Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 08/05/2020

Friday, May 8, 2020 5:00:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 08/05/2020

TT Trump phủ quyết nghị quyết lưỡng đảng về Iran, coi là sự ‘xúc phạm’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa phủ quyết một nghị quyết lưỡng đảng yêu cầu cần có sự chấp thuận của Quốc hội cho việc sử dụng vũ lực ở Iran. Ông nói nghị quyết này là một sự “xúc phạm” do đảng Dân chủ tạo ra để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.
Theo CBS News, kết quả phủ quyết của ông Trump có thể sẽ không thay đổi vì Quốc hội rất khó có đủ phiếu để lật ngược nó.
Trong một thông điệp bằng văn bản mang tính thách thức hôm 6/5, ông Trump nói rằng nghị quyết “có ý định chỉ đạo tôi chấm dứt việc sử dụng Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ để chống lại Iran. Đây là một nghị quyết rất xúc phạm, do Đảng Dân chủ đưa ra nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 bằng cách chia rẽ Đảng Cộng hòa. Một số ít đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu có lợi cho đối phương”.
Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết về quyền lực chiến tranh Iran sau khi Mỹ giết chết tướng Iran Qassem Soleimani, gây ra những lo ngại lan rộng về căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ dẫn tới chiến tranh.
Tại thời điểm đó, nghị quyết – được Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine đưa ra trước Quốc hội – đã cho thấy sự ủng hộ của lưỡng đảng về kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Tổng thống Trump.
Trong tuyên bố, ông Trump cho rằng nghị quyết ngụ ý quyền lập hiến của ông trong việc sử dụng lực lượng quân sự “bị giới hạn trong việc bảo vệ nước Mỹ và các lực lượng của Mỹ trước cuộc tấn công sắp xảy ra”.
“Điều đó không đúng”, CBS News dẫn lời tổng thống Hoa Kỳ nói. “Chúng ta sống trong một thế giới thù địch với các mối đe dọa đang phát triển, và Hiến pháp công nhận rằng tổng thống phải có khả năng lường trước những động thái tiếp theo của đối thủ và có hành động nhanh chóng, quyết đoán để đáp trả. Đó là điều tôi đã làm!”
Thượng nghị sĩ Tim Kaine đã kêu gọi các đồng nghiệp xoá bỏ phủ quyết của tổng thống.
“Năm ngoái, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump, ông nói: ‘Các quốc gia vĩ đại không tham gia những cuộc chiến bất tận’. Nhưng thay vì làm theo lời nói, Tổng thống Trump đã phủ quyết nghị quyết giúp tránh khỏi cuộc chiến không cần thiết ở Trung Đông. Tôi kêu gọi các đồng nghiệp cùng tham gia bỏ phiếu để xoá bỏ phủ quyết của ông. Trừ khi có sự đồng thuận đầy cân nhắc trong Quốc hội rằng chiến tranh là thật sự cần thiết, chúng ta không nên đưa quân đội vào tình thế dễ bị phương hại”, Đảng viên Dân chủ của bang Virginia nói trong tuyên bố.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-ph%E1%BB%A7-quy%E1%BA%BFt-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-l%C6%B0%E1%BB%A1ng-%C4%91%E1%BA%A3ng-v%E1%BB%81-iran-coi-l%C3%A0-s%E1%BB%B1-x%C3%BAc-ph%E1%BA%A1m-/5410177.html

Nghị quyết Iran: Thượng viện

không thể đảo lại phủ quyết của ông Trump

Thượng viện Mỹ ngày 7/5 không hội đủ phiếu để chống lại quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với nghị quyết hạn chế quyền hạn của Tổng thống về chiến tranh đối với Iran.
Nghị quyết, do Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine dẫn đầu, được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua yêu cầu ông Trump không điều động quân đội chống Iran trừ phi Quốc hội tuyên bố chiến tranh hay cho phép rõ ràng sử dụng quân đội. Đây là nỗ lực mới nhất của Quốc hội muốn lấy lại quyền Hiến định của Tòa Bạch Ốc về tuyên bố chiến tranh vào lúc ông Trump phát động một chiến dịch áp lực tối đa chống Iran.
Ông Trump đã phủ quyết hôm 6/5 và gọi đây là “một nghị quyết xúc phạm,” cáo buộc phe Dân chủ sử dụng nghị quyết để chia rẽ phe Cộng hòa và nỗ lực lấy lại Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Thượng viện, do đảng Cộng hòa phe ông Trump chiếm đa số, đã bỏ phiếu bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống với tỷ lệ 49-44, nhưng không đủ túc số 2/3 tức 67 phiếu cần có.
https://www.voatiengviet.com/a/ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-iran-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-%C4%91%E1%BA%A3o-l%E1%BA%A1i-ph%E1%BB%A7-quy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-trump/5410604.html

Mỹ – Trung khởi động lại thỏa thuận thương mại

bất chấp đại dịch Covid-19

Anh Vũ
Hôm nay 08/05/2020, đại diện hai đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm đầu tiên bàn về việc thực thi thỏa thuận thương mại sơ khởi ký hồi đầu năm nhưng đã bị gác lại vì khủng hoảng virus corona.
Trong thông cáo hôm nay, hãng tin chính thức Trung Quốc, Tân Hoa Xã, cho biết phó thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cùng bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã nhất trí là Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ hợp tác tạo môi trường thuận lợi để triển khai thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 » ký hồi tháng Giêng. Trong một thông cáo riêng, văn phòng của đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho biết Washington và Bắc Kinh hy vọng đáp ứng được các cam kết bất chấp khủng hoảng dịch và hai bên sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết của thỏa thuận.
Sau gần hai năm lao vào cuộc chiến thương mại với những đòn trừng phạt thuế lẫn nhau, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khó khăn lắm mới ký được một thỏa thuận sơ khởi hồi tháng Giêng. Ngay sau đó, dịch Covid-19 bùng lên dữ dội tại Trung Quốc, làm cả nước bị phong tỏa nghiêm ngặt. Theo thỏa thuận sơ khởi, Trung Quốc chấp nhận tăng mức mua sản phẩm Mỹ thêm 200 tỷ đô la so với năm 2017. Thế nhưng, đại dịch đã làm nền kinh tế của Trung Quốc cũng như cả thế giới tê liệt. Bắc Kinh khó có thể thực hiện cam kết trên dù đã cho khởi động lại kinh tế từ đầu tháng Tư, khi cơ bản khống chế được dịch.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh dịch virus corona vẫn đang hoành hành tại Mỹ và là nguồn cơn gây thêm căng thẳng giữa hai nước. Washington và Bắc Kinh trong những ngày qua vẫn tiếp tục khẩu chiến về nguồn gốc đại dịch. Theo Hoa Kỳ, chính Trung Quốc đã để Covid-19 lây lan khắp thế giới như hiện nay. Tổng thống Donald Trump dọa sẽ trừng phạt thương mại Trung Quốc vì đại dịch này và thậm chí hủy bỏ thỏa thuận đã ký nếu Trung Quốc không tôn trong cam kết nhập hàng Mỹ.
Trong khi đó, trận dịch Covid- 19 đang kéo nền kinh tế Mỹ ngày càng gần đáy hơn. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tư dự kiến tăng lên đến gần 20%, gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2009. Trước
khi có dịch, tổng thống Trump từng rất tự hào về thành tích kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm qua ở Mỹ.
Về mặt trận chống dịch virus corona, theo số liệu của Đại học Y, John Hopkins,  ngày hôm qua nước Mỹ ghi nhận thêm 2.400 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 từ đầu dịch lên đến 75.500 người. Từ ngày 01/04 đến nay, chưa ngày nào số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ xuống dưới 1.000 người. Con số ca nhiễm trên cả nước đã lên hơn 1,25 triệu, mỗi ngày tăng thêm khoảng 20.000 người.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200508-m%E1%BB%B9-trung-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BB%99ng-l%E1%BA%A1i-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19

Trung Quốc tiếp tục được liệt vào danh sách

 ‘Quốc gia cần chú ý đặc biệt’

Vanessa Đỗ
Ngày 28/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) đã công bố báo cáo thường niên năm 2020 về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục được liệt vào danh sách “Quốc gia cần chú ý đặc biệt”.
Nước bị liệt vào danh sách “Quốc gia cần chú ý đặc biệt” về tự do tôn giáo tức là chính phủ của quốc gia đó tham dự hoặc cho phép hành vi bức hại tự do tôn giáo một cách có hệ thống, kéo dài và nghiêm trọng.
Báo cáo của USCIRF cho biết, trong năm 2019, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp tôn giáo. Chính quyền nước này đã dựng một nhà nước giám sát công nghệ cao bằng cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để giám sát các nhóm tôn giáo như Kitô giáo, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo và Pháp Luân Công.
Cụ thể, vào năm 2019, hàng nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam vì từ chối từ bỏ đức tin của họ hoặc do chia sẻ tài liệu liên quan đến việc luyện tập.
Ngoài ra, theo báo cáo, ước tính có khoảng từ 900.000 đến 1,8 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ tại hơn 1.300 trại tập trung ở Tân Cương.
Những người bị đưa đến trại giam chỉ vì để râu dài hoặc từ chối uống rượu, hoặc các hành vi khác mà chính quyền cho là dấu hiệu của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Các tù nhân từng bị giam giữ cho biết họ đã bị tra tấn, hãm hiếp, triệt sản cùng những hành vi lạm dụng khác.
Theo báo cáo, vào năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa hàng trăm nhà thờ, phá hủy thánh giá và cấm thanh niên dưới 18 tuổi tham gia các hoạt động tôn giáo. Hình ảnh của Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ Maria cũng được thay thế bằng hình ảnh của ông Tập Cận Bình.
Ông Gary Bauer, thành viên của USCIRF nói với tờ Daily Caller rằng, nhà cầm quyền Trung Quốc là một “chính quyền sợ tôn giáo”.
“Họ không dung tha cho những công dân nào mà có lòng trung thành với bất cứ điều gì cao hơn Đảng cộng sản Trung Quốc”, ông Bauer nói. “Bất kỳ lòng trung thành nào cũng được cho là nguy hiểm và không thể được chấp nhận”.
Nhằm cải thiện tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc, USCIRF đã đưa ra một số đề nghị đối với chính phủ Mỹ như áp các biện pháp chế tài đối với những cơ quan và quan chức chính phủ Trung Quốc vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, đóng băng tài khoản cá nhân hoặc cấm nhập cảnh, không cho phép Thế vận hội mùa đông năm 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh và tăng cường các nỗ lực chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-tiep-tuc-duoc-liet-vao-danh-sach-quoc-gia-can-chu-y-dac-biet.html

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ trở lại đại dương

Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã được quay lại đại dương giữa bối cảnh các quan chức Mỹ cảnh báo về việc gia tăng hoạt động và các hành vi hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.
USNI News, trang tin của Viện Hải quân Mỹ, ngày 6-5 đưa tin tàu sân bay USS Ronald Reagan neo đậu ở Nhật Bản đã quay lại đại dương để thử nghiệm sau giai đoạn bảo trì thường niên. Động thái diễn ra trước cuộc tuần tra mùa xuân của tàu sân bay này ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, trang Stars and Stripes dẫn lời các quan chức Mỹ ngày 7-5 xác nhận tàu sân bay USS Ronald Reagan đã tham gia các cuộc thử nghiệm trong tuần này.
Tàu USS Ronald Reagan đã rời cảng ở Yokosuka, Nhật Bản hôm 4-5. Trước đó, thủy thủ của tàu này cùng các tàu hộ tống đã bị cách ly để ngăn dịch COVID-19.
Với việc USS Ronald Reagan quay lại biển, tôi nghĩ điều đó mang nhiều ý nghĩa không chỉ với các thủy thủ trong nhóm tác chiến của chúng tôi mà còn đối với quốc gia chúng ta nói chung cùng các đối tác và đồng minh
Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 thuộc Hạm đội 7
Giai đoạn thử nghiệm như thế này thông thường kéo dài khoảng 1 tuần và là một trong những giai đoạn cuối cùng trước khi các tàu tham gia tuần tra. Các thông tin chi tiết về việc liệu tàu USS Ronald Reagan sẽ quay lại cảng Yokosuka trước khi bắt đầu triển khai chính thức hay không hiện vẫn chưa rõ, theo Stars and Stripes.
USNI News cho biết việc tàu sân bay USS Ronald Reagan quay lại đại dương diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ gần đây cảnh báo về các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành vi hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc đe dọa một tàu hải quân Philippines tới đâm chìm một tàu cá của Việt Nam và dọa dẫm ngăn các quốc gia khác thăm dò dầu khí ngoài khơi” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói trước các phóng viên tại Lầu Năm Góc hôm 5-5.
Trước các bước đi gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực gồm tiến hành 2 cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này hồi tháng 4.
Ngoài ra, tàu đổ bộ tấn công USS America cũng được triển khai tới khu vực có tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 (HD-8) và tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần Malaysia.
Trong bối cảnh đó, báo Japan Times ngày 7-5 đã đăng thư của một độc giả với tiêu đề Chỉ Mỹ mới có thể đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Tác giả viết rằng Trung Quốc đã biến Biển Đông thành một “công viên nước bị quân sự hóa” và rằng Tổng thống Trump nên giúp làm vùng biển náo động này yên tĩnh.
Khoảng giữa tháng 4, tất cả 4 tàu sân bay của Mỹ được chỉ định hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đều đã được cách ly tại các cảng khác nhau do các lo ngại về COVID-19.
Trong số ít nhất 4 tàu sân bay của hải quân Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm (gồm USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Carl Vinson), tàu USS Theodore Roosevelt là hàng không mẫu hạm chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Lúc đó, Liêu Ninh, một trong hai tàu sân bay của Trung Quốc, là tàu sân bay duy nhất đang hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Trang IB Times bình luận việc các tàu sân bay của Mỹ cùng lúc không được triển khai thời điểm đó đã để lại một “khoảng trống quyền lực” ở khu vực Thái Bình Dương.
http://biendong.net/bi-n-nong/34589-tau-san-bay-uss-ronald-reagan-cua-my-tro-lai-dai-duong.html

Mỹ rút giấy phép xuất khẩu khẩu trang

không đạt chuẩn của nhà sản xuất Trung Quốc

Triệu Hằng
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ngày 7/5 quyết định rút giấy phép xuất khẩu vào Mỹ đối với hàng chục công ty sản xuất khẩu trang ở Trung Quốc, do phát hiện nhiều khẩu trang N95 không đáp ứng tiêu chuẩn lọc 95% hạt mịn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S CDC) liệt kê khẩu trang N95 là trang thiết bị bảo vệ thiết yếu dành riêng cho các nhân viên y tế tuyến đầu Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống Covid-19.
FDA cho biết, qua thử nghiệm, một số khẩu trang N95 từ các công ty Trung Quốc đã không đáp ứng hiệu quả lọc hạt mịn tối thiểu 95% – tiêu chuẩn dẫn đến tên gọi “N95”.
Theo FDA, điều đó có nghĩa là các mẫu sản phẩm này vẫn cho phép nhiều hạt siêu nhỏ đi qua hơn tiêu chuẩn được cấp phép.
Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, sau quyết định của FDA số công ty Trung Quốc được cấp phép bán khẩu trang N95 vào Mỹ giảm từ 86 xuống còn 14.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-siet-chat-san-xuat-khau-trang-n95-o-trung-quoc.html

Cập nhật tình hình Covid-19 ngày 7/5

Tổng thống Trump cân nhắc thêm gói cứu trợ kinh tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/5 loan báo chính quyền của ông đang xem xét các biện pháp kinh tế bổ sung, có thể thông qua các sắc lệnh hành pháp, để hỗ trợ thiệt hại do đại dịch virus corona gây ra.
Đáp câu hỏi của phóng viên tại Toà Bạch Ốc rằng liệu có thêm các khoản trợ cấp trực tiếp cho công dân hay chăng, ông Trump nói: “Điều gì đó có thể xảy ra, có sự bàn luận về một điều gì đó sắp xảy ra. Chúng ta sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra.”
Virus corona làm thiệt mạng hơn 75 ngàn người Mỹ và hơn 1,25 triệu dân Mỹ bị nhiễm.
‘Theo dõi’ bệnh nhân COVID
Trong lúc Mỹ bắt đầu mở cửa lại kinh tế, một số giới chức các tiểu bang đang tính tới việc áp dụng công nghệ theo dõi ‘quản thúc tại gia’ đối với các bệnh nhân COVID, như vòng điện tử đeo ở chân hay các ứng dụng thông minh theo dõi hành tung, để đảm bảo những người nhiễm virus corona tuân thủ lệnh cách ly.
Tranh luận đang xoay quanh câu hỏi rằng liệu các giới chức có thể áp đặt sự theo dõi này mà không bị thưa kiện vì xâm phạm quyền riêng tư hay không.
Michigan mở cửa lại ngành sản xuất
Thống đốc bang Michigan ngày 7/5 cho phép các công xưởng trong tiểu bang mở cửa lại từ ngày 11/5, tháo dỡ chướng ngại cho các nhà sản xuất ô tô Bắc Mỹ đưa nhân công trở lại làm việc sau thời gian đóng cửa vì đại dịch COVID.
Dù cho phép mở cửa lại ngành sản xuất, nhưng thống đốc Gretchen Whitmer gia hạn lệnh ‘ở nhà’ thêm hai tuần nữa để phòng tránh đợt lây lan COVID lần thứ hai.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BA%ADp-nh%E1%BA%ADt-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-covid-19-ng%C3%A0y-7-5/5410606.html

Một người ẩn danh tặng 1 triệu Mỹ kim

cho các nhân viên bệnh viện

Tin từ California – Các nhân viên tại một bệnh viện ở  Bắc  California vừa nhận được một phần thưởng cho sự cống hiến của họ trong bối cảnh đại dịch coronavirus, đó là món quà trị giá 1 triệu mỹ kim từ một nhà tài trợ ẩn danh. Số tiền quyên góp sẽ được trao cho tất cả những người trong nhóm nhân viên của Bệnh viện Dominican ở Santa Cruz, từ y tá và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đến nhân viên chăm sóc và thư ký phòng thư, với điều kiện họ đã làm việc tại bệnh viện này trong ít nhất một năm.
Người quyên góp có gửi một lời nhắn đi kèm, trong đó viết lời cảm ơn các nhân viên bệnh viện đã nỗ lực làm việc (và ở lại!) để chăm sóc cho cộng đồng, sự tốt bụng này khiến họ trở thành anh hùng, và người gửi ẩn danh trên mong họ hãy chấp nhận số tiền này như lời cảm ơn cho tất cả những gì họ làm.
Phát ngôn viên bệnh viện Claire Henry cho biết, nhân viên toàn thời gian tại bệnh viện trên sẽ nhận được 800 mỹ kim, và những người làm việc bán thời gian sẽ nhận được 600 mỹ kim trong vòng 30 ngày tới.
Các bác sĩ sẽ không được tính bởi vì họ không phải là nhân viên của các bệnh viện ở California. ABC News dẫn lời bệnh viện Dominican cho hay, người quyên tặng sống ở quận Santa Cruz và là một ân nhân lâu năm. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-an-danh-tang-1-trieu-my-kim-cho-cac-nhan-vien-benh-vien/

Phi trường LAX bắt buộc hành khách

phải đeo khẩu trang bắt đầu từ ngày 11 tháng 5


Bắt đầu từ thứ hai (ngày 11 tháng 5), tất cả hành khách đến Phi Trường Quốc Tế Los Angeles (LAX) đều phải mang khẩu trang hoặc che mặt. Thị Trường Eric Garcetti công bố yêu cầu này vào tối thứ tư (ngày 6 tháng 5) vài giờ sau khi các viên chức Quận Los Angeles đưa ra những bước đầu tiên để nới lỏng lệnh cách ly xã hội.
Các cửa hàng bán hoa, đại lý xe hơi và các loại cửa hàng  khác nhau – bao gồm cả những cửa hàng bán đồ chơi, âm nhạc, sách, quần áo và đồ thể thao – sẽ được phép mở cửa trở lại bắt đầu từ thứ Sáu (ngày 8 tháng 5). Giám sát viên quận L.A. Kathryn Barger cho biết “danh sách những cửa hàng được mở cửa phụ thuộc vào khả năng duy trì khoảng cách an toàn, chứ không phải sản phẩm mà họ buôn bán.”
Bên cạnh đó, các cơ sở giải trí bao gồm sân golf và đường cho người chạy bộ cũng sẽ mở cửa trở lại vào thứ Sáu. Tuy nhiên, mọi người vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về giữ khoảng cách an toàn và đeo khẩu trang hoặc che mặt khi ở gần người khác.
Vào thứ tư, các viên chức y tế đã tiên vạch ra một kế hoạch năm giai đoạn để mở lại Quận L.A. Mặc dù các nhà bán lẻ sẽ được phép mở lại với các điều kiện nói trên trong tuần này theo Giai đoạn 2, nhưng quận hy vọng sẽ sớm cho phép các công ty rủi ro thấp khác – bao gồm các nhà sản xuất, văn phòng và bán lẻ lớn hơn – mở cửa. Giai đoạn 2 cũng cho phép mở lại thư viện, viện bảo tàng, trung tâm văn hóa và phòng trưng bày, nhưng Quận vẫn chưa công bố ngày mở cửa cụ thể của những địa điểm này.
Các bãi biển của Quận Los Angeles sẽ vẫn đóng cửa trong thời gian này, mặc dù các bờ biển khác tại Quận Cam đã được mở cửa dưới sự cho phép của tiểu bang. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phi-truong-lax-bat-buoc-hanh-khach-phai-deo-khau-trang-bat-dau-tu-ngay-11-thang-5/

Ông Trump ngụ ý nCov rò rỉ

từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

do ‘sự yếu kém’ của những người liên quan

Quý Khải
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm (7/5) bày tỏ ngụ ý rằng Covid-19 thoát ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán P4 do “sự yếu kém” của những người trong cuộc, theo The Epoch Times
“Chuyện gì đó đã xảy ra”, ông trả lời khi được hỏi về mối liên hệ giữa Covid-19 và phòng thí nghiệm Vũ Hán trong cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục với Thống đốc bang Texas Greg Abbott.
“Hoặc là họ đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp, có lẽ đó là do sự yếu kém, ai đó đã khá kém cỏi, và họ đã không làm được việc mà họ nên phải làm được”.
Ông cũng tái khẳng định rằng con virus này bắt nguồn từ Trung Quốc.
“Dù có muốn hay không,  tất cả mọi người đều biết điều này”, ông nói.
Trong tuyên bố hôm 30/4 thông qua Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (IC) cho biết nCov bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, và không phải là nhân tạo hoặc được biến đổi gen.
Tuy nhiên văn phòng này không nói rõ làm cách nào họ đi đến kết luận này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), chia sẻ quan điểm tương đồng với Cộng đồng Tình báo về nguồn gốc virus.
“Nếu ta nhìn vào sự phát triển của virus trên dơi và những gì ngoài kia, thì [bằng chứng khoa học] đang rất nghiêng về giả thuyết con virus này không được sản xuất một cách nhân tạo hoặc có chủ đích”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với National Geographic. “Tất cả mọi thứ về sự tiến hóa từng bước một theo thời gian cho thấy [virus này] đã tiến hóa trong tự nhiên và sau đó nhảy liên loài [từ dơi sang người]”.
Cộng đồng Tình báo cũng cam kết điều tra khả năng virus này bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
“Cộng đồng Tình báo sẽ tiếp tục xem xét kỹ các thông tin và tin tức tình báo mới nổi để xác định xem liệu dịch bệnh bắt đầu do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay đó là kết quả của một vụ tai nạn phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, họ nói.
Sự yếu kém và thiếu minh bạch
Mặc dù vẫn cần phải xem xét xem liệu Covid-19 có đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không, nhưng sự thiếu minh bạch tại Trung Quốc đại lục do chính phủ giấu dịch đã gây ra những quan ngại sâu sắc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm đã cảnh báo về những rủi ro xoay quanh các phòng thí nghiệm virus được chính quyền Trung Quốc vận hành trong quá khứ.
“Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện rủi ro. Vào thời điểm khi dịch SARS [năm 2003] bùng phát, đã có những rò rỉ từ phòng thí nghiệm của họ”, ông nói.
Ông cũng chỉ trích ĐCSTQ không chia sẻ dữ liệu về vụ bùng phát dịch với thế giới tự do.
“Đến nay, chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được mẫu bệnh phẩm của loại virus này tại đại lục”, ông nói.
Theo Allen Zhong, The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-ngu-y-ncov-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-vu-han-do-su-yeu-kem-cua-nhung-nguoi-lien-quan.html

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ thành lập ủy ban đặc biệt

ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc

Quý Khải
Các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ đã thành lập một ủy ban hôm 7/5 để chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong bối cảnh vai trò của chính quyền này trong sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 ra toàn cầu đang thu hút sự dò xét của dư luận, theo The Epoch Times.
“Sự che giấu của Trung Quốc đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng”, Lãnh đạo phe thiểu số Hạ Viện Kevin McCarthy nói trong cuộc họp báo công bố việc thành lập ủy ban. “Vụ giấu dịch lần này giống với mô thức hành vi đe dọa tương đồng mà chúng ta đã thấy ở ĐCSTQ trong nhiều năm – một quan điểm từ lâu đã nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng”.
Dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, ủy ban mới bao gồm các thành viên từ nhiều ủy ban phụ trách giám sát quan hệ với Trung Quốc.
Ủy ban đặc biệt gồm 15 thành viên sẽ xem xét “một loạt các vấn đề liên quan đến Trung Quốc”, bao gồm các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ tại các tổ chức giáo dục của Mỹ, các mối đe dọa kinh tế, các “nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đạt lợi thế công nghệ”, và việc xử lý dịch bệnh tại đại lục trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, ông McCarthy nói.
“Chúng ta không chỉ phải buộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho vai trò của họ đối với sự bùng phát dịch Covid-19 ra toàn cầu, Hoa Kỳ còn phải có hành động quyết liệt để đối phó với chương trình nghị sự ác tính của ĐCSTQ và cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên trường thế giới”, ông McCaul nói. Ông nhấn mạnh đây là “vấn đề số một không chỉ trong ngày hôm nay mà còn cho tương lai”.
Đại dịch Covid-19 đã thúc giục Mỹ củng cố lập trường trước chính quyền cộng sản Trung Quốc và gây căng thẳng cho các mối quan hệ song phương, trong đó bao gồm các vấn đề đã có từ lâu như lo ngại về âm mưu thâm nhập giới học thuật, trộm cắp thương mại và tác động lên kinh tế Mỹ.
Đã đến lúc giữ khoảng cách
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mark Green gần đây dự tính trình dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ chuyển dịch chuỗi cung ứng về nước để cắt giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
“Bất kỳ nỗ lực giữ khoảng cách nào … đều khôn ngoan đối với chúng tôi, cả từ góc độ kinh tế và góc độ an ninh quốc gia”, ông Green chia sẻ với The Epoch Times trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Các nghị sĩ Cộng hòa từ bảy ủy ban Hạ viện cũng đã thúc đẩy một cuộc điều tra vào các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại các trường đại học Mỹ, sau những cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang chèn ép các nghiên cứu học thuật về nguồn gốc nCov tại các cơ sở này.
Theo Eva Fu, The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/khac/dang-cong-hoa-tai-ha-vien-my-thanh-lap-uy-ban-dac-biet-ngan-chan-moi-de-doa-tu-trung-quoc.html

Nghị sĩ Mỹ muốn đổi tên đường

trước sứ quán Trung Quốc là ‘Lý Văn Lượng’

Hải Lam
Các nghị sĩ Mỹ hôm 7/5 đề xuất đổi tên đoạn đường trước đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, từ “International Place” (Địa điểm Quốc tế) thành “Li Wenliang Plaza” (Quảng trường Lý Văn Lượng).
“Chúng ta sẽ đảm bảo cái tên Lý Văn Lượng không bao giờ bị lãng quên bằng cách đặt cái tên này vĩnh viễn ngoài sứ quán của quốc gia chịu trách nhiệm về cái chết của bác sĩ Lý”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc phát biểu.
Đề xuất này cũng được Thượng nghị sĩ Marco Rubio ủng hộ và đã được trình lên đồng thời ở lưỡng viện.
Lý Văn Lượng là bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Anh là một trong những người đầu tiên cảnh báo trên mạng xã hội về một loại virus đang lây truyền ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, ngay sau đó, cảnh sát đã triệu tập và yêu cầu anh ký vào biên bản thừa nhận “tung tin đồn nhảm” và phải cam kết không được thực hiện thêm bất kỳ hành động “vi phạm pháp luật” nào nữa.
Virus trên sau đó được xác định là virus corona chủng mới, gây ra đại dịch Covid-19. Vào đầu tháng 2/2020, bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vì chính loại virus này. Cái chết của anh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân trên khắp Trung Quốc. Dù Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố việc xử phạt bác sĩ Lý là “không đúng đắn”, cảnh sát Vũ Hán đã xin lỗi và rút lại quyết định khiển trách, chính quyền tỉnh Hồ Bắc truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho bác sĩ Lý, nhưng những động thái này cũng không đủ để làm dịu cơn giận dữ của công chúng.
Đây không phải là lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ đề xuất đổi tên đường trước sứ quán Trung Quốc ở Washington. Năm 2014, các nghị sĩ từng đề nghị đổi tên đường theo Lưu Hiểu Ba, nhà văn đoạt giải Nobel bị Bắc Kinh bỏ tù sau khi kêu gọi cải cách dân chủ. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Hạ viện Mỹ bác bỏ sau khi Tổng thống khi đó là Barack Obama nói rằng, ông sẽ phủ quyết đề xuất này vì mục đích hợp tác với Trung Quốc.
Theo AFP
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-si-my-muon-doi-ten-duong-truoc-su-quan-trung-quoc-la-ly-van-luong.html

Ngoại trưởng Mỹ: Dịch bệnh buộc thế giới thức tỉnh

trước mối đe dọa từ Trung Quốc

Quý Khải
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm (7/5) cho biết dịch bệnh Covid-19 đã buộc thế giới trở nên cảnh giác hơn trước các mối đe dọa từ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo The Epoch Times.
“Tôi nghĩ rằng cả thế giới đang thức tỉnh”, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn trên talkshow “The Steve Gruber Show”.
“Tôi nghĩ rằng họ [các quốc gia khác] đã nhìn thấy những gì Tổng thống Trump đã làm và họ cũng đã thức tỉnh trước thách thức này”, ông Pompeo nói khi đề cập đến lập trường cứng rắn của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay.
“Tôi nghĩ rằng cả thế giới giờ có thể thấy rằng chính quyền này, chính quyền độc tài này, là rất khác biệt với chúng ta”.
Những lời nhận xét của vị ngoại trưởng được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng để mắt đến hành vi giấu dịch của Bắc Kinh khiến dịch bệnh tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Một lượng ngày càng tăng các nước phương Tây, bao gồm cả trong Liên minh châu Âu, đang yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.
Theo Cathy He, The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-my-dich-benh-buoc-the-gioi-thuc-tinh-truoc-moi-de-doa-tu-trung-quoc.html

Nóng đối đầu Mỹ-Trung: Mỹ dừng mua sản phẩm y tế

Tổng thống Mỹ có lẽ sẽ sớm ký lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang chỉ mua các sản phẩm y tế do Mỹ sản xuất.
Mới đây, ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm ký lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang chỉ mua các sản phẩm y tế do Mỹ sản xuất.
Theo ông Navarro, sắc lệnh này nhằm thúc đẩy ngành sản xuất y tế đang bị tụt hậu ở Mỹ.
Sắc lệnh hiện đang được xét duyệt và vẫn còn phải được các cơ quan liên ngành xem xét.
VDO.AI
Ông Navarro là quan chức chịu trách nhiệm điều phối hoạt động sản xuất vật tư y tế của Mỹ. Vị quan chức này cho biết sự bùng phát đột ngột của dịch COVID-19 đã “phơi bày” sự phụ thuộc quá mức của Mỹ vào Trung Quốc về vật tư y tế.
“Trung Quốc đã tạo ra virus và che giấu virus trong khoảng 6 tuần, từ đó cho phép virus thoát khỏi Vũ Hán và lây nhiễm cho cả thế giới. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã tích trữ vật tư bảo hộ cá nhân với số lượng khổng lồ” – ông Navarro nói thêm.
Các quan chức chính phủ và nhân viên y tế lo ngại rằng, nếu Trung Quốc giảm xuất khẩu các vật tư y tế cần thiết sang Mỹ trước khi Mỹ có thể tự chủ sản xuất thì nước này có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay.
Cho đến nay, các nhà chế tạo vũ khí Mỹ đã liên kết với các công ty thiết bị y tế để tăng cường cung cấp máy trợ thở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Để đối phó với nhu cầu rất lớn về thiết bị y tế giữa dịch bệnh bùng phát, các nhà chế tạo vũ khí Mỹ đã liên kết với các công ty thiết bị y tế để tăng cường cung cấp máy trợ thở.
Các hiệp hội công nghiệp như Hiệp hội công nghiệp không gian vũ trụ – đại diện cho các hãng chế tạo máy bay và các nhà thầu quốc phòng như tập đoàn Lockheed Martin và Tập đoàn General Dynamics, hợp tác với AdvaMed, Hiệp hội công nghệ y tế tiên tiến vốn có những thành viên là các tập đoàn sản xuất máy trợ thở.
Một đại diện của AdvaMed cho biết nhóm các hãng chế tạo máy trợ thở, trong đó có ResMed Inc và Zoll – một công ty thuộc tập đoàn Asahi Kasei – đưa ra đề nghị chế tạo linh kiện máy trợ thở tới nhóm 60 nhà chế tạo vũ khí và máy bay để giúp đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng đối với các máy móc dùng để chữa bệnh này.
Nhiều nhà phê bình cho rằng, sắc lệnh mới có thể dẫn đến việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các thiết bị bảo hộ cần thiết sang Mỹ trong bối cảnh các nước đều đang thiếu thốn và tranh giành những sản phẩm này để phục vụ cho cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp COVID-19.
Hai nước đã lao vào cuộc chiến ngoại giao xung quanh các cáo buộc về nguồn gốc của virus corona. Washington tuyên bố họ có nhiều bằng chứng về việc virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc và đổ lỗi cho nước này “tạo ra” virus cũng như không kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bắc Kinh đã liên tục bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, cho rằng Mỹ đã hành động như vậy để bao biện cho công tác chống dịch yếu kém của mình.
Động thái sắp tới của ông Trump có lẽ sẽ càng gia tăng tình trạng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi ông chủ Nhà Trắng cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/34554-nong-doi-dau-my-trung-my-dung-mua-san-pham-y-te.html

Bộ Tư Pháp hủy án hình sự

của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn

Tin Washington DC – Bộ Tư Pháp vào thứ Năm, 7 tháng 5, thông báo sẽ hủy vụ án hình sự chống lại Cố vấn An ninh quốc gia đầu tiên của Tổng Thống Trump, ông Michael Flynn. Đây là sự đảo ngược đáng kể đối với một trong các vụ án đáng chú ý nhất, được điều tra bởi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Quyết định của Bộ Tư Pháp được đưa ra dù các công tố viên trong suốt 3 năm qua đã khẳng định rằng, ông Flynn đã nói dối nhân viên điều tra liên bang về cuộc trò chuyện giữa ông và đại sứ Nga, trong cuộc thẩm vấn với FBI vào tháng 1, 2017. Ông Flynn cũng đã thừa nhận cáo buộc này và trở thành một trong những người hợp tác chính với Công tố viên đặc biệt Mueller, khi ông Mueller điều tra mối liên hệ giữa Nga và ban tranh cử năm 2016 của Tổng Thống Trump.
Trong hồ sơ tòa án nộp vào thứ Năm, Bộ Tư Pháp cho biết đã hủy vụ án sau khi kiểm tra lại mọi tình huống và bằng chứng liên quan, bao gồm cả các thông tin mới được phát hiện. Bộ Tư Pháp nói cơ quan này kết luận rằng, cuộc thẩm vấn của FBI với ông Flynn vào ngày 24 tháng 1, 2017 là không công bằng và không có nền tảng pháp lý hợp pháp.
Luật sư liên bang kiểm tra vụ án của ông Flynn, ông Jeff Jensen, đề nghị Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr hủy vụ án vào tuần trước, sau đó đã nộp hồ sơ đề nghị chính thức trong tuần này. Quyết định của Bộ Tư Pháp chắc chắn sẽ làm hài lòng Tổng Thống Trump, người thường xuyên chỉ trích vụ án và bênh vực ông Flynn.
Ngược lại, diễn biến này sẽ củng cố thêm cho mối lo ngại của đảng Dân Chủ, rằng Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr trung thành quá mức với Tổng Thống Trump. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bo-tu-phap-huy-an-hinh-su-cua-cuu-co-van-an-ninh-quoc-gia-michael-flynn/

Người tố cáo Biden tấn công tình dục

kêu gọi ông ngừng tranh cử

Một phụ nữ cáo buộc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tấn công tình dục 27 năm trước đã kêu gọi ông từ bỏ cuộc đua tổng thống Mỹ.
Lewinsky: Bill Clinton ‘lạm dụng quyền lực’
MeTooVN: ‘Tôi đã bị quấy rối tình dục 5 lần’
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Tara Reade kêu gọi ông Biden “hãy bước lên và chịu trách nhiệm”.
Bà nói thêm: “Ông không nên chạy đua để trở thành tổng thống Hoa Kỳ.”
Ông Biden, người dự định thách thức Tổng thống đương nhiệm Donald Trump vào tháng 11, đã bác bỏ cáo buộc của bà Reade.
CẢNH BÁO: Một số độc giả có thể thấy khó chịu với các chi tiết trong bài
Cáo buộc tấn công tình dục của Tara
Bà Reade, hiện 56 tuổi, từng làm trợ lý cho Joe Biden trong giai đoạn 1992-1993 khi ông còn là thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Delaware.
Bà cho biết vào năm 1993, ông Biden đã ép bà vào tường và thò tay vào dưới áo sơ mi và váy của bà, dùng một ngón tay đưa vào, sau khi bà mang túi tập gym tới cho ông.
Trong lời kể đầy chi tiết về sự việc được cho là một vụ tấn công tình dục, bà Reade nói với ngôi sao truyền thông Megyn Kelly rằng ông Biden đã hôn vào cổ bà và nói với bà rằng ông ta muốn quan hệ tình dục với bà, sử dụng một từ rất tục tĩu.
“Ông ta thò một tay vào dưới áo sơ mi của tôi, còn tay kia thì dành cho chiếc váy, rồi ông ta lần xuống váy của tôi và lại kéo lên; tôi nhớ rằng lúc đó mình đã co rúm lại”, bà nói.
“Ông ta vừa đưa tay vào trong váy vừa nói với tôi. Ông ta tì người lên tôi còn tôi thì cố giằng ra để tránh cái đầu ông ta.”
Bà kể rằng khi bà cưỡng lại thì “Ông ta nhìn tôi và nói: ‘Cái quái gì thế, vậy mà tôi nghe người ta bảo cô thích tôi.”
Bà còn nói thêm: “Rồi ông ta chỉ ngón tay về phía tôi và nói ‘Cô chẳng là gì với tôi. Chẳng là gì cả’.”
Bà Reade còn nói gì nữa?
Người phỏng vấn Kelly đã hỏi bà Reade rằng có muốn ông Biden rút khỏi cuộc tranh cử không.
“Mong là ông ta sẽ rút, nhưng ông ta sẽ không rút đâu, dù sao tôi vẫn mong là ông ấy sẽ làm thế”, bà nói.
Bà Reade đề nghị làm một bài kiểm tra phát hiện nói dối về cáo buộc của mình, với điều kiện ông Biden cũng phải tham gia.
“Tôi sẽ thực hiện nếu ông Joe Biden tham gia”, bà nói.
Reade cho biết bà đã nhận được một lời dọa giết sau khi những người ủng hộ Biden cáo buộc bà là đặc vụ Nga mà không có bằng chứng nào.
“Những người bên phe ông ta nói những điều thực sự khủng khiếp về tôi và với tôi trên mạng xã hội”, bà kể tiếp.
“Ông ta thật giả tạo, thật là đạo đức giả khi nói rằng chiến dịch tranh cử của ông ta là vì sự an toàn – còn lâu mới an toàn.
“Tất cả các tài khoản mạng xã hội của tôi đã bị đột nhập, tất cả thông tin cá nhân của tôi đã bị lấy đi.”
Ban tranh cử của Biden đáp trả
Kate Bedingfield, Giám đốc truyền thông phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Biden, cho biết trong một tuyên bố sau khi cuộc phỏng vấn bà Reade lên sóng rằng câu chuyện của bà này có “sự không nhất quán”.
“Phụ nữ phải được tin tưởng”, tuyên bố cho biết. “Họ phải đứng lên và chia sẻ câu chuyện của mình mà không sợ bị trả thù hay làm hại – và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo điều đó.
“Nhưng cùng lúc, chúng tôi không bao giờ có thể hy sinh sự thật. Sự thật là những cáo buộc này sai và những tài liệu đã được trình bày để chứng minh cho câu chuyện đó, sau khi được xem xét kỹ lưỡng, cho thấy đấy là sự dối trá.”
Ông Biden, ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ, đã phá vỡ sự im lặng về vấn đề này cách đây một tuần, khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình buổi sáng để khẳng định những cáo buộc nhằm vào mình là “sai”.
Diễn biến mới nhất
Một hồ sơ tòa án từ năm 1996 cho thấy chồng cũ của bà Reade mô tả “một vấn đề mà bà gặp phải trong công việc là liên quan đến chuyện bị quấy rối tình dục, tại văn phòng của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Joe Biden”, theo báo San Luis Obispo Tribune.
“Rõ ràng sự việc này đã gây ra sang chấn cho [Reade], và đến hôm nay cô ấy vẫn còn nhạy cảm và bị ảnh hưởng bởi điều đó”, Theodore Dronen, lúc đó là chồng của Reade, viết trong một bản ghi pháp lý trong vụ ly hôn giữa hai người.
Hồ sơ mà tờ báo California có được dường như là tài liệu duy nhất vào thời điểm đó mô tả cáo buộc của bà Reade.
Anh trai của bà Reade, một người hàng xóm cũ và một đồng nghiệp cũ đều nói rằng họ đã nghe bà này mô tả lời buộc tội chống lại ông chủ của bà về vụ cáo buộc tấn công tình dục. Năm 1993, có vẻ như mẹ của bà Reade đã gọi tới một chương trình của CNN để báo về chuyện này.
Douglas Wigdor, một luật sư danh tiếng tại Manhattan, vừa ra thông báo cho biết ông ta đại diện cho bà Reade. Ông này đã đại diện cho các nạn nhân bị tấn công tình dục bởi Harvey Weinstein, nhà sản xuất Hollywood hiện đang ngồi tù.
Những cáo buộc có gây tổn hại ông Biden?
Một số đảng viên Cộng hòa đang dùng câu chuyện của bà Reade để mô tả đảng Dân chủ là những kẻ đạo đức giả chỉ bảo vệ phụ nữ khi các cáo buộc sai phạm nhằm vào phe bảo thủ.
Phụ nữ là cử tri cốt lõi của đảng Dân chủ, theo truyền thống thì họ bỏ nhiều phiếu bầu cho các ứng cử viên Dân chủ hơn ứng viên Cộng hòa.
Một số phụ nữ theo xu hướng tự do nói rằng họ tin Tara Reade nhưng vẫn sẽ bỏ phiếu cho ông Biden vì họ coi ông Trump tồi tệ hơn nhiều.
Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 sẽ là lần đầu tiên trong kỷ nguyên #MeToo và ông Biden đã gọi đây là “cuộc chiến vì linh hồn của nước Mỹ”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52586362

British Columbia trở thành tỉnh mới nhất của Canada

 công bố kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế

Tin từ OTTAWA, Canada – Vào hôm thứ Tư (6/5), thủ hiến cho biết tỉnh British Columbia của Canada sẽ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế sớm nhất là vào giữa tháng Năm, khi các trường hợp coronavirus mới suy giảm.
Các khu vực khác của Canada, bao gồm Quebec và Manitoba, bắt đầu nới lỏng những hạn chế. British Columbia báo cáo trường hợp tử vong đầu tiên của Canada do COVID-19, và trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, nhưng chỉ báo cáo 23 trường hợp mới vào hôm thứ Tư (6/5).
Chính quyền tỉnh sẽ làm việc với các công ty và hiệp hội công nghiệp để đưa ra hướng dẫn về cách các nhà bán lẻ, tiệm làm tóc, nhà hàng và các dịch vụ không thiết yếu khác có thể mở cửa trở lại một cách an toàn trong những tuần tới.
Thủ hiến John Horgan cũng phác thảo một thời khóa biểu ước lượng thời điểm các công viên, khách sạn và ngành công nghiệp phim của tỉnh sẽ mở cửa trở lại trước tháng Chín. Ông khuyến cáo rằng các kế hoạch được công bố vào hôm thứ Tư phụ thuộc vào việc giám sát số lượng ca bệnh và số ca nhập viện.
Vào hôm thứ Tư (6/5), Ontario cho biết họ sẽ cho phép một số công ty tăng cường hoạt động. Thủ hiến Doug Ford cho biết vào hôm thứ Sáu (8/5), các chợ nông cụ có thể mở cửa trở lại, tiếp theo là các cửa hàng bán dụng cụ xây cất vào hôm thứ Bảy. Tỉnh này sẽ cho phép xây dựng nhiều hơn, bao gồm một số công việc phá dỡ. Kể từ hôm thứ Hai, bất kỳ nhà bán lẻ nào có mặt tiền đều có thể bán hàng mang đi. (BBT)
https://www.sbtn.tv/british-columbia-tro-thanh-tinh-moi-nhat-cua-canada-cong-bo-ke-hoach-mo-cua-lai-nen-kinh-te/

WHO “ngả” theo Trung Quốc như thế nào ?

Thu Hằng
Phải chăng Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) chỉ công bố những gì Bắc Kinh đã duyệt trước liên quan đến đại dịch Covid-19, khiến hơn 264.000 người chết và hơn 3,77 triệu người bị nhiễm trên khắp thế giới, tính đến ngày 07/05/2020 ? Sau gần 5 tháng khủng hoảng, WHO chỉ đưa được một tuyên bố, có vẻ độc lập vào ngày 01/05, kêu gọi Bắc Kinh mời các chuyên gia của tổ chức và các đối tác quốc tế đến tham gia điều tra về nguồn gốc động vật của virus corona.
Quá trình phát triển của “Tổ Chức Y Tế Thế Giới là lịch sử giữa các cuộc chiến chống dịch và các tranh giành ảnh hưởng”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Chloé Morel trên trang The Conversation (30/03/2020). Từ ảnh hưởng gần như độc quyền của Mỹ trong thời gian đầu hoạt động của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (thành lập năm 1948), đến sự chia sẻ ảnh hưởng giữa Mỹ và khối Liên Xô, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc bắt đầu bị “lép vế” so với Ngân Hàng Thế Giới từ thập niên 1980, do định chế này cũng đầu tư vào sức khỏe và thương mại, cho các nước vay vốn để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trung Quốc chiếm ghế của Đài Loan trong WHO
Năm 1971, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chính thức thay thế Trung Hoa Dân Quốc, tên gọi chính thức của Đài Loan, ở Liên Hiệp Quốc, cũng như ở tất cả các cơ quan thuộc định chế này, trong đó có Tổ Chức Y Tế Thế Giới, dù Đài Loan là thành viên từ năm 1947 đến 1970. Yêu cầu từ năm 1997 của Đài Bắc được tham dự Đại Hội Đồng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới với tư cách là quan sát viên đã được chấp nhận vào năm 2008, với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa” khi chính phủ Bắc Kinh lúc đó tỏ ra hòa dịu hơn.
Trung Quốc đổi giọng, kịch liệt yêu cầu loại hoàn toàn Đài Loan khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới vào năm 2016, khi bà Thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến, trở thành tổng thống Đài Loan. Bà Thái Anh Văn trở thành người cản đường cho chính sách một nước Trung Hoa thống nhất, trong đó Đài Loan là một tỉnh. Thêm một gáo nước lạnh cho Bắc Kinh khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử tổng thống ngày 11/01/2020 và tiếp tục chiến lược kinh tế và chính trị riêng.
Năm 2003, Đài Loan chống dịch SARS thành công và hiện là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới khống chế được dịch Covid-19, nhờ các biện pháp phòng ngừa được áp dụng ngay từ cuối năm 2019 : kiểm soát thân nhiệt người từ Vũ Hán vào Đài Loan, tầm soát, cách ly, theo dõi người nhiễm và người nghi nhiễm…
WHO phớt lờ cảnh báo của Đài Loan, ra sức bảo vệ Trung Quốc
Ngay từ ngày 31/12/2019, Đài Loan cũng là nước đầu tiên cảnh báo Tổ Chức Y Tế Thế Giới về nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới từ người sang người. Tuy nhiên, do sức ép của Trung Quốc, cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc phải chờ đến ba tuần sau, ngày 20/01/2020, mới cảnh báo thực tế này. Đến ngày 10/04, Tổ Chức Y Tế Thế Giới chấp nhận nói dối để bảo vệ Bắc Kinh. Theo thư điện tử trả lời RFI, Tổ Chức Y Tế Thế Giới xác nhận nhận được các cảnh báo đề ngày 31/12/2019 từ một quan chức cấp cao Đài Bắc nhưng “không nêu khả năng truyền từ người sang người”. Để phản đối việc WHO “cố tình lờ” cảnh báo, Đài Loan công bố những bức thư trên, trong đó nêu rõ khả năng virus lây nhiễm từ người sang người.
Trả lời thông tín viên RFI Adrien Simorre tại Đài Bắc (26/03), giảng viên Jean-Yves Hertebise, đại học Fu Jen, nhận thấy Bắc Kinh đã “thao túng” WHO : “Tổ Chức Y Tế Thế Giới đơn giản là chỉ theo những thông tin chính thức của Trung Quốc mà không bao giờ chất vấn về độ tin cậy, tin vào sự minh bạch và tính khách quan của những thông tin đó. Chưa hẳn là WHO đã nói dối, nhưng tổ chức này đã tin Trung Quốc mà không áp dụng nguyên tắc đề phòng”. Nói một cách khác, theo cáo buộc của nhà nghiên cứu Pháp Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), khi trả lời nhật báo kinh tế Les Echos ngày 05/05, “Trung Quốc đã không tôn trọng những cam kết khi gia nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới”.
Thậm chí, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đi xa hơn khi lên án những bình luận kỳ thị chủng tộc mà ông tự nhân là “nạn nhân”. Tuy nhiên, ngày 09/04, chính quyền Đài Bắc yêu cầu đích thân tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới phải xin lỗi vì những lời cáo buộc vô căn cứ và nhấn mạnh : “Chúng tôi là một đất nước trưởng thành, sống trong một nền dân chủ tiến bộ và chúng tôi không cần phải xúi giục người dân tấn công đích danh tổng giám đốc WHO và lại càng không đưa ra những bình luận phân biệt chủng tộc”.
WHO bị cáo buộc ưu tiên chính trị hơn sức khỏe cộng đồng
Sau tiết lộ về những lời cảnh báo của Đài Loan bị WHO phớt lờ, tổng thống Mỹ lên án cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc “ưu tiên chính trị hơn sức khỏe cộng đồng”, đưa ra những lập trường “rất có lợi cho Trung Quốc”. Từ đó, Hoa Kỳ liên tục bảo vệ quan điểm : Vì Trung Quốc thiếu minh bạch, làm mất “khoảng thời gian quý báu cho thế giới” và vì bênh vực Bắc Kinh, “những hành động của WHO đã lấy đi sinh mạng của nhiều người”.
Vấn đề mời Đài Loan tham dự, với tư cách là quan sát viên, phiên họp hàng năm của Đại Hội Đồng Y Tế, dự kiến diễn ra ngày 18-19/05/2020, chưa bao giờ lại được chú ý như hiện nay, trong khi những năm trước đề nghị để Đài Loan tham dự thường bị WHO bỏ ngoài tai vì sức ép của Trung Quốc. Lời đề nghị gần đây nhất, được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngày 06/05. Trung Quốc, thường xuyên khẳng định “không chính trị hóa vấn đề y tế” nhưng kiên quyết bác bỏ vai trò quan sát viên của Đài Loan từ năm 2016.
Đối với chính quyền Đài Bắc, bất công ở chỗ Đài Loan là một trong những nước phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất thế giới, nhưng lại không được tham gia lập chiến lược điều phối trên quy mô thế giới của WHO. “Đài Loan đã cho thấy bằng chứng tốt nhất để họ xứng đáng có vị trí trong Tổ Chức Y Tế Thế Giới”, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Pháp Stéphane Corcuff.
Tedros Adhanom Ghebreyesus : Con rối trong tay Bắc Kinh ?
Nếu như Đài Loan xứng đáng có vị trí trong WHO, thì “đây lại không phải là trường hợp của tổng giám đốc” Tedros Adhanom Ghebreyesus, vẫn theo chuyên gia về Trung Quốc Stéphane Corcuff.
“Bác sĩ Tedros”, 55 tuổi, người Ethiopia, được Trung Quốc ủng hộ để trở thành  tổng giám đốc WHO vào năm 2017. Từ đầu mùa dịch, ông thường xuyên ca ngợi chính phủ Trung Quốc “đưa ra những biện pháp chưa từng có để dập dịch, bất chấp những hậu quả nặng nề về xã hội và kinh tế do các biện pháp này gây ra đối với người dân Trung Quốc”. Năm tháng sau, dân số nửa thế giới phải chịu chung số phận.
Theo Le Point, tổng giám đốc WHO chỉ là chức vụ có tiếng nhưng không có thực quyền. Tuy nhiên, điều chắc chắn là ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết, không chỉ vì Bắc Kinh đã ủng hộ chính trị gia Ethiopia vào chức tổng giám đốc WHO năm 2017 .
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Point trích dẫn, “Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Ethiopia. Từ năm 2005 đến 2019, tổng đầu tư của Trung Quốc chiếm 8% tổng đầu tư vào vùng Nam Sahara ở châu Phi. Ethiopia đứng hàng thứ hai các nước nhận được đầu tư của châu Phi.
Cuối cùng, “bác sĩ Tedros”, khi còn trẻ, từng là thành viên của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Tigray (FLPT), một tổ chức cách mạng Cộng sản được Trung Quốc hậu thuẫn. Từ khi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trở thành tổng giám đốc WHO, tổ chức này từ bỏ khuynh hướng Mác – Lê-nin nhưng không cắt đứt liên lạc với người anh cả Trung Quốc.
(Tổng hợp từ RFI, The Conversation, AFP, Le Point, Courrier International)
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200508-who-ng%E1%BA%A3-theo-trung-qu%E1%BB%91c-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o

Kỷ niệm 75 năm Phát xít Đức: Không duyệt binh,

không diễu hành do đại dịch Covid-19

Trọng Thành
Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khiến dịp kỉ niệm 75 năm ngày nước Đức phát xít đầu hàng phe Đồng minh diễn ra trong không khí khác lạ chưa từng có. Gần như không có một hoạt động quy mô lớn ngoài trời nào được tổ chức ngày 08/05/2020. Đại dịch Covid-19 ám ảnh đến mức thủ tướng Anh so sánh khủng hoảng y tế hiện nay với Thế chiến Hai, trong một lá thư gửi các cựu chiến binh.
Theo AFP, tại Hoa Kỳ, nơi số người tử vong hàng ngày do virus corona mới chưa có dấu hiệu sụt giảm, với 2.400 người qua đời trong 24 giờ qua, các hoạt động kỉ niệm ngày Chiến thắng tại châu Âu (Victory in Europe Day / V-E Day) được tổ chức qua mạng, giống như tại nhiều quốc gia khác. Trong một phát biểu được truyền trực tiếp qua các mạng xã hội, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper, nhấn mạnh: « Cho dù chúng ta đang phải đối mặt với các thách thức quan trọng của đại dịch Covid-19, hồi ức về những hành động dũng cảm, quên mình của các cựu chiến binh của chúng ta thời Đệ nhị Thế chiến sẽ không bao giờ phai nhạt ». 
Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron chủ trì một nghi thức trên đại lộ Champs-Elysées, với sự tham dự của một số gương mặt tiêu biểu trong giới chính trị, quân sự, nhưng không có công chúng. Nguyên thủ Pháp từng có kế hoạch đi Matxcơva tham dự lễ kỷ niệm. Đại dịch khiến chính quyền Nga phải hủy cuộc duyệt binh lớn thường lệ trên Quảng trường Đỏ. Điện Kremlin chỉ duy trì phần duyệt binh trên không vào ngày mai, 09/05, ngày Nga chính thức kỉ niệm Chiến thắng Phát xít Đức.
Tại Anh, thay cho việc tổ chức mừng chiến thắng trên đường phố, chính phủ Anh kêu gọi người dân ăn mừng tại nhà. Tất cả được kêu gọi dành hai phút im lặng vào lúc 11 giờ trưa. Bài phát biểu của nữ hoàng Anh Elisabeth II được phát vào lúc 21 giờ tối nay.
Berlin: Ngày Chiến thắng cũng là ngày Giải phóng khỏi chủ nghĩa quốc xã
Trong dịp kỉ niệm 75 năm chiến thắng Phát xít Đức năm nay, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến việc năm nay Berlin quyết định coi ngày này cũng là ngày mà người Đức được giải phóng khỏi chủ nghĩa quốc xã và các trại tập trung.  Báo Le Figaro ghi nhận đây là một sự kiện « chưa từng có » tại Đức. Theo kế hoạch, tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ chủ trì một nghi thức lớn, với 1.600 khách mời. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hủy bỏ do đại dịch. Dịp lễ lớn duy nhất mừng ngày Chiến thắng trước đó tại Đức là vào năm 1995.
Thay cho lễ kỉ niệm quy mô này, nguyên thủ Đức cùng thủ tướng Angela Merkel đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân của chiến tranh và của các trại tập trung, đã giết hại khoảng 6 triệu Do Thái cùng hàng triệu người khác. Nghi thức tưởng niệm của các lãnh đạo Đức được coi là một hành động biểu tượng quan trọng, nhằm nhắc nhở trước hết với xã hội Đức về nguy cơ trỗi dậy của các thế lực cực hữu bài Do Thái.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200508-k%E1%BB%B7-ni%E1%BB%87m-75-n%C4%83m-ph%C3%A1t-x%C3%ADt-%C4%91%E1%BB%A9c-kh%C3%B4ng-duy%E1%BB%87t-binh-kh%C3%B4ng-di%E1%BB%85u-h%C3%A0nh-do-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-covid-19

Viêm phổi Vũ Hán phủ mây đen lên quan hệ EU – TQ

Trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (còn gọi là virus Trung Cộng) tàn phá thế giới, theo những kế hoạch dự kiến cho thấy năm 2020 vốn là năm quan trọng để tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, nhưng dịch bệnh này đã thay đổi tất cả.
Ngày 5/5, Luke McGee của của CNN đã công bố bài phân tích cho biết, theo kế hoạch hội nghị thượng đỉnh ​​vào tháng Chín năm nay, EU và Trung Quốc sẽ có bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế và chiến lược. Ít nhất đó là kế hoạch ban đầu. Nhưng những động thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã để lại dư vị mặn đắng cho giới chức EU. Từ tình trạng đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ với người dân Trung Quốc đến việc truyền bá thông tin sai lệch ở châu Âu, cuộc khủng hoảng này nhắc nhở về vô số rủi ro cho những ai quan hệ gần gũi với ĐCSTQ.
Theo kế hoạch, vào ngày 14/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Leipzig của Đức với sự tham gia của các nhà lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giới ngoại giao Đức cho rằng địa điểm này được chọn vì mối quan hệ lịch sử giữa Đông Đức cũ và Trung Quốc. Họ cho biết với tư cách Đức là Chủ tịch luân phiên của EU, trong hội nghị thượng đỉnh lần cuối cùng của sự nghiệp Thủ tướng, bà Merkel sẽ tận lực cho sự thành công của hội nghị.
 Đại dịch khiến EU phải nhìn lại về ĐCSTQ
McGee cho biết, thực tế đưa Trung Quốc lại gần EU trong các giá trị nhân quyền, biến đổi khí hậu và chủ nghĩa đa phương là kỳ vọng của chính giới EU; nhưng Brussels (trụ sở EU) có cảm giác chân thực rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến các nhà lãnh đạo EU phải nhìn lại về ĐCSTQ.
Stephen Blockmans, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) cho biết: “Tôi nghĩ virus corona mới luôn là một lời nhắc nhở cần thiết cho nhiều nước EU: cho dù tiền của Trung Quốc (ĐCSTQ) có hấp dẫn bao nhiêu, nhưng họ cũng là một đối thủ mang tính hệ thống.”
Blockmans đề cập đến một thông cáo do Ủy ban EU ban hành vào tháng 3/2019, trong đó mô tả ĐCSTQ “là một đối thủ có tính hệ thống trong thúc đẩy thay thế mô hình quản trị”.
Một quan chức EU phụ trách vấn đề đối ngoại cho biết, vấn đề ở đây không phải xem hệ thống (chính trị) nào phù hợp hơn để đối phó với virus. Đó là vấn đề một hệ thống cho phép tự do cá nhân hay là một thể chế độc đoán độc đảng?
McGee chỉ ra nỗi thất vọng trong vấn đề này đối với ĐCSTQ dường như đang lan rộng khắp EU. Cuối tuần trước, trong trả lời phỏng vấn Tạp chí Dimanche (Le Journal du Dimanche) của Pháp, chuyên viên đối ngoại của EU là Josep Borrell đã cho biết “EU quá thật thà trong giao dịch với Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Ông chỉ rõ ĐCSTQ có cách hiểu khác về trật tự quốc tế.
Tất cả những khác biệt này làm cho khó có thể tin rằng trong năm nay EU và ĐCSTQ sẽ đạt được sự đồng thuận. Dường như ít người còn tin rằng hội nghị thượng đỉnh ở Leipzig (Đức) vào tháng Chín sẽ còn giống như kế hoạch ban đầu của Merkel cũng như nhiều quan chức EU khác.
Velina Tchakarova, giám đốc Viện Chính sách an ninh và châu Âu của Áo, dự đoán: “Hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong và sau dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ làm tăng chia rẽ nội bộ các nước châu Âu về cách giải quyết quan hệ với Bắc Kinh.”
Bà chỉ ra có những chia rẽ trong EU về vấn đề có nên để cho các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G hay không, cũng như ai có thể và không thể đầu tư vào các nước thành viên.
McGee nhận định những lý do này và hơn thế nữa khiến đông đảo giới chức EU cho rằng hội nghị thượng đỉnh ở Leipzig sẽ hoàn toàn bị virus corona làm lu mờ.
Mặc dù ở một mức độ nhất định thì chuỗi cung ứng của EU phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là EU không thể gây áp lực lên ĐCSTQ. Một nhà ngoại giao Đức cho biết: “Ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gia tăng, nhưng đây không phải là đơn phương. Rõ ràng, Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng cần châu Âu.” Các quan chức Brussels hy vọng rằng điều này có thể gây áp lực đối với ĐCSTQ về nhân quyền.
Đối với EU, liên hệ với Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế. Chuyên viên đối ngoại Blokmans nói: “Tăng cường giao lưu với Trung Quốc mang lại cho EU cơ hội tăng gấp đôi các ưu tiên chiến lược của họ.”
Tuy nhiên, những lo ngại của EU về sự minh bạch của ĐCSTQ trong đại dịch virus đã nhắc nhở mọi người về việc liên hệ với ĐCSTQ thực sự có ý nghĩa gì.
 Quan hệ Trung Quốc – EU đổi hướng
Phân tích của McGee chỉ ra rằng trong bối cảnh virus corona, mô hình quản trị của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến các quan chức EU rất quan ngại.
Tháng trước, một báo cáo nội bộ của EU đã cáo buộc ĐCSTQ truyền bá “thông tin sai lệch” về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán để tìm kiếm lợi ích chiến lược. Tờ Politico của Mỹ tiết lộ một trích đoạn từ báo cáo nội bộ của EU. Báo cáo chỉ ra rằng có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sử dụng “phương tiện công khai và bí mật” để thực hiện “chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch trên toàn cầu” nhằm tránh bị thế giới truy cứu Bắc Kinh vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán, qua đó cố gắng cải thiện hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh.
McGee nhận định giới chức EU rất lo lắng về hành vi của ĐCSTQ. Bài viết chỉ ra một mặt EU không muốn bị ép trong cuộc đấu giữa Trung Quốc và Mỹ, mặt khác lịch sử gần đây cho thấy ĐCSTQ là một đối tác không đáng tin cậy, Bắc Kinh đang gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên EU.
Một bài báo của RFI vào ngày 19/4 đã tuyên bố rằng loại virus nhỏ bé không nhìn thấy này đang thay đổi sâu sắc quan hệ châu Âu-Trung Quốc.
Cách đây không lâu khi trả lời Financial Times (Anh), Tổng thống Pháp Macron nói rằng không nên ngây thơ khi nghĩ rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát dịch tốt hơn nhiều, rõ ràng có nhiều điều mà ĐCSTQ không công khai.
Đức kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của viêm phổi Vũ Hán. Trong một cuộc họp báo vào ngày 20/4, Thủ tướng Merkel kêu gọi Trung Quốc nên có thái độ minh bạch về nguồn gốc của virus corona mới. Bà nói, “Trung Quốc (ĐCSTQ) càng minh bạch về nguồn gốc của virus, thì càng tốt cho mọi người trên hành tinh này.”
Ngày 21/4, Bloomberg đã công bố bài viết cho rằng năm nay đáng lẽ là năm ngoại giao Trung Quốc-châu Âu, nhưng ngược lại châu Âu đang cảnh báo quan hệ giữa hai bên có thể rạn nứt nghiêm trọng.
“Trong vài tháng qua, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mất châu Âu.” Reinhard Bütikofer – nghị viên của Đảng Xanh tại Đức và là người phụ trách Đoàn Đại biểu Quan hệ EU – Trung Quốc cho biết, rất đáng lo ngại từ vấn đề “quản lý sự thật” của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát viêm phổi Vũ Hán cho đến lập trường “cực đoan cấp tiến” của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cùng kiểu tuyên truyền đe nẹt nhằm biểu dương quyền lực của ĐCSTQ đứng trên dân chủ.
Khác chính quyền Trump đã bắt đầu một lần nữa chỉ trích ĐCSTQ, nhưng truyền thống quan chức EU thường không lên án công khai, một phần vì không muốn gây thù địch với ĐCSTQ. Nhưng bây giờ các chính trị gia ở Berlin, Paris, London và Brussels đều không hài lòng với tuyên bố của Bắc Kinh về sự cố virus, điều đó có nghĩa là tình hình đang tồi tệ hơn nhiều.
Một số nước thành viên EU đã theo đuổi các chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc vào ĐCSTQ và kiềm chế kiểu hiểm họa ngầm đầu tư kiểu cướp bóc, những biện pháp phòng thủ này vào năm ngoái có thể làm hao tổn gần 750 tỷ USD giá trị thương mại Trung Quốc-EU.
RFI Pháp chỉ ra rằng những thay đổi như vậy đã xảy ra trong mối quan hệ giữa EU và Bắc Kinh, sự lây lan của virus corona mới đã phơi bày nhiều điều, và nó cũng hoạt động như một chiếc máy gia tốc. Trên thực tế, trong một thời gian, EU đã chủ trương một chiến lược thực tế hơn đối với ĐCSTQ. Chuyên gia chiến lược Goldmont của Pháp chuyên về vấn đề Đông Á và Trung Quốc chia sẻ: “Ảo tưởng có thể có đồng thuận và tin tưởng lẫn nhau giữa châu Âu và Trung Quốc đã biến mất từ hơn chục năm trước.”
Thông tin cho biết điều khiến EU lo lắng hơn nữa là thái độ của các nhà ngoại giao ĐCSTQ, họ gây ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc, lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp giành các vị trí quan trọng, có thể thấy rõ trong Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp.
Trong một bài phát biểu về an ninh quốc phòng vào tháng Hai năm nay, Tổng thống Pháp Macron xem Trung Quốc (ĐCSTQ) là “chủ đề chiến lược”, ông xem việc thúc đẩy lại cấu trúc châu Âu là nhiệm vụ ưu tiên của ông. Ông cũng rất bất mãn trước việc Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ EU – Trung Quốc thành 17 + 1 (thành viên mới là Hy Lạp) gây chia rẽ châu Âu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34591-viem-phoi-vu-han-phu-may-den-len-quan-he-eu-tq.html

Anh Quốc thận trọng

trong việc nới lỏng lệnh phong tỏa vào tuần tới

Tin Luân Đôn, Anh Quốc – Thủ tướng Boris Johnson sẽ tuyên bố nới lỏng rất hạn chế lệnh phong tỏa coronavirus của Anh Quốc vào tuần tới, áp dụng cách tiếp cận thận trọng để bảo đảm không có đợt nhiễm trùng thứ hai nào có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế.
Thủ tướng Johnson dự kiến sẽ công bố các bước tiếp theo trong trận chiến của Anh Quốc để giải quyết coronavirus vào hôm Chủ nhật, sau khi các bộ trưởng xem xét các biện pháp hiện tại. Các biện pháp này gần như làm tê liệt nền liệt kinh tế và giữ hàng triệu người ở nhà.
Tại một cuộc họp nội các của các bộ trưởng hàng đầu, thủ tướng Johnson cho biết Anh Quốc sẽ “thận trọng tối đa” và được hướng dẫn bởi khoa học và dữ kiện khi xem xét liệu có biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt nào có thể được nới lỏng hay không. Các bộ trưởng lo sợ rằng việc nới lỏng lệnh phong tỏa quá nhanh có thể khiến tỷ lệ lây nhiễm đạt đỉnh điểm lần thứ hai, khiến các bệnh viện tràn ngập và buộc chính phủ phải đóng cửa nền kinh tế lần thứ hai.
Trước đó, Ngân hàng Anh Quốc ngừng đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế vào hôm thứ Năm, nhưng cho biết họ sẵn sàng hành động nhiều hơn để chống lại đợt suy thoái kinh tế lớn nhất của đất nước trong hơn 300 năm, do lệnh phong tỏa gây ra. (BBT)
https://www.sbtn.tv/anh-quoc-than-trong-trong-viec-noi-long-lenh-phong-toa-vao-tuan-toi/

Virus corona: Paris tiếp tục bị phong tỏa

Edouard Philippe: “Cách tốt nhất để sống là tự bảo vệ bản thân”
Các biện pháp nhằm hạn chế virus corona lây lan sẽ được duy trì tại Paris trong khi các khu vực khác được nới lỏng phong tỏa, Thủ tướng Pháp cho biết.
Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng đất nước đã “bị cắt làm đôi” xét theo mức độ lây nhiễm. Thủ đô và các khu vực đông bắc sẽ phải duy trì các biện pháp hạn chế.
Phát biểu được đưa ra giữa lúc Pháp đang nới lỏng lệnh phong tỏa vào thứ Hai, với các cửa hàng và một số trường học được phép mở cửa trở lại.
Pháp nằm trong nhóm các quốc gia có số người tử vong do Covid-19 cao nhất ở châu Âu.
Pháp suy thoái kinh tế, Đức sụt giảm ‘nghiêm trọng’
Nước Pháp ngả mũ trước Việt Nam
“Ngày đau thương” của Anh khi số người chết vượt 10.000
Gần 26.000 người đã chết vì căn bệnh này tại các bệnh viện và nhà chăm sóc, nhưng số ca mắc mới đã giảm trong những ngày gần đây.
Hôm thứ Năm, Bộ Y tế cho biết virus corona đã cướp đi 178 mạng sống trong 24 giờ – thấp hơn 100 người so với một ngày trước đó.
Các hạn chế – vốn được áp dụng từ ngày 17/3 – sẽ được dỡ bỏ sau vài tuần nữa, Thủ tướng Philippe cho biết hôm thứ Năm.
“Đó là tin tốt lành cho đất nước và người dân Pháp”, ông nói.
Chính phủ đã ban hành một bản đồ mã màu, chia đất nước thành các khu vực màu xanh lá cây và đỏ tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm.
Các khu vực màu xanh lá cây sẽ được nới lỏng hạn chế so với các khu vực màu đỏ vào thời điểm hiện tại.
Đầu tiên, trường tiểu học và hầu hết doanh nghiệp sẽ được phép mở cửa trở lại ở cả hai khu vực. Quán cà phê, nhà hàng và trường trung học sẽ có thể hoạt động trở lại vào tháng 6 tại các khu vực màu xanh lá cây, nơi mà mức độ lây nhiễm ở mức thấp, ông Philippe nói.
Tại Paris và bốn khu vực kế cận – gồm Ile-de-France, Hauts-de-France, Grand Est và Bourgogne-Franche-Comte – nơi được tô màu đỏ trên bản đồ, công viên sẽ tiếp tục đóng cửa.
Phương tiện giao thông công cộng được khử trùng ít nhất một lần mỗi ngày và hành khách phải đeo khẩu trang. Chủ cửa hàng có quyền yêu cầu khách hàng đến mua sắm phải đeo khẩu trang. Giãn cách xã hội cũng tiếp tục được duy trì.
Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa, người dân ở khắp mọi nơi (trừ đảo Mayotte thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương) có thể quay lại làm việc hoặc rời nhà mà không cần mang theo giấy phép.
Camera giám sát video sẽ theo dõi việc người dân đeo mặt nạ và giữ cự ly ít nhất một mét.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52586359

Covid-19 : Pháp dỡ lệnh phong tỏa

theo bản đồ hai mầu xanh đỏ

Minh Anh
Tại Pháp, áp lực đối với các khoa hồi sức tích cực tiếp tục đà giảm. Theo số liệu do Tổng cục Y Tế công bố tối 07/05/2020, trong vòng 24 giờ, Pháp ghi nhận thêm 178 ca tử vong (trong tổng số 25.987), nhưng số trường hợp phải hồi sức tích cực giảm bớt 186 người. Lần đầu tiên, số ca nhập viện hàng ngày xuống dưới ngưỡng 3.000 bệnh nhân.
Trước những dấu hiệu khả quan này, thủ tướng Pháp, Edouard Philippe, ngày hôm qua, thông báo các bước dỡ bỏ phong tỏa bắt đầu áp dụng từ ngày thứ Hai 11/5.
Thứ nhất, việc dỡ bỏ sẽ được áp dụng khác nhau tùy theo bản đồ hai mầu xanh đỏ. Bản đồ này được lập trên cơ sở 3 yếu tố : tốc độ lây lan của virus, khả năng ứng phó của hệ thống bệnh viện và khả năng tiến hành xét nghiệm.
Theo đó, một phần tư nước Pháp, tập trung chủ yếu ở phía đông bắc đất nước, bao gồm các vùng Ile-de-France (trong đó có Paris), Hauts-de-France, Grand-Est, Bourgogne-France-Comté là vùng mầu đỏ, nơi mà áp lực tại các bệnh viện vẫn còn cao. Ở những vùng này, lệnh phong tỏa tuy được dỡ bỏ nhưng các trường cấp hai hay công viên vẫn chưa được mở cửa.
Thứ hai, chính phủ sẽ cho « xét nghiệm đại trà » những người có triệu chứng bị nhiễm virus corona cũng như tất cả những ai có tiếp xúc với người bị nghi nhiễm. Lần đầu tiên, chính phủ công bố bản đồ các tỉnh có khả năng thực hiện các xét nghiệm tầm soát virus. Theo bộ trưởng Y Tế, Olivier Veran, nước Pháp giờ có khả năng thực hiện 700 ngàn xét nghiệm/tuần.
Thứ ba, việc đeo khẩu trang khi dùng phương tiện công cộng là bắt buộc. Quy định này áp dụng cho tất cả các đối tượng bắt đầu từ 11 tuổi. Những ai vi phạm sẽ bị phạt 135 euro. Chủ tịch vùng Ile-de-France, bà Valérie Pecresse, còn nêu rõ thêm là những ai dùng phương tiện công cộng trong các giờ cao điểm (6g30 – 9g30 và 15g30 – 19g30) phải có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp.
Thứ tư, kể từ ngày 11/5, người dân được quyền tự do đi lại không cần giấy phép như trong thời gian bị phong tỏa, nhưng bị giới hạn trong vòng bán kính 100 km tính « theo đường chim bay ». Ngoài phạm vi này, người dân bắt buộc phải có một giấy xác nhận theo mẫu mới do bộ Nội Vụ phát hành trên mạng. Bộ trưởng Nội Vụ cảnh báo cảnh sát sẽ tăng cường kiểm soát tại các nhà ga, phi trường, một số đoạn xa lộ cao tốc hay một số tuyến đường có mật độ lưu thông cao.
Thứ năm, trường học dần dần mở cửa lại kể từ ngày thứ Ba 12/5 nhưng trước mắt ưu tiên cho những năm đầu cấp và cuối cấp, với mỗi lớp là 15 học sinh (đối với tiểu học) và 10 em (mẫu giáo). Bước đi này cũng được áp dụng tương tự cho học sinh cấp hai, kể từ ngày 18/5.
Cuối cùng, hơn 400 ngàn doanh nghiệp sẽ được mở cửa lại từ ngày 11/5. Theo bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire, các tiệm cắt tóc, cửa hàng quần áo, tiệm hoa, tiệm sách, sử dụng đến 875 ngàn lao động, được phép hoạt động lại. Các trung tâm thương mại có diện tích trên 40 ngàn m2 cũng được mở cửa, ngoại trừ vùng Ile-de-France.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200508-covid-19-ph%C3%A1p-d%E1%BB%A1-l%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa-theo-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%93-hai-m%E1%BA%A7u-xanh-%C4%91%E1%BB%8F

Pháp lập chiến lược “chủ quyền” dịch tễ,

tránh phụ thuộc Trung Quốc

Thu Hằng
Khan hiếm khẩu trang, thiếu máy trợ thở, nguy cơ thiếu dược chất trong đại dịch Covid-19 toàn cầu cho thấy rõ cấp độ phụ thuộc nguy hiểm của nhiều nước phương Tây vào Trung Quốc. Chính phủ Pháp lên kế hoạch khôi phục sản xuất trên lãnh thổ nhiều lĩnh vực dịch tễ mang tính chiến lược, trong đó có khẩu trang và thuốc, để bảo đảm khả năng tự chủ.
Khoảng 80% dược chất sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất phần lớn ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dịch Covid-19 chỉ khẳng định thêm sự phụ thuộc khủng khiếp của phương Tây vào các nhà cung cấp châu Á kể từ quá trình toàn cầu hóa. Riêng tại Pháp năm 2018 đã ghi nhận 868 báo động căng thẳng hay gián đoạn nguồn cung thuốc, tăng gấp 20 lần so với năm 2008, trong khi cách đây 10-15 năm, Pháp là nhà sản xuất thuốc hàng đầu châu Âu, nhưng hiện chỉ đứng vị trí thứ 4.
Tình trạng khan hiếm trầm trọng khẩu trang, trang phục bảo hộ y tế tại Pháp có thể thấy qua việc các bệnh viện và bác sĩ tư (cũng tham gia theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19) được phân phối “như thời bao cấp” ở Việt Nam. Ở một số vùng dịch căng thẳng, nhiều bệnh viện kêu gọi quyên góp túi đựng rác cỡ lớn để thay trang phục bảo hộ, còn nhân viên không làm việc trong khu vực Covid-19 phải đeo khẩu trang vải do thiếu khẩu trang y tế.
Vào cuối tháng 03/2020, tổng thống Pháp thông báo dành 4 tỉ euro cho ngân sách mua trang thiết bị y tế, trước mắt là từ Trung Quốc, đồng thời ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, hoặc ở châu Âu. Trả lời lời đài RFI và France 24 ngày 03/04, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire cho biết :
“Chúng ta (Pháp) mua khẩu trang từ Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng nhanh chóng thúc đẩy sản xuất ở trong nước. Tôi xin hoan nghênh tất cả các nhà công nghiệp đã tái cơ cấu dây chuyền sản xuất để may khẩu trang. Tôi cho rằng đây là bước đi đúng đắn, một cách tiến hành có trách nhiệm và mang tinh thần yêu nước.
Trong những ngày và những tuần sắp tới, chúng ta phải sản xuất được nhiều khẩu trang nhất có thể trên lãnh thổ quốc gia. Sau đó cũng cần rút ra một bài học về lâu dài, đó là tuyệt đối phải tái lập một số dây chuyền sản xuất tại Pháp, dù đó là dược chất của một số loại thuốc hiện đang được sản xuất tại Trung Quốc, hay là khẩu trang và máy trợ thở. Chúng ta phải tự chủ ! Đây là bài học mà chúng ta rút ra được từ cuộc khủng hoảng xã hội và dịch tễ này. Cần phải tăng cường sự độc lập của nền kinh tế đất nước chúng ta”.
Tăng cường “sản xuất trên lãnh thổ quốc gia để giảm mức độ phụ thuộc và tự trang bị được lâu dài” là chiến lược được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 31/03/2020 khi thăm nhà máy Kolmi-Hopen, chuyên cung cấp trang thiết bị y tế (gần thành phố Angers), chiếm đến 3/4 sản lượng khẩu trang sản xuất trong nước. Nguyên thủ Pháp nêu lên một số mục tiêu : tự cung tự cấp nhu cầu khẩu trang trong nước từ giờ đến cuối năm ; đến giữa tháng Năm sẽ sản xuất được 10.000 máy trợ thở các loại (thông qua tổ hợp bốn nhà công nghiệp lớn của Pháp, đứng đầu là tập đoàn Air Liquide)…
Nhà nước kêu gọi… nhưng phải giữ lời hứa
Hiện Pháp chỉ còn bốn nhà máy lớn sản xuất khẩu trang, hoạt động hết công suất, liên tục tuyển thêm nhân viên từ tháng Ba, nhưng mới bảo đảm được công suất 15 triệu chiếc các loại (y tế và FFP2) mỗi tuần, có nghĩa là chỉ cung ứng được một nửa nhu cầu hàng tuần của các bệnh viện tại Pháp.
Hiện tại, do nhu cầu khẩn cấp và với số lượng lớn để phòng chống dịch, Nhà nước hứa mua khẩu trang nhưng liệu sẽ vẫn giữ lời hứa nếu như hết dịch ? Đây là băn khoăn của chính quyền tỉnh Côte d’Armor (phía đông bắc nước Pháp), nơi từng có nhà máy Plaintel sản xuất khẩu trang và phải đóng cửa vào năm 2018. Một cựu giám đốc nhà máy lập dự án khôi phục hoạt động của Plaintel và được chính quyền tỉnh Côte d’Armor và vùng Bretagne ủng hộ, sẵn sàng đầu tư, nhưng với yêu cầu Nhà nước cùng tham gia.
Trả lời đài France 3 Bretagne (05/04), ông Martin Meyrier, phó chủ tịch phụ trách Kinh tế, Hội đồng vùng Bretagne, giải thích : “Khẩu trang sản xuất tại Pháp sẽ luôn đắt hơn so với khẩu trang làm tại châu Á. Ngoại trừ việc cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay dạy cho chúng ta rằng tiêu chí quyết định không phải là giá cả ! Chúng tôi cần một đối tác về lâu dài, không lập lại những gì đã xảy ra ở Plaintel. Cần phải có một đối tác cam kết lâu dài đối với dây chuyền sản xuất khẩu trang”.
Cam kết thu mua lâu dài của Nhà nước là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện dự án cần ít nhất vài tháng để khôi phục cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ mới vì, dù kinh nghiệm còn đó, nhưng nhân viên cũ của nhà máy đã được thuyên chuyển công tác. Ngoài ra, còn phải tính đến nguồn cung cấp nguyên liệu, vẫn thường phụ thuộc vào châu Á.
Sản xuất tại Pháp… chấp nhận chi phí cao
Đối với lĩnh vực sản xuất hoạt chất, việc di chuyển sản xuất về Pháp hoặc châu Âu không phải là việc khó khăn và hoàn toàn có thể thực hiện được, theo giải thích của giáo sư kinh tế El Mouhoub Mouhoud, đại học Paris Dauphine, khi trả lời chương trình “Giải mã” (Décryptage) của đài RFI ngày 05/05 :
“Có thể di dời sản xuất hoạt chất về Pháp và châu Âu. Trái với việc sản xuất khẩu trang với chất liệu mềm hoặc vải khó tự động hóa được nên chú trọng đến giá nhân công, ngành công nghiệp dược phẩm, giống như nhiều ngành công nghiệp vật liệu cứng khác, tự động hóa được áp dụng phổ biến, nên có thể chuyển dây chuyền sản xuất về nước. Nhưng vấn đề này sẽ gây phát sinh chi phí đột biến và dĩ nhiên là phải trả những chi phí đó.
Vì thế, theo tôi, trở ngại không phải ở mặt kỹ thuật, mà liên quan đến chiến lược, như nêu ở lên. Cần phải bù cho những chênh lệch về chi phí và giá thành. Có nghĩa là nếu chỉ thông báo là muốn mang hoạt động sản xuất từ nước ngoài về nước, nhưng lại không nói phải làm như thế nào, không đưa ra lộ trình để đạt được mục đích, thì rất dễ, nhưng cũng lại rất nguy hiểm. Cuối cùng phải xác định sự chênh lệch về giá là do người dân phải chịu hay do các nhà phân phối chịu”.
Sản xuất tại Pháp sẽ nâng giá thành của thuốc là điều không tránh khỏi, theo nhận định của ông Olivier Bogillot, chủ tịch tập đoàn dược phẩm Sanofi Pháp, khi trả lời đài BFM TV ngày 20/04. Ông cho rằng người dân Pháp cần được biết thuốc được sản xuất ở đâu và chính phủ nên khuyến khích bằng cách thưởng thêm (bonus) cho những công ty sản xuất trên lãnh thổ Pháp.
Nhà nghiên cứu Pháp Nathalie Coutinet cho rằng “các tập đoàn dược phẩm lớn, trong số đó có rất nhiều tập đoàn kinh doanh có lãi nhất thế giới, đã chuyển sản xuất ra nước ngoài để tăng lợi nhuận, chứ không phải để giảm chi phí. Hệ thống bảo hiểm hoàn trả phần lớn thuốc men”. Nhưng theo ông Olivier Bogillot, một trong những nguyên nhân là do Bảo hiểm Y tế Pháp áp đặt quy định về giá :
“Để tiết kiệm được trong một quãng thời gian, ví dụ một năm, Bảo hiểm xã hội Pháp mỗi năm phải xem xét lại ngân sách và mỗi năm lại phải tiết kiệm, có nghĩa là phải tìm ra được tiền cho hệ thống y tế. Họ cho rằng biện pháp tiết kiệm tốt nhất, đó là hạ giá thuốc và dĩ nhiên quyết định này gây tác động đến công nghiệp. Việc này diễn ra từ 15 năm nay. 
Có những lúc, chúng ta nghĩ rằng trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, không nhất thiết phải sản xuất tại châu Âu hoặc ở Pháp, vì có thể đi mua một số loại thuốc ở nơi khác. Chúng ta đã chọn như vậy, nhưng 15 sau, trước một cuộc khủng hoảng như hiện tại, chúng ta hiểu ra rằng duy trì ngành công nghiệp và các nhà máy trên lãnh thổ Pháp và châu Âu là điều hữu ích”.
Theo nhật báo Le Figaro ngày 23/03, chưa chắc Pháp đã thu hút được các nhà máy sản xuất hoạt chất do có hàng loạt loại thuế về sản xuất, kém hấp dẫn so với các nước Đông và Bắc Âu hoặc nước láng giềng Ý, nơi có truyền thống về ngành hóa, nổi tiếng về giá thành sản xuất thấp và có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mũi nhọn.
Trong bài diễn văn ngày 12/03, tổng thống Pháp đã thể hiện rõ quyết tâm đưa ra những “quyết định đoạn tuyệt” vì “giao phó nguồn thực phẩm, sự bảo vệ, khả năng chăm sóc và đời sống của chúng ta cho các bên khác là hành động điên rồ”. Từ vài chục năm qua, Pháp vẫn giao số phận cho nước ngoài.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200508-ph%C3%A1p-l%E1%BA%ADp-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-d%E1%BB%8Bch-t%E1%BB%85-tr%C3%A1nh-ph%E1%BB%A5-thu%E1%BB%99c-trung-qu%E1%BB%91c

Covid-19 : Người Pháp học cách trồng rau trong nhà

Tuấn Thảo
Tại Pháp, thời hạn dỡ bỏ phong tỏa đã gần kề. Trong gần hai tháng qua, các hộ gia đình do buộc phải ở trong nhà lâu hơn dự kiến, đã dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Ngoài các môn giải trí thường thấy như đọc sách, xem phim, nghe nhạc, trò chơi xã hội … người Pháp còn tận dụng thời gian ‘‘phụ trội’’ để học nấu ăn, tự làm khẩu trang hay là học cách trồng rau ở trong nhà.
Trong thời gian có lệnh phong tỏa, hầu hết các cửa hàng bán hoa và cây trồng trong nhà đều bị đóng cửa. Một số thương hiệu được phép duy trì hoạt động do có bán thức ăn cho các loài thú nuôi ở trong nhà.
Mãi tới ngày cuối tháng 04/2020, chính phủ Pháp mới ra thông cáo cho phép người dân mua hạt giống, chậu cây hay bồn rau về trồng trong nhà. Biện pháp này bao gồm các loại rau trồng ở ngoài trời đối với những nhà nào có sẵn sân vườn, cũng như các loại rau chủ yếu là rau thơm được trồng trong chậu đặt ở ban công.
Sở dĩ chính phủ Pháp mở rộng định nghĩa, đưa cây và các loại rau trồng vào danh sách nhu yếu phẩm, là vì ngành trồng trọt vốn đã ngưng hoạt động trong thời gian qua, rất cần một luồng dưỡng khí cũng như nhiều ngành kinh tế khác. Cũng cần biết rằng, nước Pháp có khoảng 2.500 công ty chuyên về vườn tược và quyết định ban hành phong tỏa đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành trồng trọt, các tiệm bán hoa, chợ hoa và cây kiểng cũng như các vườn ươm hạt giống.
Tại Pháp, ngành này tuyển dụng khoảng 18.000 nhân viên với hợp đồng dài hạn, chưa kể đến giới nhân công làm việc theo mùa với doanh thu hàng năm lên tới 1,4 tỷ euro. Đối với ngành trồng trọt, thời gian bán hàng quan trọng nhất là vào mùa xuân, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5. Sau một thời gian yêu cầu bộ Nông Nghiệp Pháp can thiệp, ngành trồng trọt đã dễ thở đôi chút vì các cửa hàng bán hoa, rau quả và sắp tới đây là các cửa hàng bán cây ăn trái được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp ‘‘giãn cách xã hội’’ cần thiết.
Các cửa hàng chuyên về ‘‘nghệ thuật làm vườn’’ nhân dịp này cũng mở các dịch vụ hướng dẫn người tiêu dùng các cách thức trồng trọt cơ bản. Khá nhiều người tiêu dùng đặt mua hàng trên mạng rồi được giao hàng tận nhà. Thời gian phong tỏa cũng có lợi cho các công ty cỡ nhỏ và trung bình, như trường hợp của công ty Grénéo gần thành phố Rouen. Doanh nghiệp này khai thác tâm lý dân thành thị để bán cho khách hàng các ‘‘hộp trồng rau’’ có sẵn, bao gồm dụng cụ làm vườn, chậu cây, đất trồng, hạt giống…
Thú vị hơn nữa là các đoạn video hướng dẫn cách trồng những loài rau nào vừa ăn được, vừa ra hoa đẹp chẳng hạn như hoa atisô, hoa mướp, hoa mù tạt, hay là hoa cúc, tầm gửi, hoa me karkadé loại được dùng để làm trà thảo dược. Trong số các loại cây thân thảo có trổ hoa từng được dùng làm rau để nấu ăn và cũng là cây trang trí có loài cardon, vốn rất thông dụng vào thế kỷ 18 tại Pháp nhưng bị lãng quên trong một thời gian dài. Nay cardon bắt đầu phổ biến trong các sân vườn sau khi được khám phá lại. Giống cây này thuộc vào họ cúc nhưng khi trổ hoa lại giống như atisô cho nên còn được gọi là ‘‘atisô dại’’. Khác chăng là hoa cardon có khá nhiều màu như vàng, cam, đỏ, chứ không đơn thuần một màu xanh tím như hoa atisô.
Trên các mạng như Jardiland, Gamm Vert, Delbard, Willems, Bakker hay Truffaut đều có những video hướng dẫn cách trồng rau ở trong nhà, như cà rốt, khoai lang, xà lách, cà chua, bắp cải, tỏi tây, ớt chuông hay ớt sừng …. Tuy nhiên, đó là trường hợp của những hộ gia đình có vườn sau hay sân thượng. Đối với những ai sống trong chung cư thì nên trồng các loại rau thơm như rau bạc hà, lá hẹ, húng tây hay các loại rau dền, rau roquette, ngò tây, lá mù tạt. Các giống này đều không đòi hỏi nhiều ánh nắng và có thể đặt bên khung cửa sổ hay ngoài ban công.
Mạng thông tin “La Boîte à Champignons”, đúng như tên gọi của nó, hướng dẫn người tiêu dùng cách trồng nấm trắng và dễ hơn nữa là cách trồng cải diếp xoăn (endive). Bạn có thể mua sẵn rễ endive, có thể được cất giữ hơn một tháng trong tủ lạnh. Đến khi trồng thì bỏ rễ vào hộp, phủ đất hay cát mềm, rồi tưới nước ấm để cho rễ nẩy mầm. Điều quan trọng nhất là endive cần mọc trong bóng tối và nhiệt độ khoảng 15 độ C để giữ nguyên màu trắng sáng cho bắp. Nhà nào có hầm hay garage để cất đồ hay trữ rượu là lý tưởng nhất, vì chỉ cần chưa đầy hai tháng là các hộp rễ sẽ mọc đầy cải diếp xoăn.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200508-covid-19-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ph%C3%A1p-h%E1%BB%8Dc-c%C3%A1ch-tr%E1%BB%93ng-rau-trong-nh%C3%A0

Virus corona – Ý : Tranh cãi nổi lên

về số tử vong quá cao ở nhà dưỡng lão

Anh Vũ
Tại Ý, số người chết vì Covid-19 gần tới ngưỡng 30.000, dù số ca nhiễm tiếp tục theo chiều hướng giảm. Vùng tâm dịch Lombardia vẫn chiếm một nửa tổng số ca nhiễm của cả nước. Tại cùng này đang nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề quản lý nhà hưu trí và dưỡng lão Pio Albergo Trivulzio ở Milano, nơi có 200 người chết từ tháng 3 đến tháng 4 trên tổng số gần 1.000 người già.
Đặc phái viên RFI tại Ý, Pauline Gleize, gửi về bài phóng sự :
Một nhân chứng tên là Fabio Scottà, thành viên của Ủy Ban Sự Thật và công lý cho những nạn nhân của Trivulzio kể lại : « Điều kiện thể chất của họ rất tốt. Thế mà trong vòng 1 tháng 10 ngày, sức khỏe của họ bị tàn phá rồi họ qua đời. » Người bạn cùng phòng của mẹ anh đã chết sau khi bị sốt, có các thông tin trái ngược nhau về tình trạng sức khỏe của mẹ anh, ba ngày sau khi bà chết mới có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Fabio Scottà cho biết : « Người ta nhiều lần được nghe, kể cả từ giới chính trị, rằng họ cao tuổi, nên điều này là không tránh được. Nhưng không, không thể không tránh được. Với chúng tôi, những gì diễn ra ở đó là không thể chấp nhận được ». Đối với Piero Lagrassa, đại diện công đoàn tại nhà dưỡng lão Trivulzio, điều đó cũng không thể chấp nhận được. Ông nói : « Đâu đâu người ta cũng có khẩu trang còn chúng tôi thì không. Tôi chỉ có 2 chiếc hôm 2/4 ».
Việc chuyển khoảng hai chục bệnh nhân từ một bệnh viện về nhà dưỡng lão này cũng gây tranh cãi. Piero Lagrassa cho biết : « Người ta nói với chúng tôi là không chuyển về đây những bệnh nhân Covid-19. Nhưng 4 ngày sau, 2 người trong số họ có các triệu chứng bệnh. Tôi không thể khẳng định họ mắc bệnh Covid-19. Nhưng tất cả đều ra đi từ đó. »
Để biện hộ, phụ trách cơ sở dưỡng lão, ông Fabrio Pregliasco đưa ra con số trong một cuộc họp báo : « Tháng Tư, tỷ lệ tử vong tại Milano tăng 135%. Tại nhà dưỡng lão Pio Albergo Trivulzi, con số này là 61%. » Ông bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch tại nhà dưỡng lão này là thích hợp. Cuộc điều tra hiện nay sẽ xác định điều này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200508-virus-corona-%C3%BD-tranh-c%C3%A3i-n%E1%BB%95i-l%C3%AAn-v%E1%BB%81-s%E1%BB%91-t%E1%BB%AD-vong-qu%C3%A1-cao-%E1%BB%9F-nh%C3%A0-d%C6%B0%E1%BB%A1ng-l%C3%A3o

Hành động chung duy trì hòa bình,

an ninh và ổn định ở Biển Đông

Trung Quốc với những hành động đầy toan tính từ đầu năm tới nay cho thấy nước này đang bất chấp tất cả để hiện thức hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Điều này đòi hỏi phải có những tiếng nói và hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tham vọng đang tạo mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng cho tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Diễn biến khác trước ở Biển Đông
Tình hình Biển Đông từ đầu năm tới nay lại có những căng thẳng với những diễn biến được dư luận cho rằng mới, khác với trước đây của Trung Quốc nhằm gia tăng đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Sau khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay “đường 9 đoạn”) năm 2009 để đơn phương đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và học thuyết “Tứ Sa” (đòi chủ quyền đối với quần đảo Pratas nằm ở Đông Bắc Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với 4 tên “Hán hóa” lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) năm 2013, Trung Quốc vào trung tuần tháng 4 vừa qua lại tiến thêm bước mới khi công bố cái gọi là
“quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.
Ngay sau đó, Trung Quốc lại vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Có thể thấy rất rõ là Trung Quốc bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành ngay tại chính nước này và sau đó lây lan ra khắp khu vực và thế giới vẫn tiếp tục tiến hành những việc làm phi pháp nhằm hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Bất chấp việc yêu sách này đã bị bác bỏ theo phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Bắc Kinh vẫn đang dùng sức mạnh hòng áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp trên vùng biển chiến lược, là huyết mạch của không chỉ vận tải biển mà cả kinh tế khu vực và thế giới.
Trong thời gian vài tháng qua, Trung Quốc bên cạnh việc gia tăng mạnh những hoạt động khảo sát, thăm dò ở Biển Đông đã triển khai những hoạt động nhằm phô trương sức mạnh như điều nhóm tàu sân bay Liêu Ninh vào vùng biển này với đội hình như tập trận, đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xuống vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia ở phía Nam Biển Đông… Đáng lo ngại là việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những việc làm, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua đang khiến khu vực, thế giới dõi theo với sự quan tâm, lo ngại sâu sắc. Các hành vi hung hăng, gây hấn từng đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông đang có nguy cơ tái bùng phát với mức độ và phạm vi còn đáng lo ngại hơn.
“Bó đũa” ASEAN ngăn Trung Quốc ở Biển Đông
Các quốc gia khu vực và trên thế giới có lợi ích liên quan ở Biển Đông thời gian qua cũng đã có những tiếng nói và hành động mạnh mẽ nhằm phản đối các hành vi nguy hiểm, bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý, phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển này. Mỹ, Philippines đã công khai phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, trong khi Mỹ đã triển khai các tàu chiến tại các khu vực biển mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, đồng thời bác bỏ trên thực tế yêu sách đòi chủ quyền.
Trong bài viết trên tờ The Times of India (Thời báo Ấn Độ) ngày 6-5, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan đã cho rằng, những diễn biến hiện nay ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục những toan tính độc chiếm vùng biển này. The ông SD Pradha, điều cần làm lúc này là kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.
Các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông có thể tiến hành tuần tra chung để gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh. Cùng lúc đó, các nước như Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ cần cung cấp hỗ trợ cho những quốc gia này và sẵn sàng tham gia các cuộc tuần tra chung bất kỳ khi nào được yêu cầu.
Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cho rằng, đã đến lúc các quốc gia ASEAN phải đoàn kết như bó đũa thông qua việc thiết lập thiết chế tuần tra hàng hải chung để ngăn chặn “chuyện đã rồi của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Thiết chế đa phương này nếu cần thiết có sự hỗ trợ thì cơ chế đa phương này cần có mô hình mở rộng với các quốc gia đối tác như các thể chế khác của ASEAN như ASEAN+3, ADMM+ để thúc đẩy việc tuần tra có hiệu quả như đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, tập huấn năng lực hoạt động và kỹ thuật, cũng như cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh cũng như từ các máy bay giám sát.
Các quốc gia trong khu vực đã đến lúc nhận thức những xung đột có thể bùng phát ở Biển Đông không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia tranh chấp nào mà là câu chuyện chung của toàn khu vực và đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất trong khối ASEAN để ngăn ngừa các mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Tình hình Biển Đông đang có những diễn biến mới khác so với trước đây và điều này đòi hỏi mỗi quốc gia và các nước trong khu vực phải có cách tiếp cận mới cũng như cách thức ứng phó mới, trong đó đoàn kết, nhất trí và thống nhất hành động chung của ASEAN tạo ra sức mạnh để góp phần hiệu quả duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, điều mà các thành viên cũng như đối tác cùng mong muốn.
http://biendong.net/bien-dong/34596-hanh-dong-chung-duy-tri-hoa-binh-an-ninh-va-on-dinh-o-bien-dong.html

Đông Nam Á: Nhầm bệnh Covid-19 với sốt xuất huyết

có thể khiến dịch trầm trọng hơn

Trọng Thành
Sau hơn ba tháng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc hồi cuối tháng 1/2020, gần như toàn bộ thế giới đều tin tưởng việc xét nghiệm những người có triệu chứng là một biện pháp đặc biệt quan trọng để ngăn chặn dịch virus corona mới. Tuy nhiên, giờ đây tại các khu vực nhiệt đới, như ở Đông Nam Á, đang xuất hiện một thách thức mới: Rất khó phân biệt được người mắc bệnh Covid-19 với người bị sốt xuất huyết, do các triệu chứng bệnh tương đồng.
Thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux tại Kuala Lumpur giải thích:
« Từ sốt cho đến cảm giác mệt mỏi khác thường, hay có thể là ho, bệnh sốt xuất huyết và bệnh Covid-19 đã được biết đến với nhiều triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, sự tương đồng không chỉ dừng ở đó, theo nhà dịch tễ học Indonesia, Dicky Budiman, chuyên gia tư vấn chiến lược cho bộ Y Tế Indonesia. Ông nói : Khó mà phân biệt được virus gây bệnh sốt xuất huyết với virus gây bệnh Covid-19, bởi chúng có các đặc điểm về lâm sàng và cận lâm sàng tương đồng. Triệu chứng giảm tiểu cầu, một trạng thái bất thường của máu, cũng xuất hiện ở cả hai căn bệnh. 
Cho đến hôm nay, có hai bệnh nhân người Singapore, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết trước đó, cuối cùng đã được xác nhận bị Covid-19. Một người tử vong tại Thái Lan, do virus corona, trước đó đã được chẩn đoán là mắc bệnh sốt xuất huyết. Đối với bác sĩ Budiman, việc chẩn đoán nhầm có thể khiến bệnh dịch lan truyền mạnh hơn. Theo chuyên gia này, vào những lúc bình thường, những người mắc bệnh sốt xuất huyết không phải lúc nào cũng đến bệnh viện hoặc được trở về nhà sớm. Tình trạng này có thể để lại nhiều hậu quả, nếu chúng ta không sớm có một phương thức chẩn đoán đúng. 
Chỉ xét nghiệm những ai có các triệu chứng bệnh dường như là không đủ. Để không chẩn đoán nhầm, cần phải có sự theo dõi thường xuyên, bệnh nhân cần phải được chiếu, chụp. Tuy nhiên, Indonesia không có đủ phương tiện. Tại quốc đảo này, trung bình 100.000 cư dân chỉ có 12 giường bệnh. Bác sĩ Dicky Budiman cho biết, nếu như Bali có số người nhiễm virus thấp một cách đáng kinh ngạc, thì hòn đảo này lại có đến 2.100 người được chẩn đoán bị sốt xuất huyết ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200508-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-nh%E1%BA%A7m-b%E1%BB%87nh-covid-19-v%E1%BB%9Bi-s%E1%BB%91t-xu%E1%BA%A5t-huy%E1%BA%BFt-c%C3%B3-th%E1%BB%83-khi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-tr%E1%BA%A7m-tr%E1%BB%8Dng-h%C6%A1n

Bắc Triều Tiên lên án Hàn Quốc

tập trận « đi ngược lại thỏa thuận Liên Triều »

Trọng Thành
Hôm nay, 08/05/2020, Bình Nhưỡng tố cáo Seoul tập trận trên biển Hoàng Hải, khiến tình hình căng thẳng trở lại như trước khi hai bên đạt được thỏa thuận Liên Triều cuối năm 2018. Hàn Quốc ngay lập tức bác bỏ, cho rằng cuộc tập trận hoàn toàn « nằm trong khuôn khổ thỏa thuận song phương ».
Thông báo của người phát ngôn bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên, được hãng thông tấn Nhà nước KCNA đăng tải, khẳng định cuộc tập trận đầu tuần này cho thấy hai miền Nam – Bắc Triều Tiên vẫn « tiếp tục là kẻ thù », và cảnh báo là Bình Nhưỡng sẽ có « phản ứng cần thiết ». Hãng tin Hàn Quốc Yonhap đặc biệt chú ý đến việc thông báo của bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên được cả báo Rodong Sinmun, cơ quan phát ngôn của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên, đăng tải. Người phát ngôn bộ Thống Nhất Hàn Quốc ghi nhận đây là điều hiếm khi xảy ra, và là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh thông điệp này trong nội bộ chế độ.
Về phía Seoul, bộ trưởng Quốc Phòng khẳng định cuộc tập trận nói trên hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận ngày 19/09/2018 giữa lãnh đạo hai miền. Một quan chức Hàn Quốc cho biết cụ thể là địa điểm tập trận ở Gunsan nằm cách Seoul 270 km về phía nam, cách xa các vùng đệm trên biển mà hai bên thỏa thuận không có các hoạt động quân sự để tránh các đụng độ ngoài ý muốn. Vùng đệm trên biển Hoàng Hải trải dài 135 km. Cuộc tập trận Hải Quân hôm thứ Tư 06/05 có sự tham gia của khoảng 20 chiến đấu cơ.
Quan hệ Nam – Bắc Hàn nguội lạnh hẳn sau khi thượng đỉnh Trump – Kim tháng 2/2019 tại Hà Nội thất bại, sau một giai đoạn ấm lên ngắn ngủi năm 2018, với hai cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim và thượng đỉnh Nam – Bắc Triều Tiên.
Hãng tin Pháp AFP còn chú ý đến một thông điệp ngoại giao của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gửi đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt ca ngợi « các thành công » của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Cũng trong thông điệp này, ông Kim Jong Un « gửi lời chào quyết thắng đến các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc ». Về mặt chính thức, chế độ Bắc Triều Tiên khẳng định không có ca nhiễm virus corona mới nào trên lãnh thổ.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200508-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-l%C3%AAn-%C3%A1n-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-%C4%91i-ng%C6%B0%E1%BB%A3c-l%E1%BA%A1i-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-li%C3%AAn-tri%E1%BB%81u

Đài Loan nói

TQ không có quyền đại diện cho đảo quốc này

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Ba (5/5) đã lên tiếng kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hãy “loại bỏ” sự kiểm soát của Trung Quốc đối với tổ chức này trong đại dịch virus corona Vũ Hán. Đài Loan khẳng định chỉ có chính phủ được bầu dân chủ của Đài Loan mới có thể đại diện cho người dân nước này trên vũ đài quốc tế.
Trung Quốc phản đối Đài Loan tham gia WHO vì Bắc Kinh coi hòn đảo dân chủ này chỉ là một tỉnh ngoài khơi xa của mình. Điều này khiến Đài Loan không thể chấp nhận và họ cho rằng việc mình bị loại khỏi các phiên họp của WHO đã và đang tạo ra một khoảng trống nguy hiểm trong cuộc chiến toàn cầu chống virus corona.
Theo Reuters, thời gian gần đây, Đài Loan đang tiến hành vận động hành lang để tham gia với tư cách quan sát viên vào một phiên họp diễn ra trong tháng này của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) – cơ quan điều hành của WHO. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng chế độ Trung Quốc sẽ ngăn chặn động thái này của Đài Loan.
Ông Steven Solomon, quan chức pháp lý WHO hôm thứ Hai (4/5) nói rằng WHO đã công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”, phù hợp với chính sách của Liên Hiệp Quốc từ năm 1971, và câu hỏi về sự tham gia của Đài Loan là câu hỏi dành cho toàn bộ 194 thành viên của WHO.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói với báo giới tại Đài Bắc rằng quyết định năm 1971, trong đó Bắc Kinh thay thế Đài Bắc giữ ghế Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc chỉ giải quyết vấn đề ai đại diện cho Trung Quốc, chứ không giải quyết vấn đề Đài Loan, và quyết định đó không trao quyền Trung Quốc đại diện cho Đài Loan trên trường quốc tế.
“Chỉ duy nhất chính phủ Đài Loan được bầu dân chủ mới có thể đại diện cho 23 triệu người Đài Loan trên cộng đồng quốc tế”, bà Joanne Ou nói với báo giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan nói thêm rằng WHO nên “loại bỏ sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc”, và hãy để Đài Loan tham gia đầy đủ vào cuộc chiến chống virus corona.
“Đừng để sự can thiệp chính trị không phù hợp của Trung Quốc trở thành chướng ngại cản trở sự đoàn kết quốc tế chống lại virus corona”, bà Joanne Ou nói.
Trước đây, trong giai đoạn 2009-2016 khi quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan ấm lên, Đài Bắc đã được tham gia Đại hội Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên.
Tuy nhiên, sau khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống Đài Loan năm 2016, Trung Quốc đã chặn không cho Đài Bắc tiếp tục tham gia vào WHA. Bắc Kinh coi bà Thái và Đảng Dân Tiến là các phần tử ly khai, có ý định đưa Đài Loan có vị thế độc lập thực sự trên trường quốc tế.
Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham gia vào WHO trong vai trò quan sát viên.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục nhắc lại rằng Bắc Kinh có quyền đại diện đầy đủ cho Đài Loan và rằng Đài Loan chỉ có thể tham gia vào WHO theo chính sách “một Trung Quốc”, trong đó Đài Loan sẽ phải chấp nhận đảo quốc này là một phần của Trung Quốc, điều mà chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn không bao giờ chấp nhận.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/34556-dai-loan-noi-tq-khong-co-quyen-dai-dien-cho-dao-quoc-nay.html

Thêm một tổ chức quốc tế công nhận Đài Loan

Bảo Thư
Hiệp hội Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (AIPPI) gần đây đã bổ sung tuỳ chọn quốc tịch Đài Loan cho hội viên. Điều này phần nào nói lên rằng, chính sách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Đài Loan đã được quốc tế công nhận.
Tổ chức phi chính phủ quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới (NGO) và Hiệp hội bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc tế (AIPPI) có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ cũng đã xác nhận thông tin trên.
AIPPI cho biết, trong quá khứ, các hội viên Đài Loan chỉ có thể tham dự các cuộc họp với tư cách là Đài Bắc Trung Hoa (Chinese Taipei), điều này khiến mọi người hoàn toàn không biết đến Đài Loan.
Liberty Times đưa tin, Cục trưởng Cục Trí tuệ Đài Loan, Hồng Thục Mẫn (Hong Shumin) trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 7/5 cho biết, đây là một bước đột phá lớn tạo tiền đề khiến Đài Loan trở thành thành viên chính thức.
Hồng Thục Mẫn cũng nhấn mạnh, Đài Loan chưa phải là thành viên chính thức, nhưng thành công của Đài Loan trong việc ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã được thế giới công nhận. Do đó, Cục Trí tuệ Đài Loan sẽ cố gắng hết sức để đưa Đài Loan trở thành thành viên chính thức của AIPPI trong bước tiếp theo.
AIPPI là một tổ chức nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm hàng loạt các bản quyền sáng chế phát minh, quyền thương hiệu, bản quyền tác giả…
Theo Secret China
Bảo Thư dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/them-mot-to-chuc-quoc-te-cong-nhan-dai-loan.html

TQ sang bắt nạt các nước

để né tránh trách nhiệm COVID-19

Cùng với việc đổ lỗi, Trung Quốc chuyển sang chiến lược bắt nạt nhằm né tránh trách nhiệm trong đại dịch COVID-19.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm lảng tránh trách nhiệm về đại dịch virus corona mới thông qua chiến dịch tuyên truyền toàn cầu đã trở nên “lợi bất cập hại” đối với Bắc Kinh. Mưu toan của các quan chức chính phủ và truyền thông ĐCSTQ đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác về nguồn gốc và sự lây truyền của virus đã gây ra phản ứng dữ dội. Thêm vào đó, các vật tư y tế chất lượng kém “Made in China” cũng được nhiều nước trên thế giới báo cáo.
Thay vì rút lui, chế độ độc tài của ông Tập Cận Bình đã quay sang một chiến thuật quen thuộc: bắt nạt. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh đang yêu cầu chính phủ các nước đưa ra lời khen ngợi về cách thức xử lý đại dịch của Trung Quốc hoặc kiểm soát các bài báo nói về sự thất bại của họ, đe dọa những hậu quả nếu những yêu cầu của họ không được đáp ứng. Đáng lo ngại là chiến thuật này dường như tác động phần nào tới Liên minh châu Âu.
Tuần trước, một đơn vị thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu chuyên theo dõi các thông tin sai lệch đã hoàn tất một bản báo cáo về COVID-19, trong đó bao gồm miêu tả về việc tuyên truyền của Nga và Trung Quốc. Bản báo cáo nhận định rằng “Trung Quốc tiếp tục thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu để tránh bị đổ lỗi và cải thiện hình ảnh quốc tế của họ.”
Khi bản báo cáo rò rỉ xuất hiện trên ấn phẩm châu Âu của tờ Politico, giới ngoại giao của Trung Quốc đã rất bận rộn. Theo Financial Times, hai quan chức bộ ngoại giao đã gọi điện cho đại diện EU tại Bắc Kinh, trong khi người thứ ba đã liên hệ trụ sở ngoại giao EU tại Bỉ, phản đối việc kết luận rằng chính phủ Trung Quốc lan truyền thông tin sai lệch. Financial Times cho biết một quan chức cấp cao đã nói với đại sứ EU tại Bắc Kinh rằng “nếu EU đi theo Mỹ trong việc tấn công công khai Trung Quốc, thì họ sẽ bị tấn công lại như Mỹ đã bị.”
Phản ứng của Brussels rất lạ thường. Theo New York Times, trợ lý của nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell đã nói với đơn vị phụ trách thông tin sai lệch sửa lại bản báo cáo của họ để giảm tập trung vào Nga và Trung Quốc. Cuối cùng khi được đăng lên hôm thứ Sáu, bản báo cáo đã bỏ đi phần liên quan đến “chiến dịch thông tin sai lệch toàn cầu” của Trung Quốc cũng như phần đại sứ Trung Quốc tại Paris cố gắng làm mất uy tín việc Pháp xử lý đại dịch.
Phát ngôn viên của Cơ quan Hành động Đối ngoại tuyên bố hôm thứ Hai rằng đã có sự “hiểu sai” về hành động của họ, và rằng có hai bản báo cáo, trong đó một bản cứng rắn hơn được dùng cho “sử dụng nội bộ”. Trong khi đó, một email nội bộ mà New York Times có được cho thấy một nhà phân tích EU
đã cáo buộc các cấp trên của bà “tự kiểm duyệt để làm vừa lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Và tại sao phải chuẩn bị hai phiên bản, nếu không phải để tránh sự thịnh nộ của Bắc Kinh?
Chiến dịch của chế độ Tập nhằm đàn áp các tiếng nói của phương Tây về hồ sơ virus corona ở Trung Quốc đang leo thang. Gần đây họ đã trục xuất các nhà báo của Washington Post, New York Times và Wall Street Journal. Các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã đề nghị chính phủ Đức khen ngợi việc xử lý virus corona của họ. Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã đe dọa tẩy chay kinh tế nếu chính phủ Úc không dừng lại việc yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc và cách thức xử lý COVID-19 tại Trung Quốc. Phản ứng đối với thái độ hiếu chiến như vậy, thế giới không thể nhân nhượng.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34592-tq-sang-bat-nat-cac-nuoc-de-ne-tranh-trach-nhiem-covid-19.html

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc dường như

sử dụng chiến thuật “tấn công quyến rũ”

để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới

đối với các tham vọng của mình.

10 năm trước, thế giới từng quen thuộc với tuyên bố của Trung Quốc rằng, nước này sẽ “trỗi dậy hòa bình”. Các nước trong khu vực cũng không lo lắng về điều này. Nhưng rốt cuộc, chiến lược “tấn công quyến rũ” dường như là cách để Bắc Kinh đánh lạc hướng thế giới.
Trên báo Los Angeles Times, chuyên gia Jeffrey W. Hornung nhận định, giữa thập niên 2010, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch gây hấn trên biển chống lại các nước láng giềng. Dù Trung Quốc ngang nhiên triển khai lực lượng quân sự hay bán quân sự để đối đầu với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, hay bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo quy mô lớn tại Biển Đông, tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” thực chất là cách để Bắc Kinh che giấu tham vọng thực sự của mình.
Lịch sử dường như đang lặp lại khi nhìn vào cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch Covid-19 và cách hành xử của Bắc Kinh với các nước láng giềng. Dù Trung Quốc nhiều lần phủ nhận, song có những bằng chứng cho thấy virus gây đại dịch bắt nguồn từ nước này. Giới chức Mỹ cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch khiến virus lan rộng ra toàn thế giới và trở nên mất kiểm soát.
Jeffrey W. Hornung, nhà khoa học chính trị tại tổ chức phi lợi nhuận RAND Corp, cho rằng để đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới, Trung Quốc đã viện trợ cho hàng trăm quốc gia các vật tư y tế liên quan tới Covid-19, gồm hàng chục triệu khẩu trang, hàng triệu bộ xét nghiệm và máy thở, bao gồm 1.000 máy thở cho bang New York, Mỹ.
Theo SCMP, trong 2 tháng qua, Trung Quốc cũng gửi đội ngũ y tế tới 16 quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với các quan chức và nhân viên y tế nước sở tại về việc chữa trị và kiểm soát Covid-19. Trung Quốc thường mang theo nhiều hàng hóa y tế, thiết bị bảo hộ, bộ xét nghiệm tới các nước này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã cung cấp thiết bị y tế cho hơn 125 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế, tổ chức 70 cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia từ 150 nước.
Chuyên gia Hornung nhận định đây là những nghĩa cử tốt đẹp của Trung Quốc, nhưng ở phía sau, Bắc Kinh vẫn có những động thái cứng rắn, gây căng thẳng với các nước láng giềng đang phải vật lộn ứng phó với đại dịch.
Tăng cường hoạt động trên biển
Chỉ trong vài tháng sau khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nước này vẫn tiếp tục, thậm chí trong một số trường hợp còn leo thang, các hành vi khiêu khích nhằm vào các nước láng giềng ở cả trên không và trên biển. Bắc Kinh muốn thách thức tuyên bố chủ quyền của các nước ngay cả khi họ đang “căng mình” giải quyết dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động của nước này trên Biển Đông, như thông báo các “trạm nghiên cứu” mới tại các căn cứ quân sự do Bắc Kinh xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập và đá Xubi tại quần đảo Trường Sa, hạ cánh máy bay quân sự tại đá Chữ Thập và tiếp tục triển khai dân quân biển xung quanh các đảo tại Biển Đông.
Theo Los Angeles Times, từ giữa tháng 2 tới giữa tháng 3, Trung Quốc đã khai thác thành công lượng khí tự nhiên kỷ lục tại Biển Đông. Tới đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại vùng biển này.
Hãng tin ABS-CBN dẫn lời chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện UP về các vấn đề hàng hải và luật biển (Philippines) nhận định vụ Trung Quốc chĩa súng vào tàu Philippines hồi tháng 2 được xem là sự leo thang chưa từng có trong lịch sử tranh chấp hàng hải giữa 2 quốc gia.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng có những động thái cứng rắn với Đài Loan như tổ chức diễn tập, triển khai tàu hải quân áp sát hòn đảo, bao gồm tàu sân bay.
Trung Quốc cũng thường xuyên thách thức Nhật Bản tại khu vực xung quanh quần đảo Senkaku, một nhóm gồm các đảo nhỏ tại biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Dữ liệu cho thấy các tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển ở khu vực tranh chấp với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku trong hầu hết tháng 1, tháng 2 và tháng 3. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Chiến thuật của Trung Quốc
Theo nhà phân tích Hornung, trong khi các nước láng giềng đều đang vật lộn để kiểm soát và vượt qua các vấn đề về kinh tế, y tế, xã hội phát sinh bởi dịch bệnh, Trung Quốc dường như đã lợi dụng sự xao lãng của các nước. Bằng việc sử dụng chiến thuật “ngoại giao khẩu trang” đơn giản, Trung Quốc đã khiến các nước quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh trong đại dịch toàn cầu.
Chuyên gia Jay Batongbacal cho rằng hành động viện trợ của Trung Quốc trong dịch Covid-19 dường như có mục đích ngăn các nước nhận hỗ trợ chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Jay nhận định Bắc Kinh dường như lợi dụng tình hình các nước đang đối phó với dịch để thực hiện kế hoạch mở rộng kiểm soát với khu vực biển giàu tài nguyên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng thời điểm các nước láng giềng chiến đấu với Covid-19 để hành động. Bà Hoa cho biết Trung Quốc muốn chia sẻ những kinh nghiệm tốt của nước này, nhưng “sẽ không biến nó thành vũ khí hay công cụ địa chính trị”.
Nhà phân tích Hornung cho rằng đây là cách nói quen thuộc của Trung Quốc. Theo nhà phân tích Hornung, các nước không nên để mình rơi vào tình thế bị đánh lạc hướng thêm một lần nữa.
“Nếu Trung Quốc thực sự quan tâm tới các nước khác trong lúc đại dịch toàn cầu bùng phát, hầu hết giới quan sát kỳ vọng rằng hành vi của Trung Quốc sẽ thay đổi”, Hornung bình luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34558-tq-dang-su-dung-muu-ke-danh-lac-huong-the-gioi.html

Wechat đang kiểm soát người dùng quốc tế

Bảo Thư
Một báo cáo nghiên cứu mới cho thấy WeChat đang theo dõi các tài khoản WeChat không ở Trung Quốc, từ đó cải thiện và mở rộng hệ thống kiểm duyệt người dùng ở Trung Quốc đại lục.
Theo RFA, một báo cáo do Citizen Lab thuộc Đại học Toronto Canada công bố ngày 7/5 phát hiện, người dùng WeChat phiên bản quốc tế dù đăng ký bằng số điện thoại không phải của Trung Quốc cũng chịu sự giám sát chính trị của WeChat.
Hơn nữa, WeChat sử dụng dữ liệu giám sát người dùng ở nước ngoài để hoàn thiện cơ chế đánh giá chính trị cho chính quyền Trung Quốc.
“Họ (WeChat) đang sử dụng một cơ sở người dùng khổng lồ bên ngoài Trung Quốc đại lục làm nguồn dữ liệu để giám sát người dùng một cách hiệu quả nhằm triển khai tốt hơn hệ thống đánh giá ở Trung Quốc”, theo Ron Deibert, Giám đốc của Citizen Lab – một trong những tác giả của báo cáo nói với RFA.
1,1 tỷ người dùng WeChat trên toàn thế giới bị theo dõi
WeChat là phần mềm truyền thông thuộc Tencent của Trung Quốc ra mắt vào năm 2011 và hiện có hơn 1,1 tỷ người dùng. Dữ liệu từ năm 2020 cho thấy số người dùng WeChat chỉ đứng sau Whatsapp và Facebook, đứng thứ ba trên thế giới.
Trong vài năm qua, việc kiểm duyệt nội dung văn bản, hình ảnh và video của WeChat đã dần bị chỉ trích, nhưng nghiên cứu trước đây chỉ giới hạn ở người dùng WeChat ở Trung Quốc đại lục.
Các nhà nghiên cứu Đại học Toronto xác nhận, việc giám sát này cũng áp dụng cho người dùng bên ngoài Trung Quốc.
Khi người dùng ở nước ngoài truyền hình ảnh hoặc tệp, chúng sẽ đi qua hệ thống đánh giá của WeChat và WeChat sẽ đánh dấu các hình ảnh hoặc tệp nhạy cảm về mặt chính trị.
Sau khi thử nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sau khi các hình ảnh hoặc tập tin được đánh dấu, người dùng tại Trung Quốc không thể nhận hay chuyển phát chúng đi
Ron Deibert cho biết: “Người dùng quốc tế phải xem xét đến vấn đề đạo đức. Khi họ sử dụng WeChat, trên thực tế họ đang giúp robot sử dụng thành thạo thuật toán, giúp họ (chính quyền) đàn áp người dùng Trung Quốc”.
Một báo cáo khác từ Citizen Lab vào tháng 3 năm nay cho thấy, kể từ khi bùng phát Dịch viêm phổi Vũ Hán, hệ thống đánh giá tin nhắn trên WeChat đang được tăng cường. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 2, hơn 380 tổ hợp từ khóa mới đã được xem xét, bao gồm các cụm từ như “coronavirus + lây truyền từ người sang người + Lý Văn Lượng (Li Wenliang)”.
Theo Secret China
Bảo Thư dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/wechat-dang-kiem-soat-nguoi-dung-quoc-te.html

Chuyên gia Pháp :

Trung Quốc chưa thể bá quyền trong nay mai

Minh Anh
Dịch bệnh Covid-19 càng làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bội phần căng thẳng. Dù có trong tay có nhiều lá chủ bài, nhưng đế chế Trung Hoa này cũng còn nhiều điểm yếu, và chưa thể sớm « xưng bá, xưng hùng » trong nay mai.
Sau nhiều năm « ẩn mình chờ thời » như lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc trong hai thập niên gần đầy dần lộ rõ tham vọng bành trướng thế lực. Tham vọng này của Bắc Kinh được làm sáng tỏ hơn trong bài trả lời phỏng vấn của tướng Kiều Lương dành cho tạp chí Bauhinia, tuần san chính thức của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Theo ông Kiều Lương, siêu cường Hoa Kỳ đang hồi thoái trào. Nước Mỹ tuy có « công nghệ cao, đồng đô la mạnh, nhiều đạo quân » nhưng cả ba yếu tố này lại thiếu sự hỗ trợ của ngành công nghiệp sản xuất. Dịch Covid-19 là bằng chứng hiển nhiên cho khiếm khuyết này của nước Mỹ. Là quốc gia có nhiều bằng sáng chế để chế tạo máy trợ thở, nhưng Hoa Kỳ lại không có khả năng sản xuất lấy một chiếc máy nào.
Việc tổng thống Mỹ và một số lãnh đạo phương Tây hô hào tái dịch chuyển sản xuất công nghiệp về trong nước, với ông Kiều Lương cũng chỉ là một mẹo lừa. Tái dịch chuyển sản xuất chỉ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu hơn nữa thế độc quyền của đồng đô la Mỹ. Từ những nhận định này, ông Kiều Lương cho rằng thời kỳ thoái trào của Mỹ và phương Tây đã điểm, Trung Quốc « hồi sinh » và sẽ vươn lên thành một cường quốc đi đầu trong lĩnh vực công nghệ tối tân nhất mà vẫn bảo vệ được ngành công nghiệp sản xuất.
Chỉ có điều như ghi nhận của hai nhà nghiên cứu Laurent Gayard, thuộc CERU (Trung tâm đào tạo và nghiên cứu các trường đại học) và Waldemar Brun-Theremin, giám đốc và nhà sáng lập Turgot Asset Management, trên Le Figaro sự « hồi sinh » này của Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo sợ. Chính sách bành trướng và các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đẩy các nước trong khu vực lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, ít nhiều cũng gây tốn kém cho Trung Quốc.
Dịch Covid-19 bùng nổ từ Vũ Hán, Trung Quốc làm dấy lên các lời chỉ trích về cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc gây thiệt hại nhân mạng và kinh tế cho nhiều nước trên thế giới. Và nhất là chiến dịch « quyền lực mềm y tế » rầm rộ của Bắc Kinh tạo ra một sự phản cảm ở Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây.
Ở trong nước, sản xuất đình trệ, xuất khẩu tụt giảm, khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Để cứu nguy cho nền kinh tế, Bắc Kinh giờ phải tập trung vào khuyến khích phát triển tiêu thụ nội địa thay vì chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu như trước đây, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước. Hệ quả trong trước mắt là nguồn thu ngoại tệ có nguy cơ bị giảm và các tham vọng địa chính trị bên ngoài cũng có thể bị tác động theo, nhất là đối với dự án Con Đường Tơ Lụa Mới.
Cuối cùng hai chuyên gia này còn nhấn mạnh rằng dịch bệnh Covid-19 thúc đẩy nhanh hơn nữa một tiến trình đã diễn ra trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bất kể các phân tích của tướng Kiều Lương là gì, hiện tượng tái dịch chuyển cơ cấu sản xuất sang các nước có giá nhân công thấp đang diễn ra, chí ít là tại châu Á, do chi phí sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu tăng lên.
Điều này có nghĩa là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sẽ giảm dần, trong khi Bắc Kinh rất cần đến các đầu tư nước ngoài và việc mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài có tính chất quyết định để tài trợ cho việc phát triển của Trung Quốc và để vượt qua những căng thẳng xã hội nội bộ ngày càng lớn cũng như phải đối mặt với một môi trường địa chính trị thù nghịch ngày càng mạnh mẽ.
Hai chuyên gia kết luận : Trong bối cảnh này, quốc gia « kín đáo » của Đặng Tiểu Bình sẽ phải còn ẩn mình thêm một thời gian nữa để chờ thời.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200508-chuy%C3%AAn-gia-ph%C3%A1p-trung-qu%E1%BB%91c-ch%C6%B0a-th%E1%BB%83-b%C3%A1-quy%E1%BB%81n-trong-nay-mai

Trung Quốc đang thay Nga

trong vai trò hiểm họa chính đối với phương Tây

Mai Vân
Từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền, phương Tây hết sức cảnh giác trước mối đe dọa đến từ Nga. Từ cuộc chiến tranh ở Gruzia năm 2008, việc sáp nhập Crimée năm 2014 cho đến các cuộc tấn công mạng và nỗ lực chia rẽ cộng đồng xuyên Đại Tây Dương, Mỹ và châu Âu đã đau đầu vì Nga mà không chú ý nhiều đến Trung Quốc cho dù nước này vẫn có thái độ hung hăng ở Biển Đông và Eo Biển Đài Loan, hoặc cho Hải Quân tiến vào Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, trong bài phân tích « Mối đe dọa từ Trung Quốc làm lu mờ nguy cơ đến từ Nga », nhật báo Pháp Le Figaro ngày 08/05/2020 ghi nhận là phương Tây đang chú ý nhiều hơn đến hiểm họa từ Trung Quốc vào lúc Nga có dấu hiệu hòa hoãn hơn kể từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu.
Tại Hoa Kỳ, mối quan ngại trước các hành vi của Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện với chính sách xoay trục qua châu Á thời Barack Obama, còn châu Âu thì « nhắm mắt » lâu hơn một chút. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khuếch đại các mối lo có sẵn và đẩy Trung Quốc lên vị trí đứng đầu các thế lực gây rối trên thế giới, còn Nga và khả năng gây phiền nhiễu của họ xuống hàng thứ hai.
Chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc văn phòng tại Paris của trung tâm tham vấn Mỹ German Marshall Fund nhận xét: « Tại Washington, nhiều người nói rằng Trung Quốc đã trở thành một nước Nga mới của NATO và chính quyền Trump ». Tương tự như đối với Nga trước đây, ngày nay vấn đề Trung Quốc đã nhận được sự nhất trí giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, chi phối đời sống chính trị Mỹ.
Trung Quốc chuyển từ chủ nghĩa hòa bình qua chủ nghĩa đế quốc
Từ một vài năm, giọng điệu chính thức của Trung Quốc đã chuyển từ chủ nghĩa hòa bình sang chủ nghĩa đế quốc, và với Tập Cận Bình, nước Trung Hoa « ẩn mình » của Đặng Tiểu Bình đang muốn vươn lên làm một siêu cường. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo nặng tính dân tộc chủ nghĩa của đảng Cộng Sản Trung Quốc mới đây đã khẳng định: « Thời một nước Trung Hoa bị khuất phục đã qua rồi… Cán cân lực lượng giữa phương Tây và Trung Quốc đang thay đổi ».
Le Figaro liệt kê một loạt hành vi hung hăng mới của Bắc Kinh, từ việc kích động căng thẳng ở các vùng biển bao quanh Trung Quốc, cho đến việc thúc đẩy các con tốt của họ ở châu Âu. Để làm suy yếu phương Tây, Trung Quốc đã sử dụng các phương pháp lũng đoạn thông tin giống như Nga, thậm chí còn dữ dội hơn.
Nga hòa hoãn hơn với phương Tây từ khi có dịch Covid-19
Từ lúc đại dịch bắt đầu, trong lúc Trung Quốc hung hăng thì Nga như đã giảm bớt thái độ thù địch với phương Tây. Nhân một hội nghị của trung tâm tham vấn Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations), Alexei Levinson, nhà nghiên cứu tại trung tâm Levada ở Matxcơva ghi nhận: « Thay vì đả kích trực tiếp phương Tây như thường lệ, Nga đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của virus ». Điện Kremlin cũng đã gửi vật tư y tế đến Hoa Kỳ.
Theo nhận định của Le Figaro, phải nói rằng Covid-19 đã phá vỡ các kế hoạch của Vladimir Putin, buộc ông phải hủy bỏ hai sự kiện nhằm củng cố ảnh hưởng quốc tế và tăng cường quyền khống chế chính trị của ông ở nước Nga. Đó là cuộc trưng cầu dân ý lẽ ra được tổ chức vào ngày 22/04, về dự án cải cách Hiến Pháp, cho phép ông duy trì quyền lực cho đến năm 2036, và lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Liên Xô trong Đệ Nhị Thế Chiến, dự trù tổ chức vào ngày 09/05, với sự có mặt của một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đánh dấu việc Nga hội nhập trở lại vào cộng đồng quốc tế, sau khi bị loại ra bên lề do vụ sáp nhập Crimée.
Nga cũng đang chịu tác hại từ tình trạng giá dầu quốc tế tụt giảm, đe dọa các kế hoạch đầu tư của tổng thống Putin. Theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI: « Đại dịch đã làm đảo lộn hai điểm chính trong chương trình nghị sự của ông Putin, củng cố các xu hướng đang
có trong hệ thống chính trị Nga, trong đó có việc uy tín của tổng thống Putin càng lúc càng bị xói mòn. Ông Putin cũng nhận ra rằng Nga không có ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới như lầm tưởng ».
Nỗi lo của Nga: Bị Trung Quốc che khuất về mặt chiến lược
Matxcơva hiện đang sợ rằng họ sẽ bị Trung Quốc làm lu mờ ở cấp chiến lược, sau cuộc khủng hoảng. Nga đang vật lộn để tìm chỗ đứng trong một thế giới lưỡng cực do Hoa Kỳ và Trung Quốc thống trị. Chính vì thế mà trong một cuộc họp với báo chí ngoại giao, ông Enrico Letta, chủ tịch Viện Jacques-Delors, đã cho rằng Nga đang cố xích lại gần cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ, thông qua một loạt cử chỉ hòa dịu, hợp tác.
Theo Le Figaro, Matxcơva gián tiếp hưởng lợi từ việc phương Tây ngày càng có lời lẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, mà các hành động đã buộc NATO điều chỉnh chương trình nghị sự và buộc Liên Hiệp Châu Âu thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn.
Chỉ có đui mù mới không thấy mối đe dọa của một Trung Quốc thô bạo
Chuyên gia Pháp về châu Á Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) phân tích: « Trung Quốc đã thô lỗ đến mức mà chỉ có đui mù mới không nhận thức được mối đe dọa. Và trong cùng một thời điểm, Nga đã rút về phía sau ».
Có điều là để đánh đổi với thái độ hòa dịu của mình, Vladimir Putin đã yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, điều đã bị cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu từ chối. Dù hai ông Donald Trump và Vladimir Putin có vẻ hợp nhau, nhưng chính quyền Mỹ vẫn ngăn chặn cố gắng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong thời điểm hiện tại. Thái độ hòa dịu của điện Kremlin kể từ khi đại dịch bắt đầu không làm cho vấn đề Ukraina thay đổi gì nhiều.
Sau cùng, nếu một số nước Tây Âu, như Pháp, đang kêu gọi một mối quan hệ mới với Matxcơva, thì các quốc gia Trung và Đông Âu lại không muốn như vậy. Đối với các nước này, Nga vẫn là mối đe dọa chính, vượt xa Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chuyên gia Alexei Levinson, nhà xã hội học tại trung tâm Levada cảnh báo: « Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế lớn nổ ra, những chỉ trích nhắm vào phương Tây sẽ lại rộ lên ».
Le Figaro kết luận: « Trong lĩnh vực chiến lược, các mối đe dọa không loại trừ nhau mà lại chồng chất lên nhau ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200508-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91ang-thay-nga-trong-vai-tro%CC%80-hi%C3%AA%CC%89m-h%E1%BB%8Da-chi%CC%81nh-%C4%91%C3%B4%CC%81i-v%C6%A1%CC%81i-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

Giá họa nguồn gốc virus cho Mỹ, Ý thất bại,

ĐCSTQ tiếp tục đổ cho Pháp

Truyền thông chính thức tại Trung Quốc mới đây đã công khai đánh tráo khái niệm trong luận văn của nhà khoa học Pháp, bẻ cong ý ban đầu của luận văn với ý đồ chuyển nguồn gốc của virus Trung Cộng (virus corona mới, virus viêm phổi Vũ Hán) sang nước Pháp. Tuy nhiên việc làm này đã bị truyền thông ngoài Trung Quốc vạch trần.
Tờ Nhân dân Nhật báo tại Trung Quốc hôm 3/5 cho biết, một nghiên cứu của Viện Pasteur Paris cho thấy, dịch bệnh tại Pháp do một loại virus không rõ nguồn gốc lan truyền tại bản địa gây ra. Hôm thứ Hai, cư dân mạng Trung Quốc đăng một bài viết tiếng Anh, nói Viện Pasteur cho rằng bùng phát dịch bệnh tại Pháp không phải là các trường hợp nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đài Á châu Tự do (RFA) đã tra lại luận văn của nhiều nhà khoa học Viện Pasteur lưu trữ ngày 24/4 trên mạng Khoa học sinh học BioRxi do Phòng thí nghiệm Cảng Cold Spring (Mỹ) sáng lập, kết quả phát hiện, báo cáo của truyền thông Trung Quốc Đại Lục đã ngầm thay đổi khái niệm, bẻ cong nguyên ý ban đầu trong luận văn của các nhà khoa học Pháp, từ đó đem nguồn gốc virus Trung Quốc “dẫn dắt một cách tài tình” đến nước Pháp.
Theo nguyên văn luận văn của Viện Pasteur Paris chỉ ra, mẫu bệnh thu thập đầu tiên ở châu Âu ngày 24/1/2020 là IDF0372 và IDF0373 đến từ Île-de-France (vùng thủ đô nước Pháp gồm 8 tỉnh), là các ca bệnh truyền trực tiếp từ Hồ Bắc Trung Quốc vào; ngoài ra, mẫu đối ứng với số hiệu IDF0515 là từ du khách Hồ Bắc Trung Quốc.
Nhân dân Nhật báo bóp méo phát biểu của ngà nghiên cứu Etienne Simon-Lorière của Viện Pasteur, phủ nhận virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, luận văn cho biết, mẫu bệnh thu thập đầu tiên ở châu Âu ngày 24/1/2020 là IDF0372 và IDF0373 đến từ Île-de-France, là các ca bệnh truyền trực tiếp từ Hồ Bắc Trung Quốc vào. (Ảnh: Trang chủ Facebook của Viện Pasteur Paris / ảnh chụp luận văn).
Đồng tác giả của luận văn này, bà Pr Sylvie Van der Werf – Giám đốc Trung tâm quốc gia về tham chiếu virus lây nhiễm qua đường hô hấp của Viện Pasteur Paris cho biết, ca bệnh nhập khẩu có triệu chứng đầu tiên tại Pháp chưa gây ra truyền nhiễm trên diện rộng; một chuyên gia khác của Viện Pasteur Paris là ông Etienne Simon-Lorière cho biết, căn cứ vào quan sát trước đây, sự lây lan virus tại Pháp có liên quan đến các ca bệnh không triệu chứng.
Học giả Pháp Marni Dubois đã phân tích về việc này, bà cho biết, nghiên cứu của Viện Pasteur cho thấy, các ca bệnh có triệu chứng nhập khẩu từ bên ngoài vào Pháp được cách ly và kiểm soát rất tốt, còn những người lây nhiễm không triệu chứng đã dẫn đến dịch bệnh lây lan ra quy mô lớn, nhưng điều này không có nghĩa là viện nghiên cứu phủ nhận nguồn gốc virus đến từ Trung Quốc.
Bà Marni Dubois cảm thấy phẫn nộ vì nội dung có tính lừa đối được bịa đặt trên truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và đem trách nhiệm đổ lên đầu người Pháp đang chịu nguy hại sâu sắc vì dịch bệnh, bà kêu gọi Chính phủ Pháp yêu cầu Trung Quốc công bố sự thật và truy cứu trách nhiệm.
Trên thực tế, từ tháng Hai năm nay, chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu hành vi công khai đổ trách nhiệm ra nước ngoài, khi đó ông Chung Nam Sơn đột nhiên lớn tiếng công khai rằng, virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc, nhưng nguồn gốc “không nhất định là tại Trung Quốc”. Sau đó, truyền thông Đại Lục, “chuyên gia”, đội quân trên mạng tại Trung Quốc đồng loại xuất kích, lần lượt đem nguồn gốc virus đổ cho Mỹ, Ý.
Ông Vương Long Mông (Wang Longmeng), một nhà bình luận thời sự tại Pháp cho rằng, sở dĩ chính quyền Trung Quốc Đại Lục có ý đồ đổ lỗi cho Pháp, là vì điều tra của các nước liên minh Ngũ Nhãn khiến cho chính quyền ĐCSTQ sốt ruột, vì thế ĐCSTQ không tiếc sử dụng cách làm hoàn toàn đảo lộn trắng đen, để che giấu chân tướng nguồn gốc virus.
Một ngày trước khi Nhân dân Nhật báo đổ tai họa cho Pháp, tờ Daily Telegraph tại Úc đã công bố một bản báo cáo nghiên cứu dài 15 trang của “Liên minh Ngũ Nhãn”, báo cáo chỉ ra sau khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán Trung Quốc hồi cuối năm ngoái, ĐCSTQ che giấu dịch bệnh và tiêu hủy mẫu virus, “phá hoại độ minh bạch quốc tế”, nguy hại cho thế giới, cuối cùng dẫn đến dịch bệnh lan ra khắp nơi, tạo thành trận ôn dịch thế kỷ.
(Ghi chú: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34590-gia-hoa-nguon-goc-virus-cho-my-y-that-bai-dcstq-tiep-tuc-do-cho-phap.html

Thách thức mà Pakistan đối mặt

 khi rời xa Mỹ và gần gũi với TQ

Giới quan sát đánh giá Pakistan có thể đối mặt với với nhiều thách thức lớn lao khi thay đổi đồng minh từ Mỹ sang Trung Quốc.
Quan hệ nhiều trắc trở giữa Mỹ và Pakistan
Việc quan hệ Mỹ-Pakistan xuống dốc trong những năm gần đây không có gì ngạc nhiên. Pakistan vốn là một đồng minh lâu năm của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh nhưng đấy là do tình huống ép buộc.
Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ban đầu tìm kiếm liên minh với Ấn Độ – đất nước có dân số đông thứ 2 thế giới và có vị thế chiến lược nhờ vào khả năng khống chế Ấn Độ Dương.
Nhưng Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã khước từ đề xuất này, thay vào đó, ông theo đuổi cách tiếp cận không liên kết.
Pakistan do ít có sự lựa chọn nên buộc phải hợp tác với Mỹ. Vì nếu gia nhập Phong trào Không liên kết, họ sẽ buộc phải ở chiếu dưới so với Ấn Độ. Do Phong trào Không liên kết có thiên hướng nghiêng về
vùng ảnh hưởng của Liên Xô, nên Pakistan cũng không thể tin tưởng Moscow để bảo vệ lợi ích của mình trước Ấn Độ.
Ban đầu cả Mỹ và Pakistan đều sẵn lòng gác các khúc mắc trong quá khứ sang một bên. Pakistan trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO) – còn gọi là khối Hiệp ước Baghdad.
Tuy nhiên khái niệm tương trợ phòng thủ trên đã gặp trục trặc khi chiến tranh bùng nổ giữa Ấn Độ và Pakistan, lần đầu vào năm 1965 và tiếp đó là vào năm 1971. Khi ấy Pakistan khẩn khoản yêu cầu Mỹ trợ giúp với lý do họ cho rằng Ấn Độ là bên xâm lược. Tuy nhiên giới chức Mỹ lặng lẽ đổ lỗi cho Pakistan vì đã châm ngòi cho xung đột này và từ chối hỗ trợ Pakistan. Pakistan đã thua trong 2 cuộc chiến tranh và nuôi dưỡng một mối oán giận thâm sâu đối với điều mà họ coi là sự phản bội của Mỹ.
Từ góc nhìn Pakistan, nước Mỹ cũng chỉ như một người bạn lúc tình hình tốt đẹp mà thôi.
Bắt đầu vào thập niên 1970, Quốc hội Mỹ đã áp đặt một loạt các lệnh cấm vận vũ khí và chế tài lên Pakistan do các hoạt động hạt nhân của Pakistan. Tuy nhiên hễ khi nào cần sự giúp đỡ của Pakistan thì chính quyền Mỹ lại dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để rồi lại thiết lập chính các lệnh đó khi họ không còn cần đến Pakistan nữa.
Dĩ nhiên Mỹ cũng có những buồn bực riêng của mình. Quốc hội Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt là vì họ cho rằng Pakistan ủng hộ các nhóm khủng bố, thậm chí cho trùm khủng bố Osama bin Laden trú ngụ. Hồi tháng 1/2020, Mỹ chính thức buộc tội 5 doanh nhân Pakistan đã điều hành một mạng lưới 5 công ty bình phong tìm cách lấy công nghệ Mỹ để thúc đẩy chương trình hạt nhân của Pakistan.
Trông cậy Trung Quốc nhưng liệu mọi việc sẽ yên?
Với lịch sử căng thẳng như vậy giữa Mỹ và Pakistan, dễ hiểu là Pakistan trở nên thân thiện với Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Pakistan nhìn thấy ở Trung Quốc chiều sâu chiến lược và một đồng minh có khả năng răn đe sự trả đũa của Ấn Độ qua tuyến kiểm soát giữa 2 nước, đồng thời lại ít có xu hướng chỉ trích Pakistan. Đối với Trung Quốc, Pakistan có thể là một thị trường lớn, cung cấp các kết nối trên bộ với khu vực Tây Á, và một cảng chiến lược ở Gwadar.
Nhưng rồi Pakistan cũng bắt đầu nhận ra nhiều vấn đề.
Hiện nay ngày càng có dấu hiệu cho thấy Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) có thể là tuyến đường chính dẫn tới tình trạng lây nhiễm bệnh Covid-19 vào Pakistan và rộng hơn là cả khu vực Nam Á. Pakistan đang phải chật vật dập các điểm nóng Covid-19. Các cộng đồng dân cư sống dọc theo Hành lang này ở Gilgit-Baltistan, Azad Kashmir, Punjab, Sindh và Baluchistan e sợ rằng hoạt động thương mại và giao thông của Trung Quốc dọc theo Hàng lang nói trên cũng như việc đẩy nhanh hoạt động thương mại trong nội địa Pakistan có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát như cháy rừng.
Thời tiết ngăn việc đi lại trên Hành lang vào mùa đông, nhưng khi xuân sang thời tiết ấm hơn, hoạt động thương mại bùng nổ, và sau Tết Nguyên Đán, vài trăm công nhân Trung Quốc đã quay trở lại Pakistan để làm việc cho dự án CPEC, nâng tổng số công nhân Trung Quốc làm việc trong các dự án khác nhau của CPEC lên mức từ 10.000 đến 15.000 người.
Hiện chưa có chỉ dấu nào về việc Trung Quốc đã lập các điểm xét nghiệm và cách ly cho các công nhân trong đại dự án CPEC ở Pakistan.
Gilgit-Baltistan là một điểm nóng ở Pakistan. Nơi đây chỉ có một trung tâm xét nghiệm Covid-19 và chỉ có thể kiểm tra 15 người một ngày. Vùng này được cho là chỉ 9 máy thở, trong khi các bác sĩ địa phương ước tính rằng họ cần ít nhất 200 máy như vậy.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34595-thach-thuc-ma-pakistan-doi-mat-khi-roi-xa-my-va-gan-gui-voi-tq.html

Indonesia triệu tập đại sứ Trung Quốc

về vụ ‘thủy táng’ thuyền viên

Triệu Hằng
Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 7/5 triệu tập đại sứ Trung Quốc để yêu cầu làm rõ vụ việc “thủy táng” thuyền viên Indonesia trên các tàu cá Trung Quốc, trong bối cảnh có nghi ngờ cho rằng các thuyền viên bị ngược đãi và bóc lột, theo Reuters.
Trước khi Bộ Ngoại giao Indonesia đưa ra yêu cầu nói trên, một kênh truyền thông Hàn Quốc đã phát hành một video ghi lại một vụ việc “chôn cất trên biển” từ một tàu Trung Quốc.
Đoạn phim cho thấy một nhóm đàn ông khấn vái xung quanh một túi đựng xác màu cam, sau đó ném nó xuống đại dương.
Một quan chức đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters sau khi vị đại sứ của họ bị triệu tập.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết trong một cuộc họp báo rằng, có ba thuyền viên người Indonesia qua đời trên tàu cá Trung Quốc, hai người vào tháng 12/2019 và một người vào tháng 3/2020, sau đó thi thể họ bị ném xuống biển.
Bà cho biết thêm, có một thuyền viên khác đã chết ở trên bờ vì viêm phổi trong một bệnh viện thành phố cảng Busan ở Hàn Quốc.
Bà Marsudi đã yêu cầu ông Xiao Qian, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia làm rõ, liệu hình thức chôn cất như vậy có phù hợp với quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay không và còn nguyên nhân nào khác trên tàu dẫn đến các ca tử vong nói trên.
https://www.dkn.tv/the-gioi/indonesia-trieu-tap-dai-su-trung-quoc-ve-vu-thuy-tang-thuyen-vien.html

Úc: ‘Mỹ tấn công TQ không giúp

cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid’

Các quan chức Úc bày tỏ bực dọc vì giả thuyết của Mỹ, nhất mực liên kết vụ bột phát dịch bệnh với phòng thí nghiệm Vũ Hán cản trở cố gắng của Canberra hối thúc một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19, các nguồn tin ngoại giao và tình báo nói với Reuters.
Viêc Washington tấn công TQ cho phép Bắc Kinh củng cố lập luận rằng yêu cầu của Úc mở một cuộc điều tra độc lập là một phần nằm trong nghị trình do người Mỹ dẫn đầu để quy lỗi cho TQ về vụ bột phát dịch corona.
Canberra đang ở trong thế kẹt giữa Washington, đồng minh chủ yếu, và Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất, dù cho Úc đã thành công trong việc kiềm chế dịch và đang lên kế hoạch để mở cửa kinh tế.
Một nguồn tin chính phủ nói rằng các quan chức Úc đang cố gắng làm việc để cuộc điều tra được công nhận là độc lập và có tính cách toàn cầu, và thái độ của Mỹ ,“cố bắt chẹt TQ” không giúp nước Úc thực hiện mục tiêu của mình, là tìm nguồn gốc của vụ bột phát để nó không xảy ra nữa.
Bộ Ngoại giao TQ nói kêu gọi mở cuộc điều tra là “thao túng chính trị, và khuyến cáo nước Úc nên bỏ đi những “thành kiến ý thức hệ”.
Cuối tuần trước, báo Daily Telegraph của Úc nói rằng chính phủ các nước phương Tây đang chuẩn bị một hồ sơ có thể cho thấy TQ đã cố tình giấu diếm và hủy bằng chứng về vụ bột phát dịch corona mới.
Báo cáo này được công bố không lâu sau khi TT Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã có bằng chứng cho thấy virus corona xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tâm dịch corona.
Hiện không có bằng chứng liên kết vụ bột phát dịch corona với phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, và các nhà khoa học nói virus corona có khả năng phát sinh trong thiên nhiên.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nhiều lần khẳng định rằng cho tới giờ ông không thấy có bằng chứng nào để ủng hộ giả thuyết virus corona xuất phát từ phòng thí nghiệm, và nguồn gốc có thể là một ngôi chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán.
Ông nói cuộc điều tra của Úc không nhắm vào bất cứ ai, Canberra chỉ muốn tìm hiểu điều gì đã xảy ra để tránh một vụ bột phát khác trong tương lại.
https://www.voatiengviet.com/a/uc-my-tan-cong-tq-khong-giup-dieu-tra-doc-lap-ve-nguon-goc-dich-covid/5411705.html

Nối tiếp Mỹ và Úc,

New Zealand ủng hộ Đài Loan tham gia WHO

Hải Lam
New Zealand hôm 7/5 đã lên tiếng ủng hộ Đài Loan tái tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tư cách quan sát viên, bất chấp sự chỉ trích từ Bắc Kinh.
“Lập trường của chúng tôi là đứng về phía các nước đang tìm cách đưa họ (Đài Loan) trở lại WHO với tư cách là quan sát viên như năm 2016”, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters phát biểu.
Theo tờ Sydney Morning Herald, ông Peters gọi Đài Loan là “một câu chuyện thành công nổi bật trên thế giới về việc ứng phó với Covid-19”.
“Họ có điều gì đó để hướng dẫn cho phần còn lại của thế giới, và mọi quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, chắc chắn muốn biết bí mật của sự thành công”, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand cho biết thêm.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Tài chính New Zealand, ông Grant Robertson, hôm 8/5 nói rằng: “Đài Loan có gì đó để chia sẻ ở WHO lúc này”.
Tính đến cuối ngày 8/5, Đài Loan mới chỉ ghi nhận 440 ca nhiễm Covid-19 và 6 ca tử vong trong tổng số khoảng 24 triệu dân, dù hòn đảo này ngay gần ổ dịch Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Đài Loan từng tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến 2016 khi quan hệ hai bờ eo biển ấm lên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngăn Đài Loan tiếp tục vai trò này tại WHO từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối chính sách “Một Trung Quốc” lên nắm quyền.
Hôm 5/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An nói rằng Trung Quốc không thể đại diện cho hòn đảo tại WHO, đồng thời kêu gọi tổ chức này thoát khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh trong đại dịch.
Theo CNA, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/5 kêu gọi WHO vượt qua áp lực từ Trung Quốc và mời Đài Loan tham gia cuộc họp thường niên của WHA để bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm về đại dịch Covid-19.
Tờ Breitbart đưa tin, một quan chức cấp cao của Úc hôm 1/5 nói rằng một đại dịch toàn cầu cần một phản ứng toàn cầu và nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa WHO và tất cả “giới chức y tế”, trong đó có cả phía Đài Loan.
https://www.dkn.tv/the-gioi/noi-tiep-my-va-uc-new-zealand-ung-ho-dai-loan-tham-gia-who.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.