Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Miến Điện : Nền dân chủ mong manh trở lại vạch xuất phát

Tuesday, February 2, 2021 // ,

RFI

Ảnh tư liệu : Bà Aung San Suu Kyi tới trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Rangoon, Miến Điện, ngày 02/04/2012.
Ảnh tư liệu : Bà Aung San Suu Kyi tới trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Rangoon, Miến Điện, ngày 02/04/2012. AP - Khin Maung Win
Anh Vũ
9 phút

Biến cố xảy ra tại Miến Điện là tin được hầu hết các tờ báo chính của Pháp nhất loạt đăng tải hôm nay (02/02/2021), một ngày sau khi giới quân sự Miến Điện bất ngờ đặt dấu chấm hết cho chính quyền dân sự sau 5 năm tồn tại, bắt giam các lãnh đạo đất nước, ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Nhật báo Le Monde ra từ chiều hôm trước chạy tựa trang nhất : « Tại Miến Điện, quân đội chiếm quyền ». Aung San Suu Kyi, cái tên giờ trở lại trung tâm của sự kiện. Giải Nobel Hòa bình 1991, lãnh đạo của chính quyền dân sự Miến Điện trong 5 năm qua, lại một lần nữa bị giới quân sự bắt giữ.

Le Monde cho biết nguyên do là từ cuộc bầu cử Quốc Hội Miến Điện hồi tháng 11 năm 2020. Phe quân đội không chấp nhận thất bại, chỉ giành được 33 trên tổng số 476 ghế trong khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được đến 82% số ghế.

Thất bại cay đắng này là một sự sỉ nhục đối với giới tướng lãnh quân đội. Họ lấy cớ nghi ngờ bầu cử có gian lận và kết cục là cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ngày hôm qua. Đó là ngày theo dự kiến Quốc Hội mới được bầu hồi tháng 11 khai mạc phiên họp đầu tiên, đánh dấu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 2 của bà Aung San Suu Kyi.

Theo Le Monde tương lai số phận của bà Aung San Suu Kyi ra sao đến lúc này chưa có câu trả lời, nhưng có thể thấy ngay lúc này là Miến Điện đang tụt lại phía sau về chính trị.

Nhật báo Le Figaro chạy tựa « Miến Điện trở lại dưới ách tập đoàn quân sự ». Cuộc đảo chính quân sự hôm thứ Hai cùng với việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi đánh dấu điểm dừng của nền dân chủ mới ra đời cách đây 10 năm từ sau khi kết thúc chế độ độc tài quân sự.

Tờ báo nhận định: « Quân đội Miến Điện đã phá vỡ quá trình chuyển tiếp dân chủ mong manh, đưa kẻ thù quen thân của mình, bà Aung San Suu Kyi vào tù một lần nữa, đẩy đất nước ở Đông Nam Á này vào bất trắc ».

Phe quân sự với sức mạnh trong tay đã thổi còi chấm dứt cuộc dạo chơi dân chủ ở Miến Điện trong 5 năm qua vào đúng lúc « Quý bà Rangoon » chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước thứ 2. Với phe quân sự như thế là quá đủ, họ không thể chịu được thêm 5 năm nữa. Theo như phân tích của giới quan sát chính trị tại Miến Điện.

Tuy nhiên, hầu hết các báo đều ghi nhận tình hình yên ắng ở Miến Điện. Quân đội tiến hành vụ đảo chính tương đối êm đẹp không có tiếng súng. Mặc dù bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi dân chúng biểu tình chống lại cuộc đảo chính, nhưng phóng viên tại chỗ của các báo đều ghi nhận không có những dấu hiệu nào của các cuộc tập hợp ở hai thành phố lớn là thủ đô Naypyidaw và Rangoon.

Aung San Suu Kyi, lận đận với chính trị

Về số phận của bà Aung San Suu Kyi, nhật báo Le Figaro nhận xét :  Một lần nữa Aung San Suu Kyi lại bị giới quân nhân đưa vào tù sau khi đã từng bị giam hãm quản thúc 15 năm khi bà còn là lãnh tụ đối lập.

Nhưng lần này, biểu tượng của nền dân chủ Miến Điện đã mất đi hào quang đối với phương Tây vì sự im lặng liên quan đến các vụ truy bức người Rohingya. Aung San Suu Kyi trước khi trở thành lãnh đạo đất nước còn là người được trao giải Nobel Hòa bình 1991.

Vẫn trong dòng sự kiện Miến Điện, Le Figaro có bài viết điểm lại sự nghiệp chính trị thăng trầm của « Aung San Suu Kyi, biểu tượng toàn cầu bị phá vỡ của nền dân chủ », tựa bài báo. Cùng đồng thanh, La Croix cũng như Libération đều ghi nhận, vụ đảo chính quân sự đã đưa Miến Điện trở lại thời kỳ độc tài. Theo La Croix, vừa thoát ra khỏi chính quyền độc tài quân sự kéo dài gần nửa thế kỷ, được chục năm, Miến Điện chìm trở lại trong cơn ác mộng một chế độ độc tài quân sự mới.

Nhân sự kiện này, Les Echos có bài liên quan đến vấn đề kinh tế của đất nước đang trên đường mở cửa với thế giới bên ngoài từ khi tiến hành dân chủ hóa. Nhật báo kinh tế cho hay Miến Điện hiện là điểm đang hấp dẫn các nhà đầu tư châu Á là chính.

Trung Quốc là nước bao trùm khắp các dự án đầu tư ở Miến Điện. Đứng thứ 2 là Singapore, nhưng phần đông các đầu tư của Singapore đều núp bóng người Trung Quốc. Bắc Kinh nhìn nhận Miến Điện và Pakistan là hai điểm chiến lược trong hành lang kinh tế đi ra Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đã đổ nhiều tỷ đô la dưới dạng đầu tư trực tiếp hay cung cấp tín dụng cho các đối tác trong nước. Theo bài viết thì người Trung Quốc không lo lắng với cuộc đảo chính lần này. Họ vốn đã có quan hệ tốt với giới quân sự ở nước này từ trước khi có chuyện quân đội chia sẻ quyền lực cho dân sự.

Khi làm đảo chính có thể phe quân sự cũng đã tính toán khả năng bị quốc tế trừng phạt, các nhà đầu tư phương Tây rút khỏi Miến Điện, nhưng các vị trí trống đó sẽ nhanh chóng được thay thế bằng các nhà đầu tư châu Á.

Ngoài Trung Quốc còn có Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ cũng đầu tư rất mạnh vào Miến Điện. Năm nay dự kiến kinh tế sẽ tăng trưởng 8%, sau khi năm 2020 đất nước này đã tránh được suy thoái vì trận đại dịch.

Nga : Navalny đọ sức đến cùng với chế độ

Chuyển qua nhật báo Libération. Trang nhất của tờ báo dành cho gương mặt phản kháng nổi tiếng người Nga, Alexei Navalny với hàng tựa lớn : « Navalny, Putin, không sợ hãi ».

Là người lâu nay đã dấn thân chống lại trực tiếp tổng thống Nga, nhà hoạt động chống tham nhũng này là mối đe dọa không nhỏ đối với chế độ. Navalny không biết lùi bước trước bất kỳ một mưu đồ nào của chính quyền nhằm khóa miệng ông.

Hôm nay, 02/02, nhà hoạt động đối lập bị đưa ra tòa để xét xử. Nhưng theo Libération, những phiên tòa như thế cũng không thay đổi được gì ở Navalny đã xác định sẵn sàng đối mặt đến cùng với chế độ Putin.

Libération dành bài viết dài điểm lại tiểu sử và hành trình đấu tranh của Alexei Navalny, từ một người viết blog phản biện các vấn đề xã hội đến khi trở thành kẻ thù số 1 của chế độ. Trên quãng đường đấu tranh chưa phải là dài, nhà đối lập nổi tiếng này đã bị chính quyền không biết bao nhiêu lần tìm mọi cách vô hiệu hóa, nhưng mỗi lần như vậy chỉ càng làm cho Navalny trở nên nổi tiếng.

Giờ đây Alexei Navalny, từ trong tù vẫn có thể kêu gọi được hàng ngàn người biểu tình ủng hộ ông trên khắp cả nước Nga, làm dấy lên một phong trào chống chính quyền rộng lớn. Ở bên ngoài số phận của Navalny được các nước phương Tây quan tâm theo dõi và can thiệp với Kremlin.

Các nhật báo Le Figaro và La Croix đã đề cập đến việc dự án Nord Stream 2 xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga về Đức, gần hoàn thành đang bị một số nước châu Âu trong đó dẫn đầu là Pháp kêu gọi ngừng lại vì do những hành xử của chính quyền Matxcơva với Alexei Navalny.

Trong khi đó « đối mặt với làn sóng phảng kháng, Kremlin chọn cách leo thang trấn áp », thẳng tay bắt bớ người biểu tình, đưa ra tòa những người thân cận của Navalny… Theo ghi nhận của nhật báo Le Monde.

Covid-19 hạ gục ngành hàng không

Trở lại với chủ đề liên quan đến Covid 19. Thế giới cũng như châu Âu vẫn đang lao đao chống đỡ với trận dịch kéo dài và dữ dội đẩy cả thế giới vào trong khủng hoảng y tế và kinh tế cùng lúc.

Le Figaro đặc biệt chú ý đến thiệt hại kinh tế của ngành hàng không thế giới với hàng tựa lớn trang nhất : « Vận tải hàng không lún sâu vào khủng hoảng lịch sử ». Tờ báo ghi nhận, với khủng hoảng Covid kéo dài, các hãng hàng không bị thiệt hại nặng nhất.

Từ hơn một năm qua, ngành vận tải hàng không trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, vừa le lói có chút ánh sáng cuối đường hầm thì dịch lại bùng lên. Tình hình dịch bệnh kéo dài, chiến dịch tiêm chủng mới chỉ bắt đầu còn phải đợi nhiều tháng nữa mới thấy hiệu quả…

Trong bối cảnh như vậy ngành vận tải hàng không đang thực sự lo lắng cho tương lai. Le Figaro cho hay, năm 2020, đã có 14 hãng hàng không trên thế giới tuyên bố phá sản. Nhưng khoản thất thu lớn, lên đến nhiều tỷ đô la đang chờ đợi các hãng hàng không. Theo nhận định của tờ báo, « vận tải hàng không đang bị cuốn vào vòng xoáy địa ngục ». 

Đảo chính Myanmar: Min Aung Hlaing, vị tướng lên nắm quyền

BBC

Gen Min Aung Hlaing
Chụp lại hình ảnh,

Vị tướng 64 tuổi dành toàn bộ sự nghiệp của mình trong quân đội đầy quyền lực

Min Aung Hlaing thăng tiến đều đặn trong hàng ngũ Tatmadaw, quân đội quyền lực của Myanmar, nhưng với tư cách là tổng tư lệnh trong một thập kỷ qua, ông cũng đã có tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể trước cuộc đảo chính ngày 1/2.

Ông duy trì thành công quyền lực của Tatmadaw ngay cả khi Myanmar chuyển đổi sang thể chế dân chủ, nhưng ông hứng chịu sự lên án và chế tài của quốc tế vì bị cáo buộc về vai trò của mình trong các cuộc tấn công của quân đội vào các dân tộc thiểu số.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau khi bắt bà Aung San Suu Kyi

Khi Myanmar trở lại chế độ quân sự dưới sự dẫn dắt của ông, Min Aung Hlaing bây giờ có vẻ sẵn sàng bành trướng quyền lực và định hình tương lai trước mắt của đất nước.

Lên đỉnh sự nghiệp

Vị tướng 64 tuổi đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình trong quân đội đầy quyền lực. Ông gia nhập khi là một thiếu sinh quân.

Từng là sinh viên luật tại Đại học Yangon, ông thi vào Học viện Quốc phòng của Myanmar lần thứ ba năm 1974.

Người lính bộ binh tương đối khiêm tốn này liên tục được thăng chức và cuối cùng trở thành chỉ huy của Cục Tác chiến Đặc biệt-2 năm 2009.

Myanmar soldiers (file picture)
Chụp lại hình ảnh,

Myanmar sở hữu quân đội lớn thứ hai ở Đông Nam Á

Trong vai trò này, ông giám sát các hoạt động ở đông bắc Myanmar, dẫn đến việc hàng chục nghìn người dân tộc thiểu số tị nạn chạy trốn khỏi tỉnh Shan phía đông và vùng Kokang, dọc theo biên giới Trung Quốc.

Bất chấp những cáo buộc về việc giết người, hãm hiếp và đốt phá quân lính của mình, Min Aung Hlaing vẫn tiếp tục thăng tiến và vào tháng 8 năm 2010, ông trở thành tổng tham mưu trưởng.

Chưa đầy một năm sau, ông được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất của quân đội qua mặt nhiều tướng lĩnh cấp cao hơn, kế nhiệm nhà lãnh đạo lâu năm Than Shwe với tư cách là Tổng tư lệnh vào tháng 3 năm 2011.

Khi Min Aung Hlaing trở thành Tổng tư lệnh, blogger và nhà văn Hla Oo - người nói rằng họ quen biết nhau từ thuở thơ ấu - đã mô tả ông là "một chiến binh thiện chiến của quân đội Miến Điện bạo tàn", nhưng cũng gọi ông là một "học giả và quý ông nghiêm nghị".

Tầm ảnh hưởng chính trị và 'nạn diệt chủng'

Min Aung Hlaing bắt đầu nhiệm kỳ với tư cách là thủ lĩnh quân đội khi Myanmar chuyển đổi sang nền dân chủ vào năm 2011 sau nhiều thập kỷ cai trị của quân đội, nhưng vẫn hướng đến việc duy trì quyền lực của Tatmadaw.

Tầm ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện trên mạng xã hội của ông tăng lên khi đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển (USDP) được quân đội hậu thuẫn để lãnh đạo chính quyền.

Năm 2016, khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, ông dường như đã thích nghi với sự thay đổi bằng cách làm việc và cùng xuất hiện trước công chúng cạnh bà.

Min Aung Hlaing shakes hands with National League for Democracy (NLD) party leader Aung San Suu Kyi in December 2015
Chụp lại hình ảnh,

Min Aung Hlaing từng làm việc rất vui vẻ với Aung San Suu Kyi

Bất chấp sự thay đổi, ông đảm bảo Tatmadaw tiếp tục nắm giữ 25% số ghế ở quốc hội và các vị trí nội các chủ chốt khác liên quan đến an ninh, đồng thời chống lại việc NLD tìm cách sửa đổi hiến pháp và hạn chế quyền lực quân sự.

Trong năm 2016 và 2017, quân đội đã tăng cường việc đàn áp người dân tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, miền bắc nước này, dẫn đến sự kiện nhiều người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar.

Người đứng đầu quân đội đã bị quốc tế lên án với cáo buộc "diệt chủng", và vào tháng 8 năm 2018, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói: "Các tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Myanmar, gồm Tổng tư lệnh, Thượng tướng Min Aung Hlaing, phải bị điều tra và truy tố về tội diệt chủng ở phía bắc Bang Rakhine, cũng như tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở các bang Rakhine, Kachin và Shan. "

Theo sau tuyên bố của hội đồng, Facebook đã xóa tài khoản của ông, cùng với tài khoản của các cá nhân và các tổ chức khác mà họ cho là đã "thực hiện hoặc cho phép các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước".

Hoa Kỳ đã trừng phạt ông ta hai lần - vào năm 2019 vì ông bị cáo buộc nắm vai trò trong việc "thanh lọc sắc tộc" và vi phạm nhân quyền, và vào tháng 7 năm 2020, Anh Quốc cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt với ông.

Thu tóm quyền lực

Theo các số liệu chính thức, cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm 2020 đã chứng kiến ​​một chiến thắng vang dội của đảng NLD, nhưng trong những tháng sau đó, Tatmadaw và USDP được quân đội hậu thuẫn liên tục tranh chấp kết quả.

USDP đã đưa ra các cáo buộc gian lận bầu cử trên diện rộng. Những tuyên bố đó đã bị ủy ban bầu cử bác bỏ trước khi phiên họp quốc hội dự kiến ​​vào ngày 1 tháng 2 để xác nhận chính phủ mới.

Chụp lại video,

Quân đội Myanmar đảo chính, bắt bà Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự

Suy đoán về một cuộc đảo chính ngày càng tăng trong bối cảnh mối quan hệ giữa chính phủ và các lực lượng vũ trang đang bế tắc. Vào ngày 27 tháng 1, Min Aung Hlaing cảnh báo rằng "hiến pháp sẽ bị loại bỏ, nếu không tuân theo", trích dẫn các ví dụ về các cuộc đảo chính quân sự trước đó vào năm 1962 và 1988.

Văn phòng của ông dường như đã đảo ngược lập trường này vào ngày 30 tháng 1, nói rằng truyền thông đã hiểu sai lời của các quan chức quân đội về việc bãi bỏ hiến pháp.

Tuy nhiên, vào sáng ngày 1 tháng 2, Tatmadaw đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các lãnh đạo cấp cao khác, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.

Min Aung Hlaing nắm mọi quyền hành nhà nước trong giai đoạn này với tư cách là tổng tư lệnh, và ngay lập tức dành ưu tiên cho những cáo buộc về bầu cử.

Một cuộc họp của Hội đồng An ninh và quốc phòng do ông đứng đầu nói họ sẽ điều tra các cáo buộc gian lận và tổ chức cuộc bầu cử mới, vô hiệu hóa chiến thắng của NLD.

Min Aung Hlaing ban đầu dự định từ chức Tổng tư lệnh sau khi đến tuổi hưu 65 vào tháng 7 năm nay, nhưng hiện ông có thêm ít nhất một năm cầm quyền - và có thể lâu hơn nữa - với việc Myanmar rõ ràng trở lại chế độ quân sự .

Khi Myanmar phải đối mặt với một tương lai bất định với tình trạng khẩn cấp, ông Min Aung Hlaing củng cố quyền lực của mình và nắm quyền điều hành đất nước.

Bài viết được BBC Monitoring biên soạn.  

Myanmar: Phe đảo chính trông mong những nước nào ủng hộ?

 BBC

Myanmar
Chụp lại hình ảnh,

Phe quân đội do Tướng Min Aung Hlaing (phải) lãnh đạo đã tiến hành cuộc đảo chính hôm 01/2/2021 và bắt giam lãnh tụ đảng NLD và Cố vấn Quốc gia Aung San Suu Kyi

Một ngày sau chính biến ở Myanmar, báo chí phương Tây đặt câu hỏi liệu phe đảo chính do quân đội cầm đầu sẽ tìm được sự ủng hộ từ nước ngoài cho động thái nắm quyền lực của họ trong trường hợp bị quốc tế chế tài, trừng phạt.

Hôm thứ Ba, 02/02/2021, hãng Reuter trong một bài viết đặt vấn đề ở Trung Quốc, liệu Myanmar hậu đảo chính có khả năng tìm được sự ủng hộ nếu các lệnh trừng phạt có hiệu lực hay không, viết:

"Ba tuần trước khi chỉ huy quân đội Myanmar lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính, ông đã gặp nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong một cuộc trao đổi chỉ ra sự hỗ trợ tiềm năng khi Myanmar đối mặt với viễn cảnh các lệnh trừng phạt mới của phương Tây.

Vị tướng đưa Myanmar trở lại chế độ quân sự là ai?

"Bộ Ngoại giao Trung Quốc ghi nhận mối quan hệ "hữu nghị anh em" khi Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị gặp gỡ vào tháng trước tại thủ đô của Myanmar với Tổng tư lệnh quân đội, Thượng tướng Min Aung Hlaing, khiến ông trở thành một trong những quan chức nước ngoài cuối cùng đến thăm trước cuộc đảo chính.

"Trung Quốc đánh giá cao việc quân đội Myanmar coi phục hồi quốc gia làm sứ mệnh của mình," Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc được Reuters trích thuật phát biểu vào thời điểm đó.

Theo quan sát của Reuters, kể từ cuộc đảo chính diễn ra vào đầu ngày thứ Hai và vụ bắt giữ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi, Trung Quốc phần lớn giữ im lặng và chỉ nói rằng "hy vọng vào sự ổn định" ở một quốc gia mà Trung Quốc là đối tác thương mại 'thống trị', một nhà đầu tư lớn và là 'đối trọng' trong nhiều năm khi mà chính quyền quân sự của Myanmar bị phương Tây gây áp lực do đàn áp dân chủ.

Myanmar
Chụp lại hình ảnh,

Người Myanmar biểu tình trước Đại sứ quán nước này ở Bangkok, Thái Lan, phản đối vụ đảo chính

Reuters cũng trích dẫn ý kiến từ giới phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho rằng: "Trung Quốc sẽ rất vui khi điều chỉnh lại cam kết của mình để nhận ra những thực tế mới trên thực tế.

"Điều đó có thể sẽ làm dịu đi đòn trừng phạt của bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Hoa Kỳ, điều mà Min Aung Hlaing chắc chắn đã lường trước và bác bỏ".

Lệnh trừng phạt sẽ được nối lại?

Hôm thứ Hai, nhật báo Anh The Guardian, trong bài viết với tựa đề 'Đảo chính Myanmar: Joe Biden đe dọa nối lại lệnh trừng phạt' cho biết:

"Tổng thống Mỹ kêu gọi sự đoàn kết quốc tế trong việc đối đầu với các tướng lĩnh nắm quyền tại Myanmar.

"Ông Joe Biden đã đe dọa sẽ nối lại các lệnh trừng phạt đối với Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự và đình chỉ nền dân chủ, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để đối đầu với các tướng lĩnh của đất nước."

Nhật báo Anh dẫn lời tân Tổng thống Mỹ nói trong một tuyên bố:

Mỹ
Chụp lại hình ảnh,

Tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nội các của ông có thể đang cứu xét các hành động trừng phạt và chế tài mới của Mỹ nhằm gây áp lực với phe đảo chính quân sự tại Myanmar

"Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Miến Điện trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ đối với dân chủ.

"Việc đảo ngược tiến trình đó sẽ đòi hỏi phải xem xét lại ngay lập tức các đạo luật và cơ chế xử phạt của chúng tôi, tiếp theo là các hành động thích hợp."

Quân đội Myanmar ngay lập tức đã nắm quyền sau cuộc đảo chính khi bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ hôm 01 tháng Hai.

Vẫn theo The Guardian, Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar vào tháng 10/2016 sau khi nước này tổ chức bầu cử, thành lập chính phủ dân sự và thực hiện các bước đi khác nhằm khôi phục nền dân chủ, mặc dù các lệnh trừng phạt vẫn còn nhằm vào một số sĩ quan quân đội.

"Hoa Kỳ sẽ đứng lên đấu tranh cho nền dân chủ ở bất cứ nơi nào bị tấn công," Tổng thống Biden được nhật báo Anh dẫn lời, tuyên bố thêm

"Và cộng đồng quốc tế nên cùng nhau lên tiếng để thúc ép quân đội Miến Điện từ bỏ ngay quyền lực mà họ đã nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và các quan chức mà họ đã giam giữ, dỡ bỏ tất cả các hạn chế viễn thông, và kiềm chế bạo lực đối với dân thường."

Cũng hôm thứ Hai, theo báo chí phương Tây, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki mặc dù không cho biết liệu các biện pháp khác ngoài các biện pháp trừng phạt có đang được xem xét hay, song bà nói thêm rằng Mỹ đang "tham vấn chuyên sâu ở nhiều cấp độ" với các đồng minh và đối tác của mình trên khắp thế giới.

Cả Trung Quốc và Nga sẽ giúp?

Nga và Trung Quốc
Chụp lại hình ảnh,

Nga và Trung Quốc có thể sẽ ủng hộ Myanmar và phản đổi, hay cản trở các đề nghị trừng phạt, chế tài quốc tế chống Myanmar tại các diễn đàn LHQ thời gian tới đây, theo báo the Australian của Úc

Từ Úc, một trong các quốc gia phương Tây sớm nhất có phản ứng về vụ đảo chính, hôm thứ Ba, 02/2, báo The Australian nhận định thêm:

"Tình cảm chống Trung Quốc vẫn mạnh mẽ ở Myanmar, nơi người dân phẫn nộ với những người gốc Hoa di cư vào nước này và không quên sự can thiệp của Bắc Kinh vào các cuộc xung đột sắc tộc dọc theo biên giới đất liền dài 2.200 km của họ.

"Tuy nhiên với việc Myanmar có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế mới và sự bất ổn của đất nước có thể sẽ không khuyến khích đầu tư của phương Tây hơn nữa, Myanmar chắc chắn sẽ cần phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để hỗ trợ kinh tế."

Và 'gã khổng lồ' viễn thông Trung Quốc Huawei hiện đang xây dựng mạng viễn thông 5G của Myanmar trước sự phản đối của Mỹ.

Về khía cạnh chính trị, bang giao quốc tế liên quan Myanmar, nhật báo Úc bình luận thêm:

"Trung Quốc đã chứng tỏ là một đồng minh vô giá của Myanmar, sử dụng ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để che chắn nước này khỏi sự chỉ trích quốc tế.

"Trung Quốc và Nga, cả hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, dự kiến ​​sẽ đóng vai trò cản trở trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an vào thứ Ba để thảo luận về các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với các tướng lĩnh Myanmar."

Theo The Autralian, hai cường quốc này đều là những nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Myanmar và không chỉ Trung Quốc mà cả Nga đã có tiếp xúc với phe quân sự Myanmar trước chính biến.

"Các phái viên từ cả hai nước đã gặp Tướng Min Aung Hlaing ở Myanmar chỉ vài tuần trước cuộc đảo chính, làm dấy lên suy đoán rằng ông tìm kiếm sự đảm bảo về sự hỗ trợ từ những người ủng hộ chủ chốt."

Và nhật báo Úc dẫn lời Giáo sư Damien Kingsbury, một chuyên gia về Myanmar và bang giao quốc tế của Đại học Deakin, nói rằng Trung Quốc có thể không nhất thiết phải muốn thấy một cuộc đảo chính vì sự bất ổn mà nó sẽ tạo ra.

"Nhưng nếu có một sự lựa chọn giữa Myanmar rời xa Trung Quốc hay một cuộc đảo chính, thì tôi nghĩ Trung Quốc sẽ ủng hộ hành động quân sự để đảm bảo họ duy trì liên minh kinh tế và chiến lược rất chặt chẽ," báo Úc The Australian dẫn lời chuyên gia nêu nhận định. 

Powered by Blogger.