Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

CHÁY NHÀ RA MẶT CHUỘT

Sunday, July 21, 2019 // ,

Blogger Nhân Hoà
Ngày 20/7/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức lên tiếng trước các tường thuật rộ lên từ thượng tuần tháng 7 đến nay về việc Trung Quốc can thiệp một cách vô luân vô pháp vào hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Bỉển Đông, bao gồm cả các hoạt động thăm dò, khai thác mà Việt Nam đã tiến hành từ lâu nay.
 “Rats desert a falling house” có lẽ chưa hẳn là cách chuyển ngữ chuẩn nhất theo nghĩa bóng đối với thành ngữ “cháy nhà ra mặt chuột”. Nhưng ở đây không bàn về câu chuyện diễn ngôn (discourse), status này chỉ đề cập đến Tuyên bố chắc nịch của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối tuần qua, khi Mỹ đòi Trung Quốc phải dừng ngay thái độ bắt nạt nước khác trên Biển Đông.
Gián tiếp ủng hộ vấn đề chủ quyền của Việt Nam, Washington phê phán Bắc Kinh: “Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tuyên bố kịp thời của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nước ASEAN nhằm hạn chế quyền của các nước này đối với việc hợp tác với các bên thứ ba, cho thấy Bắc Kinh đang muốn xác quyết quyền kiểm soát của mình đối với hầu hết các nguồn trữ liệu dầu khí tại Biển Đông.
Với Tuyên bố đầu tiên và cho đến nay là duy nhất từ The State Department, Hoa Kỳ đã phê phán những chiều kích chống lại pháp lý và luật quốc tế, đồng thời vạch rõ các hoạt động che dấu dã tâm bành trướng của Bắc Kinh.
Bởi vì, “đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”. Chính bà Thu Hằng, phát ngôn viên của Hà Nội cuối cùng cũng buộc phải công khai cái lập trường tù mù, sau khi “vòng vo tam quốc” trong một tuyên bố “thừa lời mà thiếu ý chí” trước đấy mấy ngày.
Theo phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế, phụ lục VII của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Toà đã khẳng định Trung Quốc không có quyền lịch sử tại Biển Đông và quan trọng nhất, các thực thể tại quần đảo Trường Sa không thể có các vùng biển rộng hơn 12 hải lý xung quanh, hay thậm chí không có việc cả quần đảo Trường Sa tạo ra một vùng biển rộng lớn xung quanh nó.
Vị trí Trung Quốc cho tàu có vũ trang hạng nặng quần thảo với các tàu cảnh sát biển của Việt Nam lâu nay quyết không thể là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc chồng lấn lên của Việt Nam.
Do đó, nếu Trung Quốc cho rằng khu vực này nằm trong vùng thuộc quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của Trung Quốc từ các thực thể tại Trường Sa, thì đây là một lập luận hoàn toàn không có cơ sở trong luật quốc tế.
Thế mà hôm 17/7, giữa thanh thiên bạch nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trâng tráo đe doạ Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam thực sự tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan và không có những hành động làm phức tạp tình hình,” ông Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh.
Tương tự, trước đây mấy năm, vào tháng 7/2017, một dự án dầu khí quan trọng khác của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó công ty Repsol (từ Tây Ban Nha) là đối tác, buộc phải ngưng bỏ. Tin thời ấy cho hay, giới lãnh đạo Repsol khi đó được Hà Nội thông báo, Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò.
Còn vừa rồi thì sao? Mãi cho tới hôm 19/7/2019, chính quyền Việt Nam mới chính thức cáo buộc tàu thăm dò khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã vi phạm chủ quyền với việc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa ở phía nam Biển Đông.
Giả sử không có Tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh, liệu Hà Nội đã dám công khai kêu cứu, sau khi, theo nếp truyền thống “bị bóng đè” từ xưa tới nay, thực hiện chính sách “hèn với giặc, ác với dân”. Quỵ luỵ, chửi đổng Bắc Kinh, nhưng tuyệt đối không cho dân mở miệng, với một lý sự cùn, “đã có đảng và nhà nước lo”.
Một ngày sau khi Hà Nội cầu cứu, Washington lập tức lên tiếng. Ở đây chưa hẳn đã là “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Bộ Ngoại giao Mỹ “giữa đường thấy sự bất bình mà tha” hẳn phải là vì “Nước Mỹ trước tiên” (lời của Trump). Nhưng rõ ràng sự cộng hưởng lợi ích hiện nay giữa cuộc đấu “bất cân xứng” Hà Nội – Bắc Kinh với tầm nhìn Indo-Pacific của Washington là một cơ hội kim cương cho Việt Nam.
Nhưng “thời gian và thuỳ triều lại không chờ đợi ai”. Liệu Việt Nam còn “lửng lờ con cá vàng” đến bao giờ, theo kiểu của tướng Vịnh. “Chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường hòa bình và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế”. Than ôi, “cỏ nào đến miệng voi”, cộng đồng quốc tế nào đến với Việt Nam mà ông tướng ba hoa này “há miệng chờ sung” hoài vậy?
Người Việt từ xa xưa đã mượn hình ảnh con chuột và sự cố hoả hoạn để nói về những kẻ xấu xa trong cộng đồng thường ẩn mình không lộ diện. Chỉ khi gặp nguy nan chúng ta mới biết được, thứ nhất, bộ mặt thật của những những kẻ hiểm ác và thứ hai, ai là người vì mình đã “mang ô đến khi trời mưa” (Friend in deed is a friend in need). Chân lý giản dị này khi nào mới được giới lãnh đạo Hà Nội “ngộ” ra?



8 năm tù không hối tiếc vì khẩu hiệu “HS.TS.VN”


Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người con gái đất Trà Vinh bị nhà cầm quyền cầm tù 8 năm bởi vẽ và dán khẩu hiệu "HS.TS.VN". Cô sẽ ra khỏi cổng tù ngày 2/8/2019 tới đây.
Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người con gái đất Trà Vinh bị nhà cầm quyền cầm tù 8 năm bởi vẽ và dán khẩu hiệu "HS.TS.VN". Cô sẽ ra khỏi cổng tù ngày 2/8/2019 tới đây.

Sự kiện Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông vẫn là bí mật được dấu kín. Như bao nhiêu chuyện mà giới lãnh đạo đảng cầm quyền cho là “nhạy cảm”, những sự thật về biên giới hải đảo là một trong số cấm kỵ đó. Ngay thời điểm này mà những tin tức về cuộc chiến bảo vệ tổ quốc đó vẫn bị che dấu, ít người được biết đến, thì thật là thương xót cho những người cả chục năm trước lên tiếng vì tình yêu quê hương đất nước biết bao.
Theo dõi những diễn biến thời sự gần đây đã làm tôi nhớ đến Nguyễn Đặng Minh Mẫn – một người phụ nữ trẻ bước vào tù ở tuổi thanh xuân 26 tuổi, chỉ vì dám khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, cách đây 8 năm. Chỉ vì viết những khẩu hiệu như “HS.TS.VN” mà Minh Mẫn đã bị bắt vào tháng Bảy năm 2011, và bị kết án 8 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Sắp tới đây người thanh nữ yêu nước đó mãn hạn tù sau những năm tháng bị đoạ đày.
Nhiều người có thể nghĩ rằng tại sao chỉ nói lên sự thật về chủ quyền của tổ quốc mà lại bị quy tội. Thật trớ trêu thay, chính chị Minh Mẫn là nhân chứng rằng tuyên bố “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” lại là điều cấm kỵ đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cứ nhìn cách mà báo chí và giới cầm quyền hành xử với những blogger hay facebooker trước nguy cơ Trung Quốc hoàn toàn chiếm trọn Biển Đông là có thể hiểu phần nào. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển đảo bị chính công an Việt Nam vùi dập trong máu và dùi cui.
Khẩu hiệu HS.TS.VN được dùng sơn xịt lên tường để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Khẩu hiệu HS.TS.VN được dùng sơn xịt lên tường để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Những cuộc xuống đường chống Trung Quốc năm 2011, đã khiến không ít người bị tù đày. Nhưng đáng chú ý hơn là nhà hoạt động trẻ Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị quy tội vì viết những dòng chữ “HS.TS.VN”. Sự thật thì chính cáo trạng đã ghi rằng chị Minh Mẫn dùng bình sơn xịt các khẩu hiệu “HS.TS.VN” (Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam) như là hành vi tội phạm. Có thể coi việc bỏ tù chị Minh Mẫn như là bằng chứng mà Hà Nội thừa nhận sự tùng phục của họ đối với Bắc Kinh.
Tôi vẫn còn nhớ như in khi thẩm phán phiên toà hôm tháng Giâng năm 2013, đã hỏi đi hỏi lại về động cơ của chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn khi xịt sơn với dòng chữ “HS.TS.VN” lên tường. “Bị cáo làm như vậy (viết chữ ‘HS.TS.VN’ để làm gì?” Hay “bị cáo hãy cho biết động cơ của bị cáo khi làm như vậy?”…
8 năm sau, chính thể cộng sản Việt Nam vẫn không thay đổi thái độ “hèn với giặc, ác với dân”. Họ vẫn cố tình bịt tai quân đội, bịt mắt nhân dân, bịt miệng báo chí. Cả hệ thống tuyên giáo vẫn coi người đòi xoá “đường lưỡi bò”, đòi dân chủ nhân quyền là “phản động”, trước sự kiện Bắc Kinh đang xua tàu chiến đến chiếm Bãi Tư Chính.
8 năm sau người dân đã dần nhìn rõ những hành vi phản trắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đã có thêm những người trẻ bất chấp nỗi sợ hãi liệt kê tên mình vào danh sách những tù nhân lương tâm. Nhưng cũng là thêm những năm sự hy sinh của những người như chị Minh Mẫn vẫn chưa được đền đáp tương xứng. Nhà nước này lại tiếp tục để mất thêm những vùng tiền tiêu của tổ quốc.
8 năm tù không một ngày giảm án, không một lần hối tiếc vì hành động của mình. Những điều đó có làm cho chúng ta bận tâm suy nghĩ?
Chúng ta có đủ can đảm để khẳng định chủ quyền quốc gia bất chấp bị coi là “phản động”, bất chấp bị đoạ đày vì lòng yêu nước của mình?
Tôi không tin người Việt của chúng ta hèn nhát và tôi cũng không oán trách nếu như còn nhiều người chưa lên tiếng. Tôi vững tin rằng Việt Nam có rất nhiều những anh thư như chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Tôi cũng tri ân bao người trẻ vẫn miệt mài dâng hiến tuổi thanh xuân cho Đất Mẹ Việt Nam.
Khi chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn ra khỏi nhà tù nhỏ chắc chắn chị sẽ nhập dòng cùng với dân tộc để tiếp tục sứ mang phá đổ nhà tù lớn, chấm dứt những ngày nô lệ phương Bắc để vĩnh viễn cất cao lời thề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” mà chị đã bị đẩy vào nhà tù cách nay 8 năm.
Trong niềm tin đó, tôi tự hỏi chúng ta đã và sẽ cùng nhau làm gì để dải đất chữ S này thoát khỏi gọng kềm phương Bắc? Chúng ta sẵn sàng làm gì để dân tộc này thoát khỏi gông cùm của chế độ độc tài?

Cảnh sát Philippines cáo buộc Phó Tổng thống âm mưu “nổi loạn”

20/07/2019

Cảnh sát Philippines cáo buộc Phó Tổng thống âm mưu “nổi loạn” - 1
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo (Ảnh: AFP)
AFP dẫn thông báo ngày 19/7 của cảnh sát Philippines đề xuất cáo buộc chống lại bà Robredo, 4 lãnh đạo Nhà thờ Công giáo, và các chính trị gia đối lập với nghi ngờ rằng họ đã có kế hoạch nhằm gây bất ổn cho chính quyền ông Duterte bằng cách tung tin ông có liên quan tới đường dây buôn bán ma túy.
Ông Duterte là chính trị gia phát động cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi kể từ khi ông lên nắm quyền 3 năm trước. Hàng nghìn người đã chết trong cuộc chiến này.
Theo AFP, phía công tố đã mở cuộc điều tra với hơn 20 nhân vật chính trị ở Philippines bao gồm cả bà Robredo và họ có thể phải ra hầu tòa và đối diện với nguy cơ ngồi tù. Mức phạt cao nhất cho tội danh “nổi loạn” là 6 năm tù giam.
Đảng Tự do của bà Robredo nói rằng đề xuất từ phía cảnh sát nhằm cáo buộc bà Robredo rõ ràng là “hành vi quấy rối chính trị” chống lại quan chức cao thứ 2 Philippines, đồng thời là một trong những người phản đối dữ dội nhất cuộc chiến ma túy của ông Duterte.
Một phát ngôn viên của bà Robredo khẳng định nữ quan chức này sẵn sàng đối diện với bất cứ quy trình nào, đồng thời nhận định những lời cáo buộc của cảnh sát là không hợp lệ vì không có bất cứ “bằng chứng thực sự” nào.
Theo luật Philippines, phó tổng thống là chức danh được bầu cử riêng.
Vụ điều tra được bắt đầu kể từ khi hàng loạt video được tung lên mạng internet, trong đó có sự xuất hiện của một người đàn ông đeo mặt nạ cáo buộc gia đình ông Duterte liên quan tới các đường dây buôn bán ma túy trái phép.
Theo AFP, phần lớn những nhân vật bị cảnh sát Philippines cáo buộc đều là những người chỉ trích cách cuộc chiến chống ma túy được thi hành trong 3 năm qua.
Ngoài cuộc chiến chống ma túy, ông Duterte cũng gây tranh cãi trong chính giới nước này khi có một số chính sách và động thái có hướng được cho là nghiêng về Trung Quốc.
Theo Channel News Asia

Các nước trong khu vực tăng cường lực lượng cảnh sát biển nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của TC tại Biển Đông

21/07/2019


Các nước tăng cường tàu cảnh sát biển đối phó Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông - 1
Một tàu cảnh sát biển Philippines đi ngang qua tàu cảnh sát biển Trung Quốc trong cuộc tập trận cứu hộ giữa Mỹ và Philippines gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. (Ảnh: AFP)


Lực lượng cảnh sát biển Philippines ngày 17/7 thông báo sẽ tiếp nhận một tàu tuần tra ngoài khơi, dài 84m do Pháp sản xuất, vào tháng 12 tới. Đây được cho là tàu tuần tra “hiện đại nhất và lớn nhất” của Philippines.
Theo truyền thông địa phương, con tàu trên được thiết kế để tiến hành các hoạt động tuần tra ven biển tại các vùng biển của Philippines, cũng như các hoạt động trinh sát hàng hải và thực thi pháp luật. Tàu tuần tra này được kỳ vọng sẽ thực hiện tất cả sứ mệnh đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải của Philippines tại Biển Đông.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết giúp đỡ các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, trong việc phát triển lực lượng cảnh sát biển và huấn luyện các sĩ quan thuộc lực lượng này.
Việc các nước trong khu vực tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh sử dụng các tàu cảnh sát biển để khẳng định yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc muốn tăng cường sử dụng tàu cảnh sát biển nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông mà không cần có sự tham gia của quân đội nước này. Giới quan sát nhận định động thái này của Bắc Kinh có thể khiến căng thẳng leo thang tại Biển Đông. Điều này cũng cho thấy vai trò ngày càng tăng của các tàu cảnh sát biển, hay còn gọi là các tàu “thân trắng”, trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
“Các tàu thân trắng ngày càng hoạt động tích cực hơn tại (tranh chấp) Biển Đông và vai trò của chúng ngày càng trở nên đáng chú ý hơn so với các lực lượng quân sự”, Zhang Mingliang, giáo sư trợ giảng chuyên nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Tế Nam, Trung Quốc, nhận định.
Theo chuyên gia Zhang, dư luận thường chỉ tập trung vào sự phát triển của sức mạnh hải quân, trong khi không mấy quan tâm tới sự phát triển của lực lượng cảnh sát biển.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong khi sức mạnh hải quân đang tăng lên, số lượng tàu cảnh sát biển trong khu vực cũng gia tăng với tốc độ nhanh chóng”, chuyên gia Zhang cho biết.
Năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trên Biển Đông từ Philippines sau cuộc đụng độ kéo dài nhiều tháng giữa tàu cá và tàu cảnh sát biển hai nước. Đây cũng là một trong những vụ việc căng thẳng nhất liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Các nước tăng cường tàu cảnh sát biển đối phó Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông - 2
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc tìm cách chặn tàu Philippines khi tàu Philippines tiến vào bãi Cỏ Mây tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AP)

Giới quan sát khu vực cho rằng việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng phi quân sự và các tàu cảnh sát biển nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đã “mở ra bài học” cho các nước khác trong khu vực, mặc dù rào cản về tài chính có thể giới hạn nỗ lực của các nước này.
“Về lý thuyết, việc triển khai lực lượng cảnh sát biển thay vì hải quân sẽ để lại ấn tượng về quân sự ít hơn, đồng thời thúc đẩy sự ổn định. Tuy nhiên trên thực tế, như chúng ta đã thấy trong các sự kiện gần đây, việc sở hữu lực lượng cảnh sát biển đã khuyến khích một số bên thực hiện hành vi cưỡng ép”, Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Chương trình An ninh Hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.
Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, song quốc đảo Đông Nam Á vẫn âm thầm phát triển lực lượng cảnh sát biển trong một năm qua.
Hồi tháng 2, Philippines đã tiếp nhận 2 tàu cao tốc cao 12m từ Nhật Bản trong chương trình hỗ trợ chống khủng bố, trong khi Nhật Bản là nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Hồi tháng 5, lần đầu tiên trong vòng 7 năm, chính phủ Philippines đón tiếp tàu cảnh sát biển USCGC Bertholf của Mỹ ghé thăm. Tàu USCGC Bertholf đã tham gia cuộc tập trận huấn luyện quân sự với hai tàu cảnh sát biển Philippines nhằm tăng cường “năng lực tìm kiếm, cứu hộ, an ninh hàng hải và thực thi pháp luật”.
Theo chuyên gia Koh, mặc dù các vấn đề thường ngày liên quan tới an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm việc ngăn chặn các hoạt động trái phép trên biển, có thể là lý do thôi thúc các quốc gia trong khu vực phát triển lực lượng cảnh sát biển, song rõ ràng, Trung Quốc chính là “động lực thôi thúc chủ đạo” khiến các nước phải chạy đua để nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát biển.
Chuyên gia Zhang nhận định, trong bối cảnh các nước tăng cường triển khai tàu cảnh sát biển tới các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, nguy cơ đối đầu và xung đột nguy hiểm có thể gia tăng, nhất là khi khu vực này hiện vẫn chưa có bộ quy tắc ứng xử nào áp dụng cho các tàu cảnh sát biển.
“Cho đến nay, cách tiếp cận phổ biến nhất (với các nước trong khu vực) vẫn là đổ xô mua các tàu mới, giống như một cuộc đua tàu cảnh sát biển. Tuy nhiên, bởi vì ngày càng nhiều tàu cảnh sát biển được triển khai, nên ngày càng khó để tránh xảy ra các vụ va chạm”, chuyên gia Zhang dự báo.
Chuyên gia Koh cho rằng do chưa có các quy tắc để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ từ các vụ va chạm giữa các tàu cảnh sát biển, tình hình Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn khi các nước khác, chẳng hạn Malaysia và Indonesia, cũng triển khai các lực lượng hải quân tới khu vực này.
“Sự phức tạp ở đây đó là, trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến các lực lượng hải quân và cảnh sát biển hoạt động trong cùng một khu vực, thay vì chỉ có các vụ chạm trán giữa tàu các tàu cảnh sát biển với nhau”, chuyên gia Koh cho biết.
Theo SCMP

Powered by Blogger.