Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bản tin ngày 2-2-2021

Tuesday, February 2, 2021 2:53:00 PM // ,

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Trung Quốc tập trận cả tuần ở vịnh Bắc bộ. Cục Hải sự TQ thông báo về cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu của TQ, tức khu vực phía đông vịnh Bắc bộ của VN, từ hôm nay 2/2 đến ngày 8/2. Cuộc tập trận diễn ra ở khu vực có phạm vi bán kính 5 km, phía TQ đã cấm tàu thuyền ra vào khu vực.

Chiến hạm TQ tập trận ở Biển Đông ngày 4/1. Ảnh chụp màn hình Chinamil.com.cn của báo Thanh Niên

Đây là cuộc tập trận lần thứ 3 của quân đội TQ ở vịnh Bắc Bộ từ đầu năm 2021 đến nay. Còn theo các thông báo được đăng trên trang web của Cục Hải sự TQ, hai đợt tập trận lần trước diễn ra từ ngày 23 đến 27/1 và từ ngày 27 đến 30/1. Tính luôn 3 cuộc tập trận ở vịnh Bắc bộ, từ đầu năm đến nay, TQ tiến hành ít nhất 6 cuộc tập trận ở Biển Đông.

TQ vừa tập trận, vừa quấy phá lãnh hải các nước khác: Nhiều tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ các nước, theo báo Thanh Niên. Kết quả phân tích dựa trên dữ liệu từ hệ thống nhận diện tự động của 32 tàu khảo sát TQ, chỉ trong một năm từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020, cho thấy, trong số 17 tàu TQ hoạt động trong EEZ của nước khác hoặc vùng biển chưa phân định, có hơn 10 tàu liên quan đến các hoạt động đáng ngờ.

Chuyên gia Fengjun Duan, tại Viện Canon về nghiên cứu toàn cầu (CIGS) ở Nhật Bản, nhận định, một số tàu TQ nghiên cứu về sinh vật biển và khảo sát cho mục đích nghiên cứu, nhưng một số tàu dường như còn khảo sát vì mục đích an ninh: “Dữ liệu thu thập được từ hoạt động khảo sát đó có thể sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự”.

Viet Times dẫn tin từ trang tin Đa Chiều: Trung Quốc định chiếm và xây dựng thêm đảo nhân tạo Ba Đầu ở Trường Sa? Theo đó, một số hình ảnh vệ tinh do trang tin Đa Chiều công bố cho thấy, “hiện có nhiều tàu đang tập kết gần rạn san hô Ba Đầu, giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ lấp biển để xây dựng đảo nhân tạo ở đây”.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu công trình và thông tin của TQ xuất hiện gần bãi Ba Đầu. Ảnh: Dwnews/ Viet Times

Bãi Ba Đầu (tên tiếng Anh là Whitson Reef) nằm ở cực phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, là rạn san hô lớn nhất trong số các đảo, bãi san hô trong cụm Sinh Tồn và có giá trị tiềm năng lớn.  Giới quan sát cho rằng “những hoạt động này có liên quan đến việc Trung Quốc chuẩn bị bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo ở đây”

Luật Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục bị phản đối, theo báo Người Lao Động. Mỹ, Nhật, Singapore và Philippines đều lên tiếng phản đối luật hải cảnh mới của TQ, đã có hiệu lực từ ngày hôm qua. Luật cho phép các tàu hải cảnh TQ có quyền nổ súng vào tàu thuyền của nước khác hoạt động trong các khu vực mà TQ tuyên bố chủ quyền lãnh hải. 

Mời đọc thêm: Trung Quốc và những quân cờ cản Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương (DĐDN). – Binh lính trên tàu ngầm Trung Quốc tại Biển Đông đối mặt loạt vấn đề tâm lý nghiêm trọng (Soha). – Trung Quốc chuyển hướng sang khai thác dưới đáy đại dương? (PLTP). – Hậu trường chính trị: Khi Anh ‘chặn’ Trung Quốc ở Biển Đông — Hạ viện Philippines yêu cầu điều tra tàu khảo sát Trung Quốc (TN). – Kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết về tình hình Biển Đông (TD). 

Quan hệ Mỹ – Việt

VOA đưa tin: Tùy viên Mỹ thăm đài tưởng niệm Khâm Thiên, người Việt nhiều ý kiến trái chiều. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội thông báo, hôm nay, Đại tá Tom Stevenson, Tùy viên Quốc phòng Mỹ đã đến thăm và thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Phía Việt Nam có Thiếu tướng Lê Văn Cầu, Trưởng Ban Đối ngoại, Hội Cựu Chiến binh VN, cũng có mặt cùng Đại tá Stevenson và các đại diện của Văn phòng Tuỳ viên Quốc phòng Mỹ.

Tùy viên Quốc phòng Mỹ Tom Stevenson viếng đài tưởng niệm phố Khâm Thiên, 2/2/2021. Ảnh: VOA

Đại diện hai nước Mỹ và Việt Nam tưởng niệm 278 người dân thiệt mạng gần 50 năm trước, vào đêm 26/12/1972. Đại sứ quán Mỹ cho biết về hoạt động tưởng niệm: “Những thiệt hại sinh mạng của dân thường là lời nhắc nhở lịch sử về những mất mát bi thương do xung đột gây ra khi Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hòa giải và mở rộng các nỗ lực chung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và hòa bình”.

Báo Người Việt có bài: Quan hệ Việt-Mỹ chưa chắc vẫn suôn sẻ. Ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích an ninh quốc phòng của Rand Corporation, nhận định trong bài viết trên Diplomat, rằng “mối quan hệ Hà Nội – Washington vẫn có thể gặp trục trặc những ngày sắp tới nếu Mỹ vẫn áp lực CSVN ‘thao túng tiền tệ’ để giảm bớt thâm thủng mậu dịch và đòi CSVN cởi mở hơn nữa về nhân quyền, thay vì chỉ đả kích cho có chuyện như thời Tổng Thống Trump“.

Tin chính trường

RFA có bài phỏng vấn GS Carl Thayer: Bầu Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự “xơ cứng” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về nghi vấn cho rằng, ông Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 vì ông được nhiều người tín nhiệm, hoặc các đồng đảng đánh giá cao chính sách của ông, GS Thayer bác bỏ: “Tôi nghĩ rằng nó là một dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang bị bệnh ‘xơ cứng động mạch’, và nó đang ngăn dòng máu mới dẫn tới não”.

GS Thayer dự đoán, diễn biến chính trong nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng Trọng: “Ông Trọng sẽ tiếp tục làm công tác xây dựng đảng và tất nhiên chiến dịch chống tham nhũng của ông cũng sẽ tiếp diễn không suy giảm bởi vì nó quá phổ biến ở Việt Nam. Như chúng ta thấy cả trăm cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật, cả ủy viên Bộ Chính trị”

RFA cho biết: Wikipedia xuất hiện thông tin về 4 vị trí tứ trụ của Việt Nam. Tối qua, Wikipedia, trang từ điển bách khoa toàn thư mở, xuất hiện thông tin về 4 vị trí “tứ trụ” của chế độ đảng trị VN trong mục về Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ đảng CSVN khóa 13. 

Thông tin mà cư dân mạng biết trước khi đại hội diễn ra: “Cột ghi chú cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, Nguyễn Xuân Phúc được chỉ định là Chủ tịch nước, Phạm Minh Chính là Thủ tướng và Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội”. Thông tin này đã bị xóa bỏ vào lúc 2h sáng nay, bởi vì “Wikipedia là từ điển bách khoa tự do, do đó bất kỳ ai cũng có thể viết trang mới hoặc sửa đổi các bài viết đang có”.

Thông tin về các vị trí “tứ trụ” khóa 13 đã xuất hiện trên Wikipedia, mục về Bộ Chính trị Ban Chấp hành TƯ đảng CSVN khóa 13. Ảnh: RFA

RFI bàn về lựa chọn nhân sự lãnh đạo Đảng CS Việt Nam: Phá lệ để duy trì ổn định. TS Lê Thu Hường, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc ASPI, cho biết, “đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ cố bảo đảm tính liên tục, bất kể ai nắm giữ các vị trí chủ chốt…”

Bà Hường nói rằng, “ông Trọng đã nỗ lực để bảo đảm là di sản của ông – đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động – sẽ được duy trì, ngay cả khi ông tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng nếu ông làm tổng bí thư nhiệm kỳ ba, thì đó là một sự sai lệch hoàn toàn so với chuẩn mực và sẽ cho thấy sự kiểm soát của ông vẫn còn rất mạnh”.

Báo Người Việt có bài: Nguyễn Phú Trọng ‘bám ghế’ tổng bí thư để chặn Nguyễn Xuân Phúc. Cách tuyên truyền khéo léo của đảng là, ông Nguyễn Phú Trọng bị ép tiếp tục làm tổng bí thư dù bệnh tật và quá tuổi nghỉ hưu tới hai lần. Ông Bill Hayton, nhà báo nổi tiếng người Anh, nói trên báo South China Morning Post rằng, các kỳ họp trung ương đảng gần đây và những màn đấu đá ngầm là “cuộc chiến tàn khốc để giành quyền lực“.


Ông Nguyễn Phú Trọng khoe 3 ngón tay như kiểu bị “ép” phải làm tổng bí thư CSVN thêm nhiệm kỳ thứ 3. Ảnh: Manan Vatsyayana/ AFP/ Getty Images/ NV

Mời đọc thêm: Đảng Cộng sản Việt Nam ở đâu trên thế giới? (BBC). – Ý kiến quanh việc ông Trọng tiếp tục nhiệm kỳ tổng bí thư thứ 3 — Mr. Jackhammer Nguyễn, còn phe thứ năm nữa, thưa ông! (RFA). – Tham khảo tiêu chí… ‘tốt’ và… ‘đẹp’ từ đại hội 13 (Blog VOA). – Bật mí về chế độ “hai bà trùng” của Việt Nam (LK). 

Chủ nhiệm VPCP quăng Phó TT xuống gầm xe bus

Từ lúc khởi đầu đợt bùng phát Covid-19 mới hôm 28/1 ở VN tới nay, chỉ trong 6 ngày, cơ quan y tế đã ghi nhận 304 ca lây nhiễm cộng đồng mới ở VN. Nếu so với các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Đông Nam Á như Philippines hay Indonesia, hoặc các vùng dịch lớn nhất thế giới như Mỹ, Brazil, Ấn Độ, thì tốc độ lây nhiễm như vậy chưa quá nghiêm trọng, nhưng tác động tới nền chính trị VN nặng hơn nhiều so với số ca nhiễm và số người chết. 

Hôm nay, cộng đồng mạng lưu ý lời phát biểu của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hàm ý đổ trách nhiệm cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Báo Người Lao Động dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ không công bố 10 ngày dập được dịch Covid-19.

Trong cuộc họp báo Chính phủ hôm nay, ông Dũng nói: “Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch, đây là ý kiến cá nhân thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Ai công bố thì trách nhiệm của người đó, không phải danh nghĩa Chính phủ”.


Bình luận của các Facebooker trên BBC về sự kiện này như sau:

Dương Quang Hùng: Lại chơi nhau rồi, cấp dưới của Phó thủ tướng mà dám phát biểu vậy. Đang cay cú không phải trường hợp đặc biệt nên về làm người tử tế

Nguyễn Vòng: Là một người làm việc ở phòng Chính phủ mà phát biểu như vậy tưởng hay lắm sao, ôi xem mà thất vọng về ông, dù 10 ngày không dập dịch được toàn dân vẫn đồng hành cùng Bác Đam.

Bình Thanh: Cán bộ ai thế thế nào dân đều biết hết… bác Đam lăn lộn chống dịch cả năm nay vất vả gầy tóp thành tích rất nhiều dân phục dân thương giờ giả sử như bác lỡ có nói sai câu gì đi nữa thì dân vẫn ko bao giờ trách bác… Còn ông bộ trưởng này chưa gì đã thể hiện kiểu trốn tránh trách nhiệm… thấy mà buồn quá!

Hữu Thông: Quyết tâm và mục tiêu 10 ngày dập dịch nhưng có thể dịch bệnh diễn biến phức tạp ngoài sự tính toán ban đầu thì tất cả lãnh đạo và nhân dân vẫn đồng lòng khống chế dịch tới cùng.

Quyên Lê: Lần sau đống chí Đam nhớ nói ‘đây là cá nhân tôi tuyên bố’ và khi nào chính phủ tuyên bố nhớ nói ‘đây là lời của chính phủ ạ’ Các đồng chí khác cũng nên như thế, để chúng tôi biết các đồng chí lãnh đạo phát biểu trước dân, khi nào thì nói theo cá nhân , và khi nào thì nói theo tư cách lãnh đạo đại diện chính phủ ạ!

Lê Tâm: Sau khi chúng ta sai, chúng ta xin lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật thì nay thêm cá nhân nói, cá nhân chịu trách nhiệm, còn chúng ta không nói!

Trước đó, sáng 29/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quyết tâm dập dịch trong 10 ngày. Phát biểu được một số người dân ủng hộ vì thái độ tự tin, nhưng cũng có một số ý kiến trên mạng xã hội nghi ngờ Phó Thủ tướng đã quá xem thường khả năng của Covid-19, nhất là trong tình hình liên tục xuất hiện biến chủng mới mạnh mẽ hơn, nguy hiểm hơn so với chủng ban đầu từ TP Vũ Hán, TQ. Tính từ tối nay, lời hứa “10 ngày” của ông Đam chỉ còn 5 ngày.

Lúc ông Đam nói, lúc đó chỉ xuất hiện 5 ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh. Các ổ dịch đều tập trung ở khu vực miền Bắc và 97% số ca nhiễm cộng đồng được phát hiện lúc đó tập trung ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, nên lời hứa của ông Đam có khả năng thực hiện. Nhưng bây giờ, dịch đã xuất hiện nhiều ổ dịch ở 10 tỉnh thành.

Tình hình lây nhiễm như vậy, khả năng ông Mai Tiến Dũng đã “đánh hơi” thấy tín hiệu không ổn, nên phải vạch rõ “ranh giới” trách nhiệm với ông Vũ Đức Đam: “Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch, đây là ý kiến cá nhân…” Một cư dân mạng bình luận: Đúng là thái độ của người CS, có phúc thì cùng hưởng nhưng gặp họa thì mạnh ai nấy chịu.

Mời đọc thêm: “Chính phủ không công bố dập dịch Covid-19 trong vòng 10 ngày” (DV). – “Chính phủ không công bố thông tin 10 ngày dập được dịch” (VnEconomy). – 10 khu vực ở Hà Nội đang bị phong tỏa (VNE). – Một thuyền viên tử vong ở khu cách ly Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2 (ANTT). – Đang cách ly tập trung, một thuyền viên tử vong trong tư thế treo cổ (NLĐ). – Bộ Y tế: Hàng trăm người ‘bất hợp tác’ trong truy vết lây nhiễm COVID-19 (VOA). – Người dân trồng hoa đào ở Hải Dương lo ‘trắng tay’ vì COVID-19 (NV). – Covid-19: Các biến thể mới xuất hiện thế nào, nguy hiểm tới đâu? (BBC).

***

Thêm một số tin: CPJ nói cách thức nhóm tin tặc OceanLotus nhắm đến các nhà báo chỉ trích VN (RFA). – Quốc tế kêu gọi chính phủ Nhật rút khỏi dự án nhiệt điện than ở Việt Nam (VOA). – Tết Tân Sửu, các chùa ở Little Saigon sẽ vắng tiếng pháo giao thừa (NV). – Đảo chính Myanmar: Min Aung Hlaing, vị tướng lên nắm quyền — Myanmar, Aung San Suu Kyi và bài học cho Việt Nam (BBC).

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.