Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Nhân vật số 2 của đảng CSVN thăm Mỹ trong chuyến đi ‘quyết định’

Monday, October 24, 2016 // , ,
Nhân vật số 2 của đảng CSVN thăm Mỹ trong chuyến đi ‘quyết định’
October 23, 2016
Ông Đinh Thế Huynh (thứ nhất từ trái) đứng cùng “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam trong ngày kết thúc đại hội đảng hồi Tháng Giêng. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
WASHINGTON, DC (NV) – Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSVN và là thường trực ban bí thư đảng, vừa đến Mỹ hôm Chủ Nhật, 23 Tháng Mười, và kéo dài tới ngày 31 Tháng Mười, trong chuyến viếng thăm được coi là “quyết định” trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội, theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc đại học George Mason University ở Arlington, Virginia, và cũng là một học giả của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington, DC, cho biết.
Trong bài viết trên trang web của CSIS hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Mười, với tựa đề “Why the Washington Visit of the Vietnam Communist Party Permanent Secretary is Critical” (Tại sao chuyến thăm Washington của thường trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN lại mang tính quyết định), vị giáo sư cho biết ông Huynh bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Mười, trong vai trò thường trực ban bí thư.
Là lãnh đạo cao thứ nhì trong đảng, ông là một ứng cử viên có thể thay thế Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi ông này quyết định nghỉ hưu trong hai năm, theo như dự trù.
Vì thế, ông Huynh được coi là người “có đủ tư cách” nói chuyện với Washington, theo Giáo Sư Hùng.
Trong nhiều năm, thủ tục ngoại giao của Mỹ không bao giờ tiếp lãnh đạo đảng trong một hệ thống chính trị “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý,” vị giáo sư viết. Sự kiện mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Washington, DC, cách đây hai năm đã phá bỏ thủ tục này.
Cũng trong chuyến thăm này, theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trọng đưa ra hai tuyên bố quan trọng: Việt Nam sẽ làm mọi cách có thể để tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ chủ xướng và Mỹ là “lãnh vực ngoại giao quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.”
Vẫn theo giáo sư, chuyến thăm của ông Huynh cũng có thể được xem như một phần trong chính sách “đu dây” của Việt Nam giữa các cường quốc. Là một quốc gia nhỏ nằm cạnh ông hàng xóm khổng lồ, với những tham vọng thế giới và khu vực, Việt Nam phải hòa giải với Trung Quốc, nhưng không tới mức làm mất sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Thành ra, chuyện Hà Nội tranh thủ xây dựng quan hệ với các cường quốc có khả năng và ý muốn để cân bằng với Trung Quốc là điều bình thường.
Việt Nam phải có chiến lược cân bằng bằng ngoại giao uyển chuyển, trong khi không làm Trung Quốc khó chịu, theo vị giáo sư gốc Việt, và các chuyến đi nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam là để thăm dò với mục đích đó. Trong quá khứ, các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam đến Hoa Kỳ luôn luôn xảy ra sau khi, hoặc trước khi (hoặc cả hai), họ đã đến thăm Trung Quốc.
Sau đại hội đảng hồi Tháng Giêng, vẫn theo Giáo Sư Hùng, Việt Nam bắt đầu gởi các lãnh đạo đi thăm các quốc gia với mục đích thăm dò rất khéo léo.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch thăm Trung Quốc trong Tháng Tám và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quốc gia đông dân nhất thế giới này trong Tháng Chín.
Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang thăm Singapore, một quốc gia nhỏ nhưng lại là một thành viên chiến lược trong khối ASEAN, hồi Tháng Tám. Tại đây, ông Quang giới thiệu khái niệm “chung sức hành động, cùng phát triển bền vững,” đối với nguyên tắc đồng thuận của ASEAN, mà thường xuyên bị “tê liệt” mỗi khi tìm sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, theo giáo sư.
Vẫn theo Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Đinh Thế Huynh xảy ra vào giữa thời điểm có hai sự kiện đáng chú ý: Khai mạc hoạt động hải quân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam tại Đà Nẵng hồi cuối Tháng Chín (sau đó là hai chiến hạm Mỹ ghé thăm quân cảng Cam Ranh vào đầu Tháng Mười) và chuyến thăm Bắc Kinh của ông Huynh, từ ngày 19 đến ngày 21 Tháng Mười.
Trước chuyến đi Trung Quốc và Hoa Kỳ của ông Huynh, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, trong buổi gặp gỡ với bà Cara Abercrombie, phó phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam Á, đã đưa ra một tuyên bố rất mạnh mẽ: “Việt Nam ủng hộ Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác can dự vào khu vực nếu như sự can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.”
Theo Giáo Sư Hùng, chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Huynh trùng với một số sự kiện ảnh hưởng vị trí chiến lược của cả Mỹ lẫn Việt Nam: Không khí chính trị khó dự đoán tại Mỹ đối với việc chuẩn thuận TPP, phản ứng của Bắc Kinh đối với phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế có lợi cho Philippines, phát biểu của tổng thống Philippines nói rằng sẽ nghiêng về Trung Quốc và “nghỉ chơi” Hoa Kỳ, và tương lai không chắc chắn của liên minh quân sự Mỹ-Philippines.
Trong bối cảnh này, theo ông Hùng, ông Đinh Thế Huynh muốn có một sự bảo đảm về TPP và chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ sang Châu Á, nhất là sự bảo đảm chắc chắn của Washington tiếp tục hiện diện trong khu vực. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ muốn biết quan điểm và kế hoạch của Việt Nam về tương lai của TPP và ASEAN, trong bối cảnh Philippines thay đổi chính sách quá nhanh chóng. Đây là quyền lợi của cả hai nước trong việc thảo luận xem họ có thể cùng nhau làm gì với tình thế thay đổi nhanh chóng tại Châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác có ý nghĩa giữa hai bên tùy theo những câu trả lời trong các vấn đề này.
Và để trả lời cho quan tâm của Việt Nam về “diễn tiến hòa bình” có thể có của Mỹ, Washington, trong cả lời nói lẫn hành động (nhất là tiếp tổng bí thư đảng CSVN tại Hoa Kỳ), đã cho thấy họ tôn trọng hệ thống chính trị tại Việt Nam. Đổi lại, Washington cũng không muốn làm ông Huynh “mất hứng” khi khai thác hai đề tài nhân quyền và quyền của công nhân, theo nhận định của Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng. Sự thông hiểu nhau và tin tưởng nhau giữa hai bên trong các vấn đề này sẽ là một sự vững chãi trong hợp tác có hiệu quả và lâu dài giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. (Đ.D.)
http://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/nhan-vat-2-cua-dang-csvn-tham/
* Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT

Thủy thủ Việt được hải tặc Somalia trả tự do

BBC
24 tháng 10 2016
Unidentified sailors react upon their arrival at the Jomo Kenyatta International Airport after they were released by Somali pirates, Nairobi, Kenya, 23 October 2016.Image copyrightEPA
Image captionCác thủy thủ được trả tự do tại Kenya hôm cuối tuần
Một nhóm thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt làm con tin gần 5 năm đã sống sót nhờ ăn thịt chuột, một người sống sót nói.
Thủy thủ Arnel Balbero người Philippines nói họ chỉ được cho một lượng nước rất nhỏ và cảm thấy như “xác sống” vào lúc gần cuối.
26 thủy thủ đã bị bắt cùng với con tàu của họ năm 2012, giờ cuối cùng cũng được thả.
Họ được trả tự do hôm thứ Bảy 22/10, sau khi có tiền chuộc.
Các thủy thủ được tin là người quốc tịch Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan.
Báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam tường thuật ba thủy thủ Việt Nam có trong nhóm bị bắt cóc gồm: Nguyễn Văn Hạ (sinh năm 1981, ở Hà Tĩnh), Phan Xuân Phương (sinh năm 1989, ở Nghệ An), Nguyễn Văn Xuân ( sinh năm 1981, ở Hà Tĩnh).
Sailors who had been held hostage by pirates for more than four years, stand for a group photograph as they prepare to board an airplane after being released in Galkayo, Somalia Sunday, 23 October 2016.Image copyrightAP
Image captionBan đầu có 29 người bị bắt, nhưng sau đó đã có hai người chết vì bệnh trong gần 5 năm qua
Ông Balbero là thành viên của thủy thủ đoàn tàu FV Naham 3 khi con tàu này bị hải tặc Somalia bắt giữ ở Seychelles. Một thủy thủy đã bị giết khi đoàn bị bắt giữ, theo tổ chức phi chính phủ Oceans Beyond Piracy.
Một năm sau con tàu chìm, và thủy thủ đoàn được đưa lên bờ tại Somalia. Hai người sau đó chết vì bệnh tật.
Ông Balbero nói với BBC bốn năm rưỡi vừa qua đã khiến ông và những người bạn đồng hành “như xác sống”.
Khi được hỏi ông đã được đối xử ra sao, ông nói: “Họ chỉ cho chúng tôi một ít nước. Chúng tôi ăn thịt chuột. Đúng vậy, chúng tôi nấu thịt chuột trong rừng.”
“[Chúng tôi] ăn bất cứ gì, bất cứ gì. Bạn thấy đói, bạn sẽ ăn.”

Không nước, không thức ăn, không thuốc men

Ông cũng nói về khó khăn sinh tồn trên đảo: “Tôi không biết có gì… ngoài kia trên thế giới khi chuyện này kết thúc, vì thế rất khó để bắt đầu lại từ đầu.”
Screenshot of Cheng-yuan Tsai's clip of the Somalian pirates' hostages in 2014Image copyrightCHENG-YUAN TSAI
Image captionKỹ sư của tàu ông Shen Jui-chang xuất hiện trong một clip trong quá trình đàm phán trả tự do cho thủy thủy
Một clip xuất hiện cho thấy những người sống sót, có vẻ đã bị hải tặc bắt đi vào năm 2014 trong bối cảnh các đàm phán tìm kiếm bằng chứng cho thấy các con tin vẫn còn sống sót.
Đoạn video này được các nhà làm luật Đài Loan đưa ra. Họ cũng là những người tham gia cuộc đàm phán. Hình ảnh cho thấy nhóm đàn ông gầy ốm, xanh xao và bị bao vây bởi những tay súng đeo mặt nạt.
Đoạn video lướt qua một người đàn ông mà sau đó truyền thông Đài Loan xác nhận được đó là ông Shen Jui-chang, kỹ sư trưởng người Đài Loan trên con tàu bị cướp.
Trong đoạn video, ông Shen nói tiếng Quan Thoại rằng những người đó chỉ được cho một lít nước mỗi ngày để uống dù thời tiết nóng. “Không có nước, không có thức ăn,” ông nói, và cho biết thêm “tất cả chúng tôi đều bị bệnh gì đó”.
“Hải tặc không cho bạn thuốc men, họ nói họ không có tiền mua thuốc. Đó là cách hai người đã chết chẳng vì nguyên do gì,” ông nói.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nói những thủy thủ đã được trả tự do sau khi chủ tàu trả tiền chuộc cũng như các nhóm thương thuyết với hải tặc, truyền thông Đài Loan nói.
Con tàu gắn cờ Oman nhưng chủ là một công ty Đài Loan.

Điểm báo Pháp 24-10-2016

Điểm báo Pháp 24-10-2016

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tại Hội nghị Thượng đỉnh Apec ở Vladivostok, ngày 8 /09/2012.REUTERS/Mikhail Metzel

Thái độ khác biệt của bà Hillary Clinton đối với nước Nga

Đăng ngày 24-10-2016 
Theo nhận định của Le Monde, « Hillary Clinton có thái độ khác đối với nước Nga ». Le Monde cho rằng điểm khác biệt lớn nhất của bà Clinton so với ông Obama trong hai chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 và 2012 chính là ở thái độ đối với nước Nga. Nếu các ứng viên đảng Cộng Hòa, những người đã bị ông Obama đánh bại trong các cuộc đua vào Nhà Trắng, đã chế giễu ông là « ngây ngô » trước Matxcơva thì trái lại, bà Hillary Clinton đã dành cho tổng thống Nga Vladimir Putin những lời phê phán gay gắt nhất.
Bà cựu ngoại trưởng Mỹ không cần chờ phản ứng chính thức của chính quyền nước này mà đã tự mình lên tiếng cáo buộc Nga có ý đồ can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ bằng cách tấn công tin tặc nhắm vào đảng Dân Chủ và sau đó là nhắm vào hòm thư của giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống của bà là ông John Podesta. Chính những vụ tin tặc này cũng đã khiến nhà tài phiệt Donald Trump tiến lại gần hơn với tổng thống Nga Putin.
Trong một buổi tranh luận tại đảng Dân Chủ, cựu ngoại trưởng Clinton đã giải thích là quan hệ giữa hai quốc gia Mỹ – Nga đã thay đổi kể từ khi Vladimir Putin quay lại nắm quyền điều hành nước Nga. Và cũng chính từ đó, bà Hillary Clinton đã tập trung chỉ trích tổng thống Nga, người mà trước đó bà đánh giá là chỉ biết có « sức mạnh và quyết tâm ».
Trên hồ sơ Syria, trong suốt những năm cầm quyền, tổng thống Obama luôn không tin tưởng vào biện pháp can thiệp quân sự vào nước này, còn bà Clinton lại nghĩ rằng can thiệp quân sự là một trong những công cụ thể hiện sức mạnh của Mỹ. Bà cựu ngoại trưởng Mỹ xác định mục tiêu rõ ràng là « không chỉ bảo vệ người dân Syria, ngăn chặn dòng người di cư khổng lồ, mà thẳng thắn mà nói là còn đạt được ảnh hưởng với cả chính phủ Syria và người Nga, và rất có thể, là để có được một cuộc thương thuyết nghiêm túc và cần thiết để chấm dứt khủng hoảng và đạt được bước tiến về mặt chính trị ». Người kế nhiệm bà trên cương vị ngoại trưởng Mỹ là ông John Kerry, sau nhiều tháng thương thuyết không thành với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov, đương nhiên cũng có cùng quan điểm với bà Clinton.
Quan điểm cứng rắn của ứng viên tổng thống Hillary Clinton đối với Nga trái ngược với thái độ ve vãn Matxcơva của ông Donald Trump, người bảo vệ chính sách mở cửa với nước Nga. Ông Donald Trump hồi tháng Bảy thậm chí còn khiến công chúng hiểu là nếu đắc cử, ông có thể sẽ bác bỏ việc Washington từ chối công nhận bán đảo Crimée giờ là của Nga. Đối với nhà tỉ phú, người dân ở Crimée thích bán đảo này nằm dưới quyền kiểm soát của Nga hơn là thuộc về Ukraina.
Khi đó, ông Trump có quan hệ gần gũi với cố vấn của cựu tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Ianoukovich. Vì thế, Le Monde nhận xét, việc nước Nga có thiện cảm với nhà tỉ phú Donald Trump hơn là với bà Hillary Clinton cũng chẳng khiến ai ngạc nhiên.
Nga nâng cấp « Quả bom » quỹ bí mật
Trong bài viết có tiêu đề « Quả bom » quỹ bí mật của Nga, Le Monde cho biết Matxcơva đang chuẩn bị trình lên Hạ Viện Douma kế hoạch ngân sách cho năm 2017 có trị giá tới 1600 tỉ rúp (235 tỉ đô la), trong đó quỹ bí mật lên tới 800 tỉ rúp. Nhật báo Nga Novaïa Gazeta gọi đó là « một quả bom » và nhận định « quỹ bí mật trong ngân sách liên bang đã đạt mức cao chưa từng có từ thời hậu Xô Viết». Những chi phí thực sự cho quốc phòng của Nga đã vượt 4200 tỉ rúp (5,3% sản phẩm quốc nội của nước này).
Theo tờ báo kinh tế RBK của Nga thì đây là mức quỹ bí mật « cao kỷ lục trong suốt lịch sử nước Nga thời hiện đại ». RBK ước tính tổng số tiền của quỹ bí mật Nga lên tới 3700 tỉ rúp (20% ngân sách). Mặc dù quỹ này có dành cả cho các lĩnh vực văn hóa và kinh tế nhưng 70% quỹ bí mật vẫn là dành cho các chi phí quân sự.
Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng do dầu thô rớt giá và do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế sau khủng hoảng Nga-Ukraina năm 2014, hơn bao giờ hết, giờ là lúc Nga phải tiết kiệm. Thế nhưng, nếu chính phủ Nga đã thắt ngân sách đối với các chương trình xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân và giao thông đi lại thì lại thêm một lần nữa, ngân sách quốc phòng của Nga không hề bị cắt giảm.
Sợ người tị nạn, người Đức bỏ nước sang Hungary
“Nhiều người Đức rời đất nước để sang Hungary định cư” là tiêu đề bài báo trong chuyên mục điều tra của báo Le Figaro. Mong muốn một cuộc sống bớt đắt đỏ hơn ở Đức, ít dân nhập cư hơn, và an ninh được đảm bảo tốt hơn, ngày càng có nhiều người dân Đức chuyển sang định cư ở đất nước Hungary của tổng thống cực kỳ bảo thủ là ông Viktor Orban, đặc biệt từ một năm nay, sau khi Berlin quyết định mở cửa biên giới để tiếp nhận người tị nạn.
Ông Ottmar Heide, một nhân viên văn phòng bất động sản ở Hungary cho biết “8/10 khách hàng người Đức của văn phòng chúng tôi rời bỏ đất nước vì muốn “chạy trốn” khỏi lượng người tị nạn ùn ùn kéo sang Đức. Họ phàn nàn về chính sách tiếp nhận di dân của thủ tướng Merkel. Họ không muốn sống trong sợ hãi, khi vây xung quanh họ là những tín đồ hồi giáo cực đoan”.
Ông Günter Balaton, chủ hãng bất động sản Balaton Immobilien thì hài lòng cho biết hầu như toàn bộ khách hàng của ông đến từ Đức. Ông chưa bao giờ thấy có nhiều thư hỏi thông tin từ người dân sống ở Đức như vậy, mỗi ngày từ 15-20 thư, gấp 5 lần so với năm ngoái. Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, văn phòng bất động sản Balatan Immobilien đã bán được gấp đôi số nhà đã bán trong suốt cả năm 2015.
Tất cả khách hàng của ông chủ văn phòng bất động sản Balaton Immobilien đều nói với ông về nỗi sợ người tị nạn: đó là lý do chính khiến họ muốn đi khỏi Đức. Họ cảm thấy đã bị bà Merkel phản bội. Ở Đức, chỗ nào cũng thấy có nhà thờ Hồi Giáo và món kebab. Họ sợ các vụ tấn công khủng bố, các vụ cưỡng bức mà thủ phạm không ai khác là người tị nạn. Họ nghĩ đã phải trả cái giá quá đắt vì chính sách tiếp nhận di dân của thủ tướng Đức.
Họ không muốn phần thuế họ đóng góp được dùng để phục vụ những người tị nạn mà theo họ là sẽ không bao giờ hòa nhập được vào xã hội Đức. Họ nghĩ tới tương lai của con cái và cuộc sống của họ khi tới tuổi về hưu. Đối với họ, Hungari là một đất nước công giáo, an ninh được đảm bảo, người dân Hungari rất cởi mở, nồng nhiệt, thiên nhiên thì gần gũi, giá cả sinh hoạt, ăn uống lại rẻ.
Theo nhà chính trị Zoltan Kielly, chuyên gia nghiên cứu về châu Âu, từ sau cuộc khủng hoảng di dân, hình ảnh nước Hungary đã được cải thiện, không chỉ trên các phương tiện truyền thông, mà ngay trong suy nghĩ của người dân châu Âu. Đối với những người bảo thủ, coi trọng Nhà Thờ và gia đình, thì Hungary là một lựa chọn đúng đắn: họ có cảm giác như đang sống ở nước Đức cách đây 30 năm. Và chừng nào mà tổng thống Viktor Orban còn cầm quyền thì người dân sẽ được đảm bảo là không có nhiều người tị nạn ở Hungary.
Mafia: Bạn hàng mới của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo 
Trong bài viết có tiêu đề « Khi mafia ủng hộ Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo », nhật báo kinh tế Les Echos tiết lộ mafia Ý chính là trung gian để Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo bán các cổ vật.
Nhà báo Domenico Quirico, đã từng bị Daech bắt làm con tin tại Syria, đã khẳng định trong tờ nhật báo La Stampa là các cổ vật được trung chuyển qua Ý với sự giúp đỡ của các tổ chức mafia.
Từ lâu nay chúng ta đều biết nạn phá hủy và cướp đoạt cổ vật tại hơn 400 khu khảo cổ tại các vùng nằm dưới quyền kiểm soát của Daech tại Syria, Iraq và Lybia không chỉ là vì các động cơ về lý tưởng. Trên thực tế, buôn lậu cổ vật mang lại nguồn thu lớn cho Daech, khoảng 30 triệu đô la.
Các cổ vật được trung chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ, Jordanie hoặc Liban, trước khi tới tay các nhà sưu tầm ở châu Mỹ, châu Á, Nga hoặc tới châu Âu qua Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, những nước mà các điều luật về buôn lậu cổ vật khá lỏng lẻo. Trên đường trung chuyển, các cổ vật thường qua tay các tổ chức mafia ‘Ndrangheta và Camorra và được tập kết ngầm ở Vietri Sul Mare, trong kho của các cơ sở chế biến thịt.
Các cổ vật được trao đổi với mafia Nga để lấy vũ khí. Chúng thường được vận chuyển trong các container trên các tàu chở hàng của các tổ chức tội phạm Trung Quốc. Sau đó, giao dịch thường được ký kết trong các khách sạn bên bờ biển. Hoa hồng cho trung gian là 2-5% giá trị mặt hàng.
Trang nhất các báo Pháp
« Châu Âu không thể ký hiệp định tự do mậu dịch với Canada » là tít trang nhất của nhật báo Le Monde số ra ngày hôm nay. Hai bên đã đàm phán suốt 7 năm về hiệp định này. Nhưng sự phản đối của chính phủ vùng Wallonie – vương quốc Bỉ đã ngăn cản châu Âu tiến tới ký kết thỏa thuận. Le Monde nhận định là thất bại này thể hiện mong muốn bảo hộ và nó là điều đáng xấu hổ đối với Liên Hiệp Châu Âu.
Vẫn về hiệp định tự do mậu dịch Ceta, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết tối hôm nay là hạn cuối để Bỉ quyết định có ủng hộ Ceta hay không. Nhưng Les Echos cũng dự báo thất bại tại thượng đỉnh với Ottawa tối thứ Năm tuần trước có thể sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho Liên Hiệp Châu Âu.
Về thời sự trong nước, nhật báo công giáo La croix quan tâm tới « điều mà các cảnh sát mong muốn » và cho biết cảnh sát và chính quyền các địa phương bắt đầu thương thuyết từ ngày hôm nay.
Trong khi đó, nhật báo Le Figaro lại hướng sư quan tâm tới trại tị nạn ở Calais và chạy tít trang nhất : « Calais : sau sơ tán là các câu hỏi ». Dỡ bỏ trại tị nạn ở Calais kéo theo việc chuyển vài ngàn di dân tới các nơi ở mới rải rác trên toàn nước Pháp và gây ra thái độ ngập ngừng ở nhiều địa phương.
Cũng liên quan tới chủ đề này, nhật báo Libération cảnh báo về những cái bẫy mà nước Pháp phải lưu ý khi cho dỡ bỏ trại tị nạn ở Calais trong vòng ba ngày trước ống kính caméra của các phóng viên quốc tế tới từ khắp nơi trên thế giới. – RFI

TIN ĐỌC NHANH

(AFP) - Giới chăn nuôi Úc lập tổ hợp, Consortium BBHO, ngăn Trung Quốc mua đồn điền trang trại. Ngày 23/10/2016, BBHO cho biết sẵn sàng chi 386 triệu đô la Úc mua lại tập đoàn S. Kidman and Co, chủ sở hữu đất đai lớn nhất Úc. Mức giá này cao hơn đề nghị 365 triệu đô la Úc của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc Shanghai CRED.
(RFI) - Thái Lan :Google chấp nhận xóa những nội dung « khi quân » trên Internet. Phó thủ tướng Thái Lan cho biết chính quyền « có các trung tâm theo dõi internet 24/24 giờ » và đã thống kê được 61 trang web vi phạm luật khi quân, từ khi quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 13/10/2016. Trong khi đó, tập đoàn Google khẳng định sự hợp tác này nằm trong khuôn khổ về việc xóa những nội dung bị cho là phạm pháp tại một nước sở tại.
(AFP) -Cảnh sát Ấn Độ ngày 24/10/2016 thông báo bắn hạ 24 phiến quân mao-ít tại miền đông Ấn ĐộĐây là vụ đụng độ đẫm máu nhất trong cuộc xung đột kéo dài gần 50 năm qua. Từ năm 2005 đến 2016 đã có hơn 7.000 người thiệt mạng. Lực lượng nổi dậy mao-ít chủ trương chống lại chính quyền New Delhi đòi được bảo đảm việc làm, được sở hữu đất đai và đòi chính quyền trung ương đối xử bình đẳng với các bộ tộc thiểu số.
(AFP) - Berlin rút lại giấy phép cấp ngày 08/09/2016 cho quỹ đầu tư Phúc Kiếnmua lại công ty Aixtronvới giá 670 triệu euro. Ngày 24/10, nhà sản xuất thiết bị cho lĩnh vực bán dẫn cho biết nhận được quyết định trên của bộ Kinh Tế Đức vào ngày 21/10. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Berlin ngày càng lo ngại trước việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại doanh nghiệp Đức, dù phát ngôn viên của bộ Kinh Tế không nêu rõ lý do khiến Berlin thay đổi quyết địn
(AFP) - Quân đội Irak giành lại Kirkouk từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tính đến ngày 24/10/2016, 74 chiến binh thánh chiến bị tiêu diệt, thủ lĩnh chiến dịch của Daech bị bắt sống. Theo lời khai của người này, khoảng 100 tay súng Daech đã tham gia chiến dịch tấn công Kirkouk.
(AFP) - Venezuela : Phe của tổng thống Maduro bị Nghị Viện tố cáo « đảo chính ». Trong phiên họp ồn ào kéo dài 4 giờ ngày 23/10/2016 và bị tạm ngừng trong vòng 45 phút do những người ủng hộ ông Maduro tràn vào, Nghị Viện Venezuela, do đối lập chiếm đa số, kêu gọi người dân và cộng đồng quốc tế bảo vệ nền dân chủ. Lực lượng quân đội cũng được kêu gọi « không tuân lệnh và thi hành bất kỳ điều gì đi ngược với Hiến Pháp ».

Tin Biển Đông 24-10-2016

Quốc hội Việt Nam yên lặng về biển Đông

Tàu Hải quân Qiandaohu của Trung Quốc cập cảng Gdynia, Ba Lan, vào ngày 7 tháng 10 năm 2015.
Tàu Hải quân Qiandaohu của Trung Quốc cập cảng Gdynia, Ba Lan, vào ngày 7 tháng 10 năm 2015.
 AFP photo
Vào ngày 20/10/2016, Quốc hội Khóa 14 của Việt Nam bắt đầu phiên họp thứ hai. Cho đến lúc này chưa thấy vấn đề Biển Đông được đề cập đến, mặc dù trước đó, báo chí Việt Nam có tường thuật tại những buổi tiếp xúc cử tri của các vị lãnh đạo đại biểu quốc hội nhiều ý kiến lo lắng về thái độ và hành động cứng rắn của Trung quốc trên biển Đông lâu nay.

Đảng và Quốc hội

Ông Nguyễn Vũ Bình, một cựu tù nhân chính trị, và từng làm việc biên tập cho Tạp chí cộng sản của đảng cộng sản Việt Nam cho rằng việc truyền thông nhà nước loan tải các ý kiến cứng rắn của cử tri đối với Trung Quốc là một sự cởi mở trong không khí truyền thông ở Việt Nam,
“Dạo này cũng có cở mở do truyền thông lề trái rất gay gắt. Thứ hai là cũng có xu hướng ở trong dân, và một phần nào đó trong hệ thống, không khuất phục hoàn toàn chuyện đi chơi với Trung quốc.”
Tại Quốc hội Việt Nam, cơ quan được cho là không có thực quyền như đảng cộng sản, cũng từng có những đại biểu phát biểu một cách thẳng thắn thái độ của bản thân trên diễn đàn Quốc hội đối với sự lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng những phát biểu như thế không thấy ở những kỳ họp đảng, hay những quan chức đại diện đảng khi thực hiện những chuyến viếng thăm Trung Quốc.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết:
“Ở Việt Nam thì chỉ có một đảng lãnh đạo. Và đảng lãnh đạo thì thống nhất, trực tiếp và toàn diện. Cho nên về nguyên tắc thì những phát biểu đó phải thống nhất về nội dung, ý tưởng bên trong, còn sự thể hiện thì tùy ở mỗi con người, mỗi vai vế, phát biểu nó có thể khác nhau. 
Ở đảng thì nói có thể khác quốc hội một chút, lực lượng vũ trang cũng có thể khác. Nhưng mục tiêu vẫn là giữ vững độc lập dân tộc, không lệ thuộc một nước nào. Cái độc lập đó, kể cả vùng biển đảo thì Việt Nam cũng đã khẳng định rồi.”
Ông Nguyễn Vũ Bình cũng cho rằng thực ra các phát biểu của các lãnh đạo đảng, hay đại biểu quốc hội, cũng là đảng viên, thực chất không khác nhau:
Nói năng và ứng xử có phần khác bên đảng thôi. Do môi trường nó như thế. Về mặt nói năng khá cởi mở hơn. Bởi vì anh tiếp xúc với dân thì ít nhiều anh cũng nghe phản ảnh của dân, tâm tư nguyện vọng của dân. 
Rồi phải giao tiếp và trả lời, không thể cứng nhắc như bên đảng được. Cho nên nó bắt buộc là phải mềm dẻo phù hợp với môi trường đó. Chứ về bản chất không có gì khác nhau cả.”

Trưởng ban tuyên giáo sang Bắc Kinh

Ngày 20 tháng 10, ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, cơ quan lo về lý luận của đảng cộng sản thăm Trung Quốc và có làm việc với ông Tập Cận Bình, người đứng đầu đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc.
000_HD434
Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ tại vùng biển gần đảo Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 21/10/2016.AFP
Theo những bản tin của truyền thông Việt Nam loan tải thì ông Huynh có đề cập đến chuyện là Việt Nam đề nghị giải quyết chuyện Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Nhưng không thấy trích lời ông Tập Cận Bình về biển Đông.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Đinh Thế Huynh trùng với các phiên họp của quốc hội Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo dõi các phiên hợp quốc hội này, ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập tại Sài gòn nói rằng:
Kỳ này không khí phản ứng của quốc hội Việt Nam đối với Trung Quốc là rất yếu ớt. Rất yếu ớt so với cuối năm 2011, và rất yếu ớt với tháng năm tháng sáu năm 2014 khi mà có sự kiện giàn khoan 981 nổ ra ở biển Đông.”
Sau sự kiện giàn khoan 981, trong một phiên họp của Quốc hội, tướng Đỗ Bá Tỵ, lúc đó là thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam tuyên bố rất cứng rắn rằng âm mưu của Trung Quốc thực hiện thống trị Biển Đông với đường ranh giới 9 đoạn tự tuyên bố của họ, là không bao giờ thay đổi.
Trong buổi trao đổi với chúng tôi vào ngày 24 tháng 10, ông Trần Quốc Thuận nói rằng âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam là câu chuyện đã kéo dài hàng ngàn năm nay, tuy nhiên chiến tranh không phải là điều hay.
Nhưng ông nói tiếp là cũng phải chuẩn bị chiến tranh để mong giữ được hòa bình.

Chính sách Biển Đông của Việt Nam?

Cuối tháng chín 2016, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự hiện sống ở Hà Nội có nói với chúng tôi rằng tình thế của Việt Nam rất khó khăn vì có một quốc gia láng giềng như Trung Quốc, và ông đánh giá cao chính sách ngoại giao đi giữa các cường quốc của Việt Nam. Ông nói thêm:
Có thể nói bất kỳ một lực lượng chính trị nào, lên nắm quyền ở Việt Nam thay cho chính quyền hiện tại, đều phải đối mắt với những vấn đề hết sức khó khăn đó. 
Và nếu mình biết được mối quan hệ như thế, tình hình như thế, nhiều người cho rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam là chính sách đu dây, chưa biết chừng chính sách ấy là chính sách khó thể bỏ qua được.”
Đánh giá về thái độ của Quốc hội Việt Nam hiện nay về hàng loạt vụ lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông từ năm 2015 đến nay, ông Phạm Chí Dũng cho rằng có lẽ Việt Nam đang chờ xem thái độ của các cường quốc Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 24 tháng 10, bình luận về chuyến thực thi quyền tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 21 tháng 10, người phát ngôn bộ ngoại giao là ông Lê Hải Bình trả lời rằng Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng sa và Trường sa, đồng thời ông mong rằng các cường quốc đến với biển Đông để duy trì hòa bình. Ông không nhắc gì đến Trung quốc cũng như Hoa Kỳ. – RFA

Trung Quốc lên án tàu chiến Mỹ chạy ngang Biển Đông

Khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.
Trung Quốc hôm thứ Sáu 22/10 lên án việc một tàu khu trục của hải quân Mỹ chạy ngang qua vùng biển gần các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Bắc Kinh nói đây là một hành động khiêu khích và “bất hợp pháp nghiêm trọng”.
Trước đó, phía Mỹ nói hành động của họ là để thách thức ý đồ của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong vùng biển này.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ nói tàu khu trục USS Decatur chạy ngang qua quần đảo Trường Sa ngày hôm qua, thứ Sáu, trong một sứ mạng ‘thường lệ và hợp pháp’ để thách thức “các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá” của Trung Quốc.
Ông nói tàu chiến Mỹ không tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý giới hạn chủ quyền từ các hòn đảo, theo luật quốc tế. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại các hòn đảo này, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Đài Loan.
0:00:48
0:00:00/0:00:48
 Đường dẫn trực tiếp
Trung Quốc không công nhận giới hạn chủ quyền lãnh thổ quốc tế, và còn tố cáo Mỹ là một quốc gia chuyên ‘gây rối’ trong khu vực.
Các tàu chiến Trung Quốc theo sát khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo, đồng thời yêu cầu khu trục hạm của Mỹ rời khỏi khu vực.
Như vậy tính cho đến thời điểm này thì trong một năm qua, tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến hải hành để khẳng định quyền tự do hàng hải trên khắp Biển Đông.
Trước đó, một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Mỹ đã không xin phép đi vào các vùng biển của Bắc Kinh và vi phạm luật Trung Quốc lẫn luật quốc tế.
Tòa Bạch Ốc nói hoạt động này nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước dựa trên luật quốc tế.
Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh:
“Hoạt động này khẳng định các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, và quyền được phép sử dụng biển hợp pháp của Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia khác, dựa trên luật quốc tế.”  - VOA

Tin Hoa Kỳ 24-10-2016

Tin Hoa Kỳ 24-10-2016

Hoa Kỳ nói về lý do đưa tàu chiến gần Hoàng Sa

Thư ký báo chí Tòa Bạch ốc Josh Earnest nói việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào Hoàng Sa dip̣ cuối tuần qua là để thực thi quyền tự do đi lại.

“Hoa Kỳ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất, đảo và đá ở Biển Đông. Quan điểm của Hoa Kỳ là tranh chấp về các tuyên bố chủ quyền đối với những chỗ đó không nên được giải quyết thông qua vây ép, sức mạnh quân sự hay đe dọa mà phải nên thông qua đàm phán.”
“Việc chúng tôi đưa tàu vào đây không chỉ đại diện cho Hoa Kỳ và quân đội Hoa Kỳ. Đó là việc chúng tôi làm nhân danh tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc,” ông Earnest nói. – VOA

Trump và Clinton ‘đối mặt’ tại Alfred Smith Dinner 2016

Báo Người Việt

Ứng cử viên Cọng Hoà Donald Trump (bên phải) bắt tay với ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton trong buổi dạ tiệc Alfred E. Smith Memorial Foundation dinner, Thứ năm, Oct. 20, 2016, tại New York. (AP Photo/ Evan Vucci) 
Tiệc Alfred E. Smith Memorial Foundation lần thứ 71 Hàng năm, một dạ tiệc từ thiện được tổ chức bởi Tổng Giáo phận New York vào thứ năm 20 tháng 10, năm 2016, tại khách sạn Waldorf Astoria ở New York với sự tham dự đặc biệt của hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ: Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. (Phía ông Trump có sự hiện diện của bà vợ, trong khi bà Hilary Clinton không có ông chồng. phụ chú của Ba Cây Trúc. 
.Buổi tiệc này được ví von là cuộc tranh luận lần thứ 4 của hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump. 
Từ trái, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton, Hồng y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, và vợ Melania Trump. 
.Bà Hillary và bà Melania Trump. 
.Mọi người làm lễ chào cờ khi bài quốc ca được vang lên trong buổi tiệc. 
. .Phát biểu của ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton khá khôi hài và duyên dáng. 
. Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đang nói về đối thủ của ông, bà Hillary Clinton. 
. .Nụ cười của bà Hillary Clinton, Đức Hồng Y Timothy Dolan và ông Donald Trump. 
. .Cái bắt tay để làm vui lòng Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York của hai đối thủ. (Hình ảnh :AP Photo / Andrew Harnik) 

Donald Trump và Hillary Clinton trao đổi nụ cười và những lời lăng mạ tại buổi tiệc từ thiện

AuthorITNĐiền Phong chuyễn ngữSourceInternational Business Times Posted on: 2016-10-24
Donald Trump bị la ó tại bữa tiệc ở Alfred E Smith Memorial Foundation vào thứ năm (20 tháng 10) khi gọi ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton đối thủ của mình là hư hỏng. Buổi dạ tiệc lịch sự tại Manhattan, mà thường là dịp cuối cùng để hai ứng cử viên tổng thống chia sẻ cùng một sân khấu trước khi bầu cử, là một buổi quyên góp cho tổ chức từ thiện Công giáo liên hệ với Tổng Giáo Phận New York.
Các ứng cử viên trao đổi những câu gai góc, chỉ một đêm sau khi cuộc tranh luận ứng cử tổng thống lần thứ ba. Trong quá khứ, các ứng cử viên tổng thống đã nói với những người tham dự một cách hùng hổ khi chế diễu khôi hài đối thủ của họ.
Trước đó, trong bài phát biểu, Trump đã khiến người ta cưòi vang tại Waldorf Astoria Hotel. Ông kể lại những phát biểu của vợ mình là Melania khi bà này nhại lại những câu nói của Michelle Obama tại Hội nghị Quốc gia đảng Cộng hòa.
“Michelle Obama đưa ra một bài phát biểu mà tất cả mọi người đều thích, họ nghĩ rằng bà hoàn toàn vỉ đại. Còn vợ tôi, Melania, cũng nói lại đúng những câu như thế nhưng người ta lại đổ xô xỉa xói vào bà ! ông nói.
Bài phát biểu của ông nhanh chóng chỉa vào tấn công bà Clinton đã khiến khán giả cười nhạo và hét lên bảo ngừng nói.
Ông Trump nói: Hillary tin rằng điều thiết yếu để đánh lừa mọi người là phải có một chính sách này ở chốn công khai và một chính sách kia hoàn toàn khác ở chốn riêng tư, khi ông đề cập đến các thư của John Podesta, chủ tịch chiến dịch của bà Hillary đã được WikiLeaks công bố.
Để đối phó với những tiếng la ó, Trump nói: Được rồi, tôi không biết họ đang tức giận ai, giận Hillary, giận bạn hay giận tôi ? 
Trump tiếp tục cuộc tấn công của mình trong khi đang đứng ở bục thuyết trình, cách xa Tổng Giám Mục New York Timothy Dolan chỉ một vài thước.
Chảng hạn ông đã nói với những tiếng la ó đang lớn dần: Ở đây, tối nay, bà ở nơi công cộng, nên bà giả vờ không ghét người Công giáo. Đây là lần đầu tiên mà bà Hillary ngồi xuống và nói chuyện với các nhà tài trợ chính của công ty và bà không được họ trả tiền cho việc trò chuyện của bà. Hillary quá hư hỏng nên bà đã bị đá ra khỏi hội đồng của Watergate. 
Các khán giả đã không cười và họ cũng không thích thú khi ông nhắc lại lời nhận xét của ông rằng Clinton là một người phụ nữ nham hiểm.
“Đêm qua, tôi gọi Hillary là một người phụ nữ nham hiểm. Chuyện này hoàn toàn tương đối. Sau khi nghe Hillary lải nhải thì tôi không còn nghĩ xấu về cô đào Rosie ODonnell nữa. Trong thực tế, tôi thực sự bắt đầu thích cô Rosie nhiều lắm”, ông nói, đề cập đến cuộc tranh cãi dài cả thập kỷ của ông với cô nữ tài tử vừa là diễn viên vừa là tác giả này.
Bà Clinton vặn lại, bà này cũng chẳng chơi đẹp, nhưng người ta cho rằng lời nói của bà đã được khán giả tiếp nhận khá hơn. Bà châm chích ông Trump về sự ngưỡng mộ của ông đối với nước Nga và Tổng thống Putin, trong khi bà còn buông lời nhận xét về việc ông từ chối tiết lộ hồ sơ sức khỏe của ông. Bà nói: Donald Trump, như quý vị đã biết, thực sự là khỏe mạnh như một con ngựa – cái con mà Vladimir Putin thường cưỡi chạy loanh quanh. 
Nói về tính bất cẩn của ông khi không nhìn vào máy nhắc tuồng, bà nói: Tôi dám chắc rằng: thật khó khăn hơn khi bạn phải dịch từ bản gốc tiếng Nga để nói. 
Bà cũng nhấn mạnh về hành vi xàm xở của ông đối với phụ nữ rằng: Donald nhìn tượng Nữ thần Tự do và thấy một con số 4, có lẽ một con số 5, nếu Nữ Thần mất đi ngọn đuốc và tấm bảng ghi luật pháp ở tay và thay đổi mái tóc của mình. 
Bà Clinton đã chế riểu ông Trump về những bình luận của ông tại cuộc tranh luận tranh cử tổng thống thứ ba, khi ông duy trì sự mơ hồ về việc chấp nhận kết quả của bầu cử.
Bà nói: Thật là kỳ diệu, tôi đến đây sau Donald. Tôi không nghĩ rằng ông ta sẽ thuận thảo với sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình. 
Bà cũng bươi móc người bạn đồng hành của ông Trumps: Sau khi nghe bài phát biểu của ông, tôi cũng sẽ thích nghe ông Mike Pence phủ nhận về chuyện ông Trump đã từng phát biểu . 
Bà Clinton chế giễu Trump cho rằng bà cần được thử nghiệm xem có thuốc kích thích hay không trước khi tham gia cuộc tranh luận cuối cùng: Tôi rất hãnh diện rằng Donald đã nghĩ tôi có sử dụng thứ thuốc nào đó để tăng cường sức lực. Thật sự là tôi có dùng – thứ thuốc được gọi sự chuẩn bị.
FULL: Donald Trump Roasts Hillary Clinton At 2016 Al Smith Dinner – FNN 

Clinton tung quân, tăng cường quảng cáo‘đánh trận cuối’

Nguyễn Văn Khanh
Hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)
Đúng hai tuần trước ngày bầu cử tổng thống, cánh Cộng Hòa lẫn phe Dân Chủ đều nhộn nhịp hơn trước. Dàn nhân viên nòng cốt trong ủy ban tranh cử của ông Cộng Hòa Donald Trump cũng như dàn tham mưu của bà Dân Chủ Hillary Clinton làm việc không ngừng nghỉ, nhất quyết bằng mọi giá phải chiến thắng cuộc chiến chính trị 2016.
Trong lúc ông Trump và bà Clinton ráo riết thực hiện những buổi tiếp xúc với cử tri toàn quốc để vận động kiếm phiếu, nhân viên văn phòng vận động trung ương cũng thay phiên nhau về tận địa phương để trực tiếp điều khiển kế hoạch thúc giục người dân đừng quên bỏ phiếu cho ứng cử viên của phe mình, nhắc nhở mọi người nhớ đi bầu vào ngày 8 Tháng Mười Một sắp tới.
Theo lời ông Alan Cobb, người đặc trách tuyển mộ nhân viên làm việc cho Ban Vận Động Donald Trump ở các địa phương, “càng gần đến ngày bầu cử, chúng tôi càng phải ráo riết làm việc, nhất định không bỏ sót một lá phiếu nào để ông Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.”
Bên bà Clinton cũng thế, có người kể lại được ông sếp John Podesta cho hay “cả dàn tham mưu trung ương cũng như địa phương mỗi ngày làm việc từ 18 tiếng đến 20 tiếng là chuyện bình thường,” nói đùa “may quá, mỗi bốn năm mới bầu cử tổng thống một lần,” nhân tiện thông báo “sau ngày bầu cử, mọi người sẽ lăn ra ngủ bù.”
Làm việc hăng say như nhau, không khí nhộn nhịp cũng giống nhau, nhưng tổng số nhân viên được cánh ông Trump hay phía bà Clinton thuê mướn ở các địa phương cách biệt nhau rất xa.
Các bản báo cáo cả hai bên gửi cho Ủy Ban Tuyển Cử Quốc Gia (FEC) cho thấy tính đến giữa Tháng Chín, bên bà Clinton bỏ tiền thuê 5,138 nhân viên làm việc toàn thời gian ở 15 tiểu bang cử tri phân vân chưa quyết định bỏ phiếu chọn ai làm tổng thống (“battleground state” hoặc “swing state”), trong khi phía ông Trump chỉ thuê có 1,409 người ở 16 tiểu bang “cần phải thắng” để đưa ông tỷ phú vào Tòa Bạch Ốc.
Ông Ron Stevenson, một chiến lược gia chuyên làm việc với các ứng cử viên độc lập, nhận xét “những con số này cho thấy trong cuộc vận động, phía bà Clinton có lợi thế hơn phía ông Trump.” Ông Stevenson nói thêm: “Không chỉ giới quan sát bầu cử mà người dân Mỹ ai ai cũng biết trong cuộc vận động năm nay, bên đảng Dân Chủ làm việc chặt chẽ với nhau, trong khi có thể nói bên Cộng Hòa không có được sự chặt chẽ như thế.”
“Không phải bây giờ, mà ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi đã biết phải đưa người về địa phương, dựng hẳn một kế hoạch để giúp cử tri ghi danh bầu cử, thường xuyên nhắc nhở họ lẫn người thân của họ đi bầu cho bà Clinton và cho những ứng cử viên Dân Chủ các cấp,” bà Lily Adams, phát ngôn viên của Ủy Ban Tranh Cử Clinton, nói. “Cuộc bầu cử nào cũng do cử tri địa phương quyết định, đặc biệt chúng tôi nhắm vào những tiểu bang trước đây thường bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa vì năm nay cử tri có thể nghiêng về phía đảng Dân Chủ,” giải thích thêm “chiến lược chúng tôi và đảng (Dân Chủ) cùng đưa ra không chỉ nhắm vào mục tiêu bà Clinton phải thắng cử, mà còn phải giúp đảng lấy thêm ghế ở Thượng Viện và Hạ Viện, để bà Clinton dễ dàng làm việc hơn sau ngày vào Tòa Bạch Ốc.”
Theo bà Lindsay Walters, phát ngôn viên của đảng Cộng Hòa, ngoài việc Văn Phòng Trung Ương “có những nhân viên làm việc toàn thời gian ở 24 tiểu bang, chúng tôi còn có hơn 4,500 người trợ giúp ở nhiều lãnh vực khác nhau,” phần lớn lãnh trách nhiệm tiếp xúc với cộng đồng, tìm thêm những người ủng hộ lập trường của đảng. Tuy báo cáo đảng Cộng Hòa gửi FEC cho thấy một số không nhỏ những người này chỉ lãnh tiền tượng trưng cho những ngày họ làm việc, thường là tiền ăn trưa, ăn tối, hay chi phí xăng nhớt, nhưng bà Walters nhấn mạnh “ngay từ ngày đầu chúng tôi bỏ tiền vận động ở những tiểu bang quan trọng trên toàn nước Mỹ để bảo đảm các ứng cử viên Cộng Hòa có lợi thế để thắng cuộc bầu cử vào Tháng Mười Một.”
Trong thư gửi cho giới truyền thông, bà phát ngôn viên của đảng Cộng Hòa còn viết rằng “đây là điều đảng Cộng Hòa luôn luôn làm, nhân viên địa phương là những người thúc giục cử tri Cộng Hòa đi bỏ phiếu, bất kể cử tri bỏ phiếu khiếm diện, bỏ phiếu sớm, hay bỏ phiếu vào ngày bầu cử.”
Hai đảng đưa ra lời giải thích tương tự về vai trò của nhân viên địa phương, nhưng những con số được ghi trong báo cáo gửi FEC cho thấy phía bà Clinton có vẻ thuận lợi hơn. Tại Ohio, đảng Dân Chủ có 502 nhân viên làm việc toàn thời gian, đảng Cộng Hòa chỉ có 104 người. Tại North Carolina, báo cáo cho hay phía Dân Chủ thuê 300 nhân viên, bên Cộng Hoa chỉ có vỏn vẹn 100 người. Tại Nevada, một trong những tiểu bang đảng Dân Chủ hy vọng sẽ thành công vào Tháng Mười Một tới đây, ban vận động cho bà Clinton và đảng Dân Chủ trung ương thuê tới 240 người, gấp bốn lần số người phía ông Trump trả tiền thuê làm việc.
Điều đó cũng xảy ra ở Iowa và Pennsylvania, hai tiểu bang được các quan sát viên bầu cử xếp trong danh sách “ông Trump bắt buộc phải thắng.” Nếu bên ông Trump có một người làm việc, bên bà Clinton có tới chục người. Trường hợp ở Arizona còn tệ hơn: đảng bộ Cộng Hòa tiểu bang thuê có 12 người làm việc toàn thời gian, đảng bộ Dân Chủ địa phương thuê 230 người, chưa kể Ban Vận Động Clinton loan báo sẽ gửi thêm $2 triệu để vận động cử tri tiểu bang này bỏ phiếu cho phe Dân Chủ. Chỉ có New Hampshire là khác biệt: Cộng Hòa có 222 nhân viên, Dân Chủ chỉ ngót nghét độ 100 người.
“Tôi nghĩ dàn tham mưu của ông Trump vẫn đi theo hướng họ đã đặt ra từ đầu là không cần vận động, cử tri vẫn kéo nhau đến với mình,” một nhà quan sát từng làm việc nhiều năm với đảng Cộng Hòa trả lời câu hỏi tại sao ông Trump không tung thêm tiền thuê nhân viên địa phương. Nhà quan sát yêu cầu đừng nêu tên nói tiếp “ông Trump nghĩ mình thắng vòng bầu cử sơ bộ mà không tốn xu teng nào, báo chí giành nhau để loan tin về ông, đồng thời số cử tri Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ ông rất cao, cao hơn tất cả những cuộc bầu cử sơ bộ khác, do đó ông thấy không cần làm gì cả vẫn thu hút được đám đông.”
Theo bà Sally May, một thành viên nòng cốt của đảng bộ Cộng Hòa Tennessee, có thể ông Trump nghĩ như thế “nhưng đó là quyết định hoàn toàn sai” vì “tranh cử sơ bộ và tranh cử tổng thống khác nhau một trời một vực.” Khác ở chỗ “bầu sơ bộ dành cho đảng viên, bầu tổng thống dành cho cử tri toàn quốc, không phân biệt đảng phái, cử tri Dân Chủ không ưa bà Clinton có thể bỏ phiếu cho ông Trump.” Đã thế, “ông Trump đang cần sự tiếp tay của giới trẻ và cử tri độc lập, không có người giúp vận động làm sao lôi cuốn được hai tập thể này bỏ phiếu cho ông?” Bà nói thêm: “Tennessee là tiểu bang Cộng Hòa, ông Trump chắc chắn thắng 100%, nhưng một mình Tennessee không đủ để đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc.”
Bà cho biết thêm không chỉ thuê “quá ít” người làm việc ở địa phương, cánh ông Trump còn “thua bên bà Clinton về con số quảng cáo trên TV. Dựa theo con số do Wesleyan Media Project đưa ra, bà bảo ‘từ giữa Tháng Chín đến giờ bên Clinton trả tiền cho 90,000 lượt quảng cáo kêu gọi ủng hộ bà hay bôi bác ông Trump, phía ông Trump chỉ tung ra có 28,000 lượt quảng cáo, không bằng 1/3 số quảng cáo của phe bà Clinton.”
Khi được hỏi thế dàn tham mưu của ông Trump ở đâu, sao không trình bày những điều rất quan trọng này cho ông Trump biết, bà May trả lời: “Theo tôi hiểu, mọi quyết định đều nằm trong tay ông Trump, ông không phải là người dễ thuyết phục.” Đã thế, bà nói tiếp, “Tôi nghe đâu bộ tham mưu của ông cũng nghĩ y như thế, họ tin không cần vận động, quảng cáo, cử tri vẫn ùn ùn kéo đến với họ.”

Hoa Kỳ vẫn là đồng minh vững chắc của Philippines

Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel (giữa) trả lời báo chí sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay tại Manila ngày 24 tháng mười năm 2016.
Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel (giữa) trả lời báo chí sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay tại Manila ngày 24 tháng mười năm 2016.
 AFP photo
Hoa Kỳ đảm bảo vẫn là đồng minh vững chắc của Philippines, ủng hộ việc Manila thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, nhưng chỉ trích những lời lẽ gây tranh cãi mà Tổng Thống Philippines đưa ra, cũng như chiến dịch chống ma túy mà nhà lãnh đạo Phi đang thực hiện.
Những điểm vừa nêu được ông Daniel Russel, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương nêu lên trong cuộc họp báo tại Malina hồi trưa nay, sau khi hội kiến với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines.
Trong cuộc họp báo, ông Russel nói rằng không chỉ là một đối tác vững chắc, một đồng minh đáng tin cậy của Philippines, Hoa Kỳ còn sát cánh với Phi để hai nước thực hiện đúng những điều đã cam kết.
Ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Mỹ cũng cho hay Washington ủng hộ tất cả những cuộc đối thoại, thương lượng trực tiếp giữa Phi và Trung Quốc, cho biết thêm quan điểm của Hoa Kỳ là không đẩy bất kỳ nước nào tới chỗ phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông bảo thêm, và chúng tôi xin trích nguyên văn như sau: “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng dưới một góc nhìn nào đó, việc Manila cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sẽ phương hại tới Mỹ”, ý muốn nói chính phủ Phi có toàn quyền quyết định mở rộng quan hệ với nước khác, và điều này không ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa Manila và Washington.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Daniel Russell cho hay trong cuộc thảo luận với Ngoại Trưởng Perfecto Yassay của Phi, ông có lên tiếng bày tỏ quan ngại về những lời tuyên bố, bình luận gây tranh cãi mà Tổng Thống Phi Rodrigo Duterte đưa ra tại Bắc Kinh hồi tuần trước.
Theo lời ông Russell, những lời tuyên bố, bình luận này khiến nhiều quốc gia sửng sốt, ngay chính cộng đồng người Phi sinh sống ở nước ngoài và giới đầu tư cũng sửng sốt, bảo thêm rằng đó là điều không hay.
Hồi tuần rồi khi đến Bắc Kinh, Tổng Thống Phi tuyên bố là ông quyết định cắt quan hệ với Hoa Kỳ, sẽ ngưng các cuộc tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông và không cho binh sĩ Mỹ tiếp tục đồn trú trên dất Phi.
Tổng thống Duterte còn nói sẽ lập liên minh mới Trung Quốc và Nga.
Ngay sau khi về lại Phi, Tổng Thống Duterte lại giải thích là không không có ý muốn cắt quan hệ với Washington, nhưng sau đó lại lên tiếng chỉ trích chương trình viện trợ mà Hoa Kỳ đang dành cho Phi, nói rằng Manila không cần khoản tiền chỉ có vài trăm triệu đó.
Về chính sách bài trừ ma túy mà Tổng Thống Duterte của Phi đang thực hiện, ông phụ tá ngoại trưởng Mỹ cho hay đã trình bày mối quan tâm của chính phủ và người dân Hoa Kỳ với Ngoại Trưởng Phi, nói rõ Washington ủng hộ chiến dịch chống ma túy, nhưng phải được thực hiện đúng với quy định của luật pháp, đồng thời phải tôn trọng nhân quyền.
Chính sách ông phụ tá ngoại trưởng Mỹ nói đến là chính sách được Tổng Thống Duterte cho thực hiện ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng Sáu, đồng ý cho cảnh sát và dân phòng bắn hạ những kẻ buôn bán ma túy hoặc bị tình nghi có liên quan tới ma túy, thay vì phải bắt giữ, điều tra và đưa những người phạm pháp ra tòa xét xử.
Tính từ cuối tháng Sáu đến giờ, đã có 3,700 người bị bắn chết vì có liên quan đến ma túy, khiến Hoa Kỳ, EU và cả Liên Hiệp Quốc phải lên tiếng bày tỏ quan ngại.
Cũng liên quan đến mối quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ, tin từ Washington cho hay sáng nay, Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã gọi điện thoại nói chuyện với Ngoại Trưởng Perfecto Yassay của Phi.
Đề tài của cuộc thảo luận cũng là mối quan hệ giữa 2 nước và những lời tuyên bố gây tranh cãi mà Tổng Thống Philippines thường đưa ra, không có lợi cho quan hệ song phương Mỹ-Phi.Ngoài ra, cũng sáng hôm nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi, ông Delfin Lorenzana, đã chủ tọa buổi lễ tiếp nhận một chiếc phi cơ vận tải quân sự loại C-130 do Hoa Kỳ bán cho Phi
Đây là chiếc phi cơ vận tải thứ nhì được Washington chuyển giao cho Phi, trong khuôn khổ hiệp ước 2 bên đã ký kết, để Phi mua khí cụ từ Mỹ và dùng vào kế hoạch hiện đại hóa quân sự.
Trong buổi lễ, ông bộ trưởng quốc phòng Phi nói rằng trợ giúp của Hoa Kỳ là điều quan trọng. – RFA

Bob Dylan có nhận giải Nobel Văn Chương 2016?

Viện Hàn Lâm Thụy Điển hôm 10/10/2016 công bố trao giải Nobel Văn Chương 2016 cho ca nhạc sĩ Bob Dylan.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển hôm 10/10/2016 công bố trao giải Nobel Văn Chương 2016 cho ca nhạc sĩ Bob Dylan.
AFP
Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để liên lạc với khôi nguyên Nobel Văn Chương 2016 Bob Dylan, nhưng đã 10 ngày trôi qua, anh ca nhạc sĩ nổi tiếng Hoa Kỳ vẫn chưa chịu… ‘giả nhời, giả vốn’.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển cho biết từ ngày giải được công bố hôm mùng 10 tháng 10 đến giờ, vẫn chưa làm sao nói chuyện trực tiếp với người được chọn trao giải.
Vì thế theo lời bà Sara Danius, thư ký Viện Hàn Lâm Thụy Điển, Viện đã ngưng mọi cố gắng liên lạc, và chuyện khôi nguyên Nobel Văn Chương 2016 có đến dự lễ trao giải hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào người nghệ sĩ tài hoa, được chọn lãnh giải vì nét thơ trong lời ca, dòng nhạc của ông.
Có tin nói ngay trong buổi tối giải Nobel Văn Chương 2016 được công bố, ca nhạc sĩ Bob Dylan có buổi trình diễn ở Las Vegas. Suốt buổi, ông không nói gì về giải thưởng cao quý mà ông mới được chọn, và khi kết thúc buổi trình diễn, ông cất tiếng hát bài “Why Try to Change Me Now?” (tạm dịch: “Tại Sao Bây Giờ Lại Cố Thay Đổi Tôi?”) của Frank Sinatra.
Không biết tin này đúng sai thế nào, chỉ biết không ít người xem sự kiện này là dấu hiệu cho thấy Bob Dylan không màng tới Giải Nobel, cũng chẳng ít người tin ông sẽ có mặt trong buổi lễ trao giải.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Mười Hai tới đây ở Stockholm, do Quốc Vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf chủ tọa.- RFA

Mỹ: Di dân bang Louisiana muốn kết hôn phải có giấy khai sinh

Louisana: Di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn
Louisana: Di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn
Nhằm mục đích chặn đứng những vụ kết hôn giả mạo hay gian lận, dân biểu Cộng hòa Valeri Hodge trong quốc hội tiểu bang Louisana đã bảo trợ một đạo luật về hôn nhân gây nhiều tranh cãi bắt buộc các di dân phải xuất trình giấy khai sinh hợp lệ mới được kết hôn. Luật này đã được cựu Thống đốc tiểu bang Louisana Bobby Jindal ký ban hành vào năm 2015. Tuy nhiên sau một thời gian thi hành luật hiện đang bị một người tị nạn Việt Nam kiện trước Tòa án liên bang Mỹ.
Vào năm 2015, Quốc hội tiểu bang Louisiana thông qua một đạo luật đưa ra một số yêu cầu bắt buộc những di dân, người tị nạn hay những người sinh tại nước ngoài muốn kết hôn, lập hôn thú tại các Tòa án của tiểu bang phải xuất trình một số giấy tờ, mới được Tòa án chấp nhận cấp hôn thú. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1 năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Tân, một chấp sự thuộc Hội thánh Báp-tít Việt Nam New Orleans tại thị trấn Gretna, cho VOA Việt ngữ hay ông đã liên lạc với Tòa án địa phương và được biết phải có 4 loại giấy tờ mới được Tòa cấp hôn thú:
“Khai sinh, nếu không có khai sinh thì mình sinh ở đâu phải trở về nơi quê quán để làm khai sinh lại, tòa cho biết là ở nước nào phải về chỗ đó hay nhờ những người ở nước mình để xin cho mình cái khai sinh. Đó là một. Có khai sinh mà không có passport cũng không được. Đó là thứ nhì. Thứ ba nữa là Tòa án cũng cần biết nếu đã li dị thì phải có giấy li dị. Thứ tư là căn cước có ảnh (Picture ID).”
Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao có được giấy khai sinh, nhất là đối với những người vượt biên, những người tị nạn chiến tranh bị mất tất cả giấy tờ trong khi vượt biên hay giấy tờ bị tiêu hủy vì chiến cuộc.
Đối với cộng đồng Việt Nam tại tiểu bang Louisiana, theo nhận xét của ông Tân, phần lớn những người bị ảnh hưởng nhiều nhất vì luật này là những người từ Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ông Tân nói:
“Có rất nhiều người qua đây một thời gian để du học hay để đi làm, sau khi hết hạn hai ba năm, họ ở lì luôn không chịu về, visa, passport của họ hết hạn. Họ muốn cưới những người có quốc tịch Mỹ để họ ở lại đây.”
Một phụ tá luật sư tại văn phòng luật sư Alan Ford Schoenberger chuyên lo các vấn đề về gia đình ở Harvey, New Orleans, cho biết:
“Có những người khách vô đây, họ qua đây theo những tình trạng khác nhau, nhưng khi gặp một đối tượng rồi thì họ muốn ở lại luôn, không muốn về nước nữa cho nên họ bắt buộc phải đi đăng ký kết hôn để đổi tình trạng cho mình. Khi ra tòa thì khó khăn ở chỗ là người bên Việt Nam thường có giấy khai sinh hẳn hoi nên không có trở ngại. Chỉ có trở ngại là những người ở bên Mỹ, những người vượt biên hồi xưa, qua đây mới 2, 3 tuổi thì làm sao có khai sinh. Tòa cũng nói là từ tháng 1 đến bây giờ, luật thay đổi bắt buộc phải có khai sinh original thì tòa mới chấp thuận làm hôn thú.”
Nữ phụ tá luật sư này cho biết văn phòng đã tìm đủ mọi cách để thay thế giấy khai sinh nhưng không được Tòa chấp thuận:
“Có những khách họ vô đây chỉ có bản sao, mà cũng chẳng phải original bản sao nữa, ông luật sư phải làm cái gọi là certified true copy nhưng họ cũng không chịu. Rồi làm những cái affidavit giải thích qua đây trường hợp như thế nào, lý do không có khai sinh nhưng Tòa án cũng làm khó không chấp thuận.”
Cô Hoàng Minh, cũng thuộc văn phòng luật sư Alen Ford Schoenberger, nói đòi hỏi khai sinh là một đòi hỏi khó đáp ứng:
“Những người Việt Nam mới qua thì không có vấn đề khai sinh đối với họ, người nào cũng có khai sinh, chỉ có những người ở bên Mỹ này, chẳng hạn như em đây làm sao em có khai sinh ở đây. Nếu đòi hỏi khai sinh làm sao em cung cấp được khai sinh đó.”
Luật sư Shandon Cường Phan tại Houston, một nhà hoạt động thường quan tâm đến quyền lợi của cộng đồng người Việt tại Mỹ, cho rằng luật mới của tiểu bang Louisiana là “một rào cản mới đối với di dân.”
Vậy những người bị ảnh hưởng bởi luật mới này có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Shandon Cường Phan:
“Dĩ nhiên họ có quyền tranh đấu và luật sư nào đại diện cho những người như vậy họ phải đi kiện và nếu chính phủ liên bang chấp nhận về mặt di trú thì tiểu bang cũng phải chấp nhận.”
Nhận xét của luật sư Shandon Cường Phan đã trở thành sự thật vì vào ngày thứ Ba vừa qua, ông Việt “Victor” Anh Võ, 31 tuổi, cư dân tại Louisiana, đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang vì đã ngăn cản ông và những di dân khác kết hôn vì không có giấy khai sinh. Ông Võ sanh tại một trại tị nạn ở Indonesia vào năm 1985 và có quốc tịch Mỹ khi ông 8 tuổi. Hôn thê của ông là cô Heather Pham, sinh tại Mỹ.
Đơn kiện của ông Võ nêu lý do luật vi phạm những quyền hiến định của ông và nhằm kỳ thị những người sinh tại nước ngoài. Ông Võ được các luật sư tại Trung tâm Công lý Chủng tộc thuộc tổ chức Công nhân New Orleans và Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, chuyên bênh vực quyền của di dân, một tổ chức có trụ sở tại Los Angeles, đại diện.
Trong khi chờ đợi luật được tu chính, sửa đổi hay bãi bỏ, di dân sanh tại nước ngoài không còn cách nào khác hơn là đến các tiểu bang lân cận để lập hôn thú.  - VOA
Powered by Blogger.