LỰA CHỌN VÀ HÀNH XỬ
Cặp đôi Tập – Pu. Nguồn: internet
FB Luân Lê
7-9-2016
Philippines thắng kiện tại Toà án là nhờ khá nhiều vào việc hậu thuẫn của Mỹ, trong đó phải kể đến sự hiện diện của một luật sư công pháp quốc tế mà thế giới gọi ông là “hiệp sỹ chống các nước lớn (cường quốc)” – Paul Reicher.Thế nhưng ngay sau khi Tổng thống Aquino rời nhiệm kỳ và thế chỗ ông là một tên “đồ tể” khát máu, Duterte, lên nắm quyền, hắn đã có những hành động như kẻ tâm thần, giết hàng loạt người mà không qua xét xử, công khai chửi bới và lăng mạ Tổng thống Mỹ Obama. Đây quả là những hành xử tồi tệ nhất của một chính khách và với tư cách nguyên thủ quốc gia, ngoại trừ những người cộng sản trước đây như Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot.
Nga, cũng là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, là trung tâm Liên Xô và tràn sang cả Đông Âu khi vào thời kỳ rực rỡ của chủ nghĩa dành cho những “kẻ cùng khổ dưới sự áp bức” này. Nay đã quay sang ủng hộ Trung Quốc về việc chống lại phán quyết của Toà trọng tài thường trực tại Hague, Hà Lan ban hành ngày 12.07.2016 vừa mới đây. Theo một lẽ đơn giản nhất, trước hết, không một quốc gia nào mà lại không vì quyền lợi của chính mình, và đó luôn là mục tiêu bảo toàn trong mọi trường hợp cũng như trong tất cả các mối quan hệ song hay đa phương. Nga với Trung Quốc cũng đều là những nước cộng sản và có những mối quan hệ rồi cả hiềm khích lịch sử nhất định trong việc điều chỉnh mối quan hệ với Việt Nam thời còn chiến tranh quốc tế cộng sản và chống Mỹ.
Tuy nhiên, việc Nga ủng hộ Trung Quốc vì hai lý do, bởi có lợi cho Nga trong việc nếu Ukraine kiện Nga về xung đột, tranh chấp trên biển tại các vùng mà Nga đang chiếm hữu, tuyên bố chủ quyền. Thứ hai, Nga luôn đặt vấn đề chống lại Mỹ và đưa thế giới về sự đa cực cân bằng, nên chắc chắn Nga sẽ “vì lợi ích nước lớn” để thực hiện mục tiêu chính trị quốc tế của mình. Ủng hộ PCA nghiêng về phía Việt Nam thì Nga không những chẳng được lợi gì, vì cảng Cam Ranh cũng không được thuê, mà ngay cả việc đầu tư kinh tế cũng không thể chiếm nổi khi “90% các gói thầu lớn nằm trong tay Trung Quốc”, nên họ ủng hộ Trung Quốc ngoài mục đích chính trị còn vì mục đích kinh tế, mà vốn bị phương Tây cấm vận và dùng các đòn đánh về thương mại để bóp nghẹt khiến dân Nga đang khốn đốn, nhất là về giá dầu.
Nga cũng là một tay cộng sản nòi, dù đã từng, nhưng tất cả những gian trá, phương thức tuyên truyền mị dân, sự gian giảo, hai mặt và cả cách khủng bố tinh thần rất giỏi, sẽ khiến họ không bao giờ tin một ai, mà họ chỉ quan tâm đến chính lợi ích của mình và có đạt được điều đó hay không, hoặc chí ít là bảo toàn nó trong vòng kiểm soát.
Nga, họ chỉ tin vào chính họ và hành động vì dân tộc họ, đừng chờ đợi sự ủng hộ từ người Nga, nhất là khi Putin còn nắm quyền, vì với họ, không gì là vĩnh cửu hay phải đặt lên bàn cân khi phải lựa chọn đối với các vấn đề quốc gia của người Nga.
Tại cuộc gặp Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc và Mỹ không tỏ ra quá căng thẳng và trực diện về vấn đề biển đông, vì hiện tại, người Mỹ sử dụng chính sách “ngoại giao yên tĩnh” để tránh làm mất mặt và khiến họ cảm thấy bị sỉ nhục, nhất là với vai trò chủ nhà. Vì tổng thống Obama đã từng được tiếp đón trịnh trọng khi sang Việt Nam nên khi sang Trung Quốc, họ đã tỏ ra một thái độ bất nhã và khá coi thường về mặt ngoại giao, nó thể hiện sự nhỏ nhen, ti tiện và cả “sự hằn học mang tính côn đồ” – một dân tộc chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng của chính mình để làm một nước lớn có giá trị. Trái ngược hẳn với ông Obama cúi đầu khi diện kiến Nhật hoàng hay khom mình trước vua Arap tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014.
Chúng ta, là một nước cô đơn, khi bị Trung Quốc bành trướng và hành xử bất chấp. Nước Mỹ, Nhật và các quốc gia khác ủng hộ nhưng ta khá hững hờ và thờ ơ. Nga thì lúc thế này, khi thế khác, và hiện họ đã ủng hộ Bắc Kinh về một quan điểm đi ngược lại mong muốn của Việt Nam và luật pháp quốc tế. Những người anh em thân cận nhất như Venezuela hay Cuba, rồi cả nước đồng chủ nghĩa cộng sản Bắc Triều Tiên đều là những kẻ hoặc đã bỏ chạy, hoặc là kẻ khố rách áo ôm, đói khổ, bất công, biệt lập. Chúng ta có thể trao đổi và hiệp tác với Philippines, nhưng có lẽ tốt hơn rất nhiều lần nếu đó là cuộc gặp mặt tại Toà án Hague, Hà Lan vào thời gian trước.
Chúng ta, cô đơn, và làm khó chính chúng ta khi không có một quan điểm hay thái độ cũng như sự lựa chọn rõ ràng nào. Đó mới là thứ mà khiến bất kỳ một quốc gia nào cũng e ngại khi đặt vấn đề.
Đu dây, đến khi dây đứt, rơi vào đâu và vào cái gì phụ thuộc nhiều vào sự may rủi, hơn thế nữa, sự tồn vong còn được quyết định bởi phần lớn và trước hết ở khả năng tự lập của chính mình. Và trong một nghịch cảnh bất đắc dĩ, nhưng thường xảy ra trong cuộc sống, ai sẽ là người đưa tay ra để nắm lấy bàn tay chấp chới là một thứ còn bỏ ngỏ. Vì ta không lựa chọn bạn, thì bạn không vì ta mà hy sinh. Vì Voltaire đã nói, như ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa nhắc lại khi tiếp đón Tổng thống Pháp, Francois Hollande, rằng, trên thế giới này, không có gì quý giá hơn là có một người bạn tốt?
Vậy thử nhìn xem, bạn tốt của chúng ta, là ai? Trong khi quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia có chỉ số tử tế thấp nhất thế giới???
0 comments