Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 25/06/2019

Tuesday, June 25, 2019 // ,

Đọc báo Pháp – 25/06/2019

Mỹ – Trung : Người ồn ào, kẻ lặng lẽ

Báo Le Figaro trên mục Ý Kiến có câu hỏi : « Làm thế nào Trung Quốc từng bước một mở rộng tầm ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc ? ». Câu hỏi được đặt ra vào lúc hôm Chủ Nhật 23/06/2019, ứng viên Trung Quốc, Khuất Đông Ngọc, bỏ xa đối thủ Pháp, bà Catherine Geslain-Lanéelle, để được bầu chọn làm chủ tịch tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc.
Thắng lợi này của Trung Quốc cho thấy rõ một kế hoạch chiến đấu thật sự để chiếm giữ nhiều vị trí chiến lược trong bộ máy điều hành của Liên Hiệp Quốc : Các tổ chức phụ trách hàng không dân sự quốc tế, phát triển công nghiệp và viễn thông. Hiện cơ quan phụ trách Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc là do một người Trung Quốc lãnh đạo.
Thế nhưng, sự thèm muốn vô độ này của Trung Quốc đang khiến nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách « áp đặt các luật chơi của họ tại quỹ FAO để phục vụ lợi ích riêng của Trung Quốc », theo như nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu.
Là một nước nhập khẩu nông sản hàng đầu, nhiều nước e ngại Trung Quốc tìm cách thâu tóm đất nông nghiệp tại các nước châu Phi. Hơn nữa, việc có vai trò ngày càng lớn tại Liên Hiệp Quốc quy tụ đến 193 nước thành viên đủ cho phép Trung Quốc bóp nghẹt mọi tiếng nói chỉ trích nhắm vào nước này.
Thách thức khác không kém phần quan trọng : Trung Quốc, ngày càng cạnh tranh dữ dội với Hoa Kỳ giành quyền bá chủ, cũng đang tìm cách vạch lại các nguyên tắc lãnh đạo thế giới. Sự hiện diện của Bắc Kinh trong các tổ chức Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép Trung Quốc xúc tiến các chuẩn riêng của mình, thay thế những chuẩn mực do Hoa Kỳ thiết lập ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.
Theo đó, nhân quyền sẽ được dựa theo phát triển kinh tế và xã hội (chứ không dựa theo việc bảo đảm các quyền tự do). Một cách tổng quát hơn là từ bỏ « các giá trị phổ quát » (mà Trung Quốc xem đấy là những giá trị của phương Tây), để phát triển mô hình chính trị chuyên chế Trung Quốc.
Le Figaro lưu ý, cách tiếp cận này không chỉ được áp dụng ở Liên Hiệp Quốc. Dự án khổng lồ « Con đường Tơ lụa mới » nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp hành tinh còn giúp cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao.
Đế chế Trung Hoa đã thành lập những cơ chế cạnh tranh với những định chế hiện hữu như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á để làm đối trọng với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Hay như thành lập nhóm 16+1 với sự tham gia của Trung Quốc cùng nhiều nước Đông – Trung Âu, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Một dạng « con ngựa thành Troy » gây khó chịu cho nhiều nước châu Âu lớn.
Là người Trung Quốc đầu tiên điều hành quỹ FAO, ông Khuất Đông Ngọc cam kết « không thiên vị và trung lập » và « minh bạch » hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Le Figaro lưu ý : « Lời nói phải đi đôi với việc làm » mới mong xóa tan được các ngờ vực.

RCEP : Công cụ kinh tế của Trung Quốc với ASEAN

Trong khi đó tại Đông Nam Á, « Trung Quốc thúc đẩy nhanh dự án thỏa thuận tự do mậu dịch vùng châu Á – Thái Bình Dương ».
Theo Les Echos, bị Hoa Kỳ đẩy vào một cuộc chiến thương mại dai dẳng, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nhanh hơn nữa hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP, quy tụ 16 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Được hình thành năm 2012, hiệp định này giờ có tính thời sự hơn bao giờ hết sau khi tổng thống Trump thông báo rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trên nguyên tắc, RCEP tập hợp các nước thành viên khối ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand nhằm hình thành một vùng trao đổi mậu dịch lớn nhất thế giới.

Căng thẳng Mỹ – Iran : Macron và Abe,

phao cứu hộ cho Mỹ ?

Căng thẳng Mỹ và Iran đến hồi cao trào. Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro hối thúc « Macron và Abe phải hành động nhanh chóng ! ». Trong tình hình căng thẳng hiện nay, việc tổng thống Pháp đến Tokyo gặp thủ tướng Nhật Bản, hai ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20 là một cơ hội để hình thành một liên minh « hòa giải » căng thẳng Mỹ và Iran.
Nhà báo Girard nhắc lại tổng thống Trump không hề muốn chiến tranh, nhưng hai cộng sự thân cận John Bolton – cố vấn an ninh quốc gia và Mike Pompeo – ngoại trưởng lại là những kẻ hiếu chiến, không hề che giấu ý đồ lật đổ chế độ Teheran bằng vũ lực.
Thế nhưng, phe quân đội tỏ ý dè chừng trước những ý đồ này của hai nhân vật diều hâu, nhất là ông Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Hơn ai hết, giới quân nhân Mỹ hiểu rất rõ thế nào là một cuộc chiến, nếm mùi ra sao những khổ nhọc, hậu quả khó lường mà chiến tranh gây ra, rồi những khó khăn để thoái lui khi họ muốn…
Tướng Dunford cũng hiểu rõ rằng người Mỹ sẽ chẳng bao giờ kiểm soát được các leo thang xung đột với các giáo chủ Iran, cũng như nghi ngại khả năng chiến đấu của lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran trong khắp cả vùng Trung Đông. Họ có thể đẩy các lực lượng Mỹ đang đồn trú ở Trung Đông vào một cuộc chiến bất cân xứng khó làm chủ. Mà bài học hiển nhiên hiện nay là cuộc chiến Afghanistan.
Tổng thống Trump cũng như nhiều nghị sĩ, bất kể là Dân Chủ hay như Cộng Hòa, dường như hiểu rõ cái giá phải trả nếu Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến với Iran. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là tổng thống Mỹ lại không có một phương tiện nào để đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tinh thần tối cao Khamenei. Hội đồng An ninh Quốc gia, bộ Ngoại Giao và CIA cũng không giúp ích gì được cho ông. Chiến tranh có nguy cơ bất ngờ nổ ra. Bolton và Pompeo có thể đẩy Iran phạm phải sai lầm.
Do vậy, theo tác giả, để có thể đưa nhân loại ra khỏi cuộc chiến địa chính trị này, Macron và Abe phải nhanh chóng hành động. Nước Pháp và Nhật Bản phải làm giao liên giữa Teheran và Washington, cho đến khi nào Mỹ và Iran nghiêm túc chấp nhận ngồi lại đàm phán. Chính vào lúc này họ sẽ đạt được thỏa thuận. Bởi vì, bên này cũng như bên kia, về lâu dài, đều có lợi cả.

Iran và Mỹ :

Donald Trump điều chỉnh hướng bắn

Liệu lời kêu gọi của ông Renaud Girard có bị chậm trễ rồi không ? Bởi vì, theo Les Echos, hôm qua, 24/06/2019, tổng thống « Trump đã trừng phạt giáo chủ Khamenei »
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm lãnh đạo tinh thần tối cao Iran và những người thân cận của ông tiếp cận các hệ thống tài chính quốc tế, với hy vọng đủ gia tăng áp lực với Iran nhằm kéo nước này ngồi vào bàn đàm phán. Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể vận động các nước về việc bảo đảm an ninh hàng hải nhân thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Tóm lại, « để chống Iran, Trump điều chỉnh hướng bắn » như hàng tựa nhận xét của Libération.

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Đấu khẩu NATO-Nga về tên lửa tầm trung loại mới. 
Ngày 26/06/2019 các bộ trưởng Quốc Phòng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương có cuộc họp về tên lửa tầm trung loại mới của Nga, bị xem là vi phạm hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung FNI. NATO kêu gọi Matxcơva hủy bỏ tên lửa Novator 9M729 (SSC-8) từ nay cho đến tháng 8. Ngày hôm qua, Matxcơva, qua tuyên bố của thứ trưởng Quốc Phòng Serguei Riabkov, cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng « nghiêm trọng » như vụ Cuba vào năm 1962, nếu NATO đưa tên lửa tầm trung trở lại châu Âu như thời chiến tranh lạnh.
(AFP) -Drone lại làm rối loạn hàng không Singapore.
Vận chuyển hàng không tại sân bay Singapore tối qua 24/06/2019 đã bị rối loạn vì các vật thể bay không người lái (drone). Khoảng 18 chuyến bay đã bị trễ, và 7 chuyến bị chuyển sang sân bay khác. Đây là lần thứ hai. Tuần trước phi trường Changi cũng đã phải đóng một phi đạo vì phát hiện drone. Các vật thể không người lái này là nỗi lo của hàng không thế giới. Tháng 12/2018, sân bay Gatwick của Anh bị tê liệt 36 tiếng đồng hồ, gây trở ngại cho hàng chục ngàn hành khách trong dịp lễ Nöel.
(AFP) -Pháp bị thất thu mật ong do biến đổi khí hậu. 
Các nhà sản xuất mật ong Pháp hôm nay 25/06/2019 dự báo sản lượng năm nay là « thảm họa » do các điều kiện khí hậu bất thường những tuần lễ vừa qua. Đàn ong không mang được gì về tổ, người nuôi phải cho chúng ăn si-rô để tránh cho ong bị chết đói. Mật ong Pháp nổi tiếng là tốt, trong một phần tư thế kỷ qua đã bị giảm hơn phân nửa, nay chỉ còn khoảng 16.000 tấn/năm.
(AFP) -Bị khởi tố vì đánh cắp tượng Marilyn Monroe ở Hollywood. 
Austin Clay, 25 tuổi, hôm 24/06/2019 đã bị khởi tố vì lấy trộm một bức tượng của cố diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe tại Hollywood. Thanh niên này bị bắt nhờ nhận diện qua camera giám sát, đã từng có tiền án phá hoại ngôi sao trên đại lộ danh vọng của tổng thống Donald Trump năm 2018, có nguy cơ lãnh án đến 3 năm tù.
 (AFP) - Donald Trump được Kim Jong Un chúc mừng sinh nhật. 
Hôm qua, 24/06/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã chúc mừng sinh nhật ông trong bức thư mà ông nhận được trong tháng này. Theo hãng tin AFP, tổng thống Mỹ đã tiết lộ như trên tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng khi các phóng viên hỏi ông về nội dung bức thư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Ông Trump vừa ăn mừng sinh nhật 74 tuổi hôm 14/06 vừa qua.
(AFP) - Bị tố cưỡng hiếp nhà báo, Trump phản bác. 
Bị một nữ phóng viên tố cáo đã bị ông cưỡng hiếp tại New York vào thập niên 1990, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã bác bỏ lời tố cáo này. Trả lời phỏng vấn trang mạng The Hill của Mỹ, ông nói : « Thứ nhất, bà ấy không phải là loại phụ nữ tôi thích và thứ hai, chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Đã không bao giờ xảy ra, OK ? ». Năm nay 75 tuổi, E.Jean Caroll, người viết xã luận nổi tiếng của ấn bản Mỹ của tạp chí Elle, trả lời phỏng vấn tạp chí « New York » vào tuần trước đã tố cáo bị nhà tỷ phú hãm hiếp trong một cabin thử quần áo vào năm 1995 hoặc 1996.
(AFP) - Miến Điện : Kêu gọi phi hình sự hóa đồng tính. 
Hôm nay, 25/06/2019, tại Miến Điện, cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới và song tính LGBT đã kêu gọi chính quyền đừng xem đồng tính là một tội nữa và phải gia tăng chống những hành vi sách nhiễu giới đồng tính, sau vụ một thanh niên đồng tính tự sát. Trước khi tự kết liễu cuộc đời, trên trang Facebook, nạn nhân, làm việc trong một trường đại học, đã kể những đau khổ mà anh phải gánh chịu do bị các đồng nghiệp truy bức.

Tin Kinh tế


Powered by Blogger.