Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 05/07/2020

Sunday, July 5, 2020 2:28:00 PM // ,

Tin Việt  Nam – 05/07/2020

Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

 công nhân vẫn bị trừ thuế thu nhập cá nhân

Tin Saigon.- Báo Tuổi trẻ ngày 4 tháng 7 năm 2020 loan tin, sau khi nhận được thông báo cho nghỉ việc vì dịch coronavirus 19, nhiều công nhân công ty PouYuen tại khu công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn chưa thoát khỏi sự lo lắng về tương lai thì lại rơi vào tâm trạng bất mãn vì bị trừ tiền trợ cấp thất nghiệp để đóng thuế thu nhập cá nhân.
Theo thông báo của công ty PouYuen, vào tháng 8 tới, công ty sẽ tiếp tục cho gần 3,000 công nhân nghỉ việc. Các công nhân nghỉ việc sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan thuế Cộng sản sẽ lấy 10% tiền trợ cấp thất nghiệp này của công nhân gọi là thuế thu nhập cá nhân.
Theo các công nhân, tiền hỗ trợ thất nghiệp mà họ sẽ nhận được là khoảng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho mỗi người, tuỳ thuộc vào thời gian làm việc của công nhân.
Một công nhân cho biết, bà làm việc ở công ty PouYuen được hơn 18 năm nay, mức lương trung bình của bà hiện là 10.5 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ đây bà bị mất việc, và sẽ nhận được 194 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, nữ công nhân này chỉ được nhận 178.5 triệu đồng, vì bị trừ thuế thu nhập cá nhân. Việc này đã khiến cho các công nhân bất mãn, họ cho rằng số tiền vài chục đến vài trăm triệu
đồng đối với họ là lớn nhưng sau khi cầm tiền xong thì họ phải đối mặt với một tương lai vô định, không biết làm gì, xin việc ở đâu vì tuổi cũng đã lớn.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nhan-tien-tro-cap-that-nghiep-cong-nhan-van-bi-tru-thue-thu-nhap-ca-nhan/

Một huyện nghèo ở Bình Định

đang xây tượng đài hơn 48 tỷ

Bình luậnKhôi Nguyên
Huyện Vĩnh Thạnh đang hoàn thành tượng đài hơn 48 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, 30% còn lại là huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa.
Công trình tượng đài có tên Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019 và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 7/2020.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Thạnh, tượng đài có chiều cao 20 m, thân tượng cao 15,5 m và bục cao 4,5 m, chất liệu được sử dụng là đá nguyên khối. Vị trí tượng đài được xây dựng ở đồi Lâm Viên (thị trấn Vĩnh Thạnh) trên diện tích khuôn viên hơn 3.000 m2.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, ông Lê Văn Đẩu cho biết, công trình tượng đài này đã hoàn thành được 50% nhưng rất khó đúng tiến độ.
Chia sẻ với truyền thông trong nước, ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) cho biết, tượng đài nằm ở huyện miền núi, vị trí lại không phải di tích nên chưa biết sẽ hiệu quả như thế nào. Chưa kể kiến trúc tượng đài quá hiện đại, người Ba Na thấy không gần gũi sẽ khó đến nhiều, làm một tượng đài gần 50 tỷ thì quả thực quá lớn.
Được biết, Vĩnh Thạnh là một trong 4 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/mot-huyen-ngheo-o-binh-dinh-dang-xay-tuong-dai-hon-48-ty-50652.html

Việt Nam:

‘Cả nước thiếu việc làm, thất nghiệp tràn lan’

Thực trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, xin trợ cấp xảy ra trên toàn quốc do hệ lụy của đại dịch Covid-19, truyền thông tại Việt Nam đưa tin.
Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ việc luân phiên do Covid-19, trong đó số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập lên tới hơn 17 triệu người.
Đáng chú ý là ở các tỉnh miền Trung nơi các tỉnh có khu công nghiệp và mạnh về du lịch dịch vụ gần như không có lối thoát nào khác ngoài viết đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Tại Đà Nẵng, thống kê cho biết có tới gần 180 ngàn người ”bị ảnh hưởng” vì COVID-19.
Trong số này có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Tại tỉnh này 10.000 lao động hiện xin trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm tới nay từ nhiều ngành nghề gồm nhà hàng, khách sạn, điện tử, may mặc, giáo dục…
Trên toàn quốc, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhất ở mức 72%, tiếp đến là 67,8% ở khu vực công nghiệp; 25,1% ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Nghiệp đoàn xích lô Hội An với khoảng 100 người tham gia nhưng hiện nay chỉ có 30 người “đang đi mà không có khách”.
Trong khi đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói đến cuối quý Ba năm nay tình trạng thất nghiệp mới “thực sự xảy ra” và đặc biệt tại các ngành như may mặc, da giày.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngày 2/7 mô tả nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, không có nguyên liệu sản xuất do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Một số giải pháp cho kinh tế Việt Nam mùa dịch Covid-19
Kinh tế Việt Nam liệu có đuổi kịp Thái Lan, Malaysia?
Việt Nam: Đề nghị công bố hết dịch để cứu kinh tế
Bộ trưởng Dung nói số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm gặp khó khăn.
Tin cho hay nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng Sáu bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,…).
Trong khi đó lực lượng lao động được mô tả là thấp kỷ lục do thất nghiệp và thiếu việc làm với gần 31 triệu người từ 15 tuồi trở lên bị ảnh hưởng.
Vào tuần trước Tổng cục Thống kê cho biết từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991 thì chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất như vậy với quý II (0,36%) và 6 tháng đầu năm (1,81%).
Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng được dẫn lời nói mức tăng trưởng nửa năm đầu 1,81% cũng “kém cả kịch bản thấp nhất” mà cơ quan này đã đặt ra trước đó.
“Mục tiêu tăng trưởng [cả năm] 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%”, ông Hùng nhận định.
Mặc dù chưa có tăng trưởng âm nhưng số liệu GDP này là mức thấp nhất kể từ Đổi mới, bằng nửa của GDP năm 1986.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói “Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết” và rằng “Chống suy thoái kinh tế phải hơn chống dịch“.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-53298750

“Đầu tư” không tới,

nhiều dự án khu công nghiệp bỏ hoang

Tin từ Hà Nội: Nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam bị bỏ hoang vì không có nhà đầu tư ngoại quốc thuê cho dù Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội nhất để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới sau khi nhiều tập đoàn đa quốc gia tìm cách chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Cộng sang các quốc gia khác.
Cách đây vài tháng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Cộng cùng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhiều tập đoàn kinh tế của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác muốn tránh rủi ro ở Trung Cộng nên tìm cách chuyển các nhà máy của họ ra khỏi Trung Cộng. Tuy nhiên, thay vì chọn Việt Nam, họ lại chuyển cơ sở sản xuất sang Indonesia và Malaysia.
Từ đầu năm, tưởng rằng các tập đoàn đa quốc gia sẽ chuyển nhà máy sang Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trở nên sôi động với giá đất khu công nghiệp liên tục tăng.  Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, không ít khu công nghiệp không có khách thuê, gây lãng phí tài nguyên, gây ảnh hưởng đời sống nhân dân xung quanh.
Có nhiều khu công nghiệp như Quang Minh II, Phụng Hiệp và Cam Thượng có tỷ lệ thuê thấp, thậm chí có khu công nghiệp còn chưa làm gì cả sau 15 năm. Nhiều khu công nghiệp có nguy cơ bị giải thể và bị thu hồi hàng trăm hecta đất bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Có lẽ do tình trạng pháp lý không rõ ràng, tham nhũng, luật pháp lỏng lẻo cùng chế độ chính trị không ổn định nên không thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi kinh doanh.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/dau-tu-khong-toi-nhieu-du-an-khu-cong-nghiep-bo-hoang/

Covid-19: Công nhân VN ở Guinea Xích Đạo kêu cứu

Bình KhuêBBC News Tiếng Việt
“Hiện tại mạng wifi người ta đã cắt hết rồi,” một công nhân người Việt ở Guinea Xích Đạo đang phải cách ly do dương tính với Covid-19 nói với BBC News Tiếng Việt vào sáng Chủ Nhật 5/7, giờ địa phương.
“Họ nói số anh em còn ở trong đó chưa có kết quả xét nghiệm mà không đi làm thì người ta sẽ không nuôi những người bị ốm đau như bọn em, người ta sẽ không trợ cấp cho ăn uống nữa,” anh Phạm Ngọc Hoài trả lời qua điện thoại từ bệnh viện ở thị trấn cảng Bata của Guinea Xích Đạo. “Họ ép anh em phải đi làm.”
Nhiều người ốm bệnh
Anh Hoài cho biết anh nằm trong số những người Việt đầu tiên đang được cách ly tập trung trong bệnh viện.
Trong tổng số 250 người Việt đang làm việc tại một dự án xây dựng thủy điện ở quốc gia Trung Phi này, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã bị nhiễm virus corona, anh cho biết thêm.
“Lúc đầu có một anh [người Việt] bị sốt cao. Sau đó anh ấy đi viện để kiểm tra. Ra đến viện, anh ấy phải dùng máy thở,” anh Hoài nói.
“Thông tin của các cán bộ nói với anh em là chỉ cần xông đinh nhu cho dễ thở. Sau có nhiều trường hợp sốt theo nữa, thì bọn em mới đi khám.
“Chỗ bọn em làm, người ta không có bác sỹ, người ta lấy cả bác sỹ thú y chăm sóc chó đi khám bệnh cho bọn em. Đó là bác sỹ thú y ở chuồng chó, đi khám bệnh phát thuốc cho bọn em.
“Sau đó dần dần người bị ốm càng ngày càng nhiều, rồi bác sỹ của nước này họ vào kiểm tra.
“Họ lấy mẫu của 24 người bọn em, được mấy ngày sau thấy các xe vào bắt đi cách ly, bảo bọn em nhiễm dương tính 22 người trong số 24 người được lấy mẫu xét nghiệm.
“Còn tất cả các anh em khác đều đang được lấy mẫu, đang chờ kết quả xem có bao nhiêu người bị dương tính.”
Việc ốm bệnh của người Việt lúc đầu đã không được quan tâm đúng mức, anh Hoài nói.
“Có người bị sốt thì được bảo là sốt virus lung tung thôi. Có người sốt hàng hai tuần.
“Em thì sốt vào hôm 23/6. Em có biểu hiện là không thở được, mất mùi vị, ăn không cảm giác thấy mặn, không cảm nhận được mùi vị. Nhiều lúc em bị nôn ra máu tươi, bị đau đầu, đau người, tức ngực khó thở.
“Ra ngoài bệnh viện này mấy hôm đầu không thở được. Mới có hôm qua và hôm nay là em mới bắt đầu thở được.”
Về điều kiện sinh hoạt tại nơi cách ly, anh Hoài nói anh và các công nhân khác gặp nhiều khó khăn, từ việc ngôn ngữ bất đồng cho tới các điều kiện khám chữa bệnh và ăn uống.
“Phiên dịch là không có, mà bọn em không hiểu ngôn ngữ của đất nước này. Nhiều khi cứ chỉ người ta, rồi nói được câu tiếng Anh nào mà họ hiểu được phần nào thì hiểu, chứ còn không biết nói tiếng Tây Ban Nha của họ. Phiền phức lắm.
“Việc khám chữa thì hôm trước em tức ngực, em phải nhắn tin cho cán bộ dự án, nói rằng em không biết là em có sống được không vì không thở được, tức ngực. Mãi rồi người ta mới gọi vào khám.
“Họ tiêm cho em các loại thuốc mà em tra trên Google các nhãn thuốc đó là các loại dùng để hỗ trợ hô hấp, chống đông máu.
“Bây giờ là 10 giờ trưa rồi, bọn em vẫn chưa được một miếng cơm hay bánh mì gì, chưa được ăn một miếng nào. Vẫn đang chờ đồ ăn sáng.
“Thường thì buổi trưa, độ 11 giờ, 11 rưỡi, có hôm 12 giờ thì được ổ bánh mỳ bé với một cốc sữa loãng. Đến độ 2 giờ chiều thì được mấy hạt cơm.
“Ăn uống ở đây khó khăn lắm. Anh em bọn em đói, không được bữa nào no. Công ty nhắn tin hỏi sức khỏe bọn em, bọn em có trả lời là sức khỏe bọn em đã tạm ổn hơn rồi, nhưng sợ là không chết vì Covid mà chết vì đói.”
Được biết những người phải vào viện cách ly, trước khi đi được công ty đưa cho mỗi người 30 ngàn france tiền địa phương, tương đương 1,7 triệu đồng Việt Nam, nhưng để tiêu tiền khi đang trong viện cũng là cả một vấn đề.
“May mắn thì nhờ được người dân bản địa mua cho. Mình gửi họ mua, đưa họ hai cái thẻ điện thoại hoặc gửi tiền bằng cách khác, thì họ lấy công mất khoảng tương đương 100 ngàn đồng Việt Nam, nếu không thì thôi.”
Kêu cứu
Anh Hoài nói anh và các công nhân khác đã tìm cách liên hệ với đại diện công ty lao động Việt Nam, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, và “công ty nhiều lần làm mất lòng tin của công nhân”.
“Bọn em có nghe thông tin nói là đang làm mọi thủ tục… hôm trước có một anh làm về nhân sự ở bên này nhắn tin cho em, bảo là xin được chuyến bay, có máy bay rồi, chỉ chờ bên phía Duglas [công ty thực hiện dự án của Ukraine] và cơ quan bản địa đồng ý cho qua đón.
“Lúc lại bảo không xin được máy bay.
“Hiện giờ thì nghe nói máy bay thì thuê được, nhưng không cho người dương tính ngồi.
“Nói chung là trả lời không đâu vào đâu, cứ bảo là tại các cấp chính quyền.”
“Bọn em đã liên hệ với người nhà và có phương án kêu gọi tất cả người nhà tập trung lên Văn phòng Chính phủ để cầu cứu, để tìm cách giải quyết, một là cho anh em về nước chữa trị, hai là nếu không được thì nhà nước có hỗ trợ chẳng hạn như cho bác sỹ hoặc thuốc thang, lương thực.
“Em thấy người ta coi thường tính mạng của con người quá. Đang dịch bệnh như thế mà họ ép anh em đi làm, không đi làm thì không cho ăn, không cho nghỉ để bảo vệ tính mạng đâu.
“Người ta còn đưa cả quân đội vào dọa, bảo nếu không làm thì đuổi đi. Họ vác súng vào dọa mấy anh em ở trong công trường.
“Nên bọn em có nguyện vọng lớn nhất là mong Thủ tướng Chính phủ cứu giúp bọn em được về nước sớm ngày nào tốt ngày đó.”
Tính đến 5/7/2020, theo số liệu do Đại học Johnson Hopkins đưa ra thì Guinea Xích Đạo có 3.071 trường hợp dương tính Covid-19, trong đó đã có 51 ca tử vong.
Nước này phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên là vào ngày 14/3/2020.
Hiện Hà Nội chưa đặt đại sứ quán hoặc lãnh sự quán tại Guinea Xích Đạo. Các hoạt động được kiêm nhiệm từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.
Hôm 18-19/6, hơn 300 công dân Việt Nam tại Angola đã được Đại sứ quán, Vietnam Airlines và cơ quan chức năng đưa về nước.
Mới đây, truyền thông trong nước đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã đồng ý đưa 14.000 công dân Việt Nam “là các trường hợp đặc biệt” về nước.
Cuộc sống công nhân
Anh Phạm Ngọc Hoài cho biết anh ký hợp đồng với công ty CM Vietnam có trụ sở tại Hà Nội, sang làm việc đã được tám tháng theo hợp đồng có thời hạn 18 tháng cho dự án do công ty Duglas Alliance của Ukraine thực hiện.
Ở nơi anh hiện đang làm việc có tổng số 250 công nhân người Việt, do ba công ty khác nhau của Việt Nam đưa sang.
Một số người khác đã hết hạn từ vài tháng trước nhưng vẫn đang bị kẹt lại giữa lúc tình hình dịch bệnh ở châu Phi càng lúc càng trở nên nghiêm trọng.
Được biết các công ty Việt Nam gửi lao động đi cũng có đại diện tại chỗ, nhưng “Ban Quản lý Dự án cũng bất mãn lắm”, bởi họ “không có tiếng nói gì”, anh Hoài nói.
“Bọn em đi làm ở đây, bị bệnh như thế mà người ta bắt anh em còn lại ở công trường, những người chưa có kết quả xét nghiệm, phải đi làm. Nếu không đi làm là họ không cho ăn cơm.
“Có những hôm bọn em đi làm, bữa trưa ăn lúc 12 giờ, cả hơn 200 con người họ chỉ cho đúng 30 phút. Chưa kịp ăn, có người mới được một, hai thìa cơm người ta đã đuổi, hết giờ, người ta không cho ăn, phải đứng dậy đi làm.
“Lương bọn em làm ở đây, làm đủ 30 công trên một tháng, mỗi ngày 9 giờ làm việc thì công ty trả cho bọn em được 18 triệu đồng Việt Nam, tức khoảng độ 700 đô la Mỹ.
“Không được nghỉ ngày nào. Nếu nghỉ thì người ta trừ, không trả đủ 18 triệu.
“Ngay cả khi đang làm việc ngoài trời, nếu trời mưa một tiếng đồng hồ là cũng bị trừ giờ làm ngày hôm đó, không được tính đủ công mà bị trừ đi một tiếng.
“Bọn em ở bên đây chỉ biết làm thôi. Đến cuối tháng thì công ty sẽ bắn tiền về cho vợ con em, cho gia đình ở nhà.”
BBC News Tiếng Việt đang tìm cách liên hệ với công ty CM Vietnam để tìm hiểu thêm thông tin.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53299688

Điểm tin trong nước sáng 5/7 – Gia Lai: Phát hiện

ca nhiễm bạch hầu đầu tiên và đang nguy kịch

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ nhật (5/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Gia Lai: Phát hiện ca nhiễm bạch hầu đầu tiên và đang nguy kịch
Hôm 4/7, Sở Y tế Gia Lai cho biết tỉnh này vừa nghi nhận ca nhiễm bệnh bạch hầu đầu tiên, theo Pháp Luật TP.HCM.
Bệnh nhân nhiễm bạch hầu tên V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai). Trước khi phát hiện bệnh bạch hầu, V. có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy.
5 người Trung Quốc chi hơn 80 triệu đồng để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Theo Thanh Niên, khoảng 1 giờ ngày 4/7, tại khu vực bến Mũi Ngọc (khu 1, P. Bình Ngọc, TP. Móng Cái, Quảng Ninh), Bộ đội Biên phòng tỉnh này phát hiện 5 người Trung Quốc, gồm 1 nam và 4 nữ, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
5 người trên khai được 1 người đàn ông người Trung Quốc không quen biết tổ chức nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với giá 5.000 nhân dân tệ/người (khoảng 17 triệu đồng).
Khoảng 23 giờ ngày 3/7, cả 5 người tập trung tại khu vực bờ biển Vạn Mỹ (trấn Giang Bình, TP. Đông Hưng, Trung Quốc) đối diện bãi biển Trà Cổ (TP.Móng Cái, Quảng Ninh) rồi lên bè mảng sang Việt Nam thì bị bắt.
9 cựu lãnh đạo dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị khởi tố
Hôm 4/7, báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Bộ Công an Việt Nam, thêm 9 cựu lãnh đạo liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị can đã “vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình, dẫn đến đưa công trình không bảo đảm chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho nhà nước”, theo cơ quan điều tra.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 139,2km, tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, được khởi công ngày 19/5/2013, đưa vào khai thác từ năm 2017. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, tuyến đường liên tục xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu, sụt lún. Một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột; một số vị trí mái taluy bị xói lở do nhà thầu chưa hoàn thiện công tác trồng cỏ và gia cố mái.
Trước hình ảnh ổ trâu, ổ gà “nhan nhản” trên đường, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đã khẳng định những hư hỏng  này “không phải do chất lượng của công trình”; “hư hỏng có phần do mưa đọng cục bộ tại một số vị trí”.
Cháy lớn tại kho sản xuất mui nệm ở Quảng Ngãi
Báo Công lý thông tin, vào khoảng 9 giờ 15 phút ngày 4/7, khi công nhân đang làm việc thì phát hiện ngọn lửa bùng phát bên trong kho sản xuất mui nệm của Công ty TNHH Hiệp Sơn, nằm ở thôn Liên Trì Đông, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Chỉ ít phút sau khi phát hiện, ngọn lửa đã bao trùm cả kho sản xuất và tạo thành ống khói đen cao hàng chục mét.
Khu vực có nhiều vật dụng dễ cháy, cộng với thời tiết tại Quảng Ngãi đang nắng gắt nên việc dập lửa khó khăn hơn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản tại kho bị thiêu rụi.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-5-7-gia-lai-phat-hien-ca-nhiem-bach-hau-dau-tien-va-dang-nguy-kich.html

Điểm tin trong nước tối 5/7: Bé trai nguy kịch

do mắc bạch hầu đã qua đời;

Cử tri lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền

hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối Chủ nhật (5/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Thêm bé trai tử vong do mắc bệnh bạch hầu
Sáng 5/7, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho Zing biết, bé trai 4 tuổi, người dân tộc Ba Na, ngụ huyện Đắk Đoa (Gia Lai) do mắc bệnh bạch hầu.
Theo thông tin ban đầu, ngày 28/6, sau khi đi thăm người thân ở tỉnh Kon Tum thì bé có biểu hiện sốt, ho và đau họng. Gia đình mua thuốc cho bé uống trong vòng 6 ngày nhưng không khỏi.
Ngày 3/7, cháu bé được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa và Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị. Đến sáng 5/7, bé trai này tử vong.
Bé là ca bạch hầu tử vong đầu tiên ở Gia Lai, người thứ 3 tử vong trên cả nước. Bé là ca bạch hầu tử vong đầu tiên ở Gia Lai, người thứ 3 tử vong trên cả nước. Dịch bạch hầu đang bùng phát và lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong tháng 6, tỉnh Đăk Nông ghi nhận 16 ca nhiễm bạch hầu, trong đó có hai ca tử vong. Tỉnh Kon Tum phát hiện 8 ca từ đầu năm đến nay. TP.HCM ghi nhận một ca.
Cử tri lên án những vi phạm chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
HĐND thành phố Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã nêu nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Trong có Cử tri lên án Trung Quốc vì những vi phạm ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Cụ thể cử tri và nhân dân bất bình và lên án những hành động của Trung Quốc về việc thành lập các đơn vị hành chính trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, cấm đánh bắt cá và có những hành vi ngăn cản, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền nước ta. Cử tri mong muốn Đảng và nhà nước có những biện pháp, phù hợp, đúng đắn để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Trưởng phòng TN&MT huyện rời hiện trường sau vụ tai nạn chết người
Chiều hôm trước (4/7), ôtô bán tải mang biển kiểm soát Nghệ An do ông Lữ Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Quế Phong (Nghệ an) điều khiển lưu thông trên địa bàn huyện Quế Phong.
Khi đến xã Tiền Phong thì va chạm với chị Vi Thị Hương (29 tuổi, ngụ Phương Tiến 1, xã Tiền Phong) khiến người này tử vong tại chỗ.
Sau khi gây ra tai nạn, nhiều nhân chứng thấy ông Lữ Văn Tiến điều khiển xe rời khỏi hiện trường.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo Công an huyện Quế Phong thông tin người lái xe gây tai nạn chính là ông Lữ Văn Tiến. Tuy nhiên, khi gọi cho ông Tiến thì thuê bao không liên lạc được.
Huyện nghèo đang khẩn trương xây tượng đài 48 tỷ
Tuổi Trẻ đưa tin, Vĩnh Thạnh, một trong 3 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đang khẩn trương hoàn thành tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa.
Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na).
Ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), cho rằng Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo, dân còn khổ cực, làm một tượng đài gần 50 tỷ thì quả thực quá lớn.
Tượng đài nằm ở huyện miền núi, vị trí lại không phải di tích (di tích làng Tơlok, Tơlek nằm ở bên kia sông Kôn, trên núi thuộc xã Vĩnh Hiệp) nên chưa biết sẽ hiệu quả như thế nào. Chưa kể kiến trúc tượng đài quá hiện đại, người Ba Na thấy không gần gũi sẽ khó đến nhiều.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-5-7-be-trai-nguy-kich-do-mac-bach-hau-da-qua-doi-cu-tri-len-an-trung-quoc-vi-pham-chu-quyen-hai-quan-dao-hoang-sa-truong-sa.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.