Thấy gì từ cơ cấu nhân sự đảng khóa 13?
Trần C
2-2-2021
Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam có thể xem là cuộc bầu bán kỳ khôi nhất. Khi 1.587 đại biểu đại diện cho 5,2 triệu đảng viên đã buộc một ông già 77 tuổi, sức khỏe kém rồi, đã tha thiết xin thôi, phải làm công việc mà theo ông là nguy hiểm, nặng nề và khó khăn.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ 3 đã bôi đen điều 17 của điều lệ đảng, quy định rằng: “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp“.
Sự cố vị trái lệ này, phải chăng Trọng lão phạm pháp. Thiên hạ đồn rằng, chuyện ông Trọng tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba đã phạm vào điềm rủi trong Đảng là: Những ai từng giữ chức lãnh đạo tối cao qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp trước đây, đều chết vì bệnh khi đang đương chức và đều hưởng dương 79 tuổi, như cố chủ tịch Hồ Chí Minh hay cố tổng bí thư Lê Duẩn.
Việc không tìm ra người kế nhiệm chức Tổng Bí thư, cho thấy sự mất phương hướng và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ. Điều này là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế suốt mấy chục năm qua nhưng về chính trị thì càng ngày càng thủ cựu. Tầng lớp kỹ trị gia tăng trong hàng ngũ lãnh đạo đã khiến cho nhóm giáo điều cảm thấy bất an.
Riêng trong khóa này, nhóm các ủy viên trung ương (UVTƯ) có bằng cấp liên quan đến kinh tế, quản lý và kỹ thuật chiếm đến 49% với 89 UVTƯ. Thế nên, cũng dễ hiểu khi các nhân vật bảo thủ do ông Trong đề cử đã sớm về vườn “làm người tử tế”.
Trong khi tham nhũng diễn ra phổ biến thì việc “đốt lò” chẳng qua là công cụ thanh trừng bè phái. Hiện nay, khi nhiều đồng chí của “đồng chí X” đã vào tù, thì dĩ nhiên các “Củi đảng” phải nâng cao cảnh giác với “Quỉ lửa”.
Sự nổi lên của các nhóm quyền lực địa phương trong cơ cấu nhân sự hậu đại hội sẽ là mầm móng cho trận thư hùng đoạt vị tiếp theo, trong đó nhóm nhóm Nghệ Tĩnh đứng đầu các nhóm địa phương với 24 UVTƯ chiếm 13%, năm ủy viên bộ chính trị (UVBCT) chiếm 28%. Nhóm miền Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra, đứng đầu các nhóm vùng miền với 91, UVTƯ chiếm 51% và chín UVBCT, chiếm 50%.
Đối với miền Nam, nơi chiếm đến 36.84% dân số, 54.4% GRDP (Tổng sản phẩm quốc nội khu vực), 45.15% tổng thu ngân sách cả nước, đóng góp 61% tổng ngân sách điều tiết từ các địa phương về trung ương năm 2018. Tuy nhiên, theo cơ cấu nhân sự, miền Nam chỉ có 36 UVTƯ chiếm 20%, và năm UVBCT chiếm 28%, chỉ tương đương với Nghệ Tĩnh.
Dẫu có mở rộng cơ cấu nhân sự miền Nam đến vĩ tuyến 17 đi nữa, thì cũng chỉ có: 62 UVTƯ, chiếm 34% và tám UVBCT, chiếm 44%. Xem ra nguyên tắc “công bằng không bằng công nông” vẫn là kim chỉ nam trong công tác nhân sự.
Thiển nghĩ, những bất thường trong cơ cấu nhân sự khóa này cũng là điều bình thường trong thời mạt của một triều đại. Tính đến nay, đảng cộng sản Việt Nam đương nhiệm kỳ thứ 13, và khi kết thúc nhiệm kỳ này vào năm 2026 đảng sẽ có 81 năm độc tài lãnh đạo nhà nước.
Thật trùng hợp khi những con số trên cũng ứng với những con số trong sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Từ Đinh đổi đời chí lục thất gian”, hay “Cửu cửu càn khôn dĩ định”.
Hy vọng trong tầng lớp chóp bu của đảng sẽ còn người có lương tâm, mau chóng loại bỏ sai lầm rõ mười của chủ nghĩa cộng sản, thực thi tự do, dân chủ và pháp quyền. Đó là một viễn cảnh khả dĩ để giới cầm quyền thôi bước thụt lùi trên con đường tiến hóa của nhân loại, thoát khỏi ách nô lệ của Tàu Cộng với ít đau thương mất mát nhất cho nhân dân.
_______
Tham khảo:
[3] https://susta.vn/bai-viet-Xep-hng-phat-trien-kinh-te-cua-cac-vung-cac-tinh-1723.html
[4] Nghị quyết số: 50/2017/QH ngày 14/11/2017 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Thấy gì từ cơ cấu nhân sự đảng khóa 13? | Tiếng Dân (baotiengdan.com)
0 comments