Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đảng CS chứ không phải dân VN 'phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình'

Thursday, April 18, 2019 // ,
Thursday, April 18, 2019 9:25 AM // , ,
Theo BBC 

Việt Nam, Trịnh Vĩnh Bình
Vẻ mặt phấn khởi của ông Trịnh Vĩnh Bình sau khi rời khỏi một phiên tòa xét xử cuối tháng Tám (hình tư liệu) - AFP 

Doanh nhân Hà Lan gốc Việt Trịnh Vĩnh Bình vừa được Hội đồng Trọng tài phán quyết thắng kiện chính phủ Việt Nam, qua đó tòa yêu cầu chính phủ VN bồi thường cho ông Bình hơn 27 triệu đôla cho tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho "thiệt hại tinh thần" và gần 8 triệu đôla cho chi phí pháp lý.

Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình?

Việt Nam đang bị cai trị bởi hệ thống chính trị độc đảng, và Đảng Cộng sản độc quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước thông qua điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013.

Khoản 1 Điều 4 qui định: "Đảng cộng sản Việt Nam..... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."

Thông qua qui định này thì các cơ quan như quốc hội, chính phủ, các cơ quan hành chính, tư pháp các cấp đều do các quan chức của đảng cộng sản độc quyền nắm giữ.

Trong các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án thì công an, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên đều phải là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.

Bởi vậy mà các quan chức cộng sản thuộc mọi ngành, mọi cấp khi vi phạm pháp luật thì họ sẽ bị xử lý kỷ luật đảng trước khi bị xử lý theo pháp luật, thậm chí rất nhiều quan chức cộng sản chỉ bị xử lý kỷ luật đảng mà không bị xử lý theo pháp luật như cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Tất Thành Cang,...

Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến trách nhiệm của đảng cộng sản Việt Nam và các đảng viên của họ trong vụ thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình.

Khoản 2 điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định: "Đảng Cộng sản Việt Nam...., chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình."

Như vậy trong quá trình cai trị đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam và tất cả các đảng viên của mình phải chịu mọi trách nhiệm trước Nhân dân về các quyết định của mình trong mọi lĩnh vực.

Cụ thể trong vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, các quan chức ngành công an, viện kiểm sát, tòa án đã áp dụng pháp luật tùy tiện trong việc kết án oan sai ông Trịnh Vĩnh Bình và chiếm đoạt trái khối tài sản khổng lồ của ông và kết án ông 11 năm tù vào năm 1999.

Khi bị ông Trịnh Vĩnh Bình kiện ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Stockholm, chính quyền Việt Nam đã ký thỏa thuận bồi thường 15 triệu đô la và trả lại tài sản cho ông Bình vào năm 2006 tại Singapore. Nhưng sau đó chính quyền không thực hiện thỏa thuận.

Và hậu quả là ngày 11 tháng 4 năm 2019, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Paris, Pháp đã ra phán quyết chính phủ Việt Nam thua kiện và phải bồi thường gấp ba lần, lên tới trên 45 triệu đô la bao gồm cả tiền án phí.

Theo tôi, trong vụ thua kiện ông Trịnh Vĩnh Bình thì mọi lỗi lầm sai trái đều thuộc về hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bởi vậy họ phải chịu mọi trách nhiệm trước Nhân dân theo qui định tại khoản 2 điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013.

Tức là năm triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải chia nhau đóng tiền để bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Chính quyền Việt Nam không được lấy tiền từ ngân sách tức là tiền thuế của 90 triệu công dân không phải đảng viên để bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Khoản 2 điều 2 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định: "...tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân..."

Theo qui định này thì Nhân dân Việt Nam có quyền lực tuyệt đối trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhưng trên thực tế, Nhân dân Việt Nam bị đảng cộng sản tước quyền lực và bị cai trị.

Đã tới lúc Nhân dân Việt Nam phải thành lập các tổ chức nhân quyền, dân quyền trên khắp cả nước và liên kết với nhau, đấu tranh với nhà cầm quyền cộng sản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhân dân Việt Nam không bao giờ phải chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm, những vi phạm pháp luật trong nước và quốc tế của chính quyền cộng sản Việt Nam.

Các bạn cứ tưởng tưởng nếu có hàng trăm ngàn, hàng triệu người cùng dùng Facebook để thực hiện việc này thì sẽ tạo ra một sức mạnh làm cho chế độ quan tâm đến yêu sách của chúng ta.

Thông qua mạng xã hội Facebook, chúng ta liên kết với nhau hình thành lên các nhóm dân quyền, nhân quyền. Cùng với các tổ chức xã hội dân sự khác ký bản yêu sách buộc đảng cộng sản và các đảng viên của họ phải tự đóng tiền bồi thường.

Đây là cơ hội tốt để toàn thể người dân Việt Nam thực hành đấu tranh đòi các quyền con người về cho mình và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng các biện pháp ôn hòa và hợp hiến.

Chuyện gì xảy ra sau ông Trọng?

Thursday, April 18, 2019 3:13 PM // , ,
Kính Hòa 
Theo RFA 


Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đang chờ đón Thủ tướng Hà Lan vào ngày 9/4/2019. Từ 14/4 cho đến 18/4/2019 người ta không thấy ông Trọng Xuất hiện.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đang chờ đón Thủ tướng Hà Lan vào ngày 9/4/2019. Từ 14/4 cho đến 18/4/2019 người ta không thấy ông Trọng Xuất hiện - AFP 

Tin tức “không chính thống” trong những ngày giữa tháng tư vô cùng bận rộn về sức khỏe của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người ta nói ông bị ốm nặng.

Báo chí nhà nước im lặng.

Các trang Facebook, Blog thân với nhà nước nói ông không bị gì cả.

Một số nhà quan sát trung dung nói ông Trọng đang có vấn đề sức khỏe.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trọng, vì bất cứ lý do nào không còn cầm quyền nữa?

Việc đầu tiên người ta nghĩ tới trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng không thể đảm đương công việc của ông nữa, là chuyến đi Trung Quốc của ông vào cuối tháng tư 2019, và sau đó là chuyến đi Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay.

Đối với chuyến đi Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Sài Gòn cho rằng sự vắng mặt của ông Trọng không thành vấn đề:

“Có thể vì tình hình sức khỏe nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thay Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Đây chỉ là một trong những vấn đề đã được thể chế hóa giữa hai quốc gia, từ năm 1991 tới nay, có các chuyến viếng thăm qua lại giữa lãnh đạo hai nước. Trong năm nay chưa có. Nếu không có Chủ tịch nước thì có thể Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội đi thay.”

Trả lời câu hỏi liệu có phải một chuyến đi Trung Quốc như vậy là để cân bằng với chuyến đi Mỹ sắp tới không, ông Trung nói điều đó chỉ đóng vai trò một phần thôi. Ngoài ra trong chuyến đi của nhà lãnh đạo Việt Nam nào đó sắp tới sang Trung Quốc cũng là để lắng nghe dự án Vành đai con đường của Trung Quốc, một đại dự án cơ sở hạ tầng vắt từ Á sang Âu, mà gần đây Bắc Kinh rất phấn khích khi có lời chấp nhận gia nhập của nước Ý từ liên minh châu Âu.

Ông Nguyễn Phú Trọng vốn cũng hay bị giới chỉ trích cho rằng ông thân với Trung Quốc, nhưng Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc khoa sử, Đại học Maine, Hoa Kỳ, thì cho rằng:

“Tôi nghĩ rằng với ông Trọng thì lúc này lúc kia, nhưng nếu công bình với ông ấy thì là ông ấy sợ, sợ rằng nếu mạnh tay với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ làm áp lực mạnh hơn lên Việt Nam.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói sự lo sợ đó của ông Trọng không chỉ xuất phát từ sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, mà còn từ thực tế là Trung Quốc xâm nhập rất nhiều vào nhiều ngóc ngách của nền kinh tế Việt Nam.

Về chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Trọng, Giáo sư Long nhận xét:

“Sợ rằng các nhóm trong nước thừa cơ ông Trọng bị bệnh không đảm nhiệm quyền lực nữa để thay đổi đường lối đối ngoại thì không tốt, mà đối ngoại chủ yếu là vấn đề an ninh, có quan hệ với Mỹ lúc này tốt hơn vì sự đe dọa của Trung Quốc.”

Vấn đề quan trọng thứ hai là liệu nếu ông Nguyễn Phú Trọng không còn cầm quyền nữa thì có một khoảng trống quyền lực hay không? Khi chiến dịch chống tham nhũng do ông dẫn đầu bị bỏ dở?

Chiến dịch chống tham nhũng đã và đang thực hiện trong hai năm qua gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Phú Trọng. Một mặt chiến dịch này đã đưa một số quan chức tham nhũng cấp cao vào tù, nhưng cũng bị chỉ trích là một cuộc đấu đá phe phái với nhau.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết quan điểm của ông:

“Vâng sẽ có một chổ trống quyền lực, nhưng cũng tốt thôi, vì từ khi ông Trọng ông ấy thu tóm quyền lực, đốt lò này nọ, dẹp người này người kia, nhưng chỉ có vậy, trong khi còn nhiều chuyện khác phải làm, trong đó có chuyện bang giao với Trung Quốc ngày càng tệ mặc dù lời lẽ có cứng hơn trước.”

“Đốt lò” là từ ông Nguyễn Phú Trọng dùng để nói về chiến dịch chống tham nhũng của mình.

Một nhà quan sát khác là Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định tình hình trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng không còn cầm quyền:

“Nếu người đứng đầu mà bị bệnh thì sẽ có nhiều xáo trộn lắm, nhất là theo cái truyền thống chính trị Việt Nam.”

Ông Hoàng Việt nhấn mạnh rằng thời điểm hiện nay là quan trọng vì Đảng Cộng sản Việt Nam sắp họp Hội nghị trung ương, rồi Quốc hội cũng sẽ họp, thời gian họp Đại hội đảng toàn quốc cũng gần kề.

Nhưng ông Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hôi Việt Nam, một mặt nói rằng ông không thể đưa ra ý kiến gì một khi cơ quan chức năng chưa đưa ra tin tức gì về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, mặt khác ông cho rằng cơ cấu nắm quyền ở Việt Nam là một cơ cấu tập thể:

“Quyền lực cơ bản là tập trung ở Bộ chính trị. Điều hành hàng ngày là Ban Bí thư. Mà theo tôi được biết thì quyền lực tập trung vào tay bốn người, gọi là tứ trụ, nếu có chuyện gì thì người ta bàn bạc tập thể.”

Tứ trụ là khái niệm đưa ra lâu nay trong nền chính trị Việt Nam, đó là Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc hội. Hiện nay chỉ còn có ba người từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cả hai chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Nếu như Chủ tịch nước vì vấn đề gì đó không làm việc nữa thì vị phó chủ tịch sẽ lên thay.

Nhưng về lâu về dài ai sẽ là người thay ông Nguyễn Phú Trọng?

Một Một nhà quan sát giấu tên đưa ra khả năng ông Phạm Minh Chính, hiện là trưởng ban tổ chức trung ương Đảng Cộng sản, nhưng Giáo sư Ngô Vĩnh Long nghĩ rằng nếu vị Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thay ông Trọng sẽ tốt nhất, vì hiện nay ông Ngô Xuân Lịch có những quan hệ tốt với Hoa Kỳ, một quan hệ rất cần thiết hiện nay để bảo đảm an ninh cho Việt Nam.

Báo cáo Mueller chỉ ra các việc ông Trump ‘cản trở điều tra’

Thursday, April 18, 2019 3:47 PM // ,
Theo VOA 


Bộ trưởng Tư pháp William Barr tại buổi họp báo công bố báo cáo Mueller 

Chi tiết của cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller vào sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đã được công bố hôm 18/4, trong đó chỉ ra một loạt những sự việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cản trở cuộc điều tra.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lý hay không.

Việc công bố bản báo cáo được chờ đợi của ông Mueller là một khoảnh khắc quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống nhiều sóng gió của ông Trump. Trước khi công bố, Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người được ông Trump đề cử và bị phe Dân chủ tình nghi là tìm cách che giấu cho ông, đã ra sức biện hộ cho Tổng thống Trump và những hành động của ông, khiến cho phe Dân chủ phẫn nộ.

Trong báo cáo của mình, ông Mueller không hề kết luận rằng ông Trump đã phạm tội cản trở công lý nhưng cũng không minh oan cho ông về tội danh này.

Ông Barr ngay sau đó đã kết luận rằng ông Trump không vi phạm pháp luật nhưng phát biểu tại cuộc họp báo rằng ông Mueller đã liệt kê chi tiết ‘10 sự việc liên quan đến tổng thống và phân tích nhũng giả thiết pháp lý khả dĩ để kết nối những sự việc này với các yếu tố cấu thành tội cản trở công lý.’

Trong số các sự việc đó có việc hồi tháng 6 năm 2017, ông Trump ra lệnh cho luật sư cố vấn Nhà Trắng Don McGahn yêu cầu quyền bộ trưởng tư pháp lúc đó rằng ông Mueller có ‘xung đột lợi ích’ và cần phải bị cách chức, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng ‘có nhiều bằng chứng’ cho thấy ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey hồi năm 2017 do ông này ‘không muốn tuyên bố công khai rằng bản thân tổng thống không bị điều tra’.

Mueller dẫn ra ‘một số bằng chứng’ cho thấy ông Trump biết về cuộc gọi gây tranh cãi của cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với đại sứ Nga trước khi ông Trump nhậm chức, nhưng bằng chứng này ‘không đủ để xác định’ và không thể được dùng để xác định ý đồ cản trở công lý.

Báo cáo nói rằng ông Trump đã chỉ thị cho cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông, ông Corey Lewandowski, phải yêu cầu cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói rằng cuộc điều tra của ông Mueller là ‘rất bất công’, và rằng tổng thống không làm gì sai trái và rằng Sessions dự định sẽ gặp Công tố viên Đặc biệt và sẽ để cho ông điều tra sự can thiệp bầu cử trong các cuộc bầu cử sau này.

Một trong những khoảnh khắc quan trọng được thuật lại trong bản báo cáo là hồi tháng 5 năm 2017, sau khi được Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là ông Jeff Sessions báo là Thứ tưởng Tư pháp Rob Rosenstein đã bổ nhiệm ông Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt, ‘ông Trump đổ phịch xuống ghế và thốt lên: “Ôi Trời ơi. Thật tồi tệ. Nhiệm kỳ tổng thống của tôi tiêu rồi. Chết tôi rồi.”

Theo báo cáo thì ông Trump đã nói: “Mọi người đều nói với tôi rằng nếu xuất hiện một trong các công tố viên độc lập như thế này thì nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ bị hủy hoại. Nó sẽ kéo dài nhiều năm trời và tôi sẽ không thể làm gì được cả. Đó là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với tôi.”

Trước khi công bố báo cáo, ông Barr đã tổ chức họp báo ở Bộ Tư pháp mà ở đó ông tìm cách dẫn dắt dư luận về kết quả được phát hiện trong báo cáo.

Là một trong vài người đã xem báo cáo trước khi công bố, ông Barr nhấn mạnh rằng Mueller không hề khẳng định có sự thông đồng giữa ban vận động của ông Trump với người Nga.

“Tổng thống Trump đang đối mặt với tình huống chưa có tiền lệ. Khi ông bước vào Nhà Trắng và tìm cách thực hiện trách nhiệm của một tổng thống, các cơ quan và công tố viên liên bang đều soi mói về cách hành xử của ông trước và sau khi ông nhậm chức và hành vi của một số cộng sự của ông,” ông Barr nói.

“Đồng thời, truyền thông không ngừng phỏng đoán về khả năng bản thân tổng thống bị kết tội. Tuy nhiên, như tổng thống đã nói ngay từ đầu, thật ra không có sự thông đồng nào,” ông Barr nói thêm.

Báo cáo nói rằng nhóm điều tra của ông Mueller không ra trát đòi để buộc ông Trump đến dự buổi thẩm vấn của Công tố viên Đặc biệt bởi vì việc này sẽ gây ra ‘trì hoãn đáng kể’ trong giai đoạn sau của cuộc điều tra.

Báo cáo cũng nói rằng ông Mueller chấp nhận quan điểm lâu nay của Bộ Tư pháp rằng tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố về các tội hình sự.

Powered by Blogger.