Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Phật Giáo Hòa Hảo, tôn giáo dạy biết yêu đất nước

Sunday, July 5, 2020 // ,

RFA blog
Thứ Bảy, 07/04/2020 - 15:30 — tuankhanh



 
Ngày 18 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày mà những tín đồ đạo Phật giáo Hoà Hảo (PGHH) vẫn làm lễ lớn, để tưởng nhớ Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã sáng lập ra hệ phái tín ngưỡng này. PGHH có tên gọi này, bởi được ghép từ hai ý nghĩa hiếu hoà và giao hảo để tạo nên chính lý. Sự có mặt của PGHH là một trong những chi tiết vô cùng độc đáo của lịch sử Việt Nam giai đoạn kháng Pháp, và xiển dương chủ nghĩa dân tộc chống độc tài.
Trong khi ở phía Bắc nổi lên Việt Nam Quốc Dân Đảng, thì ở phía Nam sự có mặt của PGHH là những lực lượng khiến cho người Pháp vô cùng lo ngại, và cũng là những cái gai trong mắt của tổ chức Việt Minh, tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam. Lý do đơn giản là PGHH tham gia tranh đấu với tiêu chí dứt khoát là dùng đạo nghĩa của người Việt để đoàn kết tương trợ lẫn nhau, và giành độc lập cho người Việt Nam, nước Việt Nam chứ không phụ thuộc vào một lý tưởng chính trị nào bên ngoài, và dứt khoát không chấp nhận độc tài.
Với những người không phải là tín đồ PGHH, chỉ riêng việc thu hút và thành công trong việc tạo ra một tập hợp rộng lớn, từ một vị thanh niên nho nhã, lúc chỉ mới 19 tuổi đã là một sự kỳ lạ đáng nể. Vào lúc khai đạo năm 1939, số người miền Nam theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo đâ lên đến vài trăm ngàn người. Có những buổi thuyết giảng, dân chúng kéo đến nghe đã chục ngàn người, khiến người Pháp ghép ông vào tội truyền bá chính trị và đưa đi giam lỏng ở Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu… nhưng bất kể nơi nào có tin Đức Thầy đến, dân chúng tấp nập kéo về xin nghe thuyết giảng và xin được làm tín đồ.
Những lời kêu gọi yêu nước thương nòi như tố cáo hiện trạng của Đức Thầy, khiến người Pháp tức giận giam Đức Thầy vào nhà thương điên Chợ Quán. Tương tự như cách đã áp dụng với chí sĩ Phan Bội Châu, khi bắt cóc cụ ở Thượng Hải và đem về Hà Nội xử án (1925), người Pháp chuẩn bị bí mật đưa Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ qua Lào để tiêu diệt một nhân vật có ảnh hưởng đến phong trào đòi độc lập ở An Nam thì tin này bị lộ ra ngoài, nên các tín đồ PGHH đã tập trung đi giải vây cho ngài. Khí thế lúc ấy rất mạnh, không khác gì khi dân Việt Nam nghe tin Pháp định xử tử cụ Phan Bội Châu, thậm chí còn mạnh hơn vì có hiến binh Nhật tham gia.
Nhưng vì lý lẽ gì mà PGHH lại có thể thu hút lượng tín đồ nhanh và mạnh mẽ như vậy? Ngoài tài diễn thuyết, thuyết pháp bằng thơ văn, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ còn đề ra những tiêu chí, kêu gọi mọi người phải luôn ghi nhớ bốn trọng ân của một người Việt, mà ngài nói rằng đã có từ thời Đức Thầy Tây An (tức người đã lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương – một người yêu nước và cải cách việc tu tập Phật giáo không cầu kỳ và hình thức).
Bốn trọng ân đó, còn gọi là Tứ Ân Đức, gồm
  1. Ơn tổ tiên cha mẹ.
  2. Ơn đất nước.
  3. Ơn Tam bảo
  4. Ơn đồng bào và nhơn loại.
Thoạt nhìn, Tứ ân đức là những quy ước tu tâm, nhưng thật ra, ẩn sâu trong đó là chủ nghĩa dân tộc duy nhất. Phối hợp với việc giản đơn trong thờ cúng và màu nâu phục trang, đạo nghĩa làm người đúng với tinh thần của người Việt đã khiến sự thuyết phục người người kéo nhau đến tham gia.
Chuyện kể rằng có một người gốc Hoa vì quá hâm mộ Đức Thầy nên xin theo đạo, nhưng lại không thể ăn chay được. Ông này đến vấn ý và khóc nói rằng không hiểu vì sao không nhịn ăn thịt nổi theo lời dạy. Đức Thầy bèn hỏi rằng ông ta một tháng ăn được mấy ngày; vị này nói mỗi ngày chỉ ăn được một buổi thôi. Đức Thầy cười và nói “vậy chú đã ăn được đến 15 ngày trong tháng rồi, vậy cũng là tốt quá so với nhiều người, nên có gì là buồn?”. Kể vậy, để biết sự đơn giản và gần gũi của PGHH từ ngày ấy rất thích hợp với người Nam Bộ, nên đã thu hút được rất nhiều người.
Tư tưởng Tứ ân đức, ngay từ đầu, đã khác biệt với lý tưởng hy sinh cho quốc tế cộng sản của Việt Minh đã khiến cho PGHH và Việt Minh đi vào chỗ xung đột một mất một còn. Năm 1945, sau khi tiếm quyền từ vua Bảo Đại, những người cộng sản đã ra sức tiêu diệt những ai bị coi là đối thủ, vì không muốn mất sức cho công cuộc nhất nguyên về sau. Nhiều cuộc ám sát hay xử tử công khai là chuyện đã xảy đến với không ít người Việt trí thức, yêu độc lập, một cách vô lý và bất ngờ. Chẳng hạn như ở ngoài Bắc, Nguyễn Bá Trác (1881-1945) bị Việt Minh lôi ra xử bắn ở Bình Định vì tội làm việc với người Pháp. Ở trong Nam, em trai của Đức Thầy là Huỳnh Thanh Mậu, anh họ của học giả Nguyễn Hiến Lê là Nguyễn Xuân Thiếp bị kết tội muốn lật đổ Việt Minh nên bị xử bắn ở Cần Thơ. Tất cả những vụ như vậy, chỉ có lời kết án của toà án cách mạng, và không có nạn nhân nào được quyền biện hộ.
Nhưng vì sao giữa PGHH và Việt Minh, và sau đó là Cộng sản, lại có những xung đột dữ dội như vậy? Đơn giản là từ đầu, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã xác định Việt Minh là một nhánh của Đệ Tam Cộng Sản. Vốn có một lực lượng vũ trang được hình thành cho việc kháng Pháp, PGHH cũng trở thành một đối thủ cần phải bị dẹp bỏ bằng bất cứ giá nào. 
Chính vì vậy, ngày 8 tháng 9/1945, nhìn thấy khuynh hướng độc đảng của Việt Minh, PGHH đã có một biểu tình – là cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận thể chế độc tài cộng sản, đòi hỏi một chế độ dân chủ – tại Cần Thơ. Theo báo chí lúc đó, đã có khoảng 20.000 người tham gia để biểu thị một tinh thần ôn hoà đòi độc lập và một chế độ dân chủ. Nhưng ngay sau đó, những tín đồ PGHH đã bị đáp trả: hàng ngàn người bị Việt Minh chận bắt hoặc giết chết.
Theo lời kể nhà văn Hứa Hoành, tác giả các sách như Biên Hùng Liệt Sử, Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ, Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh… thì khi đối mặt với Trần Văn Giàu, người đứng đầu Lâm Uỷ Hành Chánh của Việt Minh ở miền Nam, ông có hỏi rằng “Sao cách mạng thành công rồi mà còn giết quá nhiều người có tài, có đức?” Thì Trần Văn Giàu trả lời rằng “Cách mạng cần đức để làm gì? Có cuộc cách mạng nào mà không giết người?”.
Một ngày sau, ngày 9-9-1945, Việt Minh tổ chức vây bắt Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ ở số 8 Sohier, góc đường Miche nhưng không thành công. Từ đó, sự xung đột giữa Việt Minh và PGHH ngày càng lên cao, đặc biệt khi các lực lượng vũ trang của PGHH bắt đầu ăn miếng trả miếng các cuộc tấn công này, đặc biệt khi Trần Văn Giàu tung tin tuyên truyền là PGHH chuyện giết người ăn thịt.
Năm 1947, vì muốn hoá giải sự xung đột đẫm máu này, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đến Đồng Tháp Mười, để gặp Bửu Vinh, đại diện của phía Việt Minh để bàn hòa ước. Lúc đi, ngài chỉ mang theo 4 người hộ vệ, chèo xuồng vào nơi họp. Chuyện xảy ra lúc khoảng 8g tối, khi cuộc thảo luận chưa dứt, đột nhiên xuất hiện 8 người của bên Việt Minh xông vào đâm, bắn. Duy chỉ có một hộ vệ duy nhất là anh Phan Văn Tỷ thoát được, là người kể lại sự việc lúc ấy. Anh Tỷ còn thấy trong lúc hỗn loạn, chính trị viên đại đội 66 của Việt Nam giơ súng ngắn nhắm vào Đức Thầy, nhưng Đức Thầy đã nhanh tay hất tắt ngọn đèn khiến trong phòng tối om, không còn ai biết gì sau nữa. Hôm đó là 16-4-1947.
Người cộng sản sau đó không xác nhận mình đã giết Đức Thầy, còn phía tín hữu PGHH thì cũng không tin Đức Thầy đã chết. Đó là một bí ẩn lịch sử mà chắc nhiều thập niên nữa mới có lời đáp. Người PGHH còn tin rằng, với sự kiêu ngạo của cộng sản lúc ấy, nếu giết được Đức Thầy, họ sẽ trưng ra bằng chứng để bóp chết mọi niềm hy vọng của gần 2 triệu tín đồ Hoà Hảo lúc ấy.
Người thân của mình bị giết, tín đồ của mình bị hãm hại… đã có nhiều giả thuyết cho là nếu Đức Thầy còn sống, ắt ngài sẽ rất tức giận và trả thù, hoặc khuyến khích sự trả thù. Thế nhưng ngược lại, vào giai đoạn 1946-1947, khi mâu thuẫn lên cao, lòng người PGHH phẫn uất đòi đánh trả mạnh hơn, chính Đức Thầy có để lại hai câu thơ khuyên can rằng:
“Hãy thương lấy những Việt Minh
Đó là mặt trận của mình ngày sau”.
Đó là lịch sử. Và lịch sử cần được kể đúng, nghĩ đúng. Vì lịch sử không phục vụ cho một ai, hay cho một chế độ nào, mà lịch sử là bài học cho một Việt Nam tương lai, bất luận đau đớn hay phũ phàng thế nào.


Suy đoán vô tội ở Việt Nam: Từ cộng hòa đến cộng sản

Suy đoán vô tội ở Việt Nam: Từ cộng hòa đến cộng sản


Phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải với tất cả những diễn biến xung quanh nó đã bóc trần những hủ bại của nền tư pháp hình sự Việt Nam.
Từ xung đột lợi ích trong lựa chọn thẩm phán đến hình thức biểu quyết kết án không đảm bảo khách quan. Từ ‘trọng cung hơn trọng chứng’ đến sự vắng bóng của nguyên tắc suy đoán vô tội. 
Tất cả xuất hiện trong một phiên xét xử của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao - cơ quan mà như tên gọi của nó có quyền lực cao nhất đất nước về tư pháp, không khỏi khiến công chúng bàng hoàng. 
Phiên xử lại còn diễn ra đúng vào dịp 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp quốc gia đầy tham vọng của đảng cầm quyền, đặt nghi ngờ về tính hiệu quả của chương trình này. 
Đã có nhiều lời kêu gọi cải cách. Song, câu hỏi đặt ra là cải cách từ đâu?
Từ việc củng cố nguyên tắc suy đoán vô tội - trái tim của một nền tư pháp hình sự vì con người. 
Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp 1992, nghĩa là không quá nhạy cảm đối với đảng cầm quyền nếu so với việc cải cách thể chế (mối quan hệ giữa tòa án và các bộ phận khác trong hệ thống quyền lực) hay tổ chức bộ máy. 
Bộ Luật Hình sự Tố tụng 1972 (Bộ Luật 1972) của Việt Nam Cộng Hòa có thể cung cấp những gợi ý quan trọng và đáng tham khảo cho việc củng cố nguyên tắc này. 
Chẳng hạn, Tòa Đại hình (xử án hình sự nghiêm trọng) theo Bộ Luật bao gồm 7 thành viên (01 chánh thẩm, 02 phụ thẩm thẩm phán và 04 phụ thẩm nhân dân) và phán quyết chỉ được thông qua khi hội đủ từ 5/7 phiếu trở lên. Phiếu trắng hoặc vô hiệu thì được coi là phiếu có lợi cho bị can. 
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Bộ Luật 2015) hiện nay lại quy định tòa hình sự xử án có mức hình phạt lên đến chung thân hoặc tử hình có thành phần 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân. Biểu quyết theo đa số, nghĩa là chỉ cần từ 3/5 phiếu trở lên. Không có quy định về phiếu trắng hay phiếu vô hiệu được tính là phiếu có lợi cho bị can. 
Thêm nữa, Bộ Luật 1972 quy định rất rõ hình thức biểu quyết là bằng phiếu kín, nhiều lần nhấn mạnh tính chất kín đáo của việc bỏ phiếu nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh được việc các thẩm phán, vốn được cho là có hiểu biết pháp luật hơn, ảnh hưởng lên phụ thẩm nhân dân. 
Trong khi đó Bộ Luật 2015 lại không quy định hình thức biểu quyết bản án, để ngỏ khả năng thẩm phán có thể ảnh hưởng lên hội thẩm nhân dân. Hoặc phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vừa rồi cho thấy việc biểu quyết bằng cách giơ tay hoàn toàn không đảm bảo tính khách quan khi mà 16 thành viên đều là cấp dưới cả trong bộ máy tòa án lẫn trong chi bộ đảng của chánh án/bí thư Nguyễn Hòa Bình. 
Một điểm khác cũng rất quan trọng là câu hỏi trung tâm của cuộc nghị án. Theo Bộ Luật 1972 các thành viên tòa đại hình phải trả lời câu hỏi: "Bị cáo có phạm tội đã ghi trong phúc quyết phòng luận tội (cáo trạng) hay không?” Trong khi đó, câu hỏi chính khi nghị án theo quy định của Bộ Luật 2015 hiện nay là: “Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo?”
“Có căn cứ kết tội không?” khác với “có tội hay không?”. Người ta sẽ dè dặt với câu hỏi sau hơn rất nhiều và chỉ một nghi ngờ hợp lý có thể khiến họ trả lời Không hoặc bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, không có chỗ cho nghi ngờ hợp lý khi trả lời câu hỏi đầu, vì chỉ cần một dấu hiệu có tội là đủ để trả lời Có. 
Tóm lại, chỉ điểm qua vài khía cạnh đã thấy Bộ Luật 1972 đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội hơn nhiều so với Bộ luật 2015, và có thể được tham khảo cho việc củng cố nguyên tắc này trong nền tư pháp hình sự Việt Nam hiện nay.



Những giá trị Mỹ và cộng đồng gốc Việt

Một gia đình gốc Việt trong lễ tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ Bản quyền hình ảnh Allen J. Schaben/Getty Images
Image caption Một gia đình gốc Việt trong lễ tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ
Nếu một người Mỹ bình thường nào đó bất chợt được hỏi "Những giá trị Mỹ trong con người và văn hóa của bạn là gì?", ắt họ sẽ có phần lúng túng hay không diễn đạt trọn vẹn.
Bởi phần lớn người Mỹ tin rằng, mỗi cá nhân là một chủ thể riêng biệt, có những giá trị, niềm tin và hành xử khác nhau. Mặt khác, họ sống một cách tự nhiên với những giá trị này nên có thể không chú tâm cho câu trả lời mang tính hệ thống và đầy đủ.
Nhưng mỗi cá nhân dẫu có khác biệt thế nào thì người Mỹ cũng có một số giá trị khá chung họ đã hấp thụ được và sống theo nền văn hóa của mình, một cách ý thức hay vô thức.
Nhân kỷ niệm lễ Độc Lập Hoa Kỳ, chúng ta thử xem lại xem những giá trị cốt lõi đó là gì? Và chúng liên quan hay khác biệt gì với cộng đồng gốc Việt tại Mỹ?
Giá trị đầu tiên có thể kể là quyền tự do cá nhân mà người Mỹ cổ súy và tôn trọng. Được bảo vệ bằng hiến pháp, người Mỹ có xu hướng suy nghĩ, nói và hành động theo chọn lựa của mình. Họ có những lối sống rất riêng biệt, từ thời trang, thị hiếu cho đến các thói quen, hành xử hàng ngày, nên sẵn sàng bảo vệ, phản kháng một khi họ tin rằng những quyền tự do cá nhân này bị xâm phạm. Đó là lý do mà những quyền tự do mang tầm vóc lớn hơn như tự do ngôn luận và tự do báo chí là điều rất quan trọng trong văn hóa Mỹ.
Người Việt ngược lại, có xu hướng xem sự phục tùng, thỏa hiệp là điều quan trọng. Quyết đoán thay con cái, xem sự vâng phục của con cái là khuôn mẫu gia đình. Nên ngoài xã hội, họ thiếu sự tôn trọng quyền tự do của người khác. Một chiếc váy dẫu khó xem của cô người mẫu nào đó cũng tạo nên cuộc tranh luận cộng đồng ồn ào. Hay việc số đông tấn công vào một vài nhân vật cộng đồng trong thời gian qua chỉ vì những người này nêu dăm dữ liệu hay quan điểm cá nhân ôn hòa và khác biệt, là vài ví dụ về điều này.
Giá trị thứ nhì là tính độc lập và tự lực. Đây là giá trị kéo theo từ giá trị tự do. Người Mỹ xem trọng sự độc lập và tự hào về sự tự lực của mình, chính điều này đã làm họ trở nên tự do, không bị phụ thuộc. Họ mong đợi người khác cũng có sự độc lập và tự lực, bắt đầu từ chính trong gia đình. Người Mỹ là xã hội nơi việc con cái ra riêng khi đến tuổi trưởng thành khá phổ biến.
Trong khi đó, người Việt thiếu thói quen khuyến khích và huấn luyện con cái tinh thần độc lập. Không ít người còn phụ thuộc, lạm dụng hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội nếu hội đủ điều kiện trên giấy tờ hơn là hoàn cảnh thực sự. Điều lớn hơn, họ mong đợi và kỳ vọng vào ngoại nhân trước những vấn đề dân tộc cần sự tự lực, tự cường.
Giá trị rất quan trọng khác trong văn hóa Mỹ là sự bình đẳng, điều được xác quyết trong Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ: "mọi người sinh ra đều bình đẳng". Sự bình đẳng này không mặc nhiên hiện diện theo như tuyên ngôn mà đã trải qua nhiều tranh đấu bằng máu và nước mắt của người dân Mỹ trong thời gian dài để đạt đến những điều mà người di dân được mặc nhiên thừa hưởng khi đến nước Mỹ. Quyền bình đẳng để thăng tiến, để đạt được thành công. Quyền bình đẳng trong pháp luật, hãng sở, học đường, giới tính...
Người Mỹ gốc Việt tại một buổi lễ nhập tịch Hoa Kỳ hồi tháng 7/2018 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Người Mỹ gốc Việt tại một buổi lễ nhập tịch Hoa Kỳ hồi tháng 7/2018
Đây là một trong những giá trị được trân trọng nhất tại Mỹ và khác biệt nhiều với văn hóa Á Đông. Bởi không ít người gốc Việt còn đặt nặng, phân biệt đối xử theo vị thế xã hội, mức độ thành công hay sự giàu nghèo, ngoại hình... của người khác. Cộng đồng Việt nhìn chung mang dấu hiệu xem thường các cộng đồng bạn nên tình trạng xúc phạm, mạ lỵ cộng đồng người da đen, Mỹ La Tinh… khá phổ biến hiện nay.
Một giá trị quan trọng khác trong văn hóa Mỹ có thể ghi nhận là tính khai phá, thích cạnh tranh và đề cao việc tự do kinh doanh. Đây là đặc tính và giá trị đã tạo ra sự thành công của giới trẻ Hoa Kỳ cho đến sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia. Luôn sáng tạo tìm tòi, không đi theo khuôn mẫu truyền thống, nhiều bức phá kỹ thuật cống hiến cho nhân loại hiện nay là do giới trẻ Mỹ tạo nên. Người Việt xem ra thiếu tinh thần khai phá, thích không gian an toàn và dễ thỏa mãn với thành công giới hạn.
Người Mỹ trực tính, thẳng thắn nhưng cởi mở và chân thật. Quan hệ giữa chủ-nhân viên, vợ-chồng, cha mẹ-con cái cùng các mối quan hệ xã hội thường đặt trên nền tảng những giá trị này. Bởi chúng có lợi cho các bên và nhắm đến mục tiêu tích cực cuối cùng. Người Việt ngược lại hay vòng vo, thường né tránh vấn đề trong giao tiếp hay công việc nếu chúng gây bất lợi cho mình.
Người Mỹ xem sự đúng giờ là điều quan trọng. Bất cứ mọi sự kiện quan trọng hay hàng ngày đều diễn ra đúng giờ và nhanh gọn, chính xác theo thời gian biểu. Đây là đặc tính của xã hội phát triển cao vì nó thể hiện năng suất, hiệu quả công việc cùng tính khoa học, kỷ luật. Liệu điều này có khác biệt nhiều với việc luôn vội vã, hấp tấp, chen lấn cắt hàng thường diễn ra nhan nhãn nhưng lại hay trễ nãi, rườm rà trong mọi sinh hoạt của cộng đồng Việt?
Và cuối cùng, nhưng ắt còn có thể kể thêm, người Mỹ luôn nhìn đến tương lai với tinh thần lạc quan. Nước Mỹ không phải không từng trải qua những thử thách, nhưng chính sự phát triển của quốc gia đã làm người dân Mỹ tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Tự lực và tin vào cá nhân để hướng về tương lai hơn là tin vào số phận, định mệnh. Đó là điều giúp họ luôn chuẩn bị, hoạch định tương lai, ngắn hay dài hạn.
Người Việt thì hay nhắc chuyện xưa và thường lấy quá khứ để xét đoán hiện tại và tương lai. Lo xa nhưng tùy tiện, không hề có kế hoạch ngắn hay dài hạn, cả trong đời sống cá nhân, vấn đề công việc cho đến dự án, chiến lược mang tầm mức quốc gia.
Người Mỹ gốc Việt Bản quyền hình ảnh Getty Images
Có thể chưa so sánh đầy đủ, nhưng những niềm tin, giá trị, suy nghĩ, hành xử chính yếu kể trên đã tạo nên một văn hóa Mỹ như hiện nay. Kể ra và so sánh không nhằm mục đích tôn vinh hay hạ thấp giá trị của nền văn hóa nào. Bởi phạm trù văn hoá của một dân tộc không mang tính đúng-sai rõ ràng vì chúng có những mặt tích cực lẫn tiêu cực, thích hợp hay không thích hợp với nền văn hóa khác.
Tuy nhiên khi tiếp xúc hay đã sống trong một văn hóa và xã hội có những giá trị như vậy, người ta cần biết và hiểu để có thể hành xử thích hợp. Để nhìn các vấn đề xã hội và người chung quanh bằng sự tôn trọng và công tâm, công bằng hơn, không bị thiên lệch hay mang tính bài bác, cực đoan.
Nhầm lẫn giữa vài thành công cá nhân với sức mạnh cộng đồng, nếu không thẳng thắn nhìn nhận, học hỏi và thay đổi theo các giá trị trong văn hóa Mỹ kể trên thì cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ không chỉ lạc lõng mà còn sẽ khó bắt kịp các cộng đồng bạn nơi mình đang cư ngụ.
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một chuyên viên Công nghệ Thông tin, và là một nhà báo tự do từ Dallas, Texas.

Vì sao xã hội Mỹ không hoàn hảo nhưng luôn tốt hơn?

People react to a military flyover while President Donald Trump gives his speech during Fourth of July festivities in 2019 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Ngày 4, tháng 7, năm 1776 - Một quốc gia mới ra đời.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khắc cốt, đi trước thời đại, vang vọng khắp thế giới: "Chúng ta khẳng định chân lý tự nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc".
Thấm thoát 244 năm trôi qua, bao nhiêu thăng trầm. Ngay cả lúc đất nước mong manh nhất là cuộc nội chiến Mỹ với 618,222 người chết, bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ vẫn đứng vững trước thử thách của thời gian, để làm nền tảng cho chẳng những nước Mỹ, mà cả thế giới tự do, và niềm hy vọng cho tất cả những ai khát khao tự do, dân chủ.
Tôi đến New York vào mùa Thu lá trở màu năm 1981, khi đã là một thanh niên 19 tuổi. Một người tị nạn tay trắng, trình độ chập chững trung học, bỏ đã lâu, tiếng Anh vài chữ. Nước Mỹ bao dung đã nâng đỡ tôi, tạo điều kiện cho tôi trải qua hai năm trung học, đại học, rồi thạc sĩ. Cho tôi cả một tương lai, và một gia đình trọn vẹn. Văng vẳng tiếng người bạn: "Nếu mày ở Việt Nam thì trình độ mày chỉ có chạy xe ôm".
Không riêng tôi, bao trăm ngàn người Việt đã được cho cơ hội để học hành, làm việc và xây dựng sự nghiệp trên mảnh đất đầy cơ hội này.
Chúng tôi chăm chỉ làm ăn. Làm thân cây mắm và cây đước bồi đắp cho thế hệ tương lai. Bây giờ, thế hệ trẻ đã đạt được thành công rực rỡ trên hầu hết các ngành nghề khác nhau: thương mại, tài chính, nghệ thuật, báo chí, chính trị, luật pháp, y khoa, kỹ thuật, khoa học, quân sự, giáo dục, v.v. Và cứ như thế, thế hệ kế tới lại nối tiếp.
Donald Trump waves as he boars Air Force One prior to departing from Joint Base Andrews in Maryland, July 3, 2020 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Kinh tế nước Mỹ là đầu tàu của cả thế giới. Năm 1947, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, tổng sản lượng của Mỹ là 2 ngàn tỉ Đô la.
Năm 2019, tổng sản lượng của Mỹ đã tăng gần 20 ngàn tỉ. Chỉ riêng California tiểu bang tôi ở, tổng sản lượng 2019 là 3200 tỉ. Nếu là một nước riêng, California chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, và Đức. Quận hạt Orange County với 3.3 triệu dân, nơi tôi ở, có tổng sản lượng là 271 tỉ, so với tổng sản lượng của Việt Nam năm 2019 đạt 266 tỉ.
Sức làm ra tiền khủng khiếp cho tất cả mọi người, trong xã hội Mỹ pháp quyền và sáng tạo, đã thu hút hầu hết các chất xám khắp thế giới, để giúp cho người dân thêm cuộc sống địa đàng. Một ví dụ: Khoảng 15% thu nhập hàng tháng, $600-$750 Đô la, của một gia đình Việt trung bình 4 người ở Mỹ cho đồ ăn có chất lượng hàng ngày.
Khi mới đến nước Mỹ, hay Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tôi được nghe đất nước này là một "melting pot", nồi soup chan hòa.
Tất cả các dân tộc không phân biệt, sẽ được trộn lẫn để cùng một tiếng nói, tư tưởng, đồng lòng.
Nhưng dần dần, tôi nhận ra ý tưởng là như thế, nhưng nước Mỹ thực ra là một dĩa rau salad, với rất nhiều kiểu nước chấm. Đôi khi chỏi nhau vì sắc tộc, văn hóa, tư duy, thế hệ, và quyền lợi. Mặc dù sau cùng, hầu hết đều ăn được phần của mình một cách ngon lành.
The busts of George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt and Abraham Lincoln at Mount Rushmore National Monument Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Đài tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore
Nước Mỹ có hai khối chính: Khối bảo thủ và khối cấp tiến. Một phần đã quen cách sống truyền thống, không muốn thay đổi, nhất là khi sự thay đổi có thể khiến niềm tin, kinh tế, công ăn việc làm của họ bị xáo trộn.
Nhưng thế hệ mới và những người cấp tiến lại muốn hướng tới thay đổi. Đó là định nghĩa đối lập của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Hai thế lực giằng co. Và cứ thế, con thuyền Hoa Kỳ cứ dích dắc đi tới.
Thủ Tướng huyền thoại Anh Quốc Winston Churchill từng nói: "Dân Chủ là kiểu mẫu tệ nhất của quản lý đất nước, ngoại trừ tất cả những kiểu mẫu khác ( democracy is the worst form of government except all those other forms). Rõ ràng một nước Mỹ hoàn hảo còn xa lắm, nhưng đất nước này đã mang đến cho tôi và những người thân yêu của tôi tất cả những gì chúng tôi cần.
Nhìn lại chính trường Mỹ trong vài năm qua, tôi nhận thức rằng, nền tảng của nước Mỹ dân chủ hóa ra mong manh và có thể bị xô đổ.
Tôi nghiệm ra một điều: thực ra không phải chỉ nhờ bản Tuyên Ngôn Độc Lập hay Hiến Pháp Hoa Kỳ mà nước Mỹ hùng mạnh đến ngày hôm nay.
Cái chính làm nó hùng mạnh là vì những công dân Mỹ chân chính. Những người được giáo dục, có văn hóa, có tư cách, và yêu chuộng tự do đã gìn giữ hệ thống pháp quyền không bị lung lay vì quyền lợi riêng tư. Nước Mỹ sản sinh ra rất nhiều người như thế. Họ dám bỏ cả sự nghiệp tương lai để bảo vệ tiếng nói trung thực của họ, để bảo vệ đất nước và nền tảng hiến pháp thấm nhuần trong máu thịt của họ.
Năm 2020 là một năm đầy biến động chưa từng thấy trong gần 40 năm tôi sống ở Mỹ. Từ luận tội tổng thống, một việc vốn chỉ xảy ra ba lần trong lịch sử Mỹ. Một cơn đại dịch trăm năm mới có một lần, đến ngày hôm nay vẫn còn tăng. Dẫn đến thất nghiệp chưa từng thấy từ thời Đại Suy Thoái, 1930. Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử cấm cửa dân Mỹ vào. Rồi nổi loạn đòi hỏi nhân quyền cho người da đen khắp nơi chưa từng có. Nguyên nhân cho các biến động này là sự chia rẽ trầm trọng của người dân.
Niềm tin vào sự liêm chính của các đảng phái đối đầu hầu như không có. Tin tức giả lan tràn chưa từng thấy trên mạng xã hội, được chia sẻ, phát tán vô tội vạ, không kiểm chứng, không trách nhiệm. Người nhận tin tức giả hay không, hợp mắt, khoái tai củng cố thêm cho niềm tin của họ.
Nhìn vào căng thẳng tình hình hiện nay, tôi cảm thấy xã hội gần như muốn đổ bể. Tôi cảm thông cho những người có định kiến ở các khía cạnh khác nhau, theo tầm nhìn và kinh nghiệm cá nhân của họ. Trong gần 40 năm ở Mỹ, tôi chưa bao giờ cảm thấy lo âu như ngày hôm nay. Đất nước Mỹ mà tôi biết, dường như có thể thay đổi hoàn toàn trong những năm tháng tới.
Nhưng, dựa trên lịch sử nước Mỹ thăng trầm trong suốt 244 năm qua, tôi vẫn có niềm tin. Cuộc kháng chiến giành Độc lập khỏi ách thống trị của Anh Quốc năm 1776 đã cho chúng tôi vùng đất tự do này. Nội chiến tàn khốc nhưng đã giải phóng cho những người nô lệ vào năm 1865, bảo đảm cho những người da màu như tôi và các con tôi không bị phân biệt và được đối xử bình đẳng theo luật pháp. Phụ nữ có quyền bỏ phiếu đúng 100 năm trước, 1920, cho phép con gái của tôi có quyền chọn người đại diện.
Phán quyết Brown vs Board of Education năm 1954 giúp con tôi có thể học chung trường với người da trắng. Đạo luật Dân Quyền (Civil Right Act) năm 1964 nhờ cố gắng tranh đấu bất bạo lực không ngừng nghỉ của Tiến Sĩ Martin Luther King Jr. và phong trào dân quyền người da đen, trừng phạt những người phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hoặc gốc gác. Hôn nhân đồng tính được công nhận vào năm 2015 sau những tranh đấu không mệt mỏi chống lại giáo điều và định kiến, để con người đồng tính có thể sống đúng với chính họ sau những năm bị đối xử bất công, đau khổ về tinh thần và bị ruồng bỏ.
Nước Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo. Nhưng lịch sử đã chứng minh, đất nước này vẫn đang tiếp tục cố gắng để các thế hệ sau được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn, như đã hứa từ thời lập quốc: "mọi người sinh ra đều bình đẳng." Họ có:"quyền được sống, quyền được tự do, và mưu cầu hạnh phúc". Mục sư Martin Luther King đã có một giấc mơ nhưng chưa thành. Riêng tôi, tôi vẫn luôn có niềm tin về một xã hội tương lai tốt hơn cho con cháu da màu của mình.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Powered by Blogger.