Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 08/05/2020

Friday, May 8, 2020 // ,
Đọc báo Pháp – 08/05/2020

Chính phủ Pháp thay lệnh phong tỏa bằng chế độ “tự do có điều kiện” – Trọng Nghĩa

Kế hoạch dỡ bỏ chế độ phong tỏa đất nước vì dịch Covid-19 được thủ tướng Pháp công bố hôm qua là một trong những chủ đề quan trọng trên báo Pháp ra ngày hôm nay 08/05/2020, với tựa lớn chiếm lĩnh trang nhất hai tờ Le Figaro và Libération, và được Le Monde gợi lên ở những trang trong. Riêng hai tờ Les Echos và La Croix không ra số mới sau số kép ra ngày hôm qua vì hôm nay là ngày nghỉ lễ.
Nhìn chung các báo đều nhấn mạnh vào ý nghĩa không được nói ra công khai của kế hoạch tháo gỡ lệnh phong tỏa mà chính quyền Pháp sẽ áp dụng từ ngày 11/05 tới đây: Đó là thay thế chế độ phong tỏa bằng một chế độ “tự do bị giám sát” như Le Figaro gợi lên, hay “tự do có điều kiện” như từ ngữ được Libération sử dụng.
Trong hàng tựa lớn trên trang nhất, tờ báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận: “Edouard Philippe (tức là thủ tướng Pháp) hé mở cánh cửa”, kèm theo bức ảnh thủ tướng Pháp trong cuộc họp báo, đứng trước một tấm bản đồ các vùng nước Pháp chia thành hai màu xanh và đỏ.
Theo Le Figaro, thủ tướng Pháp đã trình bày các điều kiện của một kế hoạch ra khỏi phong tỏa thận trọng và dần dần kể từ thứ Hai 11/05. Sở dĩ tờ báo cho là ông Philippe chỉ hé mở cánh cửa cho người Pháp thoát khỏi tình trạng phong tỏa, đó là vì quyền tự do đi lại và tụ tập của người dân chưa được tái lập hoàn toàn.
Một nước Pháp chia đôi giữa xanh và đỏ
Trong bài viết “Xanh hay đỏ: Một nước Pháp cắt làm đôi”, Le Figaro nói rõ là 5 vùng được tô màu đỏ vẫn phải chịu một chế độ phong tỏa khá chặt chẽ.
Đó là các vùng Île-de-France (tức Paris và ngoại ô), Grand Est ở miền đông, Hauts-de-France ở miền bắc, Bourgogne-Franche-Comté phía đông nam và vùng lãnh thổ hải ngoại Mayotte, những nơi mà virus corona vẫn còn lan mạnh, trong lúc hệ thống bệnh viện vẫn còn ở trong tình trạng rất căng thẳng với số giường hồi sức còn trống rất ít.
Ở những vùng lãnh thổ này, các trường cấp ba, công viên tiếp tục bị đóng cửa, trái với trường hợp ở các vùng xanh, nơi tình hình dịch bệnh đỡ căng hơn.
Cái mới thời hậu phong tỏa
Bài viết thứ hai phân tích những thay đổi so với thời còn phong tỏa, áp dụng cho cả các vùng xanh lẫn đỏ.
Một trong số các điểm mới so với thời phong tỏa là kể từ ngày 11/05, quyền đi lại không cần giấy chứng nhận trở thành quy tắc, không như hiện nay, mỗi lần ra đường đều phải mang theo một tờ khai ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, ngày giờ và lý do ra ngoài. Một điểm khác là giới hạn một cây số quanh nhà đã được mở rộng ra thành 100 km
Bên cạnh đó, các cửa hàng sẽ được phép mở lại, người dân có thể đi cắt tóc hay đi dạo trong các hiệu sách. Thế nhưng nếu muốn đi nhà hàng, đi quán cà phê, đi xem xi-nê thì phải chờ thêm một thời gian nữa.
Một ràng buộc mới thể hiện một thay đổi quan điểm 180°: Đó là người dân bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi dùng xe lửa, xe buýt, xe metro hay tramway. Đã qua rồi thời kỳ mà chính phủ liên tục cho rằng khẩu trang không cần thiết cho người bình thường, không có bệnh!
Xét nghiệm, cách ly và tìm ca nghi nhiễm
Trong một bài viết riêng, Le Figaro ghi nhận là vấn đề theo dõi và cách ly những người bị nhiễm đã được nghiêm túc đặt ra.
Trước hết là xét nghiệm miễn phí cho tất cả những ai có triệu chứng nhiễm virus corona, và nếu bị xét nghiệm dương tính thì lập tức phải cách ly tại nhà. Nếu nhà không đủ điều kiện an toàn thì phải chấp nhận ra cách ly tại một khách sạn được trưng dụng cho công việc này.
Điểm thứ hai, rất khó chịu cho người Pháp là những người bị xét nghiệm dương tính phải báo cho bác sĩ điều trị những người có tiếp xúc với mình, để bác sĩ đưa vào một cơ sở dữ liệu, và căn cứ vào đó, những toán điều tra của cơ quan bảo hiểm y tế sẽ liên lạc với các trường hợp đó để yêu cầu xét nghiệm.
Điều được nhấn mạnh là chỉ có nhân viên của cơ quan bảo hiểm y tế mới có quyền truy tìm các ca nghi nhiễm do tiếp xúc với người bệnh, chứ không phải là cảnh sát.
Nỗi lo về làn sóng thứ hai
Một bài viết khác mang tựa đề “Có nên lo ngại một làn sóng dịch bệnh thứ hai hay không” trên tờ Le Figaro đã giải thích lý do vì sao chính quyền Pháp chưa thể bãi bỏ hoàn toàn chế độ phong tỏa.
Theo tờ báo Pháp, cho dù dịch Covid-19 đã lây lan chậm lại ở Pháp từ nhiều tuần lễ nay, nhưng nguy cơ tái phát hoàn toàn không thể loại trừ, do đó mọi người vẫn cần phải duy trì kỷ luật phòng chống.
Nguy cơ của một làn sóng thứ hai giải thích lý do vì sao chính quyền sẵn sàng chấp nhận việc bị đánh giá là quá thận trọng.
Thế nhưng, Le Figaro vẫn cảm thấy lạc quan vì khả năng chiến thắng dịch bệnh không phải là không có và các biện pháp phong tỏa sẽ cho phép tranh thủ được một khoảng thời gian quý báu để tăng cường sức chống đỡ.
Le Figaro: Tự do nhưng chưa hoàn toàn
Trong bài xã luận, Le Figaro không ngần ngại gọi tình cảnh nước Pháp hiện nay là một tình trạng “Tự do bị giám sát”.
Tờ báo thiên hữu trước hết đã thở phào nhẹ nhõm, ghi nhận rằng “Rốt cuộc thì cánh cửa cũng hé mở ! Làn không khí vẫn còn ít, chân trời vẫn chưa sáng tỏ, nhưng ánh sáng tự do đang lấp lánh ở phía xa”.
Đối với Le Figaro cũng đã đến lúc phải như vậy, vì không thể giới hạn cuộc sống con người ở nhu cầu sinh lý. Bị giam hãm, thân thể và trí tuệ cuối cùng sẽ teo tóp lại. Một cuộc sống bó hẹp giữa một màn hình, một chiếc tủ lạnh, một tờ giấy chứng nhận để đi lại sẽ vàng vọt đi…
Thế nhưng, để được quyền tự do duy trì công việc làm của mình, đi dạo trên các đường phố nhộn nhịp, hứng gió biển hay không khí mát rượi của những khu rừng thì còn phải luồn lách qua nào là giấy chứng nhận, giấy phạt, nào là những lệnh trái ngược nhau, như phải thúc đẩy kinh tế nhưng hãy ở nhà !
Bóng ma của con virus vẫn lảng vảng. Nếu tin vào tất cả những thông tin mà truyền thông đã khuếch tán thì đây không còn là một con virus nữa mà là con quái vật của ngày Tận Thế. Nhưng phải tỉnh táo. Ngông cuồng hay “ma mãnh” sẽ là vô trách nhiệm, nhưng nhút nhát để tránh mọi bất trắc thì cũng vô trách nhiệm không kém.
Le Figaro kết luận: “Được thông tin đầy đủ như chưa từng thấy trong lịch sử, người Pháp dư biết là mình phải cẩn thận như thế nào ở mỗi bước đi của mình. Hãy tin tưởng rằng họ sẽ biết giữ gìn để không phải trở ngược đường đi”.
Libération: Tự do có điều kiện
Không hẹn mà gặp, tờ báo thiên tả Libération cũng ghi nhận trong một tựa đề rất châm biếm: “Ngày 11 tháng Năm, tất cả đều được tự do có điều kiện”.
Theo tờ báo Pháp, cánh cửa như thế là đã được hé mở. Sau 8 tuần lễ phong tỏa chưa từng thấy trong lịch sử, thủ tướng đã thông báo: “Việc dỡ bỏ dần phong tỏa có thể bắt đầu từ ngày 11 tháng 5 này” trên toàn bộ lãnh thổ. “Tin vui” là cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường, nhưng thủ tướng đã nhấn mạnh trên tính giới hạn, dần dần, khác biệt tùy từng vùng và… khả năng tái lập phong tỏa.
Trên toàn lãnh thổ Pháp, ngoại trừ Mayotte ở hải ngoại, giai đoạn mới trong cuộc chiến chống virus corona đồng nghĩa với việc mở lại một số cơ sở văn hóa và thương mại nhỏ, ngoại trừ các nhà hàng, các quán rượu bia, tất cả các trung tâm thương mại ở vùng Ile-de-France, và những trung tâm lớn nhất ở những nơi khác.
Và ở những nơi mà tình hình cho phép, có thể dự kiến vào đầu tháng Sáu việc mở lại các trường cấp ba, quán cà phê và nhà hàng. Và như vậy là sau ngày 11/05, người Pháp sẽ nhìn về một chân trời mới khác: Ngày 02/06.
Libération: Covid-19 khiến vùng ngoại ô nghèo Paris thêm khó
Dù có đề cập đến kế hoạch giảm phong tỏa của chính phủ Pháp trên trang nhất với một tựa nhỏ nhấn mạnh trên chi tiết “Paris và miền Đông Bắc thấy màu đỏ”, Libération đã dành tựa lớn và hồ sơ đặc biệt cho tỉnh Seine-Saint-Denis, thực ra là vùng ngoại ô phía bắc Paris, nêu bật “Khủng hoảng làm hoàn cảnh (tỉnh này) thêm khó khăn”.
Trong một hồ sơ dài tám trang, với các phóng sự, phân tích, phỏng vấn, tờ báo Pháp đã điểm qua mọi khía cạnh của khu vực thường được gọi là vùng “ngoại ô đỏ” của Paris, đỏ đây là hiểu theo nghĩa cứ địa của đảng Cộng Sản Pháp.
Theo Libération, từ vấn đề y tế, nhà ở cho đến giáo dục hay tình trạng nghèo khó…, tỉnh thuộc vùng Ile de France này vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại bị thêm dịch họa, và là một trong những tỉnh bị Covid-19 tác hại dữ dội nhất nước, cùng với tỉnh Haut-Rhin ở miền đông.
Là một tỉnh nghèo, Seine-Saint-Denis đã phải trả giá đắt cho dịch Covid-19, với số cư dân phải xuống làm việc ở Paris trong những công việc gian khổ như công nhân vệ sinh, bảo vệ, thu ngân tại các siêu thị, hoặc các công việc cần yếu nhưng chẳng được ai đoái hoài, những công việc làm tăng nguy cơ bị nhiễm virus.
Phải chăng họ bị Nhà Nước bỏ bê? Không, ngành y tế đã nỗ lực rất lớn để giúp tỉnh này đối phó với làn sóng bệnh nhân; trợ cấp xã hội đã được tăng lên đáng kể, các sáng kiến ​​địa phương đã được nhân lên để giúp người dân vượt qua thử thách.
Vấn đề là dù Nhà Nước có chi viện bao nhiêu thì vẫn không bù vào được sự chênh lệch quá lớn sẵn có giữa vùng ngoại ô này với thủ đô: Số bác sĩ ở Seine-Saint-Denis chẳng hạn ít hơn ba lần so với Paris, số dịch vụ công cộng cũng ít hơn, tương tự như nguồn tài nguyên được phân bổ cho chính quyền địa phương.
Đối với Libération, bệnh do virus corona rất khó chống đỡ và đòi hỏi đòi hỏi các phương tiện đặc biệt. Bất bình đẳng xã hội cũng khó gải quyết như vậy.
Le Monde: Vì sao kho dự trữ khẩu trang cạn kiệt vào đầu dịch
Tựa chính trang nhất Le Monde cũng được dành cho chủ đề đại dịch Covid-19, nhưng giới thiệu phần cuối của loạt phóng sự điều tra quy mô mà tờ báo đã thực hiện về “Căn nguyên cuộc khủng hoảng y tế tại Pháp”.
Dưới tựa chính “Khẩu trang: Nước Pháp đã phá hủy kho dự trữ của mình như thế nào”, Le Monde đã tập trung trên giai đoạn 2017-2020 tức là thời chính quyền của tổng thống Macron, và nêu bật các quyết định đã dẫn đến việc nước Pháp tự để cho kho dự trữ khẩu trang của mình cạn kiệt.
Theo ghi nhận của Le Monde, từ một con số khá lớn là 1,4 tỷ chiếc vào năm 2011, kho dự trữ khẩu trang của nhà nước đến năm 2020 chỉ còn vỏn vẹn 117 triệu chiếc, với việc phá hủy các khẩu trang bị cho là không dùng được tăng tốc trong ba năm gần đây.
Đốt hàng trăm triệu khẩu trang lúc cả nước bị khan hiếm!
Phóng sự điều tra của Le Monde đã có một phát hiện sốc: Cuối tháng Ba vừa qua, vào lúc dịch bệnh hoành hành dữ dội trên đất Pháp, với lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn quốc và khẩu trang rõ ràng là đang bị khan hiếm nghiêm trọng, hàng triệu chiếc khẩu trang thuộc kho dự trữ Nhà nước đã bị đốt đi.
Lý do thiêu hủy là số khẩu trang này đã bị mốc meo hay đã quá thời hạn sử dụng, nhưng một số người biết chuyện đã cho rằng một phần không ít trong số bị đốt vẫn có thể sử dụng được. Khi biết chuyện, phủ thủ tướng Pháp đã lập tức ra lệnh đình chỉ việc phá hủy, nhưng đã muộn: Trên tổng số khoảng 616 triệu chiếc khẩu trang phẫu thuật còn lại vào năm 2017, chỉ có khoảng 19 triệu chiếc thoát được nạn bị thiêu hủy.
Hai nhà báo Le Monde phụ trách cuộc điều tra đã phỏng vấn nhiều quan chức lãnh đạo chính trị và hành chánh có liên can đến vấn đề quản lý kho khẩu trang đó, với người này đổ trách nhiệm cho người kia về những lựa chọn hệ trọng đã gây nên những hậu quả ghê gớm mà nước Pháp đang phải gánh chịu, trong đó có việc phải cấp tốc nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá cao hơn gấp ba lần giá bình thường, với nguy cơ hàng không giao kịp.
Theo Le Monde, việc Nhà nước Pháp lơ là trong việc duy trì một kho dự trữ khẩu trang đủ dùng cho dân chúng khi cần thiết xuất phát từ một quan điểm – mà ngày nay đã bị gác qua một bên – theo đó khẩu trang chỉ cần cho giới chuyên môn mà thôi, còn đối với công chúng thì không cần thiết.
Đối với một số chuyên viên được Le Monde phỏng vấn, trong vấn đề kho dư trữ khẩu trang bị cạn kiệt, Nhà nước Pháp đã phạm phải ba lỗi lớn: Phá hủy khẩu trang còn dùng được, không thay thế những thứ đã tiêu hủy và không tăng lượng khẩu trang dự trữ.
Hồng Kông nêu gương chống dịch
Cũng về dịch Covid-19, và cũng trên trang nhất, Le Monde đã giới thiệu bài viết về kinh nghiệm chống dịch của Hồng Kông.
Theo thông tín viên Florence de Changy của tờ báo, Hồng Kông cho đến nay chỉ ghi nhận vỏn vẹn hơn 1.000 ca nhiễm, và 4 ca tử vong, một thành tích rất đáng nêu gương cho một vùng lãnh thổ chật hẹp, mà lại có đến 7,4 triệu dân, với mật độ thuộc hàng đầu thế giới, và nhất là ở sát cạnh nơi đại họa bùng lên là Trung Quốc.
Theo Le Monde, có hai nguyên nhân chủ yếu giải thích thành công của Hồng Kông: Dân chúng đeo khẩu trang, trong lúc chính quyền chủ trương chữa trị bệnh nhân ngay từ đầu khi vừa mới phát hiện triệu chứng.

Tin tổng hợp
(AFP) – Covid-19 : Số ca nhiễm mới tại Nga lại vượt ngưỡng 10.000. 
Hôm nay, 08/05/2020, tức là ngày thứ 6 liên tiếp, nước Nga ghi nhận thêm hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn nửa là ở thủ đô Matxcơva, nơi mà lệnh phong tỏa được triển hạn đến 31/05. Như vậy, Nga hiện là quốc gia đứng hàng thứ 5 thế giới về số ca nhiễm virus corona, với 187.859 người, nhưng số ca tử vong vẫn còn thấp (1.723).
(AFP) – Covid- 19 : Kinh tế Brazil có nguy cơ sụp đổ ? 
Hôm qua, 07/05/2020, bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes cảnh báo là trong một tháng nữa kinh tế Brazil có thể sụp đổ, kèm theo nạn khan hiếm thực phẩm và tình trạng « phân rã » xã hội. Vị bộ trưởng này ám chỉ các biện pháp phong tỏa đang có hiệu lực để ngăn chận dịch Covid -19 tại nhiều bang của nền kinh tế hàng đầu châu Mỹ Latinh. Hiện giờ, dịch virus corona tại Brazil đang tăng nhanh với tốc độ rất đáng ngại. Tính đến tối qua đã có 135.106 ca nhiễm và hơn 9.000 ca tử vong.
(AFP) – Nghị sĩ Mỹ muốn đặt tên đường trước sứ quán Trung Quốc theo tên bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang).  
Hôm qua, 07/05/2020, các nghị sĩ Mỹ đã đệ trình lên cả hai viện Quốc Hội một dự luật chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ : Đặt tên Li Wenliang Plaza cho con đường có đại sứ quán Trung Quốc ở Wahsington. Con đường này hiện có tên là Quảng trường Quốc tế (International Place). Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng ở Vũ Hán là người đầu tiên báo động về dịch Covid-19 tại thành phố này vào cuối tháng 12/2019, nhưng bị công an Trung Quốc bắt giữ về tội « loan tin đồn thất thiệt ». Sau khi qua đời vì căn bệnh này vào cuối tháng 2, ông lại được tuyên dương là « anh hùng dân tộc ».
(AFP) – Virus corona cũng lây qua đường tình dục ? 
Một êkíp nghiên cứu Trung Quốc vừa phát hiện là tinh dịch của nhiều người nhiễm Covid-19 được xét nghiệm dương tính với virus, kể cả các bệnh nhân đang hồi phục. Nghiên cứu này, được thực hiện trên 38 người đàn ông tại tỉnh Hà Nam, vừa được đăng trên tạp chí y khoa Mỹ Journal of American Medical Association. Tuy nhiên, các tác giả công trình nghiên cứu nhấn mạnh là còn phải tiến hành thêm các nghiên cứu khác để biết được là virus corona sống được bao lâu trong tinh dịch và lây như thế nào. Cho tới nay, người ta chỉ tìm thấy virus corona trong nước bọt, nước tiểu và phân.
(AFP) – Tàu không gian mới của Trung Quốc trở về Trái đất an toàn. 
Được phóng lên không gian vào đầu tuần trong một chuyến bay thử, nhưng không có phi hành gia, tàu vũ trụ mới của Trung Quốc đã trở về Trái đất hôm nay, 08/05/2020, mà không gặp trục trặc gì, theo thông báo của cơ quan không gian đặc trách các chuyến bay có người lái của Trung Quốc. Đây được xem là một thành công về công nghệ của Trung Quốc. Như vậy, năm nay Bắc Kinh có thể khởi động việc xây dựng một trạm không gian lớn, dự kiến sẽ được hoàn tất vào năm 2022.
(AFP) – Mỹ rút giàn tên lửa Patriot khỏi Ả Rập Xê Út. 
Hôm qua, 07/05/2020, một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết là quân đội Hoa Kỳ đã quyết định rút 4 giàn tên lửa Patriot ra khỏi Ả Rập Xê Út, vì cho rằng mối đe dọa của Iran đối với các lợi ích của Mỹ trong khu vực đã giảm.

Điểm tin thế giới sáng 8/5:

Mỹ sắp có thêm luật trừng phạt quan chức Trung Quốc

Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (8/5), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả Mục điểm tin thế giới với những tin sau:
Mỹ sắp có thêm luật trừng phạt quan chức Trung Quốc
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mitch McConnell, hôm thứ Năm, nói rằng ông hy vọng Thượng viện sẽ sớm thông qua dự luật kêu gọi chính quyền Trump gia tăng phản ứng trước hành vi đàn áp của Bắc Kinh đối với các sắc dân thiểu số theo đạo Hồi, Reuters đưa tin.
Ông McConnell cho biết dự luật lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đề xuất sẽ thúc giục Tổng thống Trump sử dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với những quan chức Trung Quốc tham gia đàn áp dân. Một nguồn thạo tin của Reuters nói rằng dự luật có thể được bỏ phiếu vào tuần tới.
Dự luật nếu được thông qua sẽ không chỉ chế tài các quan chức Trung Quốc dính líu tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương mà còn đối với tất cả các nhóm Hồi giáo khác ở Trung Quốc.
Chia sẻ chi phí quân sự: Mỹ đưa ra ‘đề nghị cuối’ với Hàn
Hoa Kỳ đã yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ 1,3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để duy trì lực lượng quân Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên, tăng gần 50% so với năm ngoái, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump cho biết thông tin hôm thứ Năm, theo Yonhap.
Con số này đã giảm nhiều so với mức 5 tỷ USD mà Hoa Kỳ mong muốn Hàn Quốc chia sẻ trong những lần đàm phán trước. Hầu hết khoản tiền mà Mỹ đề nghị Hàn Quốc chia sẻ được dùng để trả lương cho hàng ngàn người Hàn đang làm việc cho các đơn vị của quân đội Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên.
Vị quan chức này nói với hãng thông tấn Yonhap rằng đề nghị này của Hoa Kỳ là “đề nghị cuối cùng” và “khá hợp lý”.
Nhân viên nhiễm nCoV, nhưng ông Trump, Pence âm tính
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã cho kết quả âm tính với virus Vũ Hán sau khi một lính Mỹ làm việc tại Nhà Trắng bị nhiễm loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo Reuters.
Trong cuộc họp với thống đốc bang Texas tại Phòng Bầu dục hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông ít liên lạc với người lính bị nhiễm virus Vũ Hán.
Những người làm việc xung quanh tổng thống tại Nhà Trắng được xét nghiệm virus Vũ Hán thường xuyên. Nhưng Reuters cho hay, nhân viên, mật vụ, và khách tới giao dịch không đeo khẩu trang ở văn phòng khu vực phía Tây tòa nhà.
Putin ký lệnh cấm quân nhân Nga sử dụng smartphone
Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hôm thứ Tư cấm các thành viên của lực lượng vũ trang Nga sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Theo Fox News, đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc tiết lộ bí mật quân sự của chính phủ Nga.
Nga cũng có một luật tương tự cấm những người làm việc cho quân đội sử dụng các thiết bị có thể kết nối Internet.
Những người phục vụ trong quân đội Nga đã được cảnh báo trong quá khứ về việc chia sẻ thông tin trực tuyến và các bài đăng trên mạng xã hội. Fox News cho hay, trong những năm gần đây, các hoạt động quân sự của Nga ở Syria và miền đông Ukraine đã vô tình bị lộ thông qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ấn Độ: Rò rỉ khí gas, ít nhất 11 người thiệt mạng
Ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng trăm người phải nhập viện sau vụ rò rỉ khí gas vào đêm thứ Năm tại một nhà máy hóa chất ở miền đông Ấn Độ, chính quyền địa phương cho biết thông tin, theo AFP.
Vụ việc xảy ra ở ngội ô Visakhapatnam, một thành phố cảng ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ. AFP cho hay, số người chết có thể chưa dừng lại ở con số mà quan chức địa phương nói.
Vụ tai nạn xảy ra sau khi khí gas rò rỉ từ các bồn chứa tại một khu phức hợp thuộc sở hữu của công ty LG Chem, Hàn Quốc, đang ngưng hoạt động do lệnh phong tỏa chống dịch viêm phổi Vũ Hán.

Điểm tin thế giới chiều 8/5:

Thượng viện Mỹ không thể đảo ngược quyền phủ quyết

của ông Trump về Nghị quyết Iran

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (8/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Thượng viện Mỹ không thể đảo ngược quyền phủ quyết của ông Trump về Nghị quyết Iran
Thượng viện Mỹ ngày 7/5 không đạt đủ phiếu để chống lại quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với nghị quyết “hạn chế quyền hạn của Tổng thống về chiến tranh đối với Iran”, theo VOA Việt Ngữ.
Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine dẫn đầu, được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua, yêu cầu ông Trump không điều động quân đội chống Iran, trừ phi Nghị viện tuyên bố chiến tranh hay cho phép sử dụng quân đội.
Thượng viện do đảng Cộng hòa phe ông Trump chiếm đa số, đã bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống với tỷ lệ 49-44, nhưng không đủ 67 phiếu cần có.
Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc tập trận, ca ngợi Trung Quốc chống dịch nCoV
Truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay (8/5) dẫn lời một đại diện quân đội Triều Tiên tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Hàn Quốc là một sự khiêu khích nghiêm trọng cần phải phản công.
KCNA cũng đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một thông điệp tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. KCNA không nêu khi nào và bằng cách nào thông điệp của ông Kim chuyển tới ông Tập.
Đạn pháo trúng gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và Ý tại Libya
Đạn pháo đã trúng gần các đại sứ quán của 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, tại trung tâm thành phố Tripoli, vào cuối ngày 7/5, các cơ quan ngoại giao này cho biết.
Theo Reuters, Liên minh Quốc gia Libya (LNA) của thống chế Khalifa Haftar, căn cứ ở miền đông, đã oanh tạc Tripoli trong nhiều tháng, một phần trong cuộc chiến kéo dài cả năm nhằm đánh chiếm thành phố.
Tàu hỏa Ấn Độ chèn chết 14 người ngủ quên trên đường ray
Một đoàn tàu hỏa Ấn Độ đã làm chết 14 lao động nhập cư ngủ quên trên đường ray vào thứ Sáu, khi họ đang trên đường về quê do mất việc làm, cảnh sát Ấn Độ cho biết.
Theo Reuters, hàng chục ngàn người từ các thành phố lớn ở Ấn Độ đã đi bộ về nhà sau khi họ bị cho nghỉ việc, trong bối cảnh Ấn Độ đóng cửa chống dịch nCoV từ cuối tháng 3.
Người lái tàu đã cố gắng dừng đoàn tàu chở hàng khi ông phát hiện có người nằm trên đường ray ở bang miền tây Maharashtra, Bộ đường sắt cho biết.
Xiaomi Trung Quốc tăng trưởng ở Tây Âu
Nhà cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi đang thua đối thủ Huawei ở thị trường nội địa Trung Quốc, nhưng đang bắt kịp đối thủ ở Tây Âu, theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường toàn cầu Canalys.
Xiaomi hiện chiếm 10% thị trường ở Tây Âu sau khi các lô hàng điện thoại thông minh của hãng tăng 79% so với cùng kỳ quý đầu, là nhà cung cấp duy nhất đạt tăng trưởng trong bối cảnh toàn quốc phong tỏa nhằm khống chế đại dịch, tờ SCMP dẫn nguồn từ Canalys cho biết.

Powered by Blogger.