Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đồng Tâm đau thương

Sunday, January 12, 2020 // ,

 
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Chiến dịch tìm diệt
Vụ thảm sát ở Đồng Tâm ngày 9/1/2012 vượt qua tất cả trí tưởng tượng của mọi người dù là phong  phú đến mấy. Không ai có thể ngờ rằng, nhà cầm quyền dám làm một chuyện tày đình như vậy. Độ ngang ngược, trắng trợn và ngang nhiên vi phạm pháp luật là chưa từng có.
Thông điệp của họ là dùng sức mạnh của quân số và vụ khí đè bẹp mọi sự phản kháng, bất chấp sự phản kháng ấy có phù hợp với pháp luật hay không.
Họ gọi những người dân tự vệ là những kẻ chống người thi hành công vụ. Vậy công vụ nào ở đây?
Là cưỡng chế khu 59 héc ta Đồng Sênh ư?
Cưỡng chế là phải có người thi công, có người chống lại và nhiệm vụ của lực lượng cưỡng chế là vô hiệu hóa sự chống lại từ phía người bị cưỡng chế. Sự việc phải xảy ra ở khu đất bị cưỡng chế. Nhưng trên thực tế thì không có chuyện người dân Đồng Tâm có mặt ở khu vực ấy vào lúc 3, 4 giờ sáng mà là họ đang trong giấc ngủ say. Vì không phải là cuộc cưỡng chế nên điều luật “Không thực hiện cưỡng chế đất đai từ 22 giờ đến 6 giờ” là chưa cần thiết phải nêu ra ở đây. Cưỡng chế mà dùng tới một lực lượng hùng hậu như đi đánh chiếm một quốc gia. Lực lượng này là bao nhiêu? Có thông tin 1 nghìn , 3 nghìn và có cả thông tin tới 9 nghìn quân. Không ai xác minh được con số đúng ngoài chính những người tổ chức. Mà nếu họ công bố đi chăng nữa thì mấy ai cho rằng con số ấy là chính xác.
Nó là cuộc tấn công vào nhân dân Đồng Tâm.
Cái gọi là “cưỡng chế” không xảy ra ở hiện trường thi công mà ở thôn Hoành. Lực lượng được gọi là “cưỡng chế” tấn công vào thẳng thôn Hoành lùng sục mà mục tiêu trước hết là nhà Cụ Lê Đình Kình và chết chóc đã xảy ra ở đây. Đạn nổ, lửa cháy náo loạn cả một làng quê khi trời còn đang chìm vào bóng đêm. Chúng đến tận từng nhà gọi hàng. Nhà Cụ Lê Đình Kình bị phá, Cụ bị giết, con cháu Cụ bị trọng thương và bị bắt đi cùng nhiều người khác, hiện giờ chưa biết sống chết ra sao.
Cuộc hành quân khổng lồ tới Đồng Tâm với hàng nghìn quân và phương tiện, vũ khí, khí tài đêm ấy là nhằm tấn công người dân Đồng Tâm chứ không phải phục vụ cho cưỡng chế đất đai. Đó là chiến dịch tìm diệt.
Bưng bít sự thật
Tôi dám chắc tất cả những người tổ chức cuộc tấn công nhằm vào nhân dân Đồng Tâm đều biết sự phi lý và phi pháp của nó. Nếu đàng hoàng, chính đáng thì tại sao công an phải canh chặn những người mà họ cho rằng có thể sẽ đi Đồng Tâm từ nhiều ngày trước và cho đến tận bây giờ? Sao không để cho ai muốn thì cứ đến tận nơi, tìm hiểu và phản ánh sự thật. Nếu lẽ phải, chính nghĩa thuộc về phía nhà cầm quyền thì việc gì phải ngăn cản?
Trịnh Bá Phương bị bắt khi đang live stream phỏng vấn người dân Đồng Tâm lúc sự việc đang diễn ra. Bùi Thị Minh Hằng ở tận Vũng Tàu cũng phỏng vấn người dân Đồng Tâm khi Đồng Tâm đang bị tấn công và bị công an xông vào tận nhà bắt đi ngay sau đó
Cho đến bây giờ, hơn 3 ngày sau vụ tấn công vào Đồng Tâm, tất cả những người bị canh vẫn đang trong vòng vây của an ninh và có dấu hiệu ráo riết hơn.
Việc làm đó nhằm mục đích gì, nếu không phải là để bưng bít sự thật?
Một chiến dịch tuyên truyền khổng lồ nhằm lấp liếm tội ác của họ ở Đồng Tâm, cố làm như vụ tấn công này là cưỡng chế đất, là công việc bình thường theo đúng luật pháp, là người dân tấn công họ chứ không phải họ tấn công người dân. Nó thống nhất từ tuyên giáo đến báo chí, từ dư luận viên đến lãnh đạo cao nhất.
Báo chí, truyền hình chỉ thông tin theo nguồn duy nhất là từ Bộ Công an.
Ba cảnh sát cơ động thiệt mạng, chỉ 1 ngày sau đó được Chủ tịch nước huân chương chiến công hạng nhất. Đây là việc làm sốt sắng chưa từng có, vượt qua mọi thủ tục đề nghị, trình duyệt và xem xét. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 3 cảnh sát mà họ cho rằng “đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm tại xã Đồng Tâm”. 2 ngày sau, Bộ trưởng công an đã thăng thêm một cấp quân hàm cho họ.
Cũng ngày 11/1, khi đi kiểm tra công tác của ngành công an, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho họ là là “tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia”. Ông ta “yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ chống đối, vi phạm pháp luật”.
Thật là những việc làm phối hợp hết sức nhịp nhàng để tạo dư luận rằng vụ tấn công vào Đồng Tâm là hợp pháp và chính nghĩa, còn nhân dâm Đồng Tâm là những kẻ chống đối cần phải trừng trị.
Còn dư luận viên (mà giới facebooker thường gọi là bò đỏ) thì sao? Cũng chưa bao giờ có chuyện chúng ra quân đồng loạt và đông đến thế. Hàng loạt nick cả cũ và mới lập ào vào các trang đang cố đưa sự thật về Đồng Tâm chửi bới văng tục, viết những lời khả ố, đểu cáng ầm ỹ cả lên. Thầy Đào Tiến Thi than với tôi: “Em không thể xóa kịp còm của chúng”.
Chúng còn lập những nick giả mạo những facebooker nhiều người biết đến rồi đi khắp nới comment bậy bạ, gây nghi kỵ lẫn nhau. nếu bị report thì chúng nhanh chóng lập ra cái khác. Bản thân tôi đã bị giả mạo đến lần thứ 4 gây nên nhiều thắc mắc cho người quen biết. Tôi đã phải nhận những tin nhắn hoặc điện thoại gọi đến quở trách.
Để chứng minh thêm cho nhận định của mình ở trên (“tôi dám chắc tất cả những người tổ chức cuộc tấn công nhằm vào nhân dân Đồng Tâm đều biết sự phi lý và phi pháp của nó”), tôi nhắc lại một chi tiết: Khi họ đưa xác Cụ Kình về ủy ban xã và báo cho người nhà lên nhận, họ bắt người nhà Cụ ký vào biên bản là Cụ chết ở Đồng Sênh và bắt người dân khác cũng xác nhân điều đó. Tất nhiên không ai ký vì thực tế cụ bị bắn tại  nhà. Hiểu điều này thật đơn giản: họ muốn cụ Kình chết ở Đồng Sênh để cho rằng, cụ ra đấy chống đối người “thi hành công vụ” rồi công an “lỡ tay làm chết”, chứ không phải quân cướp xông vào nhà bắn.
Họ đang run sợ. Có câu tục ngữ rằng “chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”.
(Còn tiếp)
12/1/2020


Đồng Tâm: Cơ hội nhận diện kẻ thù của nhân tâm và dân ý

RFA blog


Hệ thống công quyền Việt Nam vừa minh định quan điểm về cách hành xử trong biến cố Đồng Tâm: Ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã quyết định trao “Huân chương Chiến công hạng Nhất” cho “ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh” trong cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) thì đến “kiểm tra công tác của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân” và “biểu dương tinh thần xả thân hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự” của “ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh”, đồng thời cho biết đã đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công an, “công nhân ‘liệt sĩ’ và phong quân hàm trước thời hạn cho cả ba”. Ông Phúc còn yêu cầu “xử lý nghiêm khắc vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm” (1).   
Nói cách khác, phản ứng của công chúng, những thắc mắc, kiến nghị của nhiều người, nhiều giới, kể cả của một số tôn giáo, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế về cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm, thành phố Hà Nội vào rạng sáng 9 tháng 1 đã được đảng, nhà nước, chính phủ vứt vào sọt rác. Hi vọng quốc hội thành lập một Ủy ban Điều tra độc lập, tất nhiên là… ảo vọng.
Thêm một lần nữa, đảng, nhà nước, chính phủ khẳng định, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đích thị là kẻ thù của nhân tâm, dân ý, chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ ngần ngại trong việc sử dụng bạo lực để đập nát các thắc mắc về quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng và sẵn sàng gạt bỏ không hề do dự những nguyện vọng của công chúng về việc vận hành quốc gia sao cho thật sự công bằng, dân chủ, văn minh!
Bao vây, tấn công thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm, thành phố Hà Nội không chỉ phô bày sự tàn bạo, mà còn phơi ra sự trâng tráo khi vu cáo các nạn nhân “giết người”, “tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “chống người thi hành công vụ”. Bao nhiêu người tin một cụ ông 84 tuổi, đi lại khó khăn do từng bị đánh gãy xương đùi “đền tội” do “chống đối” trong ngôi nhà của cụ (2)?
Có một điểm… “đáng tiếc” mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không đủ… tinh tế khi phác họa diện mạo “kẻ xấu chống lại đường lối của đảng và nhà nước”: Tại sao “đường lối của đảng và nhà nước” lại dồn ép một người có “60 tuổi đảng” – chưa bao giờ từ bỏ hay lên án đảng -  như cụ Kình, đến chết vẫn không buông “lựu đạn” để lực lượng “thi hành công vụ” thu giữ như “bằng chứng” (3)?
Tại sao chỉ kiên trì vận động mọi người yêu cầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương xem xét kỹ lưỡng về nguồn gốc đất ở đồng Sênh mà lại bị xem là “kẻ cầm đầu bọn xấu”? Suốt hai năm vừa qua, Đồng Tâm luôn đỏ quốc kỳ và những biểu ngữ xác định dân vẫn còn tin vào đảng, nhà nước nên mới xin đảng, nhà nước minh xét, tại sao đảng, nhà nước lại bao vây và tấn công?
Số phận của cụ Kình minh họa, đảng mà cụ là một đảng viên suốt 60 năm, thậm chí từng đảm nhận vai trò Bí thư đảng ủy của cả một xã, không như cụ nghĩ. Nhà nước, chính phủ mà cụ từng phục vụ ở vị trí Trưởng Công an xã, Chủ tịch xã thật ra không “của cụ, do cụ và vì cụ” hay “của, do, vì” con cháu, dân trong xã của cụ. Đảng đó, nhà nước đó, chính phủ đó của những kẻ nắm giữ thực quyền và vận hành theo ý muốn, lợi ích của chúng.
Cụ Kình không phải là ví dụ đầu tiên. Trước cụ và sau cụ đã từng và ắt sẽ còn có vô số  minh họa như thế. Chẳng hạn trường hợp Trần Độ - một “lão thành cách mạng”, từng là Ủy viên nhiều khóa của BCH TƯ đảng CSVN, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Trung tướng quân đội,… Chỉ vì đưa ra hàng loạt đề nghị đảng thay đổi đường lối, chính sách mà Trần Độ trở thành “kẻ xấu”.
Khi Trần Độ giã biệt cuộc đời, đảng, nhà nước vẫn chưa chịu tha! Bao vây, ngăn cản đồng đội, đồng chí, trí thức, văn nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc ông. Ngay cả vòng hoa mà tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến viếng Trần Độ cũng bị chặn lại, buộc lột bỏ hàng chữ “Vô cùng thương tiếc”. Tuy tranh cãi nảy lửa với đại diện của đảng, nhà nước nhưng cuối cùng, tùy viên của tướng Giáp chỉ giữ được hai chữ “thương tiếc” trên vòng hoa (4)!
***
Vài tháng gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tổ chức và giới thiệu về hàng loạt cuộc diễn tập “chống khủng bố, bạo loạn, gây rối” khiến công chúng bỡn cợt: Làm sao phân biệt địch – ta, khi lực lượng vũ trang trấn áp đám đông giương cao quốc kỳ và những biểu ngữ mà nội dung thể hiện những đòi hỏi hết sức chính đáng, chẳng hạn: Đề nghị xử lý nghiêm các sai phạm (5)!
Đối chiếu cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Mỹ Đức, huyện Đồng Tâm, thành phố Hà Nội với các cuộc diễn tập “chống khủng bố, bạo loạn, gây rối” vừa kể, có thể thấy, về mặt nhận thức, rõ ràng, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã và đang xem tất cả các thắc mắc, khiếu nại, dẫu hợp pháp, hợp lý như “xử lý nghiêm các sai phạm”,… cũng đều cần phải trừng trị thẳng tay. 
Rất nhiều người thắc mắc, tại sao lực lượng vũ trang, trang bị đến tận răng, chưa kể được hỗ trợ bởi vô số thiết bị chuyên dùng trấn áp hiện đại lại mất tới “ba cán bộ, chiến sĩ công an”? Theo một số người sử dụng mạng xã hội, trước khi “hi sinh”, cả “ba cán bộ, chiến sĩ công an” này đang đứng trên mái một ngôi nhà gần nhà cụ Kình, cùng quan sát và thảo luận về cách thức đột nhập và do giật mình vì một vật mà họ tưởng là “lựu đạn”, cả ba té từ trên mái nhà xuống khoảng trống giữa hai căn nhà liền kề nên “hi sinh”!
Chưa rõ thông tin vừa kể có chính xác hay không nhưng chắc chắn hàng ngàn “cán bộ, chiến sĩ” tham gia cuộc tấn công Đồng Tâm đã biết nhân tâm, dân ý về cuộc tấn công mà họ tham gia thế nào. “Huân chương Chiến công hạng Nhất” trao cho Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh (Trung đoàn phó Trung đoàn CSCĐ 22), Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (Tiều đoàn 1,  Trung đoàn CSCĐ 22), Trung uý Phạm Công Huy (Đội PCCC Khu vực 3), thăng quân hàm trước thời hạn có thể bù đắp những mất mát của gia đình họ?
Loại huân chương, kiểu động viên nào đủ để giúp “cán bộ, chiến sĩ” lực lượng vũ trang bớt hoang mang trước nhân tâm, dân ý và che kín những bất toàn của hiện trạng kinh tế, xã hội mà dù muốn hay không, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng vẫn là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp? Cuối tháng 5 năm ngoái, Thiếu úy – nay là Trung úy, Liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân chụp tin nhắn mà MBBank (Ngân hàng Quân đội) gửi, thông báo vừa chuyển lương vào tài khoản và chia sẻ trên facebook: “Đm. Lương t6/2019” (6). 
Sở dĩ Thiếu úy Quân “Đm” vì số tiền chỉ có… 1.000 đồng Việt Nam! Lực lượng vũ trang Việt Nam có vô số những thiếu úy, trung úy, thượng tá mà gia cảnh như Quân (7), như Huy (8), như Thịnh (9). Chẳng lẽ cả họ lẫn thân nhân cùng mù, cùng bại não để tiếp tục nghe đảng, nhà nước khuyến dụ  “xả thân vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự” giúp một nhúm người hưởng lạc trên mồ hôi, nước mắt, sinh mạng của chính họ lẫn đồng bào?
Chú thích


Dân biểu Nghị viện Châu Âu lên tiếng về vụ Đồng Tâm

Hai Dân biểu Nghị viện Châu Âu: Saskia Bricmont và Iuliu Winkler
Hai Dân biểu Nghị viện Châu Âu: Saskia Bricmont và Iuliu Winkler
Photo: RFA

Trong giai đoạn Nghị viện Châu Âu họp bàn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) ký kết từ năm ngoái, thì tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày càng xuống dốc. Sau vụ bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng vì lên tiếng kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định cho đến khi nhân quyền được tôn trọng, hay các vụ xử các nhà hoạt động nhân quyền gần đây, mới nhất, sáng ngày 9 tháng giêng vừa qua, công an thành phố Hà nội bao vây và tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Lực lượng công an đã bắn vào dân gây thương tích một số người và giết chết ít nhất một người dân. Đây là vụ tranh giành đất giữa chính quyền và nhân dân kéo dài từ năm 2017.
Để tìm hiểu về ảnh hưởng của vụ việc ở Đồng Tâm và những vụ tương tự trong việc Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chúng tôi tìm gặp và phỏng vấn hai vị Dân biểu: Bà Saskia Bricmont, Trợ lý Uỷ viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Xanh, và ông Iuliu Winkler, Trợ lý Uỷ viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Nhân dân Châu Âu. Xin mời quý thính giả theo dõi sau đây.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Saskia Bricmont, tin từ Việt Nam cho biết công an thành phố Hà Nội tấn công xã Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng giêng vừa qua, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Vào lúc Quốc hội Châu Âu đang thảo luận việc phê chuẩn hiệp định EVFTA, qua đó, chứa đựng những điều khoản nhân quyền. Bà nghĩ sao về cuộc bạo hành này ?
Dân biểu Saskia Bricmont : Hiển nhiên đây là điều quan ngại, vì nó góp thêm vào các vụ khác mà chúng tôi được báo động thông qua các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Sự kiện tranh cãi đất đai, hiển nhiên cần mở ngay cuộc điều tra – độc lập và minh bạch – trên hiện trường để xem sự thực xẩy ra như thế nào. Điều cần thiết là nhà cầm quyền cần ôn tồn đối thoại thay vì sử dụng bạo lực để giải quyết trong hoàn cảnh như thế. Sự vụ này cho thấy chính sách thực hiện đang áp đặt lên đầu người dân, không thích ứng cho việc giảm thiểu căng thẳng, giữa chế độ và dân chúng.
Ỷ Lan : Nhất là sự kiện Đồng Tâm xẩy ra vào lúc Nghị viện Châu Âu đang thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, đặc biệt quan điểm của bà rất cương quyết trong việc bảo đảm các điều khoản nhân quyền ghi trong Hiệp định. Bà có nghĩ rằng những gì xẩy ra ở Đồng Tâm sẽ tác động lên việc phê chuẩn không ?
Dân biểu Saskia Bricmont : Đối với chúng tôi ở Đảng Xanh, vụ Đồng Tâm chắc chắn là yếu tố bổ sung cho những chi đã xẩy ra gây vấn nạn cho tình trạng nhân quyền Việt Nam.
Trong hoàn cảnh như thế, đối với chúng tôi, Liên Âu không nên thắt chặt quan hệ với Việt Nam.
Để kết thúc Hiệp định EVFTA với Việt Nam, theo chúng tôi, chính quyền Việt Nam cần minh chứng ý chí cộng tác trên một loạt tham số, như tình trạng nhân quyền chẳng hạn ; bởi vì chúng tôi nhận quá nhiều những thông tin bắt bớ có tính tuỳ tiện, trái ngược với sự tự do biểu đạt và hội họp.
Ỷ Lan : Được biết Nghị viện Châu Âu vừa đề xuất Việt Nam một lộ trình (Roadmap) thực hiện các điều kiện nhân quyền trước khi Nghị viện có thể phê chuẩn Hiệp định. Xin bà cho biết Việt Nam hồi âm ra sao ?
Dân biểu Saskia Bricmont : Hồi âm của chính quyền Việt Nam mà chúng tôi nhận được chẳng thoả mãn chúng tôi tí nào.
Đối với chúng tôi, thư hồi âm của Thủ tướng Việt Nam về lộ trình Nghị viện Châu Âu đề nghị [giải quyết vấn đề nhân quyền] quá thiếu sót, vì chẳng đề cập đến viễn ảnh sửa đổi bộ Luật Hình sự, là điểm chính yếu để Hiệp ước EVFTA được phê chuẩn.
Chúng tôi vừa có cuộc họp với toàn thể các nhóm chính trị trong Quốc hội Châu Âu. Phần chúng tôi, chúng tôi nhận thấy cần trì hoãn cuộc phê chuẩn hiệp ước và liên hệ với nhà cầm quyền Việt Nam cũng như với xã hội dân sự – đặc biệt là giới Công đoàn – để cùng nhau tham cứu làm thế nào khi chúng tôi khởi động đầu tư và mậu dịch với Việt Nam, các xí nghiệp Châu Âu không đồng loã với những vi phạm nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Saskia Bricmont. Dân biểu Iuliu Winkler phản ứng về vụ Đồng Tâm như sau :
Dân biểu Iuliu Winkler : Đúng là chúng tôi vẫn theo dõi các diễn biến tại Việt Nam, đặc biệt vào giai đoạn sắp có cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội Châu Âu (INTA) vào ngày 21 tháng giêng này. Chúng tôi rất lo ngại trước tin tức bất hạnh này. Cùng lúc, chúng tôi có những liên hệ thể chế cấp cao với chính quyền và Quốc hội Việt Nam liên quan đến hiệp ước EVFTA và IPA. Như ta đã biết, có hai hiệp ước được ký năm ngoái, nay chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn.
Việc phê chuẩn được kèm theo một số điều kiện, nên khối dân biểu chúng tôi theo dõi chặt chẽ sự cam kết của Việt Nam. Chúng tôi đã vạch ra một lộ trình với thời biểu thực hiện. Ví dụ như cam kết phê chuẩn 2 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam chưa thực hiện. Về Bộ luật Lao động, chúng tôi bằng lòng với một số sửa đổi, nhưng chúng tôi muốn thấy các sửa đổi này thực hiện như thế nào. Chúng tôi cũng quan tâm về quyền người lao động. Tại Quốc hội Châu Âu, chúng tôi muốn chứng kiến quyền người lao động được thực hiện tại Việt Nam, cũng như sự thực hiện những tôn trọng nhân quyền nói chung tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Được biết trong thư hồi âm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 6 tháng giêng 2020 gửi Chủ tịch và các Dân  biểu trong Uỷ ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu (INTA) có một số điều quan trọng không được đề cập hay chấp nhận. Đó là việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự, điểm chính yếu để Hiệp định được phê chuẩn, như bà Dân biểu Saskia Bricmont trả lời phỏng vấn trên đây. Bởi vì Nghị viện Châu Âu đòi hỏi pháp lý phải bảo đảm cho Công đoàn được hoạt động độc lập, nhưng Hà Nội thối thoát chữ Công đoàn độc lập để thay bằng danh xưng « Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở » trong Bộ Luật Lao động sửa đổi. Nghị viện Châu âu cũng đòi hỏi nhằm triển khai các cam kết nhân quyền của Việt Nam ghi trong Hiệp định EVFTA, cần có sự liên hệ cộng tác giữa Nghị viện Châu Âu với nhà cầm quyền Việt Nam cũng như với xã hội dân sự độc lập – đặc biệt là giới Công đoàn. Nhưng ông Phúc thối thoát khi hồi âm, biến « xã hội dân sự độc lập, đặc biệt là giới Công đoàn » thành « Nhóm tư vấn trong nước ». Nhóm tư vấn này ông Phúc cho biết « Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương hoàn tất ».
Những chi độc lập và tư nhân đều bị ra rìa. Mọi sự nằm trong vòng tay kiểm soát của Đảng và Chính quyền, là nội dung thư hồi âm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Facebooker bị bắt giữ vì đăng tin về đụng độ ở Đồng Tâm



Hình minh hoạ. Ông Chung Hoàng Chương
Hình minh hoạ. Ông Chung Hoàng Chương
Courtesy of FB Chương May Mắn

Facebooker Chung Hoàng Chương còn được biết với tên Chương May Mắn vừa bị công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bắt giữ vì đăng tải thông tin liên quan đến vụ đụng độ giữa cảnh sát và người dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua.
Truyền thông trong nước hôm 12/1 trích thông tin từ thượng tá Đặng Công Chức, Phó trưởng Công an quận Ninh Kiều cho biết như vậy.
Theo thông tin từ công an quận Ninh Kiều, ông Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, bị bắt giữ về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết và hình ảnh có nội dung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước. Trước đó, ngày 10/1, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Ninh Kiều phát hiện tài khoản Facebook Chương May Mắn có nhiều bài viết mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín cơ quan Nhà nước và lực lượng vũ trang đang thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm.
Cũng theo truyền thông trong nước, tại cơ quan công an, ông Chung Hoàng Chương đã thừa nhận thường xuyên dùng điện thoại di động để truy cập Facebook xem các thông tin không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng xác thực và đăng tải, chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Cơ quan Công an cũng xác định tài khoản Chương May Mắn từ năm 2018 đến nay đã đăng tải, chia sẻ 16 bài viết chứa nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền, chống phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Facebooker Chương May Mắn là người đã từng gây chú ý hồi năm 2017 khi đăng tải trên Facebook cá nhân hình ảnh cổng chào đón năm mới ở Cần Thơ được so sánh như quần lót của phụ nữ. Ông Chương sau đó đã bị Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ mời lên làm việc về vụ việc này.
Hôm 11/1, báo Hà Nội Mới của chính quyền Hà Nội đã có bài viết trích lời của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cáo buộc Facebook đã chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ những nội dung về Đồng Tâm được cho là xuyên tạc, có tính chất kích dộng.
Vụ đụng độ xảy ra ở Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 9/1 đã kiến ít nhất 4 người thiệt mạng theo thông báo từ Bộ Công an. Trong số này có 3 công an và một dân thường là cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi. Cụ Kình là người được coi như lãnh đạo tinh thần của người dân ở Đồng Tâm trong việc bảo vệ khu đất 59 ha mà chính quyền cho là đất quốc phòng còn người dân khẳng định là đất canh tác.
Bộ Công an cho biết đã có khoảng 30 người đã bị bắt giữ ở Đồng Tâm. Bộ Công an đã quyết định khởi tố 3 vụ án ở Đồng Tâm bao gồm “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, và “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”.

”Vụ Đồng Tâm”: Một tiền lệ ”hết sức nguy hiểm” cho Việt Nam


”Vụ Đồng Tâm”: Một tiền lệ ”hết sức nguy hiểm” cho Việt Nam
12/01/2020
Làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nơi xảy ra vụ can thiệp của lực lượng an ninh, ngày 09/01/2020.

Trọng Thành
Bạo lực bùng nổ tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, sớm 09/01/2020 – liên quan đến tranh chấp đất đai – khiến nhiều người tử vong, cả về phía người dân, cũng như về phía công an. Nhiều người hết sức bất ngờ trước kết cục bi thương này. Giáo sư Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, cho biết vụ Đồng Tâm là một ”cú sốc”, tạo một tiền lệ ”hết sức nguy hiểm”, trong hành xử của chính quyền với người dân.
Từ một tranh chấp dân sự chuyển thành một vụ án hình sự, tranh chấp tại Đồng Tâm giờ đây đã biến thành một xung đột thảm khốc. Theo thông báo chính thức từ phía công an, ba nhân viên an ninh thiệt mạng cùng một dân làng. Hiện không thể biết chính xác về những gì diễn ra vào lúc tảng sáng ngày 09/01 tại làng Hoành (xã Đồng Tâm), do truyền thông và điều tra độc lập không được phép tiếp cận hiện trường. Chính quyền, một mặt khởi tố vụ án giết người thi hành công vụ, mặt khác phong tỏa hiện trường. Báo chí chính thức trong nước về cơ bản không có cơ hội tiếp cận địa phương, chủ yếu đăng tải các thông tin từ cơ quan công an, hoan nghênh cuộc can thiệp.
Đối với nhiều người, vụ Đồng Tâm chắc chắn rồi đây sẽ trở thành một sự kiện lịch sử, một bước ngoặt trong cách thức chính quyền xử lý tranh chấp với người dân tại Việt Nam.
Trả lời RFI tiếng Việt, Giáo sư – nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng (từ Sài Gòn) nhận xét : cách hành xử của chính quyền, trong vụ can thiệp thảm khốc tại Đồng Tâm và sau đó, cho thấy chính quyền đang trên con đường khuyến khích bạo lực, ”ca ngợi” việc sử dụng bạo lực chống lại người dân. Quyền lực không được kiểm soát thường đi đôi với độc quyền chân lý – sử dụng bạo lực mù quáng. Có một điều đầy nghịch lý đáng lưu ý là phương cách hành xử chưa từng có với dân này, như kiểu ”thời chiến” của chính quyền, lại diễn ra đúng vào lúc mà xã hội Việt Nam đang trong cơ hội hội nhập mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.
RFI: Xin Giáo sư biết cảm nhận chung của ông về vụ bạo lực thảm khốc tại Đồng Tâm vừa xảy ra.
GS Hoàng Dũng: Tôi nghĩ là tôi cũng như mọi người đều sốc. Chỉ còn chừng hai tuần nữa là Tết. Mà Tết của người Việt Nam, khỏi phải nói là nó thiêng liêng như thế nào. Nhà nước, dù giả sử là lẽ phải về phía mình, cũng nên dời lại việc đem lính về Đồng Tâm, sau Tết chừng một tháng chẳng hạn. Tôi không hiểu người nào đưa ra quyết định bất chấp truyền thống của đất nước như vậy. Năm ngoái đây, ở Sài Gòn, (vụ cưỡng chế) Vườn rau Lộc Hưng cũng diễn ra trước Tết như thế. Dường như người ta không biết rút kinh nghiệm gì cả, dường như người ta bất chấp. Cái đau khổ dường như là của người khác, chứ không phải của đồng bào mình.
Điểm thứ hai là cái giá trả đắt quá! Cả các chiến sĩ công an, lẫn người dân. Tôi thấy đoạn video quay cụ Kình mà tôi không cầm được nước mắt. Ở trên ngực, ở vị trí của trái tim, có một vết đạn. Và từ trên xuống dưới là một đường mổ chạy dài. Từ trên ngực xuống bụng. Mà nghe đâu cụ còn bị đánh gãy hẳn một cái chân. Tôi nghe lời chị Nhung con của cụ nói, thì cuộc tấn công ngay vào nhà vào ban đêm. Thì tất cả những cái đó vượt quá sức tưởng tượng của người dân, cho dù trước đây không phải là không có những việc tương tự, dầu ở một tầm mức thấp hơn.
Điều mà tôi muốn nói là Nhà nước dường như không biết rút kinh nghiệm gì cả. Sau vụ tấn công vào nhà Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng – Hải Phòng năm 2012), thì ông Giám đốc sở Công An Đỗ Hữu Ca ca ngợi là ”một trận đánh đẹp”, không những không bị kỷ luật mà còn được phong lên tướng (vụ Đoàn Văn Vươn là một vụ được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, tại Việt Nam, với kết quả là 4 công an và 2 người thuộc quân đội bị thương. Sau này, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một số cán bộ địa phương liên quan bị đình chỉ công tác và bị cách chức).
Việc đó nó khuyến khích những người có công cụ chuyên chính trong tay, súng ống trong tay, khiến cho họ không suy nghĩ gì nhiều khi muốn dùng vũ lực, nhất là dùng vũ lực với người dân. Trong một xã hội tử tế hơn, nghĩa là trong một xã hội mà người dân thực sự có quyền lực, thì những lạm dụng quyền lực như vậy, không phải tuyệt nhiên không thể xẩy ra, nhưng những người nào lạm dụng quyền lực, ngay sau đó chắc chắn sẽ nhận lại hậu quả. Chính điều đó khiến cho ở một xã hội tử tế, những lạm dụng bạo lực theo kiểu này rất hiếm, xảy ra ít hơn rất nhiều, và mức độ ít gay gắt hơn.
Đó là điều tôi muốn nói. Vì chuyện thương vong, dù đau đớn, nhưng đã xảy ra. Vấn đề là làm sao trong tương lai phải tránh những vụ tương tự. Tôi sợ rằng trong tương lai cũng sẽ không tránh được. Bởi vì ngay cách xử lý của vụ Đồng Tâm, ta thấy là người ta không biết rút kinh nghiệm.
Một ngày sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra, đã thấy Quyết định phong huân huy chương cho những chiến sĩ hy sinh. Và điều kỳ quái là trong Quyết định đó ghi rõ những người này đã có đóng góp trong ”sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Lẽ nào 4 giờ sáng tấn công vào làng, rồi để cho xảy ra chuyện người dân chết, mà cái đó lại góp phần vào ”sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”? Người ký, ông chủ tịch Nước, khi đọc vào đó, ông có đọc cái văn bản ông ký không? Hay là cấp dưới đưa lên rồi ông ký thế?
Nhưng dù có đọc hay không đọc, khách quan mà nói họ đã ca ngợi ứng xử bạo lực như vậy. Mà điều này cực kỳ nguy hiểm.
Trong những trường hợp khác, tôi thấy người ta làm chậm hơn rất nhiều. Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (chống Trung Quốc xâm lược), bao nhiêu người hy sinh. Mà cho đến nay, đã có bao nhiêu người được huân huy chương? 40 năm qua, thậm chí có người chiến công của họ còn bị quên lãng. Tên tuổi họ không được nhắc nhở đến. Thế mà chỉ một ngày, sau khi xảy ra vụ Đồng Tâm, có ngay huân huy chương?!
Vấn đề không phải là đối xử với người đã hy sinh, tôi không nói chuyện đó. Tôi nói việc nhanh nhẩu quá như thế, về mặt khách quan, là ca ngợi một hành động bạo lực đối với người dân. Mà đó là một chuyện hết sức nguy hiểm.
RFI: Ông nghĩ sao về vấn đề đất đai đằng sau xung đột này?
GS Hoàng Dũng: Đất đai là điểm nóng. Điểm nóng này bắt nguồn từ Hiến pháp, khi cho rằng đất đai thuộc về toàn dân. Trên thực tế, thuộc về toàn dân cũng có nghĩa là không thuộc về ai cả, hay nói một cách khác, thuộc về một ai đó nắm quyền lực, trong điều kiện quyền lực quá tập trung như ở Việt Nam. Thành thử không phải ngẫu nhiên mà với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cái chuyện đất đai đều là điểm nóng.
Việc giàu lên của các cán bộ cao cấp cho đến cấp thấp, chỉ cần nhắc lại vụ mấy quan chức ở Đà Nẵng vừa bị kỷ luật, rồi những quan chức ở Sài Gòn, trong vụ Thủ Thiêm bị kỷ luật. Tất cả đều liên quan đến đất đai. Cho nên ngày nào còn duy trì điều ”đất đai thuộc về toàn dân”, thì ngày đó còn cho những người cầm quyền cái công cụ để mà tước đoạt đất đai… Phải đặt chuyện Đồng Tâm trong bối cảnh những chuyện tương tự. Ta biết rằng, theo thừa nhận của chính Nhà nước Việt Nam, một số lượng rất lớn, khoảng 70 – 80% các vụ kiện liên quan đến đất đai. Thành ra xử lý đất đai cho tử tế, bắt nguồn ngay từ trong luật, thì sẽ giải quyết được các vụ tương tự như Đồng Tâm.
Nhưng, như tôi đã nói, đó là bí mật mà ai cũng biết: Đây là nguồn gốc của sự giàu có bất thường của nhiều quan chức. Sửa rất khó. Mà họ lại giương cao ngọn cờ là như thế mới là chủ nghĩa xã hội… Chừng nào họ không sửa được Hiến pháp như thế, không vụ ”Đồng Tâm này” sẽ có vụ ‘‘Đồng Tâm khác”. Việc xử lý khéo hay không khéo chẳng qua thực ra chỉ là cái ngọn. Cái gốc, cái để nẩy sinh ra chuyện cướp đất, mà nhân danh là chuyện thu hồi là bắt nguồn từ trong luật pháp, từ trong thể chế.
RFI: Chuyện đất đai là gốc rễ, còn cách hành xử của chính quyền trong vụ này như ông cho biết tạo thêm một tiền lệ ”rất nguy hiểm” trong quan hệ chính quyền – người dân. Về cách truyền thông của chính quyền trong vụ này, ông có nhận xét gì ?
GS Hoàng Dũng: Tôi thấy mặc dù hiện nay, ”lực lượng 47” (tức các ”dư luận viên” của chính quyền) – mà theo lời thừa nhận của những người có trách nhiệm, riêng trong quân đội là 10.000 người – lên trên mạng thì biết là họ chửi bới rất nặng nề, thì càng thấy tính chất phi nghĩa của cái hành động tấn công vào Đồng Tâm.
Và việc xử lý không tốt giai đoạn ”hậu Đồng Tâm”, như việc ngay tức khắc phong cấp tốc huân huy chương, thì tôi sợ rằng sẽ kéo nhà cầm quyền đi đến một xu hướng khẳng định làm với Đồng Tâm như thế là đúng. Kéo đi quá xa, đến mức sau này muốn xin lỗi người dân cũng đã khó. Họ không thấy cái đó.
Tôi dùng chữ ”xu hướng” là vì ở các nước khác, tôi không biết thế nào, nhưng ở Việt Nam cần đọc dưới những con chữ. Những cái mà truyền thông Nhà nước nói đôi khi rất mạnh bạo, rất là quyết liệt thì vài hôm sau có thể thay đổi hết. Bởi vì, cái thể chế Việt Nam có dân chủ gì đâu, tất cả truyền thông trên báo chí họ được chỉ đạo, mà được chỉ đạo, thì hôm nay chỉ đạo kiểu này, thì hôm khác chỉ đạo kiểu khác. Cho nên nó sẽ thay đổi nhanh.
Chỗ riêng tư, tôi đã tiếp xúc khá nhiều người, trước đây có những chức vụ khá lớn, họ đau xót, thậm chí có người phẫn nộ. Tôi tin rằng với lương tri của con người bình thường, họ sẽ tác động đến những người có trách nhiệm. Vấn đề là họ càng tỉnh ngộ sớm, họ càng thấy cách làm đó là không đúng đắn, họ đi tìm cách làm như thế nào để hợp lòng dân hơn. Thì cái vụ Đồng Tâm sẽ thúc đẩy theo cái hướng ít đau xót hơn, theo hướng tốt đẹp cho tương lai hơn.
Còn nếu không thì vụ Đồng Tâm này không có ích gì cả, vì không rút được kinh nghiệm gì cả cho chuyện tương lai. Vụ ông Đoàn Văn Vươn đã như vậy, sau đó xảy ra vụ Đồng Tâm. Như vậy họ không rút ra kinh nghiệm gì cả.
Tôi thấy xu hướng hiện nay rất xấu: tràn ngập trên các trang mạng lời của các dư luận viên, chửi bới nặng nề. Trên báo chí chính thức, toàn đưa theo nguồn tin của bộ Công An. Không có một tờ báo nào có điều tra riêng. Nhiều người nói với tôi rằng hiện nay báo chí không được tiếp cận. Ít nhất là đến thời điểm này. Một khi mà báo chí tất cả phải đưa nguồn tin từ Công An, thì khó lòng mà việc Đồng Tâm được xử lý để người ta tâm phục, khẩu phục. Ở Việt Nam, ngay cả khi báo chí được điều tra, người ta còn sợ truyền thông bị chỉ đạo, huống gì bây giờ tất cả nguồn tin đều ở bên ngành Công An.
Tóm lại, tôi muốn nói là tình hình hiện nay, đấy là kiểu xử lý thông tin theo kiểu thời chiến. (Xử lý thông tin theo kiểu thời chiến, đi kèm với với hành xử như kiểu thời chiến). Bốn giờ sáng tập trung hàng ngàn quân, trước đó cắt sóng, cấm học trò đi học, rồi nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tức là ngay từ đầu người ta từ chối con đường thương lượng, từ chối con đường phi bạo lực.
Ngay cả chuyện cụ Kình thì bây giờ đã rõ rồi: Chết trong nhà cụ (chứ không phải trong khi chống lại người thi hành công vụ tại khu vực xây tường rào sân bay ở Cánh đồng Sênh, như phía chính quyền từng thông báo). Trong lúc đó việc xây tường, theo truyền thông Nhà nước ở cánh đồng Sênh, cách đó xa đến mấy cây số. Người ta không hiểu nổi tại sao việc xây tường ngăn lại ở xa như vậy, còn việc bắn giết lại xảy ra ở trong làng. Thông tin trái ngược như thế, thì một người đọc có suy luận bình thường thôi họ không tin được.
RFI : Ông có thêm chia sẻ nào với công chúng ?
GS Hoàng Dũng : Tôi nghĩ là trong tình hình hiện nay, Nhà nước tốt nhất là công khai. Càng minh bạch thông tin càng tốt. Tờ Luật Khoa – một trang mạng – đã đưa ra mấy chục câu hỏi, đòi ông Tô Lâm (bộ trưởng Công An) phải trả lời. Tôi nghĩ rằng hỏi ông Tô Lâm là đúng, bởi vì Trung đoàn Cảnh sát cơ động (đơn vị tham gia vào cuộc can thiệp tại Đồng Tâm) thuộc bộ Công An. Nhưng mà người chịu trách nhiệm trả lời cuối cùng cũng không chỉ là ông Tô Lâm.
Và trong toàn bộ các câu trả lời, ít nhất phải cho thấy là : cuối cùng thì Ai ra lệnh ? Người dân cần biết cái đó ! Mà nếu mà họ ra lệnh, họ cảm thấy đúng đắn, họ cho rằng việc như thế là góp phần ”xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần vào bảo vệ Tổ quốc”, tại sao họ không ra mặt ?
Nên công khai danh tính những người nào đã ra cái lệnh tiến hành trận chiến ở Đồng Tâm như vậy !
RFI : Xin cảm ơn Giáo sư Hoàng Dũng.

Powered by Blogger.