Tin Việt Nam 24-10-2016
Nguy cơ từ các nhà máy hạt nhân Trung Quốc
Một trung tâm an toàn hạt nhân ở Bắc Kinh, 18/03/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Sau các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, Việt Nam nay lại phải đối phó với một nguy cơ mới từ Trung Quốc, đó là các nhà máy điện hạt nhân nằm gần biên giới Việt Nam, vừa đi vào hoạt động gần đây. Nguy cơ này đang gây lo ngại rất nhiều cho các nhà khoa học trong nước cũng như chính quyền.
Ngày 13/10/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết là Hà Nội đã yêu cầu Bắc Kinh trao đổi thông tin về các nhà máy điện hạt nhân nói trên. Nhưng bên cạnh việc trao đổi thông tin với phía Trung Quốc, Việt Nam còn phải chuẩn bị một kế hoạch ứng phó thường trực trong trường hợp xảy ra tai nạn từ các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, với nguy cơ bụi và khí phóng xa bay qua biên giới sang Việt Nam.
Sau đây mời quý vị nghe ý kiến của giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt. - RFI
GS Phạm Duy Hiển17/10/2016Nghe
Green Trees: Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam
BTV Mặc Lâm
2016-10-24
2016-10-24
Báo cáo toàn cảnh môi trường biển Việt Nam Green Trees
Sáng ngày 19 tháng 10 nhóm Green Trees, trước đây có tên gọi Hà Nội Xanh, đã gửi cho Quốc hội bản báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” nhằm giúp cho các đại biểu Quốc hội có thông tin về thảm họa môi trường biển nhiều hơn khi vấn đề Formosa được đưa ra bàn thảo. Mặc lâm có cuộc phỏng vấn Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn một thành viên của nhóm Green Trees để tìm hiểu về nội dung cũng như mục tiêu của bản báo cáo này. Trước tiên Dược sĩ Tuấn cho biết:
DS Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi làm bản báo cáo là giúp cho những người quan tâm muốn nghiên cứu và muốn nắm được thông tin đầy đủ một cách có hệ thống, khách quan, đa chiều về thảm họa đã diễn ra do đó chúng tôi cho rằng đó không hẳn là một việc xuất bản mà đơn giản chỉ là báo cáo mà cụ thể đối tượng đầu tiên mà chúng tôi gửi tới thì đó là các đại biểu quốc hội.
Chúng tôi ý thức được rằng 500 đại biểu quốc hội chắc chắn đại đa số họ không hiểu hết vụ việc vậy thì đối với tình hình đang rất căng thẳng hiện nay, với tình trạng người dân đang rất bức xúc vì không được giải quyết sinh kế, không tìm được sự đền bù thỏa đáng thì rõ ràng quốc hội cần phải có trách nhiệm nghiên cứu đầy đủ về vụ việc này và vào cuộc. Với tâm nguyện đó chúng tôi cho rằng dù có khó khăn đến đâu chúng tôi cũng sẽ vượt qua được.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết thành viên của Green Trees thuộc thành phần xã hội nào và những khó khăn mà các anh chị gặp phải là gì?
Nguyễn Anh Tuấn: Các thành viên cốt lõi của Green Trees chúng tôi đều có trình độ đại học trở lên. Có kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, luật sư, nhà báo do đó bằng trí tuệ tập thể mà hình thành báo cáo này. Tuy nhiên khó khăn chủ yếu nó tới là “quyền tiếp cận thông tin”, khi mà những thông tin về vụ việc liên quan đến sai phạm của Formosa cho đến thời điểm này chúng tôi chỉ được biết qua thông tin đại chúng.
Nhờ ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà ông ấy công bố Formosa là thủ phạm kèm theo tuyên bố là đã phát hiện ra 53 sai phạm của Formosa. Chúng tôi hoàn toàn rất mong muốn được biết những sai phạm ấy nó là cái gì? Hay là biên bản thỏa thuận của chính phủ với bên đại diện Formosa, liên quan đến việc Formosa nhận tội nó gồm nội dung gì. . .
Những cái đó chúng tôi không có, những thông số chi tiết của các nhà khoa học tham gia vào cuộc điều tra khẳng định sai phạm của Formosa. Hay là ví dụ một điều rất là đơn giản thôi đó là danh sách những chất độc đã gây độc cho biển miền Trung trong thời gian vừa qua là những chất gì? Chúng tôi không thể nào tiếp cận được do chính phủ hiện nay hoàn toàn đang bưng bít thông tin, không cho dân quyền tiếp cận thông tin mà lẽ ra họ phải được biết, đó là những khó khăn lớn nhất của chúng tôi.
Mặc Lâm: Anh có thể tóm tắt bản báo cáo được thực hiện với các nội dung như thế nào hay không?
Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cũng xin được khái quát nội dung của bản báo cáo nó đề cập đến thảm họa này, thứ nhất theo chiều thời gian, đối với từng thời điểm thì có từng phản ứng của các bên. Từ các hành động tự giác của các bên. Bên cạnh đó chúng tôi tiếp cận các nguồn thông tin từ tất cả các bên. Từ các bài báo đã được đăng trên báo chính thống hay những bài viết của các blogger, các Facebooker hay những nhà hoạt động độc lập và bên cạnh đó chúng tôi tiếp cận theo các góc độ như góc độ liên quan đến môi trường, góc độ liên quan đến luật pháp, liên quan đến vai trò của nhà nước hay liên quan đến vai trò của các tổ chức xã hội dân sự
HTML5
Mặc Lâm: Thường thì tất cả văn bản được các tổ chức xã hội dân sự gửi đi cho chính phủ hay cho Quốc hội đều không được phản hồi. Để tránh tình trạng này Green Trees đã có cách nào khác khiến cho người nhận chú ý và phải thực hiện nó hay không?
Nguyễn Anh Tuấn: Bản báo cáo này chúng tôi kỳ vọng không chỉ gửi tới Quốc hội hay đại diện các cơ quan ban ngành có trách nhiệm trong việc xử lý thảm họa Formosa mà chúng tôi tìm mọi cách để có thể giúp cho độc giả hay những người muốn nghiên cứu về thảm họa tiếp cận bản báo cáo này. Còn quay lại chuyện làm thế nào để nhận được phản hồi thì tôi xin lấy ví dụ: khi chúng tôi đến Quốc hội, ngoài việc chúng tôi đến văn phòng Quốc hội để gửi thì chúng tôi còn trực tiếp đi gặp một số các Đại biểu Quốc hội đương nhiệm ở nhiệm kỳ 14 này có gửi báo cáo và trao đổi trực tiếp với họ.
Bản thân họ cũng có thiện chí, họ hỏi lại chúng tôi là các bạn có kỳ vọng gì với các đại biểu Quốc hội? Nên nắm điều gì và cần phải có những quan điểm, những phát biểu như thế nào trước Quốc hội và trước các cơ quan ban ngành trách nhiệm.
Chúng tôi nghĩ rằng sau một thời gian nữa thì chúng tôi sẽ tìm cách gặp gỡ với những Đại biểu Quốc hội mà chúng tôi cho rằng ít nhất có liên quan trực tiếp thí dụ như đại biều Quốc hội thành viên của các Ban Chuyên trách mà chúng tôi đã gửi. Chúng tôi có tiếp cận, có trao đổi cụ thể về vấn đề này. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ theo dõi việc họ làm việc trong kỳ họp thứ hai này.
Mặc Lâm: Anh có thể cho biết Green Trees được thành lập từ khi nào và cách thức hoạt động cũng như mục tiêu của nó là gì?
Nguyễn Anh Tuấn: Bản thân Green Trees vốn là nhóm Hà Nội Xanh, là nhóm có thể nói đóng vai trò dẫn dắt phong trào bảo vệ cây xanh Hà Nội. Là nhóm kiên trì cuối cùng đi theo hướng minh bạch, tức là đòi chính quyền thành phố Hà Nội và chính quyền Trung ương là phải minh bạch các hành vi sai phạm trong vụ chặt phá cây xanh Hà Nội năm 2015.
Trong tình thần đó sang năm 2016 chúng tôi đã đổi tên và đồng thời gần như hoàn thiện hơn nhóm của mình để trở thành nhóm có tôn chỉ hoạt động về môi trường. Tuy nhiên như anh biết trong điều kiện của Việt Nam thì việc người dân thực hiện các quyền của mình vào việc bảo vệ môi trường thì nó gặp hạn chế nằm trong bối cảnh chung là người dân Việt Nam chưa được thực sự tôn trọng các cái quyền của mình. Do đó trong quá trình bảo vệ môi trường chúng tôi đồng thời còn bảo vệ quyền của mọi công dân được tham gia vào bảo vệ môi trường, cũng như quyền được tiếp cận thông tin, quyền được lên tiếng các vấn đề xã hội liên quan đến môi trường của Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn
Chủ tịch Mai Linh giải thích tôn chỉ của doanh nghiệp
BTV Mặc Lâm
2016-10-23
2016-10-23
Chủ tịch Mai Linh, ông Hồ Huy Mai Linh Group
Trong ngày 18 tháng 10 vừa qua giáo dân giáo xứ Phú Yên thuê rất nhiều xe cho 1.000 người đi từ Phú Yên tới thị xã Kỳ Anh Hà Tĩnh để nộp đơn kiện Formosa. Tuy nhiên hãng xe Mai Linh đã có nhiều chiếc quay đầu về hay bỏ ngang không chở khách với lý do Tổng giám đốc cấm không cho chở người đi khiếu kiện. Sau đó một làn sóng tẩy chay Mai Linh rộng khắp trên mạng xã hội vì việc làm này. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với ông Hồ Huy, Chủ tịch hãng xe Mai Linh để biết thêm chi tiết.
Mặc Lâm: Thưa ông, trong cương vị là Chủ tịch hãng xe taxi Mai Linh ông nghĩ gì về dư luận đang rất bất bình khi nhiều taxi của Mai Linh từ chối không chở giáo dân khiếu kiện trong ngày 18 vừa qua tới điểm đến mặc dù đã thanh toán tiền hợp đồng xe và đã đưa họ một đoạn nhưng không tiếp tục như hợp đồng hai bên?
Chủ tịch Hồ Huy: Đội xe phục vụ của Mai Linh nó nằm ngoài đó và cha Nam chưa trao đổi với tôi, chưa thấu hiểu thêm và có lẽ từ cái chỗ hiểu lầm đó qua câu chuyện của anh Tuấn Khanh.
Còn Mai Linh thì chắc anh cũng biết bao nhiêu lần anh về Việt Nam thì Mai Linh phục vụ rất chu đáo, thứ hai nữa bà con Việt Kiều về cũng vậy thôi công giáo hay lương thì cũng giống nhau, cũng đều là khách hàng. Hai nữa sự kiện ngày hôm đó thật sự không phải như câu chuyện với Tuấn Khanh nói mà chúng tôi cũng đã phục vụ bà con đi khiếu kiện, đi làm việc thường xuyên tới 5-6 lần. Cha Nam đã thuê xe Mai Linh nhiều lần rồi mà. Chỉ có lần đấy nó bị trục trặc như thế.
Người ta tung tin tôi là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc thì điều này sai. Tôi là Chủ tịch không kiêm Tổng giám đốc. Thứ hai nữa tôi không gọi điện thoại trực tiếp cho lái xe để làm chuyện này.
Nếu tôi có ra lệnh thì ra lệnh cho Tổng giám đốc, Tổng giám đốc ra lệnh cho Giám đốc công ty, Giám đốc công ty ra lệnh cho Giám đốc chi nhánh hoặc đội trưởng đội xe. Trong công việc của Mai Linh thì ai thuê xe chúng tôi đều phải phục vụ thôi, chúng tôi không làm chính trị chính em gì mà không phục vụ với có phục vụ? Đấy là những nguyên tắc cơ bản.
Anh cũng biết là chúng tôi đã phục vụ hơn 23 năm, năm nay là năm thứ 24 rồi chuẩn bị bước sang năm thứ 25 từ trước đến nay công giáo hay bất cứ đạo nào thì chúng tôi cũng phục vụ như nhau.
Tôi cũng là người kính Chúa yên nước chứ đâu phải tầm bậy tầm bạ đâu mà nói như thế được.
Mặc Lâm: Ông đã có dự định trao đổi với linh mục Đặng Hữu Nam chưa ạ, vì chính linh mục Nam là người rất bất bình về chuyện này?
Hồ Huy: Vâng tất nhiên, chiều hôm nay tôi mới gọi điện cho cha Nam. Tôi thì hầu như cả nước đã biết đến tôi là người nghiêm túc. Tôi đối với vác cha hay với các tôn giáo thì đều kính trọng chứ không phải như người nói bậy bạ với các tôn giáo, hay nói nhăng nói cuội, nói sai như vừa rồi là tôi không đồng ý đâu. Gia đình tôi hay bố mẹ anh em nhà tôi cũng vậy chúng tôi là người tôn trọng quyền tự do tôn giáo tự do tín ngưỡng chứ không phải là người không biết gì.
Mặc Lâm: Dư luận đang rất bức xúc và rất nhiều người đã công khai tẩy chay Mai Linh. Cũng có người cho rằng cần nhìn thái độ của Mai Linh trong lần tới nếu giáo dân tiếp tục thuê xe đi nộp đơn khiếu kiện hay làm gì đó có sự tập trung của nhiều người như vừa qua xem thử Mai Linh có dám chở hay không thì sẽ biết quan điểm phục vụ của họ. Ông có câu trả lời gì cho yêu cầu có vẻ thách thức này?
Hồ Huy: Tất nhiên! Tôi chỉ không phục vụ thứ nhất là ăn cướp, đánh nhau, gây rối, làm trái luật pháp Việt Nam chứ còn thuê xe bình thường thì tôi vẫn cho thuê bình thường, tôi đâu có cấm đâu?
Mặc Lâm: Nếu ông chấp nhận chở một lượng người đông người như vậy an ninh, công an sẽ làm khó và ngăn cấm ông thì ông phản ứng thế nào?
Hồ Huy: Tôi chỉ làm theo luật pháp thôi, luật pháp quy định vận tải hay là chở khách thì chúng tôi là người cho thuê. Chúng tôi chỉ cấm anh em không cho thuê những trường hợp đánh nhau là một, trộm cướp là hai, phá rối là ba, chở hàng quốc cấm là bốn. Những gì nhà nước cấm thì chúng tôi xin chịu chứ còn khách hàng thuê bình thường chẳng hạn bà con đi khiếu kiện thêu xe đúng luật pháp thì tại sao lại không cho thuê?
Chuyện đó là chuyện của bà con đối với chính quyền và tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay người ta có cấm thì cũng chỉ như thế thôi chứ chả có gì hơn. Bà con đi khiếu kiện thì chính quyền địa phương người ta nhận đơn mà. Tôi nghĩ rằng đó là việc của chính quyền không phải việc của doanh nghiệp.
Tôi nói quan điểm của tôi thứ nhất bà con giáo dân hay bà con không công giáo thuê xe tôi thì tôi cho thuê. Cái người đội trưởng đội xe biết để giúp bà con đi đến nơi về đến chốn cho an toàn.
Việc thứ hai là hoạt động của Mai Linh là hoạt động doanh nghiệp thuần túy, chúng tôi chỉ là người cung cấp dịch vụ thôi. Thứ ba nữa chúng tôi giáo dục anh em lái xe an toàn, chấp hành mọi luật pháp. Chúng tôi còn có nhiệm vụ bảo vệ khách hàng nữa cơ và hoạt động công ty thì phải an toàn trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tôi cũng có hoạt động kinh doanh ở Mỹ thì tôi cũng phải chấp hành luật pháp Mỹ thôi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
HTML5
Luật sư, nhà hoạt động: sẽ có thêm nổ súng như ở Đắk Nông
Báo VnExpress đăng ảnh khu vực xảy ra bắn nhau.
Báo chí Việt Nam hôm 24/10 đưa tin thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã đến tỉnh Đắk Nông chỉ đạo việc điều tra vụ bắn chết 3 người xảy ra ngày 23/10. 15 người khác đã bị thương trong vụ này.
Có tin công an đã lên kế hoạch truy bắt ít nhất 4 nghi can đã xả súng. Riêng báo điện tử VnExpress nói nguồn tin của báo này cho hay một trong 4 nghi can có tên là Hoàng Văn Thắng đã bị tạm giữ ngay sau khi xảy ra vụ việc.
Báo chí cho hay vụ nổ súng xảy ra vì tranh chấp đất đai. Theo các tường thuật, sáng 23/10, một công ty có tên là Long Sơn đã đưa hơn 30 nhân viên và máy móc đến san ủi vườn điều của một hộ dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.
Trên giấy tờ, khu vườn bị cho là nằm trong phần đất rừng được chính quyền giao cho công ty Long Sơn. Nhưng thông tin chưa được kiểm chứng từ dư luận địa phương cho rằng khu vườn đã hình thành nhờ công sức khai hoang của một số người dân.
Do tính chất phức tạp về nguồn gốc đất nên việc san ủi đã dẫn đến xô xát. Tin tức cho biết một nhóm người đã tấn công các nhân viên của công ty Long Sơn bằng súng tự chế khiến tổng cộng 18 người chết và bị thương, đều là nhân viên công ty.
Nhiều nhà hoạt động vì quyền đất đai và một số luật sư bày tỏ trên mạng xã hội rằng vì không có báo chí độc lập, tự do, nên tin bài tường thuật về vụ việc có nhiều điểm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, họ vẫn nhận định rằng vụ việc là kết quả của luật đất đai có khiếm khuyết, kết hợp với cách hành xử bất công của chính quyền.
Luật sư Hà Huy Sơn, người đã bào chữa cho nhiều nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, nêu ý kiến với VOA:
“Do nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai nên nó sinh ra những cái bất công. Nhà nước hoặc là cơ quan cấp huyện thì người ta có quyền bất cứ lúc nào có thể thu hồi đất của các cá nhân, các hộ gia đình. Đây là nguồn gốc sinh ra mất công bằng hay là sinh ra các cái mâu thuẫn. Trường hợp Đắk Nông cũng không nằm ngoài trường hợp đó”.
Ở góc nhìn của người trực tiếp chịu những bất công về đất đai, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói:
“Các công ty, các doanh nghiệp được bảo kê bởi chính quyền, bởi công an thì họ tùy tiện họ cướp đoạt của người dân. Họ cướp đoạt trắng trợn không chỉ ở vụ Đắk Nông đó mà cướp đoạt trắng trợn khắp nơi trên nước Việt Nam. Cướp đoạt như thế thì dẫn đến sự bức xức của người dân là đã xảy ra nhiều. Vụ ở Đắk Nông thì em cho rằng gia đình họ đã không thể còn tin tưởng công lý Việt Nam sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ”.
0:02:19
0:00:00/0:02:19
▶
Đường dẫn trực tiếp
Anh Phương có mẹ là bà Cấn Thị Thêu đã bị chính quyền bỏ tù vì các hoạt động liên quan đến đấu tranh về đất đai ở Hà Nội.
Từ kinh nghiệm của chính gia đình anh và của nhiều trường hợp người dân khác kiện tụng khi đất đai của họ bị nhà nước thu hồi bất hợp lý, anh Phương cho hay các tòa án thường “dìm các đơn kiện của người dân hàng chục năm”.
Nhìn nhận về hoạt động phân xử của tòa án liên quan đến tranh chấp đất đai, Luật sư Hà Huy Sơn nhận xét:
“Người dân khi có mâu thuẫn, khi có tranh chấp, tòa án thường đứng về phía các cơ quan hành pháp, tức là tóm lại là đứng về phía ủy ban nhân dân, nên các mâu thuẫn thường không giải quyết công bằng ở tòa án. Nên người dân thường tự giải quyết các bức xúc bằng các biện pháp tiêu cực như là xảy ra ở Đắk Nông vừa rồi”.
Vụ việc gây rúng động này một lần nữa thu hút sự chú ý của công luận đến các vấn đề đất đai ở Việt Nam, đồng thời nhắc công chúng nhớ đến những vụ nổ súng liên quan đến đất của các ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng hay Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình trong quá khứ.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bày tỏ quan ngại rằng do vấn đề cơ bản là luật đất đai và nhà nước pháp quyền có khiếm khuyết nghiêm trọng và chưa biết bao giờ mới được sửa chữa, nên những mâu thuẫn, tranh chấp lớn sẽ còn xảy ra. Anh nói:
“Sẽ không có một tương lai tươi sáng gì sau tiếng súng. Nhưng mà cái lựa chọn duy nhất của họ là buộc phải nổ súng bởi vì tài sản của họ bị cướp đoạt quá trắng trợn. Mà đặc biệt là với cái nền tư pháp Việt Nam hiện nay đang có phần bị thao túng bởi các doanh nghiệp, bởi công an. Trong tương lai sẽ có nhiều vụ tương tự. Tôi nghĩ rằng với tình trạng này sẽ còn xảy ra rất nhiều vụ tương tự nữa”.
Về giải pháp triệt để cho tương lai, Luật sư Sơn cho rằng phải có nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, luật sư cho rằng chưa biết đến bao giờ mới có được điều đó. Trước mắt, ông nói chính phủ trung ương cần phải chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm luật đất đai hiện nay, dù còn có khiếm khuyết.
Theo đó, phải cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho người dân về quy hoạch 5 năm một lần. Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải được hội đồng nhân dân huyện thông qua và được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt 5 năm một lần. - VOA
Hà Nội sa thải thanh tra giao thông đánh phụ nữ
Hôm 24/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã sa thải một nhân viên vì đã đánh một phụ nữ cách đó gần một tuần ở nơi công cộng.
Báo chí Việt Nam đưa tin sở đã “chấm dứt hợp đồng lao động” đối với ông Đào Vịnh Thuấn, thanh tra giao thông của sở, từ ngày 1/11.
Hôm 18/10, ông Thuấn và một người đàn ông khác là Trần Dương Tùng đã hành hung chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh, nhân viên của hãng Vietnam Airlines, tại sân bay Nội Bài.
Vụ việc đã bị ghi hình lại và đoạn video sau đó đã lan truyền trên mạng xã hội. Công chúng cho rằng sức ép từ những bình luận trên mạng có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến việc kỷ luật ông Thuấn.
Tường thuật của báo chí cho hay lãnh đạo Sở GTVT, Giám đốc Vũ Văn Viện, đã phát biểu rằng hành vi của ông Thuấn đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh” của cán bộ, công chức của sở. Ông cũng giao Chánh thanh tra của sở chỉ đạo “rút kinh nghiệm” trong toàn lực lượng “để không xảy ra hành vi tương tự”.
Thông tin trên mạng xã hội cho hay ông Thuấn đã từng vài lần có hành động hung hãn ở nơi công cộng, dựa vào thế của anh trai là đại tá đứng đầu bộ phận cảnh sát giao thông làm ở thủ đô Hà Nội.
Dư luận bày tỏ trên mạng rằng họ hoan nghênh tin ông Thuấn bị sa thải, song cũng cho rằng chính quyền cần phải có các hành động cứng rắn hơn nữa đối với việc làm của ông và ông Trần Dương Tùng.
Nêu ra nguyên nhân sâu xa về văn hóa, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, trẻ vị thành niên (CSAGA), bình luận với VOA:
“Trước tiên là xử lý kịp thời như thế cũng làm dư luận giảm đi bức xúc. Tuy nhiên cái lâu dài hơn, nó không đơn giản chỉ là xử lý một trường hợp như thế này. Bởi vì rất có thể sau khi bị đuổi ở cơ quan này, thì anh ta lại trở thành ở một vị trí quan trọng ở một cơ quan khác thì sao. Thật đáng buồn là có một bộ phận những người cậy có tiền, cậy có quyền, cậy quen người nọ người kia, con ông cháu cha, thì có một cái văn hóa rất là xấu. Và họ không được dạy dỗ những giá trị căn bản của đạo làm người”.
Bà Vân Anh cũng đề cập đến việc luật pháp không được áp dụng nghiêm minh, công bằng khi xử lý những người vi phạm. Điều đó phần nào dẫn đến những hành xử sai trái hoặc vô văn hóa. Bà nói:
“Trong rất nhiều trường hợp lại đưa ra cái mọi người vẫn nói là nhất quen nhì thân. Luật pháp mà sử dụng dưới cái tình thân thì đương nhiên nó không còn đứng đúng vai trò của luật pháp nữa. Cái điều đấy nó khiến cho xã hội của chúng ta không tuân thủ gì theo luật pháp cả”.
Lúc này, công chúng Việt Nam đang theo dõi xem liệu động thái tiếp theo về mặt pháp luật đối với ông Thuấn và ông Tùng sẽ là gì. – VOA
0 comments