Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Vụ Đồng Tâm : Dư luận phản ứng mạnh mẽ trước bản án nặng nề

Tuesday, September 15, 2020 // ,

 RFI

Các bị cáo trong vụ Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội, ngày 14/09/2020.
Các bị cáo trong vụ Đồng Tâm tại phiên tòa ở Hà Nội, ngày 14/09/2020. via REUTERS - Doan Tan/VNA
Thụy My
4 phút

Sau khi tòa sơ thẩm Hà Nội tuyên án vụ « giết người, chống người thi hành công vụ » xảy ra hồi tháng Giêng ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm qua 14/09/2020, với hai bản án tử hình dành cho các bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, dư luận đã có những phản ứng mạnh mẽ. Trên mạng đã xuất hiện ngay một kiến nghị phản đối bản án được cho là « bất công ».

Kiến nghị ký tên nhóm « Công dân hành động » đã thu thập được trên 2.500 chữ ký, « cực lực phản đối bản án bất công » về sự kiện diễn ra vào rạng sáng 09/01/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Theo đó, hàng loạt vấn đề đã bị Hội đồng xét xử bỏ qua. 

Trước hết là tính chất pháp lý của thửa đất 59 hecta tranh chấp tại Đồng Sênh chưa được làm rõ là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng. Thứ hai, về tội danh « chống người thi hành công vụ », cơ sở pháp lý nào để lực lượng công an tiến vào Đồng Tâm trong đêm, cấp nào ra quyết định và ai thi hành ?

Thứ ba, căn cứ vào đâu lực lượng cảnh sát đột nhập nhà ông Lê Đình Kình và bắn chết ông trong khi ông Kình không phải là bị can trong bất cứ vụ án nào ? Bên cạnh đó, lý do nào dẫn tới cái chết của ba người cảnh sát, tại sao không cho thực nghiệm điều tra để làm rõ ?

Tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai cũng như câu trả lời của các bị cáo bất nhất với kết quả giám định được ghi trong cáo trạng, một số khai rằng họ bị bức cung, nhục hình. Vì sao một số luật sư không được tiếp cận bị can trong quá trình điều tra và tòa không trả hồ sơ để điều tra lại ?Đặt ra năm câu hỏi trên, bản kiến nghị cho rằng việc điều tra, truy tố có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng. Những người ký tên « kêu gọi công lý cho bốn người đã thiệt mạng không rõ nguyên do trong sự cố 09/01/2020 » và « cho 29 người dân Đồng Tâm bị tuyên án trong một bản án đầy dấu hiệu oan sai ».

Trên mạng xã hội, đã có nhiều lời phản đối dữ dội sau khi hai án tử hình được tuyên đối với hai người con của ông Lê Đình Kình. Bên cạnh đó một số người cũng ghi nhận việc đa số bị cáo với tội danh « chống người thi hành công vụ » được giảm khá nhiều so với mức án đề nghị. Hầu hết từ mức 3 đến 5 năm tù giam trở thành án treo và được trả tự do ngay tại tòa, trừ bà Bùi Thị Nối bị tăng án, có lẽ vì phản kháng mạnh mẽ tại phiên tòa.

Về phản ứng của các tổ chức quốc tế, ngay sau khi bản án được tuyên hôm qua, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch đã ra tuyên bố phản đối. Thông cáo viết : « Các bản án nặng nề đối với những người giữ đất ở Đồng Tâm, trong đó có hai án tử, không gây ngạc nhiên. Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhất quyết muốn tỏ ra cứng rắn tối đa với dân làng Đồng Tâm, vì họ sợ rằng thách thức từ cộng đồng này sẽ lan ra những nơi khác, nếu không xử nặng ».

Đạo đức Hồ Chí Minh: Từ Cát Hanh Long tới Lê Đình Kình

 Thứ Hai, 09/14/2020 - 16:39 — canhco

Rất nhiều người cứ âm thầm tự hỏi “Đạo đức Hồ Chí Minh” là gì mà hệ thống tuyên truyển của Đảng nói không mỏi mệt về nó. Từ thời ông Hồ về nước cho tới khi mất đi, việc làm nào của ông được xem là đạo đức thì không thấy hệ thống Đảng lấy ra làm khuôn vàng thước ngọc cho dân, chì thấy nói một cách chung chung và không cần kèm theo chỉ dẫn hay chứng minh thì trách sao người dân lơ ngơ về hành vi đáng gọi là đạo đức của một lãnh tụ?

Cho tới khi vụ Đồng Tâm xảy ra thì nhiều người tự hỏi: Những người đi sau ông Hồ có thực sự đang theo đuổi cái “đạo đức” mà họ được bồi dưỡng trong những bài học chính trị hay không, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo toàn diện cả hai hệ thống Đảng và Nhà Nước.

Khi nói tới cái chết của ông Lê Đình Kình nhiều người liên tục nhắc tới những đóng góp mà ông Lê Đình Kình đã bỏ ra suốt cuộc đời, hay đúng hơn là 56 năm tuổi đảng. Cái chết của ông dễ làm người ta liên tưởng tới một cái chết khác cách đây gần 70 năm khi cuộc Cải cách ruộng đất bắt đầu thì bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long là người đầu tiên bị đấu tố và tử hình.

Ông Kình và bà Năm giống nhau ở điểm: Ông Kình bỏ ra gần 60 năm phục vụ cho Đảng, tức bỏ công sức cả đời ra cho tổ chức mà ông theo đuổi. Bà Năm bỏ gần hết cơ nghiệp gia đình ra để ủng hộ Việt Minh, tiền thân của Đảng hiện nay. Với số vàng và tài sản đóng góp kể cả bao che cho những cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh.....bà Nguyễn Thị Năm được xem là có công với cách mạng nhưng cái công đó bị chính ông Hồ Chí Minh khước từ. Ông Kình cũng bị khước từ những đóng góp suốt đời để nhận hậu quả là cái chết giữa đêm khuya.

Ông Hồ Chí Minh được chính những kẻ viết sử của chế độ qua hồi ký, xác nhận đã khước từ trước cái chết của bà Cát Hanh Long, một trong những trang viết đáng tin cậy đó là của Hoàng Tùng (*), viết trong hồi ký “Những kỷ niệm về Bác Hồ” thì: "Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc.”

Ông Hồ Chí Minh của quá khứ và ông Nguyễn Phú Trọng của hiện tại có khác gì nhau? Bởi một điều chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng phải được báo cáo xin chỉ thị trước khi hành quân hạ sát ông Kình, Thế nhưng không có văn bản nào có chữ ký của ông Trọng giống như ông Hồ Chí Minh không bao giờ ký vào bản án bà Nguyễn Thị Năm. Hai cái chết đều không có chữ ký của cấp cao nhất nước nói lên sự phủi tay trước trách nhiệm cần có, vậy thì có đạo đức không?

Vụ án Đồng Tâm cũng không khác vụ đấu tố bà Cát Hanh Long là mấy. Ngày trước, Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B. trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...Nguyễn Thị Năm đã thú nhận thật cả những tội ác". Thực tế nhiều nhà văn nhà báo phát hiện thì C.B là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân từ năm 1951 đến 1957.

Trước khi vụ án Đồng Tâm được chính thức xét xử, Thiếu tướng Tô Ân Xô, phát ngôn viên của Bộ Công An khẳng định “Lê Đình Kình là một loại cường hào địa chủ mới”. Giống như C.B viết về bà Nguyễn Thị Năm: toàn bộ các con cháu cụ Lê Đình Kình cũng như 29 người bị khởi tố đều thú nhận tội ác là đã giết 3 công an trong đêm cụ Kình bị giết.

Sau cuộc cải cách ruộng đất ông Hồ Chí Minh được báo chí “viết lại” là rất bức xúc trước cái chết của bà Năm. Những “tay tổ” như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Lê Văn Lương đều tiếc thương và khẳng định bà Năm bị giết là sai lầm.

Vài năm nữa (nếu Cộng sản tiếp tục cầm quyền) người dân sẽ thấy đồng loạt các loại tướng tá như Tô Lâm, Tô Ân Xô, Lương Tam Quang, Trần Quốc Vượng và nhất là Nguyễn Phú Trọng sẽ lên VTV lau nước mắt mà tiếc thương cho ông Lê Đình Kình và con cháu của ông đã bị giết lầm trong lúc mà “Xã hội chưa thống nhất niềm tin với đảng”.

Lịch sử luôn lập lại nhưng lần này có lẽ là lần sau cùng một chính quyền luôn luôn chiến thắng dân sẽ khó mà ăn ngon ngủ yên như gần 70 năm trước bởi giờ đây người dân đã kịp trang bị cho mình kiến thức thật sự từ mạng lưới toàn cầu, họ không còn dễ dàng cả tin vào những người đầy tớ mà chất phản phúc lúc nào cũng lộ ra trên những chiếc khăn tay chậm nước mắt sau khi giết chủ.

(*)https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BB%8B_N%C4%83m

Họ có man rợ không?

 Thứ Ba, 09/15/2020 - 17:34 — canhco

Theo tự điển Việt Nam thì “man rợ” (barbarian ) là tình trạng chưa có văn minh, đời sống con người có nhiều mặt gần với đời sống thú vật. Để tìm kiếm sự sống còn con người chỉ biết giết nhau để sống sót từ đó hình thành tính cách tàn ác, dã man đến cực độ không còn tính người.

Theo trang Wikipedia thì Man rợ tương tự với Man di (còn gọi là "man tộc", "man rợ" hay "mọi rợ", trong tiếng Hy Lạp: βάρβαρος - Barbaros) là thuật ngữ để chỉ một người hay nhóm người bị cho là thiếu văn minh hoặc còn hành xử theo kiểu nguyên thủy so với các giá trị chuẩn mực của thế giới hiện đại. Đôi khi, thật ngữ "man rợ" cũng được sử dụng để nói về các nhóm văn hóa cấp thấp hơn (như dân du mục), tầng lớp xã hội thấp hơn (như tội phạm), thậm chí công dân quốc gia này đánh giá công dân quốc gia khác khi thể hiện sự chênh lệch phát triển hoặc phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, "man rợ" cũng có thể là một kiểu đánh giá cá nhân khi người đó có hành vi tàn bạo, độc ác, hiếu chiến hoặc vô cảm so với các giá trị nhân quyền.

Từ những định nghĩa trên nhìn lại vụ án Đồng Tâm người ta có thể quy chiếu lên những hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với dân chúng tại đây là hành vi man rợ, bởi cách hành xử ấy tuy không hoàn toàn giống như thời man di nhưng trong một đất nước tự hào có hiến pháp và pháp luật lại làm ngơ mọi định chế mà con người thời hiện đại đặt ra, tự tiện tấn công người dân, giết dân, rồi tiếp tục xử những bản án mà không một đất nước nào trên thế giới dám làm.

Khi lực lượng công an tấn công vào Đồng Tâm đêm 9 tháng 1 năm 2020 người dân ở đây vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Hơn 3000 người vũ trang tận răng xông thẳng vào nhà dân mà không cần trát tòa, đập cửa bắt bớ và bắn chết ông Lê Đình Kình tại phòng ngủ của ông. Sau khi kéo đi đội quân hùng dũng ấy lu loa là người dân Đồng Tâm hỏa thiêu chết 3 công an đang làm nhiệm vụ. Cái chết ấy không ai biết đích xác là có hay không, người dân chỉ biết rằng cả ba người bọn họ nhảy sang nhà ông Kình và rơi xuống giếng trời sau đó bị thiêu sống.

9 tháng sau Hà Nội mở phiên tòa xử 29 người dân bị bắt trong vụ Đồng Tâm. Hai người bị tử hình là con ruột của ông Lê Đình Kình, còn cháu nội ông Kình bị tuyên án chung thân. Vậy là cả nhà ông Kình bị thảm sát đúng với tinh thần tru di tam tộc thời phong kiến. Những kịch bản mà Hà Nội dàn dựng theo đúng nội dung mà loài người nhìn nhận thế nào là man rợ: “thiếu văn minh, hành xử theo kiểu nguyên thủy so với các giá trị chuẩn mực của thế giới hiện đại. Có hành vi tàn bạo, độc ác, hiếu chiến, vô cảm so với các giá trị nhân quyền.”

Tuy nhiên đối với Việt Nam một đất nước với hơn 90 triệu dân, được thế giới công nhận là một quốc gia độc lập, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới tại sao lại xuất hiện một cách có hệ thống những hành vi mang dấu chỉ “man rợ” như vậy lại là một câu hỏi lớn cho giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa trên thế giới. Bản án Đồng Tâm của thế kỷ 21 sẽ là đề tài nghiên cứu cho thế hệ sau này. Tuy nhiên ngay bây giờ người ta cũng không khó khăn gì khi trả lời câu hỏi có tính cách tàn bạo chính trị đó, nó đơn giản và từng xảy ra tại nhiều nước độc tài trên thế giới. Nó là tính cách của mọi nhà nước độc tài, mà Việt Nam còn có thêm “đảng trị” nữa thì tính cách man rợ tăng thêm nhiều lần.

Theo Edu2Review, Việt Nam có khoảng 247 trường đại học. Trong đó, các trường đào tạo ngành Luật lên đến hơn 50 trường. Trong tất cả các trường dạy luật ấy không có trường nào dạy chuyên đề “án bỏ túi” hay “án chỉ đạo” nhưng thực tế mọi tòa án tại Việt Nam đều xuất hiện hai loại án này.

Không ít người cho rằng những chánh án hay thành viên hội đồng xét xử đều thất học, được nâng đỡ dần dần lên tới vị trí này nên cấp trên bảo gì nghe nấy. Điều này cũng đúng nhưng khá ít trong khi hàng ngàn Tòa án Nhân dân mọc lên khắp nước lấy Thẩm phán từ các cấp luật sư, vốn tốt nghiệp một trường luật nào đó thì không thể nói ông hay bà ta không có kiến thức về luật pháp, cho dù luật pháp xã hội chủ nghĩa, vốn hay khoe mẽ và lộng ngôn.

Và dĩ nhiên, sự học của họ không phục vụ cho công lý mà phục vụ cho Đảng, nơi toàn quyền định đoạt số phận của họ trước một bàn án mà Đảng muốn.

Đảng muốn tiêu diệt ông Lê Đình Kình vì dám lãnh đạo một nhúm nông dân chống lại Đảng cho dù ông Kinh theo đảng 58 năm hay hơn thế đi nữa Đảng vẫn không chấp nhận. Đảng muốn tiêu diệt nốt con và cháu ông Kình vì không muốn bọn họ trở về Đồng Tâm tiếp tục gây phẫn nộ cho người dân nơi đây. Đảng muốn bịt miệng tất cả nông dân cả nước qua vụ án Đồng Tâm bằng các bản án được cho là “man rợ”. Đối với Đảng không có từ man rợ trong tự điển mà chỉ có từ “bạo lực cách mạng”, vốn được dùng để bảo vệ Đảng từ thời nó vừa mới ra đời.

Không thể gọi ông Trọng, bà Ngân, ông Phúc là man rợ vì cả ba người không ai lên tiếng bênh vực hay cổ vũ vụ án Đồng Tâm. Họ là những người hiểu biết và chín chắn trước khi nói việc gì phải suy nghĩ rất nhiều thời gian, và do đó, chụp cho họ chiếc mũ mọi rợ là thiếu công bằng.

Rồi đây sau khi Đồng Tâm im ắng, cả ba sẽ tiếp tục im lặng trong thời gian tới, vì với họ, im lặng là những lá phiếu lấp lánh màu vàng.

“Dân oan không giết người để giữ đất”

 RFA

2020-09-14



Ảnh minh họa. Lực lượng chức năng đến Đồng Tâm chuẩn bị cho vụ tấn công rạng sáng ngày 9/1/2020 và cụ Lê Đình Kình.
Ảnh minh họa. Lực lượng chức năng đến Đồng Tâm chuẩn bị cho vụ tấn công rạng sáng ngày 9/1/2020 và cụ Lê Đình Kình.
RFA Edited


















“Không ai giết công an để giữ đất!”

“Không ai giết ai đâu. Nhất là người dân rất sợ đụng chạm đến chính quyền thì sẽ thiệt thòi cho mình nữa. Không ai đi làm chuyện khuất lấp hết.”

Bà Lương, một dân oan ở An Giang, sau khi nghe thông tin về vụ án Đồng Tâm và bản án được tuyên tại phiên tòa ngày 14/9/2020, lên tiếng như trên với RFA.

Là một người đi khiếu kiện trong suốt thời gian dài đằng đẵng gần 3 thập niên, từ quê nhà ở đồng bằng sông Cửu Long ra đến tận thủ đô Hà Nội, bà Lương cùng với một số dân oan ở miền Tây Nam Bộ đều khẳng định rằng mọi việc làm của họ, kể cả của người dân Đồng Tâm đều là vì mục đích cuối cùng để giữ gìn từng tấc đất và quyền lợi chính đáng của họ.

Dù không tận mắt chứng kiến, dù không học cao hiểu rộng để phân tích được trắng đen rõ ràng của vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vào rạng sáng ngày mùng 9/1 trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, những người dân oan này cùng chia sẻ rằng trời đất minh chứng cho tấm lòng của người nông dân Việt Nam, dãi nắng dầm mưa, chắt chiu từng hột lúa hạt gạo không thể nào hại chết những chiến sỹ công an để giữ đất. Có chăng, lời tuyên bố quyết hy sinh giữ đất của người dân Đồng Tâm cũng chỉ là nhằm đối phó với những kẻ làm sai pháp luật mà thôi.

Một phiên tòa chính trị?

Nói thật, lòng tin vào Chính quyền Cộng sản là không còn. Nhưng công lý thì còn. Nhờ vào các tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, nói chung là nhờ vào các tổ chức dân sự của thế giới cùng trong và ngoài nước, của bà con, của cộng đồng đóng góp tiếng nói xác thực mà Chính quyền Cộng sản cũng phải chùn tay
-Ông Nguyễn Trường Chinh

Dân oan ở Thủ Thiêm đón nhận thông tin về bản án dành cho 29 người dân Đồng Tâm trong cùng lúc Thanh tra Chính phủ thông báo hoãn đối thoại với người dân Thủ Thiêm và chờ cho đến khi nào đủ điều kiện thì mới tổ chức trở lại.

Ông Cao Thăng Ca, một dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA về quan điểm của ông đối với các bản án được tuyên cho người dân Đồng Tâm vào chiều ngày 14/9:

“Theo tôi thì việc tuyên án vụ Đồng Tâm, nói chung là mang màu sắc chính trị nhiều hơn vụ án hình sự bình thường. Nếu là một vụ án hình sự bình thường mà xử như vậy là quá tàn ác. Còn nếu đó là ý đồ chính trị thì người ta (chính quyền) chắc chắn cũng muốn gửi một thông điệp nào đó cho người dân Thủ Thiêm. Bởi vì, người dân ở Thủ Thiêm đã bị họ xử rất nhiều các vụ án hành chính rồi. Họ đã xử không căn cứ vào luật, mà chỉ căn cứ vào chỉ đạo thôi. Tòa án bây giờ xử hoàn toàn không theo luật pháp. Tại vì, ra tòa, dù có nêu đầu đủ chứng cứ mà người ta vẫn xử mình thua. Ở tại tòa, tôi đã nói rằng ‘Xử như thế này là xử Đảng thua, xử nhà nước thua, xử nhân dân thua và xử cho nhóm lợi ích, mhóm tham nhũng thắng. Tại tòa tôi đã từng nói nhiều lần như vậy.”

Ông Ca cùng bà con cư dân Thủ Thiêm ghi nhận rằng Chính quyền TP.HCM cũng đang chính trị hóa vụ Thủ Thiêm, vì luôn chụp mũ những người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện là “thành phần phản đối”, “thành phần chống chính quyền”.

Người dân Đồng Tâm đến viếng ông Lê Đình Kình, ngay sau khi được phóng thích tại tòa ngày 14/9/2020.
Người dân Đồng Tâm đến viếng ông Lê Đình Kình, ngay sau khi được phóng thích tại tòa ngày 14/9/2020. Courtesy: Facebook Võ Hồng Ly (Chụp từ màn hình live stream trên Facebook Duyên Nguyễn)
Kêu gọi xét xử lại vụ án Đồng Tâm

Là một người am hiểu pháp luật Việt Nam và hỗ trợ về pháp lý cho dân oan Thủ Thiêm, ông Cao Thăng Ca bày tỏ rằng ông mong muốn vụ án Đồng Tâm được xét xử lại vì cụ Lê Đình Kình, khi bị lực lượng chức năng bắn chết trong đêm khuya vẫn còn là một đảng viên. Và, theo ông Ca, thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải có trách nhiệm giải oan cho cụ Kình.

Đồng quan điểm với dân oan ở Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Huần, một dân oan ở Hà Nội, cho rằng tất cả dân oan và người dân Việt Nam nên kêu gọi một phiên tòa khác để xét xử công bằng cho người dân Đồng Tâm và gia đình cụ Lê Đình Kình.

“Trong sự việc cả gia đình nhà ông Kình thì coi như là 3 thế hệ đấy. Đời bố, đời con và đời cháu. Cho nên, chúng ta cũng phải kêu gọi và lên tiếng giúp đỡ cho gia đình nhà ông cụ Kình cũng như các gia đình công dân ở Đồng Tâm.”

Hoàn cảnh tương tự cụ ông Lê Đình Kình, với 3 thế hệ phải chịu cảnh sống cuộc đời của những người dân đi khiếu kiện đất đai, bà Nguyễn Thị Huần nói trong nước mắt về thời gian 31 năm qua, mà trong đó hết 16 năm đơn từ gửi đến các cơ quan Trung ương vẫn không được giải quyết.

Theo tôi thì việc tuyên án vụ Đồng Tâm, nói chung là mang màu sắc chính trị nhiều hơn vụ án hình sự bình thường. Nếu là một vụ án hình sự bình thường mà xử như vậy là quá tàn ác. Còn nếu đó là ý đồ chính trị thì người ta (chính quyền) chắc chắn cũng muốn gửi một thông điệp nào đó cho người dân Thủ Thiêm. Bởi vì, người dân ở Thủ Thiêm đã bị họ xử rất nhiều các vụ án hành chính rồi. Họ đã xử không căn cứ vào luật, mà chỉ căn cứ vào chỉ đạo thôi. Tòa án bây giờ xử hoàn toàn không theo luật pháp. Tại vì, ra tòa, dù có nêu đầu đủ chứng cứ mà người ta vẫn xử mình thua. Ở tại tòa, tôi đã nói rằng ‘Xử như thế này là xử Đảng thua, xử nhà nước thua, xử nhân dân thua và xử cho nhóm lợi ích, mhóm tham nhũng thắng. Tại tòa tôi đã từng nói nhiều lần như vậy
-Ông Cao Thăng Ca

“Tôi rời khỏi hàng ngũ quân đội và chuyển công tác cho đến bây giờ suốt 31 năm tôi vẫn phải đi đấu tranh chống lại bọn quan tham, phá nhà cướp đất rồi còn trù dập gia đình nhà tôi không còn một lối thoát. Càng đi đòi công lý thì lại càng trù dập mình thêm. Người ta trù dập đến nỗi cướp cả xe máy và giấy chứng minh thư, xóa tên hộ khẩu, đẩy mình ra đường. Bản thân tôi đã thế này rồi mà đến đời con tôi lấy chồng, cũng không đăng ký kết hôn được. bây giờ cháu tôi được sinh ra cũng không làm được giấy khai sinh. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến tự thiêu từ lâu rồi.”

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Chinh, ở Hải Dương, thân phụ của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng, vừa đi thăm con ở trại giam sau thời gian dài không thể gửi thuốn men do dịch COVID-19, vội vã liên lạc với RFA để muốn nói rằng ông thật đau xót khi nhìn cảnh đứa con trai của ông tiều tụy do bệnh tật và do chân cẳng bị xiềng đến mang tật. Và, ông càng đau xót hơn khi nghe tin con và cháu của cụ Kình nhận lãnh 2 án tử hình và một án chung thân.

Bố của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng từng thăm gặp cụ Kình, ông Công và ông Chức. Vào tối hôm 14/9, ông Chinh chỉ có thể nói với RFA về bản án dành cho con và cháu ông Kình với 3 từ “Bản án vừa bất công, vừa độc ác, vừa tàn bạo”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng ông có niềm tin vào những lời kêu gọi của dân oan Thủ Thiêm và dân oan ở Hà Nội, như bà Nguyễn Thị Huần về một phiên tòa khác công tâm hơn cho người dân Đồng Tâm như suốt 14 năm qua ông vẫn làm để kêu oan cho con trai của mình hay không, ông Chinh giải bày:

“Nói thật, lòng tin vào Chính quyền Cộng sản là không còn. Nhưng công lý thì còn. Nhờ vào các tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, nói chung là nhờ vào các tổ chức dân sự của thế giới cùng trong và ngoài nước, của bà con, của cộng đồng đóng góp tiếng nói xác thực mà Chính quyền Cộng sản cũng phải chùn tay.”

Đài RFA ghi nhận hầu hết những dân oan khắp các miền đất nước Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc được đều cùng một suy nghĩ rằng không biết số phận của những người dân Đồng Tâm có được giảm án hay không, nhưng họ không hề nao núng và sờn lòng trong cuộc đấu tranh giữ đất trước lòng tham của nhóm lợi ích và bọn tham nhũng. Họ, dân oan Việt Nam phải liều mình đến hơi thở cuối vì niềm tin vào công lý vẫn tồn tại trên quê hương hình chữ S của họ.

“Những bản án đó lại càng kích thích chúng tôi phải chiến đấu và hy sinh nhiều hơn nữa, kể cả hy sinh mạng sống. Bây giờ mình chết cũng chả thành vấn đề gì hết, với điều kiện là phải chết một cách xứng đáng.”

Tổng thống Hoa Kỳ được bầu như thế nào?

 


Tổng thống Hoa Kỳ được bầu như thế nào?

Tổng thống Hoa Kỳ không do người dân nước này trực tiếp bỏ phiếu bầu ra, mà được bầu bởi các đại cử tri.

Cùng tìm hiểu hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ các bạn nhé.

Đồng Tâm: 'Một vụ án chứa đựng nhiều điều ý nghĩa'

 

  • Luật sư Ngô Ngọc Trai
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Ngo Ngoc Trai

Nhiều người bày tỏ sự bất bình đối với bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm.

Là luật sư tham gia bào chữa trong vụ án, mặc cho những yếu tố dễ gây phân hóa chia rẽ sâu sắc như cái chết của ông Lê Đình Kình và ba chiến sĩ cảnh sát, bản thân tôi thấy rằng cần kiên định và cố gắng hơn nữa những nỗ lực thúc đẩy dựng xây cho một nền pháp quyền hoàn chỉnh.

Những điều nhận thấy

Là người tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối nên đã được chứng kiến nhiều điều có ý nghĩa.

Hôm tòa tuyên án, ngay khi thẩm phán chủ tọa đang đọc bản án thì hai lần nhân viên tòa án cầm những tờ giấy tiến đến đưa cho Hội đồng Xét xử.

Điều đó cho thấy vào những giờ phút cuối cùng của vụ án vẫn có những ý kiến chỉ đạo đối với án tuyên, cho thấy một sự giám sát sát sao sâu sắc của các cấp lãnh đạo nào đó đối với phán quyết của tòa.

Ngo Ngoc Trai
Chụp lại hình ảnh,

LS Ngô Ngọc Trai là một trong các luật sư tham gia bào chữa trong phiên tòa sơ thẩm Đồng Tâm

Trong suốt phiên xử kéo dài nhiều ngày, không thấy trong giọng nói của thẩm phán chủ tọa sự đanh thép cứng rắn cần có trong một vụ án có tính chất loại này, mà thay vào đó nhiều lúc giọng ông xét hỏi xúc động như muốn khóc, cho thấy một ý nghĩa tác động khác về vụ án.

Mọi nguồn lực đều được phát huy nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án trong đó có ưu thế thể chế, ngay cả nhân viên quản giáo vốn không có vai trò tố tụng cũng đã tham gia vào công tác giáo dục nhận thức cho các bị cáo để thành khẩn ăn năn hối cải.

Trong những ngày diễn ra phiên xét xử, vào những giờ buổi sáng và chiều tối, dọc tuyến đường từ trại giam tới trụ sở tòa án đã bị cấm đường phong tỏa để cho đoàn xe dẫn giải bị cáo tới tòa án.

Một sự ưu tiên thường chỉ thấy ở sự bố trí di chuyển cho nguyên thủ các nước đến Việt Nam. Điều đó cho thấy một sự quan tâm lo lắng rất lớn của các cấp chính quyền trước các mối nguy cơ có thể làm cho vụ việc thêm phần biến động xã hội.

Chứng kiến những điều đó, bản thân tôi rút ra rằng dù cho bản án Đồng Tâm có thế nào thì cũng vẫn cần tiếp tục những nỗ lực dựng xây cho một nền pháp quyền hoàn chỉnh.

Bằng cách đó sẽ giúp đỡ cho không chỉ người dân mà ngay cả các cơ quan chính quyền nhìn ra được giải pháp lối thoát cho các vấn đề phát triển và quản trị xã hội của họ.

Chế định pháp lý

Vụ án Đồng Tâm nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội cho thấy bản thân vụ án chứa đựng trong đó nhiều điều có ý nghĩa.

Với những chiều kích cảm xúc trái ngược nhau từ các phía cho thấy vụ án đụng chạm tới gốc rễ lương tri nhận thức con người và ẩn chứa các vấn đề triết lý nền tảng mà từ đó đòi hỏi sự xác lập lại nhận thức và thiết lập lên những thiết chế.

Ngo Ngoc Trai
Chụp lại hình ảnh,

Bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, cho biết bà không được cho vào dự phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội

Thực tế quá trình xét xử cho thấy Hội đồng Xét xử chỉ tập trung vào hành vi của các bị cáo để xử lý mà không xét đến những hoàn cảnh đã đẩy đưa nhóm người dẫn đến chống đối.

Hội đồng Xét xử cũng không xét đến những yếu tố về lệnh điều động hay phương án bố ráp bắt giữ không hợp lý của cấp chỉ huy đã góp phần dẫn đến hệ quả của tội phạm.

Lối giải quyết như vậy sẽ khiến việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện và đầy đủ như Bộ luật Tố tụng Hình sự đòi hỏi và không giúp chỉ ra được để khắc phục nguyên nhân điều kiện dẫn đến tội phạm.

Ngoài ra sẽ không giúp nâng cao chất lượng của công tác huấn luyện và ra các mệnh lệnh, sẽ đặt để các chiến sĩ vào tình trạng rủi ro trong những việc về sau.

Điều đúng đắn là không nên lựa chọn góc nhìn hạn hẹp như vậy về sự việc mà cần thấy rằng đằng sau vụ án Đồng Tâm là rất nhiều vấn đề bất cập về chính sách pháp luật đất đai cũng như tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi một sự hiệu chỉnh thay đổi để kiến tạo môi trường pháp lý an toàn cho phát triển.

Đi tìm giải pháp

Vụ án Đồng Tâm là hệ quả của những bất cập trong chính sách quản lý đất đai, bất cập trong tổ chức chính quyền nhà nước, bất cập trong đường lối quản trị quốc gia.

Ngày hôm nay là Đồng Tâm, ngày mai có thể là một cộng đồng dân cư khác hay một tập đoàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cho nên để đảm bảo nền pháp quyền chuẩn mực đúng đắn dù cho kết quả bản án Đồng Tâm hôm nay có như thế nào thì sẽ vẫn cần tiếp tục những nỗ lực dựng xây.

Mọi người cần tiếp tục thúc giục áp lực nhà nước sửa đổi chính sách pháp luật đất đai, công nhận quyền sở hữu của người dân đối với đất đai, củng cố vững chắc quyền tư hữu và quyền sở hữu tài sản của người dân.

Tình trạng pháp lý giấy tờ mơ hồ của đất Đồng Sênh chính là hệ quả của việc đất đai vô chủ nhập nhèm, là môi trường dung dưỡng cho những mâu thuẫn tranh cãi bất đồng.

Cần rà soát, sửa đổi bãi bỏ những chế định pháp lý xem nhẹ quyền sở hữu, dễ dàng trưng mua trưng dụng thu hồi tài sản của công dân. Việc này cần làm để hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ không phát triển thịnh vượng khi quyền sở hữu tài sản không được củng cố vững chắc.

Mọi người cũng cần thúc giục nhà nước cải cách thể chế nâng cao quyền hạn cho ngành tòa án để Tòa án có đủ khả năng thực thi công lý mà không cần đến những chỉ đạo, góp phần tích cực cho quản trị quốc gia.

Các vụ việc tranh chấp giữa người dân hoặc một cộng đồng dân cư với chính quyền các cấp hoặc kể cả với chính phủ đều sẽ phải được giải quyết bởi tòa án, thay vì cơ quan nhà nước sử dụng quyền lực hành chính để áp đặt lối giải quyết các tranh chấp vướng mắc có liên quan đến mình.

Cần thúc giục nhà nước xây dựng củng cố chính quyền dân sự, tiết giảm vai trò ảnh hưởng của ngành cảnh sát để hòa hợp với đời sống xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường.

Nhà nước cần đặt nền móng cho các hoạt động bằng lối nhận thức duy lý, coi trọng các hoạt động đối thoại, đàm phán, thương lượng, hòa giải thay cho các hoạt động sức mạnh cường quyền với nhiều thuộc tính cưỡng chế mệnh lệnh.

Thực tế thì nhà nước lâu nay cũng đã tiến hành những cải cách sửa đổi, nhưng quyết tâm không nhiều, bước tiến bước lùi, tiến bộ rất chậm chạp, mà trong thời gian đó nhiều sự vụ vẫn xảy ra trong đời sống, tính mạng và tài sản của người dân bị nhiều rủi ro.

Cho nên qua vụ Đồng Tâm này, nhà nước nên coi đây là một hồi chuông báo động, một minh chứng cho thấy nhu cầu khẩn trương cấp bách về những giải pháp chính sách cải cách đột phá cho phát triển, nhằm tránh xảy ra cho những vụ việc về sau.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.

Vụ Đồng Tâm: “Bị cáo đưa ánh mắt cầu cứu nhìn luật sư”

BBC

Các luật sư bào chữa cho 29 bị cáo Đồng Tâm
Chụp lại hình ảnh,

Các luật sư bào chữa cho 29 bị cáo Đồng Tâm

Luật sư Lệ Quyên, một trong các luật sư của các bị cáo vụ Đồng Tâm thuật lại với BBC những gì 'tai nghe, mắt thấy' trong phiên tuyên án sơ thẩm vụ án hôm 14/9/2020.

Nhiều bị cáo tỏ ra 'căng thẳng' khi xuất hiện tại phiên tuyên án sơ thẩm vụ Đồng Tâm, có bị cáo 'đầu vụ' đưa ánh mắt 'như cầu cứu' hướng về phía các luật sư bên bị, có bị cáo 'khóc ngất, kêu oan', một trong bốn luật sư có mặt tại phiên tòa hôm 14/9/2020 nói với BBC News Tiếng Việt cùng ngày.

Hôm thứ Hai, ngay sau phiên tòa trên kết thúc, luật sư Lệ Quyên từ Hà Nội kể lại với BBC những gì bà chứng kiến tận mắt quanh và bên trong phiên tại tòa trong đó có những điểm 'mới' về kiểm soát an ninh:

"An ninh vẫn kiểm soát chặt như từ khi khai mạc toàn phiên tòa, tức là từ cổng vào các luật sư bên bị phải trải qua bốn chốt an ninh.''

"Song hôm nay chặt chẽ hơn là các luật sư phải cởi giày kiểm tra, mọi lần khác sẽ không cần phải cởi giày ra kiểm tra. Lần này kiểm tra cởi giày ra để kiểm tra và để hết các thiết bị ở bên ngoài.''

"Khi vào thì các luật sư sẽ được trang bị máy tính để làm việc, nhưng máy tính đó không được kết nối mạng Internet…''

"Hôm nay, chúng tôi đã đến sớm hai mươi phút, vấn đề kiểm soát an ninh vẫn vận hành như mọi hôm, chúng tôi thấy rất đông người dân đã đứng vào những ngõ ngách nhỏ, nằm bên hông của tòa án.''

"Bên cạnh những người dân đó có rất nhiều người mặc quân phục và thường phục đứng để canh chừng những người dân.''

"Đến lúc 14h50, các luật sư bên bị của chúng tôi đã có mặt ở bên trong phòng xét xử, và trong phòng xét xử này có đại diện của gia đình bị hại là ông Lâm, tiếp theo đó là có một số luật sư đã có mặt, bên cạnh đó một số luật sư chỉ định. Luật sư mà gia đình bị cáo mời chỉ có bốn luật sư, còn luật sư chỉ định khoảng bảy người."

'Khóc ngất, kêu oan, đưa mắt cầu cứu'

Theo Luật sư Lệ Quyên, có một điểm khác biệt đầu tiên được nhận thấy trong phiên tuyên án này, bà nói:

"Mọi lần trong các phiên xét xử trước, người ta dẫn tất cả các bị cáo vào cùng một lúc, nhưng hôm nay họ chia thành ba, bốn đợt.''

"Có nghĩa là đầu tiên dẫn bốn người vào trước (các bị cáo Kim, La, Lụa, Bét), sau đó bà Nối được dẫn đi bên cạnh.''

"Riêng bà Nối được hai cảnh sát áp giải dẫn vào, tuy nhiên bà Nối cũng như mọi lần lại bị đưa ra, không biết đưa ra đi vệ sinh hay là sợ bà ấy có phản ứng.''

"Khi Hội đồng Xét xử bước vào làm việc, tôi thấy một số bị cáo khuôn mặt khá mệt mỏi, đặc biệt có bị cáo Loan, bà khóc ngất đi và tay giằng xé và luôn luôn kêu oan.''

Hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, con ông Lê Đình Kình, bị tuyên án tử hình trong phiên tòa ngày 14/9/2020
Chụp lại hình ảnh,

Hai ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, con ông Lê Đình Kình, bị tuyên án tử hình trong phiên tòa ngày 14/9/2020

"Bị cáo Nối vẫn ngồi như mọi hôm, bà ngồi khoanh chân, mắt nhìn thẳng, nhưng hôm nay mặt của bà Nối rất mệt mỏi.''

"Riêng bị cáo Chức và bị cáo Công, chúng tôi rất khó nhìn, bước vào đấy, tất cả cảnh sát áp giải đã gần như chắn hướng nhìn của luật sư bên bị chúng tôi.''

"Và chúng tôi rất khó nhìn, lúc sau thì chúng tôi nhìn thấy được bị cáo Chức. Bị cáo Chức có đưa ánh mắt nhìn lại các luật sư và ánh mắt rất là buồn.''

"Ánh mắt của bị cáo Chức như nói rất là nhiều, cảm giác như là đang cầu cứu các luật sư, có nghĩa là hãy bảo vệ cho chúng tôi.''

"Tiếp theo đó, bị cáo Chức nhìn thẳng lên Hội đồng Xét xử với ánh mắt nhìn vào khoảng không trung, có nghĩa như là vô hồn."

'Tuyên án nghe nhìn được từ bên trong tòa'

Luật sư Lệ Quyên tường trình tiếp những gì bà và đồng nghiệp chứng kiến từ bên trong phòng xử án:

"Kế đó, Hội đồng Xét xử làm việc tiếp và đọc bản án, trước tiên là đọc về nhân thân các bị cáo, thứ hai là đọc phần luận tội của bên Viện Kiểm sát.''

"Tiếp theo là nhận định của Tòa án và đọc bản kết tội 29 bị cáo và tòa tuyên vẫn giữ nguyên hai án tử hình được đề nghị đối với Lê Đình Công và Lê Đình Chức.''

"Riêng bị cáo Nối đã bị tăng nặng hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, có nghĩa là đề nghị của bên Viện này là từ 4-5 năm, nhưng Tòa án cho rằng bị cáo Nối là 'không nhận tội', 'cứng đầu', 'không thành khẩn khai báo', cho nên mức hình phạt của bị cáo Nối là lên 6 năm.''

"Còn hầu như các bị cáo đều được giảm án, một số bị cáo đã được án treo, khoảng 13 bị cáo được án treo."

Về trường hợp của bị cáo Lê Đình Doanh, cháu nội ông Lê Đình Kình, người trước đó bị đề nghị mức án tù chung thân, Luật sư Lệ Quyên cho biết:

"Ông Doanh, theo đề nghị thì lẽ ra ông Doanh phải bị án tử hình, nhưng xét về gia đình của ông Doanh đã có ông Công và ông Chức đã bị án tử hình rồi, cho nên nhận thấy phải có sự giảm nhẹ của pháp luật, ông Doanh đã được đề nghị án chung thân."

Tiếp diễn hậu sơ thẩm sẽ thế nào?

Khi được hỏi về diễn biến sắp tới liên quan vụ án, hậu phiên sơ thẩm mà các luật sư biết được vào thời điểm này, Luật sư Lệ Quyên nói với BBC:

"Sau khi kết thúc phiên tòa hôm nay, chúng tôi có được tiếp xúc với hai bị cáo mà chúng tôi bào chữa, đó là bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức.''

"Và chúng tôi được biết hai bị cáo đó có kháng cáo. Còn tất cả những bị cáo khác, chúng tôi không thể biết được suy nghĩ của họ như thế nào.

"Theo quy định, sau 15 ngày, nếu không có kháng cáo, kháng nghị, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.''

Luật sư Ngô Anh Tuấn (trước) và luật sư Đặng Đình Mạnh thu thập bằng chứng tại giếng trời, được cho là nơi ba công an rơi xuống, tại nhà ông Lê Đình Kình, Đồng Tâm, Hà Nội
Chụp lại hình ảnh,

Luật sư Ngô Anh Tuấn (trước) và luật sư Đặng Đình Mạnh thu thập bằng chứng tại giếng trời, được cho là nơi ba công an rơi xuống, tại nhà ông Lê Đình Kình, Đồng Tâm, Hà Nội

"Nếu có kháng cáo, thì sẽ kháng cáo lên tòa cấp cao và sẽ có một phiên xét xử phúc thẩm.''

"Và khi có kháng cáo của các bị cáo và các bị cáo có yêu cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng họ để bảo vệ, để bào chữa họ.''

"Tất cả chúng tôi, những luật sư đã được gia đình mời sẽ tiếp tục trên con đường bảo vệ họ," Luật sư Lệ Quyên nói với BBC ngay sau phiên tòa tuyên án sơ thẩm kết thúc hôm 14/9 từ Hà Nội.

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận nhân kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm hôm 14/9/2020 trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt. 

Powered by Blogger.