Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

TT Trump nói Trung Quốc muốn ông không tái cử Tổng thống Mỹ

Thursday, April 30, 2020 // ,
TT Trump nói Trung Quốc muốn ông không tái cử Tổng thống Mỹ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm thứ Tư (29/4) đã nói rằng ông tin cách Trung Quốc xử lý dịch virus corona minh chứng cho thấy Bắc Kinh “sẽ làm mọi thứ họ có thể” để khiến ông thất bại trong cuộc đua tái cử tổng thống Mỹ vào tháng Mười Một.
image.png
Trả lời Reuters hôm 29/4 tại Phòng Bầu Dục, bên trong Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói ông đang xem xét các lựa chọn khác nhau về hậu quả mà Trung Quốc phải gánh chịu liên quan tới virus corona Vũ Hán. “Tôi có thể làm nhiều thứ”, ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm gần đây đang gia tăng cáo buộc Trung Quốc xử lý sai đại dịch virus corona ngay từ giai đoạn đầu căn bệnh chết người này bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Cho đến 29/4, virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 60.000 người Mỹ.
Tổng thống Trump nói rằng ông tin Trung Quốc đáng lý phải chủ động hơn trong việc thông báo cho thế giới về dịch virus corona sớm hơn nhiều nữa.
Khi được phóng viên Reuters hỏi liệu ông có đang cân nhắc sử dụng thuế quan hoặc yêu cầu Trung Quốc xóa nợ, ông Trump không trả lời cụ thể. “Tôi có thể làm nhiều thứ. Chúng tôi đang tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra”, ông Trump nói.
Ông chủ Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ làm mọi thứ họ có thể để khiến tôi thua trong cuộc đua [tái cử tổng thống Mỹ]”. Ông Trump cho biết ông tin Bắc Kinh muốn đối thủ Đảng Dân chủ của ông, ông Joe Biden sẽ thắng cử tổng thống Mỹ bởi vì khi đó Bắc Kinh sẽ được xóa bỏ những áp lực về thương mại và các vấn đề khác mà ông Trump đang áp đặt.
Về cuộc điều tra virus corona, từ trước phát biểu của ông Trump liên quan tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiếp tục lên tiếng yêu cầu chế độ Trung Quốc phải cho phép chuyên gia Mỹ tiếp cận phòng thí nghiệm virus tại Vũ Hán.
Hãy xem, chúng tôi vẫn chưa được tiếp cận, thế giới vẫn chưa được tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán. Chúng ta không thể biết chính xác loại virus này có nguồn gốc từ đâu”, ông Pompeo nói trong buổi họp báo hôm 29/4 tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Chúng tôi nghĩ có rất nhiều phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đang tiếp tục tiến hành công việc trên các mầm bệnh truyền nhiễm và chúng tôi không biết liệu các phòng thí nghiệm này có đang hoạt động ở mức độ đủ an toàn để ngăn chặn không cho điều tương tự [như dịch virus corona] xảy ra nữa hay không”, ông Pompeo nói thêm.
Theo Reuters, trước áp lực từ phía Mỹ và đồng minh về việc tiến hành điều tra nguồn gốc virus corona, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng sáng thứ Năm (30/4) đã nói rằng Trung Quốc “kiên quyết phản đối” bất kỳ cuộc điều tra quốc tế nào về đại dịch virus corona mà nó giả định Trung Quốc có lỗi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng dẫn lời ông Le Yucheng trả lời phỏng vấn trên kênh NBC (Mỹ) nói rằng Bắc Kinh cực lực phản đối một cuộc điều tra quốc tế “bị chính trị hóa” nhằm mục đích bêu xấu Trung Quốc.
Theo Reuters – 30/4/20

Việt Nam và Trung Quốc không còn “thắm tình anh em” vì Biển Đông?

Việt Nam và Trung Quốc không còn “thắm tình anh em” vì Biển Đông?

Quí Bạn đọc thân mến,  Nhiều người cho rằng hành động xâm lấn VN của Bắc Kinh coi quyền lợi quốc gia cao hơn tình đồng chí XHCN anh em sẽ khiến Việt Nam xoay trục sang Hoa Kỳ?
Nhưng Việt Nam không thể chuyển sang liên minh quân sự với Mỹ, vì như vậy Trung Quốc có cớ ra tay dạy cho VN bài học mới?
Nhưng các ký ức cùng tự hào về công cuộc chống thực dân, đánh Mỹ cút vẫn còn in đậm ghi rõ trên giấy bút cùng với lý tưởng tiến nhanh lên CNXH, 16 chữ vàng 4 tốt, càng không có chỗ đứng khi Mỹ định hình một lộ trình nhân quyền và dân chủ hóa VN trong quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ?
Cho nên Hà Nội đã có sự thận trọng đúng mức?
Trong tình thế không có đường lùi thì Ai là bạn ai, là thù, ai đối tác.  Ai sẽ liên minh và hậu thuẫn cho Việt Nam?
Trên đời không ai là đối tác muôn đời, là bạn hay thù suốt kiếp!
Liên minh là vấn đề xưa , như khối liên minh cs Liên xô – Đông Âu, khối NATO, ASEAN, hay liên minh Mỹ – Philippines, Mỹ – Đài hay  Mỹ – Hàn , đó là thời chiến tranh Lạnh qua rồi … nhưng có thể nói chắc là csVN không có một liên minh nào cốt lõi chắc chắn nhứt để bảo vệ tổ quốc đó là liên minh với chính nhân dân Việt Nam.
Nhưng đảng cs vẫn còn bám chặt châm ngôn “Nhân dân làm chủ , lòng Dân – ý Đảng” trong khi lịch sử xưa nay đều chứng thực “Ý Dân là Ý Trời”
Làm sao có chuyện tréo nghoe ”lòng xanh – ý đỏ” hay “thân thì xanh – đầu lại đỏ, như dị nhân trong cảnh đồng sàng dị mộng!
Tổ tiên ta luôn răn dạy “Ý Dân là Ý Trời”, thuận lòng Dân là được lòng Trời , thuận Trời thì tồn tại nghịch Ý Trời, ngược lòng Dân sẽ tiêu vong.
Đã đến lúc đầu đỏ phải được thay bằng đầu xanh để cho lòng Dân cùng ý Nước nhứt Tâm là một thì không có bọn xâm lược nào có thể tồn tại tại sơn hà Nam Quốc nầy.   BBT
Việt Nam và Trung Quốc không còn “thắm tình anh em” vì Biển Đông?
30 tháng 4, 2020
Theo tác giả David Koh trên South China Morning Post ngày 28/04/2020, khi đụng đến vấn đề Biển Đông, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều thấy rằng quá khứ của tình đồng chí không thể là cơ sở cho chính sách quốc gia. Hà Nội chẳng bao lâu nữa có thể nhận ra rằng đã bị Bắc Kinh chơi xỏ, trong khi đó Mỹ vẫn quan sát diễn tiến trong khu vực.
Việt Nam và Trung Quốc không còn “thắm tình anh em” vì Biển Đông?
Có nhiều điều đã làm nên tình đồng chí giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo. Hai nước thường tuyên bố bên này là chỗ dựa của bên kia, và nhắc lại thời kỳ anh em thân thiết, cùng chung sức chiến đấu với đế quốc và thực dân. Tuy nhiên sự lãng mạn không thể là nền tảng bền vững cho chính sách quốc gia.
Khi nói đến vấn đề Biển Đông, yêu sách của Trung Quốc và Việt Nam không có điểm nào chung – cũng như mọi yêu sách về vùng biển tranh chấp. Và cũng không có thương thảo thực sự về chia sẻ chủ quyền, cùng sử dụng, khai thác hay cùng hợp tác về bất kỳ phương diện nào.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng ngoài cuộc trong việc nhanh chóng giúp giải quyết căng thẳng. Hoa Kỳ nhận thấy lợi ích của mình về tự do hàng hải trên Biển Đông bị ảnh hưởng bởi yêu sách của tất cả các bên, và bên cạnh đó mục tiêu của Mỹ còn là chận bước Trung Quốc.
Hoa Kỳ cũng tìm cách có được một vùng đất để đặt chân sát cạnh Biển Đông, từ khi Philippines có thái độ thất thường trong quan hệ quân sự với Washington. Trong số các kịch bản khác có thể kể thêm việc bảo vệ các đối tác quốc phòng như Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời trợ giúp Đài Loan.
Các nhà quan sát cho rằng sự thất vọng của Hà Nội về Bắc Kinh sẽ khiến Việt Nam xoay trục sang Hoa Kỳ – vốn mong muốn có chiến lược sâu hơn và thậm chí quan hệ quân sự gắn bó hơn với các quốc gia chủ chốt ở Đông Nam Á. Tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn không thể chuyển nhanh sang quan hệ với Mỹ, vì như vậy Trung Quốc có thể có phản ứng mạnh bất ngờ. Thế nên Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh nguy cơ nếu hoàn toàn thuận theo phía Mỹ, chẳng hạn việc Mỹ định hình dân chủ hóa cho chính quyền cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành quân cờ của Việt Nam nhằm đối phó với Trung Quốc.
Ý kiến trong nước về chiến lược của Việt Nam rất khác nhau. Có những tranh cãi trong xã hội về cách thức theo đuổi mục tiêu. Người thì cho rằng chính quyền ngây thơ, vẫn còn chìm đắm trong lý tưởng xã hội chủ nghĩa và tình hữu nghị anh em, sẵn sàng chấp nhận tạm thời mất chủ quyền. Người khác thấy Hà Nội đã thận trọng đúng mức, muốn tránh chiến tranh, nhưng cũng không sợ chiến tranh nếu đó là cần thiết.
Còn bên trong chính phủ và đảng cộng sản, các quan điểm ít khác biệt hơn, tập trung vào sự cần thiết sử dụng nhiều cấp độ chiến thuật và chiến lược thay vì chỉ tỏ ra hiếu chiến. Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã tăng tiến rất nhiều trong việc siết chặt quan hệ với các quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (mặt trận ngoại giao), mời gọi hợp tác đa phương về quốc phòng (mặt trận quân sự), củng cố tăng trưởng và nguồn lợi (vốn là nền tảng kinh tế của hai chiến thuật trên đây).
Theo tác giả, phương thức thận trọng và chậm chạp của Việt Nam đã bị các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khai thác, vì vấn đề quan trọng là chiếm giữ các đảo trên Biển Đông, biến thành một chuỗi căn cứ giúp Trung Quốc có được sức mạnh cấm đoán tàu bè các nước đi qua. Thế nên Bắc Kinh làm ngơ trước những phản kháng của Hà Nội, khiến cho sự chia rẽ trong nội bộ Việt Nam càng sâu sắc thêm. Tuy nhiên, sự kiên trì của Trung Quốc để một ngày nào đó sẽ giành chiến thắng toàn diện, đã khiến cho Việt Nam không thể kéo dài chính sách lửng lơ không muốn nghiêng hẳn sang phía khác. Có điều không ai biết được khi nào việc xoay trục này sẽ diễn ra.
Tình hữu nghị anh em nếu được thổi bùng trở lại, mỉa mai thay có thể giúp giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2000, khi giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và ký kết hiệp ước phân định, hai bên đã có nhượng bộ lẫn nhau, và thỏa ước này được coi như điển hình cho việc thực hiện chính sách « đồng chí tốt, láng giềng tốt ».
« Đồng chí tốt, láng giềng tốt » là phiên bản mờ nhạt của « môi hở răng lạnh », « tình anh em », những câu nói cửa miệng thường được sử dụng để mô tả mối quan hệ trong thời kỳ các nhà sáng lập cộng sản Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Tuy nhiên hiệp ước năm 2000 đã đánh bạt khả năng xảy ra một cuộc xung đột trên đất liền, và hai bên có thể tiến tới.
Liệu Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa có thể viện đến tình hữu nghị anh em ? Tác giả David Koh cho rằng bối cảnh năm 2000 rất khác với năm 2020, có rất nhiều sự kiện đã diễn ra, đặc biệt có ba trở ngại lớn đang ngăn cản.
Trước hết, Trung Quốc không còn coi Việt Nam là quan trọng về mặt tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa, trong khi Việt Nam vẫn còn cần tình liên đới này, trong nỗ lực chống lại sự thôi thúc dân chủ hóa từ phía Hoa Kỳ. Từ cuối thập niên 80, Trung Quốc đã tuyên bố với Việt Nam là quan hệ song phương giữa đôi bên không phải là đặc biệt, không có gì khác với quan hệ giữa Trung Quốc và các láng giềng khác.
Khó thể tin rằng sự tham vấn giữa hai đảng cộng sản về kinh nghiệm chủ nghĩa xã hội và những bất bình giữa đôi bên có thể tác động đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Việt Nam. Đặc biệt là trong việc chặn bớt tốc độ bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, mà Việt Nam vô cùng căm ghét. Tuy rất nhiều người Việt Nam lên án các hành động của Trung Quốc trên biển, một tỉ lệ tương tự người Trung Quốc có thái độ ngược lại. Tình hữu nghị và ý thức hệ được đặt sau lợi ích quốc gia.
Trở ngại thứ hai là Việt Nam không mang lại cho Trung Quốc lợi ích kinh tế hoặc chính trị quan trọng nào, để có thể một lần nữa coi Việt Nam là anh em, hoặc nhường bước trước đòi hỏi của Việt Nam. Mối nghi ngờ lẫn nhau vẫn nung nấu, và quan hệ kinh tế không mạnh mẽ như tiềm năng thực sự.
Cũng như những gì đã diễn ra trong quá khứ, Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chận sườn phía nam chống lại sự xâm lấn của tư tưởng phương Tây. Mục tiêu rộng lớn hơn của Trung Quốc là đạt được các lợi ích cốt lõi, quan hệ tốt với Hoa Kỳ và Nga. Nói cách khác, Việt Nam chỉ mang lại lợi ích chiến lược nhỏ nhoi, trừ phi Hà Nội liên kết chặt chẽ, hoặc đang trên đường liên minh với Hoa Kỳ hoặc Nga.
Trở ngại thứ ba : có thể Bắc Kinh đã bao vây Hà Nội bằng cách siết rất chặt quan hệ với Lào, Thái Lan và Cam Bốt, tìm cách đẩy các nước này ra xa khỏi Việt Nam. Bên cạnh quan ngại này còn có những đồn đãi rằng Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở Cam Bốt, tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế với Thái Lan.
Lào vốn là căn cứ quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp, cũng trở thân thiết hơn với Bắc Kinh (nước này cũng có đường biên giới chung với Trung Quốc). Sự xâm nhập của Trung Quốc vào Lào đã trở nên rất bền chắc. Tác giả tự hỏi không biết lần tới, khi mặt trận phía bắc bị Trung Quốc đe dọa, Việt Nam còn có thể dựa vào Lào để đảm bảo an toàn hay không.
Nói cách khác, Trung Quốc đã khóa chặt lối ra bán đảo Đông Dương của Việt Nam. Lợi ích của Việt Nam trong khu vực bị giảm sút, đóng vai trò thứ yếu sau Trung Quốc, trừ phi Hà Nội nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự và quốc phòng.
Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019, Việt Nam tái khẳng định chủ trương không tham gia liên minh quân sự nào, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia. Đồng thời thêm vào một khái niệm thứ tư là không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhưng với Sách Trắng quốc phòng mới, quan điểm đối nghịch có thể xuất hiện trong ngày một ngày hai để tái định hướng chính sách quốc gia, nếu Việt Nam cứ liên tục bị Trung Quốc o ép.
David Koh
* Tác giả David Koh nghiên cứu về Việt Nam và các vấn đề khu vực từ ba thập niên qua, hiện làm việc tại Viện hợp tác hòa bình Cam Bốt.
(RFI)

Powered by Blogger.