Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Trên truyền hình Nga, Thế Chiến III đã nổ ra

Thursday, October 13, 2016 // , ,
13-10-2016
 
mediaNgoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với ngoại trưởng Nga Lavrov về hồ sơ Syria tại New York, Mỹ, ngày 22/09/2016.REUTERS/Darren Ornitz
Thế Chiến III chưa nổ ra, nhưng bất cứ người dân Nga nào, khi bật các kênh truyền hình của Nga lên xem, đều thấy thế giới đã bước vào cuộc đại chiến mới.
Hãng tin AFP cho biết, trên kênh truyền hình Nhà nước Rossia 1, người dẫn chương trình tối Chủ Nhật vừa rồi thông báo đội pháo phòng không của nước này ở Syria sẽ « tiêu diệt » các máy bay Mỹ.
Chuyển sang kênh tin tức Rossia 24, khán giả truyền hình lại được xem một phóng sự về việc chuẩn bị chỗ ẩn náu, đề phòng các vụ tấn công hạt nhân nhắm vào Matxcơva.
Ở Saint-Pétersbourg, kênh tin tức Fontaka đưa tin rằng thống đốc muốn áp dụng chế độ phân phối bánh mỳ theo hạn định để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong tương lai, mặc dù nhà chức trách giải thích là chỉ muốn ổn định giá lúa mì.
Trên đài phát thanh, thính giả được nghe các cuộc tranh luận về cuộc diễn tập « bảo vệ dân thường » mà theo Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp thì phải huy động tới 40 triệu người trong vòng 1 tuần. Chương trình diễn tập bao gồm các hoạt động giải cứu người dân đang mắc kẹt trong các tòa nhà và dập tắt các đám cháy.
Đối với những người tắt tivi để đi dạo ở Matxcơva, rất có thể đập vào mắt họ trên các con phố là những bức tranh graffiti khổng lồ thể hiện lòng « yêu nước » do các nghệ sĩ ủng hộ tổng thống Vladimir Putin của tổ chức « Set » thực hiện, chẳng hạn bức tranh trên tường với hình ảnh các chú gấu, biểu tượng cho nước Nga, đang phân phát áo chống đạn cho các chú chim bồ câu, biểu tượng cho hòa bình.
Lý do của « cơn sốt truyền thông » về việc « Thế Chiến III sắp xảy ra »
Đó là do ngày 03/10/2016, Washington và Matxcơva đã chấm dứt đối thoại về hồ sơ Syria, sau khi lệnh hưu chiến mà hai nước đã thương thuyết ở Genève hồi tháng Chín đổ vỡ. Sau đó, các vụ oanh kích của Nga và Syria đã biến Aleppo thành « địa ngục trần gian », theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Việc này đã tạo ra làn sóng phê phán của phương Tây.
Tại Syria, quân đội Nga tiếp tục hành động riêng rẽ, triển khai tại căn cứ hải quân ở thành phố Tartous hệ thống phòng không S-300 có khả năng tiêu diệt các chiến đấu cơ, gửi đến các tàu hộ tống có trang bị tên lửa có khả năng đánh chìm các tàu chiến. Nói cách khác, đây là sự phô trương lực lượng, không phải nhắm vào Hồi giáo cực đoan hay lực lượng nổi dậy ở Syria mà nhắm vào hải quân và không quân Mỹ.
Đối đầu
Ở Matxcơva, các phóng viên Nga và phương Tây liên tục nhận được các thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga cho biết các vụ đối đầu liên tục xảy ra, còn truyền thông Nga thì lại khuếch đại, thổi phồng các thông tin này. Phát ngôn viên của quân đội Nga, tướng Igor Konachenkov đã đưa ra các lời cảnh báo không chỉ cho Nhà Trắng, mà cả Lầu Năm Góc và bộ Ngoại Giao Mỹ. Ngày 06/10, tướng Igor Konachenkov đã đe dọa Mỹ : « Tôi xin nhắc lại với các thống tướng Mỹ là các tên lửa phòng không S-300 và S-400 có phạm vi hoạt động bao phủ các căn cứ của Nga ở Hmeimim và Tartous có thể « gây bất ngờ » cho bất cứ thiết bị bay không được nhận diện. »
Trên kênh truyền hình Nhà nước Rossia 1, người dẫn chương trình Dmitri Kissilev, đồng thời là ông chủ của hãng tin Ria Novosti, đã tóm tắt lại suy nghĩ của tướng Igor Konachenkov cho những người mà ông gọi là « những người dân thường như các bạn và tôi » như sau : « Chúng ta « bắn hạ » máy bay Mỹ ». Sau đó, ông tiết lộ « kế hoạch B » của Mỹ ở Syria : « Kế hoạch B, nói một cách khái quát là Mỹ sẽ trực tiếp dùng sức mạnh để chống lại sức mạnh của chế độ Bachar al-Assad và không lực Nga».
« Chúng ta có phải sợ các hành vi khiêu khích không ? Chính Mỹ đã dùng cách này để kích động chiến tranh ở Việt Nam ». Dmitri Kissilev đã kết luận như vậy trước khi cảnh báo phương Tây là các tên lửa mà Nga triển khai ở Kalinigrad, gần Ba Lan có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Trên trang tin tức trên mạng Gazeta.ru, nhà phân tích chính trị Gueorgui Bovt đã tóm tắt như sau : « Giờ đây, Nga đã sẵn sàng, đặc biệt là về tâm lý, trước vòng xoáy các cuộc đối đầu với phương Tây ».
Nhà chính trị này đã dự báo hai kịch bản và lưu ý đến những khó khăn kinh tế của Nga. Kịch bản thứ nhất, khá lạc quan, cho thấy « hai cường quốc sẽ thống nhất về những điều kiện mới để cùng tồn tại, điều này có nghĩa là sẽ có trật tự thế giới mới theo mô hình hiệp định Yalta – tạm gọi Yalta 2 ». Ông muốn liên hệ tới sự chia sẻ khu vực ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô cũ sau đệ nhị thế chiến. Theo kịch bản thứ hai, thảm họa sẽ xảy ra : Nga sẽ phản ứng theo kiểu « nếu chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, thì hãy chủ động tấn công trước».
Trả lời hãng tin Ria Novosti, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ là Mikhail Gorbachev, người đã cùng cựu tổng thống Mỹ Ronald Regan chấm dứt chiến tranh lạnh cách đây 30 năm, mới đây đã cảnh báo : thế giới đang tiến sát đến « vùng báo động đỏ » một cách đầy nguy hiểm.
Ngày 12/10/2016, sau nhiều ngày khẩu chiến dữ dội, lần đầu tiên căng thẳng đã có dấu hiệu dịu bớt đi. Nga thông báo tổ chức một cuộc họp quốc tế về vấn đề Syria vào ngày thứ Bảy 15/10 ở Lausane, Thụy Sỹ. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov để giải quyết khủng hoảng ở Syria.- RFI

Quốc vương Thái Lan băng hà

Quốc vương Thái Lan băng hà

 Một người phụ nữ Thái bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10/2016.

Một người phụ nữ Thái bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà hôm 13/10/2016.
Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa băng hà, hưởng thọ 88 tuổi.
Nhà vua được nhân dân Thái tôn kính băng hà hôm nay, 13/10, sau một thời gian dài lâm bệnh. Ông được coi là vị vua trị vì lâu năm nhất trên thế giới.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người gắn kết đất nước trải qua nhiều thăng trầm chính trị trong suốt 7 thập kỷ trị vì kể từ năm 1946.
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của nhà vua không được công bố, nhưng ông đã phải nhập viện để điều trị nhiều căn bệnh trong suốt năm qua.
Theo dự kiến, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 63 tuổi, sẽ lên ngôi.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã phát biểu trước người dân ngay sau khi tin Quốc vương Bhumibol băng hà được loan báo.
Theo Reuters, ông Prayuth nói rằng người kế vị Quốc vương Bhumibol đã được xác định từ năm 1972, và rằng chính phủ sẽ thông báo cho quốc hội về sự lựa chọn đó.
Thủ tướng Thái Lan không nói tên của người kế vị, nhưng Quốc vương Bhumibol đã chỉ định Thái tử Vajiralongkorn.
Quốc hội Thái Lan dự kiến sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào vào cuối ngày 13/10.
Ông Prayuth kêu gọi người dân Thái thương yêu lẫn nhau và bảo vệ “tổ quốc” trong thời kỳ đau buồn này.
Thủ tướng Prayuth nói rằng các viên chức sẽ để tang một năm, đồng thời kêu gọi người Thái tránh các lễ hội trong 30 ngày. Ngoài ra, tất cả các tòa nhà chính phủ và trường học sẽ treo cờ rủ.
Người dân Thái tưởng nhớ Quốc vương Bhumibol Adulyadej hôm 13/10/2016.
Người dân Thái tưởng nhớ Quốc vương Bhumibol Adulyadej hôm 13/10/2016.
Quan ngại về người kế vị
Hơn một thập kỷ qua, người dân Thái đã lo ngại về sức khỏe của Quốc vương Bhumibol cũng như về người sẽ lên kế vị ngai vàng trong bối cảnh bất ổn chính trị, trong đó có hai vụ đảo chính.
Theo Reuters, hơn 1 nghìn người đã đổ tới bên ngoài bệnh viện nơi Quốc vương Bhumibol chữa trị. Nhiều người trong số họ khóc lóc khi nghe tin dữ.
Được coi là cột trụ giúp giữ vững ổn định đất nước, hiện có nhiều quan ngại rằng việc thiếu vắng Quốc vương Bhumibol sẽ khiến những chia rẽ ở Thái Lan trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, theo Reuters, điều đó dường như khó xảy ra dưới sự nắm quyền cứng rắn của chính quyền quân nhân của Thủ tướng Prayuth sau khi lật đổ một chính phủ dân bầu năm 2014.
Hãng tin của Anh cũng cho rằng Thái tử Vajiralongkorn chưa được người dân kính trọng và quý mến như cha mình.
Trong hai năm trở lại đây, người kế vị này đã xuất hiện và đóng vai trò lớn hơn trong xã hội Thái do sức khỏe của Quốc vương Bhumibol suy yếu đi.
Thái tử Vajiralongkorn li dị người vợ thứ ba năm 2014. Các luật lệ cấm phạm thượng hà khắc của Thái Lan khiến công chúng ít có cơ hội thảo luận về người kế vị.
Việc hỏa táng theo nghi thức hoàng gia dự kiến sẽ phải mất nhiều tháng để chuẩn bị. – VOA

Cuộc đời Quốc vương Bhumibol của Thái Lan

Quốc vương Bhumibol của Thái Lan
PORNCHAI KITTIWONGSAKUL
Quốc vương Bhumibol của Thái Lan -
13 tháng 10 2016
Quốc vương Bhumibol Adulyadej của Thái Lan là vị vua trị vì lâu nhất thế giới.
Ngài được coi như thế lực có ảnh hưởng, tạo sự ổn định tại đất nước vốn xảy ra nhiều cuộc đảo chính quân sự trong suốt thời gian Ngài ngự trên ngai vàng.
Dù được kính trọng như một vị cha hiền từ đứng trên các phe phái chính trị, nhưng Ngài đã có những lần can thiệp khi căng thẳng chính trị dâng cao.
Và cho dù Ngài ở ngôi vương trong quốc gia quân chủ lập hiến chỉ với những quyền hành hạn chế, đa phần người dân Thái Lan coi Ngài như á thánh.
Đức vua Bhumibol Adulyadej được sinh ra tại Cambridge, Massachusetts, vào ngày 5/12/1927.
Cha của Ngài, Hoàng tử Mahidol Adulyadej, khi đó đang theo học tại trường Harvard.
Sau đó, cả gia đình trở về Thái Lan, nơi thân phụ qua đời khi Ngài mới hai tuổi.
Bhumibol and Sirikit
AP
Quốc vương đính hôn với bà Sirikit vào năm 1948
Sau cái chết của người cha, mẹ Ngài chuyển tới Thụy Sỹ, nơi hoàng tử bé theo học.
Thời trẻ, Ngài thích theo đuổi các hoạt động văn hóa như nhiếp ảnh, chơi và sáng tác các tác phẩm cho kèn saxophone, vẽ và viết lách.
Địa vị của Hoàng gia Thái Lan trở nên suy yếu kể từ sau viêc bãi bỏ chế độ quân chủ chuyên chế hồi năm 1932, và càng bị tổn hại sau khi Hoàng thúc của Ngài, Quốc vương Prajadhipok thoái vị vào năm 1935.
Việc truyền ngôi được trao cho hoàng huynh của Bhumibol, Ananda, khi đó lên chín tuổi.

‘Làm vì’

Năm 1946, Vua Ananda tử nạn trong một vụ nổ súng cho đến nay vẫn là điều chưa thể giải thích tại hoàng cung ở Bangkok.
Bhumibol kế vị ngai vàng, khi đó Ngài 18 tuổi.
Trong những năm đầu, Thái Lan do một vị quan nhiếp chính cai quản, bởi Ngài trở lại Thụy Sỹ theo đuổi việc học.
Trong một chuyến tới Paris, Ngài đã gặp hoàng hậu tương lai, tiểu thư con gái vị đại sứ Thái Lan tại Pháp.
Hai người kết hôn ngày 28/4/1950, chỉ một tuần trước khi vị tân vương đăng quang tại Bangkok.
Bhumibol playing with Benny Goodman
AP
Quốc vương là một nhạc công nhiệt thành. Trong hình là lúc Ngài đang chơi nhạc với thủ lĩnh ban nhạc Benny Goodman
Trong bảy năm đầu tiên, kể từ khi Ngài lên ngôi, Thái Lan chịu sự điều hành như chế độ độc tài quân sự, và hoàng gia hầu như chỉ giữ vị trí ‘làm vì’.
Vào tháng Chín 1957, Tướng Sarit Dhanarajata nắm quyền. Quốc vương ra chiếu chỉ phong cho vị tướng này là ‘Sarit, Hộ vệ Đô thành’.
Dưới sự độc tài của Sarit, Bhumibol quyết làm sống lại vị trí vững mạnh của hoàng gia.
Ngài đã có một loạt các chuyến đi tới các tỉnh, và để tên mình được dùng trong một số các hoạt động phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về phần mình, Sarit đã lập lại thói quen theo đó mọi người phải khom mình bò bằng tay và đầu gối trước mặt nhà vua, và khôi phục một số các dịp nghi lễ hoàng gia vốn đã bị xếp lại từ nhiều năm.

Lật đổ

Quốc vương Bhumibol đã can thiệp một cách đầy kịch tính vào chính trị Thái hồi năm 1973, khi những người biểu tình đòi dân chủ bị binh lính nã súng vào.
Những người biểu tình được cho vào ẩn náu trong hoàng cung, bước đi đã dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ của thủ tướng khi đó, Tướng Thanom Kittikachorn.
Nhưng nhà vua đã bất thành trong việc ngăn chặn vụ đàn áp các sinh viên tả khuynh do các thành viên thuộc lực lượng bán quân sự tiến hành ba năm sau đó, là lúc hoàng gia lo sợ sự lớn mạnh của lực lượng có cảm tình với những người cộng sản sau khi Cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Queen Elizabeth visited Thailand in 1972
AP
Nữ hoàng Anh Elizabeth có chuyến thăm cấp nhà nước tới Thái Lan hồi 1972
Đã có thêm những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền. Năm 1981, Đức vua đã dũng cảm đương đầu với một nhóm các sỹ quan quân đội, những người đã tiến hành đảo chính chống lại thủ tướng Prem Tinsulanond.
Những kẻ nổi loạn đã chiếm thành công thủ đô cho tới khi các đơn vị trung thành với nhà vua lấy lại được Bangkok.
Tuy nhiên, việc nhà vua có khuynh hướng ủng hộ chính phủ nắm quyền đã khiến một số người Thái đặt câu hỏi về sự công bằng của Ngài.
Bhumibol lại can thiệp vào năm 1992, khi hàng chục người biểu tình bị bắn sau khi phản đối việc một cựu lãnh đạo đảo chính, Tướng Suchinda Kraprayoon, muốn trở thành thủ tướng.

Ảnh hưởng

Quốc vương đã gọi Suchinda và lãnh đạo thiên dân chủ Chamlong Srimuang tới trước mặt Ngài, cả hai cùng quỳ gối theo đúng nghi thức diện kiến nhà vua.
Suchinda từ chức, và kỳ bầu cử sau đó đã được tổ chức, với kết quả là sự trở lại của một chính phủ dân sự dân chủ.
Trong cuộc khủng hoảng về vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi năm 2006, Quốc vương đã thường xuyên được đề nghị can thiệp, nhưng Ngài nói điều đó là không thích hợp.
Bhumibol cutting rice
AFP
Quốc vương ủng hộ mạnh mẽ ngành nông nghiệp của Thái Lan
Tuy nhiên, Ngài vẫn được coi là đã có ảnh hưởng to lớn trong kỳ bầu cử được tổ chức tháng Tư năm đó, với phần thắng thuộc về ông Thaksin. Kết quả bầu cử sau đó đã bị tòa tuyên là vô hiệu.
Ông Thaksin cuối cùng đã bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính không đổ máu, trong sự kiện phe quân sự cam kết trung thành với Quốc vương.
Trong những năm sau đó, tên tuổi và hình ảnh của nhà vua đã được các phe phái, cả ủng hộ lẫn chống đối ông Thaksin, viện đến trong cuộc tranh giành quyền lực.
Cả nước đã có những buổi lễ ăn mừng sinh nhật xa hoa trong lần thứ 80 của Quốc vương Bhumibol vào năm 2008, cho thấy vị trí đặc biệt của Ngài trong xã hội Thái Lan.

Tôn kính

Tướng Prayuth Chan-ocha nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng Năm 2014, và được quốc hội do quân đội bổ nhiệm chỉ định vào vị trí thủ tướng vài tháng sau đó.
Ông cam kết cải tổ chính trị sâu rộng nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trở lại như trong những năm gần đó.
Nhưng những người chỉ trích tỏ ý ngờ vực rằng mối ưu tiên thực sự của ông thực ra là nhằm phá hủy đảng của cựu thủ tướng Thaksin, và nhằm đảm bảo là sự kế vị ngai vàng diễn ra suôn sẻ.
The Thai royal family in 1999
GETTY IMAGES
Vị trí của hoàng gia Thái Lan đã trở nên vững mạnh hơn trong thời gian Ngài trị vì
Lòng tôn kính của dân chúng đối với Quốc vương Bhumibol là điều có thật, nhưng đó cũng là kết quả của sự nuôi dưỡng, phát triển cẩn trọng của bộ máy tuyên truyền khổng lồ chuyên lo về quan hệ công chúng của hoàng gia.
Thái Lan có bộ luật ‘khi quân’ hà khắc, theo đó bất kỳ chỉ trích nào nhắm vào hoàng gia đều bị trừng trị nặng nề, và hạn chế việc truyền thông cả trong nước lẫn nước ngoài đưa tin đầy đủ về nhà vua.
Trong thời gian trị vì dài lâu của mình, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã phải đối diện với một đất nước liên tục bị chao đảo bởi những biến động chính trị.
Có thể nói với những gì Ngài từng thể hiện trong kỹ năng ngoại giao và trong việc gần gũi thần dân, lúc băng hà, Quốc vương đã để lại cho hoàng gia một vị thế vững mạnh hơn nhiều so với thời điểm Ngài lên ngôi. – BBC

Tường thuật trực tiếp

BBC
13 Oct 201613 Oct 2016

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, nhà vua trị vì lâu nhất thế giới, đã băng hà sau 70 năm trên ngai vàng, theo thông báo của Hoàng gia.

Thái tử Maha Vajiralongkorn chưa lên ngôi ngay lập tức

Đăng ở 11:38
Thái tử Maha Vajiralongkorn, người sẽ trở thành vị vua mới của Thái Lan, đã xin hoãn lên ngôi một thời gian.
Thủ tướng Thái Prayut Chan-ocha nói Thái tử đã xin hoãn để có thời gian để tang Vua cha cùng với toàn dân.
Thái Lan sẽ để tang Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong một năm, và toàn bộ các hoạt động vui chơi giải trí phải được “giảm xuống” trong thời gian một tháng.

Tóm tắt

  1. Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là vị vua trị vì lâu nhất thế giới
  2. Năm nay Ngài 88 tuổi
  3. Nhà Vua đã trị vì đất nước Thái Lan 70 năm.
  4. Hai năm qua Quốc vương Bhumibol được điều trị trong bệnh viện một thời gian dài và ít xuất hiện trước công chúng từ gần một năm nay.
  5. Con trai Quốc vương Bhumibol, Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, vừa được tuyên bố sẽ lên nối ngôi.
*
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã có một phút mặc niệm để tưởng nhớ Vua Thái Lan Bhumibol.
*

Thông cáo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon:

Đăng ở 9:45
“Tổng thư ký vinh danh sự tận tụy của Quốc vương Bhumibol đối với đất nước Thái Lan và vai trò lãnh tụ đoàn kết quốc gia của Ngài. Quốc vương được người dân Thái tôn kính và quốc tế kính trọng. Ngài đã được trao Giải thưởng Thành tựu Trọn đời của Chương trình Phát triển LHQ năm 2006.
Tổng thư ký bày tỏ hy vọng rằng Thái Lan sẽ tiếp tục sự nghiệp của Quốc vương Bhumibol trong cam kết gìn giữ các giá trị toàn cầu và tôn trọng nhân quyền.”

Quốc vương Thái Lan Bhumibol qua đời

Đăng ngày 13-10-2016
media
Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, ảnh chụp năm 2010. REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Chiều tối ngày hôm nay, 13/102/016, Hoàng cung Thái Lan đã phát đi cáo phó vua Bhumibol Adulyadej đã tạ thế “thanh thản” tại bệnh viện Siriraj, Bangkok, hưởng thọ 88 tuổi, sau một thời gian dài điều trị vì sức khỏe suy yếu. Thủ tướng Thái Lan cũng vừa ra thông báo quốc tang nhà vua kéo dài trong một năm.
Với hơn 70 năm trên ngai vàng Vương quốc Thái Lan, vua Bhumibol Adulyadej không chỉ là một trong những vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới, mà ông còn là một vị vua được người dân Thái Lan hết sức kính yêu, được tôn sùng như thánh sống. Với giới chính trị, dù thuộc đảng phái nào hay thuộc quân đội, cảnh sát, nhà vua Thái Lan đã tạo được một uy quyền gần như tuyệt đối, khiến tất cả phải nể trọng nghe theo.
Sinh ngày 5/12/1927, tại Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, vua Bhumibol Adulyadej, thuộc dòng dõi triều đại Rama V, đến đóng đô ở Bangkok từ năm 1782. Ông đã được chỉ định làm vua vào năm 1946 sau khi người anh trai của ông là vua Ananda Mahidol qua đời. Nhưng vì đang dang dở chuyện học hành, phải đợi đến ngày 5/5/1950, vua Bhumibol mới chính thức đăng quang. Sinh ra ở nước ngoài và phần lớn thời niên thiếu sống và học tập ở phương tây, Bhumibol là một vị vua thông minh, ham học hỏi, đã tích lũy được những tinh hoa của các nền văn minh thế giới.
Dù theo học ngành khoa học chính trị và luật ở Thụy Sĩ, tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Pháp, nhưng vua Thái Lan lại là người nhận được nhiều bằng sáng chế kỹ thuật. Đó cũng là kết quả từ những trăn trở lo âu cho cuộc sống khó khăn của người dân Thái Lan, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Vị vua nhân ái thương dân
Là người học rộng, năng nổ có lòng nhân ái, ngay từ những ngày đầu trị vì vương quốc, nhà vua Bhumibol đã thường xuyên đến với những vùng hẻo lánh xa xôi để thị sát đời sống thực tế của người dân.
Từ những chuyến đi đó, ông đã lập ra nhiều dự án của hoàng gia giúp người dân nghèo khó vùng nông thôn cải thiện cuộc sống. Vua Bhumibol đã sử dụng khối tài sản lớn của mình để chi phí cho không ít các đề án phát triển đất nước. Bởi thế mà người dân Thái Lan hết sức biết ơn, đến độ tôn thờ ông như thánh sống.
Tiếng nói uy quyền với chính giới
Từ năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang thể chế quân chủ đại nghị. Quốc vương trên nguyên tắc chỉ giữ vai trò biểu tượng, không can thiệp vào chính trường cũng như công việc điều hành đất nước. Trong những tình huống hệ trọng của đất nước, vua Bhumibol đã chứng tỏ là một chính trị gia nhạy cảm, sắc sảo, được các đảng phái, quân đội cũng như cảnh sát lắng nghe và tuân thủ. Với uy quyền của mình, nhà vua đã không ít lần cho những ý kiến quyết định để giải tỏa những đợt khủng hoảng chính trị, đưa đất nước thoát khỏi hỗn loạn bạo lực.
Sự nhạy cảm chính trị và vai trò của nhà vua trên tinh thần đoàn kết dân tộc Thái Lan đã được giới quan sát thừa nhận qua nhiều phen biến động của chính trường nước này.
Từ trước tới giờ, mỗi khi Thái Lan lâm vào khủng hoảng, bế tắc chính trị, từ người dân thường cho đến các đảng phái chính trị đang tranh giành nhau đều lại hướng về hoàng cung trông chờ một tiếng nói của nhà vua như một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình đất . –  RFI

Điểm Báo Pháp – 13-10-2016

Trọng Nghĩa

Đăng ngày 13-10-2016

Đại biểu dân cử trẻ tại Hồng Kông bất khuất trước Bắc Kinh

media

Tân đại iểu Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching), trước khi tuyên thệ tại Nghị Viện Hồng Kông ngày 12/10/2016, đã trương lá cờ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc ».REUTERS/Bobby Yip


Trang nhất báo Pháp hôm nay đều dành cho thời sự Pháp. Lý do rất dễ hiểu : Tối nay, các ứng viên muốn đại diện cánh hữu và cánh trung ở Pháp ra tranh cử tổng thống vào năm tới, sẽ tranh luận với nhau trên truyền hình. Trong tình hình đó, thời sự quốc tế, đặc biệt là châu Á chỉ chiếm vị trí thứ yếu. Cho dù vậy, Le Monde là tờ báo lớn duy nhất đã gài trên trang nhất một bài viết rất lý thú, khen ngợi tinh thần bất khuất của một số tân nghị sĩ Hồng Kông : Bài viết mang tựa : « Một thế hệ mới thách thức uy quyền của Trung Quốc ».
Nói đến thế hệ mới, dĩ nhiên là nói đến giới trẻ, Le Monde đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tuổi tác rất trẻ của nhiều đại biểu mới được bầu vào Nghị Viện Hồng Kông và đã tham gia buổi lễ tuyên thệ nhậm chức vào hôm qua.
Theo tờ báo nếu trước đây, tuổi bình quân của các nghị sĩ Hồng Kông là 58, với người trẻ nhất cũng đã 35 tuổi, thì trong Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông – tên gọi chính thức của nghị viện Hồng Kông – khóa mới này, có ba nghị sĩ dưới 30 tuổi, trong đó người trẻ nhất – La Quán Thông (Nathan Law) – chỉ mới 23 tuổi và vẫn còn là sinh viên. Chàng thanh niên này đã được biết đến vào cuối mùa hè năm 2014, khi sinh viên đòi dân chủ chiếm lĩnh một số đường phố tại Hồng Kông để đòi được nhiều quyền dân chủ hơn.
Đối với nhà phân tích chính trị kiêm blogger Hồng Kông Jason Y. Ng., thì rõ ràng « Đây là một nghị viện có tính đại diện cao nhất tại Hồng Kông » từ trước đến nay.
Ngọn cờ « Hồng Kông không phải là Trung Quốc »
Theo Le Monde, các đại biểu mới và trẻ của nghị viện Hồng Kông đã tự đặt ra cho mình một thách thức to lớn : mang lại cho Hồng Kông quyền tự định đoạt tương lại chính trị của mình, một dự án mà Bắc Kinh không tài nào chấp nhận được với thông điệp luôn luôn được nhắc lại : Đặc khu Hồng Kông là bộ phận không thể tách rời khỏi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Theo nhật báo Pháp, trong số 28 đại biểu được bầu lần đầu tiên, có ít nhất sáu người ít nhiều ủng hộ quyền tự quyết của Hồng Kông. Và lời tuyên thệ của ba người trong số này vào hôm qua đã bị bác bỏ sau khi họ lên bục tuyên thệ với « lá cờ Hồng Kông không phải là Trung Quốc», và sử dụng diễn đàn sẵn có để nhắc lại lập trường từ chối ách khống chế của Bắc Kinh.
Một ví dụ được Le Monde nêu bật là nghị sĩ độc lập Chu Khải Di (Eddie Chu), 39 tuổi, sau khi tuyên thệ nhậm chức, đã hô to khẩu hiệu đòi quyền tự quyết dân chủ cho Hồng Kông và tiên đoán rằng bạo quyền sẽ cáo chung một ngày nào đó. Được mệnh danh là « Vua phiều bầu », do việc ông đắc cử mà không cần hậu thuẫn của bất kỳ đảng phái nào, Chu Khải Di không ngần ngại lên án phe dân chủ truyền thống trong nghị viện Hồng Kông là đã « lãng phí » ba mươi năm gần đây.
Đối với Le Monde, dù các nghị sĩ trẻ Hồng Kông là đại biểu cho niềm hy vọng của người Hồng Kông, những điều họ muốn làm lại vượt quá quyền hạn đại biểu của họ, vì việc đề ra luật lệ lại là đặc quyền của chính quyền đặc khu. Theo nhà phân tích Jason Y. Ng. : « Ngay cả khi các nghị sĩ đối lập đồng thuận được với nhau, họ cũng chỉ có thể tối đa là ngăn chặn các dự luật. Cứ giống như là một võ sĩ bị trói tay ».
Tuy nhiên, Chip Tsao, một nhà báo chính trị, thì lạc quan hơn : « Thế hệ (nghị sĩ trẻ) này sẽ nâng cao nhận thức của người dân Hồng Kông về những gì đang xảy ra trong Hội Đồng Lập Pháp. Các cuộc tranh luận sẽ vang vọng trong công chúng, và điều đó sẽ làm cho mọi việc phải chuyển động ».
Chu Khải Di còn tin tưởng nhiều hơn nữa. Theo ông, hiện giờ phe đối lập chỉ có 30 ghế trong tổng số 70 đại biểu, và chỉ có được quyền ngăn chặn các dự luật. Thế nhưng, nếu phe đòi dân chủ tiếp tục giành được thêm ghế nghị sĩ, vào 4 năm tới, họ có thể chiếm được đa số tuyệt đối, và áp đặt được các thay đổi quan trọng như tu chỉnh Đạo Luật Cơ Bản, tức là Hiến Pháp Hồng Kông, và dự trù tiến trình tự quyết.
Trung Quốc gia tăng sức ép lên tổng thống Đài Loan
Về châu Á, báo Le Monde cũng chú ý đến Đài Loan, và nhắc lại là trong bài diễn văn đầu tiên nhân quốc khánh Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn đã nêu lại quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh, nhưng cũng tỏ ra cởi mở, kêu gọi hai bên bờ eo biển ngồi càng nhanh càng tốt vào bàn đàm phán.
Tờ báo Pháp cũng không quên nhắc lại bà Thái Anh Văn, người nữ thổng thống thứ hai của đảng Dân Tiến ngồi vào vị trí lãnh đạo tối cao này từ ngày Đài Loan dân chủ hóa những năm 1990, đã được bầu lên trong không khí bài Trung Quốc cao độ.
Từ khi bà nhậm chức Bắc Kinh đã gia tăng sức ép, chẳng hạn như làm mọi cách để việc mời Đài Loan tham dự Đại Hội Đồng của tổ chức hàng không dân dụng năm 2013 không được triển hạn năm nay. Trung Quốc cũng tiếp tục tìm cách ngăn không cho Đài Loan gia nhập những định chế của Liên Hiệp Quốc, thậm chí còn giảm lượng du khách Trung Quốc đến Đài Loan, ngoại trừ đến những nơi trong tay người Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.
Bắc Kinh trách tân tổng thống Đài Loan là không tôn trọng thỏa ước năm 1992, giữa Quốc Dân Đảng và Bắc Kinh, cho phép ‘tan băng’ giữa hai bên. Thế nhưng đối với chính quyền mới thì thỏa ước chưa bao giờ được thông qua một cách dân chủ ở Đài Loan.
Bắc Kinh đã xem diễn văn ngày quốc khánh như dịp để tân tổng thống Đài Loan hối lỗi, nhưng theo giới quan sát, như thế là buộc bà Thái Văn đi ngược lại với cử tri của bà, điều bà không thể làm.
Giới « bênh vực » Putin tại Pháp nói sai sự thật
Về thời sự quốc tế các báo cũng rất chú ý đến các hành động mới đây của tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc biệt là quan hệ căng thẳng giữa Nga và Pháp.
Báo Libération đã phân tích các lập luận được loan truyền rộng rãi của giới bênh vực Nga tại Pháp, trong bài phân tích mang tựa « Aleppo : Thông tin sai lạc của những kẻ biện hộ cho nước Nga ».
Đối với tờ báo Pháp, giới này bao gồm cả những người bảo vệ cho ông Putin lẫn những người không thích Mỹ, xuất thân cả từ cánh tả lẫn cánh hữu. Mẫu số chung của họ là chủ trương duy trì nguyên trạng và nhất là sử dụng những lập luận đơn giản đến mức thô thiển.
Các thành phần này, theo Libération, đã ồn ào chỉ trích chuyến thăm Paris của Vladimir Putin bị hủy bỏ đã làm dấy lên một làn sóng mạnh mẽ nhắm vào chính sách ngoại giao của François Hollande.
Nhiều chính khách tả cũng như hữu đã chỉ trích thái độ « bên trọng bên khinh » của Paris, công kích Nga về các các hành vi thô bạo ở Aleppo (Syria), nhưng lại không có hành động nào chống lại tội ác chiến tranh của Ả Rập Xê Út tại Yemen. Người khác thì tố cáo Pháp theo đuôi Mỹ, hay là dung túng đối với những thành phần Hồi Giáo cực đoan.
Đối với Libération tất cả những chỉ trích đó đều không có cơ sở và chỉ nhằm mưu đồ lợi ích chính trị.
Hạn chế trong chiến lược phô trương sức mạnh Nga
Riêng tờ Le Figaro thì có một bài phân tích sâu, nêu bật « Các giới hạn trong chiến lược của Nga nhằm chứng tỏ uy lực ». Đối với tờ báo Pháp, Mátxcơva đã không thành công trong việc đòi phương Tây tháo gỡ cấm vận đánh vào Nga sau vụ sáp nhập Ukraina. Việc Mátxcơva ra oai giúp đỡ đàn em Syria một ngày nào đó cũng có thể khiến Nga bị sa lầy.
Đối với Le Figaro, lẽ ra chuyến thăm Paris từng được dự trù của ông Putin phải là đỉnh cao, đánh dấu việc nước Nga trở lại vị thế hàng đầu thế giới về mặt ngoại giao, một điều mà ông Putin đã cố gắng thực hiện từ ngày lên nắm quyền cho đến nay.
Theo Le Figaro, phải nói là ông Putin đã gặt hái rất nhiều thành công : Sau thời gian lu mờ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga ngày nay đã lại trở thành một cường quốc có trọng lượng trên chính trường quốc tế, một tác nhân quan trọng trong rất nhiều cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới. Nga đã đẩy được Hoa Kỳ vào thế đối đầu như thời chiến tranh lạnh trước đây, và tại Trung Đông, Nga đã trở thành nước duy nhất có một chiến lược rõ rệt.
Để đạt được những mục tiêu kể trên, Putin đã khéo léo chơi hai lá bài : ngoại giao tài tình từng được chứng minh thời Liên Xô, và hiện đại hóa quân đội, tăng cường sức mạnh quân sự.
Chính tại Syria mà Putin đã bộc lộ rõ tham vọng quốc tế của mình. Vào tháng Tám năm 2013, kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học của Nga đã giúp chế độ Syria tránh được bom đạn của phương Tây. Sau đó, sự can thiệp quân sự của Nga đã cứu chế độ Bashar al-Assad. Ở Syria, cũng như ở Crimée, hệ thống phòng không của Nga đã có sức răn đe đối với phương Tây.
Có điều, theo Le Figaro, chiến lược Nga có giới hạn của nó.
Nếu người ta thấy Nga mạnh, đó không phải là vì Nga mạnh hơn, mà là vì các nước khác yếu đi. Tại Syria, Putin tạo ra cảm giác là ông mạnh bằng cách dội bom ồ ạt. Nhưng ở đó, Putin vẫn chưa có một giải pháp chính trị, và cung không thành lập được “liên minh lớn” chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ông cũng không gỡ được lệnh trừng phạt liên quan đến vấn đề Ukraina.
Ngay cả tại Syria, sự can dự của Nga bên cạnh chế độ Damas, theo một nhà ngoại giao, có thể một ngày nào đó trở thành một vũng lầy đối với Mátxcơva.
Dẫu sao, theo Le Figaro, các phương pháp Nga áp dụng ở Ukraina và ở Aleppo, các hành động khiêu khích của máy bay ném bom của Nga trên bầu trời NATO, phủ quyết chống lại nghị quyết của Hội Đồng Bảo An như đã gióng lên hồi chuông báo động tại phương Tây, đang thấy là cần phải đặt ra những giới hạn cho việc nước Nga trở lại chính trường quốc tế, ít ra là giới hạn cách thức hành động của Nga.
Vấn đề là Putin sẽ phản ứng ra sao nếu phương Tây làm như vậy !

TIN ĐỌC NHANH

AFP) - Samsung gặp khó kéo thu nhập quốc gia xuống. Ngày 13/10/2016, Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc điều chỉnh dự phóng tăng trưởng năm 2017 từ 2,9% xuống 2,8%, sau khi tính đến những tác động tiêu cực của vụ điện thoại Galaxy Note 7 cháy nổ. Thu nhập của Samsung chiếm khoảng 17% GDP của Hàn Quốc. Thất bại này khiến hãng mất đến 17 tỷ đô la.
(AFP) - Úc : hai thiếu niên bị buộc tội « chuẩn bị khủng bố ». Các nghi phạm 16 tuổi định dùng dao lê làm vũ khí tấn công đã bị bắt tại Sydney. Hôm nay 13/10/2016, Cảnh sát Úc cho hay hai thiếu niên hành động theo xúi giục của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech). Theo chính quyền, trong hai năm qua có 11 âm mưu khủng bố bị phá vỡ.
(AFP) – Đức : Nghi phạm khủng bố tự tử. Chiều tối qua, 12/10/2016, Al-Bakr bất ngờ được phát hiện bị treo cổ trên cửa sổ phòng giam bằng chiếc áo thun của y, sau chưa đầy 2 ngày bị bắt. Nghi phạm khủng bố người Syria, dự định ra tay tại Berlin, từng làm náo động cả nước Đức trong những ngày vừa qua. Al- Bakr tự tử khiến việc điều tra rơi vào bế tắc.
(AFP) - 10 người chết trong xung đột tại Rakhine, Miến Điện. Trong các xung đột hôm qua, 12/10/2016, với một nhóm người vũ trang ở làng Kyet Yoe Pyin, bang Rakhine, quân đội Miến Điện thông báo đã hạ sát 10 người. Để ngăn chặn xung đột leo thang từ cuối tuần qua, khiến hàng chục người chết, chính quyền bang ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm. Khoảng 400 trường học bị đóng cửa trong hai tuần tới.
(AFP) – Mỹ lần đầu tiên oanh kích lực lượng nổi dậy Houthi Yemen. Hôm nay, 13/10/2016, Hải quân Mỹ đã bắn hỏa tiễn Tomahawk vào ba trạm radar trên bờ Hồng Hải. Theo Lầu Năm Góc, các mục tiêu đã bị phá hủy. Phe Houthi bị tố cáo nhắm vào chiến hạm Mỹ ở Hồng Hải, điều mà lực lượng này phủ nhận. Trước vụ này, tại Yemen Mỹ chỉ sử dụng máy bay không người lái đánh Al Qaida

Tin khắp nơi – 13-10-2016

Nghi phạm khủng bố người Syria đã tự sát trong tù tại Đức

Pictures of a person believed to be Jaber al-Bakr released by German policeImage copyrightAFP/GETTY IMAGES
Image captionCảnh sát công bố hình nghi phạm sau cuộc vây ráp tại căn hộ
Một người Syria nhập cư bị tình nghi lên kế hoạch đánh bom sân bay Berlin đã tự sát trong tù tại Leipzig, các quan chức cho biết.
Bộ Tư pháp bang Saxony nói ông Jaber al-Bakr bị phát hiện đã chết và cho biết điều tra đang được tiến hành.
Người này bị giao nộp cho cảnh sát hôm thứ Hai 10/10 bởi ba người tỵ nạn Syria sau khi chạy trốn được hai ngày.
Cảnh sát Đức đã theo dõi người này trong nhiều tháng, nhưng không bắt được nghi phạm khi họ vây ráp căn hộ vào thứ Bảy 8/10.
Từ khi bị bắt, Jaber al-Bakr, 22 tuổi đã tuyệt thực và bị giám sát chặt chẽ, báo Der Spiegel tường thuật.
Nghi phạm được cho phép tỵ nạn sau khi đến Đức năm ngoái.
Tình báo Đức nhận được tin hồi tuần rồi cho thấy người này có thể đang chuẩn bị tấn công, và họ cảnh báo với cảnh sát ở bang miền đông Saxony.
Nhà chức trách nói họ phát hiện hôm thứ Năm tuần trước nghi phạm sử dụng internet để tìm hiểu cách chế tạo bom và đã có được chất nổ.
Phóng viên Damien McGuiness của BBC ở Berlin nói cái chết của al-Bakr sẽ khiến cảnh sát gặp khó khăn nhiều hơn khi cố gắng truy tìm những thông tin rõ ràng hơn về kế hoạch của nghi phạm và những kẻ đồng lõa.
Correctional facility in Leipzig, Germany, where Syrian terror suspect Jaber al-Bakr has been found dead. 12 Oct 2016Image copyrightEPA
Image captionJaber al-Bakr bị giám sát chặt chẽ trong tù
Chemnitz police raid, 9 Oct 16Image copyrightEPA
Image captionDân địa phương tụ tập xem cuộc vây ráp ở căn hộ ở Chemnitz nơi nghi phạm được cho là trú ẩn
Khi cảnh sát bố ráp căn hộ ở thành phố miền đông Chemnitz, họ phát hiện 1,5kg TATP, một loại thuốc nổ làm tại nhà từng được sử dụng trong cuộc tấn công Paris năm ngoái và trong cuộc tấn công ở Brussels (Bỉ) tháng Ba vừa rồi. Chất nổ “cực kỳ nguy hiểm”, cảnh sát nói.
Nhưng al-Bakr thoát được cuộc vây ráp và trốn đến thành phố Leipzig nơi nghi phạm nhờ những người Syria giúp đỡ.
Ba người Syria nói với cảnh sát họ có nghe nói về cuộc truy lùng và họ đã bắt trói nghi phạm.
Họ báo cảnh sát và sau đó bắt giữ người này.
Từ lúc đó, có nhiều lời kêu gọi nhà chức trách vinh danh ba người. Tờ Bild mô tả họ là “những anh hùng Syria từ Leipzig”.
Nhà chức trách tin rằng al-Bakr có liên hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). – BBC

Tổng thống Philippines tìm kiếm đầu tư và sự trọng vọng từ Trung Quốc

Thanh Phương

media
Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc họp báo tại Davao, miền nam Philippines, ngày 21/08/2016REUTERS
Sau khi dọa sẽ chấm dứt liên minh với Mỹ, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào tuần tới sẽ viếng thăm Trung Quốc lần đầu tiên, nhằm tìm kiếm hàng tỷ đôla đầu tư và cũng nhằm khẳng định vị thế của ông trên trường quốc tế, vào lúc lãnh đạo chính quyền Manila bị phương Tây chỉ trích nặng nề về chiến dịch bài trừ ma túy.
Ông Duterte sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 19/10/2016, dẫn theo một phái đoàn hàng trăm nhà doanh nghiệp, trong đó có những nhà tài phiệt có thế lực nhất ở Philippines, với hy vọng là thu hút nhiều đầu tư từ Trung Quốc, tranh thủ mối quan hệ đang nồng ấm trở lại giữa Manila và Bắc Kinh, sau nhiều năm căng thẳng.
Chỉ hơn 10 ngày sau khi tổng thống Duterte lên nắm quyền, Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách « đường lưỡi bò » của Trung Quốc. Nhưng thay vì dùng phán quyết này để gây áp lực thêm với Trung Quốc như người tiền nhiệm Benigno Aquino sẽ làm nếu còn tại chức, ông Duterte đã cố xoa dịu Bắc Kinh, mặt khác lên tiếng chỉ trích nặng nề Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc trận chung và tuần tra chung với Mỹ.
Trong thời gian tranh cử, ông Duterte đã từng tuyên bố sẳn sàng để sang một bên chuyện tranh chấp Biển Đông, đổi lại việc Trung Quốc xây tuyến đường xe lửa xuyên qua vùng Mindanao nghèo ở miền Nam Philippines. Trong tuần này, ông cũng đã nói là Philippines không nên cứ nằng nặc đòi chủ quyền trên bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 2012.
Ngoài hàng tỷ đôla đầu tư hy vọng sẽ tìm được từ Trung Quốc, tổng thống Duterte còn sang Bắc Kinh lần này để phần nào được trọng vọng, vào lúc mà ông đang bị phương Tây lên án về các vụ sát nhân ngoài khuôn khổ pháp luật trong chiến dịch bài trừ ma túy do ông phát động ở Philippines, mà cho tới nay đã có hơn 3.300 người bị giết chết.
Bị đích thân tổng thống Obama chỉ trích về chiến dịch bài trừ ma túy này, trong tháng này ông Duterte đã tuyên bố rằng có thể trong nhiệm kỳ của ông, Philippines sẽ cắt đứt liên minh với Hoa Kỳ, quay sang Nga hoặc Trung Quốc. Trong khi mạt sát hết lời tổng thống Obama, ông Duterte đã ca tụng Tập Cận Bình là « một chủ tịch vĩ đại », đồng thời khen Trung Quốc và Nga đã thể hiện sự tôn trọng ông, khi tránh chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy.
Cách đây hai ngày, tổng thống Philippines cũng cho biết là ngay sau Trung Quốc, ông sẽ thăm Nga, có thể là sau chuyến viếng thăm Nhật Bản từ ngày 25 đến 27/10.
Nhưng các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay đã lên tiếng cảnh báo về chính sách mới này của tổng thống Duterte, cho rằng đây là một ván bài lớn đối với Philippines và hiện giờ, kẻ thắng duy nhất chính là Trung Quốc. Theo lời giáo sư luật Jay Batongbacal, Đại học Philippines, ông Duterte đang đánh bài liều, chỉ trông chờ vào thiện chí và những mối lợi từ Trung Quốc, mà không có sự bảo đảm từ mối quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước bạn và nước đồng minh truyền thống.
Nhưng ông Richard Javad Haydarian, một chuyên gia thuộc Đại học De La Salle ở Manila, thì cho rằng hãy còn quá sớm để Bắc Kinh mừng chiến thắng, vì theo ông, nếu thua ván bài nói trên, tức là nếu không nhận được nhân nhượng thỏa đáng nào từ Trung Quốc, tổng thống Duterte sẽ « xoay trục » trở lại về phía Hoa Kỳ. – RFI

BRICS : Dự án mậu dịch tự do của Trung Quốc gây lo ngại

Trọng Thành

media
Trong kỳ nghỉ cuối tuần này 15 và 16/10/2016, Ấn Độ đón thượng đỉnh thường niên của khối BRICS lần thứ 8. Từng được hy vọng sẽ là đầu tầu của nền kinh tế thế giới, nhóm các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy giờ đây đang phải đối mặt với rất nhiều bất đồng sâu sắc, đặc biệt giữa Trung Quốc với các nước công nghiệp hóa yếu hơn. Dự án thành lập một khu vực mậu dịch tự do BRICS của Trung Quốc rất ít được hưởng ứng.
Khối BRICS bao gồm năm nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm 53% dân số toàn cầu, với tổng GDP khoảng 16.000 tỉ đô la, chiếm khoảng 30% GDP toàn thế giới. BRIC thoạt tiên bao gồm bốn nước Nga-Trung-Ấn-Brazil (Nam Phi gia nhập năm 2011), được lập ra năm 2009, có mục tiêu đối trọng về kinh tế và chính trị với phương Tây. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của nhóm nước này nhìn chung được đánh giá là không khả quan.
Nga trong hai năm trở lại đây đang rơi vào suy thoái mạnh, do bị phương Tây trừng phạt vì can thiệp vào Ukraina, và giá dầu sụt mạnh. Còn Brazil vừa qua cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930. Trung Quốc – đầu máy của kinh tế toàn cầu – đã giảm tốc xuống mức thấp nhất từ 25 năm, cho dù vẫn còn ở mức 7%/năm. Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng mạnh với 7,6% trong năm nay nhưng khó khăn rất lớn của nước này là phải tạo thêm mỗi tháng một triệu việc làm mới, do rất nhiều thanh niên mới bước vào độ tuổi lao động.
Theo hãng thông tấn AP, bốn quốc gia của khối BRICS – Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Brazil – đều lo ngại trước áp lực của Trung Quốc muốn các nước trong khối mở rộng cửa thị trường, cho dù Bắc Kinh chưa chính thức đưa ra yêu cầu này. Hồi tháng trước, một người phát ngôn của bộ Thương Mại Trung Quốc đưa ra nhận định là việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và nhiều cản trở khác là rất quan trọng cho sự hợp tác giữa năm nước.
Tham vọng của Bắc Kinh gây lo ngại rất lớn bởi các nước còn lại lo sợ hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường, trong bối cảnh thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã rất lớn. Theo nhà ngoại giao Ấn Độ H.H.S. Vishwanathan, cựu đại sứ tại Mỹ, nếu dự án này biến thành hiện thực, thì đây sẽ là một « thất bại » đối với BRICS.
Trả lời báo Ấn Độ The Hindu trước thềm thượng đỉnh, bộ trưởng Thương Mại Nam Phi Rob Davies khẳng định việc áp dụng tức thời thỏa thuận tự do thương mại BRICS Free Trade Agreement (FTA) sẽ khiến khối này bị phân thành hai nhóm, nhóm các nước công nghiệp hóa mạnh hơn và các nước yếu hơn. Theo bộ trưởng Nam Phi, quốc gia này và các nước châu Phi nói chung cho đến nay chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm sơ chế. Nam Phi xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc, và nhập về hàng tiêu dùng.
Nếu xu thế « mất cân bằng về cấu trúc » này tiếp tục và được đẩy mạnh thì không giúp gì cho mục tiêu của Nam Phi được tham gia vào « chuỗi giá trị » (hay dây chuyền sản xuất toàn cầu) để có thể được hưởng các lợi ích của « Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư » đang khởi sự.
Những kế hoạch trong tầm tay
Bộ trưởng Thương Mại Nam Phi nhấn mạnh là : « đừng để bị mê hoặc bởi một hiệp định thương mại quá tham vọng », hãy đi theo hướng khuyến khích « các thỏa thuận hợp tác (trong từng lĩnh vực) và thúc đẩy tiếp xúc giữa các doanh nghiệp », bởi một hiệp ước lớn chỉ phục vụ cho lợi ích của một số thế lực, nhưng không mang lại sự phát triển rộng rãi.
Theo AP, ngoài một dự án lớn của toàn khối rất khó có cơ hội thực thi, các thành viên sử dụng thượng đỉnh BRICS tại Goa, để bàn về một số vấn đề gần gũi hơn, như kế hoạch xây dựng một cơ quan thẩm định tài chính của khối, nhằm đối trọng với các cơ quan thẩm định tài chính hiện có, bị coi là thiên vị các nền kinh tế phương Tây. Nhóm cũng có kế hoạch thành lập một cơ quan tư vấn để hậu thuẫn cho các đối thoại quốc tế về tài chính. Một số mục tiêu nằm trong tầm tay khác như việc giảm nhẹ các quy định về visa đối với các chủ doanh nghiệp và khuyến khích các đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực các dự án cơ sở hạ tầng.
Ông Samir Saran, phó chủ tịch của cơ quan tư vấn Oberver Researche Foundation, có trụ sở tại New Delhi, cũng là thành viên của Hội Đồng Tư Vấn BRICS, hy vọng « thông cáo chung của thượng đỉnh sẽ thể hiện được mong muốn của 5 quốc gia… tăng cường thương mại trong khối ».
Theo một số nhà quan sát, thành công đáng kể nhất cho đến nay của BRICS là cho ra đời được Ngân Hàng Phát Triển Mới (NDB), để đối trọng với Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Ngân hàng NDB, có trụ sở tại Thượng Hải, đã thông qua loạt tín dụng đầu tiên, với tổng trị giá khoảng 900 triệu đô la, cho các dự án năng lượng tái tạo tại năm quốc gia thành viên.
Khó đồng thuận về các hồ sơ gai góc
Bên cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, BRICS cũng sẽ bàn thảo về một số vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Nga sẽ được mời trình bày về vấn đề Syria, trong lúc lập trường của Nga đang bị cộng đồng quốc tế lên án do chiến dịch không kích tại Aleppo.
Theo AP, sự khác biệt rất lớn giữa « các nước độc tài » – Nga và Trung Quốc và « các nước dân chủ » – Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, khiến khối BRICS rất khó đạt đồng thuận trong các hồ sơ gai góc như « chiến tranh Syria hay Biển Đông ». Các hội kiến song phương bên lề thượng đỉnh về hàng loạt các vấn đề chính trị và kinh tế chắc chắn sẽ mang ý nghĩa thực chất hơn đối với các thành viên BRICS.
Ám ảnh Pakistan 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có các hội kiến quan trọng với tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng biên giới tại vùng Cachemire với Pakistan – đồng minh của Trung Quốc. Theo báo chí Ấn Độ, vấn đề Pakistan sẽ ám ảnh thượng đỉnh BRICS lần thứ tám.
Báo Ấn Độ The Tribune hôm qua, 12/10, cho biết trong những ngày gần đây, một phái đoàn nghị sĩ Pakistan trong chuyến công du Mỹ đã quảng bá ý tưởng thành lập một nhóm nước Nam Á mở rộng bao gồm cả Trung Quốc và Iran. Islamabad đã nỗ lực thúc đẩy ý tưởng này kể từ thượng đỉnh lần trước của Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á South Asian Association for Regional Cooperation (SAARC) lần thứ 18, tổ chức tại Nepal năm 2014. Thượng đỉnh tới của khối dự kiến diễn ra vào tháng tới tại Pakistan, nhưng đã bị hoãn lại, sau khi Ấn Độ quyết định tẩy chay, vì vụ khủng bố nhắm vào căn cứ quân sự Ấn Độ ở Uri (Cachemire) hồi tháng 9, khiến 17 quân nhân thiệt mạng.
Ủng hộ Ấn Độ, nhiều thành viên khác của khối SAARC cũng tuyên bố sẽ không tham dự thượng đỉnh tại Pakistan. New Delhi coi đây là một thắng lợi ngoại giao, cho thấy Islamabad ngày càng bị cô lập.
Việc Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn không cho đưa Masood Azar, thủ lĩnh nhóm Jaish-e-Mohammed, vào danh sách « khủng bố quốc tế » mới đây (theo đề nghị của New Delhi) chắc chắn sẽ đè nặng lên quan hệ song phương Ấn – Trung. Nhóm Jaish-e-Mohammed – hoạt động mạnh tại vùng Cachemire – bị Liên Hiệp Quốc và nhiều nước đưa vào danh sách khủng bố.
Thượng đỉnh song song BIMSTEC
Song song với thượng đỉnh BRICS, một thượng đỉnh khác của nhóm BIMSTEC của các quốc gia ven vịnh Bengal cũng được tổ chức tại Goa. Nhóm BIMSTEC (Bay of Bengal Initiative for Multi-Sectoral Technical and Economic Cooperation) gồm 7 nước là Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Bangadhes, Sri Lanka, Butan và Nepal.
Theo phó chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn BRICS, Samir Saran, với việc tổ chức thượng đỉnh BIMSTEC cùng vào thời điểm này, Ấn Độ tiếp tục chính sách Hướng Đông và khẳng định như là « một cây cầu bình an » nối kết BRICS với các quốc gia trong khu vực, bất chấp ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc (và đe dọa khủng bố từ Pakistan).
Cũng trong dịp thượng đỉnh BRICS này, ba thành viên dân chủ – Ấn Độ, Brazil, Nam Phi – tìm cách siết chặt hợp tác qua Diễn Đàn Đối Thoại IBSA, được thành lập từ năm 2003. IBSA được coi là cơ chế gắn bó nhất trong số các cơ chế hợp tác giữa các thành viên BRICS. – RFA

Thương mại Trung Quốc lãnh gáo nước lạnh

Tú Anh

media
Tại cảng Thanh Đảo (Qingdao), tỉnh Sơn Đông (Shandong), 13/10/2016.STR / AFP
Công nghiệp tiên tiến bỏ Hoa lục rút về các nước phát triển. Các nước đang phát triển trở thành đối thủ cạnh tranh mãnh liệt hơn. Đó là hai vấn nạn của guồng máy kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của hải quan và chuyên gia quốc tế.
Ngoại thương Trung Quốc trong tháng 9 gây thất vọng cho Bắc Kinh. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày hôm nay, 13/10/2016, xuất khẩu bị thụt lùi 10% trong một năm qua với 184,5 tỷ đô la trong khi nhập khẩu giảm 1,9% với 142,5 tỷ.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 9 cũng giảm đến 30%, tuy thu về 42 tỷ đô la nhưng thua xa thành quả 60 tỷ cùng thời kỳ cách nay một năm. Cụ thể xuất khẩu sang Mỹ giảm 7,8% và sang Liên Hiệp Châu Âu sụt 4,3%.
Theo AFP, kết quả này là một bất ngờ đối với Trung Quốc và các chuyên gia tài chính quốc tế. Đa số các nhà phân tích cho rằng tệ lắm thì xuất khẩu chỉ lùi độ 3,3% trong tháng 9 sau khi giảm 2,8% trong tháng 8. Nhập khẩu cũng giảm đi đáng kể, không tới 1/3 so với mức dự báo.
Phát ngôn viên hải quan Trung Quốc Hoàng Tụng Bình nhìn nhận ngành ngoại thương Trung Quốc có vấn đề. Trong cuộc họp báo hồi tháng 4, khi công bố thành quả xuất nhập khẩu của ba tháng đầu năm 2016, viên chức này đã tỏ ra bi quan cho kinh tế Hoa lục mà ông gọi là « đứng trước nhiều biến chuyển phức tạp ». Trong quý một, xuất khẩu giảm 4%, nhập khẩu giảm 8,2% so với cùng thời kỳ năm 2015.
« Ngành mũi nhọn bỏ đi, đối thủ cạnh tranh ráo riết »
Trong cuộc họp báo hôm nay, Hoàng Tụng Bình lập lại nhận xét cũ : Trao đổi thương mại của Trung Quốc « đang đối đầu với những chướng ngại hiển nhiên ».
Trước các áp lực này, đồng tiền Trung Quốc bắt buộc phải hạ giá với hai hệ quả : có thể trợ lực cho xuất khẩu nhưng cùng lúc tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu và nguyên liệu, ông Hoàng Tụng Bình thừa nhận.
Chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cũng lo ngại : giảm nhập khẩu khoáng sản là tín hiệu « kinh tế Trung Quốc mất sức ».
Lời cảnh báo của Ôn Gia Bảo
Theo giải thích của phát ngôn viên Hải Quan Trung Quốc, những khó khăn trên phát xuất từ ba nguyên nhân : một là chính sách « bảo hộ mậu dịch » của các nước giàu và hai là do các nước đang phát triển cạnh tranh ác liệt với Trung Quốc. Cũng theo viên chức này thì ngành công nghiệp « mũi nhọn » bỏ Trung Quốc, hồi hương. Trong khi hàng hóa của các quốc gia đang lên, nhờ giá thành rẻ, lấn áp hàng hóa Trung Quốc.
Mối đe dọa thứ ba là, cũng theo phát ngôn viên Hoàng Tụng Bình, các thủ tục bảo hộ thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới chống hàng Trung Quốc sẽ làm cho ngành ngoại thương của Trung Quốc bị thiệt hại.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ từ 6,6% trong năm nay rơi xuống 6,2% trong năm 2017.
Thời thủ tướng Ôn Gia Bảo, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phất phới trên 10%. Tuy nhiên, ông cảnh cáo, nếu tỷ lệ tăng trưởng xuống « dưới 8% thì Trung Quốc sẽ gặp loạn ». – RFI

Philippines thành lập ủy ban bảo vệ nhà báo

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ ba ký quyết định thành lập một ủy ban đặc nhiệm phủ tổng thống nhằm bảo vệ ký giả và sẽ tiến hành điều tra những tấn công nhắm vào giới truyền thông.
Phát ngôn nhân phủ tổng thống Phi, ông Martin Andanar, hôm nay cho biết đây là ủy ban đặc biệt bao gồm một số bộ trưởng, các viên chức cảnh sát, quốc phòng và tư pháp. Ủy ban sẽ dành một tháng thu thập những vụ việc lớn trước khi tiến hành công tác điều tra.
Philippines trước giờ được coi là một trong những đất nước có nền tự do báo chí thông thoáng nhất  khu vực. Tuy nhiên cũng là nơi nguy hiểm nhất cho báo chí. Những vụ tấn công, đe dọa hay giết nhà báo thường xảy ra và kết quả điều tra không dẫn tới việc bắt  giữ hay trừng phạt thủ phạm do thiếu nhân chứng hoặc bằng chứng.
Theo phát ngôn nhân Martin Andanar, khi ra lịnh thành lập ủy ban đặc nhiệm thì tổng thống Rodrogo Duterte tuyên bố coi đây là ưu tiên số 1 vì ông coi trọng sinh mạng của ký giả và ông tin tưởng vào một nền tự do báo chí . – RFA

Bắc Kinh nổi giận khi Anh quan tâm chuyện Hong Kong

Lãnh tụ trẻ Lương Tụng Hằng tuyên thệ tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào ngày 12 Tháng 10 năm 2016.
Lãnh tụ trẻ Lương Tụng Hằng tuyên thệ tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào ngày 12 Tháng 10 năm 2016.  AFP photo
Trung Quốc hôm nay bày tỏ giận dữ sau khi ngoại trưởng Anh lên tiếng cho biết tiếp tục quan ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào hệ thống luật pháp của Hong Kong.
Trong một phúc trình về cựu thuộc địa Hong Kong, ngoại trưởng Boris Johnson của Anh nêu ra quan ngại đặc biệt về tình hình thực thi luật pháp tại đặc khu theo qui đinh ‘một quốc gia, hai thể chế’ mà Bắc Kinh và London cùng thống nhất khi trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc năm 1997.
Trường hợp của ông Lý Ba và bốn người trong ngành in ấn, phát hành, bán sách ở Hong Kong được nêu ra. Tất cả mất tích nhưng sau đó được phát hiện bị giam giữ ở Hoa lục. Đây là điều vi phạm Tuyên bố chung Anh- Trung.
Phát ngôn nhân Cảnh Song của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng phản đối hoàn toàn phúc trình của phía Anh, cho rằng những chỉ trích đối với Bắc Kinh trong phúc trình là vô căn cứ.
Ông Cảnh Song còn nói thêm là người dân Hong Kong được hưởng đầy đủ mọi quyền và tự do theo luật định; vấn đề đặc khu này là chuyện nội bộ của Trung Quốc . – RFA

Nhật phản đối Trung Quốc thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp

Nhật Bản cho biết đã phản đối Trung Quốc về những chỉ dấu Bắc Kinh đang tiến hành thăm dò khí đốt tại khu vực biển Hoa Đông bất chấp yêu cầu dừng lại của Tokyo.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga hôm qua lên tiếng cho rằng Trung Quốc vẫn cứ đơn phương tiến hành hoạt động tại vùng chưa xác định ranh giới trên biển.
Tokyo cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận năm 2008 giữa đôi bên qui định duy trì hợp tác trong vấn đề khai thác tài nguyên ở những vùng biển chưa xác định ranh giới.
Phát ngôn nhân Cảnh Song của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay phản bác nói rằng việc thăm dò khí đốt mà Bắc Kinh đang thực hiện nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán không thể tranh cãi của Trung Quốc. – RFA

Thế giới chia buồn với Hoàng gia, nhân dân Thái

Các nhà lãnh đạo thế giới gửi lời chia buồn với nhân dân Thái Lan giữa lúc họ đang để tang Quốc vương Bhumibol. Trị vì vương quốc Thái Lan trong suốt 70 năm, Quốc vương Bhumibol là một nhà vua được dân chúng sùng kính.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm 13/10 bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc” đến hoàng gia, chính phủ, và nhân dân Thái Lan, đồng thời ghi nhận những cống hiến của nhà vua cho công cuộc đoàn kết đất nước.
Một tuyên bố do phát ngôn viên của Tổng thư ký Ban đưa ra nói: “Tổng thư ký Ban bày tỏ hy vọng rằng Thái Lan sẽ tiếp tục tôn vinh di sản của Quốc vương Bhumibol và những cam kết của ngài tôn trọng các giá trị phổ quát và nhân quyền”.
Tổng thống Barack Obama nói Vua Bhumibol là một người bạn thân thiết của Hoa Kỳ và một đối tác quan trọng của nhiều tổng thống Mỹ, ông nhắc lại cuộc hội kiến với nhà vua trong chuyến đi thăm Bangkok năm 2012.
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc viết: “Quốc vương Bhumibol đã để lại một di sản là tình yêu thương dành cho nhân dân Thái Lan. Di sản này sẽ được nhiều thế hệ tương lai trân quý. Nhân dân Mỹ và tôi sát cánh với nhân dân Thái Lan giữa lúc chúng ta chia sẻ niềm thương tiếc trước sự ra đi của Quốc vương, hôm nay chúng tôi hướng về nhân dân Thái Lan và cầu nguyện cho họ.”
Cùng với Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã gửi lời chia buồn tới người dân Thái Lan, ông nói Quốc vương Bhumibol sẽ được tưởng nhớ trong nhiều năm dài trước mắt.
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản nói ông nhớ đến quốc vương Thái Lan như một “người rất có tài và nhân từ”, ông bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” của mình trước sự ra đi của nhà vua.
Quốc vương Bhumibol, còn được gọi là Quốc vương Rama Đệ Cửu, băng hà chiều thứ Năm tại một bệnh viện ở Bangkok, hưởng thọ 88 tuổi. – VOA

Mỹ trả đũa, oanh kích phiến quân Houthi ở Yemen

Hình chụp từ video của Hải quân Hoa Kỳ cho thấy khoảnh khắc sau khi tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục USS Nitze, 13/10/2016.
Hình chụp từ video của Hải quân Hoa Kỳ cho thấy khoảnh khắc sau khi tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục USS Nitze, 13/10/2016.
Quân đội Hoa Kỳ hôm thứ Năm, 13/10, cho biết họ đã oanh kích 3 trạm radar ở Yemen để đáp trả vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ do phiến quân Houthi kiểm soát, nhắm vào một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ.
Hải quân Hoa Kỳ đã công bố đoạn video chiếu cảnh các tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ tàu khu trục USS Nitze.
Một thông báo của Ngũ Giác Đài cho biết các tên lửa nhắm mục tiêu vào các trạm radar dọc theo bờ Biển Đỏ của Yemen, ở phía bắc của eo biển Bab-el-Mandeb. Thông báo nói việc phá hủy các trạm radar sẽ làm suy giảm khả năng của quân Houthi để theo dõi và tấn công các tàu thuyền trong tương lai.
Một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài mô tả cuộc oanh kích này là hành động “tự vệ” sau khi một tên lửa được bắn đi hôm 12/10 ở Biển Đỏ nhằm vào tàu khu trục USS Mason. Ngũ Giác Đài nói tàu đã không bị trúng tên lửa và không có ai bị thương.
Phát ngôn viên cho biết các trạm radar đã bị phá hủy với mục đích bảo vệ binh sĩ và tàu thuyền của Hoa Kỳ, ông cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào khác đối với tàu thuyền của mình cũng như đối với các hoạt động vận tải thương mại
Các quan chức cho biết tàu Mason đã triển khai các biện pháp chống trả ngay khi tàu phát hiện vụ phóng tên lửa, nhưng không rõ có phải hành động phòng vệ đó đã làm tên lửa chệch hướng, hay nó rơi xuống Biển Đỏ vì các lý do khác. – VOA
Powered by Blogger.