Đọc báo Pháp – 20/10/2020
Pháp : Chính phủ chuyển sang thế
tấn công Hồi giáo cực đoan
Anh Vũ
Nước Pháp vẫn còn chưa hết choáng váng với vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu thầy giáo Samuel Paty tại tỉnh Yvelines. Sau một nước Pháp đầy xúc động với các cuộc tập hợp, tuần hành khắp cả nước tưởng nhớ thầy giáo bị khủng bố sát hại, giờ là một nước Pháp hành động, chủ động tấn công, không để thụ động trước khủng bố.
Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay đều đề cập đến một chủ đề chung là hành động của chính phủ sau vụ khủng bố man rợ mà thủ phạm đã được chỉ rõ là Hồi giáo cực đoan.
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất : « Hồi giáo cực đoan : Macron hứa « hành động cụ thể ». Tựa chính của Le Figaro : « Hồi giáo cực đoan : Chính phủ muốn đáp trả cứng rắn ». Tương tự, trang nhất Libération phủ hàng tựa lớn, nhấn mạnh : « Khủng bố : Đến lúc đáp trả ». Trong khi đó, La Croix chạy tựa : « Hồi giáo cực đoan vùng xám ».
Các báo đều dành nhiều bài viết để phản ánh quyết tâm hành động của chính phủ trước đòi hỏi của dư luận xã hội về việc Pháp cần phải có ngay những biện pháp mạnh mẽ bài trừ những phong trào Hồi giáo cực đoan. Xã luận của Le Monde mang tiêu đề « Để không còn phải chết vì dạy học ». Bài viết kêu gọi cần phải ủng hộ mạnh mẽ các nhà giáo, coi họ là những người trên tuyến đầu chống Hồi giáo cực đoan, giống như nhân viên y tế là những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Cả nước, mỗi
người dân phải đoàn kết với đội ngũ giáo viên, ủng hộ họ thay vì làm họ trở nên yếu ớt, bảo vệ họ thay vì chỉ trích họ, nhằm bảo đảm ở Pháp sẽ không bao giờ có ai chết vì dạy học.
Trong khi đó, Le Figaro đặt câu hỏi : « Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Khẩu hiệu đó sắp tới sẽ ra sao nếu nước Pháp cứ cúi mình? » Để chống lại có hiệu quả chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nước Pháp cần phải được vũ trang lại toàn bộ, từ trong suy nghĩ cho đến hệ thống pháp luật, chính sách nhập cư, quyền tị nạn, quyền của trẻ vị thành niên … và phải hành động một cách thực dụng thì nước Pháp mới có thể chiến thắng được Hồi giáo cực đoan và những kẻ cuồng tín vốn dĩ chỉ muốn nước Pháp phải câm lặng. Điều quan trọng là các nhà chính trị Pháp không chỉ hô hào bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể, không còn theo kiểu nửa vời. Từ tổng thống Emmanuel Macron cho đến bộ trưởng Nội Vụ trong những ngày qua đã cố gắng tỏ rõ quyết tâm đưa ra những biện pháp cụ thể để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, Le Figaro ghi nhận.
Trong khi đó, xã luận Libération viết : « Sau các cuộc tập hợp cuối tuần qua để tưởng nhớ đến thầy giáo sử – địa Samuel Paty, và trước ngày tưởng niệm toàn quốc dành cho ông ngày mai, chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm chống khủng bố Hồi giáo. Bắt giữ, trục xuất những thành phần nguy hiểm, đe dọa cấm một số tổ chức hiệp hội, Emmanuel Macron đã yêu cầu tại cuộc họp Hội Đồng Quốc Phòng tối Chủ Nhật là cần phải có « những hành động cụ thể ». Nhưng « sự đáp trả an ninh cần thiết chỉ có thể thực hiện với sự hỗ trợ của một thứ vũ khí khác : luật pháp, luôn là luật pháp … Luật pháp cũng như văn hóa, giáo dục, đó là những thứ thuốc giải độc bổ trợ không thể thiếu cho kho vũ khí trấn áp ».
Còn xã luận của La Croix nhấn mạnh : Thực tế những gì đã xảy ra cho thấy cần phải phân định rõ giữa Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan. « Nhiệm vụ sẽ khó khăn, đòi hỏi phải rất kiên trì », La Croix kết luận.
Bầu cử Mỹ 2020 : Chuyển biến trong cử tri có thay đổi kết quả bầu cử ?
Chuyển qua phần thời sự quốc tế khác : Chỉ còn hơn chục hôm nữa đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, những biến chuyển hàng ngày ở nước Mỹ vẫn liên tục được các báo Pháp quan tâm theo dõi.
Nhật báo Le Monde có bài viết với tựa đề khá lạ : « Khi California « xuất khẩu » các cử tri ». Bài báo đề cập đến việc thời gian gần đây rất đông người dân của bang rộng lớn có xu hướng ủng hộ đảng Dân Chủ đã chuyển đến sống tại các bang vốn là thành lũy của phe Cộng Hòa như Texas, Arizona hay Nevada. Sự biến động dân cư này đang là yếu tố có thể làm thay đổi cán cân lực lượng cử tri trong cuộc bỏ phiếu tới đây ở nhiều bang. Tờ báo cho biết, từ năm 2007 đã có 7 triệu người dân California chuyển đến sinh sống ở các bang miền tây nước Mỹ. Sự biến động dân cư đã dẫn đến những chuyển biến rõ nét. Trong các cuộc bầu cử ở các địa phương này thời gian qua, phe Dân Chủ có xu hướng lấn dần sân của phe Cộng Hòa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng mà phe Cộng Hòa sẽ phải tính đến trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Trong một bài viết khác, Le Monde ghi nhận tại Mỹ có « Ba mươi hai triệu cử tri gốc La-tinh » và phe Dân Chủ hy vọng huy động được lực lượng cử tri của sắc dân thiểu số hàng đầu đất nước này, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ. Bài báo cũng ghi nhận là thách thức chủ yếu là vận động để các cử tri gốc La-tinh đăng ký vào danh sách đi bầu cử vì tỷ lệ nhóm cử tri này tham gia bầu cử ở Mỹ thường vẫn rất thấp.
Chuyển qua báo Le Figaro, tờ báo ghi nhận hai tuần trước ngày bầu cử, Donald Trump vẫn tiếp tục tự tin sẽ chiến thắng, chưa có gì khẳng định ông sẽ bị thất cử cho dù ứng cử viên Dân Chủ vẫn đang đầy hy vọng giành thắng lợi. Trong lúc mà thất bại bất ngờ trong kỳ bầu cử tổng thống 2016 trước Donald Trump vẫn còn ám ảnh phe Dân Chủ, tờ báo viết: « Hai tuần trước ngày đi bầu. Kỳ bầu cử tổng thống kỳ lạ diễn ra trong bối cảnh chưa từng có của đại dịch và khủng hoảng kinh tế, cả phe Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều bị ám ảnh bởi cuộc bầu cử 2016 ».
Đảng Cộng Hòa thì hy vọng lặp lại chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trước Hillary Clinton, khi đó vẫn được các cuộc thăm dò cho kết quả thắng. Còn đảng Dân Chủ lúc này thì lại lo sợ gặp lại kịch bản thảm họa là thắng số phiếu phổ thông nhưng lại thua về số đại cử tri. Trong các cuộc thăm dò dư luận hiện tại, ứng viên Joe Biden luôn dẫn trước Donald Trump 11 điểm, gần giống như những gì đã xảy ra với ứng viên Dân Chủ 4 năm trước, đến sát bầu cử bà Hillary Clinton luôn dẫn trước đến 10 điểm thăm dò nhưng kết cục thì như đã thấy. Vì thế, các viện thăm dò thì cứ thăm dò, còn không nhà chính trị, bình luận hay nhà báo nào dám khẳng định hay dự báo trước điều gì. Nhất là dù có hơi bị hao hụt chút năng lượng, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump với tính cách đặc biệt không giống ai vẫn tiếp tục khiến những người ủng hộ ông phát cuồng.
Trung Quốc cố hồi phục sau đại dịch
Liên quan đến châu Á, báo Libération trở lại Trung Quốc với bài phóng sự dài « Vũ Hán trở lại từ từ với cuộc sống ». Bài phóng sự cho thấy, cái tên Vũ Hán đã gắn một cách đáng buồn với Covid-19. Thành phố lớn này giờ đây đang cố gắng tìm cách thu hút trở lại các du khách nội địa, hiện vẫn không thể ra
khỏi Trung Quốc. Thành phố Vũ Hán mở cửa miễn phí hầu hết các tụ điểm du lịch, nới lỏng các biện pháp y tế phòng dịch. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thành phố từng bị coi là cái nôi của virus corona này vẫn còn bị ám ảnh vì nỗi sợ hãi dịch bệnh. Vũ Hán đang cố gắng trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng sẽ còn phải rất nhiều thời gian nữa đại dịch này mới có thể lùi vào quá khứ.
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, các trang báo kinh tế của le Figaro cũng như Les Echos đều chú ý tới việc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, tìm lại được tăng trưởng. Sau quý đầu năm sụt giảm nặng nề do dịch bệnh, trong hai quý liên tục vừa rồi, GDP của nước này đã tăng trở lại 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc giờ là nước duy nhất trên thế giới bị dịch Covid-19 nhưng thoát được suy thoái trong năm 2020. Trung Quốc dường như bắt đầu giành lại thị trường xuất khẩu, đặc biệt nhờ bán các sản phẩm, trang thiết bị y tế. Le Figaro gọi đó là « hiệu ứng Covid » tích cực với Bắc Kinh.
Ấn Độ : Miền đất hứa mới cho GAFA
Trở lại với trang kinh tế của Le Monde, tờ báo có bài viết : « GAFA đổ xô đến Ấn Độ ». Bài viết ghi nhận một thực tế đang diễn ra là các ông chủ của những đại tập đoàn tin học hàng đầu thế giới của Mỹ : Google, Apple, Facebook, Amazon đang đầu tư hàng núi tiền vào các doanh nghiệp công nghệ cao ở Ấn Độ, thị trường lớn chỉ sau Trung Quốc. Lý do khiến những người khổng lồ này đi tìm một thị trường mới là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, môi trường kinh tế ở Ấn Độ cũng cởi mở hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa hẳn đã là miền đất hứa mới cho những ông lớn công nghệ số của Mỹ. Bởi lẽ Ấn Độ là đất nước rộng lớn, đông dân nhưng kinh tế lại yếu kém, người nghèo còn quá đông, môi trường chính trị, xã hội phức tạp.
Tin tổng hợp
(AFP) – Nga sẵn sàng tạm ngừng tăng số đầu đạn hạt nhân cùng với Mỹ.
Trong một thông cáo đề ngày 20/10/2020, bộ Ngoại Giao Nga cho biết « Matxcơva đề xuất gia hạn hiệp ước giải trừ vũ khí New Start thêm một năm và sẵn sàng cùng với Hoa Kỳ « tạm dừng » ở số đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên sở hữu ». Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hai tuần nữa là đến kỳ bỏ phiếu bầu chọn tổng thống Mỹ.
(AFP) – Thụy Điển cấm các trang thiết bị của Hoa Vi và ZTE trong kế hoạch phát triển mạng 5G.
Cơ quan phụ trách gọi thầu ngày 20/10/2020 cho biết thêm là những nhà mạng nào đã sử dụng các trang thiết bị của hai hãng Trung Quốc trên có thời hạn từ đây đến tháng 01/2025 để rút toàn bộ thiết bị của Hoa Vi và ZTE. Biện pháp cấm này là hệ quả của đạo luật thông qua hồi đầu năm và được dựa trên các thẩm định từ giới quân sự và các cơ quan tình báo « nhằm bảo đảm việc sử dụng các tần sóng không gây hại cho an ninh quốc gia ».
(AFP) – Đài Bắc : Đài Loan không sợ « côn đồ ngoại giao » Hoa lục.
Sau vụ ấu đả giữa hai nhà ngoại giao Trung Quốc và một nhà ngoại giao Đài Loan ở đảo Fiji làm người này phải nhập viện, Đài Bắc tuyên bố tiếp tục tổ chức Quốc Khánh 10/10 ở các nơi trên thế giới, cũng như không sợ những quan chức du côn của Hoa lục. « Trung Quốc muốn dối trá thì dối trá, Đài Loan bất chấp », phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đài Loan tuyên bố với báo chí ngày 20/10/2020. Theo văn phòng đại diện thương mại của Đài Loan tại Fiji, vụ ấu đả xảy ra khi hai nhân viên ngoại giao Trung Quốc tìm cách xâm nhập nơi hành lễ để chụp ảnh, quay phim khách mời của Đài Loan và còn kháng cự lại lời từ chối của ban tổ chức.
(RFI) – Tư pháp Mỹ truy tố « sáu gián điệp Nga ».
Bộ Tư Pháp Mỹ hôm qua 19/10/2020 cho biết nhóm gián điệp này từ 25 đến 35 tuổi, đã được nhận diện, hoạt động từ một cơ sở của quân đội Nga tại Matxcơva. Từ năm 2015 đến năm 2019, họ đã phá hệ thống điện của Ukraina vào mùa đông, tiếp theo là xâm nhập tài khoảng của gần 100 thành viên phong trào « Nước Pháp tiến bước », pha trộn tài liệu giả, thật, tung ra trước bầu cử 2017. Nhóm này bị nghi đánh phá hệ thống máy tính của cơ quan tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2018 ở Hàn Quốc (sự kiện thể thao mà vận động viên Nga bị cấm tham gia vì dùng thuốc tăng lực), rồi đổ tội cho Bắc Triều Tiên.
(Reuters) – Covid 19: Dân chúng ngờ vực vac-xin, các nhà khoa học kêu gọi chính quyền minh bạch.
Theo điều tra được công bố trên tạp chí Nature Medicine, hôm nay, 20/10/2020, 72% trong số 13.400 người được hỏi tại 19 quốc gia, cho biết chấp nhận vac-xin, nếu vac-xin hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, có đến gần 30% không chấp nhận tiêm chủng vac-xin hoặc tỏ ra dè dặt (14% không chấp nhận tiêm chủng, 14% lưỡng lự). Người chủ trì nghiên cứu, khoa học gia Jeffrey Lazarus, nhấn mạnh : kết quả điều tra này cho thấy dân chúng thiếu tin tưởng vào chính phủ các nước. Các nhà khoa học kêu gọi chính quyền các nước minh bạch về vac-xin.
(AFP) – Thế Vận Tokyo-2020 nằm trong tầm nhắm của tin tặc Nga ?
Ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo-2020 hôm nay 20/10/2020 cho biết đang « đề phòng thường trực » rủi ro tin tặc tấn công. Vì Covid-19, Thế Vận Hội Tokyo-2020 được dời qua năm 2021. Dự án đại hội thể thao quốc tế này đang bị tình báo quân đội Nga tìm cách phá hoại, theo phát hiện của phản gián Anh. Tin tặc Nga nhử mồi, thả câu bằng thư rác gửi những người trong ban tổ chức hoặc cộng sự viên để tìm cách chiếm đoạt dữ liệu bí mật.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201020-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 20/10:
Nhật ưu tiên ASEAN, chống ảnh hưởng Trung Quốc;
Mỹ đưa 8 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen
Lục Du
Mục lục bài viết
Nhật ưu tiên ASEAN, chống ảnh hưởng Trung Quốc
Mỹ đưa 8 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen
Bà Merkel muốn Đức không phụ thuộc Trung Quốc
Mỹ-Canada nới thêm thời gian đóng cửa biên giới
Mỹ xóa tên Sudan khỏi danh sách tài trợ khủng bố
Sáng nay, thứ Ba (20/10), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Nhật ưu tiên ASEAN, chống ảnh hưởng Trung Quốc
Hôm thứ Hai (19/10), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cam kết sẽ giúp các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ trên khắp Đông Nam Á, tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với các quốc gia đang cảnh giác với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, theo Nikkei.
“Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với ASEAN để tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và xây dựng các nền kinh tế ở châu Á có khả năng chống chọi với khủng hoảng”, ông Suga nói trong bài phát biểu tại Đại học Việt Nhật, khi đang trong chuyến thăm Việt Nam.
Ông Suga đã chọn Việt Nam và Indonesia là điểm đến cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình trên cương vị thủ tướng Nhật để đặt ra các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới.
Theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật, trong chuyến thăm này, Tokyo hy vọng sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng “chủ đề trung tâm của ngoại giao Suga là liên minh với ASEAN để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc”. (Chi tiết)
Mỹ đưa 8 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen
Hoa Kỳ hôm thứ Hai (19/10) cho biết, họ đưa vào danh sách đen 2 người đàn ông và 6 công ty Trung Quốc vì đã giao dịch bất hợp pháp với Công ty Vận tải biển Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRISL) và trong một số trường hợp, giúp công ty này trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc 6 công ty Trung Quốc cung cấp “hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng” cho lĩnh vực vận tải của Iran. Bên cạnh đó, cơ quan ngoại giao hàng đầu của chính phủ Mỹ cũng cáo buộc Tập đoàn Reach Holding của Trung Quốc giúp IRISL và các công ty con của nó trốn tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
“Hôm nay, chúng tôi nhắc lại lời cảnh báo tới các bên liên quan trên toàn thế giới: Nếu bạn kinh doanh với IRISL, bạn có nguy cơ bị Hoa Kỳ trừng phạt”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong tuyên bố.
Bà Merkel muốn Đức không phụ thuộc Trung Quốc
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế của bà đã đề nghị các doanh nghiệp Đức mở rộng thị trường châu Á để tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, theo bản tin sáng thứ Ba (20/10) của SCMP.
Điều này diễn ra vài ngày sau khi bà Merkel hủy cuộc họp với 26 nhà lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu để thảo luận về các chính sách đối với Trung Quốc trong tương lai. Thủ tướng Merkel hủy họp vì lý do đại dịch Covid và các vấn đề cần ưu tiên đối với Đức cấp bách hơn vấn đề Brexit mà EU thảo luận.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, gần đây đã đưa ra chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà các quan chức cho biết là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khám phá các điểm đến trong khu vực ngoài Trung Quốc.
Mỹ-Canada nới thêm thời gian đóng cửa biên giới
Canada và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới chung của họ cho đến ít nhất là ngày 21/11 vì dịch viêm phổi Vũ Hán ở hai nước vẫn chưa suy giảm, theo bản tin hôm thứ Hai (19/10) của Fox News.
Bộ trưởng An toàn Công cộng của Canada, ông Bill Blair, đã xác nhận việc gia hạn chính sách này. Đây là lần gia hạn thứ 7 kể từ khi hai nước đóng cửa biên giới hồi tháng Ba vì đại dịch Covid.
“Chúng tôi đang mở rộng các hạn chế đi lại không cần thiết với Hoa Kỳ cho đến ngày 21/11/2020”, ông Blair viết trên Twitter. “Các quyết định của chúng tôi sẽ tiếp tục dựa trên những lời khuyên tốt nhất về sức khỏe cộng đồng hiện có để giữ cho người Canada được an toàn”.
Lệnh cấm đi lại giữa Mỹ và Canada không áp dụng đối với nhiều bác sĩ và y tá thường xuyên qua biên giới để thực hiện các hoạt động phòng chống dịch.
Mỹ xóa tên Sudan khỏi danh sách tài trợ khủng bố
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai (19/10) tuyên bố Hoa Kỳ sẽ loại Sudan khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố, theo Reuters.
Tuyên bố của ông Trump đưa ra ngay sau khi chính phủ Sudan quyết định bồi thường số tiền 335 triệu USD cho những người Mỹ và gia đình của họ là nạn nhân của các cuộc tấn công khủng bố mà chính phủ Sudan bị cáo buộc liên đới.
Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng hành động của Sudan cũng có thể tạo ra các bước chuyển động nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau khi Hoa Kỳ đã kiến tạo để Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain ký hiệp ước hòa bình và bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái. Các chi tiết vẫn đang được thảo luận, nguồn tin cho biết.
Điểm tin thế giới tối 20/10:
Trung Quốc nói binh sĩ lạc sang Ấn Độ là để tìm bò;
Indonesia không cho trinh sát cơ Mỹ hạ cánh
Hải Lam
Mục lục bài viết
Trung Quốc lý nói binh sĩ lạc sang Ấn Độ là để tìm bò
Indonesia không cho trinh sát cơ Mỹ hạ cánh
Bà Melania tái xuất sau khi nhiễm nCoV
Mike Pompeo sắp thăm Sri Lanka và Maldives
Thầy giáo Pháp bị chặt đầu được truy tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (20/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc lý nói binh sĩ lạc sang Ấn Độ là để tìm bò
“Một binh sĩ mất tích đêm 18/10 khi đi tìm con bò Tây Tạng cho một người chăn thả gia súc ở địa phương. Biên phòng Trung Quốc lập tức thông báo cho Ấn Độ nhờ hỗ trợ tìm kiếm binh sĩ đi lạc”, SCMP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây của quân đội Trung Quốc (PLA) Trương Thủy Lợi hôm qua cho biết.
“Phía Ấn Độ đồng ý hỗ trợ và cam kết ban giao binh sĩ này ‘một cách kịp thời’ cho Trung Quốc sau khi tìm thấy”, đại tá Trương nói thêm. “Ấn Độ sau đó thông báo tìm thấy binh sĩ Trung Quốc mất tích và sẽ trao trả sau khi kiểm tra y tế người này”.
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Ấn Độ nói rằng họ đã bắt được hạ sĩ Wang Ya Long ở khu vực Demchok ở phía đông Ladakh, nơi đang do Ấn Độ kiểm soát. Người lính này đã được hỗ trợ y tế và sẽ được thả ngay sau khi hoàn tất thủ tục kiểm tra.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Ladakh leo thang sau vụ ẩu đả đẫm máu hôm 15/6. Hiện quân đội hai nước vẫn tiếp tục bố trí dày đặc dọc Đường Kiểm soát bất chấp cái lạnh âm hàng chục độ C ở khu vực này.
Indonesia không cho trinh sát cơ Mỹ hạ cánh
Reuters hôm nay đưa tin, bốn quan chức cấp cao của Indonesia cho biết nước này đã từ chối đề nghị cho phép máy bay tuần thám P-8 Poseidon của hải quân Mỹ hạ cánh và tiếp liệu.
Các quan chức cho biết, phía Mỹ đã nhiều lần đưa ra đề xuất trong tháng 7 và tháng 8 với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Indonesia về việc để trinh sát cơ P-8 Poseidon dừng chân tiếp nhiên liệu ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã từ chối.
Đề xuất này, được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á, đã khiến chính phủ Indonesia ngạc nhiên, vì nước này có truyền thống theo đuổi chính sách ngoại giao trung lập. Indonesia chưa bao giờ cho phép quân đội nước ngoài hoạt động ở đây.
Máy bay tuần thám P-8 đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của hải quân Mỹ nhằm theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Reuters, Indonesia có mối quan hệ đầu tư và phát triển kinh tế ngày càng mật thiết với phía Trung Quốc. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói với Reuters rằng nước này không muốn đứng về bên nào trong cạnh tranh Mỹ – Trung và lo lắng trước căng thẳng ngày càng tăng giữa hai siêu cường, cũng như việc quân sự hóa ở Biển Đông
Bà Melania tái xuất sau khi nhiễm nCoV
NBC đưa tin, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump dự kiến xuất hiện tại buổi vận động tranh cử của chồng tại Erie, Pennsylvania vào ngày 20/10.
Đây sẽ là lần xuất hiện đầu tiên của bà Melania tại một sự kiện vận động tranh cử cho chồng sau hơn một năm và cũng là lần xuất hiện công khai đầu tiên sau khi bà nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán.
Không giống các thành viên khác trong gia đình Tổng thống, Đệ nhất phu nhân hầu như đứng ngoài các cuộc vận động tranh cử của chồng.
Mike Pompeo sắp thăm Sri Lanka và Maldives
Giới chức Sri Lanka và Maldives hôm nay cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm Sri Lanka và Maldives trong tháng này, trong bối cảnh Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Reuters cho biết, ông Pompeo sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hai chiều tại Colombo vào ngày 28/10, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Sri Lanka cho biết, song không nêu chi tiết.
Hai người thạo tin cho biết Ngoại trưởng Pompeo có thể sẽ dừng chân ở thủ đô Male của Maldives trong vài giờ cùng ngày.
Bộ Ngoại giao Maldives cho biết trong một tuyên bố: “Các chuyến thăm chính thức sắp tới của các phái đoàn nước ngoài sẽ được công bố sau khi được lên lịch và xác nhận”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã đến thăm Colombo trong tháng này. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh nỗ lực cung cấp tài chính và xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Sri Lanka và Maldives để mở rộng tầm ảnh hưởng.
Thầy giáo Pháp bị chặt đầu được truy tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh
Reuters đưa tin, Samuel Paty, giáo viên lịch sử bị chặt đầu tuần trước, sẽ được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp.
Thông tin trên được Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer công bố hôm nay (20/10). Cùng ngày, một buổi lễ quốc gia để vinh danh thầy giáo Paty cũng sẽ được tổ chức tại đại học Sorbonne, Paris.
Ông Paty, 47 tuổi, bị sát hại hôm 16/10 bên ngoài trường trung học Bois d’Aulne, ở Conflans Saint-Honorine, vùng ngoại ô cách trung tâm thủ đô Paris khoảng 30 km về phía tây bắc. Nghi phạm Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, người gốc Chechnya, bị cảnh sát tiêu diệt ngay sau đó.
Anzorov được cho là đã ra tay với ông Paty sau khi thầy giáo này cho các học trò xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed trong giờ giảng về tự do ngôn luận.
Tạp chí kinh tế
Quan hệ kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc :
Những bức tường thành khó vượt qua
Thanh Hà
Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ đe dọa tham vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhưng đó không phải là trở ngại duy nhất. Bắc Kinh giành sân lấn đất vào những vùng vốn Ankara coi là sân sau của
mình. Đôi bên có nhiều mâu thuẫn về địa chính trị và công luận của hai phía đều không mấy có thiện cảm về mối đối tác Trung –Thổ.
Trong tạp chí của RFI ngày 13/10/2020 Tolga Bilener, tác giả bài nghiên cứu « Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế » đăng trên mạng của IFRI, Viện Quan Hệ Quốc Pháp số ra tháng 10/2020, đã trình bày về tầm mức quan trọng gắn kết kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc nhưng đồng thời nhận định đây cũng là một mối giao thương bất tương xứng.
Tiếp tục cuộc phỏng vấn chuyên gia Tolga Bilener, phần hai tạp chí Kinh tế tập trung phân tích những trở lực trong mối hợp tác giữa « một cường quốc khu vực và một siêu cường cả về kinh tế lẫn trên phương diện ngoại giao của thế giới ».
Trung Quốc hiện là một trong ba đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và vì những động lực khác nhau, đôi bên đều có tham vọng mở rộng thêm nữa mối quan hệ đó. Tuy nhiên, nhiều ví dụ cụ thể cho thấy còn quá nhiều những giới hạn để có thể nói đến một trục « Ankara-Bắc Kinh ».
Thứ nhất chính quyền hai nước tuy đã đầu tư nhiều vào các chương trình du lịch thế nhưng người Trung Quốc tới nay vẫn không mặn mà với các dự án tham quan Thổ Nhĩ Kỳ và số ít sang được đến Thổ thì vấp phải sự chống đối của không ít người dân xứ này. Đây là hậu quả trực tiếp từ các biện pháp đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo như ghi nhận của Tolga Bilener. Ở chiều ngược lại, dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tẩy chay một đất nước đàn áp người Hồi giáo, muốn gột tẩy những nét đặc thù văn hóa của thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí Trung Quốc
Thí dụ thứ nhì minh họa cho khó khăn trong quan hệ kinh tế Thổ-Trung là các kế hoạch mua bán vũ khí Trung Quốc : Đối thoại giữa các giới chức quân sự hai nước đã được thiết lập từ đầu thập niên 1990. Năm 1997, Ankara đặt mua 97 tên lửa đạn đạo tầm ngắn B-611 của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc trang bị vũ khí cho một thành viên NATO.
Thực ra hợp đồng mua bán vũ khí với Trung Quốc nhanh chóng đụng phải những giới hạn. « Mùa hè năm 2013 trong bối cảnh căng thẳng với các đối tác phương Tây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo chọn mua hệ thống phòng không của Trung Quốc HQ-9, trị giá 3,8 tỷ đô la ». Hai lý do dẫn tới sự lựa chọn này đó là giá cả phải chăng so với tên lửa của Âu, Mỹ và tập đoàn Trung Quốc CPMIEC bằng lòng chuyển giao công nghệ cho đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là điều mà đến nay các nhà sản xuất phương Tây luôn luôn từ chối Ankara.
Viễn cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí của Trung Quốc là một gáo nước lạnh đối với toàn Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Sau hai năm đàm phán, cuối cùng Ankara từ bỏ kế hoạch mua tên lửa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo. Chuyên gia giảng dậy tại đại học Galatasaray, Istanbul, Tolga Bilener không ngần ngại cho rằng chính quyền Erdogan đã dùng lá bài Trung Quốc để gây áp lực với phần còn lại trong NATO.
Dự án trang bị tên lửa Trung Quốc này tuy bất thành nhưng là điểm khởi đầu thể hiện quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng các mối quan hệ.đối tác ra bên « ngoài khu vực các nước phương Tây ». Bằng chứng rõ rệt nhất là năm 2017 Ankara đặt mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga và lần này chính quyền Erdogan « phớt lờ những áp lực và cảnh cáo của các đồng minh trong gia đình NATO ».
Trung Quốc mở mặt trận công nghệ số
Về phần mình, Trung Quốc đã nhanh chóng khép lại chương mua bán vũ khí để chiêu dụ Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều lĩnh vực công nghệ mới khác với tầm chiến lược quan trọng không kém :
Tolga Bilener : « Điểm đáng chú ý ở đây là một thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hợp tác với Bắc Kinh. Chỉ riêng về mặt phát triển công nghệ số chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ dựa và Trung Quốc để thiết lập toàn bộ mạng internet 5G. Ngoài ra đôi bên đang phát triển nhiều dự án xây dựng những thành phố thông minh tức là sử dụng các công nghệ kết nối và phương tiện truyền thông nhằm cải thiện các dịch vụ trong thành phố… Thêm vào đó, như đã đề cập đến với RFI lần trước, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí địa lý rất thuận lợi về mặt chiến lược. Bắc Kinh thấy rõ đây là một mắt xích quan trong của Con Đường Tơ Lụa Mới ».
Trong bài nghiên cứu đăng trên trang mạng của IFRI « Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc : Tham vọng và giới hạn trong hợp tác kinh tế » tác giả đi sâu thêm vào chi tiết : « Tháng 1/2019 tập đoàn viễn thông Turkcell đạt thỏa thuận với Hoa Vi về cơ sở hạ tầng xây dựng mạng internet 5G trên toàn lãnh thổ từ nay đến 2021 (…) dự án này nằm trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới (…) Ngoài ra ngay từ 2009 Hoa Vi đã xây dựng một trung tâm nghiên cứu tại Istanbul, đây là trung tâm lớn nhất ở ngoài Hoa lục ».
Về phần các dự án xây dựng những « thành phố thông minh » Ankara xem đây là đòn bẩy cho quan hệ kinh tế song phương trong giai đoạn 2020-2023. Với dự án này Thổ Nhĩ Kỳ mua những trang thiết bị điện tử để theo dõi từ xa, thiết bị kết nối, biến những thành phố Thổ Nhĩ Kỳ thành những « nơi an toàn ». Sau cùng, trong một lĩnh vực còn khá mới là các hoạt động mua bán trên mạng, nhà phân phối Alibaba đã thâu tóm 75 % đối tác Trendyol để kiểm soát luôn thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.
Trở ngại khó vượt qua : Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ
Tuy nhiên trong mối quan hệ « đối tác chiến lược » giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc vẫn âm ỉ một ngòi nổ : đó là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ. Tôn giáo và ngôn ngữ là hai sợi chỉ đỏ kết nối cộng đồng thiểu số này sống tại vùng tự trị Tân Cương với người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đầu thế kỷ XX đã có một số người Duy Ngô Nhĩ sinh sống trên đất Thổ và theo nhà nghiên cứu Bilender, Bắc Kinh luôn « để mắt đến hoạt động của vài chục ngàn người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ »
Dù không đông lắm nhưng, những người Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại này lại « rất năng động về mặt chính trị và gần gũi với phe dân tộc chủ nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ » Do vậy : « yếu tố Duy Ngô Nhĩ luôn hiện diện trong phương trình của mối bang giao Trung Quốc –Thổ Nhĩ Kỳ ». Thông tin về những hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ngày càng nhiều : từ các vụ cưỡng bức lao động đến các trại « huấn nghệ » giam giữ cả triệu người vô tội vạ và gần đây nhất là nghiên cứu về chính sách triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ khiến hồ sơ vốn đã rất nhậy cảm này càng thêm « nóng bỏng ».
Nhìn rộng ra hơn yếu tố địa chính trị càng lúc càng chi phối quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Tolga Bilener trước hết tập trung vào « cái gai Duy Ngô Nhĩ » đang đâm thẳng vào cả hai phía Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ
Tolga Bilener : « Đầu tiên hết là yếu tố đối nội. Phải công nhận về mặt chính trị, chính sách của Trung Quốc về người Duy Ngô Nhĩ là một trở lực đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Không nhất thiết phải đi quá sâu về lịch sử, chỉ cần nhìn lại thời điểm từ thế kỷ 19, đã có một mối liên hệ giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một dân tộc theo đạo Hồi và nói tiếng Thổ. Yếu tố Duy Ngô Nhĩ luôn luôn hiện diện trong đối thoại Ankara –Bắc Kinh. Thế nhưng đối với Trung Quốc đây là một vấn đề thuộc về ‘an ninh quốc gia’ và Bắc Kinh luôn rất khó chịu khi Ankara đề cập đến hồ sơ Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó những cáo buộc lên án Trung Quốc đàn áp cộng đồng thiểu số này là một vấn đề mà Ankara không thể làm ngơ, bởi nó động chạm trực tiếp đến bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên chính quyển Erdogan luôn trong thế làm xiếc đi dây, vì họ thừa biết rằng đây là một chủ đề nhậy cảm đối với Bắc Kinh và muốn tránh để vấn đề Duy Ngô Nhĩ phương hại đến quan hệ kinh tế song phương. Nói cách khác hai vế ngoại giao và kinh tế ở đây song hành với nhau. Chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh như một lớp sóng ngầm.
Vì những lý do tôn giáo, vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa, công luận Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan tâm đến số phận của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tựu chung đây là một chủ đề rất nhậy cảm đối với cả hai bên. Theo một cuộc thăm dò, công luận Thổ Nhĩ Kỳ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Không hiểu liệu những nỗ lực của ngoại giao Trung Quốc có cho phép đảo ngược tình huống trong những năm sắp tới hay không ».
Washington đã ban hành các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh đàn áp người Tân Cương, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng để ý đến số phận người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và đòi đưa quan sát viên đến vùng tự trị tây bắc Trung Quốc này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có thể im lặng trên hồ sơ này để tránh làm phật lòng đối tác thương mại lớn của mình là Bắc Kinh.
Tác giả Tolga Bilener ghi nhận là đã xa rồi cái thời kỳ mà ông Recep Tayyp Erdogan ở cương vị thủ tướng, năm 2009 mạnh mẽ lên án Bắc Kinh « tiến hành gần như một cuộc diệt chủng » nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ trong tay chính quyền cũng rất kín đáo trên hồ sơ này.
Tranh giành ảnh hưởng khu vực
Bên cạnh cái gai nhức nhối nhất đối với cả hai bên là chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương, còn có nhiều xung khắc về quyền lợi cả về ngoại giao, chiến lược, kinh tế giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông, Trung Á và cả châu Phi như giải thích của nhà nghiên cứu Bilener :
Tolga Bilener : « Nhìn rộng ra hơn, ở tầm mức khu vực, quyền lợi của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đôi khi mâu thuẫn với nhau. Thí dụ như trên hồ sơ Syria, quan điểm của Ankara và Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược nhau. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự cạnh tranh về kinh tế đối với khu vực Trung Á và kể cả tại châu Phi. Từ gần một chục năm nay Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, đặc là tại các nước Phi châu Hồi giáo. Sau cùng ở cấp quốc tế, đừng quên rằng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, của Ủy Hội Châu Âu và Ankara có tham vọng ra nhập Liên Hiệp Châu Âu. Khi mà Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ nguyện vọng xích lại gần với Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thì nước này chỉ được công nhận với tư cách là quan sát viên. Thành thử chúng ta thấy rõ những giới hạn trên con đường Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc xích lại gần nhau ».
Một thăm dò dư luận được Bắc Kinh công bố hồi năm 2012 cho thấy chỉ có 17 % những người được hỏi có cái nhìn « tốt » về Thổ Nhĩ Kỳ và lời giải thích kèm theo là Ankara quá thân với Mỹ, đồng thời công luận Trung Quốc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một phần « trong vấn đề Tân Cương ».
Trong chiều ngược lại, theo báo cáo của viện thăm dò Mỹ Pew hồi năm 2019 chỉ có có 37 % những người được hỏi có « thiện cảm » với Trung Quốc, 44 % xem đây là một « mối thù nghịch » với lý do chính là chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh và hàng « made in China » thường đồng nghĩa với hàng rẻ tiền kém chất lượng. Cuối cùng một thăm dò khác do chính Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cho thấy chỉ có 11,8 % các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ xem Trung Quốc là « bạn » và 48,7 % nhìn ông khổng lồ châu Á này như một « một đe dọa đối với Thổ Nhĩ Kỳ ».