Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bầu cử ở Hoa Kỳ

Saturday, October 29, 2016 // , ,
Bùi Tín
28-10-2016
Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton (trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton (trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 sắp diễn ra vào ngày 8/11 này.
Đa số các cuộc thăm dò dư luận đều cho rằng ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton có nhiều hy vọng thắng ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump với đa số áp đảo.
Donald Trump là một đối thủ thật sự đáng nể. Là một nhân vật không giống ai, ônglàm cho cuộc bầu cử Tổng thống năm nay thêm gay go, sôi động chưa từng có, được bàn tán nhiều nhất từ xưa đến nay. Ông Trump là một nhà tỷ phú bất động sản, chưa hề giữ một chức vụ dân cử nào, cũng chưa từng tham gia chính quyền như tất cả các ứng cử viên tổng thống xưa nay. Nhưng điểm khác người lớn nhất ở ông Trump là lối ăn nói bỗ bã, hung hăng, đặc biệt là dùng chiêu thức mỵ dân. Ông khai thác tâm lý của khá đông người dân thường, nhất là dân da trắng ít học thức, tay nghề yếu, kiếm việc khó, trước những khó khăn trong cuộc sống, chán ngán với bộ máy chính trị và hành chính quan liêu cũ kỹ. Ông đưa ra những chủ trương cực đoan quá khích như đuổi ngay người nhập cư bất hợp pháp, xây tường dọc biên giới với Mexico, trục xuất người theo đạo Hồi, giảm sự can thiệp của Hoa Kỳ ở nước ngoài, giảm thuế quy mô lớn.
Mở đầu tranh cử trong đảng Cộng hòa, ông Trump lần lượt đánh bại cả 12 nam nữ ứng cử viên khác, đầy tự tin vào vòng 2 đọ sức với ứng cử viên đảng Dân chủ HillaryClinton. Bước vào vòng hai, nhiều người lo cho bà Clinton phải đối phó với một ông Trump hung hăng, ăn nói bặm trợn, nổi tiếng là khinh thường phụ nữ, nhưng cái thế và lực của ông Trump bị sa sút nhanh. Trước hết nhiều nhân vật lãnh đạo của đảng Cộng hòa công khai từ bỏ sự ủng hộ cho gà nhà, cho rằng ông Trump không có kinh nghiệm lãnh đạo quốc gia, ít am hiểu chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng; theo họ, các chính sách cực đoan của ông Trump như xây tường dọc biên giới với Mexico, trục xuất người Hồi giáo và đuổi hết người nhập cư, rồi kết thân với nước Nga của Vladimir Putin là rất mạo hiểm, tệ hại khôn lường.
Trong 3 cuộc tranh luận tay đôi, bao giờ mở đầu ông Trump cũng xấn xố tấn công, nhưng cứ đuối sức dần vì đuối lý trước lập luận chặt chẽ của bà Clinton, một luật sư có nhiều kinh nghiệm tranh cãi. Ông Trump lại tấn công nhằm vào chuyện cá nhân gia đình. Ông Trump bị hẫng khi một loạt phụ nữ có cả cô hoa hậu tố cáo ông sàm sỡ, có thói khinh phụ nữ, khi gọi phụ nữ là «con lợn», ông ly dị vợ đến 3 lần. Chỉ riêng việc bị cáo buộc coi thường nữ giới và phân biệt chủng tộc đã làm ông mất phiếu nặng nề. Đã thế ông lại lên án cả giới truyền thông Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle công khai ủng hộ bà Clinton, cảnh báo «Donald Trump làm Tổng thống sẽ là rối loạn, đại họa cho Hoa Kỳ» càng làm cho uy tín ông Trump lao dốc. Dư luận Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc … đều bất lợi cho ông.
Trong thế tụt dốc, ông Trump lại phạm lỗi chết người là ca ngợi Hitler, Mussolini và tỏ cảm tình với ông Putin đang bị công luận Hoa Kỳ lên án gây tội ác ở Syria. Cái hớcuối cùng của ông Trump là cuối cuộc tranh luận thứ 3 ông tuyên bố «sẽ không công nhận kết quả bầu cử gian lận nếu bà Clinton đắc cử». Nhiều người cho rằng đó là một nhận định thiếu cơ sở. Thêm nữa đó là một lời phỉ báng cả chế độ dân chủ thuần thục, cơ sở chính trị của cuộc bầu cử mà ông tự nguyện tham gia. Một nhà bình luận cho rằng với suy nghĩ đó, ông Trump đã «tự bắn súng vào chân» để khó có hy vọng bước vào Tòa Bạch ốc.
Đảng Cộng hòa còn lo là sẽ mất luôn thế đa số ở Thượng viện (hiện nay là 54/100) vì những hớ hênh của ông Trump.
Trong cuộc vận động bầu cử ông Trump có vài lần nhắc đến VN, không muốn đầu tư buôn bán với VN, vì cho rằng người tiêu thụ và lao động Hoa Kỳ bị thua thiệt. Hầu như chắc chắn rằng nếu đắc cử ông Trump sẽ ngừng ngay chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama.
Qua cuộc bầu cử năm 2016, người dân VN càng thấy rõ nền dân chủ Hoa Kỳ được vận hành cụ thể ra sao, các ứng cử viên được sàng lọc kỹ càng như thế nào, mỗi công dân tự mình theo dõi cuộc tranh cử suốt cả năm, cân nhắc về chính sách cụ thể của mỗi ứng cử viên, cả về tư tưởng chính trị, chủ trương mọi mặt khi cầm quyền, cho đến đạo đức cá nhân trong gia đình, tư cách công dân trong suốt cuộc đời, để cuối cùng người có tâm và có tầm cao hơn sẽ được lựa chọn, xứng đáng là người đứng đầu của nước dân chủ vào loại thuần thục nhất, cường quốc toàn diện số 1 của thế giới văn minh. – VOA blog

Hillary Clinton, Donald Trump ai sẽ thắng cử? – Trọng Đạt

Hillary Clinton, Donald Trump ai sẽ thắng cử? – Trọng Đạt
Hôm nay ngày 25-10, còn đúng hai tuần nữa là tới ngày bầu cử Thổng thống Mỹ năm 2016
Tôi xin đi ngay vào đề: Clinton hy vọng thắng 80%, Trump chỉ hy vọng thắng 20%
Tranh cử Tổng thống Mỹ chỉ căn cứ vào phiếu cử tri đoàn, nay thăm dò mới nhất của Real Clear Politics ngày 25-10 cho thấy Clinton được 272 phiếu cử tri đoàn, Trump 126 phiếu ctđ, còn lại 140 phiếu hai bên sẽ tranh dành nhau. (Quí vị có thể vào link:
http://www.realclearpolitics.com/epolls/2016/president/2016_elections_electoral_college_map.html)
Muốn được đắc cử cần phải có 270 phiếu cử tri đoàn (trong số 538 phiếu toàn quốc) mà Clinton coi như chắc ăn. Mấy tuần trước, Trump được 165, Clinton được 200 hoặc 220, cách biệt tương đối, rồi hơn tuần vừa qua Trump lên 170 nhưng sau đó tụt dần từ 170 xuống 165 rồi cách đây vài ngày chỉ còn 126, coi như không còn gì để hy vọng. Từ giữa cho tới cuối tháng 9 vừa qua, Trump có nhiều cơ hội thắng, ông ta lên điểm khá cao khi ấy Clinton lại bị mất điểm dần dần, Trump tìm cách kiếm phiếu của dân da mầu nhưng rồi những cơ hội tốt có thể đảo ngược tình thế đã vuột khỏi tầm tay ông. Có lẽ đó là dịp may duy nhất để Donald Trump chuyển bại thành thắng, bây giờ thì không còn cơ hội nào khác. Từ ngày 8 tháng 10 khi Billy Bush đưa ra cuộn băng năm 2005 cho thấy ông Trump nói tục bậy về phụ nữ thì ông ta bị tụt thang rất nhanh vô phương cứu chữa
Về nguyên nhân Clinton thắng và Trump thua tôi xin nêu một số nguyên do chính.
1- Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ là phải có nhiều tiền để vận động cho mạnh, phải chi nhiều tiền quảng cáo, bên nào vận động mạnh sẽ nhiều cơ hội thắng, chuyện quảng cáo tranh cử cũng giống y như quảng cáo thương mại. Từ mấy tháng trước qua nhiều bản tin trên yahoo, truyền hình, báo chí… cho thấy Clinton quyên góp được nhiều tiền và chi tiêu quảng cáo tranh cử rất dồi dào trong khi Trump thu được rất ít và quảng cáo èo uột không đáng kể, người ta đã cho là Trump khó hy vọng thắng vì tranh cử cần nhiều tiền vận động. Nhiều bản tin cho thấy Clinton chi tiêu gấp 5, thậm chí gấp 10 lần so với Trump nhất là tại các tiểu bang then chốt, nghiêng ngả mà họ gọi là swing states, toss ups. Số nhân viên vận động của Clinton cũng gấp 3, gấp 5, thậm chí gấp 10 lần Trump, nhiều người đã tiên đoán là Trump khó thắng.
Nay hai bên đang vận động ráo riết tại các bang swing states, có khoảng 13 tiểu bang nhưng Trump với tiền bạc, với số nhân viên ít ỏi như thế thì không hy vọng gì chuyển bại thành thắng. Một điều khó hiểu là nhà tỷ phú Donald Trump xem ra chẳng có tiền bạc gì cả, trong khi Clinton tung tiền như nước, nhiều bản tin TV, yahoo… cho biết nửa triệu mỗi ngày, thì số tiền Trump bỏ ra không đáng kể, số tiền đảng Cộng Hòa quyên góp cũng khiêm tốn thôi  vì thực ra đảng cũng chẳng tha thiết gì lắm, họ chỉ lo tranh cử vào Quốc hội. Như thế Trump thiếu tiền hay ông không muốn bỏ tiền?
2- Chính đảng Cộng Hòa cũng muốn phá cho Trump thua, nay số người Cộng hòa ủng hộ Trump cũng  không nhiệt tâm lăm, họ chỉ ủng hộ cho có lệ, số đảng viên CH kỳ cựu chống đối Trump khá nhiều có lẽ khoảng 100 người. Khi còn tranh cử sơ bộ theo nhiều bản tin có vào khoảng từ 60 tới 100 vị chức sắc lớn Cộng Hòa phản đối Trump, nhất là khi thấy ông có thể được đảng đề cử. Những đảng viên chức sắc CH hồi đó đã chủ trương phá cho Trump thua để Clinton đắc cử vì họ cho rằng nếu Trump lên làm Tổng thống sẽ di hại cho đảng Cộng Hòa về sau, chẳng thà để Dân Chủ làm thêm nhiệm kỳ này còn hơn.
Nay bản tin mới cho hay nhiều đảng viên CH đánh phá Trump cật lực (The Republicans who want to beat Trump by as much as possible) để phụ giúp cho Clinton thắng. Lần đầu tiên trong lịch sử tranh cử, một đảng lớn đánh phá ứng cử viên của chính mình, và bây giờ họ đã gần toại nguyện. Cộng Hòa đã dọn cỗ sẵn cho Dân Chủ xơi.
3- Donald Trump bị chống đối quá nhiều, không chỉ bị Dân chủ Cộng hòa đánh phá mà còn bị phụ nữ, di dân, dân tộc thiểu số, Hồi giáo… chống. Nhiều nước Á, Âu .. và trên thế giới chống chính sách của Trump và sợ trường hợp ông ta thắng cử sẽ ảnh hưởng nhiều về kinh tế quân sự với nước họ. Cách đây mấy tháng có bản tin tiên đoán trường hợp ông ta lên làm Tổng thống có thể sẽ bị ám sát: (DONALD TRUMP: ‘They Will Kill Him Before They Let Him Be President’)
Sở dĩ Cộng Hòa phải đưa Trump ra làm ứng cử viên đại diện vì họ theo đúng nguyên tắc, ông ta đã hội đủ số phiếu đòi hỏi và đã được nhiều phiếu nhất trong cuộc tranh cử sơ bộ. Trong cuộc tranh cử sơ bộ Dân chủ, ngoài phiếu của cử tri còn có phiếu siêu đại biểu (supper delegates) vào khoảng 25, 30%,  của các vị chức sắc lớn DC, họ muốn bầu cho ai thì bầu cho nên Dân Chủ có thể quyết định đưa ai ra và không đưa ai ra. Còn Cộng Hòa thì dân chủ hơn, họ không có phiếu siêu đại biểu nên khi Trump đủ số phiếu của cử tri, dù muốn dù không đảng CH phải đưa Trump ra. Họ hoàn toàn tin vào lá phiếu cử tri và không xen vào việc đề cử
4- Hillary Clinton có nhiều thuận lợi, trước hết quỹ tranh cử và tiền bạc quá dồi dào như đã nói trên, bà được nhiều phiếu của dân tộc thiểu số, của phụ nữ….  và nhất là được chính phủ tích cực ủng hộ bao che, được đảng Dân Chủ giúp đỡ tận tình. Tổng thống Obama và phu nhân đi vận động cho Clinton, chưa bao giờ một ứng cử viên được nhiều thuận lợi như thế. Trước đây cử tri Cộng hòa bầu cho Trump vì họ hy vọng ông ta có khả năng kinh doanh sẽ làm cho nền kinh tế tiến bộ hơn vì nay người trung lưu nghèo hơn xưa, vật giá tăng cao hơn… nhưng người ta lại thấy kế hoạch của Trump nhiều rủi ro nguy hiểm, nó sẽ làm đảo lộn nhiều cơ cấu cũ khi ông chủ trương mang công việc bề nước, rút đầu tư, đánh thuế hàng nhập cảng….và vì thế họ bầu cho Clinton, họ cho rằng bớt nguy hiểm hơn.
5- Trump bị đại đa số truyền thông đánh phá, bôi nhọ… từ bao năm nay, đây là lần đầu tiên mà truyền thông Mỹ không giữ được sự khách quan vô tư trong cuộc  tranh cử Tổng thống, họ bênh bên này, chống bên kia. Những sai lầm của Trump được phóng đại, tô vẽ loan truyền tối đa trong khi những lỗi lầm to lớn của Clinton thì hầu như không được nhắc tới. Trong kỳ tranh cử này, truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng, họ ảnh hưởng nhiều tới lá phiếu của cử tri. Lên internet, mở yahoo ra là thấy toàn những tin chỉ trích Trump rất nặng nề, một người Mỹ có góp ý trên diễn đàn như sau: Tôi muốn bệnh vì cái truyền thông đánh phá Trump (I’m sick of the anti-Trump media), họ làm quá lố, những bản tin này cũng đã góp phần lớn vào việc thắng thua trong cuộc tranh cử kỳ này.
Theo một bản tin TV  năm nay có 200 triệu người ghi danh đi bầu, cao hơn mọi năm nhiều,  số cử tri dân tộc thiểu số năm ngoái 29% nay 31%, phần nhiều bầu cho Dân chủ. Nay người ta có khuynh hướng bầu cho Dân chủ  nhiều hơn cho Cộng hòa vì Dân chủ thực tế hơn, họ chú trọng vào lấy phiếu hơn là huênh hoang chính sách này nọ. Nhiều cử tri, nhất là dân thiểu số chú trọng vào các vấn đề cơm, áo gạo, tiền… hơn là những vấn đề chính trị xa vời, những kế hoạch toàn cầu to tát mà họ cho là viển vông. Nhiều cử tri chỉ thích bầu cho ai có lợi cho họ: oeo phe, phút tem, vào quốc tịch… Dân chủ mở cửa cho di dân, tỵ nạn, ưu đãi trợ cấp xã hội.. Năm 1964 TT Johnson (DC) ra luật nhân quyền, trợ cấp xã hội, y tế người già…. và đã “cột chặt người da đen vào DC” (lời ông ấy) trong khi Cộng hòa  chủ trương bảo thủ, không thiện cảm di dân, trợ cấp… nên có thể  bị mất lòng dân nhất là những người thiểu số.
Nay bất cứ cuộc tranh cử nào đòi hỏi 270 phiếu cử tri đoàn thì   Dân chủ đã có sẵn khoảng 200 hoặc hơn 200 phiếu, Cộng hòa chỉ được khoảng 150, 160 phiếu, chênh lệch nhau ít nhất 30, 40  phiếu vì Dân chủ được những bang đông dân nghiêng, thuộc về họ như Cali (55 phiếu) , New York (29), Illinois (20)  ….. CH được nhiều bang hơn nhưng toàn là những nơi dân cư thưa thớt, nói chung Dân chủ đã có sẵn một số lợi thế.
Từ năm 1953 tới nay, 63 năm qua, nếu Clinton thắng cử thì đây sẽ là lần thứ hai một đảng làm ba nhiệm kỳ liên tiếp, lần thứ nhất là thời Tổng thống Reagan (CH) từ 1981-89, Bush cha từ 1989-93.
Có vài người bạn nói nếu Clinton thắng cử thì sẽ chẳng có gì thay đổi, bình mới rượu cũ, “Vũ như Cẩn” và
… dòng đời vẫn lặng lẽ trôi…..

Đọc báo Pháp – 29/10/2016

Đọc báo Pháp – 29/10/2016

Duterte thay đổi ván cờ ở Biển Đông

Trang bìa tạp các tạp chí Pháp tuần này không dành cho một chủ đề thời sự chung mà cho những hồ sơ riêng lẻ. Riêng tuần báo Courrier International đã trở lại phát biểu « chia tay với Mỹ » gây chấn động của tổng thống Philippines Duterte tại Bắc Kinh. Bài « Duterte thay đổi ván cờ ở Biển Đông » đã trích phân tích trên tạp chí Mỹ Foreign Affairs tại Washington, nhận định rằng qua những lời nói có tính mơ hồ của tân tổng thống Philippines, Washington đã thấy kiến trúc an ninh khu vực của mình không còn vững vàng nữa.
Bài phân tích mở đầu bằng ghi nhận là từ khi ông Duterte lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của Philippines bị hoàn toàn đảo lộn, nhân vật dân túy thô lỗ này đã thay đổi triệt để quan hệ Mỹ Philippines, một sự kiện không dự báo điều gì tốt lành cả.
Bài viết điểm lại quan hệ của Mỹ với Philippines, đồng minh lâu đời nhất của Washington ở Châu Á. Hoa Kỳ đã biến Philippines thành thuộc địa từ 1899 đến 1942. Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, hai bên cùng chống kẻ thù Nhật Bản và năm 1951 hai bên đã ký hiệp ước phòng thủ…
Dĩ nhiên có những lúc căng thẳng như vào những năm 1990. Mỹ phải rút khỏi hai căn cứ Subic và Clark năm 1991, nhưng sự hiện diện quân sự Mỹ đã lại tăng cường trở lại trước mối đe dọa bành trướng quân sự của Trung Quốc. Năm 2014, Tổng thống Obama cùng tổng thống Benigno Aquino đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự hai bên… Nhưng giờ đây thì quan hệ này như đã thuộc về quá khứ.
Tổng thống Philippines đến Trung Quốc ngày 20/10 với mục tiêu thông báo chia tay với Mỹ và loan báo một liên minh mới giữa Trung Quốc- Philippines và Nga, và như lời của ông Duterte « đó là 3 người chúng tôi chống lại phần còn lại thế giới. » Trung Quốc và Philippines đúc kết những hợp đồng trị giá 13 tỷ đô la, một món tiền kếch xù để thưởng công cho ông Duterte đã qua cánh đối phương.
Tác giả bài phân tích tìm hiểu tại sao lại có sự thay đổi triệt để như trên và đã đi đến kết luận rằng đó là do cá tính đặc biệt của tổng thống Duterte, bởi vì những lợi ích chiến lược và thương mại của Philippines không thay đổi mấy : Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại thứ nhì của Manila, trong lúc Nhật vẫn đứng đầu và Hoa Kỳ đứng thứ 3. Cho nên đó không phải do kinh tế thúc bách.
Trên mặt chiến lược thì càng không nên đổi phe, vì Trung Quốc vẫn quyết đoán trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, muốn thâu tóm các tài nguyên và nguồn cá. Còn nói về dân chúng thì họ cho thấy vẫn rất tin tưởng Mỹ, trong lúc quân đội Philippines thì đã hợp tác với Mỹ từ nhiều thập niên qua và đã được nhào nặn theo mô hình quân đội Mỹ, và cho dù ông Duterte vẫn lớn tiếng thóa mạ, Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng bảo vệ Philippines.
Tóm lại nếu có thay đổi, đó là do cá tính của tổng thống mới tại Philippines, một nhân vật độc tài, quyết đoán, ca ngợi Hitler, khinh miệt nhân quyền như chiến dịch chống ma túy đẫm máu đã cho thấy. Cho nên việc ông Duterte liên kết với Tập Cận Bình cũng là chuyện tự nhiên trong khi từ lâu ông rất ghét Mỹ.
Duterte xoay trục : Mỹ có nguy cơ chịu tác hại nghiêm trọng
Về phần nước Mỹ, sự trở mặt của Duterte sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu nó kéo theo một thời kỳ quá độ chiến lược lâu dài.
Đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực, Philippines là một địa bàn vô cùng quan trọng để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Nếu Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc, thì Washington rất khó mà bảo vệ « chuỗi đảo thứ nhất » ở phía tây Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, các đảo Ryukyu, Đài Loan, và quần đảo Philippines. Duy trì « rào cản » này là một trụ cột của chiến lược Mỹ từ thời chiến tranh lạnh, nhưng giờ đây lại có nguy cơ bị sụp đổ do tính khí của một kẻ độc tài.
Trung Quốc có thể vô hiệu hóa đối tác trọng yếu này của Mỹ, có thể biến Philippines thành căn cứ hải quân của Trung Quốc, đe dọa các đồng minh của Mỹ như Đài Loan, Nhật Bản, Úc. Đối với Hải Quân Hoa Kỳ, thì sẽ càng lúc càng khó bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới : hàng năm 5.300 tỷ đô la hàng hóa đi qua Biển Nam Hải trong đó 1.200 tỷ là thương mại của Mỹ.
Bài báo còn ghi nhận là ở Philippines, phe đối lập đã lên án chuyến đi Trung Quốc của ông Duterte, tại Manila một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã cảnh báo rằng ông Duterte có thể bị thủ tục truất phế nếu từ bỏ chủ quyền trên bãi Scarborough.
Còn Nhà Trắng chỉ có thể hy vọng là những biện pháp của ông Duterte sẽ bị một người kế nhiệm thực tế hơn vô hiệu hóa, nếu nền dân chủ Philippines sống sót qua cơn thử thách này.
Tổng thống Duterte đang chơi trò gì ?
Dưới câu hỏi này, tạp chí Courrier trích phản ứng của truyền thông Philippines trước các động thái của tổng thống Duterte.
Một nhà bình luận trang mạng Philippines Rappler thắc mắc là liệu ông Duterte có biết là ông đang chơi trò gì hay không ? Ông đã bị Obama ám ảnh đến nỗi ông đã không suy nghĩ. Hillary Clinton sẽ không vui mừng trước ra đi của một cột trụ của chính sách xoay trục.
Tờ Manila Times thì tự hỏi : « Phải chăng chúng ta đang khấu đầu trước Bắc Kinh ? Chính sách ngoại giao Philippines phải chăng chỉ để phục vụ Trung Quốc hay đặt quyền lợi của Philippines lệ thuộc vào Trung Quốc ? ».
Báo Philippine Star thì cho là tổng thống không có quyền hủy bỏ những hiệp ước của Philippines và nói những điều mà bộ Ngoại Giao không chấp nhận. Tờ báo cho là tuyên bố của ông Duterte rất lộn xộn.

Thái Lan : Cuộc chiến giữa Áo đen-Áo không đen

Ngoài Philippines, về Châu Á tạp chí Courrier International còn chú ý đến Thái Lan qua tựa đề : « Thái Lan : Bắt buộc phải buồn ».
Trích dẫn báo The Bangkok Post, tuần báo Pháp nêu bật nỗi hoang mang ngày càng sâu đậm của người dân Thái, thể hiện qua sự kiện là trong lúc mà quốc tang ban hành sau khi vua Bhumibol băng hà sẽ kéo dài một năm, những người không có dấu hiệu không thọ tang đúng cách, như không mặc quần áo đen chẳng hạn, thì bị chỉ trích dữ dội.
Trước không khí nặng trĩu đau buồn hiện nay, tác giả bài viết nêu câu hỏi : Phải chăng Thái Lan đã thay đổi nghiêm trọng từ sau cái chết của vua Bhumibol trong đêm 12 rạng 13/10 ? Câu trả lời là có và không. Nếu thời gian có vẻ như ngừng lại ở cái giờ khắc nghiệt đó, thì cuộc sống vẫn tiếp tục. Cái chết của đức vua mà phần đông người Thái Lan xem như là người cha, tuy rất đau đớn, nhưng đã không có sự cố gì đáng tiếc xẩy ra.
Cho dù thế, người Thái Lan vẫn cảm nhận là đất nước giờ đây không còn như trước nữa. Đám đông thì mặc toàn màu đen, giải trí vui chơi thì đã nhường bước cho sự nghiêm trang, cho tang tóc. Họ biết là với cái chết của vua Bhumibol, cả một thời đại đã kết thúc, một thời đại trong đó nhà vua là hiện thân của những chuẩn mực xã hội, cách suy nghĩ, các giá trị. Hình ảnh, lời lẽ của nhà vua tràn ngập trên mạng xã hội đã nêu rõ mối lo âu của thần dân của ngài trước một tương lai vô định.
Nhiều vấn đề nêu lên cho thấy rõ nỗi hoang mang này chẳng hạn như phải gọi đức vua quá cố như thế nào ? Đây là một vấn đề nghi thức, những cũng thể hiện những mối trăn trở đối với việc một nền quân chủ có những quy củ cứng ngắc, sẽ có một chỗ đứng như thế nào trong một xã hội Thái Lan đang thay đổi, đầy rẫy tranh chấp chính trị và bất công ?
Vẫn là hai phe đối đầu nhau : một bên theo truyền thống và bên kia là tư tưởng mới mẻ, khuyến khích tự do cá nhân.
Tâm trạng bất ổn này cũng thể hiện qua cuộc tranh luận trên màu y phục : cứ tang tóc là phải mặc áo đen không thể chấp nhận màu khác. Không mặc màu đen đã trở nên nguy hiểm vì dễ dàng bị tố cáo là bất trung với vua. Chính quyền dĩ nhiên không ép buộc dân phải mặc màu đen, cho nên đã phải can thiệp .
Bài báo nhắc lại rằng nếu trước đây là cuộc chiến giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng, thì giờ đây là cuộc chiến giữa màu đen và không đen.
Bài báo kết luận là con đường gập ghềnh của Thái Lan còn rất dài.

Le Point : BRICS trên đà viết nên lịch sử

Trở lại với thời sự quốc tế, tạp chí Le Point đã chú ý đến khối BRICS của năm nước đang trỗi dậy, vừa tổ chức xong Hội nghị Thượng đỉnh tại thành phố Goa ở Ấn Độ trong hai ngày 15 và 16/10/2016. Dưới tựa đề « Lịch sử do khối BRICS viết ra », tạp chí Pháp cho rằng « Không như các nước G7, năm quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã chứng tỏ là họ vẫn có năng lực hành động.
Đối với tác giả bài báo, vào lúc xu thế giải trừ toàn cầu hóa đang như diều gặp gió, khối BRICS – vốn đã vươn lên được trong thời toàn cầu hóa cực thịnh – có vẻ như là những thực thể đã lỗi thời, với bằng chứng cụ thể là ngân hàng Goldman Sachs đã đóng cửa quỹ đầu tư vào khối BRICS của mình sau khi bị thua lỗ đến 88% từ năm 2010.
Trong thực tế, thì kể một chục năm nay, đà vươn lên của khối BRICS đã bị khựng hẳn lại, với một ngoại lệ đáng chú ý là Ấn Độ, vẫn tăng trưởng được 7,6%. Trong 4 nước còn lại, Trung Quốc thì đang cố bám vào thành quả của 30 năm tăng trưởng mạnh trước đây, với mức tăng trưởng giảm từ 14% năm 2007 xuống còn 6,7% trong năm nay. Tình trạng của Brazil, Nga và Nam Phi còn đáng lo ngại hơn nữa.
Brazil đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930, với hoạt động kinh tế suy giảm 3,8% trong năm 2015 và 3% trong năm 2016, với tỷ lệ thất nghiệp tăng gần gấp đôi từ 6,5% lên thành 11,8%. hệ thống chính trị cũng đang rệu rã.
Nga cũng đang trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng với GDP giảm 3,7% trong năm 2015 và 1,8% trong năm 2016. Mô hình kinh doanh dựa trên nguồn dầu khí, chiếm hơn 70% xuất khẩu và 50% doanh thu công cộng, đã bị tác động mạnh từ việc giá dầu thế giới tụt giảm. Các biện pháp trừng phạt quốc tế và sự gia tăng liên tục của ngân sách quốc phòng đã góp phần hạ gục một nền kinh tế cổ lỗ.
Còn kinh tế Nam Phi thì cũng bị đình đốn trong bối cảnh thất nghiệp bùng nổ ảnh hưởng đến 36% lực lượng lao động, và tệ nạn tham nhũng vuột khỏi tầm kiểm soát.
Trong nội bộ khối BRICS là như thế, còn bên ngoài thì đang có sự đột phá của một làn sóng mới gồm các nước như Việt Nam và Indonesia ở châu Á, Mêhicô và Colombia ở châu Mỹ Latinh, Nigeria ở châu Phi. Những nước này được cho là có thể thay vào chỗ của khối BRICS.
Đừng sai lầm khi vội khai tử khối Brics
Tác giả bài báo trước hết ghi nhận rằng vị thế của BRICS đang được cải thiện dần dần nhờ việc giá dầu và nguyên liệu thô tăng lên trở lại. Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là khối này không đơn thuần là sản phẩm phụ của toàn cầu hóa, một diễn đàn nhất thời giữa các cường quốc thù địch với phương Tây hoặc một con ngựa thành Troie của Bắc Kinh.
Xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ không thể chặn được bước tiến của họ, vì họ có một thị trường với 42% dân số thế giới, một tầng lớp trung lưu khoảng 1 tỉ rưỡi người, nắm 25% sản lượng thế giới và gần một nửa dự trữ ngoại hối của hành tinh, đủ để cho họ thúc đẩy tăng trưởng nhờ nhu cầu nội địa. Ở cấp độ vi mô, các công ty của khối BRICS cũng đang có những bước đột phá đáng kể, với những tên tuổi đang hoạt động trong các lĩnh vực của tương lai – bao gồm cả trong nền kinh tế kỹ thuật số với Baidu hay Alibaba có thể chiếm hơn 40% thị trường.
Trong nội bộ các quốc gia khối BRICS, họ đang cố hiện đại hóa mô hình kinh tế và xã hội, còn giữa họ với nhau, ngày càng có thêm các dự án nhằm phá vỡ thế độc quyền vốn có của phương Tây. Sau khi hình thành một quỹ tiền tệ và ngân hàng phát triển mới, BRICS đã quyết định thành lập một cơ quan thẩm định độc lập, với mục tiêu là đánh vào thế độc quyền của ba tập đoàn thẩm định khổng lồ của phương Tây.
Tóm lại, theo Le Point, khối BRICS, sáng kiến đầu tiên không đến từ phương Tây trong thời hậu Chiến Tranh Lạnh, đang góp phần viết nên lịch sử của thế kỷ XXI.

Bầu cử Mỹ 2016 : Một giai đoạn đáng buồn

Về bầu cử Mỹ, L’Obs đã dành 26 trang cho hồ sơ đặc biệt này, đánh giá chiến dịch vận động của hai ứng viên, tìm hiểu tâm trạng cử tri, và cho rằng chưa bao giờ nước Mỹ phơi bày một hình ảnh tồi tệ, kỳ quặc như vậy.
Bên cạnh các bài phóng sự của đặc phái viên, tạp chí Pháp còn trích nhận định một số trí thức, như nhà văn Mỹ Iain Levison, người có một cái nhìn khá gay gắt đối với ứng viên đảng Cộng Hòa, bị xem là một ‘kẻ rao hàng đang hết thời’. Có điều số người ủng hộ ông Trump lại không ít, đưa ông sát nút với Hillary Clinton, được mệnh danh là ‘người bị ghét bỏ’.Đối với nhà văn Levison, việc Donald Trump vươn lên như thế không mở ra giai đoạn đen tối nhất của nước Mỹ mà là giai đoạn buồn nhất.
Trong phần nhận định bên cạnh hàng tựa lớn « Sự huyền bí của nước Mỹ », L’Obs cố tỏ ý tin tưởng : Nếu đây chỉ là một cơn sốt tệ hại, một ung nhọt đầy mủ sẽ vỡ tối ngày 08/11, nước Mỹ sẽ đứng lên trở lại và đi tới. Người ta đã thấy điều này trong quá khứ : hòa bình sau chiến tranh Nam Bắc, sự yên lặng sau con bão tố MacCarthy. Nước Mỹ là một nước có sức chịu đựng được những va chạm. Nhưng lần này người ta có một cảm giác không tài nào gột bỏ được là có một cái gì đấy thay đổi, một cái gì đấy sâu xa, dai dẳng : Nền dân chủ đứng đầu thế giới đang bị bệnh.
Không phải là kinh tế, dù rất không công bằng, nhưng vẫn là đầu tàu hữu hiệu của tư bản thế giới. Không phải là văn hóa, vì Mỹ vừa cung cấp một giải Nobel văn học tuyệt diệu. Cũng không phải là dân chúng Mỹ, vốn đa dạng hơn bao giờ hết. Mà chính là các cột trụ của nền dân chủ Mỹ, với Donald Trump, đã sụp đổ một cách đột ngột. Người ta đang đứng trước một cuộc chiến tranh bám trụ giữa hai nước Mỹ đang thù ghét nhau.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ủng hộ Trump ?
Tạp chí Courrier International, cũng đề cập đến cuộc bầu cử Mỹ nhưng nhìn rộng ra bên ngoài nước Mỹ với sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã bị Donald Trump chinh phục.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, do xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiện nay, từ đảng Hồi Giáo cầm quyền cho đến báo chí thân chính quyền, đa số dân chúng đều nghiên về phía Donald Trump bất kể những phát biểu bài Hồi Giáo của ông.Ngược lại, phe đối lập thì ủng hộ bà Hillary.
Trích dẫn báo Al Monitor (Washington), Courrier International ghi nhận là Thổ Nhĩ Kỳ chăm chú theo dõi cuộc bầu cử Mỹ vì kết cục sẽ có những hậu quả lớn đối với quan hệ Washington–Ankara, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc giục Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ Gulen tình nghi giựt dây vụ đảo chính hụt tháng 7 vừa qua.
Nếu lúc đầu truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ không mấy tán đồng lời lẽ bài Hồi Giáo của ông Trump, họ đã nhanh chóng thay đổi sau khi ứng viên đảng Cộng Hòa cho là ông ủng hộ quan điểm của tổng thống Erdogan, ngược lại bà Hillary bị ghét bỏ hơn vì bà bị nghi đứng về phía giáo sĩ mà Ankara lên án.
Có điều theo bài báo, người Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ có cái nhìn ngược lại, ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ hơn.
Tại Israel ông Donald Trump cũng thu hút cảm tình của nhiều người. Những người ủng hộ ông xem ông là người bạn của Israel. Vả lại đối với các giáo sĩ Israel, ông vẫn hơn một phụ nữ hay một người da màu.
Trong hồ sơ về giáo dục, tuần báo Courrier International cũng có một tựa nhắc đến ứng viên đảng Cộng Hòa Mỹ : Trump, biểu hiện của sự suy đồi của nhà trường tại Mỹ. Tạp chí trích báo The Daily Beast (New York), giải thích là những thay đổi 50 năm gần đây ở Mỹ trong chương trình giảng dạy, đã đảo lộn việc truyền đạt các giá trị công dân và truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, và mở đường cho những người theo chủ nghĩa dân túy.

Tựa lớn trang bìa

Như nói ở trên, trang bìa các tạp chí Pháp tuần này đều khai thác các chủ đề khác nhau. Le Point ‘độc quyền’ giới thiệu hồi ký của’nam tài tử nổi tiếng Jean Paul Belmondo, với câu khẳng định « Nước Pháp, là tôi » dưới bức chân dung.
L’Express thì theo dõi thời sự chính trị Pháp, trước cuộc bầu tổng thống 2017, và chú ý đến nhân vật Macron, cựu bộ trưởng kinh tế đã từ nhiệm. Tạp chí chạy hàng tựa : « Macron, ván bài Poker ».
L’Obs cũng theo dõi tình hình trước cuộc bầu cử tổng thống nhưng tại Hoa Kỳ, với câu hỏi « Tại sao nước Mỹ trở nên khùng điên », hàng tựa bên canh gương mặt nhăn nhó, cau có của Donald Trump. Đây là hồ sơ đặc biệt của L’Obs với hơn 25 trang.
Tạp chí Courrier International dành hồ sơ lớn nêu trên trang nhất cho « Giáo dục, xưởng chế tạo công dân », với câu hỏi : Trường học phải đóng vai trò gì trong xã hội chúng ta ? Tạp chí chú ý đến chủ đề này nhân Diễn Đàn Dân Chủ Thế Giới sắp diễn ra ở thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp.

Tin đọc nhanh

(AFP) Thái Lan : Bắt đầu lễ viếng Quốc vương Bhumibol Adulyadej
Từ 29/10/2016, người dân Thái bắt đầu được vào viếng nhà vua Bhumibol Adulyadej, tạ thế hôm 13/10 sau 70 năm tại vị. Trước số lượng người quá đông, chính quyền giới hạn chỉ cho khoảng 10 nghìn người vào viếng mỗi ngày. Chính quyền Thái Lan còn tổ chức các chuyến xe bus và tàu miễn phí để người dân các địa phương trong cả nước được về thủ đô viếng nhà Vua.
(AFP) Tây Ban Nha : Có chính phủ sau 10 tháng tê liệt vì khủng hoảng chính trị.
Ngày 29/10/2016, ông Mariano Rajoy từng cầm quyền từ năm 2011, chính thức được trở lại nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha trong nhiệm kỳ mới 5 năm. Đây là lần đầu tiên tại Tây Ban Nha phe thiểu số, Đảng Nhân Dân buộc phải liên kết với các đảng phái khác để nắm quyền lãnh đạo đất nước. Trong khi đó Quốc hội vẫn do đối lập kiểm soát.
(AFP) EU Canada ký CETA
.Sau ít ngày bế tắc vì sự chống đối của nghị viện ba vùng tự trị của Bỉ, cuối cùng Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Canada CETA sẽ được ký vào ngày mai, 30/10/2016. Trên nguyên tắc, 28 nước thành viên EU ủng hộ ký hiệp định, nhưng đến phút chót Bỉ không thể tham gia vì một số vùng tự trị, phản đối. Cuối cùng chính quyền trung ương Bỉ đã thuyết phục được các vùng chấp thuận ký CETA.
(Reuters) Washington tố cáo Bắc Kinh vi phạm nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng
Hôm 29/10/2016, cuộc đối thoại chiến lược an ninh Mỹ-Trung cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra tại Bắc Kinh. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho là Trung Quốc khi nhập khẩu than đá của Bắc Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết 2270 của Hội Đồng Bảo An, trừng phạt Bình Nhưỡng . Bắc Kinh không chứng minh được thương vụ này « hoàn toàn vì lợi ích cho thường dân Bắc Triều Tiên » và « không bơm dưỡng khí » cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
(AFP) Miến Điện bị áp lực về nhân quyền
Hôm 29/10/2016, các tổ chức nhân quyền yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về thông tin binh sĩ Miến Điện trấn áp sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi. Nhiều trường hợp hãm hiếp, hành quyết và đốt làng được ghi nhận tại bang Rakhine trong ba tuần qua, sau vụ một số đồn biên giới với Bangladesh bị tấn công. Quân đội chính phủ phong tỏa bang Rakhine. Hơn 30 người bị giết và hàng chục bị bắt trong chiến dịch này.

Tin khắp nơi – 29/10/2016

Tin khắp nơi – 29/10/2016Bà Clinton

thách FBI công bố toàn bộ dữ kiện về tai tiếng email

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm thứ Sáu mạnh mẽ phản ứng trước tin Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang cân nhắc liệu có thông tin mật trong máy tính của ông Weiner, chồng cũ của phụ tá thân cận nhất của bà hay không.
Bà nói: “Chưa có bất cứ ai từ FBI tiếp xúc với chúng tôi. Lần đầu tôi nghe tin này, có lẽ là lúc các bạn được tin, tôi đoán thế, khi bức thư này tới tay các dân biểu đảng Cộng hoà ở Hạ viện. Chúng tôi không có đủ dữ kiện trong tay, đó là lý do vì sao chúng tôi yêu cầu FBI công bố toàn bộ các dữ kiện họ đang có. Ngay cả giám đốc FBI Comey cũng lưu ý rằng thông tin mới này có thể không đáng kể. Vậy thì còn chờ gì mà không công khai nó?”
Lên tiếng tại thành phố Des Moines, bang Iowa, bà Clinton nói nhân dân Mỹ có quyền được thông tin càng đầy đủ càng tốt trước khi họ đi đầu phiếu vào ngày 8/11.
Bà Clinton lên tiếng vài giờ sau khi FBI cho hay sẽ duyệt lại những email mới, xem liệu chúng có liên hệ gì tới cuộc điều tra về việc bà đã sử dụng máy chủ cá nhân để liên lạc bằng email thời còn làm Ngoại Trưởng hay không.
Các email mới được phát hiện trong cuộc điều tra ông Anthony Weiner về những email dâm ô bất hợp pháp của ông này, ông là chồng cũ của bà Huma Abedin, phụ tá lâu năm của bà Hillary Clinton.

FBI sẽ điều tra thêm email liên quan đến bà Clinton

Bà Hillary Clinton hôm thứ Sáu mạnh mẽ kêu gọi Cục Điều tra Liên bang (FBI) công bố “đầy đủ toàn bộ dữ kiện” về việc cơ quan này quyết định duyệt lại những email có liên hệ tới cuộc điều tra của họ nhắm vào máy chủ riêng tư của bà.
“Tiến trình bỏ phiếu đang diễn ra, vì vậy người dân Mỹ xứng đáng nhận được đầy đủ toàn bộ dữ kiện,” bà Clinton nói trong một cuộc họp báo ngắn tại thành phố Des Moines, bang Iowa.
Bà Clinton lưu ý thông báo duyệt lại email của FBI được đưa ra 11 ngày trước ngày bầu cử, và bà không biết trong những email này có gì. Nhưng bà nói bà “tin rằng dù có gì đi nữa thì nó cũng sẽ không thay đổi kết luận hồi tháng 7,” nhắc tới đề nghị của FBI không truy tố hình sự bà.
Trước đây, sau khi phát hiện trong một số email của bà Clinton có chứa thông tin mật của chính phủ, FBI đã mất khoảng một năm điều tra việc bà dùng máy chủ email cá nhân cho công vụ thời còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2013. Chính phủ Mỹ cấm lưu chuyển thông tin mật vượt ngoài các kênh an toàn.
Hồi tháng 7, Giám đốc FBI cho biết có bằng chứng cho thấy bà Clinton và nhân viên có thể đã phạm luật, nhưng FBI nói rằng công tố viên, nếu làm việc đúng tình đúng lý, thì sẽ không truy tố bà.
Bà Clinton chưa phản hồi công khai trước tin này, nhưng chủ tịch ban vận động của bà, John Podesta, yêu cầu FBI cung cấp thêm thông tin về việc này ngay lập tức.
Ông Podesta nói ông tin rằng vụ này cũng sẽ có kết luận giống như những gì FBI đã kết luận hồi tháng 7 lúc khép lại cuộc điều tra email mà không tìm ra đủ bằng chứng để để truy tố hình sự.
Bà Clinton từng lên tiếng cáo lỗi về vụ email trước, nói rằng đó là một sai lầm.
Reuters dẫn nguồn từ New York Times cho biết các email mới vừa được phát hiện trong lúc FBI đang tiến hành điều tra về các tin nhắn tình dục của cựu dân biểu Anthony Weiner, qua việc thu giữ các thiết bị điện tử của phụ tá cho bà Clinton là bà Huma Abedin và chồng bà Abedin, ông Anthony Weiner.
Đối thủ của bà Clinton bên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, đã nhanh chóng chỉ trích bà Clinton rằng đây là những sai phạm ‘trên quy mô chưa từng thấy trước nay.’
Tòa Bạch Ốc ngày 28/10 cho hay không được thông báo trước về loan báo của FBI rằng đang điều tra thêm một số email của bà Clinton.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Eric Schultz, cho báo giới biết tin này không làm ảnh hưởng tới sự ủng hộ của Tổng thống Obama dành cho bà Clinton.

Nghị quyết LHQ kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân

Các nước thành viên Liên hiệp quốc đã biểu quyết với đa số áp đảo ủng hộ một biện pháp có thể dẫn đến lệnh cấm vũ khí hạt nhân.
Hôm thứ 5, Uỷ ban Giải trừ Vũ khí và An ninh Quốc tế bỏ phiếu chấp thuận một nghị quyết kêu gọi xúc tiến thương thuyết để đạt một hiệp ước mới đặt vũ khí hạt nhân ra ngoài vòng pháp luật, bất chấp sự chống đối của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bà Beatriz Fihn, Giám đốc điều hành của Chiến dịch Quốc tế Loại trừ Vũ khí Hạt nhân nói “Hiệp ước này không loại bỏ vũ khí hạt nhân trong một sớm một chiều. Tuy nhiên văn kiện này sẽ thiết lập một tiêu chuẩn pháp lý quốc tế mạnh mẽ, nêu lên tính cách xấu xa của vũ khí hạt nhân và buộc các quốc gia thành viên phải khẩn cấp hành động để giải trừ vũ khí hạt nhân.”
Bà Fihn nói đây là một “cuộc biểu quyết có tính cách lịch sử” dù cho việc thuyết phục các nước hủy bỏ vũ khí hạt nhân sẽ vô cùng khó khăn.
Nghị quyết không có tính cách ràng buộc, đã được Áo, Brazil, Ireland, Nigeria, Mexico và Nam Phi đề xuất đã được thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Các cường quốc hạt nhân đã vận động để bỏ phiếu “Không.”
Hoa Kỳ, Israel, Pháp, Nga và Anh nằm trong số các nước bỏ phiếu chống. Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng.
Các thành viên LHQ sẽ gặp nhau vào tháng 12 tới đây để bỏ phiếu về nghị quyết trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Một mục tiêu khác của nghị quyết này là tổ chức một hội nghị vào tháng 3 năm tới để thương thuyết về “một công cụ pháp lý có tính ràng buộc nhằm cấm vũ khí hạt nhân, đưa đến việc hủy bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.”
Các nước ủng hộ nghị quyết nêu lên những quan ngại sâu sắc về “những hậu quả tai hại đối với con người nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.”
Các quốc gia chống nghị quyết nói việc giảỉ trừ vũ khí hạt nhân nên được thảo luận trong các cuộc thương thuyết về Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Nghị quyết được đưa ra sau 3 hội nghị quốc tế trong năm 2013 và các cuộc thảo luận của một nhóm đặc nhiệm về giải trừ vũ khí hạt nhân năm 2016, công nhận những hậu quả tai hại đối với con người của vũ khí hạt nhân.

Phó Tổng thống Mỹ

không muốn làm cho bà Clinton, nếu bà đắc cử

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/10 tuyên bố không muốn phụng sự dưới chính quyền của bà Hillary Clinton nếu bà chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 8/11 tới đây.
“Tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp bà Hillary nếu bà thắng cử, nhưng tôi không muốn lưu lại trong chính quyền,” ông Biden chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với KBJR tại Duluth, Minnesota.
Hôm 27/10, tờ Politico loan tin rằng chiến dịch tranh cử của bà Clinton đang tính đến việc mời ông Biden làm Ngoại trưởng nếu bà Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ.

Pakistan đàn áp đối lập,

nhưng cho phép 1 nhóm Hồi giáo cực đoan tuần hành

Nhà chức trách Pakistan bị đả kích nặng nề vì một mặt đàn áp giới hoạt động chính trị muốn biểu tình chống chính phủ, nhưng mặt khác lại cho phép một nhóm Hồi giáo cực đoan tuần hành tới tận trung tâm thủ đô Islamabad.
Đảng đối lập Pakistan Tehreek-i-Insaf (PTI) do quán quân bóng chày Imran Khan lãnh đạo, dự trù tiến về Islamabad vào ngày thứ Tư để tổ chức một cuộc biểu tình để đòi Thủ Tướng Nawaz Sharif từ chức, và tố cáo ông về tội tham nhũng.
Nhưng chính quyền Pakistan hôm thứ Năm cấm tất cả các cuộc tuần hành chính trị và tôn giáo trong thành phố, đồng thời phát động một chiến dịch đánh chặn trên khắp nước để ngăn cản người của đảng PTI và một số lãnh đạo đảng này, tuần hành tới Islamabad. Hàng trăm người đã bị bắt giữ.
Các trục lộ dẫn đến Islamabad bị phong toả bằng container, trong khi cảnh sát dùng gậy giải tán các thành viên đảng đối lập, đang trực chỉ về hướng thủ đô Islamabad.
Người cầm đầu đảng PTI, ông Imran Khan, bị cấm không được rời khỏi nhà ông ở gần Islamabad, cùng với một số lãnh đạo cao cấp khác đang hội họp tại đó. Ông Khan cam kết sẽ có mặt để dẫn đầu cuộc tuần hành dự trù cho ngày 2/11.
Trong khi các ủng hộ viên của phe đối lập đấu tranh với cảnh sát cả ngày thứ Sáu tới tận khuya, thì đảng Hồi giáo Ahle Sunnat Wal Jamaat (ASWJ) của người Sunni tuần hành ở một khu trung tâm Islamabad, bất chấp lệnh cấm tụ tập.
Bộ Nội vụ Pakistan biện minh rằng đây là một cuộc tuần hành tôn giáo, điểm tụ tập hàng năm của ASWJ, và ban tổ chức cuộc tuần hành đã xin phép trước.
Mặc dù vậy, chính quyền Pakistan bị đả kích mạnh mẽ vì cho phép cuộc tuần hành tôn giáo của một tổ chức bị chỉ trích là vẫn “cổ vũ cho phong trào cực đoan tôn giáo” tại một thời điểm khi mà Pakistan cần phải kiềm chế các nhóm Hồi giáo thường xuyên dùng lãnh thổ Pakistan để phát động các cuộc tấn công khủng bố tại Afghanistan và Ấn Độ.
Các tổ chức bênh vực nhân quyền và giới bình luận tố cáo chính quyền của ông Sharif là áp dụng “hai tiêu chuẩn khác nhau” cho đối lập và nhóm Hồi giáo cực đoan, và đặt nghi vấn về cam kết của Pakistan sẽ kiềm chế phong trào cực đoan bạo động.

TQ tấn công tin tặc

Hội nghị Công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài Loan

Giới chuyên gia an ninh mạng ở Mỹ cho biết tin tặc Trung Quốc vừa mở cuộc tấn công mạng nhắm vào những người tham dự Hội nghị Công nghiệp Quốc phòng Hoa Kỳ-Đài Loan.
Các quan chức nói âm mưu tấn công diễn ra trước đây trong tháng tại hội nghị ở Williamsburg, bang Virginia. Hội nghị quy tụ sự tham dự của các quan chức quốc phòng, đại diện ngành công nghiệp quốc phòng, các chuyên gia an ninh quốc phòng và các học giả nghiên cứu.
Ông Steven Adair, người sáng lập công ty an ninh mạng Volexity khu vực Washington, cho biết âm mưu tấn công đó dựa trên email ‘lừa đảo’ từ Trung Quốc, dụ dỗ người nhận mở tin nhắn. Email đó chứa phần mềm độc hại tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập tất cả các hệ thống được kết nối với mạng của máy tính đó.
Bà Lotta Danielson, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ-Đài Loan, đơn vị tài trợ hội nghị, nói với đài VOA rằng hiệp hội này đã trở thành mục tiêu của hacker trong nhiều năm, và đã hết sức cảnh giác.
Bà cho biết ngay lập tức bà đã thông báo cho tất cả thành viên tham dự hội nghị khi bà nhìn thấy email khả nghi và bà đã chuyển tiếp e-mail đó cho các chuyên gia an ninh.

TQ cảnh cáo Ấn về việc Đức Đạt Lai Lạt Ma tới biên giới

Trung Quốc ngày 28/10 chỉ trích Ấn Độ về lời mời lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng đến thăm một dải đất có tranh chấp trên đường biên giới Ấn-Trung, đồng thời cảnh cáo rằng hành động này sẽ gây tổn hại quan hệ hai nước láng giềng.
Trung Quốc nhận chủ quyền hơn 90 ngàn cây số vuông vùng đất mà Ấn cũng đòi chủ quyền ở phía Đông dãy Himalayas. Phần lớn khu vực này làm nên bang Arunachal Pradesh của Ấn mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng.
Một phụ tá cao cấp của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho Reuters biết Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình 80 tuổi đã nhận lời mời của lãnh đạo và cư dân bang Arunachal Pradesh.
“Ngài định tới thăm khu vực này vào tuần lễ thứ nhì của tháng 3,” người phụ tá tên Tenzin Taklha cho biết.
Ông Lục Khảng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường kỳ, tuyên bố Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối việc Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thăm biên giới Trung-Ấn, đồng thời kỳ vọng Ấn tôn trọng đồng thuận song phương về vấn đề khu vực này để mối quan hệ đôi bên có thể phát triển lành mạnh, ổn định.
Trung Quốc xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần tử ly khai dù Ngài khẳng định chỉ mưu tìm một nền tự trị đúng nghĩa cho Tây Tạng, vùng đất bị quân đội cộng sản Trung Quốc ‘giải phóng hòa bình’ hồi năm 1950.
Bất đồng giữa Trung-Ấn về các phần đất trên đường biên giới kéo dài 3.500 cây số đã dẫn tới một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962. Đôi bên đã tìm cách kiểm soát tranh chấp nhưng các vòng đàm phán không đạt mấy kết quả.

Hàn Quốc: Biểu tình đòi bà Park Geun-hye từ nhiệm

Cuộc biểu tình xảy ra sau khi bà Park yêu cầu 10 vị cố vấn cao cấp từ chức, sau khi thừa nhận bà đã cho phép một người bạn lâu năm biên tập các bài diễn văn chính trị.
Choi Soon-sil, người không nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong chính quyền, cũng bị nghi ngờ can thiệp vào quá trình xây dựng chính sách và tận dụng các mối liên hệ của bà với tổng thống để trục lợi về tài chính.
Hôm thứ Bảy 29/10, các công tố viên lục soát nhà riêng của một số trợ lý tổng thống. Nhiều máy tính và tài liệu của các quan chức được cho là đồng phạm của bà Choi đã bị thu giữ.
‘Mất uy quyền’
Cảnh sát nói khoảng 8.000 người biểu tình đã xuống đường vào tối thứ Bảy. Con số mà các nhà tổ chức biểu tình đưa ra là 20.000 người.
Nhiều người mang biểu ngữ viết : “Hãy từ chức, Park Geun-hye”.
“Bà Park đã mất uy quyền của một tổng thống và cho thấy bà không có những phẩm chất cơ bản nhất để điều hành một đất nước,” chính trị gia đối lập Jae-myung Lee được hãng tin AP dẫn lời nói.
Lời xin lỗi của bà Park về vụ tai tiếng được phát trên truyền hình vào tuần trước thất bại trong việc làm giảm căng thẳng mà thay vào đó lại khuấy lên các cáo buộc về cách quản lý sai của chính quyền.
Vụ tai tiếng ảnh hưởng nặng nề tới sự ủng hộ đối với bà trước kỳ bầu cử năm tới, với một số đảng đối lập kêu gọi bà từ chức.
Bà Park năm nay 64 tuổi, là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hàn Quốc sau khi giành chiến thắng năm 2012. Chính bà cũng là người đề nghị tổng thống được phép ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp.
Bà Choi là con gái của lãnh tụ giáo phái Choi Tae-min, người đã dẫn dắt bà Park cho tới khi qua đời năm 1994.
Bà Choi rời Hàn Quốc hồi tháng trước và hiện ở Đức, bà phủ nhận việc thu lợi tài chính qua các mối quan hệ của bà với chính phủ.
Luật sư của bà nói bà ý thức rõ mức độ nghiêm trọng của sự việc và sẵn sàng trở về Hàn Quốc nếu các công tố viên triệu tập.
Xem thêm chuyên mục về Hàn Quốc của BBC:http://www.bbc.com/vietnamese/topics/south_korea

Lithuania ‘cảnh báo nguy cơ Nga tấn công’

Lithuania đã cập nhật cuốn sách tự vệ dân sự, khuyên người dân làm gì khi bị Nga xâm lược.
Cuốn sách liệt kê các kỹ thuật sống sót và cảnh báo Nga sẵn sàng dùng quân sự chống lại láng giềng.
Hàng chục ngàn bản của cuốn sách 75 trang đã được phân phát.
Chính phủ cũng mở đường dây nóng để công dân trình báo các nghi phạm là điệp viên.
Quan hệ của Nga với các nước Baltic đã xấu đi từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine.
Đây là bản sách thứ ba mà bộ quốc phòng Lithuania xuất bản từ 2014, nhưng phiên bản lần này tỏ ra nghiêm trọng hơn.
Nó chỉ dẫn cách xác định xe tăng, đạn, mìn của Nga.
Lithuania từng thuộc Liên Xô. Năm 2004, nước này gia nhập Nato.
Lithuania chia sẻ đường biên giới với Kaliningrad của Nga.
Các đồng minh Nato dự định gửi thêm quân và thiết bị đến các nước Baltic.
Lithuania, Estonia và Latvia đã bày tỏ lo ngại bị Nga xâm lược.
Năm ngoái, Lithuania nói họ sẽ mở lại chính sách tòng quân cho đàn ông tuổi từ 19 đến 26.

Ba Lan tố cáo Nga đưa tàu chiến hạng nặng

vào vùng biển Baltic

Hôm qua, 28/10/2016, Ba Lan đã lên án việc Nga mới triển khai hai chiến hạm, trong bị tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào vùng Baltic. Vacxava đánh giá động thái của Matxcơva là « hung hăng và vô trách nhiệm ».
Giữa tuần này, Nato khẳng định Nga đã đưa hai chiến hạm lớn vào trong vùng biển Baltic. Phản ứng trước thông tin trên, ngoại trưởng Witol Waszczykowski đã tuyên bố trên đài phát thanh Ba Lan rằng : « Việc triển khai tàu chiến có khả năng mang vũ khí hạt nhân là một cách ứng xử hung hăng và vô trách nhiệm. Đó là phản ứng không tương xứng với những quyết định của NATO».
Hồi tháng 7 vừa qua, tại Vacxava, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã thông qua kế hoạch điều quân các đồng minh luân chuyển trong 3 quốc gia vùng Baltic và tại Ba Lan. Mục đích để trấn an các nước này là họ sẽ không bị bỏ rơi trong trương hợp nếu Nga lại tính chuyện can thiệp ở đó như đã làm với Ukraina năm 2014.
Ngay sau đó, Kremlin đã có động thái đáp trả bằng việc gia tăng hiện diện quân sự trong vùng Baltic. Các máy bay Nga thường xuyên có những hành động thử phản ứng trong không phận của các nước vùng Baltic, thành viên của Nato.
Đầu tháng này, Nga đã triển khai tên lửa Iskander, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong vùng Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga lọt giữa Ba Lan và Litva.
Matxcơva vẫn kiên quyết phản đối việc việc NATO mở rộng về các nước từng được coi là sân sau Liên Xô trước đây. Nga dự tính thành lập ba sư đoàn mới trong vùng tây nam và triển khai tại đó các loại vũ khí mới nhằm đáp trả những động thái mà họ coi là sự tâp trung quân sự nguy hiểm của phương tây ở biên giới với Nga.

Những người Nga lo sợ chiến tranh với phương Tây

Gabriel GatehouseBBC Newsnight
Tại miền rừng ngoại ô của Moscow, hàng chục học viên đang chạy chiến đấu trong sự căng thẳng, hòng nhắm những viên đạn từ súng hơi hạng nhẹ vào đối phương.
Chuyến đi chơi trò đạn sơn cuối tuần này được một đảng đối lập tổ chức. Một cuộc chơi thoạt nghe tưởng chừng như hoàn toàn vô hại. Nhưng ở Nga, mọi thứ không nhất thiết phải đúng như tên gọi của nó.
“Chúng tôi cung cấp nhiều chủ đề liên kết đến quân sự,” Stepan Zotov cho biết. Ông này là một nhà hoạt động của đảng đang điều khiển chuyến đi này.
“Đây là một cuộc đấu dao, ném dao. Với lại, đạn dược sử dụng là thật, nên chúng tôi thường đi đến những trường bắn hay thỉnh thoảng là vùng quân sự cắm.”
Đảng của ông Zotov, Rodina, nghĩa là Đất Mẹ, là một phần của cái gọi là “đối lập trung thành,” tức là ủng hộ Điện Kremlin.
Và những hoạt động của ông ta là một phần của chương trình “giáo dục quân sự yêu nước” cho học viên, được chính phủ ủng hộ.
Tôi đến gặp ông Zotov là do, theo dõi tin tức từ truyền hình Nga trong vài tuần trở lại đây, chúng ta có thể mơ hồ nghĩ rằng nước Nga đang trong tư thế chuẩn bị nghênh chiến với phương Tây.
Khoảng đầu tháng này, một kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát khuyến cáo người xem đài đi tìm hầm tránh bom hạt nhân gần nhất trước khi quá muộn. Nga gần đây đã tiến hành những bài tập dượt với quy mô toàn lãnh thổ để chuẩn bị cho tình huống nêu trên có thể xảy ra. Ông Zotov thực hiện nhiệm vụ này rất nghiêm túc.
“Chúng tôi đang chuẩn bị nghênh chiến với phương Tây. Nhưng phần lớn sự đương đầu này nằm ở lĩnh vực văn hoá, thông tin, và giá trị. Nền văn minh Nga là một sự văn hoá của những anh hùng và chiến binh.”
Ông Zotov hồi tưởng về sự sụp đổ của Liên Xô không phải là thắng lợi của sự tự do mà là một bi kịch.
“Đất nước vĩ đại của chúng tôi giải tán không có chiến tranh, không xung đột. Vì chúng tôi bắt đầu yêu một dân tộc khác và một nền văn hoá khác, không phải của chúng tôi.”
Stepan Zotov đã kể với tôi là ông đã chiến đấu dưới tư cách là một tình nguyện viên sát cạnh lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
“Tôi và những đồng chí, thật không may là cả những học viên trường sĩ quan của tôi đã tham gia. Đây là cuộc xung đột giữa nước Nga và phương Tây.”
Qua tiếp xúc, tôi nhận thấy không học viên nào bày tỏ sự mong muốn tình nguyện đi đánh trận ở Ukraine. Họ chỉ xấp xỉ tuổi đôi mươi hay trên dưới 20 tuổi, tất cả đều sinh ra sau thời Xô Viết. Và họ xem chừng như không lấy làm thuyết phục bởi bài nói trên truyền thông về sự xung đột sắp tới.
“Mọi người đừng nên theo dõi TV ở Nga,” một cô gái trẻ nói.
“Truyền thông đang thổi phồng mọi thứ lên. Đây là cuộc chiến thông tin. Mọi người không nên để tâm vào đấy. Họ đang làm mọi người lo lắng vì điều không đâu vào đâu.”
Tôi hỏi khái niệm phương Tây có ý nghĩa gì với họ.
“Chủ nghĩa tư bản,” một ý kiến cho biết.
“Cơ hội,” một ý kiến khác.
“Vả lại, văn hoá rất thú vị. Đó là một nền văn hóa khác. Có thể một ngày nào đó sẽ có sự hợp tác bởi vì chúng ta cùng chung sống trên một hành tinh và chẳng có lý do gì để chiến tranh.”
Gần như là ngay khi nắm trong tay quyền lực, Putin bắt đầu điều khiển các đài truyền hình của Nga. Quá trình ấy giờ đã hoàn tất. Những gì mọi người thấy trên truyền hình hiện nay hoặc là đã được sự đồng ý hoặc là ủng hộ Kremlin.
Các chương trình tin tức có nhiều câu chuyện về chiến trạnh và khủng hoảng nước ngoài, và những tiêu chuẩn kép quốc tế. Chính quyền Ukraine bị cáo buộc hành xác trẻ nhỏ; BBC dàn cảnh cho vụ tấn công hoá học ở Syria.
Sự thật đứng dưới chính trị. Để ủng hộ cho hành động cân bằng đầy khó khăn này, một cơ cấu triết học được xây dựng. Một trong những kiến trúc sư là Alexander Dugin, một nhà tư tưởng và lý luận, người đang chịu trừng phạt của Mỹ cho cáo buộc liên quan sự sáp nhập Crimea vào Nga và chiến tranh ở miền Đông Ukraine.
“Sự thật là một câu hỏi về đức tin,” ông nói với tôi, khi tôi đến thăm ông tại đài truyền hình tôn giáo riêng của ông gần Kremlin.
“Hậu hiện đại cho thấy rằng cái gọi là sự thật chỉ là vấn đề niềm tin. Bởi thế, chúng ta tin vào những việc chúng ta làm, chúng ta tin vào những lời chúng ta nói. Và đó là phương pháp duy nhất để định nghĩa sự thật. Do đó chúng tôi có sự thật đặc biệt của nước Nga mà mọi người cần phải chấp nhận.”
Triết lý của Dugin được biết đến là sự lai Á-Âu. Nó nói rằng nước Nga Chính thống không thuộc về Đông hay Tây, mà là một sự khai hoá riêng biệt và duy nhất, một nền văn minh chiến đấu đòi vị trí hợp pháp giữa các thế lực trên thế giới. Triết lý của ông dần tạo sự ảnh hưởng ngày một lớn trong giới tinh hoa chính trị và quân sự của Nga.
“Nếu Mỹ không muốn khơi mào chiến tranh, các bạn nên nhận thấy rằng Mỹ không còn là nhân tố chỉ huy duy nhất. Và với tình hình ở Syria và Ukraine, Nga phát biểu, ‘Mỹ không còn là ông trùm nữa.” Đó là câu hỏi ai mới là người thống trị thế giới. Duy nhất chiến tranh có thể thực sự quyết định.”
Sự xung đột trong tâm trí của ông Dugin không nhắm độc nhất vào Tây phương. Thông điệp này còn dành cho người trong nước. Đó là: không tồn tại cái gọi là giá trị tự do toàn cầu; không có sự mâu thuẫn nội tại trong chế độ dân chủ không cho phép bất đồng quan điểm.
Trong bóng tường của Kremlin, đoàn người hoạt động xã hội ngày càng ít đang cố gìn giữ những ký ức về Boris Nemtsov. Họ đặt những bông hoa lên nơi mà những chính khách của phe đối lập đã ngã xuống năm ngoái. Đó là một công việc lạnh lẽo và cô đơn.
“Tôi vẫn luôn tin là sự thật còn tồn tại,” Mikhail Shneider nói. Ông này từng là người bất đồng chính kiến thời Liên Xô và là đồng đội của ông Nemtsov.
“Sự thật là họ đã giết Boris Nemtsov ở đây, cách chỗ chúng ta đang đứng 10 mét. Sự thật là Putin đang ở Kremlin. Sự thật là tivi của Putin dối trá.”
Phần lớn người Nga không thật sự tin là chiến tranh hạt nhân với phương Tây sẽ nổ ra. Có lẽ ban lãnh đạo của họ cũng không tin tưởng vào điều đó. Họ dường như không tin tưởng lắm vào một nhà nước độc đoán hậu hiện đại.
Tuy nhiên khi một lời nói dối được lặp lại nhiều lần, nó có thể biến thành một thực tế.

Irak : Dân quân Shia cắt đường tiếp liệu của Daech

Dân quân Irak chống Daech mở mặt trận mới ở tây bắc Mossoul. Mục tiêu là thành phố Tal Afar. Đây là nơi có đại đa số tín đồ Shia bị Daech đánh chiếm vào năm 2014, và cũng nằm trên trục lộ chiến lược giao thông với Syria.
Theo AFP, lực lượng dân quân Irak có tên là Hachd al-Chaabi do Iran võ trang bắt đầu tham gia vào chiến dịch tái chiếm Mossoul, thủ phủ của Daech tại Irak.
Từ khi chiến dịch này khai mở vào ngày 17/10, dân quân Shia chỉ can thiệp ở phía tây Irak, nơi không có quân đội chính phủ Irak bố trí . Phát ngôn viên của lực lượng này cho biết mục tiêu của họ là chiếm lại ba thành phốTal Afar, Tal Aba và Hatra nằm ở tây bắc Irak, để không cho chiến binh Daech ở Irak và Syria tiếp cứu lẫn nhau.
Sự can thiệp của dân quân Shia do Iran ủng hộ vào chiến dịch tái chiếm Mossoul gây căng thẳng với phe Kurdistan và hệ phái Sunni ở Irak. Dân quân Shia bị tố cáo hành xử thô bạo với tín đồ Sunni mỗi khi chiến thắng. Do vậy, dân quân Shia cho biết họ sẽ không vào thành phố Mossoul.
Trong khi đó tại phía nam Mossoul, tình hình chiến sự tiếp tục sôi động. Trái với loan báo « tạm nghỉ ngơi hai ngày để củng cố các vùng tái chiếm », quân đội chính phủ, chia làm bốn mặt, tấn công vào huyện Al Choura.
Syria : phe nổi dậy tiếp tục phản công
Theo tổ chức quan sát nhân quyền Syria OSDH, các nhóm nổi dậy tại Syria đã huy động hơn 1500 chiến binh, mở một trận phản công dài trên 15 cây số ở phía tây Aleppo.
Sau khi chiếm được một khu phố quan trọng, mục tiêu kế tiếp là đánh vào một trường quân sự, theo thông báo của một chỉ huy chiến trường. Không quân Nga phải can thiệp dữ dội tại phía tây Aleppo nhưng tôn trọng lệnh ngưng oanh kích ở phía đông thành phố.

Liên Hiệp Quốc loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28/10/2016 đã bầu lại 14 thành viên trong Hội Đồng Nhân Quyền. Kết quả đã gây ngạc nhiên khi với một số phiếu rất khít khao, Đại Hội Đồng đã bác đơn của Nga, muốn tiếp tục làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.
Thông tín viên RFI, Marie Bourreau từ New York cho biết thêm chi tiết :
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã gây ngạc nhiên khi bất ngờ bác đơn Nga muốn ở lại Hội Đồng Nhân Quyền. Matxcơva như vậy là đã trả giá cho việc can thiệp vào Syria và cho số phận hàng trăm ngàn thường dân bị kẹt trong chiến dịch bao vậy đông Aleppo.
Nga, Croatia và Hungary tranh nhau hai ghế dành cho Đông Âu. Nga chỉ được 112 phiếu trong lúc Croatia được 114 phiếu và Hungary 144, trên tổng số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc.
Mấy hôm trước, hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi Đại Hội Đồng đừng bầu lại Nga cho một nhiệm kỳ thứ hai, tức 3 năm nữa, do việc Nga hậu thuẫn cho chế độ của tổng thống Bachar al Assad.
Dẫu sao đây cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến điện Kremlin, cho dù Nga đã nhường chỗ cho Hungary của ông Viktor Orban từng bị chỉ trích gắt gao vì chính sách đóng cửa đối với người tị nạn.
Đó cũng là những nghịch lý của một định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, cho mỗi thành viên một tiếng nói, mặc dù hàng năm các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều lên tiếng tố cáo những vị phạm tệ hại nhất của một số quốc gia được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền.
Hậu quả của việc chọn Trung Quốc, Ai Cập, hay Ả Rập Xê Út vào Hội Đồng rất cụ thể : Các quốc gia này có thể dùng hết sức lực để ngăn chận những nghị quyết, phá hỏng nhiệm vụ các báo cáo viên đặc biệt, hay cấm lập các ủy ban điều tra độc lập về các hành vi vi phạm nhân quyền.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161029-dai-hoi-dong-lhq-loai-nga-ra-khoi-hoi-dong-nhan-quyen

Nhật và Ấn

thắt chặt quan hệ quốc phòng để đối phó với Trung Quốc

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ ngày 28/10/2016, thủ tướng Narenda Modi sẽ đến Tokyo ngày 11/11 trong một chuyến công du hai ngày. Ông Modi sẽ họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe để bàn việc tăng cường quan hệ quốc phòng, hạt nhân dân sự giữa hai nước. Tại Tokyo, thủ tướng Ấn Độ cũng sẽ có cuộc hội kiến với Nhật Hoàng Akihito.
Thông cáo bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết thêm là cuộc gặp thượng đỉnh Modi-Abe lần này « sẽ là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi kỹ lưỡng về các vấn đề song phương, khu vực và thế giới vì lợi ích chung ».
Trong khi đó báo chí tại Ấn Độ đưa tin, trong cuộc gặp lần này, lãnh đạo hai nước sẽ ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, mà lần gặp trước hai bên đã thảo luận nhưng không đạt được kết quả. Một thỏa thuận hạt nhân sẽ cho phép Nhật xuất khẩu các công nghệ hạt nhân dân sự sang Ấn Độ, nước không phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khi hạt nhân của quốc tế.
Một trọng tâm khác của cuộc gặp thượng đỉnh Ấn – Nhật lần này là tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, trong đó có vấn đề tổ chức tập trận chung giữa quân đội hai nước.
Ấn Độ và Nhật Bản là hai nước đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ là trên đất liền và Nhật Bản là trên biển. Lãnh đạo hai nước đều được đánh giá là là những người theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn.
Ngay sau khi lên lãnh đạo Ấn Độ, tháng 8 năm 2014, thủ tướng Modi đã có chuyến công du đầu tiên đến Nhật Bản. Tháng 12 /2015, thủ tướng Shinzo Abe cũng đã tới thăm chính thức Ấn Độ. Trong chuyến đi đó hai bên đã có những phác thảo ban đầu cho cho sự hợp tác quốc phòng và hạt nhân dân sự.

Vì sao liên quân chống Daech

chưa vào giải phóng Raqqa ở Syria ?

Vào lúc chiến dịch giải phóng Mossoul, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech tại Irak đang diễn ra, nhiều tiếng nói gần đây đã nêu lên khả năng tấn công vào thủ phủ thứ hai của Daech tại Syria là Raqqa. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, đánh Mossoul đã là một công việc không dễ, nhưng đụng vào Raqqa sẽ là một việc gian nan gấp bội, vì tình hình Syria phức tạp hơn Irak rất nhiều.
Mới cách đây hai hôm, ngày 26/10/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Anh Michael Fallon đã lên tiếng khẳng định rằng chiến dịch tái chiếm Raqqa sẽ bắt đầu « trong vài tuần » sắp tới đây, và Mỹ cũng như Anh Quốc, có đủ khả năng cùng lúc đánh trên cả hai mặt trận.
Nói thì như thế, nhưng theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, các quan chức lãnh đạo liên minh quốc tế chống Daech vẫn tránh đưa ra lịch trình cụ thể của chiến dịch đánh vào Raqqa, và khi phát biểu riêng, đều không dám khẳng định bất cứ điều gì. Một nguồn tin Pháp giải thích : « Rõ ràng là chưa có gì sẵn sàng cho việc sớm đánh chiếm Raqqa (…) Vấn đề Syria phức tạp hơn nhiều ».
Để mở chiến dịch tái chiếm Mossoul, bị Daech chiếm cứ từ tháng 06/2014, liên quân quốc tế đã phải chuẩn bị trước cả năm, và thảo luận kỹ lưỡng giữa ba bên : Liên quân quốc tế, Bagdad và chính quyền người Kurdistan ở Irak. Chiến dịch do các lực lượng Iraq và chiến binh peshmerga của người Kurdistan tiến hành, và được liên minh yểm trợ.
Vấn đề đầu tiên là nếu đánh vào Raqqa, tức là tại Syria, nơi có vô số các nhóm võ trang khác nhau, lại được các cường quốc khác nhau ủng hộ trực tiếp hay gián tiếp, thì rất khó chọn phe nào làm lực lượng chủ đạo.
Nguồn tin Pháp giải thích : « Có một sự khác biệt căn bản giữa Irak và Syria. Tại Irak, liên quân đã can thiệp theo lời mời của chính quyền Irak. Còn tại Syria, thì các nước trong liên quân lại chống chính quyền Al-Assad, và không muốn mở những chiến dịch có lợi cho Damas ».
Câu hỏi then chốt là ai sẽ chỉ huy chiến dịch Raqqa, và sẽ huy động các lực lượng nào. Theo một quan chức quân đội Mỹ, việc tái chiếm Raqqa phải do một lực lượng Ả Rập tiến hành. Nhiều nguồn tin khác khẳng định là không thể để lực lượng Kurdistan ở Syria đi vào một thành phố 200.000 dân mà đa số là người Hồi Giáo hệ phái Sunni.
Trên chiến trường Syria hiện nay, vấn đề là chỉ có hai lực lượng ở Syria chiến đấu chống Daech : Lực Lượng Dân chủ Syria – một liên minh người Kurdistan và Ả Rập do Mỹ hỗ trợ – và phiến quân Syria thuộc tổ chức Quân Đội Syria Tự Do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Họ có đủ người để tấn công hay không ? Giới chức quân sự khẳng định là có đủ, nhưng sự đối nghịch giữa các lực lượng dân quân người Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hai lực lượng này không thể nào hợp tác được với nhau.
Washington gần đây đã có dấu hiệu thiên về Ankara. Sau cuộc gặp với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tại Bruxelles hôm 26/10, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cho biết đã làm việc chặt chẽ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, và điều đó mang lại kết quả đáng khích lệ với việc chiếm lại Dabiq (trong tháng Mười). Ông Carter nói tiếp : « Chúng tôi đang tìm kiếm những cơ hội khác để làm việc tại Syria, kể cả trên vấn đề Raqqa ».
Câu hỏi cuối cùng : Thái độ của Nga, đồng minh của Damas như thế nào ? Theo nguồn tin Pháp, mục tiêu của Nga rất khác. Họ bận giúp Assad tiêu diệt đối lập ở Aleppo, và Raqqa không phải là một chủ đề quan tâm của Matxcơva.
Powered by Blogger.