Thế giới – 07/09/2016
Tổng thống Obama
nói chuyện với thanh niên Đông Nam Á ở Lào
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Tư, 7/9, đã nói chuyện với các thanh niên Đông Nam Á họp mặt ở Lào. Ông nói chỉ mơ mộng về kế hoạch cho tương lai là không đủ, mà họ phải “thực sự làm việc”.
Trong cuộc gặp với không khí sôi động với những người tham gia Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á do Hoa Kỳ tài trợ, ông Obama nhấn mạnh rằng các nước cần nâng cao các tiêu chuẩn giáo dục và đảm bảo những người hưởng lợi ích phải bao gồm cả các nữ thanh niên chứ không chỉ có nam thanh niên.
Ông phát biểu: “Các bạn không bao giờ được nản chí, bởi vì ngày nay các bạn có nhiều cơ hội để tạo sự khác biệt trên thế giới hơn tất cả các thế hệ trước đây. Và tôi hy vọng các bạn nắm bắt cơ hội đó”.
Trả lời câu hỏi từ cử tọa, ông Obama nói ông hy vọng nhà lãnh đạo kế tiếp của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sự can dự đã gia tăng của ông với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và rằng ông tin rằng Quốc hội sẽ thông qua hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông cũng nói về những lợi ích của việc tương tác với người dân của các nền văn hóa khác nhau như là một cách để liên tục học hỏi, và ông nêu bật việc cần phải tôn trọng những người có đức tin và nguồn gốc khác nhau.
Ông Obama nói: “Tôi nghĩ rằng về dài hạn, cách duy nhất mà con người có thể làm việc với nhau, tương tác, phát triển thịnh vượng và đối phó với những vấn đề lớn là chúng ta phải có khả năng thấy được những điểm chung của chúng ta và đối xử với nhau bằng nhân phẩm và lòng tôn trọng”.
Tổng thống nói với cử tọa rằng ông có kế hoạch vẫn tiếp tục làm việc với những người trẻ tuổi sau khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2017.
Ông Obama hiện ở Lào để gặp các nhà lãnh đạo ASEAN và tái trấn an rằng việc xoay trục chiến lược của Hoa Kỳ sang Châu Á là một chiến lược dài hạn.
Trước đó cũng trong ngày thứ Tư, Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ có “nghĩa vụ đạo đức và nhân đạo sâu sắc” đối với việc trợ giúp các nỗ lực rà phá bom do Mỹ thả xuống Lào trong Chiến tranh Việt Nam.
80 triệu quả bom chùm đã không nổ, và nằm trên đất nông nghiệp hoặc xung quanh các làng mạc, sau đó đã làm 20.000 người thiệt mạng hoặc bị thương.
Trước đó một ngày, ông đã thông báo tăng gấp đôi tài trợ của Hoa Kỳ trong vòng ba năm tới để giúp những người sống sót cũng như các nỗ lực rà phá bom.
Ông Obama là Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Lào. Chuyến thăm cũng là chuyến đi thứ 11 và cuối cùng của ông tới châu Á ở cương vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Các vấn đề bầu cử
dường như làm chậm tăng trưởng việc làm ở Mỹ
Các nhà kinh tế cho rằng việc không biết chắc kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ như thế nào có thể đang tác động xấu đến nền kinh tế Mỹ. Chỉ còn hai tháng nữa là đến cuộc bầu cử, các nhà phân tích nói rằng các chủ lao động có thể miễn cưỡng tuyển người cho đến khi họ nhìn thấy rõ ràng hơn về hướng đi của nền kinh tế.
Một cuộc khảo sát mới của Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh tế Doanh nghiệp, NABE, cho thấy một mùa bầu cử chia rẽ không có kết quả rõ ràng có thể làm cho các công ty bồn chồn lo lắng.
Phát ngôn viên của NABE Lavaughn Henry lý giải tại sao: “Họ muốn có thể dự liệu về phía trước: thuế của tôi trong năm tới sẽ như thế nào, tôi có thể phải đối mặt với những quy định, luật lệ gì trong vài năm tới. Khi không có một ứng cử viên dân cử và thực thi chính sách tại một thời điểm nào đó, bạn thấy sự không chắc chắn tăng lên”.
Các nhà phân tích đồng ý rằng một số doanh nghiệp hành động thận trọng hơn trong năm có bầu cử.
Nhưng Mark Hamrick, chuyên gia phân tích cao cấp của Bankrate, có cách nhìn nhận khác. Ông nói: “Tôi thấy khó tin rằng nếu một người là chủ lao động và họ thấy có đủ cầu về các sản phẩm hoặc dịch
vụ mà họ lại hoãn việc bổ sung nguồn lực hay công nhân để đáp ứng nhu cầu đơn thuần chỉ vì sắp có bầu cử”.
Khi được đề nghị đánh giá về các ứng cử viên chính, Ủy ban Vì Ngân sách Liên bang Có Trách nhiệm, CRFB, cho rằng các chính sách của cả ông Donald Trump lẫn của bà Hillary Clinton đều không giải quyết các vấn đề kinh tế quan trọng nhất của Mỹ. Chủ tịch CRFB Maya MacGuineas nói cả hai ứng viên đều thất bại về các vấn đề nợ, bất bình đẳng thu nhập và chi tiêu phúc lợi.
Các chủ lao động chỉ bổ sung 155.000 việc làm trong tháng 8. Con số này thấp hơn nhiều so với hai tháng trước. Con số việc làm đã tăng trung bình khoảng 270.000 việc làm mới giữa tháng 6 và tháng 7.
Mỹ không kích giết chết 13 chiến binh Yemen
Quân đội Hoa Kỳ cho biết một loạt các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu liên quan đến al-Qaeda tại Yemen trong hai tuần qua đã giết chết 13 phần tử chủ chiến và làm bị thương 1 phần tử.
Một tuyên bố hôm thứ Ba, 6/9, của Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết ba cuộc oanh kích diễn ra tại tỉnh Shabwah ở miền trung Yemen trong thời gian từ 24/8 tới 4/9.
Chiến dịch của Hoa Kỳ dùng máy bay không người lái nhắm mục tiêu vào các phần tử liên quan tới al-Qaeda đã diễn ra trong 7 năm với hơn 100 cuộc không kích, giết chết một số nhà lãnh đạo hàng đầu của nhóm. Song hoạt động này cũng dẫn đến những lời chỉ trích về việc dân thường bị chết.
Hồi tháng 7, Tòa Bạch Ốc thừa nhận ít nhất 64 thường dân thiệt mạng do các cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở những nơi như Yemen, Pakistan và Afghanistan kể từ năm 2009. Nhiều nhóm giám sát cho rằng con số thực sự có thể cao hơn nhiều.
Lãnh đạo thực quyền Aung San Suu Kyi của Myanmar
sắp thăm Mỹ
Hoa Kỳ hôm thứ Ba, 6/9, cho hay lãnh đạo có thực quyền của Myanmar, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, sẽ thăm Mỹ vào tuần tới. Bà sẽ gặp Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của bà kể từ khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói tại Lào rằng cuộc gặp với ông Obama sẽ diễn ra ngày 14 tháng 9, và ông dự liệu rằng một nội dung chính trong chương trình nghị sự là tương lai của lệnh trừng phạt áp đặt trong những thập kỷ giới quân sự nắm quyền.
Ông Rhodes cho biết việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã bắt đầu, và ông nói rằng Hoa Kỳ muốn chắc chắn rằng có những lợi ích cho nền dân chủ. Ông nói rằng cách tốt nhất để khuyến khích nhân quyền ở Myanmar là bảo đảm rằng nền dân chủ thành công.
Chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi diễn ra giữa lúc có những nỗ lực để tìm câu trả lời cho sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc của Myanmar. Chính phủ của bà đã thành lập Hội đồng tư vấn đứng đầu là cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan để giải quyết cuộc xung đột giữa người Hồi giáo Rohingya và những người Phật giáo chiếm đa số.
Ông Obama
có thể gặp Tổng thống Philippines tại hội nghị khu vực
Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Barack Obama có thể sẽ gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bằng một hình thức nào đó tại hai hội nghị thượng đỉnh khu vực sau khi đã hủy bỏ một cuộc họp trực tiếp được dự trù trước đó.
Ông Duterte hôm thứ hai nói rằng Tổng thống Obama không cần phải chỉ bảo ông về chiến dịch trấn dẹp ma túy ở nước ông đã giết chết hơn 2.000 người kể từ tháng 6. Và ông Duterte đã dùng cụm từ “đồ chó đẻ” bằng tiếng Tagalog trong phát biểu đó. Tổng thống Philippines hôm thứ Ba bày tỏ hối tiếc rằng phát biểu của ông đã biến thành công kích cá nhân đối với nhà lãnh đạo Mỹ.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes của Tổng thống Obama phát biểu:
“Những bất đồng giữa chúng tôi với Tổng thống Duterte liên quan nhiều hơn đến những quan ngại của chúng tôi là cần phải có một sự cam kết rõ ràng trong việc thực thi luật pháp vì nó liên quan đến một số nỗ lực ổn định an ninh trong nước đang được thực hiện ở đó. Về vấn đề đồng minh, chúng tôi tiếp tục làm việc chặt chẽ với họ. Chúng tôi thực sự cho rằng các mối quan hệ giữa hai nước mang một tầm quan trọng mà lãnh đạo của hai bên cần phải mưu tìm một tinh thần xây dựng để bàn thảo.”
Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói với các phóng viên báo chí cuối ngày thứ Ba rằng sự chú ý vào tuyên bố của ông Duterte làm mất đi trọng tâm của “nghị trình thiết thực” giữa Hoa Kỳ và Philippines và không có tinh thần xây dựng cho một cuộc thảo luận.
Hai nhà lãnh đạo trước đó dự trù sẽ họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Lào, nhưng kế hoạch đó được đặt ra trước khi Tổng thống Duterte dùng cụm từ xúc phạm bằng tiếng Tagalog của ông khi ông khuyến cáo tổng thống Mỹ chớ có “dạy bảo” ông về chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu đang diễn ra ở nước ông.
Ông Duterte hôm thứ Ba ra một thông báo bày tỏ hối tiếc về phát biểu của ông đã biến thành công kích cá nhân đối với Tổng thống Obama.
Hơn 2.000 người đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Duterte phát động chiến dịch trấn dẹp ma túy ngay sau khi ông lên nhậm chức tổng thống hồi tháng 6.
Ông Duterte đã tranh cử tổng thống với hứa hẹn chấm dứt trình trạng ma túy bất hợp pháp ở Philippines. Ông bênh vực cho việc nhiều người bị giết chết trong chiến dịch của ông trước sự chỉ trích mạnh mẽ của các tổ chức nhân quyền. Ông nói rằng ông làm theo ước nguyện của người dân đã bầu ông lên.
Ông Trump vượt lên dẫn trước bà Clinton về tỉ lệ ủng hộ
Jim Malone
WASHINGTON —
Trong cuộc đua tranh cử tổng thống ở Mỹ, một cuộc khảo sát ý kiến mới của CNN-ORC cho thấy ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump dẫn trước hai điểm (45-43) so với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Bà Clinton tiếp tục dẫn đầu trong hầu hết các cuộc khảo sát, nhưng cuộc khảo sát của CNN là cuộc khảo sát mới nhất trong số những cuộc khảo sát cấp quốc gia và cấp bang hồi gần đây cho thấy cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc đang trở nên sít sao hơn, trong khi còn khoảng hai tháng nữa là đến ngày bầu cử.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Ba bàn luận về chính sách đối ngoại ở bang Virginia, nhưng không thể cưỡng lại việc nêu bật kết quả khả quan từ cuộc khảo sát ý kiến mới nhất:
“CNN mới làm một cuộc khảo sát lớn. Cuộc khảo sát lớn của họ công bố ngày hôm nay nói rằng Trump đang thắng. Việc này tạo tâm lý tốt. Tôi biết chắc là như vậy bởi vì những người mà hôm kia không gọi điện thoại cho tôi, hôm nay đang gọi. Đời là thế, có phải không?”
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò toàn quốc và ở hầu hết các bang trọng yếu mà cả hai chiến dịch tranh cử sẽ tập trung vào trong hai tháng cuối cùng này.
Bà Clinton đả kích ông Trump trong một buổi vận động ở bang Florida:
“Và ông ta hạ nhục người Hồi giáo và công kích một gia đình Sao Vàng có con trai thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ ở Iraq. Chúng ta đâu phải loại người như vậy. Đúng, chúng ta có rất nhiều kế hoạch, nhưng chúng ta cũng có những giá trị nữa. Và các bạn hữu, chúng ta sẽ đứng dậy bênh vực những giá trị Mỹ!”
Cuộc đua đang trở nên sít sao một phần là do những yếu kém của bà Clinton đang là tâm điểm chú ý, theo chuyên gia Stephen Wayne của Đại học Georgetown:
“Có một số người không nghĩ rằng bà ấy trung thực và đáng tin cậy. Bà ấy có vẻ là một chính trị gia rất truyền thống vào lúc người ta có thái độ chống chính trị gia.”
Nhưng rất nhiều người cũng không ủng hộ ông Trump, theo lời chuyên viên khảo sát ý kiến Frank Newport của Gallup:
“Đó là vấn đề đáng lo ngại cho cả hai người. Tôi nghĩ ban vận động của Hillary Clinton suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, làm sao thay đổi được hình ảnh của mình? Nhưng đó là chuyện khó làm. Vào thời điểm này chuyện đó gần như không còn thay đổi được nữa.”
Bà Clinton hy vọng giữ được cách biệt dẫn đầu lớn trong các cuộc thăm dò sau hai đại hội đảng, một phần là nhờ mấy vụ gây tranh cãi của ông Trump. Nhà phân tích Jeremy Mayer của Đại học George Mason nhận định:
“Donald Trump có thể giành chiến thắng cuộc đua này. Nhưng để làm được điều đó ông ấy sẽ phải vượt lên từ khoảng cách thua sút lớn hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào trong những cuộc bầu cử thời hiện đại. Chưa ai có thể vượt lên mạnh mẽ và nhanh chóng như điều mà ông Trump cần phải vào lúc này.”
Ông Trump và bà Clinton đang chuẩn bị cho sự kiện lớn kế tiếp trong cuộc đua – cuộc tranh luận tổng thống thứ nhất, theo lịch diễn ra vào ngày 26 tháng 9.
Bộ trưởng Quốc phòng Tunisia cảnh báo về IS ở châu Phi
Bộ trưởng Quốc phòng Tunisia đã cảnh báo rằng các chiến binh Nhà nước Hồi giáo bị đẩy ra khỏi hang ổ của chúng ở Sirte, Libya, có thể đi về phía nam để tham gia Boko Haram hay về phía tây và gây ra mối đe dọa cho phần còn lại của Bắc Phi. Phát biểu tại một hội nghị an ninh hôm thứ Ba, 6/9, ở Paris, ông Farhat Hachani cho biết khoảng 1.000 người Tunisia đã gia nhập các nhóm thánh chiến, và với những thất bại gần đây của Nhà nước Hồi giáo, họ có thể trở về nhà, và ông nói rằng hiện không có chiến lược tầm khu vực để đối phó với điều đó.
Tin tức, trong đó có tin của các hãng AFP và Reuters, cho biết mặc dù IS mất lãnh thổ ở đất nước Hồi giáo tự xưng ở Syria và Iraq kể từ khi chúng mạnh nhất vào năm 2014, cùng với cái chết của nhiều lãnh đạo cấp cao, nhóm IS vẫn là mối đe dọa tiềm tàng. Chúng tiếp tục thu hút tân binh, có được vũ khí và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố quốc tế.
Trong một bài bình luận, Reuters nói kể từ tháng 6, cứ 84 giờ, nhóm thánh chiến Hồi giáo Sunni này lại kích động hoặc thực hiện một cuộc tấn công khủng bố.
Nicholas Palarino, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown ở Washington, nói với VOA rằng một trong những thất bại lớn nhất đối với nhóm IS là việc chúng mất khu vực biên giới Syria sau cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai tuần.
Vị giáo sư nói ngay cả khi Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại, hệ tư tưởng cực đoan của chúng vẫn tồn tại và các nhóm khác, như al-Nusra, được đợi đến lượt để chính chúng cũng tạo ra nhà nước Hồi giáo của riêng mình và mở rộng ra toàn khu vực.
Lực lượng chính phủ Syria
lại bị nghi tấn công hóa học ở Aleppo
Hôm thứ Ba, 6/9, ít nhất 70 người đã được điều trị về các vấn đề hô hấp ở thành phố Aleppo của Syria sau khi các nhân viên cấp cứu cho rằng đã có một vụ tấn công bằng khí clo của lực lượng chính phủ.
Nhóm Dân phòng Syria nói máy bay trực thăng đã thả nhiều thùng chứa clo vào khu phố al-Sukkari do phe đối lập nắm giữ.
Đài quan sát Nhân quyền Syria đặt ở Anh cũng báo cáo về một vụ thả bom thùng trong khu vực, nhưng không thể khẳng định liệu vụ này có dính líu đến chất clo hay không.
Trong suốt 5 năm qua, cả chính phủ lẫn phiến quân đều đổ lỗi cho nhau đã tiến hành tấn công hóa học trong cuộc xung đột Syria.
Các thanh tra viên quốc tế đã đưa ra một báo cáo hồi tháng trước nói rằng lực lượng chính phủ và các tay súng Nhà nước Hồi giáo đều đã thực hiện các cuộc tấn công hóa học. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc hôm 6/9 nói đang có thêm các cuộc điều tra về các cuộc tấn công hóa học bị tố cáo đã xảy ra trước đó trong năm nay, kể cả ở Aleppo.
Tổng thống Mỹ cổ súy chiến lược tái cân bằng về Châu Á ở Lào
Tổng thống Mỹ Barack Obama trấn an các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương rằng chính sách tái cân bằng chiến lược của Mỹ về khu vực này “sẽ kéo dài trong trường kỳ” vì nó “phản ánh những lợi ích quốc gia căn bản.”
Trong một bài phát biểu tại thủ đô Vientiane của Lào hôm thứ Ba, Tổng thống Obama nói rằng có sự công nhận rộng rãi ở Mỹ rằng Châu Á Thái Bình Dương “sẽ trở nên quan trọng hơn trong thế kỷ sắp tới, đối với cả Mỹ và thế giới.”
Tổng thống phát biểu trước khoảng 1.000 người tại Hội trường Văn hóa Quốc gia Lào, một ngày sau khi ông làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm nước này.
Đứng trước những lá cờ đại diện cho Mỹ, Lào và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Obama phát biểu trước cử tọa bao gồm những quan chức chính phủ, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Lào và Mỹ, học sinh sinh viên, những nhà lãnh đạo xã hội dân sự và những nhóm phụ nữ.
Ông Obama nói tham gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là điều mang tính hệ trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh tương lai của Mỹ. Chiến lược của Tòa Bạch Ốc cũng nhắm mục tiêu làm đối trọng trước ảnh hưởng và quyền lực đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Còn chưa đầy năm tháng tại chức, ông Obama nói Mỹ đã tham gia sâu hơn trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương hơn bao giờ hết trong nhiều thập kỷ qua.
“Vị thế của chúng tôi giờ mạnh hơn và sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi hiện diện ở đây lâu dài,” ông nói. “Trong lúc khốn khó hay thuận lợi, quý vị có thể trông cậy vào Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thừa nhận thỏa thuận thương mại tự do Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – “trụ cột” kinh tế của chiến lược tái cân bằng của ông đang gặp rắc rối ở Mỹ.
Thỏa thuận thương mại to lớn này, đã được 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương ký kết, vẫn phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Trước đó trong ngày thứ Ba, ông Obama đã hội đàm với Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachit trong phủ chủ tịch.
Sau cuộc hội kiến, Tòa Bạch Ốc loan báo một khoản đóng góp trong ba năm, trị giá 90 triệu đôla cho Lào để thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc về bom đạn chưa phát nổ và những nỗ lực rà phá bom do lực lượng Mỹ thả xuống Lào trong những năm 1960 và 1970.
Tổng thống Ukraine: Gia nhập NATO là mục tiêu chiến lược
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng việc trở thành thành viên NATO vẫn là “mục tiêu chiến lược” và “đường hướng không thay đổi” cho đất nước của ông.
Phát biểu trước những nhà lập pháp tại buổi khai mạc phiên họp Quốc hội mới của Ukraine hôm thứ Ba, ông Poroshenko nói Kiev đã đạt được mức độ hợp tác rất chặt chẽ và chưa từng có với những nước thành viên của liên minh.
Ông nói sự hợp tác với NATO sẽ tiếp tục nâng cao, mở rộng và trở nên sâu sắc hơn cho đến khi Ukraine đáp ứng đầy đủ những tiêu chí thành viên.
Ukraine thường xuyên thực hiện những cuộc tập trận chung với NATO, nhưng những nước thành viên của liên minh đã nói rằng quân đội mới được nâng cấp của Ukraine vẫn còn kém xa những tiêu chuẩn cần thiết để trở thành thành viên của khối quân sự này.
Một số nước thành viên NATO đã bày tỏ lo ngại rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine sẽ càng khiến Nga tức giận. Nga tháng trước đã cáo buộc Kiev tìm cách chiếm lại bán đảo Crimea, lãnh thổ của Ukraine bị Nga sáp nhập vào tháng 3 năm 2014 trong một hành động mà Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết gần nhất trí là phi pháp.
Indonesia tăng cường chống tội phạm ma túy
theo cách Philippines
Indonesia có kế hoạch tăng cường công cuộc đấu tranh chống bọn tội phạm ma túy như cách mà Philippines hiện đang tiến hành.
Người phụ trách cơ quan chống ma túy của Indonesia, ông Budi Waseco, chiều tối hôm qua lên tiếng cho biết cơ quan này đang trong quá trình tăng cường vũ khí, nhân lực điều tra, công nghệ và chó nghiệp vụ nhằm đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật tại đất nước được cho là một trong những thị trường ma túy lớn nhất trong khu vực.
Trả lời báo giới liệu Indonesia có mạnh tay như Philippines hiện đang làm hay không thì ông Budi Waseco khẳng định có thể vì theo vị quan chức này thì tình trạng ma túy ở Indonesia cũng tồi tệ như ở Philippines.
Ông này cho rằng mạng sống của một tay buôn bán ma túy là không nghĩa lý gì vì kẻ đó tiến hành sát hại hằng loạt người khác, sao lại có thể tôn trọng kẻ phạm tội như thế được.
Tuy nhiên, phát ngôn nhân cuả Cơ quan Chống Ma Túy Quốc gia Indonesia cho rằng nước này sẽ trừng phạt tội phạm nhưng theo đúng qui định của luật pháp.
Hơn 30 tội phạm tham nhũng Trung Quốc ở nước ngoài bị bắt
Có 33 người Trung Quốc bị Bắc Kinh truy tố tội tham nhũng trốn chạy ra nước ngoài bị bắt về Trung Quốc. Đây là những người nằm trong danh sách 100 người nặng tội nhất mà Bắc Kinh đưa ra cho tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol hồi năm 2014 với ghi chú cảnh báo đỏ.
Cảnh báo đỏ là cảnh báo cao nhất chỉ sau trát tòa án quốc tế đối với những kẻ tội phạm bị tổ chức này truy đuổi.
Một đội đặc nhiệm của Ủy ban trung ương đảng cộng sản Trung quốc đã được thành lập cách đây hai năm để truy bắt những kẻ tham nhũng trốn chạy. Ủy ban này cho hay là trong hay năm qua đã bắt về Trung quốc 1915 người từ hơn 70 quốc gia, và thu hồi một số tiền trị giá 1 tỉ 120 triệu đô la Mỹ.
Ủy ban chống tham nhũng này của đảng cộng sản Trung Quốc cũng nói rằng trong hội nghị hai mươi nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới gọi tắt là G20, vừa kết thúc tại thành phố Hàng Châu, các nước đã đồng ý thành lập một trung tâm nghiên cứu ngay tại Hoa Lục để xem xét việc bắt các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài hồi hương cùng thu hồi các tài sản của họ.
Trong một thông cáo sau hội nghị, G20 nói rằng trung tâm này sẽ hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế.
Các quan chức Trung Quốc tham nhũng thường mang chuyển tài sản và trốn sang các nước phương Tây, và những nước này tỏ ý nghi ngại về việc bắt những người này dẫn độ về Trung Quốc vì lo rằng họ sẽ không được xét xử công bằng.
Bên cạnh đó người ta còn cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền là để nhắm vào các đối thủ chính trị của ông ta, chứ không phải thực sự chống tham nhũng.
Hãng tin AFP mở văn phòng ở Bắc Hàn
Hãng thông tấn Pháp Agence France-Press (AFP) chính thức mở văn phòng tại Bắc Triều Tiên, thuộc số ít ỏi các tổ chức truyền thông có sự hiện diện ở một trong số quốc gia cô lập nhất thế giới này, AFP thông báo.
Văn phòng của hãng tin Pháp ở Bình Nhưỡng được khai trương hôm thứ Ba 07/09, dự tính sẽ gửi hình ảnh và video tới hàng ngàn khách hàng trên khắp thế giới.
Đây là kết quả của thỏa thuận hợp tác ký kết hồi đầu năm nay giữa AFP và KCNA – hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn.
“Mở văn phòng này giúp AFP bù lấp lỗ hổng trong mạng lưới của chúng tôi, gồm 200 văn phòng ở 150 quốc gia,” Emmanuel Hoog, Giám đốc điều hành, đồng thời là Chủ tịch của AFP nói trong lễ khai trương văn phòng.
“AFP cam kết tự do thông tin và tự do biểu hiện, thuộc những giá trị nền tảng của chúng tôi,” ông Hoog nói trong cuộc gặp Chủ tịch Kim Chang-Gwang của hãng thông tấn nhà nước KCNA.
Trước đó hãng Associated Press (AP) của Mỹ cũng đã lập văn phòng ở Bắc Hàn.
Thủ tướng Úc cảnh báo khủng bố tại Asean
Úc sẽ trợ giúp các nước Đông Nam Á ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull sẽ thảo luận về an ninh với các nhà lãnh đạo đang dự Hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Lào.
Ông Turnbull báo hiệu muốn mở rộng các hiệp định chống khủng bố của Úc với Indonesia, Malaysia và các nước láng giềng khác.
Động thái này xảy đến sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) đe dọa tấn công kiểu “sói đơn độc” ở Sydney và Melbourne.
Ông Turnbull tuyên bố rằng mối đe dọa như vậy cần được xem xét nghiêm túc sau khi IS thất bại trên chiến trường Iraq và Syria.
“Vì lãnh thổ của họ đang thu hẹp lại – họ sẽ viện đến các hoạt động khủng bố bên ngoài Trung Đông”, ông nói.
“Nhưng chúng ta phải rất cảnh giác trước hành động của những kẻ tấn công đơn độc vì nhiều lý do, có thể là cực đoan.”
Chính phủ Úc đang tiến hành những biện pháp ngăn chặn các chiến binh nước ngoài có thể được tuyển chọn từ Đông Nam Á và Úc và ông Turnbull đang tranh luận về việc chia sẻ thông tin tình báo.
Ông Turnbull nhắc đến các vụ đánh bom Bali năm 2002 như ví dụ về mối nguy hiểm cho khu vực Asean. Các cuộc tấn công này giết chết 202 người trong đó có 88 người Úc và 27 người Anh.
“Mỗi khi xảy ra hoạt động khủng bố, thường là ở quy mô lớn, trong khu vực của chúng ta, công dân Úc có thể có nguy cơ thiệt mạng,” ông nói.
“Chúng ta phải đoàn kết với nhau, có chiến thuật chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cam kết vì mục tiêu đó và tôi đang mong chờ những cuộc tranh luận thẳng thắn và hiệu quả trong những ngày tới.”
Khi người nước ngoài bỏ chạy
Mark Johanson
Hồi trung tuần tháng Bảy, Terry Henson Kaymak người Mỹ nhận ra rằng mình đang mắc kẹt trong cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi phe quân đội định lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Nỗ lực đảo chính “xảy ra ngay trong đầu tôi”, nữ luật sư 51 tuổi nói. Bà đã sống và làm việc tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ suốt hơn sáu năm qua, trong một tòa nhà gần sát tổng hành dinh của quân đội và thậm chí còn gần sát tòa nhà quốc hội hơn.
Hôm 20/7, Thổ Nhĩ Kỳ ban bố ba tháng tình trạng khẩn cấp, và Kaymak nói bà ở tình trạng cảnh giác cao, không nói tiếng Anh trên đường phố nữa bởi bà cảm thấy “tâm lý bài Mỹ đang dâng cao”.
“Tôi không phải là người nhát chết, nhưng tôi nay hiếm khi ra khỏi nhà,” bà nói.
Với Kaymak, vụ nổi dậy mới nhất là đỉnh điểm sau chừng một năm qua. Bà đã trải qua tình huống bị bom nổ kề bên hồi tháng Hai và tháng Ba, khi có các cuộc tấn công khủng bố riêng rẽ khiến 67 người thiệt mạng. Bà luật sư người Philadelphia định quay trở về Mỹ trong tháng Chín này.
Một số người nước ngoài hiện ngày càng phải suy tính nhiều về việc có nên sống tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không, sau hàng loạt các vụ tấn công khủng bố suốt một năm qua và do tình hình chính trị ngày càng trở nên bất ổn.
Viễn cảnh kinh tế vốn một thời rất lạc quan nay đang kém đi trong bầu không khí nhiều xáo trộn.
Các kinh tế gia đã hạ mức dự đoán tăng trưởng năm 2016 của Thổ Nhĩ Kỳ xuống và đồng tiền tệ nước này, đồng lira, mất giá xuống mức gần như kỷ lục vào hôm 20/7, với 3,07 lira ăn một đô la Mỹ.
Những yếu tố đó khiến cho ngày càng nhiều người nước ngoài rời đi.
Người nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là những trường hợp duy nhất.
Nhiều lao động nước ngoài tại các nước như Trung Quốc hay Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất đã về nước trong những tháng gần dây do tình hình kinh tế tăng trưởng trì trệ.
Với người nước ngoài tại các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil hay Venezuela, sự bất ổn về chính trị lại càng gia tăng cảm giác bất an.
Tại Brazil, lượng giấy phép lao động cấp cho người nước ngoài đã giảm 62% trong quý đầu của năm 2016 so với cùng kỳ năm 2014, một phần do lao động nước ngoài thờ ơ và một phần do cũng không có nhiều công ăn việc làm cho lắm.
Nhiều người tự hỏi liệu đã phải lúc rời đi chưa, hay liệu họ nên tiếp tục ở lại giữa những rắc rối phức tạp. Có khá nhiều vấn đề cần phải nâng lên đặt xuống, như những ràng buộc gia đình, công ăn việc làm, chuyện học hành của con cái, và những vấn đề khác nữa.
Vậy người nước ngoài sẽ quyết định thế nào về việc đi, ở của mình?
‘Không có giải pháp có sẵn’
Chẳng có giải pháp rõ ràng nào cho câu hỏi này.
Chẳng hạn như người lao động nước ngoài tại Venezuela muốn lên kế hoạch rút lui, theo Cynthia Arnson, giám đốc chương trình Mỹ-Latin tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson phi đảng phái, nói.
“Kinh tế Venezuela vẫn chưa xuống đến tận đáy và sẽ còn tiếp tục đi xuống. Điều này tạo mối nguy lớn dẫn đến khả năng có bạo lực kéo dài, các cuộc bạo loạn giành giật thực phẩm, và những tình huống tồi tệ khác đã xảy ra,” Arnson giải thích. “Không có giải pháp có sẵn nào ở phía trước, và nền kinh tế đã suy sụp nhanh chóng.”
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nền kinh tế nước này sẽ bị nhỏ lại 10% trong năm nay, sau khi đã bị thu lại 6,2% trong năm 2015, khiến Venezuela trở thành nền kinh tế có kết quả tồi tệ nhất thế giới.
Venezuela chủ yếu dựa vào nguồn thu từ dầu hỏa, nhưng sản lượng dầu do nhà nước kiểm soát thì đang đi xuống, trong lúc giá dầu trên thị trường thế giới đang tụt xuống mức thấp gần như kỷ lục sau nhiều năm đắt đỏ. Các nguồn cung ứng hàng hóa khác, gồm cả thuốc men, lại khan hiếm, và quân đội nay đã phụ trách việc phân phối thực phẩm tại một số nơi.
Nay, hầu hết các quản lý cấp cao trong lĩnh vực dầu khí, gồm cả người nước ngoài lẫn người Venezuela, trong chừng một thập niên qua đã chuyển sang Colombia, Houston của Mỹ hoặc Calgary của Canada, theo Antonio Sanchez từ hãng săn đầu người Boyden.
Sự vắng bóng các nhân sự cao cấp càng làm trầm trọng vấn đề sản xuất dầu, và giá dầu đi xuống càng đẩy nền kinh tế vào chỗ khó khăn.
Tại sao người nước ngoài vẫn ở lại những nơi khó khăn?
Caracas bị xếp là thành phố nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2015, với 120 vụ giết người trên 100 ngàn cư dân, theo tổ chức phi chính phủ Mexico, Hội đồng Công dân Vi An ninh Công và Công lý (Citizen’s Council for Public Security and Criminal Justice – CCSPJP).
CCSPJP đưa ra tỷ lệ các vụ giết người trên toàn quốc là 80 vụ trên 100 ngàn cư dân, tuy chính phủ bác bỏ.
Ngay cả như vậy thì John Kvarnback, một nhà sinh vật học người Thụy Điển sống tại khu vực Los Palos Grandes giàu có, nói ông không cảm thấy Caracas kém an toàn hơn nhiều so với khi ông chuyển tới thành phố này, hồi 2001.
Có thêm những đoạn phố bị chặn trong thành phố, và người đàn ông 43 tuổi này không ra khỏi nhà với chiếc iPhone hay cái ví đầy tiền, bởi sợ rằng những món đồ này có thể bị ăn cắp.
Tuy nhiên, “Tôi không bị dí súng vào đầu như từng bị [ở đây] hồi nhiều năm về trước,” ông nói.
Bởi thu nhập của Kvarnback được trả bằng ngoại tệ, ông có thể mua được hàng hóa với giá cao hơn so với mức thu nhập của người Venezuela. Do đó, ông ít bị ảnh hưởng hơn bởi tình trạng khan hiếm thực phẩm và các món đồ hàng ngày.
Tuy nhiên, công việc chủ yếu của ông là giới thiệu về đời sống sinh vật trong tự nhiên dần cạn kiệt, còn lượng du khách thì tới thưa thớt hơn. Ông ước tính khoảng 80% số bạn bè ông đã rời khỏi Venezuela trong hai năm qua.
Cuối cùng, Kvarnback có thể sẽ phải chọn giải pháp tương tự – đưa vợ cũ và đứa con trai sang Brazil, nơi có hệ động vật tương tự nhưng nền công nghiệp du lịch sôi nổi hơn.
Ông biết rằng nền kinh tế Brazil hiện đang khó khăn, và nhiều người nước ngoài tại Brazil đang tìm cách ra đi, nhưng với ông, đó rốt cuộc có thể lại là bước dịch chuyển đi lên trong tình hình kinh tế bất định tại Venezuela.
Thủ tướng Trung Cộng họp với các nhà lãnh đạo ASEAN
Vientiane, Lào. (Reuters) – Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường hôm 7 tháng 9 đã họp với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Lý đã lên tiếng kêu gọi hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Cuộc họp đã diễn ra vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Philippines phát hành một số hình ảnh mới của các tàu Trung Quốc gần một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc, Đài Loan, và bốn nước trong ASEAN, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có các tuyên bố chủ quyền ở khu vực biển Đông giàu tài nguyên. Tranh chấp đã trở nên căng thẳng hơn nữa kể từ khi Tòa Trọng tài Hague phán quyết vào ngày 12 tháng 7, là Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền ở Biển Đông nói chung và ở bãi cạn Scarborough Shoal, một ngư trường truyền thống của các ngư phủ Philippines và Việt Nam.
Philippines không đưa ra lời giải thích cho việc công bố những bức ảnh vào thời điểm này. Tuy nhiên các tấm ảnh đã được đưa ra hai ngày sau khi Manila bày tỏ mối lo ngại lớn về số lượng ngày càng tăng của các tàu Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough và đã yêu cầu một lời giải thích từ đại sứ Trung Cộng tại Phillipines. (Lê Hoàng)
Nga bị tố cáo phá hoại bầu cử tổng thống Mỹ
Chỉ còn hai tháng nữa là bầu cử tổng thống Mỹ. Hôm qua, 06/09/2016, cảnh sát liên bang Hoa Kỳ chính thức thông báo : Nga đang nỗ lực để phá hoại cuộc bầu cử ngày 08/11, đặc biệt với các hoạt động tin tặc.
Theo hãng tin AFP, giả thuyết về các hành động phá hoại từ phía Matxcơva phần nào được xác nhận với việc ứng cử viên Hillary Clinton hôm thứ Hai vừa qua cho biết bà lo ngại người Nga can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử trong lúc cuộc tranh cử đang bước vào giai đoạn nước rút.
Ngày hôm qua, trên chặng vận động tranh cử tại Florida, ứng cử viên đảng Dân Chủ một lần nữa bày tỏ lo ngại về các hoạt động tin tặc nhắm vào đảng của bà hồi tháng 7, và vào cá nhân bà. Vào thời điểm đó, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi việc công bố các tài liệu như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, Matxcơva cũng đã phủ nhận mọi liên đới của chính quyền Nga trong vụ này.
Vụ Wikileaks công bố 20.000 trang thư điện tử của bảy thành viên ban lãnh đạo đảng Dân Chủ Mỹ ngay trước thềm của Đại hội đảng, chính thức đề cử Hilary Clinton làm ứng cử viên tổng thống. Vụ công bố thông tin nội bộ nói trên gây ra một cú sốc trong đảng. Chủ tịch đảng Dân Chủ Debbie Wasserman Schultz đã buộc phải từ chức. Nguyên nhân chủ yếu là, với các email nói trên, giới tinh hoa trong đảng Dân Chủ bị cáo buộc đã thiên vị bà Clinton, gạt ứng cử viên thiên tả Bernie Sanders ra ngoài.
An ninh Mỹ mở điều tra
Cho đến nay, chưa có bằng cớ nào rõ ràng được đưa ra là thủ phạm vụ tấn công tin học này là tình báo Nga. Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử, ám ảnh về đe dọa tin tặc Nga đè nặng lên phe Dân Chủ. Theo báo The Washington Post, một cuộc điều tra cấp liên bang – bao gồm CIA, FBI và một số tổ chức phản gián khác – đã được khởi sự.
Về mặt chính thức, các cơ quan an ninh Mỹ tránh nhắc trực tiếp đến cái tên « Nga », trong khi đó nhiều nghị sĩ đã công khai yêu cầu tổng thống Obama đưa ra một cảnh báo cứng rắn đối với Matxcơva. Tuy nhiên, ngay trong cuộc hội kiến với tổng thống Nga bên lề thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc vừa qua, Barack Obama giữ một thái độ thận trọng.
Cho dù, hồi cuối tháng 7/2016, vào thời điểm email đảng Dân Chủ bị tiết lộ, ông Obama từng nói không loại trừ khả năng về bàn tay của Nga can dự vào cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, nhằm làm cán cân nghiêng về phía ông Donald Trump.
Hôm thứ Hai, ứng cử viên Hilary Clinton cũng nói rõ mối nghi ngờ này, khi khẳng định : chắc chắn đối thủ Trump đảng Cộng Hòa đã « cổ vũ » Nga trong vụ gián điệp tin học.
Bị cám dỗ hay thủ đoạn tranh cử ?
Về vai trò của ông Trump trong vụ này, hồi đầu tháng 8, trên báo New York Times, cựu giám đốc cơ quan CIA Michael Morell đã bày tỏ nghi ngờ về mối quan hệ giữa tổng thống Nga và ứng cử viên Trump, cho dù hai người chưa gặp nhau khi nào. Cựu lãnh đạo CIA gọi ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa là « một gián điệp của Nga, nhưng không ý thức được việc mình làm ».
Ông Morell nhắc lại rằng tổng thống Nga Vladimir Putin, vốn là một nhân viên tình báo biết khai thác những điểm yếu của các đối tượng, trong khi đó ông Trump đã bị cám dỗ bởi những phát biểu tâng bốc của tổng thống Nga. Ông Putin từng gọi Trump là một « thiên tài ».
Theo ông Morell, để đáp lại, ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã gọi ông Putin là một «nhà lãnh đạo lớn », bỏ qua việc tổng thống Nga sáp nhập bán đảo Crimée và những ý đồ đối với Ukraina, ông Trump thậm chí còn kêu gọi các cơ quan tình báo Nga do thám thư điện tử của bà Hillary Clinton.
Theo ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một ứng cử viên tổng thống Mỹ ở cỡ này kêu gọi nước ngoài can thiệp chống lại một đối thủ chính trị trong nước.
Ngày hôm qua, 06/09, ứng cử viên Donald Trump một lần nữa đã khai thác tiếp “vụ” cựu ngoại trưởng Clinton không tuân thủ nguyên tắc bảo mật thư điện tử công vụ, khi gọi đây là “bê bối chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ“, với hy vọng hạ thấp uy tín của đối thủ. Lời lẽ đả kích của ông Trump được đưa ra ít ngày sau khi FBI công bố một báo cáo 58 trang, ngày 02/09, trong đó có nhiều chi tiết về cuộc thẩm vấn cựu ngoại trưởng về vụ việc nói trên. Tài liệu được một nhà quan sát đánh giá là bất lợi cho bà Clinton, cho dù ứng cử viên Dân Chủ khẳng định không làm gì phạm pháp.
Một câu hỏi khác được đặt ra là : Ngoài việc ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa, Nga còn có lợi ích nào trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ ?
Reo rắc hoài nghi về mô hình dân chủ Mỹ
Theo AFP, mục tiêu chủ yếu mà Matxcơva nhắm đến là reo rắc mối hoài nghi về mô hình dân chủ, vào hệ thống bầu cử Mỹ, mà Washington muốn phổ biến ra thế giới, đặc biệt trong khối các nước Liên Xô cũ.
Trả lời AFP, ông Douglas Jones, một chuyên gia về hệ thống tin học trong bầu cử, đại học Iowa, giải thích : rất ít khả năng tình báo Nga trực tiếp can thiệp để làm thay đổi kết quả bầu cử tại Mỹ, tuy nhiên, một chiến lược gây rối loạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông, ba cách can thiệp có thể, đó là tạo ra ấn tượng là kết quả bầu cử bị thao túng, ví dụ như bằng cách gửi đến Wikileaks các email giả mạo, nhưng rất khó phát hiện, vì được nguy trang rất tốt. Cách thứ hai là trực tiếp tấn công vào các cơ sở dữ liệu trung tâm. Và phương thức thứ ba là can thiệp nhằm phá hủy một phần kết quả bầu cử tại một số địa phương. Chỉ cần danh sách cử tri tại một địa phương bị phá hỏng cũng đủ để gây không khí hỗn loạn tại các phòng bỏ phiếu liên quan.
Theo các nhà quan sát, 16 năm sau các trục trặc lịch sử tại tiểu bang Florida, với chiến thắng cuối cùng thuộc về ông George W. Bush trước cựu phó tổng thống Al Gore, bầu cử Mỹ vẫn còn nhiều nhược điểm, do tính chất phức tạp của hệ thống và tính phân tán của các điểm bầu cử.
Mới đây hai tiểu bang Arizona và Illinois đã phải trả giá, khi các cơ sở dữ liệu bầu cử bị tin tặc xâm nhập. Theo Washington Post, một giới chức chính quyền Arizona nhấn mạnh là cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đã lần về gốc và xác định các thủ phạm vụ tấn công là người Nga, tuy nhiên không khẳng định đó là cơ quan an ninh Nga.
Tiếp theo loạt tấn công này, FBI đã gửi thông báo đến tất cả chính quyền các tiểu bang để báo động về nguy cơ tin tặc phá hoại bầu cử. Các hình thức bỏ phiếu bầu bằng thư điện tử hay qua internet nói chung dễ là đích ngắm của tin tặc. Vẫn theo chuyên gia Douglas Jones, có tổng cộng khoảng 70% cử tri Mỹ bỏ phiếu bằng giấy. Trong trường hợp trục trặc, riêng số phiếu này có thể kiểm lại được.
Ngày mai, 08/09, Ủy ban hỗ trợ bầu cử Mỹ (Election Assistance Commission) sẽ họp lại để thảo luận về việc tăng cường an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 08/11. Ủy ban này là một cơ quan liên bang có nhiệm vụ trợ giúp cho việc tổ chức bầu cử của các nhà nước tiểu bang.
Ý phá vỡ một đường dây
đưa người vượt biên từ Hungary qua Tây Âu
Trong một thông cáo chung công bố hôm qua 06/09/2016, Cơ quan Tư Pháp Châu Âu Eurojust và Cảnh Sát Châu Âu Europol cho biết là vừa hợp tác thành công với chính quyền Ý trong việc phá vỡ một đường dây buôn người to lớn. Cảnh sát Ý đã truy lùng và bắt giữ được 21 nghi can, tất cả đều cư ngụ ở tỉnh Côme gần biên giới Thụy Sĩ.
Thông tín viên RFI tại Roma, Anne Le Nir, tường thuật :
“Cuộc điều tra dẫn đến việc tháo gỡ đường dây tội phạm đã bắt đầu cách đây một năm, từ tháng 9/2015, sau khi một số tài xế vận chuyển người nhập cư trái phép bị bắt ở Áo và Đức. Xe hơi mà họ sử dụng đều mang biển số ở Ý. 21 người bị bắt giữ ở Milano và Côme mang các quốc tịch khác nhau : Syria, Ai Cập, Liban, Tunisia…
Qua những trao đổi điện thoại bị nghe lén, những người này coi « khách hàng » của họ không bằng gia súc. Họ đòi tối thiểu là 500 euro cho mỗi người để đưa người lớn cũng như trẻ em, phần đông là người Syria, từ Hungary sang Ý, Đức, Áo hay Pháp. Những nghi can trong đường dây có rất nhiều xe hơi. Có người làm chủ đến 70 chiếc xe.
Theo các nhà điều tra Ý, trong khoảng thời gian một năm rưỡi, từ tháng 12/2014 đến tháng 5/2016, đường dây này đã vận chuyển hơn một ngàn người“.
0 comments