Tin Việt Nam – 07/09/2016
Báo động: Chùa Liên Trì Thủ Thiêm đã bị phong tỏa
Sáng ngày 7-9, Hòa Thượng Thích Không Tánh, Viện chủ chùa Liên Trì, Quận 2, Sài Gòn cho biết qua điện thoại là nhà chức trách địa phương đã ngăn chặn không cho bất kỳ ai vào chùa Liên Trì, kể cả số bà con đang tá túc tại đây sau khi rời chùa để đi chợ quay trở về.
Trước đó, hôm chiều ngày 1-9, văn thư số 2977/QĐ-UB có tên “Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất” do ông chủ tịch quận 2 ký, thông báo trong thời gian từ ngày 6-9 đến 20-9, chùa Liên Trì sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất. Một thư mời khác cũng được gửi, mời Hòa Thượng Thích Không Tánh đến làm việc tại trụ sở chính quyền vào sáng ngày 6-9 về việc thu hồi đất này.
Trong các căn cứ để ký quyết định số 2977/QĐ-UB của ông chủ tịch Quận 2, hoàn toàn không có viện dẫn về “Quyết định thu hồi đất”. Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2013 của CSVN, Điều 66 “Thẩm quyền thu hồi đất”, thì ở trường hợp chùa Liên Trì, nếu có một “Quyết định thu hồi đất”, thì văn bản này phải do cấp chủ tịch thành phố ký ban hành.
Chùa Liên Trì là cơ sở tôn giáo và là tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện diện được hơn 70 năm tại Thủ Thiêm.
Sau khi có dự án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà chức trách thông báo sẽ lấy đất của chùa Liên Trì và bồi thường cho chùa chưa đầy 1 tỷ đồng để chùa di dời đi nơi khác. Hòa thượng Viện chủ Thích Không Tánh cho rằng một khu đô thị mới cần rất nhiều những cơ sở tôn giáo để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của cư dân, nên nếu buộc phải di dời thì tốt nhất là chùa Liên Trì vẫn nằm trong vùng đất Thủ Thiêm.
Vào tháng 7-2016, nhà cầm quyền gửi giấy quyết định cưỡng chế chùa Liên Trì và hứa sẽ bồi thường cho chùa khoảng hơn 9 tỷ đồng, gấp chín lần so với giá bồi thường cũ.
Nhiều nguồn tin xác tín cho biết khả năng cưỡng chế chùa Liên Trì lần này sẽ diễn ra, bất chấp mọi phản đối của các tổ chức, cộng đồng xã hội dân sự trong và ngoài nước. Trước đó, Tùy Viên Chính Trị của Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn cũng đã lên tiếng bằng con đường ngoại giao.
Tại khu Thủ Thiêm, trước đây cũng từng diễn ra cưỡng chế cơ sở đào tạo môn sinh Tin Lành của Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Theo lời Mục sư Quang, tại buổi cưỡng chế đẫm máu diễn ra chưa đầy 10 phút này, có một người phía Tin Lành bị đánh chết, 6 người bị thương tích nặng, và mục sư Quang bị bắt đưa đi tù.
10 giờ 15 phút ngày 7-9, tại Thủ Thiêm, qua điện thoại, thầy Pháp Viên cho hay: An ninh mặc thường phục đã ngăn cản không cho thầy ra khỏi chùa Liên Trì. Thầy nói rằng, công an không cho Phật tử mang thức ăn vào chùa, họ đang đợi tại nhà thờ Thủ Thiêm nên thầy ra đó lấy thức ăn mang về chùa. Thầy ra khỏi chùa rồi nhưng không biết có vào lại được chùa hay không. Hiện chỉ có khoảng 20 an ninh mặc thường phục theo dõi trước cổng chùa.
Một hàng rào đã chắn ngang lối đi vào chùa.
Phóng viên SBTN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về chùa Liên Trì.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
Chùa Liên Trì khẩn cấp kêu cứu
Từ 7 giờ sáng ngày 7 tháng 9, các nhân viên an ninh của nhà chức trách đã ngăn cấm tất cả các phật tử vào chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn làm việc công quả. Ngoài việc cấm quay phim, chụp hình về chùa Liên Trì, lực lượng an ninh thường phục tại đây sẵn sàng hành hung với bất kỳ ai dám công khai ghi hình ảnh cảnh chùa Liên Trì đang bị cô lập. Mọi ngã đường vào chùa đều bị chặn từ xa. Hiện tại việc kết nối liên lạc với chùa chủ yếu qua số điện thoại của Hòa thượng Thích Không Tánh. Ghi nhận của SBTN, tại chùa Liên Trì ngoài Hòa thượng Thích Không Tánh, còn có Thượng tọa Thích Đồng Minh và Thượng tọa Thích Pháp Viên cùng một phật tử.
Pháp yêu cầu Việt Nam trả tự do cho 4 nhà bất đồng chính kiến
Pháp yêu cầu Việt Nam trả tự do cho 4 nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam giữ. Yêu cầu được đưa ra nhân chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Francois Hollande đến quốc gia từng là thuộc địa của Pháp trước đây.
Một nguồn tin cho biết như vừa nêu trong ngày hôm nay. Theo đó 4 tù nhân bất đồng chính kiến được phía Pháp yêu cầu Việt Nam trả tự do gồm một nhà bất đồng người Công giáo, một blogger, một người đấu tranh đất đai, và một nhà hoạt động. Cụ thể tên của hai trong 4 người thuộc danh sách được chuyển cho phía Việt Nam theo yêu cầu của tổng thống Pháp có trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Anh Ba Sàm-Nguyễn Hữu Vinh.
Vào hôm qua thứ Ba, mùng 6 tháng 9, chủ tịch Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Pháp, bà Camille Blanc có kêu gọi tổng thống Francois Hollande phải nhân chuyến thăm Việt Nam kêu gọi cơ quan chức năng Hà Nội thực hiện trách nhiệm về nhân quyền theo đúng luật pháp quốc tế. Không thể hy sinh nhân quyền cho thỏa thuận thương mại và an ninh.
Tổ chức Ân xá Quốc tế còn kêu gọi tổng thống Francois Hollande đặc biệt quan tâm đến trường hợp nạn nhân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên chết khi bị công an giam giữ hồi tháng 3 năm 2012.
Theo thông cáo của Ân Xá Quốc tế thì kể từ sau cái chết của người em, chị của nạn nhân Ngô Thanh Kiều là bà Ngô Thị Tuyết đã cùng gia đình đi tìm công lý cho người bị chết. Trong quá trình này bản thân bà Tuyết và gia đình vấp phải tấn công, đe dọa và những hình thức trấn áp khác.
Vào ngày 24 tháng 8 vừa qua, Ân xá Quốc tế cũng gửi thư đến tổng thống Francois Hollande kêu gọi ông phài nêu ra vấn đề tra tấn và đối xử khắc khe với tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Xin được nhắc lại nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị bắt ngay trong đêm đưa về đồn công an. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau đó, công an thông báo cho gia đình là anh này đã chết vì không chịu ăn uống.
Tuy nhiên những chứng cứ thu thập được cho thấy nạn nhân bị tra tấn bằng nhục hình đến chết.
Hôm nay phiên xử phúc thẩm những người bị cáo buộc gây ra cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều lại được mở ra ở thành phố Đà Nẵng sau hai lần hoãn.
Luật sư Võ An Đôn, người tham gia vụ án, cho đài Á Châu Tự do biết:
“Hôm nay, mùng 7 tháng 9 năm 2016, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ 5 công an, nhưng từ sáng đến giờ chỉ có phần xét hỏi, chưa có tranh luận. Phiên tòa này đã hoãn 2 lần. Lần đầu hoãn vì một bị cáo trong vụ án bị bệnh. Lần thứ hai vắng mặt bên bị hại và người giám định pháp y trung ương. Hôm nay cả 6 bị cáo nguyên là công an đều có mặt tại tòa và vợ anh Kiều là đại diện hợp pháp của gia đình anh Kiều đều có mặt. Phiên tòa hôm nay, gia đình anh Kiều hủy bản án sơ thẩm để điều tra phúc xử lại; để làm rõ thứ nhất là chuyển tội danh vì gia đình anh Kiều không chấp nhận tội dùng nhục hình, yêu cầu phải chuyển thành tội giết người và thứ hai là phải khởi tố tội bắt người trái pháp luật.”
Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu?
Một tập đoàn ở Việt Nam lên kế hoạch tiến hành xây dựng một khu liên hợp luyện cán thép có công suất 16 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư lên tới 10 tỷ USD ở duyên hải Nam Trung Bộ của nước này, trong khi có ý kiến chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi.
Hôm 06/9/2016, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, được truyền thông Việt Nam dẫn lời cho hay tập đoàn này sẽ tiến hành một dự án công nghiệp với quy mô lớn về sản xuất thép ở Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận mà trong giai đoạn đầu “sẽ không trực tiếp luyện cốc mà sẽ nhập cốc để đảm bảo các vấn đề về môi trường”.
Về công nghệ, nhà lãnh đạo HGS nói khu liên hợp Cà Ná sẽ ‘không sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất như Formosa mà sẽ tiến hành thu hồi nhiệt để phát điện,” Dân Việt online hôm thứ Ba dẫn lời ông Lê Phước Vũ, cho hay.
Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa?Kỹ sư Phạm Chí Cường
Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ đúc và luyện kim của Việt Nam đã lên tiếng và đặt dấu hỏi về một số yếu tố khả thi của dự án.
“Có nhiều vấn đề người ta quan tâm về việc thép đang dư thừa và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm nữa là về môi trường sau câu chuyện của Formosa, trong khi dự án được xây dựng ven biển và bên cạnh khu du lịch,” ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật Đúc – Luyện kim Việt Nam đượctruyền thông Việt Nam dẫn lời nêu quan điểm.
“Hoa Sen có hứa sẽ sử dụng công nghệ mới, mới như thế nào, ai duyệt cái mới đó. Có đúng mới không vì Hoa Sen không thể có chuyên môn như chúng tôi được. Thậm chí, chuyên gia trong nước có đủ đánh giá tác động môi trường khi một nhà máy lớn vào đầu tư tại ven biển hay không? Có phải thuê tư vấn nước ngoài không? Dự án có đặc thù về môi trường nên tôi đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét thận trọng.”
Bình luận về việc dự án có thể sẽ được chính quyền địa phương mà trong trường hợp này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đảm bảo hỗ trợ cung cấp lượng nước phục vụ sản xuất lên tới 2.500-3.000 mét khối/ngày đêm ở một vùng được cho là thường xuyên gặp hạn hán nặng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam được dẫn lời nói thêm:
“Tôi đã hỏi trực tiếp ông Chủ tịch Hoa Sen vấn đề này rằng: “Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép”? Ông Chủ tịch Hoa Sen nói sẽ lấy nước biển để sản xuất. Tuy nhiên, nước biển là nước muối phải lọc như thế nào, xét về “bài toán” kinh tế có hiệu quả hay không thì phải trình ra. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận hứa như vậy có khả thi không thì Nhà nước phải xem xét. Bởi vùng Ninh Thuận rất khô hạn, đào bao nhiêu giếng lên cũng khô cạn không đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thì lấy đâu ra nước. Mặt khác, nước mà có muối thì không thể dùng cho công nghệ được, vẫn phải có nước ngọt để tuần hoàn nước biển thì lấy đâu ra nước ngọt.
“Hiện nay, công nghệ nước biển là dấu hỏi lớn cho nhà khoa học. Anh có thể làm được nhưng giá thành như thế nào và thực tế trên thế giới hiện nay chưa có một nước nào lọc nước biển để sản xuất luyện kim. Cái này đúng là khoa học viễn tưởng cho một khu công nghiệp và bài toán kinh tế lọc nước biển để làm luyện kim thì rất không khả thi,” ông Phạm Chí Cường được Dân Việt trích lời nói.
Lấy quặng ở đâu?
Hôm 07/9, cũng bình luận về tính khả thi của dự án Hoa Sen – Cà Ná nói trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Viết Ngư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học – Kỹ thuật Đúc luyện kim Việt Nam, nói với BBC:
“Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?
“Nếu không, không có quặng làm sao sản xuất được? Mà quặng theo tôi hiện nay có mỏ quặng ở Hà Tĩnh tương đối là lớn đối với Việt Nam, nhưng mỏ ấy khai thác được không dễ dàng, rất khó khăn.
Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?Giáo sư Phùng Viết Ngư
“Cho nên có thể phải nhập khẩu và nhập của nước nào, nhập của ai và tỷ lệ nhập ra sao với giả cả nào? Nếu không, chúng ta (Việt Nam) cứ làm phương án mà không có một nguyên liệu cụ thể nào đấy thì khó.
“Bây giờ anh nói là làm cốc, nhưng cốc chỉ là nhiên liệu thôi, nên bây giờ muốn lấy nhiên liệu thì nhiên liệu lấy ở đâu? Hiện tại Việt Nam không có nhiều quặng sắt, chỉ có một ít ở Hà Tĩnh, còn những nơi khác rất khó khăn.
“Ngay cả Formosa ở Hà Tĩnh, công suất là 5 triệu tấn/năm cũng không hiểu là họ lấy quặng ở đâu hay quặng khai thác ở đâu?
“Có thể Formosa nhập ở nước ngoài, quặng là yếu tố chủ yếu, nếu bây giờ không có quặng thì sản xuất thế nào và nhập có hợp lý hay không, rồi theo phương pháp nào?” Giáo sư Phùng Viết Ngư đặt các câu hỏi về siêu dự án Hoa Sen – Cà Ná với BBC.
Hôm thứ Ba, kỹ sư Phạm Chí Cường cũng bình luận với truyền thông Việt Nam về mặt thời điểm của dự án của Tập đoàn Hoa Sen:
“Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa? Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại thép như thép xây dựng có công suất trên 10 triệu tấn; thép cán nguội trên 3 triệu tấn; thép tôn tráng kẽm 4 triệu tấn; thép ống 2 triệu tấn…tất cả khoảng 20 triệu tấn nhưng nếu Formosa vào hoạt động là có thêm hơn 20 triệu tấn nữa, tức là gấp đôi sản lượng hiện có. Chưa kể Nghi Sơn đang tiếp tục đầu tư khu liên hợp khoảng 7 triệu tấn nữa….
“Tôi nghĩ rằng, các Bộ chủ quản phải có quy hoạch tổng thể, quản lý giám sát chặt chẽ các dự án sản xuất thép,” nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với truyền thông Việt Nam.
Fanpage báo VN trên Facebook ‘biến mất’
Trang fanpage trên mạng Facebook của ít nhất bốn tờ báo Việt Nam đã tạm dừng hoạt động từ ngày 7/9.Không rõ nguyên nhân vì sao Zing News, VnExpress và Dân Trí đã biến mất khỏi Facebook.Nhưng báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có thông báo nói rằng: “Trong thời gian vừa qua, một số fanpage của các cơ quan báo chí đã bị các đối tượng xấu lợi dụng đưa các hình ảnh, thông tin không đúng với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thậm chí làm sai lệch thông tin, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”Vì vậy, tờ báo này nói họ tạm dừng trang fanpage trên Facebook để “ngăn chặn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, đồng thời cũng chấp hành những cảnh báo của các cơ quan chức năng”.Bình luận của độc giả vẫn đang được phép đưa lên, sau khi đã duyệt, trên trang mạng chính thức của bốn tờ báo.Mới hôm 6/9, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam loan báo thu hồi thẻ nhà báo của một người thuộc Báo điện tử Infonet và ba người của báo Dân Trí.Nguyên nhân không được công bố, tuy Bộ Thông tin – Truyền thông nói những người này trước đó đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Nguyên Vụ Trưởng Bộ Công Thương Trịnh Xuân Thanh
xin ra khỏi đảng CSVN
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao sự việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, nguyên vụ trưởng, chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương đã nộp đơn xin ra khỏi đảng CSVN, thôi giữ chức ban chấp hành đảng bộ tỉnh Hậu Giang, và hiện đang “mất liên lạc”.
Theo báo Thanh Niên đưa tin, ngày 4/9, ông Thanh bất ngờ gọi điện thoại cho một phóng viên ở Cần Thơ. Sau khi trình bày nhiều nội dung có tính chất “giải trình” những vấn đề liên quan đến mình như báo chí thông tin, ông Thanh cho biết đã làm đơn xin ra khỏi đảng. Ông đã gửi đến các cơ quan trung ương cũng như Tỉnh ủy Hậu Giang.
Vào tháng 7/2016, ông Thanh khẳng định đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020. Do ông không còn làm phó chủ tịch UBND tỉnh nữa “nên giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là không cần thiết”. Đến ngày 29/8, ông cũng đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi đảng.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Bùi Văn Sáu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, chưa nhận được đơn từ gì liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ một tháng để trị bệnh và ông Thanh đang bị bệnh gì, trị bệnh ở bệnh viện nào cũng không được tiết lộ.
Xin được nhắc lại, vào tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh bị luân chuyển từ Bộ Công Thương về giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 – 2016. Từ chuyện “cỏn con” là cái biển số xe trắng – xanh lẫn lộn, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Vũ Huy Hoàng (là tay chân thân cận của ông Nguyễn Tấn Dũng)- nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng – cũng phải chịu trách nhiệm vì đã đề bạt ông Thanh giữ chức vị trong Bộ công thương.
Tình hình của đảng CSVN xem ra đang rối ren hơn bao giờ hết.
Nguyên Nguyễn/SBTN
http://www.sbtn.tv/vi/tin-viet-nam/nguyen-vu-truong-bo-cong-thuong-trinh-xuan-thanh-xin-ra-khoi-dang-csvn.html
Bị ép sang chợ mới,
hàng trăm tiểu thương xuống đường phản đối
Phía chính quyền huyện Đức Phổ cho biết, để nhằm biến thị trấn Đức Phổ trở thành thị xã, chính quyền đã cho xây dựng chợ mới Đức Phổ, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, an toàn về vấn đề cháy nổ hơn. Trong khi đó, chợ Đức Phổ cũ đã xuống cấp, đường xá lại chật hẹp, vấn đề an toàn cháy nổ lại không được bảo đảm.
Tuy nhiên, các tiểu thương lại không cho rằng như vậy. Họ còn tố cáo lãnh đạo chính quyền ăn chia với doanh nghiệp, để ép họ phải chuyển sang buôn bán bên chợ mới. Các tiểu thương cho biết, chợ Đức Phổ được xây dựng vào năm 1967, thời Việt Nam Cộng Hòa. Chợ tọa lạc trên một vùng đất có diện tích hơn 5,000m2 được tính toán rất kỹ lưỡng. Chợ nằm gần khu dân cư, rất thuận tiện cho việc buôn bán, kinh doanh.
Chợ đã trải qua rất nhiều lần trùng tu. Lần gần đây nhất là năm 2013, số tiền trùng tu là do các tiểu thương bỏ ra để sửa chữa. Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, chợ Đức Phổ cũ hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn về cháy nổ.
Tuy nhiên, kể từ khi Công ty Hà-Mỹ Á cho xây dựng khu nhà ở liền kề kết hợp với xây chợ Đức Phổ mới vào năm 2015, lãnh đạo chính quyền quay ngược lại, nói chợ cũ xuống cấp, phải đập bỏ để làm công viên cây xanh. Các tiểu thương đã tố cáo chính quyền không hề muốn đối thoại, bàn bạc với người dân, mà chỉ hành động dựa vào ý muốn của họ và chủ đầu tư. Từ đó, 400 tiểu thương tại chợ cũ Đức Phổ liên tục phản đối việc di dời sang chợ mới để buôn bán. Có khoảng 30 tiểu thương đã ra tận Hà Nội để gửi đơn tố cáo lên chính quyền Trung ương. Trong đơn tố cáo, người dân đã yêu cầu phải thanh tra sự việc, tại sao trung tâm thương mại và khu nhà liền kề của chủ đầu tư là Công ty Hà-Mỹ Á lại trở thành chợ Đức Phổ mới. Các tiểu thương yêu cầu phải để chợ cũ Đức Phổ và chợ mới phải tồn tại song song. Bởi vì ngay cả khi hỗ trợ cho các tiểu thương chuyển sang kinh doanh bên chợ mới, thì lượng khách đến chợ mới vẫn rất ít, việc buôn bán hết sức ế ẩm.
Ngay trong chiều 6/9, hàng trăm cảnh sát đã được điều động đến chợ Đức Phổ cũ, cho cắt điện nước trong chợ. Hàng trăm người đã dùng gạch đá chống lại, họ còn chặn luôn cả xe cảnh sát cơ động. Có người còn mang cả quan tài đến, để bày tỏ ý chí thà chết chứ không chịu di dời sang chợ mới.
Sự việc cực kỳ nghiêm trọng. Đích thân ông giám đốc công an tỉnh Quảng Ngãi- đại tá Nguyễn Thanh Trang- có mặt để trực tiếp chỉ thị giải quyết. Trước quyết tâm của người dân, ông Trang đã yêu cầu lực lượng cảnh sát cơ động phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Rất nhiều người đã bị cảnh sát đánh đập và bị bắt giữ.
Các tiểu thương hò kéo nhau ra đường Quốc lộ 1A để chặn xe phản đối. Tuy nhiên, với lực lượng hùng hậu, cảnh sát cơ động, công an đã ngăn cản được hành động này.
Ngọc Quân/SBTN
Formosa: Di hại có thể đến 50 năm
mà sao chỉ “giám sát đặc biệt 3 năm”?
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo công bố “biển sạch”, kéo theo màn trình diễn giới quan chức chính phủ và địa phương tấp nập tắm biển và ăn hải sản, cùng cái chết của một người dân miền Trung khi bắt chước ăn theo, ông tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên- Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam- cho báo chí biết là Formosa sẽ được giám sát đặc biệt trong vòng 3 năm tới.
Ngay lập tức, có tờ báo nhà nước lật ngược vấn đề: “Formosa được cấp phép hoạt động 70 năm, chúng ta chỉ giám sát đặc biệt 3 năm thì có yên tâm được không?”, còn quan chức Trịnh Văn Tuyên chỉ trả lời chung chung: “Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm soát rất chặt chẽ các báo cáo hoàn thành công trình môi trường của Formosa. Viện Công nghệ Môi trường sẽ tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát này”.
Thêm một bằng chứng cho thấy giới quan chức Việt Nam vẫn tiếp tục tắc trách và tán tận lương tâm trong “cơ chế giám sát Formosa”!
Cần nhắc lại, sau khi cá chết trắng 4 tỉnh miền Trung, một tờ báo nhà nước là Tiền Phong đã lôi ra ánh sáng bản “Đánh giá tác động môi trường của dự án Formosa” (gọi tắt là ĐTM), được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2008, cho thấy cơ chế “kiểm soát rất chặt chẽ” của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực chất là như thế nào.
Trong khi Luật Bảo vệ Môi trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường, ĐTM này đã không có một dòng nào về môi trường biển.
Trong phần ĐTM, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2.5 trang. Mất 1.5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ĐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường.
Đánh giá tác động của chất thải rắn đến môi trường cũng chỉ hơn một trang, đánh giá tác động do ô nhiễm nhiệt 1/3 trang. Đặc biệt đánh giá rủi ro về sự cố môi trường chỉ dài một trang, nêu vắn tắt, gạch đầu dòng một số sự cố có thể xảy ra như nổ và bén lửa, ngã do đứng ở vị trí trên cao, kim loại nóng chảy phun bắn ra ngoài, sự cố chập điện, phóng điện, bỏng điện… Không có một dòng nào về sự cố với môi trường biển, với đất, với không khí.
Trong thực tế, đường ống xả thải của tập đoàn thép Formosa đã xả thải trực tiếp một số lượng khổng lồ những chất độc hại ra môi trường, số lượng khổng lồ, có thể gây di hại đến 50 năm.
Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Do đó sẽ là không quá đáng khi nói rằng không chỉ người Việt Nam là nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa mà là cả nhân loại.
Trước bản ĐTM trên, nhiều dư luận đã đặt nghi vấn phải chăng đây là hành vi “ngậm miệng ăn tiền” của giới quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường và “các nhà khoa học hàng đầu”?
Trong khi vụ Formosa chưa xử lý, một ngư dân Việt Nam là ông Nguyễn Đình Khải, sinh sống tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cùng 7 ngư dân khi đang đánh cá cách cửa Gianh khoảng 54 hải lý về hướng Đông Bắc đã phát hiện một tàu chạy từ đất liền và lén lút xả thải xuống biển. Tàu này là một loại chở hàng loại lớn, thân tàu có mang các dòng chữ La tinh và trên tàu có hàng hóa được bịt bằng bạt và 2 cần cẩu. Các ngư dân này đã chứng kiến tàu lạ này đã vứt xuống biển nhiều túi nilon, và họ nghi rằng đó là chất thải của Formosa Hà Tĩnh.
Lê Dung / SBTN
0 comments