Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thông báo

Thursday, February 11, 2021 // ,

 


ngon-ngu-cua-hoa-hong-theo-mau-sac-2

 Trân trọng thông báo cùng quý độc giả thân mến, Hải Ngoại Ngày Nay sẽ tạm nghỉ Tết 3 ngày từ mùng một đến mùng ba; và sẽ tái bản vào ngày mùng bốn như thường lệ.

Kính chúc quý độc giả an khang, thịnh vượng, Phúc lộc tràn đầy.

Minh Nhân.

Người Việt đón Tết xa quê thời Covid-19

 TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

RFI

Phần âm thanh 11:52
Chợ Tết Hà Nội, Việt Nam, ngày 07/02/2021.
Chợ Tết Hà Nội, Việt Nam, ngày 07/02/2021. AP - Hau Dinh
Thu Hằng
29 phút

Tết là đoàn tụ, Tết là chia sẻ. Thế nhưng dịch Covid-19 đã buộc nhiều người ở lại đón Tết tại nước đang sinh sống. Họ chuẩn bị đón Tết như thế nào tại Pháp, Nga, Hàn Quốc, Singapore và Úc ? RFI Tiếng Việt và các thông tín viên mời quý thính giả và độc giả cùng theo dõi.

háp : Những chiếc bánh chưng ấm tấm lòng

Trong căn nhà ở ngoại ô Paris, chị Lại Ngọc Bích rửa lá, chuẩn bị thịt và đậu để gói bánh chưng tặng sinh viên khó khăn phải đón Tết xa nhà. Tết đến, dịch vẫn còn, chị muốn gửi chút hương vị quê nhà với hy vọng các em phần nào bớt nguôi ngoai nhớ gia đình.

« Tôi có quen biết một số em sinh viên Việt Nam. Thời điểm này rất là khó khăn đối với các em, bởi vì các em phải bươn chải, lo cuộc sống của mình. Tôi nghĩ là khi gói bánh cho gia đình thì sẽ gói dư vài chiếc để tặng các em. Nhưng sau đó tôi lại nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế. Cuối cùng tôi quyết định sẽ cố gắng gói 50 cái để tặng cho 50 em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tự bươn chải kiếm sống, không có học bổng, cũng như bị trầm cảm, bị ốm đau hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Tôi nghĩ là một cái bánh chưng rất là nhỏ bé nhưng tôi cũng rất mong muốn nó trở thành một món quà nhỏ, một món quà Tết, ấm áp, có thể phần nào giúp các em quên đi được sự cô đơn, lạnh giá cũng như là buồn bã nơi xứ người trong hoàn cảnh Tết đến Xuân về xa gia đình ».

59 chiếc bánh đã được chuyển tới các bạn sinh viên ngày 08/02/2021, nhiều hơn dự định ban đầu của chị.

« Để thực hiện dự định của mình, tôi đã post trên Facebook cá nhân một bài nhỏ và nhờ bạn bè, cùng với những em sinh viên mà tôi quen biết để giới thiệu. Khi đó thì tôi đã có 36 suất bánh. Sau đó có một bạn bên hội sinh viên Việt Nam đã giúp tôi lập danh sách và tập hợp thêm được 16 em nữa. Danh sách 50 bạn nhận bánh diễn ra chóng vánh trong vòng 1 ngày ».

Mẻ bánh chưng thứ nhất chị Lại Ngọc Bích làm tặng 59 bạn sinh viên tại vùng Ile-de-France (Pháp) đón Tết Tân Sửu 2021.
Mẻ bánh chưng thứ nhất chị Lại Ngọc Bích làm tặng 59 bạn sinh viên tại vùng Ile-de-France (Pháp) đón Tết Tân Sửu 2021. © RFI / Tiếng Việt

Tết đậm chất Việt tại Matxcơva, Nga

Hàng năm có đến 1/3 cộng đồng người Việt tại Nga về Việt Nam đón Tết. Do dịch Covid-19 nên Tết Tân Sửu 2021 là năm người Việt ở lại Nga ăn Tết đông nhất, theo thông tín viên Hoàng Dung tại Matxcơva :

« Năm nay, không ai về được nên ai cũng nghĩ đến làm sao để bù đắp cho nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà bằng việc tổ chức Tết thật to. Cho nên vào thời điểm này, có thể nói là các mặt hàng thức ăn, thực phẩm Việt Nam thuần túy, đặc biệt là lá dong tăng lên chóng mặt, rất đắt : một cân lá dong giá 1.300 rúp, có nghĩa là khoảng 17-18 đô la cho một cân chỉ được khoảng 30 lá.

Theo thông lệ truyền thống của người Việt tại Nga, trên bữa ăn cuối năm bao giờ cũng phải có đầy đủ tất cả các món ăn thuần túy của Việt Nam vào ngày Tết : từ con gà trống thiến có đủ cả mào cả chân cho đến bánh chưng, hoa đào.

Do năm nay không có chuyến bay nên không có hoa đào và cây quất, thì sẽ được bù đắp bằng những cành mai, cành táo của Nga, với những bông đào, bông mai được làm bằng giấy. Có thể nói không khí chuẩn bị Tết của người Việt ở Nga rất tấp nập và nhộn nhịp ».

Để cảm nhận được không khí này và để vơi bớt phần nào nỗi nhớ, nơi nên đến nhất vào dịp này là những khu vực đông người Việt sinh sống và kinh doanh, theo lời khuyên của thông tín viên Hoàng Dung :

« Ví dụ trung tâm quần thể đa chức năng Hà Nội-Matxcơva (INCENTRA), ở đó người Việt vừa sống, vừa làm việc, bán hàng ở đó, là nơi được trang trí không khí có thể nói là rực rỡ nhất.

Một số trung tâm có nhiều người Việt buôn bán khác thì không được trang trí đẹp như vậy. Nhưng không khí người Việt đi mua hàng để chuẩn bị Tết có thể thấy rõ nhất ở những nơi nào bán thực phẩm Việt Nam. Đó là khu chợ mà người Việt vẫn gọi là « chợ Liu » thực ra là chợ Matxcơva hoặc là « chợ Chim » mà thực ra là chợ Vườn. Trung tâm đó có rất đông người Việt và khu bán hàng khô, bán thực phẩm của họ đang tràn ngập thực phẩm cho bữa cơm tất niên của bà con ».

1/4
Hoa đào và quất được bán ở chợ Tết tại Singapore.
Chợ hoa Tết 2021 tại Singapore.
Chợ hoa quả đón Tết 2021 tại Singapore.
Một cửa hàng đồ khô Việt Nam tại chợ Bugis, Singapore.
Hoa đào và quất được bán ở chợ Tết tại Singapore. © © RFI / Tiếng Việt / Quỳnh Nguyễn

Việt - Hàn : Tuy gần… mà xa

Người Việt tại Hàn cũng trải qua một năm đầy biến động vì đại dịch Covid-19. Do các biện pháp hạn chế di chuyển, hầu hết ở lại đón Tết tại xứ sở kim chi. Thông tín viên Trần Công tại Seoul ghi lại một số cảm nhận của người Việt ở Hàn Quốc. 

« Tết Nguyên đán (seollal) là kỷ nghỉ lớn thứ hai tại Hàn Quốc, sau Tết Trung thu. Đối với chị Thương và chị Hiền lập gia đình tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ. Tuy nhiên, năm nay do dịch Covid-19, không đưa được các con về quê ăn Tết, chị Thương chuẩn bị một số món ăn truyền thống Việt.

« Không về được Việt Nam, tôi cũng mua bánh chưng, làm giò, mua ít đồ như miến, măng, mộc nhĩ, mứt Tết về ăn để cho có vị của quê hương. Nhà đi theo đạo Thiên Chúa nên không cúng khấn, nhưng anh em gia đình cũng tụ họp, cũng nấu những món truyền thống của Hàn Quốc để ăn cùng với gia đình ».

Chị Hiền làm dâu trưởng và sống với mẹ chồng. Giống ở Việt Nam, sáng mồng 1 Tết, con cháu đến chúc thọ ông bà : « Đến Tết, gia đình cũng mua những món truyền thống của Tết bên Hàn, cũng chuẩn bị vào 30 Tết. Khi chuẩn bị xong, đến sáng hôm sau, các anh chị chồng cũng đến cùng ăn Tết với cả nhà mình. Buổi sáng, họ cũng đặt một mâm cơm để cúng. Khi cúng xong, các con cháu cũng được thừa lộc ».

Không câu nệ « ăn » Tết, anh Thắng và vợ, làm việc tại Hàn Quốc, lại muốn dành thời gian nghỉ ngơi vì đồ ăn có thể dễ dàng đặt trên mạng, giao đến tận nhà : « Tết bên này chỉ nghỉ ngày mồng 1. Từ mồng 2 trở đi cũng hoạt động trở lại bình thường, nên nếu có bạn bè rủ nhau ăn uống thì cũng có thể ra ngoài ăn được ».

Thiện, một thanh niên làm việc trong ngành xây dựng, đón Tết xa quê với đồng nghiệp người Việt nhưng tuân thủ quy định cấm tụ tập đông người : « Vì dịch bệnh nên nói chung đón Tết chắc cũng với ít người, nhỏ lại, không như mọi năm, mình có thể tụ tập, ăn uống, đi chơi thoải mái, đi mua sắm bình thường. Nhưng năm nay, do dịch bệnh nên cấm tụ tập trên 5 người nên cũng không được thoải mái như các năm trước ».

Hàn Quốc đón rất nhiều du học sinh Việt Nam và thường về nhà vào dịp Tết. Lần đầu đón Tết xa nhà trong bối cảnh dịch bệnh, Huy đặt mua một số món ăn truyền thống Việt Nam, nhưng với chàng sinh viên trường đại học Khoa học Quốc gia Seoul, điều quan trọng là phải giữ được tinh thần lạc quan : « Nói chung cũng không phấn khởi cho lắm. Về tâm lý, tất nhiên năm ngoái là 100% còn năm nay không được 100%, mà mình sẽ vẫn phải thích nghi thôi, không có lựa chọn nào khác ».

Hương, sinh viên được học bổng sau đại học, cũng mua chiếc bánh chưng, khúc giò để bớt phần nào nỗi nhớ khi nhìn những tấm ảnh Tết trước đó ở Việt Nam.

« Nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ không khí Tết, đồ ăn truyền thống của Việt Nam vào ngày Tết. Để chuẩn bị cho Tết năm nay ở đây, thực ra cũng không có gì nhiều bởi vì ở bên này, mình cũng không thể nào mua được đào, quất hay đồ trang trí nhà cửa ngày Tết được, nên em cũng chỉ mua một chút bánh chưng với cả khúc giò để có mâm cơm ngày Tết để gợi nhớ lại ngày Tết ở Việt Nam ».

Nhìn chung với các sinh viên và người lao động Việt tại Hàn Quốc, Tết tại Hàn không phải là một dịp lễ quan trọng như ở quê nhà. Tuy nhiên, với nhiều cô dâu Việt, mặc dù luôn coi Hàn Quốc là quê hương thứ hai, nhưng việc không thể đưa con cháu về Việt Nam để tận hưởng không khí háo hức, vui tươi của Tết Nguyên đán, thực sự đem đến những cảm xúc khó tả ».

Người Việt tại Singapore chuẩn bị củ kiệu, dưa món đón Tết

Là một nước Đông Nam Á với đa số là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán là một ngày lễ quan trọng ở Singapore. Thông tín viên Quỳnh Nguyễn nói về không khí Tết tại đảo quốc Sư Tử :

« Năm nay, người dân Singapore đón năm mới trong dè dặt và cẩn trọng. Mỗi gia đình chỉ được phép đón tiếp 8 người trong 1 ngày. Mọi người sẽ phải sắp xếp lịch thăm viếng nhau cho phù hợp. Khu vực Chinatown đã được trang hoàng để đón Năm mới, mặc dù không có hội chợ Tết, và có rất ít các gian hàng bán đồ Tết.

Vào dịp Tết những năm trước, nhiều người Việt ở Singapore đã về nước, đoàn tụ gia đình, chuẩn bị đón năm mới. Năm nay, cho dù chính phủ đã tổ chức nhiều chuyến bay cứu trợ đưa dân về nước, nhưng còn rất nhiều người vẫn không thể về được.

Chị Mai Khanh, qua thăm gia đình vào tháng 03/2020, chuyến đi dự định dài 3 tuần đã kéo dài thành 1 năm và chị cũng chưa biết khi nào sẽ được về. Chị sẽ trải qua cái Tết đầu tiên ở Singapore :

« Nói chung, năm nay vì dịch bệnh, không về Việt Nam được nên ở đây ăn Tết với gia đình em gái, thì thấy Tết bên đây cũng nhộn nhịp, người dân cũng mua sắm bông, hoa. Nhà mình cũng muốn mua đào, mua cúc để trưng cho có không khí Tết. Rồi nhà cũng gởi đồ từ Việt Nam qua, nào là bưởi này, hạt dưa, hạt bí, bánh tráng. Nói chung là đủ thứ mứt, nhất là mứt chùm ruột nữa nha, rồi mứt dừa ».

Các nhóm bạn tụ tập để làm bánh chưng, bánh tét chung với nhau. Chị Mai Khanh cũng chuẩn bị một vài món ăn truyền thống ngày Tết :

« Trước Tết, mình làm củ kiệu, dưa món, dưa cải, kim chi. Khoảng 28 Tết, mình kho thịt, kho trứng, rồi măng nấu giò heo. Đến 30 Tết, làm khổ qua, cá thác lác. 28 Tết mình cũng bắt đầu gói bánh chưng, bánh tét. Trước đó, cỡ 26 Tết, nhà cũng làm bánh thơm, kẹo đậu phộng ».

Ai không muốn tự làm các món ăn đều có thể đặt mua dễ dàng. Có nhiều gian hàng tạp hóa của Việt Nam nằm rải rác ở Singapore ».

1/3
Chị Mai Khanh chuẩn bị đồ ăn đón Tết Tân Sửu 2021 tại Singapore.
Không khí Tết tại nhà chị Mai Khanh, Singapore.
Gia đình chị Mai Khanh chuẩn bị đón Tết Tân Sửu 2021 tại Singapore.
Chị Mai Khanh chuẩn bị đồ ăn đón Tết Tân Sửu 2021 tại Singapore. © © RFI / Tiếng Việt / Quỳnh Nguyễn

Tết Tân Sửu của Cộng đồng Người Việt ở Úc trong đại dịch

Ngược xuống Nam bán cầu, thông tín viên Hoàng Hằng tại Sydney cho biết cộng đồng người Việt Nam đón Tết Nguyên Đán ở Úc trong ánh nắng hè chói chang thay vì chìm trong những tia nắng vàng dịu nhẹ của mùa Xuân Việt Nam.

« Tết vẫn luôn là thời khắc gợi nhiều cung bậc cảm xúc thiêng liêng nhất trong tâm khảm của những người con mang hồn Việt dù họ là ai, đang sinh sống ở bất kỳ nơi đâu trên địa cầu. Những giây phút mong ngóng để được về trở về quê hương trong những ngày Tết; hay miên man khắc khoải với những hoài niệm in dấu Tết Việt xưa; hay nổi đau đáu mong mỏi tổ chức để lưu giữ những phong tục tập quán ngày Tết cho thế hệ trẻ là nỗi lòng chung của những người con Việt Nam tại Úc trong tình cảnh đại dịch toàn cầu năm nay. 

Úc đã và đang trải qua một năm đầy khó khăn và bất ổn, mặc dù vậy, không khí tấp nập bán mua vẫn len lỏi trong từng gian hàng ở các khu chợ Việt như mọi năm: Cabramatta, Bankstown, Marrickville, Footscray, Springvale… Những hương sắc ngày Tết sum vầy, đầm ấm, thiêng liêng vẫn được các gia đình Việt gìn giữ và phát huy bằng nhiều cách khác nhau. 

Tết Tân Sửu, 2021, đánh dấu năm thứ hai, cộng đồng Việt nam tại Úc cùng với nhiều sự hỗ trợ đã vận động thành công cách gọi “Lunar New Year” thay vì “Chinese New Year”. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn không chỉ đối với cộng đồng người Việt mà còn các sắc tộc Á Châu khác đang sinh sống trên xứ sở chuột túi xinh đẹp mỗi độ Xuân về. 

Với gần 300,000 người Việt sinh sống chủ yếu ở hai thành phố lớn Sydney (New South Wales) và Melbourne (Victoria), Hội chợ Tết là một trong những sự kiện văn hóa đặc trưng, có ý nghĩa kết nối cộng đồng dành riêng cho bà con người Việt tham gia đón Tết hàng năm. Lễ hội văn hóa này thu hút hàng triệu du khách tham gia với các gian hàng ẩm thực Á Châu, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, múa lân... Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của virus corona và vẫn phải tuân thủ các biện pháp giới hạn, nhiều sự kiện cộng đồng Việt Nam ở các tiểu bang, vùng lãnh thổ bị hủy bỏ, hoặc thu nhỏ quy mô tổ chức hoặc được chuyển sang hình thức trực tuyến. 

Tại Sydney, tuân thủ những giới hạn và đảm bảo an toàn cho mọi người, cộng đồng không tổ chức Hội chợ Tết ở Fairfield hay Bankstown như mọi năm. Thay vào đó, với mong muốn duy trì, tôn vinh bản sắc truyền thống Tết Việt và gắn kết mối quan hệ cộng đồng, Lễ đón Xuân sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Cộng Đồng vào ngày 13/02/2021. Ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do NSW, cho biết :

« Tuân thủ theo các biện pháp của bộ Y Tế đưa ra về đại dịch, chúng tôi không thể tổ chức được Hội chợ Tết như bình thường, với quy mô lớn như hàng năm. Nhưng để giữ không khí của chợ Tết, năm nay thay vào đó, chúng tôi sẽ tổ chức buổi lễ đón Xuân. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, những trang trí lộng lẫy, không khác gì những năm trước vào dịp Tết. Năm nay chúng tôi cũng làm tương đương như vậy, với một mô hình nhỏ hơn, nhưng không kém phần quan trọng, cũng đầy đủ tất cả yếu tố để cho đồng hương đến cảm thấy được có một mùa Xuân khá là trọn vẹn trong mùa đại dịch này ». 

Tại Melbourne, nhóm các nhà lãnh đạo trẻ cộng đồng người Việt Victoria đã nỗ lực mang linh hồn của mô hình Hội chợ Tết hàng năm vào Chương trình Hội Chợ Tết Tân Sửu trực tuyến phát sóng cuối tuần 6 và 7/02/2021. Chương trình bao gồm một số đoạn phim tài liệu ngắn về văn hóa Việt Nam và phong tục Tết cổ truyền, biểu diễn văn nghệ, trình diễn nấu ăn, biểu diễn múa lân, đốt pháo, các sinh hoạt nghệ thuật và thủ công dành cho trẻ em, cũng như hàng loạt các cuộc thi hấp dẫn khác. Chương trình thu hút hàng chục ngàn người xem trực tuyến qua website, Youtube và Facebook. 

Ngoài ra, dù phải tuân thủ các giới hạn, cộng đồng người Việt không kém phần háo hức đợi chờ tham gia một số chương trình sự kiện văn hóa đa sắc tộc trên khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ Úc Châu bắt đầu diễn ra từ tuần thứ 2 của tháng 2/2021 ». 

Trung Quốc hy vọng « trắng án » quay sang khoác áo nạn nhân Covid-19

 RFI

Trưởng đoàn điều tra về Covid-19 tại Vũ Hán của WHO, ông Peter Ben Embarek (P), và ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), lãnh đạo Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 09/02/2021.
Trưởng đoàn điều tra về Covid-19 tại Vũ Hán của WHO, ông Peter Ben Embarek (P), và ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), lãnh đạo Ủy Ban Y Tế Quốc Gia Trung Quốc, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 09/02/2021. REUTERS - ALY SONG
Thu Hằng
5 phút

Nếu như virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ nơi khác và Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân ? Chí ít đây là lập luận được Bắc Kinh củng cố thêm từ sau kết luận của đoàn chuyên gia của tổ chức Y Tế Thế Giới trong buổi họp báo ngày 09/02/2021.

Giả thuyết về virus thoát từ các phòng thí nghiệm Vũ Hán là « khó có thể xảy ra », cho dù cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây vẫn khẳng định. Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đúng là ổ dịch đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng không phải là nơi duy nhất phát tán virus. Chính quyền Bắc Kinh càng tin vào điều này, vì các nhà nghiên cứu Ý và Pháp vừa công bố virus corona có thể đã xuất hiện tại hai nước này từ tháng 10 và tháng 11/2019, nhiều tuần trước khi được chính thức ghi nhận ở Trung Quốc.

Dù nguồn gốc virus corona vẫn là một bí ẩn, nhưng đối với Bắc Kinh, virus không bắt nguồn từ Trung Quốc đã là một « thắng lợi », giúp Trung Quốc từ giờ khoác áo « nạn nhân ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin), trong buổi họp báo ngày 10/02, vẫn cho rằng virus corona đã xuất hiện ở Mỹ trước khi được chính thức xác nhận tại Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc đã « minh bạch » đón các nhà điều tra quốc tế, giờ phải tiến hành điều tra tại nhiều nước khác vì có lẽ có nhiều « ổ dịch » SARS-CoV-2 trên thế giới.

Nghiên cứu dựa trên tài liệu được chuẩn bị sẵn

Tuy nhiên, ngay trước khi diễn ra, giới khoa học thế giới không kỳ vọng nhiều vào chuyến đi của đoàn chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Cuộc điều tra mang lại « ít câu trả lời, vẫn còn nhiều thắc mắc », theo nhật báo Pháp Le Monde (11/02).

Thực vậy, chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đã được dọn sạch sẽ và đóng cửa hoạt động. Và sau hơn một năm Trung Quốc mới « sẵn sàng » đón phái đoàn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Đoàn chuyên gia nghiên cứu những dữ liệu, được phía Bắc Kinh chuẩn bị sẵn, để đưa ra kết luận « không có bất kỳ dấu hiệu virus lây lan ở Vũ Hán trước tháng 12 (2019) ».

Ngoài ra, những kết luận của đoàn chuyên gia quốc tế còn để ngỏ cho Trung Quốc khả năng theo đuổi lập luận virus được đưa vào nước này qua « dây chuyền đông lạnh », đặc biệt là thủ lợn và hải sản, sau đó lây cho người dân. Ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), lãnh đạo Ủy Ban Y Tế Quốc Gia, đứng đầu phái đoàn Trung Quốc, đã tranh thủ buổi họp báo chung với đoàn chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm 09/02 để tái khẳng định lập trường của Trung Quốc : « SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong điều kiện môi trường bảo quản thực phẩm đông lạnh và trên bao bì ».

Nhóm chuyên gia đến Trung Quốc có vẻ đồng ý về giả thuyết này, trái ngược với quan điểm của ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cho rằng hiện « chưa có bằng chứng cho thấy thực phẩm hoặc dây chuyền đông lạnh đóng vai trò việc lây nhiễm » Covid-19.

Nhật báo Le Monde nhận định Trung Quốc đã khéo léo « cân bằng được giữa khoa học và ngoại giao » trong chiến dịch truyền thông về cuộc điều tra của đoàn chuyên gia y tế quốc tế.

Khuyến cáo điều tra thêm trước thời điểm 12/2019

Kết luận về những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được chính thức ghi nhận vào tháng 12/2019 không đồng nghĩa với việc là không có ca nào trước đó. Các chuyên gia tham gia phái đoàn của Tổ Chức Y Tế Thế giới cho rằng cần tìm thêm các bằng chứng về khả năng virus lây lan trước tháng 12/2019 ở Vũ Hán, « thu thập thêm mẫu về động vật hoang dã ở Trung Quốc cũng như ở nơi khác », cũng như điều tra thêm về những trang trại cung cấp động vật cho chợ Hoa Nam, vì theo họ, vật chủ trung gian phải là một con vật gần gũi với con người hơn là loài dơi, như thỏ, con lửng, chuột tre… được bán trong chợ.

Hoa Kỳ không tỏ ra tin tưởng vào « tinh thần hợp tác », « sự minh bạch » của Trung Quốc. Ông Ned Price, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết Washington sẽ phối hợp nghiên cứu với các đối tác, « hơn là vội vã tin vào những kết luận có thể mang những động cơ khác ngoài khía cạnh khoa học ».

Phía bộ Ngoại Giao Trung Quốc, thông qua lời phát ngôn viên Uông Văn Bân, thì có vẻ « thách » Mỹ minh bạch tương tự và mời chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến điều tra nguồn gốc virus corona. 

Phiên tòa Donald Trump: Dân Chủ công bố hình ảnh sốc về vụ tấn công điện Capitol

 RFI

Các thượng nghị sĩ tìm cách thoát khỏi khu vực nguy hiểm trong cuộc tấn công Điện Capitole, Washington (Hoa Kỳ), ngày 06/01/2021.
Các thượng nghị sĩ tìm cách thoát khỏi khu vực nguy hiểm trong cuộc tấn công Điện Capitole, Washington (Hoa Kỳ), ngày 06/01/2021. AFP - DREW ANGERER
Thụy My
3 phút

Hôm qua 10/02/2021, ngày thứ hai của phiên tòa truất phế cựu tổng thống Donald Trump, phe Dân Chủ đã cho chiếu các video khiến các thượng nghị sĩ sống lại những giờ phút khủng hoảng hôm 06/01, khi những người ủng hộ ông Trump tràn vào điện Capitol. Các công tố viên cực lực lên án thái độ của tổng thống Trump, và cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về vụ nổi dậy.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :

Theo ông Jamie Raskin, « Donald Trump đã rời bỏ tư cách tổng tư lệnh quân đội để đóng vai người đứng đầu trong việc xúi giục một cuộc nổi dậy nguy hiểm ». Chứng minh bằng những tweet và trích đoạn diễn văn, phe Dân Chủ mô tả tình trạng mất phương hướng nghiêm trọng của cựu tổng thống và những hành động ngày càng tuyệt vọng của ông để có thể tiếp tục bám giữ quyền lực, cho đến ngày 6 tháng Giêng hôm ấy.

Bà Madeleine Dean nói : « Thực tế là vụ tấn công đã không bao giờ diễn ra, nếu không có ông Donald Trump ». Phía Dân Chủ cho chiếu các video chưa từng được thấy về vụ xâm nhập Điện Capitol. Những cảnh bạo động diễn ra song song với việc các nghị sĩ vội vã sơ tán. Các hình ảnh chứng tỏ các thượng nghị sĩ suýt nữa đã phải đối mặt trực tiếp với người biểu tình. Người ta trông thấy các nhân viên sợ hãi, những cảnh sát phải kêu cứu.

Thái độ của phó tổng thống, bị người biểu tình lên án, thì lại được hoan nghênh. Joaquin Castro khẳng định : « Mike Pence và tôi hiếm khi đồng thuận về chính trị, nhưng ông ấy đã tôn trọng lời tuyên thệ. Đó không phải là kẻ phản bội, mà là người yêu nước ». Còn ông Donald Trump bị đả kích, bị cáo buộc chẳng những gây ra vụ tấn công, mà còn không làm gì để bạo động ngưng lại. 

TIN TỔNG HỢP

 Đăng ngày: 

Tin tổng hợp
Tin tổng hợp RFI/Tiếng Việt
RFI
7 phút

(AFP) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam chúc Tết bằng nhạc rap. Ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gây bão trên internet nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, khi đăng một clip chúc Tết bằng nhạc rap. Trong video này, ông đại sứ dạo bước trên những con đường ở Hà Nội và Sài Gòn, đeo tai nghe, đi cùng với những ngôi sao ca nhạc trong nước, uống cà phê sữa đá kiểu Việt Nam. Video dài ba phút đã được chia sẻ nhiều ngàn lần kể từ khi đăng hôm thứ Ba.

(Yonhap) - Ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tăng cao trở lại tại Hàn Quốc. Đúng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca nhiễm virus corona trong vòng 24 giờ lại vượt ngưỡng 500 theo số liệu ngày 11/02/2021 và có thêm 10 người chết. Chính quyền luôn trong tình trạng báo động và lo ngại số ca nhiễm mới sẽ tăng sau 4 ngày nghỉ Tết. Cơ quan y tế chờ đến cuối tuần để thông báo giảm nhẹ hay không các biện pháp hạn chế, hiện đang ở mức thứ 2 trên nấc thang 5.

(AFP) - AstraZeneca : Lãi ròng năm 2020 tăng hơn gấp đôi. Hôm nay 11/02/2021, tập đoàn bào chế dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca thông báo lãi ròng năm 2020 của hãng đạt 3,2 tỉ đô la, tăng gấp đôi so với năm trước. Tổng doanh thu bán thuốc cả năm của AstraZeneca tăng 9%, đạt 26,6 tỉ đô la, nhờ các loại thuốc mới : Nhu cầu các loại sản phẩm liên quan đến các rối loạn cho virus corona gây ra tăng mạnh, chẳng hạn bệnh hen suyễn.

(RFI) - Covid-19 tại Brazil : Hàng trăm tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp đoàn kết đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng. Brazil cho đến nay đã tiêm được cho 4 triệu người, nhưng số người được tiêm mới chỉ chiếm 2% dân số, trong khi Brazil là một trong những nước dịch bệnh tàn phá nặng nhất thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, với tiến độ như hiện nay, phải mất thêm 4 năm mới tiêm ngừa hết cho người dân Brazil. Vì thế, 400 doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ đã hợp tác phát động phong trào « Đoàn kết vì vac-xin » để người dân quốc gia có 212 triệu dân được tiêm sớm nhất có thể, từ nay đến tháng 09/2021.

(AFP) - Pháp : Sơ André 117 tuổi chiến thắng Covid. Sơ André, một trong những phụ nữ cao niên nhất châu Âu, hôm qua 10/02/2021 đã mừng sinh nhật tại một viện dưỡng lão (Ehpad) ở Toulon, sau khi thoát khỏi Covid. Một cuộc hội ngộ qua video được tổ chức với các cháu chắt của bà vì không được thăm viếng trong thời kỳ dịch bệnh. Con virus corona hồi tháng Giêng tấn công vào cơ sở này làm khoảng 12 người thiệt mạng, 81 người bị phát hiện dương tính. Sơ André sinh ngày 11/02/1904, đã sống qua ba nền cộng hòa và 19 tổng thống khác nhau, có kỷ niệm đẹp nhất là khi hai người anh trở về vào cuối Đệ nhất Thế chiến.

(AFP) - Đại dương quá nhiều rác nhựa, không còn có thể làm sạch. Các nhà khóa học của nhóm nghiên cứu GDR « Polymère và các đại dương » hôm qua 10/02/2021, trong cuộc gặp thường niên, khẳng định không thể làm sạch đại dương khỏi rác thải nhựa bởi trong đại dương đã có quá nhiều nhựa và chi phí sẽ rất tốn kém. Đáy biển sẽ không thể được nạo vét và rác thải nhựa sẽ nằm yên dưới đáy đại dương lâu dài. Nhà đại dương học Galgani của Ifremer ước tính mỗi năm các đại dương phải chứa thêm hàng chục triệu tấn rác nhựa.

(AFP) - Cuba : Báo chí, y tế và giáo dục không mở cửa cho tư nhân. Bộ Lao Động Cuba hôm qua 10/02/2021 thông báo như trên. Có 124 trong tổng số 2.100 hoạt động không dành cho giới tư nhân, mà thuộc độc quyền Nhà nước. Cũng hôm qua, bộ trưởng Văn Hóa Cuba tố cáo việc sử dụng văn hóa nhằm lật đổ cách mạng. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh từ vài tháng nay căng thẳng gia tăng giữa giới nghệ sĩ và chính quyền, liên quan đến quyền tự do ngôn luận.

(Yonhap) - Bắc Triều Tiên đứng chót thế giới về chỉ số dân chủ. Bình Nhưỡng lại đứng chót trong bảng xếp hạng chỉ số dân chủ của Economist Intelligence Unit (EIU) năm 2020 vừa công bố hôm nay 11/02/2021. Đây là năm thứ 16 liên tiếp Bắc Triều Tiên « đội sổ » kể từ khi EIU bắt đầu xếp hạng năm 2006, chỉ được 1,8/10 điểm. Bắc Triều Tiên nằm trong nhóm « chế độ toàn trị », các nhóm khác là « hoàn toàn dân chủ », « dân chủ không hoàn hảo », « chế độ song hành ».

(AFP) - Twitter cấm hẳn Donald Trump. Ngày 10/02/2021, giám đốc tài chính của mạng xã hội này cho biết dù cựu tổng thống Mỹ có trở thành ứng viên vào Nhà Trắng trong tương lai, ông cũng không thể sử dụng lại mạng Twitter vì ông đã bị loại khỏi mạng này.

(Le Figaro) - TikTok thoát được vụ « ép » bán tại Mỹ. Theo Wall Street Journal ngày 10/02/2021, chính quyền Washington từ bỏ dự án buộc tập đoàn Trung Quốc ByteDance bán lại hoạt động tại Mỹ. Mạng xã hội được giới trẻ ưa chuộng bị chính quyền Donald Trump cáo buộc là mối đe dọa cho an ninh quốc gia và cần phải cấm trên lãnh thổ Mỹ.

(AFP) - Tàu thăm dò Thiên Vấn-1 của Trung Quốc đi vào quỹ đạo Hỏa tinh. Tàu vũ trụ Thiên Vấn-1 (Tianwen) của Trung Quốc hôm qua 10/02/2021 lần đầu đã vào được quỹ đạo xung quanh Hỏa tinh, bảy tháng sau khi được phóng lên không gian từ Hải Nam. Đây là giai đoạn quan trọng để đạt mục tiêu đưa một robot được điều khiển từ xa hạ cánh xuống hành tinh đỏ trong ba, bốn tháng tới. Hôm thứ Ba, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng đã thành công trong việc đưa một tàu vũ trụ vào quỹ đạo Hỏa tinh. Các nước đã đi trước là Liên Xô, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu.

(AFP) - Mỹ lại kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Lời kêu gọi mới của Washington được đưa ra hôm qua 10/02/2021. Bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar nói Akara không phải lúc nào cũng dùng hệ thống S-400, mà chỉ dùng trong những trường hợp bị đe dọa và sẵn sàng thương lượng với Mỹ để làm giảm căng thẳng. Thế nhưng, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đáp lại là chính sách của Washington về vấn đề này là không đổi.

 

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành

11/2/2021

 Tân Sửu 2021 đang đến gần trong bối cảnh nhiều nước châu Á vẫn phải căng mình chống dịch COVID-19.

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 1

Tết Tân Sửu 2021 đang đến gần trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hoành hành, khiến người dân nhiều quốc gia châu Á và hình ảnh đón năm mới cũng khác với mọi năm. Trong ảnh, người dân Thái Lan thắp hương tại một ngôi đền ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 2

Các cô gái đứng trên một con phố được trang trí chào đón tết âm lịch tại khu Chinatown ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 3

Những ngày cuối năm 2020, Thủ đô Bắc Kinh và những khu vực phía Bắc Trung Quốc bất ngờ bùng phát những ổ dịch mới COVID-19, khiến hàng triệu người lao động không thể về quê ăn Tết. Trong ảnh, một cặp đôi chụp ảnh trước mô hình con trâu robot chiếm không gian rộng lớn ở một địa điểm công cộng ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 4

Khung cảnh vắng vẻ khác lạ tại một ga tàu ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 5

Một cậu bé chơi cầu lông ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Vũ Hán là được cho là nơi đầu tiên trên thế giới khởi phát dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 6

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi qua khu vực trang trí chuẩn bị cho năm mới âm lịch tại công viên Gardens by the Bay ở Singapore. Hình ảnh con trâu vàng biểu tượng cho năm Tân Sửu cũng hiện diện tại đây. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 7

Một gia đình sản xuất que hương lớn ở ngoại ô Thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 8

Đi đền chùa là truyền thống của người dân Hong Kong cũng như người Hoa ở nhiều nước trong những ngày Tết. Chỉ khác là năm nay người đi chùa gần như đều đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters

Hình ảnh các nước châu Á đón Tết Tân Sửu giữa bối cảnh đại dịch hoành hành - Ảnh 9

Thành viên Hiệp hội múa lân sư rồng Kun Seng Keng tập luyện trong một nhà kho ở Muar, Malaysia. Tuần trước, nước này đã nới lỏng các hạn chế phòng COVID-19, cho phép tối đa 15 thành viên từ các hộ gia đình khác nhau có thể cùng dùng bữa tối, với điều hiện họ sống cách nhau không quá 10 km. Những người này không được phép vượt qua ranh giới giữa các bang hoặc quận. Ảnh: Reuters


Hoa Vũ (T/h) 

Powered by Blogger.