30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ,
Đức đã hoàn toàn thống nhất?
Trong những ngày này, nước Đức kỷ niệm dịp 30 năm bức tường Berlin sụp đổ. Nhiều người quan tâm đặt câu hỏi « Đông Đức có gì mới ? ». Báo Les Echos nhận định Đông Đức không có gì mới ! 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chỉ có 38% người dân Đức cho rằng công cuộc thống nhất đất nước đã thành công.
Từ năm 1989 đến năm 2015, 2 triệu người phía đông vẫn tiếp tục di cư sang phía tây. Khoảng cách thu nhập giữa Đông và Tây Đức vẫn cao. Trong khi lương tháng trung bình trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội ở Tây Đức đã tăng gấp đôi, đạt 2.790 euro vào năm 2018, thì mức lương ở Đông Đức chỉ tăng 48%. Vào năm 2017, mức lương trung bình ở Đông Đức mới bằng mức lương ở Tây Đức hồi năm 2005.
Trụ sở chính của đa phần các doanh nghiệp lớn vẫn đặt tại Tây Đức. Không một đơn vị nào trong số 30 doanh nghiệp có vốn lớn nhất Đức đặt tại Đông Đức. Ở các vùng nông thôn, mặc dù có thêm 3.000 doanh nghiệp cỡ vừa được thành lập ở phía đông, nhưng các tập đoàn lớn thì vẫn tập trung tại miền tây. Quy mô nhỏ và vừa cũng khiến các doanh nghiệp ở Đông Đức khó trang bị công nghệ mới và ít có cơ hội mở rộng thị trường.
Mặc dù đã giảm mạnh từ 18,7% vào năm 2005 xuống còn 6,4% vào năm 2018, nhưng tỉ lệ thất nghiệp ở Đông Đức cũ vẫn cao hơn Tây Đức (4,3%). Do ít chịu sự tác động quốc tế, nên các doanh nghiệp Đông Đức lại đạt mức tăng trưởng 1,6%, cao hơn một chút so với các công ty Tây Đức (1,4%).
Sử dụng hiệu quả năng lượng trên thế giới
tiến triển quá chậm
Trong lĩnh vực năng lượng, đáng chú ý là bài viết trên báo le Monde « Sử dụng hiệu quả năng lượng tiến triển quá chậm ». Theo báo cáo ngày 04/11/2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các ngành công nghiệp vẫn tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, người tiêu dùng lại có những thói quen mới vô cùng tốn kém về năng lượng. Trong khi đó, mức đầu tư của thế giới để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, cho dù tăng 1,6% do với năm 2017, nhưng vẫn là quá ít, không đủ để giảm hiệu ứng nhà kính.
Cường độ sử dụng năng lượng, (năng lượng để tạo ra một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội), chỉ được cải thiện 1,2%, mức thấp nhất kể từ đầu thập niên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tỉ lệ trên là quá thấp : mức cải thiện cường độ sử dụng năng lượng trên toàn thế giới phải đạt 3% thì mới đủ để đạt các mục tiêu đã đề ra về khí hậu, năng lượng và chất lượng không khí.
Lý do chủ yếu là nhu cầu năng lượng của các ngành công nghiệp ở Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh. Trong cuộc sống hàng ngày, phương thức tiêu dùng của con người cũng làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng, chẳng hạn về giao thông, mặc dù xe hơi ngày càng được cải thiện để tiêu tốn bớt năng lượng, song người tiêu dùng lại muốn mua xe hơi to rộng hơn, và số người đi trên xe lại giảm. Nhà ở cũng vậy, người dân chuộng những ngôi nhà, căn hộ lớn, với rất nhiều thiết bị điện. Các điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng khiến mọi người dùng nhiều máy điều hòa nhiệt độ hơn. Và kết quả là lượng năng lượng thế giới sử dụng trong năm 2018 đã tăng 2,3%, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Nghịch lý Đông Âu : Các nước tuyển lao động châu Á
vì dân di cư ồ ạt sang Tây Âu
Chuyển sang lĩnh vực xã hội, tỉ lệ sinh nở thấp và nạn di cư ồ ạt sang Tây Âu đã khiến nhiều nước Đông Âu thiếu nhân công nghiêm trọng. Báo Le Figaro gọi đó là một « nghịch lý ».
4/5 doanh nghiệp Rumani gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân công. Các doanh nghiệp Rumani đã tuyển một triệu lao động châu Á, từ lái xe, công nhân xây dựng, cho đến kỹ sư, bác sĩ. Hungary cũng thiếu hàng chục ngàn lao động trong lĩnh vực công nghiệp.
Mặc dù các nước đều muốn tuyển lao động từ những nước láng giềng để thuận lợi về mặt ngôn ngữ, chẳng hạn Ba Lan rất chuộng lao động Ukraina, Rumani thì muốn tuyển người Moldavia, nhưng « cung vẫn không đủ cầu ». Năm nay, Hungary cấp khoảng 75.000 giấy phép lao động cho người ngoài châu Âu, và ngày càng nhiều người đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Mông Cổ.
Ngoại trừ nhân công Ukraina, giấy phép lao động được các nước Liên Hiệp Châu Âu nói chung cấp nhiều nhất cho người Ấn Độ. Năm ngoái, có hơn 70.000 người Ấn Độ tới làm việc tại Anh, Đức, Ý và Đông Âu.
Còn theo Le Figaro, Việt Nam xuất khẩu nhiều lao động sang CH Séc, Rumani và các nước lân cận. Ông Daniel Bauta, người đứng đầu một quận tại Bucarest, Rumani, cho biết có hơn 500 lao động Việt Nam trên một công trường xây dựng trong địa bàn quận. Họ nhận lương khoảng 900 euro/tháng sau khi trừ các khoản đóng góp xã hội, trong khi cũng với công việc đó, người bản địa chỉ được trả 532 euro. Chính khoảng cách thu nhập này đã khiến người bản địa bất mãn.
Một nhà hoạt động nghiệp đoàn của Hungary nói với báo Le Figaro là nếu không có lao động nước ngoài này, nhiều doanh nghiệp Hungary sẽ phải đóng cửa, nhưng nếu người lao động Hung được trả lương cao hơn, họ sẽ không phải rời bỏ đất nước.
Chilê : Khủng hoảng xã hội và vi phạm nhân quyền
Nhìn sang Nam Mỹ, cuộc khủng hoảng ở Chilê vẫn thu hút sự chú ý của báo Libération. Kể từ khi phong trào phản kháng, chống bất bình đẳng xã hội bùng nổ, có ít nhất 23 người thiệt mạng, trong đó 5 người chết vì bạo lực của cảnh sát và binh lính. Đây là con số do Viện Công Tố Chilê công bố.
Còn theo Viện Nhân Quyền Quốc Gia Chilê, một tổ chức công độc lập, có hơn 145 người đệ đơn lên tòa án về việc bị lực lượng an ninh tra tấn, đối xử vô nhân tính và làm mất phẩm giá con người. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi tổ chức này được thành lập cách nay 9 năm. Trong khi đó, giám đốc tổ chức Chữ Thập Đỏ chi nhánh Chilê cho biết có hơn 2.000 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.
Bà Nancy Yanez, giám đốc trung tâm nhân quyền của đại học Chilê, tại thủ đô Santiago, nhận định các vụ vi phạm nhân quyền ồ ạt cho thấy mức độ nghiêm trọng chưa từng có kể từ khi đất nước Nam Mỹ này chuyển sang chế độ dân chủ hồi năm 1990, sau khi nhà độc tài Pinochet bị lật đổ.
Việc tổng thống Sebatian Pinera ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Santiago, rồi ở nhiều thành phố lớn khác và trao quyền cho quân đội đối phó với phong trào phản kháng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ vi phạm nhân quyền, nhất là sau khi ông tuyên bố đất nước đang « trong tình trạng chiến tranh chống kẻ thù nội bang ».
Một bệnh viện Nhà nước ngày nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị cảnh sát bắn đạn chì hoặc đạn cao su vào mắt. Ít nhất 130 người bị thương nặng ở mắt, khoảng 30 người mất hẳn thị lực một bên mắt. Báo cáo trước Thượng viện, chủ tịch một hiệp hội nhãn khoa cho biết đây là con số cao kỷ lục trên thế giới tính trong một thời gian ngắn như vậy. Và điều này là đặc biệt nghiêm trọng và chứng tỏ lực lượng an ninh nhắm bắn vào mặt người biểu tình.
Các quan sát viên của Viện Nhân Quyền Quốc Gia Chilê cũng ghi nhận là trên đường phố, trong nhiều trường hợp, kể cả khi người biểu tình không tấn công cảnh sát, thì lực lượng này cũng không tuân thủ quy định và nhắm bắn đạn cao su hoặc đạn chì vào phần thân trên người biểu tình.
Một trong những người trong ban lãnh đạo của Viện Nhân Quyền Quốc Gia Chilê nhận định mặc dù đa phần thành viên lực lượng an ninh gia nhập hàng ngũ sau khi đất nước đã quay lại chế độ dân chủ, nhưng họ lại có nhiều hành động lạm quyền, biện pháp trấn át như ở thời độc tài quân sự Pinochet.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn đến Chilê để điều tra về các cáo cuộc vi phạm nhân quyền. Các nhà điều tra cũng tìm hiểu về các biện pháp mà chính phủ cho áp dụng để đối phó với các cuộc biểu tình và các yêu sách xã hội của người dân.
Ấn Độ mất 9 triệu việc làm trong 6 năm
Trên lĩnh vực kinh tế, nhìn sang châu Á, trong bài viết « Trong 6 năm, Ấn Độ mất 9 triệu việc làm », báo Le Monde cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại Ấn Độ đã tăng từ 2,2% vào năm 2012 lên thành 6,1% vào năm 2018. Đây là tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có tại đất nước này kể từ năm 1970. Đáng lo ngại hơn nữa là hơn 50% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi. Mỗi tháng, trung bình có 1 triệu thanh niên đến tuổi gia nhập thị trường lao động.
Theo các nhà nghiên cứu của hai trường đại học Jawaharlal Nehru và Azim Premji, nguyên nhân chính khiến nạn thất nghiệp bùng nổ là việc chính phủ bất ngờ thu hồi lại 86% tiền đang lưu thông để đổi tiền mới hồi tháng 11/2016. Dù mục tiêu là chống tham nhũng, nhưng biện pháp này đã làm tê liệt nền kinh tế của đất nước : lĩnh vực phi chính thức, nông nghiệp và cả công nghiệp đều vận hành thông qua tiền mặt. Ngoài ra, công nghiệp hóa và hạ tầng cơ sở yếu kém, bộ máy quản lý hành chính nặng nề, trung ương tập quyền, khiến Ấn Độ không thu hút được các nhà đầu tư quốc tế.
New Delhi bị « cầm tù » trong bầu không khí ô nhiễm
Vẫn liên quan đến Ấn độ, nhưng về môi trường, khí hậu, báo La Croix hướng tới thủ đô New Delhi, nơi đang hứng bụi mịn ở mức 810 microgram/m3 không khí, cao gấp 32 lần khuyến cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới (25 microgram/m3). Không khí tại New Delhi là thuốc độc. Sống tại New Delhi là tự sát.
Tuy nhiên, tại Ấn Độ, không chỉ có New Delhi bị ô nhiễm không khí. Theo một báo cáo của Greenpeace và tổ chức đo lường chất lượng không khí Air Visual, trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có 22 thành phố của Ấn Độ. Ô nhiễm không khí khiến 1,2 triệu người chết sớm tại Ấn Độ hồi năm 2017.
Tin đọc nhanh
(RFI) – Hội thảo về Việt Nam sau 30 năm Đổi Mới.
Từ ngày 07 đến 08/11/2019, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Irasec), tại Bangkok, kết hợp với trường Đại Học Mở thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa Học Xã Hội vùng Nam Bộ, tổ chức hội thảo quốc tế « Đánh giá lại chủ nghĩa tư bản và xã hội châu Á trong thế kỷ 21: Tổng quan so sánh các thành tựu của Việt Nam sau 30 năm Đổi Mới và những thách thức phía trước ». Viện Irasec tổ chức hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp cận chủ nghĩa tư bản từ góc nhìn của châu Á. Hội thảo quy tụ đông đảo nhà nghiên cứu quốc tế từ Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan hay Ba Lan, Pháp và Canada nhằm trao đổi và so sánh đường đi của châu Á, cũng như những di sản kế thừa từ các hệ thống kinh tế chính trị trước kia với những thách thức ở phía trước.
(Reuters) – Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau vào tháng 12/2019
để ký một thỏa thuận thương mại tạm thời. Theo phát biểu ngày 06/11/2019 của một quan chức của chính quyền Mỹ, thỏa thuận « Giai đoạn 1 » này cũng có thể không được đúc kết, nhưng khả năng thành công nhiều hơn là thất bại. Vài chục địa điểm gặp gỡ được nêu lên, cũng có thể là tại thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra ở Luân Đôn ngày 03 và 04/12.
(RFI) – Pháp dỡ hai khu lều tạm ở cửa ô La Chapelle, quận 18 Paris.
Ngay sau khi chính phủ thông qua hạn ngạch về người nhập cư, khu lán trại tạm, được dựng ngay gần đường vành đai ở Porte de la Chapelle, đã bị lực lượng cảnh sát dỡ bỏ sáng sớm 07/11/2019. Có khoảng 1.600 người nhập cư sinh sống tại đây và được xe buýt chở đến các nhà thi đấu được dùng làm nơi ở tạm. Người nhập cư hợp pháp sẽ được phân bổ chỗ ở tạm thời. Còn người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị dẫn độ ra biên giới.
(AFP) – Nga lo ngại mối họa 2.000 người thân thánh chiến.
Truyền thông Nga trích dẫn phát biểu ngày 07/11/2019 của giám đốc cơ quan tình báo Nga (FSB), Alexandre Bortnikov nhấn mạnh những hiểm họa tiềm tàng đến từ 2.000 phụ nữ và con cái quân thánh chiến Nga trở về từ Syria. Theo ông, những người này có nguy cơ trở thành những mục tiêu tuyển dụng trong tương lai của Daech để trở thành “những kẻ tấn công tự sát, chuyên gia tuyên truyền, các nhà tuyển mộ hay thành viên các mạng lưới khủng bố bất hợp pháp”.
(AFP) – Ủy Ban Châu Âu hạ dự báo tăng trưởng.
Thông báo của Ủy Ban ngày 07/11/2019, cho rằng tăng trưởng tại 19 nước có sử dụng đồng tiền chung euro trong năm 2019 chỉ ở mức 1,1% (1,2%) và 1,2% cho năm 2020 rồi 2021 (1,4%). Tăng trưởng cho toàn khu vực Liên Hiệp 27 nước là 1,4% cho các năm 2019, 2020 và 2021. Riêng cho năm 2020 bị giảm mất 0,2 điểm.
(AFP) – Cuba đề xuất một nghị quyết chống lệnh cấm vận của Mỹ.
Tại Liên Hiệp Quốc, ngày 06/11/2019, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã trình một dự thảo nghị quyết nhằm gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ. Nghị quyết được tuyệt đại đa số các nước thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua nhưng lại không có mấy tác dụng.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Mỹ không giữ lời.
Ông Recep Tayyip Erdogan ngày 07/11/2019, chỉ trích Hoa Kỳ đã không tôn trọng những cam kết cho rút hết các lực lượng người Kurdistan ra khỏi vùng đông bắc Syria. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh nguyên thủ hai nước dự kiến gặp nhau tại Washington ngày 13/11/2019.