Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 20/06/2020

Saturday, June 20, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 20/06/2020

Trật tự mới của thế giới thời hậu Covid-19 sẽ ra sao? – Trọng Nghĩa

Đặc sắc nhất trong số các đề tài được các tạp chí phát hành vào trung tuần tháng Sáu này mổ xẻ có lẽ là hồ sơ đặc biệt được tuần báo Anh The Economist nêu bật trong tựa lớn trang bìa: “Tình trạng vô trật tự mới của thế giới – The new world disorder”, bên cạnh các chủ đề gắn liền với thời sự trên các báo khác.
Hai tờ L’Obs và Courrier International thì nói về các khó khăn của lãnh vực văn hóa sau nhiều tuần lễ sinh hoạt bị ngưng trệ vì lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, trong lúc Le Point và L’Express đề cập đến các hệ quả của phong trào chống kỳ thị chủng tộc bùng lên tại Mỹ rồi lan rộng ra thế giới.
Câu hỏi đầu tiên mà độc giả có thể đặt ra là nguyên nhân vì sao mà tuần báo Anh The Economist rất có uy tín lại khai thác chủ đề trật tự thế giới vào lúc này? Đó là vì cách nay đúng 75 năm, ngày 26 tháng Sáu năm 1945, đại diện các nước trên thế giới đã ký kết bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, thành lập định chế có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.
UNhappy birthday – Một sinh nhật không vui cho LHQ
Có điều là, như The Economist nêu bật, Liên Hiệp Quốc đã phải cử hành sinh nhật thứ 75 trong một bầu không khí không vui chút nào. Bên dưới tựa chính ở bên trong, tuần báo Anh đã chơi chữ với một ghi chú ngắn UNhappy birthday, nghĩa là “Sinh nhật không vui” nhưng với chữ UN viết bằng chữ in hoa, tên tắt tiếng Anh United Nations ( Liên Hiệp Quốc ).
Tình trạng vô trật tự, hay nói đúng hơn là mất trật tự của thế giới hiện nay đã được The Economist nêu bật trong một hồ sơ gồm 7 bài viết.
Trong bài phân tích chính mang tựa đề “Quyền lãnh đạo toàn cầu bị mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ – Global leadership is missing in action”, The Economist đã điểm lại các mốc chính trong 75 năm tồn tại vừa qua của Liên Hiệp Quốc để cho rằng, nếu ban đầu các lãnh đạo thế giới đã biết kiến tạo hòa bình ngay khi còn lâm chiến, thì ngày nay, họ cần phải làm y như vậy.
Covid-19: Thêm một thách thức
Theo tuần báo Anh, đại dịch Covid-19 vừa bùng phát là một thử thách mới đối với trật tự được thiết lập cách nay 75 năm dưới quyền lãnh đạo của Mỹ. Thế nhưng, giờ đây, với tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ không còn thấy đâu, trong lúc hai thế lực còn lại Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa đủ sức đảm đương.
Đối mặt với dịch bệnh, ông Trump không chỉ gợi ý về những cách chữa bệnh kỳ quặc, mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch, thay vì huy động sức lực của thế giới chống đại dịch, thể hiện qua việc đình chỉ tài trợ và đe dọa rời bỏ Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Còn Trung Quốc thì rõ ràng thiếu tư cách lãnh đạo. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với virus corona là che giấu sự thật, rồi đến khi dùng biện pháp mạnh chặn được dịch bệnh thì lại khoe khoang thành tích trên khắp thế giới và ban ơn cho các nước.
Riêng châu Âu thì vội vàng đóng cửa biên giới, kể cả trong khu vực Schengen trên danh nghĩa không còn biên giới. Trong bối cảnh đó, một Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ đã hầu như bị tê liệt, trở thành kẻ bị “mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ”
Nga và Trung Quốc: Thành viên thường trực HDBA đi cướp đất!
Đối với The Economist, không phải chờ đến đại dịch Covid-19 thì trật tự thế giới mới chao đảo, mà từ hơn một thập niên trước đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-09 đã nuôi dưỡng hai xu hướng dân túy và nghi kỵ các định chế quốc tế.
Đối với tuần báo Anh, ngay cả các thành viên thường trực nắm quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An lẽ ra phải tôn trọng trật tự, cũng đã lơ là việc này. Hai ví dụ nổi cộm: Nga đã thản nhiên giành lấy Crimée, một lãnh thổ của Ukraina, trong lúc Trung Quốc thì chiếm cứ các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Sau khi phân tích thêm về các dấu hiệu hỗn loạn trong trật tự thế giới ngày nay, The Economist đã cố đưa ra một kết luận ít nhiều lạc quan:
“Liên Hiệp Quốc từng muốn tiến hành một cuộc tham khảo ý kiến rộng lớn về tương lai của chủ nghĩa đa phương nhân sinh nhật thứ 75. Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nghị trình toàn cầu, nhưng cũng tạo ra một cơ hội. Thay vì phá hủy hệ thống hiện hữu, biến động đang diễn ra có thể thôi thúc các nước tìm cách củng cố guồng máy. Điều đó có nghĩa là lên kế hoạch cho tương lai khi đang giải quyết khủng hoảng của hiện tại. Ngày nay, giới lãnh đạo thế giới cần phải học tập những gì mà đàn anh của họ đã đạt được một cách tuyệt vời vào năm 1945.”
Bên cạnh bài viết chính nêu trên hồ sơ đặc biệt của The Economist đã lần lượt đi sâu vào chi tiết của từng vấn đề.
Bài “Ai hiện đang điều hành thế giới” nêu bật thực trạng đang xẩy ra là “trong lúc nước Mỹ bắt đầu mệt mỏi, thì Trung Quốc tỏ ra nôn nóng”. Vấn đề là, trái với Mỹ, một siêu cường từng gánh vác công việc của cả hành tinh, Trung Quốc chỉ muốn lợi dụng tư thế lãnh đạo để muốn làm gì thì làm.
Hai bài viết khác nêu bật các khó khăn mà định chế trên nguyên tắc có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình trên thế giới đang gặp phải. Bài “Liên Hiệp Quốc có quá nhiều việc để làm” nêu bật các “nhiệm vụ bất khả” mà định chế phải thực hiện nhằm duy trì hòa bình tại những vùng có chiến sự, ở Châu Phi hay ở Trung Cận Đông. Bài thứ hai mang tựa đề “Quả bom hẹn giờ của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân” tự hỏi là phải chăng hiệp ước Start Mới giữa Nga và Mỹ sắp đến ngày tàn, nhưng cho rằng thảm họa hạt nhân hoàn toàn có thể tránh được.
Bài thứ tư trong hồ sơ của The Economist nhận định một cách bi quan: “Các cơ chế của Liên Hiệp Quốc thiết lập từ năm 1945 không còn thích ứng với năm 2020, đừng nói chi là sau đó”.
Hai bài cuối nêu lên khả năng cải thiện tình hình: “Liên Hiệp Quốc đang huy động lực lượng cho một phần tư thế kỷ tới đây” và “Ba kịch bản tương lai cho Liên Hiệp Quốc”.
Le Point: Nước Mỹ dẫn chúng ta đi về đâu?
Tạp chí Le Point trên trang bìa nêu câu hỏi: “Nước Mỹ dẫn chúng ta đi đến đâu”, với ghi chú bên trên dòng tựa: “Những gì ám ảnh người Mỹ sẽ đổ bộ vào Pháp”.
Le Point đăng bài nhận định của ông Gérard Araud, đại sứ Pháp tại Mỹ từ năm 2014 đến 2019, nêu bật tình hình nước Mỹ hiện nay
Với nào là Covid-19, biểu tình bạo động chủng tộc, nào là kinh tế suy thoái, cuộc vận động tranh cử tổng thống đã vượt quá tưởng tượng của những nhà soạn kịch bản tài ba nhất của Hollywood và có vẻ thuận lời cho ứng viên Joe Biden. Nhưng phải cảnh giác, vì Donald Trump luôn cho thấy là ông rất mạnh trong nghịch cảnh.
Theo Le Point, Covid-19 và suy thoái kinh tế đã chia lại ván bài tranh cử, những với các cuộc biểu tình bạo động mang tính chủng tộc tiếp theo cái chết của George Floyd. Cả Trump lẫn Biden đều biết là họ đi vào vùng đất xa lạ.
Giờ đây, họ là những ứng viên không có chiến dịch tranh cử theo đúng nghĩa, trong một đất nước chao đảo, đi từ khủng hoảng lớn này đến khủng hoảng lớn khác, và mỗi khủng hoảng lại đối lập hai thành phần dân chúng, không nói chuyện với nhau và cũng không hiểu nhau.
Covid-19 và biểu tình chống kỳ thị phân đôi nước Mỹ
Dịch Covid-19 đã đoàn kết được người Mỹ, cho dù đất nước gặp thử thách. Bên Dân Chủ cố thuyết phục cho việc phong tỏa, trong lúc phía Cộng Hòa thì giảm nhẹ mức nguy hại của dịch bệnh, cho rằng biện pháp phong tỏa cản trở quyền tự do, đe dọa kinh tế và họ đã nhanh chóng dỡ bỏ phong tỏa tại các bang mà họ kiểm soát. Hai hình ảnh trái ngược: New York vẫn ngưng hoạt động trong lúc mà người ta tự do ra bãi biển ở Florida.
Cũng như vậy, trong trường hợp cái chết của George Floyd, thay vì tỏ sự cảm thông với cộng đồng da đen và kêu gọi đoàn kết thì ông Trump lại đổ thêm dầu vào lửa, thóa mạ các thị trưởng và thống đốc đảng Dân Chủ đang phải đương đầu trước hỗn loạn, và kêu gọi đàn áp. Nhiều nhân vật đảng Dân Chủ đã quỳ một đầu gối xuống đất để tỏ sự đoàn kết với người biểu tình, trong lúc đài Fox News (thân Donald Trump) và tổng thống thì xem người biểu tình chỉ là những kẻ cướp bóc tả khuynh và vô chính phủ…
Tác giả bài viết kết luận: “Những người Châu Âu chúng ta giờ đây, một lần nữa trở nên những khán giả bất lực của một cuộc đấu tranh mà kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của chúng ta. Đối với chúng ta, đây có lẽ là cuộc bầu cử Mỹ quan trọng nhất từ thời Franklin Delano Roosevelt vào năm 1932”.
L’Express: Bài da trắng, một dạng kỳ thị chủng tộc mới
Trong dòng thời sự, phong trào chống kỳ thị chủng tộc bùng lên tại Mỹ rồi lan rộng ra thế giới tiếp tục thu hút sự chú ý và đã được L’Express nêu bật trên trang bìa.
Tựa đề “Sự ra đời của một nạn kỳ thị mới”, đã trích dẫn câu nói của nữ triết gia Pháp Élisabeth Badinter, kèm theo ghi nhận về một số biểu hiện lệch lạc: “đặc quyền da trắng”, “chủng tộc hóa”, “hạ bệ tượng đài”.
Trong 3 trang, nhà triết học phân tích tình hình, trở lại những sự kiện bên Mỹ như cái chết của George Floyd hay bên Pháp như vụ Adama Traoré, và đề cập đến hiện tượng kỳ thị bài da trắng mà bà không tán đồng chút nào:
“Khi người Pháp gốc Ả Rập hay da đen bảo vệ tính phổ quát của nền Cộng Hòa, thì họ bị thóa mạ là hèn hạ, nịnh bợ, nhưng tôi đồng tình với họ, tôi thấy họ rất can đảm. Rất khó mà đứng lên chống lại cộng đồng của mình để bảo vệ tính phổ quát. Tôi rất ngưỡng mộ những người có dũng khí này chỉ vì họ cho là cần thiết về mặt chính trị cũng như đạo đức”.
Nữ triết gia kết luận: “Tôi nghĩ đây là sự ra đời của một hình thức kỳ thị chủng tộc mới, mà “người da trắng” là biến tướng cuối cùng, có thể dẫn đến một sự phân cách xã hội thực thụ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta giờ đây nói đến “người da trắng” chứ không còn là “người phương Tây”, và đó là biểu hiện của ý muốn nêu trở lại vấn đề kỳ thị chủng tộc, tức là loại trừ nhau”.
L’Obs: Sân khấu lâm nguy do Covid-19
Phát hành vào thời điểm thế giới lục tục tái lập các sinh hoạt bình thường sau hàng tháng trời đóng cửa gài then vì dịch Covid-19, tuần báo Pháp L’Obs đã đặc biệt chú ý đến các khó khăn mà ngành sân khấu điện ảnh Pháp đang gặp phải.
Ngay trên trang bìa, L’Obs đưa ra lời cầu cứu: “SOS Spectacle”, với từ spectacle chỉ chung mọi hoạt động biểu diễn từ ca múa nhạc đến kịch nghệ, sân khấu.Tạp chí đã lên tiếng kêu cứu cho giới hoạt động văn hóa văn nghệ, vì các diễn viên kịch, đạo diễn, ca sĩ, nhạc sĩ… là những nạn nhân lớn của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.Trong một hồ sơ dài 14 trang, tạp chí dành diễn đàn cho một số “nạn nhân” thuộc giới văn nghệ sĩ, để họ vừa nói lên nỗi bực tức, vừa thể hiện một chút hy vọng.
Theo L’Obs, các sinh hoạt văn hóa đang dần dần được khôi phục, các hiệu sách, rạp chiếu bóng và sắp tới là các viện bảo tàng sẽ mở cửa trở lại, thế nhưng không phải mọi thứ đều tốt đẹp: “Các nghệ sĩ đang thoi thóp”, và việc hủy bỏ các liên hoan văn nghệ lớn cho thấy là “nghệ thuật biểu diễn là nạn nhân số 1 của Covid-19, không ai biết là khi dịch bệnh dứt hẳn, tình trạng ngành này sẽ như thế nào”.
Theo ước tính của tạp chí Pháp, sẽ có đến ít nhất 22.000 người hoạt động trong lãnh vực văn hóa văn nghệ theo quy chế công nhật, và 4.200 người có quy chế thường trực sẽ phải thôi việc hoặc đổi nghề.
Courrier International: Văn hóa thời hậu Covid-19
Tạp chí Courrier international cũng dành trang bìa cho lãnh vực văn nghệ với hàng tít lớn “Cơn khát văn hóa”.
Theo ghi nhận của Courrier International, trong mọi lãnh vực, từ biểu diễn ca nhạc, điện ảnh, cho đến triển lãm…, tất cả đều đã thay đổi với đại dịch và đâu là những thách thức phải giải quyết?”
Courrier International muốn cho thấy “sự hồi sinh và những chuyển biến” của lãnh vực văn hóa văn nghệ, vốn bị tác hại rất nghiêm trọng sau hàng tháng trời phong tỏa, không chỉ đối với giới chuyên nghiệp trong ngành mà cả đối với khán giả, người hâm mộ nghệ thuật.
Một trong những thay đổi quan trọng mà tờ báo ghi nhận là vai trò các công cụ kỹ thuật số, đã đem đến một cách mới để “phổ biến và tiêu thụ” nghệ thuật, mà hệ quả tốt xấu cần phải xem lại.
Một mùa hè thiếu vắng các liên hoan
Theo thông lệ, Courrier International trích dẫn báo chí nước ngoài để xem xét tình hình đó đây. Tạp chí trích nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, cho biết tình hình ở Áo. Từ giữa tháng 3, các nhà hát, viện bảo tàng, rạp chiếu bóng đều đóng cửa, thế nhưng sau 3 tháng bị buộc phải “ngủ yên”,  các nơi này vẫn phải kiên nhẫn.
Các viện bảo tàng đang mở cửa dần dần, nhưng mùa hè 2020 này sẽ là một mùa hè ngoại lệ, không liên hoan văn nghệ hay hòa nhạc. Nếu liên hoan nhạc cổ điển Salzbourg, mừng sinh nhật 100 tuổi, là một ngoại lệ được duy trì với những biện pháp an toàn khắt khe, thì như tờ báo mỉa mai, đó chẳng qua là vì vấn đề du lịch nghệ thuật đã “chi phối quyết định”.
Ngoài Áo, Courrier International liệt kê các liên hoan ở Pháp như Eurockéennes ở Belfort, liên hoan sân khấu Avignon, hay ca nhạc Rock en Seine, hoặc ở Anh như liên hoan Glastonbury hay lễ hội Notting Hill Carnival ở Anh, liên hoan nhạc jazz Montreux ở Thụy Sĩ, liên hoan nhạc rock Primavera Sound ở Tây Ban Nha…, vốn thu hút hàng ngàn người hâm mộ, sẽ không diễn ra.
Mô hình “sản xuất” và “tiêu thụ văn hóa” sẽ thay đổi
Đằng sau việc hủy bỏ hàng loạt này là cả một lãnh vực kinh tế – liên quan đến nào là nghệ sĩ, kỹ thuật viên, nào là các hiệp hội, định chế –  sẽ bị suy sụp.
Cho nên theo tạp chí, đối với các tác nhân văn hóa, cả một mô hình cần phải xem xét lại, về mặt cung ứng cũng như tài chính. Đối với khán giả thì cũng phải thay đổi thói quen.
Courrier International nhìn thấy một nét tích cực là chuyện này đã khởi đầu ngay lúc còn phong tỏa. Các nghệ sĩ đã không ngồi yên chờ đợi, mà đã có nhiều sáng kiến để tiếp cận với công chúng.
Ở mọi nơi, từ Seoul, Matxcơva, cho đến New York, Bắc Kinh, các nghệ sĩ, các viện bảo tàng, các định chế đều đưa ra những sáng kiến để thích nghi, đổi mới…
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200620-tr%C3%A2%CC%A3t-t%C6%B0%CC%A3-m%C6%A1%CC%81i-cu%CC%89a-th%C3%AA%CC%81-gi%C6%A1%CC%81i-m%C6%A1%CC%81i-th%C6%A1%CC%80i-h%C3%A2%CC%A3u-covid-19-se%CC%83-ra-sao

Tin tổng hợp
(AFP) – Trung Quốc sẽ lập một « cơ quan an ninh » ở Hồng Kông. 
Tân Hoa Xã ngày 20/06/2020 thông báo một « cơ quan an ninh quốc gia » sẽ được thành lập tại Hồng Kông, theo dự luật đã được Quốc Hội Trung Quốc thông qua. Theo văn bản được Thường vụ Quốc Hội soạn thảo và Tân Hoa Xã công bố hôm nay, đứng đầu cơ quan này do trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bị đối lập tố cáo là con rối của Bắc Kinh.
( AFP ) – Pháp : Ngày thứ Bảy căng thẳng với nhiều cuộc biểu tình. 
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát tiếp diễn tại nhiều thành phố Pháp hôm nay 20/06/2020, bên cạnh những cuộc xuống đường vì các mục đích khác. Cuộc biểu tình đòi hợp thức hóa những người không giấy tờ diễn ra chiều nay tại Paris, song song với một cuộc xuống đường tưởng niệm Lamine Dieng, một thanh niên gốc Sénégal chết sau khi bị câu lưu ở Paris năm 2007.
( AFP ) – Liên Hiệp Quốc và Châu Âu lên án nạn kỳ thị. 
Ngày 19/06/2020, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát.  Nghị Viện Châu Âu trong một nghị quyết tối thứ Sáu 19/06 đã lặp lại khẩu hiệu « Black Lives Matter » của phong trào xuất phát từ Hoa Kỳ. Nghị quyết « lên án mạnh mẽ cái chết thảm khốc của George Floyd tại Mỹ cũng như các vụ sát nhân tương tự trên thế giới », đồng thời tuyên bố việc buôn bán nô lệ là « tội ác chống nhân loại ».
( AFP ) – Bỉ được kêu gọi xin lỗi về quá khứ thực dân. 
Tại Bỉ, ngày 20/06/2020, thị trưởng người da đen đầu tiên của nước này cho rằng Bỉ phải « xin lỗi » về quá khứ thực dân. Ông Pierre Kompany kêu gọi « phải nói lên sự thật » về thời kỳ Bỉ chiếm đóng Congo, nhân sắp đến ngày kỷ niệm 60 năm Congo độc lập (30/06/1960). Thị trưởng 72 tuổi gốc Congo được nhiều người biết đến còn bởi vì ông là bố của Vincent Kompany, hậu vệ nổi tiếng của « Những con quỷ đỏ ».
(Mediapart & La Croix) – Belarus câu lưu phóng viên. 
Khoảng 12 người đã bị câu lưu tối 19/06/2020 khi biểu tình tại Minsk, trong đó có một số nhà báo. Gần hai tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Belarus, chế độ Loukachenko gia tăng trấn áp báo chí và đối lập trong bối cảnh bị chỉ trích vì tình hình kinh tế và khủng hoảng virus corona. Hồi tháng Ba, một cây bút xã luận cũng đã bị bắt và có nguy cơ lãnh án đến 10 năm tù.
(AFP) – Covid-19 : Hải quân Mỹ xác nhận cách chức chỉ huy tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt. 
Thông báo được đưa ra ngày hôm qua 19/06/2020. Vị chỉ huy Brett Crossier đã bị tạm đình chỉ chức vụ vì bị chỉ trích về cách quản lý dịch bệnh Covid-19 trên tàu. Tuy nhiên, Brett Crossier không bị sa thải khỏi lực lượng Hải Quân Mỹ. Ông sẽ được giao một nhiệm vụ khác, nhưng trong tương lai sẽ không được chỉ huy tàu.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng. 
Thông báo được thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra ngày 19/06/2020. Biện pháp trừng phạt của Liên Âu là nhắm vào vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina và có xung đột ở miền đông nước này. Các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga được triển hạn trong bối cảnh quan hệ Nga – Đức căng thẳng sau khi tư pháp Đức tố cáo chính quyền Matxcơva ra lệnh giết một nhà đối lập người Gruzia trong một công viên ở trung tâm Berlin. Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
(AFP) – Kem đánh răng của Colgate ở châu Á thể hiện sự  kỳ thị sắc tộc ? 
Tập đoàn Mỹ Colgate-Palmolive sẽ xem xét xem các sản phẩm kem đánh răng Darlie bán ở nhiều nước châu Á có thể hiện sự kỳ thị sắc tộc không. Tên gọi sản phẩm Darlie có nghĩa là « kem đánh răng của người da đen » trong tiếng Hoa. Tập đoàn Colgate-Palmolive cho biết Darlie là một nhãn hiệu của Trung Quốc dưới sự quản lý của tập đoàn và đối tác Hawley và Hazel, có trụ sở tại Hồng Kông.
( Reuters ) – Apple lại đóng các cửa hàng ở Mỹ. 
Tập đoàn Apple ngày 19/06/2020 thông báo sẽ tạm đóng khoảng 12 cửa tiệm tại nhiều tiểu bang khác nhau, do lại xuất hiện nhiều ca nhiễm virus corona. Sau thông báo này, cổ phiếu Apple bị sụt 0,5% tại thị trường Wall Street. Hiện nay tại Hoa Kỳ đã có trên 2,2 triệu người bị nhiễm virus, và ít nhất 118.396 trường hợp tử vong vì Covid-19.
 ( RFI ) – Giải Cành cọ vàng được duy trì tại Liên hoan Cannes 2020. 
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ban tổ chức Liên hoan điện ảnh Cannes ngày 19/06/2020 thông báo sẽ chọn trao giải Cành cọ vàng cho phim ngắn trong cuộc tranh tài vào mùa thu tới. Có 11 phim ngắn được chọn vào chung kết trong số 3.810 phim của 137 nước, trong đó có một phim của Mông Cổ.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200620-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 20/6:

Ấn Độ điều khẩn cấp máy bay chiến đấu

đến biên giới với Trung Quốc

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (20/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ấn Độ điều khẩn cấp máy bay chiến đấu đến biên giới với Trung Quốc
Hãng thông tấn Ấn Độ ANI dẫn nguồn thạo tin hôm 19/6 cho biết, các máy bay được Không quân Ấn Độ triển khai đến khu vực biên giới với Trung Quốc gồm máy bay Sukhoi-30MKI, Mirage 2000 và phi đội máy bay chiến đấu Jaguar. Những máy bay này được đưa đến các căn cứ tiền phương để có thể triển khai nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.
Các trực thăng tấn công Apache mà Ấn Độ mới mua lại từ Mỹ cũng được triển khai đến khu vực tranh chấp Ladakh để hỗ trợ quân đội Ấn Độ ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, các trực thăng vận tải Chinook cũng được triển khai trong và xung quanh căn cứ không quân Leh, nhằm hỗ trợ việc di chuyển binh sĩ nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
Nguồn tin của ANI cũng cho biết, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đẩy nhanh thương vụ mua 33 máy bay chiến đấu từ Nga, gồm 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30MKI. Không quân Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn đề xuất thương vụ để trình tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng vào tuần tới. Thương vụ này đã được cân nhắc từ lâu, song có thể được đẩy nhanh trong bối cảnh căng thẳng Ấn – Trung leo thang. Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, 4 chiếc đầu tiên có thể được bàn giao vào cuối tháng 7.
Quan chức Mỹ: Trung Quốc ‘thiếu chân thành’ trong cuộc gặp ở Hawaii
Theo SCMP, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, ngày 18/6 cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tái cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, song Washington vẫn phải chờ xem những gì sẽ xảy ra với mối quan hệ Mỹ – Trung trong vài tuần tới.
“Xét đến bối cảnh hiện tại của mối quan hệ này, phía Trung Quốc chưa được coi là thực sự chân thành”, ông Stiwell nói sau khi dự cuộc họp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii trong 2 ngày 16-17/6.
“Tôi sẽ không nêu chi tiết những gì đã thảo luận (trong cuộc họp), nhưng dù cho các vấn đề đó có hiệu quả hay không, tôi vẫn sẽ chờ xem những gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới: Liệu chúng ta có thấy các hành vi hung hăng được giảm bớt hay không”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Stilwell cho biết mục đích của cuộc gặp lần này là để Trung Quốc hiểu rằng “các hành động của họ thực sự đang chống lại họ”, bao gồm vụ xung đột gần đây ở biên giới với Ấn Độ, căng thẳng trên Biển Đông và đề xuất dự luật an ninh mới với Hồng Kông.
Samsung chuyển dây chuyền sản xuất màn hình từ Trung Quốc sang Việt Nam
Theo VOA, Samsung Vina vừa chính thức công bố việc di dời phần lớn dây chuyền sản phầm màn hình máy tính thương hiệu Samsung từ Trung Quốc về nhà máy Samsung HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao, Quận 9, TP.HCM, trong năm 2020.
Đại diện Samsung cho biết việc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm màn hình máy tính mới nhất và nhanh nhất so với những thị trường khác.
Tổ hợp nhà máy sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SEHC) có khoảng 6.000 nhân viên, theo thông tin trên trang web của công ty Samsung. Tổ hợp SEHC được khởi công từ giữa năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là nhà máy sản xuất màn hình TV và các thiết bị điện tử gia dụng lớn thứ 2 thế giới của Samsung, sau nhà máy ở Mexico.
Tàu Trung Quốc liên tục áp sát nhóm đảo tranh chấp với Nhật
Theo SCMP, Nhật Bản hôm 17/6 gửi công hàm phản đối Trung Quốc triển khai 4 tàu hải cảnh hoạt động 65 ngày liên tục trên vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần hoạt động dài nhất của tàu Trung Quốc gần nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản kể từ tháng 9/2012, thời điểm hai nước tranh cãi gay gắt về chủ quyền tại đây.
“Nhóm đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi, điều này mang tính lịch sử và tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu hoạt động này vẫn tiếp diễn. Chúng tôi sẽ kiên quyết và bình tĩnh đáp trả Trung Quốc”, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong cuộc họp báo tại Tokyo.
Nhóm đảo không người Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông là tâm điểm tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều thập niên, dù quan hệ giữa hai bên đã dần cải thiện trong những năm gần đây.
Quan chức Mỹ muốn cử quan sát viên tới Trung Quốc
Theo AFP, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á đề xuất cử quan sát viên trung lập tới Trung Quốc nhằm tìm hiểu về ổ Covid-19 mới ở Bắc Kinh.
“Một khi uy tín đã mất, bạn sẽ phải tìm cách gây dựng lại nó. Tôi nghĩ cách duy nhất để thực hiện điều này là đưa các nhà quan sát trung lập tới đó để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra”, David Stilwell, người tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii, cho biết hôm 18/6.
Stilwell tỏ ý hy vọng những con số và báo cáo của Trung Quốc về ổ dịch mới ở Bắc Kinh sẽ “chính xác hơn” so với Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch Covid-19. “Sẽ tốt hơn nếu có người có mặt tại đó để xác nhận các số liệu”, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định, đồng thời đề cập những báo cáo trên các tạp chí khoa học dự đoán số ca nhiễm ở Bắc Kinh còn cao hơn ở Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-20-6-an-do-dieu-khan-cap-may-bay-chien-dau-den-bien-gioi-voi-trung-quoc.html

Điểm tin tối 20/6:

Lính Trung Quốc dùng ‘gậy sắt hàn đinh’

tấn công binh sĩ Ấn Độ ‘tay không tấc sắc’

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (20/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Lính Trung Quốc dùng ‘gậy sắt hàn đinh’ tấn công binh sĩ Ấn Độ ‘tay không tấc sắc’
Các cựu binh Ấn Độ đã chỉ trích Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) về “tính man rợ”, và vi phạm các quy tắc khi sử dụng vũ khí thô chống lại các binh lính Ấn Độ không vũ trang, sau khi 20 người bị sát hại tại khu vực tranh chấp biên giới hai nước đêm ngày 15/6.
“Các binh sĩ của chúng tôi không mang theo gậy gộc hay bất kỳ loại vũ khí nào như vậy, nhưng binh lính Trung Quốc đã thủ sẵn những cây gậy sắt, hoặc gậy kim loại gắn đinh tua tủa, hoặc gậy gỗ bọc quanh bởi dây thép gai, và một số loại vũ khí khác – và họ đã tấn công sĩ quan chỉ huy và người dân của chúng tôi”, Trung tướng đã nghỉ hưu Rakesh Sharma, người trước đây từng phục vụ trong quân đội Ấn Độ tại cùng địa điểm, trao đổi với The Epoch Times qua điện thoại từ New Delhi. (chi tiết)
Úc hứng chịu tấn công mạng quy mô lớn, thủ phạm có thể là Trung Quốc
Một loạt các tổ chức chính trị và ở khu vực tư nhân tại Úc đã bị tấn công mạng quy mô lớn bởi “chính phủ hải ngoại”, thủ tướng Úc Morrison và Bộ trưởng Quốc phòng Reynolds tiết lộ hôm thứ Sáu (19/6) trong một cuộc họp báo, theo The Guardian.
Chính phủ Úc không chỉ đích danh quốc gia chịu trách nhiệm cho việc này, ngoại trừ việc nói đó là “thủ phạm ở quy mô chính phủ, với thực lực rất lớn”.
Thủ tướng Morrison đã từ chối trả lời một câu hỏi cụ thể về việc liệu đây có phải là Trung Quốc hay không, sau nhiều tháng căng thẳng trong mối quan hệ song phương Trung-Úc, nhưng các chuyên gia an ninh sau đó cho biết họ tin rằng, Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là những quốc gia duy nhất phù hợp với mô tả của ông Morrison.
Peter Jennings, người đứng đầu Viện Chính sách chiến lược Úc và là cựu quan chức quốc phòng cấp cao, cho rằng cần xét đến yếu tố động lực, mục đích và mục tiêu. Nhưng ông cho rằng chỉ có “một quốc gia có kỹ năng, chiều sâu về năng lực cũng như động lực thực sự để làm điều này và đó là Trung Quốc”.
Triều Tiên chuẩn bị chiến dịch rải truyền đơn chống Hàn Quốc
Triều Tiên đang chuẩn bị rải truyền đơn chống Seoul vào Hàn Quốc, truyền thông nhà nước KCNA cho biết hôm thứ Bảy, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai miền.
“Những người Triều Tiên giận dữ hiện đang chuẩn bị đẩy mạnh việc rải một số lượng lớn truyền đơn vào miền Nam”, hãng tin KCNA cho biết.
Bình Nhưỡng gần đây đã đưa ra một loạt những chỉ trích Seoul liên quan đến các tờ rơi chống Triều Tiên. Những người đào thoát sang Hàn Quốc thường xuyên gửi qua biên giới – thường được gắn vào bóng bay rồi cho bay sang Triều Tiên – các thông điệp phơi bày vấn nạn vi phạm nhân quyền của Kim Jong Un và tham vọng hạt nhân của nhà độc tài này.
Trước đó, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc chung giữa hai miền và đe dọa tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới chung.
WHO nói thế giới đang trong ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’ của COVID-19
Đại dịch coronavirus đã tiến vào một ‘giai đoạn mới và nguy hiểm’, khi số ca Covid-19 được ghi nhận hàng ngày đạt mức cao kỷ lục, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo hôm thứ Sáu, theo CNBC.
Số lượng các ca nhiễm mới trong một ngày được báo cáo hôm thứ Năm “là nhiều nhất từ trước đến nay”, ở mức 150.000 ca, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo.
Gần một nửa tổng số ca nhiễm mới được báo cáo từ châu Mỹ, ông Tedros nói, với một số lượng lớn đến từ Nam Á và Trung Đông.
Brazil vượt mốc 1 triệu ca nhiễm COVID-19
Bộ Y tế Brazil hôm thứ Sáu đã báo cáo 54.771 ca lây nhiễm Covid-19 mới, mức tăng kỷ lục theo ngày đã đưa tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên tới con số 1.032.913, theo CNN.
Đại dịch Covid-19 đang nhanh chóng lan rộng ở Brazil mà không có dấu hiệu chậm lại, khi các thành phố lớn dỡ bỏ các biện pháp gián cách xã hội và bắt đầu mở cửa lại các nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp không thiết yếu khác.
Nhiều chuyên gia tin rằng số ca lây nhiễm của Brazil có thể vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia bị virus tấn công nặng nhất.
Tokyo khôi phục hoàn toàn hoạt động kinh doanh
Nhật Bản hôm thứ Sáu (19/6) đã dỡ bỏ các khuyến cáo du lịch quốc nội do Covid-19 nhằm vực dậy nền kinh tế ảm đạm. Thủ đô Tokyo cũng đã dỡ bỏ yêu cầu đóng cửa tạm thời tại các sự kiện âm nhạc, các hộp đêm và các địa điểm giải trí khác trong thành phố, theo Strait Times.
“Chúng ta sẽ nâng cao mức độ các hoạt động kinh tế và xã hội hơn chút nữa”, Thủ tướng Shinzo Abe nói hôm thứ Năm (18/5), khi ông tuyên bố kế hoạch mở cửa biên giới đất nước cho khách du lịch kinh doanh.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng: “Nguy cơ lây nhiễm không thể giảm xuống mức 0, nhưng chúng ta có thể phấn đấu cho một lối sống mới cho phép chúng ta nâng cao mức độ hoạt động kinh tế xã hội trong khi vẫn có thể kiểm soát nguy cơ lây nhiễm”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-toi-20-6-linh-trung-quoc-dung-gay-sat-han-dinh-tan-cong-binh-si-an-do-tay-khong-tac-sac.html

Tạp chí đặc biệt

Virus corona áp đặt luật chơi với nhân loại

Thanh Hà
Từ Hàn Quốc đến Ấn Độ, từ Indonesia đến Thụy Điển, virus corona đang bắt mọi người phải thích nghi. Áp lực còn rất lớn tại châu Á, còn châu Âu thực sự hy vọng đang thoát khỏi tâm bão của đại dịch.
Lo sợ dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc lớn đến nỗi chính phủ liên tục tung ra những công cụ để rút ngắn thời gian phát hiện các ổ virus corona. Gia đình nạn nhân Covid-19 tại Indonesia cướp xác người thân về mai táng. Tình trạng thiếu hụt nhân công cản trở phục hồi kinh tế tại Ấn Độ. Ngành du lịch Thụy Điển tuyệt vọng trước mùa cao điểm. Lâu đài Chambord trong vùng thung lũng sông Loire của Pháp hy vọng được một chút, nhờ Leonardo da Vinci từ 500 năm trước đã “trông thấy” đại dịch virus corona gây nên.
Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí của RFI ngày cuối tuần.
Hàn Quốc : Mã vạch QR, giấy thông hành thời Covid1-19
Trong mục tiêu ngăn ngừa dịch Covid-19, Hàn Quốc không ngừng có những phát minh thích nghi với thời đại virus corona chủng mới. Kể từ tuần qua mã QR gần như là giấy thông hành khi bạn muốn vào một cửa hàng ăn uống, quán nước hay các tụ điểm giải trí. Kèm theo đó đương nhiên các dữ liệu cá nhân của bạn sẽ được chủ nhân gần 80.000 cơ sở đó lưu lại. Thông tín viên đài RFI Louis Palligiano từ Seoul giải thích:
« Kể từ Thứ Tư tuần trước, khách vào các quán bar, hộp đêm hay quán karaoke theo kiểu Hàn Quốc phải tải mã vạch QR Code qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trước khi vào cửa phải scan mã này. Tất cả những thông tin cá nhân phải được thu vào một danh bạ số và trong trường hợp cần thiết thì các giới chức y tế có thể tìm và liên lạc được với những ai đã lui tới một địa điểm nào đó. Trong cuộc chạy đua với thời gian để phát hiện virus corona lan tới đâu, chính quyền Hàn Quốc đã sử dụng hệ thống định vị qua điện thoại thông minh, tìm kiếm qua dấu vết khi bạn sử dụng thẻ tín dụng hay qua hệ thống camera theo dõi. Với phương pháp dùng mã QR chính quyền Seoul rút ngắn thời gian tìm kiếm những đối tượng có thể bị nhiễm, cách ly những trường hợp này sớm chừng nào, tốt chừng nấy ».
Vậy phản ứng của dân chúng Hàn Quốc ra sao ?
Louis Palligiano : « Ban đầu, chính quyền tỏ ra mềm dẻo. Với những ai không sử dụng thành thạo mã QR, hay từ chối phương tiện này, chủ quán có thể ghi chép lại trên giấy tờ sổ sách đầy đủ các thông tin. Nhưng đây là việc làm quá mất công và mất thời giờ. Hơn nữa, một số người người cao tuổi không có điện thoại thông minh. Dù vậy trong thời gian sắp tới các thanh tra sẽ được điều tới kiểm tra xem biện pháp mới này có được thi hành nghiêm chỉnh hảnh không. Mọi thiếu sót có thể bị phạt tới 3 triệu won, tương đương với 2.200 euro, hoặc cửa hàng có thể phải tạm đóng cửa ».
Biện pháp này có tôn trọng đời sống cá nhân của người dân Hàn Quốc ?
Louis Palligiano : « Ý thức được là công luận lo ngại các dữ liệu cá nhân bị thất thoát, chính phủ đã trấn an rằng tất cả những thông tin thu thập đều được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ phát luật và toàn bộ những thông tin này sẽ được hủy một khi đẩy lui được đại dịch. Đối với đa số dân Hàn Quốc, lo ngại một làn sóng dịch bệnh thứ nhì là một lý do chính đáng để sử dụng phương pháp mã QR. Theo một cuộc thăm dò, hơn 70 % những người được hỏi ủng hộ giải pháp này và chỉ có 16 % chống đối. Sắp tới đây Seoul dự trù mở rộng việc dùng QR code cho cả các rạp xinê, những nơi thờ phụng và kể cả bệnh viện ».
Covid-19 : Nạn cướp xác trong bệnh viện tại Indonesia
Indonesia phải đối mặt với nạn cướp xác bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện. Tính đến ngày 18/06/2020, trên toàn quốc có trên 43.000 ca nhiễm và hơn 2.300 ca tử vong. Indonesia là quốc gia Đông Nam Á có số ca nhiễm cao nhất. Trong tuần cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 33 người đột nhập vào nhà xác, cướp thi hài của thân nhân về mai táng theo phong tục truyền thống của đạo Hồi. Thông tín viên RFI Vincent Souriau giải thích :
« Từ đầu mùa dịch, Indonesia đã ban hành những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về mặt vệ sinh. Thi thể bệnh nhân chết vì Covid-19 phải được bọc trong những tấm ny-lông mỏng, thân nhân không được nhìn mặt lần cuối, và nhất là không được động vào thi thể người chết. Lễ an táng phải được nhanh chóng cử hành. Đối với gia đình người quá cố, đây là điều hết sức đau lòng, thậm chí là một hành động vô nhân đạo, bởi vì trong truyền thống Hồi giáo, người ta tắm rửa, thay quần áo cho người vừa nằm xuống để rửa sạch bụi trần. Vì vậy nhiều bệnh viện tại Makassa, thủ phủ đảo Célèbes, tuần qua đã bị tấn công : người nhà của các bệnh nhân thiệt mạng vì virus corona đột nhập vào bệnh viện để cướp lại xác thân nhân. Nhiều vụ tương tự cũng đã xảy ra tại Surabaya, thành phố lớn thứ nhì tại Indonesia, chỉ sau có thủ đô Jakarta. Những người bị bắt quả tang có thể lãnh án 7 năm tù. Indonesia vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Hiện tại thống kê chính thức nói đến 36 ngàn ca nhiễm. Có thể con số này thấp hơn nhiều so với thực tế ».
Ấn Độ : 400 triệu dân trước nguy cơ lâm vào cảnh bần cùng
Với hơn 380.000 bệnh nhân, Ấn Độ có số ca lây nhiễm cao thứ tư trên thế giới. Nội trong ngày 18/06/2020, bộ Y Tế ghi nhận thêm hơn 13.000 trường hợp dương tính với virus corona. Thảm cảnh của nước đông dân thứ hai trên địa cầu là sau hai tháng phong tỏa, các biện pháp ngăn ngừa dịch không mấy hiệu quả. Trong khi đó, một tháng sau khi dỡ bỏ hầu hết các quy định giãn cách xã hội, kinh tế vẫn còn điêu đứng. Thông tín viên Sébastien Farcis từ thủ đô New Delhi phân tích :
« Nhà máy tại các khu công nghiệp cách xa các thành phố đã hoạt động trở lại từ đầu tháng 5. Dịch bệnh chủ yếu hoành hành tại các thành phố lớn. Thế nhưng, từ giữa tháng 5 vừa qua, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, dân chúng đã gần như tự do đi lại. Mỗi ngày có đến hơn 6 triệu lao động không có việc làm ở thành phố đã tìm tới các khu công nghiệp để kiếm sống. Virus qua đó đã đột nhập luôn vào những nơi mà tới nay còn tương đối an toàn.
Kèm theo sau là hai vấn đề cản trở kinh tế Ấn Độ hồi phục. Trước hết là các nhà máy thiếu nguồn nhân lực để phục vụ sản xuất và cùng lúc vì các biện pháp an toàn chống dịch lây lan được tăng cường, các nhà máy không thể tuyển dụng thêm nhân công. Thí dụ như nhà máy dệt may Ginni Filaments tại bang Uttar Pradesh, cách New Delhi chừng 20 km, đang trong tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng.
Chính phủ có hứa bơm thêm 250 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, nhưng các chuyên gia không mấy tin tưởng vào hiệu quả của kế hoạch này. Đơn giản là vì chính quyền chủ yếu giảm thuế cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho số này dễ được cấp tín dụng. Thế nhưng, giới tiểu thương, những người buôn bán cò con lại chiếm số đông và không được trợ giúp. Trong gói hỗ trợ của chính phủ, chỉ có 10 % là dưới dạng trợ cấp trực tiếp. Để có hiệu quả, tỷ lệ này phải cao hơn nhiều.
Trong nhiều năm qua tăng trưởng của Ấn Độ ở khoảng từ 4 đến 7 % một năm. Với phương Tây đây là cả một thành tích, nhưng tỷ lệ này là điều kiện cần thiết để tạo công việc làm cho từ 8 đến 10 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động Ấn Độ hàng năm, đồng thời để cưu mang hàng triệu người vẫn đang sống trong cảnh bần cùng.
Covid-19 chận đứng đà tăng trưởng của Ấn Độ khiến lần đầu tiên từ hơn 4 thập niên qua, kinh tế suy thoái. GDP giảm từ 3 đến 4 %. Ấn Độ phải trả cái giá đắt về mặt xã hội. Theo thẩm định của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, đại dịch lần này có thể đẩy 400 triệu người có thu nhập bấp bênh vào cảnh khốn cùng».
Thụy Điển : Tuyệt vọng với mùa du lịch 2020 
Nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã mở cửa biên giới trở lại kể từ đầu tuần. Thụy Điển đứng ngoài danh sách này do mức độ lây lan của virus corona còn rất mạnh. Tính theo tỷ lệ dân số, thiệt hại nhân mạng tại quốc gia Bắc Âu này thuộc diện « cao vào bậc nhất trên thế giới », với hơn 5.000 ca tử vong trên tổng số 10 triệu dân. Tại thủ đô Stockholm, các hoạt động liên quan đến ngành du lịch giảm  90 % như phóng sự của thông tín viên Anissa El Jabri cho thấy :
« Bầu trời xanh ngắt, một chút gió thoảng qua. Ngày dài đến 20 tiếng. Stockhlom đang trong giai đoạn đêm ngắn nhất trong năm. Bình thường ra đây là đỉnh điểm mùa du lịch tại thủ đô Thụy Điển và các địa điểm gần biển đều đã được đặt thuê kín hết từ lâu. Năm nay thì khác. Aron Abramsson, một nhân viên sở du lịch của thành phố, cho biết: « Chúng ta đang đứng trước Skeppsbro, sát bờ biển trong khu phố cổ với rất nhiều những quần thể kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ 17. Xa xa là hoàng cung. Nếu chỉ  dừng chân tại Stockholm vài giờ, thì đây là nơi không thể bỏ qua. Đời sống văn hóa, nghệ thuật ở đây sôi động. Phong cảnh hữu tình, và bầu không khí ở đây cũng đặc biệt nữa. Bình thường thì dân cư khu này cảm thấy bị ngạt thở vì có quá đông du khách. Thậm chí dân địa phương còn cảm thấy chính họ mới là người xa lạ, vì họ chỉ là một thiểu số so với lượng du khách quá lớn. Năm nay thì không. Trung tâm du lịch nổi tiếng này vẫn yên bình như bất kỳ một thành phố nhỏ nào khác ở Thụy Điển. Chỉ có vài người tản bộ và tận hưởng ánh nắng mặt trời. Đường phố vắng tanh »
Bình thường vào mùa này, mỗi giờ có đến 10 chuyến tàu hay chuyến phà chở du khách đi và đến từ khắp nơi cập bến. Hiện tại, lượng giao thông chỉ bằng có một phần năm so với trước, mà trên mỗi chuyến tàu, số hành khách cũng chỉ bằng một phần ba so với với trước. Vé tàu bán ra giảm 80 %. Thụy Điển bắt đầu dỡ bỏ hạn chế đi lại. Từ tháng 7 tới người dân lại có thể đi nghỉ ở bất cứ nơi nào trên toàn quốc. Nhưng Stockholm vẫn là vùng đỏ, với số ca lây nhiễm virus corona cao nhất. Giới du lịch đã thực sự đầu hàng, vì biết rằng mùa hè này coi như vỡ trận hoàn toàn ».
Pháp : Leonardo da Vinci cứu lâu đài Chambord 
Tại Pháp, từ đầu tháng, các di tích lịch sử, viện bảo tàng đã lần lượt mở cửa trở lại hay đang chuẩn bị hoạt động lại trong một vài ngày sắp tới. Trong vùng thung lũng sông Loire, phía Tây nước Pháp, những tòa lâu đài nổi tiếng như Chenonceau, Blois, Amboise hay Chambord bắt đầu trông thấy ánh sáng cuối đường hầm sau gần một chục tuần lễ đóng cửa.
Hiện tại, lượng du khách chỉ bằng từ 20 đến 30 % so với một năm bình thường. Riêng tòa lâu đài Chambord, nơi có chiếc cầu thang kép, tách biệt hai lối lên và xuống, giám đốc điều hành di tích lịch sử này, Jean d’Haussonville, hài hước cho rằng, kiến trúc sư Leonardo di Vinci 500 năm trước đây có lẽ đã trông thấy kịch bản « giãn cách xã hội ». Trả lời thông tín viên của RFI Pierre Olivier, ông Jean d’Haussonville cho biết : « Cầu thang đôi, một bên dành cho người đi lên, một bên dành cho người đi xuống. Chúng ta có thể suy đoán rằng Leonardo da Vinci đã lo xa, tính tới kịch bản lâu đài này sẽ mở cửa đón khách tham quan trong mùa dịch Covid-19 ? Ít ra đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy lâu đài Chambord là một địa điểm tham quan rất hợp lý, và đáp ứng được tình hình hiện tại »
Trong những tuần lễ bị phong tỏa, ban quản lý lâu đài Chambord thất thu 9 triệu euro, phải cho 30 nhân viên làm theo thời vụ nghỉ việc. Điều an ủi duy nhất là tất cả các sự kiện văn hóa được dự trù diễn ra tại lâu đài Chambord hiện mới chỉ bị dời lại, chứ chưa bị hủy bỏ hẳn. Điển hình là đêm biểu diễn trước 20.000 khán giả của nam danh ca Sting. Lẽ ra ngày 01/07/2020, Sting có hẹn với khán giả vùng thung lũng sông Loire, đánh dấu 200 năm Chambord mở cửa cho công chúng, nhưng virus corona bắt giới hâm mộ kiên nhẫn đợi thêm một năm nữa. Giám đốc điều hành tòa lâu đài Chambord Jean d’Haussonville than phiền : « Năm nay thật là tai họa. Chúng tôi mất hẳn một nửa lượng du khách đến tham quan, tức là mất hẳn một nửa khoản thu nhập. Đương nhiên đây là hoàn cảnh chung của tất cả các tòa lâu đài trong vùng. Chúng tôi hy vọng tình hình khá hơn trong những tháng tới. Dù vậy, ngay cả sau này, tức là những mùa du lịch 2021-2022, lượng khách cũng sẽ giảm hẳn. Khó có thể lấy lại phong độ như hồi năm 2019, tức là trước khi có đại dịch. Đối với ngành du lịch, đà phục hồi đòi hỏi nhiều thời gian ».
40 % khách tham quan lâu đài Chambord là người ngoại quốc. Pháp chỉ mới vừa mở cửa lại biên giới với các nước khối tự do đi lại Schengen từ hôm 15/06/2020.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200620-virus-corona-%C3%A1p-%C4%91%E1%BA%B7t-lu%E1%BA%ADt-ch%C6%A1i-v%E1%BB%9Bi-nh%C3%A2n-lo%E1%BA%A1i

Tin Việt Nam – 20/06/2020

Tin Việt Nam – 20/06/2020

Cách chức một chủ tịch phường có bằng Đại học trước bằng cấp 3 – Hiểu Minh

Ngày 19/6 ông Nguyễn Văn Minh, chủ tịch phường Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai đã bị cách chức vì có bằng Đại học trước cấp 3.
Vietnamnet dẫn thông tin từ UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai) chiều 19/6 xác nhận và cho biết, ồnlng Minh được bổ nhiệm làm Chủ tịch xã Hóa An (sau tháng 7/2019 là phường Hóa An) vào năm 2016.
Qua kiểm tra thời điểm ông Minh được bổ nhiệm chưa cung cấp bằng tốt nghiệp THPT và bằng Đại học.
Đầu năm 2020, trong quá trình xem xét hồ sơ chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ phường Hóa An nhiệm kỳ 2020-2025 thì ông Minh có 2 văn bằng nói trên.
Đáng nói, nhà chức trách phát hiện thời điểm ông Minh được cấp bằng tốt nghiệp THPT lại có sau thời điểm được cấp bằng Đại học.
Kết luận cho hay, việc ông Minh dùng hai văn bằng nói trên để được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch phường Hóa An là không đúng với quy định.
Trước đó, vào tháng 4 ông Nguyễn Văn Minh đã bị đình chỉ công tác do để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn phường Hóa An.
Hóa An được xem là một địa phương rất nóng về tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép. Địa phương này cũng từng xảy ra một vụ việc hình sự liên quan đến đất đai khiến nhiều người bị mất chức, vướng vào tù tội…
Trong năm 2017, ông Trần Văn Ng. Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hóa An thời bấy giờ đã để một doanh nghiệp tổ chức phân lô, bán nền trên đất quy hoạch nên bị cách chức. Ông Ng. sau đó cũng đã bị tòa tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Còn về phía doanh nghiệp cũng lãnh hậu quả nặng nề.
Mặc dù vậy, đến nay tình trạng phân lô bán nền và xây dựng nhà trái phép tại Hóa An vẫn tiếp diễn, theo Dân Việt.
https://www.dkn.tv/thoi-su/cach-chuc-mot-chu-tich-phuong-co-bang-dai-hoc-truoc-bang-cap-3.html

Chín cán bộ Sở Y tế tỉnh Gia Lai

nhận án tù tổng cộng 30 năm

Nguyên Giám đốc và hai Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cùng 6 nhân viên thuộc cấp bị tuyên án tổng cộng lên 30 năm tù giam trong vụ án sai phạm về đấu thầu thuốc từ năm 2008 đến năm 2010.
Truyền thông trong nước cho biết Tòa án tỉnh Gia Lai vào ngày 19/6 tuyên án đối với 9 cán bộ của Sở Y tế tỉnh này như vừa nêu.
Cụ thể, bị cáo Phùng Xuân Quýnh (nguyên Giám đốc) bị tuyên 18 tháng tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai nguyên Phó Giám đốc bao gồm bị cáo Nguyễn Công Nhân và Đặng Đức Châu bị tuyên cùng tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, lần lượt 5 năm và 6 năm tù giam.
Sáu bị cáo còn lại là cán bộ thuộc cấp, bị tuyên cùng tội danh với hai nguyên Phó Giám đốc. Người bị nhẹ nhất là 2 năm tù treo và cán bộ bị nặng nhất là 6 năm tù giam.
Tin cho biết ông Phùng Xuân Quýnh, hồi năm 2018, với cương vị là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai ra quyết định thành lập một tổ chuyên gia đấu thầu thuốc theo từng năm đối với những loại thuốc có nhu cầu sử dụng thường xuyên, ổn định và có số lượng lớn cho tất cả các cơ sở y tế công lập trong phạm vi của tỉnh. Các cơ sở y tế công lập căn cứ vào kết quả đấu thầu này để ký kết hợp đồng mua thuốc theo nhu cầu của năm.
Tuy nhiên, trong 3 năm tổ chức đấu thầu, tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế tỉnh Gia Lai bị cho là đã có hành vi xét thầu sai, gây thiệt hại 6 tỷ đồng cho tài chính Nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/officials-of-the-department-of-health-gialai-receive-30-years-sentence-06192020125555.html

Linh Mục Đặng Hữu Nam bị cho nghỉ mục vụ

Tin Vietnam.-  Trang Fanpage Công giáo: Đạo vào Đời loan tin, vào ngày 17 tháng 6 năm 2020, Toà giám mục Vinh đã ra thông báo cho Linh mục Antôn Đặng Hữu Nam phải nghỉ mục vụ, tức thôi làm sự vụ tại chánh xứ giáo xứ Mỹ Khánh, tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo phận Vinh.
Hiện Linh mục Đặng Hữu Nam chưa lên tiếng giải thích về sự việc. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 6, trên trang Facebook cá nhân, linh mục Nam đã đăng một dòng tin đầy tâm trạng với nội dung là “Lạy Chúa xin trợ giúp đức tin cho con!”.
Một số giáo dân thì loan tin rằng, giáo phận đã cho linh mục Nam “nghỉ hưu non”, tức linh mục Nam vẫn được tiếp tục tu nhưng không còn được đi phục vụ ở các giáo xứ nữa. Nhiều người đồn đoán rằng, quyết định của Giáo phận Vinh đã có bàn tay của Cộng sản nhúng vào.
Trang Fanpage Công giáo: Đạo và Đời đã bình luận rằng, dù việc linh mục Nam bị nghỉ là thông tin gây bất ngờ nhưng không làm cho mọi người quá ngạc nhiên. Bởi vì, trong một chế độ độc tài Cộng sản thì việc nhà cầm quyền dùng quyền lực để ảnh hưởng và đàn áp Giáo quyền là chuyện đã xảy ra nhiều lần ở Việt Nam cũng như bên Trung Cộng.
Trước những “tâm tình” của các giáo dân, linh mục Nam cũng đã đăng một dòng trạng thái với nội dung “Sức mạnh phe nhóm vốn khốc liệt, thời đại này càng khốc liệt hơn”. Được biết, ngoài việc luôn đồng
hành với các giáo dân đòi quyền lợi, thì linh mục Nam cũng là một người bất đồng chính kiến, lên án những cái sai của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/linh-muc-dang-huu-nam-bi-cho-nghi-muc-vu/

Thêm những phát biểu ‘chướng tai’ của lãnh đạo!

Mới nhất là vào ngày 15 tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi giải trình trách nhiệm trong điều hành xuất khẩu gạo thời gian vừa qua cho rằng, việc mở tờ khai xuất khẩu gạo vào ban đêm không có gì xa lạ vì hệ thống hải quan điện tử hoạt động liên tục 24 giờ.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc chuyên ngành hàng lúa gạo Công ty xuất nhập khẩu Dung Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nói về sự không bình thường của việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm:
“Khi thông quan và mở hải quan lúc giữa khuya từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng, những doanh nghiệp biết trước tin này thì vô mở tờ khai hải quan được, còn những doanh nghiệp không biết thì không thể đăng ký được hạn ngạnh xuất khẩu. Mở thủ tục xuất khẩu gạo bây giờ đều khai báo trên hệ thống online hết. Nhưng trong đêm đó, một trăm mấy chục, gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ít ai biết thông tin này, chỉ có những người có thông tin trong hải quan rò rỉ ra, họ mới biết rồi họ truyền tai nhau, thì mới thực hiện được thôi.”
Đó là căn bệnh lâu lắm rồi chứ không phải mới gần đây, từ trước đến nay chuyên là như vậy, bởi vì một chính sách mị dân bao giờ nó cũng chỉ nói 1/3 sự thật, một nửa sự thật, còn cái phần gì tốt cho cho họ thì họ rống lên.
-TS. Nguyễn Quang A
Trước đó vào tháng 4 năm 2020, khi dịch covid-19 bùng phát làm giá gạo thế giới tăng là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo. Thì việc điều hành xuất khẩu gạo của các bộ ngành thiếu tính đồng bộ, lúng túng, như việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động vào lúc 0 giờ cho doanh nghiệp mở tờ khai, gây làn sóng phản đối mạnh mẽ, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó phải chỉ đạo tiến hành thanh tra trước nghi vấn tiêu cực.
Hay vào ngày 16 tháng 6 năm 2020, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà khi phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng cho rằng, trong bối cảnh giá nhà đô thị đắt đỏ, người nghèo khó tiếp cận với nhà ở xã hội… thì nên thuê nhà.
Câu nói nghe có vẻ bình thường hiển nhiên, không có gì đáng bàn cãi. tuy nhiên với một vị quan chức quản lý nhà… thì có lẽ nên đưa ra giải pháp tốt hơn để giúp dân nghèo có thể tiếp cận nhà xã hội.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS đã tự giải thể, nói:
“Tôi nghĩ đó là căn bệnh lâu lắm rồi chứ không phải mới gần đây, từ trước đến nay chuyên là như vậy, bởi vì một chính sách mị dân bao giờ nó cũng chỉ nói 1/3 sự thật, một nửa sự thật, còn cái phần gì tốt cho cho họ thì họ rống lên. Căn bệnh này không chỉ có những người cộng sản Việt Nam có căn bệnh thế, mà là căn bệnh nói chung của rất nhiều chính trị gia. Chuyện đó thì nó cổ lắm rồi, chỉ có cái là bây giờ có mạng xã hội, có nhiều tiếng nói, và tất cả những kiểu ăn nói như thế thì bị người dân vạch ra ngay.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 21 tháng 4 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá cả, đã yêu cầu bình ổn giá gạo, giảm giá điện-nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt heo về mức xấp xỉ 60 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên hai tháng sau, giá thịt heo vẫn không hề giảm.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 13 tháng 6 năm 2020, khi giải trình về vấn đề giá thịt lợn tăng cao đã nói: “Người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn” mà cần san sẻ rổ thực phẩm ra với thịt gà, bò, trứng…
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính khi trả lời Đài Á Châu Tự Do lúc đó cho rằng, đáng lý với cách nói đúng thì ông Cường phải đưa ra rất nhiều giải pháp, đồng thời một trong những khuyến cáo, thì có thể chuyển cơ cấu bữa ăn sang thực phẩm khác. Nhưng ông Cường lại bảo nếu đắt thì chuyển ăn thứ khác, với tính chất gần như áp đặt, võ đoán, coi như không tìm giải pháp thỏa đáng, thích hợp.
Không chỉ phát biểu trốn tránh trách nhiệm, các quan chức ngày nay còn tuyên truyền, nịnh nọt công khai một cách trắng trợn, không cần biết người dân sẽ nghĩ gì?
Đơn cử như nhận định của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên, khi phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương thông báo kết quả hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương hôm 27 tháng 5 năm 2020. Ông cho rằng:
“Một số đồng chí được xem là trường hợp quá tuổi, đã thể hiện rất xuất sắc trong công việc, đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”
Việc lãnh đạo nói một câu vô nghĩa lý thì nước nào cũng có, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vấn đề ở Việt Nam là những người đó cứ tiếp tục làm việc coi như không có gì xảy ra.
-PGS. TS. Hoàng Dũng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhận định:
“Việc lãnh đạo nói một câu vô nghĩa lý thì nước nào cũng có, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vấn đề ở Việt Nam là những người đó cứ tiếp tục làm việc coi như không có gì xảy ra. Cái đó cho thấy quyền lực của người dân thể hiện qua lá phiếu không có nghĩa gì cả. Thử tưởng tượng ở một xã hội phù hợp, một lãnh đạo nói năng nhăn cuội, thì chắc chắn rằng nhiệm kỳ sau họ phải đi chỗ khác chơi, vì làm sao có phiếu để làm lãnh đạo, vấn đề đặt ra ở chỗ đó. Ngay cả ở những nước tiên tiến, cũng có nhiều ông ăn nói kiểu trời ơi, nhưng trước hay sau gì những người đó cũng phải đi chỗ khác, để nhường chỗ cho người xứng đáng hơn. Ở Việt Nam không có cái đó, đảng cử dân bầu không có nghĩa gì cả.”
Tương tự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, đã nói ‘Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước’ khi cho hay dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam.
Dù Việt Nam chống dịch COVID-19 được cho là thành công. Tuy nhiên phát biểu của ông Vũ Đức Đam sau đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng phát biểu của ông Đam mang tính phiến diện.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định thêm:
“Từ một thời xa xưa, toàn bộ đài phát thanh, truyền hình, báo nằm trong tay họ, tức họ độc quyền hết, dân không thể kiểm tra, họ nói thế nào thì nghe như vậy. Còn bây giờ khác, có nhiều tiếng nói, người ta vạch ra sự thật được thổi phồng ấy, thì người dân hiểu rõ được nột chút. Tất nhiên người ở nông thôn, họ ít sử dụng internet và mạng xã hội, kiểu tuyên truyền ấy vẫn có tác dụng nhất định. Nhưng nó cũng có hai ba mặt, chứ không chỉ phía những người lãnh đạo. Kể cả những người phản đối nhiều khi cũng sa vào cái bệnh của những lãnh đạo đó. Ví dụ nhưng bây giờ người dân nông thôn coi Youtube nhiều, thì có những cái kênh cũng bị cái bệnh như vậy. Kể cả nói hay và nói xấu đều bị cái bệnh như vậy, tức là chỉ nói một mặt thôi, nói một khía cạnh thôi. Tóm lại, tất cả cái đấy là đều dở cả.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nói như những phát biểu trốn tránh trách nhiệm của quan chức Việt Nam gần đây, cho thấy họ không đủ năng lực trí tuệ để làm việc. Nhưng ông cho rằng, người dân không làm gì được, dân không thể truất phế họ. Theo ông, nếu lá phiếu của người dân là một lá phiếu trong xã hội dân chủ, thì chỉ cần lãnh đạo nói năng nhăng cuội như thế vài lần, thì lần sau dân sẽ không bầu nữa, đó chính là vấn đề cần quan tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-statement-is-not-responsible-for-recent-vietnamese-officials-06192020123411.html

HRW: ‘Làn sóng đàn áp người bất đồng chính kiến

gia tăng trước ĐH Đảng 13′

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) cho rằng chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến sẽ tổ chức vào tháng Giêng năm 2021.
Từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị, thông cáo báo chí của HRW phát đi hôm 19/6 cho hay.
VN bị tố bí mật bắt giam 9 người bất đồng chính kiến
Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?
Cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt vì tội ‘chống nhà nước’
Blogger ‘Bà Đầm Xòe’, cây bút chỉ trích TBT Nguyễn Phú Trọng bị bắt
Trong số những người bị bắt và kết án có thành viên của Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Các tòa án cũng xét xử một số nhà bất đồng chính kiến bị tạm giam từ trước là có tội và kết án họ các mức án tù ‘khá nặng’.
“Năm nay Việt Nam đang trấn áp bất đồng chính kiến nặng nề, và các quốc gia khác cần lên tiếng,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
“Các đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu nhà cầm quyền phóng thích các tù nhân chính trị.”
Theo HRW, Đại hội ĐCSVN là một sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Để đảm bảo sự kiện này diễn ra ‘trơn tru’, ‘không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối’, chính phủ Việt Nam từng truy bắt nhiều nhà bất đồng chính kiến trước thềm đại hội.
Có ít nhất 150 người đã bị kết tội vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù. Ít nhất có 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử, theo thống kê của HRW.
Một số vụ bắt giữ và xét xử
Tháng 6/2020, công an bắt ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên Hội Nhà báo Độc lập mà chủ tịch hội này, ông Phạm Chí Dũng, đã bị bắt từ tháng 11/2019. Hai ông đều bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.
Cùng trong tháng, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Anh Khoa (Nino Huỳnh), quản trị viên của một nhóm Facebook thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam, với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 của bộ luật hình sự. Có tin một quản trị viên khác của nhóm, Nguyễn Đăng Thương, cũng đã bị bắt nhưng chưa rõ đã bị khởi tố hay chưa.
Tháng 5/2020: Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ ông Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành – Bà Đầm Xòe) – người viết cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, chỉ trích thái độ và hành động của TBT Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc.
Ông Thành bị cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này.
Sau đó không lâu, công an bắt ông Nguyễn Tường Thụy. người từng phục vụ trong quân đội Việt Nam 22 năm, và là thành viên hội Nhà báo Độc lập. Ông Thụy bị cáo buộc tội danh giống ông Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn.
Tháng 4/2020: công an tỉnh Nghệ An bắt giữ một cựu tù nhân chính trị, Trần Đức Thạch vì cho rằng ông có liên quan tới Hội Anh em Dân chủ và cáo buộc ông tội hoạt động lật đổ.
Bảy thành viên của hội này – Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Trung Trực – đang phải thụ án tù nhiều năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999. Hai thành viên khác, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, bị đưa thẳng từ nhà tù sang lưu vong tại Đức.
Cũng trong tháng Tư, công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ Đinh Thị Thu Thủy cáo buộc viết và đăng bài trên Facebook và trên các nền tảng khác trên mạng Internet có quan điểm ngược lại với đảng và nhà nước, và xuất bản các tài liệu phản đối chính quyền, theo điều 117 của bộ luật hình sự.
Tháng 1/2020, ông an tỉnh Đắk Nông bắt giữ Đinh Văn Phú cũng vì các bài viết trên mạng.
Tháng 3/2019, báo Thanh Niên đưa tin công an tỉnh Gia Lai bắt giữ ba người – tên là Kưnh, Jưr và Lũp – vì tham gia đạo Hà Mòn, một nhóm Công giáo không được chính quyền phê chuẩn. Chưa rõ họ bị cáo buộc về tội danh gì.
Một số nhà bất đồng chính kiến khác, Mã Phùng Ngọc Phú, Phan Công Hải và Chung Hoàng Chương bị đưa ra xét xử riêng từng người vào tháng Tư và tháng Năm, bị kết luận là có tội và kết án từ chín tháng đến năm năm tù vì các bài đăng trên Facebook của họ phê phán chính quyền, theo các điều 331 và 117 của bộ luật hình sự.
“Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội để nói lên ý kiến hay tham gia tranh luận,” ông Sifton nói. “Chính phủ các quốc gia hữu quan và các công ty mạng xã hội cần lên tiếng.”
“Các văn bản của chính quyền Việt Nam luôn có dòng tiêu đề với hàng chữ “độc lập-tự do-hạnh phúc” – nhưng qua các vụ này, chúng ta thấy rằng bất cứ ai thực hiện “độc lập” liền bị tước đoạt “tự do” và “hạnh phúc,” ông Sifton nói.
Chính quyền Việt Nam nói gì?
Trong vụ bắt nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Cơ quan An ninh điều tra nhận định rằng ông Dũng có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm, tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự,” theo báo Công an TP Hồ Chí Minh.
Sau đó, trong các vụ bắt ‘đối tượng liên quan’ đến ông Phạm Chí Dũng là Lê Hữu Minh Tuấn và Nguyễn Tường Thụy, báo nhà nước Việt Nam đưa tin rằng đây là các đối tượng ‘chống phá nhà nước’.
Trong vụ bắt blogger Lê Thị Thu Thủy, báo nhà nước Việt Nam nói bà Thủy “mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, theo Tuổi Trẻ.
Blogger Chung Hoàng Chương (Chương ‘may mắn’) được báo Việt Nam tường thuật là lãnh án tù do “xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc việc 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Đồng Tâm”, theo báo Thanh Niên.
Báo chính thống của Việt Nam dường như không đưa tin rộng rãi vụ bắt nhà văn Phạm Thành.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53117885

Repsol nhượng cổ phần ba lô dầu:

TQ đe dọa thành công VN trên Biển Đông?

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ba Nha đã ký thỏa thuận với PetroVietnam để chuyển nhượng cổ phần tại ba lô thăm dò dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế VN – vốn không hoạt động được từ ba năm nay do sức ép từ Trung Quốc, trong đó có dự án Cá Rồng Đỏ.
Cụ thể, Repsol sẽ chuyển nhượng cho Petro Vietnam 51,75% cổ phần ở lô 07/03 PSC và 40% cổ phần ở lô 135-136/03 PSC.
Bằng cách này, Repsol được cho là đã hóa giải được cuộc xung đột với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến tình trạng của các lô này và làm giảm sự hiện diện của họ ở Việt Nam, “một quốc gia được coi là rủi ro, bởi trong những năm gần đây, các hoạt động của họ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột lãnh thổ trên Biển Đông,” theo bình luận trên trang Archyde.
Năm 2018, Repsol từng nhận được yêu cầu của PetrolVietnam về việc ngưng dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 07/03, nơi Repsol có 52% cổ phần, do sức ép từ Trung Quốc.
BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á từ Úc, quanh động thái mới của Repsol và các tác động tới Việt Nam.
BBC: Ông có cho rằng động thái này đã chứng minh rằng Trung Quốc đã thành công trong việc dọa nạt Việt Nam và các đối tác kinh doanh, khi Việt Nam và các đối tác đã phải từ bỏ các quyền lợi trên Biển Đông vốn được luật pháp quốc tế công nhận?
GS Carl Thayer: Có thể lập luận rằng Trung Quốc đã thành công trong việc dọa nạt Việt Nam từ ba năm trước.
Việc Repsol quyết định trả lại ba lô thăm dò (135-136 / 03 và 07/03) chỉ là hệ quả vì trong hai năm qua, Repsol đã không thể tiến hành các hoạt động thương mại liên quan đến các dự án này.
Cá Voi Xanh: ‘ExxonMobil muốn gây sức ép lên chính phủ VN’
VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
VN tạm dừng hay chấm dứt hẳn ‘Cá Rồng Đỏ?
Theo luật quốc tế, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các mỏ khí trong các lô này vì chúng nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc đã thành công trong việc đe dọa Việt Nam vào tháng 7/2017 và một lần nữa vào tháng 3/2018 khi Việt Nam đình chỉ và sau đó tạm dừng hoạt động khai thác lô dầu đang được Repsol tiến hành trong các khối 07/03 và 136/03.
Việt Nam đã không tiến hành bất kỳ hoạt động thăm dò dầu thương mại nào trong các lô này kể từ đó.
BBC: Hành động này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư của các công ty dầu khí quốc tế khác vào thị trường khai thác dầu ở Việt Nam do lo sợ áp lực của Trung Quốc?
Các công ty dầu khí quốc tế hiện đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam bao gồm ONGC Videsh của Ấn Độ, Exxon Mobil của Mỹ, và Roseft của Nga – từ lâu đã nhận thức được những rủi ro mà họ đang gặp phải.
Trong quá khứ, chính phủ Ấn Độ đã thúc giục ONGC Videsh tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Năm 2018 đã có tin đồn rằng Exxon Mobil sẽ rời khỏi Việt Nam vì lý do tài chính. Tuy nhiên, đầu tháng này, một quan chức cấp cao của ExxonMobil đã điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bày tỏ mối quan tâm của công ty mình trong việc phát triển các nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) trên đất liền.
Bất kỳ áp lực nào của Trung Quốc đối với Exxon Mobil tại thời điểm này có thể sẽ khiến Hoa Kỳ nhảy vào can thiệp.
Rosneft đã giữ vững quan điểm của mình vào năm ngoái. Có báo cáo rằng các hoạt động thăm dò dầu khí có thể tiếp tục trong các lô đã được cấp phép cho Rosneft. Giàn khoan dầu Clyde Boudreaux gần đây đã được kéo đến Vũng Tàu.
BBC: Việt Nam được cho là sẽ phải chịu thiệt hại tài chính lớn do động thái mới đây của Repsol. Thiệt hại này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng ngành dầu khí Việt Nam như thế nào?
GS Carl Thayer: Các lô dầu khí mà Repsol vận hành được ước tính chứa 172 tỷ feet khối khí tự nhiên có thể phục hồi, 45 triệu thùng dầu thô và 2,3 triệu thùng nước ngưng (dầu thô nhẹ).
Nếu các lô này có thể bơm dầu và khí đốt lên bờ để sản xuất điện, chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Vào tháng 5/2018, có thông tin rằng Respol đã tham gia các cuộc đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để được bồi thường khi chính phủ Việt Nam ra lệnh cho họ ngừng hoạt động. Ước tính vào thời điểm đó, nếu Repsol bị đình chỉ hoạt động hoàn toàn, các nhà đầu tư sẽ mất trắng gần 200 triệu đô la đã bỏ ra.
Bất kỳ việc đình chỉ khai thác dầu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam và đè nặng lên các tác động do dịch Covid-19 gây ra đối với tăng trưởng kinh tế nói riêng tại Việt Nam và trên toàn cầu nói chung.
BBC: Liệu động thái này có nói lên rằng chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ dám kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông?
Có ý kiến cho rằng Việt Nam bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế liên quan đến cách thức chọn hành động pháp lý mà Việt Nam có thể khởi xướng.
Ví dụ, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) chỉ bao gồm “các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc ứng dụng” Công ước.
UNCLOS không thể giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, phân định ranh giới trên biển và các hoạt động quân sự.
Carl Thayer nhận định việc Mỹ mời VN tập trận Vành đai Thái Bình Dương
Xung quanh lời kêu gọi ‘loại TQ’ khỏi Hội đồng Bảo an LHQ
Tòa trọng tài quốc tế cần có sự đồng ý của cả hai bên. Và như chúng ta đã chứng kiến từ vụ Philippines kiệnTrung Quốc, UNCLOS không có bất kỳ biện pháp thực thi nào.
Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ không bao giờ kiện, nhưng họ sẽ phải lựa chọn các vấn đề của mình một cách cẩn thận. Cách tiếp cận của Philippines là yêu cầu Tòa Trọng tài – được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS – để xác định các quyền lợi của họ theo Luật Biển.
Quyết định chuyển nhượng hợp đồng sản xuất chung của mình trong lô 07/03 và 135-136 / 03 cho Tập đoàn Dầu khí được thực hiện trên cơ sở thương mại.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lẽ không có đủ nguồn lực để tự phát triển các khối này. Tập đoàn này sẽ phải tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Điều này sẽ khó khăn vào thời điểm sự hiếu chiến của Trung Quốc gia tăng và căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53103677

Đưa thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục

tối mật có giúp xóa bỏ tham nhũng?

Bà Phan Thị Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp, khi được hỏi tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng ngày 19/6 về việc vì sao Bộ Tư pháp lại đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục tối mật, cho biết dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử
lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ký công văn góp ý dự thảo quyết định danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp gửi các bộ, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành.
Công văn vừa nêu có đề cập đến việc bổ sung các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật.
Trao đổi với RFA vào tối 19/6, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho rằng việc bổ sung tài sản tham nhũng được thu hồi vào danh mục tối mật là điều dễ hiểu. Ông giải thích:
“Vì chỉ có quan chức mới tham nhũng mà quan chức phải là đảng viên đảng cộng sản nên nếu công khai cái đấy sẽ làm cho dân mất tin tưởng nên người ta mới phải đưa vào danh sách tối mật. Nhưng đưa vào danh sách tối mật lại chứng tỏ không minh bạch gì cả nên thật sự họ rất khó xử, chỉ có cách duy nhất nếu họ muốn làm thật thì phải công khai hết tài sản thu hồi. Phải nêu gương phơi ra ánh sáng thì nó mới chừa, nhưng đấy lại là một tình huống trớ trêu chứng tỏ họ tìm cách nói chống tham nhũng nhưng mỗi chuyện đưa tài sản thu hồi coi như bí mật đã chứng tỏ không muốn thật lòng chống tham nhũng.”
Cùng quan điểm vừa nêu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động Trần Bang tại Sài Gòn cũng cho rằng dự thảo này đang thể hiện sự giả dối trong kêu gọi chống tham nhũng của chính quyền Hà Nội. Ông lập luận:
“Cái đấy chỉ dung túng tham nhũng và dung túng cơ quan điều tra. Điều tra 10 tỉ rồi giấu đi sao biết được, có khi lại rơi vào tay cơ quan điều tra. Đây là việc để đấu đá phe nhóm, có khi lấy từ ông A chia cho ông B vì có biết đưa tài sản tham nhũng trả về ngân sách nhà nước, trả về cho dân không thì dân không biết. Chẳng qua toán cướp này đủ quyền lực cướp của toán cướp kia rồi lại giấu đi. Rõ ràng đây là luật vớ vẩn và bất công.”
Dưới góc nhìn chuyên môn, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng tại Hà Nội cho rằng có thể nội dung cung cấp trong buổi họp báo chưa đầy đủ nên dẫn đến hiểu lầm, đồng thời cho biết thêm độ mật được phân ra nhiều loại:
“Thứ nhất độ mật trong lúc đang thu hồi, đang mở cuộc điều tra thì người ta phải bảo đảm mật hóa đó, còn khi thu hồi xong ví dụ như xử lý một vụ án, một hoạt động thanh tra chắc chắn thì người ta phải công khai, minh bạch bằng Luật Cung cấp thông tin. Mình nghĩ quyết định đấy của Bộ Tư pháp chỉ hạn chế đưa vào danh mục mật ở giai đoạn đang mở điều tra, khởi tố điều tra hoặc truy tố xét xử, thanh tra thôi. Vì nếu công khai những số liệu đó ra thì có thể người tham nhũng biết được thông tin đó để người ta tẩu tán tài sản hoặc cản trở hoạt động thanh kiểm tra. Còn phải căn cứ theo Luật cung cấp thông tin, theo tính dân chủ thì quan điểm của mình là quyết định của Bộ Tư pháp chỉ trong một giai đoạn nào thôi chứ không thể mật hóa toàn diện được.”
Vẫn theo lời bà Phan Thị Hồng Hà trong buổi họp báo ngày 19/6, nội dung thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước đã căn cứ trên quy định của luật để đưa vào.
Bên cạnh đó, đây chỉ đang là dự thảo để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị để có cái nhìn đầy đủ hơn trước khi có sự rà soát và ban hành chính thức.
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm trong công cuộc chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đốt lò’ được ông lần đầu nhắc đến trong phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội vào ngày 31/7/2017.
Nhiều quan chức Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương thời gian gần đây phải ra tòa vì tham nhũng, vì sai phạm nghiêm trọng trong công tác. Có người bị kết án chung thân, có người bị án tù hàng chục năm.
Hàng loạt các phiên xử những quan chức cấp cao đã diễn ra và được báo chí thông tin rộng rãi đến công chúng nhưng dường như những phiên đại án tham nhũng vẫn không xóa được nạn này.
Do đó, với tư cách công dân, nhà hoạt động Trần Bang đưa ra đề nghị:
“Để chống được tham nhũng thì phải minh bạch toàn bộ tài sản quan chức từ cấp sở trở lên, vụ phó, vụ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng trở lên phải minh bạch tài sản thì mới được bổ nhiệm chức vụ. Để sau khi được bổ nhiệm nguời ta so sánh tài sản trước và sau khi bổ nhiệm, trước lúc ứng cử và sau khi ứng cử chênh lệch thế nào, có phản ánh đúng thu nhập bằng lương của ông không hay bằng các tài sản đã có của gia dình nhà ông sinh sôi nảy nở hay ông dùng quyền lực để tham nhũng. Tức phải minh bạch toàn bộ tài sản cán bộ thì mới chống tham nhũng, còn giấu diếm, không minh bạch tài sản cho dân biết thì chỉ là chống tham nhũng giả vờ.”
Còn theo Luật sư Hoàng Văn Hướng lại cho rằng luật chống tham nhũng thì trong những năm gần đây, cả từ chỉ đạo của nhà nước, chính phủ rồi của Ban phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, thậm chí được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật từ Luật Hình sự, Luật Hành chính, Luật Công vụ, tất cả được đưa vào rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, Luật sư Hướng cũng nhận định rằng để đảm bảo được kết quả như mong muốn của xã hội, toàn dân thì theo ông vẫn còn những hạn chế nhất định với nhiều lý do:
“Một phần quyết liệt rồi nhưng hệ thống pháp luật vẫn chưa hoàn thiện được về Luật Phòng chống tham nhũng. Thứ hai nếu cần nói thì quan trọng nhất là tính minh bạch hóa. Thứ ba là giám sát và phản biện của lực lượng xã hội là lực lượng dân chủ, nhân dân phải thực hiện theo nguyên tắc là dân biết, rồi các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội phải biết được việc đó để giám sát thực hiện để đảm bảo tính khách quan và tính minh bạch. Đôi khi có những lực lượng mở cuộc điều tra hay thanh tra đôi khi còn lý do này khác có thể hạn chế về nguồn luật, hạn chế về năng lực thực hiện hay vì lý do nào đó kể cả không loại trừ vấn đề có thể tiêu cực ngay trong phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả.”
Tiến sĩ Nguyên Quang A khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chống tham nhũng. Ông cho rằng nếu chính phủ Hà Nội chỉ cần dân chủ, minh bạch, pháp luật nghiêm minh, gắn với quản trị tốt có thể chống tham nhũng được. Dù vậy, ông vẫn hoài nghi rằng liệu những nhà lãnh đạo Việt Nam có thật sự muốn chống tham nhũng hay không khi luôn hô hào kêu gọi chống tham nhũng nhưng mặt khác lại quyết định để tài sản tham nhũng được thu hồi vào danh sách tối mật!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bringing-corrupt-property-recovery-into-top-secret-list-06192020143504.html

Viettel đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển ADC

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chính thức tham gia đầu tư xây dựng tuyến cáp quang biển Asia Direct Cable (ADC), là tuyến cáp quang truyền tải dữ liệu lớn tốc độ cao giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Truyền thông trong nước, vào ngày 19/6 dẫn lời ông ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho biết ADC là dự án cáp quảng biển thứ năm do Viettel đầu tư trong những năm vừa qua. Tuyến cáp quang ADC này, sau khi hoàn thành vào quý IV-2022,  sẽ trở thành tuyến cáp quang biển có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp ba lần cáp APG hiện nay và sẽ kết nối Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Viettel sẽ xây dựng Trạm cập bờ (CLS) tuyến cáp quang biển ADC tại Quy Nhơn. Viettel là thành viên Việt Nam duy nhất đầu tư vào tuyến cáp quang biển ADC này và trạm cập bờ tại Quy Nhơn cũng sẽ là trạm cáp biển thứ 3 mà Viettel sở hữu độc quyền.
Đại diện của Viettel, ông Đoàn Đại Phong nói rằng “Tuyến cáp quang biển ADC sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số khi đáp ứng được nhu cầu truyền tải dữ liệu ngày càng tăng cao cũng như thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến”.
Bốn tuyến cáp quan mà Viettel đã đầu tư xây dựng bào gồm: AAE-1 (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), TGN-IA (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu), APG (Trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng) và AAG (Trạm cập bờ đặt tại Vũng Tàu).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viettel-invests-to-buildadc-undersea-cable-06192020131414.html

Việt Nam xuất khẩu chuối và vải thiều

sang Hàn Quốc và Nhật Bản

Sản phẩm chuối của Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện tại chuỗi siêu thị Lotte ở Hàn Quốc, trong khi lô vải thiều tươi 1 tấn đầu tiên được xuất cảng qua đường hàng không đến Nhật Bản.
Truyền thông quốc nội vào ngày 19/6 loan tin vừa nêu.
Tin cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc kết hợp với Công ty Lotte Mart vừa tổ chức sự kiện giới thiệu sảm phẩm chuối nhập khẩu từ Việt Nam được bày bán trong chuỗi siêu thị Lotte.
Thương hiệu chuối LOPANG BANANA của Việt Nam, được trồng tại tỉnh Gia Lai, có độ ngọt gấp 1-2 lần so với sản phẩm cùng loại và được bán với giá xấp xỉ 4000 won/1,2 kg.
Công ty Lotte Mart được nói là dự kiến sẽ nhập mỗi năm khoảng 1.600 tấn chuối Việt Nam để phân phối tại 81 siêu thị ở Hàn Quốc Hàn Quốc.
Sản phẩm chuối Việt Nam bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc năm 2014. Và hiện tại, Hàn Quốc nhập khẩu chuối Việt Nam vào khoảng 300 triệu USD/năm.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Lotte Mart và các nhà phân phối khác để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chuối vào thị trường Hàn Quốc.
Báo giới đồng thời cũng cho biết 1 tấn vải thiều tươi đầu tiên được xuất khẩu bằng đường hàng không đến Nhật Bản trong ngày 19/6, sau khi các chuyên gia Nhật Bản đã đến Bắc Giang giám sát quá trình khử trùng. Và, 4 tấn vải thiều tươi sẽ được tiếp tục xuất sang Nhật bằng đường biển vào ngày mai, 20/6.
Tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 100 héc-ta trồng vải thiều được cấp phép đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nông dân trồng vải ở Bắc Giang được khuyến khích áp dụng quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Dự kiến, sẽ có khoảng 200 tấn vải thiều tươi từ Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong niên vụ năm 2020.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn được báo giới dẫn lời khẳng định rằng việc xuất khẩu trái vải thiều sang thị trường Nhật Bản là tiền đề quan trọng để hàng loạt nông sản khác của Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-exported-banana-and-lychee-to-korea-n-japan-06192020130814.html

Điểm tin trong nước sáng 20/6 – Một triệu hộ

dùng điện cao gấp rưỡi tháng trước: EVN nêu lý do


Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (20/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
1 triệu hộ dùng điện cao gấp rưỡi tháng trước: EVN nêu lý do
Hôm 19/6, báo Zing thông tin, số liệu thống kê, có hơn 3,1 triệu khách hàng (trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt) trên cả nước (chiếm 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.
Trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%. Thậm chí, có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Ví dụ, một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng. Nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng – tăng 138,87% so với tháng 4.
Trước thực trạng trên, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo giải thích lý do nhiều hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng vừa qua là do nóng kéo dài tại Bắc Bộ và Trung Bộ khiến nhu cầu dùng điện của người dân tăng cao.
Samsung chuyển dây chuyền sản xuất màn hình từ Trung Quốc sang Việt Nam
Tuổi trẻ cho biết, Samsung Vina vừa chính thức công bố việc di dời phần lớn dây chuyền sản xuất màn hình máy tính thương hiệu Samsung từ Trung Quốc về nhà máy Samsung HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao, Quận 9, TP.HCM, trong năm 2020.
Trang Nhà Đầu tư hôm 19/06 cho biết, với việc di dời này Samsung kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.
Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng thương mại Trung – Mỹ ngày càng trầm trọng khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc đại lục và những nước khác trong khu vực với giá nhân công rẻ, điển hình như Việt Nam, là nơi tiếp nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo Tuổi trẻ dẫn thông cáo của Samsung cho biết hiện đã có hơn 40 sản phẩm màn hình máy tính của công ty đang được các kỹ sư nghiên cứu để hoàn thiện dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Đại diện Samsung cho biết việc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam cũng sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm màn hình máy tính mới nhất và nhanh nhất so với những thị trường khác.
Tổ hợp nhà máy sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (SEHC) có khoảng 6.000 nhân viên, theo thông tin trên trang web của công ty Samsung.
Quả bom mới được phát hiện gần cầu Long Biên sẽ được trục vớt vào tuần sau
Trao đổi với phóng viên VnExpress, chiều 18/6, ông Nguyễn Công Minh, Chi cục trưởng Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, quả bom mới được phát hiện nằm cách cầu Long Biên khoảng 800m về phía thượng lưu, cách tim luồng khoảng 30m, sâu khoảng hơn 2m, thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
Sau khi phát hiện ra quả bom này, đến nay nhà chức trách đã cho đóng luồng chạy tàu Tứ Liên – Trung Hà, đoạn qua cầu Long Biên trên tuyến sông Hồng (quận Long Biên, Hà Nội) để đảm bảo an toàn.
Hiện đoạn luồng bị cấm đã bố trí các phao cấm luồng theo quy định và tại vị trí quả bom đã thả phao báo hiệu. Theo dự kiến thì các đơn vị chức năng sẽ trục vớt quả bom này vào tuần sau.
7 người từ châu Âu về Việt Nam nhiễm virus Vũ Hán
18h ngày 19/6, Bộ Y tế ghi nhận thêm 7 ca dương tính virus Vũ Hán, đều là người về chung chuyến bay từ châu Âu, được cách ly ngay.
Các bệnh nhân được ghi nhận từ số 343 đến 349, gồm 2 nữ và 5 nam, độ tuổi từ 6 đến 52. Trong số này bốn người ở Hà Nội, một người Quảng Ninh, một người Nghệ An.
Ngày 6/6 những người này từ châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan) về sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN2. Sau khi nhập cảnh, họ được cách ly ngay tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ngày 7/6, họ được lấy mẫu xét nghiệm lần một, kết quả âm tính. Ngày 18/6 xét nghiệm lần hai, kết quả 7 mẫu dương tính với nCoV. Hiện 7 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Thế giới ghi nhận hơn 445.000 người chết trong hơn 8,4 triệu ca nhiễm. Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do virus Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-20-6-mot-trieu-ho-dung-dien-cao-gap-ruoi-thang-truoc-evn-neu-ly-do.html

Điểm tin trong nước tối 20/6: Quốc hội sẽ

có quan điểm chính thức về vụ Hồ Duy Hải;

Ảnh hưởng của Covid-19,

gần 3.000 công nhân PouYuen bị cho nghỉ việc

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Bảy (20/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức về vụ Hồ Duy Hải
Trên báo Tuổi Trẻ, chiều 19/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, khi được hỏi về vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là vụ án rất phức tạp.
Sau khi hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, dư luận, báo chí, đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tư pháp xem xét, báo cáo và kiến nghị những nội dung liên quan đến vụ án này.
Ông Phúc cho biết sau khi Ủy ban Tư pháp có báo cáo, Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức.
Trước đó, ngày 16/6, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận về quyết định của giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Gần 3.000 công nhân PouYuen bị cho nghỉ việc
Trao đổi với Zing, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM – cho biết Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 2.786
công nhân. Hiện tại, cơ quan này đang làm việc với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trong báo cáo kế hoạch gửi UBND quận Bình Tân ngày 18/6, PouYuen cho biết những công nhân này không cần đến công ty nhưng vẫn được hưởng nguyên lương cho đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ.
Tiền phép năm (nếu có) và tiền lương những ngày còn lại trong tháng chấm dứt HĐLĐ sẽ được thanh toán trong vòng 7 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
PouYuen Việt Nam là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ở TP.HCM, với số lượng nhân sự hơn 60.000 người, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu.
Trước đó, ông Củ Phát Nghiệp – Chủ tịch Công đoàn PouYuen Việt Nam chia sẻ, dự kiến cắt giảm khoảng 6.000 người, theo lộ trình 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8, để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng đơn hàng của PouYuen liên tục giảm mạnh. Từ tháng 2, doanh nghiệp cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp như điều chỉnh sản xuất, sắp xếp ca làm việc luân phiên để cố gắng duy trì hoạt động và công ăn việc làm cho công nhân. Tuy vậy, tình hình đơn hàng trong nửa cuối năm chưa khả quan, công ty buộc phải cắt giảm lao động.
Mâu thuẫn trong lúc đòi nợ, 3 người đâm chém nhau tử vong
Trưa 20/6, trao đổi với Thanh Niên, đại tá Tráng A Tủa, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, cho biết đang khám nghiệm hiện trường, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ án mạng xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo (H.Tuần Giáo, Điện Biên) khiến 3 người tử vong.
Theo ông Nguyễn Duy Quân, Chủ tịch thị trấn Tuần Giáo, 8 giờ sáng nay (20/6), ông Nguyễn Khánh Chung (53 tuổi, trú tại khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo, H.Tuần Giáo, Điện Biên) cùng vợ là bà Trần Thị Thu đến nhà ông Đàm Văn Lực (trú tại khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo) đòi nợ.
Quá trình đòi nợ, hai bên xảy ra mâu thuẫn, ông Lực đã cầm dao đuổi chém bà Thu khiến nạn nhân gục xuống và tử vong giữa cánh đồng gần nhà ông Lực.
Thấy vợ bị đuổi chém, ông Chung tìm 1 con dao rồi lao vào đâm ông Lực. Vụ ẩu đả khiến cả 2 cùng bị thương nặng, được hỗ trợ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Tuần Giáo nhưng đều không qua khỏi.
Theo Chủ tịch thị trấn Tuần Giáo, ông Lực có nợ vợ chồng ông Chung vài tỉ đồng. Khoảng 1 tháng trước, gia đình ông Chung đã có đơn đề nghị Công an H.Tuần Giáo hỗ trợ giải quyết nhưng khi công an chưa kịp hỗ trợ, hai vợ chồng ông Chung tự đi đòi nợ thì xảy ra sự việc.
Xe giường nằm bốc cháy, 20 người thoát chết
Theo Zing, vụ việc xảy ra vào khoảng 11h45 ngày 20/6, trên quốc lộ 1, đoạn qua cầu Nguyệt Viên, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Khi đó, ôtô khách mang biển kiểm soát tỉnh Nghệ An di chuyển theo hướng bắc – nam, đến cầu Nguyệt Viên thì khói bốc lên từ phía đầu xe. Tài xế dừng xe xuống kiểm tra thì lửa bốc cháy dữ dội.
Nghe tài xế hô hoán, khoảng 20 hành khách trên xe kịp thoát ra ngoài khi ngọn lửa bùng phát. Sau gần 20 phút, đám cháy được khống chế, song ôtô bị thiêu rụi.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-20-6-quoc-hoi-se-co-quan-diem-chinh-thuc-ve-vu-ho-duy-hai-anh-huong-cua-covid-19-gan-3-000-cong-nhan-pouyuen-bi-cho-nghi-viec.html

Tin Biển Đông – 20/06/2020

Tin Biển Đông – 20/06/2020

Thông điệp Mỹ gửi tới TQ tại Biển Đông: Bắc Kinh đừng tính toán sai lầm

Gần đây, Mỹ liên tục có những động thái cương quyết hơn tại khu vực Thái Bình Dương. Các chuyên gia cho rằng, đây là động thái “răn đe” Trung Quốc khi nước này ngày càng hung hăng tại Biển Đông.
Ba tàu sân bay Mỹ đồng thời tuần tra ở vùng biển Thái Bình Dương, máy bay oanh tạc B-1B được triển khai trên đảo Guam ở phía Tây Thái Bình Dương, máy bay trinh sát không người lái Global Hawk cũng được điều tới Nhật Bản để làm nhiệm vụ trong khu vực.
Theo giới phân tích, rất hiếm khi Mỹ tung một lực lượng hùng hậu như vậy đến vùng biển châu Á, một quyết định gắn liền với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động khống chế Biển Đông.
Trích dẫn các thông cáo báo chí do chính Hải quân Mỹ công bố, CNN cho biết hai chiếc tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, trong khi chiếc USS Nimitz cùng với hạm đội hộ tống rời cảng San Diego ở California ngày 8/6 và hiện đã có mặt ở phía Đông.
Ý định phô trương uy lực của Hải quân Mỹ được thấy rõ qua việc Bộ Quốc phòng không ngần ngại công bố hình ảnh về hoạt động của các nhóm tàu sân bay. Mạng xã hội Twitter của Hải quân Mỹ đã liên tục đưa tin và đăng ảnh về các cuộc tập huấn của hai chiếc Theodore Roosevelt và Ronald Reagan trên Biển Philippines. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động của tàu sân bay Nimitz ở Thái Bình Dương.
Theo CNN, với mỗi tàu chở theo hơn 60 máy bay chiến đấu, đây là cuộc triển khai tàu sân bay lớn nhất ở vùng biển châu Á từ năm 2017 đến nay. Năm 2017 là thời điểm căng thẳng với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân lên đỉnh cao.
Ý nghĩa phô trương uy lực của việc triển khai đồng thời ba tàu sân bay, kèm theo toàn bộ các hạm đội tác chiến hùng hậu đã được chính các lãnh đạo Hải quân Mỹ nêu bật. Trả lời hãng tin AP, ngày 12/6, Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler, Chỉ huy tác chiến Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ khẳng định: “Tàu sân bay và các nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ. Tôi rất mừng với việc triển khai đến ba chiếc vào lúc này”.
Mặc dù không nói rõ mục tiêu của việc triển khai, nhưng Chuẩn Đô đốc Koehler ghi nhận tình trạng Trung Quốc đang quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, bố trí trên đó các tên lửa và hệ thống tác
chiến điện tử trong bối cảnh các hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có dấu hiệu chưa ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh.
Giới phân tích nhận thấy qua việc triển khai đồng thời ba nhóm tàu sân bay đến châu Á, Washington muốn gửi thông điệp răn đe tới Bắc Kinh. Trả lời hãng tin AP, bà Bonnie Glaser, Chủ nhiệm Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đóng trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Truyền thông Trung Quốc cho rằng năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh vì dịch Covid-19. Do đó, đợt triển khai này có dấu hiệu là thông điệp của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc đừng tính toán sai lầm”.
Mỹ không chỉ gây sức ép với Trung Quốc ở trên biển mà còn gia tăng thị uy trên không bằng cách điều máy bay oanh tạc hiện đại B-1B Lancer và máy bay trinh sát không người lái Global Hawk RQ-4 đến hoạt động ở Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương.
Theo tin được kênh truyền hình Mỹ Fox News tiết lộ ngày 10/6, Không quân Mỹ đã xác nhận việc sử dụng một phi đội máy bay ném bom B-1B trú đóng trên đảo Guam để hỗ trợ cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong các nhiệm vụ trên Biển Đông. Bên cạnh đó, máy bay do thám hiện đại không người lái Global Hawk RQ-4 cũng được vận chuyển tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, quân đội Mỹ đã tăng cường hoạt động trong khu vực để sẵn sàng đối phó với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Bilahari Kausikan, cộng tác viên cao cấp tại Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Quản lý Singapore cho biết căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ còn tiếp diễn, nhưng khả năng xảy ra xung đột quân sự nghiêm trọng không cao.
Phát biểu trong hội nghị trực tuyến châu Á “Triển vọng về một lưỡng cực mới và tác động của nó đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương” do câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tổ chức, ông Kausikan nhận định: “Trong khi Trung Quốc phát triển năng lực tấn công của họ, các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ tập trung tăng cường khả năng của chính họ. Trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân trong khu vực, chúng ta không thể đưa ra quyết định sẽ hy sinh quốc gia nào”.
Liên quan tới tương lai của khu vực, ông Kausikan cho rằng “căng thẳng vẫn sẽ còn tiếp diễn” và “có thể khá gay gắt”.
Tại Hội nghị, Giám đốc Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn cho biết thêm: “Tất nhiên, đụng độ trực tiếp giữa các cường quốc ít có khả năng xảy ra, ít ra là vì sức mạnh quân sự của họ đang dần ngang nhau. Tuy nhiên, có thể xảy ra xung đột ủy nhiệm với sự tham gia của bên thứ ba nào đó. Điều này cũng gây lo ngại đối với các quốc gia trong khu vực”.

Sử dụng vũ trang để bảo vệ chủ quyền biển đảo:

Những kinh nghiệm từ Mỹ và Indonesia

Bên cạnh các tranh chấp về chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông, tình hình cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước thực tiễn đó, việc nghiên cứu nâng cao biện pháp vũ trang trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển trở nên hết sức cấp bách. Bài tham luận này nghiên cứu biện pháp vũ trang từ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế liên quan đến thực thi pháp luật trên biển; đồng thời điểm qua những thực tiễn của lực lượng chấp pháp trên biển của Mỹ và Indonesia. Từ đó, bài viết đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên các vùng biển của Việt Nam.
1. Biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển trong pháp luật Việt Nam
1.1. Các quy định của pháp luật Việt Nam về sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển
Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có tương đối đầy đủ quy định về việc sử dụng biện pháp vũ trang khi thực thi công vụ trên biển bao gồm: ghi nhận vũ trang với tư cách một trong bảy biện pháp chính thức, các loại vũ khí được trang bị và các trường hợp được nổ súng trên biển, …
Biện pháp vũ trang là một trong bảy biện pháp được các lực lượng vũ trang sử dụng để thực thi công vụ, căn cứ vào khoản 1 Điều 12 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Theo đó, đặc trưng cơ bản của
biện pháp vũ trang là việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vũ khí, công cụ, phương tiện… Sức mạnh tổng hợp này được xác định bằng những yếu tố cơ bản như: số lượng, trạng thái tinh thần và trình độ huấn luyện của cán bộ, chiến sỹ; số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật và các phương tiện vật chất khác; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chỉ huy trong chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện…
Khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợnăm 2017 quy định,vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang để thi hành công vụ, bao gồm:
a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí nói trên.
Các trường hợp nổ súng khi thực thi pháp luật trên biển đã được quy định rõ ở Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợnăm 2017 và khoản 2 Điều 14 Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Thêm vào đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào tàu thuyền; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
1.2. Những trở ngại khi áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển
Mặc dù về cơ bản đã có hành lang pháp lý, nhưng việc áp dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển vấp phải không ít trở ngại, điển hình như: phạm vi hoạt động và sự khó khăn đặc thù của không gian biển…
Pháp luật hiện hành chưa quy định phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, cụ thể là hoạt động trên vùng biển quốc tế là vùng biển của quốc gia khác, được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, thực tiễn việc áp dụng quyền truy đuổi tội phạm của lực lượng này ở các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của Việt Nam vẫn còn bị vướn mắc.
Bên cạnh đó, môi trường đặc thù của không gian biển cũng tạo ra những trở ngại khi áp dụng biện pháp vũ trang. Nếu như trên đất liền, các chiến sĩ công an còn có tâm lý e dè trước việc cưỡng chế tội phạm vì những rủi ro gây thương tích và thiệt hại cho người phạm tội, thì ở không gian biển, nguy cơ sát thương của các biện pháp vũ trang cao hơn rất nhiều nếu đối tượng kiên quyết chống trả. Do đó, thiết nghĩ pháp luật cần bổ sung thêm quy trình sử dụng biện pháp vũ trang trên biển, theo đó vừa đảm bảo không bỏ lọt tội phạm vừa bảo vệ chiến sĩ cảnh sát biển trước những rủi ro khi áp dụng biện pháp vũ trang.
Ngoài ra, Biển Đông có rất nhiều vùng biển có tranh chấp, việc sử dụng biện pháp vũ trang đối với tàu nước ngoài vi phạm cũng là một vấn đề dễ dẫn đến leo thang căng thẳng ở Biển Đông, như cách mà tàu chấp pháp Trung Quốc hiện đang làm ở Biển Đông. Hành động của tàu chấp pháp Trung Quốc còn nhằm để khẳng định yêu sách biển phi lý, tuy nhiên vấn đề này nằm ngoài phạm vi của bài tham luận.
2. Pháp luật quốc tế liên quan đến việc sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển
2.1. Khái niệm thực thi pháp luật trên biển và biện pháp vũ trang
* Khái niệm thực thi pháp luật
Theo Tài liệu Hướng dẫn về thực thi pháp luật trên biển của Văn phòng Chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, việc thực thi pháp luật trên biển có nghĩa là các hành động thực thi tất cả các luật hiện hành trên, dưới và trên vùng biển quốc tế và trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Nhà nước thực hiện các hoạt động thực thi đó. Do đó, thực thi pháp luật trên biển bao gồm ủy quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật và tàu được ủy quyền để đối phó với các tàu khác, bao gồm cả tàu nước ngoài trong một số tình huống, bằng cách hành động trên biển để thực thi luật pháp có liên quan. Điều này bao gồm các hành động như:
(a) Báo hiệu và dừng tàu nghi ngờ;
(b) Lên tàu nghi ngờ;
(c) Tìm kiếm tàu ​​nghi ngờ và người và hàng hóa trong các tàu đó;
(d) Bắt giữ hoặc bắt giữ người trong các tàu nghi ngờ và/ hoặc chính các tàu nghi ngờ;
(e) Thu giữ vật phẩm trên tàu nghi ngờ;
(f) Chỉ đạo hoặc lai dắt tàu nghi ngờ và người và hàng hóa trong các tàu đó đến cảng quốc gia ven biển hoặc nơi tương tự để điều tra;
(g) Tiến hành các cuộc điều tra đó; và
(h) Sau đó truy tố hoặc các hình thức xử phạt hành chính khác.
Thực thi pháp luật trên biển yêu cầu một số điều kiện tiên quyết phải được tiến hành trước khi thực hiện các hoạt động công vụ. Đặc biệt, khi can thiệp vào các tàu nước ngoài cho các mục đích thực thi pháp luật trên biển, các điều kiện tiên quyết này bao gồm:
(a) Quốc gia ven biển phải ban hành luật áp dụng cho hành vi mà các cơ quan thực thi pháp luật trên biển đang sử dụng làm cơ sở cho các hành động của họ liên quan đến một tàu tình nghi cụ thể;
(b) Quốc gia ven biển phải có thẩm quyền điều chỉnh hành vi trong vùng biển hoạt động tàu tình nghi;
(c) Các cơ quan thực thi pháp luật trên biển phải được ủy quyền theo luật của quốc gia ven biển của họ để thực hiện hành động thực thi pháp luật trên biển đối với tàu nghi ngờ, liên quan đến tội phạm bị nghi ngờ và trong vùng biển xác định; và
(d) Không thể có giới hạn pháp lý nào trong việc áp dụng luật của quốc gia ven biển đối với tàu và người dân là đối tượng của các hành động thực thi pháp luật trên biển của quốc gia ven biển.
* Khái niệm sử dụng vũ lực
Khi thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, vũ lực có thể cần phải được sử dụng để ngăn chặn và lên tàu nghi phạm, tìm kiếm và giam giữ tàu và người trên tàu, và thu giữ các vật phẩm từ tàu. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trên biển là một hoạt động kiểm soát thời bình, chứ không phải là một hoạt động của thời chiến. Điều này có nghĩa là các quy tắc áp dụng cho việc sử dụng vũ lực trong xung đột vũ trang không liên quan. Thay vào đó, các quy tắc áp dụng về sử dụng vũ lực áp dụng chung nhất, điều đó có nghĩa là mức độ sử dụng vũ lực không được vượt quá mức tối thiểu cần thiết một cách hợp lý trong các trường hợp, điển hình nhất là tự vệ. Cần lưu ý là hình thức tự vệ này hoàn toàn tách biệt với khái niệm tự vệ của quốc gia theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Nhìn chung, có hai vấn đề then chốt cần xem xét khi sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển: (1) lý do dẫn đến sử dụng vũ lực và (2) mức độ cho phép của vũ lực.
(1) Về lý do dẫn đến sử dụng vũ lực. Có hai lý do chính có thể dẫn đến việc sử dụng vũ lực của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển:
(a) Tự vệ: Việc sử dụng vũ lực hợp lý và cần thiết trong trường hợp bị tấn công hoặc tấn công sắp xảy ra đối với các quan chức thực thi pháp luật hoặc những người khác mà họ có quyền hoặc nghĩa vụ bảo vệ khỏi tác hại đó, để ngăn chặn cuộc tấn công đó hoặc cuộc tấn công sắp xảy ra.
(b) Mục đích thực thi pháp luật: Những mục đích được ủy quyền bởi luật pháp hoặc quy định có liên quan của Nhà nước ủy quyền của cơ quan thực thi pháp luật trên biển và cho phép sử dụng vũ lực để thực hiện nhiệm vụ hoặc mục đích thực thi pháp luật được chỉ định như đã đề cập ở mục trên.
(2) Về mức độ cho phép của vũ lực. Các khái niệm trung tâm để đánh giá mức độ cho phép của vũ lực gồm:
(a) Tấn công: Hành vi bạo lực trong đó có một kỳ vọng hợp lý rằng cái chết hoặc tổn hại cơ thể có thể xảy ra;
(b) Vũ lực không gây chết người: Vũ lực không có ý định hoặc có khả năng gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. Trong tình huống người thực hiện công vụ thiếu niềm tin khách quan hợp lý rằng mối đe dọa gây ra nguy cơ tử vong sắp xảy ra hoặc gây tổn hại cơ thể nghiêm trọng cho người đó hoặc người khác, thì việc sử dụng vũ lực để tự vệ thường bị giới hạn trong lực lượng không chết người;
(c) Vũ lực gây chết người. Vũ lực dự định hoặc có khả năng gây ra cái chết hoặc thương tích nghiêm trọng, bất kể tử vong hoặc kết quả thương tích nghiêm trọng. Việc sử dụng vũ lực gây chết người để tự vệ chỉ có sẵn trong những tình huống mà người thực thi công vụ có niềm tin khách quan hợp lý rằng một mối đe dọa gây ra nguy cơ chết người hoặc gây tổn hại cơ thể nghiêm trọng cho người đó hoặc người khác.
2.2. Giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và một số án lệ
* Giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982
Mặc dù giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật của quốc gia ven biển đối với vùng biển thuộc quyền tài phán của mình là một vấn đề hết sức hệ trọng; tuy nhiên khuôn khổ pháp lý hiện tại của UNCLOS 1982 thì lại đề cập rất mờ nhạt. Và có thể vì nguyên nhân hạn chế bớt bất đồng để đi đến sự nhất trí thông qua UNCLOS 1982 mà các cuộc thảo luận trong Hội nghị Liên
hợp quốc về Luật biển lần III (1973-1982) hầu như ít được nhắc đến. Việc để lại những khoảng trống pháp lý đó đã tạo điều kiện cho các quốc gia ven biển và quốc gia khác sử dụng vùng biển có những giải thích trái ngược nhau phục vụ lợi ích quốc gia mình.
Trong hoạt động bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, quốc gia ven biển cũng phải tính đến nghĩa vụ tránh các hậu quả tại hại có thể xảy ra trong khi thi hành các quyền cảnh sát theo quy định tại Điều 225, cụ thể là: (1) không được gây ra nguy hiểm cho an toàn hàng hải; (2) không được gây ra một rủi ro nào cho một con tàu hay dẫn con tàu đó về một cảng hoặc khu neo nguy hiểm và (3) cũng không gây ra rủi ro quá đáng cho môi trường biển. Bên cạnh đó, UNCLOS 1982 cũng quy định chỉ có những nhân viên chính thức có đủ tư cách, cũng như các tàu chiến hay phương tiện bay quân sự hay các tàu thuyền hoặc các phương tiện bay khác có mang những dấu hiệu bên ngoài chứng tỏ rõ ràng rằng chúng thuộc một cơ quan nhà nước và được phép tiến hành công việc đó, thì mới có thể thi hành các việc cảnh sát đối với các tàu thuyền nước ngoài.
Điều 25 (1) UNCLOS 1982 thừa nhận quyền thi hành các biện pháp cần thiết trong lãnh hải của quốc gia ven biển để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 lại để ngỏ nội hàm của cụm từ “các biện pháp cần thiết” này. Theo đó, mức độ sử dụng vũ lực trong khuôn khổ của các biện pháp cần thiết phải được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
UNCLOS 1982 không quy định về giới hạn sử dụng vũ lực trong vùng biển đặc biệt này khi mà quốc gia khác được trao nhiều quyền hoạt động hơn trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển. Ngược lại, Điều 58 (2) UNCLOS 1982 viện dẫn lại Điều 88 như là một nghĩa vụ của các quốc gia khác phải sử dụng biển vào mục đích hòa bình khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.
Đối với các vùng biển tranh chấp, UNCLOS 1982 đưa ra một điều luật đóng vai trò là chìa khóa, Điều 59 quy định về cơ sở giải quyết tranh chấp trong trường hợp UNCLOS 1982 không quy định rõ các quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, trong đó gồm 03 yếu tố: (1) phải được giải quyết trên cơ sở công bằng; (2) chú ý đến tất cả mọi hoàn cảnh thích đáng; (3) có tính đến thầm quan trọng của các lợi ích có liên quan đối đối với các bên tranh chấp và đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Vì vậy việc các lực lượng vũ trang trên biển sử dụng sức mạnh của mình khó có thể được biện minh như đó là hành động thực thi pháp luật.
Trong khi thi hành các luật và quy định của mình, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp; tuy nhiên, không được bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào khác.
* Giới hạn của việc sử dụng vũ lực trên biển trong quá trình thực thi pháp luật trong một số án lệ
Có thể thấy rằng, mấu chốt của vấn đề sử dụng vũ lực của các lực lượng vũ trang trên biển trong quá trình thực thi pháp luật là nguy cơ đối với tính mạng và tài sản. Vì vậy, bổ khuyết cho UNCLOS 1982 là các nguyên tắc và quy phạm trong lĩnh vực luật hàng hải, luật hải chiến, luật nhân quyền, luật nhân đạo,… Bên cạnh đó, một số án lệ và tiền lệ cũng làm sáng rõ một số khía cạnh mang tính kỹ thuật hàng hải của vấn đề sử dụng vũ lực trên biển.
Trong vụ I’m Alone, một quan điểm được ghi nhận là việc bắn vào tàu chỉ được chấp nhận khi nhằm mục đích tạm dừng hải trình của nó và sẽ không được chấp nhận nếu nhằm vào mục đích làm chìm nó
Trong vụ Red Crusader, Ủy ban về điều tra vụ việc này ghi nhận việc vượt quá việc sử dụng vũ lực khi chấp pháp dựa trên hai yếu tố: (1) bắn mà không cảnh báo trước; (2) gây nguy hiểm đến nhân mạng trên tàu mà không chứng minh được sự cần thiết và hiệu quả
Trong vụ MV Saiga, ITLOS đã kết luận rằng: chỉ sau khi các hoạt động thích hợp không mang lại hiệu quả thì con tàu truy đuổi có quyền, như là sự chọn lựa cuối cùng, sử dụng vũ lực. Nhưng trong đó, tàu truy đuổi cần cảnh báo trước về vấn đề sử dụng vũ lực và cần nỗ lực không sát hại nhân mạng
Trọng tài adhoc trong vụ tranh chấp giữa Guyana/ Suriname năm 2007 khẳng định rằng việc sử dụng vũ lực trong luật quốc tế có thể được sử dụng trong hoạt động thực thi pháp luật miễn là việc sử dụng vũ lực này là không thể tranh khỏi, hợp lý và cần thiết. Đáng lưu ý là trong vụ việc này hoạt động của các tàu quân sự của Suriname trong vùng biển tranh chấp không được xem là hoạt động thực thi pháp luật mà là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực
Trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS đã chỉ định Thuyền trưởng Gurpreet S. Singhota cung cấp những nhận định chuyên gia khách quan về hai sự việc. Thuyền trưởng Singhota đánh giá các tàu Trung Quốc đã hành xử “hoàn toàn coi thường việc tuân thủ và thực thi tinh thần của người đi biển bao gồm thực tiễn của các thủy thủ, nhưng quan trọng
nhất là việc đã hoàn toàn coi thường sự cần thiết tuân theo các quy định về chống đâm va”. Thuyền trưởng Singhota đã kết luận rằng các tàu Trung Quốc đã vi phạm Điều 2, 6, 8, 15, 16 của COLREGS. Khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 7/2016, các thành viên đã nhất trí với nhận xét của chuyên gia trên. Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định, Trung Quốc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn. Các động thái của Trung Quốc không phải là kết quả của sự vô tình, sự thiếu chú ý mà là của sự coi thường các quy định một cách có chủ ý. Bên cạnh đó, Tòa trọng tài còn khẳng định: khi hoạt động chấp pháp của các tàu xung đột với COLREGS thì các quy định của COLREGS phải được ưu tiên.
3. Bài học kinh nghiệm từ việc sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển của Mỹ và Indonesia
3.1. Việc sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển của Mỹ
Cảnh sát biển Mỹ được quy định là một trong sáu lực lượng vũ trang và trực thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, căn cứ theo Phần 10, 14 của Bộ luật Mỹ (the United States Code) và Phần 33 của Bộ Luật Liên bang Mỹ (the Code of Federal Regulations)
Ngày 25 tháng 11 năm 2002, Đạo luật An ninh Nội địa Mỹ (Homeland Security Act) đã được Tổng thống George W. Bush ký thành luật, chỉ định Lực lượng Cảnh sát biển được đặt dưới Bộ An ninh Nội địa. Việc chuyển giao quyền kiểm soát hành chính từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ An ninh Nội địa đã được hoàn thành vào năm sau, vào ngày 1 tháng 3 năm 2003. Đây là một bước tiến quan trọng tạo hành lang pháp lý cho Cảnh sát biển Mỹ sử dụng biện pháp vũ trang nhằm trấn áp tội phạm.
Cảnh sát biển Mỹ báo cáo hoạt động trực tiếp với Bộ trưởng An ninh Nội địa. Tuy nhiên, theo mục 3 Phần 14 Bộ luật Mỹ được sửa đổi theo mục 211 của Đạo luật Cảnh sát biển và Giao thông vận tải biển năm 2006, trong tình huống chiến tranh hoặc khi Quốc hội chỉ đạo, hoặc khi Tổng thống chỉ đạo, Cảnh sát biển hoạt động theo Bộ Quốc phòng như là một thành phần trong Bộ Hải quân.
Mục 2 Phần 14 Bộ luật Mỹ cũng ủy quyền cho Cảnh sát biển thực thi luật liên bang. Nhiệm vụ này được xác định rõ hơn trong Mục 89 Phần 14 Bộ luật Mỹ 14, nơi trao quyền thực thi pháp luật cho tất cả các sĩ quan ủy nhiệm của Cảnh sát biển, sĩ quan bảo đảm và sĩ quan cấp thấp. Không giống như các lực lượng khác vốn bị ngăn chặn hoạt động trong thẩm quyền thực thi pháp luật của Mục 1385 Phần 14 Bộ luật Mỹ, Đạo luật Posse Comitatus và chính sách của Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển được miễn và không phải chịu theo những hạn chế trên.
Cảnh sát biển có thẩm quyền pháp lý để mang theo vũ khí trong và ngoài căn cứ. Điều này hiếm khi được thực hiện trong thực tế, tuy nhiên; tại nhiều trạm cảnh sát biển, các chỉ huy có thể có tất cả vũ khí trong kho vũ khí khi không sử dụng. Vụ People v. booth năm 1988 đã cho rằng các sĩ quan chính quy của Cảnh sát biển là những sĩ quan thực thi pháp luật đủ điều kiện được phép mang theo súng cầm tay cá nhân ngoài nhiệm vụ để tự vệ.
Theo một thống kê năm 2010, Lực lượng Cảnh sát biển Mỹ sử dụng hơn 8.577 nhân viên dân sự trong hơn hai trăm loại công việc khác nhau bao gồm các đặc vụ điều tra, luật sư, kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính, thương nhân và lính cứu hỏa liên bang. Việc tuyển dụng nhân viên dân sự làm việc ở nhiều công việc khác nhau trong lực lượng Cảnh sát biển Mỹ cũng là một điểm sáng, qua đó, không có kẽ hở cho sử dụng vũ lực một cách tùy tiện, người có thẩm quyền thực hiện biện pháp vũ trang chỉ có thể những cá nhân chính quy và nắm vững nghiệp vụ.
3.2. Việc sử dụng biện pháp vũ trang trong thực thi pháp luật trên biển của Indonesia
Indonesia có đến 12 cơ quan thực thi pháp luật trên biển và có xu hướng chồng chéo thẩm quyền. Đó là các cơ quan từ các bộ khác nhau của chính phủ, bao gồm cả Hải quân Indonesia. Đã có kế hoạch hợp nhất các cơ quan thực thi pháp luật trên biển khác nhau này để trở thành một “Cơ quan bảo vệ bờ biển Indonesia” duy nhất như Cảnh sát biển Mỹ. Chính phủ Indonesia đang tìm một tình huống cho vấn đề này.
Hiện nay các cơ quan chính thực thi pháp luật trên biển và có thẩm quyền sử dụng biện pháp vũ trang ở Indonesia bao gồm:
(1) Cơ quan an ninh hàng hải
Cơ quan an ninh hàng hải (tiếng Indonesia: Badan Keamanan Laut – BAKAMLA) là một đội tuần tra hàng hải của Indonesia. BAKAMLA là một tổ chức chính phủ, báo cáo trực tiếp với Tổng thống thông qua Bộ điều phối về các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh. Nhiệm vụ của BAKAMLA là tiến hành tuần tra an ninh và an toàn trong vùng lãnh hải của Indonesia và quyền tài phán của Indonesia.
(2) Lực lượng bảo vệ biển và bờ biển
Lực lượng bảo vệ biển và bờ biển (tiếng Indonesia: Kesatuan Penjagaan Laut dan Pantai – KPLP) là một cơ quan của Chính phủ Indonesia có chức năng chính là đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển trong Vùng biển Indonesia. “KPLP” có nhiệm vụ xây dựng và thực thi các chính sách, tiêu chuẩn, định mức, hướng dẫn, tiêu chí và thủ tục, cũng như hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá và báo cáo về tuần tra và an ninh hàng hải, được thực hiện phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải khác của đất nước. KPLP nằm dưới sự bảo trợ của Tổng cục Vận tải Biển của Bộ Giao thông Vận tải Indonesia (Kementerian Perhubungan).
(3) Đơn vị cảnh sát quốc gia
Cảnh sát quốc gia Indonesia có một đơn vị hoạt động ở vùng nước (tiếng Indonesia: Polisi Perairan viết tắt là “Polair”) chịu trách nhiệm thực thi pháp luật và thực thi an ninh và trật tự của bờ biển và vùng biển nhà nước.
(4) Giám sát tài nguyên biển và thủy sản
Cơ quan giám sát tài nguyên biển và thủy sản (tiếng Indonesia: Pengawasan Sumber Daya Kelautan dan Perikanan – PSDKP) là một cơ quan chính phủ thuộc sự quản lý của Bộ Thủy sản và Thủy sản Indonesia. Chính thức được thành lập vào ngày 23 tháng 11 năm 2000 theo Sắc lệnh của Tổng thống số 165/2000, PSDKP là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các nguồn tài nguyên biển và thủy sản của Indonesia.
Indonesia được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như là một trong những quốc gia rất mạnh tay với hiện tượng đánh bắt cá trái phép. Nước này đã phá hủy hàng chục tàu để đánh cá bất hợp pháp trên lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia hàng năm. Điều 69 của Luật số 45/2009 của Indonesia quy định rằng, trong việc thực hiện các chức năng, điều tra viên và/ hoặc Kiểm soát viên thủy sản được quyền thực hiện các hành động đặc biệt dưới hình thức đốt và/ hoặc đánh chìm một tàu cá treo cờ nước ngoài dựa trên bằng chứng ban đầu đầy đủ. Việc này đã hình hành một quy trình pháp lý toàn diện, và đã được sự chấp thuận trước của tòa án.
Từ đó, liên hệ với Việt Nam, một số quy định về trấn áp tội phạm trên biển giữa lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng vẫn còn chồng chéo. Do đó, pháp luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể chi tiết về phạm vi hoạt động của hai lực lượng theo hướng trao thẩm quyền nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát biển.
Ngoài ra, quy trình sử dụng biện pháp vũ trang một cách toàn diện cần được hình thành để người thực thi công vụ lấy làm cơ sở cho quyết định và cách thức sử dụng vũ lực trên biển sao cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo yêu cầu công tác.
4. Đề xuất kiến nghị
Qua nghiên cứu pháp luật quốc tế cũng như kinh nghiệm của Mỹ và Indonesia, bài tham luận đề xuất một số giải pháp sau nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang trong công tác đấu tranh với tội phạm trên biển:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về sử dụng vũ lực khi thực thi công vụ trên biển.
Như đã phân tích trên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại còn một số thiếu sót trong các vấn đề như: phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia; quy trình sử dụng biện pháp vũ trang trên biển một cách toàn diện; phân tách phạm vi hoạt động của hai lực lượng Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển theo hướng trao thẩm quyền nhiều hơn cho lực lượng cảnh sát biển. Theo đó, cần bổ sung một cách chính xác và kịp thời các quy định pháp luật để tạo cơ sở vững chắc cho người thực thi công vụ.
Thứ hai, chú trọng việc tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện và giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nghiệp vụ sử dụng biện pháp vũ trang cho người thực thi công vụ.
Để có thể nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang, người thực thi công vụ phải có một thể lực tốt; năng lực, trình độ tác chiến cao; có thể sử dụng thuần thục các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị; hợp đồng phối hợp giữa các lực lượng phải đồng bộ, nhịp nhàng. Từ yêu cầu này, đòi hỏi cần phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chiến đấu, năng lực nghiệp vụ, pháp luật, kỹ năng tác chiến phù hợp, thể lực và vũ thuật cho các lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, thông qua các công tác huấn luyện, bồi dưỡng, kịp thời phổ biến, quán triệt các lực lượng thực hiện nghiêm yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ khi thực hiện biện pháp vũ trang, tuyệt đối tránh gây mâu thuẫn, xung đột với đối tượng nghi phạm hoặc để xảy ra các tình huống đáng tiếc.
Thứ ba, kết hợp giữa biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác để nâng cao hiệu quả công tác.
Biện pháp vũ trang chỉ là một biện pháp cụ thể trong bảy biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát biển, chính vì vậy, biện pháp vũ trang có mối quan hệ chặt chẽ với các biện pháp khác. Bên cạnh đó, để
có đủ thông tin, tài liệu cần thiết để xây dựng được kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp, lực lượng cảnh sát biển cần phải kết hợp sử dụng các biện pháp điều tra, tố tụng, các biện pháp điều tra trinh sát và một số biện pháp mang tính đặc thù khác.
Ngoài ra, có thể đánh giá thêm phương pháp tuyển dụng nhân viên dân sự như Cảnh sát biển Mỹ cho các công tác không trực tiếp đối phó với tội phạm như điều tra, chuyên viên pháp lý, …
Thứ tư, ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hiện đại cho lực lượng cảnh sát biển.
Yêu cầu quan trọng nhất khi tổ chức bắt giữ đối tượng phạm tội là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia bắt giữ và người khác, chính vì vậy, khi đối tượng phạm tội có hành vi hoặc chuẩn bị có hành vi chống lại các lực lượng chuyên trách, thì lực lượng này phải kịp thời có hành động tương xứng để vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn sự chống đối của đối tượng trong môi trường đặc thù là không gian biển.
Vì vậy, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cần trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại trước tình hình tội phạm từ phía biển ngày càng tinh vi và phức tạp.
Thứ năm, tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các lực lượng vũ trang khác trong công tác phòng chống tội phạm; thúc đẩy hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm với các lực lượng cảnh sát biển trong khu vực và thế giới; tích cực chủ động xây dựng cơ chế an ninh biển chung ở Biển Đông trong tình trạng tranh chấp biển chưa giải quyết.
Trong tình trạng tranh chấp phức tạp và có nhiều nguy cơ xảy ra các điểm nóng về tội phạm, các quốc gia ven biển ở Biển Đông cần hợp tác để hình thành một cơ chế bảo vệ an ninh chung, chống lại các tội phạm trên biển, giữ gìn an ninh cho khu vực và cho chính quốc gia mình.

Powered by Blogger.