Tin Việt Nam – 11/03/2019
Monday, March 11, 2019
6:46:00 PM
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Sẽ kiểm tra, giám sát việc thu phí 11 trạm BOT
Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam cho biết vừa lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu phí của 11 trạm thu phí đường bộ BOT trên cả nước.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 11/3, cho biết thêm kết quả kiểm tra phải được hoàn thành và báo cáo về Tổng cục trong quý 2 năm nay. 11 trạm BOT sẽ bị giám sát công tác thu phí gồm trạm Phả Lại, trạm Tam Nông, trạm Thái Hà, trạm Tiên Cựu, trạm Km11+625 Quốc lộ 38, trạm Km1807+500 đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Đăk Nông, trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh ở tỉnh Đăk Lăk, trạm cầu Rạch Miễu, trạm cầu Cổ Chiên, trạm cầu Mỹ Lợi, trạm Km166+600 ở tỉnh Bình Thuận.
Để kiểm tra, các Cục quản lý đường bộ sẽ phối hợp với đại diện Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục cảnh sát kinh tế thuộc Bộ Công an (nếu có) và Cục thuế địa phương nơi đặt các trạm BOT.
Kế hoạch được đưa ra sau khi có một số công dân lên tiếng đòi minh bạch trong việc thu phí BOT. Tại BOT Ninh Lộc và Bắc Thăng Long- Nội Bài, một số người dân và tài xế tham gia kiểm đếm số xe qua trạm để tính toán khoản kinh phí đầu tư và thời gian thu phí mà chủ đầu tư đưa ra.
Mới đây nhất, vào ngày 7/3, Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa đã gửi văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Công an, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải để thành lập công tác liên ngành thực hiện giám sát thu phí tại Trạm thu phí Ninh Lộc.
Lý do được chủ đầu tư nêu ra là vì lo ngại về nguy cơ an toàn an ninh và mất kiểm soát trạm, trước việc người dân đến tại trạm BOT Ninh Lộc đếm xe qua trạm. Bên cạnh đó, theo chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, số liệu của những người kiểm đếm vừa công bố gần đây là do người dân tự đưa ra, không được kiểm chứng.
Về phía nhóm kiểm đếm, người đại diện nói với Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục kiểm đếm lại do số liệu lần trước đã bị mất cắp, và trong lần này sẽ sử dụng camera để ghi nhận lượng xe qua trạm một cách chính xác và có cơ sở pháp lý để gởi cơ quan chức năng.
Truyền thông trong nước cũng trích lời một thành viên trong nhóm kiểm đếm nói với báo Lao Động cho biết sẽ sẵn sàng phối hợp với chủ BOT, đoàn kiểm tra và chính quyền địa phương để giám sát việc kiểm đếm này.
Vấn đề thu phí của các trạm BOT bị công luận đặc biệt thắc mắc sau khi xảy ra vụ cướp tại trạm BOT Dầu Giây hôm ngày 7 tháng 2, tức mồng 3 Tết Âm Lịch Kỷ Hợi. Số tiền bị hai kẻ cướp lấy đi được nói là 2,2 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ sau đó cũng cho thanh tra trạm BOT Dầu Giây từ ngày 28/1-8/2. Kết quả được Tổng cục thông báo rằng số tiền thu phí trùng khớp với báo cáo trước đó.
Người dân đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc:
niềm tin đã “bị tát cạn”
Tin Việt Nam – Báo Lao Động ngày 10 tháng 3 loan tin, gần 10 ngày qua, một nhóm người dân ở nhiều địa phương khác nhau đã thực hiện ngồi đếm xe hơi qua trạm thu lệ phí BOT Ninh Lộc trên quốc lộ 1A, tỉnh Khánh Hòa vì nghi ngờ chủ đầu tư BOT này gian lận chiếm đoạt tiền của người dân.
Tác giả bài viết trên tờ Lao Động cho rằng, hoạt động giám sát của người dân không chỉ tạo hình ảnh phản cảm, mà còn xảy ra xung đột bởi hoạt động thiếu tổ chức, bất thường, và không khoa học. Còn Bộ giao thông vận tải CSVN thì có phản ứng không thuyết phục, bất nhất vì lúc thì nói dân sai, không có quyền kiểm tra, giám sát, nhưng lúc thì lại nói dân đúng, và có quyền.
Sở dĩ có chuyện người dân giám sát BOT Ninh Lộc vì thời gian qua đã có hàng loạt các dự án BOT đường bộ cả nước bị phát hiện có nhiều sai phạm nghiêm trọng, thiếu minh bạch nhằm bóc lột tiền của người dân.
Gần đây nhất là vụ mất trộm hơn 2 tỷ đồng tại trạm thu lệ phí BOT Dầu Giây ở Đồng Nai. Đây được xem là “giọt nước tràn ly,” và hành động tự lập trạm để đếm xe hơi qua BOT Ninh Lộc đã chứng minh niềm tin của người dân đã bị tát cạn.
An Nhiên
Hải Dương: Người dân phản đối nhà máy rác gây ô nhiễm
Trang tin Kiến Thức hôm 11/3 cho biết nhiều hộ dân tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thời gian qua đã gửi đơn phản đối tới các cơ quan chức năng huyện Cẩm Giàng về dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải để phát điện tại xã Lương Điền vì lý do ô nhiễm.
Trang tin của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã lấy ý kiến của người dân địa phương cho biết có không ít bãi rác sinh hoạt được chôn lấp sơ sài tại địa phương, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt đối với nguồn nước, đó là chưa kể mùi từ bãi rác bốc lên nồng nặc.
Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải được địa phương xã định là để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tư những bãi rác thải sinh hoạt.
Nhà máy do công ty United Expert Investments LTD và công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt đầu tư với tổng vốn đầu tư là 45 triệu đô la, có công suất 500 tấn/ ngày đêm và dự kiến hoàn thành vào sau năm 2020.
Tuy nhiên người dân địa phương đã nhiều lần gửi đơn tập thể lên Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương để kiến nghị. Thậm chí, theo Kiến Thức, hàng trăm người dân đã hai lần kéo lên trụ sở tiếp dân của ủy bân nhân dân tỉnh Hải Dương và xã Lương Điền để bày tỏ nguyện vọng. Người dân cho rằng nhà máy được xây dựng quá gần khu dân cư.
Hòa Bình: Nhận tiền để nâng điểm cho 140 bài thi
Có đến 140/210 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2018 tại Hòa Bình bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án để nâng điểm.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Bộ công an loan tin vừa nêu hôm 11/3.
Liên quan tới việc gian lận điểm, Bộ Công an đã chuyển kết luận đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 3 bị can Nguyễn Quang Vinh – nguyên Trưởng phòng khảo thí và Quản lý giáo dục; Đỗ Mạnh Tuấn – Phó hiệu trưởng Trung học Phổ thông – Trung học Cơ sở dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn – chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tin cho biết Bản kết luận điều tra xác định, ngày 15/5/2018, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Hòa Bình có quyết định thành lập Hội đồng thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018. Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn đều nằm trong tổ chấm thi trắc nghiệm, trong đó bị can Vinh làm tổ trưởng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các bị can đã có hành vi sửa chữa, nâng điểm cho các thí sinh, làm sai kết quả. Các bài thi này đã được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2-9,25 điểm/một môn thi. Theo kết luận điều tra, bị can Mạnh Tuấn đã thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để can thiệp sửa bài thi trắc nghiệm của các thí sinh.
Mỗi lần tăng lương,
giáo viên ở Quảng Ngãi bị tịch thu 10,000 đồng
Tin Quảng Ngãi – Báo Vnexpress ngày 10 tháng 3 loan tin, từ năm 2016 đến nay, mỗi lần có quyết định tăng lương cho giáo viên, phòng giáo dục huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại cưỡng chiếm của mỗi giáo viên 10,000 đồng. Sau nhiều năm chịu đựng bị cưỡng đoạt số tiền này, cách đây hai tháng, đã có người làm đơn tố cáo sự việc.
Ban thường vụ huyện ủy Bình Sơn đã vào cuộc thanh tra và khẳng định đơn tố cáo là đúng sự thật. Theo kết quả thanh tra, chỉ riêng năm 2018, các viên chức ngành giáo dục huyện Bình Sơn đã thu tiền trên 2,400 quyết định tăng lương, quyết định phụ cấp đối với các giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, số tiền thu được là 24 triệu đồng.
Giải thích về việc thu tiền này, ông Hường Vĩnh Nhân, chuyên viên Phòng giáo dục huyện nói rằng, 50% số tiền thu được giao cho Phòng nội vụ để nhân sao thêm văn bản, và hỗ trợ cho cá nhân làm ngoài giờ, số tiền còn lại dùng cho công tác thẩm định hồ sơ, tăng lương.
Đại diện huyện ủy Bình Sơn khẳng định, việc thu 10,000 đồng trong mỗi quyết định diễn ra liên tục kéo dài 12 năm là không đúng quy định, nên huyện ủy yêu cầu phòng giáo dục chấm dứt việc thu tiền này, và hoàn trả đầy đủ cho các giáo viên.
An Nhiên
Chuyện Phạm Cao Lâm bị Thái Lan trục xuất về Việt Nam
Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Tin ông Phạm Cao Lâm, một khuôn mặt quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Bangkok, cùng gia đình, bị cảnh sát Thái Lan bắt ngày 1/3 làm xôn xao dư luận.
Vợ con của ông Cao Lâm bị trục xuất cuối tuần trước, và bản thân ông sẽ phải rời khỏi Bangkok, nơi họ đã sinh sống trong 16 năm qua, vào sáng thứ Ba ngày 12/3.
Việc cảnh sát Thái Lan bắt ông Phạm Cao Lâm và gia đình, rồi cuối cùng trục xuất họ, được cho là vì trước áp lực quốc tế, Thái Lan muốn tìm ra manh mối cho cuộc điều tra về sự mất tích của blogger Trương Duy Nhất.
Sáng 11/3, phóng viên của BBC đến gặp ông Cao Lâm tại (Immigration Detention Center – IDC), Trung tâm Tạm giam Di trú, để hỏi rõ sự tình.
BBC:Xin được hỏi tình hình của anh trong trung tâm tạm giam này ra sao.
Cao Lâm: Ngày mai tôi bị trục xuất về Việt Nam rồi.
BBC:Sở Di trú Thái Lan họ mua sẵn vé cho anh?
Cao Lâm: Không mình bị trục xuất thì phải tự mua vé mà đi chứ. Vợ con tôi về Việt Nam từ tuần trước rồi, nhưng tôi cũng chưa liên lạc được với họ. Trong này không có phôn, không có internet nên liên lạc khó.
BBC:Anh có nghĩ là mình và gia đình sẽ bị nguy hiểm hay gặp khó khăn phiền phức khi về Việt Nam không?
Cao Lâm: Ai cũng hỏi là tôi về Việt Nam có nguy hiểm không. Điều này thì phải sau khi về đến Việt Nam tôi mới trả lời được. Giờ tôi đang ở đây thì làm sao mà biết được về Việt Nam sẽ thế nào. Nhưng tôi qua đây thuần tuý là để làm ăn. Tôi làm thợ may ở đây đã 16 năm rồi. Tôi là một người lo làm ăn. Tôi chưa bao giờ hoạt động đấu tranh, tôi không tham gia tổ chức chính trị nào. Chỉ có hai năm vừa rồi sinh hoạt nhiều ở nhà thờ thì tôi hay giúp đỡ những người nghèo. Những người tôi giúp đỡ, tôi cũng không biết họ có phải là người tị nạn hay không, mà cũng không hỏi. Chỉ hễ thấy ai gặp khó khăn thì tôi giúp trong khả năng mình.
BBC:Anh đã ở đây 16 năm rồi, sao bây giờ mới bị bắt? Và lao động bất hợppháp thì thường phải chỉ phải nộp phạt thôi, vậy tại sao anh lại bị trục xuất? Những trường hợp bị trục xuất như vậy có thường không?
Cao Lâm: Lao động bất hợp pháp bị cảnh sát bắt thì cứ đóng tiền phạt rồi về, nhưng đó là cảnh sát thường. Gặp cảnh sát di trú bắt thì không có cách nào nộp phạt được. Họ đưa ra tòa rồi đưa vào đây.
BBC: Cảnh sát họ đến tận nhà để bắt gia đình anh?
Cao Lâm: Vâng chiều hôm đó họ kéo đến nhà không báo trước đòi xem giấy tờ rồi đưa chúng tôi về đồn. Sau khi ra tòa thì họ bảo cả nhà bị trục xuất vì lao động bất hợp pháp. Họ nói thế.
BBC: Theo anh thì lý do thực sự khiến họ bắt anh rồi trục xuất anh là gì?
Cao Lâm: Họ bắt tôi là vì họ cần phải điều tra cho rõ việc Trương Duy Nhất. Họ biết Bạch Hồng Quyền là người đưa đón Trương Duy Nhất và lo cho Trương Duy Nhất trong những ngày ông Nhất ở Thái Lan cho nên họ muốn tìm Bạch Hồng Quyền để hỏi. Họ biết tụi tôi quen nhau, chắc họ cũng biết tôi là người đứng ra thuê nhà cho vợ chồng Bạch Hồng Quyền. Nhưng Bạch Hồng Quyền dọn ra khỏi nhà đó rồi. Tôi nói với họ tôi không biết Bạch Hồng Quyền đâu. Còn tại sao trục xuất gia đình thì họ chỉ nói vì lý do lao động bất hợp pháp. Nhưng tôi biết chắc chắn là không phải như vậy. Hôm tôi bị bắt, tôi bị bắt lúc 4 giờ chiều, 1 giờ chiều hôm đó vợ Bạch Hồng Quyền còn gọi phôn kêu cứu cho là đang bị cảnh sát đi tìm.
BBC:Tình trạng bị giam giữ ở đây như thế nào? Anh bị ở chung phòng với nhiều người không?
Cao Lâm: Tôi ở phòng số 6 chung với khoảng 70 người đồng bào Tây Nguyên. Ngày mới vào trong người còn mười mấy ngàn bahts, tôi chia cho họ mỗi người 200 bahts, để mua thêm thức ăn. Ăn uống ở đây khổ lắm. Chẳng giúp được nhiều nhưng họ xem tôi như một ân nhân. Ngày mai đi rồi, tôi vừa gom tiền mua mấy thùng mì này, để lại tặng cho họ.
BBC: Khi blogger Trương Duy Nhất bị mất tích rồi mọi việc ồn ào lên, anh có nghĩ là mình sẽ bị liên lụy như thế này không?
Cao Lâm: Không ngờ được. Tôi chẳng dính dáng gì đến Trương Duy Nhất, mà vì mấy bài viết trên mạng xã hội mà tôi bị nạn. Đón xong Trương Duy Nhất, Bạch Hồng Quyền chở ngay đến nhà tôi, nhưng lúc ấy tôi không có nhà. Tối khoảng chín giờ tôi mới ghé qua gặp họ được khoảng 10 phút. Họ có truyền thông trong tay, họ tìm cách đổ lỗi cho tôi để che dấu sự bất cẩn của họ. Nhưng làm sai thì họ có lỗi với lương tâm, còn tôi thì không làm gì phải để lương tâm cắn rứt. Nhưng họ làm hại uy tín của tôi, chỗ đứng của tôi trong cộng đồng.
BBC: Anh có giận ghét họ?
Cao Lâm: Không. Tôi nghĩ mình bị gặp nạn quá lớn. Đôi khi cũng nghĩ là mình nếu không thân tình với Bạch Hồng Quyền, không đứng ra mướn nhà hộ, giúp đỡ gia đình Bạch Hồng Quyền những ngày mới đến đây từ năm 2017 thì giờ không bị tai bay vạ gió. Quyền còn chưa làm được gì để trả ơn cho tôi. Tôi buồn vì họ có truyền thông trong tay, họ muốn nói gì thì nói…
BBC:Bị trục xuất như thế rồi thì tài sản của gia đình anh ở đây ai lo? Gia đình anh sau này có quay lại Thái được không?
Cao Lâm: Tôi sẽ tìm cách quay lại bằng cách này hay cách khác. Hôm cảnh sát báo bị trục xuất tôi cũng nói với họ như thế. ‘Mấy ông cứ trục xuất tôi đi, rồi trước sau tôi cũng quay lại đây thôi.’
BBC: Cảnh sát họ phản ứng ra sao?
Cao Lâm: Họ cười cười thôi. Tôi ở đây 16 năm rồi, cộng đồng, hàng xóm ai cũng biết, cũng qúy mến. Tôi chỉ lo làm ăn, rảnh thì làm việc từ thiện, chẳng làm hại ai. Ai cũng biết thế.
Việt Nam di lý
cựu thiếu tá Lê Quang Hiếu Hùng từ Cuba về nước
Cổng Thông tin Điện tử Bộ Quốc Phòng Việt Nam hôm 9/3 công bố đã dẫn độ cựu thiếu tá Bộ Quốc phòng Lê Quang Hiếu Hùng, người đang trốn lệnh truy nã, từ Cuba về nước.
Trang này cho biết ông Hùng “là đối tượng bị truy nã quốc tế, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tạo vỏ bọc, thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở nhằm tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.”
Trước đó, hôm 6/3, ông Hùng từ nhà tù La Condesa, Cuba, đã gọi điện loan báo trình trạng sắp bị dẫn độ của ông cho VOA và vợ ông cũng xác nhận ông mang cấp thiếu tá trong quân đội.
Vợ ông cho biết ông rời Mỹ hôm 8/2 và tìm cách đến Grenada, đảo quốc ở Caribbe, nơi ông có quốc tịch, để lánh nạn, nhưng đã bị bắt ở Panama rồi bị đưa về Cuba chờ bị dẫn độ.
Truyền thông Việt Nam cho biết ông Hùng là bị can bị truy nã quốc tế trong vụ án “Giả mạo trong công tác; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả” đã bị Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố ngày 21/10/2018.
Ông Hùng từng là công nhân viên quốc phòng Chi nhánh Đầu tư xây dựng Miền Nam, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô, thuộc Bộ Quốc phòng.
An Giang: Gần 1.000 công nhân đình công trở lại làm việc
Khoảng 1.000 công nhân công ty TNHH may mặc Lu An có vốn đầu tư Trung Quốc ở khu Công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đã trở lại làm việc vào ngày 11/3 sau hai ngày đình công phản đối điều kiện làm việc. Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho biết như vậy vào cùng ngày.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Phú được báo chí trong nước trích lời cho biết Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo liên đoàn lao động huyện Châu Thành và công đoàn khu công nghiệp Bình Hòa phối hợp để theo dõi tình hình, làm việc với phía công ty Lu An để tìm các giải pháp tốt nhất, sớm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng tình hình công ty để kích động, xúi giục công nhân ngưng việc tập thể.
Trước đó, vào sáng ngày 9/3, gần 1.000 công nhân công ty Lu An đã nghỉ việc tập thể để phản đối các quy định làm việc của công ty mà họ cho là gắt gao, việc thái độ quát nạn của người quản lý Trung Quốc với công nhân, và đòi công ty phát quà ngày quốc tế phụ nữ 8/3 cho công nhân nữ.
Liên đoàn lao động huyện Châu Thành và công đoàn khu công nghiệp Bình Hòa đã làm việc với đại diện của công ty Lu An. Hai bên thống nhất sẽ có một số thay đổi trong điều kiện làm việc theo yêu cầu của công nhân như việc gọi điện xin nghỉ ốm đột xuất, tặng quà cho nữ công nhân vào ngày 20/10 hàng năm, xử lý nghiêm các quản lý có thái độ quát nạt công nhân…
Hà Nội ô nhiễm bụi mịn hàng đầu thế giới
Hà Nội vẫn nằm đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xét trên nồng độ bụi mịn trong không khí.
Báo cáo chất lượng không khí năm 2018 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual cho hay Hà Nội đứng thứ 12 trong 62 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Ở khu vực Đông Nam Á, Hà Nội ô nhiễm thứ hai, sau Jakarta của Indonesia. Sài Gòn đứng thứ 15 trong danh sách này.
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch trong một năm, riêng trong năm 2017.
Khảo sát của IQAir AirVisual có trụ sở tại Thụy sỹ được thực hiện trên 3.000 thành phố bằng cách đo nồng độ bụi mịn PM2.5, được coi là tác nhân ô nhiễm không khí nguy hại nhất cho sức khỏe con người.
Cũng theo báo cáo này, không khí Hà Nội năm 2018 khá hơn một chút so với năm 2017.
Cụ thể, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình của thành phố năm ngoái là 40,8 microgam trên một mét khối không khí so với 45,8 năm 2017.
Theo WHO ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người hiện nay, ước tính 4.2 triệu ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời và 3,8 triệu ca liên liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà.
Còn theo WHO, 6 trong 10 ca bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất liên quan đến ô nhiễm không khí.
Hà Nội làm gì để giảm bụi mịn?
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho hay khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng không khí ô nhiễm tại Hà Nội.
Tuy nhiên cho đến nay dường như lãnh đạo Hà Nội chưa có bước đi nào quyết liệt để giảm tình trạng này.
Dưới sức ép của WHO, mới đây Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch hành động kiểm soát chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
VnExpress cho hay theo bản kế hoạch này, các bộ và cơ quan liên quan có nhiệm vụ thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí, bao gồm sản xuất xanh, đầu tư vào công nghệ xanh, lắp đặt các trạm quan trắc không khí bổ sung, hạn chế sử dụng các công nghệ sản xuất lạc hậu.
Tác giả Anton Hansen viết trên VnExpress rằng cũng giống như loại khẩu trang chỉ có tác dụng ngăn bụi tạm thời, các giải pháp nói trên không thể mang lại hiệu quả về mặt lâu dài.
Anton Hansen nhận định rằng hầu hết mọi người ở Việt Nam không nhận thức được rủi ro về sức khỏe do ô nhiễm không khí. “Chỉ một phần nhỏ dân số Việt Nam được giáo dục về các phòng chống tác hại của việc phơi nhiễm với ô nhiễm.”
“Hầu hết người dân Việt Nam khi ra đường đều đeo khẩu trang cotton, nhưng nó chỉ dùng để ngăn tia UV chứ không hiệu quả với bụi mịn.”
Một cách nữa hay được người Việt Nam dùng là đeo khẩu trang bệnh viện. Đây là loại khẩu trang mỏng, chỉ có tác dụng ngăn không cho bệnh qua đường hô hấp lây lan chứ cũng không lọc được bụi mịn. Hơn nữa đây là khẩu trang dùng một lần nên lại góp thêm phần làm ô nhiễm môi trường khi bị vứt bỏ, ông Anton Hansen viết.
Giải pháp lâu dài mà Hà Nội cần làm, theo ông Anton Hansen, là các thay đổi sâu rộng về hạ tầng, giảm số lượng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích giao thông công cộng, nhân rộng quy mô nông nghiệp công nghiệp và chăn nuôi sang sản xuất hữu cơ hoặc tránh các công nghệ nguy hiểm như biến đổi gien.
Bàn nhau mua máy lọc không khí
Không khí ô nhiễm báo động của Hà Nội cũng là đề tài được bàn tán sôi động trên các diễn đàn cho người nước ngoài đang sống tại đây.
Trên trang Nonstop Newcomer, một người tên Colin viết:
“Tôi yêu rất nhiều điều ở Hà Nội, như những hồ nước tuyệt đẹp, các quán cà phê, mức sống rẻ. Nhưng không khí ô nhiễm là nguyên nhân chính khiến tôi không muốn sống ở đây lâu. Và tôi ghét phải check chất lượng không khí mỗi khi tôi quyết định có chạy quanh Hồ Tây hay không.”
Người này cũng bày vài cách để giảm nguy cơ tổn hại phổi khi sống ở Hà Nội: thường xuyên đeo khẩu trang và bật máy lọc không khí cả ngày cả đêm ở nhà.
Trên diễn đàn Hanoi Massive Community, nhiều người hỏi nhau kinh nghiệm mua máy lọc không khí của hãng nào, giá cả và địa chỉ mua.
Đầu năm 2019, có thời điểm nồng độ bụi mịn trong không khí tại một khu vực nội thành Hà Nội vượt ngưỡng 200 microgram/m3, rất nguy hại cho sức khỏe. Trong khi theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu chuẩn là 24 microgram/m3.
Thành viên có tên Tom Druk của Hanoi Masive Community khuyên ‘những người chưa quen với ô nhiễm không khí Hà Nội’ hãy ở yên trong nhà những ngày không khí trở nên tệ hại, và nếu có phải ra ngoài thì nhất thiết phải đeo khẩu trang loại đặc biệt có thể lọc được các hạt bụi kích cỡ nhỏ.
Bụi mịn là gì?
Bụi mịn được coi là yếu tố giết người thầm lặng.
Bụi mịn PM1.5 (Particulate Matter 2.5) chỉ những hạt rắn, lỏng có đường kính nhỏ hơn 2,5 micoromet trôi nổi trong không khí.
Environmental Health Perspectives cho hay do kích thước siêu nhỏ, bụi mịn dễ đi sâu vào hệ hô hấp, luồn lách vào phổi, gây tắc và tổn thương phổi. Nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA.
Nghiên cứu của giới khoa học còn chỉ ra rằng, bụi siêu nhỏ còn có thể là tác nhân gây ra bệnh rối loạn tâm lý, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ.
Trẻ em, trẻ còn trong bụng mẹ, người già, người có các bệnh phổi và hô hấp là những người dễ bị tổn thương nhất bởi bụi mịn.
Trong 6 triệu chiếc xe máy Hà Nội
xe công an và quân đội chiếm hơn 1 triệu
Tin Hà Nội – Báo Vnexpress ngày 9 tháng 3 năm tin, ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở giao thông vận tải CSVN tại Hà Nội cho biết, sở này đang nghiên cứu đề án thu lệ phí của một số phương tiện giao thông vào trung tâm thành phố dễ gây kẹt xe, và ô nhiễm môi trường.
Đề án này sẽ trình tại kỳ họp cuối năm tại hội đồng thành phố. Và thêm một đề án nữa là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe gắn máy tại các quận vào năm 2030. Theo ông Viện thì cấm được xe máy càng sớm càng tốt, trong đó có việc dừng cấp ghi danh cho các xe gắn máy mới.
Đồng ý với đề nghị của ông Viện, ông Nguyễn Trọng Đông, giám đốc Sở tài nguyên môi trường CSVN tại Hà Nội cho rằng, xe hơi đã có tiêu chuẩn khí thải, nhưng xe gắn máy không có tiêu chuẩn này nên phải hạn chế, và cấm xe gắn máy càng sớm ngày nào hay ngày đấy để cải thiện chất lượng không khí.
Để ủng hộ đề nghị của ông Đông và ông Viện, ông Hoàng Trung Hải, bí thư Hà Nội cho biết, thành phố này hiện có khoảng 6 triệu xe gắn máy và xe hơi, thêm khoảng 2 triệu phương tiện khác, trong đó xe của lực lượng công an, quân đội là khoảng 1 triệu chiếc.
Trước đó, tại kỳ họp giữa năm 2017, nhà cầm quyền CSVN tại Hà Nội đã có quyết định dừng hoạt động các xe gắn máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Và đề nghị này đã có 90% người được hỏi ủng hộ, tuy nhiên nhiều người dân nghi ngờ về dữ kiện này vì phần đông người dân Việt Nam di chuyển bằng xe gắn máy, trong khi xe buýt chỉ giải quyết được hơn 4% nhu cầu đi lại của người dân.
Một số các nhà vận động bảo vệ môi trường cho rằng cần phải trở về thời kỳ CS phôi thai, hay trước thời kỳ đổi mới để bảo vệ môi trường vì lúc đó ai cũng xử dụng xe đạp, và đi bộ.
An Nhiên
‘Tin vui’ nào cho EVFTA sau Đối thoại nhân quyền EU-VN?
“Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không”…
‘Câm như hến’
Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và chính quyền Việt Nam đã hoàn tất tại Brussels, Bỉ – nơi đặt trụ sở của EU – vào ngày 4/3/2019 mà không khác gì 7 lần trước đó, tức đã chẳng nhận được bất kỳ phản hồi tích cực nào của đoàn Việt Nam, bất chấp phía EU đã nêu ra rất nhiều vi phạm nghiêm trọng quyền con người mà Hà Nội là tác giả.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi luật nhân quả từ thói ‘câm như hến’ của phía Việt Nam trong suốt 8 lần đối thoại nhân quyền với EU đã tất yếu dẫn đến “Vậy là phải chờ Quốc hội mới quyết định phê chuẩn Hiệp ước hay không” – một xác nhận chính thức của ông Umberto Gambini, Chánh Văn phòng Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa và là người đã ký chung thư với 32 Dân biểu đại diện mọi khuynh hướng chính trị kêu gọi Liên Âu thúc đẩy việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam, cho câu hỏi của đài RFA về tương lai của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) sau cuộc ‘đối thoại’ này.
Thực ra thêm một lần nữa, phía EU lại phải ‘độc thoại’ trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam. Bởi hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần trong những cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm trước đó.
Trong hầu hết các cuộc đối thoại nhân quyền với EU, chính quyền Việt Nam chỉ cử quan chức là một vụ trưởng, hoặc quyền vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng đoàn, mà về thực chất quan chức này không có bất cứ quyền hạn nào để quyết định bất cứ nội dung chính nào mà đoàn đàm phán EU đòi hỏi.
Thậm chí ngay cả cấp trên và cao hơn hẳn của trưởng đoàn đối thoại Việt Nam là Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, thân là ủy viên bộ chính trị, cũng không thể quyết định những vấn đề mà EU nêu ra, mà phải hỏi ý kiến… Bộ Chính trị, hay cụ thể hơn là ý kiến của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Bản độc thoại của EU
Cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2019 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: vào giữa tháng 11 năm 2018, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
Bối cảnh trên là khác hẳn với những cuộc đối thoại nhân quyền trước đây mà EU thường bị giới quan chức Việt Nam khôn lỏi và ranh ma ăn hiếp. Vào lần này, tình thế và tương quan lực lượng là “châu Âu nắm đằng chuôi”. Chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của chính thể độc đảng ở Việt Nam đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều “thành tích nhân quyền” của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” đã khiến cả Châu Âu được “sáng mắt sáng lòng.”
Trong khi toàn bộ phái đoàn của Việt Nam vẫn ‘cấm khẩu’, điểm nhấn lớn nhất của cuộc đối thoại nhân quyền ở Brussels là “chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam” – theo bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh.
Vào lần này, những vấn đề nhân quyền mà EU nêu ra liên quan tới quyền tự do biểu đạt (trực tuyến và ngoại tuyến), an ninh mạng, án tử hình, quyền lao động, môi trường… EU đã chỉ ra sự gia tăng các vụ bắt giữ và kết án cũng như những hạn chế trong quyền tự do đi lại của những nhà bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2016. Cùng với việc đề cập tới một số trường hợp cá nhân cụ thể, EU cũng đưa ra tuyên bố về kỳ vọng rằng tất cả các quyền của những người bị giam giữ cần được tôn trọng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản về nhân quyền quốc tế, đồng thời nhắc lại rằng tất cả những cá nhân bị bắt giam vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa trên mạng hay không qua mạng phải được trả tự do.
Liên minh châu Âu cũng nhắc lại vai trò rất quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cũng như trong việc tăng cường sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Trước cuộc đối thoại nhân quyền đã diễn ra các cuộc tham vấn với xã hội dân sự tại châu Âu và Việt Nam.
Vậy lộ trình nào dành cho EVFTA sau cuộc đối thoại nhân quyền ở Brussels?
EVFTA thậm chí còn chưa được ký kết!
Trong trường hợp lạc quan nhất và như dự liệu cho chính thể Việt Nam, EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn ngay sau đó tại Hội đồng Châu Âu vào tháng 3 năm 2019.
Hoặc Hội đồng Châu Âu ưu ái ký EVFTA trước khi cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu diễn ra, nhưng chưa phê chuẩn, mà nghị viện mới sẽ tiếp tục xem xét có phê chuẩn hay không hiệp định này, có thể vào nửa cuối năm 2019 hoặc sang năm 2020.
Tuy nhiên, một trong hai kịch bản trên chỉ có thể xảy ra với một điều kiện đã vọt lên hàng đầu: Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. Nhưng điều trớ trêu là trong khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh và đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp người dân mà chưa có bất kỳ biểu hiện nào sẽ ‘cải thiện nhân quyền’ như bao lần hứa hẹn, khiến Hội Đồng Châu Âu vẫn chẳng có lý do xác đáng nào để phê chuẩn EVFTA trước tháng Năm.
Tương lai của EVFTA hiện thời là cực kỳ bấp bênh.
Xác nhận chính thức của ông Umberto Gambini về EVFTA phải chờ nghị viện mới của châu Âu là dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ khi ‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.
Thậm chí ngay cả kịch bản ‘ký trước tháng Năm và thông qua sau tháng Năm’ cũng gần như bị dập tắt.
Mà chưa ký và không biết chừng nào mới ký EVFTA thì không thể hình dung ra tương lai hiệp định này khi nào mới được đưa vào lịch trình làm việc của Hội Đồng Châu Âu để phê chuẩn. Càng không thể mơ màng đến việc bản hiệp định này được tiến hành bước tiếp theo là trình ra Nghị Viện Châu Âu để bỏ phiếu thông qua.
Chưa kể đến một thủ tục khác và quan trọng không kém vai trò phê chuẩn của Hội Đồng Châu Âu: Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Châu Âu – một cơ quan tham mưu cho Nghị Viện Châu Âu về EVFTA. Thậm chí ngay cả trường hợp Hội Đồng Châu Âu muốn phê chuẩn EVFTA nhưng ủy ban này phản đối thì cũng rất khó để Nghị Viện Châu Âu gật đầu cho hiệp định này “qua đò.”
Vào tháng Giêng, 2019, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU – tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn hiếm thấy: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết.”
Bây giờ thì đã rõ mồn một, nếu vẫn không chịu cải thiện nhân quyền, tương lai của EVFTA sẽ chính là kịch bản tồi tệ nhất, đen tối nhất cho nền chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam mà đang quá cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài. Không có bất kỳ bảo chứng nào hay chữ ký nào của những người tiền nhiệm, các thành viên mới của Nghị Viện Châu Âu mới sẽ thật khó để tìm ra lý lẽ dù thuyết phục khiến họ mau chóng gật đầu với EVFTA, để khi đó chủ đề ‘đàm phán EVFTA’ sẽ phải nhai lại từ đầu.
Khi đó, toàn bộ trách nhiệm lịch sử sẽ phải quy cho đảng CSVN – một chính đảng mà bằng thói đàn áp nhân quyền bất chấp đã bít luôn cửa vào thị trường châu Âu của hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam.
0 comments