Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Biểu tình: Sự cần thiết hay bất ổn xã hội?

Saturday, June 20, 2020 5:18:00 PM // ,

11/06/2020


Biểu tình ở Chicago, 6 tháng Sáu, 2020.


Đinh Yên Thảo

Lễ truy điệu nhà cách mạng Phan Châu Trinh sau khi ông mất vào tháng 4 năm 1926 đã thu hút hàng vạn người tham dự tại Sài Gòn cùng khắp các tỉnh thành ba kỳ Nam-Trung-Bắc. Có thể thấy rằng, những cuộc tuần hành, bãi khóa, biểu tình bất bạo động... diễn ra tại một quốc gia quân chủ nhỏ bé còn dưới ách ngoại bang vào đầu thế kỷ 20 như Việt Nam, là một bước ngoặc lớn lao về dân chủ tại Việt Nam. Nhân những cuộc biểu tình rầm rộ đang xảy ra tại Hoa Kỳ từ đôi tuần qua, chúng ta thử nhìn lại xem, liệu các cuộc biểu tình dân sự là cần thiết hay là tình trạng bất ổn của xã hội?
Biểu tình là cách thể hiện quan điểm, phản kháng của đại chúng trước những ý tưởng, hành động hay chính sách nào đó của một cá nhân, tổ chức hay một chính phủ, thường liên quan đến các vấn đề chính trị xã hội. Khác với phong trào phản kháng vũ trang, như các cuộc cách mạng Pháp, Hoa Kỳ... đến những cuộc nổi dậy của những cuộc khởi nghĩa chống Pháp của những nghĩa binh Việt Nam, các cuộc biểu tình dân sự ôn hòa và bất bạo động đã xảy ra khắp thế giới từ đầu thế kỷ 20 cho đến hiện nay dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau.
Những cuộc biểu tình này có thể là hành động phản kháng cá nhân cho đến những cuộc tuần hành quy tụ từ vài chục đến hàng triệu người, không ngoài mục đích gióng lên tiếng nói của mình hầu kêu gọi, tìm kiếm sự ủng hộ nơi công luận hay tạo sự thay đổi trong chính sách quốc gia về vấn đề được quan tâm.
Một trong những cuộc tuần hành biểu tình quy mô và có tầm mức ảnh hưởng lớn đến thế giới, được xem là khởi đầu cho phong trào này là do nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi khởi xuớng và tổ chức tại Nam Phi để chống lại người Anh và bảo vệ cộng đồng Ấn Độ tại quốc gia này vào năm 1913. Ông trả giá cho những hoạt động phản kháng này nhiều lần và bằng nhiều năm tù tội nhưng cuối cùng đã giành được độc lập cho Ấn Độ từ tay người Anh, trở thành người đưa ra lý thuyết và phương pháp đấu tranh bất bạo động được sử dụng tại Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia khắp thế giới cho đến hiện nay.
Như đã nói trên, các hình thức biểu tình bất bạo động cũng đã diễn ra tại Việt Nam rất sớm, từ đầu thế kỷ 20 khi Việt Nam còn trong thể chế quân chủ và là nước thuộc địa. Các cuộc diễn thuyết, bình văn, cho đến những vận động bãi khoá, chống sưu thuế đã được giới sĩ phu và những nhà cách mạng Việt Nam khởi xướng, quy tụ đông đảo người ủng hộ và tham gia. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... có thể xem là những nhà dân chủ mang tư tưởng tiến bộ và văn minh phương Tây trong các khái niệm pháp quyền, dân quyền, nhân quyền, tự do, bác ái, bình đẳng... về với Việt Nam từ buổi sơ khai và dân trí còn thấp kém. Chúng kéo dài qua các thời kỳ cộng hòa cho đến cộng sản tại Việt Nam đến hôm nay.
Lý thuyết và phương pháp tranh đấu bất bạo động đã có những bước tiến đáng kể qua phong trào dân quyền tại Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Mục Sư Tiến Sĩ Luther King Jr. vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Ông là một trong những nhà hoạt động có vai trò và tầm mức ảnh hưởng to lớn của nước Mỹ và phong trào tranh đấu bất bạo động của thế giới đương đại. Từ những diễn từ ý nghĩa và đầy niềm cảm hứng cho đến việc tổ chức các cuộc tuần hành hàng triệu người, ông cũng là một lãnh tụ da đen vĩ đại, đã tranh đấu và mang lại niềm cảm hứng cùng những quyền lợi to lớn cho người da màu tại Mỹ.
Các cuộc đấu tranh phi bạo lực cũng đã diễn ra tại nhiều quốc gia trong vài thập niên qua và mang lại các kết quả tích cực, thay đổi thể chế độc tại tại nhiều quốc gia, từ Ukraina, phong trào Mùa Xuân Ả Rập tại các nước Bắc Phi, Ả Rập cho đến tạo ra sự quan tâm, ủng hộ của thế giới như phong trào Formosa, luật đặc khu, khiếu kiện đất đai ... tại Việt Nam hay phong trào Dù Vàng, phản đối Trung Cộng tại Hồng Kông trong vài năm qua.
Nhưng cho dù là quyền hiến định và được tôn trọng tại các quốc gia dân chủ, bất cứ chính phủ nào, độc tài hay dân chủ cũng không hề mong muốn xảy ra. Bởi nó gây ra sự đình trệ và xáo trộn trong xã hội, đặc biệt khi bị kích động để trở thành những cuộc bạo động. Việt Nam đã từng đề nghị về Luật Biểu Tình từ nhiều năm qua nhưng vẫn trì hoãn, kéo dài cho đến nay vẫn chưa thông qua luật.
Ở đây cần phân biệt sự khác biệt giữa biểu tình phi bạo lực và những sự đập phá, cướp bóc, hôi của, hai điều dễ bị nhiều người nhầm lẫn khi nhìn về những cuộc biểu tình nói chung. Được hiến pháp bảo vệ quyền biểu đạt, trong khi biểu tình ôn hòa là một thực tế và điều cần thiết trong thế giới tự do ngày nay vì nó cho phép người dân bày tỏ ý nguyện của mình hợp pháp nhằm giúp chính phủ có thể điều chỉnh, thay đổi các chính sách bị người dân phản đối hay ủng hộ, tạo ra một xã hội tốt đẹp và đúng nghĩa với tinh thần "vì dân" thì việc bạo loạn, đập phá, cướp bóc... là hành động phi pháp, tạo ra sự bất ổn xã hội, sự an toàn của người dân và gây ra thiệt hại tài sản cá nhân hay quốc gia.
Những hành động phi pháp này không thể và không được xem là "biểu tình". Nó có thể bị lợi dụng mang tính cá nhân như đập phá, cướp bóc, hôi của hay cũng có thể bị kích động bởi các âm mưu chính trị, muốn tạo sự bất ổn xã hội vì mục đích nào đó. Hoặc để biến chính nghĩa và sự hợp pháp của những cuộc biểu tình trở thành bất hợp pháp, từ đó có thể đàn áp như tại các quốc gia độc tài, hay sử dụng để tấn công, hạ thấp tính chính danh cuộc biểu tình trong mục đích chính trị tại các quốc gia khác. Chính vì vậy các cuộc biểu tình cần có tôn chỉ, mục đích rõ ràng và có sự lãnh đạo của những cá nhân, tổ chức tranh đấu cho lợi ích quốc gia thay vì mục tiêu cá nhân.
Chủ trương biểu tình bất bạo động là thông qua đối thoại, trên tinh thần thượng tôn pháp luật và thái độ tôn trọng, có ý thức. Những hành động phi pháp luôn là phi pháp, cho dù có xảy ra trong bất cứ thời điểm hay tình cảnh nào. Nhìn vào dăm việc đập phá, hôi của để chỉ trích các cuộc biểu tình xem ra không chính xác. Cũng như vụ George Floy, dù anh ta là nguyên cớ dẫn đến các cuộc biểu tình nhưng mục tiêu và ý nghĩa của nó lớn hơn nhiều. Chúng không phải đi tìm công lý cho George Floy mà để gióng tiếng nói, đòi hỏi một xã hội bình đẳng, tôn trọng và công lý hơn cho mọi sắc dân.
Khi phân biệt rõ ràng về vấn đề biểu tình và hành động phi pháp, người ta sẽ thấy rằng biểu tình là vũ khí của người dân, là sự cần thiết trong xã hội dân chủ hơn là sự bất ổn. Bởi nó cho thấy tâm nguyện và tiếng nói của người dân trước các vấn đề quốc gia cần được chính phủ lắng nghe.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.