Đại hội Đảng Việt Nam: Thà đỏ còn hơn đúng
Tác giả: David Brown
Hồ Động Đình, chuyển ngữ
2-2-2021
Người tốt nhất đã không thắng
Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc vào ngày 1 tháng 2. Hội nghị kéo dài tám ngày – không dành cho người ngoài cuộc, ngoại trừ lễ khai mạc và bế mạc – đánh dấu một năm chính trị nội bộ căng thẳng. Các đại biểu phê chuẩn danh sách được chuẩn bị trước, gồm các cán bộ lãnh đạo nam giới và một ít phụ nữ, sẽ vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ gồm 200 ủy viên và 18 ủy viên Bộ Chính trị. Và dĩ nhiên, họ hoan nghênh việc ông Nguyễn Phú Trọng đồng ý tiếp tục làm tổng bí thư đảng CSVN.
Các nhà báo nước ngoài đã có mặt tại đại hội, họ dành phần lớn thời gian ở Hà Nội để hòa mình vào màu sắc địa phương, cuối cùng cũng có điều gì đó đáng để đưa tin – ông Trọng 76 tuổi đã được tái cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có (một tràng pháo tay như vũ bão). Họ nộp bản copy của họ và đi tới sân bay.
Gần 1.600 đại biểu, đại diện cho 5,1 triệu đảng viên của các đơn vị đảng, ở khắp 64 tỉnh thành Việt Nam, đã quay về nhà khi dịch Covid-19 bùng phát, khiến Hà Nội bị phong tỏa. Truyền thông trong nước đưa tin, Đại hội 13 đã thành công rực rỡ, nhưng có vẻ như đằng sau bề ngoài của sự liên tục và ổn định, Đại hội này chủ yếu cho thấy một số vấn đề đáng lo ngại.
# 1. Không thể thuyết phục Ủy ban Trung ương chấp nhận người kế nhiệm mà mình chọn, nên ông Trọng đã phá bỏ các tiêu chuẩn về sức khỏe và tuổi tác đã định hình sự đổi mới có trật tự của lãnh đạo đảng và nhà nước. Vẫn sạch bong và cứng rắn như đinh đóng cột, ý định của Trọng là bảo đảm rằng, không ai có thể (ít nhất là chưa) dẹp bỏ công việc của ông để loại bỏ thói quen tự xử lý và những thói cơ hội khác, và nói chung là đưa đảng CSVN trở lại cội nguồn chủ nghĩa Mác-Lê-nin.
Đặt ra câu hỏi, liệu học thuyết Mác-Lênin – tư tưởng Hồ Chí Minh có cung cấp khuôn khổ phù hợp với một quốc gia đã trải qua ba thập niên “kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội” hay không, đội ngũ lãnh đạo của đảng ngày càng già đi. Tuổi trung bình của 18 ủy viên Bộ Chính trị được bầu trong tuần này là 61. Bây giờ ông Trọng nói đùa về giới hạn 65 tuổi được thiết lập để bảo đảm sự đổi mới thường xuyên của lãnh đạo, bao nhiêu người đương nhiệm sẽ có tâm trạng nghỉ hưu vào năm 2026?
Sau đó là vấn đề sức khỏe. Ông Trọng bị đột quỵ hồi tháng 4 năm 2019. Kể từ đó, ông đi đứng loạng choạng thấy rõ, mặc dù ông cố gắng phát biểu lâu tại đại hội trong ngày bế mạc. Một cú đột quỵ khác có thể kích hoạt một cuộc ẩu đả tự do giữa các phe nhóm trong đảng.
# 2. Những người xuất sắc nhất đã không giành chiến thắng và Phạm Minh Chính dự kiến trở thành Thủ tướng, là một nỗi lo đặc biệt. Truyền thông nhà nước Việt Nam phải chịu sự “hướng dẫn” của nhà nước và do đó, không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoan nghênh những kết quả này. Nhưng các bài đăng trên mạng xã hội đưa ra một câu chuyện khác.
Chính là tay trong, một thiếu tướng công an 63 tuổi, là người chỉ giữ một chức vụ nhà nước, bốn năm làm bí thư ở Quảng Ninh, tỉnh ven biển tiếp giáp với Trung Quốc. Nhiệm kỳ của ông đáng chú ý nhất là việc ông tài trợ cho kế hoạch thành lập đặc khu kinh tế trên đảo Vân Đồn, nơi các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng hợp đồng thuê đất miễn thuế 99 năm. Đó là một dự án đã được rao bán ít nhất từ năm 2007 bởi tập đoàn bất động sản tư nhân SunGroup. Nó trở nên nguy hại vào năm 2018, hai năm sau khi Chính rời Quảng Ninh để nhận chức vụ mới trong Ban Bí thư.
Khi luật thành lập Đặc khu Kinh tế Vân Đồn và hai dự án tương tự ở xa hơn về phía nam [ND: Bắc Vân Phong và Phú Quốc] được trình lên cơ quan lập pháp Việt Nam, một làn sóng phản đối nổ ra trên Facebook, khiến ông Chính, cũng như lãnh đạo Quốc hội bị chỉ trích nặng nề. Không rõ có đúng không, nhưng công chúng nhận thức rằng, kế hoạch này là một sự bán tháo cho các nhà đầu tư Trung Quốc (sòng bạc và những thứ tương tự) và có thể cung cấp một cơ sở hỗ trợ sẵn sàng cho những kẻ xâm lược từ phương Bắc. Một cách thận trọng, chính phủ đã rút lại dự luật sau khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố khác.
Có rất ít thông tin về thành tích của Chính trong công việc gần đây nhất của ông ta, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, một đơn vị thuộc Ban Bí thư Trung ương của đảng. Những lo ngại sẽ kéo dài về khả năng của Chính trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của chính phủ ở cấp cao nhất, cho đến khi ông ta chứng minh được điều ngược lại.
Ông Chính kế nhiệm trong hoàn cảnh khó khăn, là sự quản lý gần như hoàn hảo của Nguyễn Xuân Phúc đối với chính phủ trong 5 năm qua. Cho đến khi Trọng muốn ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa ở vị trí cao nhất, Phúc là người được ông ưu ái kế nhiệm chức tổng bí thư. Nếu không làm được điều đó, đa số những người ngoài đảng và có lẽ cũng có đa số người trong đảng chào đón Phúc nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai. Tuy nhiên, Trọng kéo dây và Phúc đã bị giáng xuống vai trò chủ tịch nước, một công việc chỉ có chức vị, chứ không có thực quyền.
Cũng vì những lý do mà Trọng được biết đến nhiều nhất, chuyên gia chính sách kinh tế Vương Đình Huệ, cấp phó quan trọng của Phúc từ năm 2016-2020 và là người rất được mong muốn để kế nhiệm ông, đã được điều sang để nắm một chức vụ có uy tín nhưng không có quyền hành, đó là Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, một cấp phó khác của Phúc là Vũ Đức Đam, đã không có được ghế trong Bộ Chính trị, bất chấp ông trở thành một ngôi sao khi điều phối chiến dịch ngăn chặn virus Covid-19 thành công rực rỡ ở Việt Nam.
Bài học rút ra ở đây là, trong vài năm tới, có thể thấy một lãnh đạo đảng “hồng” hơn “chuyên” có khả năng sẽ nâng cao nghề nghiệp. Với sự phức tạp ngày càng gia tăng của nền kinh tế và cơ cấu xã hội ở Việt Nam, đó không phải là một điều tốt.
____
David Brown là một nhà ngoại giao nghỉ hưu của chính phủ Hoa Kỳ, có kiến thức sâu rộng về vấn đề Việt Nam và là người thường xuyên viết bài cho Asia Sentinel.
Đại hội Đảng Việt Nam: Thà đỏ còn hơn đúng | Tiếng Dân (baotiengdan.com)
0 comments