Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ?(III)

Friday, September 30, 2016 7:38:00 PM // , ,

Bộ phận nào trong xã hội có thể đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa ?(III)
Thứ Sáu, 09/30/2016 – 10:48 — nguyenthituhuy
Phần này bàn đến vai trò và ý nghĩa của các tổ chức và các đảng phái chính trị trong công cuộc dân chủ hoá ở Việt Nam.
Trước khi bàn sâu vào vấn đề, cần làm sáng tỏ một điều : việc thành lập các tổ chức và các đảng phái chính trị là hoàn toàn hợp hiến ở Việt Nam.
Dưới đây là các điều khoản trong Hiến pháp 2013, hiến pháp hiện hành, làm chỗ dựa pháp lý cho nhận định trên :
Điều 2  
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.  
Điều 3  
Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Điều 25  
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp, nhân dân Việt Nam có quyền làm chủ, hơn thế, tất cả các quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, biểu tình. Các tổ chức và đảng phái chính trị trên thực tế cũng chính là các hội đoàn có nội dung hoạt động là chính trị. Người dân Việt Nam có quyền lập hội, lập các tổ chức với tất cả các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống, kể cả lĩnh vực chính trị. Điều này thuộc về quyền con người, quyền công dân.
Vì thế việc thành lập các đảng phái và các hội đoàn là hoàn toàn hợp hiến ở Việt Nam.
Nếu các quy định của hiến pháp không được hoặc chưa được luật hoá thì đó là lỗi của Quốc hội, là do sự yếu kém và bất lực của Quốc hội. Quốc hội được bầu ra để luật hoá những gì được quy định trong Hiến pháp, nếu Quốc hội không làm được điều đó thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Còn nhân dân được phép làm những gì thuộc về quyền hiến định của mình và những gì không bị cấm. Nếu một Quốc hội không thực hiện được vai trò và nhiệm vụ của mình thì phải bị giải thể để nhân dân lập nên một Quốc hội khác có đủ năng lực giải quyết công việc.
Trên thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam không có lý do ngăn cấm người dân thành lập các đảng phái chính trị. Tôi chỉ nêu ra đây hai điểm (trong vô số điểm có thể dùng làm căn cứ để chứng minh cho điều này).
Thứ nhất, nếu ngăn cấm người dân thành lập đảng thì Đảng cộng sản cũng không có lý do để tồn tại. Đảng cộng sản không thể trả lời được câu hỏi : « tại sao có thể thành lập Đảng cộng sản mà không thể thành lập các đảng khác ? », hoặc  « Lý do nào khiến cho chỉ có một mình Đảng cộng sản có thể tồn tại mà các đảng khác thì không ? » Câu hỏi này là một câu hỏi không thể trả lời. Không thể tìm thấy lý do. Cả Tổng bí thư, cả Ban lý luận trung ương đảng, ngay cả Hồ Chí Minh, người thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, cũng không thể có câu trả lời.
Thứ hai, không thể có câu trả lời, bởi vì trong thực tế, chính bản thân Đảng cộng sản Việt Nam, vào thời điểm hình thành, dưới tên gọi là Đảng cộng sản Đông dương, là một tổ chức chính trị bất hợp pháp. Điều khiến cho ĐCS có thể tự hào là họ đã đấu tranh từ chỗ bất hợp pháp thành ra một đảng hợp pháp. Và một trong các mục tiêu mà ĐCS đưa ra để thu hút quần chúng đứng vào hàng ngũ của đảng là ĐCS đấu tranh cho một nền tự do trong đó người Việt Nam có quyền lập hội, lập đảng, một cách hợp pháp.
Nếu ngày nay ĐCS ngăn cấm người dân lập hội, lập đảng, thì có nghĩa ĐCS đã phản bội lại mục tiêu của chính mình, phản bội lại nhân dân, và phản bội lại chính bản thân ĐCS. Để có thể có chính danh lãnh đạo, ĐCS không thể phô bày sự phản bội đó trên giấy trắng mực đen. Vì thế mà Hiến pháp Việt Nam dù có điều khoản quy định quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, nhưng KHÔNG THỂ đưa vào điều khoản cấm lập đảng, cấm tự do ngôn luận và cấm tự do lập hội. Trái lại, phải thừa nhận các quyền đó.
Trên thực tế, theo thống kê của Wikipédia tiếng Việt,  kể từ năm 1912 đến hiện nay, Việt Nam có 44 đảng. Điều đáng nói và có thể nhiều người chưa biết, là nhiều đảng trong số đó đã tồn tại song song với đảng cộng sản. Đáng nói hơn nữa là đảng viên của một số đảng khác đã từng tham gia vào bộ máy lãnh đạo của nhà nước Việt Nam, giữ những chức vụ quan trọng. Nghĩa là trong lịch sử của mình, bản thân ĐCS đã chia quyền lãnh đạo với các đảng khác, chứ không phải độc quyền lãnh đạo như hiện nay.
Vì không thể dài dòng, nên tôi chỉ lấy một ví dụ về Đảng dân chủ Việt Nam, thành lập năm 1944 và giải thể năm 1988, với chủ tịch là Dương Đức Hiền và Tổng thư ký là Nghiêm Xuân Yêm.
Dương Đức Hiền từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Ủy ban Thường trực Quốc hội khóa I và khóa II. Nghiêm Xuân Yêm từng làm Bộ trưởng của nhiều Bộ : Nông nghiệp, Canh nông, Nông Lâm, Nông nghiệp, Bộ Nông trường; cũng từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Trần Đăng Khoa, Phó Tổng thư ký Đảng dân chủ, từng là Bộ trưởng của các Bộ : Giao thông Công chính, Bộ Thủy lợi, của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trần Kim Lý, Cố Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư BCH Đảng bộ Đảng Dân chủ Việt Nam Thành phố Hà Nội, từng là Đại biểu Quốc hội các khoá III, IV, V, VI và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khóa VII. Và còn nhiều nhân vật khác nữa, không thể kể ra hết.
Rất gần đây, một số đảng khác cũng ra đời ở Việt Nam : Đảng dân chủ Việt Nam (Đảng dân chủ 21) do ông Hoàng Minh Chính thành lập năm 2006, Đảng dân chủ nhân dân do ông Đỗ Thành Công thành lập năm 2004, Đảng thăng tiến Việt Nam (có tiền thân là khối 8406) được thành lập năm 2006.
Như vậy, xét về mặt điều kiện pháp lý và xét về mặt thực tế, việc thành lập các đảng phái chính trị và các tổ chức chính trị là hoàn toàn có thể và hợp hiến. Vì thế, nếu ở Việt Nam không hình thành được các tổ chức chính trị hay các đảng chính trị lớn mạnh thì có thể nói, đó hạn chế của chính người dân Việt Nam. Hạn chế ở chỗ đã không thực hiện các quyền hiến định của mình. Đã đến lúc người Việt phải nghĩ đến việc khắc phục hạn chế này.
Paris, 30/9/2016
Nguyễn Thị Từ Huy

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.