Cầm tay, chỉ việc cho cựu Bộ trưởng Hoàng Trung Hải
Monday, March 11, 2019 //
Diễn Đàn
10-3-2019
Trước hết tôi giải thích về nhân vật được chỉ danh là ông cựu bộ trưởng Hoàng Trung Hải. Vừa qua tôi đọc báo chí thấy ông nhất trí với giải pháp, lộ trình cấm xe gắn máy vào các thành phố trong đó có Hà Nội với tinh thần “Càng nhanh càng tốt” và thu phí vào nội thành nên tôi chọn ông.
Tôi cũng không muốn đối thoại với ông trên cương vị Bí thư thành ủy HN vì thật tình, tôi không coi trọng vị trí công tác này, thậm chí, trong bộ đầu bất trị của tôi, vị trí này không có cũng được.
Nhiều thành phố lớn hơn HN trên thế giới được điều hành tốt hơn, không có “Bí thư thành ủy” hoặc có, thì vị trí này không can dự nhiều vào quyền bính của Thị trưởng hoặc chủ tịch TP.
Nhưng tôi chọn ông vì ba lí do:
Một là: Ông khá trẻ hơn lớp cán bộ già cỗi, khó tiếp thu cái mới.
Hai là, ông đã làm Bộ trưởng Công nghiệp, liên quan đến nội dung tôi viết hôm nay.
Ba là, tôi biết loại cán bộ như ông có thể còn tại vị một hai nhiệm kỳ nữa. Hơn nữa, trong cơ cấu, cơ chế cầm quyền ở ta, thì tiếng nói của ông ít nhiều có thể góp phần điều chỉnh chính sách, điều mà tôi mong muốn nhất khi bỏ công việc, tận tâm tận lực viết những dòng này.
Nội dung trao đổi có thể rất dài nhưng trên mặt bằng Facebook, tôi cố gắng rút gọn lại thành hai bài. Hôm nay là bài thứ nhất. Nếu ông thắc mắc hoặc cần giải trình thì gọi tôi, tôi sẽ chỉ rõ ở các mặt bằng trao đổi khác khi cần.
Bài này, như đã nói, đề một danh vị cụ thể cho tiện nhưng nó cũng là lời chung trao đổi với Bộ chính trị, Chính phủ và một trong những mục tiêu lớn nhất của tôi là các trường đại học chuyên ngành như Luật & Kinh tế, Đại học GTVT học viện Hành chính Quốc gia và các chuyên gia về chính sách.
Bây giờ xin vào đề chính. Trong báo cáo của ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nêu quan điểm chống xe cá nhân, tiến tới triệt xe máy, cấm đăng ký xe máy, thu phí xe vào nội thành là một mớ lý luận mông lung, một số quan sát phiến diện và những lộ trình có thể nói là tào lao, thực tâm tôi không thèm chấp.
Nhưng có hai điều ông này nói đúng:
1. Khí thải từ xe cá nhân góp phần đầu độc môi sinh nghiêm trọng.
2. Tạo ùn tắc, làm giảm chất lượng cuộc sống, ngưng trệ các hoạt động tăng trưởng.
Vâng. Tôi nhất trí hoàn toàn như vậy.
Nhưng nhìn từ góc độ chính sách, việc chống lại hai cái vấn nạn trên bằng cách cấm xe cá nhân, nó giống như nhà nào đó thấy đứa con bị đứt tay khi chơi dao, đem vứt hết dao, kéo đi.
Nội dung ‘chính sách” này không có gì mới, không có gì là logic hay lấp ló phẩm chất trí tuệ cả. Nó mong manh, bế tắc và có biểu hiện chuẩn bị vi phạm pháp luật Dân sự về quyền sở hữu tài sản khi cấm cách như trên. Nó đã nhiều lần được hô lên, được áp dụng rồi lại từ từ chìm xuống, không ra thể thống gì cả.
Không gì vô lý hơn khi chính các ông, chính sách phát triển không hợp lý của các ông tạo ra cái hệ quả này, nay các ông đè dân ra để … thu phí cả!
Vậy thì ứng phó với hai vấn nạn có thật kia bằng cách nào?
Cần biết, có những loại vấn nạn KHÔNG THỂ CHỐNG ĐƯỢC. Ví như một thành phố hạng ba của Mexico, không thể giết bớt dân bởi họ đã làm cho thành phố quá tải dân số do sinh đẻ tự do nhiều thập kỷ trước, gây đói nghèo, tệ nạn hôm nay khá lên được. Nhưng điều chỉnh nó theo hướng đỡ tệ hơn thì được. Từ đây ta đặt thử vài dấu hỏi:
Một là: “Vì sao muôn dân đổ về HN sinh sống mà không ở lại địa phương làm ăn?”
Hai là: Tình hình này đã được cảnh báo, cấp báo vài chục năm nay, chính phủ và HN đã làm gì để ngăn nó lại?
Ba là: Nếu không làm gì hoặc “Làm gì” không hiệu quả, dân số vống lên như bây giờ thì bây giờ làm cách nào để không ùn tắc, không tăng lượng khí thải?
Để giải quyết tốt vấn đề, hôm nay có nhiều góc độ quan sát, nhiều luận điểm đa phương diện nhưng nếu chỉ “xoáy” vào ba câu hỏi trên, sẽ ra việc.
Đến đây, xin đi vào cốt lõi của bài viết này, cũng là hướng mở cho hiện trạng nặng nề này bằng cách làm rõ câu 01.
LỖI CHÍNH TỪ CHÍNH SÁCH
Tôi nêu câu hỏi trên rồi tập trung làm rõ xong tạm chấm dứt bài thứ nhất này. Còn những ý kiến khác sẽ bàn sau.
Tôi cho rằng ít nhất 60% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, các mặt hàng hiện nay có thể khởi nghiệp, phát triển, tồn tại ở xa Hà Nội 50 km trở lên. Nói cách khác, hiện Hà Nội, TP HCM tồn tại một năng lực bằng 60% tổng đầu tư phát triển là những doanh nghiệp, sự nghiệp có thể làm ở nhiều nơi khác cách Sài Gòn, Hà Nội từ 50 đến 500 km!
Tôi sẵn sàng tranh luận với ông Hải và bất cứ ai về điều này.
Vâng, thưa các bạn. Chỉ cần chúng ta, chỉ cần ông Hoàng Trung Hải, ông Vũ Văn Viện có cú “giật mình chiến lược” từ câu hỏi này là “ra việc”.
60% diện này có ý nghĩa gì? Nó là hàng triệu công nhân viên chức! Và nó di chuyển trên hàng triệu phương tiện cá nhân có, công cộng có trong một khu vực hẹp. Để làm rõ, hãy tìm hiểu và hình dung ra nguyên diện xe con của ban Giám đốc, xe tải tiếp liệu, xe chuyên dụng của các nghề nghiệp, xe chở công nhân đi về. Thế thôi, chưa cần tính đến “phương tiện cá nhân” đã đủ “chết” rồi.
Xin nói rõ: Với khoảng 5000 nhà máy, xí nghiệp dạng này thì số xe kia không phải nhỏ và chính nó, cũng góp phần khói bụi, ách tắc.
Ông Hoàng Trung Hải hãy làm theo hướng này của tôi: Lập một dự án gọn, sắc, trong 6 tháng lên bằng được một tổng hợp các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường sở dạng nếu không ở Hà Nội thì ở đâu cũng được thậm chí nó còn tốt hơn, nó giúp các địa phương phát triển hơn, sẽ giúp ông và lãnh đạo Hà Nội hiểu ra mọi sự.
Làm việc này để làm gì? Để biết rằng: Hiện trạng nặng nề này là do CHÍNH SÁCH, mà chính sách là sản phẩm của các ông.
Nó không thấu đáo. Nói cách khác là nó sai. Sai từ 20 năm nay. Nó thiếu tầm nhìn. Nó miễn chấp các cảnh báo. Nó như muốn bỏ rơi các vùng miền. Nó rúm vào mâm tiệc “lợi ích địa phương cục bộ”. Nó chỉ nhằm vào số tiền thuế. Nó vươn lên những cái “nhất” để giải quyết khâu oai. Nó hút nhân lực vô tội vạ vào vài chục cây số vuông vốn đã đông dân cư như nấm.
Để đối phó với nó, một cách xem như tích cực nhất là đổ một núi tiền vào xây dựng những đường bộ trên cao và vài chục cây cầu vượt.
Cùng lúc đó (và còn đang tiếp diễn), xây những tổ hợp cao ốc che hết cả nắng trời, san sát nhau như khu Lê Văn Lương, Phạm Hùng v.v… với mật độ bê tông hóa khủng khiếp. Với hiện trạng này, hãy hiểu ý kiến của ông Viện và ông Hải, nếu được thực thi, cũng KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC GÌ CẢ.
Tôi mong được sống, minh mẫn thêm 10 năm nữa để nhận biết điều tôi tiên đoán này:
Năm 2025, chiều dài những con đường mới tăng khoảng 20% so với 2018.
Năm 2025 xe cá nhân, cụ thể là xe gắn máy giảm 30%. (Tự giảm, chưa cần các ông cấm).
Năm 2025 lượng xe ô tô con phát triển, tham gia giao thông nội thành tăng 50% so với 2018. (Đây là điều tất yếu, khỏi bàn cãi, và như vậy chỉ số phát triển hãy còn chậm. Nên biết thủ đô Moskva hơn chục triệu dân mà có 5,6 triệu ô tô. Còn Hà Nội hiện nay chưa được nửa triệu chiếc).
Và như thế, “chết” vẫn hoàn chết. Khí thải ô tô cao gấp 5 lần xe máy. Độ choán đường cao gấp 10 lần xe máy. Tắc nghẽn và ngột ngạt hơn bây giờ nhiều! Không thể khác.
Trên đường vành đai qua Đại học bách khoa HN hoặc Phạm Hùng – Mỹ Đình, An Sương – An Lạc TP HCM nhiều hình ảnh ách tắc có tới 90% là ô tô, xe máy chỉ vài chiếc len lỏi là biết.
Tôi chờ phản biện từ ông Hải, từ tư cách cựu Bộ trưởng và những người muốn phản biện luận điểm này.
Thông điệp lớn nhất trong bài số 1 này tôi muốn nói với các ông là: Nếu không làm được điều gì ra hồn thì đừng làm gì cả, cho đến lúc về hưu, chứ đừng tạo ra những chủ chương khốn khổ như kiểu dọa thu phí vào nội thành này.
Kỳ tới tôi sẽ viết về hướng mở cho hiện trạng này và nó mới bó sát vào cái tựa đề “Cầm tay chỉ việc” như trên đầu bài.
Chắc chắn là không phải việc cấm xe cá nhân và chiếm những con đường đang khốn khổ làm cái dự án quái đản có tên BRT.
Hôm nay tôi dùng một video tôi thu tại Thủ đô cách đây một tuần, để thấy những hình ảnh này, những sản phẩm này tạo bởi không gian ông Hải làm bộ trưởng Bộ Công nghiệp và cái Tầm nhìn của các ông.
https://baotiengdan.com/2019/03/11/cam-tay-chi-viec-cho-cuu-bo-truong-hoang-trung-hai/