Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/07/2019

Sunday, July 21, 2019 7:05:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/07/2019

Tại sao không có biểu tình


chống Trung Cộng gây hấn ở Biển Đông?


Tin ngày 21/7/2019: Vẫn chưa có cuộc biểu tình nào của dân chúng trong gần 3 tuần gần đây kể từ đầu tháng 7 khi tin tức về việc Trung Cộng gây hấn ở Bãi Tư Chính được đưa ra trên mạng xã hội.

Sau khi không thể im lặng trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Cộng ở Biển Đông, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam mới đọc thông cáo ngày 19/7 chỉ đích danh Trung Cộng là kẻ quấy rối và yêu cầu rút mọi tàu bè ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính. Dường như nhà cầm quyền Hà Nội bật đèn xanh cho dân chúng biểu tình phản đối Bắc Kinh, vì những chốt canh ở gần tư gia của nhiều nhà hoạt động đã được rút bỏ.

Nhiều nhà hoạt động, những người từng tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng trong những năm từ 2011 đến 2016, đều nói rằng họ sẽ không để nhà cầm quyền cộng sản lợi dụng. Một nhà hoạt động nói: khi cần thì chúng ngầm khuyến khích người dân biểu tình, nhưng sau khi đã đạt mục đích, chúng sẵn sàng quay lại đàn áp nếu biểu tình vượt ra ngoài khuôn khổ. Minh chứng cho điều này là ở trung tâm các thành phố lớn, lực lượng mật vụ được tăng cường và sẵn sàng ra tay.

Trong năm 2011, đã có 11 cuộc biểu tình chống Trung Cộng liên tiếp trong các ngày chủ nhật ở Hà Nội, nhiều trong số đó bị đàn áp và những người tích cực bị đưa vào sổ đen của lực lượng an ninh cộng sản. Họ bị theo dõi, gây khó khăn trong hoạt động kinh tế, bị đánh đập và thậm chí bị tù đày vì những cáo buộc nguỵ tạo, hoặc bị chặn xuất cảnh.

Biểu tình chống Formosa còn bị đàn áp khốc liệt hơn, và nhiều người đã bị cầm tù dài hạn như Hoàng Đức Bình với án 14 năm.

Nhiều nhà hoạt động xác định rằng chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay không có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông, nhưng lại đàn áp dân chúng vì sợ biểu tình sẽ vượt quá tầm kiểm soát của chúng và có thể dẫn tới chế độ lung lay. Vì vậy, ngoại trừ chế độ tự tổ chức biểu tình chống Trung Cộng, thì sẽ không có biểu tình tự phát của những người yêu nước thực sự.

Quốc Tuấn




Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế


TTO – Từ ngày 3-7, nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa Chất 8, tàu thăm dò địa chất) của Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Tư Chính – Vũng Mây.

Hoạt động của nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.

Xâm phạm ra sao?

Theo quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Theo Th.S Phạm Ngọc Minh Trang, hiện là giảng viên bộ môn Luật Quốc tế (Khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG TP.HCM), hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc nếu nhằm mục đích thăm dò trữ lượng dầu khí ở đáy vùng đặc quyền kinh tế (thềm lục địa của Việt Nam) đã xâm phạm các quyền chủ quyền của Việt Nam.

Nếu hoạt động thăm dò địa chất nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học thì dù dưới mục đích hòa bình hay không, Trung Quốc cũng đã xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc còn đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, xâm hại các quyền tự do đi lại và khai thác kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác (được Việt Nam cho phép) tại đây.

Điều 73 của UNCLOS quy định các quốc gia ven biển có quyền thực thi các hoạt động hành pháp và tư pháp như khám xét, điều tra, bắt giữ và tiến hành các hoạt động tố tụng mà quốc gia này cảm thấy là cần thiết để đảm bảo các quy định và pháp luật của mình phải được tuân thủ. Đây là các quyền tài phán mà công ước cho phép các quốc gia ven biển thực hiện để bảo vệ quyền chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế.

Theo Th.S Trang, đối với các quốc gia nước ngoài, trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, các tàu thuyền của họ được hưởng quyền tự do đi lại nhưng cũng phải tuân thủ theo các luật định của quốc gia ven biển và các quy định khác của luật quốc tế (điều 58).

Như vậy, công ước có các điều khoản và quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Chính Trung Quốc cũng đã dựa vào các cơ sở pháp lý trên mà xua đuổi tàu Impeccable của Mỹ ra khỏi vùng nước của đảo Hải Nam, khi tàu này thực hiện khảo sát tại đây vào năm 2009.

Hành trình tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc ở phía tây quần đảo Trường Sa, theo truy vết của Marine Traffic từ ngày 3 đến 19-7 – Ảnh: Tuổi Trẻ/Marine Traffic

Vùng biển không tranh chấp

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam.

Đây là vùng biển được hoạch định theo UNCLOS 1982.

Vùng biển này không tranh chấp với nước nào và càng không tranh chấp với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc vẽ “đường lưỡi bò” liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc – một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982 – đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó.

Phán quyết khẳng định rằng “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong “đường lưỡi bò”.

Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có bãi Tư Chính.

Tòa trọng tài quốc tế kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong công ước, tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn”.

Đi theo bảo vệ tàu còn có ít nhất 3 tàu hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải cảnh 12.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Tín hiệu vệ tinh cũng ghi nhận sự hiện diện của 3 tàu hải cảnh Trung Quốc là Haijing 37111, Haijing và Zhonguo Haijing 46303.

Chuyên gia quốc tế nói gì?

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định nhiều nước trong khu vực đang theo dõi và lo ngại cách Trung Quốc hành xử trong vùng biển Việt Nam.

“Bắc Kinh sẽ không từ bỏ ngăn cản các nỗ lực khai thác dầu khí của bất kỳ nước nào trong “đường lưỡi bò” (vô lý do họ vẽ ra – PV). Họ sẽ tiếp diễn hành động đó bằng việc bắt nạt và hăm dọa các nước khác, nhưng hạn chế sử dụng vũ lực.

Nếu quốc gia đó kiên quyết đối đầu, trong trường hợp này là Việt Nam và có thể là Malaysia chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ tìm cách xuống nước nhưng sẽ không thôi thử lại trò đó vào dịp khác” – ông Poling cảnh báo.

Nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) cảnh báo nếu Trung Quốc quyết tâm leo thang căng thẳng trong vụ việc lần này, hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm mà nước này cố gắng xây dựng sẽ sụp đổ.

“Những tình huống leo thang căng thẳng có thể dẫn tới những khó khăn chưa thể lường trước cho Trung Quốc vào năm tới, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN. Nó cũng đi ngược lại bức tranh mà Bắc Kinh gắng sức tô vẽ, đó là một Biển Đông hòa bình và ổn định không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài” – ông nói.

DUY LINH




Đám cưới con,


trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức 3 ngày 4 tiệc


TTO – Lễ cưới diễn ra trong 3 ngày với 4 lần tổ chức tiệc đãi khách, trong đó có tiệc 80 bàn (800 khách) tại một nhà hàng lớn nhất tỉnh Sóc Trăng.

Sẽ xử lý những ai sử dụng xe công đi đám cưới

Chiều 21-7, ông Trần Ngọc Tuấn – trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng – cho biết rất ngạc nhiên khi nghe bà Hồ Thị Cẩm Đào – trưởng Ban dân vận Tỉnh uỷ, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng – tổ chức tiệc cưới cho con đãi khách nhiều lần như vậy.

“Tôi đang trên đường từ Hà Nội về, có mấy anh em gọi cho tôi hay. Tổ chức tiệc như vậy là không nên”, ông Tuấn chia sẻ.

Liên quan đến việc nhiều cơ quan, đơn vị ở tỉnh Sóc Trăng sử dụng xe công đi đám nhóm họ và đám cưới con bà Đào, ông Tuấn tỏ ra “bực mình”. “Quy định đã có rồi, tỉnh đã có xử lý cán bộ sử dụng xe công không đúng, vậy mà vẫn còn tái diễn, tôi không hiểu được”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thứ hai (22-7) sẽ báo cáo Tỉnh ủy yêu cầu kiểm tra và xử lý trường hợp vi phạm.

Đám cưới rình rang chưa từng có ở Sóc Trăng

Người dân Sóc Trăng đang xôn xao chuyện bà Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức tiệc cưới cho con trai rình rang chưa từng có.

Để chuẩn bị cho tiệc cưới này, bà Đào in thiệp mời, “chia” giờ đãi khách thành nhiều lần khác nhau, gồm: tiệc “tiền nhóm họ”, tiệc nhóm họ, tiệc đãi khách tại nhà riêng và tiệc đãi khách tại nhà hàng.

Theo đó, sáng 19-7 (thứ sáu), bà Đào đã thuê người dựng 2 rạp cưới, bố trí được khoảng trên 50 bàn tại nhà riêng ở khu dân cư Đại Thành (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Đến chiều cùng ngày, theo gợi ý của khách mời, bà Đào tổ chức tiệc “tiền nhóm họ” dành riêng cho những cán bộ chủ chốt của tỉnh Sóc Trăng.

Từ 16h chiều 20-7, bà Đào tổ chức tiệc nhóm họ. Theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ Online, tại tiệc này, nhiều ôtô biển xanh tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh đậu, đưa đón khách mời, như: 83D-0440, 83D-0501, 83D-0366, 83D-04884, 83A-00332, 80B-2479, 65E-6868, 66A-0637, 71B-0748…

Sáng 21-7, sau khi tổ chức lễ đón dâu (nhà gái ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), bà Đào tổ chức tiệc tại tư gia vào lúc 10h.

16h chiều cùng ngày, tại nhà hàng tiệc cưới lớn nhất Sóc Trăng (phường 4, TP Sóc Trăng), bà Đào tiếp tục tổ chức tiệc đãi khách. Theo một nhân viên nhà hàng này, bà Đào đặt 80 bàn tiệc.

Một người dân sống gần khu dân cư Đại Thành cho biết chưa bao giờ chứng kiến một lễ cưới diễn ra nhiều ngày, tổ chức nhiều lần tiệc, xe cộ, khách khứa đông như vậy.

“Làm quan lớn nên cưới dâu cho con có khác, từ sáng đến tối lúc nào cũng đông khách”, người này nói.

KHẮC TÂM




Mang một trẻ sơ sinh Việt Nam sang Trung Cộng


chỉ nhận được 5 triệu đồng


Tin Vietnam.- Trẻ sơ sinh Việt Nam được buôn sang Trung Cộng với giá rẻ mạt! Trang Báo Mới ngày 20 tháng 7 năm 2019 dẫn lại tin cho biết, đồn Biên phòng Pò Hèn, thuộc Biên phòng tỉnh Quảng Ninh vừa bắt giữ ba đối tượng gồm: Nguyễn Thị Duyên, 27 tuổi, Phùng Văn Nam, 20 tuổi, hai  đều ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Họ bị bắt khi đang mang theo một trẻ sơ sinh 14 ngày tuổi để sang Trung Cộng mà không có bất kì giấy tờ gì chứng minh mối quan hệ với em bé.

Tại cơ quan điều tra, Duyên khai nhận em bé trên từ một người phụ nữ tên Phương tại bến xe khách Móng Cái để mang sang biên giới Trung Cộng giao cho một người phụ nữ tên Lan, 40 tuổi, là người Việt có chồng người Trung Cộng. Nếu thương vụ này thành công, Duyên sẽ được trả 5 triệu đồng tiền công. Còn nghi can Nam – người điều khiển xe gắn máy chở Duyên đến biên giới- khai đã trao đổi với một người qua mạng xã hội, để lên kế hoạch chở Duyên và cháu bé qua biên giới.

Hiện cháu bé đã được đưa đến trung tâm y tế thành phố Móng Cái để chăm sóc.

An Nhiên




60 đảng viên cộng sản cao cấp


bị kỷ luật trong chiến dịch đốt lò


Tin từ Hà Nội, ngày 21/7/2019: Hơn 53,000 đảng viên cộng sản và quan chức chính phủ, trong đó có 60 người thuộc quyền quản lý của Ban Chấp hành trung ương đảng đã bị kỷ luật trong chiến dịch đốt lò của đương kim tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, người cũng đang nắm giữ chức chủ tịch nước.

Theo ban kiểm tra trung ương đảng, đã có 1,579 cán bộ cộng sản đã bị điều tra và kết án về tham nhũng và sai phạm trong quản lý kinh tế trong 643 vụ án. Trong số này có uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng, 2 uỷ viên trung ương đảng, 1 cựu phó thủ tướng (Vũ Văn Ninh), 4 cựu bộ trưởng, hàng chục thứ trưởng, trong đó có cả thứ trưởng công an và quốc phòng, bí thư tỉnh/thành uỷ, chủ tịch và phó chủ tịch cấp tỉnh, bị tước thẻ đảng hoặc bị kết án tù.

Con số quan chức bị kỷ luật chưa dừng lại. Công chúng đang dõi theo hành động tiếp theo của tổng Trọng với Lê Thanh Hải, người mới nghỉ hưu sau khi giữ nhiều chức vụ quan trọng như bí thư thành uỷ và chủ tịch ủy ban ở Sài Gòn, và có vai trò như bố già ở thành phố năng động nhất Việt Nam. Ông này liên đới tới nhiều dự án phát triển bất động sản của thành phố.

Nhiều trong số những quan chức tham nhũng này có quan hệ gần gũi với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người làm thủ tướng trong hai nhiệm kỳ và là người làm cho tham nhũng trở thành hệ thống ở Việt Nam.

Ông Trọng được tung hô như người đốt lò vĩ đại với mục tiêu diệt tham nhũng để cứu đảng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc ông tống nhiều quan chức vào lò của mình chỉ là cuộc chiến phe nhóm, và ông tiêu diệt nhóm của Dũng, và mục tiêu cuối cùng cũng là Dũng. Những người này nói nhiều quan chức cao cấp khác tham nhũng nhưng thuộc phe nhóm của Trọng thì không bị kỷ luật, điển hình như bí thư Thanh Hoá, Bắc Ninh, Hà Giang… Bản thân ông ta cũng không trong sạch gì, ít nhất trong vụ Ciputra và Formosa.

Quốc Tuấn




Khó khăn gặp phải khi làm ăn ở Việt Nam?


Các chuyên gia Nhật Bản vừa qua đã gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin lùi thời hạn kết thúc dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor do Hà Nội hôm 9/7/2019 đã xả hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, cuốn trôi tất cả kết quả nghiên cứu của họ. Trong khi đó, công ty thoát nước Hà Nội – cơ quan mở cửa xả – cho rằng họ làm đúng theo quy trình. Từ câu chuyện của các chuyên gia Nhật Bản, cho thấy sự phối hợp không đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc điều phối, quản lý …ngay cả với những dự án đã được cơ quan các cấp đồng thuận thực hiện…

Khó khăn gặp phải

Sông Tô Lịch chảy qua thủ đô Hà Nội, con sông này bị ô nhiễm nặng nề do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở thành phố này. Chỉ trên đoạn sông dài chưa đến 15km đã có hàng trăm cống nước thải ra dòng sông, chưa kể hàng chục loại rác thải do người dân vứt xuống dọc sông.

Con sông này đã từng được đề xuất làm sạch bằng rất nhiều công nghệ nhưng bất thành. Hai tháng qua, nước sông dần có sự chuyển biến khi người Nhật áp dụng phương pháp Nano Bioreactor kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên. Khi dự án sắp kết thúc thì toàn bộ kết quả đều bị dòng nước Hồ Tây cuốn đi….

Đây không phải lần đầu chuyện này xảy ra trên cùng một dòng sông.

GS Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ kinh nghiệm của ông với báo chí trong nước cũng như trên tài khoản facebook cá nhân của ông rằng cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, ông đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi đưa công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel về để làm sạch sông Tô Lịch và các hồ nước không sạch nhằm chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Ông xin làm thí điểm ở một đoạn sông Kim Ngưu. Công việc tiến triển từng ngày. Đến ngày thứ 3 tự nhiên nước dâng lên đột ngột, các loại nước bẩn ầm ầm kéo đến tràn vào khu vực thực nghiệm cuồn cuộn cuốn phăng kết quả thí nghiệm. Nguyên nhân là công ty cấp thoát nước mở cống xả không thông báo trước.

Đồng cảm với câu chuyện của chuyên gia Nhật, ông David Dương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solution – VWS), kể cho RFA những khó khăn mà không ít doanh nghiệp hay nhà đầu tư gặp phải, đó là nạn văn bản được diễn giải theo ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ông chia sẻ:

“Thứ nhất là phải thường xuyên phải cạnh tranh với công ty trong nước. Thứ hai là các văn bản chồng chéo với nhau từ lãnh đạo này tới lãnh đạo kia. Hôm nay ra văn bản này, ngày mai lại ra văn bản khác. Đặc biệt mỗi lần họ thay đổi lãnh đạo, cấp dưới muốn đưa ra hướng nào thì vấn đề sẽ theo hướng đó.

Nhiều khi họp với lãnh đạo cấp cao ra những quyết định như thế này, nhưng cấp dưới lại ra văn bản khác với những quyết định đó, có khi ngược hẳn, có khi họ thêm những điều không có trong cuộc họp nên nó gây khó khăn rất nhiều.”

Theo ông những chuyện như thế xảy ra thường xuyên bởi sau buổi họp,  thường lãnh đạo sẽ giao cho cấp dưới ra văn bản rồi cho phát hành luôn. Nếu nhà đầu tư có mối quan hệ với lãnh đạo thì yêu cầu lãnh đạo coi lại, nếu không thì phải điều đình với cấp dưới cho đến khi văn bản được sửa đúng như tinh thần trong cuộc họp với cấp cao trước đó. Điều này đưa đến nhiều phiền toái cho nhà đầu tư bởi cấp dưới họ “dẫn” nhà đầu tư phải đi theo hướng của họ.

Ngoài những khó khăn về văn bản, giấy tờ. Một khó khăn nữa mà các nhà đầu đầu tư cả trong và ngoài nước đều có thể gặp phải, đó là sự canh tranh không lành mạnh từ các công ty ‘sân sau’ của lãnh đạo:

“Trong nước họ gọi là sân sau, tức là bà con, bạn bè thân thuộc của họ làm trong ngành nghề đó, hoặc họ muốn lấy thầu một dự án nào đó. Chuyện đó xảy ra thường xuyên và mình bị đối xử không công bằng nhưng mình không biết sân sau của họ là ai.

Nói về chuyện “mơ hồ” từ cách thực hiện văn bản đến cách xử lý công việc tại hệ thống công quyền Việt Nam mà không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp phải khi trực tiếp “đụng chuyện”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng, hiện là cố vấn cấp cao tại National Citizen Bank trụ sở tại Hà Nội, từng về nước làm việc từ đầu những năm 1990 chia sẻ kinh nghiệm cụ thể của mình: “Tôi phải mất một thời gian rất lâu để thích nghi. Cũng may hồi tôi làm luận án tiến sĩ đề tài của tôi là nghiên cứu về sự độc lập của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tôi hiểu Ngân hàng Trung ương họ vận hành như thế nào, và tại sao gọi là Ngân hàng Trung ương, chức năng của nó như thế nào.

Khi đem kiến thức đó về đến Việt Nam thì tôi thấy ở Việt Nam, ngân hàng này lại là một bộ phận của chính phủ Việt Nam. Chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương đương với Bộ trưởng Tài chính. Việt Nam không có tên gọi Ngân hàng Trung ương vì họ không thực sự có tính độc lập.”

Cách giải quyết

Theo ông David Dương, khi về nước đầu tư, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải nắm thật chắc luật để khi làm việc, phải đưa luật ra “ứng phó”. Đó là “chìa khóa” để tránh phải đút lót hay tốn thêm chi phí không đáng có. Đặc biệt, theo ông Dương, việc tham khảo với luật sư và nắm rõ luật pháp Việt Nam khi mình muốn đầu tư vào ngành nghề gì cũng rất cần thiết. Bởi lẽ, ở Việt Nam có những văn bản thấy vậy nhưng không phải vậy. Thậm chí có những văn bản ra sau lại “ngáng chân” cái trước. Ông nói:

“Nếu mình có luật sư và nắm vững về pháp lý thì mình ép họ phải tuân thủ pháp lý. Tuy nhiên pháp lý ở Việt Nam thì họ muốn nói như thế nào là họ nói. Nhiều khi mình nói đúng luật đúng lý nhưng nếu lãnh đạo họ không thích họ cũng ra oai, bởi vì tất cả những văn bản được hiểu tùy theo người. Mình hiểu theo ý của mình nhưng người thực hiện hiểu theo ý của họ, bởi khi ra văn bản hay luật họ thòng thêm câu “trong trường hợp khác” để những người thực hiện có quyền theo suy nghĩ của họ, hoặc để họ lấy câu thòng thêm đó để họ áp đảo việc thay cả luật.”

Bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào về Việt Nam vì việc đầu tiên họ nhắm đến là lợi nhuận trên nền tảng kinh doanh hợp pháp, lâu dài. Còn phía Nhà nước Việt Nam thì được hưởng lợi với việc tăng trưởng kinh tế, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước, tăng nguồn thu cho ngân sách…tức là đôi bên cùng có lợi. Nhưng nếu họ không được đối xử công bằng dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi, doanh thu thì họ sẽ khởi kiện các cơ quan chức năng vi phạm.

Luật sư Lê Công Định, một chuyên gia về Luật thương mại quốc tế, từng là chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lên tiếng với RFA:

“Tôi nghĩ không chỉ có những vụ kiện của doanh nghiệp trong nước, mà những nhà đầu tư nước ngoài nếu bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn, thiệt hại cho những dự án kinh doanh của họ thì họ hoàn toàn có thể kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế.”

Tuy nhiên theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố vào tháng 11/2018 thì do giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp, trong các biện pháp  giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp có cả sử dụng xã hội đen.

Cụ thể, 9% doanh nghiệp đã tiếp xúc với toà án lựa chọn biện pháp sử dụng xã hội đen, 41% nhờ cán bộ nhà nước tác động, 23% chọn giải pháp đưa ra báo chí, 47% chọn trọng tài thương mại.




Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng cộng sản


Việt Nam, Võ Văn Thưởng, sang Trung Quốc


tham dự hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa hai đảng


Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Võ Văn Thưởng, sang Trung Quốc tham dự hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa đảng cộng sản Trung Quốc và đảng cộng sản Việt Nam.

Truyền thông trong nước loan tin vào sáng ngày 21 tháng 7 tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu Trung Quốc, hội thảo vừa nêu được khai mạc và kéo dài hai ngày sang ngày 22 tháng 7.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam là ông Võ Văn Thưởng và trưởng đoàn phía Trung Quốc là ông Hoàng Khôn Minh, người tương nhiệm Trung Quốc với ông Thưởng.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Thưởng đọc bài phát biểu tiêu đề ‘Những vấn đề có tính quy luật trong hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.’ Còn phía ông Hoàng Khôn Minh thì đọc bài ‘Một số nhận thức về qui luật xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc’.

Tin cho biết thêm trước khi tham gia hội thảo vừa nêu, ông Võ Văn Thưởng hội kiến ông Triệu Lạc Tế, bí thư Ủy Ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng cộng sản Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, ông Võ Văn Thưởng lặp lại đề nghị mà các lãnh đạo Việt Nam đưa ra với phía Trung Quộc mỗi khi sang thăm: đó là đề nghị hai bên cần thực hiện tốt những nhận thức chung đã đạt được của lạnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc…

Vào chiều ngày 12 tháng 7, South China Morning Post – SCMP loan tin dẫn đoạn Tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, hôm 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Marine Geology 8) đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn.

Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.

Trong khi đó, sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đột nhiên đi thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và nói chuyện qua điện thoại vệ tinh với các chiến sĩ làm việc trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039.

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng cho rằng cơ quan này không được để bị động, bất ngờ trước các tình huống xảy ra trên biển.

Cũng vào chiều ngày 11 tháng 7, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa bà chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân với ông chủ tịch Nhân Đại Trung Quốc Lật Chiến Thư hai phía lặp lại cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của hai lãnh đạo cao cấp hai đảng, hai nước ‘thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc’.




Đụng độ trên Biển Đông, hai đảng cộng sản “anh em”


vẫn hội thảo về chủ nghĩa xã hội


Tin Vietnam.-  Báo Vietnamnet loan tin, sáng ngày 21 tháng 7 năm 2019, hai đảng Cộng sản “anh em” Việt Nam và Trung Cộng đã thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu lý luận với chủ đề “Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”.

Đây là hội thảo lần thứ 15 giữa hai đảng cộng sản được tổ chức tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Cộng, hội thảo sẽ diễn ra hai ngày. Đại diện cho đảng cộng sản Việt Nam tham dự hội thảo là ông Võ Văn Thưởng, ủy viên bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Tại đây, ông Thưởng đã có bài phát biểu về “Những vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Còn phía Trung Cộng do ông Hoàng Khôn Minh, Trưởng đoàn đại biểu đảng cộng sản phát biểu về “Một số nhận thức về quy luật xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Cộng”. Hai bên thông báo cho nhau về tình hình mỗi đảng, mỗi nước để thúc đẩy quan hệ giữa hai đảng độc tài; đồng thời trao đổi, hợp tác giữa hai ban Tuyên giáo trung ương.

Điều mỉa mai nhất là sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh Trung Cộng đã và đang thực hiện hành vi xâm lược vùng biển Việt Nam ở gần khu vực Bãi Tư Chính, thuộc quần đảo Trường Sa khi đưa tàu thăm dò dầu khí Hải Dương địa chất 8 cùng hàng loạt tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam. Báo Tuổi trẻ ngày 21 tháng 7 năm 2019 loan tin, ông Phạm Quang Vinh, cựu đại sứ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Mỹ nhận định về vấn đề Biển Đông rằng, Việt Nam cần bảo đảm chủ quyền, biển đảo, quyền tài phán trên biển, nhưng vẫn phải đồng thời duy trì được hòa bình, ổn định. Dư luận mạng xã hội Việt Nam cho rằng, đối với quân xâm lược Trung Cộng thì chính quyền CSVN ôn hòa đến mức nhu nhược. Còn đối với những người dân yêu nước, lên tiếng phản đối Trung Cộng, thì bị lực lượng an ninh đánh đập dã man, cùng với những án tù khắc nghiệt.

An Nhiên




Reuters: Việt Nam, TQ xung đột trên Biển Đông


Hai trung tâm nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington, Mỹ hôm thứ Tư (17/7) đã thông tin với Reuters rằng các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc gần đây đã vướng vào một vụ xung đột kéo dài hàng tuần gần một lô dầu mỏ ngoài khơi bờ biển Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Reuters dẫn theo hai báo cáo riêng rẽ của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) và Trung tâm Nghiên cứu Phòng vệ Tiên tiến (C4ADS) cho biết tàu thăm dò dầu khí Haiyang Dizhi 8 do cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc quản lý hôm thứ Hai (15/7) đã hoàn thành cuộc khảo sát kéo dài 12 ngày tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Một trong những lô dầu mỏ mà tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc khảo sát được Việt Nam cấp phép cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha khai thác. Tuy nhiên, theo Reuters, vào năm 2017 và năm 2018 do áp lực từ Trung Quốc, Việt Nam đã buộc Repsol phải dừng hoạt động tại lô dầu mỏ này.

Báo cáo của C4ADS dẫn dữ liệu từ Winward Maritime thông tin rằng trong khi tàu Haiyang Dizhi 8 thực hiện hoạt động khảo sát, 9 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp cận gần tàu thăm dò Trung Quốc này. Tàu Haiyang Dizhi 8 cũng được hộ tống bởi 3 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.

Reuters cho biết thêm rằng, vào vài ngày trước đó nữa, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 35111 đã di chuyển theo “cách thức đe dọa” nhắm vào các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản do công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft thuê thực hiện khoan dầu tại Lô 06.1 của Việt Nam, cách bờ biển đông nam Việt Nam khoảng 370km.

Lô 06.1 của Việt Nam nhưng cũng nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra để yêu sách chủ quyền hầu hết Biển Đông. Từ năm ngoái, Reuters đã đưa tin rằng công ty Rosneft Vietnam BV, trực thuộc Rosneft đã bày tỏ lo lắng về việc khoan dầu tại Lô 06.1 sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng.

Báo cáo của CSIS nói rằng: “Vào ngày 2/7 khi các tàu [Việt Nam] đang rời khỏi khu vực giàn khoan Hakuryu-5, thì tàu [Cánh sát biển Trung Quốc] 35111 đã lao vào giữa [các tàu Việt Nam] với tốc độ cao, khoảng cách giữa các tàu Việt Nam chỉ khoảng 100m, và cách giàn khoan gần nửa hải lý.”

Reuters nói rằng cho tới thứ Tư (17/7), vẫn chưa có thông tin rõ ràng liệu còn có bất kỳ tàu Trung Quốc nào vẫn đang thách thức giàn khoan của Rosneft tại Lô 06.1 hay không.

Phản ứng với những thông tin lan tỏa rộng trên mạng xã hội về xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12/7 nói rằng lập trường của Trung Quốc đối với Biển Đông là “rõ ràng và nhất quán”.

“Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền và quyền hàng hải của mình trên Biển Đông, đồng thời duy trì kiểm soát các tranh chấp với các nước liên quan thông qua đàm phán và tham vấn,” ông Cảnh nói, nhưng không đề cập tới căng thẳng Trung – Việt đang diễn ra trên Biển Đông.

Hôm thứ Ba (16/7), trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép

của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.”

Phát biểu của bà Hằng cũng không xác nhận hay phủ nhận đang có xung đột giữa các tàu Cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông.

Reuters thông tin rằng họ đã gửi thư tới các công ty dầu khí Rosneft và Repsol để yêu cầu cung cấp thông tin, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó, vào ngày 11/7 – thời điểm Trung Quốc đang thực hiện khảo sát các lô dầu mỏ tại Trường Sa, Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm trụ sở của Cảnh sát biển Việt Nam tại Hà Nội.

Truyền thông nhà nước Việt Nam có đăng thông tin Thủ tướng Phúc nói chuyện với các thủy thủ trên tàu Cảnh sát biển thông qua cuộc gọi video.

Trên trang web của Cảnh sát biển Việt Nam thông tin rằng ông Phúc đã nói với các thủy thủ hãy “giữ cảnh giác và sãn sàng chiến đấu” và phải nhận thức được “những diễn tiến chưa từng có tiền lệ”.

Cùng ngày 11/7, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, ông Lật Chiến Thư tại Bắc Kinh.

Tân Hoa Xã đưa tin hai nhà lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, Trung Quốc đã đồng ý “cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển”.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã cho tàu hải giám ra chặn và đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc. Làn sóng chống Trung Quốc nổi lên khắp Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình và đập phá 14 nhà máy do người Trung Quốc sở hữu ở Bình Dương.

Chỉ đến tháng 7/2014, khi Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn tất hoạt động và rút về thì căng thẳng mới giảm bớt.

Từ đó, hai bên đã có các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ an ninh với những chuyến thăm của tướng lĩnh và cam kết sẽ giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.