Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 04/09/2020

Friday, September 4, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 04/09/2020

Covid-19 làm Trung Quốc mất ngôi thiên tử – Tú Anh

Trong quan hệ với Nga và Trung Quốc, dường như Tây phương và châu Âu đang ở thế thượng phong. Báo chí Pháp, qua các bài phân tích về khủng hoảng Belarus và vụ đầu độc nhà đối lập Nga Alexei Navalny cho đến quan hệ với Bắc Kinh đều cùng một chiều hướng : phương Tây có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc và Nga trong khi hai nhà nước độc tài này lộ dần các nhược điểm tai hại.
Khi Matxcơva giả điếc trong vụ Alexei Navalny, Phương án B của Kremlin ở Belarus, dấu hiệu « gió đổi chiều » trong quan hệ Đức-Nga, Kế hoạch phục hưng kinh tế 100 tỷ đầy tham vọng của Pháp là các chủ đề tràn ngập các trang báo Pháp hôm nay. Nhưng trước hết, trang ý kiến của Le Monde dành cho hai chuyên gia địa chiến lược Walter Lohman (*) và Valérie Niquet (**) phân tích vì sao châu Âu là mô hình tương lai của nhân loại chứ không phải là Trung Quốc.
Thế giới sẽ không chuyển trọng tâm về châu Á với Trung Quốc là hạt nhân
Theo hai tác giả, Tây phương và mô hình tự do đang suy tàn dường như là chuyện mặc định trong các cuộc tranh luận về tương lai địa cầu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho dù có chậm lại nhưng vẫn vững chắc và che đậy được những khuyết điểm của chế độ với hố sâu bất bình đẳng giữa một bên là tầng lớp đặc quyền, đa số là đảng viên và bên kia và dân chúng sống chết mặc bay.
Mô hình Trung Quốc và chính sách « Con đường tơ lụa » hấp dẫn qua khả năng đầu tư dường như bất tận cuối cùng sẽ thống trị. Trong khi đó, chiến lược « Nước Mỹ trước đã » của Donald Trump và những lời công kích chống các đồng minh châu Âu, châu Á thân thiết nhất đã củng cố quan điểm của những người so sánh thái độ can thiệp của Mỹ và mối đe dọa Trung Quốc, ở tận châu Á xa xôi lên bàn cân và xem chiến tranh thương mại với Bắc Kinh thế hiện cuộc tranh giành quyền thống trị thế giới.
Tuy nhiên, khủng hoảng Covid-19 cho phép thẩm định lại phân tích này. Bởi vì thế giới sẽ không xoay trục theo Trung Quốc. Đại dịch làm lộ ra những nhược điểm bên trong lẫn bên ngoài của chế độ, không xứng đáng là một đại cường thứ hai thế giới. Siêu vi xuất hiên và lây nhiễm lan tràn tại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa một phần vì bản chất và những hạn chế của chế độ.
Phản ứng của Bắc kinh còn cho thấy chế độ tập trung vào một mục đích hẹp hòi là duy trì quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản bằng mọi phương tiện như co cụm vào ý thức hệ, kích động tinh thần dân tộc cực đoan. Do vậy mới có những hành động phiêu lưu gây hấn từ biên giới Ấn Độ cho đến Biển Đông, từ Hồng Kông cho đến Tân Cương.
Những con « chó sói » trong bộ Ngoại Giao liên tục tung ra những lời tuyên bố hung hăng mà hệ quả là làm tiêu tan hình ảnh tích cực của Trung Quốc trong mắt những ủng hộ viên trung thành nhất.
Đến châu Phi cũng nổi giận. Qua một bức thư ngỏ, đại sứ các nước châu Phi tại Bắc Kinh yêu cầu Trung Quốc phải cải thiện cách đối xử với ngoại kiều Phi châu.
Theo Walter Lohman và Valérie Niquet,  Trung Quốc hiện nay đang đối đầu với khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng cũng như lệ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay các quân sư của ông, cho dù có khuyết điểm đến đâu, đã biết rằng chỉ có tương quan lực lượng trong thế thượng phong mới khống chế được chế độ Trung Quốc.
Tại châu Á, mô hình dân chủ của Tây phương, với những giá trị phổ quát mà Trung Quốc công kích chê bai, hiện nay đang chiến thắng về mặt ý thức hệ và thắng ngay trong thế giới Trung Hoa. Ai chưa tin thì hỏi Hồng Kông, Đài Loan, những nhân chứng trong cuộc.
Walter Lohman và Valérie Niquet kết luận : Đại dịch Covid-19 để lại dấu tích khắp nơi nhưng nó cũng làm sáng tỏ một vấn đề đó là « thế giới không xoay trục về châu Á với Trung Quốc thống trị.Trong trận chiến thế giới này thì chỉ có châu Âu, với những giá trị nhân văn sẽ là kẻ chiến thắng, hai tác giả tiên đoán.
« Đã đến lúc đón Đài Loan vào hệ thống Liên Hiệp Quốc »
Đừng để Hiến Chương Liên Hiệp Quốc thành một tờ giấy vô giá trị. Đó là lời kêu gọi của ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp, tác giả một bài phân tích trên Le Monde. Ngoại trưởng Đài Loan nhấn mạnh vào chính sách quản lý y tế phi thường của hải đảo và kêu gọi toàn cầu hợp tác với nhau mới có thể diệt được Covid-19. Chính trong tinh thần này, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ Đài Loan có một chổ đứng trong Liên Hiệp Quốc, một quyền tự nhiên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc ghi trong phần dẫn nhập : « Chúng tôi, nhân dân của Liên Hiệp Quốc quyết tâm tuyên bố đặt niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, trong tinh thần bình đẳng giữa nam giới và nữ giới, cũng như giữa các nước lớn và nước nhỏ… ». Đài Loan chỉ đòi được quyền bình đẳng.
Vụ Alexei Navalny : Matxcơva giả điếc nhưng phản ứng ngầm
Châu Âu thúc giục Putin trả lời về vụ Alexei Navalny bị đầu độc, tựa của Le Figaro. Bị tố cáo nhưng Matxcơva giả điếc, tựa của Le Monde. Giả điếc, phủ nhận chuyện « Novitchok » nhưng điện Kremlin « bấm nút » cho các tờ báo thân chế độ tung ra những nghi vấn gây hỏa mù : nào là nạn nhân bị đầu độc tại Đức, nào là Alexei Navalny tự uống thuốc độc.
Trong khi đó, tuy lãnh tụ « vắng mặt » không biết đến bao giờ, bị chính quyền truy bức một cách phi lý nhưng Le Monde ghi nhận đối lập Nga kiên định hơn bao giờ hết.
Sắp đến ngày bầu cử địa phương, Chủ Nhật  13/09, trong bối cảnh hàng loạt nhà hoạt động bị cấm ra tranh cử, đối lập Nga sử dụng vũ khí từng được sử dụng hiệu nghiệm trong cuộc bầu cử địa phương và Quốc Hội lần trước : đó là vận động cử tri tẩy chai ứng cử viên của chính quyền và dồn phiếu cho bất cứ một người nào khác  cạnh tranh với đảng Nước Nga Thống Nhất và có vị trí tốt nhất.
La Croix với  tựa « Putin lui về thế thủ » nhận định : Putin cố tình nói dối cho thấy vụ đầu độc này nói lên bản chất nham hiểm của những thế lực cầm quyền tại nước Nga. Từ ngày Putin vào điện Kremlin, biết bao nhà đối lập bị giết, biết bao người bị lao tù, người thì bị áp lực tinh thần, kẻ bị đánh đập. Chế độ Putin không chịu đựng được khi bị tố cáo tham nhũng. Chế độ này sợ nỗi căm giận của người dân, lâu lâu xuống đường phản kháng và tìm cách không cho họ phát biểu lòng căm giận qua lá phiếu.
Trong xã luận « Bài học Navalny », nhật báo Công Giáo cho rằng Putin là kẻ thù chung của các nền dân chủ và tinh thần liên đới châu Âu. Chủ nhân điện Kremlin sử dụng những đòn tấn công đặc biệt là tuyên truyền giả dối chống châu Âu nhưng vì lý do địa chiến lược, Pháp và Đức cho đến nay vẫn không dứt khóat chọn lựa giữa hai thái độ : đối thoại hay cứng rắn. Đã đến lúc châu Âu phải ý thức. Bởi vì việc đầu độc Alexei Navalny là cách hành xử cực độ nham hiểm của Nga và có liên quan đến tất cả chúng ta, La Croix cảnh báo.
« Bắc hải lưu số 2 » : phương tiện gây áp lực
Theo Le Figaro, một mặt trận chung được thành lập để buộc Kremlin làm sáng tỏ vấn đề. Riêng tại Đức, nhiều tiếng nói đề nghị ngưng dự án ống dẫn khí đốt Nga-Đức có tên là « Bắc hải lưu số 2 »
Một trong những ý kiến có trọng lượng nhất tại Đức là Wolfgang Ischinger, chủ tịch Diễn đàn An ninh thế giới Munich, giải thích : chúng ta không cần xây một bức tường ngăn cách châu Âu với Nga nhưng cần phải có một con đường trung dung giữa một hành động tẩy chay toàn diện và một cử chỉ ngoại giao để gây áp lực.
Lời cảnh báo này cũng nhắm đến diễn biến tình hình tại Belarus, mà theo một số chuyên gia, Putin đang chuẩn bị sáp nhập láng giềng vào Liên bang Nga.
Liệu Đức sẽ dùng biện pháp mạnh với Nga ?
Nếu có thì do những lý do nào ? Báo chí Pháp chỉ ra các tử huyệt của Putin.
Theo Libération, độc dược « Novitchok » đầu độc quan hệ Đức-Nga và có thể ảnh hưởng đến dự án ống dẫn khí đốt. Trên thực tế, nhiều công ty quốc tế tham gia đã ngưng hợp tác sau khi có lời đe dọa của Donald Trump coi chừng lãnh hậu quả. Cụ thể là công ty Thụy Sĩ Allseas đã ngưng công tác đặt ống dẫn.
Vụ Alexei Navalny cũng có thể làm Angela Merkel thay đổi lập trường nhất là trong bối cảnh Berlin không tiêu hóa nỗi thái độ tự tung tự tác của tình báo Nga. Cách nay đúng một năm, một nhà đối lập gốc Gruzia bị bắn chết trong công viên gần phủ thủ tướng Đức. Thẩm phán điều tra cáo buộc đích danh chính quyền Nga đứng sau vụ ám sát.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã quyết định chận đứng dự án « Bắc hải lưu số 2 » của Nga để dành thị phần cung cấp năng lượng cho châu Âu. Cho nên theo nhật báo thiên tả, đỉnh chỉ dự án ống dẫn khi đốt là lời đe dọa thật sự.
Nếu châu Âu gia tăng áp lực với Putin thì đây là lúc thuận lợi. Trong bài « Kinh tế Nga dưỡng bệnh trong tình trạng mong manh », Les Echos cho biết : dù tổng thống Nga có khẳng định giới hạn được tác hại của Covid-19, mọi chỉ số kinh tế đều mang màu đỏ báo động. Đó là chưa kể nhu cầu dầu hỏa trên thế giới giảm sút và trong nước, người dân Nga ngày càng mất tin tưởng ở chế độ.
Tháng 01/2020, Putin đổi chính phủ để phát động chiến dịch cải cách kinh tế qua các đại công trình. Nhưng tất cả đều bị đình trệ vì tham nhũng, vì quan liêu cửa quyền. Tất cả chỉ tiêu đều bị xét lại và hạ thấp. Lời hứa xóa nghèo phải dời đến năm…2030.
Trước sức ép của xu hướng kinh tế tự do trong đảng, hồi đầu mùa hè, Putin loan báo sẽ phát động 500 biện pháp và huy động 70 tỷ đôla cho các đại công trình. Nay đã đến đầu thu mà kế hoạch chưa có gì cụ thể .
Trong khí đó Matxcơva rất năng nổ trong hồ sơ Belarus. Cũng theo Les Echos, Kremlin càng lúc càng dấn thân vào cuộc cờ. Một số nhà quan sát cho là Putin muốn nhân cơ hội Lukashenko bị suy yếu, bị dân chống đối, để nhanh tay buộc tổng thống Belarus chấp nhận « hợp nhất » với Nga.
Cùng lúc, Matxcơva cũng tìm một phương án B : không phải là nữ anh hùng Svetlana Tsikhanovskaia mà là một nhà đối lập khác bị bắt giam khi ra tranh cử tổng thống. Đó là ông Viktor Babaryko, cựu chủ nhân một chi nhánh của tập đoàn khí đốt Nhà nước Nga Gazprom. Viktor Babaryko có tiếng là thân Nga.
(*) Walter Lohman : giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á châu thuộc Heritage Foundation, Washington DC
(**) Valérie Niquet : chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược Paris

Tin tổng hợp
(AFP) - Palao đề nghị Washington lập căn cứ quân sự. 
Quần đảo Palao ở Thái Bình Dương đã đề nghị Hoa Kỳ lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, tại khu vực mà Washington cố gắng ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Ngoài quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, Palao còn là một trong bốn quốc gia ở Thái Bình Dương công nhận Đài Loan, do vậy Bắc Kinh không còn cho du khách từ Hoa lục đến đây. Tổng thống Palao, Tommy Remengeseau nói với bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Mark Esper khi ông đến thăm quần đảo tuần trước, là hoan nghênh Mỹ đóng quân. Palao sẵn sàng cho lập các căn cứ hải lục không quân, và đề nghị các tàu tuần duyên Mỹ thường xuyên hiện diện tại đây.
(AFP) – Công an Trung Quốc thưởng tiền để bắt người biểu tình Mông Cổ. 
Hôm 03/09/2020 công an Trung Quốc hứa thưởng 1.000 nhân dân tệ (124 euro) cho những ai cung cấp thông tin để bắt được trên 100 người bị nghi ngờ đã biểu tình bảo vệ ngôn ngữ Mông Cổ. Tại quận Horqin, công an phổ biến ảnh của 129 người bị truy lùng. Trong dịp khai giảng đầu tuần này, hàng ngàn người đã xuống đường tại nhiều nơi ở khu tự trị Nội Mông, phản đối việc gia tăng giảng dạy tiếng Hoa thay cho bản ngữ, hàng ngàn học sinh bãi khóa. Chính sách Hán hóa tương tự đã được áp dụng tại Tây Tạng và Tân Cương.
(AFP) – Paris lấy làm tiếc về việc Mỹ trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI). 
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm qua 03/09/2020 tuyên bố việc Hoa Kỳ trừng phạt chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế Fatou Bensouda là một sự « tấn công mạnh mẽ » vào tòa án này, đặt lại vấn đề về độc lập tư pháp. Ông kêu gọi Washington rút lại quyết định trên. Hồi tháng Ba, bà Bensouda đã cho phép mở điều tra về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại ở Afghanistan, chủ yếu nhắm vào quân viễn chinh Mỹ.
(PAF) – Mỹ điều máy bay ném bom B-2 Spirits và B-1 Lancers tham gia tập trận với Úc. 
Cuộc tập trận diễn ra vào tháng Tám giữa lực lượng luân phiên thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin (MRF) và Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF), nhưng cho đến hôm qua, 03/09/2020, trang Pacific Air Forces (Lực lượng Không Quân Thái Bình Dương) mới đưa tin. Oanh tạc cơ B-2 vượt 6.424 km từ căn cứ Không Quân ở Missouri đến Úc và hoạt động tại các khu vực huấn luyện của Úc ở Delamere, Bradshaw và núi Dunley. Còn máy bay B-1B Lancers được điều từ căn cứ Andersen, trên đảo Guam. Ngoài ra, một phi đội tiếp liệu của Mỹ từ căn cứ Kedena, Nhật Bản, cũng được điều đến Darwin để tham giam tập trận với hai oanh tạc cơ. Trước đó, trong cuộc họp ngày 28/07 tại Washington, bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ – Úc đã tái khẳng định cam kết của hai bên về vùng Thái Bình Dương ổn định, an toàn và thịnh vượng.
(AFP) – Washington nghi ngờ Nga phá hoại bầu cử Mỹ. 
Trong một bản ghi nhớ, được AFP trích đăng ngày 04/09/2020, các chuyên gia tình báo của bộ An Ninh Nội Địa Mỹ viết : “Dường như Nga vẫn tiếp tục gia tăng chỉ trích nhắm vào cách bỏ phiếu qua bưu điện… để người dân mất niềm tin vào tiến trình bầu cử”. Chiến dịch này được Nga tiến hành ít nhất là từ tháng 03/2020, thông qua truyền thông Nhà nước và các mạng xã hội, nhằm gây bất lợi cho ứng viên Dân Chủ Joe Biden. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump liên tục tố cáo nguy cơ gian lận bầu cử qua đường bưu điện.
(Bustle) – Phim Hoa Mộc Lan phiên bản mới bị kêu gọi tẩy chay.
Phim Hoa Mộc Lan (Mulan) phiên bản mới chuyển thể từ phim hoạt hình vừa ra mắt hôm nay 04/09/2020, nhưng trên mạng xã hội đã nở rộ những lời kêu gọi tẩy chay với hashtag #BoycottMulan. Đó là vì nữ diễn viên Lưu Diệc Phi (Liu Yifei) đóng vai chính trong phim này từng tuyên bố một cách thách thức là cô ủng hộ cảnh sát Hồng Kông, nói rằng phong trào biểu tình Hồng Kông « thật đáng xấu hổ ». Các nhà hoạt động Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan trong « Liên minh trà sữa » đều đồng lòng đòi tẩy chay, trong đó có Hoàng Chi Phong. Một người dùng Twitter viết, làm thế nào cô ta có thể ủng hộ sự thô bạo của cảnh sát Hồng Kông trong khi đóng vai một người hùng chống áp bức ?
(Reuters) – Tòa sơ thẩm Slovakia tha bổng một nghi phạm trong vụ sát hại nhà báo điều tra Jan Kuciak.
Vụ án nhà báo điều tra về các đường dây tham nhũng, xã hội đen, cùng vợ chưa cưới bị sát hại năm 2018, gây chấn động tại châu Âu. Việc Tòa sơ thẩm Slovakia tha bổng bị cáo, doanh nhân Marian Kocner, khiến bên nguyên đơn bàng hoàng. Phía nguyên đơn cho biết đã yêu cầu khiếu nại phúc thẩm.
(NHK) -  Hơn 70 nước họp bàn chống Biến đổi khí hậu.
Hôm qua, 03/09/2020, hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã họp qua cầu truyền hình, dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, để bàn về biến đổi khí hậu, và các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Hội nghị do Nhật Bản chủ trì. Riêng đối với Nhật Bản, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nhật chấm dứt đầu tư cho các nhà máy than đá bên ngoài lãnh thổ, và cam kết thực hiện trung hòa về khí thải trước năm 2050.

Điểm tin thế giới sáng 4/9:

Quan chức Séc-Đài họp báo về chuyến thăm lịch sử;

Dự án Đức-Nga bị ảnh hưởng sau vụ đầu độc ông Navalny

Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (4/9), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Quan chức Séc-Đài họp báo về chuyến thăm lịch sử
Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil hôm thứ Năm (3/9) cho biết, phái đoàn quan chức Séc tới thăm Đài Loan đã đạt được phần lớn các mục tiêu của chuyến đi, bao gồm việc đảm bảo quan hệ đối tác kinh tế và kinh doanh, trao đổi giáo dục và đoàn kết với một nền dân chủ cùng chí hướng, theo Taiwan News.
Ông Vystrcil đưa ra phát biểu này trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Đài Loan. Có mặt trong buổi họp báo còn có Chủ tịch Quốc hội Đài Loan Du Tích Khôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp. Hai quan chức Đài Loan cũng cho biết thông tin về chuyến thăm của chính trị gia quyền lực thứ hai ở Séc.
Ông Du cho biết ông Vystrcil đã đến theo lời mời của Nghị viện Đài Loan, ông ví chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện Séc “như ánh nắng mùa xuân chạm vào trái tim của người dân Đài Loan”, trong khi đó ví những lời đe dọa gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đối với nhà lãnh đạo Séc “giống như những cơn gió lạnh mùa đông”.
Còn Bộ trưởng Ngoại giao Ngô trong phát biểu của mình nói rằng chuyến thăm của phái đoàn Séc đã đem đến “hơn 20 kết quả hữu hình chỉ trong vài ngày”. Một trong số đó là Séc và Đài Loan thống nhất mở chuyến bay thẳng từ Praha đến thành phố kết nghĩa Đài Bắc.
Dự án Đức-Nga bị ảnh hưởng sau vụ đầu độc ông Navalny
Sau khi có kết luạn chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị đầu độc, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu áp lực ngày càng tăng từ người dân trong nước, họ yêu cầu chính phủ của bà phải chấm dứt ủng hộ dự án đường ống Nord Stream 2 chung giữa Đức và Nga, The Guardian đưa tin hôm thứ Năm (3/9).
Đảng Xanh ở Đức đã kêu gọi thủ tướng Merkel sử dụng dự án cơ sở hạ tầng gần như đã hoàn thành này để thúc ép Điện Kremlin trả lời các cáo buộc mà bà Merkel gọi là “hành động im lặng” trước việc ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
“Vụ giết người công khai này [được thực hiện] thông qua các cấu trúc giống như mafia của Điện Kremlin”, Katrin Göring-Eckardt, một quan chức Đảng Xanh, nói. “Nord Stream 2 không còn là thứ mà chúng ta có thể cùng hợp tác với Nga nữa”.
ISIS đang gia tăng các vụ tấn công ở Iraq
Tàn quân ISIS đã thực hiện 100 cuộc tấn công trên khắp Iraq chỉ trong một tháng qua, tăng 25% số vụ so với tháng Bảy, Hiệp hội Nghiên cứu và Phân tích Khủng bố (TRAC) thông tin hôm thứ Năm (3/9), Fox News đưa tin.
TRAC nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công chủ yếu tập trung ở “các khu vực trước đây được coi là đã được giải phóng” khỏi sự hiện diện của lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Fox News đánh giá, sự gia tăng các vụ tấn công báo hiệu một xu hướng đáng lo ngại rằng ISIS đang dần trở lại mặc dù lực lượng khủng bố này đã bị đánh bật khỏi các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng cách đây hơn 3 năm.
Facebook chặn quảng cáo chính trị trước bầu cử Mỹ
Facebook cho biết họ sẽ chặn các quảng cáo mới liên quan tới chính trị một tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Đây là lần đầu tiên nền tảng mạng xã hội này thực hiện quy định như vậy, theo bản tin hôm thứ Năm (3/9) của SBS News.
Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, cho biết động thái chặn quảng cáo chính trị một tuần trước cuộc bầu cử Mỹ là một nỗ lực nhằm hạn chế thông tin sai lệch và “nguy cơ bất ổn dân sự” sau cuộc bỏ phiếu.
Gã khổng lồ truyền thông xã hội tuyên bố sẽ kiểm tra thực tế những tuyên bố chiến thắng, nói rằng nếu một ứng viên cố gắng tuyên bố mình là người chiến thắng trước khi các phiếu bầu cuối cùng được kiểm tra, thì “chúng tôi sẽ gắn thêm nhãn vào bài đăng của họ để hướng mọi người đến kết quả chính thức”.
Nhà văn gốc Hoa: Sẽ chiến đầu tới cùng với Bắc Kinh
SBS News hôm thứ Năm (3/9) cho hay, nhà văn, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng người Úc gốc Hoa Yang Hengyun đã gửi một thông điệp từ nơi bị giam cầm ở Trung Quốc đến gia đình, bạn bè và những người ủng hộ rằng ông sẽ chiến đầu tới cùng để chống lại những cáo buộc của Bắc Kinh gán ghép ông là một gián điệp.
Ông Yang, 55 tuổi, nguyên là một quan chức ngoại giao của chính quyền Trung Quốc, sau đó trở thành một nhà hoạt động dân chủ lên án các hành vi chà đạp nhân quyền của Bắc Kinh. Ông bị an ninh Trung Quốc bắt tại Quảng Châu vào tháng 1/2019 và sau đó bị ghép tội danh hoạt động gián điệp.
Trong các tin nhắn được gửi đi trong tuần này mà người nhà của ông xác nhận, có thông điệp ông nói rằng “Tôi muốn ra tòa, tôi sẽ không bao giờ thừa nhận điều gì mà tôi không làm” và “Bị giam giữ trong 19 tháng là không công bằng. Tôi vô tội. Họ có thể lạm dụng tôi. Đây là cuộc đàn áp chính trị”.

Điểm tin thế giới tối 4/9:

Bà Hoa Xuân Oánh yêu cầu

không gọi bà Thái Anh Văn là ‘Tổng thống’;

Cháy tàu chở 2 triệu thùng dầu ở Sri Lanka

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (4/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bà Hoa Xuân Oánh yêu cầu không gọi bà Thái Anh Văn là ‘Tổng thống’
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm (3/9) đã mắng một phóng viên người Nhật vì đã gọi bà Thái Anh Văn là “tổng thống” khi đưa ra một câu hỏi về chuyến thăm đang diễn ra của phái đoàn Séc tới Đài Loan. Trong khuôn khổ chuyến thăm Đài Loan kéo dài 5 ngày, Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil đã gặp bà Thái tại Văn phòng Tổng thống hôm 3/9, theo Taiwan News.
Trong cuộc họp báo hôm 3/9, một phóng viên của tờ Kyodo News hỏi bà Hoa rằng bà có bình luận gì về cuộc gặp của Tổng thống Đài Loan với ông Vystril tại Đài Bắc hay không. Đáp lại, bà Hoa nói rằng chuyến thăm của chủ tịch thượng viện Séc tới “khu vực Đài Loan” đã “ủng hộ thái quá các lực lượng đòi độc lập Đài Loan” và đây là một “hành động khiêu khích công khai”.
Bà Hoa sau đó chỉ trích người phóng viên Kyodo News vì đã gọi bà Thái là “tổng thống” và nhắc nhở nhà báo này không tái phạm trong tương lai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (ảnh chụp màn hình Taiwan News dẫn từ AP).
Cháy tàu chở 2 triệu thùng dầu ở Sri Lanka
Sri Lanka đã bắt đầu tiến hành kéo một siêu tàu chở dầu bị cháy ngoài khơi bờ biển phía đông nước này vào bờ, người phát ngôn Hải quân Sri Lanka cho biết hôm 4/9, theo Reuters.
Truyền thông Sri Lanka hôm 3/9 đưa tin, một tàu chở 200.000 tấn dầu thô đã bốc cháy ở vị trí cách bờ biển phía Đông nước này 38 km.
Ngọn lửa bùng phát trên tàu chở dầu New Diamond chở khoảng 2 triệu thùng dầu, người phát ngôn Hải quân Sri Lanka, Đại tá Indika de Silva cho biết. Có 23 thủy thủ trên tàu, một trong số đó được cho là đã tử vong. Những người còn lại đã được Hải quân Sri Lanka đưa ra khỏi tàu, trong đó một thuyền viên đã được đưa về thủ đô Colombo để điều trị.
Ông Trump kêu gọi Iran không xử tử quán quân đấu vật Navid Afkari
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm kêu gọi Iran không xử tử quán quân đấu vật 27 tuổi Navid Afkari, trích dẫn một bản tin của Fox News rằng Afkari bị kết án tử hình vì tham gia biểu tình chống các chính sách kinh tế của chính phủ vào năm 2018.
Ông Trump gọi Afkari là “một ngôi sao đấu vật nổi tiếng tuyệt vời”. Ông cũng viết trên Twitter yêu cầu các lãnh đạo Iran tha mạng cho người thanh niên này.
Trường quốc tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng giáo viên, học sinh vẫn mắc kẹt ở nước ngoài
Các trường học quốc tế của Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại trong tháng này nhưng sẽ thiếu vắng nhiều giáo viên và học sinh, theo Reuters.
Các trường học trên khắp thế giới đang chật vật với tình trạng gián đoạn, nhưng tình cảnh đối với các trường quốc tế ở Trung Quốc thì lại đặc biệt khó khăn khi hàng loạt nhân viên và học sinh rời khỏi nước này kể từ đợt nghỉ Tết Nguyên đán do đại dịch Covid-19 và nhiều người vẫn còn mắc kẹt ở nước ngoài do các hạn chế đi lại.
Có tới 40% giáo viên và sinh viên sắp đến ngày khai giảng năm học mới trong tháng này nhưng hiện vẫn đang ở nước ngoài, theo Hiệp hội các Trường quốc tế Trung Quốc và Mông Cổ (ACAMIS) – đại diện cho 58 trường quốc tế với phần lớn là công dân nước ngoài.
Các nhà chức trách đã bắt đầu xử lý đơn xin thị thực cho nhân viên nước ngoài tại Trung Quốc, nhưng bay vào Trung Quốc cũng không dễ dàng do số lượng các chuyến bay quốc tế có giới hạn. Một số người nước ngoài bao gồm cả giáo viên cũng bị từ chối đơn xin thị thực, mặc dù lý do đằng sau việc từ chối và tỷ lệ thị thực bị từ chối không rõ ràng.
Quân đội Lebanon phát hiện thêm 4,3 tấn chất nổ bên ngoài cảng Beirut sau vụ nổ lớn hồi tháng trước
Quân đội Lebanon hôm thứ Năm (3/9) cho biết họ đã phát hiện 4,35 tấn amoni nitrat gần lối vào cảng Beirut, nơi xảy ra một vụ nổ lớn hồi tháng trước do một kho dự trữ lớn các loại hóa chất dễ phát nổ bén lửa, theo Reuters.
Hãng thông tấn Iran NNA đã dẫn một tuyên bố của quân đội cho biết các hóa chất được tìm thấy bên ngoài lối vào số 9 của cảng.
Vụ nổ thảm khốc ngày 4/8 đã xé toạc thành phố, khiến khoảng 190 người thiệt mạng. Giới chức trách cho biết nguyên nhân là do khoảng 2.750 tấn amoni nitrat được lưu kho trong điều kiện không an toàn ở cảng trong nhiều năm. Vụ nổ đã phá hủy toàn bộ khu dân cư, thổi bay nhiều tòa nhà và khiến 6.000 người bị thương.

Tin Việt Nam – 04/09/2020

Tin Việt Nam – 04/09/2020

Các trường Đại học Việt Nam bỏ hàng tỷ đồng mua bài báo khoa học để nâng hạng

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 1 tháng 9 năm 2020 đã loan tải bài viết của tiến sĩ Dương Tú, làm việc tại đại học Purdue, Hoa Kỳ chứng minh các trường đại học ở Việt Nam đã bị lừa khi bỏ tiền ra mua những bài báo nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế nhằm đạt được thành tích ảo.
Theo tiến sĩ Dương Tú, trên thực tế đã có những cai thầu ngoại quốc nắm bắt được nhu cầu mua bài báo nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam, nên những cai thầu này đã đứng ra làm đầu mối thu gom hàng ngàn bài báo ở đủ loại cấp độ từ khắp nơi, rồi bán cho các trường đại học Việt Nam. Tiến sĩ Dương Tú khẳng định, không có một nhà khoa học bình thường nào mà mỗi năm có thể công bố hàng trăm công trình nghiên cứu ở đủ mọi lĩnh vực.
Ông Dương Tú đưa ra thí dụ về một người tên Iskander Tlili đang làm việc tại đại học Majmaah ở Ả Rập Saudi. Từ năm 2018 đến nay, Iskander Tlili đã đăng 171 bài báo ghi địa chỉ liên hệ là trường Đại học Tôn Đức Thắng, và 49 bài là trường đại học Duy Tân. Chỉ tính riêng trong 8 tháng vừa qua, Iskander Tlili đã đăng 111 bài lấy địa chỉ là trường đại học Tôn Đức Thắng, và 48 bài là từ trường đại học Duy Tân. Tức là trường Tôn Đức Thắng, và trường Duy Tân đã bỏ tiền ra để mua số lượng bài báo trên.
Trước đó, báo Thanh niên đã loan tin rằng, tiền để mua mỗi bài báo ít nhất là vài chục triệu và nhiều là hàng trăm triệu đồng. Tiến sĩ Dương Tú góp ý, thay vì bỏ số lượng tiền lớn để đổi lấy thành tích ảo, thì các trường đại học nên lấy tiền đó để đầu tư cho chính nhà nghiên cứu của trường, hoặc mời nhà nghiên cứu ngoại quốc đến làm việc thì sẽ mang lại giá trị to lớn hơn.
An Nhiên

Thêm ba trường hợp nhập viện vì nghi ngộ độc

thực phẩm sau khi ăn pate Minh Chay.

Thêm ba trường hợp nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn pate Minh Chay.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 4/9, cho biết Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức, tỉnh Quảng Nam nhận hai người vào ngày 1/9, và người thứ ba nhập viện một ngày sau. Tất cả đều có triệu chứng nhiễm vi khuẩn botulinum, như mệt mỏi, nhìn mờ, đau họng, khó nước và khó thở.
Ba bệnh nhân hiện đang được điều trị và được cho là tạm ổn. Trước đây đã có 9 trường hợp phải vào bệnh viện, qua điều tra cho thấy các bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum từ Pate Minh Chay, sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Kết quả xác định nguyên nhân những vụ ngộ độc sau khi dùng sản phẩm Pate Minh Chay là do vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Theo BBC, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y Tế đã thông tin về ngộ độc do pate Minh Chay cho Mạng lưới các Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc tế (Infosan) của Tổ chưc Ý tế Thế giới (WHO).
Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an thành phố Hà Nội đang điều tra. Theo báo mạng Người Lao Động, UBND huyện Đông Anh, Hà Nội, hôm 3/9 xử phát công ty Hai Thành viên Lối sống mới với các hành vi liên quan đến việc không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.
Clostridium Botulinum là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Vụ Pate Minh Chay

và vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam!

Diễm Thi, RFA
Thông tin từ Công an thành phố Hà Nội loan đi ngày 3 tháng 9, cho biết, đã có chín trường hợp (2 người ở Hà Nội và 7 người ở TP.HCM) phải vào bệnh viện do có dấu hiệu ngộ độc khi sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay. Pate Minh Chay là sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới ở Hà Nội.
Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1 tháng 9, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội về vụ ngộ độc hàng loạt do ăn Pate Minh Chay.
Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan – phó giám đốc Sở Công thương – cho rằng, trách nhiệm trong vụ Pate Minh Chay thuộc ngành nông nghiệp, không thuộc Bộ Công thương. Bà Lan giải thích, theo phân cấp thì Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì đoàn kiểm tra, ngành công thương cử cán bộ của sở tham gia đoàn kiểm tra. Còn việc kiểm tra ở khâu lưu sản phẩm thì đã giao cho lực lượng quản lý thị trường vốn hoạt động theo ngành dọc thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì phần lớn các trường hợp thực phẩm gây ngô độc cho người tiêu dùng là do lỗi của nhà sản xuất. Ông giải thích:
“Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì Việt Nam có luật An toàn thực phẩm và Luật dân sự. Nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về cả sức khỏe lẫn tinh thần nếu có căn cứ chứng minh sản phẩm là do lỗi của công ty này, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Việc bồi thường sẽ tôn trọng các bên và áp dụng theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Theo tôi thì một sản phẩm thực phẩm khi đưa ra cho người tiêu dùng thì phải tuân theo Luật an toàn thực phẩm. Luật quy định rất rõ, chỉ có doanh nghiệp thực hiện hành vi gian dối mà thôi. Để bảo đảm nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh rất chú trọng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cơ quan quản lý chất lượng có một quy trình rất chặt chẽ, hành vi gian dối là của doanh nghiệp.”
Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, kết quả kiểm nghiệm ban đầu cho thấy, một số sản phẩm Pate Minh Chay ở các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Đây là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, sinh bào tử, độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Dư luận cho rằng, Cục An toàn thực phẩm làm việc chậm trễ nên ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Từ ngày 18 tháng 8, cục đã nhận được thông tin về một số trường hợp ngộ độc nghi liên quan đến sản phẩm Pate Minh Chay nhưng đến ngày 29 tháng 8 mới cảnh báo rộng rãi người tiêu dùng.
Qua vụ Pate Minh Chay, người dân một lần nữa lo ngại tình trạng vệ sinh trong nước bởi Pate Minh Chay không phải là một sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Đây là sản phẩm từ một công ty sản xuất thực phẩm thì ắt hẳn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ Công thương cấp.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6 năm 2020, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 393 người bị ngộ độc. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.087 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong.
Trong một lần trao đổi với RFA về an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Quốc Anh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học Viện Nông nghiệp nhận xét:
“Nhận thức của xã hội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt, sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề này đã được nâng lên rất cao. Các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm cũng đã ý thức được và thấy được trách nhiệm của mình. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của nhà nước thì có đôi chỗ, đôi nơi vẫn còn những điểm tồn tại.
Chuyển thể từ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh hàng hóa thì chúng ta cần phải có giai đoạn thích nghi, cần có đầu tư về trang thiết bị cũng như các nguồn lực con người, cần có hệ thống pháp luật tân tiến hơn, đầy đủ hơn để đảm bảo quyền được sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.”
Vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam từ nhiều năm qua đã được Cơ quan Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) quan tâm. Từ 10 năm trước, FAO đã giúp Việt Nam xây dựng năng lực cho hệ thống kiểm soát thực phẩm có tổng trị giá gần 800 ngàn đô la.
Vào ngày 4 tháng 7 năm 2017, một buổi hội thảo có tên “Tăng niềm tin vào mạng lưới cung ứng thực phẩm an toàn trong sản xuất quy mô nhỏ” đã được Đại sứ quán Bỉ, Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Y tế Công cộng, Hà Nội.
Hội thảo hướng tới nâng cao kiến ​​thức về an toàn thực phẩm và tìm hiểu các nguồn lực hỗ trợ cho các mạng lưới cung cấp thực phẩm an toàn để nhằm nâng cao năng lực và tăng quyền cho các nông hộ nhỏ trong bối cảnh sụt giảm niềm tin từ phía người tiêu dùng.
Đến hôm nay, dường như người dân trong nước vẫn lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm.
Cô Tuyết, một người ăn chay trường ở Sài Gòn cho biết đã từ lâu cô không tin những sản phẩm chay đóng hộp bán trên thị trường, bất kể của công ty nào trong nước. Cô nói:
“Em ăn chay từ hồi nào giờ nhưng chỉ mua đồ về nấu chứ không mua đồ sẵn vì không an toàn. Người ta ham lời nhiều nên cho vào thực phẩm những hóa chất tạo mùi, tạo vị, nhất là những thực phẩm chay đóng hộp.”
Theo cô Tuyết, không chỉ sản phẩm đóng hộp không an toàn mà ngay cả rau củ quả cũng vậy. Nếu người tiêu dùng muốn có sản phẩm sạch thì phải chấp nhận mua giá cao hơn trong các siêu thị. Cô giải thích:
“Cháu em trồng rau bán nó nói thiệt là đừng ăn những rau củ như bí đao, khổ qua, dưa leo bán ngoài chợ vì họ bỏ thuốc tăng trưởng và thuốc trừ sâu không đúng quy định. Những rau củ này chỉ phun thuốc một đêm là ngày mai thu hoạch được dù hôm trước chỉ bé xíu.
Người trồng không ăn mà chỉ để bán. Nếu trồng đúng quy trình thì thu hoạch không được bao nhiêu, không có lời”
Người tiêu dùng Việt Nam ngày nay quan tâm đến sức khỏe, đến chất lượng thực phẩm hơn nhiều năm về trước. Qua vụ Pate Minh Chay, có lẽ cơ quan chức năng sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn để giúp người tiêu dùng tiếp cận thực phẩm sạch.
Kết quả xác định nguyên nhân những vụ ngộ độc sau khi dùng sản phẩm Pate Minh Chay là do vi khuẩn Clostridium Botulinum. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 2013/ATTP-NĐTT gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đề nghị tiến hành điều tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Công an thành phố Hà Nội ngày 3 tháng 9 cho biết đã bắt đầu điều tra xác minh vụ việc.

Việt Nam báo cáo vụ ngộ độc pâté Minh Chay

với tổ chức quốc tế

Bùi Thư
Vụ pâté Minh Chay nhiễm khuẩn độc tiếp tục diễn biến phức tạp khi có thêm nạn nhân nhập viện; Việt Nam cũng đã báo cáo vụ việc cho tổ chức quốc tế.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 3/9, một lãnh đạo của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết đã cung cấp thông tin vụ ngộ độc do pâté Minh Chay nhiễm khuẩn cho Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN).
Được biết, việc cung cấp thông tin này là nhằm tạo cơ sở dữ liệu thông tin trên phạm vi quốc tế, để các quốc gia khác có thể tham khảo và đưa ra biện pháp đối phó thích hợp.
Một lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cũng cho BBC biết rằng đơn vị này đang “thực hiện các chỉ đạo thu hồi sản phẩm và cảnh báo người dân”.
Thêm nạn nhân mới
Vụ pâté Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum cực độc đã gây ra cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, với nhiều người nhập viện sau khi sử dụng thức ăn có chứa loại pâté này.
Mới đây, đã có ba bệnh nhân ở Quảng Nam bị ngộ độc và được cấp cứu sau khi ăn bánh mì chứa pâté Minh Chay.
Tối 3/9, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn) xác nhận đã tiếp nhận và điều trị 3 trường hợp ngộ độc thực phẩm nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum. Hiện bệnh viện đã có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam.
Vụ pâté Minh Chay nhiễm vi khuẩn cực độc được công bố vào cuối tháng 8, nhưng thông tin do các bệnh viện cung cấp cho thấy tình trạng nhiễm độc đã xảy ra trước đó rất lâu.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã ra thông báo khẩn nêu rõ trong thời gian từ ngày 13/7 đến 18/8/2020 đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (2 ca), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM (2 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở.
Sở Y tế Hà Nội cũng ghi nhận 24 bệnh nhân tới khám tại các cơ sở y tế với một số triệu chứng như đau đầu, tê bì chân tay, đau bụng, chóng mặt.
Kết quả điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm pâté Minh Chay của Công ty TNHH Lối Sống Mới có trụ sở tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Sản phẩm này được bán trực tiếp và bán qua mạng.
Clostridium botulinum là vi khuẩn gây độc nguy hiểm, có thể khiến nạn nhân tử vong. Hiện công tác điều trị cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có việc phải nhập thuốc từ nước ngoài.
Bên cạnh điều trị, cơ quan chức năng Việt Nam đang ráo riết triển khai việc xác định những người đã mua loại thực phẩm này.
Báo Người Lao Động cho biết theo danh sách khách hàng do công ty Lối Sống Mới cung cấp, từ ngày 1/7 đến 28/8, có 1.187 khách hàng ở Hà Nội mua pâté Minh Chay. Cơ quan chức năng Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã gọi điện, liên hệ được với 694 khách hàng, còn 493 khách hàng chưa liên hệ được. Trong đó, ngoài 165 lọ pâté Minh Chay đang được thu hồi, hầu hết số sản phẩm trên đều đã được sử dụng hoặc người dân vứt bỏ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, xác nhận tính đến ngày 3/9, theo thống kê đã có 1.416 khách hàng tại địa phương này mua các sản phẩm pâté Minh Chay. Đến nay, TP HCM đã thu hồi được 195 sản phẩm và 21 sản phẩm khác đang chờ thu hồi. Đáng chú ý, có 780 khách hàng cho biết không còn sản phẩm để thu hồi.
Một thống kê rộng hơn cho biết có 11.771 khách hàng đã mua 13 loại sản phẩm của công ty, riêng sản phẩm pâté Minh Chay có 7.449 khách hàng. Công ty đã thực hiện cảnh báo trực tiếp và trên website cũng như chủ động liên hệ đến khách hàng đã mua sản phẩm pâté Minh Chay.
Phản ứng của chính quyền
BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với một lãnh đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM và được trả lời rằng đơn vị này đang “thực hiện các chỉ đạo thu hồi sản phẩm và cảnh báo người dân”.
Trước đó, trả lời trên báo Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan nói rằng bà sẵn sàng “cảnh báo nhầm” còn hơn để vụ việc xảy ra ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
“Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm – nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay. Tôi nghĩ y bác sĩ chắc chắn sẽ lựa chọn yếu tố sức khỏe người dân lên hàng đầu”, bà Lan nói.
Một lãnh đạo của Cục An toàn thực phẩm chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng cơ quan này đã cung cấp thông tin vụ nhiễm độc cho INFOSAN.
Đây là một mạng lưới về an toàn thực phẩm nằm dưới sự điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO). INFOSAN yêu cầu thành viên của mình phải báo cáo các vụ việc khẩn cấp liên quan tới an toàn thực phẩm để từ đó có phương án đối phó trên phạm vi quốc tế.
Trong khi đó, trên báo Tuổi Trẻ, một đại diện Cục An toàn thực phẩm được dẫn lời nói rằng sẽ cảnh báo rộng rãi “khi có đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất”.
Phát ngôn này bị nhiều người chỉ trích là nhà chức trách không coi trọng sức khỏe người dân.
“Một chính phủ vì dân phải đặt lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng lên đầu, lên trên nhà sản xuất, bởi vì đó là mạng sống của con người. Điều này cho thấy Bộ Y tế không coi trọng sức khỏe và mạng sống của người dân, đem sức khỏe và mạng sống của người dân cân bằng với lợi ích của doanh nghiệp. Một cơ quan như thế chắc chắn không phải là cơ quan của dân, do dân và vì dân. Đó là cơ quan của doanh nghiệp”, một người tên Trần Hồng Tiệm viết trên Facebook cá nhân.
Liên quan tới vụ việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết ngày 27/8, UBND huyện Đông Anh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới số tiền 17,5 triệu đồng do không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.
BBC News Tiếng Việt cũng đã liên hệ với INFOSAN và công ty Lối Sống Mới nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nhiều thiết bị y tế của bệnh viện Bạch Mai

bị nâng giá, bệnh nhân chịu thiệt

Tin từ Hà Nội: Báo Thanh Niên đưa tin một số tổ chức đã nâng giá mua nhiều thiết bị y tế trang bị cho Bệnh viện Bạch Mai ở thủ đô Hà Nội và việc này khiến cho bệnh nhân phải chi trả viện phí cao rất cao.
Trong giai đoạn 2016-2017, Bệnh viện Bạch Mai liên kết với Công ty BMS để công ty này đưa thiết bị nhập cảng vào sử dụng trong bệnh viện theo chủ trương xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, BMS đã nâng giá thiết bị góp vốn cao gấp nhiều lần so với thực tế nhằm mục đích trục lợi.
Từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não. Công ty BMS đầu tư 100% vốn để khai thác tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 – 2024). Hai bên thống nhất chia đôi lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền lời ngân hàng, bảo hiểm…
BMS khai tổng chi phí 39 tỷ cho việc nhập máy robot Rosa từ Pháp trong khi thực tế giá nhập cảng gần 7.6 tỉ đồng, cộng với chi phí huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật, ước tính chi phí khoảng 10 tỉ đồng.
Một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bạch Mai đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị móc túi với số tiền không nhỏ.  Đây chỉ là một trong rất nhiều thiết bị của Công ty BMS đặt tại Bệnh viện Bạch Mai. Doanh nghiệp này đã và đang cung cấp nhiều thiết bị khác cho nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội theo dạng liên kết.
Ngày 31/8, công an đã ra quyết định khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam giám đốc BMS và một số người liên quan đến việc nâng giá này.
Quốc Tuấn

Nổ nhà máy Licogi 12 tại Hà Nội

khiến 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương

Một vụ nổ lớn xảy ra vào sáng ngày 4/9 tại nhà máy thép Licogi 12 tại Khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn nguồn từ Công an huyện Gia Lâm cho biết như vừa nêu. Theo đó vụ nổ xảy ra tại nhà máy chế tạo kết cấu thép và sửa chữa máy xây dựng Licogi trong khu công nghiệp Phú Thị.
Theo thông tin ban đầu, vào lúc 8h20 sáng có ba công nhân là ông Đinh Hoàng H (1969), Nguyễn Văn D (1985) và chị Nguyễn Thị N đang làm việc tại nhà máy thì bất ngờ phát nổ khiến ông Đinh Hoàng H thiệt mạng tại chỗ và làm bị thương 2 người còn lại.
Cơ quan điều tra cho biết, trong quá trình làm việc ông Đinh Hoàng H đã dùng khí oxy để cắt bản mã thép nên dẫn đến vụ nổ như trên.
Trong cùng ngày, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm cũng đã xác nhận vụ nổ xảy ra tại nhà máy này và cho biết nạn nhân tử vong đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và 2 nạn nhân bị thương được chuyển về Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm để cấp cứu.
Nguyên nhân ban đầu được cơ quan điều tra xác định có thể là do nổ bình khí hàn và hiện đang tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ nổ.

Bác bỏ thông tin mặt cầu Thăng Long

do chuyên gia Trung Quốc sửa chữa

Tổng cục Đường bộ Việt Nam ngày 4/9 khẳng định công nghệ sửa cầu Thăng Long do chuyên gia trong nước đề xuất, nghiên cứu và được thực hiện bởi nhà thầu trong nước, thông tin sử dụng công nghệ Trung Quốc hoàn toàn không chính xác.
Báo Nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.
Tin cho biết, trường đại học Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp sử dụng công nghệ lõi của châu Âu để sửa chữa cầu Thăng Long. Qua quá trình nghiên cứu, phương án này được đánh giá khả thi và hiệu quả.
Theo lời người đại diện Tổng cục Đường bộ, chỉ có thiết bị rải lớp bê tông siêu tính năng và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Công ty Thành Hưng của Trung Quốc nên quá trình vận hành, bàn giao theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng lớp bê tông siêu tính năng có hai kỹ thuật viên nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
Còn lại, toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước. Vật liệu cũng được sử dụng trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.
Cầu Thăng Long là công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Cầu bắc qua sông Hồng được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Cầu được tu sửa sau nhiều lần xuống cấp qua hơn 20 năm sử dụng.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 269 tỉ đồng, được thi công từ ngày 16/8 vừa qua và được dự kiến hoàn thành vào cuối quý 4/2020.

Việt Nam tăng lên 1.049 ca nhiễm Covid-19

Bình luậnNguyễn Sơn
Chiều nay (4/9), Bộ Y tế cho biết có thêm 3 ca nhiễm dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Đây đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Cụ thể như sau:
Bệnh nhân 1047: bệnh nhân nam, 8 tuổi, có địa chỉ tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Bệnh nhân 1048: bệnh nhân nam, 35 tuổi, có địa chỉ tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Bệnh nhân 1049: bệnh nhân nam, 43 tuổi, có địa chỉ tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 01/9/2020, cả 3 bệnh nhân từ Ukraina về sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN28, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 03/9/2020 được lấy xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM. Kết quả xét nghiệm ngày 04/9/2020 Viện Pasteur TP. HCM 3 bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Hiện cả 3 bệnh nhân cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổng số ca nhiễm của Việt Nam tăng lên 1.049. Số người tử vong do Covid-19 là 35, ba người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính.
Đến nay ghi nhận tổng cộng 691 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó số ca liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 551.
Gần 1 tuần không có ca mới mắc Covid-19, Đà Nẵng quyết định nới lỏng cách ly xã hội trên một số lĩnh vực để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch.
Chiều 4/9, Đà Nẵng gửi văn bản về việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể, khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng, công sở, trường học… mọi người phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m. Không được tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, trường học, bệnh viện.

Tổng chi phí chống dịch COVID-19 của Việt Nam

chưa đến 400 triệu USD

Tính đến ngày 3/9, với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đã chi tổng cộng chưa đến 400 triệu USD để phòng chống dịch COVID-19; tuy nhiên là nước được đánh giá ngăn dịch hiệu quả nhất.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho báo chí biết thông tin vừa nêu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 HÔM 3/9.
Ông Vũ Đức Đam cũng cho biết, để vừa tổ chức phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, Việt Nam phải mở các chuyến bay thương mại để tăng cường các hoạt động giao lưu, đón khách nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… Do đó muốn an toàn, theo ông Đam, Việt Nam phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có thay đổi chiến lược xét nghiệm.
Theo các nhà khoa học tại buổi họp, chiến lược xét nghiệm phải thay đổi theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các sân bay quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người… để không bỏ sót các ca nhiễm.
Muốn vậy, theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên. Theo ông, hiện nay Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng nguyên sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Tuy nhiên, loại này chỉ đạt hiệu quả cao đối với người nhiễm SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Còn phương pháp Realtime-PCR cho kết quả chính xác hơn nhưng cần thời gian lâu hơn.
Do đó, để đảm bảo an toàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo thực hiện cả hai phương pháp, đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh đồng thời cũng xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime-PCR.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng giao Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho việc triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay.

Không phát hiện virus SARS-CoV-2

trong sản phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam

Sản phẩm đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam gồm thịt hộp gia súc, gia cầm và hải sản đóng hộp không bị phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 4/9, dẫn nguồn từ Cục Thú y, thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết như vừa nêu.
Phó Cục trưởng Cục Thú y, ông Nguyễn Văn Long nói với báo giới trong nước rằng cơ quan này đã lấy gần 200 mẫu tất cả các loại thịt, tôm, cánh gà của các quốc gia có hàng xuất khẩu sang Việt Nam để xét nghiệm SARS-CoV-2, sau khi có thông tin lan truyền về sản phẩm đông lạnh nhập khẩu bị phơi nhiễm virus của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm là tính đến ngày 21/8, tổng cộng 171 mẫu xét nghiệm được lấy từ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu của 15 quốc gia và kết quả cho thấy không mẫu nào bị phát hiện phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đồng thời, đại diện của Cục Thý y cho biết hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Ngông nghiệp Mỹ cùng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đều cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm góp phần trong sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 cũng như việc mắc dịch bệnh COVID-19 từ thực phẩm hay trên bao bì thực phẩm. Mặc dù vậy, Cục Thú y vẫn tiếp tục theo dõi thông tin và sẽ tiến hành xét nghiệm nếu cần thiết.
Cục Thú y được nói là hiện tại đã có 5 phòng thí nghiệm được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp chứng chỉ chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 trên người và 3 phòng thí nghiệp đủ điều kiện xét nghiệm sàng lọc. Các phòng thí nghiệm này có thể xét nghiệm đến 5.000 mẫu.

Đề án thành phố Thủ Đức

có theo “vết xe đổ” Thủ Thiêm?

Dự án tầm nhìn thế kỷ 21: Thành phố phía Đông Thủ Đức
Tại cuộc làm việc giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, diễn ra vào ngày 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một sự phối hợp của Chính quyền TP.HCM cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc khẩn trương hoàn thiện đề án thành lập thành phố Thủ Đức.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh rằng phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông-thành phố Thủ Đức phải đúng hướng, nằm trong mục tiêu của TP.HCM là thành phố công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu.
Trước đó vào hôm 29/7, trong một hội nghị lấy ý kiến cho 3 đề án của TP.HCM, do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức, các cơ quan của Quốc hội lên tiếng ủng hộ việc thành lập thành phố Thủ Đức và cho rằng sẽ tạo nên cú hích cho sự phát triển của không chỉ riêng TP.HCM mà còn cho cả nước Việt Nam.
Tất nhiên các cảnh báo đó rất đáng lưu tâm. Bởi vì xây dựng Thủ thiêm đã nảy sinh ra biết bao nhiêu vấn đề. Nhất là trong chuyện đất đai, lấy đất đai của dân rồi đền bù, khiếu kiện mấy chục năm kéo dài đến tận bây giờ vẫn chưa giải quyết được thỏa đáng. Thứ hai nữa là chỉ phát triển chủ yếu bất động sản, chứ cũng chưa có nền tảng về phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gì đâu. Mục tiêu không rõ ràng nên chỉ trở thành một nơi về bất động sản thôi và làm lợi chủ yếu cho các nhà kinh doanh bất động sản. Thứ ba là về phân bổ đầu tư, phân bổ đất đai làm cho biết bao cựu lãnh đạo và lãnh đạo của thành phố phải tù tội và chịu trách nhiệm về việc đó. Tôi nghĩ rằng phải có rất nhiều điều đáng để rút kinh nghiệm từ vụ Thủ Thiêm
-Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Mặc dù vậy, Chính quyền TP.HCM được yêu cầu cần làm rõ phương án để khai thác hiệu quả tiềm năng của đơn vị hành chính mới-thành phố Thủ Đức bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Sau khi thông tin về Thủ tướng Chính phủ đôn đốc hoàn thiện đề án thành lập thành phố Thủ Đức được truyền thông Nhà nước loan đi, báo giới trong nước dẫn cảnh báo của nguyên viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cựu Đai biểu Quốc hội Trần Du Lịch rằng thành lập thành phố Thủ Đức phải tránh bài học sai lầm về quy hoạch và quy hoạch phải đặt lợi ích của dân lên trước. Song song đó, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, thuộc trường Đại học Fulbright Việt Nam, lưu ý đừng nên để thành phố Thủ Đức lập lại “vết xe đổ” của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cảnh báo tránh “vết xe đổ” Thủ Thiêm
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vào tối ngày 3/9, nói với RFA rằng cảnh báo của tiến sĩ Huỳnh Thế Du và cựu Đại Biểu quốc hội Trần Du Lịch là hợp lý. Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:
“Tất nhiên các cảnh báo đó rất đáng lưu tâm. Bởi vì xây dựng Thủ thiêm đã nảy sinh ra biết bao nhiêu vấn đề. Nhất là trong chuyện đất đai, lấy đất đai của dân rồi đền bù, khiếu kiện mấy chục năm kéo dài đến tận bây giờ vẫn chưa giải quyết được thỏa đáng. Thứ hai nữa là chỉ phát triển chủ yếu bất động sản, chứ cũng chưa có nền tảng về phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gì đâu. Mục tiêu không rõ ràng nên chỉ trở thành một nơi về bất động sản thôi và làm lợi chủ yếu cho các nhà kinh doanh bất động sản. Thứ ba là về phân bổ đầu tư, phân bổ đất đai làm cho biết bao cựu lãnh đạo và lãnh đạo của thành phố phải tù tội và chịu trách nhiệm về việc đó. Tôi nghĩ rằng phải có rất nhiều điều đáng để rút kinh nghiệm từ vụ Thủ Thiêm.”
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng không chỉ riêng trường hợp Thủ Thiêm, mà phải rút kinh nghiệm từ các quy hoạch phát triển đô thị ở Sài Gòn và Hà Nội. Bà Phạm Chi Lan nhắc lại cả giới chuyên môn và công luận có cùng nhận xét hai thành phố lớn nhất Việt Nam đều bị cho là phát triển đô thị một cách “lộn xộn”, “tùm lum”, đánh mất vẻ đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến và nét đẹp Sài Gòn xưa. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đề cập đến thành phố Đà Lạt, đang trong quá trình quy hoạch nhưng bị vấp phải sự phản đối của dư luận liên quan kiến trúc, di sản, giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo của thành phố sương mù, ngàn hoa nổi tiếng này.
Ông Nguyễn Ngọc Già, là một cư dân Sài Gòn, chia sẻ với RFA rằng ông có phần phấn khởi khi nghe tin về đề án thành lập thành phố Thủ Đức văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, dưới gốc độ của một nhà báo, một người từng kinh doanh về bất động sản và từng làm việc trong bộ máy chính quyền thành phố, ông Nguyễn Ngọc Già không có niềm tin rằng đề án tầm nhìn thế kỷ 21-thành phố Thủ Đức sẽ được thành công.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra lập luận rằng Chính quyền TP.HCM chú trọng vào triết lý quy hoạch đô thị mà bị chi phối toàn diện cho sự phát triển theo mô hình của các thành phố; chẳng hạn như Thượng Hải (Trung Quốc), Gangnam và Incheon (Hàn Quốc)…mà không tính toán đến văn hóa của người Việt
Nam, là văn hóa làng xã, “thuần nông lúa nước” vốn lạc hậu và vẫn còn tồn tại. Do đó, các mô hình phát triển thành phố mới không hề tương thích với văn hóa của Việt Nam.
Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng khác là tôn giáo mà nhà báo Nguyễn Ngọc Già ghi nhận không có bất kỳ một đề án quy hoạch đô thị nào đưa vào yếu tố quan trọng này.
Vừa rồi họ nói thành phố phía Đông là đề án để liên kết vùng với khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai. Vì tạo thành một cú hích như vậy nên nói chung đất đai ở Thủ Đức quy hoạch là nằm trong tay của mấy ông (cán bộ). Cứ quy hoạch ở đâu thì họ cho người đi gom mua đất ở đó hết, cho nên đất đai lên giá. Từ khi làm xong đường Phạm Văn Đồng thì đất ở Thủ Đức cũng lên giá rồi. Bây giờ người ở ngoài Bắc vào đầu cơ và các quan chức ở nhiều, chứ còn người dân thì ra các vùng ven hết thôi…Nói chung, toàn là người giàu và có chức có quyền hết thôi
-Chuyên viên ẩn danh, ngành bất động sản
“Chính tôn giáo là nền tảng để giữ lại hồn người. Trong khi đó lại đụng đến vấn đề chính trị; đó là không có tự do tôn giáo. Tất cả chúng ta đều thấy những điều nhỏ nhất nhưng lại ‘con người nhất’; đó là những xóm chùa, xóm đạo không chỉ là đời thực để gìn giữ văn hóa và tính người mà còn đi vào cả thơ, ca, nhạc, họa. Rõ ràng 45 năm qua, những từ như ‘xóm đạo’, ‘xóm chùa’…bị mai một và mất dần hết. Vậy thì, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có giật mình khi mà họ không hề đề cập đến yếu tố tôn giáo trong các đề án xây dựng thành phố mới hay không?”
Ông Nguyễn Ngọc Già trưng dẫn ví dụ ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại TP.HCM. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói rằng không có một ngôi chùa hay một nhà thờ nào thật sự có tự do tôn giáo ở khu đô thị này. Trong đó, cộng động rất đông người Hàn Quốc, đạo Tin Lành, phải thuê mướn chỗ để thực hiện tự do tôn giáo và tín ngưỡng của họ.
Theo quan điểm của nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì xây dựng một thành phố mới là một khái niệm tổng hòa của cả một mối liên hệ bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục.
Yếu tố kinh tế thì Việt Nam đang thực hiện “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đối với nhà báo Nguyễn Ngọc Già, một thạc sĩ kinh tế thì thực chất là nền kinh tế phi thị trường. Về chính trị, Việt Nam có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng mô hình chính trị độc đảng toàn trị với kinh tế trung ương và địa phương “tập quyền và tản quyền”, cộng thêm yếu tố luật pháp ở Việt Nam, mà ông gọi là “làm cho vui” thì sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư. Và điều này, nhà báo Nguyễn Ngọc Già khẳng định không thể chối cãi được.
Đài RFA ghi nhận truyền thông Nhà nước Việt Nam mấy ngày qua đăng tải thông tin giá nhà đất ở Thủ Đức liên tục tăng lên trong 3 năm vừa rồi, dẫn đến lo ngại về vấn đề bong bóng bất động sản tại khu vực này.
Nhân viên của một công ty tư nhân, hoạt động kinh doanh bất động sản, ở TP.HCM cho RFA biết:
“Vừa rồi họ nói thành phố phía Đông là đề án để liên kết vùng với khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai. Vì tạo thành một cú hích như vậy nên nói chung đất đai ở Thủ Đức quy hoạch là nằm trong tay của mấy ông (cán bộ). Cứ quy hoạch ở đâu thì họ cho người nhà đi gom mua đất ở đó hết, cho nên đất đai lên giá. Từ khi làm xong đường Phạm Văn Đồng thì đất ở Thủ Đức cũng lên giá rồi. Bây giờ người ở ngoài Bắc vào đầu cơ và các quan chức ở nhiều, chứ còn người dân thì ra các vùng ven hết thôi. Điển hình như ở Thủ Thiêm, đâu còn người dân ở đâu. Đụng vào đất đai ở đó thì toàn của cán bộ hết đó, chứ của người dân không còn đâu. Người dân chỉ đi theo mua 1,2 miếng đất cho vui. Nói chung, toàn là người giàu và có chức có quyền hết thôi.”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trước khi chấm dứt cuộc trao đổi với RFA về đề án thành lập thành phố Thủ Đức, nói rõ ý kiến của bà:
Nói chung, đó là một quy hoạch tổng thể và đòi hỏi một cách cẩn trọng, văn minh và phải thoát khỏi những tư tưởng lỗi thời. Đặc biệt phải thoát khỏi nền kinh tế chính trị hiện nay đang trì níu và lạc hậu, đã bị thế giới loại thải ra rồi. Như thế thì làm sao mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có thể mơ tới một thành phố Thủ Đức văn minh, hiện đại được
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
“Làm cái gì thì cũng phải tính toán từ đầu, phải quy hoạch một cách chu đáo. Thứ hai là rất cần phải hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia liên quan, kể cả về gốc độ môi trường, xã hội…để phát triển như thế nào cho phù hợp với yêu cầu mới và khả năng phát triển mới. Phải có mục tiêu và ưu tiên cho rõ ràng về cách thức chọn lựa nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vào dự án. Toàn bộ quá trình đó phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình của những người đưa ra quyết định… Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là làm quy hoạch phải đàng hoàng và phải thật sự lắng nghe ý kiến chứ không phải chỉ hỏi theo chiếu lệ.”
Trong khi đó, nhà quan sát tình hình Việt Nam-nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra kết luận:
“Nói chung, đó là một quy hoạch tổng thể và đòi hỏi một cách cẩn trọng, văn minh và phải thoát khỏi những tư tưởng lỗi thời. Đặc biệt phải thoát khỏi nền kinh tế chính trị hiện nay đang trì níu và lạc hậu, đã bị thế giới loại thải ra rồi. Như thế thì làm sao mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có thể mơ tới một thành phố Thủ Đức văn minh, hiện đại được?”
Nói một cách khác, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, những thành phố như khu đô thị mới Thủ Thiêm hay thành phố Thủ Đức được hình thành mà không lấy con người làm trọng tâm thì đó cũng chỉ là thành phố robot-người máy vô hồn và hàng triệu cư dân của các thành phố đó sẽ phải trôi dạt long đong, không chốn nương thân. Bởi vì khẩu hiệu “khu đô thị sáng tạo tương tác cao” của thành phố kinh tế, thương mại lớn nhất Việt Nam.

Việt Nam – Trung Quốc

sắp thống nhất vùng đánh cá ở Vịnh Bắc Bộ

Việt Nam và Trung Quốc sắp tổ chức họp trực tuyến liên quan đến Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở khu vực Vịnh Bắc Bộ giai đoạn mới, nhằm thống nhất vùng đánh cá chung.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin hôm 4/9 trích lời ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)) cho biết hiệp định sắp tới này sẽ giúp ngư dân Việt Nam được khai thác an toàn, hiệu quả.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nói Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện tại đã hết hiệu lực. Ông này kêu gọi cần  phải thông báo rộng rãi đến ngư dân vì có thể không nắm được thông tin.
Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho hay trong khi chờ hiệp định đàm phán, ngư dân Việt Nam được khuyến cáo không vượt sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh dù Vịnh Bắc Bộ không phải là khu vực giàu thủy sản  nhưng lượng tàu cá của hai nước, đặc biệt là Trung Quốc sử dụng tàu to đánh bắt nhiều nên lấn át việc khai thác của ngư dân Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng lên tiếng phản đối “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” do Trung Quốc đơn phương ban hành (có hiệu lực từ 1/5 đến 16/8). Ông này nói quy chế không có hiệu lực pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hồi giữa tháng 8, truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin cho hay hàng nghìn tàu cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam đã tràn xuống Biển Đông đi đánh bắt.
Theo diễn biến liên quan, chính  phủ Trung Quốc vừa phê duyệt thêm hai nhà máy điện hạt nhân ở Hải Nam (cách Hải Phòng hơn 100km) và Chiết Giang.
Hai nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở Hải Nam và Triết Giang dự kiến hoàn thành lần lượt vào hai năm 2026 và 2025.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói các dự án nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế và cải thiện an ninh năng lượng trong tương lai.

Thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về vụ án Đồng Tâm

Mười một tổ chức chính trị, xã hội dân sự trong và ngoài nước vào ngày 4 tháng 9 công bố thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử các dân làng Đồng Tâm dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng 9 tới đây.
Thư chung gửi đến bà Đại sứ Elisabeth Tichy- Fisslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHP) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Nội dung thư kêu gọi bà đại sứ chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ can thiệp cho 29 người bị bắt kể từ khi xảy ra vụ tấn công vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua.
Những tổ chức ký tên vào thư chung nêu rõ những người này chỉ vì cố gắng giữ đất không để bị thu hồi phi pháp đã bị bắt giữ và sắp sửa bị đem ra xét xử vào ngày 7 tháng 9 tới đây.
Trong một thư chung khác gửi đi vào ngày 25 tháng 2, những tổ chức ký tên thuật lại vụ tấn công được tiến hành với 3 ngàn cảnh sát cơ động. Số này triển khai việc đột nhập vào nhà cụ Lê Đình Kình, người đại diện cho dân Đồng Tâm trong cuộc giữ đất kéo dài nhiều năm qua mà không được cơ quan chức năng giải quyết. Cụ Lê Đình Kình bị giết chết trong vụ tấn công.
Thư chung cho biết thêm, trong suốt thời gian qua, những người bị bắt không được gặp mặt thân nhân. Luật sư gặp nhiều khó khăn trong việc sao chụp hồ sơ và gặp mặt thân chủ của họ trong trại giam.
Ngoài ra, phiên xử được nói là công khai thế nhưng đến nay chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm phiên tòa được mở ra, nhưng thân nhân của những người bị bắt và đem ra xét xử chưa nhận được giấy mời dự tòa.
Thư chung cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam tìm cách ngăn chặn những nguồn thông tin khác với tin mà chính quyền đưa ra về vụ Đồng Tâm.
Ba nhà hoạt động đất đai trong một gia đình vì sử dụng mạng xã hội thông tin về những gì thực tế xảy ra cho dân làng Đồng Tâm giữ đất cũng bị bắt. Đó là bà Cấn Thị Thêu và 2 con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư.
Thư chung nêu qui định trong Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là một thành viên. Theo điều 14 của ICCPR thì ‘một phiên tòa công bằng đòi hỏi thời gian và phương tiện thích hợp để chuẩn bị cho việc bào chữa và việc trao đổi với luật sư mà chính người phải ra tòa tự chọn. Tuy nhiên những qui định về thủ tục này liên tục bị vi phạm trong suốt quá trình tố tụng khiến những cáo buộc chống lại họ trở nên tùy tiện.
Những tổ chức ký tên vào thư chung đưa ra kêu gọi bà đại sứ và Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam thực hiện ba điểm. Trước hết là phải xét xử công minh, phiên tòa cần công khai cho thân nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ và truyền thông quốc tế tham dự. Thứ hai phải  cho phép các bị cáo được gặp luật sư; chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật; cũng như không hăm dọa luật sư. Điều thứ ba là đại diện LHQ phải được tham dự và tường trình về phiên tòa để giảm thiểu bất công và lạm dụng luật pháp có thể xảy ra.

Điểm tin trong nước sáng 4/9:

7 ca tiên lượng nặng và nguy kịch;

Thủy lợi Krông Pách Thượng ở Đắk Lắk

đe dọa tính mạng người dân

Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (4/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
7 ca tiên lượng nặng và nguy kịch
Tin cập nhật lúc 6h ngày 4/9 từ Bộ Y tế: Việt Nam có tổng cộng 1046 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán, 35 ca tử vong và hiện đang có 7 ca tiên lượng nặng và nguy kịch.
Trên thế giới, tổng số ca nhiễm là hơn 26 triệu 251 ngàn, trong đó có hơn 868 ngàn ca tử vong. 5 quốc gia có số ca mắc viêm phổi Vũ Hán nhiều nhất gồm: Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Peru.
3 người nhập viện nghi ngộ độc pate Minh Chay
Trao đổi với Zing tối 3/9, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), nói bệnh viện đang điều trị cho 3 bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn botulinum từ thực phẩm pate Minh Chay.
Các bệnh nhân nhập viện ngày 1/9 gồm L.T.V.K. (30 tuổi, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), V.T.H. (65 tuổi, trú thị xã Điện Bàn) và N.T.N. (15 tuổi, ngụ TP. Hội An) nhập viện ngày 2/9.
Trong đó chị V.K. và bà H. có biểu hiện mệt, khó thở, sụp mí, đau họng, yếu cơ. Đại diện bệnh viện cho biết, sau 2 ngày điều trị, sức khỏe 3 bệnh nhân đã ổn định.
Ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ tư cách đại biểu HĐND Hà Nội
Chiều 3/9, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND đối với ông Nguyễn Đức Chung.
Theo truyền thông trong nước, việc tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố với ông Chung là để các cơ quan tư pháp thực hiện quy trình tố tụng hình sự.
Ông Nguyễn Đức Chung là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, tại đơn vị bầu cử số 2, quận Hoàn Kiếm.
Trước đó, ngày 28/8 ông Chung bị Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.
Thủy lợi Krông Pách Thượng ở Đắk Lắk đe dọa tính mạng người dân
Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng ở Đắk Đắk trị giá 4.400 tỷ đồng sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành đang đe dọa tính mạng và tài sản người dân khi lũ xảy ra.
Đó là nhận định của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu trong buổi làm việc  hôm 3/9 với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk để tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án Krông Pách Thượng, truyền thông trong nước đưa tin.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết vào trung tuần tháng 8 vừa qua, lượng mưa trong lòng hồ Krông Pách Thượng đạt mức 30-40 mm nhưng đã gây ngập lụt hàng chục hecta. Cơ quan nhà nước này dự đoán nếu sắp tới lượng mưa đạt 100mm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản người dân ở địa  phương.

Điểm tin trong nước tối 4/9:

Chở vợ sắp cưới để biết việc mình làm,

chú rể tử nạn, cô dâu tương lai nguy kịch;

Truy nã nữ nhân viên ngân hàng vay 200 tỷ đồng

Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Sáu (4/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Chở vợ sắp cưới để biết việc mình làm, chú rể tử nạn, cô dâu tương lai nguy kịch
Chiều 4/9, gia đình đang tổ chức tang lễ cho anh Nguyễn Hữu T. (SN 1995, trú xã Chư Á, TP. Pleiku) bị tử vong do tai nạn giao thông.
Theo Người lao động, sáng cùng ngày, anh T. điều khiển xe tải chở theo vợ chưa cưới là chị Nguyễn Thị H. (SN 1994, trú huyện Đắk Đoa), lưu thông trên Quốc lộ 14 theo hướng Đắk Lắk đi Gia Lai. Khi đến đoạn Km 1617+600, đoạn qua địa bàn xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thì tông nhau với xe tải theo hướng ngược lại.
Vụ tai nạn khiến anh T. tử vong. Còn chị H. bị chấn thương lồng ngực, sang chấn đầu và đốt sống cổ, hiện vẫn đang bất tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Th. (mẹ anh T) cho biết, anh T. cùng chị H. có tình cảm từ lâu và dự định kết hôn từ năm 2018. Tuy nhiên, cùng năm đó, cha anh T. bị đột quỵ qua đời khiến đám cưới phải hoãn lại. Khi đã mãn tang, 2 gia đình đã quyết định làm đám hỏi. Những ngày qua, anh T. và chị H. đã viết thiệp cưới mời mọi người đến chung vui vào giữa tháng 9/2020. Sáng cùng ngày, anh T. Lái xe đưa thư báo, chị H. muốn theo để biết việc làm của chồng tương lai thì xảy ra vụ việc đau lòng.
Truy nã nữ nhân viên ngân hàng vay 200 tỷ đồng
Trên báo Người lao động, chiều 4/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã ra quyết định truy nã bị can Lê Thị Thương (SN 1988, trú phường Hoa Lư, TP Pleiku) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Qua điều tra ban đầu xác định Lê Thị Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5/2020, Thương đã vay tiền nóng của nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Đến ngày 27/6, khi bị các chủ nợ ráo riết đòi tiền, Thương đến Công an phường Hoa Lư trình báo việc vay của nhiều người với số tiền 173 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả và yêu cầu được bảo vệ.
Tuy nhiên, khi cơ quan công an đang thụ lý vụ án, kêu gọi những người cho Thương vay tiền đứng ra tố giác thì Thương rời khỏi địa phương.
Tuyên án tử hình cựu Giám đốc OceanBank Hải Phòng
Theo Thanh Niên, Hội đồng xét xử ngày 4/9 đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ tham ô tài sản diễn ra ở Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) – Chi nhánh Hải Phòng.
Theo đó, bị cáo Trần Thị Kim Chi, cựu nguyên Giám đốc chi nhánh, mức án tử hình.
Các bị cáo Lê Vương Hoàng, nguyên kiểm soát viên và Nguyễn Thị Minh Huệ, nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ bị phạt tù chung thân, thời gian áp dụng hình phạt tính từ 23/9/2017.
Bị cáo Chu Văn Nha, nguyên thủ quỹ, lĩnh án 20 năm tù, thời gian áp dụng từ 19/12/2018.
Ngoài ra, các bị cáo phải nộp lại số tiền đã tham ô và lãi phát sinh lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Thông đồng với chủ nợ cưỡng đoạt tiền của mẹ
VnExpress đưa tin, ngày 4/9, Nguyễn Thị Diễm Hằng bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án 2 năm 6 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản, do đã khắc phục hậu quả.
Là người cầm đầu vụ án, Trương Văn Thục, 35 tuổi, lĩnh 9 năm tù; Nguyễn Thanh Tuấn, 36 tuổi, nhận 6 năm tù về cùng tội danh.
Cáo trạng xác định, giữa tháng 9/2018, Hằng thông qua nhóm “tín dụng đen” vay của Thục 10 triệu đồng rồi không có tiền đóng lãi. Bà ta bàn với Thục, sẽ viết giấy nợ 200 triệu đồng để đến đòi mẹ mình, nếu lấy được tiền sẽ chia đôi.
Ngày 10/11/2018, Thục và Tuấn đến đưa cho mẹ Hằng hai tờ giấy nhận nợ của con gái nhưng bà không đồng ý trả. Rạng sáng hôm sau, bộ đôi ném 3 túi mắm tôm vào sân khách sạn của gia đình Hằng ở quận Gò Vấp rồi bỏ đi.
Sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sức khoẻ trong gia đình, mẹ Hằng gọi điện cho Thục và Tuấn đến lấy tiền. Bà đưa trước 100 triệu đồng, hẹn sẽ trả thành nhiều lần. Sau khi nhận được tổng cộng 195 triệu, Thục gọi điện kêu Hằng đến khu vực ngã tư Ga, quận 12, chia tiền. Ngày 13/12/2018, mẹ Hằng tố cáo hành vi của Thục và đồng phạm.
Tại tòa hôm nay, Hằng tỏ ra ăn năn về hành vi của mình, xin HĐXX cho hưởng án treo để chăm sóc mẹ già chuộc lỗi, song không được chấp nhận.
Powered by Blogger.