Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Ông Gorbachev cảnh báo thế giới lâm nguy vì căng thẳng Nga – Mỹ ở Syria

Monday, October 10, 2016 // , ,
Ông Gorbachev cảnh báo thế giới lâm nguy vì căng thẳng Nga – Mỹ ở Syria
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. (Ảnh: Sputnil)
Dân trí.- Căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Nga và Mỹ do vấn đề Syria đang đẩy thế giới đến “điểm nguy hiểm”, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev cảnh báo hôm nay 10/10.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti của Nga, vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô nói: “Tôi cho rằng thế giới đang tiến gần tới điểm nguy hiểm. Tôi không muốn đưa ra bất kỳ đề xuất nào nhưng tôi muốn tình trạng này phải chấm dứt. Chúng ta cần tái đàm phán. Ngừng đàm phán là sai lầm lớn nhất”.
Bình luận trên được đưa ra sau hàng loạt diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ do bất đồng về vấn đề Syria. Hôm 3/10, chính phủ Mỹ tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán với Nga về Syria và đổ lỗi cho Nga là nguyên nhân khiến lệnh ngừng bắn ở Syria đổ vỡ.
Để đáp trả, Nga cũng tuyên bố đình chỉ một loạt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, tăng cường lực lượng ở Syria, triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad và tuyên bố sẵn sàng bắn rơi máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu nếu Mỹ tiếp tục không kích các mục tiêu thân chính phủ Syria.
Quân đội Nga hôm nay 10/10 thông báo, Nga sẽ mở rộng căn cứ hải quân hiện tại ở cảng Tartus của Syria, biến nó trở thành một căn cứ thường trực. Thông báo đưa ra sau khi Quốc hội Nga phê chuẩn việc cho phép triển khai lực lượng của Nga ở Syria vô thời hạn nhằm chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngoài ra, Nga cũng được cho là đang cân nhắc hiện diện quân sự ở Ai Cập lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, với việc thuê một số căn cứ của Ai Cập.
“Chúng ta cần quay lại những ưu tiên chính. Đó là giải trừ hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, ngăn thảm họa môi trường. Với những thách thức này, thì tất cả những vấn đề khác sẽ lui về bình diện thứ cấp”, ông Gorbachev nhấn mạnh trong một bình luận hiếm hoi về tình hình quốc tế.
Ông Gorbachev không phải là người duy nhất cảnh báo về sự nguy hiểm bắt nguồn từ sự đối đầu giữa Nga và Mỹ. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuần trước cảnh báo, sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga đã dẫn tới một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh. “Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ đây chỉ giống như cuộc Chiến tranh Lạnh, bởi bối cảnh hiện nay khác biệt và còn nguy hiểm hơn thế”, ông Steinmeier nói. Theo ông, bất chấp thất vọng và mất niềm tin sâu sắc của cả hai phía, Nga và Mỹ cần phải tiếp tục đối thoại với nhau nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Truyền thông Nga những ngày gần đây cũng cảnh báo nguy cơ cuộc nội chiến Syria sẽ châm ngòi chiến tranh giữa Nga và Mỹ.
Minh Phương
Theo Telegraph, BBC

Campuchia bỏ tù nghị sĩ đăng ảnh giả mạo về biên giới với VN

  • 18:15 10/10/2016
 Một nghị sĩ thuộc đảng đối lập của Campuchia vừa bị tuyên án 2,5 năm tù giam vào ngày 10/10 vì đăng lên Facebook ảnh sai lệch về bản đồ biên giới của nước này với Việt Nam.
Tòa án Phnom Penh vào ngày 10/10 đã tuyên án nghị sĩ Um Sam An, 40 tuổi, thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP). Tòa án cho rằng ông Sam An cố tình kích động bất ổn xã hội và sự kỳ thị khi đăng ảnh bản đồ giả mạo về biên giới Campuchia-Việt Nam lên Facebook hồi năm ngoái.
Campuchia bo tu nghi si dang anh gia mao ve bien gioi voi VN hinh anh 1
Nghị sĩ Um Sam An sau bị bắt. Ảnh: Phnom Penh Post.
Theo Reuters, ngoài mức án tù, tòa cũng buộc nghị sĩ Sam An phải nộp tiền phạt 1.000 USD. Bộ Tư pháp Campuchia cho rằng việc xử phạt là hợp pháp, vì hiến pháp cho phép bắt và kết tội các nghị sĩ nếu họ bị phát hiện có hành vi phạm tội. Trong trường hợp của nghị sĩ Sam An, tấm bản đồ mà ông đăng lên Facebook vẫn chưa bị xóa.
Ông Sam An bị bắt hồi tháng 4 sau khi vừa trở về từ nước ngoài. Mức án được tuyên ngày 10/10 đã giảm so với mức dự kiến ban đầu là 5 năm tù giam.
Tháng 8/2015, giới chức Campuchia bắt thượng nghị sĩ phe đối lập Hong Sok Hour vì đăng tải văn bản giả hiệp ước biên giới Campuchia-Việt Nam lên mạng xã hội. Ông Hong bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ công cộng, sử dụng giấy tờ giả mạo và kích động người dân gây ảnh hưởng tới an ninh. Nếu bị kết luận có tội, nghị sĩ Hong có thể nhận án 17 năm tù giam.
Hồi tháng trước, cũng chính tòa án Phnom Penh đã tuyên 5 tháng tù giam đối với ông Kem Sokha vì 2 lần không chịu trình diện cơ quan điều tra để trả lời những cáo buộc liên quan đến người được cho là tình nhân của ông. –  Zing.vn
Minh Anh

Nghị sĩ Campuchia đối mặt 5 năm tù vì bản đồ biên giới giả

Nghị sĩ đảng đối lập Um Sam An ngày 12/4 bị buộc tội “kích động nổi loạn” vì sử dụng các bản đồ giả về biên giới với Việt Nam. Ông này có thể lĩnh án 5 năm tù nếu bị kết tội.

Nghị sĩ Campuchia bị bắt vì dùng bản đồ giả về biên giới VN

Cảnh sát Campuchia bắt nghị sĩ đảng đối lập Um Sam An rạng sáng 11/4 ngay khi ông này vừa từ Mỹ về nước, với cáo buộc sử dụng các bản đồ giả về biên giới với Việt Nam.

Blogger Mẹ Nấm ‘bị bắt giam, khởi tố’

10 tháng 10 2016
Image copyright

FB NGUYEN NGOC NHU QUYNH

Image captionBlogger 

Mẹ Nấm tính đến cuối ngày 10/10 vẫn đang bị giữ tại trại giam của công an Khánh Hòa, theo lời bà Tuyết Lan 
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được biết đến với tên Mẹ Nấm, bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ hôm 10/10 tại Nha Trang, mẹ của blogger này nói với BBC Tiếng Việt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nói con gái bà đã đi cùng mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy, người hiện đang chịu án ba năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, tới trại giam để mẹ Duy xin được gặp con trai và “công an đã ra mời vào trại giam và bắt giữ luôn”.
Bà Lan cho biết lúc 11:30 giờ trưa khi gia đình đang chuẩn bị ăn trưa, có khoảng vài chục công an, trong đó có cả cảnh sát cơ động, tới đọc lệnh khám xét nhà, trong khi đó con bà chưa có mặt ở nhà. Khoảng nửa tiếng sau, họ dẫn con gái bà về hai tay bị còng.
Gia đình Như Quỳnh cho biết cô bị truy tố phạm tội tuyên truyền chống phá nhà nước theo Khoản 1 Điều 88.
Bà Lan cũng nhắc lại việc con gái bà đã từng bị bắt 10 ngày hồi năm 2009 khi kêu gọi mọi người chú ý tới vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa và việc khai thác bauxite mà cho tới nay chưa bao giờ được một lần xin lỗi vì việc bắt giữ này.
Vẫn theo lời bà Lan kể, Như Quỳnh đã phản đối việc đọc lệnh bắt tại nhà vì cô đã bị bắt giữ khi đứng trước cửa trại giam.
Trả lời bà Lan khi bà chất vấn việc đã còng tay con bà khi chưa bị tòa án kết tội, ông Đỗ Bảo Liêm, người đọc lệnh khám xét, được bà Lan kể lại đã nói rằng đó là để tránh “trường hợp chạy trốn hay đập đầu tự tử hay hủy hoại thân thể”.
Được biết công an đã mang đi một máy desktop mà bà Lan nói bà đang dùng chơi games, một camera an ninh của gia đình vẫn đặt cho khu vực phía sau nhà vốn ở đuôi hẻm, và hai chiếc ipads cho hai đứa cháu bà sử dụng.
Bà Lan nói bà được biết hiện con gái bà đang bị đưa về Trại giam Sông Lô, trại giam của công an tỉnh Khánh Hòa.
“Con tôi rất mạnh khỏe rẩt tỉnh táo không có bệnh gì hết, và không có ý định tự tử, nếu có chuyện gì xảy ra là công an tỉnh Khánh Hòa phải chịu trách nhiệm về tính mạng của con tôi,” bà nói thêm.
Bà Lan cho biết bà đã liên lạc với luật sư, và con gái bà cũng nói với bà trước khi bị dẫn đi là cô sẽ giữ quyền im lặng cho tới khi được gặp luật sư.
Tiền phong Online đưa tin cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Khánh Hòa xác nhận trong ngày 10/10 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Được biết đi cùng với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và bà Nay còn có hai thanh niên nữa là Nguyễn Bá Vinh và Biện Đình Luật, nhưng bà Lan cho biết cho tới chiều nay bà vẫn chưa liên lạc được với những người này qua điện thoại.
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – là thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam và từng được tổ chức Những người bảo vệ nhân quyền (Civil Rights Defenders, viết tắt là CRD) trao giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền 2015.
Đây là giải được trao hàng năm cho những nhà hoạt động nhân quyền khắp thế giới và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người thứ ba, đồng thời là người châu Á đầu tiên được nhận giải này. – BBC

Philippines: Cựu Tổng thống Ramos chê trách Duterte


Philippines: Cựu Tổng thống Ramos chê trách Duterte
Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos. Ảnh ngày 12/08/2016. Reuters


RFI – Tú Anh – 10-10-2016

Chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte gây « thất vọng tràn trề ». Đây là nhận định của cựu tổng thống Fidel Ramos, người đỡ đầu chính trị của đương kim tổng thống Philippines nhân 100 ngày ông này lên cầm quyền.
Trong bài xã luận trên báo Manila Bulletin ngày 10/10/2016, cựu tổng thống Fidel Ramos nhận định là chính phủ Duterte « đang thua một cách thảm hại ». Thay vì tập trung chăm lo cải thiện đời sống dân nghèo, thu hút đầu tư quốc tế và tạo công ăn việc làm thì lại tập trung vào cái gọi là « cuộc chiến chống ma túy » đẫm máu, bị chôn chân trong cuộc tranh cãi không lối thoát với ngôn từ thiếu văn minh.
Cựu tổng thống Fidel Ramos đưa ra một danh sách dài những gì mà lẽ ra vị tổng thống tân cử phải nhanh chóng thực hiện trong 100 ngày đầu tiên, nhưng ông Duterte đã làm hỏng hết.
Về đối ngoại, tổng thống Duterte bị chê trách là gây « xáo trộn trong quan hệ chiến lược Mỹ-Phi » với những lời mạ lỵ lãnh đạo Barack Obama, đe dọa cắt đứt quan hệ đồng minh truyền thống với Washington, thách thức CIA đảo chính.
Ông Duterte bị cựu tổng thống Fidel Ramos chỉ trích là đang « phá hỏng quan hệ quân sự Mỹ-Phi đã được xây dựng và cải tiến qua nhiều thập kỷ từ vũ khí,chiến thuật cho đến tình chiến hữu của quân nhân hai nước ».
Giới phân tích không rõ vì sao cựu tổng thống Fidel Ramos, một nhân vật được tôn kính tại Philippines nay đã 88 tuổi, người đỡ đầu và khuyến kích thị trưởng Davao ra tranh cử tổng thống hồi tháng 5 năm nay, và cũng là « đặc phái viên trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc » lại không tiếc lời phê phán tân tổng thống.
Trong bài xã luận, cựu tổng thống Philippines tỏ hy vọng là trong « 100 ngày tới », tổng thống Rodrigo Duterte « sẽ khá hơn » và chăm lo giải quyết những căn bệnh trầm kha của đất nước mà đầu tiên là « bệnh nghèo ».
Phát ngôn viên của tổng thống Duterte chưa bình luận gì về những chỉ trích này.
Theo một kết quả thăm dò ý kiến cách nay mười hôm, tổng thống Duterte vẫn được đa số, khoảng 64%, người được hỏi ý kiến ủng hộ.
Cựu tổng thống Fidel Ramos, nhiệm kỳ 1992-1998, là vị tổng thống rất được dân chúng mến mộ. Vào cùng thời điểm 100 ngày cầm quyền, tỷ số cử tri ủng hộ lên đến 66%

Điểm Báo Pháp – 10-10-2016

Điểm Báo Pháp – 10-10-2016
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 25/06/2016.
Sputnik/Kremlin/Mikhail Klimentyev/via REUTERS

Tập Cận Bình « chơi trò » Putin để bám trụ quyền lực

Thanh Hà
Đăng ngày 10-10-2016
Trên nguyên tắc vào tháng 11/2016 ông Tập Cận Bình sẽ chỉ định người thay thế mình vào năm 2022 sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước. Báo Le Figaro trích dẫn nguồn tin từ tờ báo Mỹ New York Times cho thấy, “ tại Trung Quốc, Tập Cận Bình có thể nắm quyền lâu hơn 10 năm ”, chỉ thua có Mao Trạch Đông.
Nhà Trung Quốc học hàng đầu của Pháp, Jean-Piere Cabestan, giảng dậy tại đại học Hồng Kông cũng đưa ra nhận định tương tự. Chuyên gia này đi xa hơn khi nêu ra hai kịch bản. Một là Tập Cận Bình có thể giải thích, Trung Quốc cần ông để công cuộc cải tổ sâu rộng cho đất nước được thực hiện tới nơi tới chốn, nhất là trong bối cảnh, tình hình kinh tế và xã hội có nhiều chuyển biến bất thường. Kịch bản thứ nhì là chủ tịch Trung Quốc có thể « chơi trò của Putin » có nghĩa là ông sẽ nhường chức chủ tịch nước cho một người thân tín, nhưng vẫn giữ chức tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc và chức chủ tịch quân ủy trung ương.
Có điều như phân tích của Cyrille Pluyette, báo Le Figaro, trước mắt ông Tập Cận Bình chưa xua tan được tất cả những rủi ro có thể đe dọa tham vọng tiếp tục điều hành đất nước sau năm 2022.
Đành rằng, trong Thường Vụ Bộ Chính Trị, gồm 7 thành viên, thì 5 người đến tuổi về hưu. Vì giới hạn tuổi tác, họ sẽ phải « ra đi » sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc 2017. Đây là cơ hội để Tập Cận Bình gài những người thân cận vào cơ chế này.
Bất công xã hội 
Tuy vậy, trong nội bộ, ông Tập Cận Bình cũng có nhiều kẻ thù vì chính sách bài trừ tham nhũng do ông đề xướng trực tiếp động chạm đến những quyền lợi kinh tế của một số người. Đó là chưa kể chính sách cải tổ kinh tế của cặp bài trùng Tập Cận Bình- Lý Khắc Cường trong ngắn hạn vẫn chưa mang lại kết quả mong đợi. Trong giai đoạn chuyển tiếp đó, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất từ 25 năm qua.
Thêm vào đó, hứa hẹn đưa 70 triệu dân thoát khỏi bần cùng từ nay đến năm 2020 của ông Tập Cận Bình vẫn còn xa vời.
Cuối tháng 8/2016, cư dân mạng Trung Quốc rúng động sau vụ một phụ nữ 28 tuổi giết 4 đứa con và tự sát vì tuyệt vọng trước cảnh bần cùng. Gia đình nạn nhân bị phường xã cắt trợ cấp xã hội, vì không hối lộ cho các cán bộ địa phương. Kinh tế trưởng ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc đã phải nhìn nhận, thảm kịch xã hội đó là bằng chứng rõ rệt cho thấy, phép lạ kinh tế của Trung Quốc không đem lại hạnh phúc và ấm no cho tất cả mọi người.
Vào lúc mà hàng triệu người dân trên quê hương của ông Tập Cận Bình vẫn không đủ cơm ngày hai bữa, thì Trung Quốc là nơi có nhiều nhà tỷ phú nhất trên hành tinh và thành phần thanh niên giàu có ở Bắc Kinh không hề mặc cảm xuất hiện bên những chiếc xe hơi đắt tiền bóng loáng.
Donald Trump bị bỏ rơi ?
Phần thời sự quốc tế trên các báo tập trung vào Donald Trump, ứng viên tổng thống Mỹ đang lần lượt bị những nhân vật nặng ký trong đảng Cộng Hòa bỏ rơi. “Donald Trump bị suy yếu“, tựa trên báo Le Figaro.
Tờ La Croix đưa ra danh sách ngắn gọn : trong vòng 72 giờ, từ chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan đến hai cựu ứng cử viên tổng thống là thượng nghị sĩ John McCain và ông Mitt Romney đều tuyên bố họ “kinh tởm” trước những lời lẽ quá bất nhã của ông Trump với phụ nữ. Tất cả đã quay lưng lại với ứng nhà tỷ phú này. Về phía ông Mike Pence, ứng viên phó tổng thống đảng Cộng Hòa cũng “giữ khoảng cách” với ông Trump.
Les Echos không ngần ngại cho là một lần nữa “đảng Cộng Hòa đang bên bờ vực thẳm”.
Sau tiết lộ của báo Washington Post về đoạn băng video trong đó ông Trump “khoe” là có đủ sức thu hút để chinh phục bất kỳ người đàn bà nào vào giường ngủ, mọi hy vọng của đảng Cộng Hòa coi như đã tiêu tan. Ưu tiên của đảng giờ đây không còn là chinh phục Nhà Trắng, mà đảng này chuyển hướng dồn các phương tiện tài chính để hỗ trợ cho các ứng viên ra tranh cử ở Hạ Viện.
Nhiều tờ báo Mỹ, nổi tiếng là “trung lập” đã nghiêng hẳn về phía Hillary Clinton, ứng viên của đảng Dân Chủ. Cũng Les Echos lưu ý độc giả, trong 18 tháng vận động tranh cử vừa qua, đã có 12 tờ báo uy tín của Mỹ bỏ rơi nhà tỷ phú New York, Donald Trump.
The Atlantic chẳng hạn, trong 160 năm lưu hành, mới chỉ hai lần bày tỏ quan điểm khi đứng về phía ứng cử viên Abraham Lincohn và Lyndon Johnson. Với Trump tờ báo lâu đời này không ngần ngại coi ông vua địa ốc New York là “một kẻ mỵ dân, một người kỳ thị chủng tộc, (…) một kẻ dốt nát với tài nói láo thần kỳ (…), người như vậy không có xứng đáng điều hành đất nước”.
Báo USA Today lần đầu tiên kêu gọi độc giả cản đường một ứng cử viên tổng thống. Nhiều tờ báo địa phương có khuynh hướng thân đảng Cộng Hòa đã chọn bà Clinton.
Tờ Libération của Pháp không khoan nhượng hơn với ứng viên tổng thống Donald Trump, khi gọi ông này là “con ngựa bất kham”. Tờ báo thông cảm trước thái độ lúng túng của đảng Cộng Hòa, nhưng đồng thời cũng trách đảng này bất lực với Trump và nhất là đã để cho Donald đánh mất niềm tin của cử tri vốn trung thành với đảng.
Trong bài xã luận, Libération quả quyết là, sau cuộc bầu cử lần này, đảng Cộng Hòa sẽ phải chỉnh đốn lại những giá trị đạo đức của đảng từng được cố tổng thống Lincoln dày công xây đắp.
Aleppo, “nỗi ô nhục” của phương Tây 
Vào lúc cả thế giới tập trung vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thảm họa nhân đạo tiếp diễn tại Syria trước sự dửng dưng của cộng đồng quốc tế. Le Figaro nói tới “thế cô lập của nước Nga”, sau khi Matxcơva phủ quyết đề nghị của Pháp, với chủ trương ngưng oanh kích Aleppo và mở các hành lang nhân đạo. Thái độ của Nga theo tờ báo càng cho thấy rõ, “rạn nứt” với phương Tây.
Tờ Libération nhìn nhận những nỗ lực của Paris để “cứu Aleppo” trước một thảm họa nhân đạo, nhưng lại “bỏ quên Yemen”. Tác giả bài viết trực tiếp chỉ trích ngành ngoại giao Pháp mạnh mẽ với Nga trên hồ sơ Syria, nhưng lại khoan hồng với Ả Rập Xê Út : thứ Bảy vừa qua, liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu oanh kích thủ đô Sanaa, Yemen, làm 140 người thiệt mạng. Paris khá kín tiếng trong vụ này. Libération đặt câu hỏi : “Phải chăng nước Pháp không muốn đụng chạm tới Ả Rập Xê Út, đơn giản là vì Ryiad hiện đang là một trong những khách hàng quan trọng mua vũ khí của Pháp” ?
Trên Les Echos, nhà chính trị học Dominique Moisi, giảng dậy tại trường King’s College Luân Đôn, trong bài nhận định mang tựa đề “Aleppo, nỗi nhục của tất cả chúng ta ! ” đã gắn liền Syria với Irak: giúp Bagdad chiếm lại Mossoul trong tay quân thánh chiến không xua tan được “sự nhục nhã” của phương Tây trước thảm họa nhân đọa tại Aleppo. Bởi vì, phương Tây thừa biết quân đội trung thành với chế độ Damas và không quân Nga đang tiến hành một cuộc thảm sát tại thành phố lớn thứ nhì trên lãnh thổ Syria, nhưng “không một quốc gia nào làm bất cứ điều gì” để ngân chận thảm kịch đó.
Cộng đồng quốc tế đã để mặc cho lính của Bachar Al Assad và quân đội Nga “sử dụng vũ lực quá đà”. Phương Tây vừa bất lực vừa bị chia rẽ. Thậm chí cũng dám tỏ một cử chỉ mang tính tượng trưng như là trao giải Nobel Hòa Bình cho đội ngũ Lính Mũ Trắng : họ là những người, từng ngày, từng giờ đem cả sinh mạng ra để cứu lấy người dân ở Aleppo.
Vẫn theo nhà chính trị học Dominique Moisi, trong nhiều tháng trời, thậm chí là nhiều năm, phương Tây liên tục thông báo sự cáo chung đang cận kề của chế độ al Assad. Nga và Iran không chấp nhận kịch bản đó. Nhưng đến hôm nay, mọi người bắt buộc phải nhìn nhận là Âu Mỹ đã thua cuộc.
Điều mà giáo sư Moisi gọi là “một thất bại cả về mặt đạo đức lẫn địa chính trị của các nền dân chủ phương Tây”. Nhục nhã hơn cả là các nền dân chủ đó đã “trông thấy, biết được những gì sẽ xảy ra nhưng lại cứ khoanh tay ngồi nhìn”.
Trong lúc Pháp nỗ lực vận động ngoại giao cho Syria, cho Aleppo, thì một nước nhỏ bé và nghèo khổ như Liban mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn Syria. Trang nhất báo công giáo La Croix đăng ảnh một bà mẹ Syria và hai đứa con nhỏ trong trại tị nạn trên lãnh thổ Liban. Ở trang trong tờ báo đưa ra con số : từ khi cuộc nội chiến bùng nổ, 4,7 triệu người Syria đã ra đi, và 1 triệu trong số đó dừng chân trên lãnh thổ Liban sát cạnh.
Như vậy 25 % dân số tại quốc gia nhỏ bé này là người tị nạn Syria. Trong khi đó thì những nước giàu có như Anh, Pháp, Đức hay Mỹ có giàu lòng nhân đạo được với người tị nạn Syria hay không ? Pháp nghĩ gì nếu phải đón nhận đến 16 triệu người Syria ?
Phòng ngừa và chữa trị bệnh phong thấp ? 
Đóng lại những bài báo nói về thời sự quốc tế, để nhìn đến phần tin khoa học và y tế. Le Figaro nêu lên câu hỏi : liệu chúng ta có đề phòng và chữa khỏi bệnh thấp khớp hay không ?
Francis Berenbaum, tác giả bài viết, là trưởng khoa phong thấp bệnh viện Saint Antoine Paris, kiêm giáo sư đại học Y khoa Pierre và Marie Curie, trước hết trình bày về những trường hợp thấp khớp khác nhau. Theo ông, tất cả những khớp xương đều có thể bị tổn thương : từ xương vai, cổ tay, khuỷu tay, đốt ngón tay đầu gối, xương hông … và cả cột sống. Một trong những nguyên nhân chính là chất nhờn ở các đầu xương bị giảm đi theo tuổi tác, lớp sụn cũng có thể bị bào mỏng đi theo năm tháng.
Nhưng bệnh phong thấp không chỉ tấn công vào người cao tuổi. Ngoài 40 ta cũng có thể phải đối mặt với căn bệnh này.
Vậy làm gì để tránh bị thấp khớp ? Giáo sư Francis Berenbaum cho là ngay từ lúc còn trẻ, cần tránh để các khớp xương bị chấn thương. Tập thể dục một cách điều độ, đi lại nhẹ nhàng là cách tốt nhất để không bị thấp khớp. Ngoài tuổi tác, béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới phong thấp.
Thần tượng điện ảnh Ý, Marcello Mastroianni
Nói đến Marcello Mastroianni, ai cũng liên tưởng đến hình ảnh của ông bên cạnh thần vệ nữ Anita Ekberg trong bộ phim “La Dolce Vita” của Federico Fellini, giải Cành Cọ Vàng liên hoan phim Cannes năm 1960.
Phần trang văn hóa của tờ Le Figaro giới thiệu cuốn sách mới của Jean A.Gili về cuộc đời và sự nghiệp của ngôi sao điện ảnh Ý Marcello Mastroianni. Marcello Mastroianni, nhà in La Martinière, được phát hành nhân kỷ niệm 20 năm ngày “huyền thoại” của làng nghệ thuật thứ bảy Ý qua đời, sau khi lưu lại cho thế nhân160 bộ phim.
Không giam mình trong vai những người tình lãng mạn và lý tưởng, Marcello Mastroianni từng nhập vai tài tình những anh chàng đẹp trai nhưng bất lực, hay đồng tính. Cũng có khi gương mặt đẹp như thiên thần của ông đã hóa thân thành một ông cha dưới ống kính của Dino Risi. Nhiều người hâm mộ có khí đã không khỏi thất vọng khi thấy Marcello biến mình thành một tên hèn nhát trên màn bạc.
Nhưng đương nhiên sự hội ngộ với ông phù thủy Felini đã đưa sự nghiệp của Mastroianni lên đỉnh cao. Sau bộ phim kinh điển này, Hollywood mở rộng vòng tay đón Marcello, cho dù ông không nói được một câu tiếng Anh !

Tin Khắp Nơi – 10-10-2016

Samsung ‘tạm ngưng sản xuất Note 7′

AFP
Samsung, hãng sản xuất điện thoại thông minh khổng lồ, tạm ngưng sản xuất điện thoại Note 7 giữa lúc có khiếu nại là các thiết bị thay thế vẫn có nguy cơ gây cháy.
Các hãng thông tấn đưa tin Samsung đã tạm ngưng việc sản xuất loại sản phẩm này sau khi có các cuộc thảo luận với giới chức phụ trách an toàn.
Samsung nói với BBC hãng đang “điều chỉnh kế hoạch sản xuất để đảm bảo đáp ứng các vấn đề chất lượng và an toàn”.
Hãng đã buộc phải cho ra các mẫu điện thoại thông minh mới sau khi có khiếu nại pin bị lỗi.
Hãng đã phải thông báo thu hồi Galaxy Note 7 trong tháng Chín, và sau đó cam kết với khách hàng rằng các thiết bị đã được sửa chữa là đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, hiện có một số tường thuật nói các điện thoại thay thế có hiện tượng bốc khói.

‘Không đổi nữa’

Tin xấu hơn nữa cho Samsung, hai nhà mạng mobile ở Mỹ đã ngưng thay thế hoặc bán ra loại điện thoại này.
Hãng AT&T và T-Mobile nói họ không thay thế cho các thiết bị ở Mỹ nữa, và T-Mobile khẳng định họ cũng ngưng bán ra loại điện thoại này.
Samsung ra tuyên bố hồi tháng trước, nói vấn đề máy bị nóng là do một lỗi sản xuất “hiếm xảy ra” đối với pin, khiến cho “cực âm và cực dương của pin” đấu nối với nhau.
Hồi tuần trước, một chuyến bay quốc nội tại Mỹ đã phải sơ tán sau khi chiếc Note 7 đã được thay thế bắt đầu bốc khói trên khoang.
Trong thông báo cập nhật hôm thứ Hai, Samsung nói họ hiểu mối quan ngại của các nhà mạng và của khách hàng đối với sản phẩm Note 7.
Cổ phiếu của Samsung Electronics giảm 1,5% vào lúc đóng cửa giao dịch ở Seoul.- BBC

Linh mục ở tù 28 năm được phong Hồng y

EPA
Đức Giáo hoàng Francis vừa tấn phong 17 vị tân Hồng y
Trong số 17 vị tân Hồng y được Đức Giáo hoàng Francis vừa tấn phong có cha xứ ở Shkodrë-Pult, Albania từng ngồi tù nhiều năm thời cộng sản.
Linh mục Ernest Simoni, sinh năm 1928, cũng là vị tân Hồng y của Giáo hội Công giáo mà chưa bao giờ giữ chức Giám mục.
Sống trong chủng viện dòng Franciscan thời Thế Chiến 2, và được thụ phong linh mục năm 1956, ngài và Giáo hội khi đó bị chính quyền cộng sản Albania đàn áp tàn khốc.
Hai vị tiền nhiệm của cha Simoni bị bắn chết và bản thân linh mục này bị bắt năm 1963 khi ‘dám làm lễ Thánh’ ngày Giáng Sinh, theo trang Washington Post hôm 8/10.
Cha Ernest Simoni bị tuyên án tử hình, sau đổi thành án chung thân và bị giam trong trại cải tạo 28 năm, bị tra tấn và cưỡng bức bỏ đạo.
Trong thời gian bị tù, công việc chính của ngày là làm thợ trong mỏ và dọn cống.
Nhưng những lúc không bị theo dõi, cha Ernest Simoni đã làm Thánh Lễ bí mật cho các bạn tù và nghe họ xưng tội.
Ngài chỉ quay lại làm linh mục sau khi chế độ CS sụp đổ ở Albania năm 1991.
Đức Giáo hoàng Francis đã gọi cha Simoni là “ngơời tử vì đạo” sau cuộc gặp năm 2014. – BBC

Sức khỏe nhà vua Thái Lan ‘không ổn định’

GETTY IMAGES
Sức khỏe nhà vua Thái Lan, một trong những quốc vương trị vì lâu đời nhất, đang “không ổn định”, các quan chức của hoàng cung cho biết, khi nhà vua đang được điều trị y tế.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej được người dân kính trọng và coi như là một trọng tài trong nền chính trị chia rẽ của Thái Lan.
Ông chưa xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng và đã nằm viện hầu hết thời gian năm ngoái.
Nhà vua phải điều trị nhiều bệnh trong vài năm gần đây.
Thông cáo từ cung điện được đưa ra tối Chủ Nhật 9/10, cho biết nhà vua bị tụt huyết áp khi ông chuẩn bị được chạy thận nhân tạo, vì chức năng thận không hoạt động.
Ông đã được trợ thở và hỗ trợ y tế để huyết áp trở lại mức bình thường. Bác sĩ đang theo dõi tình trạng sức khỏe của ông chặt chẽ.
Cục quản lý Hoàng gia Thái Lan phát hành bản tin cập nhật sức khỏe nhà vua trong vài tháng qua. Đầu tháng này, một thông cáo cho biết nhà vua vừa hồi phục sau khi bị bệnh đường hô hấp.
Sức khỏe của nhà vua được theo dõi chặt chẽ ở Thái Lan. Ông được xem như biểu tượng của sự đoàn kết trong tình hình chia rẽ chính trị và bạo lực tăng cao. – BBC

Tin Biển Đông – 10-10-2016

Chính quyền Đà Nẵng phản đối Trung Quốc bầu cử tại Hoàng Sa

Cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc.
Cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc.
 Photo of chinanews
RFA
10-10-2016
Hôm nay, chính quyền Thành phố Đà Nẵng ra tuyên bố phản đối Trung Quốc tổ chức bầu cử tại Hoàng Sa.
Trong tuyên bố được phổ biến vào hôm thứ Hai, mùng 10 tháng 10 năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đa Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ nêu rõ việc Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội Nhân dân Khóa 2 ở thành phố mà Bắc Kinh gọi là “Tam Sa”, thuộc quần đảo Hoàng Sa, là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng nhấn mạnh chính quyền Đà Nẵng phản đối và yêu cầu Trung Quốc không được tái diễn những việc làm như vừa nêu.
Liên quan đến việc Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội Nhân dân Khóa 2 hồi cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào hôm mùng 3 tháng 10, cũng lên tiếng phản đối việc làm này và yêu cầu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái, phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cùng với thỏa thuận giữa hai quốc gia về giải quyết vấn đề trên biển.

Ông Duterte dẹp tranh chấp sang một bên khi đi TQ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay, 10/10, tuyên bố rằng ông sẽ gác lại vấn đề bãi cạn Scarborough với Trung Quốc, ít ngày trước chuyến công du Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông cho biết sẽ yêu cầu chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới cho phép các ngư dân Philippines tiếp cận khu vực tranh chấp đó.
Nhà lãnh đạo trực ngôn này bày tỏ hy vọng về các cuộc đàm phán với chính phủ Trung Quốc.
Báo chí dẫn lời ông nói rằng “họ thực sự muốn giúp chúng ta,” đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh đã cho phép Philippines xuất khẩu chuối và dứa sang Trung Quốc.
Theo dự kiến, Tổng thống Philippines tới thăm Trung Quốc từ ngày 18 tới 21/10 nhằm tăng cường quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh, vốn trải qua nhiều sóng gió dưới chính phủ tiền nhiệm của ông Duterte vì tranh chấp ở biển Đông.
Theo tờ PhilStar, ông Duterte tiến hành chuyến công du kéo dài 4 ngày nhằm củng cố quan hệ với các nước như Trung Quốc và Nga, trong khi đang “trục trặc” với Hoa Kỳ về chiến dịch đẫm máu nhằm bài trừ ma túy ở Philippines.Tổng thống Philippines được trích lời nói: “Tôi sẽ tới Trung Quốc. Chúng ta vẫn ổn [trong quan hệ] với họ. Giờ không phải là lúc bàn nhiều về Scarborough. Chúng ta không giải quyết được việc này, kể cả có cáu giận”.
Trong khi đó, tờ Inquirer dẫn lời ông Duterte nói rằng Philippines “không thể thắng” ở Scarborough.
Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn này năm 2012, và cấm các ngư dân Philippines bén mảng tới đó.- VOA

Tin Việt Nam – 10-10-2016

Tin Việt Nam – 10-10-2016

Thảo luận ‘xã hội dân sự’ ở Vũng Tàu

Image copyrightJB LE SY BINH FACEBOOK
Image captionCuộc gặp được quay lại trên Facebook đã xảy ra tranh cãi khi các lực lượng an ninh bước vào
Luật sư Lê Công Định nói ông và nhiều nhà hoạt động bị “bắt giữ” và “chụp mũ” khi đến Vũng Tàu dự một buổi trò chuyện tên Tuổi trẻ và Xã hội Dân sự.
Cuộc gặp diễn ra ngày 8/10 tại thành phố Vũng Tàu, với khoảng 30 nhà hoạt động, nhưng sau đó đã bị lực lượng an ninh và công an địa phương xuất hiện và ngăn chặn.
Trong số những người tham gia cuộc gặp này có những gương mặt được nhiều người biết đến, như ông Nguyễn Đan Quế, một cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động Nguyễn Trang Nhung, bà Nguyễn Thúy Quỳnh…
Đoạn video quay trực tiếp qua Facebook từ khách sạn ở Vũng Tàu cho thấy nhiều người đã xuất hiện và xảy ra tranh cãi với các nhà hoạt động.
Nói với BBC Tiếng Việt từ Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định nói đó “không phải là hội thảo mà chỉ là một buổi gặp gỡ giữa các nhà hoạt động ở Vũng Tàu và trong Sài Gòn thôi”.
“Chúng tôi đến gặp để nói chuyện trao đổi, và sẽ có ăn uống với nhau, chứ không phải là hội thảo. Chúng tôi vừa bắt đầu đâu được vài phút thì họ ập vô bắt không cho chúng tôi tiếp tục.”
“Chúng tôi cũng nói chuyện một cách đàng hoàng coi chúng tôi vi phạm điều gì về khía cạnh pháp lý. Nhưng họ không nêu ra được. Trong lúc chúng tôi nói chuyện họ đã sử dụng những hành động vũ lực cưỡng bức chúng tôi đi về đồn.”
Trên trang Facebook cá nhân, bà Nguyễn Trang Nhung cũng mô tả lại bà được cho biết khi bị bắt là“việc hội họp để trao đổi về các vấn đề xã hội là phải xin phép, và việc không xin phép là vi phạm pháp luật, rằng Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa, không có tự do ngôn luận như Mỹ”.

“Tôi không phải Việt Tân”

Image copyrightTRAN HUYNH DUY THUC FAMILY
Image captionLuật sư Lê Công Định (trái) cũng bị bắt giữ trong cuộc gặp ở Vũng Tàu hôm cuối tuần
“Gọi là ‘Tuổi trẻ và Xã hội Dân sự’ vì những người tham gia phần đông là trẻ, chỉ có một số người lớn tuổi mà thôi, chứ đó cũng không phải chủ đề cố định của buổi hôm đó,” luật sư Lê Công Định nói với BBC Tiếng Việt.
“Chúng tôi dự định nói chuyện với nhau một cách thoải mái về mọi vấn đề xã hội, chứ không riêng vấn đề xã hội dân sự hay vấn đề tuổi trẻ và xã hội dân sự.”
Luật sư Định nói ông “bị đánh, kẹp cổ và khóa tay” nhưng “không nặng lắm” khi ông “thoát ra và hét lên ‘Công an bắt người’”.
Khi BBC hỏi liệu cuộc trấn áp ngày thứ Bảy 8/10 có liên quan đến thông điệp của công an Việt Nam về Việt Tân và Formosa hay không, luật sư Lê Công Định nói ông “không nghĩ vậy”.
“Thứ nhất là tôi chẳng liên quan gì đến Việt Tân cả. Từng cá nhân một, chúng tôi là những người quan tâm đến từng vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.”
“Bản thân tôi là thành viên của Hội Tù nhân Lương tâm vì tôi đã từng đi tù, và là tù chính trị cho nên đó là một tổ chức xã hội dân sự.”
“Còn những người khác cũng tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự bình thường thôi, không liên quan đến chính trị nữa, chứ đừng nói tới Việt Tân.”
“Cho nên chụp mũ Việt Tân là để cường điệu hóa vấn đề để cho thấy họ có một lý lẽ tối thiểu nào đó để ra tay trấn áp.”
“Chứ hôm đó chúng tôi gặp nhau, trao đổi với nhau về nhiều vấn đề chính trị xã hội thôi, chứ chẳng liên quan chỉ đến vấn đề Formosa hay xã hội dân sự cả. Cho nên nếu gắn kết vấn đề đó để họ làm mạnh tay thì tôi thấy rất phi lý,” ông Định nói với BBC.

Image copyrightNLD.COM.VN
Image captionHiện ông Trần Huỳnh Duy Thức (bìa trái) vẩn bị tù
Về vụ việc Formosa, luật sư Lê Công Định nói ông “chỉ hỗ trợ về phương diện kỹ thuật vì tôi biết về luật. Rất nhiều người kể cả các luật sư tham gia hỗ trợ vụ Formosa, họ cần đến ý kiến của tôi vì tôi có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, chứ tôi không phải là người đi đến Hà Tĩnh hay Nghệ An để trực tiếp làm những vấn đề này.”
Nhiều nhà hoạt động được cho là đã được thả “ngay trong ngày”, trong khi một số người nói họ bị thả ở “quốc lộ” vào buổi đêm tối. Luật sư Định được thả lúc 12 giờ 30 sáng hôm Chủ Nhật, ông cho biết. – BBC

FT: ‘Formosa nói đã trả 500 triệu đô’

Image copyrightAFP
Image captionFinancial Times: “Formosa nói họ đã trả 500 triệu USD”
Bài trên báo Anh tờ Financial Times nói tập đoàn Formosa cho biết họ đã trả nửa tỷ USD tiền bồi thường cho chính phủ Việt Nam hồi tháng Chín.
Bài của nhà báo Michael Peel từ Bangkok hôm 06/10/2016 trích nguồn từ Formosa nói họ đã “trả cho chính quyền Việt Nam 500 triệu USD hồi tháng trước nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời câu hỏi họ đã nhận được chưa và tiền sẽ được dùng vào việc gì”.
Bài báo cũng nói, “Hà Nội bị giám sát mạnh về cách xử lý vụ Formosa, giống như hồi hai năm trước khi họ chậm trễ khi giải quyết các vụ đám đông bài Bắc Kinh”.
Tờ báo Anh cho rằng “báo cáo toàn bộ về vụ ô nhiễm [do Formosa gây ra] vẫn chưa được công bố, đặt ra câu hỏi về các loại hóa chất và tác động lâu dài của chúng.”
Financial Times không phải là báo nước ngoài đầu tiên nói về chuyện tiền đã được trả cho phía Việt Nam.
Trang Taipei Times ở Đài Loan ngày 10/10 trích hãng APF viết rằng “tập đoàn Formosa đã trả tiền cho chính phủ Việt Nam”.

‘Hợp lý và thỏa đáng’

Từ Việt Nam, bài trên báo Hà Tĩnh thì cho hay đã có tiền bồi thường trả cho ngư dân vùng biển bị nhiễm độc.
Trang Hà Tĩnh Online hôm 1/10/2016 nói, “Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.”
Bài báo trích dẫn một số ngư dân mô tả họ thỏa mãn với sự hỗ trợ từ chính quyền.
Image copyrightTIN MUNG CHO NGUOI NGHEO
Image captionGiáo dân Hà Tĩnh vây cổng Formosa ở Kỳ Anh hôm đầu tháng 10
Chẳng hạn một ngư dân là ông Lê Văn Phú từ Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên, chủ một tàu cá công suất 140 CV được trích lời nói:
“Theo thông tin mà tôi nhận được thì tàu của tôi được hỗ trợ từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Từ khi sự cố môi trường diễn ra đến nay đã 6 tháng, nhân lên thì mức hỗ trợ thiệt hại được hưởng từ 60 – 90 triệu đồng.
“Mức hỗ trợ trên là hợp lý và thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ 5 lao động đi trên tàu có được hỗ trợ riêng hay không.”
Cũng báo Việt Nam hôm 8/10 trích lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói Chính phủ đã “ứng” trước 3.000 tỷ đồng bồi thường để người dân nhanh chóng ổn định đời sống.
Bài của Financial Times thì cho hay Formosa xác nhận “họ muốn đi tiếp khỏi các vấn đề của quá khứ” sau vụ việc xả thải gây nhiễm độc biển.
Nhưng theo Michael Peel thì nhiều giáo dân Việt Nam đã biểu tình muốn Formosa ra khỏi nước này.
Bài báo nhắc lại vụ hàng nghìn giáo dân Hà Tĩnh vây cổng Formosa ở Kỳ Anh hôm đầu tháng 10.
Các mạng xã hội tại Việt Nam cho hay hôm 9/10 phía chính quyền đã chuẩn bị để đối phó với cuộc biểu tình tương tự nhưng người dân lại không ra khu vực trước cổng tập đoàn Formosa nữa.
Image copyrightTUOITRE.VN
Image captionDự án Formosa tại Hà Tĩnh được dư luận cả ở Việt Nam và nước ngoài
Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả 506 đơn kiện Formosa liên quan đến yêu cầu bồi thường vụ cá chết.
Truyền thông Việt Nam cho hay, hôm 5/10, Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã tiến hành trả 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh và nói thêm rằng việc trả đơn “đúng theo quy định của pháp luật”.
“Hiện tại, Tòa án Kỳ Anh đã sao chụp toàn bộ 506 đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan lưu tại Tòa án để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 8/10 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
“Trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế,” báo này viết. – BBC

Việt Nam lo ngại nguy cơ TPP thất bại

 Việt Nam lo ngại nguy cơ TPP thất bại
Bộ trưởng Thương Mại 12 nước tham gia TPP kết thúc đàm phán tại Atlanta. Ảnh ngày 05/10/2015.Erik S. Lesser / European Pressphoto Agency)
Trái với dự kiến ban đầu, Quốc hội Việt Nam sẽ chưa biểu quyết thông qua hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP trong kỳ họp thứ hai, bắt đầu từ ngày 20/10 tới. Tuy là nước được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, vì sao Việt Nam lại chần chừ trong việc phê chuẩn hiệp định này? Theo tuyên bố của chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngày 15/09 thì Việt Nam muốn chờ kết quả bầu cử tổng thống của Mỹ.
Thực tế đúng là số phận của TPP tùy thuộc vào diễn tiến bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, vì cả hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton đều tuyên bố chống lại hiệp định này. Thật ra thì đây chỉ là một trong những lý do khiến Việt Nam không muốn tỏ ra quá “hăng hái” với TPP.
Tuy vậy, điều mà giới lãnh đạo Hà Nội lo ngại là hiệp định tự do mậu dịch do chính Mỹ khởi xướng sẽ chết yểu do không được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, vì viễn cảnh này gây nhiều tác hại cả về kinh tế lẫn chiến lược cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sau đây là ý kiến của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện là nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, về vấn đề này:
TS Lê Hồng Hiệp, Singapore05/10/2016 Nghe
Powered by Blogger.