Tin Việt Nam – 15/09/2020
Phản ứng dư luận trước án tử hình trong vụ xử Đồng Tâm
Ngay sau khi Tòa án Nhân dân Tối cao TP Hà Nội tuyên án với 29 bị cáo Đồng Tâm trong phiên sơ thẩm ngày 14/9, Ân xá Quốc tế (Amnesty) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về sự việc.
Trong một văn bản gửi cho BBC News Tiếng Việt, tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định rằng “Đây là một bản án vô nhân đạo sau một phiên tòa bất công trắng trợn”.
Phản ứng quốc tế
“19 trong số 29 bị cáo nói rằng họ đã bị tra tấn để phải nhận tội, một tuyên bố, nếu chính xác, làm suy yếu nghiêm trọng độ tin cậy của bản án, và thúc đẩy việc mở một cuộc điều tra độc lập, minh bạch và đáng tin cậy. Tổ chức Ân xá trước đây đã ghi nhận việc sử dụng tra tấn phổ biến đối với những người bị giam giữ ở Việt Nam,” văn bản của Ân xá Quốc tế viết.
Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án?
Đồng Tâm: Luật sư của 3 công an ‘biến tòa thành nhà tang lễ’?
Xử án Đồng Tâm: Cơ hội, thử thách cho Đảng Cộng sản cải tổ?
Cũng theo tổ chức này, việc tự ý đàn áp thông tin độc lập trên mạng xã hội liên quan đến các sự kiện ở Đồng Tâm đã làm dấy lên sự bất bình của công chúng, và quá trình tố tụng ‘kỳ quặc’ của phiên tòa này “chỉ gây thêm nghi ngờ rằng giới chức có các phiên bản khác nhau về sự kiện này”.
“Các bị cáo được cho là đã từ chối quyền tham vấn luật sư và chỉ một tờ báo nhà nước duy nhất được phép tham gia phiên tòa.”
“Tử hình là hình phạt tàn ác, vô nhân đạo và vô nhân tính tột cùng. Tổ chức Ân xá Quốc tế phản đối hình phạt tử hình trong mọi trường hợp, và không có ngoại lệ – bất kể ai bị buộc tội, bản chất hoặc hoàn cảnh của vụ phạm tội, có tội hay vô tội, hoặc phương pháp thực hiện,” Ân xá Quốc tế khẳng định trong văn bản.
Cùng ngày, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng lên tiếng về phiên tòa ‘có án nặng’ nhưng ‘không gây ngạc nhiên’.
“Các bản án nặng đối với các bị cáo Đồng Tâm, bao gồm hai án tử hình, không có gì ngạc nhiên. Giống như tất cả các tòa án ở Việt Nam, tòa án Hà Nội này không độc lập vì phải tuyên các bản án đã được xác định trước theo phán quyết Đảng cộng sản.”
“Các nhà cầm quyền của Việt Nam đang dốc mọi nỗ lực để thể hiện thái độ cứng rắn nhất có thể đối với dân làng Đồng Tâm vì họ lo ngại sự phản đối trong cộng đồng sẽ lây lan trừ khi các bị cáo chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất.”
Vụ án Đồng Tâm: Nhà nước VN sẽ lại thắng người dân?
André Menras: ‘Vụ Đồng Tâm – ĐCSVN từ mị dân đến coi dân là kẻ thù’
Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?
“Với việc đại hội toàn quốc của đảng Cộng Sản cầm quyền sẽ diễn ra chỉ trong vài tháng tới, không có khả năng xảy ra bất cứ điều gì khác ngoài một phiên tòa vội vã, thông qua một tòa án bị kiểm soát, giáng những hình phạt nặng nề vào những bị cáo này.”
“Chính phủ Việt Nam đã phong ba cảnh sát hy sinh này thành liệt sĩ vì “an ninh trật tự” nhưng sự hiểu biết của chính quyền về khái niệm đó chắc chắn không bao gồm việc tôn trọng nhân quyền. Việt Nam cũng đã một lần nữa nhắc nhở thế giới rằng cùng với Trung Quốc, nước này là một trong những nước vẫn kiên quyết sử dụng án tử hình, một hình phạt vốn dĩ rất dã man, không bao giờ nên áp đặt lên bất kỳ ai “.
Trong bài Vietnam’s Dong Tam Incident: the Curtain Falls, ông David Brown, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, viết:
“Hầu như chừng nào còn có nông dân, còn có những cuộc nổi dậy của nông dân (Wikipedia có một danh sách dài các cuộc nổi dậy này), và hầu như lúc nào họ cũng bị đàn áp dã man.”
“Ở Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1769-88) đã thành công trong một khoảng thời gian. Cùng với nhiều cuộc nổi dậy ngắn ngủi khác nhau của nông dân chống lại các doanh nghiệp thuộc địa của Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20, nó được lưu danh trong sách lịch sử cấp trung học phổ thông của Việt Nam.”
“Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc biểu tình phản đối bất công của nông dân là một câu chuyện quen thuộc. Ông Lê Đình Kình dường như đã thuyết phục chính mình, các con trai, bạn bè và những người hàng xóm rằng công lý, nếu không phải là văn bản của pháp luật, luôn đứng về phía họ, với hậu quả bi thảm.”
“Một ngày nào đó, ông Kình và những người như ông có thể cũng sẽ được tưởng nhớ”
Dư luận trong nước
Facebook của bà Nguyễn Thị Duyên (cháu dâu ông Lê Đình Kình) livestream hình ảnh người dân Đồng Tâm đón những người được thả tự do tại tòa về. Những người được hưởng án treo này đã cùng một số người dân khác đến viếng mộ cụ Lê Đình Kình.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ viết:
“Tôi tính không viết gì về vụ Đồng Tâm, chấp nhận mình thành một thằng hèn giữa những nhiễu nhương thời cuộc. Nhưng nay xem VTV1, thấy nhà đài ca ngợi bản án với 2 án tử hình, 1 án chung thân (đều dành cho người một nhà, trong khi cha, ông họ đã phải chết trong cuộc xung đột đó) là NHÂN VĂN, HỢP TÌNH HỢP LÝ, tôi không thể chịu nổi. “Nhân văn” chỗ nào, “hợp tình hợp lý” chỗ nào thế VTV?
Một cuộc tấn công mà 3 chiến sĩ công an hy sinh, một người dân già mất mạng, 2 án tử, 1 chung thân và một loạt mức án khác – đó là một nỗi đau lịch sử, cho cả 2 bên, là người dân và những chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Chẳng ai có thể gọi cái chết là “nhân văn”, là “hợp tình hợp lý”, bởi những cụm từ đó sẽ thuộc về sự sống và sự cứu rỗi”, ông Hoàng Nguyên Vũ nếu ý kiến.
Thạc sĩ Nghiêm Hoa, nhà nghiên cứu và thực hành sư phạm nhân quyền và phát triển dựa trên quyền ở Việt Nam viết trên Facebook:
“Mình phản đối bản án tử hình. Trong bất kỳ trường hợp nào. Bản án tử hình dành cho ông Chức còn là một sự phân biệt giới: phụ nữ nuôi con nhỏ thì không bị án tử hình, nhưng một người bố có đứa con vừa chào đời thì không đáng kể chi. Nghe nói VTV bình luận bản án này là nhân văn, không biết chỗ này nhân văn ở đâu?!”
Phản ứng trước cách đài truyền hình Việt Nam tường thuật, nhà báo Chau Doan viết trên Facebook:
“Một vụ án 2 án tử hình, với 29 bị cáo mà vội vàng gói trong 3 ngày, bỏ qua yêu cầu về thực nghiệm hiện trường, hạn chế việc tiếp xúc với bị can tới tối đa, chứng cớ đưa ra thì mập mờ, vô lý. Một bản án đầy tính áp đặt của độc tài vậy mà truyền hình đưa tin là “nhân văn”. Đấy là kiểu nhân văn của sói đàn. Một sự nhân văn mồm mép bọc ngoài sự man rợ. Trong khi nhiều nước đã bỏ án tử hình”.
Bên cạnh đó, một nhóm xã hội dân sự có tên ‘Công dân hành động’ đã làm bản kiến nghị phản đối bản án của tòa sơ thẩm về vụ Đồng Tâm.
Nhiều tri thức đã ký tên và chia sẻ trên trang Facebook của mình như: TS khoa học Nguyễn Quang A, TS Đặng Hoàng Giang, ThS. Nghiêm Hoa, PGS – TS Nguyễn Hoàng Ánh, Jang Kều (Nhà sáng lập Nhà chống lũ), các nhà hoạt động xã hội và người dân.
Truyền thông Việt Nam
Sau khi tòa tuyên án hôm 14/9, bản tin thời sự VTV, cùng ngày đưa tin:
“Vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc xã hội… Quá trình xét xử sơ thẩm đã khép lại với bản án nghiêm khắc nhưng cũng mang đậm chất nhân văn, thể hiện sự khoan hồng dành cho các bị cáo”.
“Trong lời nói sau cùng trước tòa, nhiều bị cáo đã từ chối luật sư tiếp tục bào chữa cho mình do hành vi vi phạm pháp luật đã quá rõ ràng.”
“Bản án sơ thẩm đã tuyên được dư luận đánh giá là đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng mang đậm chất nhân văn, thể hiện sự khoan hồng dành cho các bị cáo”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54157589
Đồng Tâm: ‘Một vụ án chứa đựng nhiều điều ý nghĩa’
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Nhiều người bày tỏ sự bất bình đối với bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với 29 bị cáo trong vụ Đồng Tâm.
Là luật sư tham gia bào chữa trong vụ án, mặc cho những yếu tố dễ gây phân hóa chia rẽ sâu sắc như cái chết của ông Lê Đình Kình và ba chiến sĩ cảnh sát, bản thân tôi thấy rằng cần kiên định và cố gắng hơn nữa những nỗ lực thúc đẩy dựng xây cho một nền pháp quyền hoàn chỉnh.
Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án?
Vụ Đồng Tâm: Nhiều bị cáo ‘rất mệt mỏi’ tại phiên tuyên án
Đồng Tâm: Tuyên án tử hình ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức
Những điều nhận thấy
Là người tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối nên đã được chứng kiến nhiều điều có ý nghĩa.
Hôm tòa tuyên án, ngay khi thẩm phán chủ tọa đang đọc bản án thì hai lần nhân viên tòa án cầm những tờ giấy tiến đến đưa cho Hội đồng Xét xử.
Điều đó cho thấy vào những giờ phút cuối cùng của vụ án vẫn có những ý kiến chỉ đạo đối với án tuyên, cho thấy một sự giám sát sát sao sâu sắc của các cấp lãnh đạo nào đó đối với phán quyết của tòa.
Trong suốt phiên xử kéo dài nhiều ngày, không thấy trong giọng nói của thẩm phán chủ tọa sự đanh thép cứng rắn cần có trong một vụ án có tính chất loại này, mà thay vào đó nhiều lúc giọng ông xét hỏi xúc động như muốn khóc, cho thấy một ý nghĩa tác động khác về vụ án.
André Menras: ‘Vụ Đồng Tâm – Đảng CSVN từ mị dân đến coi dân là kẻ thù’
Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?
“Cần đoàn kết quốc gia Việt Nam sau vụ Đồng Tâm”
Mọi nguồn lực đều được phát huy nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án trong đó có ưu thế thể chế, ngay cả nhân viên quản giáo vốn không có vai trò tố tụng cũng đã tham gia vào công tác giáo dục nhận thức cho các bị cáo để thành khẩn ăn năn hối cải.
Trong những ngày diễn ra phiên xét xử, vào những giờ buổi sáng và chiều tối, dọc tuyến đường từ trại giam tới trụ sở tòa án đã bị cấm đường phong tỏa để cho đoàn xe dẫn giải bị cáo tới tòa án.
Một sự ưu tiên thường chỉ thấy ở sự bố trí di chuyển cho nguyên thủ các nước đến Việt Nam. Điều đó cho thấy một sự quan tâm lo lắng rất lớn của các cấp chính quyền trước các mối nguy cơ có thể làm cho vụ việc thêm phần biến động xã hội.
Chứng kiến những điều đó, bản thân tôi rút ra rằng dù cho bản án Đồng Tâm có thế nào thì cũng vẫn cần tiếp tục những nỗ lực dựng xây cho một nền pháp quyền hoàn chỉnh.
Bằng cách đó sẽ giúp đỡ cho không chỉ người dân mà ngay cả các cơ quan chính quyền nhìn ra được giải pháp lối thoát cho các vấn đề phát triển và quản trị xã hội của họ.
Chế định pháp lý
Vụ án Đồng Tâm nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội cho thấy bản thân vụ án chứa đựng trong đó nhiều điều có ý nghĩa.
Với những chiều kích cảm xúc trái ngược nhau từ các phía cho thấy vụ án đụng chạm tới gốc rễ lương tri nhận thức con người và ẩn chứa các vấn đề triết lý nền tảng mà từ đó đòi hỏi sự xác lập lại nhận thức và thiết lập lên những thiết chế.
Thực tế quá trình xét xử cho thấy Hội đồng Xét xử chỉ tập trung vào hành vi của các bị cáo để xử lý mà không xét đến những hoàn cảnh đã đẩy đưa nhóm người dẫn đến chống đối.
Hội đồng Xét xử cũng không xét đến những yếu tố về lệnh điều động hay phương án bố ráp bắt giữ không hợp lý của cấp chỉ huy đã góp phần dẫn đến hệ quả của tội phạm.
Lối giải quyết như vậy sẽ khiến việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện và đầy đủ như Bộ luật Tố tụng Hình sự đòi hỏi và không giúp chỉ ra được để khắc phục nguyên nhân điều kiện dẫn đến tội phạm.
Ngoài ra sẽ không giúp nâng cao chất lượng của công tác huấn luyện và ra các mệnh lệnh, sẽ đặt để các chiến sĩ vào tình trạng rủi ro trong những việc về sau.
Điều đúng đắn là không nên lựa chọn góc nhìn hạn hẹp như vậy về sự việc mà cần thấy rằng đằng sau vụ án Đồng Tâm là rất nhiều vấn đề bất cập về chính sách pháp luật đất đai cũng như tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi một sự hiệu chỉnh thay đổi để kiến tạo môi trường pháp lý an toàn cho phát triển.
Đi tìm giải pháp
Vụ án Đồng Tâm là hệ quả của những bất cập trong chính sách quản lý đất đai, bất cập trong tổ chức chính quyền nhà nước, bất cập trong đường lối quản trị quốc gia.
Ngày hôm nay là Đồng Tâm, ngày mai có thể là một cộng đồng dân cư khác hay một tập đoàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cho nên để đảm bảo nền pháp quyền chuẩn mực đúng đắn dù cho kết quả bản án Đồng Tâm hôm nay có như thế nào thì sẽ vẫn cần tiếp tục những nỗ lực dựng xây.
Mọi người cần tiếp tục thúc giục áp lực nhà nước sửa đổi chính sách pháp luật đất đai, công nhận quyền sở hữu của người dân đối với đất đai, củng cố vững chắc quyền tư hữu và quyền sở hữu tài sản của người dân.
Tình trạng pháp lý giấy tờ mơ hồ của đất Đồng Sênh chính là hệ quả của việc đất đai vô chủ nhập nhèm, là môi trường dung dưỡng cho những mâu thuẫn tranh cãi bất đồng.
Cần rà soát, sửa đổi bãi bỏ những chế định pháp lý xem nhẹ quyền sở hữu, dễ dàng trưng mua trưng dụng thu hồi tài sản của công dân. Việc này cần làm để hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ không phát triển thịnh vượng khi quyền sở hữu tài sản không được củng cố vững chắc.
Mọi người cũng cần thúc giục nhà nước cải cách thể chế nâng cao quyền hạn cho ngành tòa án để Tòa án có đủ khả năng thực thi công lý mà không cần đến những chỉ đạo, góp phần tích cực cho quản trị quốc gia.
Các vụ việc tranh chấp giữa người dân hoặc một cộng đồng dân cư với chính quyền các cấp hoặc kể cả với chính phủ đều sẽ phải được giải quyết bởi tòa án, thay vì cơ quan nhà nước sử dụng quyền lực hành chính để áp đặt lối giải quyết các tranh chấp vướng mắc có liên quan đến mình.
Cần thúc giục nhà nước xây dựng củng cố chính quyền dân sự, tiết giảm vai trò ảnh hưởng của ngành cảnh sát để hòa hợp với đời sống xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường.
Nhà nước cần đặt nền móng cho các hoạt động bằng lối nhận thức duy lý, coi trọng các hoạt động đối thoại, đàm phán, thương lượng, hòa giải thay cho các hoạt động sức mạnh cường quyền với nhiều thuộc tính cưỡng chế mệnh lệnh.
Thực tế thì nhà nước lâu nay cũng đã tiến hành những cải cách sửa đổi, nhưng quyết tâm không nhiều, bước tiến bước lùi, tiến bộ rất chậm chạp, mà trong thời gian đó nhiều sự vụ vẫn xảy ra trong đời sống, tính mạng và tài sản của người dân bị nhiều rủi ro.
Cho nên qua vụ Đồng Tâm này, nhà nước nên coi đây là một hồi chuông báo động, một minh chứng cho thấy nhu cầu khẩn trương cấp bách về những giải pháp chính sách cải cách đột phá cho phát triển, nhằm tránh xảy ra cho những vụ việc về sau.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-54161665
Tác động chính trị, xã hội
của vụ xét xử Đồng Tâm thế nào?
Quốc Phương
Phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm tại Việt Nam vừa khép lại với hai bản án tử hình được tuyên và nhiều án được cho là nặng nề khác dành cho nhiều bị cáo ‘đầu vụ’ chắc chắn tạo ra nhiều tác động, ảnh hưởng chính trị, tâm lý, xã hội tiêu cực ở trong nước và có thể ảnh hưởng tới hình ảnh đối ngoại, hai ý kiến nói với BBC News Tiếng Việt hôm 15/9/2020.
Từ Hà Nội và Sài Gòn, ba nhà quan sát tình hình thời sự và chính trị Việt Nam, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) và Phó Giáo sư Mạc Văn Trang (chuyên gia tâm lý học) trước hết đưa ra nhận xét tổng quan của mình về phiên tòa Đồng Tâm và xét xử, phán quyết của tòa.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Tôi thấy lại có thêm một cái án “bỏ túi”, công lý không được thực thi đối với bốn cái chết: cho ba cảnh sát bị chết “than hóa” và cho ông Lê Đình Kình, bị cảnh sát bắn chết. Vụ án là bi kịch mới nhất của việc thực thi luật đất đai dựa trên “sở hữu toàn dân” một cách tùy tiện, tham nhũng. Phiên tòa tùy tiện, không tuân thủ luật tố tụng hình sự năm 2015, quyền được có phiên tòa công bằng, công khai của các bị cáo và bị hại đã bị tước đoạt. Phán quyết là một hình thức trấn áp bạo lực.
Phó Giáo sư Mạc Văn Trang: Tôi có thể nói ngay thứ nhất là phiên tòa xét xử vụ án đồng Tâm của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa qua là điển hình của những sai phạm pháp luật: một là điều tra không có chứng cứ giết người như thế nào, đốt xác ra sao, không có thực nghiệm hiện trường v.v… luận tội và kết án chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo, tức là trọng cung hơn trọng chứng v.v… mà trong cung thì đã có bao nhiêu vụ án quy tội giết người oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén…
Thứ hai là Toà còn vi phạm một loạt các quy định pháp luật và tố tung, mà ngay phiên khai mạc 10 luật sư đã kiến nghị chánh tòa phải xử lý. Nhưng họ lờ đi hết. Phiên tòa xử 29 người, trong đó có 25 người bị truy tố tội “giết người”, vậy mà diễn ra một cách hết sức chóng vánh và bi hài. Vậy thì các lời luận tội và kết án đều không đủ tin cậy, không có giá trị.
Hậu quả sẽ còn lan rộng?
Kinh tế gia Bùi Kiến Thành: Từ một vụ kiện hình sự địa phương, phiên tòa đã đã biến vụ việc thành một vụ xung đột giữa nhà nước và nông dân, và làm nổi bật lên tính chất bất công của các vụ tranh chấp về chủ quyền đất đai trong toàn quốc, giữa các cơ quan nhà nước được “cấp” đất và nhân dân bị “cướp” đất. Hậu quả từ vụ việc này sẽ còn lan rộng, và có khả năng dẫn đến các bất an xã hội chưa có hồi kết.
Ngoài ra vụ việc còn làm nổi bật tính chất yếu kém của hệ thống tòa án Việt Nam. Tại hôm đầu tiên của phiên sơ thẩm ngày 7/9, các luật sư bào chữa đã làm đơn khiếu nại vì phiên tòa có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, nhưng không được Tòa quan tâm.
Vụ án còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của ba cán bộ công an. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thực nghiệm điều tra để góp phần làm sáng tỏ vấn đề. Không xác định 3 chiến sỹ, sỹ quan công an bị bắn chết thế nào? Có phải là do đồng đội bắn nhầm? Còn tồn tại nhiều tranh cãi xung quanh cái chết của ba cán bộ công an. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thực nghiệm điều tra để góp phần làm sáng tỏ vấn đề.
Với những sự kiện trên đây, các phán quyết, và các mức án được tuyên làm cho người theo dõi quan sát, liên tưởng đến các “Tòa án nhân dân” của thời đại Stalin.
Cũng cần nên lưu ý rằng khi vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm lên đến cao trào, đỉnh điểm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân. Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm. Trong cáo trạng cũng ghi rõ kế hoạch tấn công vào Đồng Tâm được công an TP Hà Nội đưa ra, đề nghị, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương, Bộ Công an phê duyệt. Như vậy rõ ràng là chính quyền đã không tôn trọng lời cam kết của nhà nước.
Hậu quả sẽ là khó lường?
BBC: Sau phiên tòa này, công luận, người dân, cán bộ, đảng viên và các giới quan tâm theo dõi có thể đặt câu hỏi hay băn khoăn vấn đề gì không? Nếu có thì là gì?
Ông Hà Hoàng Hợp: Đây là phiên tòa bất chấp công luận và lẽ thường. Tất cả những người có lương tri đều đòi hỏi công lý, pháp quyền và sự công bằng.
Ông Mạc Văn Trang: Sau phiên tòa lòng dân ly tán. Nhiều người bi quan hoài ghi, buồn bã, bế tắc. Nhưng nhiều người lại cho rằng phiên tòa nói lên bản chất của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và đó là cơ sở để đòi hỏi phải thay đổi. Vấn đề chính sau phiên tòa sơ thẩm là phải điều tra lại với đầy đủ chứng cứ và phải thực nghiệm hiện trường đốt cháy ba cảnh sát bằng đổ xăng. Nếu không thực nghiệm hiện trường thì không thể kết tội mấy người dân đã đổ xăng giết công an dưới hố.
Ông Bùi Kiến Thành: Mọi người quan tâm theo dõi sẽ tự hỏi Công lý Việt Nam sẽ đi về đâu? Nhân quyền Việt Nam sẽ phát triển ra sao? Người dân, cán bộ, đảng viên sẽ còn là “đồng hội đồng thuyền, chia cơm xẻ áo” hay trở thành đối thủ, người có chức có quyền sẽ tiếp tục đàn áp người dân? Nếu tình trạng không được sửa sai, từ những vụ việc riêng lẻ, sẽ trở thành xung đột giữa nhân dân và nhà nước, với hậu quả khó lường
BBC: Phiên tòa này có thể tạo ra hay gây ra tác động, ảnh hưởng hay phản ứng chính nào về mặt tâm lý, xã hội, luật pháp, chính trị và thậm chí đối ngoại đối với chính quyền và nhà nước Việt Nam?
Ông Hà Hoàng Hợp: Theo tôi, tuyên án chiều 14 tháng 9 năm 2020 của phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm để lại một sự chia sẽ sâu sắc trong xã hội Việt Nam, càng làm nhấn mạnh nhu cầu phải cải cách toàn diện xã hội Việt Nam.
Ông Mạc Văn Trang: Tôi cho rằng phiên tòa này ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tin của dân với nền tư pháp và chế độ nói chung. Quốc tế cũng nhìn vào phiên tòa này để thấy bản chất của chính quyền là thế nào.
Ông Bùi Kiến Thành: Qua phiên Tòa này người dân cảm nhận rằng nhà nước, chính quyền không bảo vệ cho lẽ phải, cho pháp lý, dân quyền mà chỉ lo củng cố quyền lực của các tổ chức nhà nước, thậm chí ngụy trang các bằng chứng để kết tội người dân vô tội, vì quá bức xúc mà có những hành động mà nhà nước cho là chống đối, “phản động”. Các nhà quan sát về chính trị, nhân quyền sẽ có thêm “bằng chứng” để đánh giá về tính chất “chuyên chính” của nhà nước Việt Nam, chưa ra khỏi tư duy “chuyên chính vô sản” để xây dựng một “Nhà nước Pháp quyền”.
BBC: Phiên tòa này có vị trí thế nào hay không trong bức tranh tình hình chính trị nội bộ của chính quyền, nhà nước và đảng cầm quyền hiện nay, đặc biệt trong lúc đảng CSVN đang hướng tới tổ chức Đại hội 13?
Ông Hà Hoàng Hợp: Trấn áp bạo lực tùy tiện là sai lầm của bất cứ chính quyền nào sử dụng công cụ trấn áp tùy tiện đó. Quốc gia chỉ có thể mạnh, khi trong nội bộ không có hoặc ít chia rẽ.
Ông Mạc Văn Trang: Từ chính sách đất đai là sở hữu ‘toàn dân’ do nhà nước ‘thống nhất’ quản lý, rồi các nhóm lợi ích cướp đất vô tội vạ và dẫn đến vụ tập kích đẫm máu tàn ác ở Đồng Tâm là một sai lầm chính trị nghiêm trọng của giới cầm quyền. Làm rõ vụ này ra, theo tôi, sẽ làm rối bời, ảnh hưởng đến nhiều nhân sự của đại hội 13 của đảng.
Ông Bùi Kiến Thành: Theo tôi, đây sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh, báo động, đánh thức các lãnh đạo chân chính, cầu tiến của nhà nước Việt Nam, phải kiểm điểm lại chính mình, kiên định lập trường, ý chí phục vụ nhân dân và đất nước. Cũng đến lúc lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam tự khẳng định vai trò tiên phong của mình, củng cố tinh thần “chí công vô tư”, loại bỏ những phần tử “sâu mọt”, kiên quyết vứt bỏ những trái “Táo thối” ra khỏi hàng ngũ Đảng viên, bảo toàn thanh danh, không để “con sâu làm rầu nồi canh” đến mức phải bị nhân dân ruồng bỏ.
BBC: Cuối cùng qua vụ án này, đảng và nhà nước, chính quyền có nên cải cách, cải tổ gì hay không về các mặt như đường lối, chính sách, luật pháp, về cả tư pháp, pháp quyền cũng như về thể chế, chính trị?
Ông Mạc Văn Trang: Tôi cho rằng chắc chắn chính quyền sẽ phải thận trọng hơn trong các vụ án khác. Nhưng không hy vọng gì họ thay đổi được nền tư pháp khi vẫn độc đoán toàn trị, không có tam quyền phân lập, tự do báo chí và xã hội dân sự.
Ông Hà Hoàng Hợp: Sớm hay muộn, cũng phải xảy ra cải cách toàn diện Việt Nam, đưa đất nước này đến công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là một khẳng định, không phải lời khuyên với chính quyền!
Ông Bùi Kiến Thành: Chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam là xây dựng “Nhà nước Pháp quyền của dân, do dân, và vì dân” Một chính thể “Dân chủ, Công Bằng, Văn Minh”. Theo tôi, các bước cần thiết sẽ phải đến một nhà nước “Tam quyền Phân Lập”, ngành Lập Pháp không can dự vào quyền Hành Pháp, và ngành Tư Pháp không bị hai ngành kia “chỉ đạo” khống chế. Đất nước là của nhân dân, không phải của một Đảng phái nào, không một Đảng phái nào được quyền “Chủ đạo” đối với Hiến Pháp cũng như đối với các cơ quan nhà nước. Đó là nguyên tắc cơ bản của một chính thể dân chủ, của một “Nhà nước Pháp quyền”".
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54162833
Vụ Đồng Tâm:
“Bị cáo đưa ánh mắt cầu cứu nhìn luật sư”
Luật sư Lệ Quyên, một trong các luật sư của các bị cáo vụ Đồng Tâm thuật lại với BBC những gì ‘tai nghe, mắt thấy’ trong phiên tuyên án sơ thẩm vụ án hôm 14/9/2020.
Nhiều bị cáo tỏ ra ‘căng thẳng’ khi xuất hiện tại phiên tuyên án sơ thẩm vụ Đồng Tâm, có bị cáo ‘đầu vụ’ đưa ánh mắt ‘như cầu cứu’ hướng về phía các luật sư bên bị, có bị cáo ‘khóc ngất, kêu oan’, một trong bốn luật sư có mặt tại phiên tòa hôm 14/9/2020 nói với BBC News Tiếng Việt cùng ngày.
Hôm thứ Hai, ngay sau phiên tòa trên kết thúc, luật sư Lệ Quyên từ Hà Nội kể lại với BBC những gì bà chứng kiến tận mắt quanh và bên trong phiên tại tòa trong đó có những điểm ‘mới’ về kiểm soát an ninh:
“An ninh vẫn kiểm soát chặt như từ khi khai mạc toàn phiên tòa, tức là từ cổng vào các luật sư bên bị phải trải qua bốn chốt an ninh.”
“Song hôm nay chặt chẽ hơn là các luật sư phải cởi giày kiểm tra, mọi lần khác sẽ không cần phải cởi giày ra kiểm tra. Lần này kiểm tra cởi giày ra để kiểm tra và để hết các thiết bị ở bên ngoài.”
Đồng Tâm: Tuyên án tử hình ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức
Vụ án Đồng Tâm: Nhà nước VN sẽ lại thắng người dân?
“Khi vào thì các luật sư sẽ được trang bị máy tính để làm việc, nhưng máy tính đó không được kết nối mạng Internet…”
“Hôm nay, chúng tôi đã đến sớm hai mươi phút, vấn đề kiểm soát an ninh vẫn vận hành như mọi hôm, chúng tôi thấy rất đông người dân đã đứng vào những ngõ ngách nhỏ, nằm bên hông của tòa án.”
“Bên cạnh những người dân đó có rất nhiều người mặc quân phục và thường phục đứng để canh chừng những người dân.”
“Đến lúc 14h50, các luật sư bên bị của chúng tôi đã có mặt ở bên trong phòng xét xử, và trong phòng xét xử này có đại diện của gia đình bị hại là ông Lâm, tiếp theo đó là có một số luật sư đã có mặt, bên cạnh đó một số luật sư chỉ định. Luật sư mà gia đình bị cáo mời chỉ có bốn luật sư, còn luật sư chỉ định khoảng bảy người.”
‘Khóc ngất, kêu oan, đưa mắt cầu cứu’
Theo Luật sư Lệ Quyên, có một điểm khác biệt đầu tiên được nhận thấy trong phiên tuyên án này, bà nói:
“Mọi lần trong các phiên xét xử trước, người ta dẫn tất cả các bị cáo vào cùng một lúc, nhưng hôm nay họ chia thành ba, bốn đợt.”
“Có nghĩa là đầu tiên dẫn bốn người vào trước (các bị cáo Kim, La, Lụa, Bét), sau đó bà Nối được dẫn đi bên cạnh.”
“Riêng bà Nối được hai cảnh sát áp giải dẫn vào, tuy nhiên bà Nối cũng như mọi lần lại bị đưa ra, không biết đưa ra đi vệ sinh hay là sợ bà ấy có phản ứng.”
“Khi Hội đồng Xét xử bước vào làm việc, tôi thấy một số bị cáo khuôn mặt khá mệt mỏi, đặc biệt có bị cáo Loan, bà khóc ngất đi và tay giằng xé và luôn luôn kêu oan.”
“Bị cáo Nối vẫn ngồi như mọi hôm, bà ngồi khoanh chân, mắt nhìn thẳng, nhưng hôm nay mặt của bà Nối rất mệt mỏi.”
“Riêng bị cáo Chức và bị cáo Công, chúng tôi rất khó nhìn, bước vào đấy, tất cả cảnh sát áp giải đã gần như chắn hướng nhìn của luật sư bên bị chúng tôi.”
“Và chúng tôi rất khó nhìn, lúc sau thì chúng tôi nhìn thấy được bị cáo Chức. Bị cáo Chức có đưa ánh mắt nhìn lại các luật sư và ánh mắt rất là buồn.”
“Ánh mắt của bị cáo Chức như nói rất là nhiều, cảm giác như là đang cầu cứu các luật sư, có nghĩa là hãy bảo vệ cho chúng tôi.”
“Tiếp theo đó, bị cáo Chức nhìn thẳng lên Hội đồng Xét xử với ánh mắt nhìn vào khoảng không trung, có nghĩa như là vô hồn.”
‘Tuyên án nghe nhìn được từ bên trong tòa’
Luật sư Lệ Quyên tường trình tiếp những gì bà và đồng nghiệp chứng kiến từ bên trong phòng xử án:
“Kế đó, Hội đồng Xét xử làm việc tiếp và đọc bản án, trước tiên là đọc về nhân thân các bị cáo, thứ hai là đọc phần luận tội của bên Viện Kiểm sát.”
“Tiếp theo là nhận định của Tòa án và đọc bản kết tội 29 bị cáo và tòa tuyên vẫn giữ nguyên hai án tử hình được đề nghị đối với Lê Đình Công và Lê Đình Chức.”
“Riêng bị cáo Nối đã bị tăng nặng hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, có nghĩa là đề nghị của bên Viện này là từ 4-5 năm, nhưng Tòa án cho rằng bị cáo Nối là ‘không nhận tội’, ‘cứng đầu’, ‘không thành khẩn khai báo’, cho nên mức hình phạt của bị cáo Nối là lên 6 năm.”
“Còn hầu như các bị cáo đều được giảm án, một số bị cáo đã được án treo, khoảng 13 bị cáo được án treo.”
Mật hóa kế hoạch tập kích Đồng Tâm tạo điểm nghẽn cho vụ án?
Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?
Về trường hợp của bị cáo Lê Đình Doanh, cháu nội ông Lê Đình Kình, người trước đó bị đề nghị mức án tù chung thân, Luật sư Lệ Quyên cho biết:
“Ông Doanh, theo đề nghị thì lẽ ra ông Doanh phải bị án tử hình, nhưng xét về gia đình của ông Doanh đã có ông Công và ông Chức đã bị án tử hình rồi, cho nên nhận thấy phải có sự giảm nhẹ của pháp luật, ông Doanh đã được đề nghị án chung thân.”
Tiếp diễn hậu sơ thẩm sẽ thế nào?
Khi được hỏi về diễn biến sắp tới liên quan vụ án, hậu phiên sơ thẩm mà các luật sư biết được vào thời điểm này, Luật sư Lệ Quyên nói với BBC:
“Sau khi kết thúc phiên tòa hôm nay, chúng tôi có được tiếp xúc với hai bị cáo mà chúng tôi bào chữa, đó là bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức.”
“Và chúng tôi được biết hai bị cáo đó có kháng cáo. Còn tất cả những bị cáo khác, chúng tôi không thể biết được suy nghĩ của họ như thế nào.
“Theo quy định, sau 15 ngày, nếu không có kháng cáo, kháng nghị, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.”
“Nếu có kháng cáo, thì sẽ kháng cáo lên tòa cấp cao và sẽ có một phiên xét xử phúc thẩm.”
“Và khi có kháng cáo của các bị cáo và các bị cáo có yêu cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng họ để bảo vệ, để bào chữa họ.”
“Tất cả chúng tôi, những luật sư đã được gia đình mời sẽ tiếp tục trên con đường bảo vệ họ,” Luật sư Lệ Quyên nói với BBC ngay sau phiên tòa tuyên án sơ thẩm kết thúc hôm 14/9 từ Hà Nội.
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận nhân kết thúc phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm hôm 14/9/2020 trên trang Facebook của BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143630
“Dân oan không giết người để giữ đất”
“Không ai giết công an để giữ đất!”
“Không ai giết ai đâu. Nhất là người dân rất sợ đụng chạm đến chính quyền thì sẽ thiệt thòi cho mình nữa. Không ai đi làm chuyện khuất lấp hết.”
Bà Lương, một dân oan ở An Giang, sau khi nghe thông tin về vụ án Đồng Tâm và bản án được tuyên tại phiên tòa ngày 14/9/2020, lên tiếng như trên với RFA.
Là một người đi khiếu kiện trong suốt thời gian dài đằng đẵng gần 3 thập niên, từ quê nhà ở đồng bằng sông Cửu Long ra đến tận thủ đô Hà Nội, bà Lương cùng với một số dân oan ở miền Tây Nam Bộ đều khẳng định rằng mọi việc làm của họ, kể cả của người dân Đồng Tâm đều là vì mục đích cuối cùng để giữ gìn từng tấc đất và quyền lợi chính đáng của họ.
Dù không tận mắt chứng kiến, dù không học cao hiểu rộng để phân tích được trắng đen rõ ràng của vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vào rạng sáng ngày mùng 9/1 trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, những người dân oan này cùng chia sẻ rằng trời đất minh chứng cho tấm lòng của người nông dân Việt Nam, dãi nắng dầm mưa, chắt chiu từng hột lúa hạt gạo không thể nào hại chết những chiến sỹ công an để giữ đất. Có chăng, lời tuyên bố quyết hy sinh giữ đất của người dân Đồng Tâm cũng chỉ là nhằm đối phó với những kẻ làm sai pháp luật mà thôi.
Một phiên tòa chính trị?
Nói thật, lòng tin vào Chính quyền Cộng sản là không còn. Nhưng công lý thì còn. Nhờ vào các tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, nói chung là nhờ vào các tổ chức dân sự của thế giới cùng trong và ngoài nước, của bà con, của cộng đồng đóng góp tiếng nói xác thực mà Chính quyền Cộng sản cũng phải chùn tay
-Ông Nguyễn Trường Chinh
Dân oan ở Thủ Thiêm đón nhận thông tin về bản án dành cho 29 người dân Đồng Tâm trong cùng lúc Thanh tra Chính phủ thông báo hoãn đối thoại với người dân Thủ Thiêm và chờ cho đến khi nào đủ điều kiện thì mới tổ chức trở lại.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan ở Thủ Thiêm nói với RFA về quan điểm của ông đối với các bản án được tuyên cho người dân Đồng Tâm vào chiều ngày 14/9:
“Theo tôi thì việc tuyên án vụ Đồng Tâm, nói chung là mang màu sắc chính trị nhiều hơn vụ án hình sự bình thường. Nếu là một vụ án hình sự bình thường mà xử như vậy là quá tàn ác. Còn nếu đó là ý đồ chính trị thì người ta (chính quyền) chắc chắn cũng muốn gửi một thông điệp nào đó cho người dân Thủ Thiêm. Bởi vì, người dân ở Thủ Thiêm đã bị họ xử rất nhiều các vụ án hành chính rồi. Họ đã xử không căn cứ vào luật, mà chỉ căn cứ vào chỉ đạo thôi. Tòa án bây giờ xử hoàn toàn không theo luật pháp. Tại vì, ra tòa, dù có nêu đầu đủ chứng cứ mà người ta vẫn xử mình thua. Ở tại tòa, tôi đã nói rằng ‘Xử như thế này là xử Đảng thua, xử nhà nước thua, xử nhân dân thua và xử cho nhóm lợi ích, mhóm tham nhũng thắng. Tại tòa tôi đã từng nói nhiều lần như vậy.”
Ông Ca cùng bà con cư dân Thủ Thiêm ghi nhận rằng Chính quyền TP.HCM cũng đang chính trị hóa vụ Thủ Thiêm, vì luôn chụp mũ những người dân Thủ Thiêm đi khiếu kiện là “thành phần phản đối”, “thành phần chống chính quyền”.
Kêu gọi xét xử lại vụ án Đồng Tâm
Là một người am hiểu pháp luật Việt Nam và hỗ trợ về pháp lý cho dân oan Thủ Thiêm, ông Cao Thăng Ca bày tỏ rằng ông mong muốn vụ án Đồng Tâm được xét xử lại vì cụ Lê Đình Kình, khi bị lực lượng chức năng bắn chết trong đêm khuya vẫn còn là một đảng viên. Và, theo ông Ca, thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải có trách nhiệm giải oan cho cụ Kình.
Đồng quan điểm với dân oan ở Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Huần, một dân oan ở Hà Nội, cho rằng tất cả dân oan và người dân Việt Nam nên kêu gọi một phiên tòa khác để xét xử công bằng cho người dân Đồng Tâm và gia đình cụ Lê Đình Kình.
“Trong sự việc cả gia đình nhà ông Kình thì coi như là 3 thế hệ đấy. Đời bố, đời con và đời cháu. Cho nên, chúng ta cũng phải kêu gọi và lên tiếng giúp đỡ cho gia đình nhà ông cụ Kình cũng như các gia
đình công dân ở Đồng Tâm.”
Hoàn cảnh tương tự cụ ông Lê Đình Kình, với 3 thế hệ phải chịu cảnh sống cuộc đời của những người dân đi khiếu kiện đất đai, bà Nguyễn Thị Huần nói trong nước mắt về thời gian 31 năm qua, mà trong đó hết 16 năm đơn từ gửi đến các cơ quan Trung ương vẫn không được giải quyết.
“Tôi rời khỏi hàng ngũ quân đội và chuyển công tác cho đến bây giờ suốt 31 năm tôi vẫn phải đi đấu tranh chống lại bọn quan tham, phá nhà cướp đất rồi còn trù dập gia đình nhà tôi không còn một lối thoát. Càng đi đòi công lý thì lại càng trù dập mình thêm. Người ta trù dập đến nỗi cướp cả xe máy và giấy chứng minh thư, xóa tên hộ khẩu, đẩy mình ra đường. Bản thân tôi đã thế này rồi mà đến đời con tôi lấy chồng, cũng không đăng ký kết hôn được. bây giờ cháu tôi được sinh ra cũng không làm được giấy khai sinh. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến tự thiêu từ lâu rồi.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Chinh, ở Hải Dương, thân phụ của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng, vừa đi thăm con ở trại giam sau thời gian dài không thể gửi thuốn men do dịch COVID-19, vội vã liên lạc với RFA để muốn nói rằng ông thật đau xót khi nhìn cảnh đứa con trai của ông tiều tụy do bệnh tật và do chân cẳng bị xiềng đến mang tật. Và, ông càng đau xót hơn khi nghe tin con và cháu của cụ Kình nhận lãnh 2 án tử hình và một án chung thân.
Bố của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng từng thăm gặp cụ Kình, ông Công và ông Chức. Vào tối hôm 14/9, ông Chinh chỉ có thể nói với RFA về bản án dành cho con và cháu ông Kình với 3 từ “Bản án vừa bất công, vừa độc ác, vừa tàn bạo”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng ông có niềm tin vào những lời kêu gọi của dân oan Thủ Thiêm và dân oan ở Hà Nội, như bà Nguyễn Thị Huần về một phiên tòa khác công tâm hơn cho người dân Đồng Tâm như suốt 14 năm qua ông vẫn làm để kêu oan cho con trai của mình hay không, ông Chinh giải bày:
“Nói thật, lòng tin vào Chính quyền Cộng sản là không còn. Nhưng công lý thì còn. Nhờ vào các tổ chức Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, nói chung là nhờ vào các tổ chức dân sự của thế giới cùng trong và ngoài nước, của bà con, của cộng đồng đóng góp tiếng nói xác thực mà Chính quyền Cộng sản cũng phải chùn tay.”
Đài RFA ghi nhận hầu hết những dân oan khắp các miền đất nước Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc được đều cùng một suy nghĩ rằng không biết số phận của những người dân Đồng Tâm có được giảm án hay không, nhưng họ không hề nao núng và sờn lòng trong cuộc đấu tranh giữ đất trước lòng tham của nhóm lợi ích và bọn tham nhũng. Họ, dân oan Việt Nam phải liều mình đến hơi thở cuối vì niềm tin vào công lý vẫn tồn tại trên quê hương hình chữ S của họ.
“Những bản án đó lại càng kích thích chúng tôi phải chiến đấu và hy sinh nhiều hơn nữa, kể cả hy sinh mạng sống. Bây giờ mình chết cũng chả thành vấn đề gì hết, với điều kiện là phải chết một cách xứng đáng.”
Giám đốc CDC Hà Nội bác bỏ
việc ăn phần trăm giá mua máy xét nghiệm
Ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội phủ nhận lời khai được đối tác chia 15% giá trị tiền mua máy xét nghiệm COVID 19.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong quá trình điều tra vụ ‘thổi’ giá máy xét nghiệm, các bị can khai có chung chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội 15% để trúng thầu cung cấp hệ thống Realtime PCR dùng để xét nghiệm COVID 19.
Ngày 12 tháng 9, ông Cảm và 9 đồng phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt 10-20 năm tù. Lời khai về việc ăn chia hoa hồng của bị cáo khác với ông Cảm được xác định không có căn cứ do ông không thừa nhận.
Theo kết luận điều tra được báo chí nhà nước đăng tải, ngày 6 tháng 2 năm 2020, ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR từ công ty Phương Đông với giá 7 tỷ đồng, thời hạn bảo hành 3 năm.
Sau đó, các bị can đã mua bán lòng vòng máy Realtime PCR từ Cty Phương Đông qua một số công ty khác, đến CDC Hà Nội giá máy đã được đẩy từ 2,3 tỷ đồng (giá Cty Phương Đông nhập về Việt Nam) thành 7 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho thấy ông Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận quá trình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm đã không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và Luật kế toán, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.
Ngoài CDC Hà Nội, Cơ quan cảnh sát điều tra Hà Tĩnh vừa cho biết, cơ quan này đang điều ra vụ nhà thầu nâng khống gói trang thiết bị y tế gồm bộ máy giặt, máy sấy trị giá hơn 2 tỷ, nhưng được bán cho 4 bệnh viện với giá 12 tỷ đồng.
Cũng tin liên quan vật tư y tế, sáng 15 tháng 9, Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua dự thảo nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia. Chính phủ Hà Nội được giao quy định chi tiết các mặt hàng thuộc nhóm vật tư, thiết bị y tế và phân công bộ, ngành quản lý.
VN Express dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng rằng, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trong tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng này vào danh mục hàng dự trữ quốc gia là rất cần thiết.
Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng
và 9 người bị truy tố
Cựu Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, ông Vũ Huy Hoàng, bị truy tố cùng với 9 người khác vì liên can trong vụ ‘đất vàng’ 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào ngày 14 tháng 9 như vừa nêu. Theo đó, Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng về vụ này.
Cụ thể, Ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương, và ông Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ-Bộ Công Thương, bị truy tố với tội danh ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Bảy người khác gồm các ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Tp HCM, Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Tp HCM; Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng quản lý đất đai Sở TN&MT) Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh VP UBND TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng đô thị VP UBND TPHCM), Nguyễn Lan Châu (chuyên viên Phòng QLĐĐ Sở TN&MT), Lâm Nguyên Khôi (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT), và Lê Công Minh (cựu Trưởng phòng phát triển hạ tầng, Sở KH&ĐT), bị truy cứu về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cáo trạng nêu, do bà Thoa đã bỏ trốn, hiện đang truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Vụ việc này gây hậu quả làm thiệt hại, thất thoát 2700 tỷ đồng.
Ông Vũ Huy Hoàng bị quy trách nhiệm chấp nhận chủ trương để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương, Tổng Công ty Sabeco, thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl để đầu tư dự án trái với qui định.
Sabeco Pearl được thuê đất theo quyết định của ông Nguyễn Hữu Tín dựa trên tham mưu của các sở, ngành dưới quyền. Sau khi trở thành chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất vào tháng 6 năm 2015, Sabeco Pearl đề nghị ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo cho Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị mua lại phần vốn góp đó.
Việc thoái vốn của Sabeco được ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá.
Sabeco Pearl sau đó biến thành Công ty Cổ Phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh là doanh nghiệp 100% vốn tư nhân đứng tên quyền sử dụng đất khu 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TpHCM.
Khu đất này có diện tích hơn 6.000 m2 với các mặt tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và hướng ra công trường Mê Linh. Qua nhiều lần chuyển nhượng, mua bán trái với các qui định pháp luật, khu đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước rơi vào tay tư nhân.
Cựu phó chủ tịch TpHCM ra tòa vào ngày 16/9
Cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TpHCM), ông Nguyễn Thành Tài và 4 người khác sẽ phải ra tòa vào ngày 16 tháng 9 để bị xét xử về cáo buộc giao trái luật khu đất 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, Tp HCM. Việc làm này gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước gần 2000 tỷ đồng.
Tin do truyền thông Nhà nước Việt Nam loan đi ngày 15 tháng 9. Theo cáo trạng vào năm 2007, UBND TP.HCM có chủ trương đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, có tổng diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu Nhà nước.
Trong quá trình sắp xếp lại và xử lý khu đất trên, ông Nguyễn Thành Tài khi đó phụ trách lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nhà công vụ…, đã ký quyết định và chỉ đạo cấp dưới gồm bà Nguyễn Thị Thu Thủy và các ông Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam, Trương Văn Út giao lô đất vừa nêu cho Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue).
Dù biết rõ khu đất trên là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, song các cá nhân liên quan đã ký văn bản chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các cá nhân liên quan còn quyết định áp dụng 22 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý, không bán đấu giá tài sản tạo điều kiện cho Lê Thị Thanh Thúy được tham gia thực hiện dự án. Khu đất “vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước trở nên thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng của VKSND tối cao, nguyên nhân khiến ông Nguyễn Thành Tài giao đất vàng cho Công ty Lavenue là bởi có quan hệ tình cảm cá nhân và sự tác động của Lê Thị Thanh Thúy.
Tuy nhiên theo tin của mạng báo Thanh Niên dẫn hồ sơ vụ án, cho biết ông Nguyễn Thành Tài kêu oan đối với kết luận trong cáo trạng là ông có tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thúy.
Riêng bà Lê Thị Thanh Thúy, trước khi phiên tòa được mở, bà có trình bày về việc từ chối 3 luật sư do gia đình chỉ định trong giai đoạn điều tra. Tin không nói rõ tên của các luật sư mà chỉ nói họ thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội. Bà Thúy chỉ yêu cầu luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bào chữa cho bà.
Khôi hài chống tham nhũng
mà không thu hồi được công quỹ bị tẩu tán!
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hôm 14 tháng 9 năm 2020 khi gởi báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ cho biết, trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án… nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14 tháng 9 năm 2020, cho biết ý kiến liên quan vấn đề này về mặt luật pháp:
“Tôi thấy những vụ án tham nhũng theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 và 2017 thì những người chiếm đoạt tài sản nhà nước để tham nhũng thì phải khắc phục ba phần tư tài sản tham nhũng… đó là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Và thứ hai là chủ yếu làm sao thu được tài sản đó, thì những quy định pháp luật của Việt Nam đã có quy định. Cho nên một vụ án mà khởi tố thì người ta sẽ kê biên toàn bộ tài sản đó. Những năm gần đây, tôi thấy luật pháp có khắc phục và sửa đổi những quy định này rồi, vấn đề chính là phải truy tìm ra những tài sản đó.”
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù việc thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn… Trong khi đó các bị cáo này, không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án.
Hạn chế tiếp theo theo ông Long, là cơ chế phối hợp trong công tác thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế không hiệu quả, nhất là đối với các vụ án có số tiền thu hồi đặc biệt lớn, tài sản phải xử lý liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Họ làm cái này một cách trớt trác, làm cho có để đánh lừa xã hội, như cả nước mấy triệu công chức mà người ta bảo chỉ có mấy trường hợp kê khai không đúng… Ngay chuyện đó làm không xong thì làm sao chống tham nhũng được?
-Nguyễn Khắc Mai
Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 14 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập Quyền Dân, cho biết ý kiến của mình:
“Đây là một vấn đề lớn của đất nước Việt Nam, là một đại họa do đảng cộng sản hình thành nên, từ những chủ trương chính sách luật pháp do đảng đưa ra lãnh đạo, để xây dựng một thiết chế xã hội, lâu ngày nó tạo ra một bầy sâu, họ thừa nhận là cả một bầy sâu, cho nên việc chống tham nhũng có thể nói là làm không đến nơi đến chốn. Ngay việc phải công khai hóa tài sản cán bộ, đặc biệt là những người lãnh đạo, thế thì có thấy ông Nguyễn Phú Trọng làm gương kê khai tài sản của mình đâu? Có thấy Bộ chính trị công khai tài sản đâu? Họ làm cái này một cách trớt trác, làm cho có để đánh lừa xã hội, như cả nước mấy triệu công chức mà người ta bảo chỉ có mấy trường hợp kê khai không đúng… Ngay chuyện đó làm không xong thì làm sao chống tham nhũng được?”
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14 tháng 9 năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 có những bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2020 đến nay, Công an đã điều tra hơn 500 vụ án, với gần 1.200 bị can phạm tội về tham nhũng. Bộ Quốc phòng đã điều tra và xử lý tham nhũng 4 vụ, số tiền thiệt hại do tham nhũng là 27,7 tỷ đồng; số tiền thu hồi được trong giai đoạn điều tra 2,1 đồng…
Liệu có hiệu quả hay không, khi công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam được các lãnh đạo cho rằng đạt nhiều kết quả rất quan trọng, nhưng chỉ thu hồi được 23% tài sản nhà nước bị tham nhũng? Liệu như vậy tham nhũng có thuyên giảm? Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định:
“Việc chống tham nhũng họ nói rằng phe nọ có đủ bằng chứng để triệt hạ phe kia. Rõ ràng từng đợt một, hết đợt này đến đợt khác, tham nhũng nó vẫn còn, nó vẫn nguyên, và càng cao, nó vào đến các nhân vật Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, cho đến cấp thấp hơn… Đây là đại họa của dân tộc, cách làm như vậy không thu hồi được tài sản cũng dẽ hiểu thôi. Bởi vì họ không xác định cụ thể mà chỉ nói làm thất thoát tài sản, làm không đúng quy trình, họ chỉ nói làm thiếu trách nhiệu này kia… chứ không nói rõ chuyện tài sản bất minh.”
Nhà hoạt động Trần Bang khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cũng cho rằng, chuyện nói chống tham nhũng ở Việt Nam cũng như nói chuyện hài hước, theo ông, chẳng qua là do các phe nhóm khui ra cái xấu của nhau, nhằm hạ thấp uy tín của nhau, triệt hạ nhau. Ông nói tiếp:
“Từ những năm 2000, tôi từng nghe một ông Phó bí thư thường trực họp ở Sài Gòn kể câu chuyện… ‘kính thưa các đồng chí chưa bị lộ’… cán bộ cao cấp đấy. Từ năm 1990 đến 2000 đã có hiện tượng ấy, thế thì không ai là không đen hết, chẳng qua họ cùng ê kíp thì khoác cho nhau cái áo trắng vào để đưa nhau lên. Nhưng khi cần đánh nhau thì họ lột cái áo trắng đó ra thì đen ngòm.”
Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Liệu vấn đề kê khai tài sản nếu không làm đến nơi đến chốn, có thể đẩy lùi nạn tham nhũng?
Bây giờ luật kê khai tài sản của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh, để mà có thể chày cối.
-Nguyễn Khắc Mai
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cho biết rõ hơn về vấn đề này:
“Tôi thấy về vấn đề kê khai tài sản, cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực. Ví dụ tài sản bất minh, thì người ta sẽ xử lý người cán bộ công chức đó. Tôi thấy một trong những tiêu chí để cơ cấu vào một chức vụ lãnh đạo, thì ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói ‘tài
sản ở đâu nhiều thế, làm gì mà có tài sản nhiều thế’… Đó là một trong những tiêu chí chọn lựa cán bộ, đây là một trong những vấn đề rất đáng quan tâm. Cán bộ phải kê khai trung thực, và nếu không trung thực thì người ta sẽ ‘nhìn’ chức vị của cán bộ đó ngay lập tức. Đây là hướng xử lý sắp tới đây mà tôi rất đồng tình.”
Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, về vấn đề tài sản bất minh rất dễ giải quyết, nhưng Việt Nam vẫn không làm được. Theo ông bất cứ một lãnh đạo của bất cứ bộ ngành nào, bất cứ địa phương nào, nếu không chứng minh được tài sản lớn, nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang.v.v… thì người dân, chính phủ, có quyền nghi vấn và kiểm tra. Nếu cán bộ đó không chứng minh được thì tức là tài sản bất minh… khi đó nhà nước có quyền tịch thu toàn bộ hoặc tịch thu 70% như các nước khác. Ông nói tiếp:
“Nhưng bây giờ luật kê khai tài sản của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh, để mà có thể chày cối. Và rút cuộc tiền tham nhũng vẫn nằm trong túi vợ con, bà con thân thuộc của những người phạm tội, họ chuyển ra nước ngoài, đánh mất tài sản của dân của nước.”
Theo ông Nguyễn Khác Mai, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng đảng công sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội… Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù… nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.
Nhiều lãnh đạo cấp cao
ở Khánh Hoà & Gia Lai bị kỷ luật
Sáu giám đốc, phó giám đốc sở tại tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam vừa bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, khiển trách do vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Một lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cho Tuổi Trẻ online biết thông tin trên vào ngày 15 tháng 9.
Trong 6 người bị kỷ luật lần này có 3 giám đốc sở đều là tỉnh uỷ viên đã bị kỷ luật hành chính theo hình thức cảnh cáo gồm các ông Lê Văn Dẽ – giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa; ông Trần Hòa Nam – giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư và ông Võ Tấn Thái – giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường.
Ngoài ra hai phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư là ông Trần Minh Hải và Nguyễn Văn Nhựt bị kỷ luật hành chính với mức khiển trách.
Cũng bị kỷ luật cảnh cáo trong lần này còn có ông Trần Sỹ Quân – phó bí thư Đảng ủy, phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.
Các lãnh đạo sở nói trên bị cho rằng đã vi phạm Luật Đầu tư 2015, Luật đất đai 2003 và 2013 cũng như Nghị định 46 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Ông Lê Văn Dẽ còn bị cảnh cáo vì vi phạm quyết định của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung của thành phố Nha trang đến năm 2025.
Cũng trong ngày 15/9, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Gia Lai phải xin ý kiến của Trung ương về hai Uỷ viên ban thường vụ (BTV) tỉnh uỷ bị kỷ luật.
Cụ thể, hai Uỷ viên BTV tỉnh Gia Lai gồm ông Đặng Phan Chung, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng ban tổ chức tỉnh.
Ủy ban kiểm tra (UBKT) T.Ư đã kỷ luật với hình thức cảnh cáo do ông Chung “đã can thiệp không đúng quy định vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Còn ông Quân cũng bị kỷ luật vì đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo giải quyết vụ án hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Vụ việc cụ ông 79 tuổi quỳ gối đội đơn:
Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai lên tiếng
Hiểu Minh
Liên quan ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) quỳ giữa tòa xin giải quyết nhanh vụ án vì đã kéo dài 20 năm, ngày 14/9, ông Võ Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cho biết đang làm rõ nguyên nhân trên.
Theo đó, ông Võ Văn Phước cho báo Người lao động biết, trong ngày hôm qua 14/9 ông đã tổ chức cuộc họp với các bộ phận liên quan để nắm cụ thể thông tin về vụ việc. Trong đó, làm rõ việc tại sao vụ án kéo dài 20 năm, có đoạn ngắt quãng khoảng 9 năm mới đưa ra xét xử lại vụ án, và việc xét xử bị hoãn nhiều lần.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Phước, để có thông tin cụ thể vu việc này, thì ông sẽ phải nắm lại toàn bộ hồ sơ, các bộ phận nhân sự từ nhiều nhiệm kỳ trước.
Riêng việc hoãn tòa nhiều lần gần đây, ông Phước cho biết, bước đầu cũng xác định những lý do cụ thể, trong đó có lý do khi thì bên bị hại có đơn, khi do chính bên nguyên đơn có đơn, và việc hoãn là theo quy định của pháp luật.
“Bản thân tôi đã trực tiếp giải quyết khiếu nại của ông Sỹ tại tòa, tuy nhiên, ông ấy bức xúc và làm đơn tại chỗ và tôi cũng đã xuống tiếp nhận đơn của ông ấy. Tuy tôi có thẩm quyền riêng nhưng không có thẩm quyền can thiệp vào phiên tòa cụ thể mà các thẩm phán đang làm việc. Việc ông Sỹ đội đơn cũng là khi HĐXX chưa chính thức làm việc, chứ không thể nào xảy ra việc đội đơn giữa phiên tòa đang diễn ra…” – ông ông Võ Văn Phước khẳng định trên báo Người lao động.
Nguyên nhân ông sỹ phải quỳ gối đội đơn
Như báo Thanh Niên đưa tin, theo giấy triệu tập, phiên tòa phúc thẩm “Tranh chấp hợp đồng nhận thuê khoán hồ vườn ươm” giữa nguyên đơn là ông Trần Hữu Sỹ với Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai diễn ra lúc 8 giờ ngày 8/9.
Tuy nhiên, ngồi đợi đến gần 10 giờ, ông Sỹ nhận được thông báo hoãn phiên tòa vì lý do kiểm sát viên bận ngồi một phiên xét xử khác.
Quá bức xúc do phiên tòa phúc thẩm hoãn nhiều lần (quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 16/6 nhưng sau đó thay đổi đến ngày 10/7 và thông báo hoãn đến ngày 3/8, rồi 20/8, 8/9), ông Sỹ làm đơn khiếu nại trực tiếp gửi cho Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai.
Sau khi ông Sỹ khiếu nại, đến 10 giờ 30 ngày 8/9, phiên tòa tiếp tục được mở. Vào phòng xử án, ông Sỹ bất ngờ đội đơn quỳ gối xin HĐXX tiếp tục xét xử, kết thúc vụ kiện vì đã kéo dài ròng rã 20 năm.
Tuy nhiên, thẩm phán chủ tọa phiên tòa lại đọc quyết định hoãn phiên tòa do “Bị đơn có đến tòa nhưng bị rối loạn tiêu hóa, không đủ sức khỏe nên đã nộp đơn xin hoãn tòa”; đồng thời thông báo sẽ mở lại phiên tòa vào 8 giờ ngày 25/9.
“Vụ án kéo dài 20 năm rồi, tôi mệt mỏi quá rồi mà vẫn chưa kết thúc nên buộc phải quỳ, xin các ông ấy để được giải quyết, nhưng phiên tòa cũng vẫn hoãn” – ông Sỹ buồn bã nói.
Cắt hợp đồng 5 triệu, cho thuê 75 triệu/tháng
Năm 1992, ông Sỹ ký hợp đồng với Trung tâm Du lịch, thuộc Lâm trường Mã Đà (nay là Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai) thuê hồ vườn ươm 27 hecta với thời hạn 20 năm để thả cá, với giá 5 triệu đồng/năm.
Giai đoạn từ năm 1995-1997, ông Sỹ đầu tư xây dựng, ngăn bờ đập, nạo vét, cải tạo lòng hồ… thả 3 triệu con cá giống, thuê người trông nom, nuôi cá.
Tháng 6/2000, Lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng và cho Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ Công an TPHCM thuê với giá 75 triệu đồng/năm. Cho rằng, hành vi của Lâm trường là sai luật, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình nên ông Trần Hữu Sỹ đã khởi kiện ra tòa.
Từ năm 2000 đến năm 2010, trải qua 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, dù thắng kiện, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp không được đảm bảo, ông Trần Hữu Sỹ làm đơn gửi lên cơ quan tố tụng Trung ương.
Trà Vinh thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng trong đợt hạn,
mặn mùa khô 2020
Tỉnh Trà Vinh đã thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng trong sản xuất và dân sinh vào đợt hạn, mặn trong mùa khô 2020 vừa qua.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn lời Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 được tổ chức ngày 15/9 và loan tin cùng ngày.
Tin cho biết, chỉ riêng gần 382 ha lúa đã gây thiệt hại lên đến 919 tỷ đồng. Hoa màu và cây ăn trái được báo cáo thiệt hại trên 30% diện tích. Hạn hán, mặn xâm nhập cũng làm hàng nghìn hộ dân nông thôn bị thiếu nước sinh hoạt.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết do dự báo được tình hình hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 nên tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, như nạo vét 455 công trình thủy lợi nội đồng; bơm tát nước chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ lúa; đẩy nhanh tiến độ thi công 2 cống ngăn mặn Tân Dinh và Bông Bót ở huyện Cầu Kè kịp đưa vào sử dụng; nạo vét kênh Mây Phốp-Ngã Hậu, giúp dẫn nước ngọt từ Vĩnh Long về Trà Vinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long còn mở rộng cấp nước cho các gia đình gặp khó khăn về nguồn nước với kinh phí gần 29 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn ra quyết định hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng cho 28.000 hộ dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, hiện đã giải ngân hơn 19 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 15/9, báo trong nước loan tin cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị số 36 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Trong chỉ thị ghi rõ năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng Bằng Sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc các quốc gia thượng nguồn sông Mekong gia tăng nhu cầu sử dụng nước cũng khiến tổng lượng dòng chảy về Đồng Bằng Sông Cửu Long trong các tháng mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm.
Vì vậy, hàng loạt các biện pháp ứng phó được nêu ra trong chỉ thị, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cơ sở tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Nhiều doanh nghiệp Việt điêu đứng
vì bị huỷ hợp đồng trong thời dịch COVID-19
Tin từ Sài Gòn: Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã bị điêu đứng vì bị đối tác huỷ hợp đồng trong nhiều tháng gần đây vì đại dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều quốc gia.
Chia sẻ tại hội thảo nghiên cứu có chủ đề “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới quá trình đổi mới quan hệ lao động tại Việt Nam” vừa diễn ra tại Sài Gòn, tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi từ Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết các doanh nghiệp ngành giày bị hủy các đơn hàng đang thực hiện nhiều nhất, kế đến là may mặc. Ngược lại, các doanh nghiệp ở ngành điện tử gần như không bị hủy đơn hàng. Khi bị hủy đơn hàng đang sản xuất dở, nhiều doanh nghiệp bị điêu đứng vì có nhiều đối tác không chịu trả tiền hàng hoặc chậm trả. Bên cạnh việc hủy đơn hàng, các đối tác đặt hàng còn yêu cầu hoãn gửi hàng.
Với trường hợp này, doanh nghiệp cũng “chết đứng” bởi hàng không có chỗ chứa và bị hư hại (giày bong keo trong tình hình thời tiết nắng nóng) nếu chờ đợi quá lâu và khi đó cả lô hàng cũng không thể bán lại được. Lại cũng có nhãn hàng yêu cầu hoãn làm tiếp đơn hàng. Lúc này thì doanh nghiệp vừa phải giữ hàng đã sản xuất, vừa giữ nguyên liệu đã mua. Lại cũng có trường hợp đối tác đặt hàng ép doanh nghiệp phải giảm giá từ 50-70% so với giá ban đầu.
Nếu ở ngành giày, may, các đối tác đặt hàng và nhà sản xuất ít trao đổi với nhau thì ở ngành điện tử, việc nói chuyện lại diễn ra từng giờ, từng ngày nhằm tăng cường tối đa hiệu quả của chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản, số khác phải cắt giảm chi phí lao động và sa thải công nhân sau khi bị đối tác huỷ đơn đặt hàng.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nhieu-doanh-nghiep-viet-dieu-dung-vi-bi-huy-hop-dong-trong-thoi-dich-covid-19/
Việt Nam trao trả thêm 113 công dân Trung Quốc
nhập cư trái phép
Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hôm 14/9 trao trả 113 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép về nước qua Cửa khẩu Lào Cai.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cho biết đây là số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện từ ngày 21/7 đến 5/8 vừa qua.
Trong quá trình điều tra, Công an TPHCM được nói đã báo cáo Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và Công an các địa phương để thực hiện biện pháp trao trả.
Tin nói toàn bộ 113 công dân Trung Quốc đã được trả về nước vào lúc 12 giờ trưa ngày 14/9.
Tình trạng người Trung Quốc nhập cư trái phép vào Việt Nam thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây.
Mới vào chiều ngày 11/9, Bộ đội tỉnh Cao Bằng nói đã phát hiện nhiều người Trung Quốc tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam trái phép đang lẩn trốn trong rừng tại khu vực xóm Lũng Cuốn (xã Quang Long).
8 người Trung Quốc gồm 7 nam và 1 nữ quê ở Hồ Bắc, Quảng Tây đã bị bắt giữ.
Công an thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hôm 23/8 thông báo vừa bắt giữ nhóm 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thuê nhà tổ chức đánh bạc qua mạng, trong đó 10/11 người đang bị công an TP Đông Hưng, Trung Quốc truy nã.
Việt Nam học cách kiểm duyệt trực tuyến
của Trung Quốc đến mức độ nào?
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) vào ngày 14/9 có đăng tải bài viết có tựa tạm dịch ‘Việt Nam đã vay mượn từ vở kịch kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc thế nào?’ của tác giả Dien Nguyen An Luong.
Ông Dien Luong được biết đến với nhiều tác phẩm được xuất hiện trên New York Times, Washington Post, Guardian, Al Jazeera và các ấn phẩm khác. Ông đang tham gia hoạt động nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore.
Trong bài viết được đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, ông Luong cho rằng chính phủ Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận trực tuyến công cộng khi họ tìm cách khai thác chủ nghĩa dân tộc được thúc đẩy từ phương tiện truyền thông xã hội.
Cụ thể, tác giả đã lấy dẫn chứng trong trường hợp người Việt phản đối diễn viên Thành Long đến Việt Nam vì nam diễn viên Hồng Kong này ủng hộ đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hoặc sự tức giận trước những bình luận của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi dùng các từ “xâm lược” và “chiếm đóng” để chỉ hành động của Việt Nam nhằm lật đổ chế độ Pol Pot, hay Khmer Đỏ vào cuối những năm 1970.
Theo tác giả bài viết, một làn sóng chủ nghĩa dân tộc được thúc đẩy bởi mạng xã hội đã ngày càng trở nên mạnh mẽ trên lĩnh vực trực tuyến, khiến các nhà chức trách Việt Nam trở nên nhạy bén và thậm chí thích ứng với nó. Mức độ đáp ứng này khá đáng chú ý đối với Việt Nam, quốc gia được cho là đã theo chân Trung Quốc trong lĩnh vực kiểm soát internet.
Ông Dien Luong cho rằng các chính phủ kể cả ở đất nước tự do hơn hay ít tự do hơn đã tìm cách khai thác chủ nghĩa dân tộc để tăng cường tính hợp pháp của họ.
Khả năng đáp ứng và tính hợp pháp đặc biệt quan trọng đối với khả năng phục hồi của các chế độ độc tài, đặc biệt là một chế độ đang trên đà chuyển đổi lãnh đạo như Việt Nam.
Trao đổi với RFA tối 14/9, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản nhận định:
“Các chế độ cộng sản học tập nhau cách kiểm soát người dân. Từ xưa đến nay cứ có bài nào kiểm soát người dân hiệu quả người ta bày cho nhau để học tập. Đó là việc học cái hay không học mà học mà học để kiểm soát, thống trị người dân từ xưa.”
Đồng quan điểm vừa nêu, Blogger Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn cũng cho rằng Việt Nam và Trung Quốc có tương đồng thể chế độc đảng toàn trị thì chính phủ Hà Nội noi gương Bắc Kinh là chuyện không phải mới lạ. Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả sẽ khác nhau vì những nguyên nhân sau:
“Về giáo dục thì cả hai giống nhau ở tính nhồi sọ và chính trị hóa giáo dục có thể hiểu được nhưng về văn hóa thì khác nhau rất nhiều, đặc biệt về văn hóa chính trị, tức là chủ nghĩa hóa dân tộc. Bởi vì nếu ông Tập Cận Bình làm được việc tự biến bản thân ổng thành vua trong việc thâu tóm toàn bộ quyền bính trong tay thì ông Nguyễn Phú Trọng không làm được việc đó. Tôi cam đoan sau ông Nguyễn Phú Trọng thì cũng không ai làm được việc đó. Vì cái quan trọng nhất ở Việt Nam khác với Trung Quốc ở chỗ các phe phái trong đảng cộng sản (Việt Nam) tạo ra một cái thế gọi là ‘cân bằng động’, đó là từ của họ. Trong suốt chiều dài của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị qua các thời kỳ thì người ta thấy rất rõ mục đích đấu đá lẫn nhau nên việc lọt lộ bí mật ngày càng nhiều thông qua các mạng xã hội. Đó là một điểm rất khác biệt khi tận dụng chủ nghĩa dân tộc để làm chuyện gì đó.”
Nói rõ hơn về chủ nghĩa dân tộc với kinh nghiệm từng cầm bút cho báo Đảng, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình giải thích:
“Việc khai thác chủ nghĩa dân tộc trong truyền thông xã hội là họ dùng để đối trọng với Trung Quốc là chính, hoặc cần những việc gì có mục đích chính trị thì họ định hướng để dư luận, báo chí theo như thế. Việc này từ xưa đến giờ họ vẫn làm như vậy, chỉ có lạ một điều là bây giờ những thông tin rộng mở mà những bài bản như vậy vẫn còn ở Việt Nam họ vẫn cứ làm như thế.”
Tại Việt Nam, với dân số khoảng 97 triệu người và trong đó khoảng 2/3 dân số có thể kết nối internet với khoảng 47 triệu tài khoản Facebook đang hoạt động, các nhà chức trách chính phủ Hà Nội ngày càng chú trọng đến việc thăm dò tình cảm của công chúng trên mạng.
Vào tháng 11 năm 2018, Việt Nam đã thành lập một đơn vị giám sát web có khả năng quét tới 100 triệu mẩu tin mỗi ngày để tìm “thông tin sai lệch”.
Trước đó, trong năm 2016, đất nước hình chữ S cũng đã triển khai một đơn vị mạng 10.000 người có tên là Lực lượng 47 với nhiệm vụ duy trì một môi trường internet “lành mạnh”.
Chính quyền Bắc Kinh luôn coi mạng xã hội là mối quan tâm, không phải chỉ vì sợ bị công chúng chỉ trích, mà còn vì khả năng thúc đẩy hành động tập thể hoặc tổ chức biểu tình.
Do đó, tác giả Dien Luong cho rằng đây có lẽ là một trong những chương quan trọng nhất mà Việt Nam, một quốc gia coi trọng sự ổn định chính trị hơn tất cả, đã lấy từ cuốn sách kiểm duyệt trực tuyến của Trung Quốc.
Hoàn toàn nhất trí với lập luận vừa nêu, Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Bang từ Sài Gòn cho hay:
“Rõ ràng tình hình kiểm duyệt rất gắt gao vì nhiều người viết Facebook bị bắt và đi tù, từ năm 2018 đến nay khá nhiều người bị. việc đó rõ ràng họ kiểm soát những người nói lên tiếng nói tự do, bảo vệ quyền con người.”
Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn trong cách quản lý thông tin của lãnh đạo đất nước Việt Nam được blogger Nguyễn Ngọc Già chỉ ra:
“Các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo, nhà hoạt động đưa vấn đề là đưa sự thật mà không theo định hướng về tư tưởng, về kiểm duyệt tư tưởng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Họ (chính phủ) giả bộ nói vậy thôi như nói về Biển Đông họ cho nói, nhưng ai nói lại là điều rất khác. Ví dụ như bản thân tôi đã từng viết rất nhiều bài về Biển Đông hoàn toàn có căn cứ khoa học chứ không nói sai, không nói đại nhưng họ vẫn bắt tôi và xử tôi 3 năm tù.”
Theo Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, việc blogger Nguyễn Ngọc Già vừa nêu là một phần chính trong quyền kiểm duyệt thông tin đã có từ xưa nay:
“Họ mặc định chỉ có họ mới có quyền được nói, người dân không được nói. Một số những chính sách, quan điểm thì chỉ họ mới được nói chứ người dân nói thì không được, bình luận không được. Đấy là cách ứng xử của nhà cầm quyền với dân.”
Với quan điểm cá nhân, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng việc kiểm duyệt thông tin trực tuyến mà chính phủ Hà Nội đã, đang và sẽ làm không chỉ vi phạm nhân quyền mà còn gây ra một hệ quả khó lường khác:
“Sẽ dẫn đến việc người Việt Nam hèn nhát đi, tức người này bị bắt thì người kia sợ hãi, tự kiểm duyệt, tự đánh mất tự do, nhân bản của mình, trở thành một con vật cảm giác như ở trong chuồng gần ra đến cổng chuồng thì quay đầu lại. Luôn luôn có một cảm giác như xung quanh có một bóng ma theo dõi, nói gi, viết bào gì cũng có cảm giác không biết có bị phạt không, có bị bắt, bị theo dõi không. Làm cho người bị sợ hãi và yếu hèn. Nếu tất cả người Việt Nam đều như vậy thì sẽ làm cho cả dân tộc yếu hèn và sợ hãi.”
Tác giả Dien Luong trong bài viết đăng tải trên Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sang cho rằng Việt Nam đã thành công trong việc khai thác chủ nghĩa dân tộc để đoàn kết công chúng xung quanh cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, vốn bị coi là kẻ thù từ nước ngoài xâm nhập. Dù vậy, vẫn còn phải xem chính phủ Hà Nội sẽ chơi lá bài chủ nghĩa dân tộc trực tuyến như thế nào trước cuộc cải tổ lãnh đạo vào đầu năm tới.
Đại hội Đảng 13 và ‘Cuộc đua Tam Mã’
vào ghế tổng bí thư
David Hutt, nhà quan sát chính trị Việt Nam, đưa ra một số nhận định trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ra ngày 14/09.
Bài viết nói Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam được lên lịch sẽ diễn ra vào tháng 1 là điều gần như không thể trì hoãn bất kể đại dịch Covid-19 có diễn biến thế nào.
Ủy ban Trung ương Đảng mới gồm 180 ủy viên sẽ được 1.600 đại biểu toàn quốc bỏ phiếu bầu chọn và và các cơ quan chính trị quan trọng nhất sẽ có thay đổi nhân sự.
Tác giả mô tả về những đồn đoán hợp nhất vai trò chủ tịch nước và tổng bí thư, điều đã từng xảy ra khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức chủ tịch nước sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
“Một số nhà quan sát cho rằng việc hợp nhất hai ghế vào lúc đó trước hết là một động thái của ông Trọng nhằm nắm giữ quyền lực tối đa. Những người khác cho rằng đây là việc làm “tiện lợi”, xảy ra vào lúc giữa nhiệm kỳ khi xáo trộn sẽ gây bất ổn cho Bộ Chính trị, vốn đã bị mất người.
“Nhưng việc sáp nhập [hai chức vụ] có ý nghĩa nhất định đối với lợi ích lâu dài của Hà Nội. Rõ ràng Việt Nam đang điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình chặt chẽ hơn với các đối tác phương Tây và nước dân chủ, và Hà Nội đã cải thiện đáng kể quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thập kỷ qua và đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do quan trọng với Liên minh châu Âu trong năm nay.
“Tuy nhiên, vấn đề là các chính phủ dân chủ không chắc chắn về cách tiếp xúc với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân vật quyền lực nhất đất nước,” ông David Hutt nhận xét.
Về mặt ngoại giao chặt chẽ, theo tác giả, người đứng đầu Đảng không đại diện cho nhà nước hay chính phủ. Vì vậy, việc các chính phủ phương Tây chào đón người đứng đầu Đảng Cộng sản trong chuyến thăm cấp nhà nước sẽ thể hiện sự chấp nhận ngầm đối với hệ thống độc đảng toàn trị của Việt Nam – một tình huống mà chính phủ Hoa Kỳ phải đối mặt khi ông Trọng đến thăm Washington vào năm 2015, chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng.
Thế nhưng để lãnh đạo đảng cũng nắm ghế chủ tịch nước giải quyết vấn đề này, tương tự như Lào và Trung Quốc đã làm cách đây nhiều năm, tức là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công tác kiểm soát chính sách đối ngoại và đối thoại với chính phủ các nước phương Tây, tác giả giải thích.
Tổng Bí thư Trọng không muốn ‘chọn nhầm người’
VN: Hoãn đại hội Đảng từ cấp cơ sở, chống tham nhũng tiếp thế nào?
Đại hội 13 Đảng CSVN và đường lên đỉnh cao quyền lực
‘Cuộc đua tam mã’
Tác giả đưa ra nhận định về cơ hội của từng ứng viên như sau:
“Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng và là Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương, là người dẫn đầu nếu ông Trọng thôi chức sau hai nhiệm kỳ trong những tháng tới. Thế nhưng thủ tướng đương nhiệm, Nguyễn Xuân Phúc, được nhiều nhà quan sát cho là ứng viên sáng giá để có ghế tổng bí thư.
“Ông Phúc đã cải thiện đáng kể năng lực của Việt Nam trong bốn năm qua và đã giành được nhiều lời khen vì đã xử lý được đại dịch COVID-19, trong đó Việt Nam đã không ghi nhận trường hợp tử vong nào cho đến cuối tháng 7.
“Một ứng cử viên khác cho ghế tổng bí thư là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chính trị lớn trong lịch sử gần đây của Việt Nam.
“Là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2016, bà Ngân nằm trong cái gọi là “tứ trụ” mặc dù ghế này thường được coi là ít quyền lực và có ý nghĩa nhất trong bốn chức vụ.
“Mặc dù bà Ngân được cho là đang tham gia cuộc đua nhưng có ý kiến cho rằng Đảng chưa sẵn sàng cho một nữ Tổng Bí thư. Thật vậy, về vấn đề này, Việt Nam tụt hậu 6 năm so với nước láng giềng cộng sản Lào, nơi bà Pany Yathotou được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội Lào vào năm 2010, trở thành người phụ nữ đầu tiên đạt được một vị trí quyền lực ở Viêng Chăn,” tác giả viết.
“Tuy nhiên, không nên xóa bỏ khả năng Đảng sẽ có lãnh đạo là nữ. Về mặt kỹ thuật, bà Ngân đứng thứ hai trong Bộ Chính trị, sau ông Trọng, và bà là một trong số ít thành viên đã ngồi trong cơ quan chính trị chóp bu này trong hai nhiệm kỳ, nói chung là điều kiện tiên quyết cho ghế lãnh đạo Đảng”.
Tác giả lập luận rằng chính ông Trọng cũng từng là Chủ tịch Quốc hội trước khi ông ngồi ghế tổng bí thư vào năm 2011, tức là đã có tiền lệ cho con đường thăng tiến này.
Tuy nhiên ông David Hutt mô tả có điều gì đó có thể có lợi cho bà Ngân (nhưng có thể không) là vì bà ấy hơi thiếu điều ông gọi là “hấp lực chính trị”.
“Không rõ là bà ngồi ở đâu trong cỗ máy của Đảng. Bà có phải là một nhà kỹ trị như ông Phúc, với mục tiêu là nâng cao năng lực của chính phủ? Hay bà thuộc phe nặng về tư tưởng của ông Trọng, vốn bị ám ảnh bởi việc tái khẳng định giá trị “đạo đức” và nền tảng tư tưởng của Đảng?
“Liệu bà có phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc, người muốn thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Washington để bảo vệ lợi ích lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông khỏi âm mưu bành trướng của Bắc Kinh? Hay là bà ngả về phe thực dụng trong cuộc tranh luận khi muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đảng với Bắc Kinh và đi dây giữa các siêu cường?
“Nhưng vì bà không được coi là ngả về phe nào trong bối cảnh Đảng có khuynh hướng khác nhau, nên bà có thể sẽ trở thành một ứng cử viên lý tưởng nếu người ta coi cân bằng lợi ích là là cách tốt nhất,” tác giả viết.
Ông David Hutt cho rằng ở tuổi 66, nay bà Ngân có thể tiếp tục mặc dù quá tuổi nghỉ hưu dự kiến (65) vì đã có những thay đổi về việc qui định hạn chế độ theo đó không áp dụng cho chức vụ tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.
“Điều đó có nghĩa là ông Phúc và bà Ngân, cùng 66 tuổi và ông Vượng, 67 tuổi, cánh tay phải của Trọng, đều đủ điều kiện để ngồi ghế tổng bí thư.
“Tuy nhiên, có những gợi ý rằng giới hạn độ tuổi cũng có thể được dỡ bỏ đối với các chức vụ khác. Có vẻ như khó xảy ra, nhưng ông Phúc và bà Ngân có thể được phép tiếp tục ở chức vụ hiện tại, vì họ mới chỉ nắm một nhiệm kỳ và nằm trong Bộ Chính trị và nếu gạt bỏ các qui định hẳn thì bà Ngân có khả năng nắm ghế chủ tịch nước”.
Tuy nhiên, theo tác giả, hầu hết các nhà quan phân tích đều cho là điều đó khó xảy ra và rằng bà Ngân vẫn xếp hàng sau ông Phúc và ông Vượng.
“Vấn đề không hẳn ở chỗ bà là nữ (mặc dù đối với một số người thì có là vấn đề), mà là vì bà thiếu kinh nghiệm hành chính và chính sách đối ngoại của ông Phúc cũng như sự hậu thuẫn từ người thầy đầy quyền uy dành cho ông Vượng. Việc bà là người miền Nam và chức vụ Tổng Bí thư hầu như luôn thuộc về người miền Bắc (như ông Vượng), cũng là điểm bất lợi cho bà.
“Ông Phúc, người gốc miền Trung, ít gây tranh cãi hơn. Dự đoán của riêng tôi (và đó chỉ là phỏng đoán theo thông tin) là ông Vượng sẽ ngồi ghế lãnh đạo Đảng nếu hệ thống “tứ trụ” tái diễn, nhưng ông Phúc sẽ được chấp nhận nếu có sự hợp nhất vĩnh viễn giữa người đứng đầu đảng và người đứng đầu nhà nước, một phần bởi vì ông có nhiều kinh nghiệm hơn ông Vượng trên chính trường thế giới. Tuy nhiên, bà Ngân có khả năng chen vào nếu ông Phúc và ông Vượng bị coi là quá chia rẽ.
Nếu bà Ngân không nhận được chức tổng bí thư, tác giả cho rằng bà sẽ được dự kiến sẽ rời Bộ Chính trị vào năm tới.
“Thật ra trong số ba ứng viên chính, hai người không được chọn có khả năng sẽ nghỉ hưu. Và nếu bà Ngân đi tiếp, thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội.
“Một số chuyên gia cho rằng bà sẽ được thay thế bởi một phụ nữ khác để thực hiện cam kết rõ ràng của Đảng về sự bình đẳng hơn. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS – Yusof Ishak, đã viết vào tháng Năm rằng người kế nhiệm của bà có thể sẽ là bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, hoặc ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
“Ông Hiệp nói thêm rằng nếu Đảng muốn duy trì một đại diện nữ ở vị trí tứ trụ, bà Mai sẽ nắm ghế này. Nếu kinh nghiệm được đặt trên giới tính, ông Chính có cơ hội tốt hơn,” tác giả trích dẫn.
Đánh giá của ông Zachary Abuza
Hồi tháng Sáu, nhà quan sát lâu năm về Việt Nam, Tiến sĩ Zachary Abuza, nói với BBC:
“Tôi không nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm nữa, vì ông vừa rồi đã có thời gian ốm, và lại đã một lần được miễn tuổi.”
Ông Zachary Abuza nhận xét do Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Trung Hải mới đây bị cảnh cáo, nên có lẽ ông Hải sẽ khó tái cử.
Ngoài ra, Bộ Chính trị hiện có 7 người đang từ 66 tuổi tới 76 tuổi và có lẽ đa số của nhóm này sẽ nghỉ hưu.
Như thế, ông Zachary Abuza dự đoán Bộ Chính trị khóa 13 có thể chỉ còn khoảng 7 người ở lại, mở đường cho các gương mặt mới.
“Nhưng số người mới bầu vào Bộ Chính trị Đảng Cộng sản không bao giờ nhiều hơn số thành viên cũ.”
“Vì vậy, rất có thể, một hoặc nhiều hơn nữa trong số thành viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi sẽ được cho ở lại, trong đó có ông Trần Quốc Vượng, hiện 67 tuổi,” ông Abuza nhận định.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54152092
Điểm tin trong nước sáng 15/9:
Mỹ đăng bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa và Trường Sa,
dân mạng cảm ơn rất nhiều!
Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Ba (15/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Mỹ đăng bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa và Trường Sa, dân mạng cảm ơn rất nhiều!
Trên trang fanpage Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa công bố một bản đồ Việt Nam trong đó bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo mà Trung Quốc cùng có tuyên bố chủ quyền và nằm trọn trong ‘đường lưỡi bò’ do Bắc Kinh đơn phương đặt ra.
Bài viết được đăng ngay sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) khai mạc. Hội nghị năm nay do Việt Nam chủ trì, diễn ra từ ngày 9-12/9.
Trong bài viết, Đại sứ quán Mỹ đã ca ngợi mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Mỹ trong tất cả các lĩnh vực từ thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh. Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh: “Là đối tác tin cậy, chúng ta (Mỹ và Việt Nam) sẽ cùng thịnh vượng bền lâu!”.
Trung Quốc thời gian gần đây đã có loạt động thái vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trước động thái trên của chính quyền Donald Trump, nhiều người dùng mạng xã hội Việt Nam đã bày tỏ cám ơn tới động thái mà họ cho là “sự ủng hộ” của Mỹ đối với Việt Nam.
Một người dùng Facebook có tên Nam Trường viết bằng tiếng Anh: “Chính phủ Mỹ công nhận: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam. Cám ơn rất nhiều. Đối tác tốt nhất từng có.”
Một người dùng mạng Facebook khác lấy tên Cơm Nguội bày tỏ “cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ có quan điểm đúng đắn này, phù hợp với lịch sử và pháp luật quốc tế” và nói thêm rằng “uy tín của CP [chính phủ] Hoa Kỳ cũng được củng cố bởi những hành động như thế này.”
Trao trả cho Trung Quốc 113 người nhập cảnh trái phép
Báo Lào Cai đưa tin, nhà hữu trách Việt Nam trưa ngày 14/9 đã trao trả cho Trung Quốc 113 công dân nhập cảnh trái phép tại cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Số công dân này bị bắt giữ từ ngày 21/7 – 5/8 khi đang cư trú bất hợp pháp tại TP.HCM.
TP.HCM lại ngập nặng nhiều nơi do mưa lớn
Chiều tối 14/9, tại TP.HCM xảy ra mưa lớn diện rộng và kéo dài khoảng 1 giờ đã khiến nhiều tuyến đường ở các quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh… ngập nặng.
Theo ghi nhận của Báo Tin tức vào lúc 18 giờ 30 phút chiều 14/9, trên các tuyến đường như: Tăng Nhơn Phú, đường 147, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh (quận 9), Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Hiệp Bình (quận Thủ Đức), Phan Huy Ích (quận Tân Bình), Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12)… nước ngập sâu, người dân đi lại khó khăn.
Báo Tuổi Trẻ thì cho biết tại đường Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) mặt đường biến thành sông, tại đây mặt đường rộng khoảng 10m.
Tuy nhiên mưa lớn cuốn theo rác làm đường cống không kịp thoát gây ngập diện rộng, nước mưa ngập lên vải hè, nhiều xe máy bị hư phải dẫn bộ.
Mưa lớn cũng làm Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn trên đường Bà Triệu (huyện Hóc Môn) lênh láng nước. Khoa cấp cứu, khoa vật lý trị liệu, khu hành chính, khoa khám… ngập sâu 20-30 cm. Nhiều y tá, bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu phải mang ủng, lội nước ngập để làm việc, theo VnExpress.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, khoảng từ 16-19/9, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn, gây mưa lớn diện rộng tại TP.HCM và Nam Bộ. Đợt mưa này có khả năng kéo dài tới 20/9. Người dân cần đề phòng ngập úng xảy ra tại khu vực trũng thấp.
Campuchia thỏa thuận chuyển giao phạm nhân
Bộ Tư pháp Campuchia ngày 14/9 công bố Hiệp định Chuyển giao Người bị Kết án Phạt tù giữa Campuchia và Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ 1/10. Thỏa thuận cho phép chuyển giao một số người bị kết án phạt tù giữa hai nước và cho phép một số phạm nhân được thụ án tiếp tục tại quê nhà.
Theo Khmer Times, đánh giá về sự kiện trên, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap cho biết, hai nước Campuchia và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này. Theo ông Kim Santepheap, hiệp định này có sự khác biệt so với thỏa thuận dẫn độ, cho phép chuyển giao những công
dân đã bị kết án giữa hai nước. Trong một số trường hợp, gia đình của người bị kết án có thể đề nghị chính phủ nước còn lại cho chuyển giao.
Phát biểu với truyền thông địa phương, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đánh giá hiệp định trên là một thỏa thuận mang tính nhân đạo, phản ánh sự tin tưởng lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp hai nước. Theo Đại sứ, “khi hai nước có thể chuyển giao một số phạm nhân nhất định để thụ án tại quê nhà, gia đình các phạm nhân có thể đến thăm nuôi”.
Điểm tin trong nước tối 15/9: Phi công Mỹ
gốc Việt thiệt mạng ở Kuwait; Phái đoàn cấp cao
Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Ba (15/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Phái đoàn cấp cao Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam sau Covid-19
Trên báo Zing, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/9 thông báo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha sẽ thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 17 và 18/9, theo lời mời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận với Zing rằng đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một phái đoàn cấp cao nước ngoài tại Việt Nam, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 và nhanh chóng lây lan trên toàn cầu.
Báo Korea Herald hôm 15/9 cho biết bà Kang sẽ có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, cũng như dự kiến đến chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hai bộ trưởng ngoại giao sẽ “trao đổi về hợp tác ứng phó với virus corona, cách thức thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước cũng như tình hình khu vực và quốc tế”, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In Chul.
Bà Kang cũng cảm ơn phía Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chuyên gia Hàn Quốc nhập cảnh.
Phi công Mỹ gốc Việt tử nạn ở Kuwait
Phi công Mỹ gốc Việt Jason Khai Phan đã thiệt mạng khi một máy bay gặp tai nạn trong chuyến tuần tra định kỳ ở Kuwait, báo Stars & Stripes đưa tin.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết vụ tai nạn xảy ra vào ngày 12/9, khi một máy bay đang tuần tra bên ngoài căn cứ không quân Mỹ ở Ali Al Salem, Kuwait.
Trung sĩ Jason Khai Phan, 26 tuổi, sống tại California, được giao nhiệm vụ tại phi đội an ninh 66 vào tháng 8/2019. Anh được điều động đến Kuwait cùng phi đội an ninh 386, thuộc lực lượng viễn chinh trên không kể từ tháng 7.
Chủ tiệm phế liệu trả lại 87 triệu đồng nhặt được
Anh Trần Xuân Cường, 34 tuổi, chủ tiệm phế liệu ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định vừa có nghĩa cử đẹp khi trao lại tiền và đồ vật giá trị cho người bị mất.
Vào ngày 11/9, trên đường đi làm nông về, anh Cường đã nhặt được chiếc túi có 87 tiền đồng, 2 điện thoại di động và nhiều tư trang. Ngay lập tức anh Cường mang đến công an xã để nhờ trả lại cho người đã mất là chị Nguyễn Thị A Min, ở huyện Tây Sơn.
Anh Cường chia sẻ: “Đây là số tiền lớn không dễ gì một người làm ăn chân chính kiếm được”.
Hà Tĩnh: Nâng khống giá thiết bị y tế từ 2 tỷ lên 12 tỷ đồng
Truyền thông nhà nước vừa loan tin rằng, giới hữu trách Hà Tĩnh đang điều tra vụ nhà thầu nâng khống gói thiết bị y tế có giá hơn 2 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng.
Đơn vị đang bị điều tra là Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, địa chỉ số 85 Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh.
Từ tháng 8 đến tháng 12/2018, công ty này mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty The One Việt Nam với giá thỏa thuận gần 2,1 tỷ đồng.
Thế nhưng, chỉ có 1 bộ bán cho Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà là được hai công ty trên ký hợp đồng. Ba bộ còn lại được cung cấp cho Bệnh viện huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc không được ký hợp đồng.
Các thiết bị này được hợp thức đầu vào bằng cách Công ty Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh ký hợp đồng với một công ty thứ ba và giá trị đã được nâng khống lên 10 tỷ đồng. Sau đó, Công ty thiết bị y tế Hà Tĩnh bán cho 4 bệnh viện ở Hà Tĩnh với tổng số tiền 12 tỷ đồng.
0 comments