như Anh hay Pháp dám “mặt dày mày dạn lên án tôi” bất chấp việc tổ tiên họ thời thuộc địa đã giết chết “hàng ngàn người Ả-rập”.
Ông nói EU chỉ đơn giản là muốn cố tìm cách “chuộc lỗi” về tội ác của mình và “cảm thấy tội lỗi” về việc đã chiếm đóng các nước khác trong quá khứ.
Bảo vệ việc giết chết các đối tượng dính dáng đến ma túy
Việc gia tăng nhanh chóng các vụ sát hại những đối tượng bị cho là buôn bán và sử dụng ma túy dưới thời ông Duterte không phải là điều gây ngạc nhiên – ông trong quá trình vận động tranh cử đã cam kết sẽ làm mạnh tay. Đến nay, hàng ngàn người được cho là đã bị giết chết, ông vẫn tiếp tục không dừng.
Cũng không phải là điều gì bất ngờ, người đàn ông từng nói sẽ giết chết cả con mình nếu biết con dùng ma túy không có dấu hiệu chấm dứt chiến dịch này.
“Mạng sống của 10 kẻ tội phạm đó có thực sự là vấn đề không? Nếu như tôi là người phải đối diện với nỗi đau này, thì 100 mạng sống của những kẻ ngu ngốc đó có đáng gì đối với tôi không?” ông nói.
Khi các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói việc ông khuyến khích giết chết những người dính dáng tới ma túy là “tội ác, theo luật quốc tế”, ông đáp trả bằng cách gọi các chuyên gia là “ngu ngốc” và dọa rút khỏi Liên Hiệp Quốc. Sau đó ông nói lời đe dọa của ông chỉ là lời nói đùa.
Cam kết giết chết 100 ngàn tội phạm
Ông Duterte thắng cuộc đua tổng thống bởi ông đã thành công trong việc giảm bớt tình trạng tội phạm khi ông làm thị trưởng Davao.
Trong nỗ lực chống lại các lực lượng nổi dậy thuộc phe cộng sản, Davao đã trang bị vũ khí do người dân trở thành dân quân, những người đã trở thành các biệt đội tử thần chuyên nhằm vào những đối tượng bị coi là mối đe dọa cho trật tự công cộng. Đây là cách làm mà ông Duterte hứa hẹn sẽ nhân rộng ra một khi ông trở thành tổng thống.
“Hãy quên đi luật nhân quyền. Nếu tôi nắm phủ tổng thống, tôi sẽ làm những gì tôi đã làm khi còn là thị trưởng. Những kẻ buôn bán ma túy, những kẻ chỉ nói miệng mà không làm gì thì hãy ra đi đi. Bởi vì tôi sẽ giết chết các người,” ông nói trong cuộc diễn thuyết tranh cử cuối cùng. “Tôi sẽ tống hết các người vào Vịnh Manila để nuôi cá.”
Ông cũng nói ông sẽ trao cho cá nhân ông cùng các thành viên lực lượng có vũ trang quyền miễn trừ truy tố khi rời nhiệm sở. Ông nói: “Lệnh ân xá được trao cho Rodrigo Duterte về tội giết người hàng loạt, do Rodrigo Duterte ký.”
‘Giỡn’ về việc hãm hiếp và giết người
“Tôi đã nhìn thấy mặt cô ấy và tôi nghĩ ‘Tiếc quá… chúng nó hiếp cô ấy rồi, tất cả chúng nó xếp hàng. Tôi tức điên vì cô ấy bị hãm hiêp, bởi cô ấy quá xinh đẹp. Tôi nghĩ, thị trưởng lẽ ra phải là đầu tiên.”
Đó là những gì ông Duterte nói tại cuộc tập hợp vận động liên quan tới cuộc bạo động ở nhà tù tại Davao hồi 1989, dẫn đến vụ các tù nhân hãm hiếp và giết chết một nữ truyền giáo người Úc.
Sau khi nói rằng đó chỉ là “cách những người đàn ông nói”, văn phòng ông đã ra lời xin lỗi.
Bôi nhọ Giáo hoàng
“Chúng tôi bị tác động về vấn đề giao thông. Đi mất năm giờ đồng hồ. Tôi hỏi tại sao, họ nói là tại phố đóng. Tôi hỏi có ai tới vậy. Họ nói Giáo hoàng. Tôi muốn gọi điện cho ông ấy để nói: ‘Giáo hoàng, con của con điếm, xéo về nhà đi. Chớ có tới thăm chúng tôi nữa.”
Ngay cả việc chửi thề về Giáo hoàng ở một đất nước theo Thiên chúa giáo mạnh mẽ như Philippines cũng không làm tổn hại tới chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Duterte, người khi đó nói ông sẽ tới Vatican để xin được tha thứ, nhưng sau đó đã viết thư cho Giáo hoàng.
Cưỡi mô tô dưới nước ở Biển Đông
“Tôi sẽ cưỡi mô tô dưới nước, mang theo lá cờ Philippines.”
Manila đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề, ông Duterte từng hứa sẽ một mình đi tới sân bay mà Trung Quốc đã xây trên đảo được bồi đắp nhân tạo, cắm cờ Philippines lên đó và nói: “Đây là của chúng tôi. Các người muốn làm gì tôi thì làm.”
Trump bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Cuba
Ứng viên Hillary Clinton nói rằng đối thủ Donald Trump dường như đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, sau khi một tờ báo cho hay ông vi phạm lệnh cấm vận thương mại với Cuba.
Newsweek tường thuật công ty của ông Trump đã bí mật tiến hành kinh doanh tại Cuba, vi phạm lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với nước này.
Công ty của ông Trum bị cáo buộc đã chi ít nhất 68.000 đôla ở Cuba trong năm 1998.
Kellyanne Conway, phát ngôn viên của ông Trump, cho biết số tiền đã không được trả, và rằng ông phản đối những giao dịch với Cuba.
Ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố ông khước từ lời mời đầu tư vào Cuba.
Bài trên Newsweek cho biết công ty của ông Trump chuyển tiền mặt qua một công ty tư vấn Mỹ để giao dịch này dường như đúng pháp luật.
Bà Clinton nói: “Những nỗ lực tiến vào thị trường Cuba của ông Trump đặt quyền lợi kinh doanh của ông lên trên pháp luật, các giá trị và các chính sách của Hoa Kỳ. “
‘Quy tắc’
Marco Rubio, thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba, người ủng hộ ông Trump nói: “Nếu việc đó diễn ra đúng như vậy thì đó là hành vi vi phạm pháp luật Mỹ.”
“Tôi hy vọng chiến dịch Trump sẽ đưa ra bằng chứng và phản hồi một số câu hỏi về chuyện này.”
“Vì nếu những gì bài báo nói là đúng – và tôi không khẳng định như vậy, chúng ta không biết chắc 100% – tôi sẽ quan ngại sâu sắc về chuyện này,” ông nói.
Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Bắc Mỹ, phân tích: “Đừng đụng tới cộng đồng người Cuba tại Florida. Đó là một trong những quy tắc không thể bị phá vỡ mà các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã tuân theo kể từ thời Fidel Castro – và bây giờ một quy tắc khác mà Donald Trump dường như đã phá vỡ.
Các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa chiều theo lợi ích của nhóm người Mỹ gốc Cuba tại một bang còn dao động về lá phiếu như Florida.
Đầu tuần này, ứng viên đảng Cộng hòa đã có chuyến thăm tốt đẹp với cộng đồng người Mỹ gốc Cuba ở Little Havana tại Miami và uống cà phê tại nhà hàng Versailles – giống như những ứng viên tiền nhiệm của ông. Tuy vậy, những nỗ lực của ông có thể trở thành công cốc bởi những hành vi trong quá khứ”.
Người tị nạn tại Mỹ hội nhập với cộng đồng
Hơn một nửa số người tị nạn định cư ở Hoa Kỳ mỗi năm đến từ các nước nông nghiệp. Và họ mang đến những kỹ năng giá trị khi tái thiết cuộc sống ở những cộng đồng mới. Thông tín viên June Soh đã gặp một số người nông dân tị nạn đang gây dựng cuộc sống mới ở Charlottesville, Virginia.
Mỗi sáng thứ Năm, ông Dhan Subba và những người nông dân tị nạn khác rửa và phân loại các loại rau vừa thu hoạch.
Ông Subba cho biết:
“Tôi thích làm việc ở nông trang bởi vì tôi có thể tự nuôi trồng thực phẩm và ăn uống lành mạnh.”
Người đàn ông Bhutan này sống tại trại tị nạn ở Nepal 18 năm trước khi được nhận vào Mỹ cách đây 6 năm.
Ông nói: “Tôi thấy vui khi có thể sử dụng những kỹ năng mà tôi học được từ việc trồng trọt ở Nepal và tôi có thể áp dụng ở đây.”
Subba và những người tị nạn khác từ khắp nơi trên thế giới đang tham gia chương trình New Roots của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế IRC. Chương trình sử dụng những lô đất trống ở các khu vực đô thị để trồng trọt trên quy mô nhỏ. Chương trình này đã bắt đầu 10 năm trước ở San Diego, bang California, rồi lan rộng ra hơn 20 thành thị trên cả nước, kể cả Charlottesville, bang Virginia.
Ông Brooke Ray, giám đốc điều hành IRC khu vực Charlottesville, cho biết:
“Chương trình New Roots thực sự có nhiều phần khác nhau. Trước hết, nó là cơ hội cho mọi người sử dụng các kỹ năng vườn tược và trồng trọt mà họ đã có. Nhưng nó cũng là cơ hội để mọi người gặp gỡ láng giềng và tương tác với cộng đồng, mang về những thực phẩm lành mạnh. Giờ đây, chúng tôi có gần 3.5ha trên toàn thành phố.”
Những người nông dân này trồng nhiều nông phẩm – một số phổ biến ở xứ họ nhưng lại khó kiếm trong các siêu thị của Mỹ.
Trong chương trình New Roots, IRC cũng mở chương trình Micro Producer Academy, nơi những người tị nạn có thể học kỹ năng làm trang trại bền vững và các kỹ năng kinh doanh nhỏ, tạo thêm nguồn thu nhập.
Ông Ray cho biết:
“Những gì chúng tôi làm là lấy những kỹ năng và hiểu biết mà mọi người có và bàn xem làm cách nào để áp dụng tại Mỹ. Nhiều người từng trồng trọt trên diện tích rộng, và ở đây họ phải trồng trọt trên diện tích rất nhỏ. Chúng tôi cũng trao đổi về tiếp thị, giá thành, và các mùa vụ ở Mỹ.”
Những người nông dân tị nạn này trực tiếp bán sản phẩm của họ cho các nhà hàng địa phương.
Một đầu bếp tên là Adams Spaar chia sẻ:
“Nông sản của họ đặc biệt. Có thể thấy rằng họ đã bỏ rất nhiều thời gian, chăm sóc và tình cảm vào những thứ họ trồng.”
Họ cũng biến những khoảng đất trống thành một khu chợ tấp nập hàng tuần, nơi những người láng giềng thu nhập thấp, đặc biệt là những người tị nạn, có thể mua sản phẩm tươi với giá cả phải chăng. Nhưng họ không phải là những khách hàng duy nhất.
Một khách hàng tên Jane Ray cho biết:
“Tôi đến đây hàng tuần. Rau rất tươi ngon. Tôi có rất nhiều công thức nấu ăn để sử dụng chúng, và giá cả đều cực kỳ hợp lý.”
Những người tị nạn này có thể không bỏ việc để trồng trọt toàn thời gian, cô Brooke Ray cho biết, nhưng chương trình vừa kể giúp họ xây dựng nền tảng vững chắc ở những cộng đồng mới.
Clinton, Trump không gây quỹ nhiều tại Thung lũng Silicon
Trong mùa bầu cử Mỹ, các ứng cử viên cố gắng gây quỹ trên cả nước để thắng cử. Cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều quyên được ít tiền hơn ông Obama cách đây 4 năm trong lĩnh vực công nghệ cao trên toàn quốc. Thung lũng Silicon trải dài từ San Francisco đến San Jose là một khu vực nổi danh về công nghệ và cải tiến.
Tại sao cả hai ứng cử viên Trump và Clinton đều làm không tốt bằng ông Obama? VOA ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp ở thung lũng Silicon.
Khi nói đến chính trị, nhiều người ở Thung lũng Silicon chia sẻ những quan điểm tương đồng.
Ông Trevor Traina, sáng lập viên và là CEO của công ty Ifonly, cho biết:
“Silicon Valley theo dõi cả hai ứng cử viên, và tôi nghĩ có sự lưỡng lự giữa cả hai.”
Ông Tim Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm, nói:
“Không ai trong số hai ứng cử viên đó tiếp cận với tôi.”
Những chia sẻ này có thể giải thích vì sao cả hai ứng cử viên đều không quyên được nhiều tiền ở lĩnh vực công nghệ cao trên toàn quốc như ông Obama và ông Mitt Romney trong cuộc đua tranh chức Tổng thống 4 năm trước.
Cô Gisel Kordestani, đồng sáng lập của công ty Crowdpac, nói:
“Cùng thời điểm này khi đó, ông Obama đã quyên được hơn 10 triệu đôla và ông Mitt Romney là hơn 3 triệu.”
Trong khi đó, cô Gisel Kordestani thuộc Crowdpac so sánh, bà Clinton cho tới nay mới quyên được 6 triệu đôla và ông Trump chỉ quyên được 225 ngàn đôla trong lĩnh vực công nghệ cao.
Bà Harmeet Dhillon, Chủ tịch Ủy ban Cộng hòa Toàn quốc từ California, cho biết:
“Sở dĩ ông Trump quyên ít tiền hơn bà Clinton là vì ông ấy không đặt vấn đề. Rất đơn giản, và đó là một chiến lược. Ông ấy đã thực hiện chiến dịch tranh cử rất khác trong cuộc bầu cử sơ bộ. Ông ấy đã được hàng tỉ đôla từ truyền thông qua các hoạt động có tổ chức. Ông ấy không phải trả tiền để được chú ý. Và thậm chí ở giai đoạn này của cuộc bầu cử, ông ấy cũng không phải mất tiền để được truyền thông chú ý.”
Cô Kordestani cho biết nhiều chuyên gia công nghệ ở Thung lũng Silicon đã ủng hộ các ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa từng có mặt trong cuộc đua này.
Cô nói:
“Chúng tôi thấy khá nhiều nhà tài trợ đóng góp cho các ứng cử viên như Marco Rubio, Carly Fiorina và Jeb Bush nhưng không cho ông Trump. Tôi cho rằng ông ấy chưa cộng hưởng tốt với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao vốn tương đối bảo thủ.”
Ông Trevor Traina, sáng lập viên của IfOnly, một thị trường cho mọi người mua kinh nghiệm, đã tổ chức một buổi gây quỹ cho ứng cử viên tổng thống Jeb Bush và góp tiền cho chiến dịch của ông ấy.
Ông Traina nói:
“Tôi nghĩ lợi thế chính của việc quyên góp cho những người này là mình sẽ có thể nhận được vài phút thời gian của họ, và có thể giới thiệu với họ những chủ đề mà mình nghĩ là quan trọng và cố gắng rót vào tai họ. Tôi cho rằng một lý do khác khiến người ta đóng góp là họ muốn đạt được kết quả gì đó. Họ hy vọng ai đó thắng hay ai đó thua.”
Traina chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. Ông và những người khác ở khu công nghệ cao Silicon cho rằng các ứng cử viên và vị Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ cần chú ý đến Thung lũng Silicon.
Ông Traina tiếp lời:
“Các đại công ty hiện nay thật sự rất lớn. Apple, Microsoft, Facebook. Đó là một số những tập đoàn lớn nhất trên thế giới hiện nay. Đó là điều mới mẻ cho Thung lũng Silicon.”
Một số nhà phân tích nói rằng gần tới ngày bầu cử, mọi người sẽ bắt đầu quyết định bầu cho ai và thậm chí có thể đóng góp vào chiến dịch của người đó với hy vọng thay đổi chính quyền.
Hàn Quốc dời hệ thống phòng thủ THAAD đến sân golf
Hàn Quốc vừa công bố một địa điểm mới để đặt một đơn vị phòng thủ phi đạn tiên tiến của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 30/9 cho biết họ dự định đặt hệ thống Phòng thủ Khu vực Cao độ Giai đoạn cuối (THAAD) trên một sân golf.
Đầu năm nay, Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý đặt hệ thống THAAD tại một căn cứ phi đạn ở huyện Seongju vùng nông thôn, phía đông nam thủ đô Seoul.
Tuy nhiên cư dân địa phương đã phản đối, nói rằng hệ thống THAAD gây nên những lo ngại về sức khỏe và môi trường và làm cho khu vực này trở thành mục tiêu tấn công của Bắc Hàn.
Bắc Hàn đã đe dọa sẽ phát động một cuộc tấn công trả đũa chống lại việc triển khai THAAD, và biến miền Nam “thành biển lửa và đống tro tàn.”
Địa điểm mới là trên một sân golf thuộc sở hữu của chuỗi cửa hàng bán lẻ Lotte, cách căn cứ không quân 18 kilômét về phía bắc.
Washington và Seoul đã đồng ý triển khai THAAD trong năm nay sau những vụ thử hạt nhân và phi đạn thường xuyên của Bắc Hàn.
Trung Quốc phản đối việc đặt hệ thống THAAD trong khu vực này, nói rằng radar của nó có khả năng do thám lãnh thổ của Trung Quốc.
THAAD sử dụng giàn phóng di động và những phi đạn được trang bị công nghệ tìm kiếm hồng ngoại chính xác để đánh chặn phi đạn bay tới của đối phương sau khi bay vào lại từ độ cao lớn trong giai đoạn bay cuối của nó.
Hệ thống phòng thủ phi đạn này tại Hàn Quốc sẽ chống lại một số phi đạn trong kho vũ khí của Bắc Hàn một cách hữu hiệu, bao gồm phi đạn Scud tầm ngắn và phi đạn Nodong và Musudan tầm trung.
Những người chỉ trích chỉ ra rằng ở Seoul và những khu vực khác gần biên giới liên Triều, THAAD có hiệu quả hạn chế đối với một số phi đạn tầm ngắn và đạn pháo của Bắc Hàn không bay vào khí quyển tầng trên.
Nhưng những người ủng hộ nói THAAD là một phần trong một chương trình răn đe lớn hơn cần phải có để đối phó với khả năng hạt nhân và phi đạn đang tiến triển Bắc Hàn.
Hòa ước giữa Afghanistan
và lãnh chúa Hekmatyar bắt đầu có hiệu lực
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chính thức ký với hiệu lực chấp hành một hòa ước được nói đến nhiều với một lãnh chúa người sắc tộc Pastun là người đã được Hoa Kỳ liệt kê trong danh sách “khủng bố toàn cầu”.
Lãnh chúa đang lẩn trốn Gulbuddin Hekmatyar phát biểu trong buổi lễ ký kết được tổ chức tại dinh tổng thống ở Kabul qua một đường dẫn video đặc biệt. Ông Hekmatyar nói hòa bình là tốt nhất cho Afghanistan.
“Tiếp tục chiến tranh không có lợi cho người Afghanistan, nhưng là lợi ích của những kẻ thù trong và ngoài nước của Afghanistan.”
Ông Hekmatyar ký hòa ước nhân danh phe Hezb-i-Islami-Gulbuddin (HIG) của ông. Tổng thống Ghani ký tắt vào tài liệu giữa lúc hàng triệu người xem trực tiếp truyền hình sự kiện lịch sử này.
Tổng thống Ghani và Trưởng quan Hành chính Abdullah, trong hai bài diễn văn riêng rẽ đọc tại buổi lễ, nói thỏa thuận bảo đảm là tất cả các quyền hiến định cho người dân Afghanistan được bảo vệ.
Hòa ước có nghĩa là các chiến binh của ông Hekmatyar ngưng ngay tức khắc các hành động thù nghịch. Để đáp lại, chính phủ sẽ có nghĩa vụ ban các quyền chính trị hoàn toàn cho tổ chức của ông Hekmatyar và làm việc để dỡ bỏ các chế tài Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc áp đặt lên ông Hekmatyar và các đồng đội.
Hòa ước là bước đầu tiên có ý nghĩa tiến đến việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Afghanistan hiện đang ở năm thứ 15.
Thổ Nhĩ Kỳ bịt miệng truyền thông?
Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh đóng cửa 20 đài truyền hình và đài phát thanh, trong đó có một đài phát sóng những chương trình dành cho trẻ em, về cáo buộc “tuyên truyền khủng bố.” Diễn biến này càng khơi lên nỗi lo sợ rằng tình trạng khẩn cấp đang được sử dụng để bóp nghẹt giới truyền thông.
Tổng thống Tayyip Erdogan nói rằng ông muốn tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng, được áp đặt sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng bảy, sẽ kéo dài qua tháng 10 để chính quyền có thể diệt trừ mối đe dọa của một phong trào tôn giáo bị quy trách về âm mưu đảo chính, cũng như những phần tử chủ chiến người Kurd đã phát động một cuộc nổi dậy suốt 32 năm qua.
Hamza Aktan, biên tập viên tin tức tại đài truyền hình IMC nói với hãng tin Reuters rằng vụ đóng cửa này không liên quan gì tới cuộc đảo chính, mà là một nỗ lực nhằm bịt miệng những cơ quan truyền thông độc lập cuối cùng đưa tin về vấn đề người Kurd và những vi phạm của nhà nước.
Trong số 12 kênh truyền hình bị đóng cửa có kênh truyền hình Govend phát nhạc dân gian, và kênh truyền hình Zarok chiếu phim hoạt hình trẻ em bằng tiếng Kurdish. Quyết định này cũng đóng cửa 11 đài phát thanh bị cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia, theo lời ông Aktan.
Một quan chức của Hội đồng tối cao Phát thanh và Truyền hình, là cơ quan giám sát của nhà nước, xác nhận 20 đài đã bị đóng cửa.
Ông Erdogan lập luận tình trạng khẩn cấp đang giúp chính quyền nhanh chóng nhổ tận gốc những người ủng hộ cuộc nổi dậy của quân đội bằng cách qua mặt quốc hội để ban hành luật, và tạm ngưng thực thi một số quyền căn bản.
Hà Lan chỉ trích Nga liên quan tới MH17
Bộ Ngoại giao Hà Lan hôm thứ Sáu đã triệu tập đại sứ của Nga ở thành phố The Hague để kháng nghị ngoại giao sau khi Moscow đưa ra những phát biểu chỉ trích cuộc điều tra hình sự vụ máy bay MH17 của hàng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders cho biết phản ứng của Nga về kết luận của cuộc điều tra “gây hoài nghi về tính chính trực, chuyên nghiệp và độc lập” của những nhà điều tra.
“Đại sứ Nga đã được giải thích để hiểu rằng những chỉ trích vô căn cứ như vậy là không thể chấp nhận được,” bộ ngoại giao Hà Lan cho biết trong một tuyên bố.
Đầu tuần này, một nhóm những nhà điều tra quốc tế đã trình bày những kết luận cho thấy một giàn phóng phi đạn dùng để bắn hạ máy bay MH17 trên vùng trời đông Ukraine vào năm 2014 xuất phát từ Nga và sau đó được đưa trở về Nga. Nga đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Nga: Không có khung thời gian cho hoạt động quân sự tại Syria
Điện Kremlin hôm thứ Sáu cho hay không có khung thời gian cho những hoạt động quân sự của Nga tại Syria.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc họp báo rằng kết quả chính của những cuộc không kích của Nga nhắm vào những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria trong năm qua là “Nhà nước Hồi giáo, al Qaida hay Mặt trận Nusra, không ai trong số này đang ngồi ở Damascus.”
Ông cũng cho biết thông tin về những trường hợp thường dân tử vong ở thành phố Aleppo lớn nhất của Syria, được cung cấp bởi Đài quan sát Nhân quyền Syria đặt tại London, không thể được xem là đáng tin cậy.
Lãnh đạo 70 quốc gia tham dự
lễ tang giải Nobel Hòa bình Shimon Peres
Hôm nay 30/09/2016, cựu tổng thống Israel Shimon Peres, giải Nobel Hòa bình năm 1984, đã được an táng tại nghĩa trang quốc gia trên đồi Herzl. Lãnh đạo hơn 70 quốc gia tới Jerusalem tham dự tang lễ. Tổng thống Hoa Kỳ ca ngợi Shimon Peres là một “ nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX ”, cùng với những con người như Nelson Mandela, đồng thời nhấn mạnh nền hòa bình giữa Israel và Palestine – mà Shimon Peres là người thúc đẩy – vẫn còn “ chưa thành tựu ”.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton có bài điếu văn đầy xúc động. Bill Clinton – người từng làm việc cùng Shimon Peres về thỏa thuận Oslo nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà nước Palestine – nhận xét : Shimon Peres là người chưa bao giờ từ bỏ niềm tin, cho dù nhiều khi ông bị đánh giá là người quá mơ mộng ngây thơ, nhưng cựu tổng thống Israel là người hiểu chính xác những điều ông làm. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có bài điếu văn khẳng định di sản của vị tổng thống, vốn là đối thủ chính trị của ông, để rồi sau này trở thành bạn tâm giao.
Tham dự lễ tang giải Nobel Hòa bình Shimon Peres có nguyên thủ Pháp François Hollande, tổng thống Đức Joachim Gauck, vua Tây Ban Nha Felip VI hay thủ tướng Ý Matteo Renzi… Sự hiện diện của tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại lễ tang được truyền thông đặc biệt chú ý.
Tổng thống Palestine đã có một cuộc gặp ngắn ngủi với thủ tướng Israel, nhưng được đánh giá là rất quan trọng, bởi không có một nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ các nước Ả Rập nào tới Jerusalem. Hai ông Abbas và Netanyahu bắt tay và trao đổi một vài câu. Đối với những người lạc quan, cuộc gặp này làm sống lại hy vọng vào việc khởi động trở lại tiến trình đàm phán hòa bình, vốn bị đình chỉ từ năm 2014, trong bối cảnh người Palestine lên án chính sách tái định cư của người Do Thái tại vùng Cisjordanie.
Tang lễ cựu tổng thống Shimon Peres kéo dài hơn ba giờ, và kết thúc vào lúc 13 giờ, giờ địa phương trong tiếng đàn và giọng hát của ca sĩ David D’or, nghệ sĩ mà Shimon Peres sinh thời rất yêu mến.
Trung Quốc : Tập Cận Bình củng cố thế lực trước Đại hội đảng
Một năm trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc họp Đại hội bầu lãnh đạo mới, chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách làm giảm bớt thế lực của phe đối địch, đồng thời đưa người của ông vào ban lãnh đạo tối cao, theo các nguồn tin thân cận với giới cầm quyền Trung Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn hôm nay, 30/09/2016.
Cụ thể, ông Tập Cận Bình đang cố ngăn chận phe của Đoàn Thanh niên Cộng sản chiếm đa số trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, cơ chế lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, nhân kỳ Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới(2017). Một thời có thế lực rất mạnh, phe này nay đang cố duy trì ảnh hưởng, sau khi ngân sách hàng năm của Đoàn Thanh niên Cộng sản bị cắt giảm phân nữa trong năm nay. Báo chí Nhà nước cũng đã chỉ trích Đoàn Thanh niên Cộng sản là “ quá xa rời quần chúng ” và “ hoạt động thiếu hiệu quả ”. Ông Tập Cận Bình được cho là đứng đằng sau những lời đả kích và đòn tấn công nói trên.
Phe Đoàn Thanh niên Cộng sản hiện bao gồm các cựu thành viên và thành viên hiện nay. Tổ tổ chức này hiện có 88 triệu đoàn viên tuổi từ 14 đến 28. Đây vẫn là nơi xuất thân của nhiều quan chức của chính phủ và của Đảng, hay nói đúng hơn đây là bệ phóng của nhiều lãnh đạo cao cấp Trung Quốc trước đây. Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã từng là “ cứ địa ” của Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình ở các chức vụ chủ tịch Trung Quốc, tổng bí thư đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Trong số các ủy viên Ban thường vụ hiện nay, chỉ có ông Tập Cận Bình, 63 tuổi và thủ tướng Lý Khắc Cường (thuộc phe Đoàn Thanh niên Cộng sản), 61 tuổi, sẽ không đến tuổi phải về vườn sau kỳ Đại hội đảng năm tới. Theo dự báo của nhiều người thì cả hai ông đều sẽ tiếp tục giữ vị trí số một và số hai trong Ban thường vụ mới, còn 5 ủy viên còn lại sẽ phải rút lui, giống như những gì đã diễn trong những kỳ Đại hội trước.
Nếu ba ứng viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản, Phó chủ tịch Lý Nguyên Triều ( Li Yuanchao ), phó thủ tướng Vương Dương ( Wang Yang ) và bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa ( Hu Chunhua ) được bầu vào Ban thường vụ trong Đại hội đảng năm tới, phe này sẽ chiếm đa số trong cơ chế lãnh đạo tối cao và đây là điều mà ông Tập Cận Bình không thể chấp nhận được. Cả ba nhân vật nói trên đều là ủy viên Bộ Chính trị và theo các nguồn tin được Reuters trích dẫn thì dầu lãnh đạo họ Tập có làm gì đi nữa thì một trong ba người đó cũng sẽ lọt vào Ban thường vụ.
Chủ tịch Trung Quốc đang muốn đưa những người thân tín nhất vào Ban thường vụ mới để một mặt là giúp ông thúc đẩy các cải tổ kinh tế, mặt khác là từ nhóm người đó chọn ra một người kế nhiệm, tiếp tục con đường ông đã vạch ra.
Phe của ông Tập Cận Bình được gọi là phe Chiết Giang, nơi ông đã từng làm tỉnh trưởng và sau đó là bí thư tỉnh ủy từ 2002 đến 2007. Ông cũng được sự ủng hộ của thành phần gọi là “ thái tử đỏ ”, vì cũng giống như ông, những người này cũng là con cái của các lãnh đạo chính phủ, đảng và quân đội.
Hiện giờ chưa thể biết được là phe Chiết Giang sẽ có bao nhiêu người được bầu làm ủy viên Ban thường vụ mới, nhưng các nguồn tin do Reuters trích dẫn đã dự báo là có ít nhất hai nhân vật thân vận với Tập Cận Bình sẽ lọt vào cơ chế lãnh đạo tối cao : Chánh văn phòng trung ương Lật Chiến Thư ( Li Zhanshu ) và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế ( Zhao Leji ).
Tuy cố ngăn chận phe Đoàn Thanh niên kiểm soát Ban thường vụ, ông Tập Cận Bình cũng phải tránh để cho phe này bị thất thế quá nhiều, vì điều này sẽ gây thù chuốc oán thêm với Hồ Cẩm Đào và cũng sẽ phá vỡ sự hài hòa trong đảng. Chính vì vậy các nguồn tin do Reuters dự đoán là nhiều nhân vật thuộc phe Đoàn Thanh niên sẽ cất nhắc lên những chức vụ lãnh đạo cao cấp, tuy không nằm trong Ban Thường vụ.