Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Myanmar: Hằng trăm tín đồ Phật giáo biểu tình phản đối ông Kofi Annan

Wednesday, September 7, 2016 // , ,
RFA
2016-09-06

000_FW5I1.jpg
Hằng trăm tín đồ Phật giáo tại Myanmar hôm 6/9/2016 tập trung biểu tình phản đối cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, khi ông này đến thủ phủ Sittwe, bang Rakhine.
 AFP


00:00/00:00

Hằng trăm tín đồ Phật giáo tại Myanmar hôm nay tập trung biểu tình phản đối cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, khi ông này đến tại thủ phủ Sittwe, bang Rakhine để xem xét về tình hình xung đột sắc tộc khiến hằng chục ngàn người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo phải chạy đi lánh nạn.
Những người phản đối chuyến làm việc của ông Kofi Annan tại bang Rakhine mang theo biểu ngữ với nội dung chống lại cái mà họ cho là sự can thiệp của nước ngoài vào công việc tại địa phương của họ.
Bang Rakhine, giáp ranh với Bangladesh, là nơi xảy ra tình trạng bạo động sắc tộc kể từ năm 2012. Cộng đồng theo Phật giáo và sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo đụng độ nhau.
Hơn 100 người thiệt mạng mà đa số là người Hồi giáo Rohingya. Hằng chục ngàn người Rohingya vô tổ quốc phải lánh nạn tại những trại tạm cư. Cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, cũng như thiếu thốn những dịch vụ cơ bản khác.
Người Rohingya bị những tín đồ Phật giáo cực đoan phân biệt đối xử, cho rằng họ là những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp tại Myanmar.
Gần 1 triệu người Rohingya bị từ chối cấp quốc tịch Myanmar và chính quyền nước này không xem họ là nhóm thiểu số.
Lãnh đạo Aung San Suu Kyi bị những tổ chức theo dõi nhân quyền cáo buộc không dám trực tiếp giải quyết hồ sơ Rohingya trước áp lực của phe Phật giáo cực đoan.
Vào tháng qua, bà Aung San Suu Kyi mời cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đứng đầu ủy ban tư vấn giúp giải quyết hồ sơ người Rohingya.
Ông Kofi Annan lên tiếng hứa sẽ công bằng trong vấn đề này và ông đến bang Rakhine để gặp lãnh đạo địa phương cũng như các nhóm xã hội dân sự ở đó lắng nghe ý kiến từ nhiều phía.
Nhóm chính trị lớn nhất trong khu vực Rakhine là Đảng Quốc gia Arakan hôm nay tăng cường áp lực đòi hỏi quốc hội Myanmar giải tán ủy ban do ông Kofi Annan đứng đầu như vừa nêu.

Biển Đông : Pháo phản lực Việt Nam chống căn cứ quân sự Trung Quốc


mediaViện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vào tháng 02/2016 xác nhận Israel đã giao cho Việt Nam 20 quả tên lửa đối đất EXTRA(@defence-blog.com)
Tin Việt Nam đã âm thầm triển khai một số giàn bắn pháo phản lực EXTRA ra 5 hòn ‘đảo’ mà Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa tiếp tục thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Trong bài phân tích đăng ngày 28/08/2016 trên trang blog của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại Foreign Policy Research Institute tại Mỹ, chuyên viên nghiên cứu cao cấp Felix K. Chang cho rằng nếu quả đúng là như vậy, thì rất có thể là phản ứng đáp trả của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên những đảo đá mà họ kiểm soát trong vùng.
Chuyên gia này trước hết nêu bật sự kiện đã đượcReuters tiết lộ : là Việt Nam được cho là đã phân tán và che giấu các giàn phóng pháp phản lực EXTRA, nhưng chỉ cần một vài ngày chuẩn bị là có thể đưa phương tiện này vào hoạt động.
Đối với Felix Chang, trong bối cảnh Việt Nam thiếu (phương tiện) để theo dõi và giám sát tức thời các mục tiêu di động là tàu Trung Quốc trên biển, hệ thống pháo phản lực EXTRA vẫn có thể đe dọa các căn cứ cố định của Trung Quốc trên các đảo đá. Với tầm bắn tối đa là 150 cây số và độ chính xác chỉ sai lệch khoảng 10 mét, EXTRA có thể phá hỏng các phi đạo mới xây của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Mỹ, Việt Nam không phải là một nước nhát gan, suy sụp trước các thách thức, kể cả khi phải đối phó với những khó khăn chồng chất. Đấy có thể là trường hợp ở Biển Đông, khi với sức mạnh hải quân đang gia tăng và thái độ kiên quyết áp đặt chủ quyền trên toàn vùng, Bắc Kinh đang làm cho việc kháng cự lại ngày càng khó thêm.
Thế nhưng, Hà Nội đã làm những gì có thể làm được. Đã vung tiền ra mua tàu ngầm lớp Kilo và khu trục hạm lớp Gephard của Nga. Đã chấp nhận sự giúp đỡ của Nhật để củng cố lực lượng tuần duyên, đã thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Philippines, cho dù vẫn quan ngại trước thái độ (thiếu dứt khoát) cũng như sức mạnh quân sự (không cao lắm) của nước này.
Việc Việt Nam tăng cường quân sự ở Biển Đông có thể khiến Trung Quốc tiến thêm nhiều bước để nắm chặt hơn quyền kiểm soát khu vực. Trung Quốc đã không để sót điều gì. Họ đã xây dựng những cơ sở kiên cố và an toàn để bảo vệ máy bay của họ trên các đảo đá. Đầu hè này, Không Quân Trung Quốc bắt đầu gởi chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đi « tuần tra tác chiến » trong khu vực.
Trong suốt thời gian đó thì Trung Quốc tiếp tục các cố gằng nhằm xua đuổi Philippines và Việt Nam ra khỏi những hòn đảo mà hai nước này kiểm soát bằng cách phong tỏa đường tiếp tế cho các đơn vị trú đóng trên các đảo.
Tuy nhiên, việc củng cố hệ thống phòng thủ trên các đảo mà Philippines và Việt Nam nắm giữ có mục tiêu là khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong mưu đồ chiếm thêm lãnh thổ mới. Cách thức dễ dàng mà Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012 có vẻ khó lập lại. Những đảo còn lại trong vùng mà bây giờ được xem là dễ tấn công là các đảo của Malaysia, như James Shoal chẳng hạn.
Thoạt nhìn thì sự leo thang vũ trang trên các đảo ở Biền Đông có thể đáng ngại. Nhưng bản thân sự hiện diện của thêm nhiều vũ khí không có nghĩa là xung đột không thể tránh khỏi, mà nó mang ý nghĩa là nếu bùng lên, thì xung đột có nguy cơ nhanh chóng trở thành vòng xoáy.
Do tính chất dễ bị chiếm đoạt của các đảo liên can, việc triển khai vũ khí tấn công, như giàn phóng pháo phản lực có thể làm cho các chỉ huy tại chỗ phải lựa chọn giữa sử dụng hay là chịu thua khi khủng hoảng bùng lên. Điều đó có thể rất đáng ngại.

Biển Đông : Tuần duyên Trung Quốc là thủ phạm hầu hết các đụng độ

 

Tàu tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, tiếp cận khu vực giàn khoan 981 nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam, ngày 08/05/2014.Ảnh : Reuters
Các hành động ngày càng hung hãn hơn của các tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực. Các « tàu lạ » ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung Quốc. Trên đây là kết luận của các tác giả một công trình nghiên cứu, mới được công bố, về các sự cố trên tuyến đường hàng hải quan trọng này, được Reuters loan tin hôm nay 07/09/2016.
Trong khi các nhà quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện tại vùng biển tranh chấp, không thể coi thường mối nguy hiểm từ những sự cố có liên quan đến các tàu tuần duyên Trung Quốc. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực của CSIS (Center for Strategic and International Studies – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) đặt tại Washington nhận định như trên.
Các nhà nghiên cứu của CSIS đã nêu ra chi tiết của 45 vụ đụng độ tại Biển Đông kể từ năm 2010, trong một công trình khảo sát được công bố tuần này trên trang web ChinaPower. Nghiên cứu trải rộng trên nhiều địa điểm và liên quan đến nhiều loại tàu khác nhau, nhưng hành vi của các tàu tuần duyên Trung Quốc thống trị bức tranh toàn cảnh.
Lực lượng tuần duyên của Bắc Kinh có liên can 30 trường hợp trong số những vụ đụng độ được ghi nhận, tức đến hai phần ba. Bốn sự cố khác liên quan đến các tàu chấp pháp của hải quân Trung Quốc.
Báo cáo nêu ra vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 9/7, hai tàu đánh cá QNg 90479 TS và QNg 95001 TS của Việt Nam đang hoạt động gần Đá Lồi (Discovery Reef) tại Hoàng Sa, đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc Haijing 46101 và Haijing 35103 đâm chìm, và ngăn cản không cho các tàu cá Việt Nam khác đến cứu vớt các ngư dân bị rơi xuống biển.
Bà Glaser nói với hãng tin Reuters : « Những bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là cách hành xử tiêu biểu của Trung Quốc, đi ngược lại với việc thực thi pháp luật thông thường. Chúng tôi thấy họ bắt nạt, quấy rối, đâm vào tàu tuần duyên và tàu đánh cá nhỏ hơn của các nước khác, thường là nhằm xác quyết chủ quyền tại Biển Đông ».
Công trình nghiên cứu này cũng tính đến vụ nghênh chiến giữa Bắc Kinh và Hà Nội, do Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 2014, cũng như vụ đối đầu căng thẳng với Philippines năm 2012 mà kết cục là Trung Quốc chiếm luôn bãi cạn Scarborough.
Ngay giữa hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm nay, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Barack Obama, Philippines đã cho công bố rộng rãi hình ảnh chứng minh các tàu tuần duyên và xà lan Trung Quốc di chuyển đến Scarborough, nghi ngờ Bắc Kinh âm mưu xây đảo nhân tạo tại đây. Được hãng tin AP hỏi sự hiện diện của tàu tuần duyên Trung Quốc gây phiền nhiễu cỡ nào, phát ngôn viên của tổng thống Rodrigo Duterte, ông Ernesto Abella trả lời : « Đủ để loan báo việc này ».
Quốc gia Hải dương cục, cơ quan chủ quản của lực lượng tuần duyên Trung Quốc, hiện chưa trả lời câu hỏi của Reuters về công trình nghiên cứu của CSIS.
Công trình này định nghĩa một sự cố là khi tàu tuần duyên hoặc hải quân của một nước sử dụng những biện pháp cưỡng bách vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp cho phép.
Chuyên gia Bonnie Glaser nói rằng trong ngắn hạn, bà tin rằng nguy cơ gây thương tích hoặc tử vong có thể dẫn đến hậu quả tệ hại là đụng độ mang tính dân sự, hơn là giữa các lực lượng hải quân trên Biển Đông – xét đến tần số và cường độ các sự cố trong những năm gần đây. Thông tin liên lạc chưa được mở rộng để ngăn ngừa các vụ chạm trán giữa lực lượng tuần duyên các bên, cũng như đối với hải quân. 
Bản khảo sát dẫn ra những số liệu cho thấy việc Trung Quốc hợp nhất các lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính… vào năm 2013, đi đôi với việc tăng cao ngân sách, đã khiến lực lượng tuần duyên Trung Quốc trở thành lớn nhất thế giới.
Theo tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, hiện nay lực lượng này có 205 chiếc tàu, trong đó có 95 tàu trọng tải trên 1.000 tấn – một hạm đội quy mô vượt xa các nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản. Còn Naval War College Review cho biết, trong 5 năm qua, ngân sách bình quân hàng năm dành cho tuần duyên Trung Quốc là 1,74 tỉ đô la ; so với Nhật Bản 1,5 tỉ đô la, Việt Nam 100 triệu đô la và Philippines 200 triệu đô la.
Tóm lại theo CSIS, các « tàu lạ » ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu tố cáo việc huy động lực lượng tuần duyên - theo truyền thống chỉ nhằm thực thi pháp luật trên biển – vào việc xác quyết chủ quyền, khiến Biển Đông thêm sóng gió, làm mất ổn định tại châu Á.

Va chạm ngoại giao Mỹ - Trung tại Hàng Châu

Image copyrightREUTERS
Một bình luận châm biếm về Trung Quốc được Cục Quân báo Hoa Kỳ (DIA) đăng trên Twitter làm tăng tranh cãi về thủ tục ngoại giao tại hội nghị G20.
DIA nhanh chóng xóa tin này, nhưng công chúng đã kịp đọc: “Trung Quốc luôn đẳng cấp.”
Khi Tổng thống Barack Obama đến Hàng Châu dự G20, không có nghi lễ thảm đỏ và không có cầu thang để ông xuống máy bay.
Ngay sau khi máy bay Tổng thống Mỹ hạ cánh, đã xảy ra cãi vã, và một viên chức Trung Quốc hô to “đây là đất nước chúng tôi” để chặn phóng viên và giới chức Mỹ muốn đi qua hàng rào an ninh.
Tổng thống Obama đã kêu gọi giới phóng viên không “phóng đại” các sự cố.
Nhưng một tin trên Twitter của Cục Quân báo Hoa Kỳ (DIA) có vẻ làm tình hình xấu đi, theo báo Wall Street Journal.
Họ đăng câu “Trung Quốc luôn đẳng cấp” rồi sau đó xin lỗi, nói rằng tin nhắn “không thể hiện quan điểm của DIA. Chúng tôi xin lỗi.”
Ông Obama nói cãi vã không tác động đến quan hệ Mỹ - Trung.
Image copyrightGETTY
Ông nói một phần nguyên nhân căng thẳng khi đến nơi vì Mỹ có thái độ với báo chí khác với các nước.
“Chúng tôi cho rằng báo chí cần được tiếp cận công việc, cần có khả năng đặt câu hỏi.”
“Chúng tôi không để lại các giá trị và lý tưởng phía sau khi ra nước ngoài. Nhưng nó có thể gây căng thẳng.”
Các phóng viên Mỹ đi cùng Tổng thống Obama nói an ninh Trung Quốc không cho họ đứng xem tổng thống bước xuống máy bay. Việc hạn chế này thường chỉ áp dụng cho những nơi nguy hiểm như Afghanistan.
Khi một nhân viên Nhà Trắng phản đối với một viên chức Trung Quốc, viên chức Trung Quốc được cho là đã hô to “đây là đất nước chúng tôi”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cũng dính vào tranh cãi cùng người phó của bà. Theo báo New York Times, bà đã chê trách các viên chức Trung Quốc.
Đến khi ông Obama gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, lại xảy ra va chạm.
Phía Mỹ đã cãi vã với Trung Quốc về việc bao nhiêu người Mỹ được vào tòa nhà trước lúc ông Obama đến.
Hội nghị G20 đã chính thức khai mạc chiều 4/9 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Hàng Châu, Trung Quốc.

Sài Gòn Bây Giờ


Sài Gòn bây giờ dù mưa hay nắng
Rác ngập đầy đường xe kẹt quanh năm
Sài Gòn bây giờ ăn xin khắp lối
Quán nhậu lan tràn hạnh phúc tối tăm
Sài Gòn bây giờ mánh mung hết biết
Một bước ra đường bao kẻ rình ta
Sài Gòn bây giờ cơn mưa trút nước
Phố xá thành sông nước ngập tràn nhà
Sài Gòn bây giờ mạnh ai nấy tiểu
Chẳng chút ngượng ngùng tiểu giữa thanh thiên
Sài Gòn bây giờ quán ôm trăm thứ
Phẩm giá con người đạo đức đảo điên
Chỉ biết đến tiền tình người không có
Chân ngắn chân dài tìm cách lừa nhau
Ngậm đắng nuốt cay đổi tình thay bạn
Tan nát gia đình nuốt hận niềm đau
Sài Gòn bây giờ bụi ơi là bụi
Cái nóng nung người da thịt mồ hôi
Sài Gòn bây giờ cướp ngày hết ý
Tích tắc một giây tấm lắc bay rồi
Sài Gòn bây giờ khói xe mù mịt
Nghẹt thở tim gan phèo phổi mệt nhoài
Sài Gòn bây giờ kẹt xe không ngớt
Đâu dám qua đường ngại chết banh thây
Sài Gòn bây giờ suốt ngày ăn nhậu
Đĩ điếm đầy đường chèo kéo người qua
Sài Gòn bây giờ khắp nơi đồ giả
Giả vật giả người giả cả tình xa
Sài Gòn bây giờ cường hào ác bá
Tham nhũng vòi tiền mọi thứ trao tay
Tình người tan nhanh đồng tiền trước đã
Sài Gòn bây giờ đạo đức đã bay
Thực phẩm ngập đầy tràn lan hoá chất
Tráo trở lọc lừa giết cả Mẹ Cha
Sài Gòn bây giờ dù mưa hay nắng
Cắt xéo lọc lừa xẻ thịt banh da
Sài Gòn bây giờ chỉ toàn người Bắc
Nắm giữ quyền hành to nhỏ cơ quan
Khắp cả phố phường âm thanh the thé
Một lũ ngu si cuồng sắt đầy đàng
Sài Gòn bây giờ tang thương khiếp quá
Bệnh viện một giường năm bảy người chen
Bác sỹ y công đua nhau móc túi
Tán tận lương tâm một lũ ươn hèn
Sài Gòn bây giờ Đài Loan kiếm vợ
Những gái trần truồng để lựa tự nhiên
Văn hoá thuần phong nát tan hết cả
Một đám côn đồ một xã hội điên
Sài Gòn bây giờ trăm phương ngàn kế
Móc ngoặc phong bì tham nhũng mánh mung
Tai nạn giao thông lăn đùng ra chết
Vô cảm làm ngơ văn hoá điên khùng
Sài Gòn bây giờ nhà cao cửa rộng
Của đám cường quyền vơ vét người dân
Khóc lóc kêu oan biểu tình khắp lối
Sắt máu côn đồ đàn áp thẳng tay
Sài Gòn bây giờ ôi thôi hết biết
Còn nữa ta đâu Hòn Ngọc Viễn Đông
Tan nát niềm tin lòng dân căm phẫn
Mong muốn có ngày xoá sạch cho xong
Sài Gòn còn nhớ hay quên
đêm ray rức cạnh kề bên đọa đày
Hỡi người còn nhớ chăng thay
Sài Gòn năm cũ tháng ngày yêu thương
Nguyễn Trãi 
Mời nghe bản nhạc “Sàigòn bây giờ”

Tổng thống Philippines “giang hồ hơn cả giang hồ”

Tổng thống Philippines “giang hồ hơn cả giang hồ”
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – Ảnh: AFP 

6/09/2016

TTO - Ông từng tuyên bố với các tổ chức khủng bố rằng nếu chúng tàn bạo bao nhiêu thì ông có thể “tàn bạo hơn gấp 10 lần”.

Có lẽ trong lịch sử chính trị đương đại, chưa có vị nguyên thủ quốc gia nào gây nhiều sóng gió tầm quốc tế và liên tục như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Sau thời gian ông nắm quyền rất ngắn đến nay, truyền thông quốc tế phải xem ông Duterte như một hiện tượng, thậm chí đang ngày càng có độ hot cao hơn cả tỉ phú Donald Trump bên Mỹ.
Việc ông đòi “chửi thẳng mặt” Tổng thống Mỹ với ngôn ngữ đường phố mới nhất chỉ là một chuỗi rất dễ hiểu nếu nhìn lại những gì ông đã làm, đã nói.

Tuổi thơ dữ dội

Chào đời tại Maasin (tỉnh Nam Leyte) ngày 28-3-1945, ông Duterte có tuổi thơ dữ dội. Từng hai lần bị đuổi học vì đạo đức kém, cậu học trò Duterte được kể là đòi giết bạn học vì dám trêu ghẹo nguồn gốc thiểu số của mình.
Ông Duterte được cho là mang nhiều dòng máu trong người: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ảrập, Malaysia và thậm chí các dòng máu thiểu số ở Philippines là visayas, maranao và kamayo.
Nhưng gia đình ông thuộc hàng có tiếng tăm. Cha ông, ông Vicente Duterte từng là thống đốc của một tỉnh và là cố vấn của tổng thống Ferdinand Marcos, người bị lật đổ năm 1986.
Ông Duterte tốt nghiệp cử nhân luật để từ đó làm công tố viên của Davao – thủ phủ kinh tế của tỉnh Mindanao. Bước chân đầu tiên vào con đường chính trị đã đưa ông trở thành thị trưởng của Davao và ông đã giữ đến 7 nhiệm kỳ ở vị trí này nhờ tính cách quyết đoán trong việc duy trì tình hình an ninh cho địa phương.
Trong các biện pháp trị an của ông ở Davao có việc cấm bán và cấm uống rượu bia từ 1g đến 8g sáng mỗi ngày, cấm hút thuốc trong thành phố. Giai thoại kể rằng ông từng bắt một du khách nước ngoài phải nuốt tàn thuốc vất xuống đất vì người này tái phạm lệnh cấm hút thuốc.
Ông cũng từng hút thuốc và thông tin cho biết vì thế ông đã bị bệnh Buerger – một dạng bệnh lý liên quan mạch máu.

Chơi mạnh tay, nói mạnh bạo

Từ khi còn làm thị trưởng Davao, ông đã nổi tiếng với việc triệt hạ tội phạm ma túy ở địa phương qua việc cho lập các “biệt đội tử thần” tiền trảm hậu tấu với các nghi phạm dính dáng ma túy.
Hồi năm 2009, tên ông đã được nhắc đến trước Đại hội đồng LHQ qua bản báo cáo về những vụ giết hại tội phạm không qua xét xử ở Davao.
Có lẽ mối thâm thù đó đã khiến ông không ngại ngần phản ứng mạnh với cảnh báo gần đây của LHQ về chuyện ông ra lệnh tiệu diệt các tội phạm ma túy ở Philippines khi ông lên làm tổng thống từ đầu tháng 7 năm nay. Ông thậm chí dọa rút khỏi LHQ và lập ra tổ chức mới “với Trung Quốc và các nước châu Phi” dù sau đó có nói lại là chỉ đùa.
Tổng thống Duterte (trái) có mặt tại Vientiane chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN. Đây là chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông – Ảnh: Reuters 
Có lẽ cho đến giờ, những phát ngôn hơn cả gây sốc của tổng thống Duterte đã được cả thế giới biết đến. Nhưng đó chỉ là một chuỗi của kiểu ăn nói bạt mạng của ông lâu nay.
Tháng 11-2015, khi Đức Giáo hoàng Francis đến thăm Philippines và gây ra vụ kẹt xe khủng khiếp ở thủ đô Manila, lúc đó Duterte đã phát biểu không cần dòm ngó: “Thằng chó đẻ, về nước mày đi!”.
Người ta cũng đang tìm cách giải mã lý do vì sao ông lại nặng lời với nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu thế giới đến như vậy. Nhưng rõ ràng là ông không thích Thiên Chúa giáo, như ông từng tuyên bố: “Nếu nghe theo Mười điều răn của Chúa thì chắc tôi không làm thị trưởng được”.

“Tôi đang xài Viagra!”

Trong quá trình vận động tranh cử hồi tháng 4 năm nay, ông cũng làm dậy sóng dư luận khi bình về vụ hiếp dâm nhà nữ truyền giáo Úc cách đây 27 năm.
Cô Jacqueline Hamill, 36 tuổi, bị hãm hiếp và sát hại trong một cuộc nổi loạn của tù nhân Philippines vào năm 1989 tại nhà tù ở Davao nơi ông làm thị trưởng.
Trong một đoạn video lan truyền trên YouTube, người ta thấy ông ứng viên tổng thống phát biểu trước đám đông đang cười lớn những câu khó tin: “Nhìn thấy mặt cô ấy tôi đã tự nhủ, mẹ nó, tiếc thật. Tụi nó đã hãm hiếp cô ấy, đứng chờ đến lượt mình. Tôi thấy nổi giận vì chúng đã hãm hiếp cô ấy nhưng mà cô ấy đẹp thiệt! Tôi tự nhủ lẽ ra chúng phải để thị trưởng làm tua đầu chứ!”.
Phát ngôn này của ông Duterte bị các tổ chức nhân quyền và bảo vệ phụ nữ ném đá mạnh sau đó và đại sứ Úc tại Philippines cũng đã lên tiếng.
Sau đó, hôm 20-4, tổ chức “Woman against Duterte” (Phụ nữ chống Duterte) đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Nhân quyền của LHQ về tội xúi giục hành vi hãm hiếp phụ nữ và thiếu tôn trọng phụ nữ.
Ông Duterte cũng chẳng vừa khi đáp trả: “Nếu điều đó là không chấp nhận được với những người có văn hóa, thì cứ để vậy đi. Nếu nó đồng nghĩa với việc tôi thất bại trong kỳ bầu cử, tôi cũng chịu”. Ông còn cầu mong cái tổ chức tố ông “xuống thẳng địa ngục”!
Cá tính đến vậy, ông Duterte cũng không hề giấu diếm chuyện mình rất nam tính. Ông khoe có đến 3 nhân tình.
Có lẽ vì vậy mà người vợ đầu Elizabeth Zimmerman đã phải chia tay ông sau 27 năm chung sống và có đến 4 mặt con. Ông đã lấy vợ mới là một nữ y tá và có thêm một con gái.
Ngay cả trong khoản tình dục, ông cũng chẳng giấu diếm gì vì mình đang ở tuổi 71. “Tôi uống Viagra và thấy nó cứng ngắc”!
Tổng thống Duterte trong lần đến nói chuyện với dân nghèo ở ngoại ô Manila – Ảnh: AFP 
Khi ông làm thị trưởng Davao và cho thực thi những giải pháp quyết liệt đảm bảo an ninh, có thể ai đó không hài lòng với kiểu quá mạnh bạo hoặc cũng có thể là thô bạo nhưng ít nhất 5 đời tổng thống ở Philippines từng đề nghị ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.
Ông đã từ chối hết cả để cuối cùng quyết định ra ứng cử tổng thống năm 2016.
Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 9-5, dù sít sao so với các đối thủ khác nhưng đó là cả một bất ngờ bởi dẫu sao ông chỉ là một thị trưởng nhỏ, ít kinh nghiệm chính trường.
Rodrigo Duterte đã được người dân chọn lựa bởi ông đã hứa đem lại bình yên cho đất nước như ông đã làm được ở Davao.- Tuổi Trẻ Online

NGUYỄN QUÂN

LỰA CHỌN VÀ HÀNH XỬ

LỰA CHỌN VÀ HÀNH XỬ
Cặp đôi Tập – Pu. Nguồn: internet
FB Luân Lê
7-9-2016
Philippines thắng kiện tại Toà án là nhờ khá nhiều vào việc hậu thuẫn của Mỹ, trong đó phải kể đến sự hiện diện của một luật sư công pháp quốc tế mà thế giới gọi ông là “hiệp sỹ chống các nước lớn (cường quốc)” – Paul Reicher.Thế nhưng ngay sau khi Tổng thống Aquino rời nhiệm kỳ và thế chỗ ông là một tên “đồ tể” khát máu, Duterte, lên nắm quyền, hắn đã có những hành động như kẻ tâm thần, giết hàng loạt người mà không qua xét xử, công khai chửi bới và lăng mạ Tổng thống Mỹ Obama. Đây quả là những hành xử tồi tệ nhất của một chính khách và với tư cách nguyên thủ quốc gia, ngoại trừ những người cộng sản trước đây như Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot.
Nga, cũng là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, là trung tâm Liên Xô và tràn sang cả Đông Âu khi vào thời kỳ rực rỡ của chủ nghĩa dành cho những “kẻ cùng khổ dưới sự áp bức” này. Nay đã quay sang ủng hộ Trung Quốc về việc chống lại phán quyết của Toà trọng tài thường trực tại Hague, Hà Lan ban hành ngày 12.07.2016 vừa mới đây. Theo một lẽ đơn giản nhất, trước hết, không một quốc gia nào mà lại không vì quyền lợi của chính mình, và đó luôn là mục tiêu bảo toàn trong mọi trường hợp cũng như trong tất cả các mối quan hệ song hay đa phương. Nga với Trung Quốc cũng đều là những nước cộng sản và có những mối quan hệ rồi cả hiềm khích lịch sử nhất định trong việc điều chỉnh mối quan hệ với Việt Nam thời còn chiến tranh quốc tế cộng sản và chống Mỹ.
Tuy nhiên, việc Nga ủng hộ Trung Quốc vì hai lý do, bởi có lợi cho Nga trong việc nếu Ukraine kiện Nga về xung đột, tranh chấp trên biển tại các vùng mà Nga đang chiếm hữu, tuyên bố chủ quyền. Thứ hai, Nga luôn đặt vấn đề chống lại Mỹ và đưa thế giới về sự đa cực cân bằng, nên chắc chắn Nga sẽ “vì lợi ích nước lớn” để thực hiện mục tiêu chính trị quốc tế của mình. Ủng hộ PCA nghiêng về phía Việt Nam thì Nga không những chẳng được lợi gì, vì cảng Cam Ranh cũng không được thuê, mà ngay cả việc đầu tư kinh tế cũng không thể chiếm nổi khi “90% các gói thầu lớn nằm trong tay Trung Quốc”, nên họ ủng hộ Trung Quốc ngoài mục đích chính trị còn vì mục đích kinh tế, mà vốn bị phương Tây cấm vận và dùng các đòn đánh về thương mại để bóp nghẹt khiến dân Nga đang khốn đốn, nhất là về giá dầu.
Nga cũng là một tay cộng sản nòi, dù đã từng, nhưng tất cả những gian trá, phương thức tuyên truyền mị dân, sự gian giảo, hai mặt và cả cách khủng bố tinh thần rất giỏi, sẽ khiến họ không bao giờ tin một ai, mà họ chỉ quan tâm đến chính lợi ích của mình và có đạt được điều đó hay không, hoặc chí ít là bảo toàn nó trong vòng kiểm soát.
Nga, họ chỉ tin vào chính họ và hành động vì dân tộc họ, đừng chờ đợi sự ủng hộ từ người Nga, nhất là khi Putin còn nắm quyền, vì với họ, không gì là vĩnh cửu hay phải đặt lên bàn cân khi phải lựa chọn đối với các vấn đề quốc gia của người Nga.
Tại cuộc gặp Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc và Mỹ không tỏ ra quá căng thẳng và trực diện về vấn đề biển đông, vì hiện tại, người Mỹ sử dụng chính sách “ngoại giao yên tĩnh” để tránh làm mất mặt và khiến họ cảm thấy bị sỉ nhục, nhất là với vai trò chủ nhà. Vì tổng thống Obama đã từng được tiếp đón trịnh trọng khi sang Việt Nam nên khi sang Trung Quốc, họ đã tỏ ra một thái độ bất nhã và khá coi thường về mặt ngoại giao, nó thể hiện sự nhỏ nhen, ti tiện và cả “sự hằn học mang tính côn đồ” – một dân tộc chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của chính mình để làm một nước lớn có giá trị. Trái ngược hẳn với ông Obama cúi đầu khi diện kiến Nhật hoàng hay khom mình trước vua Arap tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014.
Chúng ta, là một nước cô đơn, khi bị Trung Quốc bành trướng và hành xử bất chấp. Nước Mỹ, Nhật và các quốc gia khác ủng hộ nhưng ta khá hững hờ và thờ ơ. Nga thì lúc thế này, khi thế khác, và hiện họ đã ủng hộ Bắc Kinh về một quan điểm đi ngược lại mong muốn của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Những người anh em thân cận nhất như Venezuela hay Cuba, rồi cả nước đồng chủ nghĩa cộng sản Bắc Triều Tiên đều là những kẻ hoặc đã bỏ chạy, hoặc là kẻ khố rách áo ôm, đói khổ, bất công, biệt lập. Chúng ta có thể trao đổi và hiệp tác với Philippines, nhưng có lẽ tốt hơn rất nhiều lần nếu đó là cuộc gặp mặt tại Toà án Hague, Hà Lan vào thời gian trước.
Chúng ta, cô đơn, và làm khó chính chúng ta khi không có một quan điểm hay thái độ cũng như sự lựa chọn rõ ràng nào. Đó mới là thứ mà khiến bất kỳ một quốc gia nào cũng e ngại khi đặt vấn đề.
Đu dây, đến khi dây đứt, rơi vào đâu và vào cái gì phụ thuộc nhiều vào sự may rủi, hơn thế nữa, sự tồn vong còn được quyết định bởi phần lớn và trước hết ở khả năng tự lập của chính mình. Và trong một nghịch cảnh bất đắc dĩ, nhưng thường xảy ra trong cuộc sống, ai sẽ là người đưa tay ra để nắm lấy bàn tay chấp chới là một thứ còn bỏ ngỏ. Vì ta không lựa chọn bạn, thì bạn không vì ta mà hy sinh. Vì Voltaire đã nói, như ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa nhắc lại khi tiếp đón Tổng thống Pháp, Francois Hollande, rằng, trên thế giới này, không có gì quý giá hơn là có một người bạn tốt?
Vậy thử nhìn xem, bạn tốt của chúng ta, là ai? Trong khi quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia có chỉ số tử tế thấp nhất thế giới???

Đọc báo Pháp – 07/09/2016

\Đọc báo Pháp – 07/09/2016

Tập Cận Bình – hình bóng của Mao

Vài ngày gần đây, cùng với hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, Tập Cận Bình được nhắc tới nhiều trên báo chí Pháp. Đây cũng là dịp Bắc Kinh chuẩn bị kỷ niệm 40 ngày Mao Trạch Đông qua đời. Hôm nay, trong bài viết có tiêu đề « Tập Cận Bình, một vị chủ tịch mang hình bóng của Mao », nhật báo Công Giáo La Croix đã cho thấy Tập Cận Bình đang lãnh đạo Trung Quốc theo đường lối độc đoán, chuyên quyền của Mao Trạch Đông.
Theo nhận định của La Croix, cho dù Tập Cận Bình không giết người hàng loạt, không đẩy dân chúng vào nạn đói và không đẩy giới trẻ Trung Quốc vào một cuộc đấu tranh vì hệ tư tưởng cách mạng như Mao Trach Đông, nhưng ông Tập giống Mao ở chỗ ông « khóa chặt » cả bộ máy chính trị Trung Quốc và muốn nắm mọi quyền lực.
Không có quyết định nào của Thường Vụ Trung Ương Đảng là do các ủy viên thông qua. Tất cả đều là quyết định của Tập Cận Bình. Ông Tập thâu tóm mọi quyền lực trong tay, giữ mọi chức vụ quan trọng nhất tại đất nước theo chế độ Cộng Sản : tổng bí thư Đảng, chủ tịch nước, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, tổng tư lệnh quân đội, chủ tịch Ủy Ban An Ninh Quốc Gia, chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế Quốc Gia, …. Nhật báo La Croix nhận xét : « Cho dù là chính trị, quân đội, kinh tế, hay xã hội, thì không gì có thể thoát khỏi tay ông ta ».
Để thể hiện quyền lực, từ năm 2012, Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn mà nhiều nhà nghiên cứu không công khai danh tính gọi là « chiến dịch thanh trừng chính trị ». Môt giáo sư từng giảng dạy tại trường Đại học Trùng Khánh ở miền Tây Nam Trung Quốc cho biết : « Chúng tôi thường xuyên có cảm giác đang quay trở lại sống ở giai đoạn hơn 40 năm về trước, dưới thời Mao Trạch Đông, người đã đưa ra các quyết định điên rồ và tai hại nhưng tất cả mọi người đều phải theo, không ai dám phản đối một câu ».
Tập Cận Bình còn học theo cách tuyên truyền, lấy lòng dân chúng của Mao. Ông Tập thể hiện trên các phương tiện truyền thông hình ảnh một vị chủ tịch nước gần gũi với dân chúng, chẳng hạn như đi ăn sủi cảo, một món ăn dân dã, tại một quán ăn bình dân ở Bắc Kinh. Và cũng giống như Mao Trạch Đông, hình ảnh của Tập Cận Bình hiện diện khắp nơi, trên các tấm bưu ảnh, đồ lưu niệm như cốc, chén, đĩa, kể cả trong viện bảo tàng cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình. La Croix ví von : « Tập Cận Bình khoác lên người một bộ quần áo mới của Mao ».
Nhưng theo La Croix, điều ngạc nhiên là ở chỗ Tập Cận Bình không chỉ thu hút được những người Trung Quốc đã có tuổi, đang hoài niệm về một đất nước dù nghèo khó, nhưng bình đẳng hơn bây giờ, mà ông Tập còn lấy lòng được rất nhiều thanh niên đang đấu tranh để tìm việc làm, con của các cặp vợ chồng ly hôn và cả những người nông dân đang sống ở các đô thị, nhưng lại không hòa nhập được với lối sống ở các nơi này.
Cũng theo La Croix, nhiều sinh viên tránh nói về ông Tập. Nhiều thanh niên khác thì phàn nàn : «Trên tivi, chúng tôi nhìn thấy ông Tập đi đến nhiều nơi trên thế giới, bắt tay và mỉm cười. Trong khi đó, ông ấy lại không chăm lo đủ cho chúng tôi ở ngay tại Trung Quốc này». Tuy nhiên, họ lại tự hào vì nhờ ông Tập mà người Trung Quốc được tôn trọng hơn, và ông Tập khiến họ tự hào được là người Trung Quốc.

Tổng thống Hollande

tìm cách khắc phục sự chậm trễ của Pháp ở Việt Nam

Chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp cũng là đề tài được nhắc đến trên nhiều nhật báo Pháp.
Trong bài viết «Tổng thống Hollande tìm cách khắc phục sự chậm trễ của Pháp ở Việt Nam », nhật báo Le Figaro đã châm chọc tổng thống Pháp khi cho rằng « Thường thì trong các chuyến công du nước ngoài, tổng thống François Hollande rất tự hào về nước Pháp. Các giá trị Pháp, lịch sử Pháp, hình ảnh nước Pháp. Nhưng hiếm khi là về kinh tế Pháp. Vì nước Pháp trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Hollande tăng trưởng rất chậm ».
Cũng chính vì thế mà chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Hollande là nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam phát triển thị trường.
Le Figaro nhận định, với mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2015, Việt Nam là một trong số các quốc gia năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Cho dù năm 2015, xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam tăng gần gấp đôi, mức tăng trưởng đạt 85%, nhưng cán cân thương mại giữa hai nước vẫn theo chiều hướng rất bất lợi cho Pháp, với mức thâm hụt 2,6 tỉ euro.
Trên thực tế, Pháp càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa vì Việt Nam được hưởng lợi từ liên minh chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. Ngoài các quan hệ thương mại và đầu tư, Việt Nam cũng có các dự án thỏa thuận về kinh tế đặc biệt quan trọng với hai cường quốc này. Đó là thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương với Mỹ và thỏa thuận « Một vành đai, một con đường » với Trung Quốc.
Để khắc phục sự chậm trễ của Pháp ở Việt Nam, trong chuyến công du lần này, tổng thống Hollande đã đưa theo 40 chủ doanh nghiệp sang Việt Nam. Và Airbus đã thông báo bán được 30 máy bay cho hai hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam là Vietjet và Jetstar Pacific. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã ký văn bản đề nghị định mua 10 máy bay của Airbus. Hóa đơn tổng cộng là 6.5 tỉ đô la cho Airbus. Tập đoàn Vincy cũng đã nhận được một hợp đồng phát triển hệ thống đường cao tốc cho Việt Nam.

G20, thắng lợi của các nhà lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc đã kết thúc, nhưng hôm nay báo chí Pháp vẫn nhắc đến G20, đặc biệt là về các nguyên thủ quốc gia. Trong bài viết có tiêu đề «G20, thắng lợi của của các nhà lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền », nhật báo Le Monde nhận định lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị phương Tây đánh giá là độc đoán, chuyên quyền, đã vươn lên tỏa sáng ở hội nghị thượng đỉnh G20. Trong khi đó, các lãnh đạo phương Tây lại tỏ ra yếu thế.
Le Monde đặc biệt chú ý tới tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane – Úc năm 2014, chỉ ít lâu sau khi một máy bay của hãng hàng không quốc gia Malaysia bị nhóm phiến quân thân Nga bắn hạ khi bay qua vùng trời Ukraina, tổng thống Putin đã bị các đồng nhiệm bị xa lánh. Ông đã đột ngột bỏ về trước khi hội nghị kết thúc. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya – Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015, tổng thống Nga đã ra khỏi bóng tối. Nhưng phải đến G20 năm nay ở Trung Quốc thì tổng thống Putin mới thực sự tỏa sáng, vô cùng ấn tượng. Ông đã trở thành một người đối thoại không thể thiếu của nhiều nguyên thủ quốc gia.
Nếu cuộc gặp của ông Putin với quốc vương Ả Rập Xê Út Salman ở Antalya vào năm 2015 tạo ra cảm giác thiếu tin tưởng thì năm nay, tổng thống Nga đã tìm được tiếng nói chung với hoàng tử Ả Rập Xê Út Mohammed ben Salma. Hai nước vốn có bất đồng về số phận tổng thống Syria Bachar Al Assad, nay thậm chí đã ký được một thỏa thuận về khai thác dầu mỏ.
Một điều ngạc nhiên khác đối với Le Monde là tổng thống Nga đã ghi nhận « sự thành thật » của tổng thống Mỹ Obama trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Syria. Nguyên thủ hai nước Nga và Mỹ đã hội đàm trong vòng 1g30’, cho dù trước đó, cho tới tận phút chót, hai bên vẫn không khẳng định được cuộc gặp gỡ này có diễn ra được hay không.
Người Pháp có câu thành ngữ « L’homme propose, Dieu dispose » (Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên). Le Monde đã chơi chữ khi nói « Les Européens proposent, le président russe dispose», dịch nôm na là « Mưu sự tại người châu Âu, thành sự tại tổng thống Nga », đặc biệt trong cuộc gặp bốn bên Pháp, Đức, Nga và Ukraina để giải quyết vấn đề về Ukraina. Ông Putin cũng rất tự tin vào bản thân, không vội vàng khi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Tại Hàng Châu, tổng thống Nga đã phát ra các tín hiệu cho thấy ông cũng xoay trục sang châu Á giống như tổng thống Mỹ Obama. Ngay trước khi đến Hàng Châu dự G20, tổng thống Nga đã làm cho thủ tướng Nhật Shinzo Abe tin vào khả năng có giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Kuril tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Vladivostok.
Ông Putin cũng đã công khai thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc trên Biển Đông : Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức diễn tập hải quân chung trên Biển Đông vào tháng 10/2016. Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20, tổng thống Nga tuyên bố sự can thiệp của một nước bên ngoài khu vực vào tranh chấp Biển Đông chỉ gây thêm gây trở ngại cho giải pháp pháp lý của vấn đề. Phát biểu này thực chất nhằm vào Washington, và cũng để khẳng định với Bắc Kinh là Nga ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, vốn bất lợi cho Trung Quốc.

Trang nhất các báo Pháp

Chú ý tới tình hình châu Âu, Libération chạy tựa trang nhất « Trốn thuế : hàng ngàn tỉ euro phải được thu hồi », cho biết Liên Hiệp Châu Âu sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia đang lẩn tránh nghĩa vụ thuế khóa. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới tình hình nước Đức với tựa trang nhất : « Đức chuẩn bị giảm mạnh thuế thu nhập».
Trong khi đó nhật báo công giáo La Croix quan tâm tới tình hình quốc tế và chạy tựa trang nhất : « Một thế giới của những bức tường », cho biết ngày càng có nhiều hàng rào được dựng lên ở biên giới giữa các nước, thậm chí ngay trong lòng một số nước, chẳng hạn như Irak. Nhưng không phải mọi bức tường đều là không thể vượt qua được. Tựa trang nhất của La Croix được minh họa bằng một bức ảnh một dòng người Palestine đang đi vòng, để tránh bức tường ngăn biên giới giữa Palestine và Israel.
Nhật báo Le Figaro hôm nay lại quan tâm tới thời sự nước Pháp, cụ thể là cuộc chạy đua vào Điện Elysée với tựa trang nhất : « Bầu cử tổng thống : Macron lật đổ Hollande ». Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Le Figaro thực hiện, nếu cả hai đều ra ứng cử thì cựu bộ trưởng kinh tế Macron sẽ ghi điểm trước ông François Hollande.
Powered by Blogger.