Đọc báo Pháp – 15/09/2020
Vì hoà bình và dân chủ, châu Âu phải hậu thuẫn Đài Loan – Tú Anh
Tỉnh thức trước chính sách ương ngạnh một chiều của Trung Quốc, châu Âu đoàn kết lên giọng với Bắc Kinh; chiến thắng biểu tượng của phe Navalny trong cuộc bầu cử đầy gian lận tại Nga; Loukachenko « nộp mình » cho Putin; Covid-19 bùng lên trong mùa khai giảng đại học tại Pháp: Đây là những chủ đề nóng trên báo Pháp hôm nay 15/09/2020.
Nóng theo nghĩa đen là tựa chính trên trang nhất của La Croix: “Nước Mỹ bị lửa táp”, từ California cho đến bang Washington, bầu trời đầy than khói, Los Angeles gần như chết ngạt.
Tại châu Âu, thượng đỉnh Liên Âu và Trung Quốc qua truyền hình hôm thứ Hai 14/09/2020 được bình luận qua nhiều góc độ với cùng một nhận định: Châu Âu đoàn kết, cứng rắn với Bắc Kinh và phải làm như thế để bảo vệ quyền lợi của mình trước một « đối thủ toàn diện ».
Le Figaro với bốn tựa lớn : « Khi châu Âu thức tỉnh… », « Châu Âu lên giọng với Trung Quốc », Chiến tranh với Washington, Bắc Kinh tán tỉnh Bruxelles » nhưng « 27 thành viên châu Âu siết chặt hàng ngũ đối đầu ».
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết thêm « phản ứng cứng rắn của châu Âu bắt đầu có kết quả » cụ thể là trong tiến trình đàm phán hiệp định bảo vệ đầu tư.
Quan hệ châu Âu-Trung Quốc-Đài Loan: Gió xoay chiều ?
Trong khi đó, Le Monde đăng nguyên văn lời kêu gọi: « Châu Âu phải ủng hộ Đài Loan ». Tác giả là tập thể chuyên gia và nghị sĩ châu Âu có tiếng tăm, trong đó có nhiều vị từng thuộc xu hướng « thông cảm » với Bắc Kinh.
Nhưng tại sao Liên Âu phải « chống lưng » cho Đài Loan trong khi cam kết với Bắc Kinh chỉ công nhận có một nước Trung Hoa ?
Theo các tác giả, châu Âu cần phải xét lại chính sách đối với Đài Loan và quan hệ giữa Hoa Lục và hải đảo. Từ lâu nay, châu Âu theo đuổi mục tiêu duy trì « cân bằng giữa nguyên tắc “dân tộc tự quyết, giải quyết xung khắc qua biện pháp ôn hòa” và nguyên tắc “một nước Trung Hoa” và “một quốc gia hai chế độ” » theo tuyên truyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.
Thế nhưng, thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đặt châu Âu và thế khó xử nếu không điều chỉnh chính sách.
Trung Quốc phá hoại nguyên trạng
Cho đến nay, chính sách cúa châu Âu đối với Đài Loan dựa trên bốn từ : Duy trì nguyên trạng. Châu Âu không bao giờ khuyến khích Đài Loan độc lập, luôn từ chối đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do, cũng không ủng hộ Đài Loan gia nhập một tổ chức quốc tế kể cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Châu Âu chỉ xem Đài Loan là một « thực thể » vì lý do thực dụng, từ cấp visa cho đến quan hệ thương mại. Nhưng « nguyên trạng » đã bị phá hoại và hết còn ý nghĩa chính đáng vì một tay Trung Quốc.
Các tác giả đưa ra một danh sách rất dài, xin trình bày sơ lược : Trước hết là mô hình « một quốc gia hai chế độ » đối với Hồng Kông. Bắc kinh đã chà đạp hiệp định quốc tế năm 1984. Dân Hồng Kông không muốn bị đảng Cộng Sản cai trị thế mà Bắc kinh đáp trả bằng áp bức. Đây là một bằng chứng giúp Đài Loan và cộng đồng quốc tế thấy rõ thế nào là lòng chân thành của Trung Quốc. Mô hình « nhất quốc lưỡng trị » đã bị dân Đài Loan cực lực tẩy chay, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của tổng thống Thái Anh Văn hồi tháng Giêng.
Điểm cốt lõi thứ hai là trong khi châu Âu luôn nhấn mạnh đến « giải pháp thương lượng và hòa bình » thì Bắc Kinh ngày càng xa một giải pháp hoà bình. Trong khu vực, đảng Cộng Sản Trung Quốc tự xưng là « hiện thân » của Nhà nước Trung Quốc, tự quyền đóng cọc biên giới, độc đoán quyết định ai là người Trung Hoa, bất chấp luật quốc tế, và quyền tự do của mỗi con người.
Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để đe dọa: Biên giới Ấn độ, Biển Đông, biển Hoa Đông, chà đạp lên cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Ai không đồng ý với định nghĩa của Bắc Kinh ai là người Trung Quốc, cái gì là của Trung Quốc thì sẽ bị trừng phạt, gây áp lực kinh tế. Châu Âu không thể không biết.
Trong khi đó, Đài Loan ngày nay trở thành một « thực thể » dân chủ, đa nguyên. Châu Âu phải gia tăng đối thoại với giới dân chủ Đài Loan, kể cả các tác nhân chính trị cao nhất (chính phủ). Đài Loan phải được yểm trợ gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, làm quan sát viên cũng được, truyền thông Đài Loan, tiếng quan thoại, phải được hội nhập vào hệ thống vệ tinh châu Âu hầu làm suy yếu tình trạng độc tôn của Trung Quốc.
Đã đến lúc châu Âu phải đương cự lại cái gọi là « đòi hỏi chính đáng » của Bắc Kinh. Nếu không, châu Âu sẽ tiếp tay đưa người dân Đài Loan vào bàn tay của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Biện chứng pháp
Theo các chuyên gia và nghị viên châu Âu, đây không phải là chủ nghĩa « xét lại ». Châu Âu ủng hộ « nguyên trạng » nhưng theo một diễn tiến hợp lý và « biện chứng » : Bởi vì Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng « nguyên trạng » cho nên châu Âu cũng phải thay đổi chính sách đối với Đài Loan để duy trì ổn định. Trung Quốc phải tôn trọng quyền sống của Đài Loan.
Châu Âu phải khuyến cáo rõ ràng với Trung Quốc là nếu dùng vũ lực thì sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng, kể cả bị cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với các nền dân chủ châu Âu, không khuất phục thái độ áp đặt của Trung Quốc.
Châu Âu thức tỉnh
Le Monde cũng có một bài phóng sự dài về vụ « 12 thanh niên Hồng Kông tranh đấu cho dân chủ bị giam tại Hoa lục ». Chiếc thuyền vượt biển sang Đài Loan bị tuần duyên Trung Quốc chận bắt. Thân nhân không biết số phận của con cái mình ra sao.
Cũng theo Le Monde, ngành công nghệ cao của Trung Quốc bị đe dọa vì các cú đấm điếng người của Donald Trump. Những đại tập đoàn Hoa Vi, Tiktok … bị Mỹ trả đũa.
Trong bài châu Âu tỉnh thức, Le Figaro phân tích thêm : Chủ nghĩa đế quốc của Tập Cận Bình và phản ứng vùng dậy theo bản năng của Donald Trump đã giúp cho châu Âu hết mù lòa vì thị trường Trung Quốc. Khủng hoảng Covid-19 tiếp theo đánh thức châu Âu ra khỏi cơn mê.
Châu Âu mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối diện ngày hôm qua, không những thấy rõ mục tiêu bành trướng của anh Cộng Sản khổng lồ, mà còn ý thức được sức mạnh của chính mình để đương cự lại: Kiên quyết đòi Trung Quốc mở cửa thị trường theo thế đối đẳng. Con đường tơ lụa hay ngoại giao khẩu trang không còn đủ sức che giấu chính sách đối ngoại hung hăng của đế quốc đỏ.
Do vậy, châu Âu đặt một loạt điều kiện: Cạnh tranh công bằng, tôn trọng luật quốc tế, chấm dứt nạn gián điệp đánh cắp công nghệ và tuyên truyền. Áp lực trên hồ sơ nhân quyền, Hồng Kông, Tân Cương được đưa vào đối thoại giữa hai đại cường.
Cũng theo Le Figaro, gió đã đổi chiều trong quan hệ Bắc Kinh-Bruxellles : Mệt mỏi vì thái độ của Trung Quốc, vụ đại dịch, chiến lược đế quốc của Hoa Vi, đàm phán dai dẳng trên nhiều hồ sơ mà không đi đến đâu, hành động vi phạm nhân quyền liên tục của Bắc Kinh, 27 thành viên châu Âu quyết định đoàn kết đối đầu với Trung Quốc. Hơn ai hết, châu Âu phải tự lực, tự cường vì không có ai trợ giúp.
Bầu cử Nga: Phe Navalny ghi điểm
Đưa tin về khủng hoảng chính trị ở Belarus, Le Figaro đề tựa « Putin biểu diễn hành động ủng hộ Loukachenko ».
Tổng thống Belarus được tiếp tại Sotchi một cách lạnh nhạt, chỉ được một viên tỉnh trưởng ra đón ở phi trường. Từ Litva, lãnh đạo đối lập Svetlana Tsikhanovskaia cảnh báo Putin : mọi thỏa thuận, mọi nhượng bộ của Loukashenko đều không có giá trị.
Theo La Croix, hai bên thảo luận về « hội nhập » và Loukachenko xin vay thêm nợ 1 tỷ đôla. Sự ủng hộ của Nga chắc chắn sẽ có điều kiện : Putin đòi lập một căn cứ quân sự ở Belarus và thống nhất tiền tệ với Nga.
Trong khi đó, cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Nga hôm Chủ Nhật được báo chí Pháp chú ý vào hai điểm: Gian lận hàng loạt nhưng phe của Navalny, lãnh tụ đối lập bị đầu độc, giành được một số chiến thắng biểu tượng nhất là tại Tomsk, nơi ông uống ly trà định mệnh và ở Novossibirk, nơi mà hàng loạt quan chức chính quyền bị tố tham ô.
Le Monde phân tích qua bài « Bầu cử thông minh ». Les Echos với bài « Phe Navalny đạt chiến thắng biểu tượng » và kèm theo thông tin: « Macron thúc giục Putin làm sáng tỏ nghi án đầu độc ».
Có sự sống trên Sao Mai ? Không nên mừng vội
Thông tin Yoshihide Suga chuẩn bị lên thay thủ tướng Shinzo Abe đều được các báo đưa tin. Tất cả đều nhìn nhận là không biết rõ nhân vật khá khô khan này. Tuy nhiên, điều được dự báo là thủ tướng tương lai của Nhật sẽ không ngồi quá một năm vì tối đa là đến năm sau sẽ bầu lại Quốc Hội. Từ nay đến đó, chính sách kích thích kinh tế của Shinzo Abe sẽ được tiếp tục thi hành.
Đại dịch Covid-19 đang trở thành một vấn đề nát óc ở Pháp. Chính quyền hai thành phố lớn ở miền nam và đông nam là Marseille và Bordeaux ban hành biện pháp hạn chế gắt gao các cuộc họp mặt thân hữu lẫn gia đình không quá 6 người, trừ gia đình đông con. Quán giải khát tiếp tục mở cửa nhưng khách phải đứng…
Trong lúc đó, mùa tựu trường đại học đã bắt đầu. Le Monde đưa độc giả đến một số trường tiêu biểu nơi xảy ra những ca lây nhiễm trong cư xá. Les Echos tương đối lạc quan hơn với tựa « Tăng trưởng kinh tế Pháp hồi sinh cho dù bị đại dịch ».
Cuối cùng, về vũ trụ, Le Figaro cảnh báo : Trên Kim Tinh không có dấu hiệu của sinh vật đâu nhé ! Cuối tuần qua, một nhóm nghiên cứu Anh-Mỹ loan báo tìm thấy chất phosphine PH3 chung quanh Sao Mai. Rất có thể « có siêu sinh vật trong lớp mây ». Trên thực tế, cách đo đạc của nhóm khoa học này đã được kiểm chứng là không chính xác. Dù sao đi nữa PH3 là hóa chất rất độc.
Tin tổng hợp
(AFP) - Vụ 39 di dân Việt chết trong xe tải ở Anh : 7 người lãnh án tại Việt Nam.
Bốn người Việt Nam từ 26 đến 36 tuổi hôm qua 14/09/2020 đã bị tòa án Hà Tĩnh tuyên phạt từ 2 năm rưỡi đến 7 năm rưỡi tù giam vì « tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài ». Ba người còn lại lãnh án treo. Hôm 23/10/2019, xác của 39 người gồm 31 nam và 8 nữ trong đó có hai thiếu niên 15 tuổi đã được phát hiện trong một xe container lạnh ở khu công nghiệp Grays, phía đông Luân Đôn. Tất cả đều chết vì nghẹt thở, hầu hết là người gốc Hà Tĩnh. Nhiều người tại Anh đã bị kết án vì tội ngộ sát, trong đó có tài xế xe tải là Maurice Robinson và một người môi giới Ireland tên Ronan Hugues, 13 nghi can bị khởi tố ở Pháp và 13 người khác chuẩn bị ra tòa ở Bỉ.
(AFP) – Vatican tin tưởng sẽ gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh.
Nhân vật số hai của Tòa Thánh, Hồng y Pietro Parolin hôm qua 14/09/2020 bày tỏ sự tin tưởng vào việc gia hạn thỏa thuận lịch sử ký cách đây hai năm với Trung Quốc về việc phong chức giám mục, sẽ hết hạn vào tháng 10. Theo đó, Đức giáo hoàng Phanxicô đã công nhận 8 giám mục do Bắc Kinh phong chức mà không thông qua Tòa Thánh. Trên nguyên tắc, với thỏa thuận này việc phong chức giám mục tại Trung Quốc trong tương lai là do Đức giáo hoàng quyết định, như ở các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên vấn đề các giám mục do Vatican phong chức nhưng không đuợc Bắc Kinh nhìn nhận vẫn chưa được giải quyết. Thỏa thuận chỉ liên quan đến tôn giáo, không nhằm tái lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Trung Quốc, bị cắt đứt năm 1951, hai năm sau khi đảng cộng sản lên nắm chính quyền.
(AFP) – Tổng thống Mỹ đe dọa trả đũa « mạnh gấp 1.000 lần » nếu Iran tấn công.
Tổng thống Donald Trump hôm qua 14/09/2020 hứa hẹn rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả « mạnh gấp 1.000 lần » trước mọi cuộc tấn công của Iran, sau khi có tin trên báo chí là Teheran âm mưu ám sát nữ đại sứ Mỹ tại Nam Phi, bà Lana Marks. Theo trang Politico, mối nghi ngờ này của tình báo Mỹ bắt đầu từ mùa xuân và trở nên cụ thể hơn trong những tuần vừa qua, cho rằng Teheran muốn trả thù vụ Mỹ tiêu diệt tướng Qassem Soleimani hồi tháng Giêng. Bộ Ngoại Giao Iran bác bỏ nguồn tin « vô căn cứ ».
(AFP) – Hoa Kỳ sẽ ngăn cản Iran mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay 15/09/2020 nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ ngăn trở việc Iran mua hệ thống phòng không của Nga và xe tăng của Trung Quốc, trong khi cấm vận quốc tế đối với Teheran sẽ hết hạn vào ngày 18/10/2020. Trả lời đài phát thanh France Inter, ông Pompeo cho biết không thể để cho Iran mua các loại vũ khí trên rồi bán lại cho Hezbollah, phá hoại nỗ lực hòa bình của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Liban.
(AFP) – ADB : Covid-19 cản trở kinh tế châu Á hồi phục.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ngày 15/09/2020 dự báo sau sáu thập niên trỗi dậy mạnh mẽ, tăng trưởng của châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên sẽ bị chậm lại trong năm 2020. Nếu như trước đại dịch Covid-19, ADB dự đoán tăng trưởng sẽ ở mức 6,8% cho năm 2021, mức tăng trở lại này có nguy cơ bị kềm hãm do các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. ADB còn cảnh báo số người nghèo dường như cũng tăng lên ít nhất là 78 triệu người, đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực giảm nghèo trong 4-5 năm gần đây.
(AFP) – Tây Ban Nha : Phe hữu trong cơn lốc tai tiếng dọ thám.
Đây là tít lớn trên báo chí Tây Ban Nha ngày 15/09/2020 sau khi Viện Công Tố cho giải mật một hồ sơ dài 52 trang. Theo hồ sơ này, một người có biệt danh « Kitchen » (cũng là tên của hồ sơ) từng được đảng Nhân Dân (PP) cánh hữu, tuyển dụng và trả lương bằng tiền Nhà nước để dọ thám Luis Barcenas, thủ quỹ của đảng nhằm có được thông tin về nơi cất giấu các tài liệu được cho là gây nguy hiểm cho đảng PP và nhiều lãnh đạo của đảng này.
(Phái bộ Hoa Kỳ tại ASEAN) – Mỹ cùng 5 quốc gia Đông Nam Á khai trương dự án hợp tác Mêkông – Hoa Kỳ.
Phái bộ Hoa Kỳ tại ASEAN ra thông báo, hôm qua, 14/09/2020, cho biết cơ chế đối tác mới giữa Mỹ và Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam sẽ cho phép thúc đẩy hợp tác về nhiều mặt, từ y tế, minh bạch trong quản lý Nhà nước, đến tăng trưởng bền vững. Dự án hợp tác Mêkông – Hoa Kỳ là tiếp nối của sáng kiến Hạ lưu Mêkông, cũng giữa Hoa Kỳ với 5 quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn Mêkông, khởi đầu từ năm 2009.
(AFP) – Nghị Viện Anh thông qua dự luật sửa thỏa thuận Brexit : Liên Âu hết sức lo ngại.
Tối hôm qua, 15/09/2020, Nghị Viện Anh đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật do thủ tướng Boris Johnson chủ trì, với 340 phiếu thuận, 263 chống. Dự luật vốn bị Liên Âu cực lực phản đối từ nhiều ngày nay. Một chính trị gia châu Âu nhận định : Luân Đôn đang đánh mất uy tín quốc tế của mình, với việc đơn phương bác bỏ một thỏa thuận quốc tế mà quốc gia này tham gia.
(AFP) –Nghị sĩ châu Âu báo động về tình trạng quyền của người đồng tính bị xâm phạm tại Ba Lan.
Trong một cuộc thảo luận tại Nghị Viện, nghị sĩ châu Âu Juan Fernando Lopez Aguilar, chính trị gia Tây Ban Nha, thuộc liên đảng Xã hội chủ nghĩa và Dân chủ, tác giả báo cáo về chủ đề này, nhấn mạnh đến tình trạng tư pháp tại Ba Lan bị « bịt miệng », và việc xâm phạm quyền của người đồng tính tại Ba Lan « làm tổn hại đến chính độ tin cậy của dự án xây dựng châu Âu ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200915-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 15/9:
Quan chức Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của Trung Quốc;
Lukashenko nói Putin là ‘người bạn lúc hoạn nạn’
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (15/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Quan chức Mỹ cảnh báo sự nguy hiểm của Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Chas Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ, hôm thứ Hai (14/9) cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc có thể xây dựng kho vũ khí hạt nhân một cách nhanh chóng tới mức có thể đe dọa trực tiếp Hoa Kỳ, theo Fox news.
Ông Richard nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc rằng việc Bắc Kinh đầu tư đóng hàng trăm tàu kể từ năm 2013 là một trong các ví dụ cho thấy Trung Quốc có thể tiến hành mọi việc nhanh như thế nào để đạt được tham vọng quân sự của mình.
Ông Richard cho hay, trong 7 năm Bắc Kinh đã đóng 255 tàu cho lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc “bên cạnh các tàu mà họ đã đóng”.
“Tôi cảm thấy e ngại rằng chúng ta không hoàn toàn nhận thức được những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt”, ông Richard nói. “Trung Quốc hiện có khả năng đe dọa trực tiếp quê hương của chúng ta từ một tàu ngầm tên lửa đạn đạo, và chúng tôi có thể đi sâu phân tích điều đó. Đây quả là một khoảnh khắc bước ngoặt”.
Lukashenko nói Putin là ‘người bạn lúc hoạn nạn’
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, đã có cuộc hội đàm dài với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (14/9) trong một cuộc họp quan trọng để xác định liệu ông Lukashenko có thể tồn tại trước áp lực từ phong trào phản đối ông hay không, theo The Guardian.
Hai người đã gặp nhau tại dinh thự của ông Putin ở Sochi. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lukashenko sau khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bẩu cử tổng thống gây tranh cãi đầu tháng trước.
Trước cuộc họp, phát biểu với báo giới, ông Lukashenko nói rằng ông Putin là “một người bạn trong lúc hoạn nạn” của ông. Về phía Tổng thống Nga, ông Putin cho biết Moscow sẽ cho Belarus vay 1,5 tỷ USD. The Guardian đánh giá, với khoản vay này chính phủ Lukashenko có thể tránh được khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn.
Sau đó, cặp đôi này đã có cuộc thảo luận trong bốn giờ, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết cuộc trò chuyện “mang tính xây dựng, dài và có nội dung thiết thực”.
Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa từ 5 thực thể Tân Cương
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (14/9) cho biết họ sẽ ngừng việc nhập khẩu bông, quần áo và các sản phẩm khác được sản xuất từ năm thực thể xác định ở khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc, Reuters đưa tin.
Quyền Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Kenneth Cuccinelli cho hay lệnh cấm này nhằm chống lại việc chính quyền Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức đối với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam ở Tân Cương.
Ông Cuccinelli cho biết thêm chính phủ Mỹ đang tiến hành nhiều phân tích pháp lý bổ sung về các lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa trong toàn bộ khu vực .
Ông Navalny không còn phải thở máy
Lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny đã không còn phải dùng tới máy thở và sắp có thể rời giường bệnh trong một khoảng thời gian ngắn, Bệnh viện Charité ở Berlin, Đức, nơi đang điều trị cho chính trị gia đối lập này cho biết, theo The Guardian.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Charité nói rằng tình trạng của ông Navalny “tiếp tục được cải thiện” và ám chỉ rằng người đàn ông 44 tuổi này đã có thể nói chuyện. Bệnh viện Charité cho biết thêm, thông tin về sức khỏe của ông Navalny được công khai sau khi họ tham khảo ý kiến của chính ông và vợ.
Tuy nhiên, các bác sĩ Đức cảnh báo rằng còn quá sớm để nói rằng ông Navalny có thể bình phục hoàn toàn. Nhưng việc nhân vật đối lập hàng đầu của Tổng thống Nga Putin đã thoát khỏi tình trạng hôn mê và có thể đi lại một chút là một dấu hiệu tích cực.
Indonesia phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải
Bộ Ngoại giao Indonesia đã có văn bản phản đối Bắc Kinh khi một tàu tuần duyên của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông trong hai ngày trước khi rời đi vào thứ Hai, SCMP đưa tin.
Vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia. Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ xâm nhập của tàu Trung quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông.
Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia Bakamla cho biết tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế sau “sau khi tranh cãi qua đài phát thanh” với một tàu tuần tra của Indonesia vào trưa hôm thứ Hai.
“[Lực lượng tuần duyên Trung Quốc] nói rằng họ đang tuần tra trong khu vực tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ điều này và nói rằng đây là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi ”, phát ngôn viên Wisnu Pramandita của vùng Bakamla, Indonesia, nói với SCMP.
Điểm tin thế giới chiều 15/9:
Trung Quốc phong tỏa
thành phố giáp Myanmar vì Covid-19
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (15/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc phong tỏa thành phố giáp Myanmar vì Covid-19
Trung Quốc phong tỏa thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, giáp biên giới với Myanmar sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, theo hãng tin Aljazeera.
Các quan chức thành phố hôm nay cho biết người dân được yêu cầu ở nhà và mọi người đã bị cấm ra vào thành phố từ tối thứ Hai. Chính quyền tuyên bố 210.000 cư dân thành phố đều sẽ được xét nghiệm nCoV. Các cơ sở kinh doanh đã bị đóng cửa ngoại trừ siêu thị, hiệu thuốc và chợ thực phẩm.
Giới chức thành phố cho biết các ca nhiễm mới có nguồn gốc từ Myanmar và chính quyền sẽ “trừng phạt những người nhập cư bất hợp pháp”.
Ông Trump: Mỹ trả đũa gấp 1.000 lần nếu Iran tấn công
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhắm vào Mỹ đều sẽ bị đáp trả với sức công phá gấp 1.000 lần.
“Theo báo chí, Iran có thể đang lên kế hoạch cho một vụ ám sát hoặc một cuộc tấn công khác chống lại Mỹ để trả đũa cho vụ hạ sát thủ lĩnh khủng bố Soleimani”, ông Trump đăng Twitter, nhắc đến tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani.
“Bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran, dưới bất kỳ hình thức nào, chống lại Mỹ, đều sẽ nhận lại cuộc tấn công vào Iran có quy mô lớn hơn gấp 1.000 lần!”, Tổng thống Trump viết.
Theo AFP, trước đó, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức giấu tên cho hay Iran đang dự tính một vụ ám sát nhằm vào đại sứ Mỹ tại Nam Phi, để trả đũa việc Tổng thống Trump ra lệnh hạ sát tướng Qassem Soleimani hồi đầu năm. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện trước mùa bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
UAE và Bahrain sắp ký thỏa thuận với Israel tại Nhà Trắng
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm nay sẽ ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, tại thủ đô Washington, với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo Reuters.
“Thay vì tập trung vào các cuộc xung đột trong quá khứ, mọi người hiện đang tập trung vào việc tạo ra một tương lai sôi động với những khả năng vô tận”, cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Hai (14/9). Ông Kushner đã giúp các bên đàm phán thỏa thuận và đang cố gắng thuyết phục nhiều quốc gia vùng Vịnh hơn nữa thực hiện các thỏa thuận tương tự với Israel.
Việc tăng cường mối quan hệ giữa Israel, UAE và Bahrain phản ánh sự quan tâm chung của họ về sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực và việc phát triển của tên lửa đạn đạo của nước này. Iran đã chỉ trích cả hai thỏa thuận.
Oracle xác nhận là đối tác của TikTok, chờ phán quyết của Tổng thống Trump
Oracle đã đạt được thỏa thuận với ByteDance, công ty đã đệ trình đề xuất lên chính phủ Hoa Kỳ chỉ vài ngày trước hạn chót ngày 20/9.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (14/9) với CNBC: “Chúng tôi đã nhận được một đề xuất vào cuối tuần, gồm việc Oracle là đối tác công nghệ đáng tin cậy, đại diện cho các vấn đề an ninh quốc gia. Ngoài ra còn có cam kết thành lập TikTok Global như một công ty có trụ sở chính tại Hoa Kỳ với 20.000 việc làm mới”.
“Chúng tôi sẽ xem xét [đề xuất] đó tại ủy ban CFIUS [Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ] trong tuần này, và sau đó chúng tôi sẽ trình đề xuất lên tổng thống và cùng ông ấy xem xét lại”.
Mỹ cảnh báo công dân xem xét đến Hồng Kông
Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã kêu gọi người dân xem xét việc đi lại đến Hồng Kông sau những bất ổn ngày càng tăng khi Bắc Kinh áp luật quốc gia mới lên đặc khu này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Kể từ khi ban hành luật an ninh quốc gia vào ngày 1/7, CHND Trung Hoa thực thi chính sách và quyền lực an ninh ở Hồng Kông một cách đơn phương và tùy tiện”.
Thông cáo nhấn mạnh: “Chúng tôi mạnh mẽ cảnh báo công dân Mỹ chú ý đến môi trường xung quanh và tránh xa các cuộc biểu tình”.
0 comments