Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 06/07/2020

Monday, July 6, 2020 // ,
Đọc báo  Pháp – 06/07/2020

Macron hồi 2: tân Thủ tướng Pháp với «sứ mạng hòa giải» – Trọng Thành

Thứ Sáu, 03/07/2020, Pháp thay thủ tướng vào lúc đất nước trải qua đại dịch toàn cầu, triển vọng phục hồi kinh tế gian nan. Trang nhất các báo hôm nay, 06/07, hầu hết dành tựa lớn trang nhất cho hồ sơ này. Với Luật an ninh quốc gia Hồng Kông, Bắc Kinh vươn bàn tay đàn áp ra ngoài lãnh thổ ; kế hoạch phòng ngự chống tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tại Pháp ; dấu hiệu đại dịch Covid-19 bùng trở lại trên thế giới là một số chủ đề lớn khác.
Thay đổi lớn trên thượng tầng quyền lực là một thời điểm quan trọng và nhạy cảm của đời sống chính trị của một xứ sở dân chủ. Vào lúc chính quyền của tổng thống Macron thay thủ tướng, lập chính phủ mới, báo chí Pháp đăng tải rộng rãi thông tin về tân thủ tướng, về tiến trình lập chính phủ mới, các đánh giá khác nhau từ nhiều phía về mối quan hệ giữa tổng thống và người đứng đầu chính phủ, cũng như các thách thức với tân chính phủ.… Tờ Le Monde số ra kép, Chủ Nhật và thứ Hai, chạy tựa trang nhất « Tân thủ tướng Jean Castex dưới cái bóng của tổng thống Macron ». Le Figaro bàn đến việc « Marcron và Castex tìm kiếm nhóm cộng sự để tiếp tục cuộc chiến ». Trang nhất của  Les Echos có tựa « Việc làm, sinh thái, chấn hưng: những thách thức của chính phủ ».
« Đối thoại » và « hòa giải »
Nếu như Le Monde và một số báo khác nhấn mạnh đến khía cạnh tổng thống tập trung quyền lực với việc bổ nhiệm một chính trị gia, được coi là gần như « không có tên tuổi » trong chính trường Pháp, thì nhật báo Công giáo La Croix đưa ra một cách nhìn khác. Trang nhất La Croix nhấn mạnh đến phẩm chất của chính trị gia Castex, với hàng tựa: « Một con người, một phương pháp ». La Croix lưu ý là tân thủ tướng sẽ phải là người tiếp tục các dự án cải cách của tổng thống, với điểm nhấn là « đối thoại ». Tại sao lại là đối thoại ?
Xã luận La Croix mang tiêu đề « Sứ mạng hòa giải » tìm cách giải mã định hướng hành động chính của tân thủ tướng. La Croix ghi nhận trước hết lợi thế bất ngờ của tân thủ tướng : là một người « vô danh » đối với đông đảo dân Pháp, tân thủ tướng có thể khá thoải mái chọn những cách ứng xử khác nhau, mà không bị câu thúc bởi những gì được coi là khuôn mẫu.
Những phẩm chất hiếm có và « phương pháp » của tân thủ tướng
La Croix điểm ra một số phẩm chất hiếm có ở tân thủ tướng. Thứ nhất, tuy là một quan chức cao cấp, nhưng ông không phải là một lãnh đạo kỹ trị, điều hành từ trên, mà là một con người của thực địa. Tân thủ tướng là một chính trị gia cánh hữu, nhưng thuộc nhóm cánh hữu hiếm hoi mà theo La Croix « đang trên đà biến mất »: người theo phe tả trong truyền thống tư tưởng của de Gaulle. Tân thủ tướng cũng thẳng thắn tuyên bố ông không chỉ là « một người cộng sự đơn thuần », « một cái bóng mờ nhạt » bên cạnh tổng thống như nhiều người phỏng đoán. Vậy dấu ấn của tân thủ tướng sẽ là gì?
Thông qua ba phát biểu đầu tiên trong ngày đầu tiên nhậm chức thủ tướng, La Croix khẳng định dấu ấn đặc biệt hàng đầu của tân thủ tướng sẽ là vấn đề « phương pháp ». Thủ tướng chắc chắn sẽ phải là người tổ chức « tiếp tục » thực hiện hàng loạt cải cách đã được tổng thống xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ, về hưu trí, y tế, về giới trẻ. Nhưng đóng góp riêng của tân thủ tướng có thể được tóm gọn trong ba từ « đối thoại », « tôn trọng » và « khiêm nhường ». Đây là các phẩm chất, mà theo La Croix, tương phản với phong cách của một vị tổng thống, mà nhiều người chỉ trích là mang tính cách của một « nhà quản trị doanh nghiệp » (style managérial).
La Croix nhấn mạnh: « tái hòa giải dân Pháp với nhau » cũng chính là một hứa hẹn quan trọng khác của tổng thống Macron, nhưng đã gần như bị quên lãng trong suốt nửa nhiệm kỳ đầu, trong lúc hố ngăn cách xã hội đang rộng thêm. Theo La Croix, nếu tân thủ tướng trung thành với các phẩm chất nói trên, ông sẽ có thể thực thi được cam kết nói trên của tổng thống.
Macron tập trung quyền lực
Trở lại với hồ sơ về tân thủ tướng trên Le Monde, nhật báo có bài viết khẳng định « Với Jean Castex làm thủ tướng, Emmanuel Macron cho thấy muốn một mình điều hành chính quyền ». Một người có vị trí trong phe đa số cầm quyền cho Le Monde biết, với việc bổ nhiệm chính trị gia 55 tuổi, một lãnh đạo dân cử địa phương, nguyên thủ Pháp coi như muốn nắm trọn cả hai chức vụ tổng thống và thủ tướng trong phần còn lại gần hai năm của nhiệm kỳ, và cũng để rảnh tay cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống 2022.
Tân thủ tướng Jean Castex chỉ là thị trưởng Prades, thị trấn nhỏ với 6.000 dân, thuộc tỉnh miền núi Đông Pyrénées, phía nam nước Pháp. Ông Castex, vốn là phó tổng thư ký Điện Elysée, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, mới gần đây được biết đến trong vai trò người điều phối chiến lược ra khỏi phỏng tỏa đại dịch Covid-19. Trong thời gian làm việc này, nguyên thủ Pháp đã đặc biệt chú ý đến « tinh thần đối thoại và trách nhiệm » của ông.
Với cố gắng cân bằng tả – hữu, địa phương – trung ương, theo Le Monde, những sắp xếp của tổng thống Pháp trong việc bổ nhiệm thủ tướng mới thể hiện rõ chủ trương nổi tiếng « en même temps » của ông, tạm dịch là « đồng thời, cùng lúc », phản ánh tư tưởng tập hợp và tránh đưa ra quyết định về những yếu tố trái ngược nhau về mặt lô gích.
Thách thức của tân chính phủ: « Việc làm, chấn hưng, sinh thái »
Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro với hồ sơ trang nhất « Marcron và Castex tìm kiếm nhóm cộng sự để tiếp tục cuộc chiến », thì lưu ý đến mệnh lệnh phải hành động khẩn trương của tổng thống và tân thủ tướng, phải thống nhất được thành phần chính phủ mới, trong kỳ nghỉ cuối tuần, để kịp công bố với người dân Pháp, tối nay, thứ Hai 06/07. Mệnh lệnh hành động khẩn trương bởi công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là không thể chậm trễ. Le Figaro cũng có bài xã luận « Thời khắc của sự thật », đặt nhiều niềm tin vào năng lực của tân thủ tướng Castex, mà theo tờ báo không phải là một con người dễ dàng « gọi dạ, bảo vâng ». Theo Le Figaro, thách thức hàng đầu với chính phủ mới sẽ là « thiết lập lại trật tự ». Thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả ngân sách công là những mặt trận chính, mà theo Le Figaro, chính phủ đã làm khá tốt trong ba năm vừa qua, nhưng chưa đủ. Tình hình đặc biệt khó khăn, sau đại dịch, chẳng khác nào « trận cầu bị bỏ dở, và phải đấu lại từ đầu ».
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa trang nhất để nói về « Việc làm, sinh thái, chấn hưng: Những thách thức với chính phủ ». Mục « Mỗi ngày một sự kiện » của Les Échos thì tỏ ra dè dặt với bài phân tích « Thay đổi lớn mà chính phủ hứa hẹn sẽ diễn ra ở đâu ? ». Theo nhật báo kinh tế, thì chấn hưng kinh tế và việc làm sẽ chiếm phần chủ yếu trong hành động của chính phủ. Trong lúc các vấn đề khác như cải cách hưu trí, sinh thái, phi tập trung hóa, khả năng hành động của chính quyền sẽ khó khăn hơn.
Sinh thái: Hội nghị Công dân Pháp cho phép đúc kết các đề xuất nghiêm túc 
Ngược lại với tiếp cận của Les Echos, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Stéphane Foucart, mang tựa đề « Xã hội Pháp đạt được một đồng thuận về chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh », đánh giá rất cao sáng kiến của tổng thống Pháp, về việc tổ chức Hội nghị Công dân về Khí hậu (hồi đầu năm ngoái), vừa đệ nạp gần 150 kiến nghị đến tổng thống hồi cuối tháng trước, để chuyển qua chính phủ, hay Quốc Hội, hoặc đưa ra trưng cầu dân ý.
Theo nhà báo Stéphane Foucart, nếu không có Hội nghị Công dân đặc biệt này, thì có rất nhiều khả năng là đa số đề xuất cho cuộc chuyển đổi sang xã hội tôn trọng môi trường, sinh thái (vừa được tổng thống tiếp nhận), nếu được đưa tranh luận rộng rãi trong xã hội, sẽ bị một bộ phận đông đảo dân chúng bác bỏ, đả kích với thái độ về cơ bản là miệt thị  với các bình luận kiểu như « quay về thời hang động », « những kẻ chủ trương chống tăng trưởng », « đồ thân cộng sản », « những kẻ reo rắc nỗi sợ »… Các đề xuất nghiêm túc và quan trọng như vậy sẽ không thể có cơ hội được bàn thảo kỹ lưỡng, đúc kết, rồi chuyển giao cho các định chế quyền lực nhất, để chuẩn bị xem xét và tìm cách thực hiện.
Luật an ninh Hồng Kông: Bắc Kinh thò bàn tay đàn áp ra ngoài lãnh thổ 
Quan hệ phương Tây và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. « Trung Quốc thiết lập không khí sợ hãi tại Hồng Kông » là bài phân tích đáng chú ý của phóng viên Frédéric Lemaître trên báo Le Monde. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Bắc Kinh ban bố luật với Hồng Kông và Luật an ninh quốc gia Hồng Kông chứa nhiều điều khoản buộc tội hết sức mơ hồ, tạo điều kiện dễ dàng cho việc Bắc Kinh thẳng tay đàn áp người dân Hồng Kông tại lãnh thổ này. Đó là các ghi nhận của hầu hết giới quan sát.
Tuy nhiên, có một điều ít được chú ý hơn, nhưng đã được phóng viên báo Le Monde nêu bật. Đó là với bộ luật này, Trung Quốc đang « xuất khẩu nỗi sợ » ra bên ngoài biên giới Hoa lục. Luật an ninh quốc gia mới liên quan trực tiếp đến «  cả người nước ngoài » , bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, và chính quyền Hồng Kông có đủ thẩm quyền «  yêu cầu dẫn độ nghi phạm ».
Le Monde so sánh luật này với Luật chống khủng bố (Patriot Act) mà chính quyền Mỹ ban hành sau vụ khủng bố 11/09/2001, dẫn nhận định của chuyên gia François Godement, theo đó, Luật của Trung Quốc rộng hơn rất nhiều, và đặc biệt là rất mơ hồ, như các bộ luật khác của Trung Quốc, cho phép chính quyền mở rộng và hành xử theo các hiểu riêng của họ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Báp-tít Hồng Kông, nhận xét: « Bắc Kinh muốn reo rắc nỗi sợ và kiểm soát các diễn ngôn về Trung Quốc cả ở nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc không còn dựa vào quyền lực mềm nữa, mà giờ đây đang nghiêng về (khẳng định sức mạnh) dựa trên nỗi sợ. Bắc Kinh hiểu rằng sẽ có các phản ứng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc với việc này, thế nhưng chính quyền Trung Quốc cũng cảm thấy đủ mạnh, và đặt cược vào thái độ im lặng của giới làm ăn, sẽ nhắm mắt làm ngơ để bảo vệ việc kinh doanh của họ ».
Pháp : Kế hoạch phòng ngự trước Hoa Vi
Về quan hệ Pháp – Trung, báo Les Echos trên trang nhất có hồ sơ : kế hoạch phòng ngự chống tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tại Pháp. Mặc dù không cấm Hoa Vi tham gia mạng 5G như một số nước phương Tây khác, nhưng chính quyền Paris tỏ ra hết sức dè dặt, đặc biệt không khuyến khích các công ty nào chưa có hợp đồng với Hoa Vi, thiết lập quan hệ thương mại với tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực 5G. Vẫn Les Échos có bài xã luận « Cuộc chiến tranh lạnh 2.0 trong ngành viễn thông » phân tích các nguồn cội của thế đối đầu Pháp – Trung trong lĩnh vực này.
Xử hai nhân viên an ninh Pháp, bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh
Báo Le Figaro cũng có bài giới thiệu về vụ án xét xử hai cựu sĩ quan an ninh Pháp, bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Đây là một vụ án được đánh giá là hiếm có. Ngay trong thời kỳ chiến tranh Lạnh trước đây, cũng ít có vụ xử gián điệp cho Trung Quốc nào tại Pháp. Phiên tòa được xử kín, đến ngày 10/07. Hai bị cáo, khoảng tuổi 70, đối mặt với án tù từ 15 năm đến chung thân.
Về đại dịch Covid – 19, hầu hết các nhật báo Pháp đều có bài. Le Monde ghi nhận. « Covid : Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh tăng vọt trở lại », «  Dịch bệnh tăng tốc », theo Libération. Les Echos đúc kết « Các bài học của làn sóng Covid-19 ». Le Figaro nói về « Đợt dịch đầu tiên không hồi kết tại Mỹ ».
Pháp : Phim về người da đen khai mạc mùa phim hậu Covid
Báo Libération hôm nay dành tựa lớn trang nhất cho chủ đề văn hoá, giới thiệu bộ phim « Tout simplement noir »  (tạm dịch là : « Đơn giản chỉ là người da đen »). Bộ phim hài của đạo diễn Jean-Pascal Zadi dự kiến sẽ ra mắt ngày thứ Tư tới. Theo Libération, phim trào phúng với nhiều sắc thái bạo lực, của đạo diễn Jean-Pascal Zadi, dựng lên một thực tại sống động của bản sắc da đen đa dạng, với rất nhiều tương phản. Phim ra mắt đúng vào lúc khắp nơi trên thế giới dấy lên phong trào chống kỳ thị chủng tộc, được coi là sự kiện mở màn cho mùa phim hậu – Covid tại Pháp.

Tin tổng hợp
(Tân Hoa Xã ) – Vừa đối phó Covid-19, Vũ Hán vừa chống lụt. 
Ngày 06/07/2020, thành phố Vũ Hán đã phải nâng mức khẩn chống lũ lụt lên cấp II. Từ sáng Chủ Nhật 05/07 đến sáng thứ Hai 06/07, lượng mưa đã vượt 250 mm khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, nhiều nơi vượt quá mức cảnh báo. Theo trang News-24.fr, mưa lũ gậy lụt lội khiến ít nhất 106 người thiệt mạng hoặc mất tích tính đến ngày 03/07 và tác động đến khoảng khoảng 15 triệu dân. Ở một số vùng bị nạn của Trung Quốc, đây là đợt lụt lội nghiêm trọng nhất từ nhiều thập niên qua.
(Nhân Dân) – Miền bắc Việt Nam chịu mưa lớn cục bộ gây sạt lở.
Từ cuối tháng Sáu đến ngày 04/07/2020, nhiều tỉnh miền bắc như Lào Cai, Yên Bái,Hà Giang, Lai Châu, Sơn La… phải hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất và thiệt hại về người. Tình hình mưa lớn cục bộ sẽ tiếp tục tục xảy ra, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn ngày 05/07.
(AFP) - Brexit : Đàm phán nối lại tại Luân Đôn,
ngày 06/07/2020. Theo giới quan sát, cơ may có được một đồng thuận là mong manh trong khi kỳ hạn ấn định chính thức cho việc thiết lập một mối quan hệ thương mại giữa đôi bên, sau thời kỳ chuyển giao được ấn định là ngày 31/12 cũng đang đến gần.
(AFP) - Bảo tàng Louvre mở cửa trở lại.
Sau hơn ba tháng rưỡi đóng cửa vì lệnh phong tỏa để chận dịch Covid-19, ngày 06/07/2020, bảo tàng Louvre, bảo tàng được tham quan nhiều nhất trên thế giới, chính thức mở cửa trở lại. Dịch bệnh xảy ra cùng với các biện pháp dịch tễ trong ba tháng qua đã làm cho bảo tàng thất thu hơn 40 triệu euro. 75% khách tham quan là người nước ngoài, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil.
(AFP) - Paris khởi động lại mùa thời trang.
Tuần lễ thời trang Paris bắt đầu từ ngày 06/07/2020. Điểm đặc biệt của mùa thời trang lần này là lần đầu tiên không có màn trình diễn, mà sẽ là một tuần lễ thời trang ảo. Hãng Dior mở màn với những tham vọng cao, trình làng một bộ sưu tập thời cao cấp được dàn dựng bởi Matteo Garrone, đạo diễn của bộ phim « Dogman », từng đoạt giải Cành Cọ Vàng Liên Hoan Phim Cannes năm 2018 và loạt phim truyền hình « Gomorra », giải Cognac Liên hoan phim hình sự năm 2018.
(AFP) – Ngôi sao nhạc Rap Kanye West ra tranh cử tổng thống Mỹ. 
Ngày 05/07/2020, nhạc sĩ, ca sĩ kiêm nhà sản xuất tỉ phú và là chồng của ngôi sao truyền hình Kim Kardashian, thông báo ra tranh cử tổng thống Mỹ vì muốn “nhắm đến những vì sao”. Ứng viên độc lập không phải là trường hợp hiếm hoi ở Mỹ nhưng cơ hội chiến thắng thường rất ít. Ngôi sao nhạc Rap không phải lo về phần tài chính,  thường lên tới nhiều triệu đô la, để vận động tranh cử.
(France 24) – Algérie sẵn sàng làm trung gian hòa giải về Libya. 
Ngoài ra, khi trả lời phỏng vấn đài France 24 cuối tuần vừa rồi, tổng thống Abdelmadjid Tebboune lo ngại Libya có thể trở thành “thánh địa cho quân khủng bố”. Theo tổng thống Algérie, giải pháp triệt để cho tình hình Libya là “tham vấn người dân thông qua các bộ tộc, tổ chức bầu cử qua thể chế chuyển tiếp nếu cần thiết”

Điểm tin thế giới sáng 6/7:

Pháp sẽ tránh dùng sản phẩm Huawei cho mạng 5G

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Sáng nay, thứ Hai (6/7), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Pháp sẽ tránh dùng sản phẩm Huawei cho mạng 5G
Reuters đưa tin, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng ANSSI của Pháp cho biết không có lệnh cấm sử dụng thiết bị của Huawei cho việc triển khai mạng viễn thông 5G của Pháp, nhưng quan chức nay đang thúc giục các công ty viễn thông Pháp tránh dùng sản phẩm của công ty Trung Quốc.
Phát biểu của lãnh đạo ANSSI Pháp phù hợp với điều mà một nguồn tin nói với Reuters hồi tháng Ba, rằng Pháp không cấm Huawei nhưng sẽ tìm cách không dùng sản phẩm của công ty này cho phần cốt lõi của mạng viễn thông 5G.
Chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi các đồng minh của mình loại trừ Huawei khỏi các dự án xây dựng mạng viễn thông thế hệ mới, với lý do công ty công nghệ Trung Quốc có thể làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Iran đang đàm phán hiệp định 25 năm với Trung Quốc
Iran đang đàm phán một hiệp định 25 năm với Trung Quốc, các điều khoản sẽ được công bố sau khi thỏa thuận được ký kết, ông Mohammad Javad Zarif, Bộ trưởng ngoại giao Iran, nói trong một cuộc họp quốc hội diễn ra tối Chủ nhật, theo AFP.
Ông Zarif cho biết, “với sự quả quyết và tin tưởng, chúng tôi đang đàm phán hiệp định chiến lược 25 năm với Trung Quốc”, đối tác thương mại hàng đầu của Iran, và nói rằng “không có gì bí mật” phải che giấu trong cuộc đàm phán này.
Trong phiên họp, ông Zarif đã bị các nhà lập pháp chất vấn, phần lớn xoay quanh vai trò chính của ông trong việc đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. Chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 để mở đường cho các biện pháp trừng phạt Teheran.
Nhật Bản: Mưa lớn khiến hàng chục người thiệt mạng
SBS News cho hay, những cơn mưa xối xả đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng ở đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản. Theo dự báo, mưa nặng hạt sẽ còn quay trở lại hòn đảo này.
Ngoài số người chết vì lũ lụt và lở đất gây ra do mưa lớn hôm thứ Bảy tại quận Kumamoto của Kyushu, 14 người khác vẫn đang mất tích. Trận lũ lụt này được đánh giá là tồi tệ nhất tại Nhật Bản kể từ cơn bão Hagibis vào tháng Mười năm ngoái làm khoảng 90 người thiệt mạng.
Cảnh quay trên TV cho thấy một trung tâm sơ tán đã cung cấp khẩu trang, chất khử trùng và nhiệt kế cho người dân tới tránh lũ nhằm ngăn ngừa virus Vũ Hán lây lan. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản kêu gọi người dân cảnh giác vì những cơn mưa lớn vẫn sẽ tiếp diễn.
Bộ trưởng Y tế Bolivia nhiễm virus Vũ Hán
Bộ Y tế Bolivia hôm Chủ nhật cho biết, Bộ trưởng María Eidy Roca đã nhiễm virus Vũ Hán, nhưng đang trong tình trạng ổn định, Reuters đưa tin.
Tính tới hết ngày Chủ nhật, Bolivia, đất nước với dân số 11,5 triệu người, đã ghi nhận hơn 38.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 1.378 ca tử vong. Hiện nước này là vùng dịch lớn thứ 40 thế giới theo cập nhật lúc 6h56 ngày 6/7 (giờ Việt Nam) của Worldometers.
Một địa phương Trung Quốc cảnh báo về bệnh dịch hạch
Nhà chức trách thành phố Bayan Nur, thuộc khu Nội Mông của Trung Quốc, hôm Chủ nhật, đã phát đi cảnh bảo về bệnh dịch hạch đang có dấu hiệu bùng phát tại địa phương này, theo Reuters.
Cảnh báo này đưa ra một ngày sau khi cơ quan y tế Bayan Nur phát hiện một trường hợp nghi nhiễm dịch hạch. Giới chức cấm người dân trong vùng săn bắn và ăn thịt động vật có thể mang mầm bệnh dịch hạch và yêu cầu báo cáo bất kỳ trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc các trường hợp sốt mà không rõ nguyên nhân.
Tháng Mười một năm ngoái, ở Nội Mông đã phát hiện 4 ca nhiễm dịch hạch. Loại bệnh này bị coi là “cái chết đen” trong thời trung cổ. Dịch hạch ở Trung Quốc cho thấy có tỷ lệ tử vong cao, trong giai đoạn 2009 tới 2018, Trung Quốc thông báo có 26 ca nhiễm dịch hạch, trong đó có 11 ca tử vong.

Điểm tin thế giới tối 6/7:

Trung Quốc trao hợp đồng 2,5 tỷ USD

 cho Pakistan xây đập thủy điện

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (6/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc trao hợp đồng 2,5 tỷ USD cho Pakistan xây đập thủy điện
Trung Quốc đã trao hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD cho Pakistan xây dựng một đập thủy điện công suất 1124 mW, trên phần đất do Pakistan kiểm soát ở Kashmir.
Trung Quốc, Pakistan và Công ty thủy điện Kohala, một công ty con thuộc Tập đoàn Tam Hiệp, đã ký thỏa thuận này vào cuối tháng trước. Đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất vào một nhà máy sản xuất điện độc lập duy nhất ở Pakistan, theo các phương tiện truyền thông địa phương.
Hồi tháng 5/2020, Trung Quốc trao hợp đồng xây dựng đập thủy điện Diamer Bhasha cho Pakistan. Con đập này cách biên giới Trung Quốc 320 km.
Ấn Độ và Pakistan từ lâu đã có mối bất hòa do tranh chấp biên giới Kashmir.
Trung Quốc miễn thuế xuất khẩu 97% cho Bangladesh
Quyết định miễn thuế quan được đưa ra một tháng sau khi Thủ tướng Bangladesh và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một cuộc thảo luận nhằm nâng cấp mối quan hệ song phương trong đại dịch Covid-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7.
Truyền thông Ấn Độ India Times nói rằng Trung Quốc làm vậy nhằm mua chuộc Bangladesh.
Bangladesh cũng như Pakistan, Nepan, Bhutan đều là các quốc gia Himalaya có đường biên giới chung với Ấn Độ. Các nước này về mặt địa lý tạo thành một vành đai vây lấy Ấn Độ.
Bắc Kinh bắt giữ người phê phán ông Tập
Học giả người Trung Quốc Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) đã bị Bắc Kinh bắt giữ. Ông nổi tiếng là người phê phán ông Tập Cận Bình. Hai người bạn của ông Hứa kể lại với tờ Guardian rằng ông bị bắt giữ vào sáng ngày 6/7.
Một người nói, khoảng 20 cảnh sát và 10 xe đã đến nhà ông Hứa ở Bắc Kinh và đưa ông đi. Một người bạn khác cho biết trong một thông báo trên mạng rằng, cảnh sát đã đến nhà của vị học giả và tịch thu máy tính cũng như các vật dụng khác của ông. Trước đó, ông Hứa bị quản thúc tại gia và bị cấm sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội cũng như bị cắt internet sau khi công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nga: 6.611 ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ
Tổng các ca nhiễm virus corona ở Nga đã tăng lên 687.862 vào thứ Hai (6/7), số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 6.611, Thời báo Moscow đưa tin. Nhà chức trách Nga cũng cho biết 135 người chết chỉ trong một đêm, đưa số ca tử vong vì dịch bệnh của Nga lên tới 10.296.
Nội Mông, Trung Quốc có ca nghi nhiễm dịch hạch
Nhà chức trách ở thành phố Bayan Nur, thuộc Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc hôm 5/7 đã ra một cảnh báo cấp 3 trong hệ thống cảnh báo bốn cấp, sau khi một bệnh viện ở địa phương báo cáo có một trường hợp nghi mắc bệnh dịch hạch. Trong thời Trung cổ, bệnh dịch hạch được gọi là “Cái chết đen”.
Israel phóng vệ tinh do thám Ofek 16
Israel sáng ngày 6/7 đã phóng một vệ tinh do thám mới có tên Ofek 16,nhằm cung cấp giám sát chất lượng cao cho tình báo quân sự của đất nước, theo Reuters.
Israel đã đang tăng cường khả năng để giám sát những nước mà họ coi là kẻ thù như Iran, nước có chương trình hạt nhân lớn mà Israel coi là mối đe dọa chính.
Vệ tinh Ofek 16 được phóng từ một địa điểm ở miền trung Israel do tên lửa đẩy Shavit được phát triển ở địa phương, tên lửa này thường được dùng để phóng các vệ tinh Ofek trước đó.

Tạp chí Việt Nam

Biển Đông :

Việt Nam có thêm hậu thuẫn trong ASEAN

Thanh Phương
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 26/06/2020, do Việt Nam tổ chức với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Trong cuộc họp đó, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, với vai trò chủ trì hội nghị, đã tuyên bố : « Trong khi toàn thế giới đang phải chống dịch, những hành động vô trách nhiệm và vi phạm luật quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra, tác động đến môi trường an ninh và ổn định của khu vực ». Tuy không nêu đích danh, nhưng tuyên bố này rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc.
Trong bản tuyên bố chung khi kết thúc Thượng đỉnh ASEAN 36, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đã nêu mối quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Đối với họ, UNCLOS 1982 « là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển. ». Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các bên phải « giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 ».
Tuyyên bố lần này của ASEAN vẫn không nêu đích danh Trung Quốc là nước gây ra những sự cố nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông : đưa tàu khảo sát đến cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa. Nhưng có thể nói là qua tuyên bố nói trên, lãnh đạo các quốc gia trong ASEAN đã thẳng thừng bác bỏ các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.
Như vậy, qua cuộc họp ngày 26/06, Việt Nam đã có thêm hậu thuẫn trong ASEAN, nhất là từ Philippines, Malaysia và Indonesia, để đối đầu với Trung Quốc về vấn Biển Đông. Nhưng liệu khối  đoàn kết này có lâu bền không, khi biết rằng cho tới nay ASEAN vẫn nhiều lần bị chia rẽ trên vấn đề này? Trong phần tạp chí hôm nay, mời quý vị nghe bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
RFI : Năm nay là năm mà theo lẽ Việt Nam có thể tranh thủ chiếc ghế chủ tịch ASEAN để tìm thêm hậu thuẫn của các nước Đông Nam Á trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến vai trò chủ tịch của Việt Nam.
Lê Hồng Hiệp : Năm nay, rất đáng tiếc là do đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động của Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN không được tiến hành suôn sẻ. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa rồi là hội nghị trực tuyến đầu tiên trong suốt lịch sử 50 năm hình thành của tổ chức này. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến như vậy có rất nhiều hạn chế, ví dụ như không thể tổ chức các cuộc gặp song phương bên lề, sự tham gia của các phóng viên để đưa tin cũng hạn chế rất nhiều, cho nên tác động hạn chế hơn rất nhiều so với khi tổ chức hội nghị bình thường.
Tuy nhiên, cũng một điều may mắn là do áp dụng công nghệ, cho nên Việt Nam đã tổ chức thành công thượng đỉnh vừa rồi và đáng kể là hội nghị đã đưa ra được bản tuyên bố chung, tuyên bố Chủ tịch, với nhiều nội dung được cho là phù hợp với lợi ích của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
RFI : Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo ASEAN đã khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Phải chăng là các nước ASEAN nay có lập trường dứt khoát hơn với Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : So sánh các bản tuyên bố chung hay tuyên bố của Chủ tịch qua các hội nghị thượng đỉnh ở các nước khác nhau trong những năm vừa qua, chúng ta thấy luôn luôn có một số đoạn nói về tình hình Biển Đông. Nội dung các tuyên bố này gần giống nhau, chỉ sửa một số câu chữ. So với năm ngoái, bản tuyên bố chung và bản tuyên bố của Chủ tịch có một điểm khác, đó là nhấn mạnh hơn đến vai trò của luật pháp quốc tế, cụ thể là đề cập tới Công ước LHQ về Luật Biển 1982 UNCLOS. Trước đây, ASEAN có nói là phải « phù hợp với luật pháp quốc tế », nhưng cụm từ « luật pháp quốc tế » còn tương đối mơ hồ, chung chung. Năm nay, cụ thể hơn, họ có nhấn mạnh đến vai trò của Công ước 1982 và bất cứ chỗ nào có nhắc đến luật pháp quốc tế thì đều đi kèm với công ước này.
Điều này có một ý nghĩa quan trọng : Lâu nay, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS và bằng việc gắn luật pháp quốc tế với Công ước về Luật Biển năm 1982, ASEAN cũng như Việt Nam đã gián tiếp bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như thể hiện thái độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Đây là một bước tiến, tại vì lâu nay các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có thái độ không thật sự rõ ràng đối với các phán quyết này. Ở đây chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc dẫn dắt các nước ASEAN đàm phán để mà có thể có một tuyên bố chung như vậy.
RFI : Hiện nay, ngoài Philippines cũng có tiếng nói mạnh mẽ đối với Trung Quốc, Việt Nam có thể trông chờ vào Malaysia và Indonesia ?
Lê Hồng Hiệp : Từ đầu năm đến tháng 6 vừa rồi, trong khu vực cũng như Biển Đông đã diễn ra một số sự kiện có thể làm thay đổi quan điểm của các nước trong khu vực đối với Trung Quốc, ví dụ như Philippines có sự thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, đặc biệt là thông qua hành động ngừng việc chấm dứt hiệp định lực lượng viếng thăm với Hoa Kỳ. Điều này cho thấy chính quyền của tổng thống Duterte có sự điều chỉnh trong mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, theo hướng duy trì quan hệ liên minh với Mỹ, và ngừng hoặc làm chậm lại quá trình điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc theo hướng thân thiện hơn.
Trong khi đó, ở Malaysia cũng có sự cố tàu Trung Quốc quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên vùng thềm lục địa của họ. Trong trường hợp của Indonesia thì các yêu sách của Trung Quốc với vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia cũng đã dẫn đến những phản đối của phía Indonesia. Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua đã tạo ra sự nghi ngờ ngày càng lớn của các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines, Malaysia và Indonesia đối với ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tất cả những điều này giúp cho Việt Nam dễ dàng hơn trong việc vận động các quốc gia này ủng hộ một lập trường thống nhất hơn, cứng rắn hơn trong ASEAN về vấn đề Biển Đông nói chung, cũng như về Trung Quốc nói riêng. Có lẻ đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp cho hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa rồi thông qua được một tuyên bố chung có vẻ như cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông cũng như đối với Trung Quốc.
RFI : Trong ASEAN vẫn có những bất đồng về Biển Đông, đặc biệt là từ những nước được xem là thân thiện, hoặc gần như là đồng minh của Trung Quốc, như Cam Bốt và Lào. Điều đó có thể cản trở ASEAN có một lập trường dứt khoát hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông trong tương lai?
Lê Hồng Hiệp : Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải cân nhắc 3 yếu tố. Thứ nhất là các hành động tiếp theo của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay hay trong một, hai năm tới. Nếu như Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăn, lấn lướt, gây những bức xúc, phản đối của các nước trong khu vực Biển Đông, như Philippines, Indonesia, Malaysia, thì xu thế cùng phối hợp để có lập trường thống nhất cứng rắn với Trung Quốc sẽ ngày càng được củng cố. Như vậy, tiếng nói của những nước như Cam Bốt và Lào sẽ bị yếu đi, bị kềm chế rất nhiều.
Thứ hai, bản thân Trung Quốc sẽ có những hành động như thế nào đối với những nước mà họ muốn tăng cường quan hệ hay gây sức ép để giúp Trung Quốc gây chia rẽ ASEAN. Trong thời gian vừa qua, Cam Bốt và Lào đã được hưởng lợi rất nhiều từ những hỗ trợ của Trung Quốc, chẳng hạn như trong việc vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, về chính sách đối ngoại…Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì những sự hỗ trợ như vậy cho những nước như Cam Bốt và Lào hay không, để qua đó duy trì ảnh hưởng đối với ASEAN thông qua hai nước này ? Chúng ta còn phải chờ xem.
Thứ ba là đó là ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với khu vực, trong bối cảnh mà Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng cạnh tranh chiến lược và đều coi Đông Nam Á là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng rất quan trọng. Chính vì vậy mà trong thời gian, Hoa Kỳ đã có những hành động để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Nếu trong thời gian tới, cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục như vậy, thì có nhiều khả năng là Hoa Kỳ gây tác động hoặc gây sức ép lên các nước trong khu vực, đặc biệt là Cam Bốt và Lào, để những nước này có một chính sách cân bằng hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nếu như sức ép của Hoa Kỳ thành công thì có lẻ là ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với ASEAN thông qua Cam Bốt và Lào cũng sẽ bị giảm xuống.
Tuy nhiên, đó là những yếu tố mà chúng ta cần theo dõi trong tương lai. Trước mắt, tôi tin là Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì « chia để trị », tức là sẽ cố gắng gây tác động lên các mắt xích yếu Cam Bốt và Lào trong ASEAN để thông qua hai mắt xích này can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN, đặc biệt là trong việc định hình quan điểm, lập trường của khối này đối với vấn đề Biển Đông.

Powered by Blogger.