Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Lời phản biện tại buổi trình chiếu sơ lược Phim The Vietnam War

Wednesday, September 6, 2017 // , ,

Nguyễn Ngọc Sẵng (Danlambao) - Tôi may mắn được đại diện đài truyền hình PBS và Thư Viện địa phương mời vào Ban Điều Hành Thảo Luận (discussing panel) về phim The Vietnam War do hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick bỏ ra mười năm thu thập tài liệu để làm ra cuốn phim 18 tập nầy. Phim sẽ được trình chiếu vào ngày 17 tháng 9 năm 2017 trên Đài Truyền Hình PBS của Mỹ.
Trước lượng khán giả khoảng hơn 200 người, toàn là người Mỹ (trừ cô phụ tá tôi là một bác sĩ trẻ, Quyên Huỳnh). Tôi rất áy náy, nhưng quyết định nhận lời vì nghĩ rằng đây là cơ hội để nói lên quan điểm của Người Lính Việt Nam Cộng Hoà về Chiến Tranh Việt Nam. Tôi lên đường vì ý niệm đó dù biết sẽ không dễ dàng, nhất là ngôn ngữ.
Sau phần trình chiếu, họ hỏi mỗi người trong Ban Điều Hành Thảo Luận một câu. Trong phim có một cựu chiến binh Bắc Việt, tên Bảo Ninh được phỏng vấn, và ông nói rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam KHÔNG có người thắng (no vinners). Người điều khiển chương trình hỏi tôi nghĩ gì về ý kiến nầy?
Trước khi trả lời, tôi trình bày nhận định rằng muốn biết ai thắng, ai thua phải biết ít nhất ba (3) điều căn bản: (1) mục tiêu tham chiến của các bên, (2) Sự tổn thất mà họ trả giá, (3) và đánh giá trên tổng thể do cuộc chiến gây ra.
A. Mục Tiêu Tham Chiến
1. Mỹ tham gia cuộc chiến vì muốn KIỀM CHẾ Trung Cộng, theo tài liệu Pantagon Papers, một nghiên cứu chính thức của Bộ Quốc Phòng Mỹ về sự tham dự của Mỹ tại Việt Nam từ 1945 đến 1967 do ông Daniel Ellsberg thực hiện và được công khai trên tờ The New York Times năm 1971, chủ yếu không nhằm bảo vệ sự độc lập của Miền Nam. Bảo vệ Miền Nam là chiến thuật trong chiến lược ngăn chận Tàu. Tài liệu nầy dài khoảng 4000 trang và được liệt kê là Tối Mật và được giải mã ngày 4 tháng 5 năm 2011tại thư viện của Tổng Thống Richard Nixon tại California.
2. Mục tiêu của Bắc Việt là Giải Phóng Miền Nam bằng vũ lực để Làm Bàn Đạp cho cuộc bành trướng của cộng sản quốc tế xuống vùng Đông Nam Á. Việc nầy do Hồ Chí Minh thực hiện với sứ mạng là người lãnh đạo cộng sản Đông Dương từ năm 1932. Và điều nầy hoàn toàn phù hợp với lời tuyên bố của Tổng Bí Thư Lê Duẩn “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô, Trung Quốc”, nếu câu nói nầy đúng sự thật. Đây là sứ mạng của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
3. Mục tiêu của những nhà lãnh đạo Miền Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền Miền Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản Miền Bắc với sự viện trợ tối đa của Nga, Tàu và khối cộng sản Đông Âu, kể cả Cuba. Nhưng vì thế yếu họ chấp nhận và yêu cầu Mỹ và khối tư bản viện trợ để họ bảo vệ lãnh thổ, và dân chúng theo họ.
B. Những Tổn Thất Của Các Bên
1. Phía Mỹ có 58.307 binh sĩ tử trận, chi tiêu 168 tỷ Mỹ kim (có tài liệu nói 1020 tỷ), 303.604 binh sĩ bị thương, 1948 binh sĩ mất tích và lúc cao điểm của chiến tranh có 543.000 binh sĩ tham chiến. Khi chiến binh Mỹ từ chiến trường Việt Nam về bị dân chúng khinh thị, không đón tiếp trọng thể như những binh sĩ tham gia trong những cuộc chiến ngoại biên khác. Và vết thương chiến tranh chưa hoàn toàn hàn gắn được.
2. Phía Bắc Việt có 950.765 binh sĩ tử trận, gần 600.000 bị thương, số mất tích không có con số rõ ràng, ước tính khoảng 300 ngàn người… Trong chiến cuộc, Miền Bắc được xếp vào hạng 1 trong 5 quốc gia nghèo nhất thế giới. Và cuộc chiến do Miền Bắc gây ra làm thiệt mạng 2 triệu thường dân.
3. Phía Việt Nam Cộng Hoà có 275 ngàn chiến sĩ thiệt mạng, khoảng 1.170.000 người bị thương, không có con số mất tích được liệt kê và ngày 30 tháng 4 năm 1975 họ đầu hàng vô điều kiện.
C. Ai Thắng? Ai Thua?
1. Từ những phân tích trên, tôi trình bày quan điểm riêng rằng Mỹ đã đạt được mục tiêu Kiểm Chế Trung Cộng, vậy Mỹ là người THẮNG.
2. Cũng từ phân tách nầy, tôi trình bày cho thính giả rằng Bắc Việt hy sinh gần 1 triệu binh sĩ, gần 6 trăm ngàn người thương tật, 300 ngàn người mất tích, làm 2 triệu thường dân bị chết oan và biến đất nước thành 1 trong 5 nước nghèo nhất thế giới, vậy Bắc Việt là người THUA vì phải trả giá quá đắt mà Trung Cộng vẫn không nhuộm đỏ được vùng Đông Nam Á. Họ THUA vì không đạt được mục tiêu.
3. Việt Nam Cộng Hoà đầu hàng vô điều kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 là người THUA. Theo bài phỏng vấn của Tướng Frederick C. Weyand ngày 12 tháng 6 năm 2006 thì cuộc chiến bị thua không phải do quân đội kém cỏi mà do những người lãnh đạo chính trị ở Washington. Họ thắng trên chiến trường, nhưng thua vì sự bội ước của đồng minh. Nhưng theo thiển nghĩ thì sau khi Hoa Kỳ đã hoàn thành mục tiêu kiềm chế Trung Cộng, họ rút lui bằng sự trả giá của nhiều bên, trong đó có cả binh sĩ của họ.
Kết luận sau cùng của tôi với cử toạ là cả hai phía người Việt đều là kẻ thua, nhất là dân tộc Việt Nam là người thua trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm của người cộng sản do Hồ Chí Minh, người cộng sản quốc tế, thực hiện sứ mạng trên sự đau xót vô vàn của dân tộc, làm kiệt quệ đất nước và tạo vết thương lịch sử dù 42 năm rồi vẫn chưa lành và không biết có cơ hội nào để lành vết thương dân tộc nầy.
Một cử toạ hỏi tôi về hậu quả tâm lý hiện tại của cuộc chiến, tôi chỉ đơn giản trả lời “bên thắng cuộc vẫn coi bên thua cuộc là kẻ thù cho dù chiến tranh đã chấn dứt 42 năm rồi”.
Cuốn phim vẫn trình bày những sự kiện mang tính cách tuyên truyền củ rích dù họ bỏ ra 10 năm sưu tập tài liệu, phỏng vấn một số người trong và ngoài nước. Vẫn trưng tấm hình Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt Cộng Bảy Lốp trên đường phố Sài Gòn, vẫn bản củ kết tội tên Trung úy William Calley sát hại 128 thường dân, vần chuyện thả bom napalm vào một số làng mạc gây thương tích cho thường dân v.v…, nhưng tôi nói thẳng với họ rằng Việt Cộng pháo kích vào trường tiểu học Cai Lậy ngày 9 tháng 3 năm 1974 làm thiệt mạng gần 200 em học sinh tiểu học sao đoàn làm phim không biết?, trong trận Tết Mậu Thân người cộng sản sát hại gần 6 ngàn đồng bào vô tội tại Huế, sự kiện chấn động cả thế giới mà đài truyền hình PBS không hay? Phim vẫn cho rằng công ty hoá chất Dow Chemical sản xuất bom Napalm để dội vào làng giết hại dân lành, tôi thẳng thắn nói với họ rằng bom Napalm không chế tạo để giết dân lành và vụ cô Kim Phúc là một trong những nhầm lẫn trong chiến trường như Mỹ đã từng nhầm lẫn ném bom trúng tòa đại sứ Trung Cộng tại Kosovo 1999, thỉnh thoảng ném bom nhầm tại Iraq, Afghanistan, Syria v.v…, Thậm chí họ còn ném bom nhầm vào những đơn vị quân đội của Hoa Kỳ, bắn nhầm binh sĩ Hoa Kỳ v.v…, trong chiến tranh không thế nào tránh nhầm lẫn được. Thế mà bọn truyền thông dòng chính vẫn cố tình vu khống một cách lố bịch, không chút liêm sỉ những sai lầm mà ai cũng có thể nhận thấy. Thảo nào Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump miệt thị họ không oan chút nào.
Sau buổi hội thảo, một sử gia Mỹ tên Bill Laurie gặp tôi và ông nói Bảy Lốp là tên khủng bố đã sát hại 6 người thân của viên chức VNCH, nên bắn Lốp là không vi phạm công ước Geneve.
Có thể đáng lẽ người Mỹ đã rút quân trước 1969 nếu người tư lệnh chiến trường Việt Nam của họ có chiến thuật đúng đắn, khác với chiến thuật “Truy tầm, tiêu diệt” mà Tướng Westmoreland, người được báo chí gọi là vị Tướng bại trận tại Việt Nam (The General Who Lost Vietnam) áp dụng trong nhiều năm. Những nhà bình luận quân sự chỉ trích chiến thuật dùng lực lượng hùng hậu để truy lùng giặc của Westmoland là không đúng. Chiến thuật nầy chỉ có kết quả khi đối phương chấp nhận đương đầu, nhưng quân Bắc Việt vào thời điểm đó, họ tránh né trong những cuộc hành quân lớn, họ rút sâu vào rừng hoặc vượt qua biên giới Cao Miên, Lào để bảo toàn lực lượng.
Nếu họ sử dụng những vị Tướng tài như Tướng Harold K. Johnson, Frederick C. Weyand, v,v,. thì có lẽ người lính Mỹ đã hồi hương sớm, ít thiệt hại sau khi đã hoàn thành mục đích Kiềm Chế Trung Cộng. Và mức độ thiệt hại mà quân đội hai phía Việt Nam sẽ ít hơn, nhất là con số thiệt hại nhân mạng dân lành sẽ thấp hơn, mức độ nghèo nàn, đói rách, lạc hậu của người dân Việt Nam sẽ ít hơn, và trên hết hận thù không dai dẳng như ngày hôm nay.
Vấn đề viện trợ quân sự cho Miền Nam cũng góp phần trong chánh sách “phủi tay” của Hoa Kỳ. Từ con số 2.8 tỉ năm 1973, còn 1 tỉ năm 1974 và 300 Triệu cho năm 1975. Và cuối cùng, tháng 12 năm 1974 quốc hội Hoa Kỳ quyết định cắt hết viện trợ quân sự, chỉ 55 ngày sau là Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ. Không có quân đội nào đánh giặc mà không có vũ khí, hoặc viện trợ vũ khí, chỉ trừ “truyền thuyết” Quân Giải Phóng với tay không bắt được máy bay Mỹ.
Không ai kéo lịch sử lùi lại được. Người gây ra cuộc chiến vì nhiệm vụ quốc tế cộng sản phải thành khẩn thú nhận trách nhiệm lịch sử. Không chấp nhận hôm nay, trong tương lai lịch sử cũng sẽ ghi lại bởi chính con cháu chúng ta, họ đọc lịch sử từ hai phía, họ đọc lịch sử thế giới, họ sẽ viết lại sự thật mà thế hệ cha ông họ đã trải qua. Đó là chính sử chứ không phải tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật mà người cộng sản dùng bạo lực để bóp méo và gọi là lịch sử.
Họ phải thành tâm Hoà Giải Hoà Hợp với những nạn nhân của họ, với đồng bào trong nước để xây dựng lại sức mạnh dân tộc để chống lại giặc Tàu. Làm chậm trễ sẽ mất nước và tội của họ sẽ chồng chất thêm với đất nước và dân tộc.
Đây là bộ phim phản ảnh một phía, trình bày phân nửa sự thật, không xứng đáng bỏ thời giờ xem. Điều nầy tôi đã viết trên Yahoo, nhưng 15 phút sau bị gỡ xuống. Hy vọng Burns và Novick sẽ đọc và nhìn lại vấn đề, nếu họ muốn trình bày một số khía cạnh thật về chiến tranh Việt Nam./.
5/9/2017

ILE DE LUMIÈRE – Chiếc tàu đã cứu hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam

ILE DE LUMIÈRE – Chiếc tàu đã cứu hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam

05/09/2017

Từ Thức

 
 
Nhân dịp các hội đoàn VN ở Đức xây tượng để tri ân ông Rupert Neudeck, người đã cứu trên mười ngàn thuyền nhân với chiếc tàu Cap Anamur, cũng nên nhớ tới một chiếc tàu khác, Ile de Lumière, một chiếc tàu Pháp đã cứu hàng chục ngàn boat people khác.
CÁI BẮT TAY LỊCH SỬ
Ile de Lumière (Đảo Ánh Sáng) cũng tạo ra cái bắt tay lịch sử của hai trí thức, triết gia hàng đầu của Pháp: một của phe tả – Jean Paul Sartre, một của phe hữu – Raymond Aron. Và làm lung lay, nếu không tan vỡ, giấc mộng thiên đường XHCN, thế giới đại đồng của cả một lớp trí thức không tưởng.
Ile de Lumière ra đời do sáng kiến của Bernard Kouchner, được gọi là French Doctor, vì đã sáng lập Médecins Sans Frontières, tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới, đưa các y sĩ Pháp đi giúp đỡ nạn nhân chiến tranh hay thiên tai trên khắp thế giới.
Trí thức Pháp thời đó có một ranh giới không ai muốn, hay có can đảm, vượt qua: tả và hữu.
Sartre và Aron chống nhau kịch liệt. Sartre thiên Cộng, đã từng nói ‘’những người chống Cộng là những con chó ‘’ (Tout anticommuniste est un chien). Và không lỡ một cơ hội nào đả kích, miệt thị Aron.
Aron là triết gia, bình luận gia chính trị hiếm hoi đã viết sách, báo không ngừng nghỉ, để vạch trần bộ mặt thực của Cộng sản, thực chất của chiến tranh VN, và hiểm họa độc tài toàn trị đe dọa thế giới.
Đó là một thái độ can đảm hiếm có ở một nước, một thời điểm, mà thiên tả đồng nghĩa với trí thức. Những người chống Cộng không dám bày tỏ ý kiến của mình, sợ bị coi là phản động (réactionnaire), chưa nói tới chống Cộng kiên trì, với những lập luận sắc bén như Raymond Aron hay Jean François Revel. Câu nói quen thuộc của trí thức thời đó : ‘’Thà lầm lẫn với Sartre còn hơn có lý với Aron‘’ (Il vaut mieux avoir tort avec Sartre que raison avec Aron). Đó là cái phi lý của tinh thần mù quáng vì ý thức hệ. Sartre được ngưỡng mộ, Aron bị đả kích, chế nhạo, mặc dù với thời gian, người ta thấy, về chính trị, Sartre lầm từ đầu tới cuối, trong khi Aron có lý trên mọi phương diện. Sartre đã chuộc những lầm lẫn của mình bằng một thái độ đáng phục: khi tuổi đã cao, gác bỏ tự ái, đã cùng với Aron gõ cửa chính quyền, kêu gọi cứu giúp khẩn cấp các thuyền nhân VN.
TỪ HẢI HỒNG TỚI ILE DE LUMIÈRE
Một ngày gần cuối năm 1979, chuyện khó tin nhưng có thực đã xảy ra: hai ông lãnh tụ trí thức không đội trời chung, Satre và Aron, ngồi lại với nhau, lên tiếng ủng hô dự án Ile de Lumière, kêu gọi dân Pháp mở rộng bàn tay tiếp đón thuyền nhân, nạn nhân của cái mà trước đó những trí thức như Sartre nghĩ là một cuộc giải phóng. Khi quân Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh, tờ báo trí thức thiên tả Le Monde viết: dân chúng chen lấn hai bên đường đón rước.
Thảm trạng của boat people trên chiếc thuyền Hải Hồng trên màn ảnh truyền hình đã làm họ tỉnh ngủ.
Hình ảnh lạ hơn nữa là Sartre cùng với Aron vào điện Elysée, yêu cầu tổng thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp.
Sartre là một trí thức anarchiste, không nhìn nhận nhà cầm quyền, hay những cơ cấu của xã hội trưởng giả, đã từng từ chối giải Nobel Văn chương.
Nước Pháp còn là nơi tiếng nói của những trí thức lớn có ảnh hưởng đáng kể. Việc Sartre cùng với Aron vào dinh Tổng thống kêu gọi giúp boat people gây mộ tiếng vang lớn trong dư luận.
Tổng thống Giscard d’Estaing chấp thuận, dân chúng vui lòng đón tiếp và tận tình giúp đỡ trên 128. 000 thuyền nhân, chỉ trong những năm đầu, trong đó nhiều người đã được tàu Ile de Lumière cứu vớt ngoài khơi.
Nên nhớ lúc đó kinh tế Pháp đang kiệt quệ. Chính phủ Pháp đã quyết định ngưng nhận di dân. Việc đón tiếp, giúp đỡ, cấp giấy cư trú và giấy phép hành nghề dễ dàng cho hàng trăm ngàn boat people đi ngược lại chích sách nhà nước đã được dân Pháp ủng hộ. Hầu như không có một phản ứng tiêu cực nào, tại một xứ chia làm hai – cái gì phe tả cho là tốt, phe hữu cho là xấu. Hay ngược lại.
Là sáng kiến của Bernard Kouchner, dự án Một con tàu cho Việt Nam được sự ủng hộ tích cực của các trí thức tả phái nổi danh như triết gia Michel Foucault, ca sĩ Yves Montand, tài tử Simone Signoret, trước đó chống Mỹ, chống chiến tranh VN.
Hình Sarte ngồi họp báo với Aron sau khi gặp Tổng thống Pháp chạy trên trang nhất tất cả các tờ báo lớn nhỏ. Ngồi giữa là André Gluckmann, triết gia thiên tả, maoiste (người tôn thờ Mao), sau vụ này trở thành chống Cộng. Ngày nay, tất cả đều đã qua đời, Sartre, Foucault, Aron, Gluckmann, Signoret, Montand. Bernard Kouchner về hưu. Sau khi tàu Ile de Lumière ngưng hoạt động, Kouchner rời Médecins Sans Frontières, sáng lập và điều hành tổ chức Médecins Du Monde (Y Sĩ Thế Giới), trước khi trở thành Tổng trưởng Ngoại giao dưới thời Sarkozy.
NHÀ THƯƠNG NỔI
Ile de Lumière là một chiếc tàu cũ, 1500 tonnes, 90 m chiều dài, được sửa cấp tốc, chạy tới đảo Poulo Bidong ngoài khơi Mã lai, khởi đầu dùng làm nhà thương nổi, với 100 giường, chữa trị cho 20.000 thuyền nhân trên đảo.
Thuyền trưởng François Herbelin, 29 tuổi, nói đó là những kỷ niệm sâu đậm nhất trên đời ông. ‘’Tôi rất cảm phục những người Việt rất bình tĩnh, có tổ chức, có tư cách (digne), quyết tâm ra khỏi đại nạn. Khi mới tới, họ kiệt lực, nhưng hồi phục rất nhanh, nghĩ tới tương lai‘’.
Chín tháng sau, Ile de Lumière bắt đầu sứ mạng mới: ra khơi cứu vớt những thuyền nhân phấn đấu trên biển cả, giữa cái sống và cái chết, giữa mưa bão và hải tặc.
Hàng triệu người đã liều mạng vượt biển tìm tự do, với những phương tiện thô sơ gây kinh ngạc cho người Tây phương. Hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên biển cả.
Ile de Lumière đã cứu hàng chục ngàn người, chở về Poulo Bidong chờ ngày được nhận đi định cư ở Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu.
Sau 14 tháng ngược xuôi, Ile de Lumière được thay thế bởi một chiếc tàu mới, Ile de Lumière II. Herbelin thành hôn với một phụ nữ thuyền nhân Việt Nam, trở thành thuyền trưởng một tàu thương mại. Làn sóng vượt biển bớt đi từ 1986, khi VN bắt đầu cởi trói, ít nhất về kinh tế.
DEVOIR D’INGÉRENCE
Ile de Lumière đánh dấu một phong trào tương trợ đáng cảm phục ở Pháp, và sau đó ở các nước Tây Phương. Bernard Kouchner nhân đó đưa ra chủ thuyết ‘’Devoir d’ingérence‘’ (Bổn phận phải can thiệp), theo đó các nước dân chủ Tây phương có bổn phận phải can thiệp, để cứu các nạn nhân, tại những nơi nhân quyền bị chà đạp. Sau đó, các nước Tây phương đã nhân danh nguyên tắc này để đổ bộ can thiệp ở Kosovo.
Ile de Lumière cũng đánh dấu sự thức tỉnh của trí thức thiên tả Pháp. Trước đó, từ 1975 tới 1979, Khmer Đỏ thảnh thơi tàn sát ở Cambodge, không ai phản ứng gì. Người ta bịt tai, bịt mắt, bịt miệng để khỏi nghe, khỏi thấy, khỏi nói tới những sự thực phũ phàng.
Người ta không quên câu nói nổi tiếng của Sartre, khi giải thích tại sao ông ta không đề cập đến Goulag và những chà đạp nhân quyền ở Nga Xô Viết: Il ne faut pas désespérer Billancourt (Không nên làm Billancourt tuyệt vọng). Boulogne Billancourt là một ngoại ô của Paris, nơi có trụ sở của hãng Renault, tượng trưng cho thợ thuyền Pháp. Không đả động gì tới những tệ hại ở Nga để khỏi làm tuyệt vọng giới thợ thuyền, đang mơ thiên đường XHCN như ông già trong thơ Tố Hữu, ngồi đan rổ mơ nước Nga.
Raymond Aron, tác giả cuốn L’Opium Des Intélectuels (Thuốc phiện của trí thức) viết: những trí thức thiên tả là những nhà cách mạng phòng khách, căm ghét xã hội đang sống, một xã hội cho họ một đời sống sung túc và đủ mọi quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận.
Sau làn sóng boat people, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, phong trào thiên tả đi xuống, đảng cộng sản Pháp trước đó là một trong hai chính đảng lớn nhất, làm mưa làm gió ở Pháp, ngày nay trở thành một đảng bỏ túi, với trên 1% phiếu bầu.
Paris, Septembre 2017
T.T.

Tác giả gửi BVN

Hỏi và Đáp: Vụ Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam

Quỳnh Vi
6-9-2017


Vụ kiện thế kỷ. Ảnh: internet.

Tại sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại kiện được chính phủ Việt Nam và có thể đòi được một khoản tiền lớn? Liệu người Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Bình hay không? Bao giờ thì có kết quả vụ kiện?
Trong những tuần vừa qua, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình – một công dân Vương quốc Hà Lan gốc Việt Nam – đã nộp đơn kiện tại một tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) – yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường 1,25 tỷ đô la đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Đây là một vụ kiện xuất phát từ các điều khoản của hiệp định bảo hộ đầu tư song phương được ký kết giữa hai quốc gia Việt Nam – Hà Lan. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã sử dụng thủ tục của tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp giữa ông và chính phủ Việt Nam, kéo dài từ năm 2003 đến nay và hiện vẫn chưa kết thúc. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Bối cảnh của hồ sơ vụ án trước năm 2003 như thế nào?
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một công dân Hà Lan, nhưng sinh tại Sóc Trăng, Việt Nam năm 1947. Trong những năm đầu thập niên 1990, ông Bình từ nước ngoài về Việt Nam đầu tư vào một số dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có nhà máy sản xuất thực phẩm, công ty may mặc, và các dự án du lịch.
Theo ấn bản điện tử tiếng Anh của báo Tuổi Trẻ, thì đến thời điểm năm 1992, ông Bình đã sở hữu hơn 2,5 triệu mét vuông đất và hơn 10 căn nhà tại phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 10/3/1994, chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan ký kết một hiệp định về bảo hộ đầu tư (investments protection treaty) có tên gọi là Hiệp định song phương khuyến khích, tương trợ, và bảo hộ tài sản đầu tư của công dân hai nước (Agreement on Encouragement and Reciprocal Protection of Investments between the Kingdom of the Netherlands – investment treaty).
Ngày 1/2/1995, hiệp định này chính thức có hiệu lực.
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt giam tại Việt Nam với hai tội danh, đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Từ ngày 7/12/1996 đến ngày 11/12/1996, ông Bình cùng năm người khác bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Viện Kiểm sát đề nghị mức án năm năm tù giam cho tội vi phạm quản lý đất đai và tám năm tù giam cho tội đưa hối lộ.
Ông Bình được tại ngoại hầu tra vào ngày 25/6/1998.
Ngày 4/5/1999, tòa phúc thẩm giảm mức án của ông Bình xuống còn tổng cộng 11 năm cho cả hai tội danh. Tuy nhiên, ông Bình đã đào thoát khỏi Việt Nam và trở về Hà Lan trước khi bản án có hiệu lực.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, chính phủ Việt Nam – tại một khoảng thời điểm không được rõ sau đó – đã xóa bỏ bản án và ân xá (pardon) cho ông Bình.
Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại có thể khởi kiện chính phủ Việt Nam năm 2003?
Năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình đã thuê hãng luật Covington Burling tiến hành thủ tục kiện chính phủ Việt Nam dựa theo luật thương mại quốc tế. Trong đơn kiện, ông Bình yêu cầuchính phủ Việt Nam bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ cho những thiệt hại mà ông đã phải gánh chịu.
Ông Bình cáo buộc chính phủ Việt Nam đã bắt giam và tịch thu tài sản ông đầu tư tại Việt Nam một cách trái phép. Vì vậy, ông cho rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư mà họ ký kết với Hà Lan năm 1994.
Dựa theo Điều 9, khoản 2 của Hiệp định, trong trường hợp công dân của một trong hai nước xảy ra tranh chấp với chính phủ nước kia liên quan đến tài sản mà họ mang đi đầu tư ở đấy, thì những công dân này có thể nộp đơn và yêu cầu một tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết.
Ngoài ra, cũng theo điều khoản nêu trên, Việt Nam và Hà Lan còn đồng ý rằng, tất cả tranh chấp giữa một trong hai chính phủ đối với tài sản đầu tư của công dân nước kia, đều sẽ được giải quyết bằng Luật Trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc (United Nations Commission on International Trade Law – UNCITRAL Arbitration Rules) – tên gọi thông thường là Luật Trọng tài UNCITRAL.
Có phải ai cũng có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Trịnh Vĩnh Bình không?
Không.
Vì ông Bình kiện theo hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hà Lan nên chỉ có hai đối tượng sau mới có thể khởi kiện:
  • công dân Hà Lan có tài sản đầu tư ở Việt Nam (chính là ông Bình), và
  • công dân Việt Nam có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng ông Bình là người Việt Nam. Ông ấy sinh ra ở Việt Nam, mang tên Việt Nam nhưng mang quốc tịch Hà Lan. Điều đó có nghĩa là nếu thay ông Bình bằng một ông da trắng tóc vàng người Hà Lan thì bản chất vụ việc cũng không có gì thay đổi.
Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam theo Hiệp định này cũng như theo những hiệp định tương tự mà Việt Nam ký với các nước khác.
Cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này? 
Khi ông Trịnh Vĩnh Bình sử dụng Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Việt Nam – Hà Lan làm cơ sở pháp lý cho vụ kiện của mình, thì hai bên đều bắt buộc phải chấp nhận quyền tài phán của Luật Trọng tài UNCITRAL.
Điều này có nghĩa là, thủ tục để khởi kiện dựa theo điều khoản của hiệp định này phải sử dụng thủ tục tố tụng của Luật Trọng tài UNCITRAL, chứ không bên nào có thể nộp đơn ở một tòa án dân sự của một quốc gia để khởi kiện. (Xem Điều 9 của Hiệp định song phương). Đồng thời, cũng không có bên nào được phép từ chối tham gia vào vụ việc nếu không đưa ra được cơ sở pháp lý cho hành vi đó.
Năm 2003, thông qua các luật sư của mình, ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn tại Viện Trọng tài Phòng Thương mại Stockholm (Arbitration Institute of Stockholm Chamber of Commerce), Thụy Điển, yêu cầu cơ quan này thụ lý hồ sơ và giải quyết tranh chấp về tài sản đầu tư giữa ông và chính phủ Việt Nam, cũng như đòi bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ.
Viện Trọng tài Stockholm là một trong số những tổ chức tư nhân có tư cách sáng lập hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) và tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) để giải quyết các tranh chấp dựa trên Luật Trọng tài UNCITRAL.
Một tòa trọng tài khác có các hoạt động trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế mà chúng ta hay nghe đến là Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở Hague, Hà Lan.
Trước và sau khi nguyên đơn tiến hành thủ tục sử dụng tòa trọng tài, các bên của một vụ kiện đều có thể thương thảo với nhau và chọn một tòa trọng tài theo ý để thụ lý hồ sơ.
Thủ tục tiến hành vụ kiện ra sao?
Thủ tục của tòa trọng tài (arbitration court) có thể đơn giản và ngắn gọn hơn các thủ tục tố tụng dân sự (civil court) đôi chút. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn pháp lý về tố tụng, chứng cứ, v.v. đều rất tương đồng với các thủ tục ở tòa án dân sự.
Các trọng tài viên (arbitrator) là những “quan tòa tư nhân” được hai bên đồng ý ký hợp đồng làm việc và trả phí. Đa số trọng tài viên đều có học vấn và kinh nghiệm rất phong phú, đặc biệt là về chuyên môn trong các lĩnh vực, ví dụ như luật thương mại và đầu tư quốc tế, nên chi phí cho họ thông thường cũng rất cao.
Ba trọng tài viên C. Mark BakerBrigitte SternKaj Hobér là những người đã được chọn để xét xử vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình tại Viện Trọng tài Stockholm.
Kết quả của vụ kiện năm 2003 ra sao?
Năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án (settlement agreement), trước khi các trọng tài viên chuẩn bị mang vụ kiện ra xét xử (Thỏa thuận 2006).
Đại diện cho ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm này là hãng luật King & Spalding, còn hãng Gide Loyrette Nouel đại diện cho chính phủ Việt Nam.
Ngày 14/3/2007, vụ tranh chấp về tài sản đầu tư ở Việt Nam giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam chính thức chấm dứt khi Thỏa thuận 2006 được Viện Trọng tài Stockholm phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực thi hành. Ông Bình cũng đồng ý đóng lại vụ kiện chính phủ Việt Nam dựa trên Luật trọng tài UNCITRAL.
Chi tiết về những điều khoản liên quan đến các thỏa thuận giữa ông Bình và chính phủ Việt Nam được hai bên đồng ý bảo mật (confidential settlement). Thế nên, có rất ít thông tin chính thức về những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận – ví dụ như thông tin về mức bồi thường (nếu có), thời gian thi hành các điều khoản, v.v. cho đến khi ông Trịnh Vĩnh Bình một lần nữa đưa chính phủ Việt Nam ra tòa vào năm 2017.
Đâu là cơ sở pháp lý để Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam năm 2017?
Vào cuối tháng 8/2017, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện chính phủ Việt Nam ở một tòa trọng tài quốc tế khác được nhanh chóng lan tỏa trong và ngoài nước.
Theo đó, ông Bình đã nộp đơn tại Tòa Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce – International Arbitration Court) có trụ sở tại Paris, Pháp, và cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, cũng như yêu cầu được bồi thường 1,25 tỷ đô-la Mỹ.
Năm 2003, ông Bình đã dựa vào điều khoản của Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư để kiện chính phủ Việt Nam. Nhưng đối với vụ việc năm 2017, ông đã dùng chính Thỏa thuận 2006 làm cơ sở pháp lý cho đơn kiện của mình.
Ở đây, ông Trịnh Vĩnh Bình đã cáo buộc phía chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận 2006 mà không thi hành toàn bộ nghĩa vụ chiếu theo đó, nên bắt buộc ông phải nộp đơn kiện.
Cũng như bất kỳ một bản hợp đồng dân sự nào, hai phía của Thỏa thuận 2006 đã tình nguyện ký kết và đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, khi một bên cho rằng phía bên kia đã vi phạm hợp đồng thì họ có thể khởi kiện để đòi bồi thường hoặc yêu cầu tòa án ra lệnh thực thi hợp đồng.
Tại sao ở vụ kiện thứ hai này một toà trọng tài ở Paris lại có thẩm quyền giải quyết?
Vì các luật sư của ông Bình trong vụ kiện năm 2017 đã mở hồ sơ tại Tòa Trọng tài ICC, nên chúng ta có thể dùng điều luật của chính tổ chức tài phán này để suy luận về thẩm quyền thụ lý hồ sơ của toà.
Theo luật của Tòa Trọng tài ICC thì hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) của họ chỉ giải quyết những tranh chấp nào mà các bên liên quan đã thiết lập điều khoản về việc sử dụng Tòa ICC làm tòa trọng tài (arbitration court) và đưa vào hợp đồng hoặc thỏa thuận của họ từ trước đó. Thông tin này thường nằm trong điều khoản đồng ý sử dụng tòa trọng tài làm phương pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp – arbitration clause – của nhiều hợp đồng, thỏa thuận dân sự.
Nếu bản hợp đồng hoặc thỏa thuận trước đó của hai bên không có điều khoản này, thì cả hai đều phải đồng ý (consent) với việc sử dụng Tòa Trọng tài ICC khi tranh chấp xảy ra.
Do Tòa Trọng tài ICC đã thụ lý hồ sơ của ông Trịnh Vĩnh Bình và mở phiên tòa xét xử vào ngày 21/8/2017, chúng ta có thể nhận định rằng hoặc Thỏa thuận 2006 có ghi rõ điều khoản đồng ý sử dụng Tòa ICC để giải quyết tranh chấp, hoặc chính phủ Việt Nam đã đồng ý dùng tổ chức tài phán này sau khi đơn kiện được nộp.
Tuy nhiên, khả năng Thoả thuận 2006 có ghi rõ điều khoản này là cao hơn, vì lý do án phí.
Án phí của Tòa ICC là khá cao (gần 700 nghìn đô-la nếu chỉ sử dụng một trọng tài viên và 1,78 triệu đô-la nếu sử dụng hội đồng trọng tài với ba thẩm phán cho một hồ sơ yêu cầu 1,25 tỷ đô-la tiền bồi thường như của ông Bình), và cả hai phe đều phải tự ứng ra trước một nửa.
Án phí của Tòa trọng tài ICC tỉ lệ thuận với số tiền bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu. Yêu cầu càng nhiều tiền bồi thường, án phí sẽ càng cao.
Thế nên, có lẽ lập luận thiên về phía Thỏa thuận 2006 đã có sẵn điều khoản này có phần nhỉnh hơn, vì khó mà thuyết phục một bên đồng ý trả một số tiền án phí lớn như vậy sau khi đơn kiện đã được nộp, trong khi họ có thể thương thảo để sử dụng một tòa trọng tài khác.
Khi nào Toà ICC Paris mới ra phán quyết?
Sau một tuần tổ chức xét xử, hội đồng trọng tài của Tòa ICC đã kết thúc phần nghe thẩm vào cuối tháng 8/2017. Nếu không xảy ra tình huống đặc biệt – ví dụ như hội đồng này yêu cầu thêm thời gian xử lý – thì trong vòng tối đa sáu tháng, một phán quyết sẽ được công bố.
Chúng ta có thể dự đoán được kết quả vụ việc hay không?
Cho đến lúc này, chính phủ Việt Nam toàn thắng trong tất cả các vụ kiện theo Luật Trọng tài UNCITRAL.
Theo thống kê của Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD), từ năm 2003-2013, ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình thì còn có ba hồ sơ khác đã khởi kiện chính phủ Việt Nam dựa theo Luật Trọng tài UNCITRAL.
Chính phủ Việt Nam là bên thắng cuộc của cả ba vụ kiện này, RECOFI v. Viet Nam năm 2013, Dialasie v. Viet Nam năm 2011, và McKenzie v. Viet Nam năm 2010.
Một phán quyết của tòa trọng tài (arbitral award) như Tòa ICC sẽ có giá trị chung thẩm, và có thể được thi hành tại 157 quốc gia đã ký kết và thông qua Công ước New York về thực thi phán quyết trọng tài nước ngoài (The Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards – New York Arbitration Convention).
Trừ một số trường hợp đặc biệt có mâu thuẫn với luật pháp của nước được yêu cầu thi hành phán quyết, đại bộ phận các nước tham gia Công ước New York sẽ tiến hành thủ tục thi hành bản án.
Điều duy nhất bên thua cuộc có thể làm – nếu không đồng ý với phán quyết – là nộp đơn lên một tòa án quốc gia để yêu cầu bác bỏ phán quyết trọng tài (set aside arbitral award). Đó cũng là những gì mà nguyên đơn RECOFI đã làm trong tranh chấp với chính phủ Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, một tòa án Thụy Sĩ đã bác đơn yêu cầu của RECOFI và giữ nguyên phán quyết trọng tài.
Trở lại hồ sơ của vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình năm 2017. Vì lý do bảo mật, công chúng hầu như không có bất kỳ thông tin gì về các đơn kiện, đơn phúc đáp hay về diễn biến của phiên xử cuối tháng 8/2017 tại Tòa Trọng tài ICC.
Vậy nên, sẽ rất khó để phán đoán ai thắng ai thua lúc này khi không đủ dữ liệu nghiên cứu để đưa ra kết luận. Ngay cả khi phán quyết được đưa ra, chúng ta rất có thể chỉ được biết bên nào là bên thắng cuộc mà không thể biết được số tiền bồi thường chính xác nếu có yêu cầu giữ kín thông tin đó.
Tuy nhiên, trong vụ án đang chờ phán quyết năm 2017, ông Trịnh Vĩnh Bình cáo buộc chính phủ Việt Nam vi phạm Thỏa thuận 2006 và không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà họ đã ký, gây ra tổn thất cho ông. Đây là một vụ án vi phạm hợp đồng, và vấn đề pháp lý liên quan có thể sẽ đơn giản hơn ba hồ sơ của các vụ việc về bảo hộ đầu tư nêu trên rất nhiều. Thế nên, tình hình có lẽ lạc quan hơn một chút đối với phe ông Trịnh Vĩnh Bình.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, án phí của vụ kiện này có thể lên đến 1,78 triệu Mỹ kim, và mỗi bên đều phải nộp trước một nửa để tòa thụ lý. Bên thua cuộc có thể sẽ phải chịu toàn bộ án phí cho bên thắng cuộc.
Một suy đoán hợp lý là, sẽ không có cá nhân nào bỏ ra một khoản án phí lớn như vậy (chưa kể chi phí cho luật sư), nếu không nghĩ rằng mình nắm hơn 50% khả năng thắng kiện. Cũng như, không ai lại đòi mức bồi thường cao như thế để phải trả một số tiền án phí tương xứng nếu họ không có cơ sở pháp lý vững chắc cho con số 1,25 tỷ đô-la.
Tuy nhiên, trước khi Toà Trọng tài ra phán quyết, hai bên vẫn có thể thoả thuận với nhau ngoài toà và yêu cầu toà công nhận thoả thuận đó. Ngoài ra, như mọi vụ kiện dân sự khác, ông Bình hoàn toàn có thể rút đơn tuỳ ý.
Tóm tắt:
. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã khởi kiện chính phủ Việt Nam tới hai lần: lần một năm 2003 để đòi bồi thường vì những thiệt hại mà ông chịu trong thời gian đầu tư ở Việt Nam, đến 2006 hai bên đã có thoả thuận bồi thường; lần hai năm 2017 ông kiện vì chính phủ Việt Nam không thực hiện đầy đủ thoả thuận bồi thường năm 2006.
. Cơ sở để ông Bình kiện là Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và Hà Lan.
. Ông Bình kiện được vì ông ấy là công dân Hà Lan đầu tư ở Việt Nam. Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam được, mà chỉ có thể khởi kiện chính phủ Hà Lan nếu có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
. Cơ quan giải quyết cả hai vụ kiện này là các toà trọng tài thương mại quốc tế ở Thuỵ Điển và Pháp.
. Toà Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trong vòng sáu tháng kể từ cuối tháng 8/2017, trừ khi có vấn đề khác phát sinh.
Tài liệu tham khảo: 
baotiengdan.com/2017/09/06/hoi-va-dap-vu-trinh.
Powered by Blogger.