Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Cảnh sát Manila dùng xe đâm người biểu tình bài Mỹ

Wednesday, October 19, 2016 // , ,
Cảnh sát Manila dùng xe đâm người biểu tình bài Mỹ
19-10-2016
Một xe thùng của cảnh sát đâm người biểu tình tại thủ đô Philippines trong lúc có cuộc phản đối có đụng độ xảy ra bên ngoài tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Video cho thấy cảnh người phản đối vây quanh một xe thùng của cảnh sát và đập xe bằng dùi cui mà họ lấy được từ cảnh sát. Xe này sau đó đã đâm vào đám đông nhiều lần và làm nhiều người bị thương.
Hàng trăm người đã tụ tập yêu cầu Hoa Kỳ ngưng sự hiện diện quân sự tại Philippines.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã đặt câu hỏi về mối quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ.
Cảnh sát đã bắt ít nhất 23 người ném sơn đỏ vào cảnh sát và vào một người thuộc lực lượng an ninh của Hoa Kỳ tại sứ quán Mỹ ở Manila.
Hơi cay đã được dùng để khống chế người biểu tình sau khi họ tràn qua điểm ngăn với cảnh sát chống bạo động. Người biểu tình cũng lấy được một vòi rồng dùng để phun vào họ và đã ném đá vào cảnh sát.
Không rõ có bao nhiêu người bị thương vì vụ xe cảnh sát đâm và mức độ thương tích nghiêm trọng thế nào.

Đa số người biểu tình là sinh viên và người lao động.Image copyrightEPA
Image captionĐa số người biểu tình là sinh viên và người lao động.
Hàng trăm người đã tụ tập yêu cầu Hoa Kỳ ngưng sự hiện diện quân sự tại Philippines.Image copyrightREUTERS
Image captionHàng trăm người đã tụ tập yêu cầu Hoa Kỳ ngưng sự hiện diện quân sự tại Philippines.

Một người phát ngôn của sứ quán Hoa Kỳ nói với BBC rằng họ có xem ‘tin đưa về thương tích’ nhưng không bình luận thêm và nói cảnh sát chịu trách nhiệm trả lời.
Tổng thống Duterte đang ở Bắc Kinh công du nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Quan hệ với Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm, rạn nứt trong vài tháng gần đây vì lời lẽ của ông Duterte nói về cuộc chiến chống ma túy.

Indonesia: Luật tiêm thuốc triệt dâm 'sẽ thanh toán nạn ấu dâm'

Đã xảy ra một loạt vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại IndonesiaImage copyrightAFP
Image captionĐã xảy ra một loạt vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại Indonesia
19 tháng 10 2016
Indonesia có thể "thanh toán" nạn ấu dâm nhờ chính sách tiêm thuốc triệt dâm đối với tội phạm, Tổng thống Joko Widodo nói với BBC.
Ông nói Indonesia tôn trọng nhân quyền, nhưng sẽ "không thỏa hiệp" khi phải trừng phạt loại tội phạm tình dục này.
Indonesia thông qua luật gây tranh cãi hồi đầu tháng này cho phép tiêm thuốc triệt dâm với tội phạm ấu dâm.
Luật mới gây tranh cãi gay gắt trong Quốc hội.
Hiệp hội bác sĩ Indonesia khuyến cáo hội viên không tham gia hoạt động này vì vi phạm y đức.
Tiêm thuốc triệt dâm làm giảm dục tính chứ không có tác dụng triệt sản hay cắt bỏ bộ phận sinh dục.
Tổng thống Widodo nói "hiến pháp của chúng tôi tôn trọng nhân quyền, nhưng đối với tội tình dục thì không thỏa hiệp."
Ông nói thêm: "Theo quan điểm của tôi, việc tiêm triệt dâm, nếu được thực thi nhất quán, sẽ làm giảm tội phạm tình dục và thanh toán vấn nạn này theo thời gian."
Cuộc phỏng vấn với phóng viên Yalda Hakim của BBC, Tổng thống Widodo - cũng được biết đến với tên gọi Jokowi - cũng đề cập tới các chủ đề bao gồm Biển Đông,
Bình luận về chủ đề Biển Đông, ông Widodo bảo vệ lập trường Indonesia tăng cường hiện diện quân sự quanh quần đảo Natuna.
Ông nói quân đội Indonesia đóng vai trò ngăn chặn đánh bắt cá lậu.
"Đây là tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, đây là tài sản của Indonesia. Từ nay các tàu đánh bắt lậu không thể giỡn được với chúng ta," ông nói.
"Điểm thứ hai là Natuna là lãnh thổ của chúng ta. Natuna thuộc về Indonesia. DO đó nếu chúng ta có hoạt động quân sự, tập trận, thì đó là quyền của chúng ta. Xét về chủ quyền thì tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp."
Cuộc phỏng vấn cũng đề cập tới tham nhũng và lập trường của chính phủ đối với đồng tính.
Vào đầu tháng này, một quảng cáo việc làm cho chức vụ đại sứ của giới thanh niên nói thành viên cộng đồng LGBT không cần phải nộp đơn - BBC

Điểm Báo Pháp – 19-10-2016

Điểm Báo Pháp – 19-10-2016

Ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump, trong cuộc vận động tại Grand Junction, bang Colorado, ngày 18/10/2016. REUTERS/Jonathan Ernst

Thu Hằng

Donald Trump, anh hề độc tài!

Donald Trump là một diễn viên ảo thuật đường phố thô thiển và phân biệt chủng tộc. Đây là hình ảnh về ứng viên đảng Cộng Hòa trong con mắt nhà văn Mỹ Jerome Charyn, tác giả cuốn I Am Abraham (Tôi là Abraham, NXB Hardcover, 2014) và được nhật báo Le Monde đăng trong mục “Tranh luận & Phân tích” ngày 19/10/2016.
Theo nhà văn Mỹ, tỉ phú bất động sản đã biến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ thành lễ hội hóa trang, trong đó những người ủng hộ ông, “da trắng thuộc tầng lớp trung lưu”, đang tái diễn cuộc chiến giai cấp trên toàn nước Mỹ, như thời Nội Chiến cách đây hơn 150 năm.
Trừ một số trường hợp đặc biệt do tài năng hay khát vọng chiến thắng, như vị tổng thống da mầu đầu tiên và một số người da đen nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao hay âm nhạc, cộng động người Mỹ gốc Phi đa số vẫn thuộc thành phần nghèo, thiếu giáo dục và sống trong những “khu biệt cư” của họ. Người Mỹ trung lưu da trắng giữ khoảng cách với cộng đồng này nhờ những biểu hiện ngày càng tinh xảo hơn của cuộc chiến giai cấp trong thế kỷ XXI.
Chính trong bối cảnh này xuất hiện một Donald Trump, lường gạt, phân biệt chủng tộc, nói dối “toàn tập”, ghét phụ nữ và là tỉ phú đang phá sản. Ông làm hài lòng một bộ phận cử tri da trắng : những người có cùng quan điểm coi thường phụ nữ, coi họ là những món đồ chơi tình dục, những người cho rằng xã hội sẽ tốt hơn nếu người Mỹ gốc Phi, kể cả gia đình Obama, bỗng biến mất. Biện pháp gần đầy nhất của nhà tỉ phú bất động sản là cấm người da đen vào các tòa nhà do ông sở hữu.
Tờ New York Times từng đánh giá Donald Trump là người “không đủ năng lực”. Thế nhưng, trong vòng sơ loại, không một ứng viên nào của đảng Cộng Hòa có đủ sức để cản đường tiến của đối thủ có ánh mắt ang ác và thường cười nhếch mép. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông kích động bạo lực và ẩu đả. Ông sinh ở quận Queens, New York, nhưng nhà văn Mỹ lại tưởng như ông Donald Trump là một nhân vật miền Tây hoang dã, từ lời nói như tiếng súng đến việc ông sẵn sàng đấm vào mặt một người phản đối trong các cuộc mít-tinh hay cho rằng nên phạt đứa bé bỗng nhiên bật khóc trong một buổi vận động. Ông tuôn hàng loạt lời dối trá, thay đổi diễn văn tùy theo hoàn cảnh
Mọi việc diễn ra suôn sẻ, như có chiếc đũa thần, đối với ứng viên Cộng Hòa cho đến buổi tranh luận tay đôi đầu tiên với đối thủ đảng Dân Chủ Hillary Clinton. Không được phép dùng những lời lẽ “ma thuật” trước đó để tự vệ, nên ông cựa quậy, cau có, hút miếng nước và bàn tay run run. Rồi ông trở nên quàu quạu, trách người dẫn chương trình, rồi quay sang trách đối thủ Dân Chủ đến mức bà Clinton phải thốt lên : “Tôi có cảm giác là đến cuối buổi, tôi sẽ bị buộc là thủ phạm của tất cả những việc chưa từng xảy ra”.
Ông Trump tố cáo bà Clinton là “kẻ nói dối” và biệt danh này vẫn đeo đẳng bà cho đến giờ. Những bài diễn văn của ông được hình thành từ luận điểm của những người ghét phụ nữ – những người sẽ không bao giờ bầu cho bất kỳ một phụ nữ nào vào vị trí tổng thống. Đây chính là một trong những yếu tố mà người ta không đánh giá hay giải thích được trong kết quả các cuộc thăm dò.
Dù đa số những người đàn ông da trắng trên 40 tuổi không phải là người phân biệt giới tính. Tuy nhiên vẫn còn những trường hợp hãn hữu và họ hài lòng ẩn trong thế giới khiêu khích của Trump, với những luận điệu quá khích về những phụ nữ ngực lép, người Mỹ gốc Phi luôn gây rối, người Mỹ la tinh là kẻ cắp, người theo đạo Hồi chuyên đánh bom, trong khi tổng thống Obama chỉ thích thu mình trong phòng Bầu Dục và đi chơi golf.
Bầu cử tổng thống Mỹ: Thời khắc quyết định
Tối 19/10/2016, hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump sẽ có cuộc tranh luận lần thứ ba, cũng là buổi cuối cùng, tập trung vào vấn đề ngân sách. Sau loạt tai tiếng về những lời bình luận hạ thấp phụ nữ, ứng viên đảng Cộng Hòa mất tỉ lệ ủng hộ một cách rõ rệt, từ nữ giới đến cộng đồng Thiên Chúa giáo.
Trang nhất và mục hồ sơ của nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh đến việc “Cử tri Thiên Chúa giáo nghiêng về bà Clinton” dù vẫn dè chừng chương trình của ứng viên Dân Chủ. Đây là điều dễ hiểu sau những vụ tai tiếng hạ thấp phụ nữ và hàng loạt vụ tố cáo ông Trump quấy rối tình dục phụ nữ. Thế nhưng, tương lai chính trị Hoa Kỳ có vẻ bi đát trong con mắt của một cử tri, được La Croix trích dẫn : “Hillary Clinton không trung thực, còn Donald Trump không đủ tư cách về mặt đạo đức để điều hành đất nước. Tôi mất hẳn niềm tin vào hệ thống chính trị”.
Le Figaro nhận định buổi tranh luận tối nay là “Cơ hội cuối cùng cho Donald Trump”. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến “Khoảng cách lớn trong các dự án thuế khoá” của hai ứng viên. Tờ báo cũng cho rằng “Trump dường như không thể rút ngắn được sự cách biệt với bà Clinton”.
Mosul: Tổng tấn công chiếm lại cứ địa của Daech
Cuộc phản công chiếm lại Mosul, thành phố lớn thứ hai của Irak, do một liên quân hỗn hợp cùng nhau thực hiện, tiếp tục là chủ đề được quan tâm trên các nhật báo Pháp. Theo bài xã luận của Le Monde, cuộc chiến này có thể đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan.
Vẫn theo bài viết, dù mỗi một lực lượng tham gia liên quân hỗn hợp trên đều theo đuổi mục tiêu riêng, nhưng đã cùng phối hợp để tấn công vào thành phố lớn thứ hai của Irak : quân đội, cảnh sát và hiến binh Irak được lực lượng đặc biệt Mỹ điều phối, đã tấn công từ phía nam. Họ cũng được hỗ trợ ở tuyến sau nhờ lực lượng dân quân Irak theo hệ phái Shia do Iran hậu thuẫn.
Tấn công từ phía đông là lực lượng người Kurdistan Irak đồng hành cùng với dân quân Ả Rập địa phương theo hệ phái Suni, cả hai đều được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Đặc phái viên của Libération có mặt tại chiến tuyến thì nhận định, “Tại phía đông thành phố Mosul, lực lượng peshmerga (dân quân Kurdistan Irak) đã hoàn thành nhiệm vụ”, với sự yểm trợ của chiến đấu cơ của liên quân quốc tế, do Hoa Kỳ dẫn đầu, và được huy động theo yêu cầu của chính quyền Bagdad.
La Croix thì quan tâm đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến để bảo vệ lợi ích với dòng tựa : “Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ vị trí tại Mosul”. Thực vậy, Ankara có một doanh trại được thành lập từ cuối năm 2015 tại Bachika, đông bắc Mosul, với mục đích, theo Thổ Nhĩ Kỳ, là huấn luyện lực lượng dân quân theo hệ phái Suni để chiếm lại căn cứ của Daech tại Irak.
Trên trang nhất của Le Monde là hình ảnh “Golden Division”, lực lượng đặc biệt của Irak, tập trung tại Tal Aswad, cách Mosul chừng 12 km. Thành phố có khoảng 3.000 đến 5.000 quân thánh chiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang cố thủ cùng với hơn 1,5 triệu dân bị kẹt tại đây. Thế nhưng, theo thông tin của Le Figaro, “Lực lượng Irak đụng phải những kẻ đánh bom tự sát của Daech” để đối phó với lực lượng hùng hậu của liên quân quốc tế.
Trước “một cuộc chiến khó khăn”, theo dự đoán của tổng thống Mỹ Barack Obama, Les Echos cho biết “Pháp muốn chuẩn bị thời hậu chiến tại Mosul”. Một cuộc họp bộ trưởng sẽ diễn ra ngày mại tại Paris với ba ưu tiên chính : bảo vệ thường dân tại Mosul và các làng lân cận, hỗ trợ nhân đạo và ổn định thành phố và các vùng được giải phóng khỏi tay Daech.
Lượng khách du lịch giảm tại Paris và Côte d’Azur đe dọa việc làm
Ngành du lịch Pháp là chủ đề trên trang nhất và chuyên trang “Kinh tế” của Le Monde với nhận định : “Lượng khách du lịch giảm tại Paris và Côte d’Azur đang đe dọa việc làm”.
Chiếm đến 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp, ngành du lịch đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có, khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng từ tháng Tám vừa qua. Chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc hội thảo thường niên của ngành du lịch, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này yêu cầu chính phủ tăng thêm khoản hỗ trợ, trước đó đã được hứa 10 triệu euro.
Tỉ lệ các phòng khách sạn được đặt tại Paris đã giảm thêm 9,3 điểm, có nghĩa là trong vòng 8 tháng đầu năm, chỉ có 70% số phòng là có người đặt. Tình hình tại các khách sạn hạng sang còn thê thảm hơn, giảm 35%. Một số khách sạn đã tính đến giải pháp “tình nguyện nghỉ việc”.
Hai khu vực quan trọng, Paris và vùng Côte d’Azur, bị tác động mạnh mẽ nhất, trước khi xảy ra khủng bố. Tuy nhiên, ông chủ của khách sạn nổi tiếng George-V lạc quan cho rằng “năm 2017 có thể sẽ khả quan hơn” với hy vọng không xảy ra khủng bố.
Hiện tượng trầm cảm ở trẻ em Pháp
Trên lĩnh vực xã hội, nhật báo công giáo La Croix đề cập đến hiện tượng trầm cảm ở trẻ em, thường không được đánh giá đúng mức và không được đề cập.
Tại Pháp, năm 2010, khoảng 2,1 đến 3,4% trẻ em dưới 12 tuổi bị trầm cảm. Đối với các bậc phụ huynh, rất khó nhận ra được con mình bị trầm cảm hay chỉ bị chán chường trong thời gian ngắn. Theo bác sĩ tâm lý nhi đồng, Patrice Huerre, những biểu hiện có thể giúp nhận ra được là “các em thường trở nên tăng động vì khó miêu tả thành lời những gì cảm thấy”, hay có các triệu chứng như đau bụng, đau đầu lặp lại nhiều lần, chán ăn, gầy đi hoặc béo lên, khó ngủ hay tỏ thái độ tức giận.
Theo lời khuyên của bài báo, các bậc phụ huynh nên đưa con đến các bác sĩ chuyên khoa. Khi người lớn bị trầm cảm, họ được nghỉ làm, nhưng các em nhỏ, vì không được phát hiện, nên vẫn phải đi học. Chính vì thế, nhà trường cần đóng vai trò phòng ngừa và chú ý. Hiện tại Pháp, ngày càng có nhiều khóa đào tạo cho giáo viên để giúp họ nhanh chóng nhận ra được những dấu hiệu trầm cảm ở học sinh.
Trang nhất các nhật báo
Thời sự nước Pháp được đề cập trên trang nhất của Le Monde là ngành du lịch với số lượng khách sụt giảm, có nguy cơ dẫn đến tăng tỉ lệ thất nghiệp, hay cảnh sát biểu tình thể hiện bất bình trước tình trạng bạo lực mà họ là nạn nhân trên Le Figaro. Còn Les Echos thì lo ngại trước việc thêm năm nhà máy điện nguyên tử Pháp bị tạm ngừng hoạt động để kiểm tra lượng carbone của một số thành phần, sau khi phát hiện mức độ quá cao tại một số lò phản ứng đã ngừng hoạt động.
Thời sự quốc tế được chú ý là kỷ niệm một năm thủ tướng Trudeau lên điều hành chính phủ Canada và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người dân trên nhật báo Libération. Riêng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được đề cập trên hầu hết các mặt báo. – RFI

TIN ĐỌC NHANH

(AFP) - Siêu bão vào Philippines. Hàng triệu người Philippines hôm nay, 19/10/2016, lại chuẩn bị phải đối mặt với một trong cơ bão lớn nhất lịch sử. Cơn bão Haima sẽ đổ vào mạn bắc quần đảo trong khuya nay với sức gió khoảng 225 km/h, có lúc tới 315km/h. Bão có bán kính 400 km sẽ quét qua một vùng rộng lớn với số dân lên tới 10 triệu người.
(Theo AFP) -  Tăng trưởng TC ổn định. Theo số liệu công bố ngày 19/10/2016, tăng trưởng TC đạt 6,7% tính theo cả năm, trong quý 3, tương đương với hai quý đầu năm. Mức tăng trưởng được ổn định là nhờ vào thị trường địa ốc tốt lên và lãi suất tín dụng thấp được tung ra để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên giới quan sát vẫn thận trọng, cho rằng tăng trưởng quý tư sẽ không tốt như vậy.
(AFP) – Thêm hai bộ trưởng Nhật viếng đền Yasukuni. Sau hơn 80 nghị sĩ hôm qua, đến lượt hai bộ trưởng trong chính phủ đương nhiệm của Nhật Bản đến viếng đền tử sĩ Yasukuni, hôm nay, bất chấp phản ứng giận dữ của Bắc Kinh và Seoul, coi ngôi đền là là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
(AFP) - Cảnh sát châu Âu đồng loạt tấn công tội phạm. Theo thông báo hôm nay của Europol, 52 nước châu Âu đồng loạt mở chiến dịch truy quét tội phạm mang tên « Ciconia Alba do Europol ». Cảnh sát bắt giữ 300 người thuộc nhiều băng đảng tội phạm có tổ chức, thu giữ 2,4 tấn cocain. Trên 500 nạn nhân của các vụ buôn bán người được tìm thấy trong các nhà chứa và phòng massage.
(RFI) -  Cảnh sát biểu tình tại Paris. Đêm thứ Hai, rạng sáng hôm qua thứ Ba 18/10/2016, cảnh sát Pháp bất ngờ biểu lộ thái độ bất bình. Hàng chục xe cảnh sát chạy trên đại lộ Champs Elysées, Paris, vòng quanh Khải Hoàn Môn, cản trở lưu thông của các loại xe khác. Phản ứng bực tức này xuất phát từ vụ việc cách đây 10 hôm, khi cảnh sát bị một nhóm người bịt mặt tấn công ở Viry-Châtillon, ngoại ô Paris: hai xe cảnh sát bị đốt cháy, 4 người bị thương.
(Theo AFP) – Phi hành gia TC vào được phòng thí nghiệm không gian. Hôm nay 19/10/2016, hai phi hành gia TC đã vào được bên trong phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung (Tiangong) – 2, sau khi phi thuyền Thần Chân (Shenzhou) – 11 kết nối vào phòng thí nghiệm này, ở độ cao 393 km cách mặt đất. Họ sẽ sống và làm việc tại đây trong suốt 30 ngày, thời gian trên không gian dài nhất đối với các phi hành gia TC.

Tin khắp nơi – 19-10-2016

Tin khắp nơi – 19-10-2016
Sơ đồ hạ cánh của tàu đổ bộ Schiaparelli xuống sao Hỏa.Ảnh : European Space Agency
Châu Âu chinh phục sao Hỏa

Trọng Thành

Sao Hỏa, hành tinh gần Trái đất nhất trong hệ Mặt trời, ám ảnh nhân loại từ hàng nghìn năm nay. Kể từ khi công nghệ không gian phát triển trong những năm 1960, đã có khoảng 40 cuộc thám hiểm, nhưng đa số thất bại. Tiếp theo cuộc đổ bộ lịch sử năm 2012 của Hoa Kỳ, đến lượt sứ mạng ExoMars của châu Âu đưa phi thuyền lên hành tinh Đỏ, tìm kiếm các điều kiện cho sự sống. Cuộc hạ cánh của tàu đổ bộ Schiaparelli hôm nay, 19/10/2016, vào khoảng 14g42 giờ quốc tế, tức 16g42 giờ Paris, rất được trông đợi.
Được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Proton của Nga tại sân bay vũ trụ Baikonour (Kazakhstan) hồi tháng 3/2016, vượt gần 500 triệu cây số trong vòng bảy tháng, phi thuyền TGO (Trace Gas orbiter), do châu Âu và Nga phối hợp sản xuất, đã đến khu vực ngoại vi sao Hỏa hôm chủ nhật, 16/10. Tàu đổ bộ Schiaparelli tách khỏi phi thuyền mẹ hướng về bề mặt sao Hỏa.
Đưa được Schiaparelli, với trọng lượng 577 kg hạ cánh an toàn, là một thách thức rất lớn về kỹ thuật. Cho đến nay, chỉ có người Mỹ đã thành công. Cách nay 13 năm, phi thuyền châu Âu Mars Express đã từng thả một tàu đổ bộ xuống sao Hỏa nhưng sau đó bị mất tín hiệu.
Tàu đổ bộ đổ phải vượt thêm một triệu km trong vòng ba ngày. Riêng thời gian xuyên qua bầu khí quyển của sao Hỏa chỉ kéo dài khoảng 6 phút, nhưng đó là 6 phút vô cùng gian nan.
Cách bề mặt sao Hỏa khoảng 120 km, con tàu rớt với tốc độ khoảng 21.000 km/giờ. Tàu sẽ giảm tốc trước hết nhờ một hệ thống lá chắn nhiệt (Thermal Protection system), sau đó một dù lớn sẽ mở ra và cuối cùng là 9 tên lửa đẩy lùi giúp tàu giảm tốc xuống mức gần như bằng không.
Cuộc đổ bộ rất khó khăn
Đến sát mặt đất, vận tốc của tàu gần như bằng không, và tàu sẽ rơi tự do ở độ cao từ một đến hai mét. Theo một chuyên gia của tập đoàn Pháp-Ý Thales Alenia Space phụ trách kỹ thuật cho cuộc chinh phục này, thì với lực hấp dẫn bằng khoảng 1/3 trên Trái đất, thì rơi từ một đến hai mét tương đương với khoảng 25 centimet trên Trái đất.
Theo nhà vũ trụ học François Forget, giám đốc nghiên cứu CNRS, Pháp, trong quá khứ, thất bại trong việc hạ cánh tàu đổ bộ là rất phổ biến, do việc toàn bộ quá trình được vận hành theo chuỗi, « một trục trặc duy nhất » là hỏng việc.
Cuộc hạ cánh được các trạm vô tuyến viễn vọng trên Trái đất theo sát. Về nguyên tắc, một vô tuyến viễn vọng của Ấn Độ sẽ là nơi đầu tiên nhận được tín hiệu, 10 phút sau khi tàu hạ cánh, tức thời gian tín hiệu truyền về Trái đất.
Tàu đổ bộ Schiaparelli sẽ hạ xuống vùng đồng bằng xích đạo của sao Hỏa, mang tên « Meridiani Planum ». Con tàu nhỏ này có trang bị một trạm đo thời tiết, để thu nhận các thông tin về áp suất, nhiệt độ, tốc độ gió cũng như trường điện từ xung quanh bề mặt sao Hỏa. Điều có thể khiến nhiều người thất vọng là tàu đổ bộ Schiaparelli sẽ chỉ hoạt động tối đa là 8 ngày, bởi con tàu chỉ được trang bị một bộ dự trữ điện dùng một lần.
Thực ra, châu Âu và Nga coi chuyến thám hiểm này là một bước đệm. Năm 2020, hai bên sẽ phối hợp đưa lên sao Hỏa một tàu tự hành lớn, nhờ các kinh nghiệm của Schiaparelli. Con tàu sẽ tiến hành nhiều hoạt động khoan thăm dò để tìm kiếm các dấu vết của vi khuẩn trên hành tinh Đỏ.
Schiaparelli chỉ là một phần trong sứ mạng của ExoMars, phi thuyền mẹ TGO sẽ ở lại trên quỹ đạo sao Hỏa trong một thời gian dài. Năm 2018, TGO sẽ bắt đầu hoạt động. Một trong những nhiệm vụ của phi thuyền là « đánh hơi » bầu khí quyển sao Hỏa để xác định các dấu vết của khí methan, yếu tố cho thấy sự hiện diện của một hình thức sự sống nhất định trên hành tinh Đỏ.
Cùng với đài vô tuyến viễn vọng Ấn Độ, như đã nói ở trên, phi thuyền Mars Express của châu Âu – quay xung quanh sao Hỏa từ 2003 – cũng theo sát cuộc hạ cánh lịch sử này. Theo các chuyên gia, vào ban đêm, phi thuyền mẹ TGO sẽ ghi nhận chính xác hơn các dữ liệu từ Schiaparelli.
Một mục tiêu lớn của các cuộc thám hiểm là nhằm chuẩn bị cho cuộc du hành của con người tới hành tinh Đỏ. Hồi tuần trước, tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Hoa Kỳ quyết tâm đưa người lên sao Hỏa trong những năm 2030, và đưa họ trở về nhà an toàn. Theo Obama, « bước tiến khổng lồ » này sẽ được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân.
Về kế hoạch này, chuyên gia Pháp François Forger, CNRS, giải thích với AFP là « từ nhiều thập niên nay, người ta thường xuyên nói trong hai mươi năm nữa sẽ đưa người lên sao Hỏa, với hy vọng NASA, cơ quan không gian Mỹ, sẽ được cấp nhiều tiền hơn ». Điều thay đổi rất lớn, theo nhà nghiên cứu Pháp, « là giờ đây người ta lập kế hoạch dựa trên những khả năng thực sự của NASA, trong sự phối hợp có thể có với các đối tác nước ngoài, với một ngân sách gần như ổn định ».
Kế hoạch du lịch sao Hỏa 2024 của Elon Musk
Khát vọng sớm chinh phục sao Hỏa đã có một người phất cờ mới. Đó là triệu phú Elon Musk, người sáng lập công ty SpaceX. Cuối tháng 9/2016, ông công bố dự án xây dựng « một thành phố » trên sao Hỏa. Ông tỏ ra « lạc quan » về khả năng tiến hành chuyến bay đầu tiên đưa người lên sao Hỏa vào năm 2024, hành trình dự kiến kéo dài một năm. Elon Musk cũng cho biết vé cho một chỗ đi sao Hỏa là 100.000 đô la. Một chuyến đi của phi thuyền sẽ chở được khoảng 100 hành khách.
Theo Elon Musk, với sự phát triển của các công nghệ mới cho phép phi thuyền trở lại Trái đất sao mỗi chuyến đi, giá thành của việc đi lại lên sao Hỏa sẽ hạ xuống rất nhanh. Mục tiêu của lãnh đạo công ty Space X là đưa hàng  triệu người Trái đất lên sinh sống trên sao Hỏa.
Trở lại với các hoạt động chinh phục sao Hỏa trong hiện tại. Hiện nay, có tổng cộng năm phi thuyền đang ở trên quỹ đạo sao Hảo. Ngoài phi thuyền châu Âu Mars Express, là 3 phi thuyền Mỹ Mars Odyssey hoạt động từ năm 2001, và hai phi thuyền đến sau này là Marc Reconnaissance Orbiter (MRO), từ năm 2006 và Maven, 2014.
Ấn Độ cũng có mặt trong nhóm các cường quốc sao Hỏa với phi thuyền Mars Orbiter Mission hoạt động từ năm 2013.
Sao Hỏa đang trở thành đích ngắm của các cường quốc không gian. Trung Quốc có kế hoạch đưa một phi thuyền tới sao Hỏa vào khoảng năm 2020. Ngay cả Các tiểu vương quốc Ả Rập cũng tuyên bố sẽ gửi một phi thuyền nhỏ đi sao Hỏa. – RFI

Tại Paris, lực lượng “Mũ Trắng” Syria báo động về thảm họa Aleppo

Mai Vân

media
Không ảnh thành phố Aleppo sau các trận oanh kích của không quân Nga và Syria.REUTERS/Abdalrhman Ismail
Đến Pháp từ hôm qua, 18/10/2016, để kêu cứu, lãnh đạo nhóm tình nguyện viên người Syria được mệnh danh là đạo quân « Mũ Trắng », đã xả thân cứu giúp các nạn nhân dân sự trong cuộc chiến Syria đã báo động về thảm kịch đang diễn ra tại Aleppo, cho rằng đề nghị hưu chiến tám tiếng đồng hồ của Nga quá ngắn nên không hiệu quả.
Phát biểu trong buổi họp báo hôm qua sau khi tiếp xúc với các dân biểu Pháp, ông Abdulrahman Almawwas, phó chủ tịch của tổ chức Mũ Trắng cho biết là từ ngày bắt đầu hoạt động, khi chiến sự bùng lên cách nay ba năm, đạo quân Mũ Trắng đã cứu sống được 70.000 người khắp Syria, nhưng với các cuộc xung đột đang diễn ra, tình hình đã trở nên phức tạp hơn.
Từng được mệnh danh là “anh hùng của Aleppo“, điểm nóng trong cuộc chiến Syria hiện nay, công việc cứu cấp của các tình nguyện viên này càng lúc càng trở nên nguy hiểm. Đã có 146 người lính Mũ Trắng bị thiệt mạng trong thời gian qua, nhưng con số này có thể tăng lên.
Ông Abdulrahman Almawwas tố cáo một chiến thuật dã man được áp dụng từ ngày Nga can thiệp vào Syria cách nay một năm, đó là tấn công cả vào lực lượng cứu hộ dân sự được cử đến hiện trường.
Cùng có mặt trong cuộc họp báo, bác sĩ Tammam Loudani đã báo động về tình hình y tế rất “thảm khốc” ở Aleppo, với số bác sĩ chỉ còn 21 người, trong lúc các bệnh viện đang biến thành mục tiêu của các vụ oanh kí
Tóm lại, đối với lực lượng Mũ Trắng, thảm cảnh nhân đạo đang diễn ra không thể giải quyết được với một cuộc ngừng bắn tám tiếng, và tình hình sẽ không thay đổi nếu cộng đồng quốc tế không hành động.
Theo chương trình, đại diện lực lượng Mũ Trắng sẽ được tổng thống Pháp Francois Hollande tiếp kiến. – RFI

Thái Lan: 12 người bị điều tra tội khi quân

Người dân Thái thắp nến tại Bangkok tỏ lòng thương tiếc vua Bhumibol Adulyadej ngày 19 tháng 10 năm 2016.
Người dân Thái thắp nến tại Bangkok tỏ lòng thương tiếc vua Bhumibol Adulyadej ngày 19 tháng 10 năm 2016.
 AFP photo
Tin từ Bangkok cho hay cảnh sát Thái Lan đang điều tra 12 người bị tình nghi sử dụng trang mạng xã hội để bêu xấu hoàng gia.
Nếu tìm được bằng chứng, những người này sẽ bị truy tố ra tòa vệ tội khi quân, có thể lãnh bản án tới 15 năm tù.
Phát ngôn viên Kitsana Pattanachareon của Cảnh Sát Quốc Gia Thái cho biết cuộc điều tra được thực hiện từ hôm thứ Năm tuần trước, sau khi Quốc Vương Bhumibol Adulyadej băng hà. Ông nói thêm đã có 4 người bị tạm giữ, và cảnh sát đang truy lùng 8 người khác.
Kể từ tháng Năm 2014 khi quân đội nắm quyền kiểm soát chính phủ đến giờ, đã có 70 người bị kết án về tội khi quân. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và những nhà hoạt động Thái cho rằng chính phủ lâm thời dùng luật này vào mục đích bắt giam những người bất đồng chính kiến, không chấp nhận việc quân đội can dự vào chính trị. – RFA

Hai tân đại biểu Hong Kong vẫn chưa được tuyên thệ lại

Phiên họp của Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong giải tán sau khi hai tân đại biểu yêu cầu được tuyên thệ lại đã không xin lỗi trước khi cử hành nghi thức hôm 19/10/2016.
Phiên họp của Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong giải tán sau khi hai tân đại biểu yêu cầu được tuyên thệ lại đã không xin lỗi trước khi cử hành nghi thức hôm 19/10/2016.
 AFP photo
Nghị trường Hồng Kong tiếp tục gây sôi nổi, sau khi những đại biểu thân Bắc Kinh gây cản trở, không cho 2 tân đại biểu thuộc lực lượng ủng hộ dân chủ tuyên thệ nhậm chức.
Hai đại biểu này là các lãnh tụ thanh niên Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng, mới năm ngoái từng dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối việc Bắc Kinh can dự vào chuyện nội bộ của đặc khu.
Mười ngày trước đây, hai đại biểu này khi tuyên thệ đã tự ý đọc thêm câu Hông Kong là một quốc gia, đồng thời còn tự hứa sẽ tranh đấu cho quyền căn bản của con người, thay vì phải hứa trung thành với đặc khu và với Trung Quốc. Lời tuyên thệ này bị xem là bất hợp lệ.
Hôm nay, hai tân đại biểu yêu cầu được tuyên thệ lại, nhưng cánh đại biểu thân Trung Quốc đòi 2 người phải xin lỗi trước khi cử hành nghi thức. Yêu cầu này không được chấp thuận, và phiên họp của Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kong giải tán ngay sau đó. – RFA

Trung Quốc phản đối chính phủ Czech gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma

Đức Dalai Lama đối thoại với các nhà khoa học tại Đại học Strasbourg, miền đông nước Pháp, ngày 16 tháng Chín năm 2016.
Đức Dalai Lama đối thoại với các nhà khoa học tại Đại học Strasbourg, miền đông nước Pháp, ngày 16 tháng Chín năm 2016.
 AFP photo
Trung Quốc lên tiếng phản đối việc một số viên chức chính phủ và đại biểu quốc hội Cộng Hòa Czech gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói với báo chí ở Bắc Kinh rằng tất cả mọi quốc gia đều phải tôn trọng quy định chỉ có một nước Trung Quốc duy nhất, và không nên gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, là người Bắc Kinh xem là chủ mưu muốn chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, tách rời Tây Tạng ra khỏi Hoa Lục.ắc Kinh cũng từng gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đội lốt thày tu để mưu đồ chính trị.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma với Phó Thủ tướng chính phủ Czech và một số đại biểu quốc hội diễn ra ngày hôm qua tại thủ đô Praha. Trong thông cáo phổ biến sau đó, văn phòng Tổng thống Czech nói rằng cuộc gặp chỉ mang tính cá nhân, không phản ánh quan điểm của chính quyền. – RFA

Binh sĩ Afghanistan giết 2 quân nhân Mỹ

Bản đồ Kabul, Afghanistan.
Bản đồ Kabul, Afghanistan.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết một quân nhân và một thường dân Mỹ đã bị giết chết hôm thứ Tư trong một vụ nổ súng gần căn cứ của liên quân ở thủ đô Kabul của Afghanistan.
Thông báo chính thức còn cho biết một quân nhân khác và hai thường dân Mỹ cũng đã bị thương và đang trong tình trạng ổn định.
Tay súng trong bộ đồng phục quân đội Afghanistan đã ngay lập tức bị bắn chết khi các lực lượng quốc tế bắn trả.
Quân đội Mỹ cho biết các nạn nhân đang thực hiện nhiệm vụ, một phần trong sứ mệnh lớn hơn của NATO là huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ cho các lực lượng an ninh Afghanistan. Tin cho hay một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định tình tiết của vụ việc.
Tướng John Nicholson, chỉ huy các lực lượng Hoa Kỳ và sứ mệnh Resolute Support nói: “Thật đau đớn mỗi khi chúng ta mất đi một thành viên trong đội”.
Ông nói những vụ như thế này sẽ không ngăn cản được sứ mệnh của các lực lượng liên minh và Hoa Kỳ nhằm giúp đỡ các đối tác Afghanistan trong việc tạo ra một Afghanistan tốt đẹp hơn.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan Dawlat Waziri cho biết các quân nhân nước ngoài đang đi thăm một căn cứ quân sự Afghanistan ở Kabul thì bị tấn công.
Hồi tháng 5, các tay súng mặc quân phục Afghanistan đã bắn chết hai sĩ quan quân đội Rumani tại Kandahar.
Các cuộc tấn công nội bộ liên quan đến binh sĩ Afghanistan và binh sĩ nước ngoài đã trở nên hiếm hoi trong những năm gần đây nhờ áp dụng các biện pháp và thủ tục để phòng tránh xảy ra trường hợp này.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công như thế này xảy ra thường xuyên hơn trong nội bộ lực lượng an ninh Afghanistan. Vào cuối tháng rồi, 12 binh sĩ Afghanistan bị giết bởi hai đồng đội tại một tiền đồn an ninh gần thành phố Kunduz. Các hung thủ sau đó đã tạo điều kiện để quân Taliban chiếm quyền kiểm soát cơ sở này.- VOA

Quốc hội Nga đồng ý ngưng thỏa thuận Plutonium với Mỹ

Các nhà lập pháp Nga tham dự một phiên họp của Hạ viện Nga tại Moscow. (Ảnh tư liệu)
Các nhà lập pháp Nga tham dự một phiên họp của Hạ viện Nga tại Moscow. (Ảnh tư liệu)
Hạ viện Nga, Viện Duma, đã nhất trí thông qua một sắc lệnh đã được Tổng thống Vladimir Putin ký, đình chỉ một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc xử lý chất plutonium tinh chế tới cấp độ có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí.
Hồi đầu tháng này, ông Putin nói có một “mối đe dọa đang nổi lên đối với sự ổn định chiến lược”, hệ quả của các “hành động không thân thiện” của Washington.
Ông Putin nói thỏa thuận này sẽ được phục hồi nếu Mỹ rút quân đã triển khai gần biên giới Nga và hủy bỏ các biện pháp cấm vận đối với Nga.
Hôm thứ Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các nhà lập pháp rằng Moscow có thể thực hiện các bước khác gây “đau đớn” cho Hoa Kỳ nếu Washington gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Theo thỏa thuận ký kết vào năm 2000 và được gia hạn thêm vào năm 2010, hai cường quốc hạt nhân có nghĩa vụ phải xử lý plutonium ở cấp độ vũ khí trong các chương trình quốc phòng của mình.
Sắc lệnh của Nga hôm thứ Tư còn cáo buộc Hoa Kỳ là không “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng plutonium ở cấp độ vũ khí”.
Dựa trên thỏa thuận năm 2010, mỗi bên sẽ hủy bỏ 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong các lò phản ứng hạt nhân. Đây là số lượng đủ lớn để có thể chế tạo gần 17.000 vũ khí hạt nhân.
Nga và Mỹ đều xem thỏa thuận này như một biểu tượng của chính sách xích lại gần nhau giữa Nga và Mỹ, và sự tăng cường hợp tác giữa hai nước hướng tới cấm phổ biến hạt nhân.
Nhưng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, và hậu thuẫn các phần tử ly khai thân Nga ở đông Ukraine, các quan hệ giữa Moscow và Washington đã tuột dốc xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Washington đã đóng vai trò chủ chốt dẫn các nước phương Tây tới chỗ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. – VOA

FBI và cảnh sát Czech bắt giữ hacker Nga tấn công mạng của Mỹ

Hình chụp từ video về vụ bắt giữ hacker ở Cộng hòa Czech, 19/10/2016.
Hình chụp từ video về vụ bắt giữ hacker ở Cộng hòa Czech, 19/10/2016.
Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI cùng hợp tác với cảnh sát Czech hôm 19/10 đã bắt giữ một công dân Nga ở Prague vì có liên quan tới những vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ Mỹ.
Tuần trước, chính quyền ông Obama đã chính thức cáo buộc chính phủ Nga tấn công các cơ quan của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới mặc dù cảnh sát không cho biết người đàn ông bị bắt có liên hệ tới các cuộc tấn công liên hệ tới cuộc bầu cử ở Mỹ hay không.
Người phát ngôn của cảnh sát Czech không cho biết thêm chi tiết nào, nói rằng mục tiêu của chiến dịch thành công này là một công dân người Nga.
Một thông cáo tải lên trang web của cảnh sát Czech nói nghi can bị bắt tại một khách sạn ở Prague. Cảnh sát nói ông ta đã ngã quỵ trong lúc bị bắt và được cấp cứu tại chỗ trước khi được chuyển tới một bệnh viện.
Thông cáo này nói một tòa án của Czech sẽ quyết định liệu nghi can này có bị dẫn độ sang Mỹ hay không.
Nga đã bị cáo buộc là tìm cách hỗ trợ ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc chạy đua với đối thủ Hillary Clinton sau khi những email bị lấy cắp của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ gây bối rối, khiến người đứng đầu ủy ban này, bà Debbie Wasserman-Schultz phải từ chức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào tới các vụ tấn công mạng đó. – VOA

300 người bị bắt trong chiến dịch chống tội phạm ở châu Âu

Trụ sở Europol ở La Haye, Hà Lan. (Ảnh tư liệu)
Trụ sở Europol ở La Haye, Hà Lan. (Ảnh tư liệu)
Cảnh sát châu Âu trong tuần này đã bắt giữ tổng cộng 314 người đến từ 52 quốc gia khác nhau và triệt phá nhiều đường dây buôn người quốc tế trong các cuộc bố ráp có phối hợp 24/24, Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (Europol) cho biết hôm thứ Tư.
Chiến dịch bài trừ tội phạm quy mô này được chỉ đạo từ trụ sở Europol ở La Haye, nơi lực lượng cảnh sát châu Âu và các chuyên gia từ mỗi nước tụ họp lại để chỉ đạo các chiến dịch ngay trong lúc nó đang diễn ra.
Thông báo của Europol cho biết:
“16 chuyên gia của Europol đã được triển khai cùng lúc tới một số địa điểm ở nhiều nước trên khắp thế giới”. Europol cho biết là “từ những nơi này, họ sát cánh làm việc với các nhà điều tra để hỗ trợ chiến dịch, qua các cuộc xét nghiệm, phân tích báo cáo và kiểm tra lại để so với cơ sở dữ liệu của Europol”.
Europol cho biết hoạt động này đã phá vỡ “các mạng lưới tội phạm nguy hiểm nhất đang hoạt động” và tập trung vào các trường hợp nhập cư bất hợp pháp, buôn người, buôn ma túy và tội phạm trên mạng.
Các giới chức cho biết các mạng lưới có trụ sở tại Nigeria, châu Á và Đông Âu là những mạng lưới hoạt động tích cực nhất tại châu Âu.
Trong một vụ riêng rẽ, cảnh sát đã kiểm tra một ổ mại dâm ở Áo và phát hiện một trang trại trồng cần sa.
Trong một vụ khác, cảnh sát phát hiện ra một dịch vụ du lịch giả ở Hy Lạp, tạo điều kiện cho di dân nhập cư bất hợp pháp và các hoạt động buôn người.
Tổng cộng, cảnh sát đã xác định lý lịch của hơn 500 nạn nhân nạn buôn người, chặn 745 di dân bất hợp lệ, và tịch thu hơn hai tấn cocaine, và số tiền lên tới 180.000 euro.  - VOA

Đức chủ trì cuộc họp tái xét Hiệp định Minsk

Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chủ trì một cuộc họp ở Berlin hôm thứ Tư với Tổng thống Nga, Ukraine và Pháp trong một nỗ lực nhằm kích hoạt lại thỏa thuận hòa bình Minsk đã bị đình trệ. Mục đích của buổi họp là đề ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở đông Ukraine.
Giữa lúc căng thẳng tiếp tục leo thang giữa các nước phương Tây và Nga, bà Merkel mời Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Pháp Francois Hollande đến dự họp để đánh giá việc thực thi thỏa thuận Minsk và thảo luận các bước kế tiếp. Tuy nhiên, không ai tỏ ra lạc quan về triển vọng sẽ đạt một bước tiến bộ nào đáng kể.
Nói chuyện với các nhà báo ở Berlin hôm thứ Ba, bà Merkel nói thoả thuận bị “đình trệ về nhiều mặt, liên quan tới cuộc ngưng bắn, các vấn đề chính trị và nhân đạo”. Bà nói thêm là mọi nỗ lực để nắm bắt cơ hội hầu đạt được tiến bộ, đều đáng làm.
Phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, cho biết điện Kremlin không trông đợi một bước đột phá về vấn đề Ukraine. Ông nói: “Mục đích của cuộc họp là để xác định xem chúng ta đang ở đâu và đâu là những trở ngại trong việc thực thi thỏa thuận Minsk”.
Ông nói thêm: “Nga đã tỏ ra linh động với tinh thần xây dựng, nhưng Nga không thể là nước duy nhất làm như vậy”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới Berlin kể từ năm 2014, khi xảy ra vụ xung đột ở Ukraine. Chuyến đi diễn ra một ngày trước khi 28 nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu được triệu tập để thảo luận các quan hệ với Nga, kể cả các biện pháp trừng phạt Nga vì vai trò của nước này, can dự vào tình hình Ukraine. Đã tới lúc phải được gia hạn các biện pháp này trước khi chúng hết hạn vào cuối năm nay.
Bốn nhà lãnh đạo thỉnh thoảng lại họp lại để thảo luận việc thực thi hiệp định Minsk. Cuộc họp cuối cùng diễn ra ở Paris hôm 2 tháng 10 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk, đạt được qua trung gian của Pháp và Đức, đã góp phần làm giảm cường độ các trận chiến lớn giữa quân đội Ukraine và các phần tử ly khai thân Nga ở đông Ukraine.Tuy nhiên, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn và những nỗ lực nhằm đạt một giải pháp chính trị đã bị đình trệ.
Thỏa thuận này được ký tại thủ đô Belarus bởi đại diện của Ukraine, Nga và phiến quân đòi ly khai, kêu gọi Ukraine hãy trao quyền cho các địa phương, và thông qua luật cho phép tự trị tại đông Ukraine, trong khu vực đang do các phần tử ly khai kiểm soát.
Ukraine cáo buộc Nga là đã không làm đủ để gây áp lực với phiến quân để họ từ bỏ quyền kiểm soát các khu vực nằm ở biên giới Ukraine-Nga.
Về phần mình, Nga tố cáo Ukraine là không chấp nhận các tu chính hiến pháp mà Moscow nói Ukraine có nghĩa vụ thi hành, trao quyền tự trị cho nhiều vùng ở đông Ukraine.
Tất cả các bên liên quan đã đồng ý về các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình được ký năm 2015, mặc dù thỏa thuận này không ngăn được các cuộc giao tranh trong khu vực. – VOA
Powered by Blogger.