Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bản tin ngày 19-12-2020

Saturday, December 19, 2020 // ,

 BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

RFA có bài: Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021. Trong tình hình hầu hết các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông chủ yếu vẫn chỉ “đấu khẩu” bằng công  hàm, GS Carl Thayer dự đoán tình hình năm sau:

“Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng. Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp”.

Các chuyên gia thuộc Bộ KH&CN và Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines (DOST-PNRI) vẫn đang tìm cách truy nguồn gốc phóng xạ ở Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Trước đó, các chuyên gia của DOST-PNRI thông báo, họ phát hiện có chất đồng vị Iot 129 ở Biển Đông, với nồng độ cao nhất nằm gần các thực thể bị TQ chiếm đóng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng đang có các hoạt động hạt nhân tại khu vực, nhưng cũng để ngỏ khả năng các dòng hải lưu đã đưa chất Iot 129 từ nơi khác tới Biển Đông do đây là một chất tồn tại lâu trong môi trường. Ông Carlo Arcilla, GĐ DOST-PNRI cho biết: “Nó có thể được tạo ra trong các hoạt động hạt nhân mới, có thể là từ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân”.

Các nguồn gốc khả dĩ của chất Iot 129. Ảnh do báo Tuổi Trẻ thực hiện từ dữ liệu của DOST-PNRI

Trang Doanh Nghiệp VN có bài: Trung Quốc và giấc mơ 10 tàu sân bay. Dẫn ngưồn từ National Interest, cho biết, sau khi đưa hai tàu sân bay Type 001 (Liêu Ninh) và Type 002 (Sơn Đông) vào vận hành, Hải quân TQ (PLAN) lên kế hoạch triển khai tàu sân bay Type 003, “được cho là sẽ được hạ thủy trong tương lai gần và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023”.

Trong khi tàu sân bay Type 003 chưa hoàn thành, nhưng “có vẻ như PLAN đang quan tâm đến một danh sách hàng không mẫu hạm trong tương lai có sự kết hợp giữa các mẫu chạy bằng năng lượng hạt nhân và thông thường cho các nhiệm vụ khác nhau”. Hải quân TQ dự định sẽ có 6 tàu sân bay vào năm 2035.

Mời đọc thêm: Chuyên gia truy nguồn gốc phóng xạ ở Biển Đông (VTC). – Nhóm Bộ tứ tìm cách hỗ trợ ‘các nước yếu’ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (TG&VN). – Biển Đông: Mỹ và Philippines tiếp tục khẳng định giá trị phán quyết quốc tế 2016 (RFI).

Vụ chuyển 30 ngàn tỉ ra khỏi biên giới VN

Công an TP Hà Nội vừa triệt phá vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án điều tra và khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Đây là vụ án “nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30.000 tỉ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác”.

10 bị can bị khởi tố, trong đó có 6 người bị công khai danh tính, gồm Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực và Nguyễn Thị Hà. Kết quả điều tra ban đầu xác định, bị can Thắng đã cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới.

Vụ việc làm xôn xao dư luận hôm nay. Một số nhà quan sát nhận định, có khả năng đây không phải là vụ chuyển tiền bình thường, vì số tiền quá lớn, tới 30.000 tỉ đồng, tương đương 1,3 tỉ USD. Ngay cả sai phạm rất nghiêm trọng trong dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên, khiến cựu Bí thư Hoàng Trung Hải “ngã ngựa”, cũng không tạo ra thiệt hại về tiền lớn như vậy. Có thông tin cho rằng, đằng sau vụ điều tra này là cuộc đấu đá nội bộ trước thềm Hội nghị Trung ương 15 và Đại hội 13. 

VTC có clip về vụ điều tra vừa được công khai ở TP Hà Nội: Phá vụ “tuồn” gần 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài.

VietNamNet có bài: Bí thư Hà Nội gửi thư khen Công an TP phá vụ chuyển lậu 30.000 tỷ. Bí thư Vương Đình Huệ gửi thư khen ngợi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, với lời nhận định: “Chiến công này đặc biệt quan trọng trong thời điểm Thủ đô và cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Mời đọc thêm: Hà Nội phá vụ ‘tuồn’ gần 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài, khởi tố 10 bị can (TT). – Thông tin pháp luật chiều 19/12: Công an Hà Nội phá vụ tuồn 30.000 tỷ ra nước ngoài, khởi tố 10 bị can (TĐ). – Chuyển gần 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài để giấu tội (VTC).

Ngày xử thứ 6 trong lần ra tòa thứ 4 của Đinh La Thăng

Phiên xử vụ sai phạm dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương bước sang ngày làm việc thứ 6. Sau 3 ngày ông Thăng liên tục phản bác cáo trạng không công bằng, không có bằng chứng, nội dung quy chụp nhằm gán tội cho người khác, HĐXX chuyển “mục tiêu” sang cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”. 

VTC đưa tin: Út ‘Trọc’ tự bào chữa, không nhận cáo buộc của Viện kiểm sát. Tin cho biết, sáng nay, trong lúc tự bào chữa cho mình, bị cáo Hệ  tiếp tục bác bỏ cả hai tội danh mà VKSND TP HCM truy tố. Ông Hệ khẳng định, ông không lợi dụng ảnh hưởng với người khác để trục lợi như cáo buộc của VKS.

Cáo trạng có tình tiết: Bị cáo Hệ thỏa thuận để ông Phạm Văn Thăng, TGĐ Công ty CP Licogi 13 thi công hạng mục gói thầu XL.01-3, còn ông này bán rẻ cho Út “trọc” căn biệt thự BT01, thỏa thuận giúp bị cáo trục lợi hơn 3,4 tỉ đồng. Phản biện cáo trạng, bị cáo Hệ khẳng định, căn biệt thự do ông ta mua từ đầu năm 2013, còn hồ sơ làm gói thầu BOT cầu Việt Trì thì đến năm 2014, Công ty Licogi 13 mới làm. 

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời tự bào chữa của Út ‘trọc’: Cả nước Việt Nam người ta nói tôi ngu nhất. Các LS bào chữa cho bị cáo Hệ không đồng tình với cáo trạng của VKS, cho rằng thân chủ của họ không phạm tội. Bằng chứng: “Kết quả điều tra và qua phần thẩm vấn công khai cho thấy, Hệ không có bất kỳ hành vi gian dối nào trong việc lập Hội đồng đấu giá, thực hiện quy trình đấu giá quyền thu phí”.

Bị cáo Hệ lặp lại luận điểm: Số tiền 725 tỉ mà VKS cáo buộc ông ta chiếm đoạt của nhà nước, Hệ cho rằng đó là tiền của ông ta. Bị cáo Hệ nói, đã mua quyền thu phí trả đủ 2.004 tỉ và theo hợp đồng có quyền bán, chuyển nhượng cho các tổ chức khác. Nghĩa là số tiền vượt 2.004 tỉ là tài sản toàn quyền của công ty Yên Khánh, chứ không phải tiền Nhà nước: “Tôi mua quyền thu phí xong những người trên cả nước Việt Nam đều nói tôi ngu nhất vì mua giá quá cao”

Thêm thông tin về số tiền 725 tỉ: Đinh Ngọc Hệ khai không biết số tiền hơn 725 tỷ đi về đâu, theo VietNamNet. Một LS của bị cáo Hệ lưu ý, cáo trạng của vụ án cho rằng Hệ đã sử dụng phần mềm can thiệp vào chương trình quản lý thu phí của Bộ GTVT nhằm chiếm đoạt số tiền 725 tỉ đồng, nhưng bản cáo trạng lại không nói rõ số tiền này là của ai, bị chiếm đoạt vào thời điểm nào, cả kết luận điều tra cũng không xác định được. Còn ông Hệ khẳng định, chính ông ta cũng không biết số tiền đó đi đâu.

Báo Tiền Phong có bài: Vì sao ông Đinh Ngọc Hệ từng chối bỏ sở hữu công ty ngàn tỷ. Vụ ông Hệ trước đó một mực cho rằng, ông đã từ bỏ quyền sở hữu Công ty Yên Khánh, nhưng hôm nay lại xin lỗi người thân, thuộc cấp và đính chính: “Nay tôi xin khai và nhận lại tôi là chủ, là người bỏ vốn toàn bộ ra tại Cty Yên Khánh”. 

Lý giải về chuyện vì sao từ bỏ, bây giờ nhận lại, bị cáo Hệ biện hộ, ông ta vướng vòng lao lý trong một vụ khác, trước khi ra tòa trong vụ này. Để tránh “bất tiện khi xử lý công việc”, nên khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Hệ đã khai Công ty Yên Khánh không phải của ông, một phần tài sản ông cũng khai là của cháu gái ông.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại TAND TP HCM hôm nay 19/12. Ảnh: TP

Về vụ ông Thăng liên tục phản biện cáo trạng trong 3 ngày trước đó, Facebooker Nguyễn Thùy Dương bình luận“Ông Thăng ra Tòa, trả lời dõng dạc. Có cái nhận dứt khoát, có cái lý giải. Thậm chí, ông yêu cầu cơ quan buộc tội ông phải chứng minh ông có tội bằng chứng cứ rõ ràng, đúng thực tế. Điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều: nếu lập luận chứng cứ buộc tội không đúng thực tế, phải chăng nền Tư pháp có quá nhiều điều huyễn hoặc?”

Đáp lại lời phản bác của ông Thăng, Viện kiểm sát khẳng định truy tố ông Đinh La Thăng không oan, báo Tuổi Trẻ đưa tin. VKS cho rằng trong hồ sơ vụ án có rất nhiều tài liệu chứng minh ông Thăng “biết rõ quá trình thực hiện đề án mua bán quyền thu phí, có mối quan hệ giữa hành vi cố ý làm trái của nhóm ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường và các bị cáo tại Bộ Giao thông vận tải với hành vi chiếm đoạt tài sản của Đinh Ngọc Hệ. Từ hành vi của ông Thăng và các bị cáo này, Đinh Ngọc Hệ có thể chiếm đoạt được tài sản nhà nước”.

Bị cáo Đinh La Thăng tại TAND TP HCM hôm nay 19/12. Ảnh: Quang Định/TT

Mời đọc thêm: Ông Đinh La Thăng là ‘tiền đề’ gây thất thoát 725 tỉ đồng!? (TN). – Bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai không biết số tiền 725 tỉ đi về đâu, phản bác cáo trạng của VKS (CL). – Út ‘Trọc’: ‘Tôi bị nói ngu vì mua quyền thu phí giá quá cao’ (Zing). – Luật sư của Đinh Ngọc Hệ: Hãy chứng minh Nhà nước thất thoát 725 tỉ đồng (TN). – VKS nêu bằng chứng ông Đinh La Thăng gặp gỡ Út ‘Trọc’ (Zing). – Nhiều thư ký biết mối quan hệ giữa Đinh La Thăng với Đinh Ngọc Hệ? (NLĐ).

Tin nước Mỹ

Nước Mỹ đang bị chiến dịch tấn công mạng lớn nhất thập kỷ, VnExpress đưa tin. Một số cơ quan thuộc chính phủ Mỹ như Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngân khố, Bộ Ngoại giao… và cả Tập đoàn Microsoft đều trở thành nạn nhân của tin tặc. Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng (CISA) cho biết, chiến dịch tấn công tinh vi này bắt đầu ít nhất từ tháng 3/2020, nhưng đến ngày 8/12/2020 mới được công khai, khi Công ty chuyên về bảo mật FireEye lên tiếng thừa nhận bị tin tặc xâm nhập.

Sau khi FireEye thừa nhận vụ việc, một số cơ quan chính phủ Mỹ cũng thông báo, họ đã bị tấn công bằng hình thức tin tặc cài cắm mã độc vào bản cập nhật phần mềm SolarWinds Orion. Công ty SolarWinds chuyên cung cấp phần mềm quản trị mạng cho nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp lớn của Mỹ. 

VOA có clip: Microsoft phát hiện phần mềm độc hại trong hệ thống công ty.

Infonet đặt câu hỏi: Chuyên gia Mỹ nói gì về quy mô các cuộc tấn công của tin tặc Nga? AP cho biết, các chuyên gia Mỹ nhận định, hiện họ không có đủ nhân viên có kinh nghiệm trong nước để theo dõi tất cả các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra, còn cuộc tấn công hiện tại có thể kéo dài thêm vài tháng nữa. Ông Dmitri Alperovitch, người đồng sáng lập công ty bảo mật thông tin CrowdStrike thừa nhận: “Chúng tôi cần thắt dây an toàn. Đó sẽ là một chặng đường dài”.

Còn chuyên gia mật mã Bruce Schneier phân tích, để “làm sạch” hệ thống mạng của các cơ quan Mỹ khỏi tin tặc, chúng phải được “đốt cháy hoàn toàn và tái tạo”: “Chúng tôi có một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi không biết họ đang sử dụng mạng nào, độ sâu bao nhiêu, quyền truy cập của họ là gì, họ đã sử dụng công cụ gì”. Các chuyên gia Mỹ cho biết thêm, khoảng 18.000 tổ chức ở Mỹ đã bị tấn công mạng từ tháng 3 đến tháng 6/2020.

Một trong những cơ quan nhạy cảm nhất, là Cơ quan an ninh vũ khí hạt nhân Mỹ bị tin tặc tấn công, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Theo tin từ báo South China Morning Post, Bộ Năng lượng Mỹ và Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), nơi quản lý kho vũ khí hạt nhân của nước này, đều tìm thấy có bằng chứng hệ thống của mình bị tin tặc đột nhập. NNSA là cơ quan trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Ông Rocky Campione, người phụ trách hạ tầng thông tin ở Bộ Năng lượng thừa nhận, tin tặc gây thiệt hại ở các mạng lưới thuộc Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang (FERC).

Đáp lại, Mỹ đóng cửa hai lãnh sự quán ở Nga, VietNamNet dẫn tin từ hãng Reuters. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, sau khi tham vấn Đại sứ John Sullivan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quyết định đóng cửa lãnh sự quán ở Vladivostok, miền viễn đông Nga, và dừng hoạt động tại lãnh sự quán ở Yekaterinburg. Phía Mỹ giải thích, diễn biến này là một phần của “những nỗ lực không ngừng nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và bảo mật của phái bộ ngoại giao Mỹ ở Liên bang Nga”.

Cùng với vụ đóng cửa lãnh sự quán, Mỹ-Nga lại ‘đấu khẩu’ về các vụ tấn công mạng quy mô lớn, theo báo Thế Giới và VN. Phát biểu trong chương trình phát thanh The Mark Levin Show, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Có một sự cố ý sử dụng một phần mềm của bên thứ 3 nhằm cài đặt mã vào các hệ thống của chính phủ Mỹ. Đó là một sự cố ý rất rõ ràng và tôi nghĩ chúng ta có thể khẳng định khá chắc chắn rằng Nga có liên quan đến sự việc này”

Chiến dịch tấn công mạng Internet bắt đầu từ tháng 3/2020, khả năng ông Trump đã được mật vụ thông báo, nghĩa là ông có gần 9 tháng để lên tiếng về vụ việc, nhưng ông ta đã im lặng suốt thời gian đó. Phe Dân chủ ‘bàng hoàng’ vì phản ứng của chính phủ Mỹ sau thông tin tin tặc tấn công, theo báo Thanh Niên.

Dân biểu Carolyn Maloney phê phán chính quyền Trump không hành động để ứng phó với đe dọa an ninh: “An ninh quốc gia là thách thức lớn nhất, trách nhiệm ưu tiên mà một chính phủ phải làm để bảo vệ người dân. Mọi cơ quan chính phủ đều bị xâm phạm. An ninh quốc gia của chúng ta bị xâm phạm. Tôi thất vọng vì ông Trump không lãnh đạo chính phủ phối hợp để đáp trả mối nguy”.

Từ tấn công mạng Internet đến tấn công thực tế: Căn cứ không quân Mỹ bị tấn công rocket, theo VnExpress. Waheeda Shahkar, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Parwan ở miền đông Afghanistan xác nhận, đã có vụ tấn công bằng 5 quả rocket nhắm vào căn cứ Bagram lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan, nhưng không gây thiệt hại, 7 quả đạn chưa khai hỏa được tháo gỡ gần đó. Vụ tấn công xảy ra lúc 6h sáng 19/12 khi bệ phóng 12 quả rocket đặt trên một ô tô được kích hoạt gần căn cứ không quân Bagram. 

Mời đọc thêm: Bộ An ninh Nội địa Mỹ bị tin tặc tấn công vào kênh thông tin nội bộ (TTXVN). – Vụ hack lớn nhất lịch sử nước Mỹ, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính nghi ngờ bị hacker Nga xâm nhập đánh cắp dữ liệu? (TQ). – Thêm nhiều nạn nhân của vụ tấn công mạng rúng động Mỹ (ICT News). – Cơ quan quản lý vũ khí hạt nhân của Mỹ bị tin tặc đột nhập (Zing). – Cảnh báo tin tặc sẽ tiếp tục tấn công mạng nhằm vào Chính phủ Mỹ (BNews).

– Romney nhắn Trump: ‘Phản đối việc Nga tấn công mạng đi chứ!’ (NV). – Chính quyền ông Trump có kế hoạch đóng cửa 2 lãnh sự quán cuối cùng tại Nga (VOV). – Mỹ định đóng cửa toàn bộ lãnh sự quán ở Nga (VNE). – Ngoại trưởng Mỹ: Tin tặc Triều Tiên, Trung Quốc tấn công mạng Mỹ ‘mạnh’ hơn cả Nga (TT). – Căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan bị tấn công (VTC). 

***

Thêm một số tin: Hoàn tất Kết luận điều tra vụ án Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản (BNews). – Dự án bệnh viện nghìn tỉ lớn nhất Bắc Trung Bộ nguy cơ ‘vỡ trận’ (TP). – Yêu cầu làm rõ danh sách người sử dụng bằng giả ĐH Đông Đô (FB Kiểm Tin). – Ông cụ vẫn phải tiếp tục chờ nhận 3,4 tỉ tiền bồi thường (PLTP). – Hơn 2 tỷ người tại châu Á-TBD không được đảm bảo nước sạch và vệ sinh (TTXVN).

Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021

 Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021

Diễm Thi, RFA – 2020-12-18

Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) cùng tàu đổ bộ tấn công USS Boxer và các tàu hộ tống diễn tập phối hợp trên Biển Đông ngày 7 tháng 10 năm 2019.

Cuộc chiến công hàm

Trong năm qua, một vài quốc gia ASEAN và một số quốc gia phương Tây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này được cho là giúp Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình dù sau mỗi đệ trình hay công hàm được gửi đi thì Trung Quốc lại ra công hàm phản đối.

Nước đầu tiên trong tổ chức ASEAN thực hiện việc này là Malaysia. Ngày 12/12/2019, Malaysia đã nộp đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Cùng ngày, Trung Quốc gửi công hàm CML/14/2019 lên LHQ để phản đối bản đệ trình của Malaysia.

Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 tới Tổng thư ký LHQ để trình bày một cách có hệ thống về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông..

Tiếp theo, ngày 6/3/2020, Philippines gửi lên LHQ công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngày 14/4/2020, Việt Nam gửi thêm hai công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia và Philippines.

Đáp lại, Trung Quốc ra một loạt công hàm phản đối:

Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia; Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Trung Quốc phản đối tuyên bố của Philippines; Công hàm số CML/42/2020 của Trung Quốc ngày 17/4/2020 bày tỏ quan điểm về bản đệ trình chung của Malaysia và Việt Nam xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý.

Ngày 26/5/2020, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ gửi công hàm 126/POL-703/V/20 đề cập tới quan điểm của Indonesia với 3 công hàm trên của Trung Quốc.

Phải nói rằng ai cũng nghĩ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ vừa qua đã gây sức ép cho Trung Quốc góp phần làm cho Trung Quốc từ bỏ tham vọng trên Biển Đông. Nhận định như thế là sai. -Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng, việc hàng loạt các nước mở ra cuộc chiến công hàm phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và tố cáo những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm cho Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình. Nhưng ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh rằng, cuộc chiến công hàm không giải quyết được vấn đề Biển Đông mà đây là vấn đề chiến lược toàn cầu. Chỉ khi nào mà Trung Quốc không còn đủ sức để cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây nữa thì lúc đó tình hình Biển Đông với có thể yên ắng. Ông đánh giá tình hình Biển Đông trong năm qua:

Xét về tổng thể tình hình Biển Đông năm 2020 thì Trung Quốc vẫn kiên quyết phủ nhận phán quyết của tòa trọng tài và họ ngày càng hung hãn hơn ở Biển Đông. Họ tập trận rồi đưa tàu khảo sát, kể cả tàu cảnh sát biển, tàu tuần duyên…đi sâu vào các khu khai thác dầu khí của Việt Nam, ví dụ như lô 06.1.

Phải nói rằng ai cũng nghĩ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ vừa qua đã gây sức ép cho Trung Quốc góp phần làm cho Trung Quốc từ bỏ tham vọng trên Biển Đông. Nhận định như thế là sai.

Bản thân tôi nhận thấy việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Bashi rồi vào Biển Đông rồi diễn tập …thì cũng chỉ là thực hiện điều 17 của UNCLOS. Tức là thực hiện quyền tự do hàng hải chứ chưa bao giờ các lực lượng vũ trang của hải quân Mỹ áp sát vào khu 12 hải lý hoặc 500 mét của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng.”

000_11Y0TI.jpg

Ngoài một vài quốc gia ASEAN gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, một số các quốc gia phương Tây cũng có những động thái tương tự.

Hôm 1/6/2020 Mỹ gửi một công hàm lên LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982. Mỹ cũng cho rằng các yêu sách về quyền lợi rộng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm cản trở quyền và tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác.

Úc hôm 23/7/2020 cũng gửi công hàm lên LHQ bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.

Gần đây nhất là hôm 16/9/2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên LHQ một công hàm chung bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Công hàm chung này cũng đề cập đến hàng loạt công hàm Trung Quốc đã gửi cho LHQ trước đó.

Vào năm 2020, do hành vi của Trung Quốc trong bốn năm qua đã tạo cho các quốc gia khác đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm rõ rệt ủng hộ Công ước LHQ về Luật Biển và Trung Quốc đã bị cô lập về mặt ngoại giao. -Giáo sư Carl Thayer

Qua emai trao đổi với RFA hôm 16/12/2020, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định rằng, chủ đề chung trong các đệ trình, công hàm của các nước gởi LHQ suốt năm qua có điểm chung là ủng hộ rõ ràng Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và bác bỏ hoàn toàn việc Trung Quốc tuyên bố về các quyền lịch sử và nỗ lực coi “Tứ Sa” (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) như các đơn vị riêng biệt bằng cách vẽ các đường cơ sở quanh đó. Ông nói thêm:

Theo các quy tắc và thủ tục của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, không thể chấp thuận yêu sách về thềm lục địa mở rộng của một quốc gia nếu một quốc gia khác phản đối. Việc Trung Quốc từ chối đệ trình sơ bộ của Malaysia không có giá trị về mặt pháp lý.

Công hàm của Hoa Kỳ, Úc và đệ trình chung của Pháp-Đức-Anh đã được gửi cho Tổng thư ký LHQ vì không quốc gia nào trong số này có thể yêu sách thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông. Ngoài ra, Hoa Kỳ không phải là một bên ký kết UNCLOS.

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. Ông Duterte khẳng định “cam kết của Philippines ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016”. Duterte tuyên bố phán quyết của tòa là một phần của luật pháp quốc tế và Phillipines kiên quyết từ chối những nỗ lực nhằm phá bỏ việc tuân thủ phán quyết này.

Tóm lại, khi Tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2016 thì hầu hết các quốc gia trong vùng tranh chấp đều công nhận hoặc giữ im lặng. Nhưng vào năm 2020, do hành vi của Trung Quốc trong bốn năm qua đã tạo cho các quốc gia khác đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm rõ rệt ủng hộ Công ước LHQ về Luật Biển và Trung Quốc đã bị cô lập về mặt ngoại giao.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì gọi việc các quốc gia phương Tây lên tiếng là một bước ngoặc, bởi trước đây họ không nói gì cả, họ chỉ nói là phải tôn trọng luật pháp. Dù tất cả những công hàm cũng chỉ dựa trên công ước quốc tế về luật biển chứ không dựa trên một cái gì khác, nhưng điều này rất có lợi cho các nước Đông Nam Á. Tháng 7 năm 2016 Phillipines được tòa quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò. Năm nay Mỹ và các nước tái khẳng định điều đó. Ông Hà Hoàng Hợp phân tích thêm:

“Nói đến ASEAN là mình chỉ nói đến ba nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia) chứ những nước khác họ sợ Trung Quốc. Họ có quyền lợi về kinh tế, văn hóa, lịch sử hoặc sắc tộc liên quan đến Trung Quốc. Họ sợ Trung Quốc nên họ đưa ra cái luận điểm là không theo bên nào, không đứng về phía bên nào cả. Vừa chiều lòng được Trung Quốc vừa chiều lòng Mỹ. Hơn nữa, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump có những hành động và chính sách rất rõ ràng với Trung Quốc thì có những nước nể sợ Trung Quốc bắt đầu có những hành động phê phán chính quyền của Donald Trump. Đấy là sự thật!”

Tình hình Biển Đông sẽ ra sao?

000_1GG77Q.jpg
Bức ảnh này được chụp vào ngày 14 tháng 5 năm 2019, một tàu tuần duyên Philippines (R) lướt qua tàu tuần duyên Trung Quốc trong cuộc tập trận chung tìm kiếm và cứu nạn giữa lực lượng tuần duyên Philippines và Mỹ gần bãi cạn Scarborough, ở Biển Đông. AFP

Chính sách của Trung Quốc về biển Đông đã trở nên mạnh mẽ sau khi Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc vào tháng 11/2012. Nhưng có lẽ năm 2020 là năm Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn khi vào ngày 18/04/2020, Trung Quốc thông báo thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer chia sẻ với RFA đánh giá của ông về tình hình Biển Đông năm 2021:

“Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng. Lực lượng Cảnh sát biển, Dân quân biển và đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của họ tại các khu vực tranh chấp. Nếu Việt Nam hoặc Malaysia cố gắng thuê các tàu khảo sát dầu của nước ngoài và tiếp tục thăm dò ở các vùng biển gần Bãi Tư Chính, mỏ dầu khí Lan Đỏ hay Bãi cạn Luconia thì Trung Quốc sẽ tập hợp một đội tàu để quấy rối các hoạt động này.Một điểm đáng chú ý là liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bày ra hành động khiêu khích nào để ‘thử’ Chính quyền của ông Biden trước khi ông Biden chính thức nhậm chức năm tới hay không.”

Điều này đã được dự báo từ trước rồi. Từ sau bầu cử ở Mỹ cho đến khi có tổng thống mới, tức là từ 3 tháng 11 cho đến 20 tháng 1 có thể sẽ xảy ra rất nhiều chuyện phức tạp. -Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền hoàn toàn phi pháp của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông. Theo Washington, chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp. Hoa Kỳ khẳng định, thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc sau đó có bài viết nhan đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Tác giả “khuyên” Việt Nam cảnh giác trong mối quan hệ với Hoa Kỳ bởi mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển quan hệ với Việt Nam là “lợi dụng Việt Nam”, “chia cắt mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc”.

Bài báo kết luận rằng, thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định. Một số nhà quan sát cho rằng, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp do Trung Quốc lợi dụng thời kỳ chuyển tiếp tổng thống của Hoa Kỳ, tức từ sau ngày bầu cử đến ngày tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:

“Vì tình hình nước Mỹ hiện nay cho nên Bắc Kinh sẵn sàng lợi dụng tình thế khó khăn của nước Mỹ trong nội bộ để lấn tới. Mấy hôm nay họ lấn tới rất nhiều. Bây giờ nó đang rất căng thẳng và người Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh bất kỳ lúc nào như tấn công Đài Loan, tấn công Việt Nam ở Trường Sa và tiếp tục quấy rầy cũng như tấn công cả Phillipines. Nhưng với Malaysia thì chưa thấy họ làm gì nặng.

Điều này đã được dự báo từ trước rồi. Từ sau bầu cử ở Mỹ cho đến khi có tổng thống mới, tức là từ 3 tháng 11 cho đến 20 tháng 1 có thể sẽ xảy ra rất nhiều chuyện phức tạp.”

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông:“Cho dù bước vào năm 2021 nước Mỹ có tổng thống mới thì tham vọng của Trung Quốc vẫn không dừng lại và việc giằng co trên Biển Đông vẫn tiếp tục như trong thời gian qua.

Việc đầu tiên nước Mỹ cần làm dưới thời tổng thống Joe Biden là phải gây sức ép trên tất cả các mặt trận đối với Trung Quốc buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Đừng mong gì buộc Trung Quốc phải từ bỏ tham vọng trên Biển Đông.”

Theo ông Đinh Kim Phúc, một số nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhấn mạnh Việt Nam không từ bỏ vấn đề pháp lý, tức là sẽ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tòa án quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam chọn bước đi nào trong vấn đề đấu tranh với Trung Quốc trên thực địa khi nguyên thủ Việt Nam vẫn khẳng định tình hữu nghị Việt Trung là dòng chảy chính trong mối quan hệ hai nước?

Nếu năm tới Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam sẽ chọn nội dung gì, kiện tòa nào và có chắc thắng hay không vì tất cả những vấn đề trong mối quan hệ Việt Trung chưa được giải mã.

“Hồ sơ Biển Đông đã được Quốc tế hóa; Công khai hóa; Phi nhạy cảm hóa. Bây giờ phải Minh bạch hóa nữa thì mới đánh giá được trận chiến này sẽ tiếp diễn như thế nào” – ông Đinh Kim Phúc kết luận.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo rằng tàu chiến của quân đội nước này sẽ “quyết liệt” hơn khi phải đáp trả những vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng tại Biển Đông.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/note-verbales-and-predictions-of-the-east-sea-situation-2021-12182020124611.html

Việt Nam: Sức mạnh trỗi dậy và “hổ giấy”

Quí Bạn đọc thân mến, Giới phân tích, bình luận thời cuộc về VN thường có cái nhìn từ bên ngoài nên có phần khách quan nhưng vì ít hiểu “ruột gan cs” nên không được lắm chuyên & sâu. Liệu sau gần 75 năm ở miền bắc và 45 năm miền nam tiến nhanh tiến mạnh lên CNXH , VN hôm nay tiến được bao nhiêu bước hay còn phải chờ thêm 80 năm nữa cho đến cuối thế kỷ nầy [lời của NPT] may ra mới thấy nhưng thấy cái gì thì không biết, nhưng nay mai đây NPT phải vĩnh viễn nhắm mắt, đcsVN thì không bao lâu nữa cũng chỉ còn là cái tên, còn người thì là người khác không còn là con người XHCN để xây CNXH ? thì nhiều người sẽ tự hỏi VN sẽ là con “hổ thực” hay “hổ bịnh” nhưng bịnh gì? Xin nhường lời cho các Bạn. BBT

Việt Nam: Sức mạnh trỗi dậy và “hổ giấy”.

Đăng ngày: 14/12/2020

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và bộ trưởng Thương Mại Trần Tuấn Anh (P) hoan nghênh đồng nhiệm Nhật Bản, thủ tướng Yoshihide Suga và bộ trưởng Thương Mại Hiroshi Kajiyama ký hiệp định tự do thương mại RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, ngày 15/11/2020.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và bộ trưởng Thương Mại Trần Tuấn Anh (P) hoan nghênh đồng nhiệm Nhật Bản, thủ tướng Yoshihide Suga và bộ trưởng Thương Mại Hiroshi Kajiyama ký hiệp định tự do thương mại RCEP gồm 10 nước ASEAN và 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, ngày 15/11/2020. AP – Hau Dinh

Thu Hằng22 phút

Việt Nam gây được thiện cảm và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao trong năm 2020. Bắt đầu từ kinh nghiệm xử lý dịch Covid-19 được báo chí quốc tế liên tục đưa tin, đến vai trò chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và ASEAN được đánh giá cao và tổ chức thành công lễ ký kết trực tuyến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại chiếm 30% GDP toàn cầu.

Viện Lowy, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Úc, xếp Việt Nam ở hạng thứ 12 trong bảng Chỉ số quyền lực tại châu Á năm 2020 (Asia Power Index, công bố ngày 19/10/2020, tăng một hạng so với năm 2019 và đứng sau 4 nước Đông Nam Á) trong tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Bảng xếp hạng được dựa theo 8 nhóm nội dung, trong đó có tầm ảnh hưởng ngoại giao, năng lực kinh tế, năng lực quân sự…

Từ một nước nghèo, Việt Nam đã đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình và ngày càng ít phụ thuộc vào viện trợ, theo nhận định của cựu đại sứ Anh Mark Kent. Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để có thể thực hiện được tham vọng là một nền kinh tế trỗi dậy, một quốc gia tầm trung về địa-chính trị.

Những điểm này được giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréral (UQAM), Canada, phân tích trong hội thảo trực tuyến « Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec » (Emergence du Vietnam et occasions d’affaire pour le Québec), do đại học Laval tổ chức ngày 22/10/2020. RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với giáo sư Eric Mottet về chủ đề này.

****

RFI : Thưa giáo sư Eric Mottet, trong bài tham luận tại hội thảo « Sự trỗi dậy của Việt Nam và cơ hội kinh doanh cho Québec », ông phân tích Việt Nam là « một sức mạnh đang trỗi dậy » nhưng cũng là « một con hổ giấy ». Trước hết, những yếu tố nào cho thấy Việt Nam là một sức mạnh đang trỗi dậy ?

GS. Eric Mottet : Việt Nam là một sức mạnh đang trỗi dậy về mặt kinh tế, có thể thấy điều này qua các chỉ số kinh tế : GDP tăng nhanh đáng kể, tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm gần đây ; tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cũng rất cao, dao động 7% trong khoảng 30 năm trở lại đây – tỉ lệ này khiến nhiều nước, kể cả các nước phương Tây, phải ghen tị ; khối lượng hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu đã tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm ; khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên gấp 10 lần trong vòng 15 năm gần đây.

Ngoài ra, có thể căn cứ vào một chỉ số khác, đó là trong vòng 10-15 năm gần đây, Việt Nam đã ký rất nhiều thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam hiện có khoảng 80 hiệp định đối tác ký với các đối tác nước ngoài. Gần đây, Việt Nam tham gia vào hai hiệp định thương mại lớn ở châu Á-Thái Bình Dương : Thứ nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia từ năm 2018 và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Có thể thấy là về phương diện kinh tế, Việt Nam trở thành một phần của khu vực châu Á trỗi dậy đầy năng động này. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay cởi mở hơn, đa dạng hơn rất nhiều, đặc biệt với điểm mới là những khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu phát triển, trong đó có kinh tế kỹ thuật số. Tôi nghĩ là mọi người ở Việt Nam hiện nay đều nhận thấy rằng kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

RFI : Vậy tại sao Việt Nam lại là một « con hổ giấy » ?

GS. Eric Mottet : Thuật ngữ « con hổ » muốn nói đến một nhóm nước công nghiệp châu Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và giờ là Việt Nam. Những nước này được gọi là những « con hổ châu Á ». Còn từ « giấy » muốn nói đến những yếu kém dai dẳng của nền kinh tế Việt Nam, cũng như những tồn đọng về vấn đề xã hội, chính trị và môi trường. Những ai sống ở Việt Nam và những người từng đến Việt Nam đều biết là Việt Nam có nhiều điểm yếu, cả về chính trị lẫn xã hội và kinh tế.

Tôi có thể đưa ra một vài dẫn chứng. Trước hết là thiếu cơ sở hạ tầng, cảng biển. Nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia trỗi dậy, một quốc gia tầm trung thì phải có các cảng biển để xuất khẩu hàng hóa với khối lượng lớn. Thế nhưng, hiện giờ Việt Nam chưa thể làm được. Đúng là Việt Nam có nhiều cảng biển nhưng không có được quy mô như khoảng 10, 15 cảng hàng đầu của Trung Quốc.

Tiếp theo là những vấn đề liên quan đến xung đột đất đai, có thể thấy thực tế này qua những cuộc biểu tình thường xuyên ở Việt Nam về những dự án đặc khu kinh tế cho phép các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng cơ sở ở đó. Những xung đột quanh vấn đề này ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Ngoài ra, dĩ nhiên phải kể đến sự thiếu minh bạch, tình trạng quan liêu và thủ tục hành chính vô cùng phức tạp. Đối với những doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, họ phải vượt qua hàng loạt cửa ải phức tạp và khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài nản lòng. Vấn đề này vẫn tồn đọng.

Việt Nam sẽ trở thành một sức mạnh kinh tế, trước mắt là trong khu vực và mang tầm quốc tế trong tương lai. Chúng ta cùng chờ xem ! Hiện tại Việt Nam cũng gặp khó khăn về năng lượng và tình trạng thiếu hụt ngày càng thấy rõ. Lĩnh vực này hiện thu hút được đầu tư ồ ạt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh. Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó phải kể đến hàng loạt vụ tai tiếng ô nhiễm trong những năm gần đây.

Việt Nam cũng là nước không đáp ứng đủ phần lớn những yêu cầu về luật lao động và sở hữu trí tuệ. Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với một doanh nghiệp đa quốc gia muốn hoạt động ở Việt Nam.

Cần phải nhắc lại một lần nữa là khi sử dụng cụm từ « hổ giấy », tôi muốn nói đến việc Việt Nam hiện nằm trong số những nước công nghiệp mới ở châu Á, nhưng vẫn còn rất nhiều điểm yếu phải giải quyết trong ngắn hạn và trong tương lai nếu Việt Nam muốn trở thành một sức mạnh kinh tế lớn trong vùng Thái Bình Dương.

RFI : Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành một sức mạnh tầm trung ? Đâu là chiến lược của Hà Nội để thực hiện tham vọng này ?

GS. Eric Mottet : Đúng thế. Tham vọng mà Việt Nam hướng tới, đó là trở thành một cường quốc bậc trung về địa-chính trị, chứ không phải về kinh tế. Bởi vì Việt Nam chưa phải một sức mạnh kinh tế trung bình nhưng sẽ đạt được mục tiêu đó trong tương lai. Tôi cho rằng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về kinh tế không nghi ngờ gì về khả năng này.

Nhưng Việt Nam có thể trở thành một cường quốc tầm trung về địa-chính trị hay không ? Dù sao chúng ta thấy là Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều theo hướng này trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong tư cách này, Hà Nội đã có rất nhiều bước tiến ngoại giao để cải thiện hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Việt Nam cũng đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong tháng 01/2020, nên hiện có ảnh hưởng lớn hơn ở Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta còn thấy là Việt Nam tham gia rất nhiều hội nghị quốc tế lớn, như tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, được mời đến G20 – Diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới – tại Nhật Bản (28-29/06/2019), tham gia ngày càng thường xuyên hơn các hội thảo và hội nghị về biến đổi khí hậu… Gần đây, Việt Nam còn tham gia chương trình Gìn giữ Hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Quân nhân Việt Nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan, Cộng Hòa Trung Phi.

Chúng ta có thể thấy là Hà Nội đang từng bước cải thiện hình ảnh về mặt địa-chính trị của mình trên trường quốc tế. Điều này cũng cho phép cải thiện tính chính đáng trên quy mô quốc tế của đảng Cộng Sản Việt Nam và đặt đảng Cộng Sản Việt Nam như là một nhân tố có trách nhiệm và bao dung. Vì vậy, nếu dần cải thiện được hình ảnh này, Việt Nam có thể trở thành một sức mạnh địa-chính trị tầm trung.

RFI : Liệu tham vọng trở thành sức mạnh địa-chính trị tầm trung của Hà Nội có bị tác động vì sự cạnh tranh Mỹ-Trung hiện nay hay không ? Việt Nam làm gì để tránh bị kẹt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ?

GS. Eric Mottet : Trước tiên, cần phải nói là mối quan hệ của Hà Nội hiện rất tốt với chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump. Tốt là nhờ vào việc tổng tống Trump, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới tấn công trực tiếp Trung Quốc. Điều này khiến người dân Việt Nam hài lòng.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà còn nhiều lý do khác. Trước tiên là vào năm 2018, có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ tăng tốc di dời cơ sở sang Việt Nam. Việt Nam được hưởng lợi phần nào đó từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra còn có nhiều sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn cho Việt Nam, như việc tổng thống Trump đến Việt Nam hai lần : Lần đầu trong khuôn khổ APEC năm 2017 và thăm chính thức Việt Nam ; lần thứ hai, ông đến Hà Nội vào tháng 02/2019 trong khuôn khổ thượng đỉnh nổi tiếng với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tất cả những sự kiện này đã ghi dấu ấn lớn đối với người dân và chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn tồn tại một số điểm bất đồng về ý thức hệ, nhân quyền, tự do tôn giáo… Và từ tháng 09/2020 xuất hiện một số quan ngại về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Việt. Tôi từng nêu trong một bài phỏng vấn với RFI Tiếng Việt (26/10/2020) là thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày lớn với việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Joe Biden sẽ theo đuổi chiến lược này của tổng thống Trump hay sẽ có những chính sách khác hoặc sẽ tập trung vào những nhân tố khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ?

Về mối quan hệ giữa hà Nội và Bắc Kinh, đây là mối quan hệ vô cùng nhập nhằng. Chúng ta biết Trung Quốc là đối tác công nghiệp và thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, giữa hai bên luôn có những bất bình, trong đó có cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tôi nghĩ là không cần phải phân tích nhiều ở đây vì vấn đề này được biết đến rộng rãi.

Vậy Việt Nam cần phải làm gì để tránh mắc kẹt giữa hai cường quốc ? Việt Nam đã liên tục đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế với nhiều nước từ vài năm gần đây, kể cả trong nội bộ ASEAN, đặc biệt với Singapore và nhiều tác nhân nhỏ khác ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Hà Nội mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với nhiều nước khác, như xích lại mạnh mẽ hơn với Nhật Bản trong những năm gần đây, cũng như với Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, thậm chí là với những đối tác xa xôi hơn như Nga, hiện trở lại Việt Nam mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quân sự và năng lượng. Ngoài ra còn phải kể đến quan hệ đối tác với Liên Hiệp Châu Âu và trong tương lai là với Anh Quốc hậu Brexit…

Có thể nói Hà Nội đang tiến hành « chiến lược chia sẻ, giảm bớt rủi ro » bằng cách đa dạng hóa đối tác kinh tế và an ninh để không bị kẹt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréral (UQAM), Canada.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20201214-viet-nam-suc-manh-troi-day-va-ho-giay 

Powered by Blogger.